sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 20: Người Gilyak đáng thương - P2

Mất khá nhiều thời gian để chọn sách. Anh không quen đọc thành tiếng, vì vậy mà không thể quyết định cuốn nào thích hợp để đọc to. Trù trừ một lúc, anh rút ra cuốn Đảo Sakhalin của Anton Chekhov vừa đọc xong tuần trước. Vì anh đã dán giấy nhớ đánh dấu những chỗ thú vị, nên chắc là sẽ tiện tìm chỗ thích hợp đọc to cho Fukaeri nghe.

Trước khi đọc, Tengo giới thiệu sơ qua về cuốn sách này. Năm 1890, khi Chekhov đến đảo Sakhalin du lịch, ông mới ba mươi tuổi. Là nhà văn trẻ được đánh giá cao thuộc thế hệ sau Leo Tolstoy và Fyodor Dostoyevsky, một người thành thị đang sống cuộc sống xa hoa ở thủ đô Matxcơva như Chekhov, tại sao lại quyết định một mình đến vùng đất xa xôi Sakhalin, lại còn ở đó suốt một thời gian khá dài. Không ai biết lý do thực sự. Sakhalin chủ yếu là vùng đất được khai khẩn để làm nơi lưu đày những người tù khổ sai, đối với người bình thường, đó chỉ là biểu tượng của bi thảm và sự chẳng lành. Huống hồ thời bây giờ vẫn chưa có đường sắt Tây Siberia, ông chỉ có thể ngồi xe ngựa rong ruổi hơn bốn nghìn cây số giữa trời đất giá băng, cuộc hành xác ấy đã khiến thân thể vốn không được khỏe mạnh của ông bị tàn phá nặng nề. Và cuốn sách Đảo Sakhalin, thành quả sau chuyến đi dài tám tháng đến miền Viễn Đông ấy, khiến không ít đọc giả phải bối rối. Bởi vì đây là một tác phẩm bóp nghẹt các yếu tố văn chương, giống như một bản báo cáo điều tra thực tế hay dư địa chí nhiều hơn. “Tại sao Chekhov lại làm chuyện nhọc công vô ích, chẳng có ý nghĩa gì trong giai đoạn vô cùng quan trọng với một nhà văn như thế?” Những người xung quanh đều xì xào bàn tán. Thậm chí có nhà phê bình còn khẳng định đó là hành vi “Cố ý gây chấn động, mượn cớ để nổi danh”. Cũng có người đoán rằng “Đã không còn biết viết gì nữa, nên đi để tìm kiếm tư liệu sống.” Tengo cho Fukaeri xem tấm bản đồ in kèm theo sách, chỉ cho cô vị trí của Sakhalin.

“Tại sao Chekhov lại đi Sakhalin.”

“Em hỏi anh nghĩ thế nào về chuyện này à?”

“Phải. Anh đọc sách này rồi.”

“Đọc rồi.”

“Anh nghĩ thế nào.”

“Có lẽ chính bản thân Chekhov cũng không biết nguyên nhân thực sự,” Tengo nói. “Hay là nói thế này nhé, đột nhiên ông nảy ra ý tưởng, muốn đến đó xem thử thế nào. Chẳng hạn, khi nhìn trên bản đồ thấy hình dáng của đảo Sakhalin, ông không sao kiềm chế được sự thôi thúc, muốn đến tận nơi xem tận mắt. Anh cũng từng có những trải nghiệm tương tự vậy. Có một số nơi, anh nhìn trên bản đồ, bất chợt thấy dâng lên một ý muốn: ‘Cho dù thế nào, mình cũng phải đến đó xem!’ Không hiểu sao, rất nhiều trường hợp, đó đều là những nơi xa xôi bất tiện. Phong cảnh ở đó như thế nào? Đang xảy ra chuyện gì? Tóm lại, chỉ một mực muốn đến xem thử thế nào. Cảm giác ấy giống như sự ngứa ngáy, vì vậy không thể nói cho người khác biết nguồn gốc của tâm trạng bị thôi thúc ấy. Chỉ là lòng hiếu kỳ thuần túy. Một thứ linh cảm không thể nói rõ ra được. Thời bấy giờ, từ Matxcơva đi Sakhalin là chuyện khó khăn đến mức không thể tưởng tượng được, vì vậy anh nghĩ, chắc rằng Chekhov không chỉ có lý do đấy thôi đâu.”

“Ví dụ như.”

“Chekhov không chỉ là nhà văn, ông ấy còn là bác sĩ. Vì vậy, là một nhà khoa học, có lẽ ông ấy muốn tận mắt kiểm tra vết thương của nước Nga vĩ đại. Cái sự thật bản thân là nhà văn nổi tiếng cư trú ở thành thị khiến Chekhov cảm thấy khó chịu. Ông chán ghét không khí của văn đàn Matxcơva, không thể hòa hợp được với đám bạn văn ngày ngày làm bộ làm tịch, hoặc động một tí là phá đám nhau. Còn những nhà phê bình tâm địa bất trắc ấy, ông chỉ thấy chán ghét. Có khi chuyến đi Sakhalin chính là một cuộc hành hương gột rửa hết những vết nhơ của văn học. Hơn nữa, đảo Sakhalin ở nhiều tầng ý nghĩa đã làm ông cảm thấy chấn động sâu sắc. Có lẽ chính vì vậy, Chekhov mới không thể viết được một tác phẩm văn học lấy chuyến du hành đến Sakhalin làm đề tài. Đó tuyệt đối không phải chuyện nông cạn có thể tùy tiện lấy ra làm đề tài tiểu thuyết được. Hơn thế, vết thương này có thể nói đã trở thành một phần của thân thể ông. Không chừng đây mới là thứ mà ông ấy theo đuổi.”

“Cuốn sách ấy thú vị,” Fukaeri hỏi.

“Anh đọc thì thấy rất thú vị. Trong sách liệt kê rất nhiều con số và thống kê thực tế, vừa nãy anh cũng nói rồi, không có sắc thái văn học lắm. Nó thể hiện một cách mạnh mẽ khía cạnh nhà khoa học ở Chekhov. Nhưng ở đó, anh đọc được quyết tâm cao quý của ông. Hơn nữa, trong những ghi chép mang tính thực tế đó, thi thoảng cũng kèm những đoạn miêu tả nhân vật và phong cảnh mang lại ấn tượng sâu sắc. Thậm chí, ngay cả những đoạn văn mang tính thực tế chỉ liệt kê sự thực cũng không tồi chút nào. Đôi lúc còn rất đẹp là đằng khác. Như đoạn miêu tả về người Gilyak chẳng hạn.”

“Người Gilyak,” Fukaeri hỏi.

“Người Gilyak là những thổ dân sinh sống ở Sakhalin từ rất lâu trước khi bị người Nga đến chiếm đất. Bọn họ vốn sống ở phương Nam, nhưng vì bị người Ainu đến từ Hokkaido áp bức nên phải chạy đến cư trú ở miền Trung. Người Ainu cũng bị người Hòa[3] bức bách, nên mới phải rời khỏi Hokkaido. Chekhov đã quan sát đời sống văn hóa đang tiêu vong nhanh chóng vì sự Nga hóa tại Sakhalin ở cự li gần, đồng thời gắng sức ghi chép lại một cách chuẩn xác.”

[3]Người Nhật.

Tengo lớn giọng đọc đoạn văn miêu tả về người Gilyak. Để dễ hiểu hơn, có một số chỗ anh đã lược bớt và sửa đổi cho phù hợp.

Người Gilyak có thân hình thấp đậm nhưng rắn chắc. Khó có thể nói là tầm thước, mà có lẽ thuộc loại thấp nhỏ thì đúng hơn. Nếu thân hình cao lớn, hẳn là họ sẽ cảm thấy vướng víu trong rừng rậm. Đặc trưng của họ là xương lớn, những chỗ đầu xương có mật độ cơ bắp dày đặc, xương cột sống, xương khớp đều rất phát triển. Điều này làm người ta liên tưởng đến cuộc đấu tranh căng thẳng và không ngừng nghỉ giữa các cơ bắp mạnh mẽ, rắn chắc với tự nhiên. Cơ thể họ gầy guộc và săn chắc, không có mỡ dưới da. Bạn đừng hòng gặp được người Gilyak nào to béo. Hiển nhiên, tất cả mỡ của họ đều đã tiêu hao để duy trì nhiệt độ cơ thể. Để bù đắp phần thân nhiệt mất đi do nhiệt độ thấp và độ ẩm cực cao, những người ở Sakhalin không thể không tạo ra trong cơ thể mình một thân nhiệt tương ứng. Từ đây, có thể lý giải được tại sao người Gilyak lại có nhu cầu ăn nhiều mỡ đến thế. Thịt hải báo béo ngậy, mỡ cá hồi, cá tầm và cá voi, những miếng thịt còn rỏ máu, tất cả những thứ đó họ đều ăn sống, hoặc phơi khô, và phần lớn trường hợp là để đông lạnh. Họ ăn rất nhiều. Vì ăn những thực phẩm thô cứng như thế, nên những bộ phận tập trung nhiều cơ nhai của họ phát triển dị thường, răng thì cái nào cái nấy đều mòn vẹt. Họ chuyên ăn thịt, chỉ những khi ăn ở nhà hoặc uống rượu, mới ăn thêm tỏi Mãn Châu và dâu tây kèm với thịt và cá. Theo tường trình của Gennady Ivanovich Nevelskoy[4], người Gilyak coi nông nghiệp là một tội ác ghê gớm, họ tin rằng người nào tự ý đào đất lên để định trồng thứ gì đó chắc chắn sẽ chết. Nhưng bánh mì mà người Nga cho họ, thì lại rất được yêu thích, cho là món ngon. Ngày nay, ở Alexandrovsk và làng Orekhov, cũng không hiếm gặp những người Gilyak kẹp dưới nách cái bánh mì tròn loại lớn nữa.

[4] Gennady Ivanovich Nevelskoy (1813-1876): nhà hàng hải, nhà thám hiểm, quân nhân hải quân người Nga.

Tengo đọc tới đây thì dừng lại nghỉ một lúc. Anh không đoán được cảm tưởng của Fukaeri từ trên gương mặt đang lắng nghe say sưa ấy.

“Thế nào? Vẫn đọc tiếp chứ? Có cần anh đổi cuốn khác không?” anh hỏi.

“Em vẫn muốn biết thêm về người Gilyak.”

“Vậy thì anh tiếp tục đọc nhé.”

“Em nằm trên giường được không,” Fukaeri hỏi.

“Được chứ,” Tengo trả lời.

Vậy là hai người bèn chuyển sang phòng ngủ. Fukaeri leo lên giường, Tengo đem ghế kê bên cạnh, ngồi xuống, sau đó tiếp tục đọc.

Người Gilyak không bao giờ rửa mặt, nên ngay cả các nhà nhân loại học cũng không dám khẳng định màu da thật sự của họ là gì. Họ cũng không giặt đồ lót, còn các thứ quần áo, giày ủng bằng da và lông thì như thể mới được lột từ trên mình con chó chết ra vậy. Bản thân người Gilyak cũng phát ra một mùi xú uế nồng nặc khiến người ta phát mửa. Nếu nhà của họ ở gần đâu đó, thì có thể biết ngay nhờ vào mùi khó chịu, đôi lúc thậm chí không thể chịu nổi của cá khô và nội tạng cá rữa nát. Bất cứ nhà nào, bên cạnh cũng đều có một sân phơi đầy những con cá xẻ đôi, nhìn từ đằng xa, đặc biệt lúc mặt trời chói lóa, trông như bãi san hô. Ở gần sân phơi này, Krusenstern[5] từng phát hiện một ổ dòi bọ nhung nhúc phủ kín cả mặt đất, dày đến ba xăng ti mét.

[5]Ivan Fyodorovich Krusenstern (1770-1846): nhà thám hiểm, tư lệnh hải quân người Nga.

“Krusenstern.”

“Anh đoán ông ta là một nhà thám hiểm thời kỳ trước đó, Chekhov là người cần cù nghiên cứu, ông ấy đã đọc hết loạt các sách viết về Sakhalin.”

“Đọc tiếp đi.”

Đến mùa đông, trong căn nhà nhỏ, khói đặc sẽ bay ra từ bếp lò, thêm nữa, người Gilyak kể cả phụ nữ và trẻ con, ai nấy đều hút thuốc lá. Tuy chưa có bất cứ số liệu nào về tình hình bệnh tật và tỷ lệ tử vong của người Gilyak, nhưng cần phải thấy rõ điều kiện vệ sinh tệ hại như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ. Rất có thể nguyên nhân họ lùn nhỏ, mặt mũi phù thũng, động tác thiếu sức sống, tỏ ra mệt mỏi là do điều kiện vệ sinh ấy gây ra.

“Người Gilyak đáng thương,” Fukaeri nói.

Về tính cách của người Gilyak, các tác giả đưa ra những giải thích khác nhau, nhưng đều nhất trí ở một điểm, đó là họ không hiếu chiến, không thích tranh luận và ẩu đả, là một dân tộc có thể sống hòa bình với bất cứ hàng xóm nào. Mỗi khi có người mới xuất hiện, họ sẽ dò xét bằng cái nhìn đa nghi vì lo lắng cho tương lai, nhưng không hề có ý đồ phản kháng, và bao giờ cũng đón tiếp một cách hòa nhã. Giả sử họ cho rằng việc mô tả Sakhalin như một nơi buồn tẻ sẽ khiến những dân tộc khác rời khỏi đảo này ra đi, và họ bèn nói dối, thì đó đã là sự phản kháng ở mức độ cao nhất của họ. Họ rất hữu hảo với đoàn người của Krusenstern, thậm chí còn ôm hôn thắm thiết, khi L.I.Schlenk[6] mắc bệnh, tin tức này lập tức lan truyền trong cộng đồng Gilyak, và họ xót xa thực sự. Họ chỉ nói dối khi mua bán, và đôi lúc nói chuyện với những người khả nghi hay những nhân vật mà họ cho là nguy hiểm; chẳng những vậy, trước khi nói dối, họ còn phải đưa mắt nhìn nhau, bộ dạng chẳng khác nào con nít. Còn trong giao tiếp xã hội thông thường không liên quan đến buôn bán, tất cả những lời dối trá và khoe khoang đều làm họ thấy chán ghét.

[7] L.I.Chlenk (1826-1894): nhà nhân chủng học, động vật địa lý học người Nga, từng khảo sát tại đảo Sakhalin ba năm.

“Người Sakhalin tuyệt vời,” Fukaeri nói.

Khi đã hứa với người khác việc gì, người Gilyak nhất định sẽ thực hiện bằng được. Cho đến giờ vẫn chưa từng có chuyện người Gilyak giữa đường vứt bỏ bưu kiện, hoặc lạm dụng đồ đạc của người khác. Họ dũng cảm, tiếp thu nhanh, vui tính, dễ gần, khi ngồi cùng với những người quyền thế hay giàu có cũng thản nhiên như không. Họ không chấp nhận bất cứ thứ quyền lực nào, giữa họ dường như không tồn tại ngay cả khái niệm kẻ trên người dưới. Thường xuyên có người nói hoặc viết rằng, trong cộng đồng người Gilyak, chế độ gia trưởng không được tôn trọng. Người cha không cho rằng mình là bề trên của con trai, còn con trai cũng chẳng hề kính trọng cha, cứ sống thỏa mái tùy ý. Ở trong nhà, bà mẹ già cũng không có quyền lợi gì hơn đứa con gái vẫn còn mũi dãi lòng thòng. Theo ghi chép của Vasili Danilivich Poyarkov[8], ông từng không chỉ một lần mục kích cảnh con trai đấm đá mẹ ruột của mình đuổi ra khỏi nhà, vậy mà cũng không có người nào ra mặt khuyên ngăn. Trong gia đình, đàn ông nhất loạt đều bình đẳng. Nếu bạn mời người Gilyak uống rượu vodka, thì cần mời cả cậu bé trai chưa trưởng thành nữa.

[8] Vassili Danilovich Poyarkov (?-1668): nhà thám hiểm người Nga đầu tiên đến khu vực Amur (dòng sông chảy giữa Trung Quốc và Nga).

Mặt khác, phụ nữ, dù là bà nội, mẹ hay đứa trẻ vẫn đang bú, đều không có quyền lợi như nhau. Bị bỏ rơi, bán đi, hay đánh đập như đối xử với loài chó, tất cả đều không thành vấn đề, bị đối xử cay nghiệt như đối với đồ vật hay gia súc. Người Gilyak có thể cưng chiều một con chó, nhưng tuyệt không bao giờ vui vẻ nói cười với phụ nữ. Họ cảm thấy việc kết hôn cực kỳ vô vị, nói gọn là còn không quan trọng bằng việc vui chơi uống rượu. Họ cũng không thực hiện bất cứ nghi thức tôn giáo hay mê tín nào. Người Gilyak dùng giáo dài, thuyền nhỏ hoặc thậm chí cả chó đi đổi lấy phụ nữ, gánh về lều mình, ném lên tấm da gấu ngủ với nhau… vậy là xong. Họ cũng thừa nhận chế độ một vợ một chồng, nhưng dù thế nào thì đàn bà vẫn nhiều hơn bọn đàn ông, thành thử chế độ này cũng không phổ biến. Coi phụ nữ như động vật hạ đẳng hoặc đồ vật, trong cộng đồng người Gilyak, phụ nữ thậm chí còn không được coi bằng nô lệ. Hiển nhiên, đối với họ, phụ nữ cũng giống như thuốc lá và vải bông vậy, đều là đối tượng để giao dịch. Nhà văn Thụy Điển August Strindberg, một người căm ghét đàn bà nổi tiếng, chỉ mong phụ nữ thành nô lệ, chỉ cần nghe theo sự vui giận bất thường của đàn ông là tốt nhất. Về bản chất, ông ta có tư tưởng tương đương với người Gilyak. Nếu đến phía bắc Sakhalin thì chắc chắn ông ta sẽ được người Gilyak hoan nghênh lắm.

Tengo dừng lại nghỉ một chút. Fukaeri không phát biểu cảm tưởng gì. Chỉ im lặng. Anh lại tiếp tục đọc.

Chỗ của họ không có tòa án, cũng không biết việc xét xử có ý nghĩa gì. Đến giờ họ vẫn không thể hiểu được vai trò của đường sá, chỉ từ chuyện này thôi có lẽ đã có thể làm rõ được một điều: đối với họ, thật khó khăn để hiểu được chúng ta. Cả ở những nơi đường đã được làm xong, họ vẫn cứ đi xuyên qua rừng rậm như trước. Thường xuyên có thể nhìn thấy cả nhà họ dẫn theo chó xếp thành một hàng dài, khó nhọc bước đi trong đám bùn lầy lội ngay bên cạnh đường cái quan.

Fukaeri nhắm mắt, hơi thở hết sức bình yên. Tengo chăm chú quan sát gương mặt cô một lúc. Nhưng rốt cuộc cô đã ngủ chưa, thì anh không biết. Vậy là, anh bèn lật một trang khác, tiếp tục đọc, tự nhủ nếu cô đã ngủ rồi thì để cô ngủ say hơn nữa, đồng thời, anh cũng muốn đọc thành tiếng thêm vài đoạn văn nữa của Chekhov.

Ở cửa sông Najawa, trước đây có một đồn gác, được xây dựng vào năm 1886. Khi công sứ Nga tới đây, tổng cộng nhà có người ở và nhà trống có mười tám căn, còn có cả giáo đường, tiệm thực phẩm. Theo bài viết của một nhà báo đến đây vào năm 1871, nơi này hình như có hai mươi binh sĩ đồn trú dưới sự chỉ huy của một viên sĩ quan dự bị. Ông ta còn viết rằng trong nhà, một người vợ lính xinh đẹp đã khoản đãi nhà báo bằng trứng gà tươi và bánh mì đen, hết lời khen ngợi cuộc sống ở đây, chỉ phàn nàn một điều rằng giá đường cát cao quá. Giờ đây những căn nhà gỗ đó đều đã biến mất, dõi mắt nhìn khung cảnh hoang lương xung quanh, câu chuyện về người vợ lính xinh đẹp thật chẳng khác nào thần thoại. Giờ ở nơi đây chỉ có một khu nhà mới cất, không phải đồn gác thì là nhà trọ. Ngước mắt nhìn ra xa là biển lớn lạnh lẽo đục ngầu, đang gầm gừ quất tung những con sóng trắng xóa cao bốn năm mét vào bờ cát, trông như thể đang bị giam cầm trong tuyệt vọng, rên rỉ rằng “Thượng đế ơi, tại sao Người tạo ra chúng con”. Nơi đây đã là Thái Bình Dương. Ở bờ biển, có thể nghe thấy tiếng đập búa của những người tù vang lên trên khắp công trình xây dựng, còn bên bờ đối diện xa xôi kia, là nước Mỹ. Phía trái có thể thấy doi đất Sakhalin bị mây mù che phủ, bên phải cũng là doi đất… bốn bề không thấy bóng người, cả một con chim, một con nhặng cũng chẳng thấy. Ở nơi này, sóng biển rốt cuộc đang thét gào vì ai? Có ai hàng đêm lắng nghe tiếng sóng? Sóng biển đang tìm kiếm gì? Sau khi tôi rời khỏi đây, sóng biển lại tiếp tục gào thét vì ai… cả điều này cũng không thể biết được. Đứng bên bờ biển này, bản thân ta đã trở thành một tên tù u uất và không còn tư tưởng. Một nỗi sợ vô cớ, nhưng đồng thời cũng khiến người ta có cảm giác muốn đứng mãi ở nơi đây, dõi mắt ngắm nhìn sóng biển đơn điệu cuộn dâng, lắng nghe tiếng gầm điếc tai của nó.

Hình như Fukaeri đã ngủ say hẳn. Lắng tai nghe, chỉ thấy vang lên tiếng thở đều đặn, nhẹ nhàng của cô. Tengo gấp sách lại, đặt lên chiếc bàn nhỏ đầu giường, sau đó đứng lên, tắt đèn phòng ngủ. Cuối cùng lại đưa mắt nhìn gương mặt Fukaeri một lần nữa. Cô ngửa mặt lên trần nhà, miệng mím chặt thành một đường thẳng, ngủ rất bình yên. Tengo khép cửa lại, trở ra bếp.

Nhưng anh không thể nào viết tiếp được nữa. Phong cảnh nơi bờ biển hoang lương ở Sakhalin mà Chekhov miêu tả đã ăn sâu vào tâm thức anh. Tengo có thể nghe thấy tiếng sóng biển đang gầm thét ấy. Vừa nhắm mắt lại, anh liền một mình đứng bên bờ biển Okhotsk hoang vắng không vết dấu của con người, trở thành tên tù đang đắm chìm trong trầm tư mặc tưởng. Anh có thể cảm nhận được tâm tư u uất vì không có nơi dốc lòng ấy của Chekhov. Chắc hẳn ở chốn góc biển chân trời ấy, ông đã bị một thứ cảm giác bất lực áp đảo. Là một nhà văn Nga cuối thế kỷ mười chín, có lẽ cũng đồng nghĩa với việc gánh trên lưng sứ mệnh dữ dội của kẻ cùng đường mạt lộ. Họ càng muốn thoát khỏi nước Nga, nước Nga lại càng nuốt chửng họ vào cơ thể rộng lớn của mình.

Tengo lấy nước rửa sạch ly rượu vang, vào nhà vệ sinh đánh răng, tắt đèn bếp nằm xuống sofa, đắp chăn lên người, định bụng sẽ ngủ. Sâu trong tai anh, tiếng sóng ầm ầm vẫn không ngừng vang động. Mặc dù vậy, không lâu sau, ý thức anh dần trở nên mơ hồi, rồi anh bị kéo vào một giấc ngủ sâu lúc nào chẳng hay.

Lúc anh tỉnh giấc thì đã tám rưỡi sáng. Trên giường không thấy Fukaeri. Bộ đồ ngủ anh cho cô mượn vo viên thành một đống, ném vào máy giặt trong nhà vệ sinh. Chỗ ống tay và ống chân vẫn còn xắn lên. Trên bàn bếp có một lời nhắn viết bằng bút bi trên mẩu giấy nhớ: “Người Gilyak giờ thế nào rồi. Em về nhà đây.” Chữ nhỏ, cứng và góc cạnh, nhìn có vẻ không được tự nhiên lắm. Cảm giác như thể từ trên không quan sát những hàng chữ xếp bằng vỏ sò trên bãi cát. Anh gấp tờ giấy lại, cho vào ngăn kéo. Nếu để người tình đến lúc mười một giờ nhìn thấy, chắc chắn cô sẽ làm ầm lên.

Tengo dọn sạch giường, cất tác phẩm công phu của Chekhov lên giá. Sau đó đi pha cà phê, nướng bánh mì lát. Vừa ăn sáng, anh vừa cảm thấy có thứ gì đó cứ đè nặng trong ngực mình không chịu tan đi. Mất một lúc lâu mới hiểu được đó là gì. Đó là gương mặt bình thản của Fukaeri.

Chẳng lẽ mình đã nảy sinh tình cảm với cô bé này rồi sao? Không đúng, không thể có chuyện ấy. Tengo tự nhủ. Chỉ là trên người cô có thứ gì đó, vô tình đã làm rung động trái tim mình theo lối cơ học. Thế nhưng, tại sao mình lại để ý đến bộ đồ ngủ cô ấy đã mặc như thế? Tại sao lại (và không ý thức được một cách sâu sắc) cầm lên ngửi mùi hương còn sót lại trên đó?

Những câu hỏi cứ nổi lên. “Nhà văn không phải là người giải quyết vấn đề, mà là người đưa ra vấn đề.” Người nói câu này hình như chính là Chekhov. Một câu danh ngôn sâu sắc. Nhưng Chekhov không chỉ đối xử với tác phẩm của mình như thế, mà khi đối mặt với cuộc đời mình, ông cũng luôn giữ thái độ ấy. Chỉ có vấn đề đặt ra, nhưng không có vấn đề được giải quyết. Ông biết mình đã mắc bệnh phổi nan y (bản thân ông chính là bác sĩ, không thể nào không biết), nhưng lại cố gắng bỏ qua sự thật này, cho đến lúc chết cũng không chịu tin rằng mình đang trên con đường đến với cái chết. Ông không ngừng ho ra máu, ra đi khi tuổi vẫn còn trẻ.

Tengo lắc đầu, đứng lên khỏi bàn. Hôm nay là ngày người tình của mình đến, tiếp theo còn phải giặt quần áo, quét dọn nhà cửa. Việc suy nghĩ để sau hãy tính.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx