sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 1

Người liên lạc đi rồi tôi cảm thấy bơ vơ. Lạ người lạ cảnh. Bốn bề hoang lạnh. Ngôi nhà mà anh ta bảo với tôi là "Trạm thường trực I/4" chỉ là một cái chòi trống hốc, gió lọt bốn bề. Nó chỉ có cái nóc, gió thổi xước lên như lông chim còn vách thì lưa thưa, đôi tấm lá cũng rung rẩy như răng rung mỗi khi bị luồng gió mạnh đập vào. Theo thói quen đã có từ lâu như một quán tính, tôi ngó quanh một hồi để tìm đường ẩn trú nếu có gì bất trắc xảy ra thì khỏi lụp chụp rồi tôi vô nhà ngồi trên một tấm ván mà gầm ván là một cái hầm. Trong nhà không có bàn ghế gì đáng kể. Tôi biết tất cả gia tài đều dồn xuống đó. Vốn con nhà pháo nên tôi đi đâu cũng có bản đồ để xác định tọa độ và ước lượng lằn đạn của pháo địch, tôi bèn mở nó ra trải trên bộ ván có vài vết đạn như tự dựng lên cho mình một cái bàn giấy. Tấm bản đồ này do Phòng Tham Mưu vẽ lại căn cứ trên những tấm bản đồ cũ của thời Pháp và những thực tế thu lượm được qua cửa miệng đồng bào đi ra đi vào khu giải phóng và tạm chiếm. Sự thực có thể chính xác bảy tám chục phần trăm. Nhưng như thế cũng đã là quí lắm. Vì nếu không có nó, người chân ướt chân ráo như tôi, nhất là pháo binh, cũng như mù.

Quận Củ Chi này, cũng không xa lạ gì với tôi lắm. Thời kháng chiến chống Pháp tôi cũng thường đóng quân ở đây, khi đó mới mười ba tuổi. Bây giờ đã trên ba mươi. Có cái gì giữ nguyên vẻ cũ? Nhất là đường sá bị bom đạn tàn phá, làng mạc bị san bằng. Từ ngày Mỹ vô đây, không còn một con đường nào còn nguyên vẹn. Dân công, bộ đội, cán bộ và dân chúng toàn cắt đường mới xuyên qua rừng cao su, rừng tràm, trong cỏ mà đi để tránh làn đạn bộ binh pháo binh địch và sự theo dõi của phi cơ Mỹ.

Củ Chi là một quận lớn của tỉnh Hậu Nghĩa, phía Bắc chạy dọc là con sông Sài Gòn, phía bên kia sông là quận Bến Cát tỉnh Bình Dương, phía Nam lấy ranh giới Cầu Bông thuộc quận Hốc Môn tỉnh Gia Định. Còn phía Tây Nam và Tây Bắc thuộc địa phận Đức Hòa và quận Trảng Bàng thuộc Hậu Nghĩa. Củ Chi gồm có mười lăm xả: Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Trung Lập, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Trung An, Phước Vĩnh Ninh, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Thái Mỹ, Tân An Hội, Tân Thông Hội và Tân Phú Trung.

Củ Chi mang trên mình nó một đoạn Quốc lộ 1 chạy từ Suối Sâu (quận Trảng Bàng) tới Cầu Bông (quận Hốc Môn) và tỉnh lộ 15 chạy cặp sông Sài Gòn từ Bến Dược tới Ngả Ba Tân Qui. Tỉnh lộ 7A nằm vắt ngang từ chợ An Nhơn Tây ra tận Suối Cục đến làng Thái Mỹ. Tỉnh lộ 8A chạy từ Bào Trai qua thị trấn Củ Chi nối liền với thị xả Bình Dương. Ngoài ra trên giữa mình của quận có con lộ đất, dân địa phương gọi hương lộ 2, rộng đủ hai chiếc xe bò đánh ngược chiều hay qua mặt nhau, chạy từ Bố Heo (quận Trảng Bàng) xuống Trung Hưng rồi thẳng tới chợ Tân Phú Trung. Ngay tại ngả tư góc đường số 2 và tỉnh lộ 8A là cửa ra vào của một căn cứ Sư Đoàn Bộ Binh 25 Hoa Kỳ, cũng còn gọi Sư đoàn Tia Chớp Nhiệt Đới. Căn cứ hoàn thành vào giữa năm 1966 trên một cánh đồng rộng khoảng một ngàn năm trăm mẫu tây. Trước kia quân đội Pháp dùng bãi đất trống này để tập nhảy dù, nên có tên gọi Đồng Dù. Ban đêm ra lộ số 8 nhìn thì căn cứ Đồng Dù với hàng nghìn ánh neon điện phủ vòng quanh hơn mười cây số, y hệt một thành phố lớn. Một tiền đồn của quân lực Việt Nam Cộng Hòa tợ lưỡi lê thọc vào giữa rún Củ Chi Việt Cộng, nằm trên chóp một ngọn đồi cao trên tỉnh lộ 7A, là đồn Trung Hòa có chuồng cu cao quan sát đến vùng Hố Bò, An Nhơn Tây và tận sông Sàigòn có có bãi pháo 105 ly, súng cối, và sân bay. Đồn này bị bọn Việt Cộng căm ghét nhứt vì như cây kim thọc vào mắt Củ Chi, cả quân khu 4 của chúng. Ngoài ra trên mình Củ Chi còn hàng trăm đồn bót lớn nhỏ đóng thành hệ thống chằng chịt có liên lạc với nhau bằng mọi thứ phương tiện truyền thông nhanh chóng. Bên ngoài quận Củ Chi về phía Tây Nam là thị trấn Đức Hòa, nơi thiết lập căn cứ Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa. Và về phía Bắc, trong tầm đại bác 175 ly phía bên kia sông Sàgòn trên quốc lộ 13 là chi khu Bến Cát và căn cứ Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa tại Lai Khê. Còn ở phía Tây trên quốc lộ 1 thì có chi khu Trảng Bàng, bốn nòng pháo 105 ly thường xuyên hướng về vùng Cầu Xe, Trảng Cỏ và các xã phía Bắc của quận Củ Chi. Trong lúc đó có một vùng được khoanh ở giữa nằm cạnh bờ sông Sàigòn, thuộc xã An Phú là căn cứ lưu động của Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 Việt Cộng và trên bờ của con Rạch Sơn, một ấp được gọi tên ấp Bến Mương, thuộc xã An Nhơn là căn cứ của quận ủy và quận đội Củ Chi Việt Cộng, nằm giữa chừng đón làn đạn pháo binh từ bốn phía của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh Hoa Kỳ.

Cũng cần nên nhớ từ Sàigòn đến Củ Chi, tính đường chim bay thì chỉ là một khoảng ngắn chừng hai mươi lăm cây số cách sân bay Tân Sơn Nhứt và khoảng ba mươi lăm cây số cách sân bay Biên Hòa, nên phi cơ từ đó đến chỉ trong vài giây đồng hồ. Tưởng nên biết thêm quận Củ Chi Việt Cộng, theo sự phân chia lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa có quận Phú Hòa, thuộc tỉnh Bình Dương lại nằm trong phần đất của quận Củ Chi, vì vậy ngoài Sư đoàn 25 Hoa Kỳ, đơn vị chính yếu phụ trách chiến đấu ở vùng lảnh thổ này, còn có các đơn vị của hai Sư Đoàn Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa là Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 25 liên đới phụ trách an ninh của vùng quốc gia hiểm hóc này.

Bạn đọc theo dõi chiến trường này thường xuyên xem bản đồ và chịu khó nhớ địa danh quen thuộc như Hố Bò, Bời Lời, Bến Dược, Bến Súc, Cầu Xe, Nhuận Đức, Phú Hòa, An Nhơn, Phước Hiệp, Đồng Dù, Thái Mỹ, Bùng Binh…Toàn những tên làng tên xóm, không như ở Trường Sơn cả ngàn cây số mà mà không có một cái tên. Với màu đất đỏ, hình thể Củ Chi như một miếng bít-tết cắt vụng. Ở xã Thái Mỹ, mỏm đất nhô ra như mũi Cà Mau. Theo bước chân chúng tôi dần dần bạn sẽ làm quen với vùng lửa đạn ngút trời này. Để xúi dục người dân Nam Kỳ xô nhau nhào vào cái chết, bọn Hà Nội đã kê nó lên thành hình tượng phi thường, nào "Đất Thép Thành Đồng” nào "Dũng sĩ Diệt Mỹ” … Ai không biết vừa nghe mấy tiếng đó thì vô cùng thán phục, nhưng sự thực đó chẳng qua là sự hi sinh phí uổng được thêu dệt thành thần thoại để lừa bịp toàn quốc và cả thế giới, trong đó cả nhân dân Hoa Kỳ, đặc biệt nữa là nhân dân Việt Nam.

Tôi xếp bản đồ và nhanh nhẹn đút nó vào ba lô vì nghe hình như có tiếng động tới gần. Tôi ngó ra tứ phía. Đó chỉ là cái cảm tính, cái cảm tính của một kẻ luôn luôn tránh né đám đông nên lúc nào cũng sợ người khác nhìn thấy mình, chứ thực sự thì chẳng có ai tới cả.

Hố Bò của chin năm kháng chiến không còn giữ một nét quen nào, cả người lẩn cảnh. Hồi năm 1949, 1950 Hố Bò này là nơi ăn dầm nằm dề của anh Ba Tô Tý và đàn em là Đào Sơn Tây, Hồ Thị Bi. Họ đã nổi danh vì tàn sát đạo Cao Đài, chặt đầu lấp các giếng mủ cao su ở Bàu Lách, Phú Hòa, Rừng Làng, Đồng Chà Dơ.

Mới đây mà đã ngót hai mươi năm. Hồi đó anh Ba còn trẻ lắm, mới suýt soát năm mươi tuổi. Tuổi đó được các em gái cháu gái gọi là chú, bác, dễ gì cưa sừng làm nghé, nhung nhờ Hội Phụ Nữ Cứu Quốc Thủ Dầu Một làm ông tơ bà nguyệt khéo xe duyên nên một cô em chưa đầy hai mươi đã khăn áo băng sông Sàigòn qua làm lễ đại tuyên hôn tại rừng Hố Bò này, dưới ánh sáng mấy chục cây đèn măng-xông. Lính tráng tha hồ chén chú chén anh, vật ngã ba con bò và uống không bị "điên đầu” mà hay nổi khùng đập lính, đánh dân, diệt đạo như đồ bỏ nữa. Có lẻ biết cái tính quân phiệt của anh Ba mình nên ngoài Trung Ương gởi vô một ông chính trị gia già dơ để kềm anh Ba lại. Ông ta tên là Đào Công Tâm. Nhưng vừa mới chân ướt chân ráo vô đến đất thành Đồng, ông Tâm đã chui vô mùng cô Thắm con gái ông chủ nhà đóng quân. Việc này vở lở ra làm ông "Công Tâm” hóa ra ông "Vô Lương Tâm” và mất luôn chức vụ Trung Đoàn Trưởng vừa mới lảnh.

Tôi không muốn nhớ lại những ngày Hố Bò xưa nên chui ra ngoài đi loanh quanh căn chòi. Ngay sau nhà có một lỗ giếng sâu hun hút. Đáy giếng là một mảng trời sáng chiếu ngược lên.Tôi ngó quanh tìm chiếc gàu, chợt nhớ ra cả ngày nay, bi-đông cạn nên không uống nước. Bây giờ thấy nước mới nhớ ra mình cần nước. Cạnh giếng có một giàn mướp xơ xác với mấy trái đèo cong quắp như lưng đàn ông vác gạo. Trên đầu giàn một chiếc gàu làm bằng nhôm trắng, dễ thường nhặt từ một vỏ bom napalm đâu đây. Chung quanh miệng giếng không thấy nước nhiều ướt đất, sợi giây cuốn chung quanh gàu rất vén khéo, chứng tỏ chủ nhà không có ở đây ít ra là từ sáng tới giờ. Tôi tháo giây chiếc gàu và ném nó vào lòng giếng. Đếm năm, sáu đếm mới nghe nhẹ nhỏm bàn tay: chiếc gàu đã đụng mặt nước, tiếng dội lên thanh thanh.

Tôi múc nước lên rửa mặt gội đầu. Tóc dang ngoài nắng suốt buổi, bụi đỏ bây giờ được gội, nước chảy xuống hồng hồng hòa lẩn trên mặt đất đỏ. Đất bụi lại trở về bụi đất. Tôi múc một gàu uống thỏa thuê rồi đem tưới vào gốc mướp. Chắc nó cũng khát như mình. Bụng tôi no óc nóc, mỗi bước đi nghe khua như trái dừa khô. Với mấy chén cơm lua vội cùng mấy hạt đậu phọng rang ở trạm quân báo, tôi ngồi xe đạp vượt qua khu Bời Lời, vọt nhanh qua vùng Trảng Cỏ, qua cánh đồng cập lộ số 6 đến xóm Cầu Xe theo dọc con lộ 15 mới đến Suối Hố Bò. Bây giờ đói như cào. Mặc dù vậy vẩn nhớ chỉnh trang sắc đẹp tí ti. Tôi móc chiếc gương con gắn trên dây bầu soi mặt và chậm rãi "bừa” lại mái tóc bằng chiếc lược sừng mang từ Bắc về đến đây chưa mất. Tôi nhận thấy cặp mắt có quần đen và sâu hút như hai cái vỏ ốc bưu.

Tôi bỗng giật mình quay lại. Một người con gái. Ờ! Chắc là con gái. Vóc người gọn lẳn. Đầu bịt khăn rằn quấn bít cả cổ, chỉ còn ló cái chót mũi như sợ nắng làm hư hỏng dung nhan. Lưng áo bà ba đen đã bạc mầu, hai ống quần xoắn cao phô đôi ống chân trắng. Đây không phải là nước da nhà nông.

- Chào…. Chị!

Tôi buột miệng nói như máy và hơi gượng gạo vì tiếng "chị” đặt không đúng chỗ. Chị ta không có vẻ xúc động gì với tiếng chào của tôi đã đành, cũng không biểu lộ một sự thay đổi nào trên nét mặt khi đụng đầu một gã đàn ông, loại người tới lui trạm này có lẽ như cơm bữa.

Chị đi thẳng lại lấy gàu múc nước "rửa mặt mèo” qua loa rồi xối lên chân, xong lẳng lặng gác gàu lên giàn mướp và đi vào nhà. À! Ra đây là nhà của chị. Hay chị ta là trạm trưởng? Không rõ. Trạm trưởng gì là đàn bà. Từ trạm 1 Làng Ho tới R, từ R đến đây, có ai là phụ nữ làm trạm trưởng đâu! Trạm viên thì có những chị từ R xuống Củ Chi thôi. Miệt Bình Long Phước Long cũng không có. Điều làm cho tôi thích thú là tôi được gặp được một người con gái của miền quê Nam Bộ thật, nghĩa là người con gái với hai bàn chân đứng trên mảnh ruộng miếng vườn của họ chứ không phải người con gái Nam Bộ bị bốc ra khỏi bản sở ném vào rừng sâu để trở thành người rừng không còn hình hài gì nữa, kể cả dáng vóc dịu dàng lẩn sự nhuần nhị trong ngôn ngữ. Chẳng còn thứ gì trong con người còn nguyên ở những vùng ma thiêng nước độc Trường Sơn, kể cả lối suy nghĩ hằng ngày.

Chị ta có vẻ phớt lờ, không cho sự có mặt của tôi là cái nghĩa gì, nên không hỏi han gì tôi cả. Tôi đứng xớ rớ một hồi lấy cái gương bỏ túi rồi đi theo chị vô nhà.

-Đây là trạm à…chị?

-Phải!

Chỉ vừa đáp vừa chui xuống hầm dưới đít ván lục soạn mấy đồ vật lộp cộp rồi một hồi mới trở lên với cái nồi đất trên tay. Chắc là nồi gạo nấu cơm chiều.Chị ta đã thay chiếc áo bạc màu bằng chiếc áo bà ba màu xám mới hơn, nhung ngắn tay. Chị ta vừa hất hàm vào cái ba lô của tôi để trên góc ván vừa hỏi tôi:

- Đồ đạc của anh đó hả?

- Dạ. Anh liên lạc quân báo ở Trảng Cỏ chở tôi tới đây.

- Chắc cái anh. …..Ờ! mà bữa nay đâu phải chuyến đi!

- Dạ. Tôi không biết gì hết. Họ dắt đi thì đi, họ bảo nghỉ thì nghỉ. Họ bảo ở đây chờ thì tôi ở đây chờ có biết gì. Chị thứ mấy? Tôi thứ hai. Biết thứ để xưng hô cho dễ ạ!

- Tôi tên Lụa.

Chị ta gạt cơm nguội trong nồi ra và lau bàu:

- Mấy ông nội đó ẩu lắm. Cứ đem bỏ khách ở đây rồi đi. Rủi có chuyện gì ai dắt chạy? Đã xảy ra mấy lần rồi chứ phải chưa đâu.

Tôi hơi bối rối.

- Giao liên ở đâu cũng vô trách nhiệm như nhau. Họ trút khách ra khỏi trạm rồi thì thôi, Không cần cần đếm xĩa tới nữa. Bây giờ chị làm ơn chỉ đường cho tôi về phòng Chính Trị I/4 được không chị?

- Chị gì mà chị! Kêu vậy tội chết. Nhưng tôi đâu có biết chánh trị chánh trọt gì. Ở đây toàn là U60, U80..anh ở U nào?

- Tôi cũng không biết U nào là U nào!

- Trời đất! Vậy anh đi đâu? Ai đưa anh tới đây?

- Cái cậu gì trăng trắng có vẻ học trò.

Lụa có vẻ hơi vui lên, nói huyên thiên”:

- À Chú Lạn. Chú Lạn là người của đường dây. Chú ấy mới lắm! Không biết gì đâu. Học sinh ngoài thành. Ông già công tác trong nầy kêu vô để cho đi Liên Sô học hành gì đó. Rồi không biết tại sao cứ ở đây làm liên lạc chở khách bằng xe đạp! Thôi đã tới đây rồi thì anh cứ ở đây đi, tôi nấu cơm cho anh ăn. Ngày mai sẽ có chuyến giao liên tới móc anh đi. Một người thì tôi giúp được, chớ nếu đông thì tôi chỉ cho ra rừng tìm chỗ nấu cơm lấy.

- Đây là nhà của chị à?

- Biểu đừng kêu chị. Anh còn hơn tuổi anh Hai tôi nữa mà! Nhà của tôi họ lấy làm trạm đó mà!

- Vậy tôi cám ơn cô lắm. Tiền nong tôi tính cả cho

- Hổng sao. Cứ vài ngày thì trạm thanh "tán” cho tôi một lần. Gạo thì tiêu chuẩn mỗi người khách một lít một ngày, còn tiền ăn thì tám cắc nhưng trạm vừa xin lên được đồng hai. Cơm ngày hai bữa. Một cái trứng vịt cũng mất hết sáu cắc rồi, làm sao nấu cho khách ăn ngon. Khó lắm!

- Thời kỳ này có trứng vịt ăn là quí rồi cô ạ.

- Bộ anh là Mùa Thu hả?

- Sao cô biết?

- Gì mà không biết. Thấy tướng là nghe tiếng nói "cả, cả, ạ, ạ. hột vịt lại kêu là trứng vịt”, không lai Bắc là gì. Với cây súng kia nữa. Trong này có súng nhưng khác.

Lụa nói vậy rồi bước ra cửa. Nàng bảo:

- Anh ở nhà coi nồi cơm, đừng cho khói lên khu trục nó phát hiện, nó đến dội bom. Tôi đi xuống xóm mua đồ ăn một chút rồi về.

- Ở đây gọi là gì vậy cô?

- Hố Bò.

- Cũng Hố Bò chứ không đổi tên gì khác. Hồi chin năm 1 tôi cũng có đóng vùng này.

- Vậy nữa? Nói vậy anh kháng chiến hai mùa à?

- Cũng đâu đó. Đi mút mùa tưởng hết về xứ chớ!

- Ai biểu đi chi rồi bây giờ than. Ai về tới đây cũng than cái giọng đó hết trơn.

- Đâu phải ham hố gì cho lắm, nhưng ra đi rồi quay lại không được.

Câu chuyện cứ kéo dài làm Lụa không dứt đi được. Bỗng nhiên Lụa bật cười hỏi:

- Anh có thấy Tây ăn mắm sống hồi chín năm chứ?

- Hồi đó cô bao nhiêu tuổi mà hỏi?

- Không bao nhiêu tuổi nên mới hỏi anh cho biết.

- Bộ đội tôi có bắt được Tây chứ chưa thấy tụi nó ăn mắm sống.

Lụa cười khoe hai hàm răng trắng và đều. Nàng úp mặt vào bẹ cửa mà cười cười run run đôi vai, một lúc quay ra, quẹt ngang mắt.

- Cười ra nước mắt anh ạ.

- Cười tôi hả?

- Không, cười mấy ông Liên Xô ăn trứng vịt luộc dầm nước mắm!

Tôi sửng sốt kêu lên:

- Liên Xô gì ở đây?

Lụa gật đầu quả quyết.

- Có chớ! Không có ai đặt chuyện được.

- Liên Xô tới đây làm gì?

Lụa cười ngặt nghẽo.

- Ai biết đâu. Nhưng làm em phải chạy đi mua đồ ăn quýnh quáng. Bữa đó rủi quá, tàu về trể, Bến Dược không có thức ăn. Em phải mua một chục hột vịt về luộc lột vỏ dầm nước mắm cho mấy ổng ăn cơm.

- Mấy ổng?

- Có một ông mà lo sản hoàng còn mấy ông nữa? Tức cười quá đi. Ông húp một muổng rồi phun phèo phèo đầy râu ria.

- Sao vậy?

- Chắc mặn quá chớ gì?

- Rồi làm sao?

- Chú Lạn, bày ra sáng kiến nhồi cơm cho ổng chấm vô dĩa trứng vịt. Sau cùng ổng ăn được khá, ổng đói nên ăn hết hai nồi cỡ đang nấu trên bếp đó. Ổng lớn quá trời đi. Chú Lạn đèo không nổi. Phải bổ sung thêm một chú nữa. mỗi chú đèo một khúc là phải thay phiên. Trên pộc-ba-ga phải gắn một cái thùng ổng mới ngồi được, ngồi như mình ổng sẽ té! Chú Lạn là tay chạy xe đạp số một trên đường này. Gặp lúc pháo bắn trên đường chú cũng chạy càn. Gặp những khúc nhiều hố pháo chú đều lao lách qua lại nhanh chống mà khách không té, rễ cây chặn giữa đường chú cũng tránh thật tài, nói chung con đường đâu có thẳng và bằng như con đường hồi mấy năm trước, cỡi xe khó lắm, lơ mơ là lăn xuống hố ngay, nhưng chú chạy rất an toàn nên được đặt tên là Lạn đó.

- Lạn chớ không phải là Lạng à?

- Lạn là lao lách chứ không phải lạng là lượng đâu! Do đó mà chỉ có một chú ấy mới được gọi là Lạn thôi còn mấy chú khác cũng cỡii nổi xe nhưng không được gọi là lạn.

Tôi gật gù tán thưởng:

- Nghe cô nói bây giờ tôi mới nhớ lại. Chú ấy lạn tài thiệt. Đôi khi chỉ mười thước đường mà có đến ba cái hố, chú vẫn lạn nhanh và rất an toàn.

- Chở nhẹ thì lạn còn dễ, chứ chở một ông 150 ký lô mà vẩn lạn được mới là tài chứ anh!

- Ông Liên Xô đi đâu rồi?

- Ai biết! Nhưng nay mai chắc rồi anh sẽ gặp ông ấy trong cơ quan chứ gì. Oái trời đất, nếu ổng đi chung với Tây với Mỹ chắc người ta cũng nói là người Tây hoặc Mỹ.

- Thì họ cũng như Tây với Mỹ chớ gì

- Nếu mấy ổng đi lạc vô xóm chắc du kích khìa mấy ổng quá anh à!

- Ai để mấy ổng đi rời xa

- Ở Hà Nội anh có gặp Liên Xô nhiều không?

- Có, nhưng ít thôi.

- Nghe nói họ giỏi lắm hả anh?

- Giỏi lắm.

- Tức là sao?

- Tức là giỏi chớ sao nữa.

Cả hai cười với nhau thân mật. Cũng may, nếu Lụa hỏi tới nữa thì tôi không biết trả lời làm sao. Tôi chỉ thấy người Liên Xô thôi chứ không được tiếp xúc với họ như đã gần gủi với người Trung Quốc, những sĩ quan đã dạy cho tôi trong vòng hai năm ở trường pháo binh.

Nhưng mấy lần trông thấy người Liên Xô đều để lại trong lòng tôi những tình cảm khó chịu. Lần đó nghỉ phép, tôi đi Đồ Sơn chơi. Đồ Sơn không xa Hải Phòng. Những thằng bạn quen làm ở Ty Hoa Tiêu cảng Hải Phòng đưa tôi xuống Đồ Sơn. Quả là một phong cảnh hữu tình hiếm có. Chiến đấu cả chục năm chui rúc trong rừng với muỗi mòng vắt đĩa, tập kết ra Bắc thì vùi đầu học tập không có thì giờ xem phong cảnh của chính đất nước mình. Lần đầu tiên nhìn thấy núi non hùng vĩ tiếp giáp với biển xanh và những ngọn núi của Vịnh Hạ Long xa xa đắm mình trong sóng bạc, quả là cảnh Bồng Lai tôi chưa hề trông thấy. Nhưng tình cảm say mê trước cảnh vật lạ lùng chưa dút thì tôi bị chạm trán với một chuyện không hay: Số là ở Đồ Sơn có nhiều khu vực A, B, C. Trong mỗi khu còn phân ra 1, 2, 3. Tức là A1, A2, A3 ….. chỉ khu C là không có cấp 1, 2, 3 mà toàn khu dành cho hạng cán bộ cá kèo và lính 36 đường gian khổ. Chúng tôi chỉ được vào khu C. Nơi đây không có tiện nghi gì hết và chỉ là một bãi cát đầy rác rến và xác thú vật trôi tấp dọc bờ. Khu B khá hơn. Nơi đó có băng đá, có vài ba căn chòi xiêu vẹo và một vòi nước không có.…. nước.... Chúng tôi vừa vào tới cổng thì đụng tấm bảng: KHU DÀNH CHO TRUNG CẤP - "Thôi đi về khỏe hơn! " Người ta đồn ở khu A thì có đủ cả: Phòng ăn, phòng tắm, vòi nước ngọt. Anh lính gác bảo "Đó dành cho Bộ, Thứ Trưởng”. Một khu vực bên trong gọi là "Bãi chuyên gia” có cái nhà mát vĩ đại mái đỏ lói trên mỏm núi gọi là Pagodon. Ngày xưa chỉ có Thống sứ Toàn quyền Tây mới được đến, bây giờ thì chỉ chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em có đủ tiêu chuẩn để phơi đùi ưỡn rốn ở vùng cát này.

Một thằng hoa tiêu phát cáu, quát om:

- Đấm b....!Thôi, đi về uống la ve quách. Tắm cái gì thứ nước biển mặn chát đó!

Thấy mấy ông bà "chuyên gia” to xù nằm lăn lóc trên cát tôi cũng muốn nán lại "coi” nhưng thằng bạn cứ la ầm lên làm tôi mất hứng bỏ đi luôn.

Ra thế! Trên đường về Hải Phòng, tôi suy nghĩ lung tung. Chế độ này, chế độ không giai cấp là thế đấy. Cởi truồng tắm biển mà cũng phân chia khu vực nghĩa là cái thá gì.

Từ đó, tự nhiên tôi không có cảm tình với cái danh từ "chuyên gia”. Cho nên hôm nay, nghe Lụa nói với mấy ông Liên Xô gì gì đó tới đây, tôi phát rầu. Lại đặc ân, lại khu A, B, C, lại phục vụ bỏ mẹ. Hồi ở Hà Nội tôi có nghe nói loáng thoáng có một nhà báo Úc tên là Wilfred Burchett đi Nam. Hay là ông này lẻn vào đây? Nếu vậy thì mệt lắm. Ông ta, theo cái hình tôi thấy trên báo và và một anh bạn nhà văn kể lại cho tôi (anh bạn này có gặp hắn ở buổi nói chuyện tại Câu Lạc Bộ Đoàn Kết tại Hà Nội) thì ông ta cân nặng ít nhất cũng một tạ hai. Xe đạp phải lấp đôi mới đèo nổi. Đèo cái cây thịt này sau poọc-ba-ga mà lạn làm sao. Tôi tự nhủ.

Lụa nói:

- Anh ở nhà coi cơm, tôi đi quán mua đồ ăn.

- Quán ở đâu. Tôi đi được không? Nghe nói quán, tôi thèm đi mắc chết. Ở R toàn quán căng-tin bán toàn đồ khô mục và muối.

- Cũng gần đây thôi nhung anh không nên đi. Cán bộ về đây mê hàng hóa thành, cứ đi nhan nhản ở Bến Dược. Ở ngoài tụi nó biết hết rồi.

Tôi móc bóp móc tờ giấy 500, loại giấy bạc Sàigòn đưa cho Lụa và nói:

- Chị ủa cô mua dùm cho tôi vài gói mì, mấy lon cá mòi hộp, một chục trứng vịt, có khô mắm gì mua luôn một ít, còn lại thì mua kẹo đậu phọng, đường tán, trà và thuốc Cáp-Tăng hay Ru-bi cũng được.

- Chà! Anh xài sang dữ he!

- Không vợ con, có chết, ai ăn mà hà tiện.

Lụa ngó tôi sửng sốt rồi quày quả đi ngay. Có lẽ nàng thấy câu chuyện kéo hơi dài. Nàng đi theo con đường rắc đầy lá cao su vàng trút xuống triền xóm. Tôi ngó theo mút mắt. Mười năm rồi, tôi mới thấy được một người con gái Nam Bộ trên quê hương tôi. Tô nhớ đến những cô bạn gái thời kháng chiến ở Tân Bửu mặc quần áo bà ba, nhớ tiếng nói tiếng cười mộc mạc nhưng chân thật và đầm thắm. Ước gì về lại được nhà vài hôm. Từ đây tới đấy không xa mấy mà ngỡ xa xôi như ngoài vạn lý.

Ra đi ra đi bảo toàn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui. Giải phóng quân anh dũng quá nhưng... ra đi rồi không có ngày về!

Tôi ra gốc cao su nhặt củi khô vừa ngó chừng Lụa. Vừa thèm thuốc vừa ghiền trà lại vừa ham nói chuyện. Con gái họ thính tai thật. Mình nói pha có vài tiếng Bắc mà họ đã nhận ra rồi.

Tôi thấy cuộc sống bình thường hiện giờ có hai điều khác hẳn với thời kháng chiến chống Pháp. Hồi đó họa hoằn lắm mới bị một trận bom lưa thưa như đồ bỡn. Cà-nông thì trong một năm mới nghe được một vài phát xa xa. Còn bây giờ, bom đạn nát đất. Mảnh bom trộn lẩn trong luống cầy, hố bom là những miệng đìa nằm ở ven vườn, ở giữa ruộng. Đặc biệt máy bay không khi nào vắng bóng trên nền trời. Đủ loại: phản lực, khu trục, do thám, trực thăng, B52 v.v.. riêng trực thăng cũng có đến năm, sáu loại. Từ lúc đến đây, tôi thấy liên tiếp những chuyến trực thăng Sâu Rọm hoặc Trái Chuối cứ di động từ Sàigòn ra gần đến thị trấn Củ Chi với những kiện hàng đeo tòng ten dưới bụng nó.

Tôi có hỏi chú Lạn. Chú đạp xe đạp mệt nên chỉ nói tắt: "Tụi nó dựng lê cái Đồng Dù”. Tôi không muốn chú phải phí sức vì những câu trả lời cho tôi nên không hỏi nữa. Mặc dù ngồi xe cho người ta thồ, tôi vẫn ngó đường đi của những chiếc máy bay tua tủa từ khắp nơi đáp vào cái mảnh đất gọi là Đồng Dù kia. Nếu không gian là mặt thớt và mỗi đường bay là một nhát dao thì cái mặt thớt kia đã không còn một vùng nào nguyên vẹn.

Tôi vừa ôm củi vào nhà thì có tiếng máy bay đến gần. Tôi đứng nép vào gốc cây và nhìn xuống phía Hố Bò nơi ven sông Sàigòn thưa cây để lộ ra mặt nước loang thoáng. Một chiếc L19 bay rà rà trên ngọn cây. Nó bọc bọc sau lưng tôi vòng qua đường 6 và cứ thế mà đánh thêm mấy vòng nữa. - Thằng này định làm gì? - Tôi vừa tự hỏi thì từ xa xuất hiện hai chiếc Skyraider. Chúng sầm sầm lao tới. Chiếc L 19 vọt lên rồi cắm đầu xuống. Nó bắn tên lửa chỉ điểm cho tụi kia bỏ bom. Tôi dư biết cái thói quen đó của chúng. Bom rơi có thể đếm được từng quả. Tôi nhìn chiếc kim gió trên mặt đồng hồ pháo binh canh tiếng nổ thì biết mình ngồi cách đó chừng năm, sáu cây số nên không lo trốn tránh nữa. Những trận bom như thế này quá xoàng đối với tôi. Tôi nghĩ: cái kiểu này có đại liên 12 ly 8 bắn thì ăn chắc. Bắn máy bay Mỹ thì không khó nhưng bắn hạ nó một chiếc nó sẽ dội hằng trăm tấn bom giết mình cả trăm mạng. Bắn hạ nó rồi chạy đi đâu cho kịp? Nó đến tức thời. Nhiều trận đánh vận động kết thúc nhanh chóng thắng lợi, nhưng lại lại tiêu hao trên đường rút lui vì sự truy kích của không quân Sàigòn. Trực thăng bắn dai như bò đái, ác lắm, ác lắm. Đánh Mỹ không như đánh Tây, đừng có ở Hà Nội kêu dân Nam kỳ thừa thắng xông lên nghe các bố. Tôi đã nghỉ như vậy khi đi vào tới R. Cuộc dội bom chấm dứt, khói bom khói nhà khói rửng cháy chưa tan thì Lụa về tới, tay bưng một rổ quảo, tay dắt một đứa bé gái. Tôi nói:

- Dắt con nít đi đâu vậy bà nội?

- Dắt về đây chớ đi đâu.

- Con cái nhà ai vậy?

- Con tôi chớ con ai.

Tôi ngẩn người ra như Lụa sửng sốt lúc nãy. Thì ra nàng đã có con. Ai mà dè! Không biết có giấc mộng dài nào tan vỡ sau câu nói ngắn ngủi đó không, nhưng tôi cảm thấy hơi buồn. Lụa bảo con:

- Chào cậu đi con.

- Cháu tên gì?

- Tên Rớt.

Tôi xoa đầu đứa bé và hỏi.

- Có đi học không cháu?

- Trường trại cháy rụi hết rồi. Thầy giáo bị thương. Cô giáo hoảng hồn bỏ chạy vô ấp chiến lược rồi ở luôn ngoải.

- Ủa, ở đây có ấp chiến lược nữa sao?

- Có mạnh! Lụa nghênh mặt đáp.

- Vậy hồi còn ở ngoài Bắc tôi nghe đồng bào mình phá hết ấp chiến lược rồi mà. Ba cái ôn binh đó!

- Sao lại ôn binh?

- Tụi nó bắt chước cái lối chống Cộng bên Mã Lai chớ gì. Dân chúng bị lùa vô nhốt trong bốn hàng rào dây chì gai.Trước khi đi ngủ chúng mở cổng lùa ra cho đi đái ỉa rồi lùa vào, đến sáng lại mở cổng lùa ra đồng làm lụng đến tối lại lùa về, hai người xích vào nhau rồi mới được ngủ.

Lụa cười:

- Ai nói với anh cái kiểu ấp chiến lược đó vậy?

- Báo chí nói chớ ai. Tụi tôi cũng học tập nữa mà.

- Xí! Dóc tổ. Ấp chiến lược ở đây dân sống hơn cha Tây. Bơ sữa, vải sồ dư giã, lại được mua chịu "la-di-ô” nghe vọng cổ có mà tét lổ tai. Ở đó mà còng hai người vô một.

Tôi ngượng quá không biết nói sao. May không chút nữa tôi lại tuyên truyền những cú độc địa cho Lụa rồi. Trước sự hố nặng tôi đành hạ giọng hỏi han thăm dò mong tìm cách "lật” lại.

- Ở ấp chiến lược có cho dân vay tiền làm ăn không cô?

- Có, nhưng trước khi cho vay người ta còn phải coi tài sản của anh.

- Chi vậy?

- Nếu trả không nổi thì người ta xiết trừ nợ chớ sao.

- Tôi nghe không phải vậy!

- Không vậy thì sao?

- Tôi nghe nói hễ chỗ nào quân Mặt Trận sắp giải phóng thì mình xúi dân ra vay tiền thả ga. Tiền dân bỏ túi xong quân giải phóng đến tràn ngập nhổ luôn dồn bót thì coi như "xóa” luôn nợ! Không phải trả mà cũng xong.

- Ai nói với anh cái chuyện khỏe ru vậy he?

- Chịp! Có bài học hẳn hoi mà.

Chiếc L19 cứ bay vòng vòng chung quanh các đám cháy, thỉnh thoảng bấm một quả rốc kết. Lụa nói:

- Bộ nó trông thấy ai ở dưới đất làm cái gì.

- Sao Lụa biết?

- Tụi nó bỏ bom xong thì con đầm già ở lại canh chừng. Cháy thật rụi nó mới đi. Nếu thấy có người thấp thoáng thì nó gọi trực thăng tới bắn hoặc kêu pháo "câu” vào.

- Tụi Mỹ chơi kỹ hơn tụi Tây nhiều.

- Tôi nói để anh cảnh giác! Anh về đây hôm nay thì ngày mốt ở ngoài thị trấn Củ Chi tụi nó biết rồi đấy. Để rồi anh xem, vài ngày nữa sẽ có máy bay rải truyền đơn và kêu gọi trúng phóc tên anh về hồi chánh cho mà coi.

Tôi giật mình:

- Giỡn hoài cô em! Tôi như bị kim đâm một phát nhẹ. Để tránh cặp mắt của Lụa, tôi ngó lên trời theo dõi máy bay.

Lụa cười:

- Bộ hồi nào tới giờ chưa thấy máy bay bỏ bom hây sao mà lạ dữ vậy?

- Xí! Ba cái thứ "dưa chuột đèo” này ăn thua chi! Tôi từng đội "dưa hấu nhứt” kia mà. Mới cách đây vài hôm chứ đâu lâu lắc gì. Tôi và phái đoàn vừa ra khỏi buổi lễ thì ngay tối hôm đó căn cứ bị dội bom như mưa. Thiệt hại chắc ghê gớm lắm. Nhưng không rõ con số cụ thể. Nghe nói cơ quan R đã dời về Lò Gò rồi.

Tôi tốp lại vì thấy mình cao hứng lộ bí mật quân sự có hơi nhiều. Tôi bèn kể sơ qua mấy trận bom ở cầu Cần Đăng và Tà Păng cho Lụa nghe. Nghe xong, Lụa chép miệng:

- Vùng này rồi cũng sẽ ăn bom hằng ngày, anh cứ tin tui đi. Anh có thấy trực thăng Sâu Rọm chở pháo hàng ngày tới Đồng Dù không?

- Có chứ!

- Cả Củ Chi rồi sẽ nát như tương vì những khẩu pháo đó. Anh có bản đổ Củ Chi đó không? Anh mở ra xem chút. Còn em, em nhắm mắt nói cũng đúng trân thôi. Củ Chi giống như bàn tay trái anh xè ra vậy. Ngón tay cái là mũi xã Thái Mỷ, làn chỉ dọc gốc bốn ngón tay là sông Sàigòn. Ba lằn chỉ lớn cắt ngang bàn tay là quốc lộ 1.lộ số 2 và tỉnh lộ 15. Mỗi một khớp xương là một đồn bót lớn nhỏ. giữa gan bàn tay là hai căn cứ lớn. Đó thị trấn Củ Chi và Đồng Dù. Ngoài ra ở phía Đức Hòa thì có căn cứ Sư Đoàn 25 Việt Nam Cộng Hòa, ở phía Bắc tại Lai Khê là căn cứ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Sài Gòn.

Đó là nói theo lối quân sự các anh còn nói theo em nông dân cục mịch thì Củ Chi là một miếng ruộng khô nẻ đất bị be bờ bốn phía không cho tát nước vô. Thử hỏi cây lúa làm sao mà sống được, đừng nói chi trổ bông.

Tôi lấy làm ngạc nhiên về sự mô tả Củ Chi Tổng Quát của một người đàn bà bình thường. Lụa tiếp.

- Dân Củ Chi nay như cá trong lưới. Anh coi cái nhà của em đó. Hồi mới cưới vợ chồng em còn được cái nhà. Có con rồi, nhà hóa ra cái chòi, chồng đi dân công ra đâu Bình Long Phước Long gì đó tới nay chưa về. Cái chòi bây giờ ở không chắc, phải chui xuống hang. Mẹ con em chui xuống hang, trạm đóng ở trên. Vậy đó! Nay mai thế nào cũng ăn một quả Napalm cho coi.

- Thôi dẹp chuyện đó đi. Tính vấn đề cái bao tử cái đã!

Lụa dọn cơm, thức ăn chỉ có cá mòi chiên sả ớt. Cơm xong tôi lấy kẹo đậu phọng cho con bé và móc thuốc hút, ngẩn ngơ trăm mối tơ vò, không biết nghĩ gì và cũng không biết sẽ công tác ra sao. Nghe Lụa nhắc Bình Long Phước Long mà tôi ớn xương sống. Ở đó, dân công binh sĩ chết nhiều quá. Phần lớn dân công miền Bắc bò vô tới đây thì kiệt sức, nằm tại đó sốt rồi theo ông bà. Ba con Rớt ra đó đố khỏi chói nước ôm bụng chang bang như trống chầu về xứ.

Tội nghiệp! Tôi lấy võng ra giăng và bảo cháu lên nằm ngủ. Cháu vừa đưa lắc võng vừa nai kẹo đậu phọng và hát. Mẹ bảo nó: "Bớt cái họng rộng để nghe máy bay,” nên con bé đành hát nhỏ lại:

Tôi cười và nói:

- "Chiến sĩ ta ngồi đâu ngủ đó. Ngủ không giăng mùng muổi cắn rồi la.” Mới phải chớ!

Lụa ở dưới nói lên:

- Nó thuộc bài hát nhiều lắm đó anh. Mấy tháng trước đây tôi còn cho nó vô đội vũ thiếu nhi ấp nữa. Nó biết vũ Mùa hoa nở chớ chơi sao! Nhưng gần đây lộn xộn quá, trường học đã nghỉ, tôi bắt ở nhà luôn.

Thấy Lụa mới trên hai mươi đã có con lớn, tôi thấy hơi buồn cho tôi. Ba mươi ngoài rồi, nhỏ nhê gì nữa. Phải chi có một đứa con "để trên đầu trên cổ với người ta”, ông bà mình thường nói vậy. Rủi một viên đạn, một mảnh bom vô tình ….. biết đâu, thế là cụt dòng. Bổng Lụa buột miệng hỏi:

- Anh ở vùng này phải không anh Hai?

- Trước ở Long An, Tân An đó. Bây giờ dời về gần Sài Gòn rồi.

- Đây xuống đó cũng gần.

- Tôi đi bộ đội hồi mười ba tuổi tới giờ chưa về nhà lần nào. Không biết gia đỉnh còn ở đó hay không?

- Mười ba tuổi?

- Đúng mười ba tuổi.

- Làm gì trong bộ đội?

- Làm liên lạc, làm tên sai vặt của ông lớn bà lớn.

- Vậy mà còn sống. Còn anh tôi đi bộ đội hồi 45 có vài tháng thì chết. Ảnh mới mười sáu tuổi thôi.

- Sao vậy! Chết trận nào? Có thể tôi biết ảnh.

Lụa làm thinh. Tôi nghe một mối thiện cảm đối với Lụa dấy lên trong lòng, tôi nhắc lại chuyện cũ.

- Hồi đó đánh giặc liều mạng quá đi. Ai đời chiến sĩ cầm súng ra nằm phục kích rổi mà chưa biết bắn ra sao. Chỉ huy phải bò tới chỉ cho cách lắp đạn bóp cò. Vậy mà cũng đánh cũng thắng rầm trời. Bây giờ nghĩ lại, thiệt tình tôi cũng không hiểu nổi tại sao mình thắng Tây.

Lụa hỏi ngoặc ngang:

- Anh định móc gia đình không?

Tôi ngừng đủa hỏi.

- Ở đây có ai đi không? Tôi muốn móc ngay bây giờ. Tình hình này không còn yên ổn lâu đâu. Cái Đồng Dù đóng giữa rốn Củ Chi sẽ quậy nát hết cả vùng này. Chừng đó muốn móc cũng không móc được. Mà móc này có "chắc” không?

- Cho người ta tiền xe và chút đỉnh ăn đi đường chớ không tính công cán gì. Người của mình mà.

Lụa vui vẻ tiếp:

- Để em lo cho. Anh cứ coi vợ chồng em như em đi. Nếu anh Hai của em còn sống bây giờ cũng như anh!

Lụa nghẹn ngào không nói nữa. Nàng quay ngang quệt nước mắt, hồi lâu mới tiếp.

- Hồi ảnh chết, em còn nhỏ đâu có nhớ mặt mày gì. Ảnh cũng ham vui đi bộ đội vậy thôi, tuổi đó biết Tây tà, súng lớn, súng nhỏ gì mà cũng xung phong vô đồn.

Lụa thở dài, rơm rớm nước mắt, nói bông lông.

- Vái trời cho gia đình bình yên. Cha mẹ gặp con cái.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx