sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Chuyện tình cờ, tôi quen với Là, em của Lụa. Là làm đội phó xã Phú Mỹ Hưng. Chiều hôm đó, sau khi cơm nước xong, tôi chơi với bé Rớt còn Lụa sửa soạn đồ lặt vặt dưới hầm. Nàng bảo:

- Tình hình động đến nơi rồi anh ạ!

- Sao cô biết?

- Gì mà không biết. Hể thấy mấy cái trực thăng Sâu Rọm “câu” pháo tới Đồng Dù là có động tới nơi. Không có lần nào khỏi đâu. Anh thấy đó, mười lăm xã trong quận nhưng không biết nó đánh xã nào. Có khi nó đánh một xã rồi nhảy cóc qua xã khác. Có khi đánh và bao vây một lúc hai ba xã đóng chốt năm, bảy ngày không chừng.

Tôi rất ớn, nhưng thật tình không biết làm sao đối phó. Lực lượng, vũ khí đều không có. Ở Củ Chi, nghe nói Mỹ đánh “kỳ cục” lắm chứ không phải như nơi khác. Vì nó là đất thép thành đồng! Lụa hỏi.

- Anh đã xuống hầm lần nào chưa?

- Mới về đây mà xuống hầm cái nổi gì?

- Vậy hồi chín năm anh không có nếm mùi địa đạo à?

- Tôi đâu ở trên nầy! Hồi 50, tôi đã xuống Miền Tây rồi ở luôn đó tới tập kết. Nghe nói địa đạo mình bảnh lắm hả cô?

- Còn phải khen! - Lụa nói giọng trêu tức - Phải anh ở nhà, chui vài lần anh mê luôn không đi đâu nữa.

- Tôi về tới R cũng nghe nói địa đạo mình thần sầu lắm. Tôi nôn nả về đây để xuống nghỉ khỏe dưới địa đạo chơi vài phát! Nghe nói cả trâu bò gà vịt đều lùa xuống đó được hết mà! Có không cô?

- Em hổng có xuống địa đạo lần nào hết vì em không phải là du kích, dũng sĩ gì hết ráo!

Vừa nói tới đó thì một cô gái và một chàng trai vào nhà.

- Cô xã đội phó của em đó, bữa nào rồi nó cho anh tham quan địa đạo.

Là, một cô gái chưa đến hai mươi tuổi, giống y như chị, nhưng ăn nói “thẳng ruột ngựa” hơn, đớp ngay:

- Ừ, bữa nào cho ổng hộc cơm một bữa.

Nhờ Lụa, tôi quen với Là rất nhanh. Là tỏ ra là một thiếu nữ rất hoạt động điểm chút tự kiêu. Cũng nhờ Là mà tôi được khuyến khích trong việc móc gia đình. Là nói:

- Nhờ má đi dùm cho. Chị Tám Khỏe chắc không đi được vì con đau hai ba đứa.

Là quay sang nhìn tôi rồi hỏi bằng giọng rất ít cảm tình.

- Bộ ông muốn móc gia đình hả?

- Phải. - Lụa đáp thay.

- Nhưng móc ai?

- Má ruột.

- Chứ không phải bà chị hả?

- Con nhỏ này, hỗn quá mày.

- Nhiều ông Mùa Thu có vợ về đây không dám móc vợ ra vì có bà bầu ngoài này.

- Thôi mày ơi! Đâm hơi cái kiểu gì vậy? Cái con nhỏ này lảng nhách hè!

- Tôi nói thiệt chớ đâu có đâm hơi. Chị thiệt binh không? Tôi khai cả ổ ra cho nghe!

Anh thanh niên cùng vào với Là tên Sơn. Sơn là trưởng trạm này. Bữa nay chưa phải là chuyến nhưng thấy tôi là khách chờ ở trạm thì Sơn hỏi giấy tờ cho chắc. Tôi đưa cả hai loại. Một giấy thuyên chuyển cho trường pháo binh, một giới thiệu cho đường dây, toàn loại đặc biệt. Xem xong Sơn kêu:

- Loại “kẹ” đây! Chị Lụa phải bảo vệ dủm cho kỹ, mốt mới có chuyến.

- Tôi lấy gì bảo vệ? Nếu nó “đổ chụp” tôi chạy xuống nhà má tôi ở Hố Bò. Động tới nơi rồi đó.

- Ừ, để đó tôi lo - Sơn quay qua Là - xã đội còn khúc hầm nào khá không?

Là nguýt một phát là đứt họng.

- Anh hỏi vô nguyên tắc quá! Hỏi gì mà hỏi vậy?

- Hì hì! Tương trợ chút xíu mà gì cô em.

- Trách nhiệm của ai nấy làm chớ. Anh đãlàm hết sức chưa mà bắt tôi tương trợ?

Lụa nhơn đức đỡ đòn cho anh trạm trưởng.

- Con nhỏ này khó quá! Nay mai nó lên “dũng sĩ diệt Mỹ” chắc hết phương mình lại gần nó được đó chú Sơn!

- Ba cái thứ rởm đó tôi đâu thèm. Hể là anh hùng phải là anh hùng thực chất. Anh hùng rơm ai coi cho?

Lụa cười trêu chọc.

- Hỗng chịu cho nhà báo Liên Xô quay phim chụp hình à?

- Nghỉ ba cái vụ hề đó đi. Đem đi đâu xa xa người ta không biết thì mới dám đưa ra, chứ còn ở Củ Chi này biệt có dám triển lảm đâu.

Thấy em gái, không biết vì lẻ gì quạo quọ như vậy, Lụa càng nhỏ nhẹ:

- Dì con Rớt ở đây phụ với chị cặp nẹp mấy tấm vách, ăn cơm rồi hẳng về nghe!

Sơn dặn tôi qua loa ít câu rồi bỏ đi. Là đứng ở cửa ngó theo một cách giận dữ rồi quay vào nói:

- Thanh niên gì dơ quá!

- Con nhỏ này, mày đụng ai cũng chửi hết!

- Chửi còn nhẹ đó. Đập cây vô đầu mới đáng!

- Hỗn.

- Thanh niên gì có vợ con rồi mà thấy gái còm be be theo ghẹo chọc.

- Sao mày biết?

Là tuôn một hơi.

- Ảnh ở làng Tân Phú Trung chớ đâu. Mấy đứa du kích ở dưới đó, tập trung trên này nói, chứ anh ta giấu như mèo giấu.. vậy. Bởi vậy nên trời cho còn có một mắt.

- Tại thằng cha Tám y sĩ tập kết về mổ ẩu chớ mắt người ta đâu có hư như vậy. Bị thương sơ sơ ở ngoài mi mắt mà thằng chả làm hỏng cả tròng rồi móc luôn.

Là hơi bớt giận nên quay lại tôi dịu giọng:

- Nhà anh ở Bình Dương hả?

Tôi hỏi lại.

- Không, ở Tân An trước kia, bây giờ dời về gần Sài- Gòn! Bình Dương là ở đâu vậy?

- Là Bình Dương chớ đâu. Bộ anh chiêm bao hả?

Lụa bảo:

- Bình Dương là Thủ Dầu Một đó anh ạ! Chắc hồi đó nó chưa đổi tên!

Tôi nói.

- Ờ, hồi nhỏ tôi hayy đòi má tôi dắt đi chợ Khủ.

- Bộ anh cũng nói đớt hả?

Tôi pha trò.

- Tôi nói chợ Khủ không hè. Còn anh em ruột, tôi nói là anh em “guộc”.

Lụa cười. Là cũng cười theo. Cả hai chị em đều có duyên. Vừa đến đó thì một ông già bước vào nhà. Đó là đồng chí bí thư Tư Thiên. Lụa nói ngay vụ móc với Tư Thiên dùm tôi và nhờ chú nói giúp má Lụa đi, nếu không, vùng này sẽ không có ai. Chú Tư Thiên nói:

- Bả phải đi. Người ta là chiến sĩ, bả là má chiến sĩ mà không đi coi được hả?

Thế là ba người cùng kéo nhau đến nhà má Hai, mẹ ruột của Lụa Là ở dưới xóm Hố Bò. Tôi lủi thủi đi sau phái đoàn với bé Rớt. Tôi cố ý đi sau cùng để nhìn hình dáng của chiếc áo bà ba mà nhạc sĩ Trần Kiết Tường đả mô tả trong bài hátCánh tay miền Nam trên đất Bắc trong đó có câu “phất phơ, phất phơ tà áo bà ba”. Nỗi ước mơ được nhìn thấy lại tà áo bà ba trên quê hương mình, lâu quá lâu bây giờ mới thành sự thật. Chú Tư Thiên đi trước vác hai khúc cây “cò- ke” đốn trong rừng mà chú bảo là sẽ đẽo cho Má Hai cập đòn gánh xài tới già. Hai chị em Lụa Là thì đi gần nhau nói chuyện thủ thỉ mà linh tính báo cho tôi biết là họ bàn tán về anh cán Mùa Thu này.

Qua một khúc dứt có bụi chuối bên vệ đường, bé Rớt nói với tôi:

- Hồi nãy má cháu xô cháu té ở đây!

- Sao má cháu xô cháu?

- Tại vì phản lực tới.

- Cháu sợ máy bay không?

- Ở gần thì sợ, ở xa không sợ. Hễ thấy đầm già thì má cháu la cháu.

- Tại sao má la?

- Má bảo cháu chui xuống hầm. Dưới hầm có kẹo.

- Kẹo đâu mà có dưới hầm?

- Má cháu mua để dỗ cháu. Nếu không có kẹo, chỉ một chút cháu đòi lên.

- Sao vậy?

- Ở dưới hầm ngộp quá mà cậu!

- Cháu học lớp mấy?

- Cháu đâu biết lớp mấy?

- Ba cháu đi dân công hồi nào?

- Không phải, đi thanh niên xung phong.

- Đi ở đâu?

- Má cháu nói đi lên R rồi đi Bình Long Phước Long. Rồi mắc kẹt không về được.

- Không có gởi thư về sao?

- Má cháu nói đường dây bị đứt.

Lụa dừng lại giục:

- Đi mau lên anh. Chỗ này pháo hay rót trúng lắm.

Quả thật, tôi thấy mặt đường sâu hút, những hố nhỏ hố lớn. Cây cối gãy cụp, bật rể ngã ngang đường. Tôi dắt Rớt chạy lúp xúp một hơi qua khỏi vùng pháo rót. 1

Vừa qua khỏi vùng pháo rót thì gặp hai cô cũng cỡ tuổi và vóc vạc như Là, đang vác gạo đi ngược chiều. Đến gốc cây bên đường thì hai cô quăng bòng 2 gạo xuống và quệt mồ hôi. Một cô rút nút bi-đông ực nước rồi trao cho bạn. Một cô hỏi tôi.

- Anh đi Hố Bò hả?

Tôi chưa kịp đáp thì cô kia cười như nắc nẻ:

- Anh đi bán quán Bà Sáu!

Rồi cả hai cười to lên một cách châm chọc. Tôi không biết chuyện gì nên gạn hỏi Quán Bà Sáu ở đâu nhưng cả hai đều không trả lời. Một cô nói:

- Tụi em đều được điều động về R đây, anh có nhắn ai ở trển không?

- Sao biết tôi ở R?

- Lộ ra da còn hỏi! Anh đi hỏi con nít xóm Dược xóm Bùng Binh coi chúng biết không? Bây giờ nhiều Mùa Thu ở trên đó. Anh là cuối mùa rồi.

Nghe mấy lời nói đùa có vẻ bạo dạn của hai nàng du kích, tôi hơi gờm, định tìm cách ghẹo lại, nhưng một nàng đã hỏi:

- Anh đi năm sông bảy núi chắc anh kinh nghiệm ở đời, vậy em xin hỏi anh một câu nghe!

- Hỏi gì thì hỏi đi.

- Anh có điệu đàng không?

- Điệu luôn khi mà!

- Ừ, nhớ nhé. Em cần một món trong đồ trang bị của ông anh, em muốn mượn xài tạm chống Mỹ!

- Úy, “cây súng ngắn” không được đâu. Ở tù chết!

Tôi kêu lên và cười ý nhị, hai cô có vẻ hiểu. Một cô đáp:

- Ai mà mượn súng của anh.

- Ngoài ra cô muốn gì tôi cũng tặng!

Thật tình thấy tội nghiệp hai cô mặt mũi cũng dể coi mà lại lên R thì kể như “rêm” rồi. Chỉ vài tháng lại trở thành ma “rét” rồi “rụm”. Cô em bước lại sờ cái bi-đông Mỹ trên thắt long tôi và nói:

- Anh ở dưới này cần gì bình toong. 3

- Ừ! Lấy thì lấy đi.

- Em mượn luôn sợi xanh-tuya-rông Mỹ mới đủ bộ chớ.

Tôi hơi “dội” nhưng đúng ra bình toong USA phải đi đôi với xanh-tuya-rông Mỹ, nên gật khẽ.

- Ừ cứ lấy.

- Cám ơn anh nhé.

Nói vậy rồi cô tước khí giới ông cán Mùa Thu một cách tự nhiên, sửa lại dây nịt cho vừa rồi đeo luôn vào lưng.

Cô kia nãy giờ đứng ngó bạn hoạt động, bây giờ bước đến rút chiếc bi-đông của mình chìa ra cho tôi:

- Mời anh hớp nước tạm biệt Củ Chi.

- Cô tạm biệt chớ tôi đâu có.

- Thì nói là anh em mình tạm biệt nhau ở đất Củ Chi cái đi! Hai đứa em lên Rờ thì ăn B52. Anh ở dưới này thì cũng đội dưa hấu chùm. Tạm biệt là vậy. Thôi uống đi rồi chạy theo chị, để chỉ nghi ngờ chỉ trở lại quơ tụi em chạy không kịp.

- Chị nào?

- Vãy không phải là con anh đó sao?

Một cô vừa trỏ bé Rớt vừa nói.

- Không. Ba nó đi lên R sáu tháng nay. Tôi đâu có vợ con gì.

Tôi vặn nút bi-đông, (bi-đông Mỹ nút đen vặn, còn bi-đông Trung Quốc nút cặc bần) ngửa cổ lên hớp rồi kêu lên:

- Nước gì ngon dữ vậy nè?

- Nước mía lao và rễ tranh.

- Rễ tranh thì ở đây có thể đào được, nhưng mía lao ở đâu mà đào ra?

Cô gái tự nhiên ngọt ngào với tôi.

- Anh hỏi thì tụi em phải nói. Đây là mía lao đường, trồng trên mộ chiến sĩ. Bà vợ đem trồng trên mộ chồng mấy năm qua. Mía lớn thành bụi tùm lum. Cơ quan chúng em lâu lâu lại ra đó đốn về nấu nước tẩm bổ. Tội nghiệp bà vợ ghê! Vài tháng bả vô một lần, dắt theo đứa con mười hai tuổi. Năm ngoái năm nay không thấy vô nữa.

Tôi buột miệng nói.

- Bả lấy chồng rồi.

Cô gái kêu lên:

- Sao anh nói xấu người đàn bà như vậy?

- Đâu có xấu. Chắc bà ấy trên bốn mươi phải không?

- Đâu lối đó.

- Chồng chết thì lấy chồng, chớ ở vậy sao được? Ở ngoài thành, kẻ qua người lại dập dìu. Đàn bà ở một mình đâu có tiện. Miễn là đừng lấy lính Sàigòn mà tủi cho vong hồn chồng thôi.

Cô kia trìa môi:

- Anh lập trường dữ chưa. Sao không bảo mấy ông lớn giữ dùm một chút?

- Ai làm gì bậy đâu nào?

- Còn bác Tư Khanh. Anh biết ổng không? Thứ dữ mà!

- Biết. Ổng đúng là thứ dữ. 4

- Con gái ổng lấy cán bộ cũng thứ dữ của Ngô Đình Diệm đó anh ạ!

Cô kia háy bạn:

- Thôi mày, đừng tố mấy ổng. Mấy ổng chẳng có hề hấn gì đâu - Vừa nói cô vừa vác bòng gạo lên vai - Chào anh nhé. Cảm ơn cái bình toong đi R vữửng gối. Thiệt ra em cũng có một bộ cước lắm nhưng vừa tháo ra để đó, đi lãnh gạo, trở ra nó biến mất.

Nói xong cả hai chào tôi và đi. Tôi biết cái mả chiến sĩ trên đồi có trồng bụi mía đó. Anh bạn pháo binh của tôi. Anh ta về trước tôi hai năm. Sớm lắm. Lúc con đường Trường Sơn chưa có dấu mòn. Chẳng hiểu trong này nghĩ thế nào lại đánh đồn. Cái đồn Bổ Túc ít ra phải có một tiểu đoàn bộ binh và một đại đội pháo binh mới đánh nổi. Thế mà ở trên lại xách một đại đội non bộ binh đem đi nướng gọn. Anh tên là Út Việt, chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng! Cách đây mấy tháng có người bạn lên R cho tôi hay và bảo tôi có về tới đóng tiện đường thì ghé thăm mộ anh ở gần Trảng Đồng Rùm nơi cơ quan của ông Ba Nhân đóng đô để sản xuất tự túc.

Đợi tôi và bé Rớt tới, Là nghênh mặt:

- Anh biết tụi nào đó không mà quen?

- Không! Tôi đâu có dám làm quen gì?

Là nói xán xã như tôi là bạn thân của nàng.

- Không, sao dám trao bi-đông kỷ niệm?

Lụa bảo:

- Của ảnh thì ảnh cho chứ mắc mớ gì mày, con nhỏ?

- Cho thì cho chớ em có nói gì, nhưng trước khi cho khi cho phải biết mình cho ai.

Tôi cười trước sự giận dỗi của Là. Tôi hỏi:

- Chắc cô ấy là du kích sắp đi lên R. Trên đó gian khổ lắm. Tặng cô ấy cái bình toong có nhằm gì. Vả lại tôi ở đây có nước giếng, nước mưa, nước Rạch Thai Thai, nước sông Sàigòn, uống lúc nào chẳng được mà đeo bình toong làm chi cho cồng kềnh như đeo gông vậy.

Là làm như là không nghe tôi phân trần, nàng nói:

- Con đó tên là Tuyết Trinh ở một xã với ông Sơn và trong trung đội nữ với con Bảy Nê.

- Bảy Nê dũng sĩ diệt Mỹ đó hả?

- Chớ ai? Mấy đứa này về R làm gạc-đờ-co cho chị Ba Định.

- Sao cô biết rành quá vậy?

- Mỹ ngoài Đồng Dù còn biết nữa là ai!

Lụa năn nỉ:

- Anh đừng để tâm. Nó đụng đâu nói đó, không ý tứ gì hết. Nói rồi quên rồi.

- Chị nói bộ em con nít sao. Em có nhận xét từng người một, chị đừng tưởng. Người tốt lộ ra da, người xấu cũng lộ da ra. Tụi này nào có công trạng gì mà được đi R ở gần cán bộ cao, lên trển tha hồ diệt Mỹ kiểu con Nê, con Mô, bà Gừng và ông Cội.

Vừa đi vừa cãi nhì nhằng với nhau, phút chốc chúng tôi đã thấy ló dạng nhà má Hai. Bé Rớt dừng lại nhỏng nhẻo:

- Má ơi, ghé lò đường, xin nước đường cho cậu Hai uống nước chanh đi má.

Đi ngoài đường không thấy dấu dết bom đạn, nhưng khi vào trong vườn thì đụng hố bom pháo lưa thua rải rác khắp nơi. Ít có miếng vườn nào còn nguyên.

Ống khói lò đường như cái lổ mũi nhọn nghếch lên dưới vòm lá rậm của những bờ dừa. Tôi biết ngay ý ông chủ lò là muốn dấu cái lò, nhưng mà làm sao được, vì cái lổ mũi đó thở phì phò. Khói trắng lên, lan ra đầu mấy hàng dừa. Máy bay đâu có đui mù gì.

Bả mía ném vung lên phía sau nhà và mía bó đống chất cao như núi ở trước sân lẩn trong nhà. Hai con trâu mập mạp mình mẩy đầy bùn khô gằm cổ kéo che. Hai ống gỗ có răng xoay quanh nhau hút ngốn những thân mía do hai người đàn bà cho ăn liền tay và nước mía chảy trào ra như suối xuống chậu. Ở ngoài chái rạp là chiếc lò liên hoàn ở trên đó bắc liền ba cái chảo đựng nước mía. Nước sôi như sóng biển ở lái tàu tập kết mười mấy năm trước. Một người đàn ông lực lưỡng đứng khoe bắp thịt ngực, bắp thịt tay như lực sĩ, tay cầm cái chèo to cỡ chèo xuồng khuấy hết chảo này sang chảo khác.

Tôi đang say sưa ngắm cảnh lao động thì có tiếng hỏi:

- Hai đứa bây và chú Hai cũng quẹo vô đây kiếm nước đường tẩm bổ hả?

Thì ra là chú Tư Thiên. Chú đi tắt nên đến đây trước. Lụa nói đỡ:

- Con Rớt nó đòi, chớ ba cái nước này uống gắt cổ, cháu đâu có ham!

- Bây không uống thì để cho chú em nó nếm mùi đường Giải Phóng chút!

Tôi tỏ vẻ hân hoan nói với chú Tư Thiên.

- Dạ, cháu thấy công việc cháu mê quá!

- Thời buổi này làm ăn lớn mệt lắm chú ơi!

- Hợp tác xã này hoạt động được bao lâu vậy chú Tư?

- Hợp tác xã nào?

Tôi sực nhớ ra đây không phải là Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghỉa nên thành thật thú nhận:

- Cháu quên mất!

- Quên gì chú em?

- Cháu ở ngoài Bắc lâu quá nên cái gì cũng tập thể, cũng hợp tác. Cho nên thấy có người làm việc chung như thế này thì cứ ngỡ là hợp tác xã làm đường. Chút xíu nữa cháu chào ông “chủ nhiệm” rồi.

- Hợp tác xã gì đâu! Đây là việc làm ăn của gia đình với sự tiếp sức của bà con lối xóm. Tình hình này bom pháo găng lắm. Tôi đến đây để làm việc ngụy trang cho khỏi bị máy bay dòm ngó. Hồi sáng đến giờ đầm già có bay sang đây nó liếc xéo cái lò hết mấy cái kha khá. Trận bom hồi nảy bỏ cách đây không xa. Miểng bom văng còn vài tầm đất nữa là tới cửa lò.

- Vậy làm sao chú Tư?

- Có lẽ phải chạy ban đêm mới được. Tình hình có vẻ xấu riết tới,. Việc này làm chưa xong đã tới việc khác, cứ ùn ùn lên. Nó đánh mấy lò đường này kể như mình hết ngo ngoe. Chỉ còn ba con bò kéo xe nữa là trụi.

Người đàn ông ngừng tay chèo trong mấy chảo nước sôi bưng ra một chồng tô lá sen và bảo hai chị em Lụa Là:

- Đứa nào rảnh tay múc nước đường vắt chanh đãi chú Tư và ông bạn dùm tao chút. Đường gần tới rồi phải quậy dưới đáy cho đều nếu không, nó khét.

Nước mía tươi vắt chanh uống đã khát quá chừng. Nếu còn cái bi-đông thế nào tôi cũng xin một bình, ngặt đã cho người ta rồi. Chú Tư Thiên hỏi:

- Nghe nói ở ngoài đó hợp tác xã làm ăn khá lắm, tôi trông cho giải phóng mau mau để trong này bắt chước, mần cá nhân lẻ tẻ kiểu này coi bộ huề vốn chớ không có lời.

- Ai nói với chú vậy, chú Tư?

- Thì mấy ổng ở ngoài đó về nói đó chứ ai. Ông nào đi ngang mà không ghé lò này uống nước chanh đường? Ông nào cũng khoe hợp tác xã ở ngoài đó mần ăn tấn phát dữ lắm, tôi nghe, nôn muốn chết.

Tôi nghe rủn chí tơ lòng. Đúng là “láo thiên láo địa láo Bà Rịa láo vô” rồi! Tuyên truyền cái kiểu này là nguy hiểm lắm. Nhưng bây giờ không thể nói sự thật được.

Cái hình ảnh hợp tác xã thu gọn lại và còn ghi mãi trong tâm tư tôi là bức tranh hài hước của tờ báo Văn Nghệ Hà Nội ra khoảng năm 1957- 1958 gì đó. Họa sĩ đã vẽ hai ô tranh: một ô tranh vẽ con trâu ốm nhom kéo cày vừa ho đằng sau là anh xã viên vừa ngủ vừa la trâu, trong lúc ở sau lưng mặt trời lên cao nghiệu. Còn ô kia thì vẽẻ một anh cá lẻ cầm đèn soi cho con trâu đi cày. Con trâu mập ù như thớt voi! Đó là hợp tác và bất hợp tác xã. Nếu chẳng may mà giải phóng xong, hợp tác xã lan vô trong này thì ắt báo Giải Phóng sẽ đi tìm tác giả bức tranh kia để xin sao lại một bản.

Thấy tôi uống cạn tô nước đường, Lụa nói với chú Tư Thiên:

- Thôi về kẻo má tôi trông. Chú Tư qua nói giúp cho ảnh.

Đêm hôm ấy là một đêm ghi một kỷ niệm sâu sắc của đời bộ đội tôi. Sau khi Lụa, Là thay phiên nhau giới thiệu thành tích hai mươi năm kháng chiến chưa gặp gia đình của tôi, má Hai rất xúc động. Má hứa sẽ đi móc dùm tôi. Lụa ở nhà coi chừng cái quán tạp hóa của má. Nghe tôi nói trước kia cũng có ở vùng Bến Súc má Hai xúc động. Má ngồi gốc ván ăn trầu ngó ra bóng đêm mịt mù và cất giọng run run:

- Con đi hai mươi năm mà quay về được bản thổ, còn thằng anh trai của con Lụa con Là cũng đi bộ đội hồi 46. Mới được mấy tháng đã tử trận.

Tôi hỏi:

- Anh đánh trận nào má?

- Trận Bến Súc.

- Trời đất, hồi 45- 46 mà đánh đồn, đánh bằng súng gì?

Má chậm rãi ăn trầu, xỉa thuốc rồi kể:

- Chuyện lâu rồi mà tao còn nhớ hoài. Thằng Điều nhà tao hồi đó mới có mười bảy tuổi đầu, còn con Lụa hai ba tuổi, con Là mới biết bò. Bộ đội của ông Ba Tô Ký về đóng nhà này, mần heo, mần bò ăn rồi tính chuyện đánh giặc. Đồn Bến Súc ở bên kia sông Sàigòn, lính đông lắm, có Tây u nữa, mấy ổng nhứt định “nhổ “ nó đi. Súng thì không có. Chỉ có được cái lá gan anh hùng thôi. Nghĩ coi, súng mút-cơ-tông mà làm sao bắn thủng vách tường? Do đó mới bày kế đào hầm. Trong xóm có anh Tư Cầm. Anh ta là người ở đâu tới chứ không phải là người ở đây. Nghe đồn ảnh lặn cũng hay mà đào hầm cũng giỏi. Ba Tô Ký bèn kêu đến bàn kế đánh đồn. Tư Cầm bèn bảo Ba Tô Ký đào hầm từ ngoài rừng vô nền đồn rồi châm thuốc nổ, cái đồn sẽ bay tung không cần phải dùng một tên lính. Ba Tô Ký nghe vậy mừng quá bèn cho khởi công đào hầm.

- Bắt đầu ở chỗ nào má?

- Tao đâu có biết, nhưng nghe nói là đào miệng hầm từ trong rừng Bến Súc. Đào cả tháng trời mới đem chất nổ xuống, tưởng là đã vô tới giữa nền bót rồi. Nhưng khi cho nổ thì mới hay là còn cách hàng rào bót cả hai trăm thước. Ba Tô Ký nóng mũi xua quân đánh liều. Lính trong đồn bắn ra, quân mình chết cả trăm trong đó có thằng Điều anh của con Lụa con Là.

Tôi thở dài và ngồi lặng im. Má Hai tiếp:

- Nó ham súng lắm con ơi. Bộ đội về đóng trong nhà nó xin vô liền. Ba Tô Ký bảo gì nó cũng làm hết. Chính nó đem chất nổ xuống hầm đó.

- Rồi Tây Bến Cát có tiếp viện không má?

- Tao đâu có rỏ ất giáp gì. Chỉ biết tụi trong đồn không chết tên nào. Thằng xếp Tây cho hất xác đằng mình xuống sông. Còn bộ đội thì rút lui, đâu có ai vớt xác chiến sĩ chôn cất gì đâu.

Tôi ngồi lặng thinh. Đúng như lời má kể, không sai một chi tiết nào. Lúc đó tôi làm ở Ban Mật Mã của anh Ba Tô Ký. Văn phòng đóng ở trong Đường Long để chỉ huy trận đánh. Đâu có chỉ huy gì. Sau khi châm thuốc nổ và thấy không đạt mục tiêu thì ảnh hô lính xung phong…… Đúng ra không phải do một mình anh Ba Tô Ký mà có trận đánh lạ lùng đó. Ngoài anh ra còn có ông Đào Sơn Tây (hiện giờ là anh Tư Khanh, Chính Ủy Bộ Tư Lệnh Pháo Binh R). Anh Ba Xu tức Trần Đình Xu bí danh Ba Đình.

Những ông tham mưu trận đánh Bến Súc lạ lùng đó nay đều còn sống cả, chỉ có lính là chết sạch thôi, trong đó có anh Điều, con của má. Nhứt tướng công thành vạn cốt khô là thế.

Má ngồi trầm ngâm một hồi lâu rồi vụt hỏi:

- Còn mấy ông Sáu Khâm, Năm Truyện cũng kháng chiến một lượt với mấy ông kia bây giờ đâu hết rồi con?

- Dạ, mấy anh cũng về trong này rồi. Năm Truyện bí danh Năm Sàigòn Sư Trưởng Công Trường 9, còn Sáu Khâm là Sư Trưởng Công Trường 5. Ngoài ra còn anh Hai Bứa, bây giờ lấy tên Hai Hồng Lâm cũng đã về ở trên R.

- Bây giờ mấy ông đó già ngắt hết rồi chớ gì.

- Dạ, tóc bạc ráo trơn.

- Đánh giặc gì hai mươi năm mà chưa xong. Không biết chừng nào mới độc lập được.

Lụa và Là lui cui nấu chè đậu xanh với dừa nạo. Câu chuyện vừa dứt thì Là nói ngang ngang trong trỏng với tôi.

- Bữa nay mừng anh về tới xứ gặp gia đình bằng một nồi chè đường tán nghe. Đậu xanh chưa kịp đãi vỏ, đừng chê.

Má nhận tôi làm con nuôi (thay cho Điều, làm anh của Lụa và Là) thiệt oai vô cùng. Tôi cũng chẳng ngờ có việc đó. Âu cũng là may mắn, một cái ơn, một mối tình cá nước. Bắt đầu từ đó, má đối xử với tôi như một đứa con. Tôi đưa tiền cho má đi Sàigòn, má không nhận, má bảo:

- Tao đi như đi chơi! Tiền gạo gì. Bây đi hai mươi năm có ăn tiền của ai đâu.

Đêm đó có thể nói là một đêm hòa bình hạnh phúc nhất đời lính của tôi với giấc mơ gặp lại mẹ già đãả hầu thực hiện được. Tôi nằm trên bộ ván gõ ở phía nhà trước với bé Rớt. Có lẽ thiếu tình cha nên nó cứ quấn quít bên tôi như quen biết từ lâu. Riêng tôi có tính thương con nít. Hồi cải cách ruộng đất, tôi vẫn thường dắt đám trẻ con chủ nhà ra sông tắm. Tôi chà xà bông trên đầu chúng, chúng thích lắm. Về nhà, chúng khoe cả xóm. Chỉ thương hại cho đám con địa chủ. Nhà chúng bị tịch thâu, bố mẹ chúng đi tù, còn chúng thì đi lang thang, ai cũng có thể chửi mắng xua đuổi và ném đá. Nhiều lần tôi gặp cả như quái vật, tôi bịt mắt không dám dòm. Dòm lâu có thể bị cán bộ xã hội bắt gặp báo cáo cho đơn vị thì trong tổng kết bài học có thể bị quy là “lập trường không dứt khoát”. Công việc vĩ đại nhất của tôi là dám đem cơm lén về cho đám con chủ nhà. Thời đó, dân làm gì có cơm trắng. Nhà nào có cám nấu với khoai là phước lắm. Nhiều nhà còn phải ăn củ chuối nấu. Đó là xã Ngọc Chi, tỉnh Thanh Hóa. Tôi có dám bịa đâu. Mà bịa làm chi cái khổ của đồng bào kia chứ! Nhưng tôi chỉ lén “tiếp tế” cho mấy đứa con chủ nhà được mấy tuần lể thì “bị phát hiện”. Ở trên cho biết chị ủy địa phương báo cáo hành động của tôi. Làm như vậy là “phạm tiêu chuẩn”. Tôi hơi bực mình nhưng không dám cãi. Cãi với cấp chỉ huy lúc này sẽ có thể bị quy là “phản ứng giai cấp”.

Mấy hôm nay, từ trên R xuống đến Củ Chi, tôi đã được dắt qua nhiều thôn xóm, qua cả những nơi trước đây từng là đồn điền cao su. Mười năm rời mảnh đất này, bây giờ trở lại tôi phải ngạc nhiên thấy rằng sinh hoạt của đồng bào quá cao. Quần áo toàn lụa, lảnh, têtôrông, áo trắng, áo màu, cơm gạo phủ phê. Thanh niên, du kích hút toàn Capstan, Ruby. Chế độ Ngô Đình Diệm đã bóc lột dân miền Nam tận xương tận tủy còn Miền Bắc càng ngày càng vững mạnh thì ăn củ chuối và hút thuốc lào.

Một người rất hiểu cả hai miền Nam Bắc là tôi, nhưng không bao giờ dám mở miệng nói rằng Miền Nam chẳng cần giải phóng. Nếu cần giải phóng thì đó là Miền Bắc chớ không phải Miền Nam. Bao giờ thì những bà mẹ ở nông thôn miền Bắc mới bỏ được chiếc váy đụp, cái áo nhuộm củ nâu dày mo có từ thời nào không biết nữa?

Vài ba tiếng pháo xa xa cắt ngang dòng tư tưởng của tôi. Lụa từ bên trong nói vọng ra:

- Hầm ngay đít ván đó nghe anh Hai.

- Cô đừng lo. Nếu nó pháo gần tôi ẵm bé Rớt xuống hầm.

Tôi cảm thấy mặt ván gõ mát quá. Làm tôi nhớ cái nhà của tôi. Nhà tôi cũng có những bộ ván gõ như thế này. Có những chiếc bàn thờ đêm đêm thơm ngát khói hương như thế này. Tôi nhớ những gốc dừa, những liếp chuối vang ầm tiếng chim kêu, nhớ những con nước ròng trong những con rạch đỏ lững phù sa, nhớ những gương mặt hàng xóm bây giờ không biết đã già đến cỡ nào rồi. Trước khi xuống miền Tây, tôi không có cơ hội ghé thăm nhà. Hồi đó, má tôi mới ngoài ba mươi tuổi. Bây giờ đã trên năm mươi, cứ nhìn má Hai thì biết.

Nằm bên bé Rớt, tôi thấy nhớ gia đình hơn bao giờ hết. Lôi ơi! Mi đã ngoài ba mươi! Già thì chưa già nhưng trẻ thì không hẳn là còn trẻ. Tôi thấy ham có một đứa con. Ý nghĩ này luôn luôn đến với tôi mỗi khi tôi thấy một người đàn bà có thai. Ừ! mình phải có một đứa con để bồng để ẵm. Con trai hay con gái cũng được. Nhưng rồi làm sao lấy vợ mà có con? Ngoài Bắc, đơn vị đóng quân trong nhà dân nhưng lính đông quá, mà con gái địa phương lại ít. Hơn nữa, lúc nào tôi cũng đi điều động đi công tác mới. Nay dạy pháo cho đơn vị này, mai dạy pháo cho đơn vị khác. Lần cuối cùng vừa lấy lại hơi sức sửa soạn đi nghỉ phép sưu tầm chất tươi thì lại bị đưa đi Trung Quốc học nghề pháo.

Đi Trung Quốc về gặp may. Trong khóa học có một tên Nam Kỳ, con một ông kẹ loại râu hai tầng. Nghĩa là ổng vô đảng trước cả Trường Chinh, nói đúng ra ông ta là kẻ thành lập đảng tại Nam Bộ. Thằng bạn có đứa em gái kháu lắm. Nó dắt về nhà chơi và bảo: ”Hễ mày đồng ý là tao gả liền. Quyền huynh thế phụ!” Tôi tới lui nhiều lần và hai đứa quen nhau, yêu nhau tha thiết thì chưa bằng Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nhưng tình đã đậm. Thứ bảy nào tôi cũng đi bằng được Hà Nội. Nhưng một hôm tôi bỗng bắt gặp một việc kỳ lạ trong gia đình. Số là từ ngày tôi và nàng quen nhau, tôi chưa hề gặp “ ông nhạc “ mà chỉ gặp “bà nhạc” thôi. Hôm đó tôi thấy “bà nhạc” ăn cơm ở sau bếp. Còn ông thì ăn trên phòng ăn với một đứa cháu.

Về sau, gặp thằng bạn, tôi gạn hỏi. Nó bảo:”Thì xưa nay vẫn như vậy chứ phải mới mẻ gì? Tiêu chuẩn của ông, ông chén. Tiêu chuẩn của bà, bà xơi. Không ai đụng tới tiêu chuẩn của ai “sợ phạm chính sách”. Hắn tiếp: “Chính tao cũng sợ phạm chính sách, nên tao ít khi về và tao chẳng bao giờ ăm cơm ở nhà. Ngày thường thì cơm thùng nước chậu trong đơn vị, thứ bảy chủ nhật thì ăn quán ngủ đình.”

Tôi bất nhẫn tâm can. Đảng có cái tiêu chuẩn ngay trong gia đình như vậy nữa sao? Cũng may, sau đó tên tôi được ghi vào bảng “phong thần” nên tôi có lý do để đến thưa hơn, rồi trước khi từ giã Hà Nội, tôi gởi nàng một bức thư tỏ ý “việc nước trước tình nhà” để nàng không nghi ngờ gì trái tim lủng lổ của tôi.

Tôi là một thứ bướm. Đáp vào hoa thì nhiều mà chẳng đậu ở cành nào lâu.

Bây giờ, vừa về tới quê nhà đã thấy vườn hương tỏa ngát. Tôi cảm thấy có dính dáng sâu xa ở gia đình này qua những cử chỉ của Là từ lúc sau tôi cho cái bình toong cho cô gái đi R. Là như hờn mát như giận dỗi trách trách móc điều gì.

Tại sao có biết bao ông mùa Đông và mùa Thu đến đây rồi mà cô nàng vẫn còn chân trơn? Vì cô quá kiêu ngạo hay vì mấy ông kia kém tay ấn?

Gia đình này là một gia đình trung nông lớp trên. Nhà ngói ba gian hai chái, ván gõ tủ thờ. Nếp sống rất mực thước theo kiểu đồng quê: chân tình, hào hiệp và hết lòng với kháng chiến. Sự hy sinh của người anh cả được nhắc nhở luôn từ khi có mặt tôi trong nhà. Tôi để ý cô chị thường chăm chú nhìn tôi, có lần tôi bắt gặp thì cô ta bảo rằng tôi có mái tóc giống anh Điều. Riêng Là thì tôi chú ý thấy Là chải đầu kẹp tóc tươm tất hơn lúc ở nhà chị.

Tất cả vẻ phì nhiêu sung túc của vùng giải phóng mà tôi đã thấy qua là hào quang rớt của vùng Mỹ Ngụy. Chúng tôi phải tuyên truyền ngược lại, ở đây sự thực không được phép nói ra mặc dù ai cũng rõ sự thật đó: Miền Bắc xã nghỉa còn lâu mới có “cái” để mà tự hào.

Tôi nhớ lại những kỷ niệm với cô gái con ông kẹ. Nếu không về Nam có lẽ tôi phải đi đến việc vợ chồng. Ở trong một gia đình sống bằng tiêu chuẩn như vậy thì làm sao thoải mái được?? Tôi quả tình dội ngược khi thấy cảnh chồng chúa vợ tôi đó và té ngửa khi được biết các ông trung ương có mậu dịch riêng, các chuyên gia và Bộ Trưởng có bãi tắm riêng, tem phiếu cũng có cấp bậc… …

Thôi, tất cả như trang sách đã lật qua, hãy viết tờ vở mới. Khi vào tới Làng Ho tôi cảm thấy như đã tới nhà. Mải miết trèo, lội, bò, lết. Cố vượt và không để bị bệnh. Quả thật, trời còn ngó lại, tôi không phải nằm lại một trạm nào. Với chức Đoàn Phó của một đoàn cán bộ từ thiếu úy trở lên, tôi chu toàn và đã làm gương tốt suốt bốn tháng hành quân.

Đi bương về nhà để gặp gia đình, để cưới vợ, trong thâm tâm thằng Nam Kỳ nào cũng nghĩ vậy, nhưng thằng nào cũng làm bộ trở về giải phóng Miền Nam.

Trời run đất rủi làm sao khi về, đến khu 6 giáp ranh Nam Bộ thì gặp Sáu Phương, bạn cũ hồi chin năm, trưởng đường dây khu 6, cái gút giữa Nam Bộ và Khu 5. Trong số nữ giao liên có một cô gái tên Thu Hà, người Tân An, quê tôi. Thu Hà là y tá đường dây của Sáu Phương phụ trách. Chặng đường này là chặng đường bò lê, người chết như rạ. Bởi vì từ làng Ho (ho gió) vào tới đây là 38 trạm. Ho gió trở thành “ho ra máu”. Về đến ranh Bà Rịa rồi, còn một bước là đạp lên đất Nam Kỳ thế mà có nhiều người lại gục không ráng nổi.

Anh bạn Trần Chánh Lý của tôi đã sốt rét mấy cữ liền, tôi nhân danh Đoàn Phó bắt anh ở lại dưỡng sức nhưng anh nôn nao không nằm lại được. Tôi đành phải chia đồ đạc súng ống của Lý cho anh em, mỗi người mang giúp anh một ít để anh đi tay không với chiếc gậy. (Bây giờ ngồi viết lại những giòng này tôi rởn óc đầy mình.) Mặt Lý xanh một cách quái gỡ nhưng vẫn ráng lết chỏi cây gậy đi theo. Lên dốc, anh em phải lôi, phải đủn. Anh vừa dướn lên vừa hổn hển nói: “Có chết cũng về tới Bà Rịa rồi hãy chết”. Anh cố đi được một trạm. Hôm sau đi tiếp. Đi một lúc, tôi mới bảo cậu trong đoàn đến giúp đỡ cho Lý. Nhưng cách đó không xa, Lý ngồi dựa gốc cây mà chết.

Lý chết ngon lành. Thế mà chết được. Còn mấy bước nữa là tới Bà Rịa mà nỡ chết, không cố nổi nữa. Cố sao được mà cố. Sốt rừng ba cơn là kiệt sức rồi. Huống chi Lý sốt đã cả tháng trời. Lý quê ở Hà Tiên, Pháo chống tăng 57 và 85 ly.

Chúng tôi chôn Lý ngay bên vệ đường, làm dấu. Về đến trạm Sáu Phương tôi mới thuật lại tình cảnh. Sáu Phương khóc ròng. Anh ta người to lớn, mặt mũi thô kệch nhưng lòng dạ thì tốt đẹp vô cùng. Anh cho giao liên của anh ra đến tận nơi làm rào dựng bia và bảo tôi ghi rõ địa chỉ, gia đình, chức vụ, ngày giờ hy sinh vào quyển sổ của đường dây của đoạn đường này. Anh bảo tôi:

- Đồng chí nhìn đó. Trước đồng chí ấy có bao nhiêu đồng chí đã yên nghỉ nơi đoạn đường này. Đến đây là mọi người kiệt sức. Bởi thế cho nên ở trên cho trạm này ba y tá để tiếp sức anh em.

Sau cái tang đau đớn, tôi được một mối tình. Thu Hà, cô y tá yêu tôi một cách đơn giản: vì tôi là người Tân An. Thu Hà dong dỏng cao, có đôi môi rất xinh. Mặc dù bị sốt rét, môi Thu Hà cũng không tái nhợt.

Chúng tôi ở lại trại này nghỉ ngơi chờ lãnh gạo rồi đi tiếp. Đây là lần lãnh gạo cuối cùng cho tới đất Nam Bộ. Nhờ có thì giờ, tôi nói chuyện với Thu Hà rất nhiều. Thu Hà làm cho tôi xúc động mãnh liệt, không phải với những lời văn hoa của tiểu thuyết mà với những tên chợ, tên làng, tên ấp xóm, tên bến xe, tên bến đò, nơi tôi và Thu Hà từng biết hoặc đến.

Thu Hà trước đây làm y tá ở vùng Tam Biên nhưng đường dây Trường Sơn cần hơn. Càng ngày khách càng ốm và chết ở chặng này nhiều hơn bao giờ hết. Do đó, đường dây mới lập trạm cứu thương nho nhỏ để phát thuốc kí-ninh và băng vết trầy trên chân cho khách và Thu Hà được thuyên chuyển ra đây.

Thu Hà muốn trở về vùng Tam Biên nhưng ở trên cứ khất lần hồi. Thu Hà không nói ra những ý định đó nhưng tôi biết nàng chán cảnh núi rừng. Tôi hứa khi tôi về tới trong này tôi tìm cách rút nàng về. Có lẽ nàng không nghĩ rằng tôi làm được việc đó, nàng chỉ tin rằng tôi yêu nàng, một thứ tình yêu điểm xuyết bằng những cái hôn trên giấy năm, bảy tháng một lần.

Trước khi chúng tôi rời trạm để Nam tiến trạm cuối cùng, Sáu Phương đã chơi một cú tuyệt đẹp để đời. Tôi không bao giờ quên tấm lòng vàng của Sáu Phương. Phương gọi tất cà nhân viên trạm lại và nói như ra lệnh:

- Các đồng chí chúng ta sắp về đến nơi, cần một số đồ ăn để đắp đầu gối. Các em có gì đưa hết ra tặng các đồng chí. Tôi không bắt buộc. Ai muốn làm thì làm.

Giọng Sáu Phương ồm ồm như thùng thiếc bể. Nửa đùa, nửa thật. Phương nói mấy câu rồi nghẹn ngang nhưng nhân viên trong trại lầm lủi về lều trút hết các loại khô voi, khô khỉ, khô nai, khô mển.. đem ra chất đống trước mặt vị chỉ huy của họ.

Tôi thay mặt đoàn đáp lại ngay, tôi nói:

- Thay mặt đoàn trưởng đang ốm, tôi cũng xin cảm ơn các đồng chí, cảm ơn các đồng chí trạm không bằng lời nói suông mà bằng hành động cụ thể.

Tôi vừa nói xong anh em đi moi ba-lô đem ra những gói những hộp chất đối diện đống lương khô của trạm. Đó là những hộp thuốc trụ sinh, kháng sinh, những hộp thuốc bổ, những gói kí-ninh, những bọc quần áo …

Chúng tôi khóc với nhau. Thu Hà đã tìm đến tặng tôi một hộp ruốc nai. Nàng bảo: “Anh cố về đến quê nhé. “ Rồi khóc mùi. Tôi tặng lại Thu Hà tấm vải dù.

- Vải này nhẹ, mỏng, nhưng đắp ấm lắm. Em giữ lấy như thấy anh hằng ngày!

Rồi chúng tôi chia tay. Tôi ra đi cứ quay ngó lại. Ở gốc cây bàng lăng thân trắng và có đốm nâu đậm nhạt, một đôi mắt nhìn theo tôi, một đôi mắt ướt.

Về đến R tôi tìm cách để móc Thu Hà về trong này, nhưng tôi không có quyền hạn gì. Hơn nữa tôi cứ đi hết địa điểm này đến địa điểm khác, công tác này xong lại có công tác mới. Một năm trời, tôi viết cả mấy chục bức thư, chẳng được một chữ trả lời. Tôi nhớ mấy câu trao đổi giữa tôi và Sáu Phương. Tôi nói:

- Tôi về trỏng, tôi xin gởi lại anh hai người: một sống một chết.

Sáu Phương nhạy lắm, trả lời ngay:

- Mộ anh bạn pháo binh tao sẽ cho làm thêm, còn con Hà là con nuôi tao. Mày tìm cách vận động tao sẽ gởi nó về cho. Tao tội nghiệp tụi con gái yếu đuối quá nhưng ở trên bảo vậy tao không cải được.

Bây giờ từ R tôi trôi xuống nằm ở rìa Củ Chi rồi đây. Ngày mai còn dạt tới đâu nữa. Dù tôi đi đến đâu thì cái hôn tạm biệt chúng tôi trao cho nhau vẫn còn ấm trên làn da phong trần của tôi và dư âm của hai tiếng “Thu Hà” vẫn còn rung động trong tim tôi như một chiếc lá con sau trận gió.

Con đường đã qua chẳng đời nào trở lại, đó chính là con đường Trường Sơn. Ở đó không có gì ngoài cái chết. Cái chết hãy còn lởn vởn với tôi đến hôm nay ở quanh quẩn đâu đây bên bộ ván gõ. Bé Rớt nằm im thở đều đều trong giấc ngủũ vô tư.

Bất giác tôi đứng dậy đi ra hàng ba nhìn về bốn phương trời xa. Những đốm quả châu nhấp nháy trên nền trời xa thẳm. Đó là Đồng Dù, kia là Củ Chi. Nọ là Đức Hòa còn đây là Bến Súc, Bến Cát. Xa nữa là Lai Khê. Củ Chi bị bao vây bốn phía. Mười lăm xã nằm gọn trong những dãy hàng rào đồn bót. Củ Chi về đêm như một mảnh khăn đen xé rách từng nơi với những tia lửa xanh đỏ vàng tím, ngắn dài.

Tôi bất giác rùng mình và trở vào nằm nép mình bên bé Rớt như sợ hãi và mong nó che chở cho. Đêm sâu thăm thẳm và lạnh ngắt. Một cái lạnh bất thường, một sự im lặng trước giờ bùng nổ, một cái bẫy hòa bình. Không có một cơn gió lạnh, nhưng tự nhiên tôi rùng mình. Bé Rớt vẫn nằm yên, hơi thở đều đều. Lứa tuổi này đã bỏ trường ở nhà để cút bắt với bom đạn. Phải mình ở nhà bây giờ ít nhất cũng có vài đứa như bé Rớt. Tôi tự an ủi với một ý nghỉ vớ vẩn. Tôi cố nhắm mắt để dổ giấc ngủ. Nhưng đầu óc vẫn tỉnh khô. Trần Chánh Lý như đang ngồi đó lưng tựa vào gốc cây, đầu gục xuống. Hà Tiên của Lý là cái gốc cây đó. Thu Hà núp sau thân cây bàng lăng nhìn theo. Những lá thư không hồi âm. Đôi mắt ướt vẫn còn ướt.

Một năm rồi. Còn mấy năm nữa. Ngán ngẫm vô cùng. Một làn hương nhẹ từ ngoài hiên len qua khe cửa, lan khắp nhà. Mùi bông vú sữa! Bây giờ là tháng mấy mà vú sữa trổ bông? Không biết. Đó là đặc điểm của dân tập kết. Không biết mùa nào trồng cây nào, mùa nào có me, xoài, mùa nào có cam quít, lúa cấy vào tháng mấy, bông điệp trổ bông vào tháng nào?

Trên mười năm ly hương hình ảnh quê hương nhạt dần như một khái niệm …


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx