sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

Cơm nước xong tôi lên bộ ván gõ nằm. Lụa đã để sẵn chiếc gối tai bèo mới ở đầu bộ ván. Tôi đưa võng dỗ bé Rớt ngủ và mơ về nhà. Không biết bây giờ cha mẹ sống chết, giàu nghèo ra sao. Cô bạn chí thân thuở nhỏ... chắc đã có chồng con lâu rồi...

Vừa đến đó thì nghe pháo bắn. Kể từ khi về tới đây lúc nào cũng thấy con người dáo dác, lo sợ và sẵn sàng chạy trốn. Từ tối đến giờ nghe pháo nổ tứ tung. Có trái làm ly tách trên bàn thờ khua lạch cạch. Tôi không ngủ dưới hầm không biết vì lưu luyến bộ ván gõ hay vì muốn tỏ ra rằng ”Ta đây cũng con nhà pháo, sợ gì chúng mày!”.

Tôi vừa thiu thiu thì có tiếng gọi ngoài cửa. Tôi ngồi bật dậy quơ chụp khẩu K54, nhưng Lụa đã bảo:

- Khách hàng đó anh ạ.

Lụa vừa dứt tiếng thì có tiếng con gái eo éo:

- Có cô Là ở nhà không?

Có lẽ Lụa nhận ra tiếng quen nên bước ra đốt đèn và mở cửa. Rồi Là củng đi theo ra. Tôi vừa đút súng dưới gối là hai người khách, một nam một nữ đi vào. Tôi nhìn người đàn ông. Hắn cũng nhìn tôi chằm chặp. Hai bên nhận ra nhau ngay.

Đó là trung úy Linh tức Tư Linh bạn nối khố từ hồi học Lục Quân Trần Quốc Tuấn ở Miền Tây Nam Bộ. Linh người Bến Tre, tập kết ra Bắc, có vợ được hai con, về nước năm 1962 được phân công làm phó Ban Địch Vận Quân Khu. Linh nói ngay:

- Tao nghe mày về. Đang bận mà bỏ công việc đi tìm mày để rồi không có dịp. Tình hình động lắm!

- Sao biết tao ở đây mà đến ngay chóc vậy.

- Tao đến trạm, gặp Một Sơn ở đó. Một Sơn bảo mày vừa đi với chú Tư Thiên lên đây nhờ má móc gia đình. Tao không biết nhà nhưng cũng may là gặp cô dũng sĩ nầy ở nhà chú Tư đang bàn chuyện phối hợp đào địa đạo, chú Tư bảo cô đưa tao lên đây luôn, một công hai chuyện.

Tư Linh quay lại cảm ơn cô dũng sĩ. Bảy Bê, tuổi chưa quá hai mươi, tươi cười đáp:

- Em cảm ơn anh thì có. Nếu không có anh, em không dám đi lên đây!

Nói xong Bảy Bê vô buồng với Là. Còn Lụa đứng đó. Vì nàng từng biết tánh mấy ông “cán”. Gặp nhau là nhậu rồi mới nói chuyện.

Tôi hỏi:

- Nhà còn rượu nếp than không cô?

- Còn anh ạ.

Tư Linh lắc đầu:

- Thứ đó uống tráng miệng thôi chớ có “ghé” đâu!

- Ấp sanh nhé. Cô cho “ấp sanh” đi, còn đồ nhậu thì tôm khô, khô cá hố lai rai.

Tôi và Tư Linh ngồi ở bàn ăn cơm cụng ly và nói chuyện thỏa mản dân cày. Vì hai đứa cùng đi kháng chiến, cùng tập kết, cùng gặp nhau ở Hà Nội, cùng về Nam và nhất là cùng đến Củ Chi. Nhờ có biết sẵn tiếng Pháp nên lúc ở Miền Bắc Tư Linh được vào trường ngoại ngữ học tiếng Liên Xô, tiếng Anh. Sau này hắn cai trị cả một gã... tù binh (tên Mỹ say rượu lạc đường bị thộp) cũng là tù binh độc nhất của Quân Khu trong năm năm.

Nói chuyện ba đồng bảy đổi một lát, Linh cười khà khà:

- Phải mày về sớm một chút sẽ được coi một màn kịch vui lắm.

- Ở khu có Văn Công nữa à?

- Văn Công Liên Xô mày ạ!

Vừa gật gù vừa úp cạn ly bầu, Linh bảo:

- Mẹ, tao vừa lập được một chiến công to. Phải có mày ở đây hai đứa mình hợp tác xã, chắc còn to hơn.

Tư Linh rỉ tai tôi, làm tôi nhảy dựng và kêu lên:

- Có vụ đó nữa à?

- Có chớ. Không thì tao bịa được à?

Tư Linh bưng dĩa lên húp dấm và lấy ngón tay vàng khè khói thuốc đùa luôn củ kiệu vô miệng, rót rượu nốc, giương cái cổ gầy như cổ cò ngãn, đặt ly xuống bàn và nói:

- Đúng là dấm có đường cát nên nó vừa chua vừa ngọt, còn "ấp-sanh" thì vừa ngọt vừa cay. Để tao nói cho mày nghe. Cái ông giáo sư toán học ở Mát-xít-cơ-oa đó ở đây dưới quyền điều khiển của xừ Tư Linh này. “Tư Linh” trở thành “Tư Lịnh” được bảy ngày. Toàn những trò coi rởn tóc gáy. Mày đã đi Bến Dược chưa?

- Vừa đi hồi sáng.

- Đó là bờ sông Sàigòn. Mày phải hình dung ra con sông Sàigòn chạy gợn sóng nghe.

- Tao đã thấy tận mắt rồi.

- Mày biết ông Tám Quang, Trưởng Phòng Chính Trị Quân Khu không? Dân Eo ở khúc đầu...

Tôi tiếp ngay một hơi.

- Tức là Bình Định. Thời kháng chiến trước làm gì không rõ, tập kết ra Bắc đóng lon đại úy được đi học Trung Quốc trở về lên lon trung tá làm Chánh ủy Trung Đoàn xe Tăng T54 ở Vĩnh Phúc.

- Vậy là rành! Ổng là tay ăn nói của mình đó. Vừa rồi ổng đạo diển cái màn “Mặt trận giải phóng 3/4 và 4/5” mày ạ. Tài tình thật! Nếu dân Hà Nội coi được thì mê tít thò lò! Còn nếu đem được ra ngoại quốc thì các ông bà xã hội chủ nghĩa sẽ phục lăn bò càn. Ối giao ồi! – Tư Linh gục gặc đầu và rót rượu nốc tiếp – Ối giao ồi! Bố ai cũng không hiểu nổi.

Tôi nhại giọng Bắc.

- Cái gì hở bác xã? Nói nhanh đi chứ lỵ!

- Hôm đó ông Tám Quang cho hai anh cán nhà mình mặc đồ bà ba với một số dụng cụ xuống Bến Chùa. Mày biết Bến Chùa không?

- Ở bên kia bờ sông. Hồi chín năm tao có tới đó.

- Bến Chùa cách Dầu Tiếng không xa. Chỉ mấy khúc sông thì tới. Sau Đồng Khởi, nhiều bót đồn trên đường 15 ở các xã Phú Mỹ Hưng là xã này này, An Phú, An Nhơn Tây, Nhuận Đức rút về Củ Chi, bỏ trống một khúc đường, nhưng xe lam còn chạy vô tới An Nhơn Tây. Còn tàu đò thì cứ đi thông suốt từ Dầu Tiếng xuống Bình Dương. Dân giải phóng năm xã dọc bờ sông đều đi ké tàu Ngụy tha hồ, không có ai xét giấy tờ gì cả, chỉ tốn tiền “óe” thôi. Đó, nhân cơ hội đó, ông Tám Quang bèn có sáng kiến cho hai anh cán nhà mình xuống tàu. Chủ tàu tưởng là khách thường, ai dè tàu chạy gần tới Bến Dược thì hai ông nội bèn rút trong giỏ xách ra một lá cờ giải phóng và xỏ vô cán tre đem cắm trước mũi tàu. Ông giáo sư Liên Xô đã thủ sẵn máy quay phim ở khúc Bến Dược, cứ thế mà thu hình. Cứ thế đem về Hà Nội tráng phim in hình, cắt nối, thêm thắt rồi chiếu thì dân Hà Nội xem mê tít thò lò đi chớ còn gì nữa.

- Tao không ngờ có chuyện như vậy.

- Cứ “phụ đề Việt Ngữ” bảo đây là vùng giải phóng của Mặt trận. Chỉ cách Sàigòn có hai chục kí-lô-mét thôi. Ai mà không tin cho được? Có lẽ Bác Hồ củng tưởng đó là thiệt nữa là ai. Hề hề hề... chỉ tội thằng cha chủ tàu. Mày biết nó làm sao không? Nó sụp lạy hai ông nội giải phóng chớ còn cách gì khác. Xong cái màn lạy, anh ta chơi trò lì xì. Anh ta xùy cho mỗi ông mình một ngàn. Nhưng không ông nào dám nhận cả. - Linh chép chép để lừa miếng khô trong kẻ răng ra và tiếp - Liệu chừng trên bờ đã thu hình xong, hai ông ta cuốn cờ và bảo tàu cặp bờ cho hai ông nhảy lên Bến Dược chuồn thẳng và máy móc trên bờ cũng xếp gọn dông cho lẹ. Chậm trễ có thể bị phát hiện và bị xơi tái. Các ông mình chiến thắng vinh quang bất ngờ leo lên bờ đi thẳng tới quán bà Sáu Tiệm cơ sở của ông Bảy Hốt nhà mình. Hai chàng móc cờ trong giỏ xách, lại tra cán vào và cắm trước sân. Bà Sáu liền chạy ra nhổ tung vứt vô đống rơm chỗ mấy con bò đang nằm. Rủi cờ rơi nhằm vũng phân. Bả chữi cho hai vị anh hùng một trận mất mặn mất nhạt. Bà ta còn xỉ mặt ông đại úy Hốt bảo thẳng: làm như vậy là phá nát cơ sở. Nếu còn tái diễn sẽ không giúp đỡ ông đại úy nhà mình nữa!

- Rắc rối dữ he!

- Tuy vậy nhưng chẳng rắc rối gì. Ngài đại úy hứa sẽ báo cáo lên cấp trên để thi hành kỷ luật hai ông mình “phản dân vận”. Sau đó hai bên vẫn cá nước đậm đà như thường chẳng có ai bị kỹ luật gì. Chỉ tội có cái lá cờ của mình. Có lẽ từ đó nó bị xui luôn nên làm ăn ở đâu thì tàn mạt ở đó! B52, cà nông, trực thăng đổ chụp cứ trúng cơ quan liền liền. Đó là cái màn quay phim vùng giải phóng sát nách Sàigòn! Còn nữa...

Tôi gạt ngang:

- Mẹ đỉ ở ngoài đó sống thế nào?

- Sống thế nào thì sống tao làm sao biết được?

- Hồi mày đi thì bả làm gì?

- Dệt 8/3.

- Hai thằng cu thì sao?

- Thì đứa biết đi đứa ẵm ngữa. Ăn bột khuấy nước sôi mút mùa. Gia tài của tao để lại: một cái xe đạp hỏng ru-líp.

Tôi thấy không nên khơi vào cái mạch sầu của ông “Tư Lịnh” nữa bèn xẹt trở lại vụ giáo sư Mát-cơ-oa.

- Mày đi đón ổng xuống đây bằng gì?

- Ở trên đưa xuống bằng xe thồ. Tới đây mới giao cho tao.

- Thây bồ tượng của ổng ai làm sao đèo cho nổi?

- R phải chọn kiện tướng thồ. Cái poọc-ba-ga đâu có đủ cho cái đít bành bành của ổng đặt lên. Nếu đèo bồ bịt em út thì đạp nhẹ như bông phải không? Đằng này “lai” một cây thịt một trăm hai chục kí lô mà lại đực rựa thì còn cái gì lý thú gì? Lại nữa đường rừng chứ phải đường nhựa hay sao?

- Sao không để ổng quần chúng hóa với mình?

- Quần chúng hóa cái quần họ!! Ông ta đi bộ chừng hai trăm thước đã thở ò ò như trâu rống, mặt đỏ như gấc, mồ hôi tuôn như suối. Vả lại ở trên muốn đánh nhanh rút gọn, để ông lêu bêu ở đây nó đổ chụp được thì vỡ nợ to, mày hiểu không? - Tư Linh hớp ngụm rượu rồi tiếp - Tao khổ vì ba cái tiếng Liên Xô. Vì tao biết nói nên ở trên giao cho tao mọi việc, kể cả việc đèo ổng đi “tham quan” sáu xã vùng bờ sông Sàigòn này. Mày coi cái thân hình cò ma bộ ngực ô-mê-ga của tao như thế này mà phải đèo tạ hai, tạ ba thịt như thế.

- Sao không bắt dũng sĩ đèo?

- Đâu có dám cho chúng nó biết. Hơn nữa lúc hắn ta ngồi ở phía sau, mình đạp hụt hơi nhưng phải “công tác chính trị” hắn, chinh phục hắn. Ông Tám Quang đã được ở trên R chỉ thị rồi ổng mớm lại cho tao, tao phải rù quến hắn!. Thành thử tao phải nói cho hắn nghe hoàn cảnh chiến đấu của mình thiếu thốn đủ mọi mặt mà vũ khí là cần thiết nhứt. Lão Trọc chỉ viện trợ cho mình có bốn ngàn súng trường xài từ thời Nga Hoàng thì làm sao mà chống lại rốc-kết và cà nông của Mỹ? Tao phải tỉ tê, điểm huyệt, bấm gân hắn mày biết không? Làm thế nào cho hắn xiêu lòng, hắn về hắn tâu lại Lão Trọc.

- Biết Lão Trọc có xiêu lòng không? Lão đã ăn bã Tư Bản Đế Quốc rồi!

Tư Linh lắc lư mái tóc rối bời:

- Khổ lắm. Bánh mì lạp xưởng phải mua ngoài thành, đem về phải bỏ vô bình thủy cho nóng, nước đá, la ve, nước ngọt phải kê tới liền liền. Phục vụ còn hơn ông nội. Coi vậy mà hắn không thông minh như trước đây tao tưởng. Những chuyện rất xoàng, hắn không hiểu, tao cắt nghĩa tầm bậy hắn cũng nghe tuốt. Mỹ nhân kế thời nào cũng có kết quả hết mày ạ!

- Có vụ đó nữa sao?

- Chớ mày không biết mấy thằng chuyên gia Liên Xô, Tiệp, Đức qua Hà Nội một tháng mà không mang vợ theo là mặt nhăn như khỉ ăn bần sao? Còn đám mình xa vợ mười năm thì được các đồng chí ấy khen là “thần thánh”! Hì hì... Mày cũng sắp thành thần rồi đó!

- Thôi thôi, tao không có ham! Tao thích làm quỉ hơn.

Tư Linh tiếp:

- Tao được lệnh trên, tao chạy tìm khắp các nơi không tìm được cái xe đạp nào khả dĩ đèo hắn nổi. Cuối cùng ông Tám Quang phải bóp bụng đưa cái xe Bờ Rô mới toanh của bà má ổng mới đem vô, cho tao xài. Tao biết ổng xót xa lắm nhưng vì cách mạng phải anh dũng tiến lên! Mày biết không, má ổng cho thằng con tám chục ngàn bạc thành xài chơi. Bà già đại tư bản mà!

- Trời đất, bộ ổng không có chính huấn cải cách ruộng đất à?

- Ổng chính huấn chung với đồng chí Chu Ân Lai và Lưu Thiếu Kỳ không hè cha non!

- Rồi mày chở cây thịt đi đâu?

- Tao đưa hắn xuống Phú Hòa Đông vòng ra ven quốc lộ 1, lên Trảng Bàng, qua An Tịnh, Tịnh Phong trở về Lộc Hưng rồi đáo qua An Phú. Như vậy cũng mất năm ngày, đạp lòi con trê, nhưng cách mạng ở đâu gặp khó, ở đó có ông Linh mà mậy! Mấy hôm sau tao đưa hắn vô Rừng Làng, Đồng Chà Dơ, coi bộ đội võ trang của mình. Do chỉ thị của trên, súng AK, CKC dẹp hết, chỉ bày trường bá đỏ tiểu liên 50 của Trung Quốc thôi. Ngoài ra cũng chìa thêm các thứ FM Bren của thời chín năm, đại liên 30 của Mỹ.

- Ở đâu có đại liên 30?

- Không biết. Tao có móc nối với tụi Ngụy mua súng nhưng mà chưa được.

- Tụi đó dễ móc lắm. Thời chín năm mình móc được tụi lính đồn Cầu Bông đánh sập cầu lấy hai triệu bạc. Tụi nó làm thiệt, nhưng ăn chia không đều nên chửi nhau và mách cấp trên đổ bể làm hỏng cơ sở mình hết.

Tư Linh tiếp:

- Nghe tao kể chuyện gian khổ của mình mặt hắn sượng ngắt. Thằng đồng chí nhỏ bé của mình dám đánh Mỹ mà thằng anh cả to đầu lại không viện trợ vũ khí. Một hôm nó bảo tao cho xem quân y viện. Ông Tám Quang bảo tao đưa nó qua Bưng Còng vô y xá của Tám Lê. Ở đây đã được phụ nhĩ trước nên khi hắn đến thì thuốc men của Liên Xô cũng giấu biệt hết. Hắn thấy cô y tá mang xắc-cốt bèn bảo mở ra cho xem. Thì ra toàn là kim và ống chích của Trung Quốc, nó càng sượng sùng. Tám Lê thừa thắng xông lên bảo em út “biểu diển” một màn cưa chân thương binh bằng cưa sắt. Nó có vẻ cảm động lắm. Chỉ biểu diển y như thật thôi.

- Dám cho nó vượt sông Sàigòn để qua Bưng Còng à?

- Phải đi cho nó “thấy” tài đạo diển của ông Tám Eo nhà mình chớ! Ở trên đã bảo thì mình phải uống mật gấu mà thi hành. Số là sau vụ cắm cờ Mặt Trận ở mũi tàu, lính mình thừa thắng xông lên cứ việc mang súng K54, CKC, Oảnh tầm sào (thứ súng xài hồi chín năm) đi quá giang tàu từ Bến Dược xuống An Nhơn Tây cho khỏe cặp giò. Nhưng làm ẩu quá tụi Dầu Tiếng nó phát giác được, mỗi chuyến tàu rời bến nó đều cho L 19 rà theo kiểm soát. Cho nên có chỉ thị Quân Khu cấm ngặt lính đi tàu. Cái thời tao đưa ông đồng chí lớn của mình qua sông là thời chưa có L19 hộ tống tàu Dầu Tiếng nên qua lọt tuốt. Trong lúc ngồi sau poọc-ba-ga cho tao đạp ngài giáo sư cũng tâm sự nhiều câu nghe được lắm. Hắn ta bảo là chủ nghỉa vô sản bị Mao Trạch Đông và Khơ rút sép làm cho thiu rồi. Hì hì... đại khái là như thế. Nó đã thiu nhưng tụi mình phải xực, phải không mậy?

Tôi ngồi lặng thinh. Tư Linh đã ngà ngà say, tôi đi nấu nước châm trà ăn kẹo đậu phọng nói chuyện Nam Tào Bắc Đẩu. Vừa nhai, Linh vừa xổ bầu tâm sự:

- Ăn thép nuốt sao vô. Ăn một ký đậu bằng ăn bốn ký thép phải không mậy? Gảy răng hết. Hề hề. Đi đứng cộng tất cả một tuần lễ gì đó, coi bộ hắn không kham, nên đòi gặp đại diện quân khu để từ giã. Tao biết là hắn “phón” bom pháo nên muốn cuốn gói dông cho mau chớ cỡi ngựa xem hoa mấy ngày có thấy con mẹ gì mà đòi về? Nó xin gặp ông Trà và ông Thọ. Nhưng mà đâu có được. Chỉ có ông Tám Quang đến thôi. Buổi tiệc tiển đưa làm to lắm, chẳng thua gì ở ngoài thành. Sáu Huỳnh trưởng ban Quân Báo Khu cho công tác viên ra thành mua đồ đem về ngay. Khỏe thiệt mậy! Ăn thịt, uống rượu của địch để đánh lại địch! Hố hố... ố ố. Ê, mày nhâm nhi thấy trà này có bằng trà Chính Xuân Hoa Nhài ở “ngoài ta “ không?

- So sánh làm gì. Tao mới tới đây có hai ngày mà tao đã thấy mắc cở thầm trong bụng rồi!

Tư Linh cười khẹc khẹc:

- Đ. Bà! Tao bị đồng bào và quân ta ở trong này hạch hỏi liền tù tì txây dựng xã hội chủ nghỉa ở Miền Bắc. Mới ban đầu tao còn chối hoặc phóng đại tô màu. Đ. Má! (Linh có tật xổ nho. Đôi khi đứng trước quân hàng ra chỉ thị cho lính hắn cũng xổ) Cũng tại mấy cha mình. Nhiều cha bất mãn ngoài đó đâu hồi kiếp trước nên về tới trong này là tuôn ra hết, thành ra tao nói gì củng bị nhân dân “bắt giò”. Cuối cùng tao phải tránh né sơ sơ, cãi tới cãi lui nhưng cuối cùng cũng phải “nhận tội trước ông bà nông dân hết cả đấy ạ! “ Thí dụ như dân ăn củ chuối, đám cưới tập thể, tệ hơn nữa hợp tác xã nuôi trâu bằng cức heo...

Tôi sợ mấy đứa em trong nhà nghe nên gạt khẽ.

- Bậy mày! Nuôi...

-... heo bằng cứt trâu, tao biế...ết, tao biết mà mậy! Lại có phát minh mới là nuôi trâu bằng cứt heo. Nghĩa là anh trâu đi, chị lợn đớp, chị lợn đi anh trâu xơi, hợp tác xã không tốn gì cả, thế mà vẫn có trâu đi cày, và có thịt heo ăn như thường. Nhưng chỉ tội cái là, trâu con nào con nấy bằng con chó và “nợn” bằng con chuột. Do đó mà vợ tao mỗi tháng mua được hai “nạng” rưỡi mỡ “nợn” đấy ạ!

- Thế “nà” thế “lào”?

Hai đứa cười to rồi hạ giọng ngay vì chợt nhớ tới quan điểm nhân dân. Tư Linh lại tiếp:

- Mày còn nhớ hồi ở ngoải chúng mính nghe đồng chí Đỗ Mười đả thông về tình hình kinh tế khó khăn không?

- Nhớ chớ sao không! Tại hội trường nhà pháo binh tao ở Bắc Giang!

- Ổng bảo là mỗi chuyên gia và gia đình của họ ăn thịt bằng một trăm gia đình Việt Nam gợp lại. Mỗi đầu người của họ ăn hai ký lô một ngày, mà thịt ngon đấy, đầu giò đồ lòng vứt đi không tính. Tao có quen với tụi đồ tể ngoại thành Hà Nội, lần nào đi nghỉ phép cũng tới đó đút ra cửa hậu cả bao đem về cho vợ con ăn. Rồi còn làm tiệc kêu bạn bè tới nữa. Có lúc bận quá, tao không đến kịp tụi nó chôn ở ngoài hàng rào, chó moi lên tha đi tùm lum, do đó lộ bí mật, tao mất cái nguồn cung cấp đó. Đ.m. nghĩ mà nhục cho cái đám tụi mình. Đưa ngực đỡ đạn chín năm, ra miền Bắc, ăn của thừa và là ăn trộm chứ không được ăn đàng hoàng.

- Còn đi tắm biển thì đụng bãi biển “chuyên dza!”

- Vô đây cũng lại đụng chuyên dza! Đ.m. ở trong này nó có đòi ăn thịt cọp cũng có nữa, chớ đừng nói là thịt heo. Ăn xã láng, muốn bi nhiêu có bi nhiêu. Ba cái tôm khô này ở Hà Nội còn lâu mày mới ngó thấy, ngó thấy thôi chớ không có liếm được cái dĩa vì xếp hàng cả buổi mới đến phiên mình, nó treo bảng “Hết Hàng”. Đó mày thấy rõ chưa? Trong cái quán cóc này xà bông Cô Ba và rượu Anít cũng có mà. Còn vải hả? Lính mình vô tới đây vứt hết đồ kaki da trâu để bận bà ba lụa tê-tơ-rông, ni lông dầu giặt xong khô liền khỏi cần phơi.

Tôi hơi chói tai vì những lời “tố khổ” của thằng bạn, mặc dầu tôi đã nhìn thấy sự thực, cái cục lập trường của tôi hãy còn dính đâu đó trong tôi chứ chưa chịu rụng hẳn. Tôi hỏi:

- Mày giấu cái ông giáo sư chắc là kỹ lắm phải không?

Tư Linh đốt thuốc rít liền hai ba hơi phà khói xanh um rồi nhướng mắt nhìn tôi:

- Sao mày biết?

Tôi cười:

- Giải phóng như thế rồi mà không thấy nhân dân chào mừng đồng chí ta phát nào hết!

- Cái thằng móc lò tao mậy! - Hắn cười khảy rồi nói - Suốt bảy ngày đi thăm khu giải phóng tao chỉ cho ông ta gặp cán bộ và du kích chọn lọc và đã được giáo dục trước rối. Tất cả trên năm chục mạng, kể cả giao liên. Số người rất hạn chế! Vậy mà cũng không khỏi mắt nhân dân. Anh Ba Tổng bí thư nhà mình có nói một câu bất hủ “Mắt nhân dân là mắt khóm” nghỉa là ngó bên nào cũng thấy, không thể giấu được. Tao đã cho hắn đội nón tai béo, mặc đồ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn nhưng rồi cũng có người tò mò đến xem! Đúng là mắt khóm. Nhưng ngược lại một số gia đình chung quanh chỗ đóng quân thì chạy vọt ra ấp chiến lược.

- Tại sao không đến hoan nghênh ông anh cả mà lại chạy bạt mạng ra ấp chiến lược?

- Họ sợ đổ chụp mày ơi. Nếu mà tụi Đồng Dù, Củ Chi, Bến Cát hay thì chỉ trong vòng mười lăm phút là tụi nó tới ngay. Vậy cho nên ngày nào cũng di chuyển. Mười một giờ đêm cũng di chuyển rồi mới cho hắn ngủũ. Đó, cái màn giải phóng 3/4 và 4/5 là vậy. Nếu mày ở Hà Nội thì chắc được xem bộ phim đặc biệt đó. Ngày tống hắn đi khỏi xứ này tao mừng té đái. Vái trời đừng có thằng nào tới nữa. Hôm bữa tiển đưa, nó nói những câu nghe cũng lọc lỗ tai lãnh đạo lắm. Vậy cũng bõ cái công tao đèo.

- Nói gì?

- Nó trỏ mấy đứa con gái “dũng sĩ” 16-17 tuổi và bảo: “Chúng tôi đã từng đánh Hitler nhưng chưa bao giờ thấy trẻ em như thế này cầm súng. Đây là tuổi đến trường”. Ông Tám Quang nhanh miệng đáp ngay: “Đánh xong giặc Mỹ chúng tôi sẽ xây dựng lại đất nước tươi đẹp gấp ngàn lần xưa. Đó là lời của Bác Hồ chúng tôi dạy. Chừng đó chúng tôi sẻ gởi chúng sang Đại Học Liên Xô”. Ông giáo sư Liên Xô cười. Ông xếp mình nói hớ. Bây giờ không học, nữa đi đại học Liên Xô? Ông ta bảo: “Đánh với Mỹ các đồng chí phải rất cẩn thận. Không thể lấy gan dạ mà chống được vũ khí tối tân của nó. Nước chúng tôi mà còn phải chịu rút tên lửa ra khỏi Cu Ba đấy. Tuy nó hơi lép vế một chút nhưng đỡ tốn xương máu đồng chí ạ!” Nói rồi nó òa lên khóc, thế mới bỏ mẹ kia chứ!

Tôi cười:

- Thằng này tao nghi là tình báo của Liên Xô chớ chẳng phải giáo sư đại học con khỉ gì đâu. Nó nói cái giọng “xét lại” bỏ mẹ đi.

- Mày ở đây, sau khi đội vài trận pháo, chết hụt B52 rồi mày sẽ thấy tại sao một nước vĩ đại như Liên Xô mà “xét lại”. Bữa tiển đưa đó cảm động lắm. Nó nghe tụi con gái hát mấy bài Xuân Chiến Trường, Sóc Bom Bo. Tao dịch ra cho nó nghe. Nó lắc đầu. Tao hỏi nó nghĩ gì? Nó không nói. Hồi lâu nó bảo: “Tôi nghĩ về một nhà máy sản xuất cao su. Ở xứ tôi không có cây cao su. Ở đây có rất nhiều mà bị chặt phá hoặc bị bom thiêu rụi. Uổng quá!” - Tư Linh rung đùi một cách khó chịu - Tao giật mình. Tao không hề nghĩ như nó. Tao nghĩ là nhờ cao su mà mình trốn khỏi máy bay. Nó còn bảo: “Cát dưới chân đồng chí là thủy tinh nhưng không có nhà máy thì cát chỉ là cát. Con sông Sàigòn có thể là một nguồn điện vô biên... - Tư Linh buồn rầu - Mình quen đánh nhau, phá hoại lâu quá rồi thành cố tật mày ạ. Mình thấy một cây gãy đổ mình cơ hồ không xúc động, cả đến nhìn người chết bom chết sốt rét cũng tỉnh khô, bởi vì chính mình đang đi vào cái chết bằng cách này hay cách khác. Thanh niên nam nữ ở đây sống rất cuồng rất vội. Mình cứ cười chê tụi thanh niên Sàigòn sống không có lý tưởng, nhưng mình cũng đang mắc cái tội đó. Sống để ngày mai chết. Tao nói, để rồi mày xem. Những con bé mang danh dũng sĩ kia rất đa tình. Chỉ quen vài lần thậm chí chỉ quen lần đầu, các cô ấy cũng có thể rất thân.

Tư Linh lên lớp tôi một cách thẳng tuột về những điều rất sơ đẳng mà hắn đã kinh qua ở đất Củ Chi này trong những năm hắn về trước tôi.

Từ trong buồng vang ra tiếng ca vọng cổ thiệt mùi. Tôi hỏi.

- Ở đâu vậy?

Trái tim khô của tôi như bị một giọt nước Cam Lồ tưới qua.

- Vọng cổ Sàigòn!

- Nghe văn nghệ địch à?

- Ít bữa rồi mày sẽ biết. Đài giải phóng của mình chỉ để phát tin. Còn văn nghệ thì nghe hổng có dzô. Giống in như Đài Tiếng Nói Nam Bộ hồi chín năm vậy. Khi ca cải cách thì có ểnh ương hoà tấu. Tội nghiệp hai bà Xuân Mai và Khánh Vân bị chê khóc mờ.

- Sao kỳ vậy?

- Mày còn lạ gì. Phòng Vi Âm xây trong rừng U Minh trên bãi sình. Cho nên khi người ta bắt radio nghe thì có cả tiếng “ểnh ương” ca! Bây giờ cứ hể giờ Cải lương Sàigòn thì dân cũng nghe, cán cũng nghe. Dân nghe công khai. Chi ủy cũng mê thì còn cấm ai. Còn bọn cán nhà mình thì giờ này ông nào cũng toòng teng trên võng nhắm mắt mơ tiên còn lỗ tai thì nghe Lệ Thủy xuống Lìu.

Từ trong buồng, tiếng phát ngôn viên của đài Sàigòn vọng ra: “Bây giờ là hai mươi hai giờ, giờ Sàigòn. Xin mời quí thính giả vui lòng vặn tiếng nói nhỏ lại để khỏi làm phiền bà con hai bên đang cần sự nghỉ ngơi”.

Tư Linh nháy mắt:

- Đấy, văn hóa Sàigòn đấy! Loa Hà Nội thì sao?

- Cái thằng đâm hơi quá mậy.

- Sợ ít tháng nữa mày là thầy đâm hơi hơn cả tao. Mấy em trong buồng nhắc mình bằng tiếng nói Sàigòn đấy. Tao phải tốp bớt cái họng cá sát của tao nhỏ lại mới được.

- Hổng phải đâu! Tụi em có ống nghe mang vô lổ tai để nghe cải lương mà. Mấy anh cứ việc nói chuyện chơi cho tới sáng cũng được!

- Mấy em vặn to to lên cho hai anh nghe hùn với.

Tư Linh bảo rồi nhích ghế lại ngồi gần tôi. Hắn nom sát mà nói lào khào, hơi rượu phà vào mặt tôi nồng nặc. Ý chừng hắn uống gấp ba tôi.

- Các em dũng sĩ đều anh dũng tuyệt vời hết cả. Để rồi mày coi. Ở trên R mày từng nghe Năm Cội, Tư Gừng, Bảy Nê, Bảy Mô, Tư Cần, chứ?

- Có nghe nhiều.

- Rồi mày sẽ gặp! Cô em đi với tao là Bảy Nê, thuộc Xã Phước Vĩnh Ninh. Trực thăng ria như mưa mà vẫn không nằm, cứ đứng núp gốc cau bắn tỉa đấy. - Hắn rỉ tai tôi - Tội một cái là...

- Còn Bảy Mô?

- Bảy Mô vừa đẹp vứa anh dũng. Hì hì...

Hắn thò tay vào túi quần sau lôi cái bóp ra. Tôi nhìn hắn soạn ngăn bóp.

- Giấy tờ gì thế?

- Chứng minh thư nhân dân.

- Ủa! Ở trong này cũng có chứng minh thư sao?

- Có chớ. Tao luôn luôn thủ sẵn vài cái trong bóp, phòng khi hữu dụng.

- Trong này du kích địa phương xét giấy dữ hả?

- Ừ, nhưng mà mấy cô xét kỹ hơn! - Tư Linh thầm thì vào tai tôi rồi cười hả hả - Tao muốn cho mày vài cái để dùng lúc bất cập nhưng tao sợ mày nổi lập trường chống Mỹ của mày lên bất thình lình, mày chỉnh phong tao thì đường đâu tao rút lui.

Tôi gạt ngang:

- Tao có nhiều loại giấy đặc biệt lắm, thứ của R, thứ của đường dây, kỵ bộ cấp xe bò, kỵ thủy cấp xuống bể, còn đến Củ Chi thì cấp địa đạo.

- Có điều kiện tự do cho Mỹ nữ không?

- Cái đó thì tự lực, hà hà...

Tư Linh đút bóp trở lại túi mà không nói gì. Từ lúc được gặp mặt nữ dũng sĩ Bảy Nê tôi định hỏi Linh một vấn đề. Số là hồi tôi ở R, tôi có xem một vở kịch nói tên là “Mượn Mỹ” rất ly kỳ của đoàn Văn Công giải phóng Trung Ương. Nội dung là ở Cũ Chi, dũng sĩ diệt Mỹ mọc lên như nấm. Con trai không nói làm chi, con gái mười lăm tuổi cũng giết được Mỹ dễ dàng. Mỹ là thứ người gì mà lại dễ bị làm thịt vậy? Một đội nữ du kích gồm Bảy Nê, Bảy Mô, Tư Gừng tự động họp nhau hàng ngày đi săn Mỹ để lập thành tích dâng đại hội Mặt Trận. Anh chị dũng sĩ nào cũng diệt được năm, sáu tên Mỹ cả. Qui định của ở trên là muốn đạt danh hiệu “dũng sĩ” phải diệt năm tên Mỹ. Nhưng có một người mới diệt được đúng bốn tên. Như vậy còn thiếu một tên nữa mới đủ tiêu chuẩn dũng sĩ. Một người bèn nảy ra ý kiến là Bảy Nê hiện đã diệt được sáu tên nên cho đồng đội “mượn” một tên như ta mượn một hào, để mọi người đều đạt tiêu chuẩn. Và như vậy toàn đội trở thành “đội dũng sĩ diệt Mỹ” vì người nào cũng đạt tiêu chuẩn cả. Nhà soạn kịch nổi tiếng nhất Hà Nội là Nguyễn Vũ đã được đưa vào Tiểu Ban Văn Nghệ R để sáng tác. Nguyễn Vũ đã viết chuyện trên thành kịch nói diễn ngay ở đại hội dũng sĩ diệt Mỹ. Khi tôi về thì vở kịch này đã diển ở nhiều nơi cho cán bộ xem, nhưng chưa có dịp đem xuống diễn tặng lại cho Củ Chi. Bây giờ đã đến tận nơi, nên tôi muốn tìm hiểu.

Tôi bèn cạch ngay Tư Linh. Tư Linh nói nửa chơi nửa thiệt:

- Tao hổng biết mấy cái chuyện thần thoại đó, tao cũng chưa bao giờ trông thấy mặt một thằng Mỹ nào, mà cũng chưa được hân hạnh xem cái kịch đó, vậy để tao mời cô Bảy Nê ra đây cho mày hỏi. Cô Bảy ơi, cô Bảy, ra đây có người hỏi thăm chút chuyện.

Từ trong buồng Bảy Nê nói giọng nhõng nhẽo:

- Để em nghe hết đoạn này hả, hay quá trời quá đất đi!

- Bộ vọng cổ mùi rệu hả?

Chập sau Bảy Nê ra ngồi cạnh Tư Linh, mắt hấp háy trước ngọn đèn dầu. Tôi thuật lại câu chuyện “Mượn Mỹ” rồi hỏi Bảy Nê có biết được mấy chuyện như vậy không?

Bảy Nê ngồi chưng hửng hồi lâu. Tư Linh giục. Bảy Nê cười nhẹ nhàng:

- Em đâu có phải là dũng sĩ mà biết mấy chuyện đó. Để bữa nào anh gặp chị Tư Gừng hoặc con Bảy Mô rồi sẽ hỏi.

Rồi nàng đứng dậy đi vô buồng.

Tôi nghĩ vì nàng khiêm tốn nên không muốn khoe trương thành tích. Hoặc là vì đang mê cải lương hoặc vì có điểm nào lộ bí mật quân sự mà nàng không trả lời chăng. Nhưng không phải.

Tư Linh và tôi lên ván gõ nằm tiếp tục nói chuyện, đủ thứ chuyện từ chuyện ngọt đến chuyện mặn, toàn là chuyện tâm giao giữa hai đứa.

- Mình ở ngoài Bắc tưởng trong Nam sắp giải phóng hoàn toàn nên thằng nào cũng nhảy đôn nhảy đáo muốn về cho mau để ở trong này làm sạch láng, mình về lơ láo không có việc gì làm. Chẳng ngờ về đến đây không có đất dung thân. Củ Chi có trên một trăm đồn bót lớn nhỏ. Cà-nông nó đan một lưới lửa đạn bao trùm phủ, không có chỗ nào nó không với tới. Còn ba cái địa đạo mày chớ có tin mà bán lúa giống. Tao nói cho mày biết. Chính du kích nó cũng không có chui xuống địa đạo nghe mày. Chớ có chui vào những quan tài đất sét. Hì hì... Trước đây già Khơ dọa những tàu ngầm của Mỹ, trước vũ khí của Liên Xô sẽ trở thành những quan tài thép chảy thì ngày nay Mỹ nó lại biến những địa đạo thành những quan tài đất sét cho mình. Mỹ vô rồi. Tình hình đen tối sắp đến nơi. Không còn những màn kịch treo cờ như tao vừa kể nữa đâu. Mày đã lo móc gia đình chưa?

- Má Hai đi rồi hồi sáng.

- Ừ, làm sớm sớm đi. Đồng Dù nó sẽ tăng cường hai chục khẩu cà nông nòng dài đấy! Còn trực thăng nó sẽ đem qua hai ngàn chiếc nữa.

- Trời đất!

- Mổi ngày miếng đất Củ Chi sẽ trộn vài miểng đạn mày ạ! Vợ con tính chưa?

- Tính gì kịp mà tính!

- Mày là con trai lớn thì phải lo cho gia đình một mớ cháu nội chớ chẳng lẽ làm cây tre cụt ngọn à?

- Tao chờ bà già vô mới tính được. Coi cô bạn ở nhà có chờ đợi tao không?

- Hứa hồi nào mà chờ với đợi?

- Hồi tao còn ở nhà...

- Ở truồng tắm vũng phải không? Thôi, đừng có mong. Đời chẳng có ai hóa đá Vọng Phu đâu. Mày còn khớ trai lắm. Thiếu gì em út nó đeo. Ở ngoài đó thì “một thiếu, hai thưa, ba vừa, bốn rậm” nhưng về đây con gái nó chẳng tính ba cái thứ đó đâu. Mấy cha về trước làm mất uy tín hết rồi. Bây giờ con gái đánh giá Mùa Thu qua nhân cách, tư cách chứ chẳng qua cái lon có nhiều sao ít sao như mấy năm trước.

Tôi nghe Linh nói thao thao bất tuyệt mà ngán ngẫm sự đời. Bỗng Linh nằm nghiêng qua thò tay móc bóp, rồi rút đèn pin từ xắc-cốt ra, miệng thì nói:

- Để tao cho mày mấy cái chứng minh thư phòng thân!

Linh đưa cho tôi một gói nho nhỏ. Tôi cầm lấy, nắn nắn nghe mềm mềm, chỗ cứng chỗ bộng. Chứng minh thư gì kỳ vậy? Tôi chưa kịp hỏi thì Linh bấm đèn rọi vào:

- Có thứ này giắt trong lưng khỏi lo tai họa mày ạ! Hì hì, nhớ hồi tụi mình học ở Lục Quân đóng tại Cạnh Đền không? Đâu 1952 hả?

- Nhớ nhớ! Tụi mình làm trong Ban Vui Sống của nhà trường.

- Trường đóng ở đó có mấy tháng mà khi nhổ trại để lại cả trăm trái “bom nổ chậm”. Cho nên dân Cạnh Đền tặng cho danh hiệu là Lục Lâm Võ ị chớ không phải trường Lục Quân Võ Bị. Đọ, bây giờ để tránh bị dân khen kiểu đó mày nên dùng món bùa này.

Tôi nhận ra những áo giáp tí hon dùng để “oánh du kích” trong những cơn tao ngộ bất ngờ. Tôi hỏi:

- Ở đâu mày có vậy?

- Mua ở ngoài thành chớ đâu mậy? Ở Hà Nội tại Bách Hóa Tổng Hợp chỉ bán đôi khi thôi, ngoài ra phải mua chợ đen. Mà của Tiệp Khắc hoặc Liên Xô hay rách lắm.

- Tao phục lăn mày đó.

- Đời mà mậy. Anh Ba mình có vợ bé thì không sao cả, lại còn lên uy tín. Anh Sáu Vi thì lâu lâu có bả vô bằng máy bay đáp xuống mi-mốt “nạp thịt” cho ảnh cả tuần. Còn tụi mình chuyên môn vận động chiến, đánh mạnh rút nhanh, không để lại dấu tích nào mới được. Cứ xài đi, hết tao cho. Mỗi tháng tao xài cả tá đó. Các em thấy nó, các em yên trí xáp chiến vì chẳng sợ tai nạn về sau, hiểu chưa? Cất đi, mỗi gói hai chiếc.

- Bộ tính cho mẹ đĩ “dang mi ra”hả?

- Đạo gốc bởi lòng thành mày ạ, không phải ở cái mồm.

Tôi nằm im không nhúc nhích. Linh tưởng tôi ngủ nên không nói nữa. Cái thằng nhớ dai thật. Chuyện thuở trẻ mà bây giờ nó còn nhắc lại rành rành.

- Ông có gieo hột bầu ở Cạnh Đền không ông mảnh?

- Hì hì...

- Nếu có thì nay thằng cu cũng làm liên lạc cho bố nó được rồi đó!

Linh cười khè khè:

- Lính mình đi tới đâu gieo “mạ” tới đó. Bởi vậy cho nên lúa chín hoài gặt không kịp. Mày biết ông Năm Truyện bây giờ được dân vùng này đặt cho cái hỗn danh gì không? Năm Sàigòn! Mày biết ổng chớ. Thượng tá một lúc với Sáu Khâm. Ông Năm Tư Lệnh Công Trường 9, ông Sáu Tư Lệnh Công Trường 5. Lính ông Năm Sàigòn về đây cũng noi gương trường “lục lâm” của mình hồi trước. Đàn bà con gái vùng này đều bị cựa của công trường 9 hết cả. Dọc theo đường số 1, dài theo Phú Hòa Đông cặp đường số 8 sang bên kia sông Sàigòn xã Thanh An, Thanh Tuyền... con nít bốn năm tuổi không cha, đàn bà từ hai mươi đến bốn mươi không chồng mà có con, thiếu gì. Bọn mình muốn hốt mấy ổ mà không có. Chỗ bạn bè tao nói thiệt với mày nghe. Có ít ra là mười ông “rải phóng” chiêu hồi rồi đó. Có cả ông một gạch ba sao. Cũng vì cái vụ này này. Nên tao cho mày chứng minh thư cao su để bảo đảm chiến đấu thắng lợi mà không bị sứt mẻ cây DKZ và không rơi mảo, mày rỏ chưa nào?

Vừa tới đó thì hai cô dũng sĩ từ trong buồng đi ra. Là chắt lưởi hít hà và kêu lên.

- Tuồng cải lương hay quá trời!

Bảy Bê tiếp.

- Mấy anh xuống hầm ngủ, đừng có nằm trên ván.

- Được rồi!

Tư Linh cười và tắt đèn pin trong lúc tôi vội vàng đút gói “chứng minh thư” vào túi. Tư Linh nói:

- Nghe nó đề-pa là tụi tôi lăn xuống đất chớ gì mà lo.

Tôi hỏi cô xã đội:

- Tuồng cải lương gì đó?

- Lương Sơn Bạc xưng hùng! Hai anh chê hả?

Bảy Nê chen vào:

- Hổng phải chê đâu! Tao nghe lóm mấy anh bàn công tác nên không có thời giờ nghe.

- Công tác gì?

Bảy Nê nói hớt:

- Em nghe mấy anh bảo sẽ mở trường lục quân rồi bàn vụ cấp chứng minh thư đến súng ĐKZ. Có đúng không?

Tư Linh bấm tôi cười hớ hớ đáp:

- Đúng đấy tôi bảo thằng bạn tôi muốn khỏi sứt mẻ khẩu ĐKZ thì phải có chứng minh thư.

Là nói:

- Các anh, anh nào cũng có chứng minh thư của cơ quan cả nên dễ công tác, còn tụi em không có, lắm lúc đi qua xã khác, người ta không biết là ai làm khó dễ dữ quá!

Linh càng cười to. Tôi cũng hòa điệu. Tư Linh tiếp:

- Các cô mà không có chứng minh thư thì bị tai nạn luôn, kẹt lắm!

- Vậy chúng em sẽ đòi các ổng cấp cho chứng minh thư giắt lưng mới bảo đảm công tác.

- Nhưng chứng minh thư của mấy anh không giống chứng minh thư của mấy em đâu!

- Tụi em chán công tác ở địa phương lắm. Các ổng không sốt sắng động viên, cứ bỏ công việc cho tụi em. Cơ quan các anh có cần chúng em thì cho chúng em đi với!

- Ừ, để anh về thảo luận với xếp anh rồi sẽ cấp chứng minh thư cho em nghe!... Nhưng mà nên nhớ chứng minh thư của mấy em khó xin lắm!

- Kệ nó, khó cũng được miễn công tác không bị trục trặc thì thôi.

- H hà!... Anh hứa là khi các em dùng chứng minh thư thì mọi công tác sẽ thông suốt không lo tai nạn. Chỉ sợ các em trông thấy rồi các em la oải oải!

- Chúng em không la đâu!

- Muốn coi không, anh cho coi thử chứng minh thư của anh?

- Dạ, cho tụi em coi thử!

Tư Linh móc bóp mằn mằn móc “chứng minh thư” đưa ra cho Bảy Nê. Tôi la:

- Thôi đi cha nội ơi! Đừng cho coi, lộ bí mật hết!

- Lộ gì mà lộ. Trước sau rồi mấy cô ấy cũng biết mà.

Vừa nói Tư Linh vừa bấm đèn lên. Tôi liếc sang và chờ sự phản ứng của các nữ dũng sĩ. Chắc các nàng sẽ ù té chạy trốn. Cái thằng chơi bạo quá. Bảy Nê bước lại gần cầm lấy và đưa lên mắt, lật qua lật lại xem rồi hỏi:

- Chữ gì coi kỳ cục vầy nè?

- Chữ Liên Xô chớ tiếng gì?

- Liên Xô không giống chữ mình chút nào hết!

- Giống sao được mà giống?

Tôi mừng như thoát trận bom bèn ngồi phắc dậy bảo Bảy Nê đưa cho tôi xem. Thì ra tắm cạc “vi-dít” bằng tiếng Liên Xô. Sở dĩ tôi biết đó là tiếng Liên Xô là vì tôi đã từng trông thấy loại chữ nghênh ngang chà chôm không giống chữ mình chút nào, trên các thùng đạn pháo và quân cụ khác. Tôi nói:

- Chứng minh thư này...

- Không phải của tao đâu! Đó là của ông giáo sư đại học Liên Xô. Ổng cho tao và dặn kỹ: chừng nào có sang Mút-cô-oa thì tìm đến nhà ổng uống Vodka chơi. Tao cũng hứa với ổng chừng nào đánh thắng giặc Mỹ và xây lại đất nước tươi đẹp gấp mười lần xưa thì tao sẽ mời ổng sang uống rượu Ba Xị đế.

Tôi hỏi:

- Ông ta không hứa giúp cho mình gì hết à?

- Ổng hứa về sẽ báo cáo lên trên, còn kết quả thế nào thì không chắc! Trớt he chớ gì mà mong!

Hai đứa trao đổi ý kiến về vụ hai phe “Giáo điều” và “Xét lại” phun nước miếng vào mặt nhau bằng các loa quanh bờ Hồ làm ướt đầu thằng em út Hà Nội. Được một chút thì hai cô dũng sĩ đem ra một mâm cổ thơm phức. Cô xã đội nói:

- Chúng em nấu chè đậu xanh đường cát cho hai anh ăn kẻo uống rượu thức khuya xót ruột.

Tư Linh và tôi nhìn nhau như thầm bảo: “Các em ngoan quá trời”. Rồi hai thằng cùng húp. Tư Linh nói với tôi:

- Chè đậu xanh này có vẻ xét lại quá trời!

- Nếu nấu bằng đường mía giải phóng thì mới đúng chánh sách.

- Chắc chừng vài tháng nữa dân Liên Xô sẽ được nghiên cứu hai phân số 3/4 và 4/5 của ông giáo sư “tán” học đem về từ Củ Chi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx