sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7

Một hôm vào buổi trưa đồng bào Hố Bò chạy rầm rập tán loạn. Họ vừa chạy vừa la “Mỹ tới! Mỹ tới!”. Họ sợ trực thăng đổ chụp mà liên lụy. Nhưng có người không chạy. Một thằng người lùn bụng phệ, mặt đỏ như đít khỉ có tháng, mũi nhọn mà quấu như mỏ két, tóc hoe lòi ra vành nón tai bèo, đi dưới nắng chói chang có hai người mang súng AK kèm hai bên. Đặc biệt hơn nữa là hắn mặc đồ bà ba đen hở hai nút cổ, lòi ngực đầy lông lá và chân hắn đeo dép râu.

- Không phải Mỹ. Mỹ không ăn mặc kiểu này. Vậy tên mũi lỏ này là ai và đi lạc vào đây?

Hắn là người thuộc xứ chó rừng hai chân trước ngắn hai chân sau dài, chạy như bay. Trong khi quân đội của nước hắn sang giúp Sàigòn đánh Cộng Sản xâm lược Bắc Kỳ thì hắn lại nhảy sang Hà Nội nịnh bợ bọn này. Hắn có cái tên dài nhằn, tôi vẫn còn nhớ, có thể viết ra đây được nhưng ghét không muốn ghi ra. Thôi, hãy cho hắn cái tên “Ăn hết Bọ Chét” gọi tắc là tên “Bọ Chét”. Hắn làm nghề cầm bút bịp. Hắn sang Hà Nội đâu vài lần gì đó. Năm 1966 hắn được vào Phủ Toàn Quyền ở Ba Đình yết kiến Hồ Chủ Tiệm cùng với đồng chí Tố Bịp. Hắn xin vào Nam để lấy đề tài viết về “Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Miền Nam” Hồ Chủ Tiệm khoái run gân nhưng làm bộ lo lắng cho sinh mạng đồng chí mình:

“Đồng chí không sợ nguy hiểm sao?”

Bọ-Chét lém hỏi ngược lại:

“Năm đồng chí chủ tịch vào tuổi tôi, đồng chí chủ tịch làm gì?”

Hồ chủ tiệm đáp:

“Tôi ở Việt Bắc!”

Bọ-Chét bắt được mạch, tấn công luôn:

“Ở Việt Bắc còn gian khổ hơn bội phần, ở trong hang núi ăn uống thiếu thốn, giặc giả bốn bề, vợ con lại không có. Thế mà đồng chí còn kham nổi hàng chục năm, tôi vào đó chỉ như đi dạo... Vì khu giải phóng của Mặt Trận bao gồm 3/4 đất đai Miền Nam...” (Không biết hắn chế diễu họ Hồ hay hắn nói thật).

Có lẽ Hồ Chủ Tiệm nhột nhạt nên khen ngợi đồng chí Bọ-Chét anh dũng nên liền cho đồng chí vô Nam và chúc đồng chí viết nhiều và hay để “phục vụ” thế giới ngờ nghệch đang nhắm mắt tin một thằng nhà báo bịp. Thế là Bọ-Chét hiu hiu tự đắc ra về. Hắn được đưa vào Củ Chi bằng một phương tiện tốn kém trị giá hơn cả quyển sách hắn viết về Miền Nam được bán cho một nhà xuất bản Pháp (?) chưa kể máu của quân đội nhân dân Việt Nam và giải phóng quân Miền Nam đã phải đổ ra để bảo vệ một tên bịp.

Hắn có bộ mặt đỏ như gấc khi tôi gặp hắn. Với cái mũi khoằm và cặp mắt tí hí, hắn có vẻ một tên láu cá đánh bài cào bốn lá hơn là trí thức. Hắn lùn lại có cái bụng phệ nên mới nhìn hắn tôi có cảm tưởng đó là một anh hàng thịt. Những ngón tay chuối mẳn bóng lưỡng của hắn dùng để cầm dao búa hơn là cầm bút.

Tám Quang là người tiếp hắn đầu tiên. Hắn đúng là một tên láu cá. Vừa nghe chương trình “cỡi ngựa xem hoa” của hắn do Tám Quang đặt ra, hắn cười và xin phép “sửa đổi vài điểm nho nhỏ”. Không phải “sửa đổi vài điểm nhỏ” mà hắn thay đổi toàn bộ kế hoạch của ông Trưởng Phòng Chính Trị Khu. Hơn nữa, hắn vừa là diễn viên vừa là đạo diễn của vở kịch cương ẩu “Thăm vùng giải phóng của luật sư Nguyễn Hữu Thọ”.

Bọ-Chét hết lời khen giải phóng quân. Trước nhất hắn xin ông Tám Quang chọc thử máy bay đến để cao xạ phòng không bắn cho hắn quay phim. Ông Tám Quang lém không kém đồng chí mình:

- Mỹ rất sợ cao xạ ở Miền Bắc cho nên ở đây chúng không dám khinh thường giải phóng quân. Chúng tôi hứa sẽ bố trí trận đánh cho đồng chí quay tha hồ.

Rõ đúng bịp gặp bịp. Hắn đưa ra một chương trình nhằm bịp thế giới một cách hết sức khoa học. Ai xem cũng phải lầm. Nhưng hắn đã bị ông Trưởng phòng Chính Trị già tay bịp hơn nên đẩy cây thoa mỡ bò với hắn tuốt luốt.

Hắn chưa bị bom pháo dập lần nào. Cũng chưa bị “cá rô rỉa ” phát nào, nên còn háo thắng. Có lẽ vụ trương cờ trương quạt của thằng giáo sư Liên Xô đã lọt ra ngoài Củ Chi nên chỉ sau khi hắn đi là các nơi hắn đặt chân đến đều bị bắn phá. Từ đó tới nay tình hình càng ngày càng căng thêm. Ông Chín Mành Phó ban Cán bộ Quân Khu đang di chuyển ở ven rừng bỗng bị “cá rô” rà. Hai thầy trò đều có súng nhưng bị nó cướp tinh thần nên tha hồ mà lủi. Nó sà xuống ném lựu đạn giết cả hai người.

Bây giờ ai cũng ngán thứ cá rô này. Tư Linh thấy thằng Bọ Chét hiu hiu tự đắc thì bảo tôi: “Vái nó bị một phát đái ra cây, hết phách lối”. Ông Tám Quang khoáng trắng mọi việc cho Tư Linh. Sau buổi tiếp đón, ổng bảo Tư Linh toàn quyền hành động muốn chở hắn đi đâu thì chở miễn sao đừng để nó chết hoặc bị bắt thì thôi. Tôi biết ổng phải thi hành lịnh cấp trên chứ chính ông cũng không phấn khởi. Qua cuộc tiếp xúc với anh chàng giáo sư Liên Xô có lẽ ổng thấy tình đồng chí vô sản bây giờ thì vui gượng kẻo là “Ai tri âm đó mặn mà với ai!”

Không hiểu tại sao hắn không chịu đạp xe lấy mà bắt người ta chở cái tấm thân bồ tượng của hắn như vậy. Tư Linh tâm sự với tôi rằng y muốn xin đổi công tác vì suốt ba măm không gò được anh Mỹ nào nhưng vì biết ba cái tiếng Anh mắc dịch nên không gỡ ra được. Toàn khu không một người nào khả dĩ nói được tiếng Anh thông thường. Vì công tác quá nhàn rỗi nên ở trên cứ dồn cho anh ta việc tiếp đón các nhà báo quốc tế. Một hôm tôi bảo nó:

- May cho mày đó, nếu bà Chín xuống đây mày đèo thì mày nhảy mũi liền liền.

- Bà Chín nào?

- Bà Chín Ri fo ri fô gì đó.

- Sao mày biết?

- Thì hồi tao ở trên tao gặp bả chớ sao.

- Bả đi đâu vô đây?

- Bả cũng là nhà báo.

- Tao cũng nghe nói về bả. Bả viết Đôi Đũa Ngọc (Baguettes de Jade) chớ gì? Cũng như mụ già Mỹ Ana aniếc gì đó sang tận Diên An ca ngợi Mao chủ tịch. Và hồi năm 1962 lại sang Hà Nội để ca ngợi Mặt Trận Giải Phóng. Tụi Đế Quốc chuyên môn chơi cú tiêu lòn như thế. Chính phủ thì gởi quân ủng hộ một bên, còn đám nhà báo lại đi ca ngợi một bên chẳng khác nào chúng chống lại Chánh Phủ của chúng.

- Chống hẳn chớ còn “chẳng khác nào” gì nữa! Thằng Bọ Chét này vác mặt tới đây ca ngợi Mặt ttrận trong lúc quân đội của nước hắn là đồng minh của Sàigòn.

- Mày còn nhớ hồi chín năm Raymondienne và Henri Martin nằm lăn ra đường cản xe chở vũ khí sang Việt Nam không? Mấy thằng Tây chưa phải cuốn vó ở Điện Biên Phủ đâu, nhưng tại cái đám đó làm cho chúng thua.

- Tụi đế quốc thiệt là kỳ cục. Hễ mình gần thua thì tụi nó nhảy vô cứu nguy.

Tư Linh hỏi:

- Mụ đầm già ở đó làm gì?

- Mụ cũng nằng nặc đòi xuống đây, nhưng ở trên không cho. Mụ ở trên đi Mã Đà coi mấy cái rẩy khoai lang còm của mình. Mụ chụp ảnh mấy cậu nhà mình. Tha hồ mà khoe xương sườn xương sống. Mụ khen: “Các cậu thiệt là anh dũng. Nếu con gái tôi đến đây chắc nó thích các cậu lắm.” Coi bộ mụ đi bộ không nổi. Ở đó đâu có xe đạp để thồ được. Phải leo lên dốc và lội suối vượt sông nữa. Mụ ta ốm nhách như khô cá lẹp nhưng rất trường túc. Tóc cắt ngắn để lòi cái cần cổ vịt bầu. Hai má cóp như cái thùng thiết móp. Có lẽ bị mặc cảm già nua trước đám trẻ chúng mình nên đi đâu mụ cũng khoe “Con gái tôi, con gái tôi” nó thích các cậu!

- Bảo mụ ta cho nó vô đây cho giỏi mà thích. Gặp tụi lính đói một ngày... là chạy tét thôi!

Tôi tiếp:

- Tao gặp mấy thằng đi ết-coọc cho mụ về kể lại mụ qua suối quần áo ướt, tuột ra một cách tự nhiên trước mặt tụi nó làm tụi nó chết đứng con nai chà.

- Thì tụi đầm nó vậy mà! Có khi đi lâu ngày trong rừng vắng cái sự đó mụ muốn nếm mùi B40 của giải phóng mình.

- Tao hổng biết đảng Pháp gởi bả sang đây làm gì cho nó mệt cái thân đầm vậy hả?

- Các đồng chí đó hết chuyện làm nên gởi đàn bà vô rừng. Tao gặp ở U80 của ông Tư Khanh.

- Tư Khanh là thằng cha nào?

- Là Đào Sơn Tây, cái ông nội quơ con nhỏ Việt kiều Thái Lan bán căng tin có bầu rồi quất ngựa chuồn về Nam. Má con nhỏ vô Bộ Tư Lênh thưa gởi tùm lum. Bộ Tư Lệnh phải chịu tiền “thang thuốc” há há. Thượng cấp mà nhảy dù thì an ninh trăm phần trăm, còn lính lãi mà lớ huớ thì khai trừ cảnh cáo. Mụ đầm già bắt tay tao và nói tiếng Pháp, tao đáp lại. Mụ chìa má cho tao hôn, tao hôn rồi chìa má cho mụ hôn lại. Hai Nhả lấy làm ngạc nhiên sao cái thằng oắc con này lại lém thế. Mụ hỏi tao học hồi nào mà nói tiếng Pháp khá vậy. Tao nói học hồi nhỏ, cũng sơ sơ vậy thôi. Mụ ta cười, cặp môi son mõng dính bành ra làm duyên rồi lại ôm đầu tao ép chặt vào cặp dừa khô của mụ. Tao rùng mình vì lâu quá không có ai làm vậy. Khi qua suối Tha La mụ bị phản lực kính viếng, mụ nhanh nhẹn lủi vô bụi lấy máy ra thu tiếng bom và tiếng đạn rít. Sau khi đi Mã Đà về, mụ đi thăm công trường 9. Thấy anh em ta sốt rét la liệt, mụ hỏi có thuốc không? Chỉ hỏi vậy chớ không có hứa sẽ về đề nghị đảng Cộng Sản gởi quinine qua cho. Vô quân y viện thấy chiến sĩ không có thuốc cũng tỏ vẻ xúc động nhưng cũng không hứa gì. Khi trở về R ghé qua U80, ông Tư Khanh nhà mình tặng cho cái vỏ DKZ 75 ly được chùi bóng sáng trưng có khắc vòng chử “Đoàn Pháo Binh 69 kính tặng”. Mụ ta cười thích thú ôm cái ống không và nói: “Tôi sẽ dùng làm bình hoa ở phòng khách nhà tôi để cặm... “

Tôi đang hăng trớn kể chuyện mụ đầm già thì Tư Linh ngắt ngang:

- Bây giờ mày tính cho thằng cha râu rìa thưởng thúc món gì trước?

- Mày có tất cả là mấy cái rồi?

- Bít-tết xác mía, ra-gu mủ cao su, sườn xe lam hầm rục, gỏi khăn rằn, rôti K54, la-sét chuối già rốc-kết. Hì hì... Mấy món này đều nấu chung cả, chỉ còn dưa chua coọc-sê là khó kiếm thôi!

- Sao mà khó?

- Thằng này là gốc Kam-pu-chia hay sao ấy! Nó uống Ba xi đế, hút thuốc rê, uống cả nước mắm cho nên nó muốn nếm mùi Ruốc Củ Chi.

- Sớm muộn gì nó cũng xơi một mách pháo Đồng Dù mầy ạ. Lơ mơ lộ bí mật dám bị chụp lắm!

- Không phải món đó đâu! Món kia cơ!

- Món kia là món gì. Củ Chi có món đặc sản nào ngoài đường mía và xe bò đâu!

- Cái món chả xéo này này ông nội con nít ơi!

- Vậy nữa!

- Nó nói với tao. Tao trình ông Tám Quang. Ông bảo để ổng giải quyết.

- Hết chỗ nói!

- Tao thú thiệt với mày, tao hết phục nó rồi. Tưởng nó dày sành đạp sõi tới đây đội bom đạn để tìm đề tài chiến đấu, nào ngờ nó đòi tới cái mục đó nữa bây giờ tao mới tá hỏa tam tinh. Tụi nó coi mình như một thứ nô lệ bắt phục vụ bất cứ thứ gì. Nhưng đó là lệnh của cấp trên mình không cãi được.

- Bây giờ mày đãi nó mấy món khai vị “Trường Bá đỏ, CKC, nón tai bèo, dép râu” trước đi!

Trưa hôm ấy, Tư Linh cho Bọ Chét thưởng thúc món dũng sĩ tuyệt vời để lấy oai Củ Chi. Đội Nữ do Bảy Mô chỉ huy tập hợp trước sân một ngôi nhà lá đã được dọn dẹp trước rất sạch sẻ và mát mẻ không có ghẻ. Các nữ dũng sĩ nai nịt rất gọn gàng và oai phong chẳng khác nào Phàn Lê Huê Lưu Kim Đính. Nón sáu múi bo xụ bịt mặt, tóc le the tỏa ra bốn phía, áo bà ba vạt ngắn bị dây nịt Mỹ bó ngang eo ếch xòe ra như tà váy mini của đám vũ khỏa thân nhờ có cái quần bà ba dài cứu trợ, nếu không sẽ phơi cặp đùi đầy sẹo thâm đen do “ghẻ xốn” lưu lại ngàn thu. Cô nào cũng mang một khẩu súng CKC trường bá đỏ. Riêng đội trưởng Bảy Mô thì quảy cây AK to sồ không xứng với thân hình mảnh khảnh của cô.

Mặt mũi cô nào cũng tỏ vẻ hậm hực diệt Mỹ để cho nhà báo quay phim, nhưng bữa nay vì bọn xâm lược “co vòi” ở Đồng Dù nên các cô đành biểu diễn súng không, như một đội quân danh dự để cho nhà báo duyệt bằng ống kính thu hình.

Tư Linh giới thiệu rất hùng hồn và văn hoa bằng tiếng Anh khá lưu loát:

- Đây là những người con gái ruộng rẫy tằm tơ quanh năm chỉ yêu lũy tre và mái nhà mình. Họ sinh ra trong lúc chiến tranh chống Pháp và lớn lên trong khói lửa lan tràn. Nếu quân Mỹ không đổ vào đây với những vủ khí tối tân để tàn phá đất nước của chúng tôi thì những người con gái này đã yên bề gia thất vui sống với chồng con chứ đâu phải ôm súng đánh giặc!

Hắn ta nhấn mạnh với Bọ Chét:

- Xin ông hãy nói với toàn thế giới rằng chúng tôi kiên quyết chống Mỹ đến cùng. Mỹ vào đông, Mỹ bỏ xác càng đông. Thực tập lời dạy của lãnh tụ, chúng tôi nhất định khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Bọ Chét nghe Tư Linh thì gật đầu lia. Mặt hắn đỏ gay, mắt hắn long lanh nhìn đám nữ dũng sĩ như ó nhìn lũ gà con. Đến phiên hắn “đáp từ” Hắn lù xù một hồi rồi Tư Linh phóng tác lại cho các nữ dũng sĩ thấm bài. Họ đâu có biết gì. Chú Tư phiên dịch sao thì họ nghe vậy. Cũng như hồi kháng chiến đồng chí Ba Duẫn giảng bài Duy vật biện chứng Pháp ở trường Trường Chinh trong Nam vậy vậy mà! Đồng chí đâu có đọc được Pháp văn. Đồng chí phải nhờ ông thầy của tôi có trình độ tú tài dịch ra Việt ngữ cho đồng chí nghe, nhớ tuồng bụng rồi đi giảng lại cho học viên toàn là thường vụ tỉnh ủy trở lên.

Tư Linh có phóng đại tô màu cỡ nào các dũng sĩ cũng không biết. Họ chờ Tư Linh dứt lời là vỗ tay. Bọ Chét nói xong đến đội trưởng Bảy Mô “cảm tưởng”.

Bảy Mô đã được Tư Linh gà hồi tối thuộc lòng, lại dạy mấy tiếng Ănglê để nói ở đầu và cuối câu nữa. Bảy Mô vốn là học sinh thành nên nói năng trôi chảy và dễ thương. Mắt Bọ Chét càng sáng lên. Ống kính của hắn lia nhanh qua toàn đội rồi dừng lại ở Bảy Bê, Ba Cầm, Ba Bảnh, Ba Màu, Chín Hòa, Út Thi,...là những ngôi sao của đội nữ. Hắn dừng lại lâu và lấy cận cảnh Bảy Mô. Hắn lấy máy ghi âm phỏng vấn Bảy Mô và vài người khác, nhưng chăm chú nhất vào Bảy Mô. Xong màn “duyệt binh” đến màn chiến đấu bằng địa đạo. Tư Lịnh bảo hắn chuẩn bị dụng cụ quay lưu động. Tư Linh bảo tôi.

- Mày thấy hắn chưa? Coi chừng con gà giò bị diều xớt!

- Đâu có dễ vây.

- Trái sầu riêng vườn nhà mày không hái để nó khui mất một múi thì uổng lắm.

- Sầu riêng có gai chớ đâu phải như cam quít mà dễ lột vỏ mậy!

- Biết đâu được! Rủi ông Tám Quang kêu xã ủy ra lịnh. Mày có nhớ vụ cưới vợ của anh Ba Trà của mình không?

Câu nói của Tư Linh làm tôi ngẩn ngơ tâm sự. Trần Văn Trà Tư Lệnh khu 8 cưới cô Kim Thoa, con gái ông bà Lê Đình Chi (luật sư Sàigòn đi kháng chiến) bằng điện từ khu 7 đánh về khu 8. Thoạt tiên, sau khi ông Chi bị bỏ bom chết ở Đồng Tháp Mười, Trà tới ve vãn bà Chi, nhưng vì muốn thủ tiết với chồng nên bà dâng con gái cho êm chuyện. Tư Linh bảo:

- Mày nên nhớ đảng là trên hết nghe! Mày cứ như rùa bò lên núi ấy. Tao đã bảo mày là tụi trai gái ở đây sống vội yêu cuồng còn quá cha dân Sàigòn nữa. Mấy đêm vào hầm hố như vậy mà mày không làm gì hết. “Chứng minh thư” đã sẵn trong lưng còn sợ gì?

- Làm áp quá sợ khê!

- Nói cho mày biết, chỉ trong một cuộc chạy ruồng tụi nó đã cụp với nhau rồi. Sống nay chết mai đâu có biết, để “chúng nó” nhịn thèm sao? Kề bên đó không “thịt” còn đợi chừng nào?

Tư Linh dắt cho Bọ Chét xem cái xe tăng Mỹ bị Tư Gừng và Năm Cội bắn cháy. Chúng bỏ luôn. Cả làng Nhuận Đức bị huy động để cõng nó vô rừng Bàu Lách rồi đào hầm chôn phi tang luôn. Bây giờ dân làng, mười nhà tản ra ấp chiến lược hết bốn năm rồi, còn lại bao nhiêu thì lo đào hầm thủ thế hoặc dợm nhảy đi, khó bề động viên để lôi nó lên cho Bọ Chét quay phim.

Khổ cho đội nữ! Lực lượng yếu quá không đủ sức móc cái khối thép đó lên. Đành phải moi đất chung quanh cho Bọ Chét thu hình rõ một tí. Hắn chỉ quay đống sắt vụn không cử động. Hắn hỏi Tư Linh:

- Tại sao Mỹ không đem cái xác xe về Đồng Dù?

- Có lẽ chúng nó còn quá nhiều đem về không có chỗ để! Mổi lần hành quân chúng chạy như bọ hung ấy!

Bọ Chét khoa tay:

- Không phải đâu! Tại chúng nó khiếp oai các “dũng sĩ” này đó!

Tư Linh dịch lại câu pha trò nhưng chẳng ai cười.

Đến màn biểu diễn đánh xe tăng địa đạo thì cả hai tác giả là Năm Cội và Tư Gừng không thể xuất trận được. Tư Gừng đang ở trong nhà bảo sanh còn Năm Cội thì đã bị tử nạn trong trong lúc cưa cà-nông lép. Tuy vậy, Bọ Chét bảo:

- Tôi xin học tập các đồng chí, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành.

Buổi thu hình xe tăng ở Bàu Lách kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Rất tiếc Tư Linh không địch vận được tên Mỹ nào để bắt nó đứng trên xe tăng bắt nó giơ tay đầu hàng cho oai. Ngày mai quay tới địa đạo chiến.

Tư Linh đưa Bọ Chét về ngủ ở nhà Út Cường ở xóm Chùa. Đội nữ thì đóng ở một nhà trong xóm khác để mai tiếp tục “công tác” trong lúc hai trung đội võ trang đóng ở nhà Hai Tới - bà con của Út Cường, để canh gác ban đêm, bảo vệ Bọ Chét.

Út Cường là trưởng ban tuyên huấn xã An Phú. Y có ngôi nhà rộng lớn sạch sẽ nền gạch có hầm nổi hầm ngầm rất vững chắc. Tám Quang cho người tới điều đình trả cho Cường một số tiền, không rõ là bao nhiêu. Kết quả rất mỹ mãn theo luật cung cầu của Mác. Út Cường dời gia đình đi nơi khác để Bọ Chét tạm trú và làm nhiều công tác bí mật khác nữa cấm quay phim viển cảnh cận cảnh nhất là đừng có bật đèn chớp thì người ta sẽ thấy rõ cái bộ mặt của đảng cộng sản râu ria đen ngòm.

Sáu Huỳnh, phó Ban Quân Báo đã lo mua các thứ vật dụng cho đồng chí Bọ Chét. Tôi thấy mà hết hồn. Đời tôi từ khi theo cách mạng tới nay chưa thấy một người nào được chiêu đãi đến như thế, kể cả ở Hà Nội chỉ thua có cái nhà. Ở Hà Nội các đồng chí uy viên Trung ương ở Villa thật nhưng mấy khi ăn được thế này? Quan Vân Trường được Tào Tháo biệt đãi năm ngày tiệc nhỏ, bảy ngày tiệc lớn, có khi còn thua.

Nhà có bộ ván gõ đặt ở giữa. Bên chái phải là bộ ván dầu, trên đó chất đầy những chiếc thermos xanh đỏ sáng choang, những thùng cạc-tông vừa lớn vừa bé nhãn hiệu lòe loẹt chắc chắn không phải made in China hoặc URSS. Dưới gầm bàn thì lủ khủ những thùng bia Budweiser và Coors.

Bên bộ ván kê một chiếc bàn tròn không có trải thảm, trên đó nằm phơi phới những chiếc dĩa to mà thuở nhỏ tôi thường nhìn thấy ở những nhà hàng Tây và những chiếc muỗng nỉa sáng loáng đến rợn người hơn cả ánh kền mạ của những huân chương anh hùng quân đội.

Một chiếc ghế dài bằng gỗ lên nước bóng láng có lưng dựa và ba chiếc ghế đẩu để quanh bàn. Đó hẳn là chổ ngồi của một nhóm người được bốc ra từ một xã hội không giai cấp. Bất ngờ hiện ra một cô gái rất xinh có vẻ thành thị, rất thạo việc phục khách hàng không biết từ đâu tới chứ không có ở vùng này. Khi cô bắt đầu dọn bàn thì tôi biết tất cả là do anh quân báo Sáu Huỳnh xếp đặt.

Sáu Huỳnh bảo Tư Linh gọi cô ta là Bốn. Cô Bốn như từng chạy bàn ở nhà hàng. Từ những bình thủy, cô lấy ra những con bồ câu quay, những miếng thịt quay, một con vịt quay, trút ra những món xào nấm Đông Cô và cơm rang. Hẳn là các đồng chí ta đấm mõm con bọ chét bằng cái mở-nuy Tàu trước nhất. Suốt ngày chiến đấu bằng địa đạo, Bọ Chét đói và thèm ăn rỏ dãi, Tư Linh vui vẻ mời đồng chí Bọ Chét... đi tắm cho khỏe cái đã.

Vì dang nắng mặt mũi đỏ lơ đỏ lưỡng, da tay đồng chí xùi lên như vỏ con trúc, đồng chí cần tắm một phát tẩy trần. Chiếc nhà tắm được đóng cấp tốc bằng gỗ thông mới chở bằng xe bò từ ấp chiến lược về. Cấp chỉ huy rất sành tâm lý của dân Âu Mỹ. Thà là ra bãi biển phơi đùi phơi rốn cho thiên hạ xem chứ không để để cho người ta dòm lén qua kẻ cửa nhà tắm như mấy cô đầm bị Xuân tóc đỏ coi. Tấm thân bồ tượng của đồng chí ta cần được giữ kín. Cho nên cấp trên không dùng ni-lông quây màn sơ mà đóng hẳn một cái nhà tắm bằng gỗ khít rim.

Tư Linh phải đích thân xem cái nhà tắm coi có đủ tiêu chuẩn quốc tế chưa? Một cục xà bông Camay chưa bóc giấy, một chiếc khăn lông mới, một tấm kiếng lớn, một chiếc lược đồi mồi, một chậu nước giếng thơi. Tất cả đều đạt yêu cầu của cấp trên, chỉ có một điều là cái chậu không đủ kích thước để cho nhà báo trầm nguyên con vào như bồn tắm hiện đại ở khách sạn.Sau khi tắm xong, Bọ Chét được mời uống rượu khai vị: Thịt xá xíu nóng với rượu vang đỏ và bia. Nhưng Bọ Chét không khoái thứ này mà đòi ba-xi-đế.

Màn khai vị qua nhanh như bọt bia tan. Boốc! Sâm banh nổ. Bọt trào miệng chai trắng xóa như giấc mơ giải phóng Miền Nam của già Hồ, nó vừa cay lại vừa chua nhưng lão cứ tưởng là ngọt.

Bọ Chét dẹp muỗng nĩa, dùng đũa để hòa với nhân dân. Một chập, buông đũa dùng dao lắt hai miếng lườn, rồi dùng tay bẻ cặp đùi gặm luôn. Như thế là con vịt đã bị thải ra rìa chiến trường. Hắn ăn rất tự nhiên hồ hởi.

Hắn bắt sang thịt heo quay và xào. Rồi hắn xơi cơm rang. Hắn ăn loạn xị như chưa bao giờ được ăn ngon như thế. Tôi và Tư Linh rất kinh ngạc cho tinh thần tốc chiến tốc thắng của hắn. Cô Bốn phải trút đến cái bình thủy thứ tám để rội thêm món nấm đông cô xào. Tôi thông cảm với đồng chí mình chắc chưa từng ăn đồ Bắc Kinh nên ngon miệng.

Khi tiêu diệt hầu hết kẻ địch trên chiến trường, đồng chí ta mới bắt đầu gợi chuyện. Trước nhất đồng chí khen đội nữ dăm câu. Rồi khen cô đội trưởng vừa anh dũng vừa đẹp.

- Lịch sử của dân tộc Việt đẻ ra nhiều nữ anh hùng hơn bất cứ dân tộc nào. Mà ở thời đại Hồ Chí Minh thì có nhiều hơn hết: Hồ thị Bi, Nguyễn thị Chiên, Tạ thị Kiều, Út Tịch và các dũng sĩ Củ Chi.

- Xin cám ơn đồng chí.

Tư Linh vừa nói vừa nâng ly. Bọ Chét đắc ý cũng nâng ly. Tôi cũng làm theo. Ba người đồng cụng. Tiếng ly pha lê khua leng keng nghe như dấu nhạc lạ lùng quốc tế ca.

Bọ Chét hỏi Tư Linh:

- Đồng chí có thể cho tôi biết thêm về thành tích diệt Mỹ của một số cá nhân trong đội, đặc biệt của nữ đội trưởng không?

- Dạ, chúng tôi rất hân hạnh.

Miệng nói tay vói cái xắc-cốt ở góc ván, nhanh nhẹ móc một xấp pơ-luya và dỡ ra đọc tờ đầu.

- Thành tích của toàn đội trong hai tháng….... diệt 62 Mỹ, 114 ngụy. Có năm đội viên đạt tiêu chuẩn dũng sĩ. Một đội viên chỉ diệt được bốn tên Mỹ, thiếu một tên nữa đủ tiêu chuẩn, nhưng một đồng đội diệt được sáu tên bèn cho mượn một tên, thế là đội có năm dũng sĩ. Toàn đội nữ đều là dũng sĩ diệt Mỹ.

Bọ Chét không hiểu “mượn” nghĩa là gì trong trường hợp này ngừng bút ghi chép và hỏi:

- Mượn như thế nào?

- Mượn nghĩa là vay không có lời. Tôi thiếu, đồng chí dư, tôi mượn của đồng chí. Tôi mới diệt được có bốn tên, hụt tiêu chuẩn một tên, còn đồng chí diệt được sáu tên, dư tiêu chuẩn một tên, tôi mượn của đồng chí một để đủ tiêu chuẩn. Thế là cả hai đều là dũng sĩ. Mai mốt, tôi diệt được một tên, tôi không tính cho tôi mà tôi trả cho đồng chí, thế là huể, không còn nợ đồng chí nữa.

Bọ Chét buông đũa và đập tay trên bàn cười ha hả:

- Các đồng chí thiệt là anh dũng tuyệt vời. Tụi Mỹ đúng là những con cọp giấy.

Tư Linh được dịp đưa Bọ Chét lên mây xanh:

- Hôm nào tôi mời đồng chí đi bắn tỉa với đội dũng sĩ. Tha hồ cho đồng chí quay phim.

Cô Bốn khui bia rót đầy ly đặt trước mặt khách. Bọ Chét nâng ly hớp khẽ như suy nghĩ về câu mời. Tư Linh ranh mãnh tấn công luôn:

- Hôm nọ đồng chí Tám Quang có bảo tôi bố trí một trận cao xạ bắn phản lực cho đồng chí quay phim. Nhưng tôi nghĩ là một trận địa như vậy rình rang lắm. Phải điều động cả bộ binh để bảo vệ pháo chớ không đơn giản. Rồi có thể nó nhảy chụp nữa. Như vậy mình phải đối phó. Mặt trận sẽ nổ to. Còn bắn tỉa thì dễ lắm. Chúng tôi sẽ đưa đồng chí đến sát hàng rào căn cứ Đồng Dù, tôi sẽ ra lệnh cho đội dũng sĩ bắn tên lính gác trên chuồng cu cho đồng chí quay phim. Đó có thể là một tài liệu sống thay vì đồng chí quay cái xác xe tăng. Nếu đồng chí đồng ý tôi cho chuẩn bị để tiến hành ngày mai.

- Đồng Dù cách bao xa?

- Dạ cách đây chừng mười lăm cây số. Pháo 175 ly của nó bắn dư sức tới đây.

- Nó có từng bắn vùng này chưa?

- Vùng này nằm trong tầm pháo của Trung Hòa. Đồng Dù chỉ bắn khi có hành quân lớn.

- Làm sao mình đến đó?

- Dạ thì lội bộ.

- Mình có bao giờ bắn tỉa nó chưa?

- Dạ chúng tôi để dành cái Đổng Dù khai pháo chào mừng đồng chí đấy.

- Tại sao để dành cho tôi?

- Dạ vì đây là căn cứ của Sư Đoàn Bộ Binh thừ 25 của Hoa Kỳ còn gọi là Tia Chớp Nhiệt Đới. Lính tráng là một lũ công tử bột. Lần này chúng tôi cần lập thành tích để đồng chí đem về tặng cho nhân dân thế giới. Ít ra chúng tôi cũng mần được vài chục tên.

- Làm sao đồng chí kiểm chứng được số thương vong của địch?

Tư Linh trả lời ron rót y như thật:

- Chúng tôi có người trong đó!

- Trong quân đội Mỹ?

- Vâng, ngay trong quân đội Mỹ chứ ạ!

- Các đồng chí tài thật! Các đồng chí đã áp dụng ba mũi giáp công của Mặt Trận một cách tài tình.

- Bắn tỉa, hoặc pháo kích xong chừng vài tiếng đồng hồ là chúng tôi biết kết quả.

- Có pháo kích nữa?

- Vâng! Chúng tôi đã từng pháo kích cả sân bay Biên Hòa cơ đấy!

- Ồ! Tôi có nghe, tôi có nghe thành tích của đoàn 69 lúc tôi đến thăm U80 ở Suối Dây. Đồng chí chính ủy Tư Khanh tiếp tôi với một nữ đồng chí Pháp.

Có lẽ Tư Linh thấy mình đi lố cồn hơi xa nên muốn đổ gánh nặng cho tôi. Hắn quay sang tôi và nói:

- Xin giới thiệu với đồng chí. Đây là linh hồn của chiến thắng vĩ đại đó.

Bọ Chét nhìn tôi, trố mắt kêu lên một tiếng rồi buông ly bia chìa tay cho tôi:

- Xin hân hạnh! Vậy mà tôi không biết! Đúng như lời đồng chí Trần Bạch Đằng nói “Ra ngõ gặp anh hùng!”

Bọ Chét chăm chú khai thác tôi. Nhưng tôi chỉ trả lời một cách khiêm tốn:

- Tôi chỉ là người dạy kỹ thuật pháo kích các chiến sỉ đoàn 69 thôi ạ!

Tưởng nói vậy (mà đúng vậy, chính tôi dạy ở trường pháo U80) là qua ải, nhưng Bọ Chét lại càng reo to:

- Thế cơ à! Đồng chí là giáo sư pháo binh?

Tôi lắc đầu và xài cái công thức muôn thuở của các lãnh tụ:

- Không chúng tôi chỉ học trong nhân dân thôi ạ!

Từ đó cho tới cuối bữa ăn, Bọ Chét bỏ lửng vụ các nữ dũng sĩ để hỏi tôi về chiến công pháo kích sân bay Biên Hòa. Nhưng Tư Linh không chịu bỏ qua chuyện bắn tỉa. Hắn hỏi Bọ Chét:

- Như vậy là đồng chí đồng ý đi theo chúng tôi bắn tỉa Mỹ ở Đồng Dù rồi chớ?

- Ơ ơ... — Bọ Chét ấm ớ một chút rồi đáp — Việc này lớn quá tôi phải thỉnh thị đồng chí Tư Lệnh Quân Khu mới được.

- Dạ đồng chí Tám Quang có toàn quyền thay mặt Bộ Tư Lệnh quyết định vấn đề này.

Bọ Chét chớp chớp mắt:

- Để tôi hỏi ý kiến đồng chí Sáu Vi!

- Đồng chí ấy đã được Trung Ương ủy nhiệm hành xử mọi vấn đề của Miền Nam.

-... Trước khi đi vào đây, tôi có được vinh dự yết kiến đồng chí Hồ Chí Minh... Đồng chí ấy không muốn cho tôi đi, nhưng thấy tôi cương quyết thì đồng chí bảo là vào trong này nếu có vấn đề gì cần kíp thì phải báo cáo thỉnh thị đồng chí.

- Dạ. Bắn tỉa Mỹ tụi dũng sĩ coi như trò đùa đâu có gì phải báo cáo tới Bác Hồ ạ!

Thấy hắn để lòi cái đuôi thỏ ra ngoài quần, tôi nháy Tư Linh, nên Tư Linh không dồn hắn vô góc tường nữa.

Sau bữa ăn no nê, trên đường về nhà riêng nghỉ ngơi, tôi trách Tư Linh:

- Mày chơi ác quá!

- Cho nó giỏi nó anh dũng với Mỹ. Chạy một trận tét ghèn thì không còn rấm rớ tới đây quấy rầy tụi mình nữa! Bận bỏ mẹ lại phải để thì giờ hầu hạ bọn nầy như vua.

- Mầy biết con Bốn kia ở đâu tới không?

- Của Sáu Huỳnh bắt đâu ngoài thành đưa vô, làm một công hai việc.

Tôi hỏi tiếp:

- Rồi mày cho nó xơi cái món ca-ri-chà địa đạo chiến ra sao?

- Chậc! Tới đâu hay đó. Nó chỉ huy ông Tám Quang chớ đâu có chỉ huy tao được. Phép vua thua lệ làng mà mậy!

Sáng hôm sau ngó chừng tình hình yên tỉnh, tôi và Tư Linh lại đến Tổng Hành Dinh của Bọ Chét. Hắn dậy trễ. Chúng tôi đứng ngoài sân, sợ làm tiếng động đánh thức lão già. Tư Linh bảo:

- Tối qua tha hồ cho lão pháo kích con Bốn.

- Lão pháo kích nó hay nó “chụp” lão tơi bời? Chắc con nhỏ này là dân thiện chiến. Để sáng nay lão hắc hơi bể trời cho mày coi. Sáu Huỳnh chơi ác quá!

Tư Linh móc thuốc thơm hút phì phà:

- Tao vái trời thằng Mỹ nó “tha” ít bữa để lão xong công tác, mình tống quái cho khỏe.

Tôi càu nhàu:

- Sao mày đổ cái vụ pháo binh cho tao vậy?

- Nếu không nó sẽ đòi phỏng vấn con Bảy Mô mà. Tao biết cái ghế đẩu dư đó là ý hắn giành cho con nhỏ nhưng tao chặn trước bảo là con nhỏ bận bố trí trận địa. Tao coi bộ hắn tiếc dữ đa. Kỳ rồi thằng giáo sư Liên Xô khen dân tộc mình có Phù Đổng Thiên Vương đuổi giặc Ân, kỳ này hắn khen thời đại Hồ Chí Minh sản xuất nhiều nữ anh hùng trong đó có Bảy Mô. Chắc thế nào nó cũng tìm cách phỏng vấn riêng con nhỏ. Mày liệu thông nòng pháo của mày mà bắn “cập tập” đi, nếu không bị con Bọ Chét chích đấy.

Chúng tôi đưa nhà báo đến trận địa đạo chiến đã được bố trí. Đó là “tuyến địa đạo” do ông “Tư Lịnh” Tư Linh chỉ huy đào mấy hôm trước khi hắn đến.

Bữa nay hắn đội nón cối, loại nón rộng vành do Quân Báo của Sáu Huỳnh mua ở Sàigòn đem về cho bệ hạ dùng, vì nón tai bèo bo xụ không đủ che cái mặt thịt to bằng sàng của hắn để nắng táp phỏng da mặt. Tư Linh và tôi đi xe đạp riêng, một kiện tướng thồ thì chịu trách nhiệm điều động cái cây thịt viết báo kia. Còn một chiếc khác thì thồ bia nước ngọt, đá và thức ăn đi theo.

Đội trưởng Bảy Mô đã cho các dũng sĩ lủi xuống “địa đạo” chờ lệnh từ lâu. Bọ Chét vừa đến, Tư Linh cho Bảy Mô điều khiển các cô vọt ra chiếm lãnh từng gốc cao su rồi chạy từ gốc này sang gốc khác bắn đạn mã tử bụp bụp và hô xung phong to lên. Máy thu hình thu cả tiếng xung phong như ở giữa trận thiệt, ngặt một nỗi là không có Mỹ Ngụy chống cự.

Trên hai mươi nữ du kích chiến đấu rợp trời đạp nát không biết bao nhiêu là lá cao su khô bằng những chiếc dép cao su. Không khí yên tỉnh của đồng quê bị quậy lên bằng thuốc súng rỡm và những nhánh cây rừng Trà Dơ rung rinh vì những cái mồm xinh xắn hét “xung phong” lãnh lót.

Xong trên mặt đất, nhà báo đòi được xem địa đạo.

Tư Linh cho gác mấy vòng bao quanh rồi vui vẻ “mời” ông nhà báo xuống địa đạo. Tôi sợ quá. Tôi biết chắc chắn rằng địa đạo này Tư Linh đào cấp tốc, dài đâu chừng thước rưỡi, đâu có cái mà coi. Hay là Tư Linh muốn cho “ghẻ xốn” xơi hắn làm kỷ niệm chuyến đi Củ Chi này? Bọ Chét mang cái bụng phệ è ạch đến miệng hầm. Tư Linh bảo:

- Đồng chí phải cởi áo ra. Giả thuyết là chúng ta đang bị giặc đuổi!

- Ủa!...

Hắn có vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn vâng lệnh. Cởi áo bà ba chỉ còn đồ lót như sắp đi tắm biển.

Tư Linh tự tay mở nắp hầm rồi trỏ tay:

- Đồng chí thọc hai chân xuống trước. Nhanh lên. Chúng nó sắp chụp!

Bọ Chét thọc cập giò lông lá vào miệng hầm và tụt xuống. Hắn cố tụt quá mông nhưng đến bụng thì mắc kẹt. Cái bụng mập ú phè tràn nắp hầm, cái lưng nung núc thịt nạc cũng đùn ra mép hầm làm hắn không tụt được nữa. Tư Linh giục:

- Cố lên! Giặc đang chụp trên đầu.

Thằng nhà báo thở è è cố ấn tấm thân bồ...liễu xuống hố, nhưng không tài nào. Giá mà cái miệng hầm rộng gấp đôi hoặc tấm thân hắn phải gầy ngay đi một nửa!

Hai khả năng đó đều không thể có. Chỉ có khả năng thứ ba: Trồi ngược trở lên. Nhưng lúc nãy vì cố tụt nhanh... thân người hắn khít cứng dính vào miệng hầm bằng gỗ bây giờ hắn chòi mãi mà không sút ra. Tư Linh và tôi mổi đứa nắm một tay hắn lôi lên mới vuột.

Mép gỗ bén cạo sướt cả da bụng da lưng hắn những đường dài rướm máu.

Tư Linh bảo hắn mặc quần áo vô. Hắn vừa thở hổn hển vừa gắt gỏng:

- Tôi nghe địa đạo lùa trâu bò xuống được và thông thương từ xã này qua xã khác kia mà đồng chí!

Tôi tưởng Tư Linh “kẹt đạn” nhưng hắn đáp ngay:

- Dạ, đó là sự thực! Nhưng từ một năm nay trâu bò các xã không còn. Một số chết vì bom pháo trực thăng, số còn lại thì nông dân lùa ra ấp chiến lược thành ra chi ủy địa phương không cho làm miệng hầm rộng như trước. Miệng hầm rộng địch dễ tìm thấy. Bây giờ tất cả địa đạo đều làm miệng nhỏ như thế này. Chúng tôi nghe nói Mỹ có đem chó qua đây để đánh hơi miệng hầm. Chúng tôi rất tiếc là đồng chí không xuống được để xem tận mắt địa đạo của chúng tôi. Ở dưới đó đồng chí có thể đi thênh thang như trên đường cái.

Bọ Chét nhìn miệng hầm tun hút, đen ngòm và gật gật cái đầu tóc bạc:

- Dù không xuống được dưới đó nhưng tôi đã đến đây nhìn thấy tận mắt các dũng sĩ và địa đạo thần thánh. Đánh giá một người đàn bà đẹp ta không cần phải xem xét tất cả các bộ phận mà chỉ nhìn gương mặt hoặc bàn tay, cặp đùi là đủ biết rồi.

Tư Linh tán thưởng:

- Đúng! Đúng! Như đồng chí thấy đấy! Địch có thể bị giết sạch mà không biết chúng ta xuất hiện từ đâu. Tiêu diệt chúng xong, mình xuống địa đạo, chạy sang làng khác trổ nắp lên đánh bọc sau lưng chúng nó một phát nữa. Chúng dù có tìm được miệng hầm cũng không dám xuống để truy lùng. Địa đạo là thiên biến vạn hóa đồng chí ạ! Chúng tôi còn có kế hoạch đánh các căn cứ địch bằng đường hầm.

Tôi chêm ngay vào:

- Năm 46 chúng tôi đã từng có sáng kiến ấy rồi. Kết quả rất to lớn và bất ngờ. Chúng tôi đã hạ một đồn ở phía bên kia sông Sàigòn giết bảy chục tên Pháp còn bên ta hoàn toàn vô sự. — Sẵn trớn tôi đẩy luôn — Chính tôi có tham dự trận đó. Chúng tôi đào một địa đạo dài chừng năm cây số, liệu chừng đã đến giữa đồn chúng tôi châm thuốc nổ. Xác Tây tung lên rơi xuống sông Sàigòn.

Tư Linh hỏi:

- Phải đồn Bến Súc có con trai của má Hai tham gia không?

Tôi nháy Tư Linh. Bọ Chét đã mặc quần áo xong, gục gặc lia:

- Dân tộc Việt Nam là một dân tộc phi thường!

Tối đó sau bữa ăn thịnh soạn hơn cả bữa ăn hôm trước, đồng chí Bọ Chét còn được nghe Tư Linh thuyết trình về “Địa đạo chiến”. Chắc chắn hắn sẽ cho dân tộc Viêt Nam càng phi thường hơn nữa.

Tư Linh trải tấm bản đồ Quân khu ra, chỉ cho Bọ Chét thấy rõ vị trí của Củ Chi và con đường xâm nhập của quân chánh qui Hà Nội. Củ Chi là cửa ngỏ của Sàigòn. Xong, Tư Linh lại trải bản đồ Củ Chi với chi tiết đầy đủ: sông rạch, lộ đá, đường đất, đồi, ruộng, vườn và đồn bót. Ngoài ra còn căn cứ Đồng Dù sầm sầm ở phía Nam Cũ Chi như cái chốt cài chặt cửa ngỏ vào Sàigòn. Sau cùng, giải thích cái hệ thống địa đạo “Thôn liền thôn, xã liền xã” cho đồng chí mình rõ. Từ Rừng Cả Chúc băng qua xóm Lộc Thuận đến mé Rạch Thai Thai. Rồi từ bên này bờ Rạch Thai Thai địa đạo lại triển khai đến Hố Bò chia ra làm hai ngánh, một ngánh ăn vào Đồng Chà Dơ, một ngánh rẽ vào đồn điền Phú Hòa và dừng lại ở đó. Trước kia ở đây là miệng hầm có có thể lùa trâu bò xuống địa đạo. Còn ngánh kia thọc thẳng xuống xóm Thuốc xuyên qua dưới đường 15. Tư Linh cứ nói thao thao như thuyết trình viên giải thích trận Điện Biên Phủ trên Sa bàn trong viện Bảo tàng Hà Nội.

Tư Linh ngưng lại đưa tay chỉ vào bản đồ:

- Hồi sáng đội nữ chiến đấu ở đây. Giả thuyết là địch hành quân trên đường 15. Ta đánh và rút xuống địa đạo ở Đồng Chà Dơ. Rất tiếc miệng hầm bé quá... nên chúng tôi phải để đồng chí ở trên.

- Tại tôi hơi to con.

- Nếu không, chúng tôi đưa đồng chí đi ngao du dưới địa đạo không một tí nắng chạm da mặt. Sau đó trồi lên xã Phước Thạnh nghỉ xả hơi một chút rồi trở xuống tiếp tục đi.

- Vẫn ở dưới địa đạo à? – Bọ Chét ngắt ngang.

- Vâng. Đi ở dưới khỏe và nhanh hơn trên mặt đất lại không nguy hiểm nữa! – Tư Linh tiếp – Xong rồi chúng ta đến xã Phước Hiệp là xã tiếp cận với Đồng Dù. Nằm dưới địa đạo, đồng chí có thể thu tiếng xe tăng chạy trên đầu. Vâng, xích xe tăng và cái sọ đầu chúng ta chỉ cách nhau có hai thước đất. Đây là bàn đạp tấn công Đồng Dù. Chúng ta sẽ trồi lên. Nếu có cơ hội chúng ta sẽ bắn tỉa rồi rút trở xuống, ngủ khỏe ru. Ngủ xong thức dậy nấu cơm chiều ăn. Ăn xong lại đi tiếp...

- Vẫn dưới địa đạo đấy chứ?

- Vâng, đây là cuộc sống dưới địa đạo. Chúng ta có cả kho gạo và lương khô ở dưới đó. Cả tiểu đoàn sống phây phây trong một khu địa đạo trong vòng mười lăm ngày mà không sợ thiếu bất cứ món gì kể cả cây tâm xỉa răng hay bao thuốc lá. Nếu các bà má cần ăn trầu cau, chúng tôi đều có đủ!

Bọ Chét trố mắt to ra tỏ vẻ thán phục:

- Không ở đâu tổ chức chiến đấu ly kỳ như các đồng chí. Kỳ tới có lẻ chúng tôi phải sang Liên Xô đề nghị hãng Mosfilm sang hợp tác quay mới xuể.

Tư Linh say sưa kể tiếp:

- Cơm nước xong chúng ta cắt ngang Đồng Dù sang xã Tân Thông Hội.

Bọ Chét kêu lên:

- Cắt thế nào mà cắt?

- Dạ, đấy là tôi nói địa đạo luồn dưới lòng đất xuyên qua căn cứ địch đấy chứ. Ở dưới nền Đồng Dù chúng ta có thể nằm nghe sinh hoạt của quân Mỹ trên mặt đất. Thí dụ như nghe nhạc rốc hoặc tiếng xe tăng thiết giáp tiếng trực thăng v..v...

- Ghê thế cơ à?

Tư Linh gật gù mím môi làm ra vẻ bí hiểm:

- Rồi một ngày nào đó khi về bên xứ, đồng chí sẽ nghe tin BBC rằng chúng tôi đã đánh tan căn cứ này mà không tốn một giọt máu. Mười tấn thuốc nổ sẽ đặt dưới địa đạo ngay dưới Đồng Dù.

Bọ Chét mê man như nghe truyện thần thoại.

Tư Linh rút thuốc hút rít khói vào bộ ngực oméga của mình như để có thì giờ tìm thêm ý mới nối dài câu chuyện địa đạo. Hắn tiếp:

- Chúng tôi xây dựng một hệ thống địa đạo là để chiến đấu trực tiếp với giặc chứ không phải để rút lui hoặc nghỉ ngơi. Không! Địa đạo là một phương tiện quân sự làm cho các loại vũ khí tầm thường cũng có tác dụng cao. Do đó địch hoảng kinh. Chúng tôi không muốn láo khoác huênh hoang để lừa bịp nhân dân chúng tôi và nhân dân thế giới. Nay mai chúng tôi sẽ xây dựng những khu chợ dưới đất và mời đồng chí tới tham quan. Bọn Mỹ biết chúng tôi ở dưới đất mà không làm gì được.

- Chừng đó nắp hầm sẽ rộng hơn bây giờ? - Bọ Chét ranh mãnh ngắt ngang.

Nhưng Tư Linh ma lanh không kém:

- Có lẽ đồng chí phải uống thuốc xổ liền một tháng!

Cả hai cùng cười. Tôi cũng cười ké. Tư Linh lại tiếp (Không biết công tác Địch Vân đã dạy hắn nói phéc hồi nào mà bây giờ hắn phịa tài thế.)

- Rất tiếc là bây giờ đồng chí không xuống địa đạo được. Chúng tôi không biết làm sao để đồng chí hình dung được ở dưới đó sinh hoạt như thế nào?

Tư Linh vẽ mấy kiểu địa đạo và giải thích tiếp: (Tôi ngồi nghe mà điếc con ráy luôn)

- Đây là địa đạo hai tầng. Và đây là địa đạo ba tầng.

Bọ Chét lại kêu:

- Hai tầng? Ba tầng? Ô...ô...ô!

- Vâng cả bốn tầng nữa. Khi đào xuống hai thước, chúng tôi cho địa đạo đi một đường rồi rẽ ra nhiều ngánh. Đó là chuyện dễ dàng. Nhiều nơi chúng tôi làm cả tầng thứ hai. Nghĩa là đào sâu xuống hai thước nữa, một thước cho nóc hầm, một thước cho lòng hầm. Riêng ở những nơi đặc biệt chúng tôi làm cả tầng thứ ba. Nghĩa là đào sâu thêm hai thước nữa. Vị tất là sáu thước bề sâu tính từ mặt đất. Cứ nóc hầm dưới cách đáy hầm trên một thước đất. Lòng hầm cũng caomột thước.

Bọ Chét chặn ngang:

- Hồi nãy đồng chí nói là chúng ta "đi" trong lòng hầm như vậy nếu lòng hầm chỉ cao có một thước thì làm sao mà đi?

Tôi thấy thằng già này khá thông minh. Có thể Tư Linh kẹt đạn phát này. Nhưng Tư Linh rít thuốc chậm rãi phà khói gạt tàn vào dĩa và nói:

- Đồng chí thắc mắc là phải. Lòng hầm chỉ có một thước là ở những nơi đất xốp, không thể mở rộng được vì sợ đất lở. Những đoạn này lúc hành quân chiến sĩ phải bò nhoài, nhưng không xa. Mỗi quãng chỉ chừng trăm thuớc còn ngoài ra lòng hầm cũng có đoạn đi khom lưng nhưng phần lớn là đi xổng lưng, bởi thể tôi mới nói là "đi". Nếu không, tôi phải nói là "bò" dưới địa đạo chớ!

Bọ Chét gật đầu lia lịa:

- À ra thế! tôi đã nắm chắc vấn đề rồi. Nghĩa là từ mặt đất đến đáy tầng thứ ba ở những quảng ta đi xổng lưng, đo gần chín thước, phải không đồng chí’?

Tư Linh gật đầu một cách quả quyết, lại còn thêm:

- Chúng tôi có những cái bùng binh để điều trị cả chiến thương, những nơi để uống trà đào lõm vào vách hầm. Ở những chặng này chúng tôi dùng cột để chống sụp.

- Vậy là cả một thế giới ở dưới mặt đất.

- Ước gì đồng chí có thể thu mình nhỏ lại để xuống dưới chơi vài ngày.

- Đồng chí có bao giờ ở dưới quá ba ngày không?

- Tôi ít xuống dưới đó, ngoại trừ một lần xuống để dự lễ thành hôn của một cặp thanh niên xung phong.

- Lễ thành hôn ở dưới địa đạo?

- Vâng! Chuyện đó có gì lạ đâu. Chúng tôi vẫn có những cuộc vui đông đúc từ thời chống Pháp kia mà?

Bọ Chét tỏ vẻ tư lự hồi lâu rồi bảo:

- Thế này thì tôi phải tìm cách xuống dưới đó mới được. Xin đồng chí trình lên đồng chí Tám Quang rằng tôi cần có hai cán bộ quay phim. Lúc ở R tôi không nghĩ là ở dưới này lại có những "đề tài ngầm" vĩ đại như thế, nên tôi chỉ xin người mang máy giúp tôi chứ không xin cán bộ chuyên môn quay phim.

- Theo tôi biết ở khu không có cán bộ điện ảnh đồng chí ạ! Phải ở R mới có.

- Bởi vậy tôi nhờ đồng chí Tám Quang điện về R xin gởi gấp cho tôi hai cán bộ quay phim.

- Vâng, chúng tôi sẽ trình lên đồng chí Tám Quang ngày mai.

Như thế là Tư Linh đã cho nhà báo những phần có thể nhìn thấy bằng mắt ở trên mặt đất và những phần không thể nhìn thấy ở giữa đất, cái mà chỉ có thể tưởng tượng theo hình vẽ trên giấy kèm theo sự giải thích của mình.

Đêm nay trong giấc ngủ dưới gầm ván bốn bên có vách đất đày và cao ngang ngực, bên cạnh cô Bốn chạy bàn, nhà báo ngoại quốc sẽ có những giấc mơ tiên về địa đạo thần thánh của Củ Chi.

Tôi và Tư Linh ra về nhà má Hai nghỉ ngơi. Trên đường đi, tôi lại càu nhàu như lần trước:

- Đẫy cây vừa thôi cha!

- Gì mà sợ hả bố non?

- Nó "bắt giò" mày mấy phát đó thấy không? Chút nữa là lộ tẩy rồi!

- Tao chấp nó đấy. Tao chỉ huy nó chứ nó có chỉ huy được tao đâu. Nó mà còn hăng hái tao cho nó chạy một bữa tuột quần, mữa cả đằng mồm lẫn đằng đít cho mà coi.

- Mày làm như vậy hư công tác tuyên truyền hết. Nó đến đây như làm mướn không công cho mình. Nếu nó bỏ ngang thì mình bị thiệt.

- Mày đừng có lo. Tao sẽ làm cách nào mà nó vẫn tận tâm phục vụ và phục lăn mình mà?

- Nó đòi cán bộ điện ảnh R xuống để quay dưới tầng hai tầng ba lòng địa đạo có nơi chứa chiến thương và chỗ uống trà thì mày từ chối làm sao?

Tư Linh cười khè khè:

- Mày là dân nhà pháo cứ lấy góc độ lấy thước nhắm rồi bắn, còn tao không có dụng cụ gì ngoài cái mồm. Đảng mình chiến thắng nhờ mánh khoé. 3/4 và 4/5 là cái nghĩa gì? Có lẽ cái anh chàng này nghe thế rồi tưởng thiệt nên đâm đầu tới đây. Té ra không phải. Như gái ngồi phải cọc mà không dám kêu. Để tao kể một cái chuyện nói láo dây chuyền cho mày nghe. Chẳng là hồi 1955 tao đi Hải Phòng chơi. Một hôm tao nghe đồn rằng Quảng Yên có một đứa bé nửa người nửa đười ươi. Tao bèn hỏi phăng ra thì có người thuật lại rằng hồi năm 1954 có một chị dân công đi lạc đường vào rừng không quay ra được nên bị một con khỉ đột hiếp và đẻ ra thằng con trai..v.v.. Hiện giờ cả hai mẹ con và con khỉ được chưng bày ở thị xã cho nhân dân tới xem. Câu chuyện dài dòng lắm nhưng tóm tắt như thế. Nghe chuyện lạ tao tức tốc lấy vé xe đi Quảng Yên coi cho biết. Đến nơi, chẳng có mẹ gì cả. Đấy, những người mắc lỡm không chịu mình bị mắc lỡm để người khác đi chung xuồng cho vui. Cho nên khi xem về, hễ ai hỏi thằng bé nửa người nửa đười ươi có thật hay không’? Thì trả lời: "Xuống đó khắc biết?" Xuống đó biết rồi về vẫn không nói sự thật cho nên ai muốn biết thì cứ xuống Quảng Yên! Thằng Bọ Chét này đến đây một là vì bị mình lừa, hai là vì nó biết rõ mà muốn lừa người khác. Và mình trả công cho nó. Có lẽ vì lý do thứ hai. Cho nên khi gặp ông Tám Quang nó đã đề nghị chương trình của nó và loại bỏ một số điểm trong chương trình của mình.

Đang đi bỗng nghe có tiếng xe bò cót két. Hai đứa đứng nép bên đường, chờ chiếc xe tới gần. Tư Linh quát.

- Ai’? phải anh Tám không?

- Hí hí...!

Tiếng cười rúc rích đáp lại câu hỏi. Tư Linh bấm đèn pin. Một người ngồi trên xe. Tôi nhận ra là Tư Thêu ông bạn cố tri ở nhà bà Sáu Tiệm. Tư Thêu hỏi.

- Anh Tư đó hả? Anh chơi gì ác vậy? Ám số cộng tròn chín thì anh hỏi anh Bảy, anh Tư anh Ba chứ anh hỏi anh Tám, chẳng lẻ tôi đáp "anh Một"?

Tôi hỏi.:

- Chở cái gì giống cối 81 vậy Tư Thêu?

- Ừ, cối của Sáu Huỳnh nhờ ông Bảy Hốt chuyển cho anh đây.

Tôi và Tư Linh đến gần. Cối gì mà đựng trong thùng vuông? Không phải nòng cối cũng không phải đế cối.

- Mấy anh không biết cái này sao?

Cả tôi và Tư Linh đều chưa từng trông thấy. Tư Thêu bảo:

Nhà ông nội "báo" ở đâu? Tôi chở ngay giao phức. Còn bao nhiêu là gạo chưa di chuyển kịp. Còn có mấy con bò mà phải chuyển cả trăm tấn gạo, chuyển xong rồi chắc ăn thịt bò luôn.

Tôi và Tư Linh nhảy lên xe bò chỉ đường cho hắn tới Tổng hành dinh Bọ Chét. Tư Linh bảo hai anh giải phóng quân đang gác trước sân và sau nhà khiêng cây "cối 81 " xuống. Tôi mới vỡ lẽ ra... Tư Thêu xin thuốc hút, đoạn vỗ vai tôi và nói:

- Xong nhiệm vụ nhé! Tôi phải trở về Bến Dược để đi chuyến đêm. Bữa nào rảnh ghé chơi. Bà Sáu Tiệm nhắc ông hoài. Bả có để dành cho ông cái bình toong... mớ... ới!

Tư Linh hớt ngang:

- "Bình toong" của bả đã nửa sạc rồi! Nhắn bả là thằng bạn tôi cần cái mới cắt chỉ cơ!

Tư Thêu rít vội thuốc lá và trỏ vào thùng gỗ:

Các ông đã chuẩn bị chỗ đặt cổ pháo này chưa?

- Xong cả rồi!

- Mấy bữa rày ông làm sao?

- Mấy thằng nhỏ đào lỗ cho ổng "bắn" tạm.

Tư Thêu ném cái tàn thuốc nhảy lên xe còn nói với với tôi:

-Ông đã móc được gia đình chưa?

- Móc rồi mà chưa kết quả.

- Nhanh nhanh đi chớ tình hình rắp nhíu rồi đó. Đài Sài gòn cho biết Mỹ sắp chở qua hai ngàn trực thăng và mười ngàn máy truyền tin. Sân bay B52 ở Utapao đã mở rộng. Điệu này tụi mình phải tính gấp mọi chuyện. Nó đâu có đi xe bò như mình. Vút cái là tới ngay!

Tôi cười:

- Hai mươi năm còn không xong được, ông biểu tôi làm trong một ngày hay sao?

- Cô xã đội phó nó mết ông rồi mà, ông còn đòi voi đòi tiên gì nữa?

Tư Linh xen vào.

- Còn nhiều cô nữa, có cả "vũng sĩ" cơ đấy? ông thầy pháo còn điển trai, lo gì!

Tôi đấm vai Tư Linh:

- Nếu gấp rút thì đám tuyên bố của tôi sẽ làm dưới "tầng lầu ba" địa ‘đạo ông vừa "đào" xong đó!

Tư Thêu cười khắc khắc:

- Bộ ông tinh ông muốn chôn cặp tân hôn sao vậy?

Chiếc thùng đựng một chiếc cầu tiêu máy để phục vụ cho cái bụng to phè của Bọ Chét. Mấy hôm trước hắn đến đây đã than phiền về chỗ đi "nghĩ mát". Hai đồng chí giải phóng quân phải hì hục đào hố lót cây ngang tử tế. Mục ỉa đồng mà được như thế là phúc đức rồi, nhưng đối với các đồng chí ngoại quốc thì không ổn. May mà chị Chín Đầm già không xuống chơi đây, chứ nếu xuống thì chúng tôi phải bỏ ra cả đại đội để bảo vệ và huy động cả nhân dân một xã để phục vụ cặp "bài trùng" này.

Tôi thấy hơi phiền, nhưng không dám cãi lại cấp trên. Nếu họ là đồng chí của ta thì khi đến với ta, thăm chiến khu của ta, "Ta sống sao.họ phải sống vậy".-Đó mới là tình đồng chí cao quí chứ. Sao ta phải bỏ quá nhiều thì giờ để hầu hạ một thằng tự xưng là đồng chí của ta

Ở Hà Nội, các chuyên gia Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc sống như vua. Lương tháng của mỗi ông bằng lương ba năm của một công nhân. Mỗi khẩu phần hàng ngày cũng được hưởng tiêu chuẩn đó là hai ký lô thịt nạc heo cho mỗi đầu người gia đình của họ, trong lúc nhân dân thủ đô ăn cơm trộn khoai sắn 3/4 cán bộ đói rách và ăn mày ngủ chật đường Tràng Tiền. Ở đây tên Bọ Chét cũng thế.

Việt Nam ta có câu: "Nhịn miệng đãi khách" rất đẹp, nhưng họ tự xưng là đồng chí vô sản của ta kia mà! Vã lại nếu có nhịn thì cũng nhịn một bữa một ngày thôi, đâu có ai nhịn miệng đãi khách đến mười năm! Bạn ở Hà Nội đã từng thấy những ông bà mũi lõ mắt xanh đồng chí của da vàng mũi tẹt đi vào hiệu vàng bạc ở đường Tràng Tiền mua một lần cả nón đồng hồ Omega, bút máy Parker và nữ trang chưa? Tôi đã thấy. Xin nói lại: Chính mắt tôi trông thấy quân mọi rợ đó khinh miệt người Việt Nam tại Hà Nội.

Bây giờ về Nam tôi tưởng đã giải phóng cặp mắt được khỏi cái "Bức tranh xã hội" đó rồi thì lại đụng nhằm một "Bức tranh xã hội" khác không kém phần xám xịt.

Mặc dù đã khuya, Tư Linh phải cho một cậu giải phóng quân đi gọi Hai Tới là bà con của út Cường và là gã thợ mộc (giai cấp công nhân) đã đóng cái nhà tắm cho Bọ Chét dùng, đến để ráp cái cầu tiêu máy này vào một sàn ván đặt trên một cái hố đã đào sẵn và có ống thông ra ao cá sau nhà. Sau mỗi lần Bọ Chét xổ những thứ rác ra khỏi cái trống chầu của hắn thì một cô nữ du kích phải đi múc một thùng thiếc nước dội thật sạch và rắc vôi để bảo đảm vệ sinh cho lần phóng sau.

Ngoài giải phóng quân canh gác, bồi bàn, còn có chừng năm sá u cô gái coi khá khủt làm việc lặt vặt trong nhà của Bọ Chétt như giặt quần áo, rửa chén, nấu nước pha trà hoặc nước cho hắn tắm khi hắn muốn tắm nước nóng. Ngoài ra còn có một cô đâu ở trên đưa xuống chuyên môn tẩm quất cho hắn. Mẹ kiếp! Làm báo mà như vậy thì cũng nên đi làm.

Hồi ở Xuân Mai, khi đoàn xiếc Liên Xô biểu diễn, giờ phút cuối cùng không phải là vấn đề lập trường mà cũng lại là cái "đế cối 81 ". Các đồng chí nam thì thì dùng pháo phóng lựu nòng dài nên không gặp rắc rối, nhưng các đồng chí nữ thì chỉ xài pháo lòng bầu dục nên phải có bệ đặt sẵn mới phóng được.

Đồng chí Tư Lệnh Sư Đoàn Ba Tô Ký cho mười hai xe Molotova công binh vù về Hà Nội để xin Bộ Chính Trị xuất cho mười hai cái bệ phóng mang về tức khắc...

Chao ôi là chao ôi!

Đợi đặt xong cái đế cối cho đồng chí Bọ Chét, tôi và Tư Linh lại lầm lủi về nhà má Hai. Chúng tôi định "tắm gà" sơ sơ rồi chui xuống hầm dưới bộ ván gõ ở trước nhà mà đêm đầu tiên đến đây tôi cả gan ngủ trên ván như thằng điếc không sợ cà nông.

Vừa thiu thiu thì cô xã đội phó lại quấy rầy. Cô ta đứng ở miệng hầm gọi:

- Anh Hai, anh Hai lên má nói chuyện này một chút.

Ngỡ là má định đi móc chuyến nữa nên bỏ mặc Tư Linh ngáy o o, tôi bò lên và ra sau bếp. Má đã ngồi sẵn ở đó, nét mặt nghiêm nghị như sắp nói điều gì quan trọng. Tôi suy nghĩ và giật mình. Thằng chăn bò miệng ăn mắm ăn muối hổng chừng nói đúng: "Cô xã đội phó mết mày", nên có chuyện. Má bảo:

- Con ngồi xuống đây má nói chuyện này. Má biết con công tác mệt nhưng má không muốn chờ tới sáng mai. Rủi sáng mai con đi công tác gấp má không kịp nói rồi ai giúp đỡ cho em con.

Má vừa nói vừa chậm rãi têm trầu. Thôi đích rồi. Thằng chăn bò mắc dịch! Trong trí tôi vẫn còn đậm nét Thu Hà. Kẻ chen lấn với nàng có thể chỉ là Bảy Mô thôi. Nhưng tôi muốn gửi một tấm tình chung thủy với Thu Hà. Nhiều đêm tôi chợp mắt, vẫn thấy đôi mắt Thu Hà đẩm ướt dõi theo tôi sau gốc cây Bàng Lăng ở Phước Long.

Má nói, giọng trầm trầm:

- Cách nạng có từ 45 phải không con?

- Dạ!

- Thằng Điều hi sinh ở trận Bến Súc. Má không có con tr:ai, chỉ có hai đứa con gái.

Tôi lựa lời nói quác ra.

- Dạ gia đình mình là gia đình có công với cách mạng đó má!

Má như không nghe lời nói của tôi, tiếp:

- Má tin tưởng cách mạng là tốt, nhưng má không dám gả con Lụa cho cán bộ vì sợ con trai chết, rồi lại mất rể.

- Dạ!

- Bởi vậy cho nên có nhiều cán bộ đi hỏi nó mà má không chịu, má chỉ gả nó cho thanh niên xóm

- Vậy cũng tốt chớ có sao đâu má! Dượng nó là Thanh Niên Xung Phong.

- Ở trên bảo đi bốn tuần về. Bốn tuần không thấy về. Bốn tháng cũng không về. Nay đã một năm, nghe nói nó ra đâu tới ngoài Phước Long.

- Dạ..

- Con vợ nó ở nhà đâu có làm ăn gì được. Trước đây đốt than chập chủm kiếm sống nuôi con. Nhưng từ ngày B52 bỏ tiêu vùng Hố Bò, nó nghỉ luôn. May nhờ con Là tới lui hủ hỉ. Nhưng từ ngày chú Tư Thiên giao chức xã đội phó cho con Là, con Là chạy chân không bén đất...

- Dạ..

- Con Lụa ở nhà...- Má ngập ngừng rồi tiếp - làm ba cái việc lặt vặt của Phụ Nữ giải phóng còn tao Chấp Hành Hội Mẹ. Vậy là cũng tròn nhiệm vụ của gia đình. - Bỗng nhiên má đằng hắng và lên giọng - Vừa rồi chú Tư Thiên có đến bảo tao cho con Là đi đào địa đạo gấp. Tao bảo: "Nó mắc làm việc nhà để hoãn lại ít bữa đã", kỳ thật nó không chịu đi. Nó nói: "Đào như lỗ mèo quào rồi bỏ đó chớ ai mà chun, đào chi cho uổng công." Chú bèn bảo tao cho con Lụa đi đến địa điểm phục vụ cho ông nào đó ở trên R mới xuống. Con nhỏ đi tới đó, đêm đầu chỉ rửa chén và lau bàn. Nó về nó nói với tao hình như là có ông Liên Xô ờ đằng đó. Nó mừng lắm. Nó nói với tao là nếu có Liên Xô vô đây thì Mỹ phải thua mau, chồng nó sớm về nhà. Cho nên nó không than phiền về việc lau bàn rửa chén cho ông Liên Xô. Nhưng hồi tối này...

Má ngưng ngang giây lâu rồi tiếp:

- Chuyện kỳ cục quá con à!

Tôi nhảy dựng lên:

- Chuyện gì vậy má!

- Nó nói nó thấy nhiều chuyện trái tai gai mắt quá hè.

- Á à ạ! mình đãi đằng họ như vậy là để họ giúp mình cũng như thả con tép bắt con tôm má ạ!

- Lần trước cũng Liên Xô, lần này cũng Liên Xô. Lần trước tao chỉ nghe xầm xì thôi, nhưng tao bảo không thấy thì đừng có đồn bậy bạ. Nhưng lần này...

Tôi rụng rời tay chân và không biết trả lời ra sao. Tôi không biết là cô Lụa đã thấy chuyện gì? Nếu chỉ thấy chuyện cô Bốn với lão Bọ Chét thì không ăn thua. Vì cô ta không phải là người ở đây. Nhưng nếu lão bỏ ngón tới mấy cô cây nhà lá vườn thì mất uy tín quốc tế lắm. Má nói:

- Vậy con có gặp chú Tư Thiên thì con nói với chú là má xin chú miễn cho con nhỏ phục vụ ở đó luôn. Nói với chú thương dùm chồng nó phơi gan trải mật ở tận ngoài Phước Long. Chồng phục vụ cách mạng như vậy chẳng lẽ ở nhà người ta bắt vợ nó " phục vụ "cách mạng như vầy sao?

Tôi chui xuống hầm nằm im như con chó bị cắt tai, không nói một tiếng với Tư Linh. Quả đáng tội, hắn ngủ như chết bụng dạ thảnh thơi, đâu có hay chuyện gì.

Tiếng trêu chọc của cô xã đội phó xoáy vào tai tôi.

- Anh chỉ huy đội nữ đánh được mấy" trận địa đạo chiến rồi anh.

Tôi đáp.

- Mới được một trận thôi.

- Còn mấy trận nữa?

- Không biết.

- Anh đừng có chui xuống mấy cái hầm cũ nghe không? Ghẻ xốn nó ăn thịt anh đấy. Mấy "con nhỏ" hồi nãy đến đây mua vôi và xin chanh, em cho, không bán.

- Để làm gì ba cái thứ đó?

- Trị ghẻ xốn chớ làm gì. Nếu anh lỡ chun phải ngừa trước. Để trể nó ăn đen mình hết.

- Em không phải lo!

- Ừ để rồi không lo!

- Có hầm hố gì mà chun với chiếc?

- Vậy ổng quay phim cái gì? Chẳng lẽ công ghe bè bạn tới đây để quay "đội nữ" và mấy cái hang chuột bỏ hoang?

- Ai biết đâu. Chương trình này là của anh Tư, anh chỉ phụ tiếp thôi.

Tôi phục Tư Linh thiệt. Hắn chỉ ém mỗi cô xuống một cái hầm cạn xợt. Khi Bọ Chét đến, hắn cho giở nắp trồi đầu lên tay cầm súng lắp đạn lắc cắc cho lão quay xong rồi "xung phong" vô vườn cao su, mỗi cô chiếm một gốc. Thừa lúc Bọ Chét chú mục quay phim, hắn cho những toán khác núp sẵn trong rừng nhào ta tấn công "địch". Bọ Chét cứ tưởng đó là những dũng sĩ từ địa đạo thần thánh chui lên chớ đâu có ngờ rằng họ "địa đạo chiến" trên mặt đất!

Khi "tiêu diệt địch" xong hắn cho họ rút xuống "hầm khác", ở sâu trong rừng, Bọ Chét đâu có vác cát thùng nước lèo, chạy theo kịp. Thế là trận "địa đạo chiến"‘ kết thúc: Địch bị tiêu diệt hoàn toàn, bên ta vô sự.

Cô xã đội biết tỏng cái màn địa đạo ehiến của Tư Linh nên ra trêu tôi chơi.

Sáng hôm sau, phước trời, tình hình vẫn yên lặng. Trực thăng kéo hàng hàng đi vào miệt Bến Cát Long Nguyên và đường 30. Chúng đánh hơi được sự chuyển động ở vừng đó nên đổ quân và bắn pháo liên miên.

Một hôm chán ngấy, tôi bèn hỏi Tư Linh:

- Bữa nay ông đạo diễn cho hắn hát tuồng gì? Riết riết cho xong đặng tao về cơ quan tao.

- Cho hắn đi quay những hợp tác xã đan rổ rá, xem lò đường và nông dân cày ruộng. Kế đó xem chợ An Nhàn "giái phóng". Hừ, quay cái xe nước đá bào của con xẩm cho tao mượn cuốn Buồn Nôn đó nhớ không?

- Đội Nữ như vậy là hoàn thành nhiệm vụ hả?

- Tất cả đều hoàn thành, trừ mày với nữ đội trưởng.

Tôi kể lại câu chuyện đêm qua của má Hai cho hắn nghe. Nghe xong hắn "xùy" một tiếng to:

- Xin phép Tư Thiên làm cái gì. Muốn ở nhà cứ ở. Nhưng con nhỏ có bị đụng chạm gì chưa?

- Theo cô xã đội phó nói thì... Nó chỉ thấy ông nhà báo "hát chèo" với con Bốn còn lão chỉ mới be he với nó thôi... Nè, cái chợ An Nhơn còn giống gì mà quay?

- Xã ủy đã được lệnh tập trung đồng bào tới. Mình mau lên đó, kẻo họ về hết - Tư Linh tiếp - Sau khi quay chợ, vào xóm quay vài cảnh sinh hoạt. Được cái gì quơ cái đó chớ mong ước gì?

- Có sinh hoạt gì mà quay’? Trường học dẹp hết rồi, các đội thiếu nhi ca vũ cũng giải tán thì còn có nước quay đàn bà nấu cơm thôi.

Tư Linh quào quào đầu, tóc rối lên như bùi nhùi:

- Kệ nó, nó muốn thì nó cứ quay.

- Còn trâu bò cày đâu còn ở ngoài ruộng? Người ta giấu cả dưới hầm để sửa soạn ra ấp chiến lược. Hay là bắt thằng Tư Thêu làm nông dân cày sơ sơ vài đường cũng đủ mà!

- Chíp! Mấy cái đó không khó, chỉ có một màn khó nhấ thôi. Tao ớn thấy mẹ!

- Là cái màn gì? Chắc là cái vụ cạo mủ cao su chớ gì. - Tưởng mìmh nói đúng, tôi tiếp luôn - lần tên giáo sư Liên Xô sang, nó thấy ba cái rừng cao su bị cháy nó tiếc lắm. Nó ước gì nước nó được giống cây quí giá này. Tên Bọ Chét ở xứ lạnh chắc thấy cây cao su cũng ham chớ gì. Nó muốn quay phim công nhân cạo mủ thì mình bắt tụi con Bảy Mô làm nữ công nhân. Còn thùng, chén, dụng cụ làm việc thì trong nhà mủ Hố Bò có thiếu chi. Chỉ bảo tụi nó sơ sơ là dàn xong cái cảnh cạo mủ khó gì!

- Chuyện đó dễ thôi! Cái chuyện kiếm búp bê cho hắn bế mới khó!

- Còn cô Bốn’?

-Đó là gái bán bar hay gái bao gì đó của Ban Quân Báo Sáu huỳnh dụ khị bắt vô. Hắn bảo vô đây phiên dịch cho một đại úy Mỹ vừa rả ngũ Nhưng vô đây chỉ đượcchạy bàn. Ngoài ra còn cái vụ kia nữa. Chỉ một đêm con nhỏ chạy tét, không phải nó ngán chạn Bọ Chét đâu. Nhiều thằng Mỹ cao hai thước cũng chả thấm gì nó, nhưng nó chạy vì nó bảo thằng này không phải Mỹ. Sáu Huỳnh hỏi tại sao nó biết? Nó bảo Mỹ không làm như vậy, không kẹo như vậy và không hôi như vậy. Mỹ gì hôi như cú.

Tôi cười:

- Hôi?

- Nó nói thằng này hôi heo quá chừng. Nó không chịu được chớ không phải nó sợ thằng say rượu... đâu.

- Còn kẹo?

- Ai biết đâu. Tao về trên ông Tám Quang báo cáo thì gặp Sáu Huỳnh. Y phụ nhĩ với tao như vậy.

Rồi ông Tám chỉ thị thế nào?

- Ổng bảo tao cố liên lạc địa phương tìm một đứa sạch sẽ dễ coi, giàu đức tính hi sinh cho cách mạng!

- Mày đã liên lạc với ông Út Cường chưa?

- Thằng Bọ Chét đã cho tao biết nó "chấm" con nhỏ nào rồi!

- Sao nó có quyền "chấm"?

- Mày không nhớ lời ông Tám Quang đả thông hay sao? Nó ra thế giới, nói tốt cho mình thì lời nó nói bằng diệt một sư đoàn Mỹ. Sá gì một đứa con gái?

- Nó chấm đứa nào?

- Đứa nào nó khoái thì nó chấm!

Tôi hơi cáu.

- Nó muốn gì được nấy sao?

Tư Linh thấu cáy tôi:

- Hễ mày thấy đứa nào đẹp nhất nội bọn thì nó chấm đứa đó. Hè hè..hè!

Thấy tôi phát cáu, Tư Linh bảo.

- Tao kêu mày cứ "hạ mục tiêu" đi mà mày không nghe để cây nhà lá vườn bị thiên hạ quơ mất.

- Vậy mà ở trên cũng đồng ý. Kỳ nhỉ!

- Hà hà hà... mày sợ cô dũng sĩ của mày rơi vào miệng sói hả?

Tư Linh không muốn trêu tôi thêm nữa nên nói.

- Cái thằng Bọ Chét cũng biết liệu cơm gắp mắm, nó tự biết cái thân già nên không dám động tới đội nữ, nó chỉ mơ con Hai Khương Quân Nhu. Nó thấy con nhỏ bữa trước.

- Hai Khương làm gì mà cũng xạo vô đám này?

- Ở trên bảo nó vô đo may cho hắn vài bộ bà ba để cho nó mặc và mang về làm kỷ niệm. Con nhỏ chừng hai mươi lăm có đứa con gái năm tuổi. Chồng nó đi Công trường 9 đánh ở Đồng Xoài Bình Giả gì đó, tới nay biệt tin. Con nhỏ ở nhà nuôi mẹ già con dại bằng tiền may mướn cho Quân Nhu hai trăm một ngày. Mày thấy nó mày sẽ tưởng nó là con gái còn son đó.

Tư Linh bảo:

- Bữa nay mày ở nhà lo công việc giúp hắn. Tao đi gặp Út Cường điều đình. Nó kêu Út Cường bằng chú họ. Út Cường lại có uy tín với bà già. Tuy vậy tao phải rủ chú Tư Thiên Bí Thư xã Phú Mỹ Hưng đi để nói tiếp - Tư Linh thở dài - Cũng may con Lụa trốn ở nhà nếu không hắn chấm con Lụa thì khốn cho mày.

- Tại sao khốn cho tao?

Tư Linh móc thuốc hút, rít mấy hơi dài liên tục.

- Vì mày là con trong gia đình mày phải có ý kiến thuyết phục má. Thôi tao đi nhé!

Nói vậy nhưng Tư Linh vẫn chưa đi. Y nói:

- Tao ớn quá!

Tôi lặng thinh. Tư Linh lắc đầu khe khẽ làm rung rinh chõm tóc trước trán. Bữa nay tôi mới thấy hắn có tóc bạc. Nét nhăn trên trán hắn cuộn lên như sóng cồn. Hắn nói, giọng khác thường:

- Thú thiệt với mày hai chục năm nay, vào sinh ra tử, đảng bảo đi đâu làm gì tao cũng không ngần ngại, sống chết coi thường, nhưng hôm nay tao thấy sợ hãi, dường như không dám bước tới... Lạ thật, đi kiếm gái cho đồng chí mình chơi, mà gái đó lại là vợ của đồng chí mình: Mày hiểu vì sao tao sợ chớ? Và nhục. Chưa bao giờ tao thấy nhục như hôm nay.

Tư Linh đi, tôi ở nhà lo công việc. Bữa nay tên Bọ Chét được tôi dàn cảnh để quay một cuộc đấu tranh chính trị của "đội quân đàn bà ‘ do nữ đồng chí Năm Đang, Huyện ủy viên kiêm khu ủy viên dẫn đầu. Năm Đang là một người con gái quá lứa, ốm o như con cá lẹp, tính hay cau có, quen tánh xúi giục kẻ khác hoạt động nhưng chính mụ lại chuyên môn "ngồi thum" nghĩa là ngồi núp trong bụi rậm bên cạnh miệng hầm bí mật, hễ có động tịch là chui nhanh.

Mọi việc đã được chuẩn bị sẵn cả. Khăn rằn đen vài chục cái, cờ mặt trận vài trăm lá con con để mỗi người cầm tay một lá, vài ba lá cờ lớn có cán để mấy người đi đầu đoàn biểu tình giương lên thị oai với quân Ngụy. Tất cả độ một trăm ngoài gồm cả đàn bà lẫn trẻ con, trong đó có trên hai mươi đội viên của Bảy Mô đã cởi bao đạn lột nón sáu múi giấu súng và lựu đạn để trở thành đội viên của đạo quân bà Năm Đang. Bọ Chét thêm ý kiến: cho đoàn đi xe lam ra "thị xã".

Bọ Chét bảo đoàn biểu tình leo lên xe lam tung cờ hô khẩu hiệu. Xe chạy chậm chậm cho số đi bộ theo kịp. Bà Năm Đang được quay cận cảnh rất lâu. Còn đám nữ dũng sĩ thì giấu mặt vì đã lộ ra ở màn "địa đạo chiến" hôm trước rồi. Chỉ chừng nửa giờ đồng hồ thì cuộc đấu tranh chính trị hoàn thành. Nhưng không rõ đoàn này đấu tranh với ai và về vấn đề gì? Đó là một trong ba mũi giáp công của Mặt Trận.

Kế đến màn sinh hoạt trong khu giải phóng. Những bà những cô vừa hoàn thành xuất sắc cuộc đấu tranh chính trị "trực diện với kẻ thù" lập tức thay hình đổi dạng và quơ gióng gánh, bưng bầu bí gà vịt đã giấu sẵn trong rừng để nhảy lên xe lam "đi chợ giải phóng!"

Xe lam chở đồng bào đi chợ, chừng vài trăm thước thì đổ xuống. Ở đó cũng có sẵn vài chục người đủ cho ba chiếc xe chở lỏng lẻo, leo lên đi về nhà. Lặp lại vài lần cùng một số khách đó rồi ba chiếc xe lam rời nhanh vô rừng biến dạng. Thế là xong đoạn phim đi chợ giải phóng.

Rất tiếc không có Tư Linh ở đây để y cho đoàn biểu tình xuống "tầng ba" địa đạo uống trà nghỉ xã hơi giây lát và cất luôn những lá cờ trong kho cho kín chứ đâu có nhà nào dám treo! Như thế tôi đã làm xong công việc của tôi một cách xuất sắc.

Tôi đi tìm Bảy Mô để phối hợp "diễn xuất", màn tới là màn cạo mủ cao su của nữ công nhân. Màn này thì quá dễ. Chỉ cần đội nữ của Bảy Mô là đủ.

Chiều tối, tôi đến địa điểm đóng quân của đội nữ. Bảy Mô phàn nàn:

- Quay phim như vậy để làm gì anh?

- Tuyên truyền địa đạo của mình ra quốc tế đấy em!

- Có cái gì đâu mà tuyên truyền. Chúng em núp dưới hầm bí mật rồi nhào lên chiếm gốc cao su chứ đâu có chiến đấu cũng đâu phải là từ địa đạo vọt lên gì!

- Ông ấy to xác quá không xuống địa đạo được... nên ổng đang xin hai cán bộ điện ảnh R xuống đây.

- Để làm gì?

- Thì để quay phim về địa đạo chớ để làm gì!

- Địa đạo đâu mà quay?

Thấy đội trưởng bàn luận với tôi, chính trị viên Út Nhỡ và Bảy Bê, Ba Cầm cũng bu lại bàn góp. Các nữ dũng sĩ này đều là người kỳ cựu của đội nữ và là những người tham gia xây dựng "địa đạo" từ sau Đồng Khởi tới nay.

Riêng chánh trị viên Út Nhỡ có thành tích cao nhất. Thành tích này được chứng nhận bằng những cái sẹo ghẻ xốn thâm đen ở tay, cổ và mặt. Mỗi lần xuống địa đạo để sửa chữa những đoạn yếu hoặc phát triển vài thước mới thì khi lên mặt đất chị em phải vội vả nhảy xuống ao tắm rửa, vào nhà lột cả quần áo ra lau thật khô rồi lấy nước vôi pha loãng bôi cho nhau để đề phòng ghẻ xốn nhưng cũng không khỏi. Đây là một thứ nấm mọc trên da thịt, không lây, nhưng rất nhạy. Ai xuống địa đạo cũ đào từ Đồng Khởi, chỉ từ một tiếng đồng hồ trở lên, còn xuống địa đạo mới vài lần thì bị loại ghẻ này.

Và lạ lùng thay nó lại thường mọc ở những chỗ kín. Đàn ông hay đàn bà cũng vậy. Út Nhỡ là người rành sinh hoạt địa đạo nhất, có kinh nghiệm chống và trị ghẻ xốn nhất nhưng cũng là người bị ghẻ xốn tàn phá da thịt nhiều nhất. Chị em đội nữ gọi Út Nhỡ là con lươn bông hoặc Út Bông vì toàn thân cô mang đầy vết sẹo ghẻ xốn. Nghe tôi nói quay phim dưới địa đạo, Út Nhỡ kêu lên:

- Địa đạo đâu còn mà quay hả anh? Ba cái cũ đào từ Đồng Khởi thì sụp hết rồi hoặc bỏ hoang không ai thăm nom nữa. Còn những cái mới đào từ năm ngoái thì cũng không dùng vì sợ B52. Anh hỏi ổng có dám xuống không em phá miệng hầm cho ổng xuống bắt một mớ ghẻ xốn về nuôi.

Cả đội cười rào rào. Sau cuộc thực tập "địa đạo chiến" họ biết đây là trò mị thuật nên không hăng hái công tác nữa, Tư Linh phải tìm cách moi tiền túi của Tám Quang để bồi dưỡng các cô dũng sĩ.

Ngoài thành tích "ghẻ xốn", Út Nhỡ còn có thành tích đứng miệng thí. Như đã nói ở trên kia, miệng thí là một cái lỗ đào sâu chừng hai thước rồi từ đó kéo từng ki đất lên. Mỗi ki nặng đến ba chục kí-lô như ta lôi thùng nước to từ giếng sâu. Út Nhỡ "đứng miệng thí" bền nhất. Nhiều cô chịu đựng độ một, hai tiếng là phồng tay hoặc kêu "cụp xương sống" hoặc đau lưng mà chạy tét. Út Nhỡ nói tiếp:

- Nếu ổng quay được các địa đạo của mình đem ra thế giới triển lãm người xem, người ta cười chết.

Ba Cấm, một nữ dũng sĩ đẹp thứ nhì của đội chỉ kém Bày Mô một tí, nói:

- Coi chừng ổng quay trúng mấy cái cũ có mùi hăng hắc đó anh!

Cả đội lại cười, Ba Cấm tiếp:

- Thường thường mấy ông khách của I hoặc của R hay làm xấu dưới hầm nhất. Vì họ không quen. Ở trên thì không gì cả. Nhưng hễ xuống dưới hầm là họ mắc đi... Hết đi... lại đi... Cho nên khi mấy ổng lên rồi thì chúng em cũng bỏ luôn không dám xuống nữa. Tụi em ớn mấy ông khách I, khách R lắm. Bây giờ nếu mấy ổng đến cũng không còn hầm để trốn nữa chớ đừng nói địa đạo!

Bảy Mô cười:

- Phen này tới khách quốc tế chớ không phải khách I khách R, cho mà ngán!

Bảy Bê người xã Nhuận Đức cũng đã được danh hiệu dũng sĩ, hỏi tôi:

- Anh có chuẩn bị hầm bí mật cho ông ấy không?

- Có chớ!

- Chắc cái nắp bằng nửa bộ ván ổng chui mới lọt!

- Có lẽ tụi anh phải dắt ổng băng rừng chớ không cho ông độn thổ. Ổng không chịu nổi đâu. Rồi ổng đòi xuống địa đạo để uống trà nghỉ ngơi, thậm chí đòi xuống "tầng lầu" thứ ba để xem ca nhạc thì chết!

Bảy Bê giật mình hỏi:

- Ở đâu có tầng thứ ba vậy anh?

Tôi nói:

- Đó là anh nghe ông Tư Linh ổng đẩy cây với nó chứ anh cũng thừa hiểu là làm gì có địa đạo hai ba tầng "lầu". Anh đã đào một đêm thì biết chắc chắn là không có quân ngũ nào đào nổi những hệ thống địa đạo thôn liền thôn xã liền xã hết. Hơn nữa đây là một công tác bí mật! Đâu phải như đào kinh đắp cản mà làm rần rộ được.

- Đúng! Mỗi lần đào tập trung nhiều nhất là mười người. Đào một đêm chừng hai thước là hộc máu ra rồi. Hai ấp trong xã em phối hợp một tháng chỉ đào được ngót chục ngoài thước! Rồi cũng bỏ luôn. (Ai thử chịu khó tính xem một trăm cây số địa đạo đào mất bao nhiêu giờ công!)

Tôi hỏi:

- Không có đào tầng hai hả cô?

- Có chớ. Vài nơi có đào tầng hai nhưng đào sơ sịa rồi bỏ nửa chừng. Còn tầng ba thì ai đào cho nổi?

- Tầng hai để làm gì?

- Đề phòng khi bị khui tầng một thì mình chui xuống tầng hai đậy nắp lại. Chúng nó có quăng lựu đạn miễng lựu đạn cay hay hơi độc mình vẫn an toàn. Nhưng nói vậy thôi chớ chưa có thực hiện được. Vì mấy trận B52 ở Hố Bò, Bời Lời. Đất cứng vậy mà bom nổ thành bùn hết, hầm hố nào chịu nổi? Cho nên dẹp chương trình tầng hai. Và ngưng luôn toàn bộ chương trình địa đạo.

Tôi nhớ lúc trước cô xã đội phó có cho tôi xuống một địa đạo bỏ hoang chừng một năm. Tôi bạo gan xuống thử cho biết mùi. Cảm giác đầu tiên là thiếu không khí. Hai lá phổi hơi nhức nhức. Da thịt như bị xát muối nhè nhẹ. Tôi bật diêm quẹt nhưng không cháy vì thiếu dưỡng khí. Tôi bèn bấm đèn pin. Lòng hầm hẹp. Nếu đang bò mà người sau muốn qua mặt người trước thì chỉ có một cách: Người trước phải nằm sát xuống cho người sau bò qua lưng (nếu nằm sấp) hoặc qua bụng (nếu nằm ngửa). Như vậy nếu là một nam một nữ thì cái vụ qua mặt này nguy hiểm vô cùng! Và đã xảy ra luôn những vụ bò.

Trước mặt tôi là một manh chiếu cuộn tròn đã lên meo. Tôi thử mở ra thì những sợi lát đã mục bấy rơi lả tả. Bên cạnh là một cái tỉn. Tôi giở nút thì thấy gạo đã mốc xanh. Tất cả chỉ có thế. Tôi trườn tới một khúc thì lòng hầm rẽ sang phải chừng ba thước rồi cụt. Tôi nghĩ: Nếu thế này, rủi giặc đóng quân.vài ngày trên đầu thì có nước chết! Ít ra phải có một cái cuốc sẵn ở đây nếu bí thì có phương tiện trổ lên mặt đất.

Theo cô xã đội phó cho biết thì xã Phú Mỹ Hưng của cô có vài ba địa đạo như thế này nhưng không dùng tới. Hôm nay là dịp tốt để tôi tìm hiểu tình hình địa đạo các xã khác để xem trong tương lai mình sẽ áp dụng nó trong chiến đấu như thế nào?

Tôi hỏi Bây Bê thuộc xã Nhuận Đức:

- Còn cô cai quản bao nhiêu địa đạo?

- Xã em có chừng trăm thước thôi.

Ba Bảnh nói:

- Vậy cũng còn hơn xã Trung Lập em có chừng chục rưỡi thước!

Bảy Mô nói:

- Tất cả các xã gộp lại chỉ bằng Phú Mỹ Hưng và An Nhơn.

Ba Bảnh cãi lại:

- Phú Hoà Đông cũng có nhưng đào gần bót Đường Làng nên không dám chui.

Út Nhỡ thêm vào:

- Xã Phước Vinh Ninh cũng có cả chục thước chớ bỏ sao? Nhưng gần Đồng Dù nên sợ bị gài mìn nên bỏ luôn rồi.

Tôi nhẩm tính thì tất cả độ vài trăm thước. Tôi hỏi lại lần nữa cho chắc tay:

- Đó là tính cả hồi Đồng Khởi tới bây giờ hay chỉ kể địa đạo mới?

Bảy Mô không đáp thẳng mà có ý phân trần về công tác địa đạo.

- Đào địa đạo khó khăn phiền phức lắm anh ơi. Nhưng xuống địa đạo lại càng phiền phức hơn. Anh thử tưởng tượng trời mưa mà xuống địa đạo thì làm sao khoả mất dấu chân trên mặt đất? Một trăm thứ khó khăn, bất tiện không tả nổi đâu. Nhưng những người nghe nói địa đạo thì cứ tưởng đó là cảnh sống thần tiên và an toàn dưới mặt đất. Sự thực cho đến bây giờ chúng em ngán địa đạo như cơm nếp mắc mưa. Em có thể nói chẳng còn ai dám xuống địa đạo và muốn đào địa đạo nữa. Anh nói với anh Tư đừng có tô vẽ như thế, ông ấy về bển tuyên truyền rồi người ta đến xem rần rần chỗ đâu mình chứa? Và có địa đạo địa điếc gì để mà khoe? Nói láo một lần thì xuôi, nhưng nhiều lần chắc là mắc nghẻn.

- Ông Tư Linh đẩy cây với nó chớ anh biết làm gì có tầng hai, tầng ba. Ổng còn phịa là có đám cưới làm dưới địa đạo luôn, và một tiểu đoàn có thể ăn hút cả tháng dưới đó khoẻ re...

- Khoẻ rẻ như bò kéo xe vậy đó anh!

Cả đội lại cười. Không khí vui tươi chỉ tạm thời. Cái lo âu của chúng tôi là bị chụp bất ngờ. Mà dám lắm! Ở vùng này nói là giải phóng nhưng các bến đò bến tàu dọc bờ sông Sài gòn là cửa ngỏ ra vào của gián điệp ngụy trang dưới mọi hình thức con buôn, công tác viên, thường dân v..v... Ngoài ra còn có nhiều cán bộ, thậm chí cả Thượng úy, dắt bồ bịt đi chiêu hồi. Do đó chúng tôi phải dời chỗ ở của Bọ Chét luôn. Chỉ trong vòng năm phút trực thăng tới và Bộ binh nhảy trên đầu không có đường chạy. Nhiều cuộc họp xã ủy, huyện ủy bị chụp nguyên con không thoát một mống.

Mỗi lần dời Tổng hành dinh là vất vả. Đồ tế nhuyễn của Bọ Chét trong đó có cái "đế cối 81" phải mang vác hoặc chất lên xe bò ì ạch chở đi trong đêm. Nghe một tiếng chó sủa cũng tật mình, tưởng nó đánh được hơi kẻ lạ mặt bất lương đi đêm.

Một hôm, chúng tôi đạo diễn quay chợ "An Nhơn giải phóng trù phú". Cái chợ còn chút ít sinh hoạt nhưng người người đều nhớn nhác, hối hả. Người dân trong vùng coi đây như một cái bẫy lớn. Cho nên ai đến mua bán gì cũng làm thật nhanh rồi chạy tránh. Tư Linh liên lạc với xã ủy An Nhơn huy động nhân dân đi chợ để quay phim. Không có nhiều người hưởng ứng ngoài vài ba chục mạng gồm có chủ tiệm và khách hàng tới mua đồ bị du kích giữ lại và bị thu hình. Khi nhìn thấy ông Liên Xô ôm máy chĩa ống kính vào họ thì họ che mặt hoặc bỏ chạy vì họ không biết việc ấy có quan hệ gì đến đời sống sau này của họ không? (Chả là người nào cũng sống cuộc sống chùm gởi ở đây cả.)

Ông Liên Xô lấy làm thích thú cái quán nước đá bào của cô xẩm lai (chủ cuốn sách Buồn Nôn). Ông ta bảo năm bảy đứa con nít đến mua nước đá (do ông trả tiền) rồi ông quay lia lịa. Sinh hoạt khu giải phóng thiệt là vui tươi và sầm uất được trôgn thấy ở những nụ cười trẻ con uống nước đá khỏi trả xu nào.

Dù sao cái chợ giải phóng này đến năm nay (1965) chưa lọt vào tay Mỹ Ngụy cũng đã là một hãnh diện của Mặt Trận Giải Phóng rồi. Nhờ nó mà Mặt Trận rêu rao giải phóng 4/5 dân số và 3/4 đất đai Miền Nam. Và nhà báo trứ danh Bọ Chét đang cố gắng chứng minh bằng phim ảnh cho thế giới tin rằng Mặt Trận không có nói láo đâu đấy!

Chiều tối hôm đó, để tự thết mình về cái thành tích ấy, nhà đạo diễn Tư Linh lôi tôi ra quán bà Bầu (hình như cái bầu là của tác giả Bảy Huyền cũng là dân nhà pháo của tôi ở Bắc về). Hai đứa vừa ngồi xong, tôi hỏi ngay vụ săn gái... hôm nọ.

Tư Linh làm thinh. Má cóp, mắt trũng sâu, răng vều hẳn ra, tóc tai như ổ quạ. Tôi thấy gương mặt Tư Linh mà tôi nghiệp. Tôi buông trỏng một câu cộc lốc.

- Không kết quả à?

Bà quán không còn món gì ngoài mấy thỏi khô. Bà nướng sau bếp mà mùi thơm phất ra tới bàn chúng tôi ngồi làm chảy nước miếng. Tư Linh bảo thằng Lẹ cận vệ lấy nửa chai anít uống còn lại lần trước. Hai đứa nhâm nhi một chập, Tư Linh mới nói:

- Tao, chú Tư Thiên và Út Cường đến gặp bà má. Trên đường đi ba người bàn luận cách vô đề và ai là người mở miệng trước. Thiệt là khó ăn nói quá chừng. Chú Tư đùn cho Út Cường, Út Cường gật cho tao, tao lại đổ qua cho chú Tư. Cả tao và Út Cường đùn cho chú Tư. Nhưng chú nhứt định đến cho có mặt, nhưng không nói vô câu nào. Chú bảo:"Nếu con gái tôi lâm vào cảnh đó thì tôi sẽ trả lời sao? Các chú chưa có con lớn nên không hiểu bụng cha mẹ. Và thử hỏi thằng chồng nó ở đơn vị mà biết được chuyện này thì nó nghĩ sao?". Tao và Út Cường bị chiếu bí.

Tôi hỏi:

- Thế là thất bại à?

- Cuối cùng rồi cũng có kết quả. Út Cường là chú của con nhỏ nên nói năng mạnh dạn với nó:" Ở ngoài thành có nhiều người vợ lính, vợ sĩ quan đi làm đĩ nuôi chồng, chồng biết mà cứ để như vậy thì sao? Đó là vấn đề xã hội. Đây cũng là vấn đề xã hội nhưng trên hết là vấn đề chính trị, nghĩa là cháu phục vụ công tác cách mạng chớ đâu phải làm việc hèn hạ như tụi vợ con lính ngụy kia. Mặt Trận Giải Phóng sẽ ghi công cháu. Cháu nên nhớ rằng đồng chí ta vui vẻ, ra quốc tế nói tốt cho mình thì kể như mình không đánh mà tiêu diệt cả sư đoàn giặc. Như vậy công của cháu to lớn biết bao nhiêu. Hồi kháng chiến chống Pháp có nhiều cô gái còn trinh, ban địch vận của mình đưa vào đồn để ngủ với tên đồn trưởng Pháp và giữ hắn trên giường cho quân ta tấn công. Mỹ nhân kế thành công rất lớn!" - Tư Linh nhai ngấu nghiến một miếng khô, nhấp rượu nói tiếp - May quá, con bé không nói ngược lại:" Đó là công tác địch vận, còn ông nhà báo này đâu có phải là Tây mà phải đị..ịch vận." Đ.m. đây đúng là công tác đ... vận.

Tư Linh thở dài, uống, ăn và ngã ngữa ra thành ghế nhắm tít mắt. Hồi lâu y nói như trong mơ:

- Con nhỏ khóc dữ quá mày ạ! Nó ở trong cái thế cùng. Mẹ già, con dại, chồng biệt tích. Làm gì để nuôi mẹ nuôi con? Hai trăm đồng tiền công may cho Quân Nhu không đủ nhét kẽ răng. Tao chỉ hứa với nó có một câu:"Chú về sẽ đề nghị ở trên giúp đỡ tài chánh cho cháu!"

Tôi nói:

- Sao mày không bảo Sáu Huỳnh bắt vài con điếm kha khá đem vô đây nạp thịt.

- Tao có nghĩ tới đó rồi, nhưng có nhiều cái bất tiện. Một là đem tụi nó vô đây bác sĩ phải khám. Phải qua tới Bưng Còng bên kia sông Sài gòn rước Tám Lê nhưng ổng đâu có phương tiện xét nghiệm. Khám ba sồn ba sựt nó mó vô "hang rắn hổ", về bển, nó quạu nó nói bậy bạ thì hại to. Hai là nó không chịu xài "chứng minh thư". Nó nói nó muốn có cảm giác hoàn toàn Việt Nam. Hơn nữa, tuị này vô thì lộ bí mật địa điểm. Rồi về ngoài thành chúng nói toáng ra bể hết!

- Vậy con Bốn thì sao?

- Nó là dân của mình, gốc Bàu Trâu, tao cho cấy ngoài đó.

Chúng tôi phải di động luôn. Không nơi nào ở đến hai ngày. Có lần vừa đi khỏi Gót Chàng luồn sang Nhuận Đức thì nó chụp Gót Chàng chớp nhoáng. Một lần khác ở Phú Hoà sắp di chuyển thì pháo Trung Hoà bắn ngay chóc. Chúng tôi sợ chụp dù nên dồn hắn xuống hầm bí mật. Cũng may Tư Linh đã cho đào hầm sẵn và gắn nắp hầm ngoại cỡ dành riêng cho hắn. Pháo vừa dứt thì cận vệ dồn hắn xuống hầm. Hắn ngộp quá trồi lên và đòi xuống "tầng lầu ba" nhưng Tư Linh ấn cổ hắn và đậy nắp lại. May là bót Trung Hoà chỉ bắn "lót lòng! buổi sáng thôi chứ không dọn nguyên "mơ-nuy chụp". Tư Linh bảo ra hầm khui nắp lôi hắn lên.

Tội nghiệp, khi tuột xuống thì dễ, trồi lên lại khó. Hắn như trái bầu, khúc đầu thì nhỏ, mà khúc đít lại phình ra nên bị mắc ngấn. Mấy cậu cận vệ phải phá nắp hầm để cứu nguy cho hắn. (Nên nhớ hầm bí mật chỉ là một cái lỗ có nắp đậy, không phải là địa đạo).

Hắn bám trụ và chạy lòng vòng các xã vùng tả ngạn sông Saigon non một tháng thì chuẩn bị từ giã. Trong túi hắn đã có đủ tài liệu để nói với thế giới về ba vấn đề lớn của Mặt Trận mà vùng trù phú nhất chỉ cách Sàigon có hai chục cây số.

- Đội nữ dũng sĩ diệt Mỹ gồm trên hai mươi người, người nào cũng diệt được mười lăm, hai chục tên Mỹ.

- Địa đạo thần thánh rộng thênh thang dưới lòng đất, thôn liền thôn, xã liền xã.

- Mặt trận giải phóng đã có trong tay 3/4 đất đai và 4/5 dân chúng miền Nam.

Hắn chỉ kém gã giáo sư Mạc Tư Khoa cái mục cắm cờ trên mũi tàu chạy dọc sông Sàigon, nhưng lại vuợt gã kia về điạ đạo chiến và nhiều mục khác.

Rồi lại tiệc tùng cà-phê nước đá chúc mừng bắt tay bắt chân, hứa hẹn v.v... trong buổi tiễn đưa đồng chí Bọ Chét trở về Hà Nội báo cáo thành tích với già Hồ.

Ông Tám Quang huy động đội văn nghệ Quân Khu có cả cây đờn "kéo ra kéo vô" kêu như gió rít và mấy cây đờn cò đờn kìm. Hắn vừa uống rượu vừa quay phim. Hắn không quên nhắc khéo Tư Linh rằng hắn cần những đoạn phim địa đạo mà Tư Linh đã hứa. Tư Linh đáp lại rất nhã nhặn và khéo léo không kém nhà ngoại giao nào:

- Rất tiếc là đồng chí đưa yêu cầu lên R hơi trễ nên các cán bộ điện ảnh đã đi xuống đồng bằng sông Cửu Long và ra Khu 6 cả rồi. Nhưng chúng tôi sẽ quay những đoạn phim ấy và sẽ gởi sang cho đồng chí trong thời gian ngắn nhất!

Đến nay đã hai mươi lăm năm chẵn. Hắn đã chết, nhưng những đoạn phim của Tư Linh hứa hẹn vẫn quay chưa xong hoặc không bao giờ thực hiện được, bởi lẽ rất đơn giản là ở Củ Chi không hề đào những địa đạo đó mà chỉ có trên đài Giải Phóng mà thôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx