sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Tống tiển đồng chí Bọ Chét xong, tôi ở lại Củ Chi chờ quyết định của Quân Khu còn Tư Linh thì trở về cơ quan của hắn. Chia tay nhau thật buồn. Chẳng biết có còn gặp lại nhau nữa không. Ở đất Củ Chi này chết như nháy mắt.

Một buổi trưa tôi đang ở nhà Má Hai thì cô xã đội phó đi đâu về dắt theo một ông cao nghệu. Nàng hỏi tôi:

- Anh biết ông này không?

Tôi nhìn gã đàn ông mặc ka-ki vàng, tay chân dài ngoẵng. Gã bước tới tôi vỗ vai:

- Thầy Hai, thầy còn nhớ tôi không? - Rồi không đợi tôi đáp, gã tiếp ngay - Thầy còn nhớ bữa nhậu "khăn bàn lông" trước nhà pháo do tụi cao xạ tui đãi thầy Quân đi công tác mới, có mời thầy qua "đón gió vài ly", nhớ không? Tui với thằng Tỷ ở D14 của anh Tư Quảnh đó mà!

Tôi vỗ vỗ trán:

- À, nhớ ra rồi! D14 tiểu đoàn khung cán bộ chúng mình sắp "về nước" khoảng năm 62. Nhưng... đông quá trời. Tôi đến dạy môn tác xạ pháo...

- Phải, thầy dạy từ cấp trung uý đến thượng tá, nên thầy đâu có nhớ hết được. Tôi là Ba Tố nè! Nhớ chưa?

- Ờ, ờ, tôi nhớ ra rồi. Hồi đó chuẩn đi đi B có đến cả ngàn người chia ra làm 2D. 14 và 15 thuộc Nam Bộ do Hai Quảnh, Ba Lê, Năm Đảnh, Năm Đê chỉ huy, còn 2D 16 và 17 thì thuộc Khu 5.

- Thầy có biết thầy Quân và thầy Răng "về nước" rồi mà ở đâu không?

Tôi chưa kịp trả lời thì cô xã đội phó xen vào:

- Sau chú Ba kêu anh Hai bằng thầy vậy? Ảnh nhỏ tuổi hơn chú mà!

- Nhỏ thì nhỏ nhưng vẫn là thầy vì ổng dạy tôi học mà! Hai Giả và Sáu Phấn cũng là học trò của ổng đó. Thầy là vậy chớ không phải là "thầy hít" như người ta thường nói đâu!

- Tèng đéc! Tôi thấy ảnh không có làm le như mấ ông khác.

- Những người có tài không xum xoe cô em ạ. Kẻ bất tài mới thích làm le.

Ba Tố mời tôi lên nhà trên. Vừa ngồi xong, Ba Tố móc túi áo lấy ra tờ giấy trao cho tôi. Tôi giỡ ra thì thấy chữ đánh máy và chữ ký: "Tư Khanh", Chánh ủy U80.

Tôi xếp tờ Quyết Định, đút vô túi gài nút cẩn thận. Ba Tố nói tiếp:

- Tôi nghe ở văn phòng nói là có một Tiểu đoàn trưởng pháo binh từ trên R xuống đây công tác nhưng không biết là ai. Dù ai cũng đáng mừng vì khu mình là đất dụng pháo nhưng lại chưa có cán bộ pháo. Sau cùng tôi đến hỏi anh Tư Khanh. Ảnh cho biết là thầy đã về U mình, tôi mừng hết lớn đi. Có thầy mới mần ăn được. Lâu nay tụi ti không biết làm cái gì nên bị ở trên "xạc" hoài. "Xạc" thì giơ mặt mốc ra chịu chớ rắn không đầu thì làm sao mà bò? Thôi bây giờ mời thầy xuống nhà cô Lụa lai rai ba sợi rồi mình tính chuyện về trên U gặp anh Tư.

Cô xã đội phó nói:

- Bộ ở đây không có hầm cho chú trốn hả?

- Hầm thì nhà nào chẳng có nhưng mà ở đây nhà rộng lại là hàng quán nên ông Tư Thiên hay họp hành và khách khứa ra vào nườm nượp, nói chuyện mất hứng lắm!

Ba Tố dắt tôi trở lại nhà cô Lụa. Nhà cũng vẫn trống hoang bị giao liên dùng làm trạm như hôm tôi mới tới. Lụa nghỉ đốt than, đi làm ở lò đường, nên ở nhà hai đứa tha hồ "mọc đuôi tôm".

Ba Tố lội đi mua gà và rượu. Hai đứa vừa nhậu vừa nhắc chuyện cũ. Nhậu xong hai đứa mắc võng bên miệng hầm nói tiếp. Ba Tố tâm sự:

- Có thầy về pháo nhà mình mới ngóc đầu lên được. Hai Giả và Sáu Phấn không biết tí gì về binh chủng pháo nên tụi này cứ nằm ăn hút và chống sốt rét là hết ngày giờ.

Tôi nói:

- Tôi mà tài cán gì dữ vậy? Để thong thả rồi xem!

- Đất này là đất của pháo phải không thầy?

- Ừ! Khắp miền nam chỉ có I mình là thuận lợi cho sự xử dụng pháo thôi. Nhớ hồi ở miền Tầy, muốn bắn một trái moọc-chê phải vác lục bình đắp bệ. Ở Rừng Sát cũng vậy. Nhưng vấn đề là làm sao đem pháo về đây? Và sau khi đánh làm cách nào để giấu? Nghe nói pháo của Đồng Dù mà tôi ham. Đó là cà-nông 175 ly. Cho tôi năm khẩu, tôi bắn tụi nó khỏi có ngóc đầu lên. Miền Bắc mình chỉ có pháo 152 ly thôi. Cả tụi Sàigòn cũng chỉ có 155 ly chứ không có loại nòng dài 175 ly.

- Sao thầy mới về mà thầy biết hết vậy?

- Nghe tụi nó bắn thì biết chứ sao!

Hôm sau tôi đến từ giã Má Hai và hai em Lụa Là. Cả nhà đều khóc. Bé Rớt cứ ôm chặt cậu Hai hỏi: "Chừng nào cậu Hai trở lại? Chừng nào cậu Hai trở lại?" làm tôi cũng mủi lòng.

Tôi thấy tận trong trái tim bé bỏng của đứa bé gái có một lỗ hổng lớn:Tình Cha. Ba cháu đi công tác chiến trường Bình Long đến nay vẫn chưa có tin tức. Đối với tôi, việc móc gia đìn thôi hãy hẹt lại kỳ khác hoặc kiếp sau.

Tôi đi theo Ba Tố mà lòng ngậm ngùi, tường như ngày mình còn bé mỗi lần đi học cả nhà đưa đón, quyến luyến.

Cây vú sữa bên góc sân bị mảnh bom gọt tróc vỏ còn đứng đó rung từng chiếc lá như vẫy theo tôi.

Ba Tố dắt tôi lội qua sông Sàigòn, đi ba bốn ngày đường mới về tới U80 là căn cứ Pháo Binh của R do đại tá Hai Nhã làm trưởng và đại tá Tư Khanh làm chánh ủy. Hai ông đều là thủ trường cũ của tôi. Hai Nhã tức là Hai Nho khi ở miền Bắc là trung tá Tư lệnh Pháo Binh của Sư Đoàn 330 của Đồng Văn Cống đóng ở Thọ Xuân Thanh Hóa, còn Tư Khanh là trung đoàn trưởng trong chín năm với cái tên khét tiếng Đào Sơn Tây chuyên môn giết "dân một mắt" tức là tín đồ Cao Đài ném thây chật giếng.

Ông là học trò của tôi ở trường pháo Sơn Tây, người Hốc Môn, rất cởi mở hồn nhiên. Thời đó đã là Thượng tá nhưng vẫn gọi tôi bằng thầy.

Sau khi về Sơn Tây đóng quân, ông có phải lòng một cô Việt Kiều Thái Lan bán căng tin tên Trang. Mẹ cô Trang chỉ bằng tuổi ông. Bà cũng biết việc đó nhưng không nói gì. Có lẽ bà cho ông là người độc thân thì việc yêu đương đâu nề hà tuổi tác. Cứ chiều thứ bảy ông đến đèo cô Trang về đơn vị đóng ở Ái Mổ chơi, sáng thứ hai mới trả về. CÔ Trang có bầu. Bà mẹ cũng vẫn không nói gì.

Bỗng một hôm ông không đến nữa. Tôi biết ông đồng chí mình đi đâu, nên tôi đến để tính chuyện phái quấy. Lương hằng tháng của ông được chuyển về cho cô Trang một cách đều đặn. Đến ngày, cô Trang hạ sinh một chàng pháo binh con. Lúc nó oe oe chào đời thì bố nó đang ở cục R, làm chánh ủy Pháo Binh toàn miền.

Ông Tư Khanh là một trong ba người đầu tiên (Tư Khanh, Hai Bứa, Việt Hồng) về Nam gặp Huỳnh Văn Một là dân cựu kháng chiến chống Pháp. Ông Một rút lên rừng Kà Tum sau năm 55, đem theo cả vợ con sống một cuộc đời Phà Ca Sơn Nữ cho đến khi ông Tư Khanh vào bắt liên lạc. Chính đây là căn cứ đầu tiên của R sau này. Khoảng năm 1964 tướng Trần Văn Trà mới vào tới với chức vụ Tư lệnh quân giải phóng Miền Nam được phong đâu ở Hà Nội. Ông Trà (với cấp Trung tướng) đã giao cho Tư Khanh phụ trách chính trị binh chủng pháo binh của R.

Từ Suối Dây ra đường Thống Nhất qua suối Tha La ra đường đá xanh, Ba Tố dắt tôi theo lộ ủi Trần Lệ Xuân vào đụng Xóm Mới. Từ đó vượt qua cầu Cần Đăng (lúc này chưa bị bom đánh sập). Từ cầu Cần Đăng qua một đoạn đường đá đỗ rồi rẽ vào rừng hướng về phía mặt trời lặn qua sóc Chà Ruột, cuối cùng đến suối Nàng Rà. Ba Tố dừng lại nói.

- Đây là ổ của tụi Pháo mình!

Tôi ngó sơ quang cảnh thì cũng giống như "Mã Đà Sơn Cước Anh hùng tận", nhưng ở đây không có núi. Mỗi nơi đi qua Ba Tố đều nói tên. Không giống như ở Trường Sơn đi hết tháng này tới tháng khác mà không biết một địa danh vì giao liên muốn giữ bí mật đường dây.

Hai đứa ngồi lại bờ đá hút thuốc uống nước xả hơi. Ba Tố nói:

- Tối mai bọn tôi sẽ đãi thầy một bữa thịt rừng hơn cả tiệm Tàu Hàng Buồm Hà Nội.

Cuốc bộ một buổi nữa mới đến một căn nhà lụp xụp do một người đàn bà có nước da trắng hơi xanh làm chủ. Bà có một đứa con gái mười tuổi rất xinh. Tôi đoán hai mẹ con không phái là dân vùng sơn cước, cũng không phải dân Miên ở trong Sóc mà tôi thường nghe gọi là "Phum". Tiếng "Phum" rất phổ thông ở vùng này. Chập sau ông chồng đi rẩy về mang một gùi đầy nào lá khoai nào củ khoai. Vừa thấy chúng tôi anh đã bảo vợ nấu nước châm trà. Ba Tố giới thiệu:

- Đây là anh Sáu Ngọc "chủ tịch nông trường của "U" mình, chuyên gia khoai, bí! Hôm nay có khách đặc biệt của "U" mình đó Sáu Ngọc. Anh có món gì bồi dưỡng không?

Anh Sáu Ngọc người nhỏ thó, nước da ngâm đen, tay chân lanh lẹ và nói tiếng lơ lớ pha tiếng Miên như mấy ông thổ địa vùng Kà Tum, Tà Nốt ở biên giới Việt Miên. Nghe Ba Tố hỏi, Sáu Ngọc cười chói mấy cái răng vàng:

- Muốn cay có cay, muốn ngọt có ngọt mà, lo gì anh Ba!

- Ừ cho tẩm gân sơ sơ chút, mai mốt sẽ mời anh Tư ra đây chơi vài bữa.

Sáu Ngọc chạy vào bếp một lát rồi trở ra bảo Ba Tố:

- Hai anh ngồi nhà nghỉ, tôi chạy kiếm ba mớ về làm một bữa!

Rồi anh xách gùi ra đi. Anh ở trần trùi trụi phơi tấm lưng mốc cời và cặp chân như hai que củi. Có lẽ anh sanh ra và lớn lên trong vùng biên giới nên người ta tưởng anh là người Miên. Anh nói tiếng Miên cũng khá sỏi, phong tục tập quán người Miên anh rất rành nên ở trên giao cho anh chức thổ địa vùng này, nghĩa là muốn tìm hiểu hoặc muốn làm gì mọi người đều xin ý kiến của Sáu Ngọc.

Trên thực địa đây là hai con sông bề mặt rộng ngót một trăm thước chớ không phải nhỏ. Bên kia rạch có đường đá chạy đi Kompongtrạch. Ở đây có nhiều đồn Miên đóng chốt ngăn ngừa sự xâm nhập của Việt Cộng, nhưng sự thực tụi lính này chúng thiết gì đến nhiệm vụ. Chúng như một lũ người ngây ngô: ở trong đồn đứa thì cởi trần, đứa thì mặc áo lính lại vận xà rông. Sáu Ngọc chỉ cần ném vài chai rượu lên bờ cho chúng là đi qua ngay. Máy móc, vũ khí, lương thực bất cứ thứ gì đều cho qua lọt tuốt nếu chủ ghe biết đấm mõm bọn này. Ta không thể trách chúng vì chính lãnh tụ của chúng cũng khờ khạo như chúng vậy: chúng đã để cho bọn cáo già Hà Nội "mượn đất để giải phóng miền Nam" và cuối cùng quay lại "giải phóng" luôn chúng nó.

Nhờ sự khờ khạo đó mà Cục Hậu Cần đã chở được cả một xưởng may da từ Nam Vang về đây. Các dụng cụ như máy cưa, máy tiện các loại dụng cụ y tế mua từ Sài òn đưa lọt vào R cũng qua cái cửa ngỏ này. Cuối cùng nhờ sự lưu thông dễ dàng trên các con sông này nên Xóm Giữa (tại Tapanlg Som - ở giữa trường Bộ Binh Trung Sơ và trường pháo binh của tôi) dần dần mang tên mới "Chợ Long Hoa B của tỉnh Tây Ninh". Thấy hốt bạc dễ dàng, con buôn trong vùng cũng mon men tới với những ghe xuồng chất đầy ứ hàng hóa. Xóm Giữa bán đủ cả không thiếu món gì, cà phê, nước đá, hủ tiếu xào, la de nước. ngọt, thuốc Cotab... chỉ thiếu đèn điện nữa thôi! Thật, ở giữa rừng xanh mà được như vậy là cõi tiên!

Sáu Ngọc đi vài tiếng đồng hồ thì trở về với một gùi nặng sau lưng. Cố nhiên là đồ xa xí phẩm của Cao Miên. Ngoài ra còn thịt heo, thịt bò. Sáu Ngọc nói với Ba Tố:

- Bữa nay tôi đãi anh Ba với Thủ Trường tôi một bữa.

Ba Tố hỏi:

- Thủ Trưởng nào’?

- Là Đại úy đây nè!

- Tại sao anh biết thầy Hai là thủ trưởng của anh?

- Dạ mấy bữa rày người ở trong văn phòng ra đây gùi khoai về, cho biết anh Tư đã bổ nhiệm anh Hai làm Tham Mưu trưởng trường pháo binh mình, như vậy trại sản xuất này cũng nằm dưới quyền chỉ huy của anh l.lai.

Ba Tố gật gù:

- Anh Tư sáng suốt hết sức. Ban chỉ huy trường cũng tính xin thầy Hai về giữ chức vụ đó, chẳng ngờ ổng đã biết trước Vậy thì thầy Hai cứ ở đây chờ quyết định mới rồi đến làm việc ở trường pháo luôn không phải lội đi đâu cho mệt!

Quả thật, vài hôm sau liên lạc đem Quyết Định mới ra cho tôi. Và tôi về trường bắt đầu làm việc với chức tham mưu trưởng của trường pháo binh toàn Miền Nam. Trường này được tổ chức theo cấp số và biên chế tiểu đoàn. Chỉ huy trưởng là Ba Thịnh cấp bậc đại úy, từng là tiểu đoàn trưởng pháo binh thuộc Sư Đoàn 330 của đại tá Đồng Văn Cống. Ba Thịnh lại là dân Nhà Bè cùng quê với tôi và có họ hàng với tôi đâu từ đời bà cố ngoại. Lâu nay đã có hai, ba tham mưu trưởng về làm việc nhưng ông chẳng ưng ý vị nào, nên chỉ sau vài tháng là ông gởi trả về.

Chính trị viên của trường là Tư Ân, người Giồng Trôm, thuộc tỉnh Bến Tre, về Nam năm 1961, có trình độ văn hoá, có bản lĩnh trong công tác chính trị và hiểu biết văn nghệ, trái hẳn với Ba Thịnh là dân lớp nghèo thành thị, cha đánh xe ngựa ở chợ Phú Xuân. Nhờ có thành phần cơ bản nên trong cải cách ruộng đất được đề bạt từ trung đội trưởng lên tiểu đoàn trường không qua cấp đại đội. Ba Thịnh mở miệng ra là kên "lập trường", mạt sát dân tiểu tư sản nên thường hay đụng chạm với ông tiểu tư sản Tư Ân. Tuy có học, có bản lĩnh có kiến thức chung hơn hẳn Ba Thịnh, nhưng Tư Ân vẫn bị lép vế, vì Ba Thịnh có chỗ dựa là ông Tư Khanh. Thịnh về Nam cùng với ông Tư Khanh.

Tôi đến đây rất kịp thời. Tôi là kẻ điều hòa sự xung đột giữa hai người. Tôi cùng cấp bậc với họ, kiến thức chẳng kém họ, riêng về pháo thì tôi từng dạy Ba Thịnh. Ba Thịnh chỉ biết có đơn thuần khoa cao xạ phòng không, pháo mặt đất và khoa huấn luyện, còn thiết kế xa bàn thì chưa từng làm, hoặc không biết một tí gì. Do đó cá hai đều nể tôi. Tôi bắt đầu đi khảo sát lại khu vực suối Nàng Rà và đưa ra một đề án xây dựng trường và trực tiếp điều khiển chương trình này. Tôi chia trường ra làm ba phân khoa: pháo DK, Cối và Phòng không. Về biên chế nhà trường thì gồm các bộ phận: Đoàn Bộ (tức văn phòng), các đội Bảo vệ, Liên lạc, Hậu cần. Bộ y tế có một quân y sĩ. Mỗi khoa tổ chức một bếp ăn riêng, lò đúc theo kiểu Hoàng Cầm ngoài Bắc. Ngoài ra còn một đội xẻ gỗ chuyên môn đi đốn cây về cất nhà cửa và hội trường, một hội trường có đến sáu trăm chỗ ngồi, cái bục cao đắp bằng đất cho giảng viên rất uy nghi.

Nhưng nhìn lại thì trong lưng ông giảng viên không có một thứ học cụ nào ngoài bộ số tổng hợp bỏ trong xắc-cốt mang từ Bắc về đây. Tôi đã dạy khóa đầu tiên vào tháng 5 năm 64. Khóa này gồm có trên ba trăm học viên đến từ các tỉnh miền Trung, miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra có cả học viên vào từ khu 6. Chuyện đào tạo sĩ quan pháo binh rất dài dòng và phải đi vào chuyên môn của binh chủng pháo, xin tạm gác ở đây, chờ một dịp khác tôi sẽ kể tiếp.

Một hôm tôi đến nhà Sáu Ngọc. Thấy anh tích cực lo rẩy bái cho nhà trường lại bắt vợ đôi khi phải tiếp nấu cơm nấu nước cho Ban chỉ huy nhà trường, tôi cho anh ta đặc ân là được tự do vừa sản xuất vừa lo cho gia đình, không phải theo giờ giấc của trường. Bé Ngà, con gái của anh chị trên mười tuổi mà không được học hành, tối ngày chứ cặm cụi ngoài rẩy với ba hoặc lui cui trong bếp với má. Tôi đến lần nào cũng viết bài cho bé học và tập cho bé hát nên bé rất mến tôi như bé Rớt. Một hôm trong lúc ngồi uống trà, Sáu Ngọc bỗng nhiên hỏi tôi:

- Thủ trưởng không nhớ tôi à?

- Anh là ai?

- Hồi đánhxe ở Là Ngà đó... Anh Ba Tô Ký chỉ huy!

- Anh Tám Nghệ mới là chỉ huy trưởng.

- Tôi giữ kho chiến lợi phẩm chớ ai! Trận đó mình lấy đồ nhiều quá xá.

- Ờ! ờ! tôi nhớ ra rồi! Lúc rút lui bộ đội mình bị nó truy kích bằng moọc-chê. Tôi chui muốn chết. Nó bắn ngay vô căn cứ mình, chị Ba và chị Tư chui vô hầm tôi ngồi chận ngoài miệng bị miễng văng trúng bả vai. Vết thương còn thẹo đây nè! - Tôi vạch áo cho Sáu Ngọc xem - Nếu không có tôi thì hai chị dính rồi. Anh Ba ảnh khen tôi dữ dội.

- Hồi đó thủ trưởng mới mười lăm tuổi chớ gì.

- Tôi làm mật mả ở văn phòng Trung đoàn.

- Thủ trưởng tới cầm cái giấy của anh Ba bảo tôi xuất kho đường sữa... nhớ không?

- Ổng đang ngủ trưa. Tôi đập ổng dậy bảo ổng ký phiếu. Ổng ký đại. Ra ngoài tôi tha hồ ghi số đường sữa gấp ba, ổng đâu có biết. Đem về lớp uống lớp đổ.

Sáu Ngọc nom sát mặt tôi, hỏi:

- Anh Ba có về trong này chưa?

- Có nhưng đau bao tử, ảnh trở ra ngoài rồi!

Hai người bạn cũ nhìn nhau. Một chốc, Sáu Ngọc nói:

- Hồi chín năm đánh Tây vui hơn bây giờ!

- Phải! Hồi đó ở rừng mà đốt đèn măng sông như chợ Tết, đâu có như bây giờ một đóm lửa cũng không dám nhen.

- Sau Là Ngà thủ trưởng đi đâu, tôi không gặp nữa?

- Tôi xuống miền Tây. Còn anh đi đâu?

- Tôi theo bộ đội Hoàng Thọ.

- Vậy nữa?

- Ông nội đó đánh giặc ẩu quá trời, lính chết như rạ. Tôi mà còn sống được đây là phước tướng.

Câu nói của Sáu Ngọc làm tôi nhớ lại cả một khung trời kháng chiến chống Pháp ở chiến khu 7. Hồi đó lực lượng võ trang rất hùng hậu. Tiểu đoàn 303, tục gọi là bộ đội Hoàng Thọ là một trong những đơn vị làm nổi đình nổi đám nhất thời bây giờ.

Nhưng vì ông chỉ huy này rất kỳ cục cho nên chiến công rực rỡ lại hoá ra tro than và cuối cùng bị Lê Duẫn ra lệnh xử tử ở vùng Cạnh Đền thuộc miền Tây Nam Bộ.

Thuở đó tôi rất mê danh tiếng Hoàng Thọ. Có những giai thoại rất đẹp và lạ lùng về nhà quân sự này. Ông ta không bao giờ mặc áo, quanh năm suốt tháng chỉ có chiếc quần ka-ki, lưng đeo Vicker xề xệ, nói chuyện luôn luôn mở đầu bằng hai tiếng "Địt mẹ!"

Trong chiến đấu, Hoàng Thọ luôn luôn đi đầu, không chịu đào hầm chỉ huy. Nổ súng là xung phong trước. Hoàng Thọ thường cho phục binh sát lộ xe, phía sau lưng mình là sông rạch. Lính phải vượt lên lộ diệt địch: Đường rút lui phía trước mặt, không phải sau lưng. Thụt lùi là chết.

Nhiều trận đánh xong, Hoàng Thọ về có một mình, ngồi ăn cơm tỉnh khô. Bà con đến hỏi: "Lính tráng đâu cả?" Hoàng Thọ đáp: "Còn nằm ngoài trận." Hỏi chừng nào về? Đáp: "Hết về được rồi."

Đồn rằng anh Ba Hoàng Thọ có một trận đánh xe tăng rất lý thú. Hoàng Thọ leo lên cây chờ xe nồi đồng chạy ngang buông tay xuống diệt tên lái, đốt xe chớp nhoáng. Một giai thoại khác: Một hôm Hoàng Thọ vô quán hủ tiếu. Ông chủ quán không biết Hoàng Thọ nên vô tình chê Hoàng Thọ là lưu manh chẳng đánh đá gì, toàn là nghênh ngang phá làng phá xóm. Hoàng Thọ không phản ứng. Một hôm anh đem quân phục kích ngay trước cửa quán. Rồi bắt trói chủ quán, bỏ giữa đường. Đoàn xe nhà binh chạy tới thấy chướng ngại vật bèn dừng lại, bị bộ đội quét sạch. Dọn dẹp trận địa xong, Hoàng Thọ tới cởi trói cho chủ quán và hỏi: "Hoàng Thọ đánh đá coi có được không?" Chủ quán thụp lạy, dập đầu như chày giả tỏi.

Tính anh ngang ngược, bất phục tùng cuốc xuổng, coi cấp trên như pha, lại có tính khuấy phá phụ nữ. Một hôm ban chấp hành phụ nữ tỉnh Thủ Dầu Một họp, Hoàng Thọ mặc xì líp đeo súng ngắn ngất ngưởng đi vào. Mấy bà Phụ Nữ cứu Quốc hoảng hồn chạy tán loạn. Ngoài ra, Hoàng Thọ lại đặc biệt ghét đảng phái, không riêng gì đảng Cộng Sản. Để chấn chỉnh lại bộ đội và con người anh, ở trên bèn đưa xuống đơn vị một phụ nữ trẻ đẹp tên Lan để làm chính trị viên. Hoàng Thọ yêu người phụ nữ này và lấy làm vợ. Nhờ vậy tâm tính của anh có cải thiện ít nhiều, đặc biệt anh không còn trêu chọc phụ nữ kiểu trên nữa. Nhưng rủi thay, trong một buổi chiều đẹp, Hoàng Thọ cùng vợ với bác sĩ Du chèo xuống chơi trên sông Vàm Cỏ Đông thì bị tàu phục kích. Hai người đàn ông nhảy xuống sông còn chị Lan bị trúng đạn chết.

Hoàng Thọ nhất định trả thù. Chôn cất vợ xong, anh ra khúc sông thù hận ngăn tất cả xuồng ghe lại và bắt mỗi chiếc đều phải treo cờ đỏ sao vàng. Riêng anh cho lính kéo một lá cờ lớn trên ngọn cây để nhử máy bay. Vài giờ sau, một chiếc L19 đến cắm đầu xuống ria như mưa và bị bộ đội dùng súng máy bắn rớt. Thế là Hoàng Thọ trả được thù.

Hoàng Thọ chỉ nghe lệnh một người: đó là Trung tướng Nguyễn Bình. Khi Nguyễn Bình được gọi về Bắc để làm "Thứ trưởng Quốc phòng" (?) thì ở trong Nam Hoàng Thọ cũng mất chỗ tựa. Chính Lê Duẫn đã hạ lịnh bắt Hoàng Thọ, nhưng không phải dễ! Người ta đã giã mạo một lá thơ của Nguyễn Bình mời Hoàng Thọ đến họp...

Sáu Ngọc nói:

- Ông ấy là một người không hề sợ giặc, nhưng ở trên không chịu được cái tính nghênh ngang của ổng. Sau khi ổng bị "mời đi hội nghị", bộ đội của ổng bị chia ra tứ tán, lớp đi theo kháng chiến, lớp về làm ăn, lớp lại ra thành.

Tôi nói:

- Ông ấy gan thật. Nhưng đánh giặc không phải chỉ lấy gan mà thắng được! Nhất là tình hình này thì cái gan của ông Thọ phải teo mất. Không có thứ gì dùng trong thời chống Pháp mà còn đem ra xài được bây giờ với Mỹ cả.

Sáu Ngọc có vẻ xúc động khi nhớ lại những ngày xưa nên ngồi lặng thinh, chỉ thở dài. Một chập:

- Thủ trưởng không có gặp lại ổng lần nào à?

-...A...a... không!

Có chớ sao không! Nhưng tôi không tiện nói ra.

Năm 1952 tôi học trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn ở miền Tây. Trong một buổi cải thiện sinh hoạt, tôi đi vô rừng hái đọt choại về luộc ăn với mắm ruốc, bất ngờ tôi gặp lại nhà quân sự bị giam lỏng ở đây. Thoạt đầu tôi không biết là ai, nhưng nhờ giọng nói toàn dấu nặng nên tôi nhận ra. Tôi ngưng việc hái rau để hỏi thăm ông. Chính tôi không ngờ ông ra nông nổi này. Má cóp thảm hại, lưng còng và toàn thân ghẻ lở tay chân khẳng khiu đầy sẹo. Một tên tù khổ sai trong kháng chiến. Tôi rút gói thuốc rê mời ông hút. ông vừa nhận thuốc vừa lằm bằm:

- Địt mẹ thằng Duẫn nó lừa ông! Hừ? để coi nó làm gì được ông? Ông chờ anh Ba về tới ngoài Bắc thì nó biết tay ông!

Ít lâu sau, tôi được một người quen cho biết, Hoàng Thọ bị xử tử.

Những chuyện đẹp trong kháng chiến ít khi tôi gợi lại vì mỗi lần gợi thấy buồn. Người xưa cảnh cũ hầu như tan tác hết.

Tôi định uống trà xong thì trở về trường, nhưng vì Sáu Ngọc nhắc chuyện xưa và được biết anh là lính của Hoàng Thọ trong lòng tôi có chút thương cảm ai hoài.

Tôi mắc võng nằm toòng teng và thả hồn trôi về dĩ vãng theo nhịp lắc lư. Cái chòi nhỏ bé của anh như cũng đong đưa theo tâm trí tôi. Tôi ôn lại những tên làng, tên sông, tên rạch, tên chợ búa và những trận đánh khắp hai miền Đông Tây trong kháng chiến.

Bỗng Ba Tố đến làm tôi sực tỉnh. Bây giờ anh là Trưởng ban Quản Trị nhà trường. Anh nói:

- Anh Tư đến thăm nhà trường mình.

Tôi ngồi dậy:

- Đến chưa?

- Đến rồi! Đang nói chuyện với học sinh.

- Vậy để tôi về mới được!

Ba Tố xua tay:

- Đã có Ban chỉ huy đón tiếp rồi, thầy khỏi phải lo.

- Sao ổng không báo trước gì hết trọi.

Tôi sực nhớ đây là ở rừng, không phải ở Hà Nội mà cấp trên đến phải báo trước. Tôi bèn nói trớ.

- Là vì hôm nay tôi giảng bài "Tác xạ pháo 81 trong hoàn cảnh du kích".

Nhưng trong bụng tôi lại đang mang một bầu tâm sự dùm cho "cậu học trò già". Ông đến đây chắc là để gặp tôi hỏi chuyện riêng. Tôi về Nam sau anh hai năm. Chuyện ngoài Bắc tôi biết nhiều... Ba Tố nói.

- Ảnh ra đây bây giờ. Ảnh có vẻ nôn nóng muốn gặp thầy

Xế chiều anh Tư ra tới. Mấy năm xa cách nay gặp lại trông anh già đi nhiều, tóc bạc hầu hết. Anh đưa tay cho tôi bắt:

- Thầy vẫn khỏe chứ? Trông vẫn trẻ như xưa.

- Anh đừng kêu tôi như thế nữa anh Tư.

- Thì đã sao nào? Không thầy đố mày làm nên! Tôi chỉ huy chú về việc khác nhưng về pháo binh chú là thầy của tôi.

Hai người cùng vui vẻ. Ba Thịnh và Tư Ân đi kèm với anh. Ba Thịnh nói:

- Anh Tư đã cho tụi tôi một tham mưu trường đáng giá.

- Tôi biết trường này cần gì mà. Đất I-4 là đất xử dụng pháo thích hợp nhất. Kỳ sau chiêu sinh nên cho I-4 đặc biệt gởi học sinh gấp đôi.

Ba Tố lễ phép thưa:

- Mời anh Tư và ban chỉ huy nhà trường ở đây dùng cơm chiều, tối nay tôi cho học sinh đi săn kiếm thịt rừng đãi anh Tư một bữa. Anh Tư ở lại dưới này, nghỉ cho khỏe. Về trên đó không khí xấu hơn. Ở đây có suối Nàng Rà nước rất lành nấu trà uống giống như nước giếng ở Ái Mỗ vậy.

Hai tiếng "Ái Mỗ" xa xôi tận ngoài miền Bắc làm anh hơi nhíu mày.

- Bộ chú còn nhớ Ái Mỗ sao?

- Dạ nhớ chớ ở đó có cái cầu bắc ngang sông gì đó rất nên thơ.

Tư Khanh lặng thinh, ra chiều suy nghĩ. Vầng trán anh răn lên. Nhìn anh tôi mới hiểu câu thơ xưa "Sương như búa bổ mòn gốc liễu!" Ở rừng không bịnh hoạn cũng hao mòn sức khỏe. Anh đã ngoài năm mươi rồi. Kháng chiến hai mùa gian lao vất vả không mấy khi được nghỉ ngơi.

Ba Thịnh và Tư Ân đứng ngồi lựng khựng không dám đi đâu sau khi uống trà. Sợ ông chánh ủy phán hỏi điều gì, tôi trả lời bằng sự thật có khi mất uy tín ban chỉ huy chăng? Nhưng tôi biết chuyện anh muốn hỏi không phải là chuyện nhà trường. Ai đi xa gia đình mà không có chút ưu tư.

Ông vào đây, cũng như tôi, có cho người móc. Gia đình ông ở Hốc Môn. Khi ông đi tập kết không mang theo vì tưởng hai năm sẽ về. Con gái lớn của ông ở lại với mẹ rồi lấy một cán bộ cao cấp trong bộ Cải Cách Điền Địa của chính phủ Ngô Đình Diệm. Cha một đường, con một đường, đối kháng nhau. Vợ ông ra khu nhưng vì căn cứ quá bí mật, cảnh vệ không cho vào, nên không gặp được. Ông biết nhưng không dám qua mặt cách mạng đành chịu cảnh biệt ly trong khi mặt cách mặt chỉ hơn gang tấc. Éo le hơn cả vợ chồng Bá Lý Hề thuở xưa. Nhưng vợ chồng Bá Lý Hề thì sum họp sống hạnh phúc với nhau tới chết, còn ở đây dưới thời đại của Mặt trận thì vợ chồng Tư Khanh phân ly vĩnh viễn.

Vợ của nhiều ông kẹ đi tập kết bỏ vợ ở lại Miền Nam vì tin đảng. Trong khi chồng ăn khoai sắn làm cách mạng vô sản miền Bắc thì miền Nam các bà làm "cách mạng tư sản" kiếm tiền bỏ túi no phè chờ chồng về R, đem vô tiếp tế. Kể ra cũng đúng đường lối liên hiệp lắm. Trong số có vợ chồng Thượng tá Bùi Thanh Khiết, Tiến sĩ triết học ở Nga về Nam làm cục phó cục chính trị quân giải phóng (dân Nam Kỳ chuyên môn ôm chân ghế phó cối). Bà Khiết chuyên môn thầu cà phê ở Sàigòn. Khi vô khu, đem cho chồng vài trăm ngàn làm rạng rỡ cho cục chính trị... Cũng như ông Tám Quang, bà mẹ vô thăm có đem theo người đày tớ quạt hầu và cho con tạm tám chục ngàn xài đỡ, vì chưa kịp thu lúa ruộng vậy mà!

Bà vợ Tư Khanh không gặp chồng. Cha không nhắn nhe được đứa con gái đi sai lập trường của cha. Nhưng đó là chuyện may mắn cho cả hai bên, vì ông bố cũng không mấy gì đứng đắn trong vấn đề tình ái. Để tiện xổ bầu tâm sự cho thượng cấp, tôi nháy khéo mấy cái, Ba Thịnh Tư Ân hiểu ý lặn mất. Còn một mình tôi với ông học trò già. Không đợi ông hỏi, tôi nói trước:

- Tôi biết về trong này thế nào cũng gặp anh, nên trước khi đi tôi tranh thủ thời gian đến thăm gia đình cô Trang.

- Chú thấy...

- Cô sinh một đứa con trai. Khi tôi đến đã được hai tháng.

Tôi móc bóp lấy ra một tấm hình đưa cho ông.

- Coi giống anh không?

Tư Khanh cầm tấm hình giơ lên nheo nheo, nước mắt chảy ròng ròng:

- Tôi có thấy đường thấy sá gì đâu!

Ông gọi cậu cần vụ đem xắc-cốt lên, lấy kính mang vào rồi nhướng lên nhướng xuống. Hồi lâu ông nói:

- Đây là thằng con trai út của tôi?

Ông để tấm ảnh xuống bàn, lột kính.

- Tôi đi làm cách mạng đã hai mươi năm, từ thanh xuân chí ư bạch phát, chẳng lẽ có một chút lỗi lầm này mà cách mạng không tha thứ cho tôi sao?

Tôi thấy thương ông già thực sự. Ra Bắc cỡ với ông người ta có vợ con đùm đề. Chiều thứ bảy ai cũng phóng về Hà Nội hú hí với má bầy trẻ. Cái gió bấc mưa phùn Hà Nội đối với dân Nam Kỳ quả vô cùng ác nghiệt. Ông tướng Tô Ký có thuê một cái phòng khá hơn ổ chuột một chút cho bà vợ và mấy đứa con chui rút. Riêng ông Tư Khanh thì ở lại trại hoặc đến căng-tin cô Trang uống rượu với lính rồi về nhà vỗ bụng kêu trời.

Tôi an ủi ông:

- Đâu có chuyện gì lớn lao đâu anh Tư. Anh là người mở đường về Nam trước nhất, chính anh là người tổ chức ra B1, B2, B3 để làm cơ sở cho R bây giờ. Sá gì một chuyện nhỏ mọn ấy? Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng dếnh một bà đáng tuổi con đó có ai bắt tội?

- Ờ chú nói vậy tôi nghe cũng nhẹ lòng! Nhưng mà chú thấy đó, thằng còng làm thằng ngay ăn!

Ông móc trong xắc-cốt ra một chai rượu vàng ánh và một ly con, rót cho tôi một ly đầy.

- Uống một ly cho ấm bụng, tôi nhờ loại rượu sâm ngâm gạc nai vàng này lắm đó thầy Lôi.

Đó là lần cuối cùng ông gọi tôi bằng thầy. Theo lời yêu cầu của tôi.

Ba vị kia trở lại. Cơm chiều được chị Sáu Ngọc dọn lên trên bàn. Không biết anh quơ đâu được cái bàn tròn và bốn chiếc ghế bóng láng này, ắt hẳn của một nhà giàu Miên nào đó.

Ông vừa cầm đũa vừa hỏi tôi:

- Chú có tính xây tổ ấm ở đâu chưa?

- Dạ, tính gì được mà tính anh Tư. Tôi như con chim rày đây mai đó!

- Ừ phải. Anh em Nam Bộ mình ra Bắc không lập gia đình được. Phải chi đứa con gái lớn tôi chưa có chồng thì tôi kêu nó ra...

Ông ngưng lại rồi nói tránh đi

- Vậy hồi ở Hà Nội tôi nghe anh Tô Ký nói như chú sắp làm rể anh Thanh Sơn?

Tôi nói trớ đi:

- Dạ cũng có tính, nhưng kế đó lại được lệnh đi B. Mọi sự đều gác lại. Có muốn làm gì cũng không ổn cả. Lần cuối cùng khi tôi đến nhà người yêu để từ giã, bất ngờ tôi gặp anh Tô Ký và anh Sáu Giàu ở đó.

- Ừ mấy ảnh đến nhà anh Thanh Sơn luôn.

- Dạ, tôi nghe mấy ảnh nói chuyện bất mãn dữ quá anh Tư.

- Nhỏ bất mãn nhỏ, lớn bất mãn lớn chú ơi!

- Tôi đem trà ra cho mấy ảnh uống, tôi nghe chú Sáu Giàu nói: "Xã hội này là xã hội gì chớ không phái xã hội vô sản! " Còn ông bố vợ hụt tôi bảo: "Anh đừng nóng để về Nam đã rồi sẽ tính! "

Tư Khanh nói:

- Anh Sáu Giàu được đồng chí Khơ-rút-sớp mời sang Liên Xô nghỉ mát nhưng Trung ương không cho đi. Ảnh lên xin gặp Bác. Bác cho ngồi ngoài hè chơi ba ngày mới tiếp.

- Có chuyện đó nữa hả anh Tư?

- Có chớ. Bác bảo: "Chú muốn đi Liên Xô thì đi, nhưng vợ con phải để lại đây. Có chịu không? Chịu thì tôi ký giấy cho chú đi liền bây giờ..." Lúc đó có phong trào xét lại. Thượng tá Võ Văn Doãn được đi học triết học bên Mạc Tư Khoa, học xong rồi nín luôn không về, lại còn tuyên bố thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam bên đó nữa.

- Ghê dữ vậy à anh?

- Ghê chớ sao không ghê? Anh Sáu Giàu muốn đi Liên Xô nhưng rốt cuộc ‘không được phép đi. Mà có được phép cũng không dám đi. Những chuyện như vậy tôi biết hết, nhưng về tới đây mới dám nói ra.

- Còn việc anh Tô Ký đi nghỉ mát ở bển cũng vui lắm hả anh Tư?

- Vui gì mà vui! Ảnh với chị Mười Thập được đi "nghỉ nóng" chớ không phải đi nghỉ mát. Qua tới bển rồi, ông đòi về, bà cũng không muốn ở. Cho đi xem nhà máy cũng không ham. Anh Ba về lên nhà gặp tôi kêu tôi vô khui chai rượu Vodka thưởng cho tôi vài ly và hỏi: "Rượu xã hội chủ nghĩa đó có ngon không?" Tôi nói đại, không sợ mất lập trường: "Thua rượu đế nhà mình!" ảnh còn rỉ tai tôi: "ở bên đó nhiều bộ phận trong nhà máy tôi được tham quan có in chữ Made in USA hoặc in Japan anh ạ! Thế là cái nghĩa lý gì?" Tôi đâu có biết cái nghĩa lý gì?

Cơm nước xong tôi về trường cùng với Ba Thịnh và Tư Ân, để anh nghỉ ngơi trong nhà Sáu Ngọc.

Vừa đi ngang qua khoa Cối thì gặp thằng Sâm. Sâm làm trợ lý cho khoa Cối. Hắn là em vợ của Dương Cự Tẩm chánh ủy I/2 (Dương Quốc Sản về làm Tư lệnh đã bị trực thăng bắn chết ở Đồng Tháp Mười) nên được nâng đỡ khá mạnh. Sâm đóng lon trung úy và đi theo đại tá Nhã Tư lệnh Pháo binh ở Mặt trận Bình Giả. Trận này tập trung cả ngàn dân công trong rừng. Gần 1/2 là nữ dân công. Sâm còn trẻ, mặt mày sáng sủa lại mang K54 xề xệ bên hông. Nhờ đó cuỗm được một cô bé. Hai đứa đem nhau vô rừng hát Tình Ca trong một ổ lá tự tạo chẳng ngờ bị bắt quả tang lộ liễu nên không chạy án được. Đại tá Nhã đang điên đầu vì chiến thuật trực thăng của Mỹ, lại gặp vụ dâm ô này, nên nổi nóng hạ một cấp và gởi chàng trung úy về cho ông chánh ủy Tư Khanh. Ông chánh ủy khai trừ khỏi đảng luôn.

Gặp tôi, Sâm thủ thỉ:

- Thủ trướng gặp chánh ủy "U" mình có chuyện gì vui không?

- Chuyện gì mà vui?

- Chuyện vui ngoài Hà Nội ấy mà!

Tôi biết gã Trung úy (nay còn một sao một gạc) móc ông Chánh ủy, nên nói lãng ra, nhưng hắn lại moi sâu:

- Ở trên mà có chuyện nọ chuyện kia thì tổ chức bao che kín mít, còn mình lỡ một chút thì mấy ông xé to ra.

- Chuyện gì mà tổ chức bịt?

Tôi hỏi rấn tới thử xem hắn có biết thật hay không. Hắn nói gọn hơ:

- Chuyện Ái Mổ, toàn thị xã Sơn Tây đều biết mà thủ trưởng!

Thấy không thể che cho được cho đồng chí chánh ủy của mình, tôi bèn đấu dịu:

- Đó là chuyện đã qua, mình nên gác lại.

Thằng Sâm còn ức nên nói thêm:

- Chuyện đã qua nhưng giỡ lại thì y như mới chớ thủ trưởng.

Tôi cười hề hề:

- Chuyện đời nó là như vậy chú em ơi. Chú cượng lý thì càng bị nặng!

Thằng Sâm không dám cãi nữa. Nhưng tôi đoán nó không thỏa mãn về bản kỷ luật dành cho nó. Thiệt ra cũng không đến nỗi nặng như vậy, nhưng vì ông đại tá Nhã lúc đó hơi quạu với Mỹ nên "trăm dâu mới đổ đầu" thằng nhỏ.

Tôi an ủi nó:

- Tao đang là Phó bí thư đảng ủy nhà trường. Tao hiểu mày lắm Sâm ạ. Mày cứ tin tao đi. Một ngày nào tao sẽ đề nghị đảng kết nạp mày trở lại.

Nghe tôi hứa như thế, thằng Sâm có vẻ hài lòng nên không trì chiết nữa.

Về trường làm việc đến chiều thì tôi trở lại nhà Sáu Ngọc để chuyện vãn với anh Tư. Trông nét mặt âu sầu của anh tôi đoán anh có nhiều tâm sự riêng. Ngoài tôi ra, ở đây anh không thể thố lộ với ai.

Dọc đường tôi tạt vào xem cái rẫy của Sáu Ngọc. Nói là rẫy nhưng sự thực thì đó chỉ là vài chục dòng khoai khô đén vì không đủ nước tưới, vài liếp bí đao trái èo uột và vài chục cây cà tomate gầy còm lá quăn queo như đầu tóc mấy bà vợ cán bộ ở thành vô thăm chồng trong khu. Ngoài ra còn mấy liếp thuốc lá.

Sáu Ngọc đang hái lá thuốc xếp vào gùi. Thấy tôi đến, anh giải thích:

- Thuốc này chỉ để dành cho anh Tư.

- Bộ thuốc ngon lắm à?

- Không biết ngon cỡ nào, nhưng anh Ba Thịnh dặn tôi hễ xắc đem phơi khô xong thì dồn vô tỉn nước mắm. Tỉn nước mắm biển mình ăn hết nước cũng phơi cho khô mới dồn thuốc vào Anh Tư mình thích hút loại thuốc đó. Ảnh bảo nó có mùi thuốc Tây và đượm thuốc Gò.

Tôi không hiểu cái duy vật biện chứng gì lạ vậy nhưng tôi tin lời Sáu Ngọc và lấy làm phục anh vì đã biết tính của thủ trưởng mình.

Chiều hôm đó đội săn thú của nhà trưòng xuất phát rất rầm rộ hứa hẹn một bữa ăn tươi thả dàn cho ban chỉ huy và ông chánh ủy Pháo binh.

Tôi ngồi viết bài cho bé Ngà học, còn Sáu Ngọc thì chạy xuồng ra xóm giữa mua nước đá la-ve.

Việc này cũng do trường tổ chức. Nhưng bữa nay có anh Tư đến phải tìm cho được mồi ngon. Họ định bụng sẽ tìm cho được một chú nài tơ để lấy cái lộc nhung ngâm rượu cho anh Tư uống phục sức.

Đêm đó săn được thật nhiều: mễn, cầy, nai. Học sinh phải gánh về cho nhà bếp lột đa treo chung quanh bếp như sấy bằng hơi ấm của lửa nấu cơm.

Đêm sau lại tiếp tục săn. Đến nửa đêm thì tôi nghe tiếng đập cửa. Tôi ngồi bật dậy xẹt đèn pin rọi ra cửa. Ba Tố đứng tần ngần trong khung cửa, mặt mày té lét. Tôi cho đó là vì ánh đèn pin phản chiếu. Tôi hỏi:

- Được nai tơ không?

Ba Tố không đáp. Hai người khiêng vào nhà một cái võng. Tôi kêu lên:

- Nai gì khiêng bằng võng?

Ba Tố như không nghe, nói thinh không:

- Thằng Liêm chột bụng rẽ vào một đường mòn ngồi xuống gốc cây. Thằng Huỳnh Châm đi sau đội đèn đi tới rọi thẳng vào mặt nó, thấy cặp mắt xanh lè tưởng là con mễn, để cho một phát ngay tam tinh. Thằng Liêm ngả ra chết tươi không kịp nói một tiếng.

Ba Tố vừa nói vừa giỡ tấm vải dù cho tôi xem. Vết thương ngỏ ngay giữa trán chỉ bằng mút đũa. Thằng bé quê ở Bến Tre, học sinh miền Nam ra tỉnh vừa học xong trường đào tạo sĩ quan, mang cấu bậc Thiếu úy... không biết con ai?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx