sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9

Đi dạy môn gián xa ở nền đồn Bổ Túc về, tôi thấy cả nhà lạnh tanh, không có mống nào ở trại. Tôi nghĩ là Bùi Khanh tổ trưởng huấn luyệnvà bầy lóc cóc keng đi xuống dưới văn phòng liên hoan hay thả bộ đến mấy chỗ có phụ nữ để rửa mắt.

Trường pháo binh cất trong rừng rất bề thế vì đây là nơi tập trung học sinh các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Họ về đây chịu huấn luyện cách xử dụng pháo và DKZ phần lớn là của Trung Quốc cugn cấp. Tôi là Tổng giảng huấn tức là coi sóc cả ba chương trình huấn luyện cho toàn trường, đồng thời là Tham mưu trưởng của trường. Việc ăn ở thì chia thành khu vực. Mỗi khu vực giành riêng cho một phân khoa, các phân khoa ở cách xa nhau vài cây số. Nhưng có một điều rắc rối triền miên là lẫn trong các cán bộ huấn luyện có những bà vợ của họ. Cán bộ huấn luyện thì toàn Mùa Thu hoặc người Bắc hoặc người Nam chứ không có dân "Mùa Đông".

Người Bắc thì không mang chị răng đen chích khăn mỏ quạ theo được không nói làm chi, còn người Nam thì hễ ông nào có vợ cũng đều móc lên. Sau một thời gian đòi đủ món nợ tình các bà mang quả bầu về quê nhưng có những cặp thì lại đeo dính nhau như sam. Hai vợ chồng xa nhau "hai năm" (!!) đã thất sác hồn kinh bây giờ không chịu rời nhau nửa bước Họ đốn cây chầm lá lợp nhà ở lẫn trong cơ quan. Như Năm Chí, Sáu Kiệt, Ba Tâm... Chị Ba Tâm có nghề y tá nên được nhà trường cho làm ở phòng y tế nhà trường, chị Năm Chí thì lại dắt cả con gái là bé Hà mười hai tuổi lên thăm bố rồi không chịu về. Riêng chị Sáu Việt thì ốm yếu, ngực lép lại không có con cái, ở với chồng đã lâu mà mới có thai. Ba Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường nghi là Phụ Nữ Cộng Hòa của Trần Lệ Xuân (vì nghe đồn rằng hễ ai vô Phụ Nữ Cộng Hòa thì bị chích cho không sanh đẻ được). Tư Ân,Phó Hiệu trưởng cũng có vợ lên thăm nên thông cảm với những người cùng hoàn cảnh. Ông ta bị Ba Thịnh xúi giục đuổi mấy bà về quê nhưng ông lại lừng khừng không cương quyết. Ông không phản đối ra mặt, chỉ nói lén sau lưng: "Nếu đồng chí ấy có vợ ở đây thì sẽ có thái độ khác ngay."

Ngoài các bà này ra còn nhiều cô thiếu nữ ở đồng bằng được đưa lên đây để làm cách mạng, công tác của các cô là tải gạo, nấu cơm và làm những việc lặt vặt khác. Nhiều cô thấy không có tương lai gì nên đòi về, thì nhà trường dọa:

- Các cô bất mãn sẽ bị đưa ra Bình Long Phước Long tải đạn hoặc ra Mã Đà sốt rét sình bụng cho mà đòi về!

Thế là các cô đều im lặng, tự nguyện phục vụ cách mạng mút mùa! Ở đâu có phụ nữ là có vấn đề. Ông trời sanh ra loài người có đực có cái cho nên nhân loại đâu đâu cũng nảy nở và tồn tại đến ngày nay, không loại trừ cái trường pháo binh này.

Tôi đi xuống suối tắm rửa xong định trở lên ăn cơm rồi đi "dạo Bờ Hồ" một chập trước khi ngủ. Nhưng vừa vào nhà bếp thì gặp cô Tiến đang lui cui ở đó. Tiến là tên cách mạng đặt cho để luôn luôn nhắc nhở cô em luôn luôn cầu tiến còn tên thật là Hường. Sau một thời gian cải.tên, Tiến thấy cái tên cách mạng không hay gì hơn tên cha mẹ đặt nên muốn dùng trở lại tên cũ, nhưng cơ quan bảo đi vào cách mạng không ai dùng những tên lạc hậu như Hường, Hoa, Cúc, Mai.v..v.... Tiến thấy khó bề thay đổi, vì lý lịch đã ghi như vậy rồi. Mặc dù Tiến biết là có một lô con các ông lớn ở Sài gòn mới vô ở trong cơ quan mang tên còn "lạc hậu" hơn tên Hường nữa, ví dụ như Ánh Tuyết, Trúc Mai v..v... nhưng ban tổ chức đâu có dám động tới. Tiến được giao cho công tác "nuôi quân" một công tác cách mạng hàng đầu nói nôm na ra là nấu cơm. Tiến không phấn khởi nhưng ở trên hứa sẽ cho cô đi học y tá sau một thời gian thử thách. Thế là Tiến cố gắng nấu cơm để được đi học y tá.

Nàng hỏi tôi.

- Anh chưa ăn cơm à?

- Chưa!

- Sao trễ vậy?

Tôi cười đáp.

- Tôi luôn luôn trễ mà! Thức dậy trễ, tập thể dục trễ, trễ trong mọi việc khác nữa.

Tiến biết ý tôi nên bắt mối ngay:

- Anh đâu có trễ.

Tiến nhìn tôi với vẻ mặt âu sầu rồi dọn cơm cho tôi ăn. Cơm nguội và mấy hột đậu phộng chấy mỡ. Tiến bắt chảo lên rán lại:

- Anh ăn đi. Bữa nay ăn cực. Chờ tối nay ban cải thiện bắn mễn về sẽ có chất tươi.

Ngồi nhìn tôi ăn một lát rồi Tiến hỏi:

- Anh ở Củ Chi khỏe quá sao không ở đó luôn, về chi trên này?

- Do yêu cầu công tác mình đâu có quyết định được em.

-Ở dưới đó thiếu gì nữ anh hùng dũng sĩ, tệ lắm cũng thanh nữ xung phong, sao anh không lập gia đình. Về trên này miết rồi làm sao?

Tôi biết Tiến có một nỗi niềm riêng về hôn nhân giữa nàng và một thượng úy già trong cơ quan. Tiến muốn vùng vẫy cho đứt ra nhưng lỡ hứa trước ban tổ chức rồi, không làm sao được. Tiến lại đặc biệt có cảm tình với tôi. Khổ thế. Có thể nói ở cái trường gần cả ngàn con người ta và trên hai chục thanh nữ phục vụ này, tôi là anh cán mùa Thu trẻ nhất lại có chức vụ cao nhất. Con gái trong Nam mơ Mùa Thu dữ lắm nhưng mùa Thu trẻ cơ, còn loại mùa Thu hai thứ tóc thì vài cô hốp tốp quơ rồi ân hận, nên bây giờ loại mùa Thu này dù còn son giá cũng bị các cô nghi ngờ "con vòng con cởi" (là nói theo chăn trâu, tức là có hai vợ, nên không còn hấp dẫn nữa mặc dù mấy sao mấy gạt cũng không ăn thua). Tiến quơ nhằm ông già mùa Thu. Thấy trong đám học sinh và cán bộ có nhiều ông trẻ, Tiến đau ngầm. Ban đầu thì nói úp mỡ, nhưng bây giờ thì không giấu giếm nữa.

Tiến thở dài:

- Em dại quá anh à!

Tôi biết Tiến muốn thổ lộ tâm sự nên ngồi im, cố lua cho hết mớ cơm để đi tránh, nhưng cô bé đã nói ngay như tôi đã đồng tình:

- Em mới có hứa thôi! Đâu ăn thua gì.

- Nhưng em hứa trước mặt ông Năm Kiên là ban tổ chức.

- Nhưng chưa cưới hỏi mà?

- Khó lắm em ạ!

- Anh ở trong hiệu ủy, anh không giúp được em sao?

- Anh không lo về các vụ nội bộ.

Tiến hơi hờn nhưng cố bắt tôi phải nghe. Nàng nói tiếp:

- Cá ngon người ta chặn bắt ở Mã Đà hết rồi, sao còn một con lọt về đây cho em khổ.

Tôi biết là nàng nói dân mùa Thu về tới Mã Đà là bị các cô ở các cơ quan vùng đó "bắt" hết, tại sao tôi lại lọt về đây? Nàng không biết chính tôi cũng bị "bắt" ở vùng Tam Biên rồi. Tôi đã yêu Thu Hà người cùng quê, quen nhau từ thuở nhỏ. Gặp và yêu nhau như tia sét ngang trời! Tôi nói ngay với giọng đạo đức thứ thiệt:

- Đi làm cách mạng không phải để kiếm vợ kiếm chồng em ạ. Nhưng nếu có gặp nhau rồi yêu nhau là để phục vụ cách mạng chớ không phải để hưởng hạnh phúc cá nhân. Em hứa hôn với đồng chí Quân là để cùng nhau tiến trên đường cách mạng. Em biết đó, Hồ chủ tịch có bao giờ lập gia đình đâu! Đồng chí Quân là người tốt, tư tưởng đạo đức đều cao, đến tuổi đó chưa lập gia đình mà không có vấn đề lem nhem...

- Em biết rồi, nhưng nay mai em với "bác" về quê thì em nói làm sao?

- Thì nói là chồng chớ nói làm sao?

- Rồi "ổng" gọi ba má em bằng gì?

- Thì gọi bằng ba má chớ bằng gì?

- Ổng coi còn đứng tuổi hơn ba em!

- Nhưng ba em đâu có thể gắn lon thượng úy vinh quang như ổng.

- Lấy chồng là để lấy chồng chớ ăn thua gì ba cái lon gáo.

- Ý, em đừng nói vậy, trong cách mạng người ta chỉ đánh giá con người bằng lon gáo!

- Xí, bảo như anh vậy thì thôi em không nói nữa!

- Thì anh còn biết nói gì hở em?

- Anh bảo em cứ phải giữ lời hứa à? Em đâu có muốn hứa nhưng tại bác Năm Kiên cứ hội ý với em hoài. Bác rún ép đủ kiểu nên em mới hứa. Em nói thật, nếu cứ thế này, em xin đổi công tác sang cơ quan khác. Chị Huê cũng tính như em.

- Thiệt à?

- Thiệt chớ sao không? Chị nói ông Tỷ cũng đầu bạc hết trơn rồi. Đi gần người ta tưởng tía chỉ!

- Tụi bây ngu cả đám. Ai biểu hấp tấp bây giờ sụt cà lùi không được?

- Sao không? Hứa thì hứa chứ đâu có gì. Cấp trên cũng hứa nọ kia rồi không làm gì hết, có ai bắt bẻ cấp trên không?

- Con nhỏ Huê ở Củ Chi hả?

- Dạ ở An Nhơn Tây.

- Bộ hết chỗ rồi nên chui lên rừng. Sao không ở dưới đồng bằng công tác có phải dễ thở không? Vì ham đón gió mùa Thu nên bây giờ mới mắc gió cả đám. Thôi được rồi, để đó bữa nào họp đảng ủy, anh sẽ nêu vấn đề coi họ nói sao. Không khéo họ bảo anh ganh muốn dành giật tụi em cho coi.

Tiến càng nói giọng hờn tủi.

- Anh đâu có thèm tụi nấu bếp như em và chị Huê. Anh có cô Lan y tá bên K71 mà, em biết.

- Nói bậy cho anh bị dư luận đi! Cô Lan chỉ chích cho anh có một mũi kí-ninh mà bị áp-xe đi cà xệ cả tháng chớ có gì mà bây đồn?

- Xí em biết hết trơn mà.

- Biết gì?

- Biết ông Minh y sĩ theo sát chỉ cả năm.

- Thì để cho nó theo chứ ăn thua gì anh?

- Thằng chả lùn, đứng thấp hơn cô ta, cổ đời nào chịu. Cổ là dân Sàigòn. còn ông Minh là y sĩ nhảy rào chớ đâu có bằng cấp gì, cổ dễ gì ưng loại người như vậy. Em nghe ở bên đó nói sau vụ cô ta chích anh bị áp-xe, ông y sĩ nẹt cổ dữ lắm. Làm y như là trả thù.

Tôi đã ngốn hết mớ cơm sắp đứng dậy đi, thì Tiến lại nói:

- Anh có thơ.

- Thơ của ai?

- Em không bi.. iết! Em cất dùm anh!

- Sao không nói?

- Bộ quýnh lên rồi hả? Ở đâu còn có đó, mất đâu mà sợ dữ vậy! Anh ngồi đó đi, em phản ảnh cho anh thêm vài vấn đề.

- Gì nữa đó nhỏ?

- Em thấy công tác nuôi quân này khổ quá hà. Em không làm nổi nữa? Mỗi ngày nấu ba bữa cơm cho trên năm chục người ăn. Em đã nấu gần một năm rồi.

Tôi nói một cách nghiêm trang.

- Cách mạng cần đâu mình đến đó, đâu khó có thanh niên?!Ai cũng đòi lựa chọn công tác theo ý thích thì không thể tiến hành cách mạng được!

Nói xong tôi dợm đứng dậy thì Tiến lại tiếp.

- Hôm qua tụi em bị tổ cấp dưỡng phê bình cho một mẽ nên thân.

- Về việc nấu cơm sống hay khét chớ gì! Đó là chuyện thường. Không ai có thể nấu cơm ngon bằng củi tươi được.

- Không phải đâu anh!

- Vậy thì chắc vụ ăn đậu phộng bí kho bị Tào Tháo đuổi chớ gì? Ở đây mà có cơm nóng ăn là may lắm rồi. Ngoài Trường Sơn lắm khi tụi anh ôm bụng lép mà leo núi, một miếng vảy cá cũng không có để ngửi.

- Anh là thủ trưởng mà không đi sâu đi sát gì hết!

- Đi sâu đi sát là đối với học sinh do anh huấn luyện kìa, còn các cô các bà mà anh đi sâu đi sát thì có ngày mực tàu bôi lên lý lịch.

- Xí mực tàu ở đây rẻ rề, có ông nào tránh khỏi đâu mà anh phải giữ gìn? Anh phải nghe em phản ảnh để có ý kiến. Số là tụi em giặt đồ lót rồi đem phơi trong bóng mát.

- Sao không phơi ngoài nắng mà phơi trong bóng mát chừng nào mới khô.

- Phơi trong bóng mát mà mấy chú mấy bác ở Tác Huấn chuyển lời phê bình tụi em.

- Phê thế nào?

- Mấy chú mấy bác bảo là khiêu dâm!

- Trời đất, mấy ổng khùng rồi chắc.

- Hổng tin anh hỏi chị Huê xem. Tụi em lên đây gần hai năm không có vải may đồ lót. Còn có mấy cái sót lại hồi ở nhà đem đi nay nó đã đen ngòm rồi...

- Gì mà mấy ổng... phê như vậy?

- Mấy chú nói tụi em biểu diễn khiêu gợi...- Tiến nghẹn ngang một chút rồi lại tiếp - Tụi em làm dâu cách mạng thiệt khổ tâm hơn làm con trong gia đình tụi em. Bữa nào củi ướt chụm có khói, mấy chú bảo máy bay sẽ bắt mò đến, cơm ăn hoài với muối, đậu thì mấy chú mặt mày bí xị, tắm xà bông thơm chút đỉnh thì mấy chú bảo học đòi tụi Ngụy, còn phơi đồ lót thì bị phê bình là khiêu dâm. Nhưng kỳ rồi đi lãnh gạo, em bịnh mà cũng không được miễn cho, em phải cõng ba chục líti như thường.

Tôi thấy hơi khổ tâm. Một ông tham mưu trưởng của một tổ chức quân sự gồm trên năm trăm người lại ngồi nghe nhân viên tố khổ về những việc như vậy. Mà quả có thực vậy. Cô bé chẳng có thêm thắt gì. Tệ nhất là vụ cô Tiến.

Hôm đó tôi cũng đi lãnh gạo. Tiêu chuẩn của Trung ương dành cho các cấp trong quân đội đã không thể giữ được. Mấy ông cấp tá vô đây cũng phải lột lon bận quần tiều đi bắt cá và vác gạo. Bùi Khanh dân Bến Tre, Năm Kiên, Tám Bạch đều là thiếu tá cả nhưng phải tuân theo không dám kêu. Đường tải gạo không xa lắm: Mười cây số thôi. Mấy năm trước hồi tôi chưa về thì vùng này còn phè phỡn cà phê nước đá, hủ tiếu, dò chéo quảy đều đều, ai có tiền thì tha hồ tẩm bổ, còn lãnh gạo thì cứ đi hằng đoàn giữa ban ngày, nam thanh nữ tú tha hồ "cốt bắt" ở hai ven đường, nhưng bây giờ tình thế đổi thay. Phải đi đêm. Cứ mỗi toán phải xách theo một cái đèn chai "soi đường cho cách mạng", vui lắm! Trông như thiếu nhi cầm đèn ông sao đi quanh bờ Hồ ngày Tết Trung Thu.

Bùi Khanh thích tôi nên hai anh em đi gần nhau để trò chuyện bí mật. Bùi Khanh đã lớn tuổi, bệnh hoạn nhưng chưa có vợ. Anh em cố tìm đối tượng cho ông mà chưa ra vì ở trong trường này hở cô nào bà nào lú ra là bọn con nít quơ gọn đâu tới "con trâu già " này. (Đó là tiếng ổng tự chế diễu ổng).

Một lần ổng nói với tôi:

-Họ Bùi tao đi theo cách mạng đông lắm, nhưng bỏ về thành hết trơn, còn lại ba mống thôi. Tao là quan võ, thằng em ruột là quan cuốc đất đậu kỷ sư nông nghiệp ở Liên Xô và thằng cháu kêu tao bằng chú là quan văn viết báo ở Hà Nội. Ba thằng đều chưa có vợ. Kiểu này chắc cụt dòng rồi.

Tôi nói:

- Anh phải kiếm nhanh lên!

- Nhanh sao được mà nhanh. Kiếm khỉ cái thì họa may mới nhanh được. Mà khỉ cái cũng chưa chắc ưng tao

Đang đi, bỗng anh dừng lại nói:

- Tao thấy hồi chiều con Tiến nó đi xềnh xàng không được tự nhiên. Khi tao đi ngang thì thấy mặt nó xanh lét.

- Trời đất. Sao anh không cho tôi biết?

- Tao chắc nó có tháng.

Nghe anh nói, tôi hoảng hồn, tôi gọi mấy đứa con gái hỏi con Tiến đâu? Thì ra, đúng như lời Bùi Khanh, con Tiến đi tuốt đằng sau. Cô ta nơ bòng gạo một cách nặng nhọc. Tôi quát mấy cậu thanh niên đi gần đó dừng lại và ra lệnh sớt gạo của cô ra cho mỗi đứa một ít. Nếu không có Bùi Khanh nói, tôi cũng chẳng hay biết gì! Chức năng của một Tham mưu trưởng phải chăng là đi sâu đi sát tới đáy quần... chúng?

Nghe những lời tố khổ của Tiến, tôi cố đỡ gạt:

- Ở đây là khoẻ đó em, trên đường Trường Sơn, các bà có kinh vẫn phải ngâm mình dưới suối.

Tiến làm thinh. Tôi biết Tiến ám chỉ anh chàng Tư Keo, hỗn danh Tư Kẹo. Không hiểu anh chàng Nam Kỳ này gốc gác ở đâu. Vừa rồi được ở trên chỉ định làm bí thư chi bộ văn phòng, gồm có nhà bếp và quản lý, nên lên mặt trưởng cơ quan. Anh chàng muốn tò vè với Tiến nhưng Tiến ghét cái tánh kẹo nên gạt phắc. Anh ta chơi cha lắm. Mỗi tuần văn phòng tổ chức ăn thêm hoặc nấu chè, kêu gọi mỗi người hùn một ít anh ta từ chối nhưng khi nấu chè xong anh em mời lơi một tiếng anh ta mạnh dạn xách chén tới múc. Bị Tiến đá, anh ta kiếm chuyện phê bình, đồng thời quay mũi nhọn đâm chĩa tứ tung. Tôi không muốn nghe thêm nên đứng dậy và hỏi:

- Thơ từ của anh đâu cưng?

- Ở dưới gối anh.

- Ai để đó?

- Ai vô đây còn hỏi?

Tiến vừa nói vừa nhìn tôi với cặp mắt đầy ẩn tình. Tiến trông khá đứa lắm. Chỉ tội kém văn hóa nên làm chị nuôi. Muốn đi học y tá mà viết chữ cua bò thì làm sao’? Thiệt tội nghiệp. Nếu nó là em gái tôi thì tôi bắt nó về ngay. Khổ nổi đã đi rồi không thể quay trở lại và báo cáo về nhà thì toàn là vinh quang hiển hách.

- Anh kiểm duyệt dùm em mấy cái thơ.

- Gởi cho ai?

- Gởi cho ai kệ em.

- Sao không đưa cho văn phòng? Anh không làm việc đó!

Tôi vừa quay đi thì Tiến chạy theo đưa tôi phích nước sôi và nói:

- Anh đem về pha trà.

Tôi mệt đừ sau một ngày huấn luyện. Vì không có khí tài chuyên môn, tôi phải bày ra nhiều sáng kiến cho các khoa trưởng và đội trưởng hiểu ở trên thực địa hơn là trên bàn giấy nên một ngày dạy ở đây mệt bằng năm ngày ở Hà Nội. Tôi chỉ muốn nằm nghỉ, không cả uống trà, nhưng nghe nói có thơ thì rảo bước đi nhanh. Tôi độ rằng thơ của Thu Hà ở vùng Tam Biên gởi về. Xa nhau đã hơn một năm mà chỉ được có một lá thư. Thu Hà hứa sẽ về lãnh thuốc ở R và có thể sẽ được ở lại học bổ túc y sĩ. Sáu Phương đã hứa như vậy trước khi chúng tôi chia tay nhau ở trạm Ti4.

Khi đi ngang qua hàng cây ở sau hội trường, tôi thấy những chiếc máy bay treo lũng lẵng trên những sợi dây treo chéo nhau đủ các góc độ. Tôi dừng lại và sực nhớ ra rằng ngày mai tôi sẽ lên lớp bài đầu tiên cho khoa Pháo Phòng Không.

Đây là những chiếc máy bay do "công xưởng" của nhà trường chế tạo theo hình các máy bay Mỹ: Phantom, Thunderchief, Super Sabre và các loại trực thăng thông dụng ở chiến trường miền Nam. Nói là công xưởng cho có tên để gọi nhưng sự thực đó chỉ là một cái nhà chòi, một anh thợ mộc nửa mùa cùng mấy cái cưa gãy búa cùn đẽo gọt vụng về đưa cho tôi để làm tượng trưng huấn luyện chứ không kể sự chính xác Những máy bay gỗ này được sơn xám sơn xanh và treo trên những sợi dây kẽm. Chiếc thì đang bay ngang, chiếc đang lao xuống, chiếc lại cất lên...

Mấy đứa bé con mấy bà vợ cán bộ lấy làm thích thú coi đó như trò chơi, nên chiều chiều thường đến vác đất "bắn" dùm các chú. Xem xét xong kỹ lưỡng, tôi vừa quay lưng đi thì có tiếng gọi. Tôi biết đó là Thới, một trong những thằng học trò của tôi ở trường pháo Sơn Tây ngày trước. Tình cờ lại gặp nó về đây. Thấy nó bị thương tật nên tôi phong cho nó ngay chức "quản đốc" công xưởng vừa làm công nhân vừa làm xếp một mình để dưỡng lão.

Hồi ở Hà Nội nó chỉ huy một đại đội pháo đi qua cánh đồng Chum trong đoàn quân của ông Nguyễn Chí Sinh, Lữ trưởng Sư đoàn 338 Nam Bộ sau khi ông Tô Ký về Nam. Thằng Thới oánh nhau thì kể như số dách. Hằng ngày máy bay ở Hà Nội phải bay sang ném bắp cải su hào và thịt cá cho đoàn quân xâm lược này. (Chính nó đã vét sạch mạn sườn biên giới Việt Lào để mở đường mòn Hồ Chí Minh về sau). Lần nào máy bay do phi công Liên Xô lái thì máy bay ria tràn lan sang cả khu Phathet Lào. Hai bên dành ăn nên bắn nhau. Thằng Thới bị thương mí mắt. Vì quân Việt Nam không có bác sĩ đi theo nên thương binh phải nhờ đồng chí Phathet. Phathet không ưa Việt Nam gì cho lắm nên thay vì trị mí mắt, nó móc tròng thằng đồng chí luôn cho bỏ ghét.

Thằng Thới về Hà Nội lãnh sổ thương binh 30% hận tràn lòng và bây giờ lại tình nguyện về Nam đánh Mỹ với một mắt Thiên lý nhãn

- Em mới vừa được thơ vợ em.

- Nói gì?

- Nó nói nó đã đỗ bằng cấp y khoa bác sĩ.

- Rồi sao?

- Nó đã viết đơn tình nguyện về Nam để gặp em. Nó phụ nhỉ riêng rằng nếu nó về được trong này thì nó sẽ liên lạc với gia đình ở Sàigòn mua cho em một con mắt gắn vô dễ ợt.

- Mắt chai hả?

- Không, mắt thiệt người ta nuôi còn sống, không nhìn thấy nhưng trông in như thiệt.

- Rồi chừng nào nó vô?

- Nó nói chờ trong này viết thơ ra xác nhận có chồng trong Nam.

- Cơ quan ngoài đó chết hết rồi sao không làm được cái việc nhỏ như vậy mà phải chờ trong này?

- Em không biết. Đây thơ nè. Nó nói là thằng Trên, thằng Minh đã đi vô rồi. Anh còn nhớ thằng Trên dân Tây Ninh không... Vợ nó là con Thưa con nuôi ông Út Đẩu.

- Sao mày nhớ?

- Thì anh nói với em, nếu không làm sao em biết được. Thằng Trên học ở E 400 do anh phụ trách. Học chừng nửa tháng thì con Thưa mất việc vì cơ quan tìm ra sự bí ẩn của lý lịch nó. Không biết ai phát hiện ác vậy?

Ác thật. Ông Út Đẩu là chi đội trưởng chi đội 11 đánh đồn Cao Đài ở Tây Ninh giết sạch lính. Còn sót một đứa bé mười ba tuổi. Ông thương hại đem về nuôi rồi gởi đi ra Bắc. Con nhỏ học hành tiến bộ được kết nạp đảng, sắp được vô đại học thì bị phát hiện là con của tín đồ Cao Đài. Con nhỏ mất việc và không được học tiếp. Tôi chạy lo gần ba tháng mới gặp một người đồng hương Tây Ninh phụ trách của hàng dược phẩm Bờ Hồ. Anh này thương tình nhận con nhỏ và cho vợ chồng nó một t căn phòng có cửa sổ ngó ra Bờ Hồ.

Thới nói:

- Thằng Trên về gặp anh chắc mừng lắm! Nghe nói Phạm Cần và Chung Tấn Quyền cũng đã "dô" rồi.

- Có thằng Quyền nữa à? Nó hết bị tổ chức truy về cái họ ác ôn "Chung Tấn" của nó rồi sao? Còn thằng Cần cũng về à? Không biết nó có con chưa? Tội nghiệp bác Phạm Thiều mong có đứa cháu nội nối dòng cách mạng mà không được.

- Anh còn nhớ thượng úy Đổ Văn Kinh người ở Sóc Ven không? Thằng cha đen thui tụi mình gọi là "thành phần lãnh đạo" đó.

- Nhớ. Nó là thổ lai hút thuốc như ung muỗi đó mà!

- Cũng "dô" rồi!

- Ở ngoài đó cũng chẳng làm con mẹ gì. Về trong này chết cho sướng cái thân. Thôi mày nghỉ nhe. Tao về nằm một cái cho đỡ mệt.

- Để em nói cái này một chút!

- Cái gì nữa đó?

- Chị Chín Việt với thằng em nuôi càng ngày càng khắn khít..

- Kệ họ chớ tao làm sao được?

- Anh không biết chớ thiên hạ đồn đại tùm lum! Ổng đánh đồn Bổ Túc bị một quả da láng không còn miếng thịt. Mộ chưa xanh cỏ, chỉ làm vậy thử hỏi cách mạng còn gì uy tín.

Tôi có nghe loáng thoáng những chuyện lăng nhăng ông đi qua bà đi lại, nhưng nghe mãi đầy lỗ tai rồi không chú ý nữa. Thới tiếp:

- Chị Chín qua bên thằng em nuôi, hai chị em mùi mẫn ngoài gốc cây, người ta bắt được. Trời đất chị em gì vậy? Chị hơn em có vài tuổi. Chị gì mà ôm em hun chùn chụt.

- Hôm trước tao bảo ông Bùi Khanh hốt ổ quách đi. Con của đồng chí cũng như con mình. Chỉ có bầu khi anh Chín hi sinh, nhưng ông Bùi Khanh khó tính lắc đầu. Thôi nhé, để tao về nghỉ.

- Em còn xin anh một chuyện nữa thôi.

Tôi tưởng Thới nói về vụ con Huê con Tiến định vặn nài bẻ ống, nhưng không phải. Nó nói vụ thằng Sâm ở ngoài Bình Giả bị ông Tư lịnh pháo Tư Nhả gởi trả về Bộ rTư Lệnh Pháo rồi bị ông chánh ủy Tư Khanh tống về trường Pháo với bản án khai trừ đảng. Thằng Sâm cũng là học trò của tôi ớ ngoài đó. Không được dự chiến dịch nữa. Thằng Sâm mừng bỏ mẹ. Vì cái chiến dịch ôn dịch này đã nướng ít nhất là một ngàn lính lẫn dân công. Đó là bài học lịch sử lớn nhất của ông em vợ Dương Cự Tẩm.

Tôi hỏi Thới:

- Mày có ý kiến gì?

- Nó kêu nài hiệu ủy xét lại bản án vì nó chỉ mới "gián xạ" thôi chứ chưa có "trực xạ "

- Nó ngu lắm. Tốt nhất là câm cái mồm một ít lâu tao sẽ phục hồi cho, chứ mà rộng họng đính chánh là bị nặng gấp đôi ở đó mà kèo nài "gián" với "trực".

- Nó bảo ông Tư Khanh, ông Năm Lê, ông Lê Đức Anh đạp cứt ê chề, lại còn lấy cứt mà rê chân người. Nó nhờ tôi đề đạt với anh dùm nó.

Tôi quay đi.

- Mấy ổng khác, mình khác, rõ chưa’? Bố tao cũng không dám chống lệnh các ổng.

Tôi về giường ngã dài ra. Đầu óc quay cuồng một trăm thứ, nào chuyện ăn, chuyện ở, đ... bậy đ... bạ, chuyện rờ mó, tất cả những chuyện đó chiếm quá nửa cái đầu của ông Tham mưu trưởng.

Sực nhớ có thư dưới gối, tôi bèn ngồi dậy lật gối lên. Quả thật một bức thư cũ mèm lem luốc chữ nhoè cả ra nhưng dưới ánh đèn dầu tôi còn đọc được tên tôi trên phong bì, người gởi là Thu Hà. Tôi vội vã bóc ra lấy ruột thư kê vào ánh đèn. Lạ này! không phải chữ của Thu Hà.

Anh Hai thân thương,

Em biết có người hiện ở đây đang mến anh, tại sao anh không ngó ngàng tới mà lại cứ đợi chờ ở đâu đâu. Chị Thu Hà không có về đâu mà mong đợi cho uổng công. Xin lỗi anh nghen. Đây là bức thư thứ ba của chị ấy gởi về nhưng em biết có người cất dùm, anh đừng điều tra một công. Anh dư biết là ai cất mà...

Tôi ngẩn ngơ. Tôi biết người cất những bức thư của Thu Hà. Hèn chi lâu nay không thấy thư của nàng! Bây giờ ôn lại những cử chỉ của Tiến, tôi mới hay. Tiến luôn luôn dành cho tôi những đặc ân nho nhỏ, một phích nước sôi, một miếng khô nai lùi tro ấm hay một miếng xà bông thơm để ở đầu giường, những lần nàng để tay trên vai tôi.v..v...

Nếu như Tiến biết tôi yêu Thu Hà đồng hương của tôi ra sao thì nàng không có hành động ác độc này. Muốn có bức thư của Thu Hà để đọc và để tưởng nhớ mấy ngày nồng nàn ở Tam Biên của hai đứa, tôi phải giải thích cho Tiến nghe, nhưng càng giải thích thì Tiến càng bị tổn thương. Ngược lại nếu không nói gì thì Tiến không đưa thư ra.

Đời tình ái của tôi thật lao đao quá đổi, bởi thế cho tới bây giờ vẫn cứ độc thân. Từ trước kháng chiến tôi đã có người bạn ở quê nhà: Duyên, hai đứa cùng học chung lớp. Gia đình hai bên đã hứa khi đôi trẻ lớn lên sẽ làm suôi gia. Nhưng tôi đi kháng chiến, thời thế xoay vần càng ngày càng xa gia đình, không trở về được dòng sông Tân Bửu quê nhà. Năm 58 có một bức thư của người quen lọt ra Bắc cho biết Duyên đã chờ tôi suốt bốn năm. Cuối cùng đã phải lấy chồng nhưng nàng đến gia đình tôi khóc lóc và xin má tôi cho nàng đôi giày và bộ đồ Tây của tôi để nàng cất làm kỷ niệm. Từ đó nàng luôn luôn mặc đồ đen, không một màu nào khác. Có người hỏi tại sao nàng chỉ cười. Ra Bắc, bặt tin, tôi vẫn mơ về dòng sông Tân Bửu. Nghe tin ấy tôi vẫn không tin là sự thực. Mãi đến năm 60 tôi lại được tin. Thôi thế là hết...

Rồi tôi gặp cô sinh viên đại học, con gái ông Thanh Sơn, gặp lại ánh Tuyết bạn cũ thời Đồng Tử quân ở Rừng Sát. Hồi đó hai đứa thương nhau như hai anh em ruột. Trại không có nước ngọt hai đứa phải uống nhường nhau từng hớp. Vì không có nước, đầu đứa nào cũng đầy chí phải tô bùn cho chí chết... và ghẻ chóc đầy mình. Tình cờ tôi gặp lại Ánh Tuyết ở Hà Nội, Ánh Tuyết đã lớn và đẹp mặn mà. Hai đứa ngồi trên băng đá ở vườn hoa Canh Nông tới khuya ôn lại với nhau những kỷ niệm xưa, rồi đi ăn phở và chia tay. Không tính toán chuyện gì được vì Ánh Tuyết sắp đi học Trung Quốc còn tôi thì đang ở trên "bệ phóng" rồi.

Trái tim treo giàn khói khỏi bị mối mọt ăn. Trên đường về Nam lại gặp Thu Hà. Hai đứa mới quen nhưng quê nhà đã làm Nguyệt Lão xe hai mối tơ làm một vô cùng bất ngờ. Tôi và Thu Hà như đã đợi nhau từ trăm năm trước: Hai đứa hẹn ngay và thề sinh tử thủy chung. Sum họp trong mấy ngày rồi chia tay trông ngóng mấy năm. Khi đến Củ Chi, gặp Tư Linh, hắn đã đưa tôi ngay đến với nữ dũng sĩ Bảy Mô, một cô con gái nổi danh anh dũng và đẹp mà tài từ giai nhân tận trên R và nhà báo ngoại quốc cũng tìm đến gặp. Tư Linh mê cô chị có chồng mất tích và bảo đảm với tôi là nàng dũng sĩ đã yêu tôi rồi, chỉ chờ tôi lên tiếng đáp lại thôi. Bảy Mô so với Thu Hà, chưa biết ai làm rung động trái tim tôi hơn, nhưng tôi đã hứa rồi. Tôi đã ghìm tôi lại ít nhất trong mấy tháng công tác ở Củ Chi trước khi về đây. Tư Linh cũng đã thúc hối tôi. Thấy tôi cứ lúc lắc, hắn bảo: "Chim đậu không bắt để bắt chim bay!"

Bây giờ lại một con chim đậu nữa đây. Bắt? Tôi đã thề với lòng tôi rồi. Tôi chỉ yêu người con gái bên dòng sông Tân Bửu thuở ấu thơ của tôi. Ở đó sẽ mọc lên một mái nhà của một cặp vợ chồng kháng chiến sau khi trận mạc kết thúc. Vâng! đó là giấc mơ nhỏ bé và vĩ đại nhất của tôi cũng là của những kẻ đang lụm cụm học học hành hành xây xây cất cất trong khu rừng này.

Tôi giật mình khi có tiếng nói ở đâu đây:

- Đọc thơ xong chưa anh?

Tôi ngồi bật dậy và hỏi.

- Ai đó?

Thì ra cô Huê. Huê cùng tuổi với Tiến và cùng hoàn cảnh với Tiến trong việc hôn nhân. Cô cũng người Củ Chi và quen với Bảy Mô. Ở trong rừng này mọi sự đời đều khác hẳn ở thôn xóm. Trai gái không có giữ kẻ với nhau cho lắm vì người này biết tõng của người kia cả.

Riêng về sinh lý thì đàn bà con gái lại khoẻ hơn đàn ông con trai. Họ ít bị sốt rét và không bị sốt ác tính, còn đám đực rựa thì sốt đều đều và lại bị cả sốt ác tính chết rất dễ dàng. Nhưng con gái thì nước da cũng xanh lét xanh lơ và cô nào cũng nở bề ngang. Có cô sợ mập phải uống dấm cho ốm. Tôi để ý thấy chiếc áo bà ba của Huê mặc lâu nay đã bó sát thân hình cô ta có nận và hở ở trước ngực.

- Tôi đâu có thơ gì!

- Anh nói giấu hoài! Em biết mà!

- Ai nói mà em biết?

- Con Tiến.

- Cô ấy nói gì?

- Nó nói anh được thơ của chị Thu Hà ở ngoài Tam Biên gởi về.

- À. à có!

- Chị ấy nói gì?

- Thì cũng nói về công tác ở ngoài đó sơ sơ ba điều bốn chuyện vậy thôi.

- Chị ấy có nói chừng nào về trong này không?

- Chừng vài tháng nữa!

- Vài tháng nữa nếu chị ấy không về rồi anh tính sao?

- Thì chờ vài tháng nữa.

- Mấy chú mấy bác đã than phiền rằng hồi tập kết vì tin lời hứa "hai năm" mà bạc đầu mới gặp lại gia đình. Bây giờ anh lại cũng tin lời hứa nữa sao?

- Cấp trên hứa khác còn Thu Hà hứa khác. Anh tin lời của Thu Hà.

- Con gái chúng em hễ hứa thì chắc, anh tin lời chị Thu Hà là đúng, nhưng anh nên nhớ rằng chị Thu Hà làm việc ở cơ quan. Mọi công tác và vấn đề hôn nhân cũng đều do trường cơ quan quyết định. Ví dụ như em với con Tiến đây, hai đứa em đâu có tình cảm gì với mấy ông Quân, ông Tỷ nhưng ông Năm Kiên nói riết rồi phải nghe. Nghe xong nhìn lại thấy kỳ cục quá hè.

- Kỳ gì? Mấy ổng hơn tụi bây có hơn con giáp, còn đồng chí Lê Duẫn cưới vợ bé nhô hơn đồng chí ấy ba mươi mấy tuổi mà vẫn xứng đôi không thấy sao? Thôi đừng có lộn xộn, đoàn tụi bây nó kiểm thảo, tao không có binh được tụi bây đâu.

Với câu nói hơi xẳng của tôi, Huê mất hứng nên không nói gì thêm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx