sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10

Như đã bàn trước với Bùi Khanh, sáng hôm sau hai anh em dắt thằng Huỳnh Châm và thằng Võ Văn Sâm đi lên rẫy Rạch Ruộng của Sáu Ngọc để cày cuốc đoái công chuộc tội. Thằng Châm thì tội bắn chết thằng Liêm trong đêm săn thú đãi ông Tư Khanh, còn thằng Sâm thì quơ nữ dân công ở chiến trường Bình Giả.

Trước khi đi, tôi kêu hai đứa lại, huấn từ sơ sơ:

- Cuộc đánh Mỹ này sẽ không kết thúc sớm đâu. Có thể tụi tao chết ráo nạo cũng chưa xong, tụi bây sẽ là nòng cốt. Mọi khuyết điểm sai lầm đều sẽ xóa nhòa bằng những thành tích. Khuyết điểm của chúng mày không có nghĩa lý gì, nhưng chúng tao không thể bỏ qua được. Chúng mày không có nên bất mãn phát ngôn bậy bạ, hiểu chưa? Ráng lao động tốt, chừng ba tháng tao sẽ giúp đỡ tụi bây.

Sỡ dĩ tôi bắt Bùi Khanh đi theo là để cho ổng xem mặt bà khu ủy viên tên Trần Lệ Út Tức. Bả cũng đã "cứng cạy" rồi nhưng kén chọn dữ. Mấy ông Mùa Thu đầu bạc sơ cấp thì không dám ngó còn đám trẻ thì càng chẳng nhìn. Ông Bùi Khanh chê bà bầu Chín Việt có em nuôi trang lứa, có thể tìm ra một ý trung nhân ở nữ đồng chí khu ủy viên này chăng?

Ngoài Bùi Khanh ra tôi còn cho theo một tiểu đội lựu pháo để ra nền đồn Bổ Túc thực tập. Một công ba chuyện là vậy đó.

Khi đoàn sắp sửa lên đường thì Bảy Hết tất tả chạy đến, vừa thở hào hển vừa nói:

- Đồng chí Tham Mưu Trướng cho tôi xin trình bày một ý kiến cá nhân.

Tôi đã biết là vấn đề gì rồi, nên trỏ sang Bùi Khanh:

-Có đồng chí Bí thư hiệu ủy đây, đồng chí muốn trình bày gì trình bày vắn tắt để đoàn lên đường.

Bảy Hết nói với cả hai người:

- Xin các đồng chí cho biết bao giờ thì tôi có thể về quê được?

Bùi Khanh cười ôn hoà. Ông làm trưởng phân khoa Phòng Không nhưng lại có uy tín trong đám cán bộ trẻ lẫn già nên được bầu làm bí thư hiệu ủy thay vì Ba Thịnh hoặc Tư Ân. Biết Bùi Khanh và tôi luôn luôn binh vực những người có gia đình ở đây nên Bảy Hết mới liều mình chận đầu ngựa dâng sớ kêu oan.

Bảy Hết là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 402 thuộc Trung đoàn Tây Đô của Huỳnh Thủ. Anh có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng tập kết ra Bắc mới bốn mươi hai tuổi mà bị chê là "cứng cựa" nên bị tống ra ngoài dân sự cho đi khu mõ Hòn Gai xây dựng kinh tế. Bảy Hết là một trí thức. Sau mấy năm sống ở miền Bắc anh nhìn rõ nhân tình thế thái trong sự đối xử của đảng Bác đối với dân Miền Nam nên hận đời khi lột áo lính mặc áo xi-vin. Năm 1963, đảng lại gọi dân phục viên tái ngũ. Bảy Hết trở lại ngay với cấp bậc thượng úy. Về Nam anh mới xổ hết nỗi lòng. Anh nói thẳng với Bộ Tư Lệnh Pháo Binh là ông Hai Nhã và Tư Khanh: "Tui xin nghỉ về quê dưỡng già! " Một câu thôi nhưng đó là sắt đá. Có lẽ đó cũng là tâm tư của hàng vạn dân Nam Kỳ tập kết. Hai ba năm liền chỉ nằng nặc một câu: "Tôi không còn đủ sức khỏe! "

Khi chị Bảy Hết lên đây thì ở trên truyền cho phép chiêu dụ chồng, không để chồng bất mãn nữa. Nhưng Bảy Hết vẫn không xiêu lòng. Còn chị Bảy thì ngày nào cũng làm "Cái loa tuyên truyền dùm cho Ngụy".

Chị nói về việc Mỹ vô, Mỹ xuống làm sân bay ở Trà Nốc. Hàng hóa Mỹ bán đầy đường. Ai cũng sống khỏe re. Quần áo toàn lụa là lòe loẹt...

Và bây giờ thì chính chị bị chồng địch vận. Hai vợ chồng đồng hè xin về Cần Thơ. Bùi Khanh đã nhiều lần báo cáo lên trên nhưng chẳng ai giải quyết được. Bên cạnh đó lại còn một ông nữa. Đó là ông Ba Giao trung úy, dân Bắc Kỳ vô Nam thời xửa thời xưa, lập nghiệp ở vùng Nam Thái Sơn. Tập kết ra Bắc bao nhiêu năm vẫn nói "Thống Nhứt" và "Tân SơnNhứt". Không hiểu bất mãn chuyện gì lại cũng đòi ra dân trở về Nam Thái Sơn. Cuối cùng ở trên cho anh ta về I/3 tha hồ bêu riếu miền Bắc.

Bây giờ chỉ còn anh chị Bảy Hết. Bùi Khanh hứa đại khái một câu để giải vây:

- Để tôi lo xong mấy việc rồi sẽ bàn với hiệu ủy.

Thế là đoàn lên đường. Tiểu đội khiêng một khẩu DKZ và đạn dược cùng đồ phụ tùng: bình điện, dây điện, cuốc xuổng đùm đề. Tôi không ngờ là quân đội nhân dân Việt Nam lại tiến lên chánh quy hiện đại theo tỷ lệ ngược như thế này! Súng cổ lỗ sỉ thời 50 mà đem ra chơi với Mỹ! Tôi cho thằng Lực Thiếu úy làm Tiểu đội trường chỉ huy khẩu đội thực tập, còn thằng Tôn Sứt dân mùa Đông thì làm thổ địa dọn đường. Tôn tham gia trận đánh đồn Bổ Túc với Chín Việt. Chín Việt chết, nhưng nó chỉ sứt tí mép nên anh em gọi là Tôn Sứt. Tôn Sứt thuộc đường đi nước bước của vùng này như người ta thuộc lòng bàn tay. Tôn Sứt đặt kế hoạch hai ngày đi hai ngày về và một ngày bắn.

- Từ trường, đoàn phải ra lộ Thống Nhất là con đường giao liên của T14. Đến ngã ba rẽ về phía mặt trời lặn đi thẳng đụng cầu Suối Dây, qua cầu đi tiếp đụng cầu suối Tha La rồi ra đường đá đỏ. Đó là tỉnh lộ 4. Đi luôn về phía Nam về hướng núi Bà Đen thì đụng ấp chiến lược Khe Don gần bót Suối Đá. Còn đi lên hướng Bắc là đến Kà Tum rồi vòng qua đồn Bổ Túc. Từ đó đi theo đường mòn chừng hai cây số là đến lộ ủi Trần Lệ Xuân. Ngày trước mụ này cho dân lên đây lấy gỗ về bán nên người ta đặt tên con đường này là đường Lệ Xuân đồng thời chế diễu luôn bà khu ủy viên Út Tức nên gọi bà ta là Trần Lệ Út Tức vì bà là nữ chúa vùng này. Đi trên đường lộ ủi sẽ đụng Suối Sóc Ky. Ở đây có một xóm nhà chừng chục rưỡi nóc của dân đánh xe bò chuyên môn tải gạo cho hậu cần R cũng gọi là Xóm Mới. Huyện ủy Tân Biên của bà Út Tức bám trụ ở đây. Từ Xóm Mới đi hết lộ ủi sẽ đụng đường đá xanh: Đó là quốc lộ 22 chạy thẳng lên Xa Mách ngã ba Sóc Xoài là biên giới Việt Miên. Gần ngã ba quốc lộ 22 với lộ ủi, về phía Bắc có một cây cầu bắc ngang qua suối Sóc Ky gọi là cầu Cần Đăng. Cầu này bị máy bay Mỹ bỏ bom sập xuống suối. Mỹ tưởng như vậy là đã cắt đường gân chính của Cộng Sản nhưng chúng không ngờ xe bò vẫn qua lại như thường hằng đêm hết đoàn này đến đoàn khác bằng con đường mòn hai bên móng cầu xuyên qua lòng suối cạn có lúc không có nước. Ngoài ra những người đi xe đạp có thể vác xe đi trên thanh cầu không khó khăn lắm.

Từ ngã ba này ra tới ấp chiến lược Trại Bí chừng mười cây số Gần đó là ấp Mõ Công. Qua ấp này chỉ một quãng ngắn là đến thị xã Tây Ninh. Tóm lại đường chim bay đo từ trường pháo binh của chúng tôi đến thị xã không đầy ba mươi cây số, cũng như Củ Chi cách Sài gòn hai mươi cây số. Đó là phác họa đường đi nước bước của đoàn và mấy tử điểm trong vừng. Tôi vốn là thằng sục sạo có hạng trong trường, nhưng nghe Tôn thổ địa trình bày xong tôi vẫn thắc mắc. Tôi hỏi:

-Sao hồi ở T14 tao nghe tụi nó nói ra trại Bí Mõ Công dễ và gần lắm. Chiều cắt rừng đi, trưa mai về tới?

Tôn nói:

- Ối mấy thằng Bắc Kỳ con háo thắng coi trời bằng vun, miệng lúc nào cũng khoe chánh sách "ba xây, ba chống, bốn có, năm không" biết con mẹ gì. Anh nghe đám đó có ngày phèo ruột. Tụi T14 cắt đường ra Khe Don thì có thể chiều đi trưa hôm sau về tới nhưng nguy hiểm lắm. Lính ở bót Suối Đá phục kích bắn chết du kích của bà Lệ Xuân Út Tức liền xì. Thời còn bót Bổ Túc, tụi Suối Đá vô phục ở bờ sông Bà Hảo hay cầu Tha La. Tụi này được Mỹ huấn luyện kỹ lắm! Chúng mặc quần áo giải phóng, cũng dép râu nón bánh bèo. Bởi vậy anh mà ra vùng đó thì phải thuộc mật hiệu của Trung đoàn bảo vệ Căn cứ R. Thằng Hùng Cối của mình vừa được biệt phái đi công tác xuống Trung đoàn này anh quên rồi sao?

- À, tao nhớ ra rồi. Mấy ổng bảo là Mỹ thả biệt kích vô rừng loạn xị ớn lắm, vì thế đội bảo vệ xin một trung đội cối của nhà trường. Chúng nó cho nhảy dù xuống rừng chớ không phải đi bộ đâu. Một cơ quan ngây thơ làm rào nứa bao bọc xung quanh mấy cái chòi. Tụi biệt kích biết ngay chúng nó mò vô tận ổ giết sạch. Do đó bây giờ mới tăng cường công tác bảo vệ.

Tôn nói tiếp:

- Hồi 1961-1962 anh chưa về, chưa có trường pháo của mình, đường dây vất vả lắm. Ở trên quyết định phải nhổ cho bằng được đồn Bổ Túc để đi đứng cho dễ hơn. Tôi và anh Chín Việt vác cây DKZ 75 đầu tiên tới đây, nghiên cứu sơ sơ rồi bắn phát trúng phát trật. Tụi lính trong đồn toàn là "tín đồ một mắt" chúng nó thù mình từ đời ông Nhạc tới bây giờ. Hồi 45-46 ông Hai Bừa và ông Tô Ký giết họ như nhái ném xác chật đường lấp cả giếng trong vườn cao su Hố Bò. Tụi nó nghe súng pháo kích là chửi tục rùm lên rồi phản công kịch hệt. Tôi và anh Chín vác DKZ chạy có khói. Lần cuối cùng, phối hợp Bộ Binh mới hạ được, nhưng mình phải hy sinh cả trăm lính. Anh Chín bị một trái M79, còn tôi chỉ rách mép. May chút nữa là đi luôn hàm dưới hết ăn. Hồi đó mỗi lần đi trên đường này hoặc đi lãnh gạo là có máu rơi chớ đâu được thong dong như bây giờ. Bởi vậy có câu vè truyền miệng: "Từ "rờ" xuống "cu" phải qua hai "u" (R,Q,U)

- U nào với U nào?

- U60 tức là Cục hậu cần và U80 tức là Cục pháo binh, xa vô cùng.

- Chà! rờ cu mà mệt vậy, còn rờ m... thì phải mệt cỡ nào?

- Còn từ cu về rờ thì phải đội bàn thờ qua sông Bà Hảo.

- Lội sông là chuyện thường, sao phải đội bàn thờ?

Tôn cười, quay lại nhìn tôi như khoe cái mép sứt:

-Dân từ Q lên R phải qua sông Bà Hảo. Sông này không rộng lắm nhưng mình thường bị tụi lính Suối Đá phục kích. Do đó mỗi lần lội phải cõng bàn thờ trên lưng, rủi có bị bắn chìm giữa sông thì leo luôn lên bàn thờ để vong linh khỏi lạnh chết lần nữa ở dưới đáy sông! Mình hạ được đồn Bổ Túc, có được cái lợi là khai thông đường đi nhưng thất bại vô cùng. Hồi trước bọn thương buôn Ba Tàu bu chung quanh đồn này, do đó mình móc nối mua đồ lậu rất hấp dẫn. Nhưng từ khi đồn bị hạ tụi nó dông hết. Một số chạy về An Lộc, một số tản vô thị xã Tây Ninh, mình mất một nguồn hàng hóa. Mình không còn trà Chẽo Xụi và Thiết Quan âm uống là vì thế đấy.

Tôi đã bàn tính "âm mưu" trước với Tôn Sứt, nên hai đứa đi sụt ra phía sau. Tôi nói:

- Chuyến này là đi coi vợ cho ông anh Bùi Khanh của mình. Bà Út đóng quân thường trực ở đó. Nhưng gặp bả hơi khó. Em út của bả đông lắm. Lớp canh giàn ngoài, lớp gác vòng trong phải qua hai ba cái U mới rờ đụng được cái đầu tóc của bả. Trước nhất phải gặp thằng Hùng Cối.

- Sao vậy?

- Thằng Hùng là em nuôi của bả.

- Lại cũng em nuôi cháu nuôi. Các ông các bà rơi đài lễnh nghễnh về các vụ em cháu nuôi hoài mà cũng không tởn. Nè, đừng có cho Bùi Khanh biết. Thằng chả chê bà Chín Việt là vì cái thằng em nuôi của bả đấy. Gà mái ấp lại muốn cắt lông đuôi làm gà tơ.

- Ai chớ bà Út Tức này thì anh khỏi lo léng phéng. Bả là loại đạo đức cao, cho nên tới bây giờ chưa có ai dám rớ tới

- Không phải tại đạo đức của bả cao đâu, mà vì bả khô quá hà mày ạ.

- Khô thì về ông anh mình tưới cho tươi lại mấy hồi.

- Theo mày ổng với bả có xứng đôi không?

- Anh chưa biết mặt bả à?

- Tao có đi đâu mà biết mặt với mũi?

- Bả chưa đến bốn mươi, nhưng bả ốm như con cá hố.

- Mày gặp bả hồi nào?

- Lâu rồi! Nhân vụ mấy ông học sinh trường mình đi nghiên cứu địa hình thực tập, nhân tiện tạt ra Xóm Mới tìm chất tươi bị du kích của bả nghi là đi hồi chánh nên bắt giữ, nhà trường phải gởi tôi tới lãnh về.

- Hồi đó tao ở đâu?

- Anh đi lên R lãnh chỉ thị gì đó! Bả găng xi măng lắm. Mặt bả lúc nào cũng hầm hầm như ai ăn hết của bả vậy. Mấy thằng du kích nói lén với tôi rằng chừng nào hạn hán, bảo bà cười cho một cái là trời mưa ngay.

- Còn hiệu nghiệm hơn cóc nghiến răng nữa!

- Bả có cái giỏ xách trong đó có mấy lá trầu. Dưới đáy giỏ là cây K54. Ghê gớm chưa?

- Bả ăn trầu à?

- Còn gì nữa!

- Hồi ở Củ Chi tao cũng đã gặp một bà khu ủy như thế. Chuyên môn "ngồi thum" một bước không dám rời miệng hầm, nhưng lập trường chống Mỹ thì cao... hơn ngọn cỏ. Thứ con gái lỡ thời khủng hoảng sinh lý khó chịu lắm! Tành tình bất thường, kỳ cục. Chỉ khi nào được chích Vitamin Đ... mới hết khó chịu.

- Bả gặp ông anh mình bả chíp thôi! Thiếu tá bả rớ sao tới? Cặp này đá coi chắc đã lắm.

- Chỉ sợ ổng không chịu mày ạ! Ổng cũng khó tính chứ không dễ. Ổng gốc "đ... chĩa" đấy chớ không phải bần cố hỉ đâu

- Sao anh biết?

- Ổng tâm sự mà!

- Ổng dám tâm sự về thành phần với anh à?

- Chỉ ló móng một chút rồi rụt lại. Bác ổng làm Cai Tổng, ông ngoại làm Hương Cả và bỏ tiền ra cất một cái Thánh Thất Cao Đài to nhất vùng.

- Thế sao ổng lọt qua được ải cải cách ruộng đất?

- Thì giấu chớ sao. Thằng cha Nguyễn Hoài Pho huyện đội trưởng Ô Môn Cần Thơ là đại địa chủ nhưng khai là cố nông. Thế là được đề bạt ngay Trung tá đi học Trung Quốc và cho về Nam làm Tư lịnh I13. Rủi một cái là chưa về tới nơi đã bị "chụp" chết. Thằng Nguyễn Văn Sơ, cận vệ của ông Nguyễn Thanh Sơn bố vợ hụt của tao, cũng phịa một bản lý lịch cố nông kinh hồn. Bộ Tổng đề bạt hiệu trưởng trường CCRĐ trung cao quân đội. Tướng tá đều đút đầu vô đây cho thằng chăn trâu giả cạo gọt dùm cái lập trường. Hóa ra nó là con địa chủ.

- Sao anh biết những chuyện bí ẩn như vậy được?

- Ối tao còn biết những chuyện trời ơi đất hởi nữa kia! Tội nghiệp những thằng địa chủ đi kháng chiến như Ngô Hồng Giỏi ở Cần Thơ. Trong CCRĐ ông ấy quá thành khẩn nhận tội lỗi của ổng nên bị cách chức từ Trung đoàn phó xuống Tiểu đội trường làm anh nuôi phục vụ cơm nước cho đại đội tám năm liền làm đồng chí với ông táo ông lò.

- Còn anh thành phần gì?

- Tao hả? Chăn trâu ba đời!

Tôn Sứt cười ha hả một hồi dài, vừa cười vừa bụm miệng như sợ cái mép rách ra thêm.

- Chăn trâu mà giải phương trình pháo binh nghe điếc con ráy vậy hả?

- Hừ... Tao chăn trâu cho ông nội tao không được à?

- Chăn mấy con?

- Có sáu con thôi! hí hí...

- Sáu con trâu thì làm ít nhất cũng một trăm công ruộng. Thành phần chăn trâu của anh đó thiệt là hiếm có trên đời.

Bùi Khanh đứng ở phía trước ngoắc gọi:

- Đi mau lên tới lùm cây kia cho nghỉ trưa ăn cơm.

Một cậu lên tiếng gắt.

- Tôm! "Tôn-làm" gì đi chậm vậy?

- "Tôn lù" đù lại liếc chim cò nên đi chậm quá trời!

Cá đoàn hạ trại ăn uống xong mắc võng nghỉ trưa. Tôi nấu trà uống với Bùi Khanh để gạ gẫm về vụ bà khu ủy. Nhưng vừa pha trà xong, Bùi Khanh đã hỏi tôi một câu bất ngờ:

- Mày có tin rằng ong nuồi giẻ có thể tiêu diệt biệt kích Mỹ không?

- Ông định sáng chế chiến thuật mới gì vậy?

-Tao đâu có sáng chế cái gì. Tao chỉ nhớ hồi còn ở ngoài Bắc tao nghe báo đài nói ở Trà Vinh có ông du kích dùng ong nuồi giẻ đánh Mỹ. Ông ta nuôi ong rồi đem treo ở chỗ Mỹ quen ra vào, chờ nó đi ngang thì giật. Ông ta được bầu anh hùng toàn miền Nam. Tên ông là Nguyễn Văn Tư.

- Giỡn hoài anh.

Bùi Khanh hớp miếng nước trà chép miệng rồi bảo:

- Chính tao phổ biến tài liệu đó cho Trung đoàn của tao mà!

- Để làm gì?

- Cho lính tráng học tập tinh thần yêu nước và căm thù Mỹ của dân miền "Nôm" chúng mình. Tụi Mỹ bị ong đánh nóng lạnh và nổi lên phản chiến.

Đây là lần đầu tiên, tôi nghe Bùi Khanh mỉa mai cách mạng. Bùi Khanh tiếp:

- Mấy đêm nay, đêm nào cũng có B52 bỏ bom. Chẳng bao lâu nữa tới mình chớ không khỏi đâu. Mày có nghĩ tới chuyện đó không?

- Nghĩ gì? Nó chưa tới thì mình sống ngo ngoe ít ngày. Nó tới thì hốt xương chớ nghĩ gì bây giờ.

- Nhiều cơ quan R trong đó có tiểu ban văn nghệ R lãnh đủ. Ông Tư Trang chết rồi. Nhưng mọi việc đều được giữ kín bưng. Ông Đại tướng nhà mình vừa vô. Mỹ nó chào mừng mấy ổng đấy. Mày có định biến trường mình thành một lớp học dã chiến lưu động không? Nghĩa là không có đóng cố định một chỗ. Mày có thấy là cái qui mô của mình hiện nay không thể giấu khỏi mắt tụi Mỹ không? Tao nghĩ là nó nuôi tụi mình cho mập rồi ria một phát là sạch láng.

Thực tình tôi cũng có nghĩ tới chuyện đó, nhưng không thể nói ra. Vì lệnh trên đã ban xuống như thế là phải làm như thế. Ở Hà Nội, các ông các bà ngồi trong phòng kín cứ nghĩ rằng Tây Ninh này cũng giống như Tân Trào Thái Nguyên hồi 1944. Hồi đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp cỡi ngựa trong bản làng còn cụ Hồ thì ở trong hang núi, Pháp biết mà không làm gì được, còn bây giờ với Mỹ khác tất cả. Bom nó rơi như mưa và pháo nó bắn xa bảy mươi lăm cây số, nhưng mình thì lại xử dụng ong nuồi giẻ và chông ba lá, súng ngựa trời!

Bùi Khanh nhấp hớp trà rồi hỏi:

- Củ Chi găng lắm phải không mậy?

- Hôm tôi ở dưới thì mới vài xã ăn B52 thôi.

- Hồi mày chưa về trường thì có nhiều thằng quê Củ Chi cứ chiều thứ sáu là về phép ba ngày. Sáng thứ sáu đi, chiều về tới nhà. Ngủ với vợ đêm thứ bảy, đêm chủ nhật. Sáng thứ hai đạp trưa thứ ba về tới trường. Trường cho đi vậy là vì trường cũng có lợi. Mỗi thằng đi sẽ cộ về bao nhiêu là thứ cần thiết, từ cái lưỡi cạo râu, hộp thuốc chà răng đến bình-toong, xanh-tuya-rông Mỹ. Bên cạnh đó là thuốc Tây thứ hiếm cũng mua được. Ngoài ra còn năm, sáu con gà mái gà trống, nhiều khi còn đèo cả heo con về. Đó mày thấy trong trường hiện giờ ở khu nào cũng có gà gáy heo kêu là nhờ những chàng quê Củ Chi đấy. Nhưng bây giờ chấm đứt. Nó đánh Củ Chi tan cả rồi. Mày biết mà! Mày có con "ẻn" nào ở dưới đó không. Nếu có chắc nghe B52 mày thót ruột lắm.

- Tôi chỉ mong về Củ Chi để móc gia đình thôi. Nhưng tôi có gia đình má Hai ở Hố Bò. Có các em Lụa, Là và bé Rớt. Những người đàn bà bất hạnh, mỗi người mỗi kiểu, rất thương tôi. Má Hai coi tôi như con trai lớn, anh của Lụa Là đã hi sinh năm 1946 trong trận đánh đồn Bến Súc.

- Mày không móc gia đình à?

- Có nhưng móc quác.

- Sao vậy?

- Không tìm được vì gia đình dời đi chỗ khác. Còn anh?

- Tao không muốn móc miết gì cả. Đi tận Bến Tre xa quá ở nhà tao không còn ai đi được. Má tao nếu còn sống chắc đã gần bảy mươi.

- Anh không tính vụ vợ con gì à?

- Tính cách nào?

- Chị Chín Việt, anh nghĩ sao?

- Tao không bao giờ lấy đàn bà! Huống chi đàn bà kiểu bà đó!!

- Con gái đâu còn, anh!

- Thì thôi vậy!

- Nói như anh sao được! Nữa rồi ai giỗ quải cho?

- Tụi mình sớm muộn gì cũng tan xác thôi. Ở đó mà lo giỗ quải!

- Tới đâu hay tới đó chứ biết sao bây giờ?

- Tao tưởng ở trong này giải phóng thênh thang như hồi đánh Pháp. Chẳng dè về đây lại không được miếng đất cặm dùi. Mày có để ý không, hằng ngày phản lực Phantom, Thunderchief, rú qua đầu mình! Chúng nó đánh Tà Păng, Băng Đung, cầu Cần Đăng hàng ngày. Chặt đứt xương sống của mình xong, chúng nó sẽ róc ba sườn mình chớ không có để yên đâu. Mày cứ nghe đài Sài gòn thì biết. Bọn mình ra Sài gòn nhiều lắm. Vừa rồi có một trự tên là Hai Tốt trưởng ban tài chánh của I/4. Nó ôm cả chục triệu bạc phóng ra Sài gòn, tụi I/4 ở trong này đói nhăn răng, nhưng làm gì được.

- Tôi cũng có nghe vụ đó! Tôi không hiểu sao không giao cho một đồng chí lập trường vững giữ tiền?

- Lập trường vững bằng Kiều Đắc Thắng ở Nam Bộ và Trần Dụ Châu ở Việt Bắc không? Hai thằng đó đều bị xử tứ vì tham ô.

- Tôi không hiểu mấy thằng đó ăn được giấy hay sao mà quơ nhiều vậy?

- Giấy rồi đổi ra vàng, giấy mua được l... mày hiểu không? Do đó nó mới ăn giấy. Đời này không có thằng nào giữ được lập trường đứng trước mùi tanh của hai món đó. Mấy ông làm bộ tự tu hàng ngày càng mê dữ. Đây rồi mày sẽ thấy trong trường mình sẽ có năm ba cuộc kiểm thảo về vụ l... nữa. Không phải kiểu thằng Sâm đâu mà kiểu khác. Cũng vụ cháu nuôi em nuôi. Tao ớn ba cái cuộc kiểm thảo này quá!

Vừa đến đây thì có tiếng súng xa xa. Một tiếng gọn lỏn. Bùi Khanh dứt ngay, hai đứa lắng tai nghe. Tôi bảo anh em:

- Coi chừng biệt kích.

- Biệt kích không đi giờ này đâu.

- Hay là thằng nào tự "xuông cựa" theo kiểu trên đường Trường Sơn?

- Không phải đâu! Tiểu đội này tao chọn toàn là thứ bảnh.

Hai đứa tiếp tục uống trà. Ga-men nước sôi đã cạn. Trà cũng nhạt. Tôi bốc mớ xác trà bỏ vào mồm nhai để chấm dứt buổi uống trà. Bỗng thằng Lực chạy tới, hớt ha hớt hãi, nửa nói nửa báo cáo:

- Có đồ cải thiện rồi thủ trưởng ơi!

- Gì đó?

- Tụi nó bảo là heo rừng.

- Ở đâu mà gặp vậy?

- Chúng nó không nghỉ trưa, kéo nhau đi "râm" gặp con heo nái dắt một bầy con ra rẩy.

- Rẩy nào?

- Không biết rẩy của cơ quan nào tự túc hay của dân.

- Dân nào nữa. Đó là của ông kẹ nào đấy?

- Bây giờ thủ trướng tính sao?

- Mà chắc đã hạ chưa chớ?

- Dạ hạ rồi mà. Cái thằng thiện xạ thiệt. Chỉ một phát vỡ sọ con mẹ, còn bầy con chạy tản vô rừng. Tụi nó về báo cáo cho em mà.

Tôi mừng như bắt được vàng. Lâu nay trong cơ quan không có mỡ thoa mép. Tôi bàn với Bùi Khanh cho đình bộ lại đây giải quyết con heo rồi mai sẽ đi cũng không muộn. Cách mạng cả đời chớ phải một ngày một bữa gì. Bùi Khanh cũng đồng ý lại còn thêm:

- Mình chỉ chiếm hữu một nửa thôi, còn một nửa muối gói trong ni- lông quảy theo ghé gởi trại sản xuất của Sáu Ngọc rồi bận về lấy!

Vừa đến đó thì một đám người kéo tới. Thằng Lực xoa tay:

- Trở lại xẻ thịt đem về!

Nhưng khi nó dứt tiếng thì tôi nhận thấy trong đám người có mấy bộ mặt lạ. Một người mặt vuông với một chòm râu bạc dưới cằm, hỏi phong long:

- Thủ trưởng của các anh là ai?

- Dạ ông này.

Một người lính trỏ vào Lực, nhưng có lẽ Lực đoán biết có chuyện không lành nên né ngang và trỏ vào tôi. Lực hơi nóng mặt.

- Đây là thủ trường của tôi! Mà có việc gì vậy hả? Cái rẩy của đồng chí hả?

- Rẩy của tôi.

- Tôi bắn con heo rừng chớ đâu có động tới hoa màu của đồng chí?

Người kia kêu lên thảm thiết:

- Các đồng chí giết anh em tôi rồi!

Rồi nghẹn cổ khóc mùi. Chúng tôi sửng sốt không hiểu chuyện gì vậy. Anh ta quệt nước mắt và mếu máo:

- Heo gì mà heo rừng! Heo tự túc của chúng tôi?

Tôi mới ngã ngửa, đưa mắt nhìn thằng Lực. Lực và cả bọn đứng lặng ngắt. Thằng Lực chớp chớp mắt:

- Tôi tưởng là heo rừng... Nếu biết là heo tự túc thì tôi đâu dám bắn.

Người kia như không nghe thấy gì cứ kể lể:

- Con heo của chúng tôi nuôi hơn một năm nay mới đẻ một bầy mười một con. Các đồng chí bắn mẹ rồi làm sao nuôi con. Chúng tôi toàn là đàn ông vú đâu mà cho nó bú?

- Thôi được rồi!

Bùi Khanh đứng dậy khỏi võng đến vỗ vai ông đồng chí thảm não, bảo:

- Giá bao nhiêu chúng tôi đền.

- Đền gì kỳ cục vậy mà đền?

- Chúng tôi làm hại của đồng chí chúng tôi đền, không có kỳ cục gì cả.

Có lẽ ông chủ heo thấy nguôi nguôi nên nói:

- Heo mẹ thì không bao nhiêu, chỉ tội nghiệp bầy con.

- Chúng tôi đền cả bầy con - Tôi nói tiếp và gọi viên quản lý đến - Anh lấy tiền xĩa cho đồng chí ấy.

Tiền phụ cấp công tác, tiền ăn của hơn một tiểu đội và tiền của những người học sinh gởi mua đồ lặt vặt ở vùng tiếp cận ấp chiến lược gom lại có trên mười ngàn.

- Anh cho biết giá con heo mẹ và bầy con bao nhiêu, chúng tôi chồng đủ.

- Chúng tôi chỉ lấy tiền con mẹ thôi ạ.

- Chúng tôi chỉ lấy một nửa thịt ăn đi đường, còn một nửa biếu lại các đồng chí như tạ cái lỗi bắn nhầm.

Ông đồng chí không ngờ tôi giải quyết ngon lành và nhanh chóng như thế, nên đứng ngập ngừng không dám lấy tiền mà cũng không từ chối. Một chốc anh ta nói:

- Để tôi về báo cáo thủ trưởng của tôi xem ổng nói sao. Ổng ở trên Cục vừa mới xuống.

- Nhanh lên để thịt sình hết.

Chập sau ông thủ trưởng đến, một người to lớn tóc hoa râm với cặp chân mày có thể che kín cho ba trung đội. Vừa thấy hắn, tôi nhảy xuống võng chạy tới:

- Thiếu tá Phụng!

- Thầy Lôi!

Chung tôi ôm quàng nhau, cảm động. Tôi trỏ Bùi Khanh:

- Thiếu tá còn nhớ ông đó không?

- Bùi Khanh!

Chúng tôi mừng rỡ ngộ cố tri giữa sự ngạc nhiên của lính tráng hai bên. Thiếu tá Phụng là dân Bê Ka ở E400 với tôi và Bùi Khanh ngoài Sơn Tây. Ông ta là một con người dễ chịu và rất "xáp" với dân Nam Kỳ. Ở xéo cổng trường có một cái quán do một bà Bắc vợ lính Tây đâu hồi thời Pháp. Ngày xưa, Pháp cũng đào tạo sĩ quan Pháo Binh ở đây. Bà ta sống nhờ bán đồ nhậu cho nhà binh. Chúng tôi gọi bà là bà "Ba Cạo" vì tính chất bóc lột của bà ta. Cứ chiều thứ bảy là bọn Nam Kỳ chúng tôi một lũ sinh vô gia cư, tử vô địa táng, không biết ngày nào về xứ, nên không để nái tiền - cứ ra đây đóng cửa quán rồi ba bàn ken làm một mua mão hết tất cả các món của bà Cạo, nhậu tới khuya trở vô trại ngủ mà mơ về Nam.

Thiếu tá Phụng thích lắm. Hễ tụi tôi báo tin nhậu là đi ngay không chần chừ. Nhưng tụi tôi thương hoàn cảnh nghèo đông con của ông Bắc Kỳ chịu chơi nên không nhận tiền hùn của ông ta. Ngoài ra lại còn dành phần gạo những lần đi phép hoặc những buổi không báo cơm. Chiều thứ bảy nào không lâm trận thì ông thiếu tá chở một thùng gạo về cho mẹ đỉ ở Hà Nội. Khi chúng tôi được đăng tên lên bảng Phong Thần, thiếu tá Phụng ở lại buồn lắm: "Tụi mày đi rồi, tao đếch biết chơi với ai?" ông ta khóc như con nít khi chúng tôi lên xe.

Sau khi biết lính của tôi là thủ phạm giết heo, ông ta bảo:

- Hòa cả làng! Đền cái đéo gì. Để đó bắt Mỹ đền sau. Bây giờ xẻ thịt đem về ta liên hoan một bữa!

Thế là chúng tôi về trại của Thiếu tá Phụng. Lửa khói mịt trời chiều hôm đó. Tối lại ba ông bạn tri âm nằm võng chụm đầu nhau ôn chuyện xưa. Những đêm nhậu ở quán bà Cạo, những trận đá bóng giữa Tham Mưu và Pháo Binh, những buổi đánh cá lén bằng mìn ở sông Bùi và những buổi diễn tập pháo binh thời kỳ khởi đầu mới có binh chủng pháo. Pháo thủ bắn toàn bằng... mồm và khói pháo làm bằng tro, còn thước ngắm thì làm bằng gổ đẽo. Pháo thủ số một hét "đoành" thì đếm độ chín, mười đếm đằng kia tung tro làm đạn nổ. Thiếu tá Phụng nói:

- Mình làm sao mà đương đầu nổi với tụi 155-170 ly của Mỹ hở các ông?

Tôi cười:

- Đưa ngực ra chơi chớ làm sao, Thiếu tá!

- Địt bố nó bắn gì như mưa. Tớ lội vô tới Bình Long nghe nó bắn lăn xuống đất không kịp.

- Chưa bằng ở Củ Chi đâu Thiếu tá!

- Thôi dẹp ba cái Thiếu với Thừa đi. Trong rừng này mạng sống của mỗi người ngang nhau cả.

- Anh có dịp xuống Củ Chi sẽ nếm mùi đầy đủ hơn.

- Mẹ kiếp, chúng nó đã đánh gục cầu Hàm Rồng, cầu Ninh Bình, cầu Long Biên bị thương. Cảng Bến Thủy cũng tan rồi. Trường Đại Học Vinh tản cư bằng xe bò. Trước ngày tôi đi có tin hai tàu gạo từ Hà Nội vào Vinh để chuyển vào Trường Sơn bị đánh chìm ở sông Bến Thủy.

- Pháo 55 của Liên Xô đã sang chưa?

- Sang rồi! Kết quả không khá lắm. Vì pháo thủ của mình chưa có kinh nghiệm.

- Mỹ có dám đổ bộ vô bờ biển Nam Định hoặc Hải Phòng không anh?

- Ở trên có kế hoạch phòng thủ lâu rồi, nhưng ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra?

- Anh có nghe vụ tàu Maddox thế nào không?

- Thế nào là thế nào?

- Tôi nghe đồn là nó bị mình bắn chìm ngoài khơi Vịnh Hạ Long!

- Nó về Mỹ nhậu sâm banh thì có! Cậu có quen với Đồng Văn Cống không?

- Có biết nhưng không quen. Tôi gốc F338 chớ không phải F330.

- Thằng con ổng đánh phản lực Mỹ vừa hi sinh.

- Thằng Đồng Văn Đe, học sinh Miền Nam. Nó có con mèo đẹp lắm tên con Điệp. Sắp cưới.

- Bây giờ bỏ lại cho ai?... Hà Nội bây giờ như cái tổ ong rỗng.

- Vợ con anh tản đi đâu?

- Bắc Ninh.

- Đã gần được tiểu đội chưa?

- Quá bán! Khi tớ đi bả lại mang bầu. Không khéo con đếch biết mặt bố.

- Pháo của ông chính xác trăm phần trăm. Cứ châm ngòi tức thì trúng phóc.

Bùi Khanh lên tiếng:

- Mỗi chiều thứ bảy tôi đều dặn ông xài ngòi nổ chậm mà ông không nghe.

- Tôi xài mã tử nữa chứ, nhưng đến chừng trúng vẫn trúng!

- Ở đây không có quán bà Cạo nhưng vài tuần có thể tụi mình ken bàn làm một nhát.

- Mình ở trên Cục của ông Chín Vinh chớ đâu có được ra ngoài.

- Ông già Phích vô rồi phải không?

- Vô rồi. Tình hình sắp căng thẳng đến nơi. Ba cái trại trồng cà trồng bí nuôi heo nuôi gà sắp dẹp để lấy người cầm súng. Ông vô vài ngày là dẹp chế độ cần vụ của mấy ông lớn. Đại tá trở lên tới công tác mới được đem cần vụ, còn ở nhà cũng không có. Sắp có đại hội to. Có dịp về trên đó chơi một phát.

- Dưa hấu rụng ầm ầm trên đó chơi gì ở trển mà chơi anh?

- Ở đâu bây giờ không có dưa hả cậu? Mặt đất như cái rổ thưa rồi. Mình may nên lọt kẽ nan.

- Bây giờ cho tôi trở ra Hà Nội thì tôi ăn liền ba tô phở mới đã khẩu.

- Chậc chậc... Phở Hà Nội bây giờ không ngửi được.

- Cũng còn khá hơn măng le luộc chấm muối trong này.

- Bây giờ toàn là một thứ phở "không người lái".

- Là cái phở quái gì nghe lạ vậy?

- Là phở không có thịt.

- Phở không có thịt thì gọi là phở không có thịt chớ sao gọi là phở không người lái?

- Ba cái đám cao bồi Hà Nội nó chế diễu Chính Phủ ta. Công an bắt về bót phạt chúng nhưng hễ được thả là chúng lại "phở không người lái"!

Bùi Khanh chêm vào.

- Nói vậy tụi tôi ở trong này ăn cơm không người lái mấy năm rồi!

- Cơm măng le lái, đậu phộng lái, thịt mễn lái chớ anh!

- Ở ờ cũng có thịt lái, như bữa nay thịt heo nái lái.

Thiếu tá Phụng cười to lên:

- Nhờ mấy cha mà tôi được một bữa lòng lợn nái no đến cạnh tai.

Nói chuyện ba đồng bảy đổi tới khuya, Thiếu tá Phụng mới quèo tụi tôi lên phòng của trại.

- Tôi mời hai ông lên để hỏi ý kiến về một vụ rất quan trọng có liên quan đến chánh sách của mặt trận. Do đó trên Bộ Chỉ Huy mới đưa tôi xuống đây.

Rồi ông trình bày tóm tắt.

Tôi được biết là vụ Thiếu úy Phùng Văn Mười cháu ruột của bác sĩ Phùng Văn Cung, phó chủ tịch Mặt Trận. Mười làm binh biến ở Bình Dương lái xe M113 từ căn cứ Gò Đậu trên quốc lộ 13 về Chơn Thành bị đơn vị đuổi bắt lại được, chỉ một mình Mười trốn thoát nhưng nhảy bỏ xe trong rừng chạy lấy thân. Ông Thiếu úy Mười hiện nằm tại trại sản xuất này với tư cách nhà báo. Mười được ở không để "viết báo" tố cáo chế độ Mỹ Thiệu. Viết đã hết cả chục tập vở học trò nhưng chẳng ai dùng. Ở đây họ Phùng bị giam lỏng nhưng không biết, tưởng mình được ưu đãi. Mười muốn gặp ông chú là Bác sĩ Cung nhưng ở trên cho hay ông ấy đang đi ngoại quốc.

Bây giờ ở trên phái Thiếu tá Phụng xuống xem xét tình thế để giải quyết cụ thể và lâu dài hơn. Chẳng lẽ để một ông Thiếu úy "có tinh thần yêu nước nồng nàn" mà Mặt Trận coi như một anh hùng lại ở chung với đám người nuôi gà nuôi lợn và trồng rau cải mãi hay sao? Tội nghiệp mấy ông bà giác ngộ chánh sách Mặt Trận đang ở Sài gòn bỗng nhảy ra đây ở tù mà cứ tưởng mình là vĩ nhân. Văn sĩ Thủy Thủ tức Thiếu úy Thái Trần Trọng Nghĩa, Đại úy Phan Lạc Tuyên, bà Quỳnh Hoa, kỷ sư Cao Văn Bổn, v..v... hiện đang nhao nháo ở Báu Lùng Tung gần Xa-mách không biết giải phóng ai ngoài ba con khỉ đực khỉ cái khỉ bé khỉ già. Ông Bổn rầu đến chết. Còn ông kỷ sư Hồ Văn Bản thì thừa cơ lính gác sơ hở chui đi biệt tích. Do đó ở trên đã không cho Mười về "hợp tác xã" với nhóm này mà bị cô lập ở đây.

Thiếu tá Phụng hỏi.

- Các đồng chí cho biết ý kiến nên đối xử cách nào?

Tôi đáp ngay:

- Tôi không biết gì đâu mà "kiến lửa kiến hôi", anh ơi!

Bùi Khanh lè nhè giọng chán nản:

- Trên bảo là trời bảo.

- Nhưng ở trên không có nói gì cụ thể. Chỉ bảo tôi xuống đây tùy tình hình cụ thể mà giải quyết. Bố tôi không biết nên giải quyết như thế nào. - Thiếu tá Phụng nói nhỏ lại chỉ đủ hai người nghe - ở trên bảo tình hình sắp tới động lắm, nếu để như thế này mãi, có thể anh ta... thì khốn. Tôi không hiểu ý trên muốn gì.

Tôi biết Bùi Khanh là con người dè dặt. Anh chẳng bao giờ cho ý kiến đâu! Nên tôi phang bừa trúng trật thây kệ, trách nhiệm gì mà sợ:

- Nếu gởi được cậu ta về với ông bác sĩ thì nên gởi. Cậu ta có công với Mặt Trận thì Mặt Trận khen thưởng, chớ quân đội có ăn nhằm gì với cậu ta. Hai quân đội, hai tư tưởng đối nghịch làm sao ta có thể phong quân hàm Thiếu úy cho cậu ta được. Mặc dù trong chính sách địch ngụy vận của ta có nói những sĩ quan nào của quân đội Sài gòn bỏ hàng ngũ về với ta sẽ được giữ nguyên lương nguyên cấp, nhưng đó chẳng qua là miếng mồi câu nhử thôi.

Thiếu tá Phụng gật gù lia lịa:

- Đồng chí nói giống in đồng chí Chín Vinh.

Bùi Khanh cáo mệt rút lui. Gạt bỏ mọi công tác qua một bên chúng tôi nói chuyện tình cảm. Tôi hỏi ngay:

- Lúc ở lại anh có đi coi Văn Công lần nào không?

- Văn Công nào?

- Văn Công nào cũng được!

- Nhưng tôi biết chú mày hỏi tôi có đi coi Văn Công Tổng Cục Chính Trị phải không?

- Thì cũng đâu đó!

- Và có xem múa hoa Champa, nghe hát Lâm Tơi không chớ gì?

- Ừ, con nhỏ có chịu vô ngàm thằng Coong Le không?

- Chú mày đoán thử xem?

- Tôi nghĩ con nhỏ mê làm bà Trung tướng hơn là đi hát dạo kiếm những loạt vỗ tay thừa.

- Sao chú chắc vậy?

- Vì đàn bà là như vậy, họ mê tiền hơn tình.

- Chú trở thành triết lý gia hồi nào vậy?

- Hồi tôi bị một ông Tư lệnh cuỗm người yêu trong kháng chiến chống Pháp.

- Có vậy nữa à?

- Có chớ!

- Tư lệnh nào? Ông ta ở đâu bây giờ?

- Tôi nói ra thì bị dìm bỏ mẹ. Ông ta cho tôi đi công tác rồi bảo đồng đội của tôi bắn vén ót tôi cũng nên.

- Bậy bạ hoài chú em!

- Tôi đã từng biết một chuyện như vậy mà anh. Cũng lại một ông Tư lệnh.

- Nhưng con nhỏ Hoa Champa này thì lại không vậy. Cô ta vứt tiền của anh kia tặng và chê anh ta có bộ mặt đần như lợn. Sỡ dĩ anh chàng thấy con nhỏ rồi mê mẫn luôn là do chuyến biểu diễn của đoàn Văn Công Tổng Cục Chính Trị ở Cánh Đồng Chum.

- Tôi biết. Vì lúc đó tôi còn ở ngoài Hà Nội!

- Bộ cậu có màn gì với người ta hả?

- Không, tôi có nhiều màn với nhiều người khác, còn người này thì lại có cả một đường tơ với một anh chàng Nam Bộ mà anh chàng đã vô Nam rồi và hiện đang ở đây.

- Hả? Anh ta đang ở đây? Trong đoàn của cậu?

Tôi giật mình suýt nói thật, nên chối phắc:

- Không, ở trường cơ.

- Con bướm kia đã có gì với cái hoa Champa không?

Tôi đáp xui xị buồn thiu.

- Tôi không biết.

Cái con bướm đó là thằng vừa bị gởi từ chiến trường Bình Giả về và sắp đi làm khổ sai để chuộc cái tội ba lăng nhăng. Đi năm sông bảy biển không sao, lại gục mặt chết ở lỗ chân trâu. Anh hùng là thế đó! Có đau không anh hùng?

Tôi về võng nằm trăn trở nhớ chuyện bao la trời đất từ chín năm chống Pháp, mười năm tập kết và những chuyện mới đây. Tất cả dậy lên nóng hổi. Những bạn bè thân thiết, những vị chỉ huy kính mến, những người anh chân tình và những người bạn gái mến yêu, vô số người và việc.

Những đoạn đường vui vẻ, những khúc quẹo trắc ẩn, những tiếng súng và những giọng cười trong đời tôi, mỗi nơi mỗi chặng đều khác nhau, nhưng tất cả đều làm cho tôi kết luận: Đời sao mà khổ quá. Hạnh phúc như cái bóng của chính mình. Nó ở ngay trước mặt tưởng vớ được ngay nhưng không bao giờ. Từ năm 1946 đã nghe mùi khói lửa Bến Súc, năm 47 đã dám tổ chức đánh xe tăng Pháp và thành công to bất ngờ, năm 49 đã vô đảng khi tuổi thành nhân chưa tới, đã từng cãi nhau với Hà Huy Giáp về chủ nghĩa Mác và ông này đã phải nói với bác sĩ Trần Văn Du là thằng nhỏ thông minh kỳ lạ (do đó chính ông ta kết nạp tôi vào đảng). Hai mươi năm đi theo cách mạng không hề bị một kỷ luật nhỏ, lúc nào cũng được khen là cán bộ tiền phong. Ngay cả giáo sư pháo binh Liên Xô và Trung Quốc cũng chịu tôi là một cán bộ quân sự đầy triển vọng. Tôi đã tác xạ cho các ông ấy xem tại thực địa, chính các ông đã cho tôi điểm tối ưu và đề nghị cho tôi sang Liên Xô học thêm.

Nhưng bây giờ thì nằm ở đây như con cá mắc cạn, đầu cá thì vùi trong đống tro, đuôi cá quẩy lên bãi cát còn bụng cá thì cố trườn trên những hòn đá cuội nhám nhúa. Con cá ấy còn có thể lóc được bao xa nữa thì khô nhớt, tróc hết vảy rồi nằm im?

Trường pháo binh mở ra là do yêu cầu của chiến trường. Làm sĩ quan ai cũng biết pháo binh là linh hồn, còn bộ binh là vua của trận địa. Tôi đã tổng kết được một điều sau những năm chiến đấu ở miền Nam (gồm cả Củ Chi nơi tôi chỉ huy Tiểu đoàn Thép và Trung đoàn Quyết Thắng suốt năm năm)

"Trừ B52 ra, đáng gờm nhất là anh bạn Pháo". Pháo gây thiệt hại nặng nề và bất ngờ nhất cho quân giải phóng Miền Nam. Ngược lại Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà không ngán đánh trận địa chiến, không ngán quân giải phóng tấn công cứ điểm, những loại chiến này họ có thể đề phòng được dễ dàng vì họ có quá nhiều phương tiện hiện đại. Họ chỉ ngán pháo kích. Khó mà đề phòng được những trận pháo kích. Phần lớn các cuộc pháo kích của quân giải phóng đều sai mục tiêu. (Tôi sẽ nói rõ điều này ở những trang sau.) Nhưng dù sai, tiếng nổ vẫn gây hoang mang cho lính, cho dân. Do đó ở trên quyết định mở trường pháo binh. Nhưng không cấp cho phương tiện huấn luyện. Thậm chí những phương tiện cơ bản nhất cũng không có. Kể ra thì nhiều vô cùng. Chỉ xin nêu một vấn đề: Đó là vấn đề học sinh.

Muốn học môn pháo binh cơ bản nghĩa là thấp nhất phải có trình độ lớp nhất trường quận (Cours Supérieur) nghĩa là biết rành bốn phép toán, phân số và có trí thông minh. Tính toán phải nhanh vì ở trận địa người chỉ huy pháo phải quyết định trong vòng tích tắc. Không thể ở đó ì ạch nhơn chia trừ cộng như cậu học trò dở môn toán. Ấy vậy mà học sinh của tôi, trên ba trăm mạng, khổ thay, phân nửa chưa làm rành bốn phép toán thì làm sao mà thu nhận được những bài toán của ngành pháo binh. Vì thế ở Bình Giả, Tư lệnh Pháo Binh R, Đại tá Ba Nhã đã không hoàn thành nhiệm vụ. Các đơn vị pháo của ông "đấm lưng bộ binh" hơi mạnh. Ông có đi học ở Trung Quốc, nhưng các đơn vị pháo thì không đồng nhất. Một số dùng DKZ, một số dùng pháo của Nhật, một số khác dùng pháo Liên Xô, Trung Quốc... Tội nghiệp cho ông! Không có ông Tư lệnh pháo nào khổ tâm bằng ông Ba Nhã ở Bình Giả.

Do lập trường chủ nghĩa của đảng mà ngành pháo binh "Linh hồn của chiến địa" lại yếu nhất. Vì trong cải cách ruộng đất những trí thức bị loại trừ một trăm phần trăm. Có xài chăng thì đây cũng chỉ vớt vát cho công tác hụ hợ như trợ lý văn hoá, trợ lý câu lạc bộ là những thứ không có tính chất quyết định trên chiến trường.

Tôi biết Thượng tướng Văn Tiến Dũng gốc là thợ may của xưởng may Cự Phát ngày xưa. Bây giờ là Tổng tham mưu trưởng một đạo quân một triệu người thì làm thế nào? Thời kỳ chống Pháp, đánh giặc như một trò chơi nguy hiểm. Mỗi vị chỉ huy là một nhà chiến thuật, muốn đánh sao đánh, đến đổi đánh theo chiến thuật Hoàng Thọ (lính chết sạch trơn) cũng không tội lệ gì. Binh chủng Pháo hầu như không có. Tôi đã từng đánh những trận ở Cần Thơ, ở Sóc Xoài, ở Ba Dầu, Định Mỹ..v..v... nhiều khi muốn bắn một quả pháo, vì không có chỗ đặt, chiến sĩ phải đưa lưng ra làm đế pháo. Sự hi sinh thật là vô bờ. Nhiều khi bộ binh đã bố trí xong, chờ pháo mở đợt phá khẩu nhưng pháo lại câm tịt. Bộ binh phải kiêm luôn cả pháo binh dùng súng máy để bắn tường gạch, nhậm nhầy rồi xung phong ẩu.

Thời kỳ chống Mỹ này nhất thiết không nên để chiến sĩ hi sinh như thế nữa. Bởi vì quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng trên mười năm rồi mà khẩu hiệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "tiến nhanh lên chính quy hiện đại.".

Tôi là con nhà pháo nên thấy pháo ta hành quân trên đường Trường Sơn mà không dám ngó vì đau đớn và xấu hổ. Bạn có thể tưởng tượng được một khẩu đội sốt rét 100% phải di chuyển một nòng pháo 75 ly không? Ở nhiều khẩu đội chiến sĩ ngã bị pháo đè gãy chân, hoặc rơi luôn xuống hố. Bên lề đường lâu lâu lại thấy một đế cối 81 hoặc 60 nằm im cho cỏ phủ lên. Nghĩ tới việc hiện đại hóa quân đội mà ngán ngẫm, ngán ngẫm và ê ẩm.

Bây giờ tôi phải dạy lại toán trừ toán cộng cho "học sinh pháo binh" của tôi trước khi huấn luyện họ xử dụng pháo. Họ đâu có hình dung được pháo binh là gì. Góc độ lấy không đúng một ly có thể giết hàng trăm mạng như chơi.

Cái nạn lập trường đã tàn phá đất nước trong một thời gian dài mấy chục năm về mặt vật chất lẫn tinh thần. Về mặt vật chất thì có thể sửa chữa nhưng về mặt tinh thần thì thuốc men đâu? Trí thức ào ào đi theo kháng chiến như một lực lượng vĩ đại nhờ đó mà kháng chiến thành công. Nhưng khi kháng chiến thành công rồi thì trí thức trở thành một tai nạn, như Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh... kể không xiết. Ở xã tôi có Tư Kiết người đổ bằng Tú Tài trước kháng chiến. Anh đi kháng chiến rồi tập kết ra Bắc được đối xử còn thua một thằng chăn trâu, nực cười thay trong lúc đó những thằng chăn trâu đóng trò trí thức.

Tôi chỉ là một học sinh, trình độ chẳng nước mẹ gì so với mấy ông ấy, nhưng thấy các ổng lang thang tôi không khỏi xót xa buồn dùm cho các ổng.

Do cái thứ lập trường vô sản mọi rợ đó mà ngày nay học sinh pháo binh toàn là du kích hoặc những người có trình độ Bình dân học vụ. Nhưng tôi phải dạy làm thế nào cho họ trở thành pháo thủ.

Đêm sâu mù mịt. Rừng sâu mịt mù. tiếng con dế hay con vạc sành vô tư cũng đều có vẻ dã man làm cho rừng rú càng thêm dã man rừng rú. Tôi đã sống trên một ngàn đêm như thế này trong đời chiến sĩ của tôi.

Bữa sau đoàn diễn tập của trường pháo binh R đến nơi thực địa. Đó là cái nền đồn Bổ Túc. Một trăm lính và cán bộ đã gục ngã chung quanh đồn để đổi lấy một khúc đường Tự Do. Mả của tiểu đoàn trường Chín Việt nay đã biến mất. Đơn vị đã chôn nhanh đắp vội đâu đó nay đã không còn tìm ra dấu vết. Tôn Sứt lội quần tìm kiếm nhưng không còn có thể xác định mô đất nào. Tất cả đều thay đổi. Cây con hồi đó bây giờ đã cao to. Đất lồi trở thành vũng lầy...

Tôi sực nhớ cái chết của thằng Trần Chánh Lý. Nó dựa vào gốc cây bên đường. Khi anh em tiếp tục đi, đến gọi nó thì thấy nó đã tắt thở đầu nghẹo qua một bên. Chúng tôi chôn vội và lại đi. Đến trạm Tam Biên gặp Sáu Phương bạn cũ, tôi chỉ chỗ và nhờ anh cải táng dùm.

Đứng giữa rừng hoang súng đạn lổn cổn sao không thấy oai phong mà lại rũng chí tơ lòng. Bùi Khanh ngồi thở dốc. Tôi cố làm ra vẻ hăng hái cho cuộc diễn tập bắt đầu.

Súng DKZ đặt xuống, nòng pháo hướng về Suối Ngô. Tôi sẽ cho bắn ba phát để lấy quân bình điểm chạm. Cự ly gần nhất là hai cây số. Xa nhất là năm cây số.

Pháo thủ đào hố sâu phía sau nòng pháo để lúc bắn sức giật lùi có chỗ thoát, vì DKZ 75 là loại canon sans recule, tức là khi viên đạn được tống ra nòng pháo không giật về phía sau nhưng hơi tống phải phụt ra lỗ thoát của bộ phận cơ bẩm khóa nòng. Khi nòng pháo nghếch lên thì đuôi nòng chúi xuống đất, do đó phải đào một hố sâu cho hơi có lối thoát. Loại pháo này chỉ dùng để bắn trực xạ nghĩa là bắn thẳng vào mục tiêu như súng máy súng trường nhưng hoàn cảnh thiếu vũ khí, chúng tôi phải dùng nó trong việc bắn gián xạ, nghĩa là bắn vòng cầu vào mục tiêu che khuất. Loại súng 75 ly của Pháp hoặc pháo bộ binh 40 ly của Nhật thường dùng trong loại bắn này, nhưng vì ở trên chỉ thị cho chúng tôi phải đề ra sáng kiến, dùng DKZ 75 bắn vòng cầu để rút kinh nghiệm sau này pháo kích sân bay hoặc thị xã. Thấy đạn của pháo 75 Pháp và DKZ 75 không khác nhau bao nhiêu nên Ban Tác Huấn (tức Huấn luyện tác chiến) của Bộ Tư Lịnh Pháo Binh R ra lệnh cho chúng tôi bắn thử. Dùng kính ngắm của pháo Pháp 75 ly gắn cho DKZ 75 để đo mục tiêu là lấy góc độ. Đúng là một cái lệnh ẩu tả giống in như lệnh Tấn Công Tết Mậu Thân. Người ta coi mạng lính như ngoé.

Để tránh nguy hiểm, tôi bảo Tôn Sứt nối dây dài buộc vào cò súng chuyền ra xa để giật. Rủi có bề gì thì không bị sát thương.

-"Đạn nổ, ngòi tức thì, liều năm! Bắn!

Tôn Sứt quát rồi giật dây.

Cuối cùng chúng tôi bắn được ba quả. Mất nửa ngày kể cả bắn, kiểm tra kết quả và rút kinh nghiệm. Đạn nổ ăn trét. Phát đạn đạt nhất cũng cách mục tiêu một trăm thước tây. Đã bảo sáng kiến mà. Kính ngắm của pháo Pháp gán cho DKZ Trung Quốc. Đúng là râu ông Tây cặm cằm bà Tàu. Chả trách một trăm trận pháo kích có đến chín mươi chín trận pháo vô nhà dân.

Kỳ bắn thử này cho chúng tôi một kết luận tạm thời rằng DKZ 75 có thể bắn mục tiêu che khuất trong vòng từ ba đến năm cây số.

Chúng tôi đang đi tới đi lui bàn tán xem xét và định làm vài phát nữa thì có người tới. Đó là Ban Bảo Vệ Căn Cứ R tức là một bộ phận của Trung Doàn Bộ Binh của ông Lê Thanh.

Tưởng ai xa lạ gì, chẳng ngờ là thằng Hùng Cối học sinh của trường pháo biệt phái về đơn vị ông Lê Thanh. Hùng cho biết là ban Bảo Vệ nghe cà nông nổ nên phái một toán đi sưu tầm kẻ phá rối trật tự để lập biên bản và nó chẳng ngờ kẻ đó lại là thầy của nó, cho nên hòa cả làng. Tôi giải thích cho nó nghe kế hoạch của Bộ Tư Lệnh Pháo v..v... Nó không có cách nào hơn là... bày tiệc dã chiến nhậu với thủ trưởng của nó và cuối cùng năn nỉ thầy nó về văn phòng Ban Bảo Vệ để giải thích cho ông Tám Lê Thanh.

Tôi thấy chuyện không có gì quan trọng nên nhận lời, nhưng trước khi đi thương thuyết, tôi dặn nhỏ Tôn Sứt về kế hoạch coi vợ cho Bùi Khanh mà Hùng sẽ là hướng đạo kiêm mưu sĩ. Lại một bất ngờ khác. Ông Lê Thanh vừa đi trấn nhậm Í/4. Kẻ thủ trại là ông Huỳnh Văn Một chi đội trưởng chi đội 11 là người cùng với Huỳnh Văn Nghệ, Tô Ký, Hai Búa xây dựng lực lượng võ trang đầu tiên của Miền Đông Nam Bộ. Năm 1950 ngoài Bắc Việt đưa Tướng Dương Quốc Chính vào đoạt quyền của "đằng mìn" tức là dân Bê Ka từ hang Pắc Pó vào, còn những người có công gây dựng lực lượng thì bị tống về làm Tỉnh đội trưởng chỉ huy ba anh du kích và mấy trung đội địa phương lèo tèo. Mãi về sau dân Nam Kỳ mới trắng mắt ra nhưng quyền hành đã mất về tay bọn Bắc Kỳ. Cũng như hiện giờ, Bộ chỉ huy Giải phóng gồm toàn Bê Ka. Có vài tên Nam Kỳ nhưng được đặt ngồi ghế phó cối: Bà Địnhh số 6, Đồng Văn Cống số 7, Hai Bưa số 8, Huỳnh Văn Nghệ thì làm công tác kinh tài chẳng biết bao giờ "em mới nguôi hận chiến khu xanh"?

Xin trở lại ông Huỳnh Văn Một.

Ông không biết tôi nhưng tôi biết ông ta. Sau 55 ông không đi tập kết mà dắt vợ là bà Út Thơ lên rừng Tây Ninh sống đời riêng cho đến năm 1961 có người ngoài Bắc về tìm. Đó là ông Lê Quốc Đăng là người đầu tiên đặt chân về đến Tây Ninh và gặp ông Một. Ông Đăng là người tổ chức và chỉ huy B1, B2, B3 tiền thân của các Cục Tham Mưu, Chính Trị, Hậu Cần sau này. Trong trận Mậu Thân, có một người chết trong Xóm Gà (Gò Vấp) tên là Năm Đăng. Người ta ngỡ là Lê Quốc Đăng nhưng không phải. Ông ta được tưởng lệ công trạng nên được cho về làm Phó Tư lệnh I/4 để dưỡng già, Nhưng khổ thay vùng đất này như một cái chảo nước sôi, ông ta chịu không thấu nên xin trở về R. Ông bệnh và chết ở đây. Rõ là cái nghiệp dĩ sinh vì R tử ở R.

Khi chạm mặt Huỳnh Văn Một, tôi nhận ra ông ta ngay, nhưng tôi không ngờ ông già và điêu tàn đến như thế. In hệt một con người vượn hoặc con vượn người. Ông là kẻ bị đá văng khỏi chức vụ chi đội trưởng trước nhất khi Dương Quốc Chính vào tới Nam Bộ.

Huỳnh Văn Một không ngờ "kẻ phá rối Vương Quốc Kà-Tum" của ông ta lại là đồng chí của ông từ thời đánh Tây, cho nên mọi việc đều hoà cả làng. C... ai nấy vuốt. Rừng nào cọp ấy, ta sợ gì mi?

Trong cái chòi của ông, tôi thấy treo lễnh nghễnh những súng là súng. Nhưng bên cạnh súng còn có những nanh heo rừng, sừng nai, sừng dê, những cặp giò gà lôi khô queo, những móng heo, và cả ngà voi nữa. Ông già Một hỏi tôi bằng một giọng khàn khàn.

- Cháu có bệnh hoạn gì không?

- Dạ không, ủa mà có.

- Năm nay bao nhiêu rồi?

- Dạ ba mươi bốn.

- Kháng chiến hai mùa vậy là quá trẻ. Vợ con gì chưa?

- Dạ chưa.

- Có chỗ nào chưa?

- Dạ đi xành xạch đâu có dừng lại được mà chỗ nơi bác?

- Để tao làm mối cho, Tư Khanh, Lê Đức Anh đều có con gái lớn cả. Nhưng con gái Tư Khanh có lẽ tốt hơn. Con gái của Lê Đức Anh thì đẹp, nhưng lại dữ quá. He...e e....- Lão tằng hắng hai ba cái liền rồi tiếp - Nó mắng ba nó là thằng cha mất tư cách.

Tôi nhìn lão Một trân trân nhưng không hỏi. Lão tiếp:

- Mà cũng phải thôi! Ba nó không nên nết.

Tôi vẫn không hỏi. Lão lại tiếp:

- Mày nghĩ coi! Có vợ trong này rồi ra Bắc lấy vợ nữa là cái đạo đức gì? Thằng Cộng Sản không được làm như thế. Làm như thế còn lãnh đạo ai?

Tôi cũng biết chuyện ông Anh ở ngoài Hà Nội nhưng vẫn ngồi im, không dám phụ họa.

Tôi nhìn lão mà ngỡ mình xem phim Bạch Mao Nữ của Trung Quốc chiếu cho lính coi để củng cố lập trường vô sản. Đó là câu chuyện của một cô gái trong một gia đình tá điền. Cha cô thiếu lúa ruộng nên phải gán con gái cho chủ điền. Cô gái trốn vô rừng sống mười lăm năm. Quên mất cả tiếng nói và hoá ra người rừng. Nhờ hồng quân của bác Mao về, giải phóng nông thôn và tìm được cô gái. Cô nàng trở thành một con ngợm, tóc bạc như cụ già. Do đó gọi là Bạch Mao Nữ. Chủ đề của phim là chế độ phong kiến biến con người thành con vật, đảng biến con vật thành con người. Hồi đó xem phim, có một ông lính bần cố hỉ nổi lập trường rởm bắn màn bạc... làm nhốn nháo cả buổi chiếu phim.

Bây giờ nhớ lại tôi không khỏi tức cười: Đảng biến cả ngàn vạn con người thành một bầy súc vật trên đường Trường Sơn, ở trong rừng này lô nhô lúc nhúc, trong đó có một con khỉ mặt đỏ tên là Huỳnh Văn Một đang ngồi trước mặt tôi đây. Tóc xù, râu dài tới lưng quần, tất cả đều bạc trắng. Lão phải vắt ngược bộ râu lên vai cho khỏi vướng.

Lão Một quay mặt xuống bếp bảo vợ:

- Bà nấu cơm cho thằng cháu ăn với.

Người đàn bà bước lên. Tôi càng kinh ngạc. Một con quỷ hiện giữa ban ngày.

- Chú này ở đâu vậy?

- Ngoài Bắc về đó. Bà còn nhớ chú không? Thằng bé mật mã...

Bà tỏ ra không tha thiết với dĩ vãng, bà nói:

- Không nhớ nổi! Để tôi kêu tụi nó coi có săn được chồn mễn gì không?

Sợ tôi phân bì, lão Một giải thích:

- Chúng nó chỉ bắn bằng cạc-bin thôi, không động lắm, còn mấy chú bắn DKZ. Tiếng nổ dội tới thị xã Tây Ninh đó. Nó hay được nó ỉa dưa hấu thì tiêu hết sự nghiệp.

Bà móm mém cái miệng không còn cái răng.

- Ông trù xui không hè!

- Tôi nói để rồi bà coi. B52 nó gom lần lần như đậm cù bắt chuột. Nó cho mình vô rún nó đốt một phát là rụm cả ổ.

- Tôi biểu ông hằng đêm cúng vái mà ông có chịu đâu. Nhờ tôi đã thỉnh Phật về để trong nhà cho nên năm nay mới yên ổn đó.

- Thì tôi làm bàn thờ Phật chứ ai. Vài đêm tôi cũng đốt nhang.

- Ông đốt mà ông đứng trân trân không cúi đầu không có van vái gì hết. Phật nào chứng miên cho ông.

- Tôi vái thầm trong bụng bà biết sao được.

- Ông vái như tôi vậy mới được, chớ ông vái thầm Phật đâu có biết ông muốn gì mà phù hộ?

- Thì tôi vái Phật phù hộ Mỹ nó đừng có bỏ bom tàn sát dân mình, phù hộ cho cán bộ tập kết về giải phóng đất nước. Đó bà thấy hôn? Thằng nhỏ này về tới đây là do tôi van vái chớ ai.

Tôi suýt bật cười về câu chuyện giữa hai vợ chồng đảng viên từ 1945. Tôi phụ hoạ thêm:

- Phải đó, thưa bác, nhờ bác trai van vái Phật nếu không tụi cháu chết hết trên đường về rồi.

Vừa đến đây thì có tiếng chân đi tới. Tôi nhìn ra: Một người lẫm thấp, râu tua tủ như chổi xễ, đầu khấc khăn rằn. Một người quen. Tôi chưa kịp kêu thì hắn gọi tôi trước:

- Ờ, kìa thầy Lôi!

- Mày hả Cử?

Tôi vừa la vừa nhảy vọt ôm chầm lấy gã đàn ông. Chúng tôi ôm nhau. Hắn khóc sướt mướt như con nít. Nước mắt ẩm cả vai tôi. Cử là trung đội trưởng dưới quyền tôi hồi ở Hà Nội. Anh ta hơi lùn có đôi chân to, và bàn chân đi bẹp bẹp như vịt xiêm, uống rượu như nước lả, hút thuốc thì điếu này hạ rộng điếu kia động quan. Hồi 56 nghe tin không có hiệp thương, hai đứa ra bãi cỏ chân đê uống mấy bình-toong rượu. Hắn khóc hoài không chịu vô nhà: "Kiểu này thì mình bỏ thây xứ Bắc rồi!"

- Bây giờ còn đòi về nữa hết?

- Về được tới đây nhưng đây đâu phải là nhà.

- Thì vài năm nữ... a.

- Cứ vài năm hoài. Vài năm là mấy năm thầy?

- Hai năm!

Tôi tung hai ngón tay lên theo kiểu tiễn biệt nhau ở bến Chắc Băng. Cử mọp xuống xá xá, nói giọng miền Bắc:

- Xin vái cả mũ! Con ớn quá rồi bác ạ!

- Vụ hốt ổ chị hĩm Điện Biên thế nào?

- Xù rồi. Về Nam còn hốt làm gì nữa.

- Bỏ lại cho ai?

- Mấy thằng bạn mọc nanh trong đơn vị bị chê sức khoẻ kém.

- Vô hồi nào?

- Thầy đi mấy tháng sau tôi cũng đi.

- Về đây bao lâu rồi?

Cử thò đầu vô cửa.

- Ngót một năm! Bác Một để cháu dẫn thầy Lôi về trại ăn cơm. Bác gái khỏi lo. Đây là ông thầy của cháu đấy!

Thế là Cử dắt tôi về sơn trại. Hắn cho biết hắn chỉ huy một đại đội bảo vệ, công tác chính là tìm hang ổ đảng Thanh Long. Hắn nói:

- Tụi này khiếp lắm. Bọn nó là gốc lính nên chiến thuật của mình chúng nó biết hết, do đó né tránh rất tài tình. Ước chừng trên một trăm tên, chia làm hai ba nhóm và có khả năng đánh đồn cơ đấy. Súng thì chúng nó ăn trộm trong kho mình. Mẹ kiếp, thằng đầu đảng là một anh tiểu đoàn phó.

- Thế à?

- Là đảng viên nữa chớ!

- Sao chú biết?

- Nó tự xưng danh tánh quê quán chức vụ và đơn vị hẳn hoi mà. Ở trên đã kiểm tra. Đúng y!

Cử đãi tôi một bữa cơm không thể tưởng tượng được. Toàn là bơ sữa và đồ hộp Mỹ. Còn rượu thì Mao Đài tửu. Tôi hỏi nhỏ. Nó cười khe khẽ:

- Ở đây muốn gì có nấy. Mấy ổng toàn chơi các thứ này, nhưng nếu có ở trên xuống kiểm tra thì đưa ra thịt rừng và rượu đế, muối kho quéo, thầy biết không?

- À ra thế.

- Từ đây ra ấp chiến lược Trại Bí có bao xa! Thầy ở đây chơi đến mai tôi có món khác đãi thầy. Thuốc thơm loại của cụ Hồ hút tôi cũng mua được.

- Không sợ hủ hóa à?

- Hũ chìm thì sợ, hủ hóa thì đừng lo. Nay mai một cơn sốt ác tính là xong đời thằng giải phóng.

Cử cười nói oang oang, khoe bộ răng xếu xáo mất hàng ngũ và vàng lườm. Cử vào trong buồng khệ nệ ôm một hũ da đen láng như hũ đựng tương của Ba Tàu ra khoe với tôi:

- Đây là thuốc trường sanh bất tử của tôi đó thầy ạ.

- Thuốc rượu con Bìm Bịp hả?

Cử để cái hũ trên bàn rút nút ra đưa miệng hũ tận mũi tôi:

- Thầy hít cho khoẻ! - Rồi rót ra một chiếc ly bầu đưa cho tôi - Thầy nếm miếng coi!

Tôi hớp thử, thấy ngon, rồi uống cạn. Tôi gật đầu khen:

- Hơn rượu Hà Thủ Ô của Quốc Doanh Dược Phẩm Bờ Hồ xa.

Cử giải thích:

- Đây là thuốc của vua Minh Mạng! Thầy quên rồi sao? Hừ hừ... Thầy mãi lo "hát chèo hát bội" với mấy em Văn Công mà quên ráo hết. Đây là bài thuốc mà mỗi thằng đi Nam đều mang về để tặng bà con mình. Ngũ dạ nhất giao...gì đó

- Ờ! ờ! Tao nhớ ra rồi. Nhất dạ ngũ giao sinh lục tử.

- Nhưng chưa có hay đâu!

- Một đêm pháo kích năm quả đẻ sáu con mà chê à?

- Tôi còn một hũ nữa.

- Hũ mắm bò hóc... không đau lưng phải không?

- Hé hé... hổng chừng đâu đó!

Cử lại ôm ra một hũ khác cũng da đen láng.

- Đây là thuốc rượu bao tử nhím. Cái này là ông Một bày cho chớ tôi cũng không biết! Như vầy: Thầy bắt được con nhím, thầy làm thịt, lấy máu tươi pha rượu uống trị nhức mỏi trước lấy vốn cái đã, kế đó là trút ba cái thứ thập vật trong bao tử của nó ra rổ, xào bao tử ăn. Ăn bao tử nhím bảo kê mình không đau bao tử cả đời.

- Thiệt không?

- Thì người ta đồn thế thôi chứ ai mà dám bảo đảm! Kế đó là đem cái rổ thập vật kia xuống suối rửa cho sạch.

- Thứ gì vậy?

- Nó ăn toàn là rể cây nên thuốc. Bao tử của nó như một cái hũ thuốc vậy. Rửa xong rồi đem dồn vào hũ, bỏ thêm cái mật của nó vô. Có mật kỳ đà tống luôn càng tốt. Nếu có xương khỉ, nanh heo rừng quăng vô luôn cũng không có hại gì!

- Vậy cũng chưa đủ "thập vật".

- Còn xương heo, mật gấu, dái dê rừng, c... bò rừng, có được thứ nào hay thứ ấy. À, nhung nai...

- C.. trừu Mông Cổ bán ở mậu dịch quốc tế nữa chớ!

- Hề hề... Thuốc rượu này đại bổ thận đó thầy ơi! Uống một ly chạy ngông ngoài rừng cả ngày chưa hết ngông. Đặc biệt cái nữa là trong uống ngoài thoa hiệu nghiệm ngó thấy.

- Chú mày đã thử chưa?

- Thử rồi chớ.

- Làm sao chịu nổi?

Cử vụt cười.

- Tôi ra rừng ôm gốc cây la làng một hồi thì cái hỏa nó hạ xuống. Nếu thầy có "đất" và muốn thử cho biết thì tôi chiết ra cho thầy một xị đem về dùng. Mà không được đâu! Thôi thôi thầy ơi! Con b... của mình ở ngoài Bắc chỉ làm nhiệm vụ chiến thuật còn nhiệm vụ chiến lược thì không có nơi thi thố. Mong được "về nước" để làm nhiệm vụ chiến lược nhưng kẹt ở đây rồi, nó vẫn làm nhiệm vụ chiến thuật không thôi. Một thời gian nữa chắc chúng mình trở thành bà bóng hết ráo!

- Kệ nó! Rót cho tao một chút uống thử xem có lên "liều" không?

- Tôi cam đoan với thầy là pháo ngóc nòng 90 độ và đạn thì "bắn liều bảy ngòi tức thì".

- Tao thấy ông chánh ủy U mình cũng có loại này.

- Sao thầy biết?

- Hồi tao mới về ghé trại sản xuất Sáu Ngọc gặp ổng ở đó ổng đãi tao một ly nhỏ.

- Rồi sao?

- Thì đúng y như mày nói "liều bảy"!

- Đó là của tụi này cho ổng chớ ai. Thằng thổ lai Sáu Ngọc chỉ giỏi tài ngoại giao bên bót tụi đui cà then thôi chớ nó không biết săn bắn gì hết! - Được trớn Cử thuyết trình luôn -Tôi về đây không lâu mà rành săn thú một cây. Riêng tôi hạ sáu con nai chà. Mỗi con lột ra hơn trăm kí thịt. Sừng heo đầy trong nhà. Thầy muốn không, lấy về máng quần áo chơi?... Hà hà... thằng Cử này một ra đi là có nai heo khiêng về. Buổi tối cũng có nhưng tốt nhất là lúc hừng sáng, nai ra ăn cỏ còn ướt sương. Thầy nên nhớ muốn săn thú mình phải cởi bộ đồ của mình ra phơi sương một đêm.

- Chi vậy?

- Cho bán mùi người. Thú rừng con nào cũng vậy, rất thính hơi, nhất là nai và heo rừng. Bởi vậy có thằng lội rách cả quần mà không được mẻ gì hết! Tôi bày cho cách đó nhờ vậy mà săn mới có kết quả

- Bộ ở đây ngâm rượu thuốc sống hay sao?

- Chớ thầy bảo tôi còn biết làm gì bây giờ. Muốn cưới con vợ khác mà tìm đâu ra? Thổ cũng được, Thổ cũng như Mán Mường ngoài kia chớ gì! Ngoài kia anh em mình lấy vợ Mán vợ Mường đâu có sao. Thổ còn được điểm hơn là cái "hũ thuốc rượu" của nó xài khỏi đau lưng, hớ hớ...

- Mình xin rút cậu về trường pháo, chịu không?

- Ai biết đâu nà!

- Để tao đề nghị nhé.

- Lại liều năm liều bảy góc tọa độ DKZ75, cối kiếc nữa hả? Gì cũng được nhưng cho tôi về Củ Chi kiếm chút chất nhờn. Con vợ tôi bặt tin đã tám năm rồi nhưng ở ngoài đó tôi cứ tin tưởng rằng "Đất Bắc anh gìn còn tí ngẵn, trời Nam em giữ cái bề hê" hoài. Đến chừng về tới đây, cho người đi móc, còn gì đâu mà móc với ngoéo?

- Ủa, sao vậy?

- Vợ tôi nó đã dông mất rồi chớ sao!

- Do chánh sách tố cộng, cô ta bị bắt ép lấy lính Sài gòn chớ gì!

- Không! Không phải! Nó cặp với một thằng chi ủy rồi đi ra Bà Rịa gì đó!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx