sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11

Thế là hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn pháo binh hùng dũng trở về trường. Tôi bảo thằng Lực đắt Tiểu đội về trước. Còn tôi, Bùi Khanh, Tôn Sứt và hai tội nhân Huỳnh Châm, Võ Sâm ghé trại sản xuất của Sáu Ngọc. Bé Ngà đang chơi trước sân chợt thấy chúng tôi, ù té chạy vô nhà la bài hãi:

- Má ơi! Má... chú kia tới bắn mình!

Tôi biết là bé nhớ vụ Huỳnh Châm đi săn rồi bắn chết thằng Thiếu úy Liêm khiêng về tại đây trước mặt ông chánh ủy Tư Khanh. Cả nhà bàn tán rầm rầm, cho nên bé Ngà nghe hết. Chị Sáu ló mặt ra nhìn chúng tôi rồi nói:

- Mấy chú mấy bác ở trên trường chớ có chú nào bắn mình. Đừng nói bậy bạ ba nghe đánh đòn.

Bé Ngà vẫn cãi:

- Có! Có chú bắn người!

Huỳnh Châm đi sau cùng. Có lẽ nó sợ thấy lại nơi này. Bây giờ nghe con bé la nó càng lựng khựng. Thiệt là khó giải thích cho con nít. Bữa cơm chiều hôm ấy do chị Sáu Ngọc nấu rất ngon. Mắm kho cá lóc ăn với bông bí và rau muống luộc, không ai uống một giọt rượu nào. Không khí buồn tênh. Ăn cơm xong tôi hỏi qua công việc sản xuất và tình "bang giao" lậu Việt Miên. Sáu Ngọc báo cáo rằng "tụi nó" lúc nào cũng thân thiện nhưng bắt tay phải có "Rịa" kèm theo. (Đó là chuyện muôn thuở đối với bất cứ sự bang giao nào) Tôi nhờ Sáu Ngọc mua một ít pin để dùng trong việc huấn luyện. Sáu Ngọc hứa sẽ có ngay: "Thủ trưởng mua súng nó đang mang trên vai nó cũng bán mà." Sáu Ngọc cười hắc.hắc:

- Tụi này kỳ cục lắm thủ trưởng a. Lính mà mặc xà rông áo thung trong lúc ngồi gác trên chuồng cu. Tôi lên đó chơi hoài. Tụi nó lên chuồng cu để đánh bài. Nó thua là lột đồng hồ tay ra đặt. Thua đồng hồ tay đặt luôn tiền lương. Thua hết tiền lương đặt tới vợ con.

- Hả? Cậu nói thiệt chớ?

- Dạ tôi không có đặt chuyện mà thủ trưởng. Mà có điều lạ là chúng nó đặt gì chung nấy. Nó thua vợ con, nó đưa vợ con cho thằng kia ngay.

- Tụi gì kỳ vậy?

-Tôi đã thấy tụi nó đi xe máy dầu, rủi bể bánh, nó xách súng bắn bỏ cả chiếc xe. Xe hơi nó cũng làm y như vậy. Tụi nó chơi bời bạt mạng cô hồn lắm thủ trưởng ơi. Bởi vậy lắm khi nhìn tụi nó tôi nghĩ thầm: Tụi này mà cho lính mình càn chỉ một ngày là giải phóng Nam Vang luôn. Chúng nó vô quân đội để buôn lậu không phải để đánh giặc.

- Kệ nó, mình hiện bây giờ sống nhờ cái sự bạt mạng và sự buôn lậu của nó. Nếu không có nó làm sao mình xoay sở giải quyết được các thứ khó khăn. Sắp tới Xóm Mới sẽ bị quét khỏi vùng này. Các đường dây mua đồ lậu Trái Bí, Mỏ Công đều sẽ bị cắt đứt hết.

Sáu Ngọc chưng hửng.

- Thiệt sao thủ trưởng?

- Chúng nó đang chờ mình "lòi lưng" toàn bộ là chúng nó làm một cú dữ dội. Anh nên cho chị và cháu về quê đi!

Không hiểu sao tôi lại nói ra làm chi một ý nghĩ mất lập trường như vậy. Có lẽ tôi thấy bé Ngà không được đi học, sốt rét mặt mũi vàng như nghệ chăng? Bé Hà con của anh chị Ba Chí, bé Rớt con của cô Lụa và bao nhiêu đứa bé khác khắp Miền Nam đã phải chịu cảnh mồ côi, đói rét, bịnh tật, thất học vì cuộc "chiến tranh giải phóng" này.

Ngày mai tôi, Bùi Khanh và Tôn Sứt về trường, Châm và Sâm ở lại đây. Tôi biết chúng nó bơ vơ lắm. Tôi sẽ bảo anh Sáu cất cho chúng một cái chòi ngoài rẫy rau muống và anh sẽ cung cấp hạt giống cho chúng nó.

Tôi rất ngậm ngùi nghĩ tới hai sĩ quan quân đội nhân dân vượt Trường Sơn về đây để lãnh án đày. Có khác gì hàng vạn lính Nam kỳ ở Xuân Mai, Lam Sơn? Trên núi đất bỏ hoang con cháu "Thành Đồng Tổ Quốc" lên đó khai phá mà sống. Trên rừng chưa có dấu chân người, hằng vạn tù nhân ở Côn Đảo mới về được đưa lên đó để tự túc các thứ. Nông trường Xuân Mai, nông trưòng Lam Sơn là những chứng minh hùng hồn nhất về sự "ưu đãi" của Trung ương đối với dân Nam Kỳ. Ở đó họ cùng đường quẩn trí nên đã trốn về Nam, bị bắt bị tù hoặc ở lại cày cuốc làm bạn với thú rừng và cưới vợ Mường vợ Mán. Ở Lào Kay, Yên Báy tù nhân Côn Đảo do Pháp trao trả đã phải đổ máu thêm để làm con đường mang tên Võ Nguyên Giáp, không phải vì họ kính trọng Võ Nguyên Giáp mà vj họ chận đường ông này để nêu kiến nghị. Với Cộng Sản không có lời hứa nào được giữ đúng. Trong lúc gian nan khổ cực thì họ là bạn đồng hành, nhưng khi thành công họ là những tên phản bội, phản bội dân và phản bội lẫn nhau. Họ chỉ trung thành với quyền lợi cá nhân họ mà thôi.

Sau gần mười năm bị lưu đày dân Nam Kỳ lại được đảng xách đầu tống về Nam qua con đường xương trắng và về đây lại trở lại kiếp người rừng. Viết làm sao cho hết những nỗi khổ và niềm đau của dân Nam Kỳ bị lừa bị đày bị giết bởi tay một tên đao phủ khoác áo dân tộc: Hồ Chí Minh. Nó giết dân Nam Kỳ bằng cái "Thành Đồng Tổ Quốc", bằng tập kết hai năm. bằng nông trường, bằng thuốc độc bỏ trong nước ngọt, nó giết dân Nam Kỳ bằng Trường Sơn, bằng Mặt Trận Giải Phóng, nó nướng dân Nam Kỳ bằng Mậu Thân, và giờ đây nó giết dân Nam Kỳ bằng Đổi Mới Tư Duy bằng răng cá mập. Ôi, tên đao phủ lớn nhất lịch sử Việt Nam! Hắn vẫn còn nằm đấy để nghe chửi bới bằng ca dao từ miệng của chính những kẻ đã từng tôn thờ hắn bốn năm chục năm nay. Cách mạng tháng tám là mẹ đẻ ra một chế độ mọi rợ và vô luân.

Tôi biết thằng Sâm buồn và hận lắm. Không phải hận vì đã quơ một cô nữ thanh niên xung phong đem vào nơi rậm rạp hôn hít. Có gì là tội? Nó chưa vợ cũng chẳng hứa hôn với ai. Nó bỏ ít ra là vài ba cô nhân tình xinh như mộng ở Hà Nội để đi về đây. Cho dù nó đi xa hơn sự hôn hít với cô nữ thanh kia thì đã sao? Nó đâu có cưỡng bức cô nàng. Tối hôm đó, tôi phải lôi nó ra ven rừng để công tác chính trị trước khi chúng tôi về trường. Nó nói ngay:

- Nếu thi hành kỷ luật tôi thì cũng phải thi hành kỷ luật những tên khác!

Tôi biết hắn ám chỉ những tên khác là những tên nào. Nó hơi ỷ thế của anh rể nó là Dương Cự Tẩm đang làm chánh ủy I/3 tức là chiến khu 8, nên phang ngang bửa củi. Hắn nói như gắt.

- Lão râu quặp có vợ rồi phải không anh’?

- Có con gái lớn gả cho mình được rồi?

- Nhưng nó lại lấy cán bộ cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm. Cách mạng à? Có ai thi hành kỷ luật ổng không?

Hắn hạ tiếng "lão" xuống "ổng" để bớt vẻ phạm thượng.

- Sanh con há dễ sanh lòng mày ạ!

- Thôi được, nhưng còn ổng thì sao. Vụ Ái Mỗ... lấy con gái Việt Kiều!

- Ối thôi, cái chuyện đó đã xử êm rồi.

- Xử chìm xuồng như vậy coi được à? Nếu lính lãi mà làm như ổng thì khai trừ, lột áo lính hay gì nữa. Ổng trên năm mươi lấy con gái Việt Kiều mười tám. Cô ta có chửa, ổng quất ngựa chuối chuồn vào Nam. Tổ chức không nói gì lại còn phong lên một cấp và vác tiền đến năn nỉ bà mẹ cô ta, xin dược chu cấp cho thằng bé và yêu cầu bà đừng làm to chuyện.. Kỷ luật sắt là như vậy ư? Tôi nói thiệt tôi không phục ổng và ông Ba Nhã chút nào. Làm lớn mà nêu gương xấu.

- Tao lạy mầy Sâm ơi! Mày muốn yên thân thì phải câm cái miệng và làm khổ sai ba tháng, tao sẽ tìm cách phục hồi đảng tịch cho mày, chứ mày cứ ong óng cái họng của mày nó sẽ cum mày luôn.

Sâm dường như không nghe tôi nói cứ càn tới:

- Còn Lê Đức Anh tôi cũng rành quá sá. Thằng chả...

- Tao rành ổng hơn mày nhiều Sâm ạ!

- Phải thằng chả có vợ ở trong Nam không?

- Đoàn trưởng Bành-xê-cu-đê của tỉnh Thủ Dầu Một (PNCQ). Bà ta tên Nguyễn thị Ót Ét gì đó.

- Sao ra Hà Nội cưới con gái Trưng Vương?

- Mày hỏi ổng chớ sao hỏi tao mậy?

- Cũng chẳng thấy ai nói gì.

- Có chớ! Con gái ổng, con bé Thanh Tuyền hiện giờ đang ở trên R làm thơ ký. Nó không nhìn cha nó. Nó bảo: "ông là người không có tư cách, không đáng làm cha tôi, không xứng danh người cộng sản như tôi được nghe tuyên truyền là rất cao cả, đạo đức."

- Rồi thằng chả nói sao?

- Mất tư cách thì nó nói mất tư cách chớ còn nói sao nữa. Đó là lời phê bình đích đáng nhất.

- Ổng sắp lên tướng rồi đó.

- Lên tới gì nữa kìa, Tướng ăn thua chi? Sự đời nó là như vậy, cóc nhái có kêu thì cũng chỉ cóc nhái nghe.

Sâm làm thinh. Tôi vỗ vai nó:

- Thôi, vậy nhé. Cố gắng khớp cái mõm của mày lại ba tháng. Rồi mọi việc sẽ êm xuôi.

Nằm tại nhà Sáu Ngọc hai ngày, chúng tôi được anh mua giúp cho đủ mọi thứ đúng yêu cầu. Có những món quốc cấm cũng lọt tuốt.

Tiếp phẩm của R cũng qua ngỏ Vạch Ruộng này một cách thênh thang. Máy cưa, máy nổ, tủ lạnh, nhiều loại y cụ cao cấp, nhiều loại thuốc men quí, đều qua đây để vào Xóm Mới rồi tỏa ra khắp vùng R đóng. Lính Miên móc nối với cấp chi huy của họ ở Cao Miên, mua chở rần rần vào đây như được phép của thằng vua bò hóc vậy. Có "Rịa" là vua thôi. Chúng tôi một đám quần thần ăn mót của triều đình khỉ đột có cái tên quái gỡ là R. Cái đuôi khỉ sao mà dài thế. Từ Hà Nội trườn vào tới đây. Dân Nam Kỳ sẽ gặm nó đời đời kiếp kiếp.

Đêm đó Tôn Sứt cho tôi biết rằng cuộc hội ngộ giữa bà khu ủy viên và Bùi Khanh:

- "Quân ta toàn thắng. Quân địch cuốn "ró" chạy dài ".

- Kể tỉ mỉ tao nghe để đề ra phương châm chiến lược.

Tôn Sứt cười cạch cạch như miểng vùa bể:

- Thì hai bên mới gặp nhau có mòi mắc cỡ, nhưng tôi giới thiệu gà nhà ngay: Trường chúng tôi muốn liên hệ công tác với địa phương để bàn về việc phòng gian bảo mật. Đây là đồng chí Thiếu tá Bùi Khanh. Rồi quay lại bà ta: Còn đây là nữ đồng chí khu ủy viên có toàn quyền quyết định mọi việc. Hai bên lấm lét chào nhau. Cả hai đâu có biết là đã nằm trong vòng sát thương của pháo nhà mình.

- Thằng Hùng Cối dẫn bả tới hả?

- Bả dùn dằn không chịu đi. Nó bèn dọa bả: Nghe đồn có tin chụp lớn vùng này, chị phải vô cơ quan quân sự để bàn việc tránh né. Thế là bả xách giỏ trầu đi theo nó. Nó dẫn bả tới giao cho tôi. Tôi đem bả đến lều Bùi Khanh mắc võng cho bả ngồi nói chuyện quân sự còn tôi thì cà rà một chút rồi kiếm cớ rút lui.

- Mày thấy bả như thế nào?

- Thì như thế đó chứ còn thế nào nữa?

- Không! Tao nói con người của bả so với ông anh mình như thế nào kìa!

Tôn Sứt cười to lên và đưa tay bụm miệng như sợ mép rách rộng thêm ra, rồi nói:

- Con người của bả mới nhìn thì thấy hai cái "u điểm".

- Ưu điểm gì?

- Khó nói lắm. Để cho ông anh mình nghiên cứu trong lúc hai bên cộng tác với nhau. Sau hai cái "u’ là một cái khuyết! Cái khuyế...ết này khó nhìn thấy lắm. Phải vận dụng nhãn quan cách mạng thật sâu...

- Gì mà ghê gớm vậy? Là người cách mạng, hễ thấy đồng chí mình có khuyết điểm mình phải vạch ra nêu lên cho rõ để đồng chí mình sửa chữa chứ! Sao nhút nhát vậy?

Tôn Sút cười ré lên một hồi rồi đập vai tôi:

- Để cho ông anh mình ổng vạch! Tôi không "rám"!

Tôi vỡ lẽ ra thằng Sứt cà rởn. Tôi gắt:

- Tóm lại mày thấy thế nào cặp gà này?

- Bên ta thì ăn trùm rồi.

- Vậy mình cho nạp đạn liều bảy, ngòi tức thì nhé?

Tôn Sứt gật và báo cáo thêm:

- Bả phàn nàn mình dữ lắm.

- Mình làm gì mà bả phàn nàn?

- Đó là nói chung các cơ quan và lính tráng. Bả nói mình nghênh ngang vô kỷ luật quá trời. Có người rượt bắn cả du kích của bả. Tệ hơn nữa là nhiều người chiêu hồi chỉ điểm cho biệt kích đánh cơ sớ của bả. Có cả một gia đình tập kết ở trong R dắt nhau ra Ty Chiêu Hồi Tây Ninh.

- Gia đình tập kết là cái thá gì?

- Chậc! Là cán bộ tập kết về tới R, móc vợ con vô ở chung như ông Bảy Hết Ba Giao ở trường mình vậy. Sau một thời gian rù rì, ông chồng cõng con theo vợ về thành luôn.

- Sao du kích bả không chặn lại?

- Nó đâu có đi ngõ chính đâu, nó cắt rừng ra Mỏ Công.

- Đ. m. Còn cái nạn đó nữa! Lâu nay tao cứ bù đầu với ba cái giáo án đâu có biết gì.

- Coi chừng hai thằng ông nội con nít bị bắt khổ sai bất mãn vù luôn đó.

- Chúng nó đều là đảng viên cả mà.

- Xì! Anh hùng quân đội Nguyễn Văn Song thuộc F338 không đảng à? Hắn trốn mất tiêu, cả F tìm không gặp. Bất mãn rồi việc gì không dám làm, giống gì không dám bỏ.

Hôm sau trên đường về tôi nháy Tôn Sứt đi trước, tôi rà rê với Bùi Khanh. Tôi hỏi:

- Công tác tốt chớ anh?

- Bắn như vậy là bắn ếch nhái chớ tốt gì?

- Không, cái đó để về bàn lại, tôi muốn hỏi anh liên hệ với bà khu ủy viên kìa.

- Bả có biết con mẹ gì mà liên hệ. Ba thằng du kích gác cái tam giác chết của bả không xong còn làm cái gì.

- Anh thấy bả thế nào?

- Bả là một người rất đáng kính phục, nhưng cũng đáng tội nghiệp.

- Tại sao kỳ vậy?

- Vì bả không biết cái gì cả.

- Biết cái gì là cái gì?

- Cái gì bả cũng không biết. Tao cũng không biết tại sao người ta đưa một người đàn bà như vậy lãnh đạo mấy tỉnh!

- Mình thắng Mỹ họa may là nhờ liều mạng chớ đâu phải nhờ hiểu biết, cho nên loại người như bả là đáng được đưa lên lãnh đạo chớ sao anh!

Bùi Khanh móc trong túi ra một miếng giấy:

- Mày coi đây này!

- Bức thư tình gởi cho ai hả?

- Gởi cho ông Nguyễn Vô Thọ.

Tôi nhìn qua thấy mấy dòng chữ như sau:!!!Kín gỏi ông chủ tịt Mạc trận dải phóng.!!!...........!!!Than áy chà huyết thắng giặt mỷ xâm lượt..

Vì chữ nghĩa như thế nên tôi chỉ đọc câu đầu và câu cuối rồi xếp lại đưa cho Bùi Khanh. Bùi Khanh lắc đầu:

- Bà này mà ra Trung ương chắc sẽ được xếp trên bà Tạ Thị Kiều và được đề bạt Hiệu trưởng trường Nguyễn Ái Quốc, hơn thằng Nguyễn văn Sơ cần vụ của ông Thanh Sơn ba vợ hụt của mày.

- Ờ, thằng ma-cà-rồng đó nhờ khai man lý lịch bần cố hỉ mà được cho làm hiệu trưởng trường CCRD Trung Cao của quân đội rồi nó quay trở lại nẹt ổng là địa chủ bóc lột.

Tôi không biết tình cảm của Bùi Khanh như thế nào nên gọi Tôn Sứt lại và nháy nháy. Tôn hỏi:

- Nhưng mà anh coi bả được không anh?

- Được cái gì chớ?

Tôn phải nói toạc quách ra:

- Tụi tôi nội ứng với Hùng Cối cáp độ ông với bả đó.

Bùi Khanh làm thinh. Tôi chờ đợi. Nhưng anh không nói gì. Tôn nghĩ là anh đã chịu đèn nên tiếp một cách dí dỏm:

Bùi Khanh trừng mắt:

- Giật? Mày coi chừng cái mép của mày rách tới mang tai đó!

Bỗng từ trước có một nhóm người lúm xúm đang đi tới. Họ khiêng võng. Họ dừng lại dọc đường.

Tôi nói:

- Lại sốt ác tính khiêng đi K71-B rồi!

- Mỹ chưa đánh đã chết.

Chúng tôi đi tới. Không phải sốt ác tính. Một anh mặc đồ bà ba lụa đen của miền Bắc, hỏi tôi:

- Đồng chí có biết K71-B ở đâu không?

- Cứ đi thẳng quá cầu Cần Đăng thấy có đường mòn che lấp bằng một thân cây ngã ngang, rẽ vào, đi thẳng chừng ba cây số cứ việc đi hoài, đụng suối, băng qua, lên dốc là tới.

Tôn nhanh miệng làm tài khôn đáp hớt một dây nghe mà điếc con ráy. Người kia la lên và lắc đầu nguầy nguậy:

- Không phải. Đó là L72.

- Không phải thì tự đi tìm lấy. Biết sao còn hỏi?

Tôi nhìn được đít võng. Thấy còn máu tươi, bèn hỏi:

- Bị thương à?

- Dạ vâng.

- Đánh ở đâu?

- Dạ không đánh ở đâu cả, làm trật tay nổ lựu đạn đấy!

- Bị thương có nặng không?

- Dạ một chết một bị vỡ bao tử có chạm gan.

Đúng vậy. Lựu đạn nổ. Một người chết, một người bị vỡ bao tử chạm gan. Một người con trai, một người con gái. Người con gái là dân ở đồng bằng tên Lai. Người con trai tên là Ái. Hai cô cậu yêu nhau. Trong cơ quan có cả trăm thanh niên nhưng chỉ năm cô gái. Cả năm cô đều có người yêu hoặc đã hứa hôn. Cô Lai yêu cậu Ái. Vì họ đẹp đôi quá chừng mà lại không phải là đoàn viên thanh niên Lao Động. Không biết đám Thanh Niên Lao Động có ganh hay không mà lần nào họp đoàn cũng mang cặp Ái Lai ra phê bình như một gương xấu cá nhân chủ nghĩa, hưởng lạc. Đó là một sự nhục mạ mang màu sắc chính trị còn khó chịu hơn cả lời nhiếc mắng của dì ghẻ.

Cho nên cô cậu chia hai quả lựu đạn để chấm dứt sự nhục mạ đó đồng thời lên thiên đàng hưởng lạc vĩnh viễn mà đếch có mồm loa mép dãi nào chỏ vào.

Sự thực chăm phần chăm em ơi! Xóm Vịnh, cách trường HL Tân binh 365-A của ông Tư Lê Xuân Chuyên và trường pháo binh ở tại suối Nàng Rà không bao xa. Tôi không bịa nổi một câu chuyện ly kỳ rùng rợn như vậy được!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx