sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13

Lễ lộc của nhà Cộng thì cái nào cũng giống cái nào. Diễn văn khai mạc. Hoan hô. Báo cáo thành tích láo. Hoan hô. Cảm tưởng nịnh hót của đại biểu. Hoan hô. Huấn từ của Hồ chủ tịt. Hoan hô dữ dội. Hứa hẹn vượt kế hoạch nhà nước năm trăm phần trăm. Hoan hô kịch liệt. Hội nghị bế mạc thắng lợi hoàn toàn.

Cái "lễ mừng công" pháo kích Biên Hoà này cũng nằm trong công thức muôn năm đó. Không có gì hấp dẫn. Chỉ có một điểm tôi cần ghi lại đây là tôi không hiểu tại sao các tên nhà tu Hồ Huệ Bá, tên thầy chùa lỗ mũi trâu Thích Đôn Hậu và ông Phối sư một mắt Phạm Văn Ngởi bỏ Chúa, Phật, Đức Chí Tôn mà thờ thằng Dao Mác? Bỏ nhà thờ, bỏ chùa, bỏ thánh thất mà theo lũ quỷ đỏ? Chính hồi đó tôi thấy nhờm và tởm quá nhưng không dám nghĩ nhiều. Quả Hà Nội có tài bịp siêu đẳng. Còn đám văn sĩ bác sĩ kỹ sư như Lữ Phương, Thanh Nghị, Dương Quỳnh Hoa, Trương Như Tảng thì học lóm mác-xít được mấy trang mà mê muội vậy. Bây giờ (1991) sau hai mươi bảy năm (1964-1991) phụng thờ tên Râu Xồm đã ngã ngửa ra chưa? Nếu chưa thì xin phép sang Liên Xô xem cái mặt Stalin ở Kreimlin văng mất cáí lỗ mũi và sang Roumanie xem phim Bucharest dân treo cổ Lénine. Còn con mụ Qùynh Hoa, ngồi phải cọc giải... phóng có êm không mà cười tươi như mếu vậy. Ngài Tôn Thất Dương Kỵ (và ba ngài nữa) sau khi bị tống qua cầu Hiền Lương sống với xã hội chủ ngãi ra sao, sao không viết hồi ký cho đồng bào toàn quốc đọc chơi?

Thôi bỏ mẹ cái đám theo voi không được hít bả mía đó vô giỏ gà toi cho rảnh mắt. Bây giờ xin đi vào cái hậu trường của "lễ mừng công", nó dzui hơn cái bộ mặt tiền của nó nhiều.

Sau phần văn nghệ, các ông bà đại biểu cũng như đoàn anh hùng 69 chúng tôi và văn công giải phóng cuốn màn rút lui nhanh vì sợ B52. Ngồi dự lễ và xem văn công ai cũng phập phồng, mặc dù bốn phía có trạm gác xa trạm gác gần nhưng làm sao mà chui cho kịp với B52. Vả lại không có hầm hố gì hết. Quân ngũ nào mà đào hầm núp cho đủ một ngàn người?

Lúc nãy tôi đã để ý thấy một vai kịch đóng bà già có dáng quen quen. Tôi chen vô hội trường để tìm. Thì ra đó là anh Bảy Thiểu, một trong những người hướng dẫn Ban Rùm Beng của Trung đoàn 300 hồi 1947-1948 ở Rừng Sát - Lý Nhơn.

Anh Bảy hình như là anh của Tám Củi ở Văn Công Nam Bộ đang đóng tại Hà Nội. Anh suốt đời mê sân khấu. Những người cùng lứa tuổi với anh thời đó đã bỏ về thành hết rồi trong số có nhạc sĩ Văn Lương, nhưng anh vẫn còn mê cách mạng. Theo Văn Công anh chỉ đóng những vai phụ. Công việc chính của anh là dàn cảnh hóa trang và ánh sáng.

Bây giờ anh già sọm trông thê thảm quá! Lại có dắt theo thằng con trai mười hai tuổi để hụ hợ những vai kịch thiếu nhi giải phóng. Thấy tội nghiệp và biết anh cần súng nên tôi cởi cây P38 quàng ngang lưng anh: "Tặng anh đó, anh Bảy!"‘

Bảy Thiểu cảm động muốn khóc. Anh không ngờ tôi đã trở thành anh hùng được mọi người nhìn ngó, được các ông bà trí thức Sài gòn tấm tắc khen và được các em nữ sinh Sàigòn mới vô khu bu lại hỏi chuyện thiếu chút nữa thì bắt xác luôn. Bỗng tôi nghe tiếng eo éo từ góc hậu trường:

- Anh Hai, còn nhớ em không?

Tôi quay lại.

- Kim Chi trường Miền Nam nè!

- Vậy hả?

- Anh nhớ chị Ánh Tuyết chớ đâu có nhớ em làm chi!

- Hồi nãy em đóng vai gái bán bar chớ gì! Anh nhận ra ngay mà!

- Vậy mà hổng tìm người ta!

- Hồi anh xuống Hải Phòng đến trường 6 trường 8 hoài chớ sao không tìm!

- Người ta ở trường 4 mà!

- À vậy hả?

Thấy cườm tay cô bé tròn trỉn lại đeo đồng hồ thớt cối đá của Liên xô, tội nghiệp, tôi nói ngay.

- Cổi liệng đi, anh cho cái Wyler nè! Còn bắt lỗi hết?

- Rồi anh lấy gì đeo?

- Anh không cần.

Tôi cởi chiếc đồng hồ trên cườm tay sốt rét hơi vàng nhưng còn mềm mại của Kim Chi. Tôi ném cái đồng hồ xuống góc sân khấu rồi cởi đồng hồ của tôi đeo cho nàng.

- Đừng trách anh nữa nghe... cưng!

Kim Chi ôm choàng lấy tôi hôn một phát nóng ran trên mặt giữa sự ngạc nhiên của mọi đào kép giải phóng.

- Chừng nào về Rạch Giá?

- Chừng nào anh về, em về chớ biết chừng nào mà hỏi?

- Chồng con ra sao?

- Thì cũng vân vân... chịp... thôi, anh đừng hỏi. Còn anh có gặp chị Ánh Tuyết không?

- Cô ấy đi học gì bên Trung Quốc! Anh có gặp ở Hà Nội.

- Chừng nào ăn trầu cau cho em hay nghe!

Bỗng có tiếng gọi từ bên ngoài.

- Lôi ơi, ra đây có người gặp.

Thì ra ông Hai Nhơn, ông thầy văn hóa, thầy âm nhạc, thầy đời của tôi từ xưa cùng tuổi với anh Bảy Thiểu. Anh có Tú Tài trước 45, đi theo kháng chiến mút mùa, làm chánh văn phòng Tiểu đoàn Lý Chính Thắng của Ba Thắng. Tập kết ra Bắc không ngóc đầu lên nổi. Đã bảo mà, trí thức cỡ Phạm Ngọc Thuần, Phạm Văn Bạch còn nhẹp xác, Hai Nhơn ăn thua chi. Đã là trí thức lại có made in Nam Kỳ Quốc nữa thì bỏ mạng sa tràng như không. Hai Nhơn mới đóng lon Thiếu úy, dưới thằng học trò cứng đầu này những hai cấp! Anh bảo:

- Anh Ba Thạnh kêu mày vô trỏng ngủ với ổng?

- Trong nào?

- Ở đây là địa điểm làm lễ, xong rồi ai về cơ quan nấy. Chánh trị về Cục Chánh trị, Tham Mưu về Cục Tham Mưu còn ổng về trong Bộ Chỉ huy. Thôi đi theo tao mau lên để đèn điện tắt không thấy đường mò.

Tôi tạt ngang nhà quảy ba-lô và cho Ba Hải hay rồi đi với Hai Nhơn. Tôi hỏi.

- Anh về hồi nào?

- Hồi nào cũng được, hỏi làm mẹ gì, người sau kẻ trước lao vào giặc sốt rét. Ký ninh mỗi sáng nuốt hai viên thôi.

- Anh ở trong với mấy ông kẹ à?

- Tao dạy văn hóa cho mấy chả!

- Anh ốm yếu vậy, đi có nằm đường không?

- Nhờ tao biết thân nên đem theo một bọc Salicylate nếu không thì nằm lại bón gốc sắn ở khu 6 rồi. Còn mày, nhờ đi máy bay hay tàu lặn mà vô đây coi còn khớ tụi con gái bu dữ vậy?

- Đi tàu bò và tàu... lết. Sách đâu mà anh dạy?

- Sách trong bụng chớ đâu. Các ông nội có ông nào học hết lớp 5 đâu mà cần sách..

Đèn điện bỗng nhiên phụt tắt. Máy nổ ngưng chạy. Rừng trở lại im văng, cái im vắng rợn người. Hai Nhơn lấy diêm quẹt bật lửa đốt cái đèn chai xách tay tự nãy giờ rồi đi tiếp. Tôi hỏi:

- Nhưng ông nào bị ông giáo Nhơn khõ đầu?

- Nguyễn Hồng Lâm là Rừng đỏ Hai Bứa, cục phó Cục Tham Mưu. Nguyễn Chí Sinh mũi to như cái ống cống vừa đánh Nậm Thà bên Lào cũng vừa vô đây. Ba Thạnh bây giờ đổi tên là Ba Thắng dân cu-li hãng xăng Nhà Bè của mày, toàn là dân khu 7 cũ. Thiếu Tám Nghệ. Nghệ bây giờ đổi là Tám Ngã bị cho đi làm kinh tài kiếm "rịa" Miên. Nghe nói Trần Thắng Minh chủ tịch nông trường Lam Sơn Thanh Hóa cũng vô rồi làm Tổng Cục Giao Bưu.

- Đúng! Tôi có gặp ông ở giữa đường.

- Còn mấy ông Độ, ông Tấn, ông Trà, ông Nam không biết chữ nghĩa ra sao nhưng không chịu học. À mà Đồng Văn Chuột cũng mới được vô đây lãnh chức Phó Tư lệnh số 7. Bên cạnh đó còn có bà chỉ huy trưởng đội quân đầu tóc Bến Tre cũng lên làm Phó Tư lệnh (số 8) tức là dưới cùng của Bộ chỉ huy. Bả cũng chẳng học hành gì.

Nghe giọng nói cà rỡn của Hai Nhơn, tôi biết anh bất mãn cao độ. Tôi hỏi:

- Sáu Nam là ai mà nghe lạ hoắc vậy?

- Lê Đức Anh, lão cao nghệu mặt rỗ lấy bà đoàn trưởng Thủ Dầu Một đẻ con gái đầu lòng năm kí lô mày quên rồi à?

- Ai chớ lão đó tôi quên sao được. Tay đó chuyên môn ăn chè đậu đường cát mỗi bữa trưa. Lần nào tôi đem bản mật mã qua cho lão cũng gặp lão húp chè rả rít.

- Ừ, hảo ngọt một cây, tiếng tăm còn rền hơn cả chức Tham mưu trưởng.

- Lão làm gì?

- Cũng lại tha mu... trưởng. Hồi nãy tôi thấy cậu ngồi trước ông Sáu Vi ổng quèo cậu nói chuyện gì hung vậy?

- Ối! ổng hỏi đủ thứ từ cơm gạo đến vệ binh vệ biếc. Cuối cùng khuyên tôi lập công dâng đảng.

- Mày vô trỏng mà coi. Một cái triều đình không mũ mão được thiết lập ở giữa rừng hoang mà vua chúa đều là dân Bệ Ka. Đi đâu cũng không thoát! Địt mẹ! Tao về được nhà tao nghỉ luôn. Đéo có đi nữa! - (Anh biết tôi là thằng học trò chân thành không đời nào đi báo cáo kiếm điểm. Vả lại cơn bất mãn đã lên quá cao, phải xì hơi ra mồm) - Từ Thượng tá trở lên thì ăn riêng ngủ riêng có bếp riêng, cơm nước được cần vụ bưng tới miệng. Trung tá ở nhà riêng nhưng hai tên một cái chia làm hai phòng cũng cơm bưng nước rót. Từ Trung tá trở xuống thì phải đi vác gạo, bửa củi. Còn từ Thiếu úy xuống binh nhì thì ăn cơm với lạc rang bí rợ hầm. Tao chán thấy mẹ rồi. Muốn xin đi công tác xuống các tỉnh mà họ không cho đi.

- Ông Bốn Sao vô, không khá hơn chút nào sao?

- Khá gì mà khá. Cũng cái lối huyện binh huyện phủ binh phủ thôi. Ổng còn siết cửa ngỏ chặt hơn trước. Tức là cơ quan này không được qua cơ quan kia. Không được gặp nhau nói chuyện khách quan tư sản.

- Ông Ba Thắng làm gì trong đó?

- Sơ khởi thì làm đầu, ít lâu thì tuột xuống làm mình, khi thành công thì làm đuôi. Đó là qui luật biện chứng ngáp của dân Nam Kỳ nhà mình. Để rồi mày xem nay mai mà cuộc chiến tranh này kết thúc thất bại hay thắng lợi thì lon gáo cũng tụi cá rô cây rau muống luộc nẩng hết thôi, chớ dân dưa hấu chẳng được xơ múi gì. Tới bây giờ có tên nào lên được Tướng đâu. Mấy tên có học thức như Huỳnh Văn Nghệ thì lại dìm xuống tận đất đen cho làm Trưởng phòng thể thao thể dục Quân đội trong lúc đó cùng calíp với y thì đứa trung tướng đứa thiếu tướng, như tên Chè, trung tướng Thứ trưởng Quốc phòng kiêm luôn cả Hiệu trưởng trường Lục quân. Hắn biết quân sự bao nhiêu mà dạy người ta chứ? Đấy mày coi, trong đám đầu nậu này có tên nào Nam Kỳ đâu. Toàn những phó cối phó nháy phó may cho dân mình, còn trên ngai vàng thì vẫn chễm chệ một tên cá rô cây.

Trên đường đi có rất đông người, đi một lúc thì họ rẽ về cơ quan nên thưa bớt; còn tôi và Hai Nhơn đi thẳng một mạch theo con đường lớn. Trước mặt chúng tôi có tiếng cười nói hí hửng của một đám con gái. Tôi níu Hai Nhơn đi sụt lại sau vì sợ chúng nó nghe cái giọng bất mãn của anh.

Hai Nhơn cứ thao thao như không sợ ai:

- Tao biết vầy thì tao đâu có đi tập kết. Ở nhà bây giờ có khi còn được trọng vọng hơn.

- Anh nói sao?

- Bạn bè của tao làm Bộ trưởng, Giám đốc Kỷ sư cả. Có thằng làm tới Trung tướng. Trong đám trí thức Sài gòn, vô đó, có thằng bạn "ca-ma-lố" của tao ở Taberd, nhưng tao đâu có dám nhìn. Tao được danh dự bưng nước cho quan khách giải khát mà? Lộ cái mặt ra thì bể cách mạng quá làm sao! Hóa ra thằng trí thức đi theo đảng hai mươi năm được đảng phong cho chức bồi bàn. Do đó tao lánh mặt.

- Anh chưa vô đảng à?

- Còn lâu! Đâu có ai nhắc tới thằng giáo viên quèn này mậy!

Đi được một khúc tôi nghe mùi khét lẹt. Đường mòn ôm quanh một hố bom nhỡ. Tôi hỏi:

- Gì nghe giống mùi bom napalm quá vậy anh Hai?

- Thì đó chớ gì! Napalm lẫn bom miễng.

- Lộ rồi à?

- Không biết! Nhưng tháng rồi nó lia cho mấy loạt rồi bay luôn. Không biết thằng phi công say rượu làm bừa hay nó thấy đèn đóm khói khiếc gì mà ném như vậy?

Bỗng nhiên tôi hỏi:

- Anh còn nhớ hai anh gì ở Ban Rùm Beng của mình hồi trước không anh Hai?

- Hai đứa nào?

- Hai anh hay cãi nhau về Mác Xít bằng tiếng Lang Sa đó. Một anh bảo là vật chất có trước, tinh thần có sau. Anh kia bảo vật chất có sau, tinh thần có trước.

- À thằng Chín Thỉ và thằng anh em cột chèo của nó..

- Họ đâu cả rồi?

- Sau khi thằng U Đa xuống miền Tây dưỡng bịnh, hai đứa về thành cùng với nhạc sĩ Văn Lương. Cái thằng bảo vật chất có trước nằm trong đám trí thức Sàigòn tao kể lúc nãy. Tao không cho nó gặp mặt là thế đó.

Đi một chập thấy một toán vệ binh mang súng ống lình khình đi ngược chiều. Hai Nhơn bảo:

- Tụi nó đi săn.

- Ở đây cũng được săn thú à?

- Không! Đây là đội săn chuyên môn. Chúng săn đường dài. Có khi đi một chuyến hai ba tuần. Săn được thịt xẻ ra, muối, phơi ép rồi mang về đây. Chớ ở vùng này mà nghe nổ một phát súng là tụi "cấm vệ quân" nó truy lùng cho kỳ ra manh mối.

- Cấm vệ quân à?

- Bây giờ không phải cục muối chia làm hai như thời kháng chiến chín năm ở Rừng Sát nữa đâu mày ơi? Hồi đó cực khổ mà vui. Cả chỉ huy lẫn lính ăn chung ngủ chung. Một nồi cháo loãng nấu với một lít gạo, một ôm rau sam xăng quần lội qua mà húp ngọt như đường phèn. Còn bây giờ chỉ huy không bao giờ thấy mặt lính. Giống in như dinh toàn quyền vậy mày ơi! Không có Ba Thạnh kêu tới Tết âm lịch Công Gô mày mới vô được tới đây. Tao sở dĩ được ở trong hoàng cung là vì làm chức quân sư quạt mo, gõ đầu mấy tên già học chưa hết ê-lê-măng-te chớ chẳng phải họ quý gì tao. Thịt rừng đem về cung cấp cho các bà hoàng ông hoàng ở trong cung cấm đó.

- Ông hoàng thì phải rồi, còn bà hoàng nào? Chẳng lẽ bà Hoàng Lào? Anh biết bà Hoàng đó không?

Hai Nhơn cười hề hề:

- Mày cũng biết vụ bà hoàng đó lẹo tẹo với ông Tướng Râu Quặp nhà mình ở Hà Nội nữa à?

- Thằng nhóc con này chuyện gì mà không biết anh Hai! Anh biết tại sao tôi rõ vậy không? Là vì tôi suýt làm rể của ổng mà. Nhà ổng ớ đường Quan Thánh chỗ tờ báo Việt Hoa chớ đâu. Tôi vô đó hoài thôi. Mấy lúc sau này, trước khi đi B, tôi đến dẫn đám em vợ hụt của tôi đi ăn quán luôn. Chả là tôi được lãnh ráp-pen ba tháng một lúc mà. Do đó tôi rành hết. Bà Hoàng chưa đến năm mươi mà! Bả ăn toàn thịt bò, thịt cừu Mông Cổ và uống sâm Triều Tiên nên chịu sao thấu. Mà ông Hoàng thì bận công tác ở cánh đồng Chum bên xứ Vạn Tượng. Hì hì!!! Ở bên đó thì quá nhiều Chum nên ổng không ngó ngàng gì tới cái Chum bỏ quên bên Hà Nội. Do đó ông râu quặp nhà mình săn sóc giùm cái Chum của ổng bên này.

- Có lính gác, ổng làm sao oánh du kích được tài vậy?

- Bà Hoàng vác Chum tới chớ. Ông Râu quặp nhà mình phụ trách Ban liên lạc Việt Miên Lèo của Trung ương mà. Bả đi vô dinh của ông với tư cách đảng viên Neo Lào Hắc Xạc chớ phải là thường dân Lào đâu mà sợ người ta dòm ngó? Mà dòm thì dòm, ngó thì ngó, bả có ông râu quặp bảo kê tú-rít, lính nào dám hó hé? Chỉ có vợ ông râu quặp biết thôi. Bà vợ rất bất bình. Vì hai lý do. Lý do thứ nhất là bả không còn làm chức năng người vợ trong gia đình nữa mà là con ở nấu cơm cho ông tướng. Lý do thứ hai là... vậy đó.

- Mày không có phịa chứ?

- Tôi phịa với anh mà té vàng té bạc gì anh Hai. Chính tôi cũng bất bình dùm bả nữa mà! Bả không ăn khẩu phần của ổng. Ông bà ăn riêng mâm mà. Bả được trả lương bốn mươi lăm đồng một tháng.

- Lương gì?

- Lương chị nuôi, lương nấu bếp cho ông Tướng mà ông Tướng đó là chồng của chị bếp.

- Kỳ cục vậy?

- Kỳ cục nhưng tôi biết đó là sự thực. Chính vì thế mà mỗi tối thứ bảy tôi phải đến kèm văn hoá cho bả để bả đủ tiêu chuẩn xin dạy ở trường Miền Nam Hải Phòng.

- Tao biết lắm chuyện đời nhưng chưa bao giờ tao nghe một chuyện như vậy.

- Chưa hết đâu anh Hai ơi! Trong khu nhà Việt Miên Lèo ở đường Quan Thánh còn có lắm chuyện ma quái nữa cơ. Anh biết cái tên Thổ lai Sóc Trăng tên là Sơn Ngọc Minh không?

- Nhớ chớ. Hồi kháng chiến nghe đài mình tuyên truyền rùm beng mà.

- Hồi năm 1951 mình mở chiến dịch Xẻo Me ở Miền Tây đánh vô vùng Miên ở huyện Thạnh Trị để gây thanh thế cho Sơn Ngọc Minh nhưng trung đoàn Tây Đô của ông Huỳnh Thủ bị banh trê chết bỏ xác trong các sóc Miên lấy không được. Hình Sơn Ngọc Minh được in ngang với hình Hồ Chi Minh trên những tấm truyền đơn bươm bướm rải cho Thổ xem. Nhưng tụi Thổ Sóc Trăng biết ngay tên Thổ Sóc Trăng nên nó đâu có nhận là vua của nó.

- Rồi sao?

- Hắn được nuôi như cu cu ở trong một cái biệt thự ở bên cạnh biệt thự bà Hoàng Lèo. Vợ Sơn Ngọc Minh một hôm hô hoảng lên mất chiếc nhẫn hột xoàn và đề quyết con nhỏ ở lấy. Con nhỏ tức mình treo cổ ngay trong dinh. Sơn Ngọc Minh sợ ma bắt bèn xin dời. Hình như xuống Hàng Chuối thì phải.

- Còn bà Hoàng Chum?

- Bà Chum vẫn còn ở đó thỉnh thoảng lại vác chum tới cho ông Tướng quặp thành phần đại địa chủ đóng tô. Hè hè... Đây là chuyện bí mật trong cung cấm tôi nói cho anh nghe chơi rửa cái lỗ tai, đừng thuật lại với ai nghe!...Nè, một thằng bạn bác sĩ của tôi làm ở Bệnh viện 108 nói rằng nó đã từng khám bệnh thấy nhiều chum hũ dữ lắm, nhưng nó chưa hề thấy cái nào đẹp bằng cái của bà hoàng Lèo.

- Bộ có sơn phết vàng hả? Hố hố...ố!

Thấy phía trước mặt có ánh đèn dừng lại và có tiếng cãi cọ Hai Nhơn bảo:

- Cửa ngọ môn ở trước đó!

Chúng tôi đến thì thấy toàn một bầy tiên nữ xiêm y láng mướt, màu sắc lòe loẹt. Tôi nhận ra đây là các cô phục vụ lúc nãy. Các cô bị chận lại trước một cái cổng gỗ hẹp, hai bên có rào tre tua tủa như rừng chông. Anh lính mặc ka-ki vàng súng AK hẳn hoi đứng trong chòi gác giống như ở trạm cửa Đông của Bắc Bộ Tổng Hà Nội.

- Cô nào không có giấy ra vào thì ở lại đây.

- Chỉ có chị Thanh Tuyền là con bác Sáu Nam không có thôi!

- Tôi không biết con ai cả. Lệnh là lệnh!

- Anh cho mượn phôn gọi vô ba em được không?

- Phôn để công tác không phải để dùng vào việc cá nhân.

Hai Nhơn bảo:

- Mấy cô về trước báo cho tía nó dùm chút.

Các cô đi qua mũi súng AK. Hai Nhơn bước tới chìa giấy và nói:

- Đồng chí này là anh hùng pháo binh, ông Ba Thắng kêu vô làm việc.

Anh lính rụt chân chào nghiêm rồi nói:

- Tôi có được lệnh lúc nãy.

Thế là tôi và Hai Nhơn đi qua. Được một quảng, Hai Nhơn quay lại như để chắc bụng rằng mình đã đi xa có nói gì tên lính gác cũng không nghe, rồi bảo tôi:

- Mày thấy tao nói có đúng không? Cả một hoàng cung ở trong này. Hổng chừng còn nhiều chuyện ly kỳ hơn chuyện bà hoàng Chum ở khu Việt Miên Lèo của mày ở ngoài đó.

- Ở trong này có đàn bà con gái nữa à?

- Thì con gái đó, mày không thấy sao? Tụi nó là dân học sinh ở ngoài thành. Con ốm ốm là con Trúc Mai, con tóc kẹp là con Hồng con hiếc gì đó tao không nhớ tên. Chỉ biết mỗi đứa đánh máy riêng cho một ông. Ở trỏng còn đông lắm. Có cả bầy tiên cô có thể lập một đội bóng chuyền.

- Rồi đánh với ai?

- Đánh với đội già dềnh chú bác!

- Ai thắng ai?

- Mấy cháu thắng chớ đám đầu bạc làm một quả là hắc hơi bể trời thắng sao nổi mà thắng! Nhiều chuyện vui lắm. Mày không ở trong này mày không biết đâu. Hì hì, mày mà lọt được vô sân bóng thì tha hồ mày "đập" và "bỏ nhỏ"!

- Mà sao đám đó được vô trong này vậy anh?

- Đó là con cháu mấy ông kẹ hoặc ở bên Mặt trận, hoặc bạn bè cũ của mấy thằng "trí ngủ" làm việc ở Sài gòn mà lại đón gió Cách mạng nên gởi con cháu vô trước để xí phần về sau. Khôn vậy đó! Nhưng chưa chắc! Gởi trứng cho ác mà không hay!

-Tại sao?

- Để rồi mày sẽ hay, bây giờ không nên nói sớm. Mày có con mắt tinh đời mày nhìn đó cũng biết lựa là tao phải nói. Tao hỏi mày, gà trống gà mái nhốt lộn lạo một chuồng như vậy được không? Ba Thắng là Cục phó Tu Hú, được cấp một cái nhà riêng, có phòng ngủ, phòng làm việc và phòng tiếp khách. Ăn uống theo chế độ tiểu táo, có bếp riêng có người nấu bếp riêng mày ơi! - Hai Nhơn thở dài - Đi làm cách mạng vậy cũng nên đi chớ mày! Ngày trước y làm cu-li ở hãng Shell Nhà Bè bị chủ đá đít cú đầu, bây giờ đi theo cách mạng lên địa vị chỉ huy không ai dám đá đít cú đầu, còn tao ham vui lót tót đi theo, cầm đèn đỏ trên con tàu cách mạng, từ trí thức tuột xuống cu-li. Gần hai mươi năm không biết vợ con mồ mả ông bà. Kể ra theo cách mạng cũng sung sướng lắm!

Tôi muốn nói lãng, để xóa bớt giọng bất mãn của Hai Nhơn nên bắt chuyện khác:

- Ông Ba Thắng về rồi có móc vợ con lên không anh?

- Chị Ba là người hiền thục. Ảnh đi chiến đấu, chỉ ở nhà tăng gia sản xuất. Hồi kháng chiến có lúc ảnh đau ruột dư về nằm lén trong vùng Pháp chiếm đóng để mổ, chỉ lên nuôi cả tháng. Sau đó lại theo ảnh, làm công tác nuôi heo tự túc cho đơn vị.

Hai Nhơn nói:

- Tao không nghe vụ móc vợ con của y. Bả bây giờ tóc cũng bạc hết rồi. Móc lên làm gì. Thằng chả ở đây có người cơm bưng nước rót, móc lên coi đâu có hạp!

- "Tào khang chi thê bất khả hạ đường" mà anh!

Hai Nhơn cười khảy:

-Tào cái con mẻ! Tào lao thì có. Mày nên nhớ điều này. Tao đã quan sát gần hai mươi năm rồi. Những thằng luôn luôn lải nhải dạy đạo đức cho người khác toàn là những thằng thất đức. Tao nói vậy có vẻ quơ đưa cả nắm nhưng không sai bao nhiêu. Thằng già nào cũng muốn gái mười tám. Thằng Bắc Kỳ nào vô Nam cũng đã có vợ rồi nhưng còn quơ thêm một bà nữa. Có đúng không? Bây giờ cũng vậy. Tao không nói đâu xa, ở ngay cái ổ điểm đực mà người ta thường gọi là Bộ Chỉ huy tối cao Quân Giải phóng này này, ít ra cũng ba bốn tên sống theo kiểu đó. Nếu không thì cũng ăn vụng công khai không cần chùi mép. Trước nhất là thằng cha Thủ trưởng của mày. Hắn ở ngoài Sơn Tây đã làm một tên ma cô mang tiếng khắp cả thị xã phải không? Tao dạy văn hóa cho F338 tao còn lạ gì.

- Vụ đó tụi này giàn xếp êm cả rồi anh ạ!

- Êm theo kiểu chìm xuồng chớ gì? Kế đó là thằng mặt rổ Sáu Nam.

- Là ai?

- Là thằng Lê Đức..Anh cục trưởng Cục Tham mưu. Anh chàng này có vợ ở Thủ Dầu Một hồi 46 phải không? Nó ra Bắc làm một vố bị báo Nhân Dân cảnh cáo.

- Vụ gì?

- Nó quơ cả một con nữ sinh Trưng Vương.

- Tôi nhớ là lão Võ Quang Anh Tư lệnh khu 9 chớ không phải lão ta!

- Tao biết chắc mà! Nếu không có vụ lùm xùm đó thì tại sao khi nó về trong này, vợ nó ở ngoài thành vô giao con rồi về luôn không nói một câu gì sau gần mười năm xa cách? Con nhỏ hồi nãy bị vệ binh giữ lại là con bé hồi sanh ra nặng năm kí lô đó.

Tôi giật mình đánh thót.

- Ủa vậy sao?

- Con bé ở chung với cha nhưng đâu có gọi bằng ba. Nó gọi là ông Sáu như tụi con gái khác. Đã có lần nó bảo thẳng với ba nó là hồi ở ngoài thành nó được má dạy dỗ theo gương ba nó nọ kia...Nhưng đến lúc ba nó lòi đuôi chồn nó ức quá, nó bảo: "Người cộng sản gì tồi vậy!". Lão nổi doá tát cho nó một cái. Nó la lên đòi về thành. Lão phải năn nỉ nó cả tháng nó vẫn chưa nguôi đó.

- Vậy làm sao ổng yên tâm mà chỉ huy ai được?

- Còn một tên Bắc Kỳ xuất chúng nữa cơ. Mày mới về chưa có hay đâu. Mày còn nhớ tên Sơn Tiêu, Trung đoàn trưởng trung đoàn pháo F330 không?

- Ông ta lấy một bà đan len ở Hà Nội. Ra ra vào vào mùi mẫn liên tục. Suýt rớt lon rớt gáo vì con mẹ đó chớ gì?

- Mày biết một mà không biết hai! Đó là con mẹ tư sản goá chồng. Cái kiểu ông Ba Lắm Bình Xuyên mày biết không?

- Dạ không!

- Để tao nói cho mày nghe! Những chuyện này tao không bao giờ quên. Ba Lắm là tướng Bình Xuyên đi theo kháng chiến suốt chín năm, đánh cả trăm trận, lên đến Tiểu đoàn phó. Ra Bắc bị chuyển ngành vì ông ta lấy một bà tư sản goá chồng. Đó! Cả hai người đều bị tư sản hớp hồn nhưng thằng Bắc Kỳ thì chẳng có bị kỷ luật kỷ liếc gì trái lại còn được thăng cấp, còn thằng Nam Kỳ thì bị tổ chức qui là mất lập trưòng và cho ra rìa. Ba Lắm lên Lạng Sơn đốn nứa rồi về Bến Phà Đen thuê xe bò chở cây để sinh sống. Tao tìm đến nhà thăm chơi, ổng khóc ròng. Ổng nói:" Đéo mẹ! Ủy viên Trung ương mà lấy địa chủ có thằng nào dám phê bình, có chăng thì cũng cho là khuyết điểm về sinh hoạt, chẳng có gì đáng kể." Mày thử xem có ông Trung ương nào lấy vợ bần cố nông hoặc thợ dệt thợ may không? Còn nếu lính Nam Kỳ mà quơ tư sản địa chủ thì lý lịch bị ghi mất lập trường. Thằng Sơn Tiêu về trong Nam không dám gặp vợ. Vậy mới ngộ chớ!

Tôi chưa kịp nói gì thì Hai Nhơn ngồi xuống, sửa ngọn đèn cho sáng lên rồi vừa đi tiếp vừa kể:

- Mày biết bà Mặn, Bành Xê Cu Đê Rừng Sát hồi chín năm chớ?

- Biết mạnh. Bả là con ông chủ tịch xã Long Thạnh chớ gì?

- Bả ở lại tranh đấu rất dữ dằn. Lãnh đạo đội quân đầu tóc dám lăn ra đường chặn xe thiết giáp đủ thứ. Ở tù hai năm bị tra tấn không khai. Cán bộ tố Cộng của Ngô Đình Diệm bắt ký tờ ly dị bả cầm bút đâm vô mặt tên cán bộ.

- Ghê vậy.

- Ê dân Nam Kỳ mà mậy! Mày nhớ hồi 46 có thằng bé tẩm dầu xăng đến cháy kho xăng Nhà Bè không? Rồi ba thằng nhóc leo lên lầu nước Thị Nghè treo cờ Việt Minh. Chơi tới gáo mà! Đó là bản chất dân Nam Cờ mình. Nhưng khi đã không khoái nữa thì quay 180 độ ngay. Như bà Mặn này vậy. Bả lên tới chức thưòng vụ khu ủy nghe mậy. Bả có thể sánh với bà Ba Định, sợ còn cao hơn nữa đó. Vì bà Định không có ở tù. Khi nghe tên Sơn Tiêu có vợ ngoài Bắc và sắp về, bả lên nằm ở đường dây chận ngang chờ gặp hỏi cho ra nguồn cơn. Mấy tay bồ bịch của hắn cho hắn hay, hắn vừa về tới trạm 66 là ở trên R cho đi thẳng xuống I/4 nhận công tác, không cho ông bà đối diện. Bả bây giờ nằm trong Bộ Chỉ Huy. Các chả đang tìm cách vuốt giận con sư tử cái nhưng bà ta nhất định đòi gặp mặt.

- Cái bà dân Rừng Sát này dữ quá!

- Không phải tại bả!

- Còn ông nào nữa tố luôn nghe chơi!

- Tao phải viết một cuốn sách mới hết. Còn thằng anh nuôi Ba Thắng của mày nữa!

Tôi sửng sốt:

- Ổng về đây chưa lâu mà đã lập thành tích rồi sao?

- Sắp sửa! Nay mai chắc chắn sẽ rơi hầm chông.

- Có mầm mống gì rồi à?

- Nhìn dĩ vãng biết hiện tại, khó gì! Mày nhớ hồi hắn học chính trị ở Hà Nội chớ!

- Nhớ rồi, chậc! Ổng cũng quá tệ đi, anh Hai!

- Ừ, tệ và tồi. Ai đời lấy vợ của thằng Đại đội trưởng dưới quyền mình. Đó là tệ. Rồi khoác áo anh nuôi của vợ nó để làm cho con nhỏ có bầu. Đó là tồi. Thằng Đại đội trưởng biết chắc không phải con mình nhưng ngậm miệng để được yên thân, để khỏi bị thiên hạ chê cười và để cho ông xếp mình lòn tiền về nuôi đứa bé. Thế nhưng sau đó ông ta vẫn được thăng cấp và cho về Nam làm Cục trưởng Cục Chính Trị quân Giải phóng. Mày ngửi có được không? Tao được y lên lớp về Cần Kiệm Liêm Chánh ít nhất là tám chục lần mày ạ!

- Anh vẫn học thuộc bài chớ!

Hai Nhơn tuôn một câu tiếng Pháp:

- Làm theo tao nói đừng làm như tao. Tao không làm theo y đã đành nhưng tao cũng đếch nghe y. Vợ y già xọm, xấu xí y đâu thèm nhìn. Y đâu còn nhớ hồi xưa ai đã nuôi y đánh giặc, ai đã nuôi heo tự túc cho đơn vị y. Đó lại là một kiểu thằng cộng sản khác mà mày sẽ gặp và sẽ nghe nói nói nào là lập trường nào là lập công chốc nữa đây.

- Anh có gặp Bùi Thanh Khiết không?

- Về rồi, nhưng đi chỉnh huấn dưới trường Trung Sơ Bộ Binh. Hắn là thầy giáo làng, có chút ít trí óc nên ăn vụng quẹt mép rất tài. Mày biết hắn ra vô cư xá của bà Phụng má con Hải ở Ô Cầu Giấy mà! Từ Liên Xô về y cho con mẻ một cái xe gắn máy rồi vù vô Nam. Vợ y đang ở ngoài trại sản xuất. Hai đứa con gái sắp đưa ra Hà Nội để đi Liên Xô. Vợ y ở Sàigòn thầu cà-phê chín năm là mẹ cả tư sản nhưng lập trường của y vẫn tồng ngồng ra, đã không sứt mẽ tí nào mà y còn vác nó đi chấn chỉnh lập trường người khác. Mày coi có "lọa" không kia chớ. Hơn nữa tên sát nhân, tên bỏ thuốc độc cho đồng chí mình uống lại được tôn vinh là cha già dân tộc mày ạ. Dưới mắt tao đây là một sân khấu của những tên hề. Khổ vậy, tao chỉ mua vé có một lần mà phải xem suốt đời, muốn ngoảnh mặt đi mà nó cứ tiếp tục diễn.

- Anh nói làm tôi thối chí quá anh Hai ơi!

- Tao thối chí mất thần lâu rồi mày ạ nhưng lâu nay tao chẳng biết xì ra với ai, nay bất ngờ gặp mày ở đây mới mở xú-páp cho xọp bớt trái ba-lông vậy mà, chớ tao cũng biết tao chẳng có cách gì vùng vẫy được. Mà có vùng vẫy được thì rồi đi đâu? Đi đâu cũng không khỏi ba cái thằng trọ trẹ này. Rồi sẽ có cải cách ruộng đất, có hợp tác xã đói thấy mẹ cả đám mà vẫn phải hoan hô rầm rầm cho mà coi.

Hai Nhơn dừng lại và bảo:

- Tới trạm gác rồi kia.

- Trạm gì mà trạm hoài vậy?

- Đây là trạm cuối cùng. Nó nhìn mặt thôi không coi giấy.

Thấy Hai Nhơn, anh lính gác cho qua nhưng còn hỏi "anh nào kia?". Hai Nhơn đáp:

- Khách loại A1 của anh Sáu. Ổng đã điện cho trạm ngòai rồi!

Đi một chập nữa, Hai Nhơn hỏi:

- Mày tính ngủ với thằng chả hay với tao?

- Anh đi với tôi vô coi ổng bảo gì thì bảo rồi tôi về ngủ với anh. Ở chung với mấy cha lớn tôi không quen. Anh biết tôi là thằng học trò lai chăn trâu mà anh Hai, sống với giai cấp cao sang không hợp.

Hai Nhơn dắt tôi đi thẳng vô nhà Ba Thắng. Anh kêu to:

- Khách của anh vô tới nè, anh Ba!

Ba Thắng bước ra ngay:

- Tao chờ mày tự nãy giờ. Vô! Vô!

Nhà có phòng nọ phòng kia, vách vừng kín mít như nhà ở đồng bằng. Trên bàn để một cái đèn bảo ngọn to soi sáng cả nhà.

Ba Thắng giống như một con vượn già, mặc áo thun ba lỗ, tay chân lòng khòng, thân người dài thờng, đầu húi ngắn, tóc đã bạc hoa râm.

- Tao gặp mày lần cuối cùng...

- Vào năm 58 trước khi anh đi Trung Quốc!

Ba Thắng vồn vã mời tôi và Hai Nhơn ngồi hút thuốc. Chập sau một cô gái tay bưng một mâm nào ly cốc pha lê, nào hũ đường và muỗng sắt trắng tinh, tay xách phích nước sôi vỏ tre đan. Tôi hơi giật mình khi cô gái vừa xuất hiện. Ba Thắng nói ngay:

- Con gái ông chủ tích xã Bình Khánh của mình mày nhớ không?

Tôi nhớ ông chủ tịch xã Bình Khánh hồi chín năm nhưng không nhớ cô nào, nhưng cũng gật đầu cho qua. Ba Thắng đãi chúng tôi cà-phê sữa.

- Ở đây chơi rồi mai vào Cục làm việc.

- Ủa! Còn cục nào nữa anh Ba?

- Cục Tham Mưu của ông Sáu!

- Ông Sáu Vi hả?

- Không, Sáu Nam tức là Lê Đức Anh.

- Dạ.

Ba Thắng hỏi thăm việc móc gia đình của tôi. Tôi cho biết tôi đã nhờ móc nhưng móc bị quác. Ba Thắng nói:

- Không sao. Tao có móc đặc biệt cho mày.

Tôi hỏi:

- Bộ anh vô đây bằng tàu lặn hả anh Ba?

- Còn mày?

- Tôi lặn hụt nên đi tàu bò suýt chết.

- Tao phải lội từ Trà Vinh lên đây. Đi tàu cũng khỏe nhưng ớn lắm. Ở giữa tàu có đặt một tấn TNT, hễ gặp giặc là châm ngòi để phi tang! Ông Bảy Đậu đi trước tao một tháng. Hai Khiết cũng về đây rồi. Hai ổng đi chỉnh huấn ở trường Trung Sơ. Sáng mai tao sẽ đưa mày đi CLB gặp dân Trung đoàn 300. Có tên Bắc Kỳ Hai Lơn ở C2694 nữa. Nó cũng ở Liên Xô mới về. À, có cả Hai Bứa nữa. Chỉ thiếu Tô Ký. Tô Ký mới lủng bao tử trở ra vá - Ba Thắng nói với Hai Nhơn - Cậu làm ơn đi báo cơm dùm ở bếp khách. Ngày mai tụi thằng Ba Hải cũng vô đây để nhận chỉ thị về cho U80.

Hai Nhơn vừa xách đèn đi, Ba Thắng nói:

- Bộ chỉ huy muốn tao bàn trực tiếp với mày một vụ rất quan trọng. Mày đã nghe vụ Phùng Văn Mười cháu của bác sĩ Phùng Văn Cung làm binh biến ở Bình Dương rồi chứ?

- Dạ có.

- Ở trên cũng muốn có một vụ thứ hai như vậy mà do mày móc nối lèo lái.

Tôi kêu lên:

- Làm thế nào được anh Ba?

- Mày có thằng em làm Đại úy Thủy Quân Lục Chiến phải không?

Tôi như bị ai bắt trúng tử huyệt, ngồi lặng thinh không biết đáp ứng như thế nào. Ba Thắng tiếp:

- Mày biết cải cách ruộng đất là cái ải khó qua nhất phải không? Có nhiều đồng chí qua nổi cái Ải máu lửa, Ải tù tội nhưng không qua nổi cái Ải giai cấp này. Mày biết ai đã bảo đảm cho mày hồi cải cách ruộng đất không?

- Ai vậy anh Ba và tôi có vấn đề gì?

- Mày là thành phần tiểu tư sản và lý lịch có một khoản không rõ ràng tức là em trai của mày lúc đó có xu hướng theo tụi Sàigòn. Và gần đây thì tổ chức có hỏi mày, mày cũng nhận rằng thằng em đó đã theo Quân đội Sàigòn và làm tới đại úy. Lý lịch của mày có ghi rõ khoản đó. Mày biết thằng Chung Tấn Quyền không?

- Dạ biết!

- Tổ chức nghi nó là bà con với Chung Tấn Cang nên nó được đưa vô khung đi B mà bị ách lại. Còn một thằng nữa là Phạm Cần.

- Dạ, Phạm Cần là con cụ Phạm Thiều mà!

- Phải rồi, nhưng em gái của Phạm Thiều là bà Nhiệm lấy Phạm Ngọc Thảo. Tên Thảo chạy về Sàigòn đầu hàng Ngô Đình Diệm và được cho làm Tỉnh trưởng Bến Tre.

Tôi ngồi run từng miếng thịt. Mới vừa được đề cao là Anh hùng pháo binh, bây giờ lại nêu lên vụ thành phần và liên hệ địch. Vậy là cái nghĩa gì? Ba Thắng tiếp:

- Vừa rồi ở trên có đường lối mới về địch vận, tức là dùng gia đình để móc nối trong hàng ngũ của ngụy quân ngụy quyền. Do đó mày mới được về. Rồi kế đó hai thằng kia cũng được về. Nhưng về để thi hành đường lối của ở trên.

- Tức là sao anh Ba?

- Để tao nói cho mày nghe vài thí dụ. Mày biết bà Lâm Thị Phấn chớ?

- Dạ tôi biết rành vì hồi bà Phấn địch vận đồn Long Tuyền thì tôi ở trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn đi thực tập ở Ô Môn tại đại đội 2089. Bà Phấn con ông giáo Phận ở Câu Đôi Cái Khế. Bà ta có sắc đẹp nên đã thành công trong việc móc một tên đồn trưởng ra khu giải phóng và thành hôn luôn với hắn. Ra miền Bắc bả bị bỏ rơi kêu trời không thấu.

- Mày biết một mà không biết hai. Ở trên đã đưa bà ta về Nam với lý lịch khác để vận động người anh ruột là tên Lâm Văn Phát.

- Có chuyện đó nữa sao anh Ba?

- Cách mạng khai thác mọi khả năng, không từ bỏ một khả năng nào...Nhưng rủi thay, bà Phấn vừa bước xuống sân bay Sàigòn thì bị tụi nó xúc ngay đem về khám.

Tôi lắc đầu:

- Thà là đánh giặc tại trận, tôi không ngán một chút nào nhưng làm ba cái vụ đó có vẻ phiêu lưu tôi ớn quá anh Ba!

- Ớn gì mà ớn. Có tao phụ lực và bảo đảm cho mày. Thôi tình anh em tao cũng không giấu mày làm gì. Tao thấy mày ở Pháo binh hoài khó tiến bộ lắm. Cho nên tao đã đề nghị với Bộ chỉ huy cho mày ra chỉ huy bộ binh để có cơ hội tiến bộ nhanh hơn.

- Anh cho tôi về đâu anh Ba?

- Củ Chi! Cho mày làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tập trung của quận. Đây là chiến trường găng nhất của quân khu 4. Ở đây cần những cán bộ trẻ như mày. Tao sẽ cho ông Ba Đình hay để Tư Linh hợp sức với mày làm việc móc ngoéo thằng em mày.

- Dạ, tôi và Tư Linh đều là học sinh Trần Quốc Tuấn.

- Tao biết rõ, thằng Linh giỏi tiếng Anh. Hiện nó là Trưởng ban địch vận khu 4. Nếu mày bắc cầu được với thằng em mày thì nó có thể tiến xa hơn, móc với tụi Mỹ. Ngoài ra tao sẽ gởi gắm mày cho Tám Quang, trưởng phòng Chính trị ở đó. Mày nhớ Đặng Quang Long giảng viên chính trị trường quân chính hồi 48 không? Bây giờ đổi lại là Tám Quang. Anh ta là địa chủ nhưng đã cởi bỏ thành phần lâu rồi. Mọi việc ở trên đã sắp xếp theo ý kiến của tao cả. Mày không nên đắn đo. Ngày mai tao báo cáo với anh Chín Vinh coi như đã xong.

- Chín Vinh là ông nào vậy anh Ba?

- Là ông Trần Độ, Thiếu tướng phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ở ngoài đó.

Tôi làm bộ không biết hỏi cơ:

- Ủa, ổng vô đây rồi sao?

- Vô rồi. Nhiều nữa nhưng giấu mặt, không phải mấy ông mày thấy trong lễ mừng công.

Ba Thắng hớp cà-phê rít thuốc một hơi rồi bắt sang chuyện gia đình của tôi. Tôi kể sơ qua vụ gặp Thu Hà ở Mã Đà và hai đứa đã hứa với nhau. Ba Thắng nói có vẻ chân tình với tư cách một người anh, anh bảo:

- Vấn đề hôn nhân phải đặt trên nền tảng cách mạng thì mới bền.

Tôi muốn hỏi thăm chị Ba đôi câu, nhưng lúc nãy đã nghe Hai Nhơn nói rồi, nên không dám động tới. Anh tưởng tôi không biết gì nên cứ trương lập trường cách mạng để lòe thằng em.

- Mày biết anh Hai Hổ không?

- Dạ biết chớ. Ổng có đứa con gái là Ánh Tuyết, em bé nhỏ nhất của Đồng Tử quân E300.

- Ra Bắc ổng lấy một bà bán quán. Con nhỏ giận nên không tới thăm tía nó nữa. Thượng bất chánh hạ tắc loạn là vậy đó. Ảnh gặp tao ảnh than phiền và nhờ tao nói dùm với con nhỏ. Ra Bắc có hai cha con mà như mèo với chuột. Ảnh rầu nên đều bạc trắng hết. Chị Hai nghe tao về có đến tìm chồng nhưng tao bảo anh Hai yếu sức khoẻ nên không về nổi. Tao cho chỉ biết là con Tuyết đi học Trung Quốc. Chỉ không biết vụ ảnh ở ngoài đó. Còn ông Sơn Tiêu cũng lôi thôi lắm. Tổ chức giải quyết lằng nhằng mấy ngày không xong. Có một mình tao là khoẻ thôi. Chị Ba mày có lên ở ngoài Xóm Rẩy một thời gian rồi về. Bả vui lắm vì thấy tao đàng hoàng một cây. Nếu tao mà lôi thôi thì dễ gì ngồi yên ở cái ghế này?

Tôi lặng thinh. Chứ không lẽ lại vạch mặt ông anh nuôi. Anh tiếp:

- Hồi ở trại Đồng Tử Quân mày có tánh ngang bướng. Mày dám dắt mấy đứa con gái ra ngả Ba Cần Giuộc chận đánh xe tăng Pháp. May mà kết quả, nếu không chết cả đám. Bây giờ mày ra chỉ huy một tiểu đoàn, mỗi khi hành động phải thận trọng, vì một câu nói của mày là có quan hệ đến hằng trăm sinh mạng. Ngoài ra còn phải chú ý tu dưỡng. Ở dưới đó có hàng chục vụ dâm ô tham ô của cả thượng uý, đại uý được báo cáo về đây. Những vụ như vậy khó giải quyết hơn bày binh bố trận nữa! Nếu thi hành kỷ luật thì còn gì công lao kháng chiến hai mùa, còn không thì bà con kêu rêu dữ quá.. Mày xuống dưới đó hãy đề phòng chớ để rơi vào vết xe cũ của họ.

Hai Nhơn đi báo cơm trở về. Anh dắt tôi đến nhà anh ngủ. Nhưng nằm trên giường khoẻ khoắn mà nào có ngủ được. Hai Nhơn nhắc tích thời chín năm. Mới đây mà nghe như tít mù khơi đời nảo đời nao. Anh nhắc chuyện bộ đội ông Ba Ngọt đánh lấy được chiếc tàu Tây, chiều chiều chở đầy lính lẫn dân từ trong Rạch Lá băng luôn qua sông Soài Rạp đi đá banh. Tụi này là dân ở rừng chuyên môn đi cầu chà là như khỉ leo cây, chạy không lại tụi bộ đội 2964, nhưng lội sông thì lại thắng vì trong bọn này có ông Sơn Tiêu là lính thủy của Pháp. Anh nhắc chuyện con Út đạo và thằng Lài. Con Út là tín đồ Thiên Chúa, có gương mặt giống như gương mặt Đức Mẹ, nó là đứa đẹp nhất trong Ban Rùm Beng của Trung đoàn 300. Nhưng bị thằng Lài quyến rủ. Rồi hai đứa bị kỷ luật đưa về nhà. Con Út khóc mù trời. Nó nói nó mê anh Hai Lôi vì cái bài hát Đoàn Quân Đi nên xin gia nhập đoàn. Bây giờ anh Hai Lôi lại thi hành kỷ luật nó.

Hai Nhơn tiếp:

- Con nhỏ lớn lên đẹp quá trời. Hồi tập kết ở bến Hàm Tân nó có đến thăm anh em. Lúc đó mày ở đâu?

- Ở bến Chắc Băng!

- Hừ, toàn là chuyện tréo cẳng ngỗng. Ối mà thôi! Nếu nó đi chung với mày cũng chẳng ăn thua gì!

Nói tới nói lui một hồi rồi Hai Nhơn cũng xì tiếp cái ba-lông bất mãn.

- Mày có gặp Bùi Thanh Khiết không?

- Không!

- Tên thày giáo làng đó ăn vụng chùi mép giỏi nhất.

- Tôi có nghe chuyện cái mô-bi-lết của ổng tặng cho chị Phụng.

- Ờ! con Phụng vợ thằng đếch gì đó... tao quên rồi. Vợ Hai Khiết bây giờ ở đây nè.

- Ở đâu?

- Ở ngoài xóm Rẩy, có ba, bốn tên cần vụ hầu hạ. Cà-phê sữa hai vợ chồng uống hằng buổi sáng đếch có mời chúng nó. Chúng nó về ngang qua đây chửi thề rùm trời! Hai đứa con gái mười hai, mười ba tuổi từ ngoài thành vô cũng ở đó chờ đi Liên Xô.

- Lội Trường Sơn sao nổi?

- Mày khéo lo. Con cái của Thượng tá, Đại tá cả trăm đứa hiện đang ở phòng thông tin của thằng Phong Vân, hồi đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 300. Chúng nó chờ có chuyến may bay là đi Nam Vang rồi phóng ra Hà Nội chớ leo núi như mình à! Cha làm quan, con được nhờ là vậy đó. Con tao thì cóc mọc râu mới được đi Liên Xô. Bởi vậy nên hễ hở miệng ra là họ nói lập trường giai cấp, là quan điểm cách mạng rùm trời nghe mà phát buồn nôn.

Tôi sực nhớ quyển sách của cô xẩm lại Tư Linh mượn cho tôi hôm trước, nên hỏi:

- Ở đây có sách đọc không anh Hai?

- Sách thì thiếu gì nhưng toàn là thứ không đọc được. Chỉ có cuốn này thôi mày có ham thì cất lấy mà đọc.

Hai Nhơn đứng dậy vói tay lên kệ rút một cuốn gáy vàng, bìa lấp lánh ném trên mặt bàn. Tôi cầm lấy giơ lên đèn thấy có chữ "Karl Marx" to đậm nên nói:

- Ăng Lê tôi đâu có biết. Sách dạy duy vật biện chứng hả anh?

- Ừ, sách dương vật biện chứng pháp bá láp.

Tôi kêu lên:

- Anh nói gì vậy anh Hai?

- Hì hì... Đây là quyển viết về cuộc đời ba lăng nhăng của ông tổ dâm bôn mặt đỏ.

- Nghĩa là sao?

- Cái thằng. Mày không hiểu đéo gì thiệt à?

- Không!

- Sách ghi lại những chuyện đéo bậy đéo bạ cua lão Râu Xốm! Hó hó...ó!

Tôi nhìn ông giáo già cười giọng xóc óc giơ hai hàm răng xếu mếu như hàng rào mục mà không hiểu.

- Nhưng sao anh đem được sách đó vô đây?

Hai Nhơn châm thuốc phì phà rồi nói:

- Ở đời có những chuyện bất ngờ. Như thế này này. Mấy chả ở trong hang không có việc gì làm. Tối ngày chỉ lo đánh bóng áo quần, cạo râu nhẵn nhụi để ve mấy đứa con gái. Mải rồi cũng chán nên bảo tụi tiếp liệu mua sách Mác về để tao dạy lý luận cho.

- Anh dạy sao nổi mấy ông cao cấp đó!

- Tao đâu có dạy dỗ gì mấy cái đầu bò đó. Tao chỉ dịch ra cho chúng nghe thôi rồi từ đó mà biện chứng biện gì thì tùy ý. Một hôm liên lạc đưa về một gói bằng cái thùng sắt đựng đạn đại liên Mỹ, buộc ràng kỹ lắm. Bên ngoài đề nguệch ngoạc: "Sách lý luận". Chín Vinh không thèm mở ra, bảo đưa cho tao. Đúng là sách lý luận Marx Engels bằng tiếng Anh. Nhưng trong đó lại lẫn cuốn này: "Những chuyện dâm dục của Karl Marx".

- Sao họ mua thứ bá láp nầy?

- Tao cũng không hiểu nữa. Tao độ rằng thằng tiếp liệu nó thấy tên "Karl Marx" là cứ mua hết gởi về. Hoặc giả là nó biết mà nó chơi khăm mấy ông Mác xít nhà mình một cú.

- Họ không sợ bị nạo à?

- Nạo gì được mà nạo! Nhưng không phải có một cuốn sách này mà thôi. Còn một bao cạc-pốt nữa chớ. Thứ tốt mày ạ! Mày muốn coi không, tao cho coi!

- Nhưng ba thứ đó để làm gì chớ?

- Cái thằng! Mày ngây thơ cụ hoài mậy! Thứ này ngoài Hà Nội cũng có bán lậu mà!

Tôi nghe lùng bùng lỗ tai, quay quay cái đầu nên không hỏi thêm gì nữa. Hai Nhơn tiếp:

- Lão Mác khoẻ ghê mày ạ! Hồi lão viết cái mani-phét-tô lão đã năm mươi mà còn làm con nhỏ có bầu.

Tôi kêu lên:

- Giỡn hoài cha!

Hai Nhơn chụp quyển sách giỡ ra lật lật, dừng lại rồi dùng ngón gay chỉ vào giữa trang, nói:

- Con nhỏ tên Helena đây nè, mày đọc dùm chút. Pregnant nghĩa là "mang trống", rõ chưa?

Tôi nhìn theo ngón tay của anh nhưng không đọc được tiếng Anh. Hai Nhơn tiếp:

- Lão đã rình con bé cháu từ lúc 13 tuổi. Đợi cháu lên 18 bác bẻ hoa một phát ngon hơ. Bị bác làm cho phểnh bụng, con cháu hết mê bác, bác bèn cho cháu sang giúp... bác Ăng-ghên. Đó là luật liên quan, chờ ngày bộc phát bùng nổ. Nếu để con cháu trong nhà sợ bà vợ quý tộc đổ ghè tương.

- Bà vợ quý tộc của ai?

- Của Lão Xồm chớ còn của ai nữa!

- Ông ấy có vợ quý tộc à?

- Thì đây, sách vở sờ sờ đây tao có bịa đặt đâu, chuyện thế kỷ 19 mà mậy. Bà ta mê lão ta cũng vì ba cái duy vật biện chứng bá láp, bỏ nhà bỏ cửa bỏ cả đạo đi theo lão. Chuyện đời nó quái lạ thế đó. Ông tổ vô sản lại có vợ quý tộc và đã từng rửa tội ở nhà thờ mà không sai lập trường một tí tẹo nào cả. Còn tụi mày bây giờ cưới vợ tiểu tư sản cũng phải xin phép năm lần bảy lượt và bị tổ chức thiến mất một khúc lập trường. Trong lúc vợ ông trưởng phòng huấn học Cục Chính trị là nhà thầu cà-phê, ông trưởng Cục Tham mưu có vợ bé học sinh thì chẳng sao cả.

Tôi quay lại quyển sách Ăng-Lê:

- Rồi anh nói về quyển sách đó như thế nào?

- Tao cất luôn để dành coi chơi đâu có nói như thế nào. Còn mấy cái cạc-pốt thì tao còn cất kia. Mày đi đồng bằng chắc có khi cần đấy.

Tôi sực nhớ trong bóp tôi cũng có mấy cái "chứng minh thư" của Tư Linh cho đêm ngủ chung trên bộ ván gõ nhà cô xã đội phó xã Phú Mỹ Hưng. Tôi làm lơ và hỏi tiếp:

- Anh có dịch duy vật biện chứng cho mấy ổng học không?

- Mấy chả nghe thì cũng như vịt nghe sấm vậy chớ biết cái gì. Tao muốn dịch thế nào mà không được. Mày ở Miền Tây có nghe tiếng ông Huỳnh Ngọc Diệp người Vĩnh Long không?

- Tôi có nghe mấy thằng bạn làm ở Viện Văn Hoá của ông Hoàng Xuân Nhị nói về ổng.

- Ổng là bạn cùng lớp với tao. Một cây hoạt bát thông minh. Đi kháng chiến mới ban đầu ổng làm thư ký cho Phạm Hùng ở ScanBô. Làm được ít lâu, ổng bảo: "Thằng Tú Tài lại đi làm loong toong cho thằng học chưa hết trung học là cái nghĩa gì?" Ổng bỏ cơ quan đi sang cơ quan Trung Ương Cục. Lọt tọt thế nào lại làm thư ký cho Lê Đức Thọ. Anh ta bảo khi nghe Staline ngỏm, Lê Đức Thọ khóc như cha chết. Làm thư ký cho Lê Đức Thọ còn đỡ đỡ. Trước đó anh ta làm thư ký cho Lê Duẫn kìa chớ. Hồi tao xuống miền Tây dưỡng bịnh với thằng U Đa tao gặp giả, tao ngạo: "Sao? Làm thơ ký cho thằng gác ghi xe lửa học chưa hết ê-lê-măng-te trường làng mới đã chứ ông Tú?" Tú Diệp còn cho tao biết anh ta cũng như tao bây giờ. Nghĩa là dịch mấy quyển Dialectic và Principes élémentaires de la philosophie marxiste cho lão Duẩn nghe để lão nắm ý chánh rồi đi giảng ở trường Trường Chinh. Trường này học sinh toàn là thường vụ tỉnh ủy trở lên.

- Thế cơ à? Vậy anh Ba Duẫn mình phải thông minh lắm mới giảng bài được.

- Mác xít mác xiết... gì cũng không hấp dẫn bằng cái húm của bà Nga. Thôi mày ơi! Kể ra nó dài như con suối Tha La và nó cong queo như con sông Sàigòn vậy. Rồi mắc tội phạm thượng mà bị chém ngang lưng quần chớ không được chém đầu đâu đấy mày tụi.

Đã hơn hai giờ sáng. Hai anh em đồng ý phăng teo câu chuyện để ngủ. Sáng mai còn làm việc. Tôi lấy bàn chải đi ra bờ suối đánh răng. Trời đất bít chịt như trong hũ nút. Nhìn lên như có tấm màn đen giăng phủ không thấy một ánh sao.

Khi trở lên, đi ngang qua bếp tôi thấy ánh lửa chập chờn. Tôi dừng lại ngó qua phên nứa. Tôi thấy một đầu to trên một tấm lưng thon. À, cô gái bưng cà-phê lên phòng khách lúc nãy. Tôi lấy cớ vào bếp xin nước sôi, mạnh dạn bước vào, nói ngay:

- Hồi nãy anh nhận ra em liền, nhưng mắc nói chuyện với anh Ba, đừng giận nghe!

- Em là ai, đâu anh nói coi!

- Nguyệt ở xã Bình Khánh phải hôn?

- Tầm bậy!

- Nguyệt Đồng Tử quân trại Đồng Hoà cùng với con Út đạo và thằng Lài, do anh chỉ huy còn không phải nữa hả?

- Em là Ánh, em của chị Nguyệt.

Tôi sửng sốt. Té ra không phải Nguyệt. Ánh nói:

- Em thứ ba còn chị Nguyệt thứ hai. Hồi đó anh tới nhà em, anh hát mấy bài đời sống mới cho em ngủ trên võng.

- À, nhớ rồi.

- Chị Nguyệt em có chồng ba bốn đứa con rồi chớ đi đâu đây!

- Còn em sao không ở nhà lấy chồng mà đi đâu đây?

- Chú Ba là bạn của ba em. Hồi đó ba em làm chủ tịch xã. Tiểu đoàn của chú về đóng ở ấp em, ba em lo vệc tiếp tế heo gà. Vừa rồi thím Ba có vô thăm chú. Thím nói tình hình ở xã nhà ngụy bố ráp găng lắm, chú Ba bèn nhắn ba em gởi em vô trong này công tác, bảo đảm hơn và được học hành tiến bộ.

Tôi coi Ánh như em nên ngồi xuống băng nói chuyện tiếp:

- Tiến tới đâu rồi em?

- Mới vô đoàn thôi. Đảng còn lâu.

- Cố gắng công tác đến nổi ông táo còn phải bầu em làm cá nhân tiên tiến, còn "trau dồi đạo đức" thì ngày nào cũng "trau" mòn hết móng tay mà chẳng thấy đạo đức ở đâu.

- Chú Ba, ông Sáu Nam, ông Hai Bứa không là nhà đạo đức là gì?

- Ối trời! Em biết ông Sáu.. Nè anh, anh có chỗ nào xin cho em đổi công tác đi. Ở đây em sợ lắm.

- Sợ cái gì. Ở đây là khu an toàn, bảo đảm trăm phần trăm, đi đâu cho bằng.

- Em sợ mấy chú mấy bác lắm.

- Mấy chú mấy bác đầu bạc hết, coi các em như con cháu, ăn thịt ăn cá gì mà sợ dữ vậy?

- Ối trời! Anh đừng nói vậy mà lầm. Mấy chú hay làm trò này trò nọ lắm đó. Tụi bên văn phòng, con Trúc Mai, con Cúc qua đây than với em dữ lắm, nhưng dặn đừng có nói ra. Mà thôi, em không dám nói nữa đây! Rủi anh đi học lại với mấy chú thì khốn. Anh có bài hát gì mới không chép cho em vài bài với.

- Anh thì cũng gà cồ ăn quẩn cối xay có đi đâu mà biết bài hát mới.

- Anh biết không, mấy cô ở bên văn phòng mết anh dữ lắm. Hồi tối anh lên đọc diễn văn gì vậy hả?

- Diễn văn gì đâu?

- Mấy cô đó về ngang đây nói rùm lên em nghe được.

- Nghe thế nào?

- Mấy cổ nói mấy cổ tưởng anh hùng thì phái già khú ai dè trẻ vậy. Mà lại còn bảnh trai không kém dân Sàigòn.

- Thì anh là dân Sàigòn đây còn kém ai!

- Anh ở đây vài bữa thì sẽ bị tụi nó hốt hồn thôi!

- Hốt thì hốt chớ anh đâu có sợ.

- Đó thấy không, chưa gì mà đã ló mòi rồi!

Tôi sực nhớ câu nói của Tư Linh. Ở đây con trai con gái vì sợ hãi bom đạn cho nên sống rất hiện sinh. Con gái không có e lệ nói vòng quanh mà nói thẳng tuồn tuột.

Ánh nói:

- Em biết anh để ý ai và ai để ý anh mà!

- Ai để ý anh và anh để ý ai?

- Con Trúc Mai chớ ai. Con nhỏ đánh máy bài diễn văn cho anh.

- Ối! Cô ta đánh trật cả chục lỗi chánh tả.

- Trật thì trật chớ ăn nhằm gì. Nó đẹp thì lỗi mấy cũng chẳng sao. Như em vầy đời nào mới được hân hạnh đánh máy bài diễn văn cho anh. Anh thấy không, hai giờ sáng mà phải thức dậy nấu cơm rồi. Sáng sớm là phải có cơm lót lòng rồi nấu nước pha cà phê, trà.

- Ủa ở đây mà cũng đều đều như vậy sao?

- Đều chớ. Tập thể dục theo đài Hà Nội, xong mấy chú vào ăn sáng uống trà hoặc cà phê rồi làm việc. Em quay qua nấu cơm trưa. Cơm trưa xong lật bật là tới cơm chiều không có thì giờ học tập. Hồi chưa đi vô đây, mấy chú hứa đủ hết... vô đây rồi chỉ có nấu cơm.

- Đó là phân công của cách mạng em à. Ở ngoài Bắc có những anh hùng lạo động thuộc giới trí thức nhưng cũng có những anh hùng lao động chăn vịt làm phân xanh nuôi heo và đổ thùng. Có anh nuôi nấu cơm tám năm liền được tặng danh hiệu anh hùng quân đội.

- Thôi đi anh, ngạo em hoài!

Ánh có vẻ thích nói và tôi cũng muốn nghe chuyện bà con làng xóm, nên mặc dù đã khuya tôi vẫn ngồi mà không thấy buồn ngủ. Trong câu chuyện tôi thấy Ánh có giọng điệu than thân trách phận. Ánh luôn luôn nhắc một câu:

- Chắc em phải chết ở đây quá anh ạ!

Mỗi lần nghe câu đó, tôi né ngang chuyện khác. Tôi nhắc những người quen cũ rồi hỏi:

- Ánh có nhớ chị Hai Mặn Hội trưởng phụ nữ tỉnh Bà Rịa có lần về đóng ở nhà em không?

Ánh nói:

- Em không nhớ vì hồi đó em còn nhỏ quá, nhưng mới vừa rồi chị gặp em biết em là dân Bình Khánh chỉ mừng ghê.

- Ủa, chỉ có vô đây nữa à?

- Có chớ! Chị ở trong này phụ nấu bếp với tụi em.

- Khu ủy viên đó nghe em không có đùa đâu!

- Do đi sát với đám cu-li cách mạng mà chỉ biết chuyện của ổng ở ngoài Bắc. Chỉ làm dữ quá trời. Chị nói tạt vô mặt mấy ông lớn. Mấy ổng năn nỉ cả tháng mà không xong. Chỉ bỏ ra về không thèm từ giã ai một tiếng.

Có con muỗi chích sau lưng tôi quay lại và vòng tay đập. Bỗng ngọn đèn dầu tắt phụt.

Tối om om. Không có gió tại sao ngọn đèn lại tắt. Ánh hỏi:

- Anh có hột quẹt đó không?

- Có nhưng ở trên phòng chớ ai đem theo đây làm gì. Để anh về lấy.

Tôi nghe bàn tay của Ánh bám chặt vai tôi rồi hơi thở của nàng phả vào mặt tôi nóng như lửa. Ánh thều thào bên má tôi. Ánh nghiến răng ken kéc.

- Em thươ..ơng anh..!! Em thương anh!

- Đừng làm vậy! anh Ba trông thấy kiểm thảo, em!

Ánh ôm riết lấy tôi.

- Em không sợ.

- Anh có vợ rồi em ạ!

- Dóc tổ.

Rồi nàng nói luôn một hơi.

- Em muốn trở về Bình Khánh. Em muốn sống với anh. Anh đưa em về đó đi rồi anh đi đâu thì đi, lâu lâu về một lần, em sẽ nướng tôm cho anh ăn. Anh đi trể cá em làm khô anh bỏ ba lô đi chiến đấu.

Nàng nằm dài trên băng rồi ôm quặc cổ tôi xuống phủ lên mặt tôi những cái hôn nồng cháy.

- Anh yêu em đi. Anh yêu đi. Em cho anh đó. Yêu đi để rồi lại hối không kịp.

- Sao vậy Ánh?

- Thà cho anh hơn để người khác cướp giật.

Sáng hôm sau tôi theo Ba Thắng vào trong Cục Tham Mưu để làm việc. Trên đường đi tôi thuật lại về tình cảm của Ánh đối với tôi cho Ba Thắng nghe. Anh bảo:

- Hai đứa đẹp đôi đó. Mày có đồng ý không thì tao giúp cho?

- Tôi cũng thương cô ấy, trước nhất là người bản sở, nhưng mà ngại...

Tôi không dám khai thiệt với anh về vụ Thu Hà ở ngoài Mã Đà vì sợ anh rầy rà nên nói tránh.

- Tôi ngại công tác của tôi, đi đây đi đó linh tinh đâu có ngừng lại được một chỗ mà thành chuyện gi!

- Ờ, thì mày nghĩ cũng phải, nhưng mà làm cách mạng thì nó thế đó. Như tao xa chị Ba mày mấy chục năm nhưng vẫn thủy chung với nhau thì thôi. Có chuyện gì rắc rối đâu.

Ba Thắng nói tỉnh bơ làm như tôi không biết cái vụ em nuôi ở Hà Nội của anh. Tôi thuật lại sự bi quan của Ánh. Ba Thắng gạt ngang:

- Thì con gái nó vậy chớ sao. Ở nhà cha mẹ nuông chiều muốn gì được nấy còn vô đây làm việc có giờ giấc khít khao không được tự do cá thể như ở nhà, nên kêu rêu.

Ba Thắng dẫn tôi vô Câu Lạc Bộ và bảo:

- Ngồi đây chơi uống trà với mấy cây FM đầu bạc rồi chừng mười giờ vô trỏng làm việc.

Ba Thắng giới thiệu tôi với ông chủ tịch Câu Lạc Bộ:

- Đây là thằng em tôi. Còn đây là ông Ba Khoan ủa...ông Ba Dùi.

Tôi bắt tay và reo lên.

- Ê Khoan! Về đây hồi nào vậy?

Tưởng ai đâu lạ, chẳng ngờ là thằng quản lý đại đội của tôi hồi trước.

- Hết chữ rồi sao mà lại lấy tên Dùi?

- Mấy ông đặt chơi rồi thành danh đó chớ ai lấy tên kỳ cục vậy thầy!

- Có gì đặc biệt không bạn?

- Dạ mới về mấy chục cây Capstan và Pall Mall nhưng trong Cục lấy hết rồi. Chỉ còn loại Xa-núc.

- Da đỏ chữ đỏ "khét Thổ" lắm. Lần sau gởi tiếp liệu mua Ruby... là tôi nói chơi vậy chớ tôi có hút xách gì. Cho hai ly cà phê trụn sơ bộ đồ lòng cái chơi đi.

Hai anh em vừa ngồi lại khuấy cà phê thì một đoàn FM đầu bạc kéo vô. Tôi nhận ra ngay. Đó là ông Bảy Đậu, ông Hai Lon, ông Ba Sinh... Bây giờ đều đổi tên mới: Bảy Đậu hoá ra Bảy Mai, Hai Bứa trở thành Hồng Lâm, còn ông Ba Sinh thì kêu là Ba Ngọt. Mấy ông này vào vừa ngồi chung bàn với tôi thì hai ông nữa kéo tới. Đó là ông Năm Tâm và ông Tư Công.

Tư Công vừa đi vừa giỡ mắt kiếng chùi chùi. Tôi biết ông ta có cặp mắt rụng sạch lông nheo từ hồi ông làm Chánh ủy E397. Vừa trông thấy tôi, ông hất hàm:

- Ê thằng nhỏ! Nhớ tao không?

- Dạ nhớ chớ!

- Mới hồi nào mày đem mật mã cho Sáu Nam mỗi bữa trưa, bây giờ mày đã làm anh hùng ngon rồi hả?

Vì chân bàn chôn dưới đất không dời ken lại được, hai ông ngồi bàn khác nói sang. Ông Năm Tâm hỏi:

- Mày pháo kích Biên Hòa như vậy là hay lắm. Chốc nữa vào trong tổng kết kinh nghiệm từ cái lông chân trở đi cho tao ghi để phổ biến các đoàn khác nghe. Pháo mình mần trật duột dữ quá!

Tôi quên mất vai trò kịch của mình nên buột miệng nói:

- Cháu đâu có biết gì đâu.

- Giỡn hoài mậy, bắn tan mười mấy phản lực Mỹ mà bảo không biết gì!

Ba Thắng thò chân dưới gằm bàn đạp chân tôi. Biết ý cấp trên, tôi nói:

- Dạ thì ở trên bảo tôi phải thi hành. Biết gì nói nấy!

Hóa ra người ta bịp nhau từ gốc tới ngọn. Chắc ông Sáu Vi cũng không biết tôi chỉ là kẻ đóng vai kịch anh hùng. Còn anh hùng thiệt thì có lẽ chết rục ở sông Lòng Tào hoặc sông Bé hay nằm gục trên hàng rào sân bay cũng chưa biết chừng. 16 chiếc B26 bị trúng đạn có thật không, bố ai biết được!

Cà phê, thuốc lá bốc khói thơm nực. Chỉ một lát các cô bé ở đâu cũng bu tới. Các cô đứng ở trong vách thưa ngó ra cười khúc khích. Ông Tư Công bảo:

- Bây ra đây coi mặt anh hùng hả? (Mấy cô thụt mất nhưng ông nói với theo) Đứa nào muốn tao gả cho!

Ông là bậc trưởng thượng nên không sợ dám "con nít" phản đối. Ông quay lại tôi:

- Mày đắt hàng lắm đó. Mày muốn đứa nào là được đứa nấy.

Ông Ba Ngọt chêm vào.

- Có lẽ mày phải ném tú cầu chọn vợ mới được.

Nói chuyện qua lại một hồi thì thêm hai ông đầu bạc tới tiếp. Ông đi trước trán hói, đầu gần như không có tóc. Ông đi sau cao nhòng tóc bạc trắng, mặt rổ, lưng khom.

Ông hói hất hàm với tôi:

- Ê con ngựa trời, mày biết ông nào đây không?

- Sao không anh Hai. Ổng là ông Sáu Chè Đậu chớ ai mà không biết. Hồi ở khu 7 ổng cho tôi ăn chè hoài.

Để tỏ lễ độ, hai ba người đứng dậy nhường chỗ và ngồi dạt qua bàn gần bên. Ông mặt rổ vừa đưa tay cho tôi bắt vừa nói với mấy ông già dềnh:

- Mấy cha làm gì ở đây đông vậy? Toàn là dân Rừng Sát của Bảy Viễn.

Tôi nói.

- Chào anh Sáu. Anh Sáu mạnh giỏi? Mười lăm năm rồi mới gặp lại anh.

Tôi nhắc lại chuyện hồi trước, trưa nào tôi cũng vác bản tin mật mã đã dịch clair ra cho ông Tham mưu trường khu 7. Ông có tật hay ăn chè đậu vào buổi trưa nên tôi đợi đúng lúc ông ăn chè thì tôi đem bản tin cho ông. Hồi đó ở trong rừng suốt năm tôi chỉ có hai cái quần tiều và một cái áo blouson nỉ xanh, mặc riết rách như bố tời. Đặc biệt là thèm đường. Nhiều lần ra xóm thấy con nít cầm tán đường ăn mà chảy nước miếng. Không nỡ để thằng bé con ngồi dòm miệng, Thủ trưởng vừa ăn vừa bảo thằng cận vệ múc cho nó một chén.

Nghe nhắc chuyện xa xưa, ông Sáu cười giơ hàm răng vàng lườm xếu xáo.

- Chú nhớ dai dzậy?

- Dạ chuyện đó tôi đời nào quên được!

Một ông già chọt ngang:

- Ổng bây giờ cũng "hảo ngọt" như hồi trước, nội B2 không ai khoái "ăn chè " bằng ổng đây!

Vài ba người cười hướng ứng. Còn ông Cục trưởng thì gượng gạo:

- Các cha cũng khoái chớ mình tui sao?

Thấy Sáu Nam không tỏ vẻ quạu mà vui vẻ đáp lại. Cả bàn cùng cười rộ lên vì thực ra không phải một mình Thủ trưởng hảo ngọt mà thôi. Các ông "Thủ phó" cũng đều tít mắt khi nghe mùi chè phất qua. Bữa nay khách đông, hai vợ chồng Ba Dùi phục vụ không kịp, mấy đứa con gái phải vẫn tiếp tay pha cà phê, bưng bánh bao, bánh tiêu, bánh giò chéo quảy. Tôi không hiểu ở đâu mà có bánh trái nhiều vậy? Còn kẹo sữa, kẹo đậu phộng thì thiếu chi. Một tổ chức hết sức chu đáo ngăn nắp được thiết lập ở đây như phân khu mậu dịch Tôn Đãn Hà Nội. Ngoài tiêu chuẩn tiểu táo, đặc táo hàng ngày dành cho các ông đầu bạc còn có cái câu lạc bộ này.

Ba Dùi cho biết thứ bảy có cả la-de nước đá, chỉ rượu là không bán tự do, chỉ cắt phiếu. Tôi thật tình không tưởng tượng được trong lúc ở ngoài kia lính đếm từng hạt cơm khi phân phát khẩu phần thì ở đây cấp chỉ huy sống như những ông hoàng chẳng khác gì miền Bắc, nông dân đói đeo đói đắc mà các ông lớn phè phỡn dậm dật tha hồ.

Ông Tư Công nói:

- Ở đây ông Bảy Mai, ông Sáu, ông Chín Mỹ đều có con gái. Vậy có ông nào định bắt con ngựa trời làm rể không. Tôi coi mòi tụi con gái văn phòng hít dữ đa!

Ông Hai Lâm tức Hai Bứa gật gù:

- Thì phải rồi, gái thuyền quyên sánh với trai anh hùng chớ sao.

Ông Hai Lâm có vợ người Tàu tên Múi. Chị Múi mê cặp giò đá bóng của ông ta. Con gái ông học ở Hải Phòng. Cô nàng trông đẹp lắm. Tôi đã có ý định nọ kia nhưng không có cơ hội. Bây giờ nghe nhắc mới nhớ ra rằng mình bỏ lở quá nhiều dịp tốt để lập gia đình.

Buổi sáng uống cà phê kết thúc nhanh chóng vì ai cũng phải trở lại ghế ngồi làm việc. Tôi lửng thửng theo một cậu vệ binh dắt tôi đến Cục Tham Mưu. Đến bờ suối, tôi dừng lại xăn quần lội qua. Mai nở vàng rực. Ở Hà Nội, vào dịp Tết muốn có một cành mai để chưng trên bàn không biết tìm ở đâu, bây giờ cả rừng thì không biết làm gì.

Tôi vừa bước xuống bãi cát thì mấy cô chạy ùa tới. Mai, Tuyết, Cúc. Không có Thanh Tuyền. Có lẽ cô nàng nín lại với ông cha. Theo Hai Nhơn cho biết thì cô bé mới làm lành với ông Sáu Nam gần đây. Trước kia cha gọi con gái không đến.

Các cô lội ngang với tôi và chế diễu:

- Bộ tính làm rể ông Cục Trưởng hả anh Hai?

- Ờ phải, con gái ông Cục trưởng đẹp hơn tụi này mà!

Tôi bảo:

- Anh không có làm rể ai hết. Đừng có vu cáo người ta.

Cúc liếng thoắng.

- Thôi mà, làm bộ hoài anh Hai. Hồi tối ngồi coi Văn Công anh bỏ đi đâu vậy?

- Tôi đang bận làm cách mạng không có thì giờ làm rể.

Mai là cô bé mạnh dạn nhất bọn, xìa miệng hỏi tôi:

- Ba đứa em, anh không thích đứa nào à?

Cúc và Tuyệt cười ré lên. Tuyết nói luôn một dây:

- Thích chị Mai. Tuyên bố ngay chiều thứ bảy này này. Sẵn có đoàn văn công diễn luôn một đêm mừng đôi tân hôn. Chịu hôn anh Hai?

Tôi không ngờ các cô lại táo bạo đến vậy nên cũng hết dè dặt.

- Mấy cô định bắt cóc tôi hả?

- Đây là... bảy con nhền nhện giải phóng muốn nếm miếng thịt Đường Tăng tân thời đó!

Lội qua khỏi suối ai cũng ướt mèm! Mấy cô vuốt quần vuốt áo.. Mai chỉ lên ngọn cây:

- Coi có hai con quỉ hôm trước ở trên ngọn cây không?

Tôi hỏi:

- Ở đây mà có ma quỉ à!

Mai đáp.

- Có chớ, quỉ sống.

Mai cho biết là các cậu con trai con của mấy ông cán trong khu vực nghịch hơn quỉ. Chúng bị "giam lỏng" nên tù túng khó chịu, chúng đâm ra phá phách mọi người, nhất là phá các cô gái. Chúng biết ở suối này buổi trưa các cô thường rủ nhau ra tắm giặt. Một cô không dám đi nên phải rủ cả bọn. Các cô tắm xa đường mòn một chút để tránh người qua lại. Nhưng không trốn được bọn quỉ sống kia. Chúng trèo lên trên cây có tàng rậm ngồi phục kích. Chúng đã giỡ trò rửa mắt này không biết bao lâu rồi nhưng bỗng một hôm bất ngờ, chúng bị đám con gái phát hiện.

Số là nước suối hôm đó phẳng lặng, một cô nhìn bóng cây lộn ngược ở ven suối và trông thấy hai ba con quỉ ngồi chò hỏ trên đó nhìn xuống.

Nhưng đã muộn rồi. Các cô đã thoát y nguyên con phơi trọn thân hình ngà ngọc. Các cô vừa ôm ngực vừa kêu rú lên chạy chụp quần áo mặc vào không kịp. Các cô về báo cáo các ông lớn nhưng các cậu chối phăng thành ra chẳng cậu nào bị tội. Từ đó các tiên cô không dám tắm suối nữa.

Nghe Mai kể tôi hỏi chặn:

- Sao các cô không tắm ở nhà tắm trong nhà có phải an toàn không?

Cúc trề môi, không nói. Tuyết xí một tiếng và bảo:

- Chị Mai mạnh miệng nói cho ảnh nghe đi.

-Thôi tụi bây ơi! Ai dám nói lên sự thật! Người lớn đã vậy nên đám nhỏ bắt chước chớ sao.

Vừa đến đó thì có tiếng kêu:

- Anh Hai pháo binh ơi! Cõng em qua suối chút anh Hai!

Mai nhìn Cúc và Tuyết:

- Con quỉ hà nàm nhỏng nhẽo với anh đó. Anh ra cõng rồi giả bộ té cho nó uống nước mắc dịch luôn đi!

Tuyết lườm tôi.

- Biết mà, hồi tối anh đã... gì với nó nên bây giờ nó đeo theo?

Cức đổ quạu.

- Thôi, để ảnh ở đó cho nó hốt hồn luôn đi. Con nít mới nứt mắt đã ngựa!

Ba cô lườm Thanh Tuyền đang đứng bên kia bờ suối rồi ngoe ngoảy bỏ đi. Tôi cực chẳng đã phải ở lại. Tôi quát một cách thân ái.

- Lội qua đi, anh cõng không nổi!

- Em sợ quá hà! Qua mau đi anh.

Tôi đành phải lội qua đưa cái thớt lưng cho cô bé trườn lên. Chao ôi, vừa nóng lại vừa lạnh. Tôi phát nổi gai khắp người. Tôi choàng hai tay ra phía sau nâng khối thịt mềm mại lên và lội từng bước xuống nước còn nàng cứ ôm riết lấy cổ tôi áp má vào mặt tôi. Tôi kêu:

- Nghẹt cổ! Buông lỏng ra!

Nhưng đôi tay ngọc vẫn siết lấy họng tôi rồi nàng thầm thì bên tai tôi:

- Em bảo ba em giữ anh ở lại đây làm việc.

- Bảo buông ra nghẹt cổ... Ở sao được mà ở.

Hai chân của cô gái ngún nguẩy làm tôi lảo đảo rồi bật ngửa ra. Cả hai nhào ùm xuống nước. Tôi không ngờ mà cô bé lại táo tợn đến thế.

Quả thật, đêm qua trong lúc xem văn công, tôi ngồi chính giữa vòng vây của bảy con nhền nhện. Cô nào cũng xinh cả. Học sinh thành mà! Và khổ thay cái danh hiệu anh hùng pháo binh đã làm cho tôi lên giá. Hơn nữa, mặt mũi tôi cũng không đến nổi như Trương Chi nên các cô càng náo nức. Cô thì đưa cho tôi nước chanh, cô mời kẹo, cô lại ấn vào tay tôi một bức thơ. Nếu tôi không làm anh hùng thì các cô có niềm nở như vậy không? Trong lúc tôi đang ngồi xem kịch thì cô Thanh Tuyền ở đâu không biết lại xuất hiện. Các cô Mai, Trúc, Tuyết đều không thích Thanh Tuyền nên không cho cô nhập bọn. Có lẽ vì cô Tuyền là con ông Cục trưởng nên hơi hách. Tôi đoán vậy qua cử chỉ và cách nói năng của cô.

Tuyền bảo rằng có người muốn gặp tôi. Tôi không biết là ai, nhưng đoán chắc phải là người quan trọng - bố cô cũng nên - vì thế mới đích thân cô đi gọi. Tôi đứng dậy đi theo Tuyền giữa sự lườm nguýt của Mai, Tuyết, Cúc...

Khi ra khỏi vùng ánh sáng đèn điện, tôi hỏi Tuyền:

- Ai muốn gặp anh vậy em? Bộ ông Cục trưởng hả?

Tuyền đang đi bỗng quay lại ôm chầm lấy tôi và hôn như đốt mặt tôi mà không nói gì. Tôi không ngờ lại có một việc bất ngờ như thế nên đứng chết trân. Tuyền lôi tôi đi như một kẻ mất hồn. Đến một cái hầm trú ẩn, Tuyền bảo:

- Xuống đi, bom nó tới bây giờ đấy.

Tôi không kịp nói gì thì Tuyền nhanh nhẹn ấn tôi xuống hầm. Đường xuống có nấc nhưng tôi vấp suýt ngã. Tôi vừa chui vừa nghĩ: Có lẽ B52 sắp dội rồi. Thói thường trước khi B52 đến cơ quan đều được báo trước hai ba giờ, có khi năm sáu giờ. (Về sau tôi mới biết là do Liên Xô mách). Có lẽ Tuyền được ông bố cho hay nên trốn trước, nhưng không phải, Tuyền bắt cóc tôi.

Khi vỡ lẽ ra thì tôi bình tĩnh trở lại. Tưởng chuyện gì chứ chuyện kê thịt vào miệng sói thì sói mấy thuở tha cho.

Tuyền không nói nhiều. Chỉ một câu:

- Em yêu anh vì anh là anh hùng!

Chúng tôi suýt đi đến giai đoạn Tổng phản công nhau thì có tiếng gọi từ trên vọng xuống:

- Tuyền ơi Tuyền! Có người muốn gặp mày.

Tiếp theo là tiếng cười như nắc nẻ.

Tôi hãi quá, sắp nhỗm dậy nhưng Tuyền ghì tôi lại, áp má vào miệng tôi như bảo im.

Quả thật chỉ một lúc sau thì không ai gọi nữa. Tuyền bảo:

- Mấy con quỉ phá em.

- Thôi đi lên! Ba em biết thì anh bị rầy rà phiền lắm.

- Rầy gì mà rầy! Em sẽ nói với ba em giữ anh ở lại, đừng đi pháo kích pháo kiếc gì nữa. Nguy hiểm lắm.

- Đó là nhiệm vụ anh mà!

- Nhiệm vụ thì để người khác làm không được sao?

Tôi thấy bị động ổ rồi. Nếu có việc gì về U bị nẹt như kiểu thằng Sâm mệt lắm, nên tôi nhất định đi trở lại coi Văn Công. Tuyền vùn vằn sau lưng tôi.

- Coi cái gì ba thứ đó hổng biết nữa.

Tôi tìm chỗ khác ngồi, sợ mấy nàng kia trông thấy mặt mà chế diễu. Tưởng thoát hai bàn tay tiên, nào dè sáng nay lại dính. Tôi biết tôi là thằng rất nhạy. Em nào lấp lững là bị chàng va thôi. Tôi đã ngồi lên được nhưng nàng kéo tôi ngã xuống nước và ôm riết tôi chặt cứng. Tôi cố ngóc dậy và nói:

- Buông anh ra anh nói chuyện này cho nghe.

Nhưng nàng không chịu nghe tôi. Tôi gắt:

- Mấy đứa nó quay lại kìa!

- Quay thì quay. Em không sợ.

- Thôi lên bờ rồi em muốn gì anh cũng chịu.

- Em bắt đền anh đó.

Nàng níu tay tôi và lê bước vào bờ. Tôi nhìn thân thể cô bé bị quần áo bó sát để lộ ra những nét hài hòa của một mảnh trăng liềm, một cặp đồi non và mấy vệt mây Tần. Thật khó dằn lòng.

Nàng phụng phịu:

- Anh đi với em đi.

- Đi đâu?

- Em biểu đi đâu thì đi đấy.

- Ừ đi thì đi.

Nàng bước trước, quần áo khua sột soạt nước từ tóc từ vải chảy xuống ròng ròng đến hai gót chân son tươi đang thoăn thoắt trên lá khô. Tấm lưng ong thật eo, cặp mông tròn ủm, khít rịt và mũm mĩm nhún nhảy trước mặt gã đói tình.

Cô bé đi lẫn vào một bụi rậm và ngoảnh lại bảo:

- Anh đứng ngoài coi chừng dùm em.

- Coi chừng gì?

- Coi ai có đi tới thì cho em hay.

- Em làm gì trong đó?

- Em vắt quần áo cho khô. Để vầy lạnh quá!

Tiếng nàng bật ra giữa hai hàm răng đánh bò cạp.

- Thôi chết rồi!

Tôi nghĩ thầm. Mình bị lôi đến mé vực lần nữa! Làm sao tôi nhắm mắt quay lưng, làm sao tôi có thể dằn lòng? Rừng vắng và lạnh nhưng tôi nghe trong người rộn rã và do thịt nóng bừng.

Tôi sợ nàng bảo là kém đạo đức và mắng cho như nàng từng mắng bố nàng: "Người cộng sản gì kỳ cục vậy...?" nên không dám ngó thẳng chỉ liếc xéo liếc ngang. Tôi nghe tiếng vải ướt sột soạt tuột khỏi thân người nàng. Tôi mơ màng nhìn những mảnh trắng lấp loáng qua kẻ lá rung rung. Không hiểu lá rung hay tim tôi rung?

Bỗng nàng kêu lên thất thanh:

- Anh! Anh! Cứu em với!

- Gì thế?

Tôi vừa quát vừa nhảy vào.

- Con rắn... con rắ...

- Ở đâu?

- Nó vừa bò qua chân em!!

Tôi đang lom khom tìm vết rắn bò thì nàng ôm cổ tôi. Tôi bật ngữa và đè lên người nàng. Tay nàng vẫn ôm cổ tôi còn đôi chân thì quặp ngang bụng tôi. Tôi như nằm trên mảnh lụa nhấp nhô. Lá khô trên đất đá lỡm đã trở thành nệm ruột gà. Nàng bảo tôi từng tiếng rõ ràng:

- Anh yêu em đi.

Nàng đẩy tôi ra và nằm phơi như một bài thơ.

- Ấy chết! Em làm vậy không được.

Tuyền quát:

- Anh đừng có làm bộ như mấy ổng vậy. Ban ngày nói chuyện đạo đức. Ban đêm đụng ai cũng mò.

Tôi không còn mơ màng nữa. Sự thực đã rành rành.

- Em không ân hận nếu mai mốt em chết vì một mảnh bom. Hay ngay cả bây giờ!

Nàng ôm ngang lưng tôi và cất đầu dậy hôn mặt tôi, ghì tôi xuống. Đã đến mức này rồi tôi không thể nhịn nhục được mãi. Tôi có chọc ghẹo ai đâu. Chuyện đời nó đã thế thì cho thế. Tôi là kẻ bộ hành trên sa mạc đã từ lâu. Không lẽ bà tiên mưa móc lại không hứng lấy.

Đúng thật thằng Tư Linh nó sành tâm lý con người nên nó mới làm địch vận. Nó rành cả tâm lý của đàn bà con gái nên nó mới gạ gẫm chị Tư Mai và cáp chạng đầu tiên tôi với Bảy Mô ở vườn sầu riêng hôm trước.

Con gái con trai ở đây khủng hoảng sinh lý lẫn tình cảm. Con trai thì làm càn, còn con gái thì sợ mấy thằng cha già tẻng. Chúng sợ chết bất ngờ nên chúng không sợ kỷ luật. Chúng sống vội yêu cuồng có thua gì dân Sàigòn như báo chí nói và người ta đồn đại.

- Nào, anh có chịu ở lại đây không?

Đó là câu hỏi đầu của Thanh Tuyền khi chúng tôi sánh vai bình thường đi bên cạnh nhau trên con đường mòn khô ráo. Thấy tôi đờ đẫn, nàng gắt:

- Anh muốn chết hay sao mà xông vô ba cái vụ pháo kích.

- Gì mà chết. Người ta còn sống nhăn đây!

- Xí! Ba em bàn với mấy ổng em nghe hết ráo.

- Nghe gì?

- Ba em nói kỳ rồi, mở đường gây tiếng vang cho Mặt Trận, ba em cho đánh sân bay Biên Hoà nếu phải chết cả đoàn 69 cũng được. Miễn có tiếng nổ trong sân bay thì thôi.

- Nhưng đâu có ai chết?

- Chết hết ráo còn không chết. Ông Huỳnh Thanh Đồng đoàn trưởng 69 có về không?

- Anh ấy bận công tác mới.

- Công tác dưới âm phủ hả?

- Thì anh và bốn người khác về dự lễ Mừng Công không đủ bằng chứng hay sao?

- Xí, anh là anh hùng giả!

- Giả sao còn yêu anh?

Tuyền nói xon xỏn vào mặt tôi.

- Giả em mới yêu, chớ thiệt thì chết gấp yêu làm gì! Em nghe ba em bàn mọi việc hết ráo.

- Bàn thế nào?

- Bàn rằng bác Sáu Vi sắp vô, nếu báo cáo rằng pháo kích sân bay mà toàn thể đơn vị hy sinh thì có thể bác Sáu Vi không khen giỏi. Cho nên mới chọn người khác giả đò làm người của đoàn 69.

Tôi nghĩ thầm:

- Nay mai đám nhiếp ảnh trương hình chụp của tôi ra triển lãm thành tích của đoàn 69 và chú thích rằng tôi là anh hùng pháo binh thì bỏ mạng sa tràng ngay. Vì học sinh các tỉnh, có thằng nào không biết rằng khi pháo kích Biên Hoà thì tôi đang nằm chình ình ở trong trường pháo giảng bài cho chúng nó!

Tôi bảo Thanh Tuyền:

- Em phải giữ bí mật, không nên nói lung tung chuyện quân sự đó ra.

- Bí mật gì nữa? Ai không biết mà bí với mật!

Một chốc tôi hỏi:

- Em có gặp bác Sáu Vi không?

- Có.

- Ổng thay mặt bác Hồ vô đây thăm các em đó.

- Ổng gặp tụi em, ổng cứ lải nhải: Các cháu cố gắng học giỏi, lao động tốt để xứng đáng là cháu ngoan bác Hồ. Các cháu phải làm gương cho thiếu nhi ngoài Sàigòn. Chúng em có được học chữ nào đâu mà bác bảo học giỏi.

- Bác Sáu có ăn cơm chung với ba em không?

- Không. Ba em chỉ gặp bác có một lần hồi bác mới vô. Bác ở nhà riêng với cô Quyên không có ai đến đó cả.

- Cô Quyên nào?

- Anh không biết cô Quyên là ai thiệt à?

- Không biết thiệt.

- Cô Quyên là vợ của chú Trôi chú Trỗi gì đó.

- Ở ờ biết rồi, anh biết anh Trỗi chớ không biết cô Quyên!

- Anh biết chú hồi nào?

- Biết trên đài thôi chớ không có gặp mặt. Cô Quyên vô đây hồi nào?

Thanh Tuyền có vẻ cảm động.

- Lâu rồi. Trước khi bác Sáu vô. Tội nghiệp cô ấy quá anh ạ. Cô ấy còn trẻ. Đâu hơn hai mươi thôi mà lại góa chồng. Anh thấy anh hùng bỏ vợ vậy đó chưa?

- Em có gặp cô lần nào không?

- Có gặp vài lần. Cô ra câu lạc bộ ông Ba Khoan. Cô đẹp ghê! Bác Sáu cưng cổ lắm. Bác không cho cổ đi đâu hết. Cổ đi một bước là có vệ binh theo canh chừng. Ở gần bác như vậy chắc mau tiến bộ lắm hả anh?

- Mau lắm. Cũng như mấy cô kia ở gần mấy chú mấy bác vậy.

- Ở gần bác Sáu thì tiến bộ mau hơn chớ. Vì bác là nhà cách mạng lâu năm hơn mọi người ở đây mà.

- Được bác Sáu huấn tuyên thì tiến bộ nhanh lắm.

- Vậy chắc mấy thím Ba Trà, thím Lê Trọng Tấn tiến nhanh hơn hả anh?

- Tại sao vậy?

- Vì mấy chú huấn luyện mấy thím liền tù tì mà.

- Sao em biết giỏi vậy?

- Vì lâu lâu mấy thím vô một lần. Bác Sáu gái cũng có vô.

Tôi ngạc nhiên nhìn trân vào mắt Thanh Tuyền:

- Các bà đó có vô đây nữa à?

- Có chớ.

- Mấy bà lội Trường Sơn sao nổi?

- Mấy thím đi máy bay vô Phnom Penh rồi từ Phnom Penh vô sân bay Mimot và từ Mimot vệ binh võng sang đây.

Tôi kêu lên:

- Trời đất, có chuyện đó nữa sao?

- Có chớ.

- Sao em biết tới những chuyện đó nữa?

- Chuyện gì nữa chớ chuyện đó ăn thua gì.

- Như chuyện gì?

- Thôi, em không nói đâu. Em bị mấy chú kêu là con thèo lẻo số một.

- Còn thèo lẻo số hai là ai?

- Em hổng biết nhưng em thấy nhiều chuyện hơi kỳ kỳ nên em hỏi ba em. Ba em nạt.

- Như chuyện gì?

- Chuyện cô Quyên buồn bực đòi về thành.

- Thì chồng cổ vừa chết, cổ buồn chớ sao!

- Buồn thì ai chẳng buồn. Ở đây có gì vui đâu mà không buồn được. Nhưng cổ có chuyện gì khác em không biết được.

- Đọ! em nói giấu anh nghe!

- Em không giấu đâu, nhưng chuyện đó kỳ lắm. Có đem ra để học tập rồi.. Ba em cấm mọi người tuyệt đối không được nói tới nữa.

- Em nói một mình anh nghe được không?

-........

Tôi cười và tháu cáy cô bé:

- Ối! tưởng chuyện gì chớ chuyện đó anh biết trước em lâu rồi. Còn ác hơn nữa cơ!

- Thiệt hả anh?

- Thiệt chớ láo à?

Tôi kéo cô bé dừng lại định hôn nhưng cô đẩy tôi ra.

- Vậy để em nói thêm cho anh nghe xem có đúng không.

- Thôi, đừng có nói. Chuyện đó thì đại khái đâu đâu cũng vậy thôi. Nói ra chỉ thêm mất uy tín thôi.

Hai đứa đi bên nhau. Thanh Tuyền tỏ vẻ người lớn. Nàng thở dài:

- Bên B3 có mấy chị sình bụng anh ạ!

- Ở đâu không có chuyện đó, cứ gì ở trên R này.

- Ở trên đã có kế hoạch cất nhà cho mấy bà bầu ở riêng. Đó là mấy bà có chồng như vợ ông Ba Khoan. Còn mấy chị không có chồng mới ngặt. Em vô đây hai năm rồi. Năm nào cũng có ba, bốn chị bị như vậy, nhưng không hiểu sao ở ngoài thành cứ vô đây.

Tôi lấy làm lạ về cách ăn nói trắng trợn của một cô nữ sinh mới ra khu. Tôi cười:

- Vì cha mẹ sợ con gái ở ngoài thành sống theo thuyết hiện sinh hỏng hết.

- Sợ ở ngoài thành hư hỏng vô trong này thì vậy đó.

Tôi tò mò hỏi.

- Cô Quyên bây giờ ở đâu?

- Thì cũng vẫn ở với bác Sáu. Em nghe các chú các bác nói là bác Sáu sẽ đào tạo cho cô trở thành nữ anh hùng nối gót theo chú Trỗi mà.

- Đàn bà con gái đều có chí lớn cả. Ở Củ Chi thì con gái trở thành anh hùng dũng sĩ diệt Mỹ. Em thấy vở kịch "diệt Mỹ" đêm hồi hôm không?

- Có thấy chớ, nhưng em không có tin đâu.

- Bộ em không muốn làm anh hùng hả?

- Làm anh hùng mà chết chồng như vậy, em chịu thôi. Có ông nhà báo gì ở bên Tuyên Huấn qua lấy tài liệu để viết bài, nhưng bác Sáu bảo thong thả đã, bây giờ cô còn đang buồn. Em yêu anh nhưng nếu anh đi pháo kích nữa thì em cắt.

Tối hôm đó tôi ngủ ở nhà Hai Nhơn để sáng mai trở về phái đoàn Ba Hải. Thực tình mà nói tôi có linh cảm là cái khu vực hoàng triều này sẽ ăn B52 rất sớm vì nó lộ liễu quá. Chuồn ra khỏi càng sớm càng tốt.

Đêm nằm với Hai Nhơn nói chuyện không ngớt. Kỳ này anh đề cập thẳng vấn đề hôn nhân của tôi. Anh nói:

- Tao cũng có con gái gã cho mấy được, nhưng tao biết hiện giờ không có cách gì, nên tao không muốn hứa hão.

- Tôi đã bỏ bao nhiêu cơ hội rồi anh hai ơi! Già cái đầu rồi cứ xách xe không chạy mãi, rầu quá!

- Không phải vì xe không có khách mà vì người ta không cho mày cái bến đậu để rước khách. Nhưng mà coi chừng nghe. Tùy bến đó. Tao coi mày như em từ đầu kháng chiến nên tao nói thiệt chắc mày cũng không giận tao.

- Gì mà giận anh Hai.

- Mấy con nhỏ văn phòng đó đứa nào cũng mê mày. Mày chỉ cần gật là tuyên bố ngay!

- Em có gì hấp dẫn đâu!

- Mày xuất hiện giữa đám già nua mà không hấp dẫn à?

- Đội vệ binh không trẻ hơn em sao?

- Chúng nó trẻ nhưng không có văn hóa. Mày nên nhớ đám con gái đó toàn là nữ sinh Gia Long, Áo Tím hay Couvent des Oiseaux gì đó. Những thằng vệ binh thô kệch trong cử chỉ lẫn lời nói làm sao với tới. Do đó chúng nó mê mày. Tao bắt mạch trúng hết mà. Nhưng mày nói thiệt tao nghe. Mày đã hứa hẹn với đứa nào chưa?

Tôi ngồi im không đáp. Vì trong lúc tình cảm nồng nhiệt tôi đã ưng chịu theo ý của Ánh lẫn Thanh Tuyền. Tôi biết là lời hứa đó không nên có vì Thu Hà đang chờ đợi tôi từng ngày. Hơn nữa, đời tôi chắc chắn không thể bị giam trong cung cấm giữa vùng hoang dại này.

Hai Nhơn nhìn tôi một hồi rồi gật gật bảo:

- Tao có thể nói với mày rằng mèo không bao giờ tha chuột. Mày hiểu chứ?

- Kể cả chuột Thanh Tuyền.

- Mày ơi! ở đây không ai có thể kiểm soát được. Kỹ luật càng gắt thủ đoạn càng tinh vi. Mày nên biết rằng những người sống trong cái vuông rào này đều bị ức chế khủng khiếp. Người già thì luẩn quẩn vì suốt ngày không có việc gì làm như tao đây. Cả Chín Mỹ, Năm Danh, Hai Bứa, Ba Ngọt, Ba Chè, Chín Hô cũng thế thôi. Đi ra đi vô vài lần là chán ngắt.

- Chín Hô nào?

- Chín Vinh đấy! Cho nên tóc mau bạc. Còn tụi trẻ thì như gà bị nhốt trong giỏ chật nên tìm cách chui ra. Kỹ luật gì nổi, Chúng nó dắt nhau ra rừng đ.. đứng. Ủa, tao nói thiệt mà. Vì không kịp sửa soạn ổ lá như thằng Sâm.

- Anh biết vụ thằng Sâm nữa à?

- Có thông báo để học tập khắp các đoàn bộ, còn ai mà không biết? Già có thủ đoạn già, sồn sồn có thủ đoạn sồn sồn, con nít có thủ đoạn con nít. Kết cục không có cái gì còn nguyên đâu.

Tôi xác nhận lời của Hai Nhơn nói qua thực tế mấy hôm nay. Đám con gái như bầy nhền nhện cái phủ vây Tam Tạng, có điều khác là tôi không giống Tam Tạng.

Đột nhiên Hai Nhơn cười một cách bí hiểm:

- Mày vô trỏng gặp tình địch của mày chưa?

Tôi hoảng hốt:

- Mấy đứa đó có mèo cả rồi hả anh?

- Mấy đứa nào?

- Con Mai, con Tuyết, con Thanh Tuyền và cả con Ánh nữa.

- Không! Ở đây chúng nó không được phép yêu. Chúng nó bị theo dõi gắt lắm. Chẳng có đứa nào có tình nhân đàng hoàng. Hể vừa lú ra là bị chém.

- Ủa sao kỳ vậy. Ở trường pháo tôi, tôi cho tự do, yêu nhau cưới hỏi đúng nguyên tắc.

- Tao đã bảo mày ở đây là hoàng cung mà. Chỉ có điều khác là tụi vệ binh này chưa bị thiến như thái giám thôi!

- Còn anh nói tình địch nào của tôi?

Hai Nhơn kề tai tôi nói nhỏ. Tôi sững sờ lặng câm. Hai Nhơn cười khè khè:

- Hôm trước bà Sáu Vi vô đây, mụ ta có đi theo đem cái nồi bể vô cho ông ấy pha chè đâu hai ba tuần gì đó. Khi về Hà Nội, mỗi bà cộ một xe đồ Mỹ Ngụy, một tá đồng hồ viết máy.

Tôi ngồi lặng thinh cơ hồ không nghe gì. Tâm trí tôi ngược về dĩ vãng xa vời. Thời đó tôi từ miền Đông xuống Tháp Mười trong phái đoàn của bác sĩ Trần Văn Du. Đi nửa đường, phái đoàn bị phục kích trên sông Vàm Cỏ đông. Bác sĩ Du bị Tây bắt đưa về thành rồi cho ông ta một tiệm thuốc Tây. Ông ta thích quá ở lại thành và cưới vợ khác trong khi bà vợ có bầu ngoài bưng. Lúc đó tôi đâu chừng mười tám tuổi. Trong lúc chờ đợi chuyến đi xuống miền Tây, tôi được đưa tới một nhà nông dân bên cạnh chòi của luật sư Lê Đình Chi trên bờ kinh Dương Văn Dương. Ông bà ra Tháp Mười nằm cheo queo vì không có việc gì làm, chỉ toàn đọc sách tiếng Pháp. Một lần dân quân nạt nộ và tịch thu tất cả sách.

Hoạ vô đơn chí phái đoàn chúng tôi vừa chết hụt ở Vàm Cỏ Đông, lại bị máy bay oanh tạc. Gia đình ông Chi và tôi chạy ra núp ở gốc cây rơm. Vì hốt hoảng và không có kinh nghiệm nên cứ ôm gốc rơm úp mặt, đưa lưng ra mà chịu trận. Ông Lê Đình Chi tử nạn trong trận oanh tạc đó.

Và liên tiếp mấy ngày liền chúng tôi bị càn quét kịch liệt. Quân Pháp có cả xe lội nước. Sống sót sau trận ruồng, bà Chi và cô gái định trở về thành, nhưng người ta tới can gián và hứa hẹn đặc ân này nọ. Đã trót thì phải trét bà Chi cùng cô con gái ở lại kháng chiến (!). Rồi người ta đưa bà xuống miền Tây sống yên ổn hơn.

Trong những người tới khuyên bà Chi có ông Tư lệnh chiến khu 8 tức là Trần Văn Trà. Ông Trà nhỏ con, không phải Tướng nhà binh nhưng lại có quyền hành. Gia đình bà Chi nằm trong tay ông ta. Ông Trà cũng không phải là dân Nam Kỳ. Tôi đoán vậy vì nhiều lần ông tới nói chuyện với bà Chi, tôi nghe giọng nói hơi cứng. Bà Chi lúc đó mới bốn mươi, còn đẹp gái. Dân thành thị mà! Ở đây tôi xin nói lên một sự thực mà người trong cuộc cũng không thể chối cãi. Ông Trà đến là để ve vãn bà Chi. Sau cái chết bất ngờ của ông Chi, ông Trà càng đến an ủi bà thường xuyên và tận tình hơn trước.

Bà Chi có ý muốn bắt tôi làm rể. Cô con gái bà tên Thoa, không đẹp lắm nhưng có duyên và rất quý phái. Đi bắt ốc bắt cua quanh hè lúc nào Thoa cũng gọi tôi cùng đi để bắt đỉa cho nàng. Tôi đến và thân với nàng cũng như đối với hàng chục cô gái khác trong ban Rùm Beng của tôi ở khu 7 và các cô tôi gặp trên đường kháng chiến của tôi chứ tôi nào có định làm rể ai đâu. Nhưng Thoa yêu tôi lắm. Lạ thế cơ. Tôi là thằng ngông nghênh ngổ ngáo vừa là học sinh vừa là chăn trâu, không hiểu tại sao cô nào gặp cũng tặng khăn thêu, tặng hình và tặng thứ nọ thứ kia nữa.

Bà Chi thấy ông Trà xáp với bà hơn mạnh, nên bà tìm cách tự giải vây để thủ tiết với chồng chết mộ chưa xanh cỏ. Thật là xót xa.

Rồi tôi đi xuống miền Tây. Bà Chi cũng xuống miền Tây. Tôi vô học trường Lục quân Trần Quốc Tuấn để mong "da ngựa bọc thân thể trai" như bài hát của Văn Cao mà tôi thích.

Một hôm tôi đến nhà bà Chi ở Kinh 14 thuộc xã Biển Bạch. Thoa nay đã lớn và ra mã con gái rất chững chạc. Chúng tôi yêu nhau. Tóm tắt đại khái như vậy cho nó qua mau đi, chớ nếu viết ra thì dài dòng lắm. Chúng tôi không hứa hẹn gì cả nhưng tôi vẫn tới lui khi có dịp. Bà Chi không ngăn cản mà lại còn khuyến khích.

Thì đùng một cái cô Thoa thở thành bà Tư lệnh Miền Đông Nam Bộ. Lúc bấy giờ tên Tướng Lê Hiến Mai tự là "Lê mái hiên" vừa vào với Lê Đức Thọ. Toàn Nam Bộ được chia ra làm hai: Phân liên khu Miền Tây và Phân liên khu Miền Đông. Miền Đông do Tư lịnh Trần Văn Trà cai quản. Tôi nghe người ta đồn rằng từ trên đó, ông tư lịnh điện xuống bạn bù khú là Võ Quang Anh, Tư lệnh khu 9 cũ.

Ông Tư lịnh họ Võ này giúp ông bạn họ Trần đưa nàng Kiều lên Miền Đông động phòng hoa chúc. Nàng đã phản đối bà Chi kịch liệt nhưng áo mặc không qua khỏi đầu. Nàng nhảy xuống sông tự tử ngay hôm xuống thuyền rồng về Chiêm Quốc, nhưng con sông Cáí Lớn không phải là sông Hồ Hán.

Tôi nghe đủ mọi chuyện và nhớ vụ thằng Sơn Lâm, nên càng tránh xa gia đình này. Bà Chi có nhắn một người quen rằng bà gán cô Thoa cho ông Tư lịnh để thủ tiết với chồng. Nếu không làm như vậy ổng cứ rề rà hoài sợ rằng bà ta khó cưỡng. Sự thực là về sau bà vẫn ở vậy không lấy ai mặc dù có rất nhiều ông lớn đến thăm nom săn sóc bà.

Thì thôi, cũng được, tôi tự coi như mình hi sinh cho một tiết phụ. Nhưng tôi ớn cái bẫy sập của "ở trên": Người ta sẽ có thể bày mưu đưa mình đi mặt trận và nhờ địch giết. Bạn đời ơi! chuyện đó có xảy ra rồi. Thằng Sơn Lâm chỉ là một trường hợp. Do đó khi học xong trường Lục Quân, nhiều thằng bạn tôi xin về miền Đông còn tôi thì không! Thù cá nhân, thù tình địch còn nặng hơn quốc thù và quân giặc mà!

Thế nhưng đi vòng vo trái đất, những tên tình địch lại gặp nhau ở đây. Một đằng thì Tư lịnh, một đằng thì anh hùng rơm. Nhưng nếu đem tôi và gã ra trước mặt giai nhân thì ắt tôi đứng trên gã một bậc trong tim nàng.

Nghe Hai Nhơn khêu lại chuyện xưa, tôi đâm ra giật mình. Tôi nghĩ tới vụ thằng Lâm bị tên Tư lịnh đưa đi trinh sát đồn ở Long Châu Hà rồi bảo một tên khác bắn vén ót Lâm. May sao tên này không bắn mà còn báo cho Lâm biết để trốn đi.

Ba Thắng gợi ý cho tôi ra chỉ huy bộ binh ở Củ Chi chắc chắn không phải là cái bẫy sập gài cho tôi. Nếu tôi còn ở pháo binh có thể bị hi sinh cho những trận pháo kích khác do R đặt ra và giao cho tôi thi hành.

Thấy tôi ngồi đờ đẫn, Hai Nhơn hỏi:

- Hồn Bướm Mơ Tiên hả mày tụi?

Tôi giật mình. Dòng tình cảm cũ đứt ngang. Tôi trở lại thực tại. Hai Nhơn cười:

- Trong rủi mà may đó chú em.

- Cái gì rủi, cái gì may?

- Nếu cuộc tình đó thành thì chưa biết chừng mày đã văng dênh! Hì hì bây giờ rảnh tay mày tha hồ mà "hoạt". Mụ ta bây giờ đã thành heo nái xề rôi, mày thấy mày cũng không ham nữa đâu. Thôi bỏ qua mọi dĩ vãng. Dù nó có đẹp đến đâu thì cũng là dĩ vãng. Nào, mày đã hái được mấy quả đào thơm, đã tắm ngọc tuyền mấy lần?

Tôi cười:

- Tiên đông quá anh Hai ạ!

- Mày đã đăng ký vô đạo quân nhảy dù chưa?

- Tôi suýt đi học phi công bên Liên Xô, nhưng vì trong mình có mấy vết thương và một cái răng có vết đen nên bị đưa qua pháo binh chớ vô quân nhảy dù hồi nào.

- Mày không biết gì hết. Ở đây có cả một đội nhảy dù răng lung lay, tóc bạc đấy.

- Ai vậy?

- Thì Sáu Nam, Chin Hô, Bảy Mai, Tư Khanh, Ba Thắng, Ba Chè, Năm Lê chớ còn ai nữa.

Thấy tôi ngơ ngác, Hai Nhơn lại cười:

- Mày có thấy đó là một bầy triệt giáo không? Mặt mốc, râu rìa, lỗ mũi lân, mắt lươn, trán dồ, miệng móm, răng bàn nạo, toàn bọn thú đội lớp người và khoác áo đạo đức cầm gậy phép chỉ huy. Mày cứ xem kỹ đi. Có thằng nào có tư cách đàng hoàng thì cạo đầu tao bằng búa.

- Chú Bảy Mai mới về mà cũng đã lập thành tích rồi à?

- Thành tích của chả bây giờ còn sáng chói hơn thành tích hồi chín năm với con Đoàn Thị Chơn nữa. Hồi đó hai chú cháu mê nhau dắt đi ta bà một tháng về đơn vị bị chánh ủy Nguyễn Việt Hồng phạt cơm lạt một tháng rưỡi mày chưa quên chớ?

Tôi hỏi nhỏ Hai Nhơn. Hai Nhơn cười ré lên:

- Đó là một cuộc nhảy dù chưa từng có trong cổ kim lịch sử. Nhưng mày cứ tin đi hễ sanh nghề thì tử nghiệp. Nhảy mãi rồi cũng có ngày đứt dây.

- Ông ấy cưng cô ta như cháu mà.

- Sao mày biết tới chuyện đó nữa?

- Con Thanh Tuyền học với tôi.

- Ừ, đúng đấy, cháu với chú như cha với con. Nhưng chú với chó thì chỉ khác nhau có một chữ.

- Ông ta là bác chớ đâu phải chú.

- Hà...! Chú với bác thì cũng thế thôi.

Sáng hôm sau, phái đoàn anh hùng pháo binh trở về sơn trại. Tôi ngỡ như lạc Thiên Thai cả trăm năm. Bây giờ trở lại đường trần bước chân hơi bỡ ngỡ.

Ba Hải hỏi ngay sau khi ra khỏi trạm 66:

- Cậu có định làm rể ông Sáu Nam không?

- Ai nói vậy?

- Trong đó người ta đồn rùm.

- Giỡn hoài cha nội.

- Nè, bọn cảnh vệ nó theo sát ông nghe.

- Theo sát cái gì?

- Cậu có lội qua suối không?

Tôi giật mình đáp.

- À à... có...ó!

- Rồi sao nữa?

- Thì qua suối vô Cục Tham Mưu làm việc với các ông ấy.

- Làm việc với Cục Tham Mưu tôi biết rồi, nhưng còn cái việc cậu lội qua suối kìa!

- Tôi đi chung với con Mai, con Trúc, con Tuyết tới ngã rẽ...

- Chúng nó đi trước. Rồi ai theo sau?

Thấy chối không được tay già giơ này tôi thú thực nhưng chỉ đưa ra "nửa khúc bánh mì" thôi. Ba Hải nói:

- Cậu sập vô cái hũ nếp rồi đấy.

- Hả!

- Ừ! thì vậy đó!... Không phải khi không con nhỏ lội qua suối một mình. Con nhỏ này đi đâu cũng có cảnh vệ đi theo đó cậu ạ! - Không đợi tôi nói gì, Ba Hải tiếp - Thôi vậy cũng được. Cậu cũng nên lập gia đình đi. Đã đến tuổi lâu rồi. Con nhỏ mới mười bảy nhưng không sao, các chả đã mọc sừng ba ngấn cả nhưng vẫn cưa phăng đi để làm nghé có sao đâu? Thôi, về huấn luyện hết khoá này rồi lên làm phò mã giữ ngựa cho cô Thanh Tuyền.

- Giỡn hoài anh Ba! Tôi không có giữ ngựa cho ai đâu.

Vừa đến đó thì có một người đàn bà từ trong một túp chòi đi ra đường. Bà ta tóc hoa râm, mặt mũi bơ phờ, quần áo xốc xếch. Tôi thoáng nhận ra người quen thì bà ta đã lên tiếng:

- Lôi ở ban "Rùm Beng" hả! Bây giờ làm anh hùng hả?

Tôi đang moi trí nhớ xem là ai thì bà ta tự xưng:

- Hai Mặn đây em. Hai Mặn đoàn trưởng phụ nữ tỉnh Bà Rịa hồi chín năm. Hai Mặn yêu anh Chọn, Trung đội trưởng nhưng mê chức Tiểu đoàn phó của Sơn Tiêu mà ngày nay mới ra nông nổi. Thằng khốn nạn nó không dám về R, nó đi thẳng xuống I/4 rồi..

- À chị Hai.

- Nhưng chị nhất định phải gặp mặt nó để hỏi tội phản bội của nó. Nó ra miền Bắc ở gần cụ Hồ sao có thể làm bậy như vậy được? Nó lấy con mẹ đan len ở phố hàng Đào tên Lê. Về Nam nó còn trêu gan chị, nó lấy tên là Năm Lê... Phải hồi đó chị lấy anh Chọn...

- Chị quên rồi! Anh Chọn là trung đội trưởng sau đó đánh trận Rạch Vọp, hi sinh...

Hai Mặn gạt ngang:

- Chị quên sao được! Anh Chọn đen đúa xấu trai làm Trung đội trưởng. Anh hi sinh trong trận đánh đồn Rạch Vọp. Chị ân hận lắm!

Thấy tôi gặp lại người cũ, Ba Hải bảo anh em kiếm gốc cây ngồi chờ. Chị Hai Mặn khóc mùi. Chị vừa quệt nước mắt vừa kể lể làm tôi rưng rưng. Chị tiếp:

- Có lẽ vì chị thành hôn với thằng khốn kiếp Sơn Tiêu mà anh ấy hận đời và liều mình chết cho xong. Chị nghĩ như vậy nên chị cứ ân hận hoài. Sau này lúc nghe thằng khốn nạn này lang bang ngoài Bắc chị càng ân hận hơn, nhưng làm sao sửa chữa. Gái đã có chồng thì dù sao vẫn phải theo chồng.

- Sao chị biết ổng lấy vợ ngoài Hà Nội?

- Chị vô trong cái ổ quỉ đó nằm chờ và điều tra mấy thằng cha đầu bạc. Mấy thằng chả không chối được nên khai hết sạch.

- Sao chị vô trong đó được?

- Chị là ủy viên thường vụ Khu ủy bây giờ nè em. Bà Ba Định chỉ mới là Tỉnh ủy và chỉ huy đạo quân đầu tóc lem nhem thôi mà! Nếu chị không vô được trong đó chị nhất định sẽ phá tan hết.

Tôi bất nhẫn tâm can nên kiếm chuyện đòng đưa cho qua:

- Bây giờ chuyện như vậy rồi, chị có làm gì thì cũng thế thôi. Vợ lớn ông Trung tướng Vịnh, vợ lớn ông Ba Duẫn đánh ghen ở Hà Nội rầm trời cũng chẳng ăn thua chi. Rốt cuộc mấy ổng cũng binh vợ bé chị Hai ơi!

Hai Mặn giận dữ:

- Chị có cách. Chị có cách em à. Chị tức lắm. Khi đình chiến, chị định đi tập kết với hai đứa con trai, nhưng nó bảo chị ở lại đấu tranh hai năm sẽ về, vợ chồng sum họp, sống hoàn toàn hạnh phúc. Chị tin nó, chị ở lại nuôi con. Chị đi tù, chị bị tụi tố cộng bắt chị ly dị nhưng thà chị chịu cực hình chớ không khai báo vì chị nghĩ tới hạnh phúc dân tộc trong đó có hạnh phúc cá nhân. Nào dè bây giờ nó chỉ là thằng đểu thằng tồi như vậy.

Tôi khuyên can cầm chừng:

- Ông nào cũng vậy hết chị Hai ơi! Không phải chỉ riêng ông Sơn Tiêu đâu!

- Như vậy cụ Hồ sống sờ sờ đó để làm gì?

- Cụ Hồ trong phủ Toàn Quyền làm sao biết được những chuyện đó?

- Còn đồng chí Lê Duẫn, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp chi?

- Hai ông cố nội này há miệng mắc quai làm sao mà dạy dỗ ai?

- Còn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nổi tiếng là thanh liêm chánh trực làm chi?

Tôi khựng lại hồi lâu vì không hiểu hiện giờ ổng còn thanh liêm chính trực hay hết rồi. Đạo đức có thể là cái váy quá ngắn che không kín những cặp đùi ngon như đùi gà đùi cừu rô ti.

- Rồi bây giờ chị định "ngồi thum" đội trạng kêu oan hay sao?

- Chị nghe nói ông Nguyễn Chí Thanh sắp vô. Chị cất chòi ở đây chờ ổng đòi ổng thi hành kỹ luật cho phân minh. "Tiên hậu kỳ gia rồi mới hậu trị kỳ quốc". Làm cha làm chồng không xong, làm chúa gì ai? Nếu ông Thanh không xử vụ này chị sẽ ra tới cụ Hồ.

Tôi cười:

- Ổng đang ở trong kia kìa. Nhưng ổng không tiếp chị đâu vì ổng bận huấn luyện cô cháu gái.

- Huấn luyện cái gì?

Tôi lại cười:

- Cái gì ai biết cái gì?

- Huấn luyện cô cháu nào?

- Vợ ông anh hùng Nguyễn Văn Trỗi ấy mà.

Chị Hai Mặn xì một tiếng mà không nói gì. Tôi cũng không nói gì. Biết nói gì bây giờ. Thấy đám Ba Hải chờ hơi lâu, tôi hỏi:

- Bây giờ chị tính đi đâu?

Chị Hai, mắt đỏ chạch cố nuốt giận:

- Chị cũng không biết đi đâu.

- Thôi thì về cơ quan công tác chị ạ. Bác Hồ dạy: hãy quên việc riêng để lo sự nghiệp.

Chị lại không nói gì nữa. Mắt chị chớp lia, chị có vẽ suy nghĩ điều gì dữ dội lắm.

Tôi chào chị mà đứt đi từng đoạn ruột. Tôi không có quen nhiều với chị trước kia, nhưng bây giờ thấy tình cảnh của chị như vậy, tôi đau đớn vô cùng.

Tôi trở lại. Ba Hải và cả đoàn cùng đi tiếp. Ba Hải nói:

- Các cha to đều như thế cả. Gặp ai thì qua được, chớ gặp bà này thì không xong đâu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx