sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Quyển II - Chương 14: Chú Đĩa Trâu Đeo...Chân Ngọc

Thanh Tuyền, cô gái bé bỏng ở Sàigòn mới vô khu nhưng lẻo mép và biết nhiều chuyện bí mật vì cô ta là con của Sáu Nam, Cục trưởng Cục Tham Mưu R, tức Lê Đức Anh, Tham mưu trưởng khu 7 trong thời kháng chiến chống Pháp. Cô cứ nói thao thao, tôi cố can, nhưng cô bất chấp. Cô cong cặp môi mỏng lên:

- Kịch gì lãng nhách vậy? Hồi em ở Sàigòn, Tướng Westmorland đã đổ bộ trăm ngàn lính Mỹ lên Đà Nẵng mà đoàn Văn Công Giải phóng lại dọn cái menu US go home thì khán giả nào xực cho vô.

Ông trán hói Đoàn Giang, chánh trị viên đoàn Văn Công kéo tay cô ra xa đám đông và bảo:

- Đừng có phát ngôn như vậy cháu! Ba cháu nghe được rầy chết! Cháu chớ phải ai nói là đã tù rục xương!

- Xí, tù gì mà tù. Rày lên mấy ông đến đây có diễn tuồng gì thì diễn chứ đừng đem cái US go home tới nữa. Coi mắc tức cười quá hà.

Tôi lấy tư cách là tình nhân mới hôm qua của Thanh Tuyền, đưa tay bịt miệng cô lại:

- Thôi, đừng có rộng họng. Chuyện sân khấu khác, chuyện chiến trường khác, cô em!

- Khác thì khác vừa vừa thôi chớ chỏi nhau như vậy chẳng hóa ra mình tuyên truyền láo à?

Vì không có thời giờ cãi vã nữa, nên Thanh Tuyền ngưng ngang để tiễn chân tôi ra khỏi cái hang sói này. Nàng âu sầu hỏi tôi:

- Bao giờ anh trở lại?

- Số mạng của anh là do ba em quyết định chớ đâu phải anh mà em hỏi.

- Em sẽ bảo ba em bắt anh về đây để....

- Sống trong cái hũ nút này à? Mấy ngày đại hội đủ rồi. Anh thấy ở đây thiếu không khí?

- Xí! Anh chê hết các thứ, chê hết mọi người!

- Trừ em!

Tôi nói và khẽ hôn môi nàng. Thanh Tuyền nhoẻn miệng cười vì câu nịnh đầm đúng tâm lý và đúng mốt nữa. Nàng dẫy nẩy:

- Anh không chịu về đây thiệt hả?

- Anh đã bảo là ba em...

- Ừ thì ba em sẽ ký quyết định điều động anh về đây.

- Không có chuyện đó đâu! Anh đang có trong túi cái quyết định về Củ Chi chỉ huy Bộ Binh đây nè.

- Đưa em coi.

- Em không tin anh sao? Ông Ba Thắng là anh kết nghĩa của anh từ thời chống Pháp và là cục phó cục Chính Trị đã quyết đinh rồi mà.

- Ổng dưới quyền ba em.

- Nhưng chính ba em đã đồng ý nên ổng mới quyết định.

Lẳng lặng đi bên nhau một lúc, Thanh Tuyền lại hỏi:

- Mình có đánh Pháp nữa hả anh?

- Có chớ.

- Sao em không biết?

- Hồi đó em mới ra đời ở Chiến khu Long Nguyên khóc oe oe làm sao biết được.

Thanh Tuyền thở dài:

- Oánh gì mười mấy năm cũng còn oánh.

- Em bao nhiêu tuổi là anh oánh giặc bấy nhiêu năm!

Đi một quãng nữa tôi bảo:

- Thôi, em quay lại đi, anh vọt cho kịp đoàn.

Thanh Tuyền vênh mặt cho tôi hôn, rồi bảo:

- Anh không được léng phéng với con Huỳnh Mai đó.

- Hề hề! Anh bận công tác điên đầu, không có thời giờ đâu mà léng phéng.

Kể ra Thanh Tuyền dặn vậy cũng phải thôi. Vì trong mấy ngày ở đại hội mừng công tôi được các cô Trúc Mai, Huỳnh Mai, Cúc, Ánh tặng cho rất nhiều tình cảm, nhiều đến nổi tôi không biết chọn lấy cái tình nào. Tôi cứ chơi nước cờ trung lập Thành ra khi được thì được cả, nhưng khi mất thì cũng mất trắng.

Thanh Tuyền xoè bàn tay trắng như ngọc cho tôi. Từ ngày rời khỏi Hà Nội tới giờ tôi chưa thấy bàn tay nào đẹp đến thế. Trên gan bàn tay nàng tôi còn trông thấy nét chữ tôi viết đêm qua Anh yêu em. Thanh Tuyền hỏi:

- Của anh còn không?

Tôi sực nhớ, xòe tay ra. Thanh Tuyền kêu lên:

- Anh xóa sạch rồi phải không?

- Anh đâu có xóa, tại anh rửa mặt rửa tay nên mực trôi đi hết

- Anh phải nhớ chớ! Điều này chứng tỏ rằng tình cảm anh mau phai lạt. Đưa tay đây cho em viết cái mới.

Tôi ngoan ngoãn đưa tay cho nàng. Nàng rút bút trong túi áo tôi viết Em yêu anh, rồi hỏi:

- Lần này anh giữ được bao lâu?

- Ba ngày!

- Ba năm nghe chưa?

- Ừ ba chục năm!

Thanh Tuyền cứ llẻo đẻo đi theo tôi. Tôi bảo trở lại thì nàng lần lữa đi thêm khúc nữa. Bỗng tôi nghe tiếng chân chạy xình xịch phía sau lưng. Thì ra thằng Tường trưởng ban bảo vệ các cơ quan R. Tường đuổi theo kịp, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Ông Sáu bảo cô về.

- Tôi đi thêm chút nữa, anh về nói với ba tôi dùm.

- Không được, ông Sáu bảo bắt cô trở lại ngay.

- Ừ thôi được để tôi về, không phải bắt.

Nàng bất thần ôm quàng lấy tôi và khóc nức nở. Tôi đứng chết trân, nghe nước mắt người ngọc thấm qua vai áo. Tưởng năn nỉ:

- Cô về đi rồi mai mốt ảnh trở lại công tác.

- Mai mốt anh trở lại.

Thanh Tuyền hiểu tôi nói gì, nhưng nàng lắc đầu:

- Vĩnh biệt tình yêu!

Rồi lặng lẽ quay lại. Nàng đi một mạch, mái đầu gằm cúi không ngoái lại nhìn.

Tôi đuổi theo đoàn. Khi gặp lại, Tám Tiến mới bảo:

- Bao thư gì lòi ra kìa?

Tôi móc bao thư trong túi. Thì ra của Thanh Tuyền. Nàng nhét cho tôi lúc nào tôi không biết. Tôi mở ra: một lá thư, một tấm hình có lời đề tặng với chữ ký sau lưng và một ít tiền. Tình yêu ơi, sao mà khổ vậy. Mới đến lại đi. Con chim bắt cô trói cột kêu đêm qua, dư âm còn não ruột đến giờ này. Sao nó không trói cô vào tôi?

Cùng với phái đoàn Pháo Binh 69, có một lô các ông của cục R đi xuống giảng bài chỉnh huấn hoặc hụ hợ giúp cho trường Trung Sơ cấp Bộ Binh của thượng tá Nguyễn Việt Hồng. Trong số này lại có Huỳnh Mai. Mai đi theo để đánh máy tài liệu. Mai là địch thủ gay gắt nhất của Thanh Tuyền. Mai trầm tỉnh và sâu sắc hơn Thanh Tuyền lại rất có duyên. Thanh Tuyền chỉ được nước da trắng và cặp môi son. Nếu xây dựng gia đình thì tôi ngã hẳn về Huỳnh Mai. Thanh Tuyền sợ tôi yêu Huỳnh Mai. Do đó nàng cứ căn dặn và làm đủ mọi cách để giữ tôi. Quả thật làm anh hùng (giả) như tôi cũng khổ, nhưng không khổ bằng bị những bàn tay ngà cào cấu, rứt xé. Tôi hỏi Ba Hải.

- Mình không đi đường cũ hay sao?

Ba Hải bảo:

- Mấy ông này rành đường hơn mình, nên họ dắt mình cắt rừng đi nhanh hơn.

- Vậy không phải đi qua lộ ủi Trần Lệ Xuân à..

- Không! Nếu đi kiểu đó phải ra Sóc Ky, qua Xóm Mới ra Lộ Ủi đi mười cây số mới tới Cầu Cần Đăng. Bây giờ mình ở đây cắt xéo về hướng cầu Cần Đăng thì đụng đường 22 rồi. Tới đó tắp vô bìa rừng, căng lều ngủ một đêm, sáng mai đi vào Trảng Bà Diếc rồi lội tuốt ra Xóm Rẩy. Ba giờ khuya thức dậy đi thì mười hai giờ tới trại Sản Xuất của Sáu Thiệt. ở đó nghỉ ngơi lấy sức...

Tôi không muốn cho mọi người cãi lẫy nên móc bản đồ trải trên mặt đất. Quan sát xong các điểm chính, tôi hỏi:

- Sao mình không cắt ra đường 22 gần Xa Mát để đi.

Ba Hải bảo:

- Đất cấm. Ban Bảo vệ đã đốn cây ngã bít hết đường. Đó là lãnh thổ của ông Hai Xe Ngựa. Cái ông nghễnh ngãng tóc bù xù mình gặp hôm nọ, tôi không kịp giới thiệu cho cậu. Mà ổng không muốn ai biết ỏng là chúa sơn lâm vùng này. Mé bên này cầu Cần Đăng có treo tấm bảng đầu lâu với hai khúc xương gác tréo, ai bước qua tấm bảng đó là bị thộp cổ ngay. Họ nhốt kỹ, không phát gạo. Ráng nằm chờ họ gởi giấy tờ về cơ quan xác nhận, có mà rủ xương. Thời buổi này, rừng nào cọp nấy, không ai chịu lép hơn ai.

Tôi nói:

- Hèn chi có lần đi qua cầu Cần Đăng, tôi nghe đánh morse tít te trong đó mà không dám lủi vào xin ngủ nhờ.

- Đó là căn cứ phòng Thông Tin của B2! - Chín Mỹ nói - Để chiều nay mình tạt đại vào xin cơm ăn. Tôi quen với anh Bảy Phong Vân là chúa đất ở đó. Thằng Phước con ông Thọ đang ở trong đó học làm hiệu tín viên.

Tôi kêu lên:

- Tưởng ai chớ ông Bảy Phong Vân tôi quen từ xưa.

- Thiệt à?

- Ổng là chánh trị viên tiểu đoàn Trần Phong hồi chín năm mà. Anh Năm Thiện làm tiểu đoàn trưởng; năm 1949 kiêm luôn quận đội trưởng quận Cần Giuộc. Ảnh qua sông Soài Rạp bị tàu Tây bắn chết ở Lò Than xã Phước Hiệp. Trong tiểu đoàn này còn có một ông Vân khác nữa là Hồng Vân. Ông Vân này trẻ tuổi hơn, cấp đại đội. Không biết ổng về thành làm gì?

Ra tới khúc trống, Ba Hải nhắc mọi người phải bẻ cây che lên đầu để ngụy trang.

Tuy biết cái lối ngụy trang này là vô ích, nhưng ai cũng bẻ lá làm dù. Đó là một thói quen chứ không phải là một kỷ thuật. Sắp lội qua bàu nước, mấy ông mấy chú đực rựa thì tuột quần dài quấn cổ để trần những cặp ống quyển đen đúa đầy vết sẹo, còn máy cô thì xăn quần lên khỏi đầu gối. Cha chả, toàn là học sinh thành nên cặp đùi nào cũng trắng nõn,ngó mà rủn chí tơ lòng. Nhờ đó mà đám già và bọn trung niên lội đỡ mệt chăng? Không hiểu sao giữa đất liền lại có một vũng nước mênh mông như thế này, mà ở giữa nước lại mọc lên những đám cây lưa thưa, thân cây to hai ba người ôm không xuể. Có lẽ đây là nơi giải trí của mấy ông Bồ. Bất thần các ổng tới đây thì cả đoàn tan xác. Tôi vừa nghĩ tới đó, thì Thu Mai nói:

- Đang lội thế này mà mòng voi đáp tới thì thậm chí nguy.

Tám Tiến bảo:

- Mòng oi đâu chưa thấy chớ coi chừng đỉa trâu tới đớp bây giờ nghe!

Tôi cười:

- Các chú có từng lội,khúc Trường Sơn nào mà lấy thủy làm bộ không?

- Ai lại không qua mấy khúc đoạn trường đó. Bọn đàn ông mình thì bất quá nó hơi... teo một chút. thôi, tội nghiệp mấy bà mấy cô. Có bà đang kinh nguyệt ngâm mình dươí nước thấy đứt ruột đứt gan mà làm sao giúp! Thiệt là tán tận!

- Thì chỉ mang dùm ba lô thôi!

- Ba lô mà nhúng nước còn nặng hơn đeo đá.

- Đeo đá hay đá đeo?

- Cái nào thì cũng đeo rồi đá hoặc đá rồi đeo thô!

- Coi có tai bèo nào trôi lênh đênh ở đây không?

- Đừng có đá bèo nghe!

Mỗi người góp một câu. Rồi cười ầm lên. Mấy ông thành phần bần cố hỉ cười to nhất lại còn khuếch trương chiến quả:

- Bèo đâu có ở đây mà đá.

- Đá giác trưa này mệt lắm nghe các cha!

Các cô cố nín cười. Cô nào cô nấy đều đỏ mặt, cúi gằm.

Nước chỉ sâu đến đầu gối, nhưng mấy nàng tiên mới hạ san chưa quen lội sình, cứ té lạch ạch và kêu oai oái liên hồi. Mấy chú mấy anh rất tự nguyện đến đỡ các cháu các em đứng dậy rồi mang hộ ba lô, hoặc dắt tay qua những vũng lầy. Tôi bảo Huỳnh Mai đưa ba lô cho tôi mang dùm và chặt cho nàng một nhánh cây để làm gậy chỏi đi đỡ té. Nàng hỏi tôi:

- Anh nói chuyện gì với Thanh Tuyền lâu vậy?

- Chậc! Thì cũng bàn công tác thôi.

Mai cười khảy:

- Chắc công tác khẩn cấp lắm nên bàn ở ngoài đường hả anh?

Mai không gay gắt như Thanh Tuyền mà chỉ nói mát.

- Đúng đấy! Ông Sáu bảo cô ấy chạy theo bảo anh mấy việc trước khi về Củ Chi.

- Ừ quan trọng quá nên ông Sáu đưa cho anh cái bao thơ bí mật.

Thấy không chối được, tôi ngoặc lại:

- Sao em biết ổng đưa bao thơ cho anh?

- Người ta khoe với em trước khi đưa cho anh chớ sao! Thơ ảnh và tiền có đúng không?

- Chậc! thì em đưa cho anh, anh cũng nhận hết mà.

- Còn nữa!

Vừa lội lõm bõm, Mai cứ dùng dằng:

- Hồi hôm anh uống cà phê ở nhà chú Ba có ngon không?

Tôi biết Mai sắp khui tới vụ Ba Ánh, nên gạt ngang:

- Anh quen với chị nó là Nguyệt, hồi hai đứa ở trại Đồng Tử Quân tại Rừng Sát. Nó lại là người cùng quê, ba nó biết ba anh.

- Rồi sao nữa?

- Anh coi nó như em!

- Hèn chi cô em tặng ông anh chiếc khăn thêu hai con chim đâu mỏ.

Tôi hơi hoảng nhưng còn chống chế:

- Ánh là con người tình cảm. Nó bảo nó nói chuyện với anh, nó đỡ nhớ nhà..

- Thôi đi, anh đừng có nói loanh quanh. Chỉ nói với em là chú Ba Thắng sẽ giúp chỉ xây dựng với anh. Có không? Còn nữa, đứa nào, em cũng biết.

Thôi bỏ mẹ rồi. Cô nào cũng khai hết cả bí mật. Ánh là cô gái chân tình, có thể lấy làm vợ. Anh Hai Nhơn cũng đã bảo như thế, nhưng nàng bị kẹt trong hang sói không tài nào móc ra được. Bây giờ nếu có ngắm nghía thì đối tượng là Huỳnh Mai, nhưng nàng này đã biết tỏng hết rồi làm sao mà hé môi. Có thể nào một người con gái lại yêu mình trong tình huống chia cắt đó chăng?

Đang hì hục lội, bỗng Mai kêu lên thất thanh rồi chạy nhào tới đứng trên một rễ cây to nhô lên khỏi mặt nước và la to lên, còn mặt thì úp vào thân cây mà một chân thì đá lia lịa trong không khí. Chín Mỹ quát:

- Coi chừng rắn độc cắn nó!

- Rắn độc không có ở dưới nước!

Tôi vừa đáp vừa bước lại nhìn quanh và tìm thấy một chú đỉa trâu đen ngời đeo vắt ngang bắp vế non của nàng tiên. Thứ này thì ăn thua gì. Tôi đưa tay nắm chắc và giật ra. Nhưng hai ba lượt, con vật vẫn còn nguyên ở đó. Mai càng la ráo riết làm tôi rối trí. Nếu nàng đứng im thì tôi rứt ra dễ hơn, nhưng nàng cứ quẩy cái chân nên tôi không chụp con đỉa được Có lẽ bao nhiêu năm sống trong vũng nước loang, nó chưa từng gặp một làn da ngon thế này, nên nó quyết bám. Bất thần tôi khom vào áp miệng phủ kín con đỉa. Lập tức nó nhả ra và rơi và vào trong miệng tôi. Bình tĩnh, tôi phun nó xuống rễ cây và rút dao găm chém đứt làm đôi như Thạch Sanh chém lìa cổ chằng tinh. Mai mặt mày xanh lét, nàng thở hồng hộc như vừa chạy việt dã hằng chục cây số. Chín Mỹ bảo:

- Còn một quảng ngắn nữa, ráng đi con gái!

Một ông già bảo tôi:

- Chú em có thể cõng nó luôn cho kho... ỏe!

Chín Mỹ lắc đầu:

- Con nhỏ này mà lội qua vương quốc vắt trên Trường Sơn thì có môn ngồi mà khóc. Ở đó, nó đeo một lúc một trăm con, chớ không phải một hai con vầy đâu!

- Vắt là cái gì nữa hả anh?

Mai vừa nhìn thân con đỉa đứt làm hai đầy máu me mà lắc đầu Tôi nhìn Mai, cười:

- Máu của em đã vô bụng anh một ít rồi!

Cuối cùng cả đoàn cũng vượt qua bàu nước và lên ven rừng. Mai buông hai ống quần xuống và vắt khô mà vẫn còn rùng mình. Vừa lúc đó thì đụng đầu một cô một cậu đi tới. Cậu cầm cần bẫy, cô xách con cò, loại cò ma lông xám ốm tong chứ không phải cò ngà ở đồng bằng. Chín Mỹ kêu lên:

- ThằngTuấn hả?

-Dạ!

- Có anh Bảy Phong Vân ở nhà không?

- Dạ có.

- Dắt tụi này đi vô gặp ảnh chút!

- Dạ hổng được... Mấy chú chịu khó ngồi đây chờ để cháu vô báo cho bác Bảy hay, bác có cho phép thì cháu mới dám dẫn mấy chú vô.

Chín Mỹ nạt vùi:

- Riết đi mày nhỏ. Chần chờ tao vô bắt trói hết cả thầy trò mày bây giờ.

Hai đứa bé chạy đi. Tôi hỏi:

- Bộ thằng con ông chủ tịch ở trong này hả anh Chín?

- Nó ở đây phá làng phá xóm vậy chớ có học hành gì.

- Tại sao không đưa nó ra miền Bắc.

- Đi đâu cũng vậy thôi. Nghe nói nó hơi khật khật. Không biết có đúng không. Và còn quơ đứa nấu bếp nào đó có bầu. Nhưng cơ quan giấu dữ lắm..

Tôi nghĩ thầm: Rau nào sâu nấy. Thấy Huỳnh Mai mặt còn thất sắc, Chín Mỹ bảo tôi:

- Mày lại an ủi nó đi. Con nhỏ này được nhất trong đám.

- Nhưng rồi làm sao mà thành chuyện được anh?

- Ừ, đúng đấy. Mấy thằng già dềnh như bầy đỉa trâu, dễ gì buông nó ra. Mỗi thằng tư lệnh, phó tư lệnh, cục trưởng, cục phó đều giữ một đứa để đánh máy. Tao thấy tao ớn quá mà không thể nói được. Phải tao còn đứa con gái nào tao gả phức cho mày. Có đứa con gái lớn mà má nó gả mới cách đây một năm.

Tôi đi đến bên Mai lấy dầu Nhị Thiên Đường của Tám Tiến cho hôm nọ để xức chỗ đỉa cắn cho Mai. Quả là nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. Mai cầm chai dầu bảo tôi quay mặt đi chỗ khác rồi tự xoa lấy. Một chốc nàng đưa chai dầu lại cho tôi. Tôi bảo:

- Sợ đỉa thì đừng có đi vô khu.

Mai hỏi ngoặc lại:

- Anh không sợ đỉa à?

- Sợ cái gì, thứ đó kho khô ăn béo lắm.

Mai nhắm mắt che mặt kêu eo ôi. Thừa cơ địch không phòng ngự tôi nghiêng đầu qua hôn trên tóc nàng. Nàng buông tay ra nhìn tôi. Tôi sợ nàng phản đối nên nói trớ qua:

- Anh bắt con sâu trên tóc em!

Mai nhoẻn miệng cười:

- Anh không yêu em à?

Tôi ôm nàng hôn luôn. Nhưng thấy từ đám đông đang ngồi nghỉ dòm, nên tôi lại ngồi dang ra.

- Ai bảo em đi vô đây mần chi vậy?

Mai ngó ra xa, chập sau mới đáp:

- Em không biết tại sao em vô đây.

- Có ai rủ rê gì không?

- Bạn em rủ.

- Em học đến lớp mấy rồi bỏ?

- Còn hai năm nữa thi tú tài.

- Sao đánh máy bài diễn văn cho anh trật hết vậy?

- Mấy chú viết sao em đánh vậy. Mấy chú bảo không được đánh sai một cái phết.

- À ra thế. Anh tưởng tại em.

Mai trở lại câu chuyện vào chiến khu:

- Bạn em bảo trong khu giải phóng vui lắm, người ngoài Sàigòn vô đó gần hết. Một hôm bạn em nó bảo hai ông giáo sư Chí và Chì đều ở trỏng hết. Hai ổng là thầy của ba em mà. Hai ổng vô thì chắc là đúng. Rồi một hôm khác nó lại bảo: Mặt Trận Giải Phóng lấy đất vô tới của ngỏ Sàigòn rồi. Mình ở trong này, nữa họ về họ kêu mình là Việt Gian.

Tôi cười:

- Rồi có thấy giải phóng đất rộng không?

Mai làm thinh, một lát lại bảo:

- Thôi anh đừng có hỏi mỉa!

Đến đó thì cậu bé gài cò chạy trở ra. Chín Mỹ ngoắc. Tôi và Mai trở lại nhập đoàn và đi theo cậu bé dẫn vào căn cứ.

- Ai dạy anh bắt đỉa kiểu đó vậy?

- Đâu có ai dạy. Thấy em la tội nghiệp nên làm càn.

- May hông thôi đỉa chạy tọt vô họng anh rồi làm sao?

- Thì nó tiêu xác luôn chớ sao.

Một chốc tôi nói:

- Hồi ở nhà đi ra ruộng lần đầu tiên...bị đỉa đeo anh cũng la điếng như em hồi nãy vậy. Ông nội anh làm kiểu đó. Anh nhớ đến bây giờ. Hồi trước anh đi xuống Tháp Mười, anh là chuyên gia bắt đỉa cho mấy cô ở thành ra như em bây giờ.

Mai quay lại xỉ lên trán tôi và nói:

- Anh đi đâu cũng có cô này cô kia hết á!

- Bây giờ cô Huỳnh Mai là chấm dứt. Hì hì!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx