sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 18: Pháo Binh Đấm Lưng Bộ Binh Ta Hơi Mạnh

Đường vào trường Trung Sơ Cấp Bộ Binh không xa. Băng qua một trảng tranh chừng bốn mươi lăm phút. Ở đây đã tập trung cả ngàn người từ các cơ quan và đơn vị R để chỉnh huấn tình hình nhiệm vụ mới. Ở đây tôi gặp rất nhiều bạn bè mà suốt mười năm ở ngoài Bắc không biết họ lặn ở đâu. Ngoài ra có gặp mấy ông già trong kháng chiến chống Pháp. Trong số này có ông Trần Thắng Minh. Ông là một đảng viên kỳ cựu từng là bí thư tỉnh ủy Gia Định thuộc loại đàn anh của ông Hai Bứa, Ba Ngọt, Bảy Đậu, Tư Khanh... nhưng từ khi ra Bắc ngôi sao này lu mờ dần. Trong khi người cùng ca-líp với ông lên chức rần rần thì ông chỉ đóng lon thượng tá và cho phụ trách đoàn 79 là cái đoàn ăn hút của cán bộ quân sự Nam Bộ chuẩn bị cởi áo lính đi phá rừng, đào mỏ, cạo muối v.v... Đoàn 79 có một thành tích vĩ đại làm cho Bộ Tổng Tư Lệnh phải mất hồn vì cái tính khí ngang ngược của dân Thành Đồng Tổ Quốc.

Trong số cán bộ nằm an dưỡng ở đây có một anh tên là Lữ Sĩ Tân. Anh này bất mãn kinh niên. Trong lúc anh hùng Nguyễn Văn Song của Sư Đoàn 338 trốn về Nam rồi biệt tích thì ở đây Lữ Sĩ Tân tổ chức một đơn vị võ trang hành quân thẳng vào giới tuyến để về Nam. Đồng Văn Cống phải cho một tiểu đoàn đuổi theo bắt cả lại.

Sau vụ này ông Minh được (hay bị) đưa lên vùng rừng núi để chỉ huy mười ngàn lính Nam Kỳ xây dựng cái gọi là nông trường Quốc Doanh Lam Son. Trong số lính này có ông Dương Văn Nhựt là em ruột ông Dương Văn Minh. Người ta lầm rằng ông Nhựt đóng lon đại tá hay thiếu tướng gì đó. Sự thực ông ta chỉ là đại úy thôi và là một đại úy đã cởi áo lính đi cuốc đất. Sau khi nông trường Lam Sơn hoàn thành kế hoạch nhà nước 500% tức là không sản xuất được bất cứ món nông phẩm nào ngoài ba cái gốc lim có từ thời Bình Định Vương, lính tráng được gọi tái ngũ để vào Nam, thì ông Minh được đưa về làm tới chức Đại tướng Tổng cục giao bưu miền Nam và bây giờ thì, đáng lẽ nằm trong Bộ chỉ huy R, đi chỉnh huấn cho thiên hạ, ông lại được cho đến đâu ngồi chung với cán bộ trước kia đứng dưới ông ít nhất là ba cấp. Đáng tội nghiệp cho ông hơn nữa là trong số giảng bài cho ông nghe có Bùi Thanh Khiết hiện là Phó phòng huấn học Cục chính trị quân Giải phóng, một người chưa vô đảng khi ông đã là tỉnh ủy viên.

Tôi đang trò chuyện với ông thì một tiếng gọi từ phía sau lưng. Tôi quay lại. Tôi đang bỡ ngỡ thì một người đi tới tự xưng tên. Tôi reo lên:

- À Hải!

Anh chàng đến sát bên tôi rỉ tai:

- Kêu tôi là Trường Sơn. Bỏ tên cũ đi.

Nhờ cái chức giảng huấn mà tôi đi đâu cũng gặp người quen. Tôi dạy đâu bốn, năm khoá, mỗi khóa vài trăm. Tính ra cả ngàn học trò nên đi đâu cũng nghe gọi thầy, thầy.

Tôi quen với Hải từ thuở nhỏ. Lúc tôi làm mật mã ở phòng Tham mưu Nam Bộ thì Hải là thư ký hồ sơ. Lúc đó ăn uống thiếu thốn, ở rừng mất vệ sinh, đứa nào cũng ghẻ chóc đầy mình, nhưng Hải bị nặng nhất. Ghẻ mọc đến cả trên mặt có giề như cơm cháy. Hai môi dày ra và miệng rộng như ông Hạnh Hô ở Tuyên Huấn (ông này sau xuống miền Tây cũng làm Tuyên Huấn). Sáng nào cũng thấy Hải đầu bù tóc rối ngồi trên rễ cây rừng xoè bàn tay ra lể bắt sâu ghẻ. Tôi vô đảng trước nó vài ba năm và khi tôi là tiểu đội trưởng, nó còn là lính trơn.

Ông Minh thấy tôi gặp bạn cũ nên lảng đi chỗ khác. Tôi bắt tay Hải:

- Về năm nào?

- 62. Tôi làm giáo viên trường này từ khi thành lập đến nay. Đừng kêu tên cũ bà xã tôi ớn.

- Ủa cưới vợ rồi à?

- Dạ. Bả là lính Q Hai Chòi, dân chính gốc Củ Chi. Mới cưới năm rồi. Ngày mai mới vô học. Anh vô nhà tôi chơi đi. Nhà riêng. Hai đứa tu chung mà.

- Tao còn nghe trưởng đoàn phổ biến kế hoạch. Chiều ăn cơm xong mày vô tìm tao.

- Ông phải diện vô, o lại gà mới được. Con gái ở dưới đồng bằng lên nhiều lắm. Ông phải cưới vợ mới được. Cứ lêu bêu hoài sao tiện. Thoát khỏi cảnh cấy su hào về đây phải trồng dưa hấu chớ. Ta về ta tắm ao ta mà. Ao sẵn đó lẽ nào không nhảy xuống!

Thằng Hải cũng nói tía lia nhưng không hài hước như thằng Hùng. Hải tiếp:

- Tôi nhất định sẽ tìm cho ông một cô cước cạnh ngay trong kỳ chỉnh huấn này.

Hải vừa quay đi thì hai trự khách lại tới. Tôi kêu lên:

- Phùng! Quang! Sao trông khác dữ vậy? Suýt nữa tao không nhìn ra.

Phùng hỏi.

- Bộ tụi tôi già lắm à?

- Trông giống Năm Sàigòn quá hà!

- Ông Năm Sàigòn đang UTQ đằng đầu lán. Có ông Năm No, Năm Cương, Út Thới nữa.

Thằng Phùng đi chung Ban Rùm Beng của E 300 với tôi. Còn thằng Quang hồi đó chèo xuồng cho ông Ba Thạnh. Khi về Nam hai đứa đang ở cấp trung úy làm nhiệm vụ Phó chánh trị viên đại đội, còn trình độ pháo thì chúng nó chỉ mới học xong lớp xử dụng pháo địch ở trận địa tức là quay pháo địch bắn địch hoặc phá vỡ nòng pháo địch một khi đã chiếm được.Việc này mấy ông bộ binh chỉ học một tuần là làm được. Hai đứa dắt tôi đến chỗ Năm Sàigòn, tức là Năm Truyện, sư trưởng công trường 9. Vừa đi, thằng Phùng nói:

- Ông coi tụi tôi tưa tai, trọc đầu hết ráo, nên không nhìn ra là phải.

- Sao dữ vậy.

- Dự hai trận liền Bình Giả lẫn Đồng Xoài!

- Tao có nghe.

- Chết quá xá. Một ngàn là ít chưa kể dân công.

Quang tiếp lời Phùng:

- Mấy trận lớn của khu 7 mình thời xưa so với Đồng Xoài Bình Giả chỉ là một cuộc dạo mát. Nội cái nó rắc bom trên đường rút lui của mình cũng sánh bằng trăm lần Pháp.

Phùng nói:

- Thằng Pháp hễ đánh xong thu chiến lợi phẩm là xong. Còn bây giờ sau khi giải quyết, mình rút lui, nó cho bom pháo bắn như trải trấu vô bụi tre. Đánh trận, hi sinh một, rút lui hi sinh năm, sáu ông thầy ơi. Nay mai ông ra chỉ huy một trận rồi biết. Đại đội tôi còn sống sót chừng già một trung đội, trong số sống sót này bị bịnh thần kinh một phần ba.

- Bịnh thần kinh gì?

- Cả chục thằng cứ ngơ ngơ ngáo ngáo nói nhảm tối ngày, ngoài ra còn đi bậy ngoài rừng y tá phải tìm bắt lại. Như vậy có nghĩa là mất sức chiến đấu. Còn Ban chỉ huy đại đội sót lại mình tôi.

- Ông Hai Nhã không làm gì được sao?

- Pháo của ông đấm lưng bộ binh thiệt hại bộn bàng.

- Lỗi không phải tại ông đâu, mà tại nhiều lý do khác. Chốc nữa gặp ông Năm Sàigòn tao sẽ nói cho ổng mấy kinh nghiệm.

Tôi nói tiếp:

- Tụi bây có chiến lợi phẩm gì không. Tao cần một món nho nhỏ để tặng một người bạn.

Phùng vọt miệng nói ngay:

- Có có tôi có một món ngộ lắm, ông lấy tặng cho bạn cũng được mà cho người yêu càng tốt.

- Món gì đó.

- Một mớ tóc thanh xuân!

- Thằng giỡn hoài mày.

- Tôi nói thiệt mà. Sau hai ngày đội bom, đơn vị về một nơi có suối để tắm giặt. Tôi vừa cởi áo ra nhúng xuống nước thì từ trên nguồn trôi xuống một vệt đen ngòm uốn lượn trong nước. Mới đầu tôi tường một mảnh khăn rằn.

- Của bà Ba Định? - Tôi thêm vào.

- Tôi tưởng vậy thật đấy, nhưng không phái. Tôi đưa tay vớt lên, thì ra một mớ tóc dài. Tôi thấy thương quá nên đem về phơi rồi bỏ trong ba lô. Không biết cô thanh nữ xung phong nào đã hi sinh, cha mẹ có biết không? Kiểu này thì như lính trên Trường Sơn rồi. Chết chẳng còn ai biết mà báo tử.

- Thôi đi! Không được đâu. Ai dám nhận mà tặng.

Quang nói.

- Nếu ông không nhận mớ tóc, tôi sẽ tặng món khác.

- Món gì?

- Một mảnh bom B52.

- Sao mày biết mảnh bom B52?

- Thì tôi dắt đơn vị chạy trong trận mưa bom đó mà, không mảnh bom B52 thì bom gì?

- Sao lại chạy mà không nằm?

- Là vì lúc đó điên cái đầu rồi, không nhớ là phải nằm để tránh miểng bom nữa. Hai là đối với B52 nằm cũng như ngồi, chạy cũng như đứng, kết quả đều như nhau. May rủi thôi anh ạ. Bộ anh chưa bị trận nào vỡ lòng sao?

- Chưa.

- Rồi anh sẽ biết. Nếu anh nằm anh sẽ văng lưng lên. Còn anh chạy thì anh có cảm tường anh là con vịt con chạy trên cái sàng gạo đang lắc tối đa - Quang tiếp - Khi đến chỗ đóng quân tôi mở ba lô ra thì thấy cái miểng bom nằm giữa ba lô, trong một cái áo cổ vuông.

- Nó chui vô bằng ngỏ nào?

- Nó phang đứt ba lô, xuyên mấy lớp quần áo. Nếu tôi không mang ba lô thì nó chém ngọt cái xương sống tôi rồi.

- Bao lớn?

- Bằng nửa ngón tay thôi.

- Hồi trước tao cũng có nghe một chuyện như vậy, nhưng thay vì mảnh bom, thì lại là đầu đạn mi-trai-dết Sten. Cái thứ này thì dễ hiểu thôi. Bắn chừng hai băng thì đạn rơi ngay trước mặt vì cái lòng súng đã rộng tàng oạc rồi.

Đi một chập, sực nhớ chuyện thằng Sâm, tôi bèn hỏi:

- Mày có biết vụ thằng Sâm không?

Phùng mau miệng:

- Chuyện đó là chuyện râu ria ăn thua mẹ gì. Ở ngoài đó, ngày mai đánh trận, đêm nay tụi thanh nữ thanh niên xung phong nằm đeo nhau khắp rừng nghe vọng cổ Sàigòn rồi chiến đấu. Cái tâm lý của chúng nó là nếm mùi đời trước khi chết. Không có kỷ luật nào ngăn cản nổi. Thằng Sâm chỉ mới mở màn thôi chứ chưa khai chiến, nhưng vì mấy cú trước ông Hai Nhã nhà mình làm trật duột, pháo ta đấm lưng bộ binh nhà mình, nên ổng quạo ông giận cá chém thớt thôi, chứ đâu có gì đáng gọi là vi phạm kỷ luật chiến trường như ổng lên án nó.

- Nó về gặp tao. Nó than phiền dữ dội. Tao cho đi sản xuất để đoái công chuộc tội.

- Xí! Ổng nện chết lính mình cả đống mà không ai bắt tội ổng, còn thằng nhỏ mới có định cho đời lên hương tí chút đã bị khai trừ.

Chúng tôi đến đầu lán. Phùng trỏ ông đầu bạc:

- Ông Năm Sư trưởng công trường 9 đó. Ông hỏi ổng thì biết pháo của ông Hai Nhã chơi ác như thế nào.

Rồi giới thiệu tôi với ông sư trưởng.

- Đây là thầy pháo binh chính gốc nè anh Năm. Anh đề nghị ở trên cho ổng về công trường mình đi.

Quang giới thiệu tiếp với tôi các ông Năm No, Năm Cương, Út Thời toàn là cán bộ Trung Đoàn thuộc Công trường 9. Năm No thấy tôi mang bi-đông thì biết ngay, bèn hỏi:

- Nước ngược hả?

- Dạ.

Tôi vừa đáp vừa ngồi xuống kẽ hở ở vòng tròn mấy ổng vừa nhích rộng ra nhường chỗ cho tôi.

- Kiếm đâu hay vậy?

- Dạ ở ngoài chợ Long Hoa B.

- Dễ kiếm không?

- Dạ hễ ra tới đó thì có, xe bò chở cũng không hết.

- Lính tráng cán bộ ỳ xèo hết chê ở ngoài hả?

- Dạ cũng hơi đông.

- Quần nát cả chợ chớ hơi đông gì: Bộ Tư lệnh và ban chi huy các cơ quan đã ra chung một cái thông cáo cấm đi ra chợ rồi mà họ vẫn cứ đi rào rào

Út Thời có vẻ rộng lượng hơn:

- Thì chúng nó đi tìm chất tươi mà cấm sao được. Anh không nhớ một anh lính trẻ bị cảnh cáo về tội lang bang với nữ dân công à. Anh ta nói một cách hồn nhiên: "Cảnh cáo thì cảnh, miễn tôi đánh Mỹ hăng thì thôi. Còn hơn mấy ông không phạm mà nhác như thỏ đế". Đó là một triết lý mới! Nghe nó nói, tôi rất phân vân, không biết nó nói đúng hay sai.

Đang nghe Út Thời nói chuyện thì một ông đen đúa kịch cợm bước tới, xoè bàn tay như những rễ cây già, đập trên lưng tôi làm tôi suýt chúi lúi và nói to:

- Ê, cha nội pháo mới xuống cựa tụi tôi ở Bình Giả đây hả?

Phùng hớp vội chung trà và xua tay:

- Không, ổng mới về còn cắt chỉ chưa ra trận nào.

Tôi cười dã lã:

- Tôi mới thử DKZ bắn gián xạ thôi, và mới huấn luyện pháo thủ thôi.

- Còn pháo để đâu?

- Đâu có cây nào ngoài ba cây Sơn pháo, pháo Nhật niên kỷ cao hơn tôi.

Tôi không nhận ra anh ta là ai, thì anh ta tiếp:.

- Hồi ở ngoải, tôi có tham quan mấy ông nhà pháo bắn thử ở Ba Thả, có chuyên gia Liên Xô Trung Quốc dự và một lần bắn ứng dụng ở gần cầu Xuân Mai, tôi tin tưởng quá sá, sao về trong này, pháo cối trung đoàn, cả pháo của R do ông Hai Nhã chỉ huy làm ăn coi bộ ịch đụi vậy?

Anh ta ngồi xuống tự châm trà, rót uống chép miệng thật kêu rồi tiếp.

- Bây giờ lính tôi ngán mấy ổng lắm rồi. Sắp ra trận thì họ hỏi có pháo yểm trợ không. Nếu tôi nói không có thì họ mừng lắm. Có người bảo: "Chết vì đạn Mỹ thì còn lên đài tử sĩ được, còn chết vì đạn ta làm sao mà lên đó?"

Ông Hai Nhã là Tư lệnh Pháo binh R còn ông Tư Khanh là chánh ủy đều là xếp lớn của tôi. Nhưng ông Tư Khanh khi học bài của tôi, ông ấy chỉ học lấy lệ vì ổng mang lon thượng tá còn tôi mới là đại úy. Còn ông Hai Nhã thì có học khá hơn, nhưng phần lớn chỉ là công tác làm Tư lệnh chứ không làm chỉ huy tại thực địa. Mà trên chiến trường Miền Nam, vấn đề quan trọng nhất là biết xử dụng từng loại pháo một chứ không phải ra lệnh. Lắm cái mệnh lệnh của ở trên đưa xuống không thể nào thi hành được mà người chỉ huy ở thực địa phải tùy cơ ứng biến, như tôi đã dùng ống kính của pháo Pháp gắn sang DKZ để dạy ở trường Pháo binh R. Mặc dù biết những sơ xuất này là do ở ông tư lệnh pháo, nhưng tôi cũng liều mình cứu chúa và vớt vát danh dự cho binh chủng của mình.

Tôi nói:

- Xin các anh thông cảm cho như thế này. Chắc không phải anh Hai (Nhã) đo đạc cự ly sai đâu. Nguyên nhân sai lệch có rất nhiều. Thí dụ địa hình phức tạp, đế cối không vững chắc, vì sự bảo quản, lau chùi nòng pháo không kỹ lưỡng, vì thời tiết bất thường, pháo thủ lấy phần tử không chính xác...

Ông to con gầm lên:

- Không chính xác thì vài chục thước hoặc một trăm thước là cùng chứ làm gì mà sai tới ba trăm thước lận. Thậm chí có trái sai cả nửa cây số thì bỏ mẹ tụi này hết rồi.

Tôi biết ngồi ở đây toàn là cấp trung đoàn trở lên nên nhỏ nhẹ đáp:

- Khẩu pháo là cô con gái nhà giàu, động một tí là kêu sổ mũi, nhức đầu. Mình không cho uống át-pi-rin thì cũng phải xức dầu Nhị Thiên Đường cho cô ấy. Pháo của người ta hành quân phải xe kéo, pháo nặng phải có xe xích kéo, còn pháo Trường Sơn mỗi lần di chuyển pháo mình đều rêm mình. Nội cái đó thôi cũng đã góp phần lớn vào sự mất chính xác. Trước khi bắn một quả pháo người khẩu đội trường phải đo đủ thứ, kể cả đo độ ẩm của không khí, đo sức gió, chiều gió. Ở đây tôi biết chắc chắn các khẩu đội trường đều không có đủ khí tài hoặc đủ trình độ để làm việc đó.

Út Thời thở dài, nói to:

- Vậy là hiểu rồi chú bé! Không phải giảng bài cho tụi già dềnh này nữa. Vấn đề là ở trên phải khắc phục nhược điểm để tránh đấm lưng bộ binh.

Sẵn dịp may ít có, tôi bồi thêm:

- Tôi đang dạy ở trường pháo binh R, chỉ mong học viên đạt được khái niệm cơ bản thôi, nhưng đó là cả một vấn đề. Muốn bắn chính xác người chỉ huy phải có trình độ tính toán và bắt buộc phải tính nhanh như chớp, chứ không thể ở đó cắn bút ngẫm nghĩ 2 nhơn cho 3 là mấy hoặc 100 chia cho 5 ra bao nhiêu. Thế nhưng vì cố chấp ở lập trường và thành phần mà các khu gởi học viên toàn lớp ba lớp tư. Làm thế nào học được, nhưng ở trên bắt tôi phải dạy cho được.

Năm Sàigòn nghễnh cổ lên kêu to:

- Ê, có Hai Nhã ở đó không, kêu thằng chả lại đây nghe.

Một tiếng đáp vọng lại.

- Ổng đang họp với hiệu ủy nhà trường!

Năm Cương làu bàu:

- Cứ chỉnh huấn hoài còn chuyên môn thì bỏ phế.

Tôi tiếp luôn chùy nữa:

- Tôi được biết mỗi đơn vị pháo Trung đoàn đều có trợ lý pháo binh của R gởi xuống để giúp đỡ về chuyên môn, nhưng trong hoàn cảnh của mình, tôi tin chắc ông đại tướng pháo binh Trung Quốc có sang cũng chịu phép thôi.

Út Thời quát:

- Tại sao vậy?

- Đây tôi chỉ nói một điểm nhỏ thôi. Bắn mục tiêu che khuất mà mình luôn luôn thất bại...

- Vậy sao tụi Sàigòn nó nện mình bá phát bá trúng?.

- Là vì nó có học đúng mức, không có huấn luyện kiểu tôi. Vì nó có đủ khí tài cần thiết chứ không có dùng DKZ bắn gián xạ như tôi dạy. Và vì nó có bản đồ pháo chính xác một trăm phần trăm. Pháo và B52 là bắn theo các ô kẽ trong bản đồ. Nó đã bắn thử hết cả rồi. Cho nên khi được lệnh diệt ô nào, kiểu nào, bao nhiêu quả là nó nã không có trật một phát. Tôi đi chợ Long Hoa để xem lỗ đạn pháo đấy chớ đâu phải để mua đồ. Các anh ra đó mà xem thì mới rùng mình rỡn ốc. Nó bắn nát chợ cũ nhưng nó chừa chợ mới dọc mé sông. Tôi nghĩ là nó không muốn diệt ghe thương hồ hoặc nó nuôi tụi mình cho béo rồi làm cỏ một phát là sạch sẽ. Hai cái chợ mới và cũ chỉ cách nhau hai trăm thước, mà đạn pháo rớt không leo qua chợ mới một phát nào. Y như đạn có mắt vậy.

Năm Sàigòn thở hắt ra từng chập, Út Thời khoanh tay rế lắng nghe, còn Năm Cương thì uống trà liền liền ra vẻ sốt ruột. Năm No nói:

- Thời đánh Tây mình xài Trom-lông VB bắn bằng cái quặng cắm ở đầu súng mút Lơ Ben. Cứ dùng cánh tay trái co dản làm thước đo hễ hạ xuống nhiều thì đạn rớt xa, cất lên cao thì đạn rớt gần. Vậy mà bắn xe nồi đồng cũng chạy toé khói.

Tôi đỡ lời:

- Dạ thời đó tôi mới ra trường lục quân đi thực tập ở Ô Môn, cũng có đôi trận bắn kiểu đó anh Năm. Nhưng bây giờ không được nữa. Pháo là một binh chủng rất phức tạp. Đây tôi xin nói một điểm rất nhỏ.

Năm Cương vừa rót trà vừa nói.

- Điểm nào cũng nhỏ cả! Nhưng bắn trật thành ra lớn.

Tôi hớp tí trà rồi tiếp:

- Nội cái việc bảo trì đạn pháo của mình thôi cũng đủ chết rồi anh Năm ạ. Sự bảo quản này không do người chỉ huy mà lại do hậu cần.

Út THờI trợn mắt nhìn tôi.

- Hậu cần chỉ lo tải đạn thôi chớ ăn nhậu gì vô đó?

- Tôi đã đi trên đường Trường Sơn gặp nhiều toán dân công vác đạn pháo. Tôi nghĩ ngay thế này thì chết cha mấy thằng bộ binh rồi. Từ Bắc vô Nam ít nhất cũng sáu tháng, trải qua biết bao mưa gió, đút cất trong hầm hoặc để ngoài trời thậm chí có nhiều người lội qua suối bị ngả, đạn chìm xuống nước...v.v.. và v.v...... Thuốc bên trong bị ẩm khi cháy không phát sinh hết sức phụt làm cho đạn rơi gần lại. Đó là may mắn. Có nhiều trường hợp không may mắn...

Năm No nói với ít nhiều chua chát lẫn hài hước.

- Là sao nữa. Chà cái môn pháo này rắc rối quá các cha! Càng nghe càng mịt mù thiên địa. Chơi như bộ binh mình khoẻ hơn. Chẳng có đo đạc ngắm nghía cái gì cả. Giống như nông dân phát cỏ, cứ chém bừa. Xong về nhà nhậu.

Năm Cương hỏi:

- Chú em nói trường hợp không may mắn là sao?

- Dạ là... đạn nổ tung nòng pháo chết cả khẩu đội.

- Có vậy nữa sao’? Tại sao vậy?

- Dạ vì độ ẩm thuốc biến chất không vọt ra được nên nổ tung, như là pháo tịt ngòi chỉ xì mà không nổ vậy.

- Úi cha cha! Đủ thứ phức tạp!

- Dạ, nó phức tạp và tinh vi lắm các anh. Ở ngoài Bắc có kho bảo quản đạn pháo, có gắn hàn thử biểu bảo đảm từ 37 đến 40 độ C, như vậy khi xử dụng mới an toàn.

Năm Sàigòn lắc đầu:

- Ở đây đành chịu chết thôi. Làm sao mà xây kho?

Tôi hỏi:

- Pháo ở Bình Giả là pháo gì vậy anh Năm?

- Tao có biết pháo gì là pháo gì. Thằng Hai Nhã nó bảo tao là kỳ này có pháo yểm trợ. Nó còn nói thêm: "Pháo là linh hồn trận địa còn Bộ binh là vua chiến trường". Tao đáp: "Ừ mày là hồn tao là xác. Gì cũng được miễn đánh thắng thì thôi.." Chẳng ngờ ra trận cái hồn nện cái xác tơi bời. Lính bị đấm lưng, cóng giò cóng cẳng đâu có xung phong được.

- Anh Năm à! Lỗi ở anh Hai chỉ một phần nhỏ thôi mà lỗi lớn là của bộ Tổng cơ. Ở ngoài đó không nắm được thực tế trong này cũng như thực tế con đường Trường Sơn. Tôi là dân pháo binh mà gặp các đoàn pháo tôi không dám nhìn. Đế cối vứt đầy đường. Anh nghĩ, lính đói mà khiêng nòng pháo 75 ly leo dốc thì làm sao? Pháo của mình so với pháo Mỹ là pháo tép. Đã vậy còn thiếu phương tiện quá sức tưởng tượng anh Năm ơi. Tôi về dạy trường pháo, thú thực với anh tôi muốn khóc. Tôi nghe thằng Sâm nói về tình trạng pháo của anh Hai ở Bình Giả, không phải tôi nói phách, tôi biết kết quả sẽ như thế nào rồi. Tình trạng đó bắn gì được mà bắn! Ở trên thường bảo phải khắc phục. Khắc gì được mà khắc!!

Vô tình tôi đã giảng một bài sơ đẳng về pháo binh ở quanh mâm trà. Nghe tôi thuyết người ta đến càng đông. Toàn là những cán bộ gộc được chọn về đây để chỉnh huấn. Tôi lấy ngón tay trỏ chấm vào chung trà của tôi và vẽ trên tấm ni-lông trải dưới đất làm mâm trà.

- Xin các anh xem, đây là trái đạn. Thuốc ở sau đuôi gọi là thuốc tống hoặc phóng cũng thế. Còn thuốc trong đầu đạn gọi là thuốc nổ như TNT chẳng hạn. Đó là đạn cà-nông. Còn đạn súng cối thì ngoài liều tống chính nó còn liều phụ để rời ở ngoài Pháp gọi là relais, trước khi bắn thì móc vào các cánh sau đuôi. Có khi các ảnh dùng cối mà quên dùng liều phụ relais này cho nên bắn không chính xác. Nên nhớ là tất cả đều để trong thùng cạc-tông khằn và đặt trong thùng cây

Bất ngờ kẻng ăn cơm khua lên, nhưng chẳng ai muốn nhúc nhích. Tôi nói:

- Thôi để các anh ăn cơm. Chuyện pháo dài lắm nói không hết được.

Út Thời nhìn Năm Sàigòn:

- Anh bắt thằng bé này nói mới được anh Năm. Đem nó về làm chủ nhiệm pháo cho mình.

- Không được đâu. Ông Tư Khanh dễ gì thả nó ra.

Ông to con kịch cợm nãy giờ đứng nghe rất chăm chỉ, buột miệng:

- Ông con nít này nói không sai một điểm nào. Tôi đã chứng kiến ổng bắn xe tăng (giả) trên đường gần Xuân Mai. Đó là mục tiêu di động rất khó bắn, mà ổng để mỗi phát banh một chiếc. Mấy ông Liên Xô khen nức nở.

Lúc xách chén đi ăn cơm, tôi lại gặp thêm vài người quen nữa, trong số đó có Mười Khuê, Trí O...gốc 307. Dân cán bộ của tiểu đoàn lừng danh Nam Bộ này bị BMEO đẻo rụng gần hết. Xuống miền tây đánh mấy trận Hộ Phòng, kinh Nhựt Nguyệt để ra mắt đồng bào, lại bị gọt bớt một số nữa. Dân Bến Tre, Mỹ Tho bỏ xương khắp Nam Bộ.

Thuở trước khi ra trường Lục Quân tôi đến công tác ở đại đội Trí O. Cổ ảnh hơi to nên gọi là Trí O. Tôi bắt tay ảnh, mừng rỡ. Sau vài câu, tôi hỏi ngay:

- Có chị Hai chưa anh hai.

Trí O cười rung rung mảnh da dưới cắm:

- Chờ cho cái màn chèo này vãn họa may mới kiếm được.

- Tóc bạc bộn rồi anh.

- Ừ thì ăn cơm chúa phải múa suốt đời chớ sao. Và múa không được trật bài bản. Còn chú?

- Em cũng còn chân không anh à.

Suýt nữa tôi hỏi thăm Nhàn Râu. May quá, tôi tốp kịp nên né qua chuyện khác.

- Anh Tiên đi đâu mất biệt hả anh?

- Hồi mới ra, được phong thượng tá. Đi học Trung Quốc ba năm về, lên đại tá chỉ huy sân bay không biết sau đó đi đâu

- Hay là đi... đoong rồi?

- Bậy chú! Ảnh là một cây lập trường mà!

Tôi nhìn cái đèn pin cổ cụp đeo ở lưng anh, hỏi:

- Bộ chiến lợi phẩm trận Bình Giả đó hả anh?

- Còn lâu. Chạy sút trứng non trứng già, ở đó mà thu chiến lợi phẩm.

Vừa đi xuống nhà ăn với tôi, anh tâm sự vụn:

- Đánh với thằng Mỹ này mệt lắm. Hồi trước tao chơi thằng Pháp một trận Phong Phú chớp nhoáng xơi tái của nó một tiểu đoàn. Rồi hạ luôn đồn Xẻo Me trong vài tiếng đồng hồ. 307 trở thành thần thánh. Bây giờ không được! Không được tao nói không được là không được. Cái Luận Trì Cửu Chiến của lão Mao lúc nào tao cũng có trong xắc-cốt, bây giờ nếu đem áp dụng với trực thăng vận và B52 là trật hết.

- Anh nói đúng đấy. Nó tới trong vòng năm phút và rút khỏi trận địa trong vòng ba phút ở đó mà du hồi, thanh đông, kích tây.

- Mày đeo đế quốc đó hả? Tao nghe mùi hăng hăng.

- Dạ. Tôi múc nó ngoài chợ Long Hoa! Anh có súc miệng một phát rồi ăn cơm cho ngon miệng không?

- Đưa tao coi. - Trí đưa tay cầm, lấy bi đông, mở nút, ngửa lên tu vài ngụm liền rồi phà một cái - Có mùi nước đái xẩm!

Tôi cười. Trí bảo:

- Chú mày có cần cái đèn pìn thì lấy đi. Tao không xài. Đeo ba cái thứ này lỉnh kỉnh khó chạy lắm.

Tôi hỏi sơ qua cấp đại đội mới được đề bạt lên sau Cải Cách Ruộng Đất, anh cho biết người thì rửa chân leo lên bàn thờ, người còn sống, kẻ bị thương bỏ đơn vị.

- Còn mình tao với Mười Khuê là cựu trào 307.

Lúc ngồi ăn cơm, tôi không thể tự ngăn mình nữa, nên buột miệng:

- Còn anh Nhàn Râu ở đâu anh?

- Mày biết rồi, còn hỏi.

- Tôi chỉ biết đến đó thôi.

- Ừ, biết đến đó thôi cũng đủ rồi. Không nên hỏi thêm nữa.

Nhàn Râu là người Bến Tre, là kẻ thành lập bộ đội võ trang trong những ngày đầu kháng chiến cùng với Tỷ Cà Lăm, Romand, Hồng Minh Quang, một lúc với Phan Văn Phải (Hai Phải) và Đồng văn Cống (Bảy Cống). Từ một nhóm nhỏ, anh đã tiến tới thành lập tiểu đoàn 308 và làm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này trong suốt chín năm kháng chiến Nam Bộ. Danh tiếng 308 chỉ kém 307 một ly thôi. Ra Bắc, trong lúc Nguyễn Văn Tiên, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 307 được đề bạt Trung tá, Nhàn Râu chỉ được Thiếu tá. Vì Nhàn Râu thuộc thành phần địa chủ (con Hội đồng, một loại Hội Đồng ủng hộ kháng chiến hết mình. Khui lúa vựa ra nuôi quân. Địt mẹ Cộng Sản ăn xong quẹt mỏ như gà. Không có địa chủ, tụi nó hốt cứt vô mà ăn!) Đã là con địa chủ lại còn có học thức cao. Cả hai thứ này là điều cấm kỵ của đảng. Trong cải cách ruộng đất, Nhàn Râu không chịu phản tỉnh. Anh nói trước hội trường Trung Cao cấp Quân đội rằng anh không có tội gì mà phải phản tỉnh, ngoài cái tội yêu nước. Và bố anh cũng không có tội gì mà bắt anh phải gọi là phản động. Ông chỉ có một tội là ủng hộ kháng chiến triệt để. Chỉ vì vậy mà Nhàn bị qui cho tội tày trời: Phản ứng giai cấp. Đây là cái tội rùng rợn nhất trong chế độ nhà Hồ (nhưng lão ta là con quan lại thì không có tội gì cả và cũng không có ai dám bắt lão ta xỉ vả bố lão). Thế là Nhàn Râu bị lột áo, đi tù...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx