sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 21: Một Chút Tiểu Sử Và Cái Lập Trường Của Bà Khu Ủy

Bà khu ủy Út là một phụ nữ thôn quê, sinh sống ở vùng Trảng Bàng. Năm đó Mặt Trận Giải Phóng đang túng thành tích bèn bày đặt ra ba mũi giáp công địch vận, chính trị và vũ trang. Mũi chính trị thì gồm có mục đẩy đàn bà con nít ra nói chuyện và eo sách các đồn lính Sài gòn, khởi đầu là đạo quân đầu tóc ở Bến Tre. Nghe đồn như vậy nên từ ngoài Bắc tôi rất nao nức về để viết tiểu thuyết. Khi về đến nơi, gặp mấy tên tỉnh ủy gốc chăn bò và ăn trộm trước kia, tôi hỏi tài liệu thì họ chẳng biết gì cả. Lục lọi tìm kiếm mệt ngất tôi mới tóm được bà tỉnh ủy viên vốn là cán bộ Phụ Nữ tỉnh, và là em của bà Ba Định. Tôi hỏi bà này thì bả bảo đó là chuyện có ít xít ra nhiều chớ đạo quân đầu tóc là do Đài Giải phóng phịa ra rồi đài Hà Nội phóng đại tô màu đến nổi bà ta nghe mà mắc cỡ quá trời. Thì cũng trùng hợp với vụ 3/4 và 4/5 và địa đạo chiến ở trên kia. Tôi ngẩn tò te ra, bèn cong lưng bịa.

Sự phóng đại tô màu nầy đã làm cho nhà báo quốc tế Bọ Chét vác xác tới tận Củ Chi để quay phim như tôi đã kể ở tập I. Ngoài ra nó cũng làm xúc động quả tim vàng của các nghệ sĩ Hà Nội, trong đó có hoạ sĩ Hùynh Văn Gấm, đại biểu Quốc Hội tỉnh Tân An. Anh đã bỏ công tạo ra một bức sơn mài thật to lấy tên là: Trái Tim và Nòng Súng. Anh vẽ một phụ nữ quỳ gối giăng tay đưa ngực bịt họng súng cà-nông của quân đội Sàigòn, mục đích là ngăn cản cuộc hành quân.

Lúc bấy giờ tôi phục anh ấy lắm. Anh là chú ruột của hoạ sĩ Đức, sau này về R tôi có gặp ở tiểu ban văn nghệ. Hoạ sĩ Đức được hứa cho đi học hội hoạ ở Liên Xô nhưng khi ra khu thì toàn là đi săn thú và bửa củi, nên Đức bất mãn đến mức độ chúa bất mãn. Không biết bây giờ cậu ta đã học Liên Xô xong chưa, và nếu có sang Liên Xô ắt sẽ được mục kích bức tranh Trái Tim và Nòng Súng của dân Liên Xô trong cuộc biểu tình chống đảo chánh vừa qua. Đúng là trái tim cản được xe tăng, trái tim của nhân dân chống bọn phát xít Liên Xô.

Chuyện đời tôi lằng nhằng dữ lắm, cứ viết cái này lại nhớ cái khác. Bây giờ xin trở lại bà khu ủy viên đang lui cui luộc gà. Bà ta đi theo con đường của chị Tư Cầu Xe ở vùng này. Chị ấy cũng đấu tranh chánh trị ghê lắm. Tên tuổi của chị suýt được đẩy lên ngang hàng với các bà dũng sĩ Út Tịch, Tạ Thị Kiều... (Tôi cũng có đến tận nhà cô bé Kiều gần chợ Thơm nhưng cũng chẳng thu thập được tài liệu gì để viết... tiểu thuyết!) nhưng rủi thay chị Tư chết trong một trận bom. Chị Tư chết, không biết có được "bác" gởi cho kí gạo nào không, nhưng lũ con của chị thì nheo nhóc sau khi mất mẹ. Chị chết, em Út tiến lên. Lúc bấy giờ Út sắp đám cưới. Chàng ta là một nông dân cục mịch ở cùng xóm, có bò có xe đang làm ăn khấm khá. Một hôm Út đi đánh trâu ở trên quận. Chị em bị xe cây xúc đổ thật xa cho tha hồ cuốc bộ về nhà. Do đó anh chàng sốt ruột bèn đến gặp ông ấp đội trưởng phàn nàn. Mãi tới tối cũng chưa thấy nàng về bèn vác dao ra vườn với ý định đốn một cây chuối vào để xắc cho heo ăn, nhưng nghĩ thế nào không biết, anh chàng lia một hơi sạch cả vườn chuối.

Việc này đến tai ông ấp đội. Hôm sau, Út về. Ông bắt anh chồng kiểm thảo trong một cuộc họp dân. Bị xỉ vả nặng nề, sau đó anh ta bỏ ra chợ, thành thử cô dâu bỗng dưng lại goá chồng. Nhân dịp này, ở trên bèn đề cao Út như nữ anh hùng cấp ấp. Út buồn tình lao vào công tác rồi thoát ly lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh lên khu rồi trở thành lãnh tụ của đạo quân đầu tóc không còn quá chục rưỡi người. Tuy vậy Út vẫn có uy tín lớn với cấp trên. Và được bầu vào khu ủy, đặc trách công tác đấu tranh chính trị kiêm chỉ đạo quận Tân Biên.

Tôi thấy có cái giường xưa rất đẹp, bèn hỏi:

- Giường ở đâu mà tốt vậy?

- Của dân bỏ nhà mình mượn về xài đỡ.

Trên giường thấy có cái gối tai bèo. Tôi mới sực nhớ rằng từ hồi đi theo ông Tô Ký kháng chiến tới bây giờ mình không có nằm gối mà chỉ dùng ba-lô thay cho gối, ngoại trừ lần về nhà má Hai được em Lụa cho nằm gối tai bèo một lần trên ván gõ. Chiếc gối trắng gợi biết bao nhiêu tình cảm. Út mở cái xách tay bằng ni-lông (thay vì mang xắc-cốt). Đây là cái xách tay trứ danh cả cán bộ lẫn dân chúng ở vùng này đều biết. Út soạn ra những lá trầu, một nhánh cau có mấy trái còn tươi, cười:

- Anh tưởng dễ mua cau dày ở xứ này lắm à?

- Mua ở đâu?

- Gởi mua tận ngoài ấp chiến lược Mõ Công đấy ông tướng!

Nàng soạn ra một lọ pénécilline trắng toát và hỏi:

- Anh biết cái gì đây không?

- Cái gì vậy?

- Vôi

- Ừ. Có trầu có cau thì phải có vôi, mới nên miếng trầu.

- Cũng như có nhà mà không có đàn ông thì không ra cái nhà.

Tôi biết nàng muốn xốc tới. Tôi hơi ngại. Chỉ có hai người thế này trong nhà. Đây rồi dư luận tùm lùm cho mặc sức mà nghe. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ: sắp về Củ Chi rồi. Củ Chi đi dễ khó về. Có gì cũng chẳng làm chi. Làm chi cũng chẳng làm gì! Tôi nói:

- Tôi không phải là đàn ông à?

Út háy tôi một phát suýt đứt cổ.

- Ghét cái mặt! Làm bộ đạo đức nữa đi. Ban ngày thì lên lớp giảng đạo đức, ông cố nội ai nghe không hết, tối lại mò bà này nơ cô kia.

Tôi gắt.

- Bà nói ai vậy?

- Em nói người khác chớ không phải nói anh đâu. Em nghe người ta khen anh lắm cho nên em mới cho anh vô cái nhà này, nếu như mấy ổng thì em để ở nhà ngoài suối.

- Anh tốt ở chỗ nào?

- Chỗ nào cũng tốt hết.

-Thôi đi bà nội! bà khen tôi rồi mai mốt bà báo cáo lên trên rằng tôi mò bà.

Út vả miệng tôi:

- Cái miệng có duyên quá trời hè!

Tôi lôi cái xách móc hết các thứ trong đó ra sắp lên giường, nào giấy má, sổ tay, nào khăn rằn, xà bông thơm. Dưới đít cái xách, quả tình như thiên hạ đồn, là cây K54.

- Cho coi cây súng chút được không?

- Coi cái gì nữa còn được là súng!

Tôi thấy cây súng bị sét vàng khè:

- Nòng súng ăn trầu như vầy thì bắn ruồi chớ bắn ai.

Tôi lấy giẽ lau và dầu trong bao súng của tôi lau chùi sạch sẽ rồi hỏi:

- Hồi nào tới giờ có bắn phát nào chưa?

- Em sợ súng gần chết mà bắn ai?

- Vậy ôm làm gì cho mệt?

- Em đút tuốt dưới đáy bị, không thấy sao?

- Còn cái bao đâu? Súng ống bà để dưới trầu cau, lại trần trụi không có bao hỏng hết.

- Em đeo coi dị hợm quá nên liệng rồi.

- Sao em ăn trầu chi vậy?

- Đã hỏi, em trả lời rồi mà cứ kẻ vạch hoài hè. Anh không muốn thì em bỏ cho coi. Nhưng em cũng nhắc lại để anh biết là...

- Em muốn làm bà già để không bị người ta để ý và đi họp cho hòa với dân chớ gì. Đó chỉ là bề mặt thôi. Cái quan trọng là em có hiểu tình cảnh sinh sống và nguyện vọng của họ hay không chớ không phải ba cái trầu cau này. Thí dụ như mấy ông xe bò.

- Đám đó ở đây mỗi đêm đánh xe, Hậu Cần trả cho hai trăm còn ức hiếp gì nữa. Có ai trả cho anh và em số tiền đó không? Ở đây có mấy cái cửa khẩu bao quanh thị xã Tây Ninh, nhờ xe bò đi các tuyến đường Trại Bí, Mõ Công, Suối Đá, Bàu Bắc, Bàu Cỏ mà mình có gạo ăn, nhưng cũng nhờ mình mà họ có việc làm, họ còn than van cái gì. Ấy hỏng ấy em cho họ nghỉ...

- Được như vậy họ lạy em luôn!

- Cho nghỉ nhưng bắt gác quanh ấp chiến lược như du kích chớ đâu có để cho họ ở nhà gài kỳ đà bán cho bộ đội, bóc lột ngược lại cách mạng à? - Nàng đứng dậy - Để em đi tắm rửa. Tối ngày đi rảo, đầu cổ hôi như cú ấy. Anh coi chừng soong cháo lơ mơ con gà nhảy ra đất nghe.

Khi nàng trở vào, tôi rất đổi ngạc nhiên, tưởng mình là Tề Tuyên Vương gặp lại Chung vô Diệm sau khi thăm địa huyệt về. Nàng Út bây giờ là một nàng tiên đã lột xác khu ủy viên ném đi đâu rồi. Út mặc quần Mỹ A đen, áo tê-to-rông màu hồng mỏng lét để thấy cái quai tréo của chiếc áo nịt bên trong. Và kỳ diệu hơn nữa, bộ ngực lép kép của bà khu ủy đã biến mất để nhường chỗ cho cặp đào tơ mũm mĩm. Tóc nàng còn ướt thơm phức xoả dài xuống quá lưng đung đưa theo mỗi bước chân đi. Vài giọt nước còn sót lại ở đuôi tóc như sương rỏ xuống thấm vào nền đất cát pha. Nàng không đẹp lắm nhưng cũng dễ coi. So với lúc nãy nàng trẻ đi mười tuổi. Nàng lấy chiếc khăn bông trắng ra nghiêng đầu lau tóc và bảo:

- Anh đi tắm cho khoẻ.

- Anh muốn coi em chải tóc một chút.

Út lại ngồi gần bên soong cháo. Con gà luộc giơ cặp chân lên như kẻ nhào dưới nước. Tôi bước lại ngồi gần bên Út.

- Giá mà anh được mãi thế này?

Út lặng thinh. Tôi thấy bóng dáng hạnh phúc của một gia đình bất chợt trờ tới như một sự thực. Sao ta không có được một cái gia đình nhỉ? Bao nhiêu cơ hội đã qua. Từ ở miền Đông xuống miền Tây rồi từ miền Tây ra Bắc, rồi lại từ Bắc về Nam nếu ta chịu ngừng cánh chim lang bạt thì giờ đây đã có một mái ấm ở nơi nào đó rồi. Làm cách mạng là một cái nghề thảm khốc. Nó lôi cuốn người ta phi thường nhưng cũng giết người tàn nhẫn. Ngoài ba mươi thì chưa già nhưng cũng không còn trẻ. Chừng nào giải phóng để ta có một mái nhà con con?

Tôi đi tắm vào thì cơm đã dọn ra tươm tất trên bàn, chiếc bàn xinh xinh chắc cũng mượn của dân. Trời chiều bảng lãng, rừng vắng lạ lùng. Chỉ nghe tiếng nước đổ ào ào xuống những gộp đá một thứ âm thanh làm cho không khí càng hoang vắng rừng rú. Út gắp thịt bỏ cho tôi, tôi chan cháo cho Út. Chúng tôi vừa thân thiện vừa bỡ ngỡ như vợ chồng mới cưới, có điều là không ai nói ra. Cơm nóng, thịt gà, cháo ngọt, chuyện tâm tình. Tất cả đều như ý. Chúng tôi hầu như cảm thấy câu ca dao:

Có ý nghĩa hơn bao giờ hết nữa là trên mâm cơm toàn thịt gà. Không khí chiến tranh, sinh hoạt bát nháo, tôi như trút bó bên ngoài. Sự lạc lõng của cái chòi giữa rừng hoang này là một cõi tiên. Đột nhiên Út hỏi tôi.

- Anh chưa có chị Hai thiệt sao?

Tôi không đáp, gắp một cục thịt đút cho Út. Út vừa nhai vừa tiếp:

- Em biết mà! Anh chưa có ai hết.

- Rủi anh có một bà ngoài đó rồi sao?

- Mấy ông Năm Lê, Tư Khanh, Sáu Nam bết quá. Muốn giấu cũng không giấu được đâu.

- Em nghe tin ở đâu vậy.

- Anh tưởng em không biết chị Hai Mặn vợ ông Năm Lê à?

Tôi giật mình. Đường dây thông tin chằng chịt với nhau những mối bất ngờ.

- Chị ấy là khu ủy viên thường vụ và là chị nuôi của em mà. (Thôi thế thì bỏ mẹ các chả rồi. Không khéo mấy bà bành này lập đạo quân đầu tóc quay lại chơi gà nhà).

Tôi nói:

- Mấy ổng chịu thật hết rồi.

- Chị Hai Mặn đang phục kích trên Tà Bon chờ ông về.

- Sao em biết?

- Trước khi chỉ đi, chỉ ở đây, hai chị em tâm sự một đêm rồi sáng lại mới đi. Chỉ bảo em con gái không có chồng thì không được, nhưng có chồng rồi thì khổ lắm. Gặp trường hợp như chị thì chết còn sướng hơn. Em thương chỉ lắm. Ở trong này chịu đựng đủ thứ nọ kia, mười năm trời. Chỉ hi vọng có được ngày sum họp chồng con, đến chừng mấy ông về thì vậy đó

Tôi bảo:

- Anh không bao giờ hư hỏng như thế. Không lấy vợ thì thôi. Lấy rồi thì chấm dứt mọi sự lem nhem.

- Bây giờ anh đã có vợ chưa?

Tôi nhìn nàng. Câu hỏi ác thật. Tôi làm bộ kêu lên: "hết cháo" rồi bước xuống đi múc thêm. Tôi trở lại ngồi, nàng nói:

- Mấy anh khôn lắm. Cho nên đàn bà cứ phải mắc mưu.

- Thì em cứ điều tra đi, coi anh có gì ở ngoải không?

- Ở ngoải thì em biết rồi. Sợ ở trên Tà Bon kia. Anh nói thiệt đi! Anh có cô nào đeo không?

Tôi lắc. Nàng nói ngay:

- Ít nhất ba cô bu anh.

- Ở đâu mà đông vậy.

- Anh đừng có tưởng em không biết. Mấy ông đi trên đó về ghé đây xin cơm. Họ nói chuyện với nhau em nghe hết. Họ kêu là thằng cha thầy pháo tốt số. Thầy pháo là anh chớ còn ai nữa.

Tôi sợ như tội nhân sắp bị kêu án. Trong ba lô và trong bóp tôi đang lễnh nghễnh những thư từ của các nàng Tà Bon.

Nhưng Út nói tiếp:

- Tại em thương thì em thương, em không có kể gì hết! Còn em không thương thì trời gầm trên đầu em cũng không thương.

Đến nước này thì tôi không cầm lòng được nữa. Từ chối sẽ có tội với nàng. Hơn nữa, tôi tự cho tôi cái quyền của một tử tội sắp lên máy chém nên được quyền hưởng mâm cỗ sau cùng. Chúng tôi đang ăn cơm thì B52 giả gạo ầm ầm rung rinh cả mâm cơm. Từ sau khi cuộc chỉnh huấn giải tán, hầu như B52 nện liên tục cả đêm lẩn ngày. Mặt mũi mọi người nhớn nhác thấy rõ. Điều này làm cho tôi cả quyết đi vào lối Thiên Thai để thử lạc đường một chuyến...

Trong lúc gối tay nàng, tôi hỏi:

- Sao em không lấy chồng?

- Có ai đâu mà lấy.

- Mấy ông qua lại đây thiếu gì, mùa đông mùa thu mùa hè đều có đủ.

Nàng bụm miệng tôi và bảo:

- Em chỉ thương anh. Em muốn anh ở lại đây với em.

- Đâu có được em!

- Em muốn anh với em tìm một nơi để mình sống với nhau.

- Em nói thiệt chứ?

- Em đùa làm gì! Em hết ham rồi.

- Vậy trước đây em ham?

- Ham chớ. Người ta hoan nghênh dữ quá, em thấy hăng hái đi hằng ngày bỏ việc gia đình và bị người ta bỏ em cũng không màng, tưởng như vậy là bảnh lắm.

- Thì bây giờ lấy chồng cũng chưa muộn.

Nàng vả miệng tôi. Tôi cười bảo:

- Làm bà khu ủy, nay mai lên thay thế bà Ba Định không khoái à? Làm đuôi rồng không bằng đuôi cá chạch phải không? Thà làm chủ tịch huyện Tân Biên chớ không làm phó tư lệnh?

- Chỉ huy ba chiếc xe bò này mệt lắm chớ anh tưởng dễ sao. Thôi bỏ chuyện đó đi. Anh cứ trêu em hoài. Em giận cho coi.

Nàng nhũi đầu vô ngực tôi, thủ thỉ:

- Em không sợ chết.

- Chết mà không sợ, sợ gì?

- Em chỉ sợ không có con.

- Lấy chồng đi thì có con.

- Chồng em đây nè, còn lấy ai nữa. Anh! Em muốn có với anh một đứa con!

- Anh cũng muốn có một đứa con.

Chúng tôi lặng im. Nước mắt nàng đổ ướt dầm ngực tôi. Nàng siết chặt lấy tôi.

- Mai anh đi rồi, em làm sao sống nổi.

- Anh cũng buồn lắm. Nhưng nhiệm vụ cách mạng...

- Cách mạng gì hai chục năm rồi chưa xong.

Tiếng xe bò cót két ngoài đường. Bánh xe nghiến dai dẳng phát ra một bản nhạc độc điệu rền cả rừng hoang. Trên trời thì máy bay phản lực phóng rầm rầm. Nhưng chúng tôi làm như không biết gì. Tôi thấy nàng đã lột bỏ các thứ giả dối mà lâu nay người ta gắn đắp cho nàng, nào khu ủy, nào anh hùng v.v... để trở lại người đàn bà bình thường có chồng có con với những mơ ước đơn sơ nhất

Rồi việc gì không tránh được xảy ra. Nàng rên rỉ:

- Chắc em chết quá anh ơi!

Tôi thức dậy khi mặt trời đã lên cao. Tôi thấy thằng bé đứng xớ rớ ở cửa, tôi gọi nó vào, mặt mũi nó thê thảm quá.

- Sao em không đi K71 ở đây.

- Người ta bảo hiện giờ chiến thương không có chỗ nằm nên không nhận bệnh nhân thường - rồi nó biện luận - Em không phải là bệnh nhân thường, em bị thương ở Đắc Tô ráng vô tới đây tưởng có chỗ an dưỡng. Ông Tám Lê cho em vào bảo vệ R. ông bảo đó là an dưỡng.

Út ở dưới bếp đang nấu nước, hỏi vọng lên:

- Có việc gì đó chú?

- Dạ, ông Tư Ó muốn gặp cô.

- Bảo ổng tôi bận làm thuế.

- Dạ ổng nói với em là ổng xin cô giảm bớt phiên gác cho ổng.

- Ai cũng muốn giảm hết thì biệt kích nó phá sạch vùng này! Mấy tổ công tác ngoài ấp về chưa?

- Dạ về được một số.

- Có kết quả không?

- Dạ mấy chị ấy nói là mấy chị không vào được vì hôm trước có một ông mình chiêu hồi chỉ lối nên lính phục kích.

- Có sao không?

- Dạ, mấy chị không rõ, chỉ nghe súng nổ thì rút lui không đột nhập nữa.

- Em bảo các cô ấy chờ đấy, chốc nữa chị ra giải quyết công việc.

Thằng bé đi, Út quay lại:

- Khu ủy phân công cho em tổ chức chi bộ trong ấp chiến lược

- Bằng cách nào?

- Em chưa- biết, nhưng hiện giờ nội cái việc ngăn chặn đừng cho dân nhào ra ấp chiến lược đã là chuyện khó rồi, lại bảo tổ chức chi bộ thì họa có thánh. Dân họ chạy về trú ngụ chung quanh Toà Thánh. Tòa Thánh nhận nuôi cơm họ, tìm cả việc làm cho họ nữa. Đêm nào cũng có vài chiếc xe bò chở gia đình ra đó. Mình bịt đường này họ mở đường khác! - Út gầm lên - Tòa Thánh cho người ra tận các mối đường để đón. Em mà vô được ở trỏng thì em đốt cái Tòa Thánh đó ngay.

- Bậy nào! Cô nói một câu thất chánh trị quá!

Út pha sữa bưng lên cho tôi và bảo:

- Nay mai anh có đem pháo về, anh làm ơn pháo cho tan cái Thánh Thất đó dùm em.

Nàng ngồi bên tôi, tỉ tê:

- Em muốn đổi tên em mà không biết tên gì, anh có chữ, giúp dùm em được không? Vì em ở gần lộ ủi Trần Lệ Xuân nên người ta ghép cái tên phản động đó vào tên em, hoặc họ kêu em là con Út lộ ủi, nghe chói tai quá hè.

- Người ta kêu anh là Thiên Lôi đấy, có sao đâu.

- Em thích như Hồng Lâm, Thu Cúc... nghe ngộ ngộ.

- Ừ để anh suy nghỉ ít lâu, khi nào có tên hay anh sẽ nói cho em.

Đến giờ chia tay. Nàng đi với tôi một quãng trên đường đá. Mắt nàng đỏ hoe.

- Anh trở lại nhé.

- Ờ. Anh sẽ trở lại vào chín giờ sáng ngày mai. Em đứng ở đây chờ anh.

- Anh đừng nói gạt em nhé.

Nàng bịn rịn mãi, không buông tay tôi ra. Một chốc nàng nói:

- Anh đừng đến trễ nghe. Em chờ anh ở đây. Nếu anh không đến, em đứng hoài cho cọp tới ăn thịt em.

Nàng sụt sùi:.

- Anh đã tin là em chưa hề yêu ai chưa.

- Tin rồi:

- Anh là chồng em đó.

Tôi hôn nàng thay câu đáp...

- Em mà có một đứa con với anh thì mười khu ủy em cũng bỏ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx