sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 23: Bức Thư Của Thanh Tuyền: R Lãnh Trọn

Xa trường mới đây mà đã mấy tháng trời. Phí bao nhiêu sức khoẻ vì một cái chức anh hùng rơm. Tuy không phải là gia đình ruột thịt nhưng đi lâu vẫn nhớ. Bởi vì ở đây ai cũng mến tôi. Từ ông già Năm Kiên tóc bạc trắng đến vợ chồng Năm Chí, con Tiến con Huê, Bùi Khanh đều dành cho tôi những tình cảm đậm đà. Tôi đi lâu chắc họ cũng nhớ tôi lắm. Tôi vừa về tới ai nấy ùa ra: Bé Ngà con gái Ba Chí mới mười hai tuổi lên rừng với mẹ để thăm cha rồi ở luôn đây. Tư Thịnh muốn đưa về quê nhưng chị không chịu. Bé Ngà chạy ra ôm tôi khóc mướt. Nó nói ngay:

- Ở nhà ông Tư cắt khẩu phần của cháu rồi cậu Hai

Con Tiến, con Huê đang nấu bếp cũng chạy ùa ra khoe bộ mặt lọ lem.

- Anh Hai về đó hả?

- Em tưởng anh mần anh hùng rồi đi luôn hổng về nữa chớ.

- Anh không có muốn đi đâu hết. Sao ở nhà có đứa nào đau ốm gì không?

Bé Ngà nói hớt.

- Hổng có ai đau ốm gì hết, chỉ có sốt rét sơ sơ thôi, cậu Hai.

Tôi móc trong ba lô ra lũ khủ các món tôi mua ở ghe hàng của cô Hai Phi ném ra giường, nào là xà bông thơm, kem đánh răng, vải, dầu cù là, cả đồ lót phụ nữ nữa, và bảo:

- Cho tụi bây đó, chia nhau xài.

Con Tiến lườm tôi khi thấy mấy cái áo nịt.

- Anh thiệt à! Anh thông cảm với tụi em quá trời. Ba năm xài có một cái.

Tôi quát khẽ:

- Coi chừng nghe! Có giặt phơi thì phải tìm chỗ kín kín, để người ta bắt tội khiêu dâm bắt kiểm thảo rồi bây đổ thừa cho tao đó.

Con Tiến còn lãi nhãi:

- Ai mà ưng anh thiệt là có phước! Em có thơ chị Thu Hà, anh muốn coi không?

- Bây moi ruột rồi thế ruột khác phải không?

- Lần này em không có cà chớn vậy nữa. Vỏ ruột gì của chỉ em cũng để nguyên cho anh hết cả.

Con Huê khệ nệ ôm một bó cũi đi vô bếp và nói:

- Coi nè, anh đi có mấy tháng mà ở nhà em tiến bộ ghê hôn?

- Ừ lao động càng nhiều sốt rét càng ít.

Con Tiến tiếp:

- Chỉ còn một cái tiến bộ ghê nữa kìa.

- Gì đó, bộ vô đảng rồi hả? Mới là cảm tình viên có mấy tháng mà được kết nạp, ắt phải có thành tích gì xuất sắc hả?

Huê chưa kịp đáp thì Tiến hớt:

- Nó có thành tích số một của trường. Mày về vác lên cho anh Hai xem.

- Thành tích gì mà đến phải vác?

Huê trở lại bô bô cái miệng:

- Thành tích này nè! - Nó đưa thằng bé bụ bẩm cho tôi và bảo con - Cậu Hai nè con! Cậu Hai mua xà bông thơm cho con đó.

Tôi bế đứa bé, thằng nhỏ nhìn tôi khóc oé lên. Tôi bảo:

- Chắc nó hổng chịu anh!

Tôi vừa dứt lời, thằng bé tè rưới thành vòng cầu làm mấy người đứng quanh nhảy tránh xa. Tiến nói:

- Anh hên lắm đó. Bị con nít tè vô mình chứng tỏ sắp có con.

- Ừ, chắc có con đến nơi rồi.

- Xí! Hổng kiếm mau mau đi ở đó mà đến nơi.

Thằng bé mặt tròn tóc đen có vẻ bặm trợn và cù lự. Tội nghiệp, mẹ nó có bầu tẩm bổ toàn là thịt rừng như dế, thằn lằn, cha nó đi liên tục không về được.

- Thằng cha già tía nó biết chưa hả Huê?

- Em có gởi thơ. ảnh nói chừng ba tháng nữa mới về được. Em muốn chớp một cái hình gởi cho ba nó mà hổng biết làm sao. Thiệt là không tìm đâu ra cái máy chụp.

- Để hôm nào anh tìm cho.

Nói chuyện một hồi, tôi lôi Bùi Khanh ra ngoài, rỉ tai:

- R lãnh nguyên con rồi, cha! Tôi xem bản đồ thì không sai đâu.

- Tao cũng đoán vậy. Nhưng mày đừng có nói ra, ở tù cả đám. Bây giờ mày về đây thì ráng phụ với tao làm công tác chống càn.

- Càn ở đâu mà chống?

- Ở trên biểu thì phải làm. Tức là họp các cơ quan trong vùng thành lập một ủy ban chống càn. Quên nữa, đi lãnh huy chương mà có lãnh được không?

- Được chớ sao không được!

- Bự cỡ nào?

- Bằng cái mẹt của chị hĩm Điện Biên vậy!

- Mỗi thằng một cái hay là chung cho cả đoàn?

- Chung.

- Chung rồi làm sao mà đeo?

- Có ai muốn đâu mà anh phải lo chuyện đó cho mệt.

Bùi Khanh kéo tôi về lán uống trà. Anh hỏi:

- Mày có gặp bà Ba bàn nạo của tao không?

Tôi ngờ ngợ không biết bà Ba bàn nạo nào, có lẽ là bà khu ủy viên. Tôi vọt miệng nói:

- Có, tôi có ghé thăm. Bả nhắc anh dữ quá! Coi bộ chịu đèn rồi!

Bùi Khanh hắt cái cặn trà trong chén rồi hứ một tiếng:

- Tao đã bảo với mày là bả chỉ nên làm khu ủy rồi chừng bằng tuổi bà Thập thì làm Trung ương ủy viên bù nhìn thôi, chớ làm vợ cho ai cũng không được. Bả gắt gao kiều đó có ngày tụi Miên nó cáp duồn bả hoặc đội bảo vệ của bả gài lựu đạn dưới chân giường bả cho mà coi.

Tôi mừng vô kể. Nếu anh nói anh cũng hi vọng thì tôi phải đau khổ vì đã phá vỡ cái hạnh phúc của đồng chí mình.

Bùi Khanh tiếp:

- Ban giám đốc cho đám học sinh đi về địa phương hết rồi. Phải! Tình hình này mà ở đây thì không có ai mà chôn xác cho nổi.

- Anh nói tôi nghe rỡn tóc gáy quá trời!

- Tao cũng đang rỡn cầm canh đây. Cả ngàn con người ta tập trung, nó rắc một phát là sạch.

- Trước nhất phải cho đào thêm hầm hố, chiến hào dọc để khi bị bom mình có thể di chuyển được dưới mưa bom. B52 lướt qua một phát là mình nhảy qua trái hoặc qua phải. Chiến thuật rải thảm của nó là chiếc sau rải nối tiếp chiếc trước, không rải bên trái hoặc bên phải.

Bùi Khanh hỏi:

- Ai bảo mày đó?

- Trên Cục Tham mưu. ‘

- Tao vái các chả cả mũ. Mới vừa rồi cơ quan binh vận làm theo kiểu đó lại tổn thất nặng nề.

- Là sao, tôi không hiểu?

- Là sau khi nó rải một loạt đầu xong, ai còn sống vọt lên chạy lên qua hai bên. Chẳng ngờ loạt sau nó rải luôn một

lúc hai bên loạt trước.

-Thế cơ à.

- Thế thì thế chớ còn cơ à cơ è gì nữa.

- Tại sao nó đối chiến thuật.

- Tao đoán là thằng cha Hai Tốt, trưởng kinh tài I/4 trốn ra Sài gòn mang theo cả chục triệu bạc, lại còn báo cáo việc chống B52 của mình nên tụi Mỹ nó biết.

- Ờ ờ! hèn chi bà khu ủy viên bắt du kích gác kỹ quá.

- Kỹ gì được mà kỹ. Hễ ai muốn đi là đi được.

- Vậy anh còn bảo thành lập ban Chống Càn làm gì nữa?

- Ở trên bảo làm là phải làm. Chớ nó bỏ bom mà chống cái nổi gì?

Vài hôm sau Ban Chống Càn được thành lập. Trưởng ban là một ông trong Ban Giám Đốc trường Pháo, phó ban gồm có đại diện của các trường Bộ Binh, Ban Binh Vận, Xưởng may quân trang, K71-B tức là bệnh viện chung cho vùng này, tôi gặp lại Hải Trường Sơn..Vừa chạm mặt, tôi hỏi ngay:

- Mày có tin tức gì ở R không?

Nó lắc đầu và chỉ đáp bâng quơ:

- Tôi nghi là bữa đó ông Bảy Đậu dắt phái đoàn đi thẳng một mạch về R. Nói vậy là hiểu rồi.

Tôi làm thinh. Sau đó tôi đi gặp Lê Xuân Chuyên, vô K71-B, xuống xóm Rẫy để hỏi dò tin tức nhưng ai cũng nói không biết (hoặc biết mà không nói). Tôi ở đây chờ quyết định chính thức của ông Tư Khanh để về Củ Chi. Trường trại, sau khi học sinh đi, trống hoang trồng thật là buồn thảm. Chúng nó còn ở thì sợ B52, nhưng chúng nó đi rồi thì buồn vô kể.

Tối ngày tôi chỉ đến chỗ con Huê để chơi với thằng bé. Nó tên Bình. Tôi đoán là bố nó, thằng Tỷ, chán ngán chiến tranh (hai cuộc) nên khi nghe vợ đẻ thì bảo đặt tên Bình tức là Hòa Bình. Tôi bế nó. Tôi càng thấy hạnh phúc của kẻ được làm mẹ làm cha. Nó không nói gì với tôi cả. Chỉ ư e nhưng tôi nghe ra hình như nó muốn hỏi: Ba cháu đâu? vậy. Tôi nhớ ra người chiến sĩ bất hạnh trên đường Trường Sơn. À, hắn tên Hoàng Đình Khiếu, quê Hải Dương. (Đến nay đã ba mươi năm rồi, không biết gia đình anh có nhận được giấy báo tử chưa?) Tội nghiệp! chắc hồi đó trong đám bốn đứa con của y đã có một đứa hỏi mẹ nó: Ba đâu? như bé Bình bây giờ. Bé Ngà con Sáu Ngọc, bé Rớt con cô Là, bé Ngà con Ba Chí, tất cả trẻ con trong chiến tranh Miền Nam đều như thế cả. Không đói khổ thì cũng mồ côi. Bọn Hà Nội không chịu thấy việc này của dân Miền Nam. Chúng nó ở trong villa, trong dinh Toàn quyền nhắm mắt xúi dân Miền Nam nhào vô giải phóng trong khi thực sự nó đã được giải phóng rồi. Còn Hà Nội vào thì chỉ đem lại xiềng gông.

Một hôm Bùi Khanh đi săn đem về được hai con mễn. Anh bảo đám thanh niên đi theo anh ra rừng. Tôi cũng đi theo, tưởng rằng ngoài đó có nai to. Quả thật ra đến nơi thì gặp một chú nai nhưng là nai tơ. Nó nằm bên gốc cây mà thấy người tới không chạy. Bùi Khanh bảo:

- Nó vừa đội B52 chắc.

- Giỡn hoài anh!

Bùi Khanh trỏ tôi xem con nai chỉ có ba chân. Anh nói:

- Nó bị thương ở đâu không biết rồi lết tới đây kiệt sức.

- Ba chân mà chạy được à?

- Nai là chúa chạy ba chân. Tao kinh nghiệm thấy khi mình đuổi nó thì nó phóng có ba chân còn một chân thì co lên cầm lái. Với cái bộ chạy này mình vô phương đuổi kịp.

Tôi ngồi xuống xem. Cái chân phải bị cắt ngang đầu gối. Vết thương còn mới, máu chảy đầy đất. Tôi nói:

- Hổng biết nó bị thương ở đâu?

Một cậu thanh niên giục:

- Thôi mình khiêng về làm một bữa.

- Đừng! Đừng! B ù i Khanh khoát tay - Muốn ăn tao bắn con khác cho mày ăn. Còn con này mình phải thả.

Nói xong anh lấy băng cá nhân (mỗi người đều có một cuốn đeo trong lưng) bảo cậu thanh niên băng vết thương cho con vật.

Anh bảo:

- Tao muốn đem về nuôi cho nó lành rồi...

-...ăn thịt hà? - Cậu thanh niên hỏi.

- Không, nuôi cho lành rồi thả nó đi.

Tôi chợt nhớ, một lần Bùi Khanh tâm sự với tôi rằng ông ngoại anh là điền chủ, bác anh là Cai tổng. Ông ngoại anh đã cất ra một cái thánh thất Cao Đài. Phải chăng tinh thần tôn giáo đã ăn sâu vào anh từ thuở bé mà tới giờ vẫn còn đọng lại và chủ nghĩa Mác không xoá được. Chúng tôi nghe lời Bùi Khanh, chặt đòn khiêng chú nai về nhà và săn sóc.

Chuồng nai trở thành cái câu lạc bộ con con cho đám con nít. Huê cũng bế thằng Bình ra cho nó xem con nai. Trong balô tôi còn một hộp sữa quảy từ trên Xóm Giữa về đây, định bụng cho Bùi Khanh bồi dưỡng. Đúng ra anh đâu có già cả gì. Chưa đầy bốn mươi, nhưng đầu tóc bạc sớm và cuộc sống ở rừng ác nghiệt quá, nên trông anh như năm mươi. Tôi đưa hộp sữa cho anh và nói đùa:

- Bà khu ủy gởi tặng anh đấy.

- Của ai chớ của bả uống chua lòm! Đem ra con Huê nó khuấy cho thằng nhỏ uống. Từ đẻ ra tới bây giờ có biết miếng sữa nào vô miệng.

Một buổi tối hai anh em ngồi uống trà, anh lại nhắc:

- Mày lên trển không có gặp bà bàn nạo của xứ tao à?

- Bà bàn nạo nào?

- Cái thằng! Lên R mà không gặp thì còn gặp ai. Trên đó có một bà thôi chớ mấy bà?

Tôi mới vỡ lẽ ra. Tôi cười:

- Có thấy nhưng không có tiếp xúc.

- Chỉ đứng xa xa nhìn thôi hả?

- Cũng như hồi ở trong Nam mình tưởng ra Bắc chắc gặp cụ Hồ, cụ sẽ vò đầu từng đứa. Chẳng ngờ ra Bắc cũng như ở trong Nam, từ xa tới xa, xa hơn nữa. Bộ anh quen với bả à?

- Có chớ sao không!

-Nói vậy anh cũng được lây chút hơi hám... hắc hắc xì!

Không rõ con bồ hóng nào bay vô mũi làm tôi nhảy một phát muốn đi luôn cái nắp nhạo. Bùi Khanh nói:

- Hồi đó bả làm đoàn trưởng Phá Nò Cắn Q của ông Bảy Phong Vân.

- Ủa ở đó cũng có một ông giống Bảy Rừng Sát nữa à?

- Không. Xứ tao không có Rừng Sát, chỉ có rừng Chà Là. Nhưng không có ông Bảy Chà Là. Chỉ có tờ báo Hi Sinh do ông Hồ Văn Thoại làm chủ nhiệm. Ông này cưới bà Sáu Nết cán bộ của bả. Khi bả lên làm chức Phó Cối của R thì bà Nết thay chân bả.

Tôi hỏi:

- Tôi nghe nói chồng bả cấp dưới bả hả anh?

- Ông ta chỉ là cán bộ Nông dân Cứu Quốc tỉnh thôi.

- Hồi đó bả có làm khó chồng bả không?

- Làm khó cái gì?

- Người ta đồn là ổng đến thăm bả, bả không cho vô văn phòng, phải chờ ở ngoài trạm.

- Họ thấy ông cù lần thì bày chuyện vậy thôi! Cũng như bây giờ họ lại bịa ra một chuyện là có lần ông nông dân lên R thăm bà phó tư lệnh. Bà Phó bảo căn cứ bí mật, không cho vô ông ta đành ôm... hận trở về.

- Có chuyện đó nữa à?

- Người đời lắm mồm bày đặt ra để nói xéo bả chơi. Là vì bả là loại quần vận yếm rơi... ủa, quần vận yếm mang mà lại ngồi chò hỏ trên đầu bọn mày râu, cả đám trí ngủ Sài gòn chắc là bất phục bả, nhưng không dám nói ra. Theo tao nghĩ bả có một cái khuyết điểm lớn...

- Sao anh thấy được?

Bùi Khanh trừng mắt:

- Mày lại lái câu chuyện vào tiếu lâm, một khuyết, hai u hả? Bả chỉ có một khuyết điểm là nhận một nhiệm vụ mà bả không làm được, nhưng vẫn cứ lãnh như thường.

Tôi cười:

- Anh binh gà nhà quá đi, tôi không dám động tới bả nữa, nhưng còn một chuyện vui lắm. Trên R ai cũng biết nhưng làm bộ như không biết.

- Chuyện gì?

Tôi rỉ tai Bùi Khanh. Bùi Khanh gật lia:

- Chuyện đó thì tao hết có binh nổi.

- Nhưng anh đừng có nói với ai mà tôi đứt đầu nghe!

Bỗng nhiên nghe như bão tới. Tôi nhào xuống đất và kêu:

- Bê năm...

Ầm... ầm... ầm!... Tiếng nổ như pháo tre tiếp theo. Tôi lúc nào cũng chuẩn bị đội bom B52 nên rất nhạy và rất bình tĩnh. Rồi nghe như trời đánh trên nóc nhà, tôi nắm chân bàn, chân bàn run. Tôi bò trên mặt đất, mặt đất sàn qua sàn lại như đưa võng. Tôi la: Chạy ra hầm! nhưng tiếng bom càng nổ liên tục chát chúa cả màng tai. Tôi thò tay vào ba lô móc được cái đèn pin. Xẹt lên và chạy ra hầm. Những tuyến hầm dài do học sinh đào trước đây, nay trống trơn. Chỉ vài ba chục nhân viên và mấy gia đình như cái nồi chỉ có mấy hột gạo.

Vừa dứt loạt bom, tôi la lên:

- Chạy ra hầm. Có ai bị thương không?

Không có tiếng trả lời. Vài ánh đèn pin nhoáng lên. Có tiếng quát: Tắt đèn. Tiếng con nít khóc ré. Tiếng la í ới không rõ nghĩa gì. Có tiếng chửi thề: Đ.m. Bê năm hai!

Chỉ vài chục giây lại... ầm... ầm...

Tôi đã vượt được ra giao thông hào, bò dưới đáy hào ngập nước. Mệt muốn đứng tim. Đất rải trên lưng từng mảng lớn. Tôi lại bò, không đụng ai cả.

Lại dứt loạt. Tôi ngóc lên. Không khí khét nghẹt. Nghe e... e... e... trong lỗ tai. Một tiếng kêu bật lên:Chạy! chạy! tránh làn bom. Tôi quát: Biết đâu mà tránh! Nằm lại đó.

Từ trên đồi nghe ào ào như bão đến. Cây lá cuốn răng rắc. Bom hú như xé lụa. Lại ầm ầm. Tôi không còn nghe gì, không biết tôi đã làm gì trong đợt thứ ba. Một chập. Không biết bao lâu. Không nghe gì nữa ngoài tiếng e e trong không khí và tiếng rơi của đất đá lộp độp. Tôi bò lên. Một bàn tay kéo chân tôi, một giọng run run:

- Khoan đã anh Hai. Nó còn bỏ nữa đó.

Tôi sụt xuống. À ra thằng Thới Giám đốc Công xưởng đẽo máy bay gỗ. Thới run lập cập như bị mắc mưa.

- Mình chạy được không anh?

- Chạy đi đâu?

Tôi chụp đèn pin xuống đáy hầm, bấm công tắc

- Hả hả...

- Anh em có xuống hầm được không?

- Tôi chắc nó còn bỏ nữa.

- Gò má sao chảy máu vậy?

- Má tôi đâu có lên....

Tôi biết thằng Thới bị vỡ tai rồi nên trả lời ăn trét. Bỗng nghe tiếng Bùi Khanh:

- Đi tìm coi ai có bị thương không?

Đèn pin quất qua quất lại loạn. Tôi nghe rõ tiếng Tư Thịnh quát:

- Tắt đèn! B52 nó trở lại bây giờ.

- Ông nội ơi! B52 nó bỏ bom theo ô trên bản đồ chứ nó không có cần đầm già chỉ điểm đâu!

- Không được bấm đèn.

Tôi đành nghe theo ông Hiệu trưởng gốc đánh xe ngựa ở Hốc Môn. Trời tối ngửa bàn tay không thấy. Tiếng đàn bà léo nhéo lẫn tiếng khóc nổi lên như ri làm cho cái hoạt cảnh B52 càng thêm hãi hùng. Tôi rứt tay thằng Thới bò lên. Bùi Khanh la to:

- Đi tìm coi ai bị bom vùi móc lên trước.

- Có sao không?

- Có đứa nào bị gì không?

Những câu hỏi nổi lên rân ran. Ba Ân, phó hiệu trưởng, đi tới trước mặt tôi, bảo:

- Thằng nào có đèn xẹt lên coi.

Tôi bấm đèn lên. Trán Ba Ân rách một đường ngay chính giữa. Máu chảy xuống mặt đỏ lòm. Tôi quát.

- Y tá đâu?

Ba Ân xua tay:

- Không nặng lắm.

- Anh bị thương ở đâu vậy?

- Tôi cũng không biết ở đâu!

Ba ân vừa thở hổn hển vừa nói. Rồi cứ để mặt mày như vậy đi quanh các hầmh và giao thông chổng mông xuống, gào:

- Có đứa nào bị thương dưới đó không? Có thằng nào dưới đó không?

Tôi xách đèn pin đi sau lưng rọi cho Ba ân bước. Y càu nhàu:

- Xài đèn như vậy nguy hiểm lắm.

Tôi không trả lời. Đi một lúc thấy có hai người đàn bà ngồi ở gốc cây sau văn phòng, người này phủi đất trên lưng người kia. Chợt nhớ tới con Huê và con Tiến lúc nãy đang nấu nước cho tôi uống trà, tôi bỏ Ba Ân, đi vô bếp. Tôi suýt bật cười. Con Tiến chui vô cái lò dùng nấu cơm. Còn con Huê thì chui vô cái lò dùng nấu nước. Hai bộ chân còn thò ra ngoài. Tôi quát:

- Đi ra, hết bom rồi!

Kêu ba bốn lần mới thấy hai cây thịt nhúc nhích. Tiến lùi ra trước rồi tới Huê. Đầu cổ đầy tro than, mặt mũi lọ lem.

- Chui đi đâu vậy.

Tiến nhào tới ôm tôi. Tôi biết cô nàng vùn vằn với thằng Quân, không chịu xáp mạnh, mặc dầu đã hứa trước mặt ông Năm Kiên, trưởng ban tổ chức của nhà trường rồi và lại có cảm tình đặc biệt với thầy Hai, nhân cơ hội này nàng có thể tỏ tình táo bạo, nên tôi né sang bên. Huê ngơ ngác:

- Con tôi đâu rồi?

- Trời đất, con mày mà mày vứt đi đâu?

- Em còn không nhớ em nữa mà.

Tôi quất đèn pin chung quanh bếp. Thằng bé đang nằm dưới bàn ăn hai tay kềm chân mặt vào mồm để bú ngón cái. Thấy ánh đèn nó cười nhe cái nướu đỏ tươi. Tôi quát Huê:

- Lại ẵm nó. Sao đứng chết trân đó, con quỉ.

- Hả.

- Con mày kia kìa.

Huê từ từ bước lại khom lưng bê thằng bé ra. Nó không khóc la gì hết ráo. Nó không sợ B52 chút nào. Hóa ra nó anh hùng hơn các chú các bác nó.

Tôi đi xuống phân khoa DKZ. Ban huấn luyện đang ngồi tán gẫu. Thấy tôi, một cậu hỏi:

-Nó bỏ ở đâu thầy?

- Không biết. Nhưng trong địa điểm mình không bị một quả nào. Nếu ban ngày tôi nhìn đồng hồ có thể biết khoảng cách là bao xa. Nhưng ban đêm nghe tiếng nổ cũng biết được nó bỏ cách đây chừng năm cây số.

- Năm cây số mà vậy đó, nếu ngay thì cỡ nào?

- Nếu ngay thì hết xương chớ cỡ nào. Đốt đèn lên coi!

- Ông hiệu trưởng cấm. Ổng bảo đốt đèn B52 ngó thấy nó chụp hình.

Tôi suýt bật cười:

- B52 không có làm ba cái vụ đó. Nó rải bom theo tọa độ nó không hề thấy mục tiêu nó bỏ bom mà nó cứ chơi theo ô trên bản đồ. Xong rồi là nó đi luôn không có chụp hình chụp ảnh gì đâu mà sợ. Có sợ là sợ nó chơi tới mình đấy thôi.

Bỗng có tiếng bàn tán ngoài đường:

- Bà bầu xảo thai!

- Hai ba bà, biết bà nào?

- Nghe nói vậy, không biết bà nào!

Thôi cũng được chưa đến nỗi gì cho lắm. Cũng như nó dượt sơ cho mình vậy. Lần tới, nó có đến thì mình bình tĩnh hơn. Đây là một sự thử thách Ban Chống Càn hay Ban Bò Càn cũng thế. Ai nấy đều biết vùng bị bom cơ quan nào đóng, nhưng không ai nói ra. Đêm đó không ai ngủ. Từng nhóm, từng nơi, người người xanh mặt, nhà nhà dớn dác, ngành ngành hoang mang, ta nhất định mếu, địch nhất định phang. Mặc dù cái chết lởn vởn trước mắt, tôi mừng vô kể: học sinh đã tản đi hết rồi. Mong sao đầm già biết rõ điều đó để báo cáo với hạm đội 7 đừng bỏ bom xuống đây giết đám đàn bà trẻ con và đám đàn ông đã mất vía này.

Theo cấp bậc, tôi được ưu tiên ngủ giường và có phòng riêng, nhưng đêm nay tôi không dùng cái ưu tiên đó. Tôi ra ngoài giao thông hào mắc võng ngủ gần Bùi Khanh để tâm tình về đại hội trên R và về những chuyện tôi cần nói với anh trước khi tôi lãnh công tác Củ Chi. Vừa nằm xong, tôi nói:

- Tôi đi kỳ này cũng như An Lộc Sơn đi trấn nhậm Bình Lư anh ạ.

- Sao vậy?

- Thì vậy chớ sao!

Tôi kể anh nghe về tình cảm của tôi với Thoa hồi thời kháng chiến và các cô nữ sinh ở R vừa rồi. Bùi Khanh bảo:

- Con trai tốt mã như mày cũng sướng mà cũng khổ lắm. Như tao vầy khoẻ ru. Chẳng con khỉ cái nào thèm ngó nữa là đàn bà con gái.

- Anh kén quá trời mà.

- Lấy vợ thì phải chọn người cho vừa ý chớ đâu có thể quơ ngang bắt hụt được chú em.

Tôi định gạ lại vụ bà Chín Việt, vợ của một tiểu đoàn trưởng chết ở trận đánh đồn Bổ Túc năm 1963 nhưng biết anh khó tánh trong vấn đề phụ nữ, vậy hốt ổ là chuyện không thể chấp nhận được với anh, nên lãng sang chuyện săn bắn. Hai anh em đang nghiên cứu về vết thương của chú nai thì bỗng có tiếng la thất thanh, không cần biết lý do gì, hai đứa nhào đại xuống hào. Bùi Khanh còn ló đầu lên.

- Chắc B52 quá mậy.

Thấp thoáng trên mặt đất những bóng người lao xao và tiếng kêu hốt hoảng. Nhưng một chập, không thấy gì hai đứa bèn vọt lên bờ tìm lý do. Thì ra một anh chàng đang ngủ rồi mớ. Mấy người bên cạnh cứ vùng dậy vừa chạy vừa la: B52, B52. Thế là cả khu vực chạy thục mạng nhảy xuống giao thông hào. Trở lại võng, tôi nói với Bùi Khanh:

- Hồi ở trên Trường Sơn tôi từng gặp một chiến sĩ sống sót sau trận B52. Trong khi hành quân, đồng đội cứ phải buộc dây vào tay anh ta rồi dắt đi theo. Nếu không anh ta cứ chốc chốc lại kêu lên: B52! B52! rồi chạy ào vô rừng. Phải gian khổ lắm mới bắt anh ta lại được.

- Ối! những trường hợp như thế có thiếu gì ở trong K71 của mình. Bữa nào rỗi, mày hỏi con Huê nó kể lại cho mày nghe. Nó vô nằm trong đó có một tuần để sanh thằng nhỏ mà bị chạy xịt B52 ba bốn lần. Đó là các cha đánh Bình Giả bị thương về nằm trị thần kinh.

- Tụi mình rồi cũng sẽ đau thần kinh như vậy hết.

Qua một đêm kinh hoàng, sáng ra mặt mũi người nào cũng phờ phạc như già đi cả chục tuổi. Tới trưa, sau khi cơm sáng xong, con Tiến đem cho tôi hai bức thư. Nó cười bảo:

- Không có thơ chị Thu Hà đâu.

- Cô không phá tôi nữa chứ?

- Em biết anh dính với chỉ chắc quá rồi, không thể gỡ ra được nữa, nên em hết phá.

Tôi nhìn phong bì, một của Thanh Tuyền và một của anh Ba Thắng. Ba Thắng nói gì thì tôi đã đoán biết rồi nên tôi khui thư Thanh Tuyền đọc trước. (Đến nay đã ngót ba mươi năm mà khi nhớ lại, tôi thấy như những dòng chữ còn lao xao trước mặt tôi.)!!!Anh thân yêu,!!!Anh bây giờ ở đâu? Còn em thì hú hồn hú vía. Em vừa trải qua một cuộc lội rừng gai quào nát mặt hết trơn. May mà còn sống để viết mấy dòng này cho anh. Tại anh pháo kích Biên Hòa cho nên nó mới trả đũa như vậy đó. Ông Tưởng cháy hết mặt mày. Chi Ba Khoan sẩy thai nhưng còn sống. Chú Năm Danh, chú Chín Mỹ, chú Bảy Đậu, chị Hai Nhơn đều đi nhà thương chắc lâu lắm mới khỏi.!!!Riêng chị Huỳnh Mai, chị Trúc, chị Cúc đều đi công tác xa chắc không trở lại nữa. Tội nghiệp chị Huỳnh Mai biết bao nhiêu. Chỉ về đem theo quà của anh tặng cho mỗi đứa em. Em không ngờ anh tế "nhụy" đến như thế. (Thanh Tuyền viết sai chính tả chữ nhị") Chúng em vui vẻ nhận quà và từng món nhận được mà đoán xem anh thương đứa nào nhiều.!!!Riêng chị Huỳnh Mai thì không tranh giành tình cảm của anh. Chỉ biết anh đã yêu em. Chúng em chỉ vui với nhau được ba ngày rồi sau đó,.... bây giờ thì còn lại có mình em.!!!Anh yêu, em biết anh ở cách em chỉ một ngày đường thôi. Nhiều lúc em muốn đi đại ra khỏi chỗ này để tìm anh, nhưng em sợ rủi ro, tụi Đồng Thổ nó bắt được con gái thì nó không tha. Em đòi ba em kêu anh về trên này công tác, ba em cứ bảo để thong thả... Hổng biết bao giờ anh trở lên đây. Nếu anh trở lên, anh sẽ không về được nữa. Em dại quá, hôm nọ giá mà em đi với anh có phải bây giờ không hối tiếc không!...

Tôi không đọc nổi nữa. Hôm nọ tôi đã đoán trúng, nhưng trước mặt thằng Hùng và thằng Cử, tôi cố gạt phắc. Bây giờ thì vĩnh biệt Huỳnh Mai rồi. Người con gái hiền lành, thâm trầm và duyên dáng. Nếu Thu Hà có mệnh hệ nào thì tôi sẽ cưới Huỳnh Mai, không ngờ Huỳnh Mai đã không còn trên cõi đời này nữa. Ôi! Huỳnh Mai sao em vắn số vậy? Mới ngày nào đây anh vừa bắt đỉa cho em.

Tôi đã mất hết hồn vía. Tôi nằm vùi và bịnh luôn. Cơm nước không ăn, cũng không ngồi dậy. Bùi Khanh tưởng tôi sốt nên bảo y tá đem quinine đến cho tôi. Tôi nhận nhưng khi hắn vừa đi thì tôi vứt. Không có ai hiểu căn bệnh của tôi.

Không có ai trị được bệnh tôi. Chiến tranh ác thật. Thế mà bác đảng tưởng vui lắm, nên cứ ở trong villa mà hối thúc dân Miền Nam: Thừa thắng xông lên! Xông đến đâu nữa chứ?

Nước mắt tôi ứa ra. Tôi muốn vùi mình trong biển đau thương.

Một buổi chiều, khi tôi tỉnh dậy thấy một chén cháo bốc hơi ở đầu giường. Một người đàn bà xuất hiện. Tôi khẽ gọi:

- Chị Chín!

- Anh bịnh thương hàn đó. Vì dầm sương quá nhiều nên ngã bịnh. Em nấu cho anh chén cháo bỏ tiêu thật nhiều. Ăn xong anh trùm khăn kín, đổ mồ hôi, lau khô là nhẹ mình lắm.

Chị Chín Việt, người đàn bà có người chồng là tiểu đoàn trưởng chết đã ba năm. Lúc đó bà có thai. Sao hôm nay trẻ thế? Và lại xưng em với một kẻ luôn luôn coi chị là bà chị lớn. Từ hôm tôi về đây, chị không hề xuất hiện. Và tôi cũng không còn nhớ là chị đã từng ở đây và quả tình tôi cũng không có để ý tới người đàn bà bất hạnh này cho lắm.

- Anh đừng gọi em bằng tên cũ nữa. Gọi em là Mai Khanh. Đó là tên của em. Anh ăn cháo nóng đi.

Tôi cố húp vài muỗng, thấy ngon và ăn hết chén cháo.

Quả tình tôi thấy khoẻ lại. Ăn xong thì võng đòn tới. Bùi Khanh bảo:

- Lên võng cho tụi nó đưa đi nhà thương.

Tôi chống chế, nhưng Bùi Khanh nhất định cho tôi nếm mùi bệnh viện:

- Mày bị thương hàn. Tao biết. Y tá bảo nhiệt độ mày cứ lên cao hoài hoài. Hồi trước tao đã từng bị một trận ở U Minh. Sốt đến độ bò ra mương uống nước rồi nằm đó luôn. Mày vô trỏng cho y sĩ săn sóc, thằng Hoàng Anh y tá ở 307 hồi trước về làm y sĩ trường. Nó nhắc mày luôn. Ở nhà ăn bậy bạ lũng ruột chết.

Mai Khanh gói ghém ba lô và đỡ tôi lên võng. Ôi bàn tay của một người đàn bà goá chồng. Ôi chén cháo cay mà ngon quá chừng.

Năm sau, Mai Khanh tìm tôi ở tận Củ Chi trong cảnh khói lửa bời bời. Những cái hôn khét lẹt mùi thuốc súng và không còn một chỗ để nằm yên. Tâm tình trong tiếng gầm của B52.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx