sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 24: Về Triều Đình Lãnh Thánh Chỉ Nhạc Sĩ Chô-Pin???

Một buổi chiều nắng nhạt tôi từ giã bệnh xá của thằng Hoàng Anh trở về trường nằm chờ quyết định của U80 đặng về Củ Chi. Tôi đi thất thểu theo con đường rừng. Lá cây non trổ xanh mướt hai bên đường. Lá thư của anh Ba Thắng cho tôi biết quyết định của Bộ chỉ huy R đã ký xong đang trên đường xuống trường pháo.

Dưới cùng tờ giấy có mấy đòng của Ba Ánh:!!!Anh Hai thân yêu,!!!Em suýt bệnh kỳ vừa rồi. Cơ quan bị bão to làm sập hết. Mấy chị đều đi công tác ở xa chắc không bao giờ trở lại nữa. Chỉ còn có một mình chị Thanh Tuyền ở lại đó mà thôi. Em sẽ đi theo chú Ba về I/4 nhận công tác mới.!!Mong gặp lại anh ở vùng đất Thép Quê Hương.!!Em: Ánh.

Lại gặp ở Củ Chi. Lại cùng nhau đội B52 ở Củ Chi.

Mới xa nhau đây tường chừng như cả năm đã trôi qua. Ông Đồng bảo là ở chế độ ta một ngày bằng hai chục năm mà. Họ nói phéc không thể tả được. Có thể chữa lại là miền Bắc xã hội chủ nghĩa sống hai chục năm chỉ bằng một ngày ở nơi khác. Bằng chứng là mười năm xã nghĩa có bước tới được bước nào đâu. Còn miền Nam trong thời chống Mỹ, ăn bom đạn một ngày bằng mười năm kháng chiến chống Pháp.

Tôi về đến trường pháo thì đã tối mịt. Ban Giám Đốc quyết định làm một bữa liên hoan tiễn chân tôi. Nhưng tôi bảo khoan đã vì tôi muốn đi ngay lên U80 để lấy cái quyết định, kỳ thực là tôi muốn lên đó gần R hơn để hỏi thăm tin tức về vụ nọ.

Thế là hai hôm sau tôi vác ba lô đi U80. Nhà trường cho Huỳnh Châm và Võ Sâm đi theo tôi để lãnh đạn pháo. Hai ông con mắc tội khổ sai này đã lao động sản xuất đoái công chuộc tội ở rẫy tự túc của Sáu Ngọc.

Nhờ tôi tích cực bênh vực mà cả hai chàng được phục hồi chức vụ cũ.

Như thằng Hùng nói, U80 đã rời Suối Dây về đóng ở một cái trủng nước để tránh sự dòm ngó của B52. Cho nên bây giờ phải đi lên cái nhánh của sông (suối Tha La).

Huỳnh Châm bảo:

- Mình lên đến ngã ba suối đi lên chừng ba trăm thước có đường mòn bên trái cứ đâm thẳng lên chừng một buổi thì đụng căn cứ mới.

Tôi hỏi:

- Ở dưới trủng như vậy làm sao đào được lò Hoàng Cầm mà giữ khói? Đất ướt càng ung khói, sớm muộn gì cũng bị phát hiện.

Hai đứa nó vào xin chữ ký của Tham mưu trướng Năm Kiện rồi qua hậu cần lãnh đạn. Năm Kiện vốn là Trung tá từ ngoài Bắc, nhưng là học trò pháo binh của tôi nên vẫn gọi tôi bằng thầy. Thấy ông nay đầu bạc trắng nên tôi gọi ông bằng chú. Mới vừa chạm mặt ông đã khôi hài:

- Thầy Hai về F351 của tôi hả?

- F351 thì ở Lý Nam Đế Hà Nội chớ sao ở đây chú Năm.

- Thầy ở trường pháo nên không hay những sự thay chủ đổi ngôi. Ngoài kia là F351A, còn đây là F351B. Tôi mới mua mấy con kỳ đà...

Tôi nói cắt ngang.

- Thứ đó ăn xui thật chú Năm.

- Tôi cũng tin như vậy nên tôi thả hết rồi. - Chú khom tới rỉ tai tôi - Dân ngoài triều đình vô đông lắm rồi. Chốc nữa thầy xuống dưới lán thì thấy bọn nó nằm lễnh nghễnh như chuột trong hang.

Nghe chú nói, tôi chán ngán quá chừng. Đó là công thức. Bước đầu khai phá là dân Nam kỳ đi trước càn bờ lướt bụi. Khi thành khoảnh rồi thì dân cá rô cây và rau muống nhào tới. Thời kháng chiến chống Pháp, dân Nam kỳ đã tạo lập xong lực lượng vững chắc thì dân Pắc Bò Lạc được gởi vô cầm chánh quyền. Không có một anh Nam Kỳ nào làm được tư lệnh hoặc chánh ủy. Bây giờ cũng thế. Những người đầu tiên mở đường Trường Sơn là dân Nam kỳ. Trong đó phải kể Lê Quốc Đăng, khi xây dựng xong cơ sở thì các cục quan trọng nhất nằm trong tay Bắc Kỳ. Cuối cùng, bây giờ toàn bộ chỉ huy quân giải phóng là dân Triều Đình. Nay mai giải phóng xong, từ chủ tịch thành phố Sài gòn đến tổ trưởng hợp tác xã cũng lại là giống dân đó. Nam kỳ chỉ được cái chức phó thôi. Phó cối, phó nhòm, phó nháy, phó may, phó ngáp...

Nếu bất mãn bỏ đi, thì chúng sẽ thiếm xực luôn. Thế.là thằng còng làm thằng ngay ăn.

Chú Năm tiếp:

- Cao xạ đã tách ra thành phòng cạo xạ do ông thiếu tá Bạch làm trưởng phòng. (Nói cho oai vậy thôi chớ tôi biết có vài ba cây 13/2, 12/3 cũ từ thời Pháp bỏ lại). Một ông thượng tá được bổ sung làm phó tư lệnh U80 mình. Ông ta tên Phúc, mới học ở Trung Quốc về. Ngoài ra còn hai chục dân đằng mình được R bổ sung về đây để nắm toàn bộ binh chủng pháo. Ba cái anh học trò của trường pháo thầy vừa đào tạo và cả thầy lẫn bọn Nam Cờ của mình cũng y như cái F351 ngoài kia thôi, nghĩa ‘là ngồi chơi xơi nước.

Chú Năm là một ông già bất mãn kinh niên trước sự lấn lướt của dân triều đình, nhưng từ ngoài Bắc vô đây chú không bao giờ hở miệng. Bữa nay phát ngôn trắng ra như thế là đã quá lắm rồi. Chú lấy bình toong rót cho tôi miếng trà còn âm ấm, đưa cho tôi:

- Uống đi, rồi tôi bảo tụi nó đưa cái quyết định cho thầy. Ông Tư Khanh vừa ký xong. Thầy bỏ túi rồi vọt nhanh đi, càng sớm càng tốt. - Chú lại rỉ tai tôi - Còn ông Tư Khanh chắc cũng sẽ ra rìa. Nè! Tư Quảnh và Ba Tô đã rửa chân leo lên bàn thờ ở Phước Long rồi.

Tôi đứng dậy bắt tay chú Năm và hỏi:

- Cả hai ông Tham Mưu phó của U đi một lúc? Rồi ai thay?

- Ai vô đây mà hỏi! Thôi đi đi. Thà là đầu gà hơn là đuôi rồng.

Tôi đi theo con đường mòn ven bờ suối theo sự chỉ dẫn của chú Năm. Thấy một ngôi nhà lá chấn song có vẻ khang trang lắm thì tôi chắc là ông tân Phó tư lệnh U80 đang nghiên cứu hất cẳng ông Tư lệnh Nam kỳ Hai Nhã ở trong đó. Đúng như tôi dự đoán. Đó là văn phòng của thượng tá Phúc. Ông ta tóc hoa râm hớt cao mà bọn tôi thường chế diễu là kiểu su hào. Tóc hoa râm, râu quai nón cạo nhẵn nhụi, mũi cao da trắng, chứng tỏ ông không lội Trường Sơn hoặc bị muỗi đòn xóc ban cho nhiều liều ân huệ. Đang viết, nghe tiếng động, ông ngẩng lên:

- Cậu ở trường pháo mới về phải không.

Tôi bước tới còn cách ông năm bước thì đứng lại dập chân, giơ tay chào theo lối chánh qui xưng tên, cấp bậc và nhiệm vụ ông đứng dậy bắt tay tôi và nói:

- Tôi, Nguyễn Bá Phúc, vừa đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh của U mình. Anh Tư và anh Hai công tác, giao quyết định cho tôi giao lại đồng chí.

Ông nói dăm câu khen ngợi trường pháo và khả năng của tôi, ông tiếp:

- Ở trên điều động cán bộ thì Bộ tư lệnh phải thi hành. Chứ thực ra, lúc này mà biến một giảng huấn Pháo binh ra chỉ huy Bộ binh thì quả là... chúng tôi tiếc quá.

Nói xong, ông móc túi lấy ra hai phong bì nhỏ và hỏi tôi:

- Cậu biết Trần Sơn Tiêu chứ?

Ông đã bỏ tiếng đồng chí để gọi tôi bằng cậu.

- Dạ tôi quen anh ấy hồi tôi còn là thiếu nhi. Lúc đó ảnh đã là tiểu đoàn phó.

- Vậy thì tốt quá Tôi biết thế nào cậu cũng đến phòng Tham Mưu I/4. Sơn Tiêu bây giờ tên là Năm Lê và làm Tham Mưu trưởng dưới đó. Đây là bức thư của tôi gởi gởi gắm cậu, còn đây là bức thư của vợ ổng ở Hà Nội nhờ tôi mang vào trao lại dùm. Anh Tư nói với tôi là cậu quen với Sơn Tiêu. (Sau này gặp Sơn Tiêu mới biết Phúc là anh vợ của ổng)

- Vâng. Chức vụ cuối cùng của anh là Trung đoàn trưởng Pháo binh F330.

- Cậu chưa có gia đình phải không?

- Dạ chưa.

- Thế mà khoẻ hơn bọn già này. Tôi có ba đứa con gái học ở Trưng Vương. Lúc tôi đi thì dân Hà Nội di tản về các tỉnh không biết mẹ con chúng nó đi đâu! Tình hình găng lắm chúng nó đánh ra tới Hà Nội rồi. Cầu sập, phà hỏng hết cả. Hành quân khổ lắm. Toàn đi đêm nhưng phải cảnh giác triệt để. Chúng nó đánh cả ban đêm. Cầu Hàm Rồng, cầu Ninh Bình vừa mới bị đánh sập. Phà Ròn, Phà Sông Gianh, Phà Bến Thủy là điểm chúng tấn công thường xuyên. Trường Đại học Vinh đã bị đánh. Ga Vinh cũng. điêu tàn. Bao nhiêu năm xây cất đều tan nát hết.

Ông bắt tay tôi đưa tôi đi một quảng và dặn dò:

- Tình hình trong này sắp tới sẽ ác liệt vô cùng. Mình phải đương đầu với cả Sài gòn lẫn Mỹ. Mà phương tiện của mình thiếu quá sức. Tôi nhận nhiệm vụ nhưng tự hỏi: Làm sao thi hành?... Cậu đã rõ quá rồi chớ cần gì tôi phải nói ra...

Ông để lộ vẻ buồn trên nét mặt khi bắt tay từ giã. Ông vỗ vai tôi:

- Cố gắng nhé. Cẩn thận tối đa.

Tôi hứa hẹn khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng rồi đi. Về gặp lại chú Năm. Chú bảo ở lại sáng hãy về. Chú nói:

-Đi ban đêm gặp B52 nó rắc là nguy to.

Nhưng tôi cương quyết đi cho sớm, Châm và Sâm cũng đã xong công tác. Ba đứa trở ra. Lội qua con suối, Châm hỏi tôi:

- Anh có vô thằng Ngô Hùng không? Nó làm chủ nhiệm trinh sát của U mình.

Sâm gạt:

- Thằng đó chơi hổng vô, ghé làm gì? Từ hồi nó về Trung đoàn 204 pháo 152 đóng ở Ba Thá, nó nhập tịch Bắc kỳ luôn. Chơi với nó, nó toàn thủ thế. Kỳ này Bắc kỳ vô đông chắc hợp rơ nó lắm.

Tôi bảo:

- Không nên thành kiến như vậy. Lựa bạn mà chơi. Chơi bạn phải tùy tánh ý của bạn. Không nên bắt bạn phải theo mình.

Thế là ba đứa kéo vào. Trời đã tối, gặp bạn cũ lại có chỗ nghỉ ngơi thì còn gì bằng. Ngô Huy Hùng còn có biệt danh là Hùng móm, không phải Đoàn Hùng người Bến Tre ở đội Bảo vệ R tôi gặp vừa rồi ở trường Trung Sơ. Ngô Huy Hùng hỏi tôi ngay:

- Thầy định về R công tác hả?

- Đi đất thép đây, R gì?

- Sao nghe người ta đồn thầy sắp làm rể ông Sáu Nam.

- Đồn vậy thôi.

- Không có lửa sao có khói?

- Lò Hoàng Cầm đâu có khói lên để đầm già phát hiện mậy!

- Nhưng mà thằng trinh sát này biết hết ráo.

Chợt thấy một hàng ống dòm máng trên vách, tôi hỏi:

- Ở đâu mày có thứ đó nhiều vậy?

- R mới cấp.

Châm hỏi:

- Cho mỗi người một cái được không?

- Có hai loại. Loại dành cho Tư lệnh, một dành cho cán bộ. Tao cho tụi bây loại cán bộ, còn thầy loại Tư lệnh.

- Tao mà tư lệnh ai?

- Nay mai thầy về Củ Chi chỉ huy Bộ binh thì là Tư lệnh chớ gì nữa?

- Ừ, lấy cho tao đi.

Hùng lấy ba cái đưa cho mỗi người và bảo:

- Ở đây chơi một đêm thầy.

- Không được. Dân triều đình hay xài nguyên tắc lắm. Ở đây nhậu mang tiếng.

- Ở, thầy nói phải. Lâu nay tụi tôi cũng khớp mõm rồi. Thầy về I/4 coi có ghế ba chân nào trống xin tôi về hủ hỉ cho vui. Ba tên cọc cạch này sẽ tràn ngập cái U này nay mai đó.

Chúng tôi từ giã ông bạn trinh sát. Ra đến đường, Sâm móc đưa cho tôi một phong bì.

- Của ai vậy?

- Đọc thì biết.

Tôi xẹt đèn pin lên. Phong bì bằng giấy học trò dán cơm nguội, hột cợm lên. Không có tên người gởi cũng không có tên người nhận. Tôi xé ra, lấy thư vừa đi vừa đọc.

- Bộ anh nói gì với nó hay sao?

Tôi quát om lên:

- Nói gì? Tao như vầy đi phá đám tụi nó hay sao. Hôm trước nó ló mòi với tao, nó lấy thơ Thu Hà móc ruột ra và thay bằng lá thư của nó. Tao đã cảnh cáo nó rồi. Bữa nay lại còn bày đặt gởi thơ.

Thằng Sâm nói:

- Hôm anh đi vắng có thư của cô nào tên là Diệu Thúi.

- Mày không biết con Diệu Thúy à?

Sâm cười hềnh hệch. Tôi bảo:

- Vậy chắc mày cũng không biết cái hoa Champa luôn hả?

- Nếu tôi không vô đây thì tụi tôi đã có con rồi. Tôi tưởng cô ta ưng thằng trung tướng Koong Le rồi chứ. Ai dè cô vẫn xẻ trái tim cho tôi.

- Sao lại xẻ?

- Thì Văn Công nó vậy mà. Có bao giờ nó yêu ai trọn vẹn đâu anh.

- Bộ mày bảo người ta bắt cá hai tay à?

- Không phải vậy. Tôi muốn nói nàng ta chỉ dành một nửa cho tình nhân, một nửa cho nghệ thuật như đồng chí Tố Hữu nói trái tim anh chia làm trăm mảnh, chia cho mỗi em một mảnh gặm chơi vậy mà, hí hí!

- Thằng xuyên tạc nhà thơ dân tộc mậy!

Thằng Sâm trở lại vụ Diệu Thúy:

- Con Tiến mở ra nó xem coi con nhỏ Văn Công viết cái gì cho anh. Nó thấy con nhỏ xưng em nuôi của anh, nó hầm lắm. Rồi nó thấy tập nhạc con nhỏ tặng cho anh, nó càng hầm hơn nữa. Chắc nó nhóm bếp chớ nó không có đưa cho anh đâu. Nó cứ theo cạch tôi hoài. Nó nói bộ anh dính với mấy bà Văn công rồi hả?

Cà rịch cà tang, mấy hôm sau mới về tới trường pháo thì thấy nhà cửa trống hoang. Hỏi ra mới hay rằng tất cả đã sát nhập vào K71-B của thằng Hoàng Anh. Bọn tôi bèn kéo vô đó luôn. Có cái quyết định bỏ túi rồi muốn đi ngao du mấy ngày mà không được? Tôi rành đường nhờ chuyến dưỡng bịnh kỳ rồi nên đi thẳng một hơi tới đó. Dọc đường thằng Châm mua mấy con kỳ đà và mấy con gà. Tôi bảo kỳ đà ăn xui lắm, nhưng nó bảo ăn thịt nai cũng xui vậy, bằng chứng là nó bắn chết thằng Liêm và bị khổ sai mấy tháng. Cho nên nó cứ mua. Bọn đàn bà con gái cho vô bệnh xá học y tá. Tiến, Huê và Mai Khanh ở chung trong một cái nhà nhỏ ở ngoài này đi vào đụng ngay. Tôi hỏi Tiến:

- Ở nhà có bị trận B52 nào không?

Tiến cười:

- Anh hổng có biết gì hết trơn á.

- Thằng Quân nó về anh mét nó cho em biết!

- Em không có sợ đâu. Em sẽ nói ảnh trước.

- Nói cái gì?

- Nói gì nói kệ em.

- Đừng có đứng núi này trông núi nọ! Em không thấy con Huê với thằng Tỷ đó sao? Hai đứa có con sống hạnh phúc với nhau.

Tiến bĩu môi:

- Hạnh phúc... dữ... ữ!

Thằng Sâm xen vào:

- Ông thầy sắp làm rể ông Cục trưởng trên R rồi! Ở đó mà buông hình bắt bóng!

Tiến biến sắc, khựng lại hồi lâu, mới hỏi:

- Có vậy không anh Hai.

- Không. Anh không có làm rể ai hết.

- Đó thấy không? Anh Sâm cứ đặt chuyện hoài!

Tiến vui vẻ, nói huyên huyên trở lại. Huê và Mai Khanh đi học về. Huê bồng con đi coi bộ vất vã. Thấy tôi. Huê bước nhanh đưa thằng Bình cho tôi và bảo:

- Cậu Hai trở lại nè con. Sao anh chưa đi, anh Hai.

- Bùi Khanh đâu?

- Ảnh nằm bệnh xá rồi.

- Sao vậy?

Mai Khanh đáp.

- Anh đi ảnh buồn sanh bịnh chớ sao!

- Bịnh gì?

- Thất tình, tương tư.

Tôi biết Mai Khanh nói cấn nên tôi nói lãng ra:

- Xưa nay ổng đâu có mơ huyền ai.

- Ảnh không mơ ai, nhưng người ta mơ ảnh.

- Ai vậy?

- Ảnh biết mà ảnh còn làm bộ không biết.

- Hề hề... vậy để tôi nói cho ảnh biết có người mơ ảnh nghe.

Mai Khanh háy tôi một cái bén như miểng bom B52.

- Ghét cái mặt.

Bữa nay thằng Châm và thằng Sâm hợp tá xã với giới Phá Nò ở đây tiễn biệt tôi bằng thịt ba con kỳ đà và hai con gà mái. Sáng mai giới Phá Nò sẽ đãi tôi tiệc cuối cùng bằng canh chua và cá nướng.

- Tối nay bọn quỉ mình phá nhà chay một bữa. Ăn phải ói ra và nhậu phải say bò càn mới được.

Thằng Châm và thằng Sâm ra tay làm gà và kỳ đà với sự tiếp tay của Tiến và Huê. Còn Mai Khanh được phân công tác đi triệu ông y sĩ trưởng bệnh xá ra chơi. Còn tôi là thượng khách thì được giao cho nhiệm vụ giữ thằng Bình.

Mai Khanh vừa đi thì con Tiến nói ngay:

~ Anh phân công cho bà ấy đi mời ông Hoàng Anh thì chắc chắn ông ta không thể chối từ.

-Tại sao vậy?

- Vì bả trên ổng chớ sao.

Tôi bế thằng Bình đến tham gia câu chuyện.

- Ông mà ở dưới bả à? Sao kỳ vậy?

- Vì bả sắp được đề bạt lên làm chánh trị viên K71-B.

-Ai đề?

- Ai có quyền đề bả thì đề.

- Sao không thấy bả làm le gì hết vậy?

- Bả chán thấy mồ còn le gì được.

- Sao làm lớn vậy mà chán?

- Ai biết! Chỉ thấy bả càng có thêm em nuôi thôi.

- Tôi đi có mấy ngày mà thay đổi quá xá.

- Anh đi chừng một tháng, trở lại sẽ thấy tụi này mọc đuôi tôm hết ráo.

Cả bọn cười rộ lên. Con Huê nói:

- Thôi bỏ mấy chuyện đó qua bên lề chiến dịch đi. Sẵn anh Hai về đây, tụi em muốn nhờ một chút.

- Nhờ gì?

- Ông Bùi Khanh làm hiểm lắm. Mỗi lần tụi em bí, tụi em hỏi ổng, ổng bảo: tụi bây về nhà học đến bằng cấp rút rơm trâu ăn mê thì mới học nghề y tá được còn bây giờ một chữ di-ta-minh cũng không đọc được thì làm sao? Rồi ổng bỏ luôn không chỉ.

Con Huê chạy vô nhà lấy tập giấy ra đưa cho tôi:

- Anh coi nè, nào là Bê-di-tin, Mẹc-cua-lô-côm, ế-trít-minh, xa-nia-mạc-kia là cái giống gì, trong tiếng mình đâu có ba cái ngữ đó.

Tôi biết ngay là những tên thuốc tây. Chúng nó làm sao mà đọc được. Viết chính tả mười chữ trật hết năm, nói gì đến thuộc mặt thuốc. Hồi trước tôi bị cô y tá Lan chích cho áp xe một phát thất kinh tới bây giờ. Mấy cô này không khéo váccyanure de mercine tiêm thịt thì bỏ mẹ bệnh nhân.

Hồi ở Hà Nội, có một chuyện rất buồn cười. Số là trong buổi phát thanh giới thiệu nhạc sĩ Frédéric Chopin người Ba Lan, ông biên tập viên không phiên âm ra tiếng Việt Frê dê ríc Sô panh nên cô phát ngôn thuộc thành phần cơ bản đã đọc ra là Fré đé rít chô bin một cách ngây ngô. Hôm sau, đại sứ quán nước xã nghĩa anh em gởi một tùy viên văn hóa đến phản đối: chúng tôi không có nhạc sĩ nào mang tên đó cả. Bộ văn hoá ông Hoàng Minh Giám hay Việt Nam thông tấn xã của ông Hoàng Tùng gì đó phải đánh công văn hoặc gởi người lên xin lỗi.

Cái nạn thành phần chủ nghĩa thật vô cùng tai hại. Đáng lý bọn con Mai, con Trúc, con Cúc, con Thanh Tuyền ở trên R phải được gởi đi học y tá thì đỡ hơn nhiều, nhưng các tên già dềnh lại giữ triệt để làm thơ ký đánh... máy cho họ, để cho đám bần cố nông này đi học chữ Tây. Một chữ như cyanure de mercine, chúng nó học cả năm cũng không thuộc, mà có thuộc cũng không hiểu nghĩa là gì.

Tôi hỏi Huê:

- Còn chữ nào khó nữa không?

- Chữ nào cũng khó hết. Đêm nào tụi em cũng chong đèn cạn hai ba thếp mà mò mẫm mà không ra.

Thằng Sâm vọt miệng:

- Ông Tỷ về bảo ông mò thì ra ngay. Hì hì! Ổng mò ra thằng Bình rồi đó.

Cả bọn cười ầm lên, con Huê mắc cỡ, gượng gạo chống đỡ:

- Vậy chẳng hơn mấy ông mò hoài mà chẳng ra ai thì sao?

Vừa đến đó thì Mai Khanh về tới dắt theo một duộc, đi đầu là Hoàng Anh.

- Ông nội bữa nay hết chết rồi sao mà tổ chức nhậu đó?

- Ảnh đâu có bịnh gì phải không ông y sĩ.

Hoàng Anh cười nói.

- Ừ, ổg chỉ bệnh nội tâm. Tôi đâu có cho ông viên thuốc nào. Tự nhiên ổng khoẻ lại rồi vác ba lô ra về.

Mai Khanh vọt miệng:

- Ảnh nhờ ăn chén cháo đặc biệt mà hết đó ông y sĩ.

- Cháo gì, ai nấu?

- Tôi hổng biết. Ông y sĩ hỏi ảnh coi!

Tôi bảo:

- Đó chỉ là một trong những lý do làm tôi ra viện sớm. Còn một lý do khác nữa là tôi sợ nằm trong đó lâu ngày ông y sĩ ổng tìm ra chứng bịnh đau ruột dư của tôi rồi mổ bằng lưỡi cạo râu như tôi đã từng gặp trên đường Trường Sơn nên tôi trốn trước.

Châm nói:

- Bệnh nhân nào mà sắp lên bàn mổ là hết bịnh ngay.

Sâm tiếp:

- Chuyện đó ăn thua gì với việc cưa giò thương binh bằng cưa thợ mộc và không có thuốc tê thuốc mê gì hết.

Tôi hỏi:

- Mày nghe ở đâu cái chuyện đó.

- Ở dưới Củ Chi. Ông bác sĩ nửa mùa Tám Lê đã biểu diễn cái màn đó dưới địa đạo cho ông giáo sư Liên Xô coi để cho ông này động lòng khi về nước sẽ kêu nài với Liên Xô xin viện trợ thuốc men và vũ khí cho mình.

- Mổ xẻ không thuốc mê thuốc tê và bằng cưa thợ mộc thực tế đã xảy ra hồi thời kháng chiến chống Pháp trong bệnh viện của ông bác sĩ thú y tên là Lê Văn Thầm tôi biết. Chuyện đó dã man vô cùng nhưng tôi biết là có thật, còn mổ xẻ dưới địa đạo thì tôi không thể hiểu được. Trước nhất là làm sao đem thương binh xuống địa đạo?

Nói xong tôi xoay qua y sĩ Hoàng Anh:

- Ông dạy những bài gì mà học sinh của ông kêu trời dữ vậy?

Hoàng Anh gạt ngang:

- Thì cũng như học sinh của ông toàn là du kích xã hoặc bộ đội chưa rành bốn phép toán vậy thôi.

- Nhưng học sinh của tôi phải mất ba tháng mới xong chương trình còn y tá của ông thì có được vậy không?

- Thời kỳ chiến tranh này, chương trình cấp tốc của tôi là sáu tuần lễ.

Tô i pha trò:

- Khoá tới pháo binh chắc cũng học cấp tốc sáu tuần lễ.

- Để bắn mười phát vô nhà dân hết mười một phát hả?

Tôi phục mấy ông y tá luôn. Lúc nào cũng đưa ra sáng kiến. Sao, các ông về trong này có áp dụng hoặc tuyên truyền kinh nghiệm nuôi heo bằng cứt trâu và bồi dưỡng trâu bằng cứt heo chưa?

Cả Tiến, Huê, Mai Khanh đều la lên. Mai Khanh hỏi:

- Sáng kiến gì kỳ vậy anh Hai?

Hoàng Anh nói:

- Cái đó là của Bộ Nông Súc... vật chớ không phải của Bộ Y Tế nghe cha nội!

- Vậy còn Bộ nào phân chất rồi kết luận sữa trâu bổ hơn sữa bò?

- Cũng Bộ... Súc vật!

- Chớ không phải của Bộ Y Tế à? Nay mai Bộ Y Tế sẽ đưa ra một phát minh mới cho mình áp dụng đấy. Đó là măng le, đọt choài, vỏ cây bằng lăng bổ hơn nhân sâm và nước suối Tha La có tác dụng hơn Vitamin B12 cho mà coi.

- Thì cũng như ở ngoài Hà Nội, trước khi tụi mình đi B, một ông tướng đến nói chuyện, ông chế diễu lính Mỹ là đám công tử bột không biết bắn súng. Ừ, đúng thật nó không biết...

- Nó không biết bắn súng ngựa trời thật đấy chứ! Hấc..hấc...

- Mấy chả ở ngoải tưởng tượng trong này đánh Mỹ khoẻ ru một tay giắt lưng quần, một tay đánh cũng thừa sức thắng, còn B52 thì bỏ chỉ chết cóc nhái thôi.

Sợ hai đứa tôi đối đáp thêm một hồi nữa coi bộ lộ bí mật quốc phòng lẫn chính trị, Bùi Khanh cắt ngang. Anh hỏi Hoàng Anh:

- Ở đây có trái thốt nốt đó ông y sĩ. Ra xóm Mới chịu khó điều đình với tụi đui cà then rồi nó bán cho.

Tôi hỏi.

- Đem về nấu chè à?

- Không? Thay xê-rum!

Hoàng Anh cười ngất:

- Ông anh sẽ được Bộ Y Tế thưởng cho 100 viên Vitamin C đó.

- Không! Ổng không cần vitamin C mà cần vitamin F đấy cơ!

Hoàng Anh nghe tôi nói Vitamin F, anh không hiểu hỏi:

- Vitamin F là loại gì?

Tôi cười:

- Ông này! Đó là Vitamin Féminin (đàn bà) đó!

Bùi Khanh tỉnh bơ:

- Hồi kháng chiến chống Pháp, mấy ông thú y sĩ lấy nước dừa xiêm tiêm vô mạch máu chiến thương thay cho xê rum đấy, mày quên rồi à? Đó là vitamin D hoặc vitamin Đ.

Hoàng Anh vẫn không hiểu gì hết, gật đầu:

- Ờ..ờ! Anh nhớ dai thật. Để bữa nào tôi nghiên cứu ba cái thứ vitamin này coi.

Tôi nói:

- Nếu thành công chắc mày sẽ được thưởng một chiếc huy chương to bằng cái bánh xếp! Hà hà... nhưng mà trước khi thành công ắt phải có vài ba chục thương binh chết.

Bùi Khanh tiếp theo:

- Còn cái vụ Bogomoletz của Liên Xô thế nào?

Hoàng Anh đáp:

- Hồi ở trong Nam tôi nghe đó là một thứ thuốc cải lão hoàn đồng, tôi mê lắm...

Tôi cắt ngang.

- Nếu có thì Bộ chính trị mua mão hết rồi. Có đâu tới lính.

- Nhưng sau khi ra ngoài bắc, tôi hỏi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, anh biết ổng không?

Bùi Khanh xổ một hơi.

- Ông Chín Nghiệp ở nhà tao ăn cơm uống nước mòn cuống họng sao tao không biết. Ổng đào tạo y tá ở đó chớ đâu Bây giờ ổng là Thanh tra Quân y toàn quốc, nghe oai hết hồn hết vía, nhưng mà khi ra Bắc thì ổng ra rìa, ổng được cho làm ủy viên đảng xã hội, ăn cơm hợp tác xã với tao và đi xe đạp tòng tọc chớ đâu mà không biết. Thằng chả có nhà thương tư ở Mỹ Tho, tao còn rành tới vậy nữa mà!

- Rồi mày được ổng trả lời làm sao về vụ Bogomoletz?

- Ổng bảo đó là chuyện nói nghe cho vui chơi thôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx