sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 26: Đi Trấn Nhậm Bình Lư. Vĩnh Biệt Tình Yêu!

Mặc dù lệnh của ông Sáu Vi là từ đại tá trở lên khi đi công tác mới được đem theo cần vụ. Nhưng tôi vẫn có đến hai ông con của trường pháo đưa tôi đi. Ra một khúc đường tôi bảo:

- Tao giải phóng cho chúng mày đó, đi chơi đâu cứ đi, hai ba ngày thì trở về. Tao có sợ ai mà bây phải bảo vệ.

Hai cậu bé khóc ròng, một cậu mếu máo:

- Thủ trưởng đi khoẻ, tới nơi gởi thơ về.

Tôi móc cho mỗi đứa một trăm, rồi đi một mạch. Gần đến sông Bà Hảo thì lại đụng đầu bà khu ủy viên, bà ta phàn nàn:

- Em chờ anh mắc chết.

Tôi lơ lửng như bị ai hốt hồn thật.

Phải hồn tôi còn ở lại phía sau với Huỳnh Mai, Thanh Tuyền và Mai Khanh. Da thịt Mai Khanh còn thơm nồng đêm qua. Người đàn bà bất hạnh và bất mãn bỗng nhiên dâng hiến cả cuộc đời cho tôi như một sự trả thù... Nàng bảo với tôi như thế, nhưng chính nàng không biết trả thù ai?

Tôi còn biết làm thế nào khác được. Có ai có thể từ chối một -ly nước mát giữa lúc mình đang chết khát không? Tôi đã phải vâng lời nàng, giúp cho nàng trả thù vậy. Tôi mới hiểu ra rằng yêu một người đàn bà mới là tuyệt mỹ, kể cả thể xác lẫn tâm hồn. Nàng như cây đàn trong tay nhạc sĩ thần là tôi.

Những tiếng chưa khảy đã ngân, những tiếng chưa đánh xong còn ngân hoài.

Mai Khanh đã rên rỉ những lời âu yếm bên tai tôi mà không một cô gái nào đã thốt ra được. Tôi hỏi nàng:

- Em muốn lấy món gì trong người anh để làm kỷ niệm thì anh để lại tặng em.

Mai Khanh quấn lấy tôi và bảo:

- Em muốn tất cả anh. Ngoài ra không gì khác, không ai khác!

Thì ra lâu nay nàng sống trong sự khủng hoảng tình cảm. Không ai lấp bằng cái lỗ trống đó trong người nàng.

Sáng ra nàng buồn rời rợi. Người ta đã đoán được sự gì đã xảy ra giữa chúng tôi đêm qua, nhưng không ai nói gì để trêu chọc hoặc biếm nhẽ nàng. Dường như ai cũng cho rằng như thế là phải. Một mảnh ruộng khô, một trận mưa rào.

Tôi sửa soạn đi, các cô các cậu cũng đi làm việc. Nàng đi theo, nhưng không vào Bệnh xá. Nàng đi với tôi ra đường cái. Khi ra tới bìa trảng thì chúng tôi dừng lại. Nàng tựa lưng vào gốc cây và nói bằng một giọng lâm ly:

- Anh đi nhé! Biết bao giờ mới gặp lại nhau!

Tôi đứng trước mặt nàng, nhìn vào đôi mắt ngấn lệ:

- Sao em lại nói thế?

- Chẳng thế thì còn sao!

Tôi ôm nàng quàng luôn cả thân cây. Chúng tôi, người lẫn cây trở thành một. Tôi nghe nhựa trong thân thể tôi chạy sang nàng. Tôi đã yêu nàng một cách man dại. Nàng bảo:

- Anh đi qua trảng này.

- Đi băng không sợ trực thăng xớt hay sao?

- Chưa có ai bị bao giờ.

- Anh muốn em đi với anh.

- Xa lắm, em đi rồi không dám về một mình.

- Em đi luôn với anh.

Nàng gục đầu vào vai tôi và khóc nức nở. Tôi cũng mềm lòng nói một câu lãng ra::

- Hoặc là trực thăng có xớt thì xớt luôn hai đứa.

Hạng Võ biệt Ngu Cơ khi xưa cũng đến thế này là cùng. Nàng lau nước mắt và tiếp:

- Anh qua trảng rồi cứ theo đường mòn cắt ngang rừng già đi một hơi là đụng đường đá đỏ rồi quẹo trái, nhớ quẹo trái là đụng lộ ủi, nếu quẹo mặt là lên Kà Tum, rồi đi Bổ Túc đó, tới Tây Ninh.

Nàng cứ lẽo đẽo theo tôi, cứ bảo "thôi anh đi" mà cứ không chịu rời. Cuối cùng đến một khoảng rừng thưa, nàng dừng lại nắm vai tôi và gục vào ngực tôi:

- Em mong em có một đứa con với anh.

Tôi lặng thinh. Nàng tiếp:

- Khi em đi Sài gòn công tác, thế nào cũng sẽ đến Củ Chi tìm anh.

- Đến chi cái xứ gai góc đó.

- Em muốn đi thì em đi. Em sẽ bồng con đến gặp ba nó chớ ạ!

- Ừ! Ba sẽ chờ con!

Chúng tôi cười héo hắt và chia tay một cách lặng lẽ. Tôi quay lưng đi, cứ vài bước quay lại nhìn. Nàng đứng tựa vào gốc cây, tay giơ lên vẫy nhẹ nhàng. Tôi vẫy đáp lại, chân không nỡ bước. Gương mặt nàng lồng trong gương mặt của ai và của ai nữa.

Đời tôi không bao giờ vắng những cuộc chia tay. Chia tay với Duyên từ thuở còn đi học bên dòng sông Tân Bửu, chia tay với Bảo, Diệu... ở Chắc Băng, chia tay với Ánh Tuyết ở Hà Nội, chia tay với Thu Hà ở Mã Đà, chia tay với Thanh Tuyền, Huỳnh Mai, Ba Ánh ở R, chia tay với Út, rồi bây giờ với Mai Khanh ở đây. Trái tim của tôi như quả bóng được âu yếm ném từ bàn tay ngọc này sang cánh tay ngà khác. Tội thay, nó không xẹp đi mà lại càng bị ném càng căng phồng lên và nảy tưng tưng lên mãi.......

Tiếng nói bên tai làm cho tôi tỉnh lại:

- Em chờ chút nữa anh hổng tới thì em...

- Bỏ về hả?

Út phụng phịu.

- Bỏ đi đâu? Em ngồi hoài ở đây cho cọp tha mất.

- Tha đi đâu anh cũng tìm bắt lại được.

Bỗng có tiếng máy bay. Tôi vừa ngước lên thì nó đã tới ào ào như sấm dậy trên đầu. Mạnh tôi tôi lủi, mạnh nàng nàng chui. Đây là vùng tự do oanh kích. Bất cứ lúc nào máy bay Sài gòn cũng có thể bay ngang tặng cho vài quả dưa thừa hoặc vài chùm me dốt vì nó là ranh giới của rừng và đồng bằng, nói tóm lại cái cửa ngỏ của R đi xuống vùng đồng bằng Củ Chi, Trảng Bàng hay đi thẳng ra thị xã Tây Ninh.

Tôi biết là nó bắn ngay khu vực chúng tôi. Đạn nổ chan chát, lửa nhoang nhoáng trước mặt. Không khí cay nồng. Không có hầm hố gì hết, may là cây rừng ở đây thân cây lớn hơn cả vòng tay. Cứ chạy bừa hoặc đứng lại để tránh né đạn. Bây giờ nhớ lại mới kinh hồn. Và thấy rằng câu nói đùa bọn lính chúng tôi vẫn kháu nhau là đúng: Đạn nó tránh mình, chớ mình đâu có tránh đạn.

Quả thật. Chúng xả xui vài chục loạt rồi vút qua coi như con chim ỉa nhẹ bụng cứt rớt đâu rớt rồi bay qua. Trong làn khói mịt mù, tôi vừa càn lướt vừa kêu như điên, còn hoảng hốt hơn trận B52 vừa rồi.

- Út ơi Út!

- Anh Hai hả?

- Em có sao không?

- Anh có sao không?

Chúng tôi chạy lại và ôm nhau. Thế là chưa chết. Mặt đất gai góc này vẫn còn đáng yêu. Tôi hôn lia lịa lên hai gò má khét lẹt thuốc súng của bà khu ủy. Nàng càu nhàu:

- Tại anh đó!

- Tại gì mà tại?

- Anh làm gì trong đó mà lâu dữ vậy. Hẹn sáng sớm ra mà gần mười giờ rồi.

- Tụi nó chia tay bịn rịn chớ đâu có làm gì.

- Ở trong cái bệnh xá đó có nhiều đứa y tá, em biết mà!

- Y tá của người ta chớ đâu phải của anh.

- Thôi đi về!

Nàng lôi tay tôi đi làm như vợ chồng thiệt. Mà chính nàng cũng không biết. Nhưng đi được một quãng thì nàng giật mình kêu lên:

- Ý chết, người ta trông thấy.

- Thấy thì thấy.

Tôi nói liều. Nàng vừa đi vừa cúi xuống định lượm những vỏ đạn cà nông rải rác khắp lối đi. Nhưng vừa đụng một cái thì nàng kêu:

- Nóng quá!

- Chỉ âm ấm thôi. Miểng bom kìa mới nóng. Bốc là phỏng tay.

- Sao anh biết hết vậy?

- Bị hoài mà không biết thì làm sao?

- Ba cái võ đạn này đem ra ấp chiến lược bán được tiền dữ lắm. Người ta mua kí lô. Anh có sợ không mà mặt tỉnh bơ vậy?

- Sợ chứ sao không? Chết mà ai không sợ. Nhưng chẳng lẽ lại khóc om lên?

Nàng nắm tay tôi đặt lên ngực nàng và áp mạnh vào.

- Anh nghe tim em nhảy bình bịch nè.

- Ờ anh nghe. Ờ, anh đụng nó nữa.

Nàng nhìn tôi cười. Tôi cũng cười. Con chim nào trên cành vừa chết hụt cũng cười hùn. Chúng tôi đi về nhà như sau khi chiến thắng một trận nho nhỏ, hay như một đôi vợ chồng mới cưới nhìn thấy hạnh phúc của mình ở dưới mái lá đơn sơ kia.

Tôi hỏi:

- Có đứa nào ở nhà không?

- Em cho ra ấp chiến lược vài đứa để nghe ngóng tình hình, còn bao nhiêu cho qua bên Trà Vong đào hầm và sửa soạn căn cứ. Tình hình này em không bám trụ ở đây lâu được. Tụi nó sắp đánh tới đây rồi.

- Làm gì mà ra ấp chiến lược hoài vậy?

- Hễ Mỹ sắp càn thì dân ngoài đó hay, họ cho bà con ở trong này biết trước để ra ngoài lánh nạn. Do đó mình biết mà tính toán công việc của mình, hoặc mình tuyên truyền, hoặc phá hoại, hoặc thu thuế.

- Phá hoại gì?

- Như đồng bào xem Ti vi công cộng, mình đặt chất nổ.

- Có làm chưa?

- Có chứ. Kết quả lắm.

- Kết quả thế nào?

- Thì đại khái vài người chết, chục rưởi người bị thương. Từ đó họ không đám tụ tập lại nữa.

- Còn thu thuế gì?

- Thuế chứ thuế gì. Hổng thu thuế lấy đâu tiền mình xài.

- Người ta ở ngoài kia, sao mình thu thuế.

- Họ muốn có an ninh họ phải đóng thuế cho mình. Họ đóng, mình chi biên lai đàng hoàng và hứa khi giải phóng rồi mình trở lại và tặng bảng vàng Gia đình có công với cách mạng. Nhất là những chủ tiệm và chủ xe lam thì tự nguyện đóng rất nhiều.

Vừa đi vừa nói chuyện, hai đứa tới suối Sóc Ky. Tôi bảo:

- Đây là căn cứ của hai ông nhà pháo Tư Quảnh Ba Tô và Thu Mai. Kỳ đi R anh có ghé ngang.

Nàng nói:

- Mấy ông này em quen biết.

- Mấy ổng phủi chân lên bàn thờ rồi.

- Ba ông một lượt à?

- Không, trừ Ba Thu Mai. Nếu ông này không đi R với anh chắc cũng lúa rồi. Mới đây anh về U80 lãnh quyết định mới hay tin.

- Hở hở là lên bàn thờ. Nhất là ra miệt Phước Long.

- Ở đâu rồi cũng vậy thôi. Mỹ vô đây rồi Củ Chi cũng trở thành Phước Long.

- Mình hi sinh dữ quá mà ngoài Bắc có biết không?

- Biết chớ sao không?

Chúng tôi hạ trại nhóm bếp nấu cơm ăn. Đã hơn mười hai giờ rồi. Thấy phía bên trái đường có bãi trống của khách nghỉ dọc đường. Tội ghịt tay nàng tạt qua bìa rừng, làm nũng như đứa con nít:

- Cặp giò của anh muốn ra rồi hết rồi nè!

Ở đây có cột mắc võng sẵn và trụ treo lon guy-gô để nấu cơm của khách thập phương bỏ lại. Tôi định ngồi xuống đống lá cây khô để nghỉ chân. Nàng bảo:

- Coi chừng con ve. Ở rừng bạc tóc không biết gì hết.

Nói rồi nàng lấy khăn trải ra hai đứa cùng ngồi. Nàng nhìn tôi, đồ phụ tùng chỉ còn cây súng ngắn thì hỏi:

- Bi đông, ni lông... đâu hết rồi?

- Bị tụi nó tước hết chớ đâu.

- Ai muốn gì anh cũng cho hết. Nay mai họ lột tới cây súng chắc anh cũng mần thinh.

Tôi nhìn nàng ý nhị.

- Cây súng thì để dành cho em chớ. Cho cây súng rồi lấy gì chiến đấu.

Nàng đập vai tôi:

- Quỉ đâu không hè!

Nàng không trẻ như Mai, Tuyền, không đầy sức sống như Ba Ánh nhưng có chút duyên. Tội nghiệp con gái già, cái động đào nguyên khóa kín, vừa bị bướm lọt vào, cứ là mê tít.

Tôi kể chuyện uống rượu tối qua với đám con gái trong bệnh xá cho nàng nghe và bảo:

- Thức sáng đêm nên dậy trễ lại phải chờ thằng Châm trở về U lấy cái ống dòm cho.

Nàng bèn lấy cái hộp ống dòm bảo tôi mở ra cho xem. Tôi chỉ cho nàng cách điều chỉnh độ âm dương. Nàng thích thú lắm. Nàng bảo thằng Hùng cũng có một cái nhưng xem không rỏ bằng cái này. Tôi cười bảo:

- Cái này thuộc loại đặc biệt. Có thể xem thấu suốt mấy lớp vải.

- Anh giỡn hoài.

- Ban đêm xem như ban ngày, thiệt mà. Hổng tin đây anh xem em thử.

Nàng đập vai tôi và kêu oai oải:

- Dẹp đi, dẹp đi.

Tôi cầm ống dòm đưa lên mắt, dí vào nàng. Nàng co rúm và gục đầu vào hai đầu gối để tránh. Tôi cất vào hộp và hỏi:

- Bữa nay về nhà ăn cơm với gì?

- Cá mua của tụi Tư Ó.

- Họ còn ở đó à?

- Em đâu có cho đi đâu mà không còn. Ở đây không có người, anh dạy em bắn chút.

- Bộ muốn làm xạ thủ hả?

- Hồi ở trên phát cho cây K54 tới giờ em đâu có bắn phát nào.

- Trời đất! Vậy cũng mang cho nặng!

Sẵn có cái hộp guy-gô nhôm trắng méo treo ở đầu mắc võng, tôi cầm lấy ném tung lên và móc súng lẫy luôn mấy phát. Chiếc lon rơi xuống. Tôi đến nhặt lên đưa cho nàng xem. Nó bị lũng mấy lổ. Sẵn ngứa tay tôi vứt ra xa rồi bắn luôn mấy phát nữa. Đất tung lên. Chiếc lon quay lia. Nàng xuýt xoa:

- Anh giỏi thật. Cái gì cũng biết.

- Từ nhỏ đến giờ chuyên môn ba cái vụ đó mà không giỏi sao được.

- Anh bắn máy hay được không?

- Được chớ sao không, nhưng phải có cao xạ.

- Ừ thì em nói cao xạ, chớ em đâu có nói súng này. Mấy ông Hai Quảnh và Ba Tô Dê chắc cũng giỏi lắm.

- Họ là học trò của...

- Định nói là của anh, nhưng tôi ngưng ngang và rẻ sang chuyện khác.

- Mai anh bảo mấy đứa nhỏ làm bia rồi anh dạy cho em bắn. Ít nhất phải biết yếu lĩnh cơ bản chớ bắn rừng thì chết ai.

- Anh ở lại dạy cho mấy đứa của em dùm với.

- Tụi nó là lính mà không biết bắn à?

- Đám thằng Trứu là tân binh miền Bắc. Chúng nó bảo bị động viên đi vô bộ đội lãnh súng đi Nam ngay không có học hành gì hết. Còn mấy đứa kia là dân địa phương cũng đâu có tập luyện gì! Chỉ biết lắp đạn bóp cò thôi. Vậy mà ra đường, đi quán, vô ấp chiến lược, tụi nó le lắm.

Tôi bảo:

- Bởi vậy trong này R mới tổ chức trường Huấn luyện Tân binh 365A và 365B do ông trung tá Bắc kỳ Lê Xuân Chuyên phụ trách. A là tân binh miền Nam. Còn B là Tân binh miền Bắc.

Út chớp chớp mắt:

- Em biết! Họ ở trên ngả ba xóm Vinh, gần bệnh xá K71-B. Thứ lính Bắc kỳ ở đâu như ong bể ổ có ngày B52 thả rụm nụ cả đám!

Chiều hôm đó về tới nhà bà Khu ủy, cái nhà thụt sâu trong rừng, cách con lộ ủi độ một trăm thước. Chỉ có thằng Bắc kỳ con thủ trại. Trứu thấy tôi đến thì reo to. Hắn coi tôi như người Sơn Tây của hắn vì kỳ trước tôi đến, tôi kể chuyện trường pháo của tôi đóng gần nhà hắn, hắn nhận ra tôi. Đi xa quê mà gặp người đồng hương quả thật là một hạnh phúc lớn.

Hắn bắt chước tiếng Nam kỳ, nói tía lia.

- Thủ trưởng đến chừng nào đi. Đưa võng đây em giăng cho. Thủ trướng đi em buồn oá tay chân.

Tôi ngồi lên võng hút thuốc, còn hắn đem ba cây nan tre ra chuốc làm bẩy gài chồn.

- Thủ trưởng ở chơi với em ít hôm đã đi đâu mà vội! Tối nay em xin phép chị Út dắt thủ trường ra ấp chiến lược uống nước đá...

Hắn bỗng ném dao chạy vút đi. Một chốc trở lại, thở hổn hển bảo:

- Em quên xách nước cho chị Út tắm.

- Bả có tay chớ phải cùi hay sao?

- Đó là chế độ mà thủ trưởng - thằng nhỏ chuốc nan trở lại vả tiếp - Ở ngoài ấp chiến lược vui lắm thủ trưởng à. Em hứa với thủ trưởng một câu xanh dờn, thủ trưởng ra tới đó là hết có muốn về trong này luôn.

- Gì mà dữ vậy?

- Nhà nào cũng có la-dô kèn hát vui lắm. Con gái đầu quăn, mặc quần áo toàn là vải náng không có xù xì như ngoài ta.

Tôi trừng mắt, hắn hiểu ý, nói nhỏ lại:

- Dân trong mình sung sướng quá thủ trưởng ạ. Sao đảng ta bảo là họ bị Mỹ Ngụy bóc lột tới tận xương tủy, bắt mình vô giải phóng.

Tôi bảo:

- Coi bề ngoài vậy thôi chớ bề trong là nát lắm. Đó là phồn vinh giả tạo cậu hiểu không?

Thằng bé trố mắt nhìn tôi, tưởng tôi nói thiệt nên cãi lại:

- Em xin phép thủ trưởng phát biểu ý kiến được không? Phồn vinh giả tạo gì mà thịt heo mua tha hồ, gạo trắng như bông không phải độn ngô, quần áo lòe loẹt. Con gái làm đồng cũng mặc áo đẹp thế? Còn ở ngoài mình phồn vinh thiệt mà từ ngày em lớn lên chưa bao giờ thấy gia đình ăn một bữa cơm trắng là sao?

- Ra ấp chiến lược cậu để ý cô nào chưa? Tôi biết chung quanh đây có mấy cô đẹp lắm. Nhờ chị Út làm mai cho.- Tôi đánh trống lãng sang chuyện khác.

Trứu xua tay:

- Ối già! đẹp thì đẹp thật, nhưng toàn cao xạ 20 ly không đó. Cỡ em không có dzô được đâu, láng cháng mấy cô đá cho văng lên tới ngọn cây. Có khả năng là gái ấp chiến lược cơ. Em ra đó gặp một gia đình Bắc kỳ. Em lân la làm quen, biết là ông bà ấy ở Phú Thọ vào đây hồi 54. Một gia đình khác ở Thái Bình vào đây hồi bốn nhăm. Họ nghe tiếng em nói thì hỏi gốc. Em nói trớ là gia đình ở Tây Ninh. Một ông bảo: "Tây Ninh cái đếch. Chú mày mặt mũi mét trằng mét ưỡn là rãi phóngđứt đuôi con nòng nọc đi rồi, còn phịa nữa. Không có kêu trưởng ấp đâu mà sợ. Bỏ cái nón tai bèo đi vô đây tao giúp cho mần ăn. Đừng có dại dột lũi trong rừng bị B52 nghe chữa?"

Tôi cười:

- Rồi cậu trả lời làm sao?

- Em không trả lời làm sao cả. Em chỉ ừ è cho xong rồi dút nui.

- Rồi không tới nữa à?

- Em về báo cáo với chị Út. Chị bảo coi chừng bị mua chuộc nên em không dám tới nữa. Câu nói không biết chơi hay đùa nhưng làm em suy nghĩ quá chừng.

Đi vào cách mạng mỗi người mỗi bi kịch. Càng đi lâu, bi kịch càng có nhiều màn.

Chiều hôm đó, nàng kêu cả nam nữ lại phân công đi tứ tán, nhưng trước khi chúng lên đường nàng dặn kỹ:

- Đây là anh Hai của tôi, không ai được nói lén gì, nghe chưa?

Mấy đứa nhỏ dạ răm rắp, rồi lĩnh mất, để cho anh Hai ở lại với bà chị kính mến của chúng. Tôi leo lên võng nằm lắc lư với điếu thuốc, miên man suy nghĩ: Đời mình ở cung Nhâm nên lúc nào cũng có quái nhơn phò hộ. Cái bi kịch của tôi là luôn luôn được yêu mà không bao giờ được ngừng chân để tận hưởng bất cứ cuộc yêu đương nào.

Lần này cũng thế. Tôi ở lại đây ba ngày. Tôi dạy nàng cách viết công văn, cách đề ngày, dạy một ít con toán và dạy xử dụng K54: tháo, ráp, lau chùi và bắn. Nàng luôn luôn tỏ ý muốn thành vợ thành chồng một cách công khai, còn tôi thì cứ nại cớ chiến tranh ác liệt, tình hình không ổn, không thể tiến hành hôn nhân. Vả lại, tôi đã báo cáo việc của tôi và Thu Hà với tổ chức và nhờ can thiệp gởi Thu Hà từ Mã Đà về công tác trong này rồi. Nay lại ló cái cạnh này ra thì tổ chức đâu có phê cho.

Cuối cùng tôi phải bất đắc dĩ làm Tiết Ứng Luông gặp Thần Nữ vì phải đi về phục lịnh soái gia. Chỉ có điều khác là giữa chúng tôi và cặp tình ly kỳ trong truyện Tàu là tôi không bị soái gia bắt tội chém và Thần Nữ không phải đem Ngũ Linh Kỳ chuộc tội cho tôi.

Buổi sáng hôm đó, nàng tiễn tôi đi đến tận bờ sông Bà Hảo, nhưng không để cho đứa nào đi theo hộ vệ. Nàng bảo đám lâu la:

- Tôi đi công tác với anh Hai, các cô các cậu ở nhà cứ kế hoạch tôi đã vạch ra mà thi hành cho tốt.

Thằng Trứu quyến luyến vô cùng:

-Thủ trưởng đi em không biết nói chuyện với ai nữa.

- Ở đây thiếu gì bè bạn.

- Đâu có ai biết chuyện Sơn Tây, thủ trưởng. Nó mếu máo muốn khóc. Tôi thấy thương nó thật. Đang học cấp ba bị đưa vô đây, sống với muỗi đòn xóc, sốt ác tính lúc nào không biết, có vùi thây nơi đây thì gia đình được giấy báo tử hay không?

Nàng đi với tôi như vợ chồng. Nàng nói hết chuyện này tới chuyện nọ rồi càu nhàu:

- Đánh gì đánh hoài. Chỉ thị nào ở trên đưa xuống cũng biểu thừa thắng xông lên. Không xông lên thì xông xuống à? Vài năm nữa đâu còn ai mà xông lên. Dân thường lớp chết lớp ra ấp chiến lược. Cán bộ lớp chết lớp hồi chánh. Anh hùng dũng sĩ cũng không còn.

Nàng làm như tôi là người đẻ ra những chỉ thị ấy.

- Còn bà Năm Cầu Xe bây giờ tê liệt nằm một chỗ.

- Năm Cầu Xe là ai?

- Thì cũng đội quân đầu tóc như em trước đây, nhưng bả đã xồn xồn bốn mấy rồi.

(Bà này nhờ mồm mép khai láo, được cảnh sát VNCH thả ra, về nhà lại báo công thành tích. Được Ba Bê, bí thư quận ủy Trảng Bàng, cho làm bí thơ xã Đôn Thuận và quận ủy viên. R nghe "nhạy cảm là điển hình tốt cho đấu tranh chính trị", nên đưa phóng viên xuống tận nhà bà nông dân để thổi phồng. Tên Năm Cầu Xe sau đó vang vang trên đài giải phóng mỗi ngày. Được ông Sáu Vi đánh giá không thua gì "anh hùng" Võ thị Sáu người con gái đất đỏ Bà Rịa năm xưa, hay ông Nguyễn Đức Thuận, người tù từ Côn Đảo trở về được Hà Nội cho đi khắp miền Bắc khoe thành tích ở tù của ông ta và các đồng chí Trung ương, sau đó được phong cho chức phó chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, dưới Hoàng Quốc Việt một phé.)

Út bĩu môi rồi tiếp:

- Bả có thành tích gì. Ăn nói hỗn hào bị trưởng đồn Cao Đài ở Cầu Ván tát cho một bạt tai, giải lên xe đưa về quận. Bả lọi giò khi xe chạy tự bả phóng xuống chớ bị ai đánh mà khoe. Trong tù bị chí, bả tự cạo đầu, chớ ai nào cạo. Biết bả đâu phải loại chánh trị lãnh đạo nên tụi Sài gòn mới thả ra. Vậy mà về tới nhà, ông Ba Bê vẫn tán thưởng cái họng rổ sảo của bả... cho bà là một đảng viên trung kiên - Út cười gằn - Ba Bê nâng đỡ bả lên. R lại bợ thêm... nay bả ngồi trên đầu ông... Tỉnh ủy viên Tây Ninh rồi đó.

Tôi cười:

- Em ganh với người ta hả? Tỉnh ủy chứ đâu bằng cái khu Tân Biên của em? Hay em tức vì không được lên đài?

- Em không ham lên đài đâu! Có mười cái huy hiệu anh hùng gắn cho em mà bảo em làm như nó, em cũng không nghe. Bây giờ tàn phế rồi. Cha mẹ thì không nuôi được còn chồng con thì không có. Bây giờ không biết bả sinh sống ra sao?

- Chẳng thuốc men gì à?

- Một anh cán bộ vừa ở Trảng Bàng chạy lên đây cho biết có gặp bả. Anh ta thình lình vô nhà xin nước rồi gặp chớ không phải là đến thăm. Bả bò lết không có đi được. Bả là đầu đàn của đội quân đầu tóc Trảng Bàng nên mới bị tra tấn dữ vậy. Chớ mấy đứa kia chỉ bị vài bốp tai sơ sơ rồi được thả về.

- Hồi đó em không gia nhập đạo quân đó à?

- Có chớ, nhưng em đi đằng sau. Nó chỉ vẽ khẩu hiệu đả đảo Hồ Chí Minh rồi tống về.

- Sao bây giờ lên tới khu ủy được?

- là...là do mấy chú mấy bác nâng đỡ!

Nàng đưa tôi đến bờ sông Bà Hảo, một ngánh sông Sài gòn.

Đang đi, bỗng nàng quay lại nghiến răng:

- Em mà có quyền gì em sẽ thiến mấy thằng cha đó.

- Mấy thằng cha nào?

- Năm Lê, Sáu Nam.

- Mấy bả dông hết về thành rồi còn thiến làm gì nữa.

- Dông hồi nào?

- Bà vợ Lê Đức Anh (tức là Sáu Nam) thì sau khi giao con Thanh Tuyền cho ổng, ra Bình Dương đếch tham gia mặt trận. Đã vậy bả còn gọi Mặt Trận Lưu Manh. Thằng chủ tịch mang án hảm con nít, còn đám lâu la thằng nào cũng lem luốc mặt mày.

- Bả chửi ghê vậy cơ à?

- Bả sợ gì ai? Còn bà Hai Mặn chơi còn ác nữa. Bả về thành cho hai thằng con trai đi học thiếu sinh quân của tụi Sài gòn ở Vũng Tàu, riêng bả thì quơ một thằng sĩ quan Sài gòn.

- Rồi ông Sáu Nam làm sao?

- Thì ở trong này làm Tha mu trưởng và kiếm con gái nuôi giải buồn.

- Anh coi chừng, anh mà làm kiểu đó thì biết em!

Mặc dù chưa ăn thua đậm, nhưng nghe nàng hăm tôi vẫn run gân, gượng gạo chống chế:

- Mấy ổng khác, anh khác.

Chúng tôi ngủ lại gần bờ sông Bà Hảo một cách hết sức phiêu lưu. Đáng lẽ tôi phải vọt qua sông ngay để đi một mạch xuống I/IV nhưng nàng bịn rịn mãi tôi đi không đành, vì đây là khu tử địa thường bị biệt kích ghé thăm (lính quốc gia giả làm VC, chủ quán đâu biết, vì ai cũng có nón tai bèo, dép râu, súng AK).

Ở đây cũng có những cái quán bên đường tiếp nhận khách của cả hai bên: Quốc gia lẫn Việt Cộng. Bên nào có tiền là khách tốt. Nàng đi vào một cái quán thu hình kín đáo dưới lùm cây le, nếu nhìn thoáng qua thì không thấy.

Đây cũng là đối tượng thu thuế của bà khu ủy. Thấy bà vào, chủ quán, một người đàn bà sồn sồn, niềm nở mời:

- Chị Út đi công tác hả? Uống miếng nước ngọt rồi hãy đi. Tình hình bữa nay êm.

- Có ai qua sông không?

- Dạ mới có một chuyến qua thôi. Dạ, thuế của em để thản thản được không chị Út?

- Thản là bao lâu?

- Dạ vài tuần. Biệt kích vô hoài, hàng họ ế quá.

- Mình sắp mở chiến dịch, bộ đội cần tiền mua súng đạn.

Nàng đanh sắc mặt và xổ chính trịư túi bụi, đến nổi bà chủ quán không đỡ kịp. Rồi không chờ bà chủ phân trần thêm, nàng bảo bà ta lấy lạp xưởng, trà, thuốc, tôm khô, khô mực, bánh ngọt, kẹo, dầu Nhị Thiên Đường v..v... Bà chủ dồn tất cả vào túi rồi đưa cho nàng. Không nói không rằng, nàng xách chiếc túi đi ra. Vừa đi vừa nói:

- Chốc nữa tôi trở lại thanh tán ba cái thuế.

Dưới mé sông có sẵn xuồng. Một loại xuồng độc mộc khoét bằng thân cây rồi đóng bít hai đầu bằng hai miếng be. Nước vô ngập bộn bàng. Nàng càu nhàu:

- Ghe xuồng như thế này thà bơi còn chắc ăn hơn.

Tôi đứng nhìn con sông mà ngao ngán. Nước chảy như ngựa chạy, nhìn phát chóng mặt......

Nàng bước đến trước mặt tôi, hai tay đặt lên hai vai, rưng rưng nước mắt thì thầm:

- Bây giờ anh tin tưởng em chưa?

- Tin chớ sao không! Em là một cán bộ tốt!

Nàng háy tôi.

- Không! Vụ kia kìa.

- Vụ nào?

Nàng tát nhẹ vào má tôi.

- Banh da xẻ thịt người ta, bộ không biết à?

Tôi hôn nàng như một sự biết ơn.

- Sao không!

- Em sẽ giữ mãi cái khăn bàng lông đó!

- Cho anh đem theo được không?

- Không đâu, để anh giữ anh làm mất! Đó là kỷ niệm của em.

- Không phải là của anh à?

Nàng gục đầu vào ngực tôi, khóc rưng rức.

- Em biết anh sẽ không trở lại. Em sẽ lấy ra coi mỗi lần em nhớ anh.

Tôi thấy mềm lòng thực sự, như chưa lần nào, trong những phút chia ly. Tôi không còn muốn đi đâu nữa. Sao tôi không có thể sống ở đây với người yêu tôi, trong một túp lều bên suối với một trái tim đã dâng cho tôi trọn vẹn. Tôi không ngờ một người con gái - đã được tôi biến thành đàn bà - yêu tôi đến thế. Còn tôi thì tự coi mình như chỉ là một kẻ nghỉ ngơi trên sa mạc dưới bóng cây hiếm hoi giữa trời nắng lửa. Nàng tưới nước mắt ướt đẫm ngực tôi, càng lúc càng khóc to lên như tiếng suối gần, chấn động cả tâm can tôi.

Tôi đi không đành. Tôi dìu nàng đến một vùng lá khô, trải ni-lông ra. Hai đứa cùng nằm. Tôi lại yêu nàng. Nàng không muốn cho thân thể tôi rời khỏi thân thể nàng nữa. Nàng cứ siết chặt mãi và rên rỉ bi ai như bị một vết tử thương.

Lần này tôi không cần đè đặt. Tôi cứ để con suối lòng tôi đổ rốc vào nàng, bất cần hậu quả. Có con cũng tốt, tôi sẽ nhận là con của tôi. Tội gì? Tôi cần một đứa con. Tôi tha thiết muốn được làm cha. Tôi muốn có một đứa bé mà tôi gọi là con như bao người dân thường khác gọi con. Cái tiếng thắm thía vô cùng: Con! Cách mạng: vô nghĩa.

Nàng bình tĩnh trở lại, thủ thỉ:

- Anh yêu em bao nhiêu lần, chẳng lẽ không có con?

Tôi làm thinh. Mắt ngước nhìn tàng lá che trên đầu. Một khung trời xanh có mây bay lớt phớt. Nàng rờ rẫm khắp mặt mủi, thân thể tôi và bảo:

- Em sẽ không quên anh bất cứ thứ gì. - Nàng sờ mắt tôi và tiếp - Con sẽ giống anh như đúc.

Rồi cũng phải chia tay. Tôi ngồi dậy cuốn tấm ni-lông. Bất ngờ tôi nhặt được mảnh bom trong đống lá nát. Nàng cầm lấy và bảo:

- Còn ấm anh ạ! Còn ấm!

- Có cấn lưng em không? Coi chừng đứt thịt mà không hay đó!

Tôi vừa nói vừa vạch áo nàng lên xem, bất thần hôn vào mảng da ngà ngọc. Nàng rùng mình và ngoặc tay ôm lấy đầu tôi.

- Em sẽ gói với chiếc khăn... Anh ạ! Nếu em có bầu thì em sẽ về nhà luôn để nuôi con. Anh đi cho cẩn thận. Xuống dưới đó gởi thơ về.....

Tôi bước xuống xuồng...

Quả là một chiếc xuồng bát nhã đưa Tam Tạng qua sông đi Tây phương thỉnh kinh Phật. Nó ọp ẹp, bệ rạc, không có dầm bơi. Đúng ra không phải là một chiếc xưồng. Tôi gắng gượng bảo:

- Thôi em về đi! Đứng đây lâu không có lợi!

Nàng đứng trân trân. Tôi bơi xa đần. Cái dầm bơi là một tấm be ngắn. Xuồng lướt chậm rì. Đây là ranh giới rừng rú và đồng bằng, giữa cái sống và cái chết. Tôi đã cởi áo rừng xanh để đối diện Thần Chết. Bờ sông Bà Hảo nát nhừ dấu bom đạn. Đã ngót ba mươi năm, nó vẫn còn kia với bức tượng đá Vọng Phu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx