sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 28: Ấp Chiến Lược Thiên Đàng

Lạn bảo:

- Bây giờ mình đi về phía Sóc Lào.

Chúng tôi bỏ lại phía sau khu vườn xanh nguyên vẹn để dấn bước vào vùng bom đạn. Hố bom sâu như giếng: Lũy tre cháy đen thui. Lộ bị phá hoại từ thời Việt Minh tới nay chưa đắp lại được. Nhiều khoảng nước suối tràn qua, không có cầu Lạn phải vác xe đạp lội lõm bõm. Có quảng sâu đến bụng. Nước ở đây ngâm mình lâu cũng không cảm thấy bịnh như nước Trường Sơn. Khi qua hết khúc đứt, bắt đầu chạy xe, Lạn mới thuyết trình tiếp:

- Xóm vừa qua là toàn tín đồ Cao Đài đó anh. Nhà còn nguyên vậy chớ họ không cho bộ đội đóng đâu. Vừa ló mặt tới họ chỉ ra ngoài rừng mà ở.

- Mày biết tại sao không?

- Không!

- Tại vì hồi trước mấy ông nội Hai Búa và Tô Ký giết dân đạo ném chật giếng ở vùng Hố Bò chớ sao.

- Sao bà già có con tập kết.

- Chắc bả ở chỗ khác tới. Dân đạo thù Việt Minh thiên niên, không đời nào đi theo kháng chiến đâu. Có thể ở xóm đó còn cơ sở gián điệp cho nên bom pháo nó mới chừa ra. Cũng có thể nó dùng xóm này để chiêu hồi bộ đội.

Lạn gật đầu:

- Anh nói hổng chừng đúng! Ở vùng Bà Nhã nó không đánh nhưng vùng Sóc Lào thì nó đánh chịu không thấu. Ngoài bom pháo ra nó còn bỏ máy dò tiếng động. Đi qua đây không dám nói chuyện lớn. Sợ máy nó phát về hay được là mình bị pháo dập chết tươi.

- Có ai bị chưa?

- Có chớ sao không. Có một đoàn lãnh gạo gồm những thanh niên thanh nữ xung phong, đi ngang qua đây trửng giỡn om sòm bị pháo bắn chết hết trơn. Nghe nói đến trên hai chục mạng.

- Có lượm được máy phát tiếng động chưa?

- Chưa lượm được, nhưng có chỉ thị ở trên đưa xuống học tập vấn đề này.

- Ở ngoài Trường Sơn cũng đã bị rồi. Một chiến sĩ ta thấy cái máy ngồ ngộ bèn lượm bỏ ba lô chơi. Cho nên đơn vị đi đến đâu ăn bom đến đó.

- Rồi làm sao biết được?

- Cuối cùng anh ta chết. Đơn vị moi ba lô lấy đồ để liệm, mới tìm thấy vật lạ, bèn báo cáo lên trên, ở trên mới cho biết đó là máy phát tiếng động, phi cơ hoặc đồn bót ở gần có thể bắt được.

- Đánh với tụi Mỹ này ghê quá anh ạ.

Về tới trạm khoảng ba giờ chiều. Tôi trình cho trạm trưởng hai giấy đặc biệt, một của Bộ chỉ huy R, một của Phòng quân báo R. Trạm trưởng tên là Thái, người khu nam, nhưng không biết sao lại dạt vô đây. Trạm đang thiếu gạo, nên chuối và bánh ú của tôi mua trên quán bà cụ được xử dụng như một bữa tiệc. Ăn xong, Lạn tìm chỗ cho tôi mắc võng đặc biệt rồi rỉ tai tôi:

- Ông trạm trường này khó chịu lắm, anh coi chừng.

- Ở đâu thì cũng nhứt trạm nhì trời thôi, coi chừng cái gì được mà coi!

- Ổng hay bắt bẻ nguyên tắc. Lần trước có một ông khách K54. Khi qua sông Bà Hảo bị biệt kích bắn suýt chết, mất hết giấy tờ, đến đây, mặc dù cả đoàn khách cũng xác nhận như vậy, nhưng ông ấy không cho vô trạm.

- Rồi làm sao?

- Hai bên đánh nhau. Ông khách đập cho ổng sặc máu mũi - Lạn lại nhắc - Kỳ trước anh ghé đây trạm đóng chỗ khác, có con Thanh anh còn nhớ không? Nó nhắc anh hoài.

- Ủa còn ở đây sao? Nghe nói nó được đi Liên Xô mà?

- Đi cũng như em vầy nè. Đi Mạc Tư Khoai mới về. Nó ở đây nhưng không làm giao liên. Thỉnh thoảng chú nó về. Anh biết thằng chả mà.

- Biết nó là thằng Phạm Duy Nam....

(Nam trước kia ở trong Ban Rùm Beng của E300 với tôi. Anh nó là Phạm Xuân Hoàng là tên quân báo chuyên nghiệp từ thời Nguyễn Bình. Sau khi Bình chết, Hoàng đeo Trà, Trà tập kết, Hoàng đeo Duẫn. Bây giờ đeo Cục R đóng lon thượng tá ngầm ít ai biết cấp bậc của y. Hoàng có đứa con gái đầu lòng sanh ở chiến khu Long Nguyên hồi chín năm. Bây giờ con bé lớn cũng đi vào cái nghiệp quân háo của bố nó: tức là bé Thanh. Thanh ở trạm này. Thỉnh thoảng thằng Nam chú nó từ Sài gòn vào. Rồi hai chú cháu đóng vai tình nhân để qua mặt đồn bót ra khu dễ dàng như đi chợ. Nam khoe với tôi rằng hồi nó đi kháng chiến, nó có con đào tên Thanh. Lúc đó Thanh còn bé, nên chưa tính chuyện nọ kia được, cũng như tôi và cô Duyên ở Tân Bửu. Nó còn khoe là Thanh sau này trở thành ca sĩ Sài gòn. Sau 75 nghe nói ca sĩ Thanh Lan có chồng là cán bộ quân báo thì tôi nghi là thằng Nam, không biết có đúng không? Nhưng chuyện đó không quan trọng gì, kể ra cho thấy một cái dây mơ vậy thôi. Bây giờ xin trở lại trạm.)

Thằng Lạn tiếp:

- Sau khi anh đi rồi, con Thanh cháu nó, (không phải Thanh Lan) cứ so sánh anh với chú nó. Nó bảo rằng cùng đi kháng chiến mà anh lên tới chức tiểu đoàn trường còn chú nó thì mới có trung đội phó, không có tư thế gì cả. Tối ngày cứ hát ngắt ngơ ngắt nghéo Lá vàng bay theo gió... Hoa tàn rụng bên sông. Đầu bù tóc rối. Lúc gần đây, ổng lại bày đặt ca: Em Lan ôi, em có tội tình chi mà phải chịu đọa đày cho khổ sở kiếp hồng nhan.. Lần nào đi Sài gòn về, ổng cũng như kẻ mất hồn. Nó bảo nó nghe anh hát bài Chiều mưa biên giới. Kỳ đó, nó khoái ông lắm.

- Sao khoái?

- Ai biết đâu? Trạm trưởng này chính là con Thanh chớ không phải già Thái đâu. Con nhỏ sai bảo gì thằng chả cũng chạy mờ đầu. Bữa nay nó đi Sài gòn vô tới, anh gặp nó coi!

Lạn tiếp:

- Chỗ này gọi là Trảng Sa đất thấp nước ngập, bẩn chật lắm, nhưng Trảng Cỏ bị D14 Tây Ninh và Binh công xưởng chiếm hết rồi. Họ ở đặt nghẹt từ xóm Cây Da tới Cầu Xe.

- Cầu Xe!

Tôi sực nhớ tới chị Năm Cầu Xe mà bà khu ủy vừa kể hôm nọ.

- Cầu Xe có bót mà dám ở nghênh ngang vậy sao?

- Gần bót càng ít sợ pháo và B52 anh ạ!

- Có vụ đó nữa!

- Để anh xuống Củ Chi rồi xem! Cơ quan bộ đội bây giờ dời địa điểm về cận bót hết ráo.

Nghe tiếng chân đi tới, Lạn nhìn ra.

- Đứa nào đó? Ủa, con Thanh hả?

- Có anh Hai ở đây không?

Lạn nhìn tôi:

- Anh thấy không? Nó đi Sài gòn về đó. Vừa về là tìm anh thấy chưa?

Lạn bảo tôi im và đáp:

- Không có anh Hai anh Ba nào ở đây hết á!

- Anh giấu ảnh phải không?

- Vô đây coi phải anh Hai này không?

Thanh bước vào lều làm tôi giật mình. Mới có một năm mà nàng lớn mau như thổi. Lại ăn mặc kiểu Sài gòn nên coi thật lạ. Thanh reo lên:

- Em tưởng anh đi đâu rồi chớ?

Lạn chặn ngang:

- Nè, ảnh là bạn của chú bây, bây phải kêu bằng chú nghe hôn?

Thanh nguýt ngang.

- Công tác cách mạng không có chú cháu gì hết! Ông Tái ổng cằn nhằn anh tại sao trạm hết gạo còn dắt khách về làm gì ở đằng kia kìa.

Lạn cự nự:

- Thằng cha Liên khu nem này nói mới loạ chua? Hết gạo là một chuyện, còn khách là một chuyện khác. Lấy cớ hết gạo bỏ khách bơ vơ hay sao? Công tác cái kiểu gì vậy? Để tao ra tao cự thằng chả một mách cho coi!

Lạn nháy tôi rồi chạy đi.

Tôi kéo gốc cây ngồi lên, nhường võng cho Thanh. Thanh đứng xớ rớ không chịu ngồi. Rồi bỗng nhiên nàng thở dài:

- Em nghỉ thôi anh ạ!

- Nghỉ gì?

- Nghỉ công tác chớ nghỉ gì.

- Sao vậy?

- Công tác gì mà công tác kỳ cục vậy.

- Kỳ cục là sao?

Thanh suýt khóc. Tôi gạn hỏi cách gì cô cũng không nói. Tôi đứng dậy nhưng không dám bước tới một bước. Cái oan khiên nàng Út vừa trút khỏi vai còn nặng trĩu đây, lại sắp hứng một cái khác nữa rồi. Hồi con bé khóc oe oe chào đời ở chiến khu Long Nguyên thì tôi làm mật mã cho Lê Đức Anh. Thanh Tuyền cũng mới vừa ra đời. Tôi vừa gặp Thanh Tuyền ở cục R. Bây giờ lại gặp Thanh ở đây. Cuộc đời của tôi cứ như quả bóng chuyền từ tay người (con gái) này tới người (đàn bà) khác, chẳng mấy lúc được thênh thang trên sân cỏ.

Tôi nhắc lại chuyện chiến khu Long Nguyên:

- Hồi đó anh ưa làm mọi cà răng căng tai nhát má em.

Thanh dường như không nghe gì, nàng cứ tỏ vẻ giận hờn với thằng chú nàng. Tôi hỏi:

- Còn thằng Nam đâu?

- Chú ở ngoài Sài gòn. Em không ra ngoải nữa đâu.

- Tại sao vậy?

Tôi vừa hỏi vừa bước lại gần nàng.

- Có gì thắc mắc nói cho anh nghe xem anh có thể góp ý kiến cho không.

Thanh ngó thẳng vào tôi:

- Chú em bảo em học nhảy twist. (Nàng phát âm rất đúng)

-Trời đất! để làm gì?

- Để chú cài em vào Đồng Dù lấy tin tức.

Tôi hơi ngạc nhiên: thằng quân báo chú lại hi sinh đứa cháu ruột đến thế sao? Quả là trung thành tuyệt đối với cách mạng. Vào Đồng Dù nhảy twist với Mỹ thì còn gì con bé học sinh này. Nó chưa đầy hai mươi tuổi. Tôi dặn lòng: Thôi, phen này đừng có gì nữa để rảnh rang mà lao vào chiến đấu. Nhưng anh hùng ngộ thuyền quyên ở giữa rừng có trời mà cản được..... Chiều hôm đó chúng tôi (Tôi, Lạn và Thanh) đi ra ấp chiến lược mua gạo. Tôi muốn đi cho biết chuyện đời. Ở nhà với trạm biết đời nào khôn! Vừa đi, Lạn vừa kể lể:

- Lúc này Hậu cần không phát gạo cho trạm nữa anh ạ. Họ đưa tiền rồi liệu lấy. Con buôn chém thả cửa nên mỗi tháng tiêu chuẩn sụt chừng hai, ba lít. Lần nào con nhỏ này đi Sài gòn tôi cũng dặn ghé ấp chiến lược cõng về hai ống quần gạo mà nó cứ đi không về rồi.

Thanh đang đi trước, ngoảnh lại cự:

- Người ta ngồi xe từ Sài gòn về đến Suối Bà Tươi đã mệt đừ rồi, còn bắt vác gạo hả?

- Không vác gạo thì đói nhăn răng.

- Tôi đi chuyến tới tôi ở nhà luôn.

Tôi bảo:

- Thôi đừng có chọc con nít. Nó khóc rùm lên không có ai dỗ.

Thanh ưỡn người lên phản đối.

- Người ta như vầy mà la con nít?

- Ừ, hổng con nít thì người lớn được không?

Lạn cười như nắc nẻ:

- Ở đời lạ thiệt, con nít ham làm người lớn còn người lớn lại thích cưa sừng làm nghé:

- Ai ở đâu mà thích cưa sừng làm nghé?

- Ngào hết, ở đâu mà không có. Chú chú cháu cháu, anh anh em em. Vài bữa kiểm thảo.

Thanh thấm ý nguýt ngang:

- Xí! nói chuyện lãng nhách.

Thanh đi nhanh nhanh phía trước, mái tóc thề xỉa chấm nửa lưng, đôi vai gầy gầy, dáng thanh tú, không đẹp bằng Huỳnh Mai, nhưng nhanh nhẩu nói năng bặt thiệp. Nếu gương mặt đầy đặn thì hao hao giống Thu Hà..

Ra tới ngoài trảng thì đã thấy rải rác những ông bà cán đi tìm cái ăn ngoài ấp chiến lược. Áo xanh áo trắng, kẻ đeo súng dài người diện súng ngắn, người lại chỉ vác bao hoặc cầm đèn chai. Ai nấy coi có vẻ thảnh thơi không có vẻ gì lo âu cho cuộc sống trong chiến tranh đang độ căng thẳng. Bất đồ tôi lột súng tròng vào cho Thanh.

Thanh hơi ngạc nhiên nhưng cô bé cười:

- Anh làm vậy, người ta tường em là cán bộ đại đội.

- Ừ đại đội hay tiểu đoàn cũng được.

Tôi hôn khẽ lên đôi mắt chan chứa ánh chiều. Thanh đi tụt lại nắm tay tôi đi song song để cho Lạn tiến lên phía trước.

Có lẽ cậu học sinh này không thành công trong việc ve vãn cô nữ quân báo, nên thấy cái cử chỉ thân mật đó bèn phóng lên trước và càng lúc càng xa chúng tôi ra. Tôi hỏi nàng:

- Ở ngoài đó có bán gì ăn không, anh đãi cho hai đứa một bữa.

- Thứ gì cũng có. Cả món bún riêu ngoài Bắc, ăn ngon lắm.

- Tại sao em ăn bún riêu ngon biết không?

- Anh ngạo em gốc rau muống hả?

- Em là rau muống lai rồi.

- Ngoài ra còn cháo lòng, chuối chiên, bánh cam.

- Em có lần nào thử chưa?

- Em đi chợ nhiều lần nhưng không ăn, vì bộ đội ngồi chen chúc ăn nhai ngồm ngoàm húp rột rột coi kỳ thấy trời.

- Ăn thì đến vua cũng vậy chớ kỳ gì!

- Nhưng em không thể nào ngồi ăn được.

- Có bán thịt heo không?

- Có nhưng tụi em đâu có mua nổi! Em thèm thịt heo khô muốn chết luôn mà không có.

- Về Sài gòn không ăn à?

- Ăn nhưng đâu có tiền ăn cho đả. Anh ở ngoài Bắc chắc tha hồ ăn đủ thứ hả?

- Sao em biết?

- Thì em nghe đài nói. Ngày nào em cũng nghe nói xây dựng chủ nghĩa xã hội giàu mạnh.

- Ừ! chủ nghĩa xã hội giàu mạnh chớ sao.

- Em chờ ba em kêu lên R đưa ra ngoài đó cho khỏe thân. Em còn thằng em trai nữa. Ba em cũng muốn bắt ra ngoài này nhưng nội em không cho.

Thanh vừa đi vừa kể chuyện gia đình. Thanh nắm tay tôi chặt cứng, chỗ nào nàng thấy tôi không để ý thì gặt mạnh. Thanh không anh dũng như Thanh Tuyền nhưng mạnh bạo hơn Huỳnh Mai và Ba Ánh. Chắc khi dắt nàng ra Sài gòn, thằng Nam đã tập cho nó dạn dĩ tiếp xúc với mọi tình huống. Nghề quân báo lắm khi phải liều lĩnh. Đột nhiên Thanh hỏi tôi:

- Anh có móc gia đình chưa?

- Có nhưng không kết quả!

- Sao không kiếm chị Hai đi?

- Kiếm chưa ra.

- Xí anh làm cao chớ gì chưa ra.

- Làm cao với ai mà làm?

- Như anh vậy thiếu gì người bu. Mùa Thu về đây toàn đầu bạc hết ráo. Mà ông nào cũng chỉ đại đội là cùng. Tiểu đoàn thì già khú. Còn trung đoàn thì đáng ông nội của em.

Tôi vã miệng Thanh:

- Nói bậy hoài.

- Thiệt chớ bậy. Có mấy ổng làm bậy thì có.

Trời tối nhá nhem. Người đi ngoài chợ càng đông. Những bóng người xen lẫn những bóng đèn dầu màu đỏ và đèn khí đá xanh, di động nhộn nhạo khắp trên cánh đồng rộng giống như nghĩa địa với những ma trơi. Thanh càng đi sát vào tôi.

Đột nhiên nàng nói:

- Anh muốn chị Hai không, em giới thiệu cho.

-Ừ, giới thiệu đi.

- Sợ anh chê.

- Anh không chê đâu. Em giới thiệu thì anh chịu liền. Cô ta ở đâu.

Thanh nghiêng nhìn sang tôi.

- Ở gần đây nè!

Tôi muốn hôn để tỏ ý hiểu nàng nhưng tôi ghìm lại. Nếu nàng nói thêm câu nữa chắc tôi sẽ buông cương, nhưng may quá có tiếng thằng Lạn kêu ở phía trước. Chúng tôi đi tới, nhưng Thanh vẫn không thả tôi ra. Thằng Lạn gắt:

- Làm gì đeo cứng ảnh vậy. Ở đây có ma đâu mà sợ?

Rồi Lạn nói với tôi.

- Chợ bữa nay đông quá anh Hai. Em ớn quá.

- Ởn cái gì?

- Ớn nó chụp hoặc nó kêu pháo dập chớ ớn gì?

- Chợ họp như vầy lâu rồi chớ phải mới hôm nay sao?

- Nó nuôi lâu lâu nó mới thọc huyết hiểu chưa cô quân b... - Lạn tốp ngang - Biết đâu nó có thả máy báo tiếng động! Pháo Lai Khê. Dầu Tiếng đều bắn tới đây cà. Lai Khê chơi pháo đìa.

Tôi gạt phắt:

- Nếu sợ thì đi mau mau rồi về!

Vừa đi Lạn lại kể tiếp:

- Trước kia chợ họp tới ngả ba chỗ giáp ranh Trảng Sa với Trảng Cỏ kìa anh. Đèn khí sáng một vùng như đèn điện vậy. Bây giờ đã thu hẹp chiến trường rồi đó.

- Tại sao?

- Bị bom một trận kinh hồn bạt vía anh ơi! May quá, gặp thằng phi công mù. Nó ném bom trật lất. Đàn bà đàn ông chạy bò càn. Hàng hóa ném bừa, thiên hạ đạp nhầu lên tìm đường thoát. Đâu có hầm hố gì. Cứ phóng như nai bị cháy rừng. Rốt cuộc mấy cha D14 tha hồ hôi của.

- Có cái mững đó nữa à?

- Có chớ! Của trời cho mà.

Tôi nói:

- Không phải thằng phi công mù đâu. Nó cảnh cáo đấy.

- Mong nó cảnh cáo thêm vài lần nữa cho bộ đội đỡ khổ.

Thấy một đám đông vây quanh ngọn đèn khí đá, Lạn lôi tay tôi đến xem có gì lạ. Cô hàng xén bán đủ hết: xà bông thơm, kim chỉ, nút áo, trà thuốc, vỡ học trò, bút máy, áo thun, ba lô, vải, lụa, v.v... Cô hàng xén còn trẻ măng đeo khuyên vàng tay đeo xuyến vàng, ngón tay chớp loé nhẫn vàng nhận hột, coi chẳng khác nào tiểu thư. Có lẽ đám đông phần lớn là lính bu lại vì cô ta hơn là mua hàng. Một chàng trai mặc áo con đĩa đang hỏi giá áo thun. Một anh chống một tay trên đầu gối khom xuống, một tay bốc mấy sợi dây dù lên rồi vạch vạt áo bà ba ướm vào khẩu K54 đeo trong lưng. Đó là một cách tự giới thiệu mình khéo léo. Một anh chàng khác mặc áo sơ mi popelin màu cứt ngựa, đầu khấc khăn rằn đỏ bỏ hai mối dài ra sau lưng.

Thanh lôi tôi đi và nói nhỏ:

- Mấy ông nội D14 nổi tiếng là đi o gái đó. Anh không thấy họ làm le à?

- Anh muốn mua một xấp giấy với mấy cây bút máy.

- Thứ đó trấu gì. Gánh nào cũng có. Anh muốn mua gì nữa?..

- Thịt heo.

- Em dẫn tới ngay lò, anh mua mấy chục kí cũng có.

- Gạo?

- Sợ anh không có sức cõng.

- Sao ông trạm trường than hết gạo?

- Là vì Hậu Cần không phát tiền và ổng làm biếng chớ gạo mua lúc nào, mua bao nhiêu cũng có.

Bỗng một bàn tay đập vào vai tôi đau điếng và nghe:

-Ê! thầy Lôi.

Tôi quay lại:

- Thầy về hồi nào?

Một chàng nhảy lại ôm xiết lấy tôi hôn lia lịa trên mặt tôi rồi buông ra. Một con người lùn lùn với bộ mặt tròn trịa hai má phính như mặt con nít sổ sữa, tóc cắt ma-ninh cua xanh dờn theo kiểu chúng tôi thường gọi là tóc su hào hồi còn ở ngoài Bắc. Một đám lính lẫn cán bộ đến vây quanh tôi. Anh chàng trỏ tôi và bảo:

- Đây là ông thầy pháo binh Trung Quốc.

Thanh gạt ngang một cách máy móc:

- Ảnh là anh Hai tôi chớ có phải cắc chú đâu mà kêu Trung Quốc.

Cả đám cười cái rần. Anh chàng hỏi tôi:

- Con bé nào coi khó dữ vậy thầy? À mà quên, ổng đi học Trung Quốc chớ không phải chệt.

Cả đám cùng cười.

Tôi nhớ hắn rồi. Chín Hung! Học trò của tôi ở Sơn Tây

- Mày về hồi nào?

Chín Hung đáp:

- Năm 1962 thầy. Thầy về năm nào?

- 63.

Một anh mặc đồ nhà binh vải popelin màu lá cây khô có bộ chân mày chổi xể hất hàm về phía Thanh, nói giọng Bắc:

- Còn cô bé này là công an Hà Nội sao mà mang súng kiểu đó?

Thanh cười:

- Tôi là gạc-đờ-co của ảnh.

Một anh chàng cao cao nói giọng rặc miền Nam nhảo nhẹc pha trò:

- Chời ơi chời! xưa nay tôi chưa từng thấy gác-đờn-cò là thanh nữ đẹp như thế này.

Thanh hổ thẹn quay mặt cười. Một người khác sồn sồn chêm vào:

- Cô ta nói là anh Hai của cổ chớ không phải là gác cây đờn cò của ổng đâu.

Thanh gạt ngang:

- Ảnh là anh ruột của tôi thiệt mà.

-Thôi đi cô em, oa nhìn qua là oa biết liền mà. Anh ruột hay anh nối ruột?

Thấy thiên hạ bố con nhỏ, tôi bảo.

- Đừng có chọc nó khóc mắc mua kẹo dỗ đó các cha!

Rồi quay lại Chín Hung.

- Ê mày còn ở pháo không?

- Dạ còn chớ thầy. Từ thuở hạ san tới giờ vẫn ôm cái cẳng pháo!

Chín Hung quay sang mấy người kia.

- Nãy giờ mừng quá quên giới thiệu. Đây là tên Bắc kỳ xâm lược Ba Nhị, quê ở Hà Nội Hà Lam Linh Bình, chính trị vò viên dê 14, còn đây là Năm Sơn biệt hiệu Nam Sơn tiểu đoàn trưởng dân ta, mới về nước, mới cưới vợ là thợ may An Tịnh.

Năm Nam Sơn cười:

- Còn mày sao không tự giới thiệu luôn?

- Tôi hả, tôi là dân bàn nạo Bến Tre.

Năm Sơn nói.

- Chưa đủ, phải thêm! Dân bàn nạo Bến Tre bây giờ là tư sản yêu nước có vợ làm chủ nhà máy xay gạo bán cho giải phóng.

Ba Nhị tiếp:

- Ông dê trưởng nói vậy cũng chưa đủ. Phải nói là Chín Hung dê phó vừa mới cưới vợ mười sáu tuổi chủ nhà máy xay lúa bán gạo cho giải phóng giá hời.

Tôi cười:

- Vậy là ở đây dê nhiều quá!

- Ông dô luôn cho đủ một bầy. Có lẽ ông là dê Bắc Thảo đó!

Cả bọn cùng cười. Chín Hung trỏ cái ánh đèn xanh lét, bảo:

- Mình đi lại đằng kia làm một bụng cháo lòng tiết canh rồi nói chuyện tiếp.

Vừa đi Hung hỏi tôi:

- Thầy đi đâu mà lạc xuống đây? Dạo nọ nghe nói thầy dạy ở trường pháo mà.

- Có dạy, nhưng tản khai rồi!

- Bây giờ về đâu?

- I/4.

- Được đó! Có thầy về thì pháo mình mới nghễnh cổ lên được! Lâu nay bị pháo Mỹ dập gục cần. - Chín Hung quay sang hai ông dê trưởng và dê chánh - Hai anh ở ngoải có coi tụi này biểu diễn bắn súng cối không? Hồi đó tôi chỉ vác đạn thôi. Còn ông Thầy thì ôm nòng bắn bốn tư thế: đứng, quì, ngồi, nằm. Hổng cần máy nhắm gì cả. Bắn ban đêm mà đạn vẫn lọt vô lỗ châu mai như thường!

D trưởng Năm Sơn nghi ngờ:

- Súng cối mà làm sao bắn đạn vô lỗ châu mai?

Chín Hung nhìn sang tôi. Tôi bảo:

- Được chớ đồng chí. Mình đặt nòng súng cối nằm bắn đìa-réc như súng trường vậy.

D chánh Ba Nhị gật gù:

- Tôi mới nghe lần thứ nhất. Nhưng xin hỏi nòng pháo nằm làm sao bỏ đạn cho đề-tô đụng kim hỏa.

- Tôi có cách đồng chí à. Để gặp cơ hội tôi sẽ thực hành.

Chín Hung bồi thêm cho ông thầy:

- Ổng còn dám ôm nòng súng cối bắn phản xung phong nữa đó. Đạn chỉ rớt trước mặt năm chục thước.

D trưởng Năm Sơn gật gù:

- Súng cối mà bắn được như vậy thật là sáng tạo. Về đây chơi với Mỹ phải có kỷ thuật cao. Lơ tơ mơ như hồi chín năm là không ăn thua!

Tôi cười:

- Nãy giờ ông Dê phó bốc thơm tôi nhiều quá, tới phiên tôi giới thiệu ông D phó chút tẻo được không? Đây là ông Cù Lự 105 nổi tiếng khắp các đơn vị pháo đấy.

Chín Hung xua tay lia lịa:

- Thôi, thôi thầy ơi! thầy giới thiệu chắc cái mặt tôi xà búp đâm không lũng đó. Hồi đó tôi mới được đề bạt lên Trung đội trưởng pháo 105. Về khu tập kết, ở trên bỗng đưa tôi làm giáo viên để huấn luyện pháo 105 cho anh em về Nam. Thật chẳng khác nào múa rối. Tôi mới trình độ lớp ba làm sao lập nổi giáo án. Vậy mà cũng cứ lên lớp như thường. Phải là dân có xâm gồng mới dám làm. Bài đầu tiên, tôi giảng giải các bộ phận pháo. Các bộ phận khác thì tôi thông suốt. Đến cái trục pháo thì tôi quên. Dòm vô giấy tối om không tìm ra danh từ tôi bèn phang bừa là cái cù lự pháo. Học viên cười cái rần. Tôi luýnh quýnh bèn sửa lại là cái củ tỏi. Chả là nó giống cái củ tỏi mà! Học viên cười rần rần. Từ đó học viên gọi tôi là ông thầy củ tỏi hay giảng viên cù lự.

Bọn dê chúng tôi cười ngả nghiêng. Tôi tiếp:

- Coi vậy chớ ông Dê Cù Là có uy tín với anh em. Dốt nhận mình dốt để học thêm chớ không dấu dốt. Còn đặc biệt một điểm nữa là Cù Là uống rượu bằng tô chớ không xài ly.

D trưởng Năm Sơn bổ túc:

- Còn một điểm đặc biệt nữa là Cù Là 36 xuân xanh lấy vợ có 16 tuổi thôi hè - rồi kề tai tôi - con bé này coi cũng xứng với cha lắm.

Bé Thanh vọt miệng:

- Ông dê trường nói gì tới tôi đó?

- Tôi nói là cháu gác cây đờn cò cho ông anh tốt lắm! Ráng nắm cho chặt nghe. Cây đờn của thầy là loại đờn khó kiếm.

Trời tối, nhưng đồng khô chỉ còn gốc rạ, cả bầy dê chúng tôi cứ giăng hàng ngang mà đi như dậm cù bắt chuột. Thanh đi bìa, tay xách cây đèn chai mang đi từ nhà nhưng không đốt, tay nắm tay tôi. Thanh bị trêu nên phản ứng:

- Tôi đã nói ảnh là anh ruột của tôi mà mấy ông cứ chọc hoài.

- Là gì thì là. Nhìn qua biết rồi. Cần gì đính chánh cô em! Mai mốt có cần tôi cho lính tới dựng rạp cho đám tiên bố. He! he!....

Cả bọn đến một cái nhà lá ba căn rộng thênh thang. Chín Hung đi thẳng vào trong. Tụi này cứ đi theo như vô mậu dịch ăn ở Hà Nội. Bên trong bàn tròn năm bảy cái, ghế đẩu băng dài ngổn ngang. Khách ngồi hai ba cụm. Chín Hung đi thẳng tới một ông ở trần đang cầm dao xẻo thịt con heo đang treo dộng đầu, còn một mớ thì bày trên bộ ván.

- Anh Tư làm coi bộ xôm hả? Có gì lạ không anh Tư?

- Có cháo lòng tiết canh lòng luộc.

Chín Hung quay ra:

- Ê ông Bắc kỳ xâm lược! Có nòng nợn nuộc, làm một ván cho đả tỷ.

Anh Tư nói:

- Chuyện đó đã đành, còn thịt thì lấy bao nhiêu.

- Cho năm bảy kí gì cũng được. Buộc dây sẵn để nhậu xong xách về nghe.

Chúng tôi chiếm một bàn tròn. Vừa ngồi xong tôi nói:

- Lâu quá tôi mới ăn mậu dịch một bữa.

- Không có mậu vịt đâu nghe thầy. Thầy muốn bi nhiêu thì bi. Không sợ cắt phiếu chờ tháng sau. Không lo phiếu hạng B, C, D gì ráo trọi. - Chín Hung vẩy tay ông chủ quán đến bảo - Nè, cho tôi đóng cửa quán được không?

- Chi vậy chú Chín? (trước mặt người lạ, hơn nữa y cũng là dê phó, dân vùng này hẳn là biết rõ, nên tôi không gọi bằng mày.)

- Mình chơi kiểu ngoài trường pháo có quán Bà Cạo, nhớ không thầy?

Tôi cười ngất, nghĩ thầm: cái thằng ra Bắc mười năm còn mang về Nam trăm phần trăm máu Nam kỳ.. Nhưng tôi bảo:

- Ở ngoài đó mình bao quán thì được vì chiều thứ bảy các anh em người Bắc người ta về gia đình chỉ còn có bọn sanh vô gia cư, tử vô địa tán Nam kỳ mình thôi, cho nên mình làm vậy được, còn ở đây anh em cán bộ và lính toàn là người xa gia đình, mình đóng cửa quán chỗ đâu anh em xổ tình cảm?

- Phải đấy.

D chánh Ba Nhị gật gù. Rồi D trưởng cũng hướng ứng:

- Chú làm vậy lính nó nổi loạn đốt quán đó.

- Ừ thôi được nhưng mình phải keng hai bàn làm một. Tôi mừng ông thầy tôi về xứ. Làm ở đây xong còn kéo về nhà tôi làm tới sáng luôn. Sáng có chụp, chơi một trận có rửa chân lên bàn thờ cũng khoái.

Một cô gái, trạc hai mươi tuổi, bưng ra một mâm bảy tám dĩaa tiết canh, trên mặt mỗi dĩa có lót mấy lát gan và rắc đậu phộng lẫn rau răm rất đúng luật cổ điển. Chín Hung nói:

- Bữa nay ăn quán nên mình uống rượu bằng ly cối nghen thầy. Chốc nữa về nhà mình sẽ uống bằng tô phở xe lửa.

Năm Sơn nói:

- Uống bằng gì thì uống miễn đừng cho chó ăn chè thì thôi.

Chín Hung lắc đầu:

- Anh Năm cho tôi phá kỷ luật một bữa. Lâu quá mới gặp ông thầy. Có cho chó ăn chè cũng không sao, được không anh Năm và anh Ba?

Ba Nhị nói tiếng Bắc pha Nam:

- Chú em cứ dô thả cửa, nhưng cố gắng đem cái cù lự dề cho bà xã nhờ..

- Cái củ tỏi em giắt lưng đây chớ có rớt đi đâu anh Ba!

Màn tiết canh vừa hạ đến màn cháo lòng và lòng heo. Chín Hung vẩy tay:

- Cho thêm rau sống, chuối khế.

Một dĩa lòng vung chùng và bốc hơi như núi lửa được đặt giữa bàn. Rau sống như một ngọn đồi xanh đứng bên cạnh. Một lít đế mới đứng chính giữa như tên lính canh cầu Hiền Lương. Chín Hung khai pháo, rút nút rót một lượt vào các ly đã cạn quá nữa chai, và nâng ly mời theo ngôn ngữ nhà pháo:

- Bữa nay tôi tự phong là khẩu đội trưởng, chỉ huy bắn đìa réc vào mục tiêu tiết canh xin mời thầy, anh Năm, anh Ba và các em các cháu.

Ông cù lự, có tật cà lăm, giơ cao ly rượu, ngó tôi rồi quay mặt giáp vòng, dỏng dạc hô:

- Đạn nổ ngòi tức thì, liều 7, cao thấp 0, độ hướng 0, góc tà 3 không (3-00), góc tầm một năm mươi (l-50). Một phát nạp đạn!

Anh chàng đưa ly cụng vào ly tôi. Tôi quay qua cụng vào ly của Năm Nam Sơn và Ba Nhị.

- Đế độ 90.chữ, bắn.......

Năm Sơn nâng ly cụng với tôi và Ba Nhị. Thanh ôm mặt kêu:

- Mấy ông uống rượu còn hơn Mỹ. Thấy ghê quá hè!..

- Ê ở đây là đâu, có an toàn không Chín Hung?

- Ông thầy khỏi phải lo! Đây là rìa ấp chiến lược. Nhậu xong về nhà tôi ở giữa ấp chiến lược uống cà phê sữa hiệu U Ết A. Trưởng ấp chiến lược là thằng anh cô cậu của vợ tôi có ba xe lam chạy đường Lộc Khê ra Trảng Bàng. Thằng chả khôn thấy mẹ, thằng chả khôn thấy bà..

- Sao vậy?

- Quốc gia thằng chả cũng theo, giải phóng thằng chả cũng chơi, nhưng không ngã hẳn bên nào..Chỉ lo làm giàu. Sắp mua thêm chiếc xe đò, định chạy đường Trảng Bàng đi Hậu Nghĩa. (tức Bào Trai).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx