sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 29: Chuột Mất Hang

Tôi như gã lử khách trong Chuyến Xe Đêm của Pauoutouski. Hạnh phúc cứ đến trước mặt, rơi cả vào trong tay nhưng cứ quay lưng để, có lẽ, cuối cùng hối tiếc.

Vì đường đi mệt nhọc lại uống rượu bằng tô với Chín Hung nên ngủ đến trưa mới trờ dậy. Nhìn thấy bé Thanh đứng bên vách hầm mặt mày bí xị, tôi hôn khẽ trên má nàng và lôi nàng lên mặt đất.

- Em ở lại ráng công tác.

Thanh xì một tiếng rồi bảo:

- Em theo anh được không? Ở đây công tác kỳ cục lắm, em không thích.

- Anh ra đơn vị chiến đấu, làm thế nào em theo được? Cố gắng vô đoàn rồi sẽ tiến bộ.

Thanh bĩu môi:

- Em thèm vào cái đoàn của ông Thái à?

- Sao vậy?

- Ổng thích ai thì kết nạp nấy chứ có tiêu chuẩn gì?

- Em cứ than phiền hoài như vậy làm sao công tác được.

- Em có muốn nhận cái công tác này nữa đâu. Chú em bắt em học nhảy Twist để nhảy với Mỹ.

- Với Mỹ?

- Thì em đã nói với anh rồi mà.

- Không còn công tác nào nữa sao?

- Chú bảo không đứa công tác viên nào chịu nhận nên chú bắt em.

Tôi không biết nói sao vì không phải phạm vi công tác của tôi. Tôi chỉ nói gượng một câu:

- Ráng ít lâu rồi đi Liên Xô.

Lạn đã dắt xe tới. Tôi đưa tay vuốt giọt nước mắt chảy ròng ròng trên má cô bé, không hôn. Rồi lẳng lặng đi theo Lạn. Thanh đi theo tôi ra tận bìa rừng. Tôi lại gượng đùa:

- Thôi vô đi cô công an Hà Nội!

Thanh tới ôm tôi, áp hai gò má non còn thơm mùi sữa vào gương mặt phong trần của tôi mà nức nở. Tôi nghe hết cả ý chí lên đường. Nhưng rồi phải gỡ tay nàng ra như cái máy.

Lạn đã đèo tôi đi. Tai tôi còn nghe phía sau:

- Viết thơ cho em đó!

Tôi vẫy tay đáp lại.

- Ừ!

Nhưng như bao nhiêu lần hứa khác ở buổi biệt ly, tôi chẳng bao giờ viết thư cho Thanh mà cũng chẳng bao giờ gặp lại nàng. Cả một mẩu tin con cũng không có. Thằng Lạn vừa đạp vừa nói:

- Nếu nó là em của em thì em chẳng bao giờ cho nó cái công tác đó. Bố nó chú nó ác quá!t Bẹo dạng với Mỹ, đố khỏi!

Buổi trưa, lộ đá đỏ như một vệt máu đứt, vỡ từng quãng. Mùi hóa học hăng hắc bốc ra từ những cụm tre và cỏ cây cháy ở ven đường. Càng đi về phía Củ Chi càng nghe thấy mùi chết chóc phủ vây. Lạn chỉ tay và bảo:

- Hồi hôm mình ăn cháo lòng trong ven ấp chiến lược đó Còn ở đây là căn cứ D14 của mấy ông Ba Nhị và Năm Sơn.

-Nhà Chín Hung ở đâu?

- Đó! Chỗ ngọn tre cao chót vót. Ở đó ngoài vòng Mỹ rải chất độc.

- Cách nhau có một cánh đồng mà cuộc sống khác hẳn.

- Đi xuống, anh càng thấy khác nữa. Bộ đội toàn ở ngoài rừng. Nhưng cũng không ở trên mặt đất mà ở dưới hang như chuột vậy, khổ lắm anh ơi! Nhiều địa điểm cơ quan, đơn vị bộ đội bị rải chất độc không còn rừng nữa, mà ở phải chạy như chuột mất hang.

Câu nói của Lạn vô tình gợi cho tôi một hình ảnh quen thuộc ở Tháp Mười vào mùa nước nổi. Nước mưa cộng với nước trên Biển Hồ Cao Miên tràn xuống làm cho cánh đồng trở thành một cái biển mênh mông. Chuột, khỉ, rắn trăn bò lên chót ngọn tre để sống. Dân trong vùng cứ việc cầm chĩa ba, tay chống xuồng quanh các lùm bụi, một lúc là đầy xuồng rắn chuột. Mùa này tha hồ ăn chuột rô ti, rắn hổ nấu cháo. Lũ chim trích không có gò đậu, bay một quãng rồi lặn xuống nước cắn gốc năng để khỏi phình lên. Thấy nước sôi tim, người ta chỉ cần thọc tay xuống là nắm cổ lôi lên một trự bỏ vào giỏ. Nhưng bộ đội ở vùng cận Củ Chi này ở trong rừng chồi và rừng cao su không có thú rừng chim chóc đãi ngộ nên phải đi vào xóm mua từng miếng thịt, từng lon muối.

Ăn uống thiếu thốn, lại dang nắng dầm mưa nên bộ đội bệnh hoạn rất nhiều. Có đơn vị ốm đến 30% nhưng khi trả lời cho ông Sáu Vi ở đại hội mừng công, tôi đẫy cây thoa mỡ bò tuốt luốt. Không biết ông có tin tôi hay không. Có lẽ ông cũng không lạ gì tình trạng bộ đội trên đường Trường Sơn. So với ở đây cũng không khác mấy: 100% sốt rét.

Những xóm nhà yên vui trù phú, hồi năm ngoái tôi có dịp đi qua khi về trường, năm nay không còn nữa. Vừa tới đầu xóm cây Da đã thấy một ngôi nhà ngói đổ nát, chỉ còn hai cây cột cháy đen thui như hai cánh tay khổng lồ khẳng khiu của một người bị B52 dập, cố ngoi lên kêu cứu. Bỗng Lạn dừng lại. Tôi vừa chấm chân xuống đất thì nó bảo:

- Anh vịn xe, em lượm cái này.

- Coi chừng bom bi hay máy báo động?

Lạn nhặt ngay một hộp hình hột xoài và nói:

- Đây là thịt heo cửa Mỹ bỏ lại.

- Sao mày biết?

- Vừa rồi nó đổ ngoài Cầu Xe rồi đi vô tận đây. Khi nó rút đi dân ùa tới lượm đồ hộp. Mấy người tới trước quơ được cả bòng.

Lạn đưa hộp thịt cho tôi rồi đạp tiếp. Đây là hộp thịt còn sót lại. Người ta đem bán cho quán. Quán bán lại cho bộ đội.

- Sao mày biết là thịt heo?

- Em ăn hoài mà. Có cà phê, sô-cô-la nữa. Con Thanh nó thích sô-cô-la nhất.

Qua một quãng đồng trống đến một con đường. Lạn bảo:

- Đạp về phía bùng binh sẽ gặp cái quán của du kích có bán trà, thuốc lá và đường.

- Sao không lên đường 15 đạp cho khỏe.

- Hổng được! Ở đó tụi Mỹ hay đổ bộ ban ngày. Trước khi đổ nó dọn bãi bằng pháo bầy. Còn hơn B52 nữa anh ơi. Cho nên em phải đổi đường. Đây là Rừng Cả Chúc nhưng ở ngoài đồng bào gọi là Bùng Binh. Mình đi cặp bìa đồng xóm Ba Cụm để xuống Rừng Tre (Đây là nơi xảy ra tấn bi kịch lớn nhất đời tôi sau Mậu Thân). Qua khỏi Rừng Tre đến Xóm Cỏ Ống. Hồi trước ở dọc bìa Rừng Tre có một xóm nhà ba, bốn chục cái, nay họ đã tản đi hết nhường lại vườn không nhà trống cho các cơ quan quận Trảng Bàng, quân y quận, xã Lộc Hưng, mấy ông Hậu Cần 83, một bộ phận D14 cũng ké vô đây. Từ đây về tới Củ Chi anh không còn gặp người dân nào trên đường đi nữa. Phải tìm kìa mới gặp.

Đạp một chập, Lạn bảo:

- Đây là xóm Rừng Tre nè. (Sau này Rừng Tre trở thành nơi xây ra bi kịch tình yêu lớn nhất đời tôi và sau đó tôi vứt súng về Sài gòn). Mỹ cũng thường đổ ở đây. Bây giờ vùng này nằm trong sự kiểm soát của sư đoàn Nhiệt Đới Mỹ. Trung đoàn 49 của F25 Sài gòn chỉ hành quân dọc Quốc lộ I ở đường số 6, bót Cầu Ván coi như là Tiền đồn của quân Sài gòn, còn dưới đường số 7 là bót Trung Hòa. Anh về dưới đó sẽ đụng hai bót này thường xuyên. Chung quanh đây là vùng oanh kích tự do. Hễ nó thấy bóng người là cứ bắn. Ở đây còn có khi yên tĩnh, chứ lọt qua khỏi suối Lộc Thuận rồi thì bom đạn không ngưng lúc nào hết. Anh về tới Phú Mỹ Hưng, Hố Bò, An Phú, An Nhơn thì đừng có mong ăn no ngủ kỷ như ở trên rừng. Không có phương gì đi chợ ăn cháo lòng uống rượu như đêm qua đâu.

Nghe thằng Lạn kể tôi mới thấy những ngày sống với nàng khu ủy là hạnh phúc và tiếc thầm: phải chi nán lại ít lâu cũng chẳng sao. Tại mình hăng công tác và nóng lòng giải quyết vụ thằng em. Chưa biết kết quả nó sẽ nghe mình hay không nhưng tôi sốt ruột rất muốn gặp nó.

Đạp thêm gần hai tiếng đồng hồ nữa, Lạn ghé lại một cái quán ở ven bờ tre. Mấy con bò nằm nhai cỏ dưới bóng tre bọt mồm trắng xóa. Thằng Lạn giải thích:

- Đây là bò xe gạo của Hậu Cần chớ không phải bò của dân.

- Dân còn dám đánh xe à?

- Ở đây họ ăn giá đặc biệt 1000 đồng một đêm nhưng Hậu Cần vẫn phải trả. Và nếu bò của họ bị nạn thì Hậu Cần phải đền, người bị thương Hậu Cần phải cho vô bệnh viện còn chết thì Hậu Cần phải trả tiền tử tuất.

Lạn đi vô nhà gọi to:

- Chị Tám ơi!

- Ai đó, Lạn hả?

- Em có hộp thịt nè, chị mua hôn?

- Bao nhiêu?

- 100.

- Gì dữ vậy.

- Chị hổng mua em để dành ăn cơm chiều.

- Ừ thôi đưa đây

Xin nước uống xong Lạn lại chở tôi đi. Nó bảo:

- Bả làm bộ vậy chớ bộ đội mua bả chém 200.

Lạn trỏ tay ra trước mặt:

- Đó là xóm Cỏ Ống thuộc xã Lộc Hưng quận Trảng Bàng.

(Đây là quê của Năm Bụng, em của Năm No công trường 9 tôi gặp ở trường trung Trung Sơ. Sau Tết Mậu Thân Năm No sư phó Công trường 9 bỏ về nhà sản xuất, cục R kêu trở lại hạ cấp còn đại đội phó).

Còn đồng ruộng trước mặt chạy thẳng ra ấp Đồng Lớn, bên trái có tre trúc um tùm là Sa Nhỏ thuộc xã Trung Lập quận Củ Chi. Trảng Bàng và Củ Chi được phân ranh bằng con rạch Thai Thai ăn thông ra sông Sài gòn. Ở gần vàm rạch có bến cho dân xuống tàu đi Bình Dương gọi là Bến Dược. Nhưng bây giờ tàu ngưng chạy rồi. Tôi sực nhớ hồi năm ngoái tôi đi với Là ra Bến Dược gặp Tư Thêu ở nhà bà Sáu Tĩnh. Tôi hỏi:

- Ông Bảy Hốt Hậu Cần còn ở đó không?

- Đi qua Thanh An cả rồi. Chỉ còn Tư Thêu lọc cọc đánh xe bò thôi.

Đến đây thì tôi rành đường. Lạn biết vậy nên không thuyết trình nữa. Tôi hỏi Lạn:

- Cái nhà mũ trắng phiếu đâu mất?

- B52 bỏ tan rồi! Hố Bò bây giờ không còn một cọng cỏ.

- Nhà má Hai ra sao?

- Đi qua Thanh An. Chỉ còn có cô xã đội phó ở lại thôi.

- Còn cô Lụa.

- Còn bán tại đó.

- Chồng nó về chưa?

- Về âm phủ thì có.

Tôi lặng thinh. Tình hình thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng xấu. Tôi không có cuỗm cô Dương Quý Phi nào của Thánh Hoàng cả mà vẫn phải bị đày đi trấn nhậm Bình Lư.

Bỗng Lạn dừng lại, đưa tay lêan coi đồng hồ rồi bảo:

- Tới trạm rồi đó anh, mới hai giờ chiều. May quá. Chuyến này trót lọt không sượng khúc nào.

Thấy không có người trong nhà, tôi hỏi:

- Nhà ai mà không có người vậy?

- Anh không nhớ nhà ai à? Hì hì. Anh nhìn không ra cũng phải.

Tôi đưa mắt chung quanh. Đâu có nét nào quen, từ mái nhà đến cây cối chung quanh, tất cả đều xơ xác. Bỗng một em bé gái mặc quần xà lỏn, ở trần từ nhà bên chạy sang, miệng kêu bài hãi:

- Rớt ơi Rớt, có nhà không? Qua tao chơi đánh đũa.

Tôi sực tỉnh giấc Nam Kha. Từ trong nhà một đứa bé gái mặt bầu bầu tóc hớt bom bê bước ra nói:

- Má tao không cho ra khỏi hầm. Giờ này là giờ cao điểm pháo hổng biết hả.

Tôi nghẹn ngào. Có cái gì vướng trong cổ họng, không kêu to được.

-Rớ... ớt!

Con bé nhìn tôi một nhoáng rồi chạy ào ra ôm lấy tôi vừa kêu vừa khóc òa lên.

- Cậu Hai! Cậu Hai!

- Má đâu?

- Hu hu.

- Ngoại đâu?

-.. Hức..hức.

- Dì Út có nhà không?

-...Hu..hu..

-Ba về chưa?

- Hụ hụ...hụ!

Bé rớt khóc càng lúc càng to. Nước mắt tôi cũng tuôn xối xả lên mái tóc của bé. Ôi chiến tranh. Giải phóng giải nghĩa gì, hãy dẹp ngay đi. Mi đã cướp của đứa bé bao nhiêu tình thương. Tình cha!

Bé Rớt ngước lên, quệt ngang mặt rồi nhìn tôi bằng cặp mắt trách móc:

- Cậu đi đâu lâu dữ vậy?

- Ừ cậu đi công tác.

- Công tác gì mà không về. Má, ngoại, dì Út nhắc cậu hoài.

Tôi bế nhấc nó lên. Con bé có lớn chút ít nhưng già đi nhiều. Tôi ôm bé vào nhà. Tất cả bên trong đều thảm não. Bàn ghế ván giường đều mang vết cháy. Thúng mủng lọ hũ vứt tùm lum trên ván dưới đất. Mấy đứa bé khác chạy tới.

Tôi đặt bé Rớt xuống đất và hỏi:

- Mấy cháu làm gì tới đông vậy?

Một đứa đáp:

- Đánh búng ăn hột ô môi.

Thằng Lạn đem giỏ thịt heo treo ở sau bếp. (Đêm qua tôi mua nhiều cho Nam một ít còn lại mang theo vì tôi dự định sẽ ăn cơm nhà Lụa). Lần quay trở ra, tôi móc túi đưa cho nó một trăm:

- Em cầm lấy mua bánh đắp đầu gối để có sức mà đạp.

- Để anh xài.

- Anh có cái khác.

Lạn cảm động:

- Em bán được hộp thịt tiêu cũng được vài chuyến.

- Thôi em đi đi để trễ.

- Em phải ra Bàu Đưng, xắt qua Rừng Làng tới Sở Đất Thịt băng ra lộ 7 vô gót Chàng để đưa công văn cho ông Chín Lộc. Hổng biết ổng còn đóng đó hay dông rồi!

Lạn thót lên yên xe đạp chạy bay. Tôi ngó theo mút mắt. Đang học, bị kêu ra đi Liên Xô rồi bây giờ thế đó.

Tôi quay vào hỏi Rớt:

- Hổm rày cháu có xuống nhà ngoại không?

- Bom bỏ tanh bành rồi, đâu còn mà xuống.

- Rồi ngoại ở đâu?

- Ngoại qua bên bà Ba ở Thanh An.

- Dì Út đâu?

- Dì Út đi công tác với ông Tư Khiên

- Tư Khiên nào?

- Cái ông đi với cậu lên nhà ngoại hồi nẵm đó.

- À ông Tư Thiên.

Con bé nói đớt chợ Thủ ra chợ Khủ, thịt heo ra khịt heo.

- Hội nghị mấy bữa chưa về.

- Má cháu đi đâu?

- Má đi lên nhà ngoại bứng rau về trồng để ở trển không ai tưới khô hết.

- Nhà ai bên cạnh đó Rớt?

- Nhà ông Tư Kiên, nhà ông Bảy Xe đánh xe bò, nhà cô Tám Phẻ má con nhỏ này.

- Hồi trước cậu đâu có thấy.

- Họ mới dời về ở gần đặng có ai bị thương tương trợ nhau.

Tôi suýt bật cười khi nghe miệng đứa con nít nói danh từ, Rớt tiếp:

- Bom bỏ, cà nông dập, ông Bảy nghỉ xe bò, đi làm lò đường, lò đường bị bom sập, bây giờ ổng đi chạy ghe máy ở dưới sông. Nhà ổng có mấy người quân y ở trong đó, nhưng chỉ nhờ chỗ nấu cơm thôi, còn ban ngày thì ra hầm ngoài rừng.

- Sao phải ở hầm?

- Pháo nó dập hoài hoài mà! Còn máy bay nữa. Cá rô nó rỉa rát lắm.

- Gạo còn không? Cậu đi nấu cơm.

- Còn ở trong khạp dưới hầm.

Tôi chú ý thấy cái hầm kiên cố hơn trước nhiều.

- Nhà bị cháy hồi nào vậy?

- Hồi cậu đi một tháng rưởi.

- Má và cháu chạy đâu?

- Ở trên ngoại, nếu không chết rồi. Nhờ mấy người khách chữa lửa nếu không cháy rụi rồi.

Tôi chui xuống hầm quơ tìm hũ gạo, hốt vài lon rồi chui lên đem ra sau giếng múc nước vo. Cái gàu vẫn còn nguyên. Chỉ có giàn mướp thì đã biến mất.

Con Rớt nói:

- Cậu nấu cơm đi, con canh đầm già cho.

- Đầm già tới thường lắm à?

- Hễ nó thấy là thụt gốc kết liền. Lò đường bị hai trái gốc kết mà cháy tiêu chớ đâu phải bom.

Con Lượm bạn Rớt cãi lại:

- Đầm già thụt gốc kết rồi phản lực mới bỏ bom.

- Ừ, ừ phản lực bỏ bom tiếp theo.

Tôi bảo:

- Ở gần đây có sả không, kiếm xin cho cậu vài tép.

Con Lượm xung phong đi ngay. Một chốc nghe tiếng chân bên ngoài. Tôi ngó ra thấy một người đàn bà trung niên, nước da bánh ếch, mặc đồ bà ba bạc màu. Chị bước vô cửa sau bếp, tôi chưa kịp hỏi thì chị đã lên tiếng trước:

- Cậu Hai con Rớt đây hả? Dữ ác hôn. Nghe nói một năm rồi, nay mới biết mặt. Định xắt sả ướp thịt hả em. Đưa đây chị làm cho. Chị là Tám Khỏe nè. Năm ngoái em nhờ móc gia đình mà hai đứa nhỏ đau, ba nó đi dân công, chị đâu có đi được.

- Anh Tám về chưa chị.

- Ảnh đi một lượt với ba con Rớt, tới nay đâu có tin tức.

- Rồi chị làm sao nuôi mấy đứa nhỏ?

- Vùng này ai đi chuyến đó đều không có về hết chú ạ!

Tôi muốn trấn an chị, nói:

- Hổng chừng thấy ảnh công tác tích cực, ở trên đề bạt làm cán bộ trung đội đại đội. Đến chừng ảnh về mang K54 chị nhìn không ra đó!

Chị Tám gạt ngang:

- Cán mùa thu về đây còn coi bò kia kìa. Ở đó mà mang K54. Mà dầu có mang K54 K55 chị cũng không có ham. Chị muốn ảnh về làm nuôi sắp nhỏ thôi. Ví lại chị cũng không mong gì ảnh làm cán bộ. Chỉ ít lâu là rửa cẳng lên bàn thờ thôi. Ở vùng này thiếu gì. Vợ chồng mới cưới nhau, rồi bà vợ trở thành đàn bà góa, nhiều đứa nhỏ sanh ra không biết mặt cha. Tiểu đoàn pháo của ông Hai Giả đánh mấy trận ở đường số 1, trận nào cũng bỏ xác không lấy về được.

Chị Tám như xúc động can tràng xổ một hơi:

- Hồi đó hội mẹ còn hoạt động, còn tổ chức đám ma chôn cất tử tế. Có bà mẹ đem gà ra cúng mở cửa mã. Bây giờ mẹ chạy hết, con chết hổng biết có chiếu mà quấn thân hay không?

Ngừng một chút, chị hỏi:

- Cậu về đây công tác một thời gian hay ở luôn dưới này?

- Dạ ở luôn! Chắc rồi cũng bỏ xác ở Củ Chi thôi chị Tám ạ!

- Cậu đừng nói vậy không nên! Cậu đi xông pha khói lửa mấy chục năm mà không hề hấn gì, mạng cậu ắt phải lớn lắm.

- Chị biết coi tướng nữa à?

- Không! Nhưng chị thấy cậu có cái gì khác khác người thường mà chị không nói ra được. Mấy đứa nhỏ mới gặp cậu lần đầu mà cũng kêu cậu là cậu Hai ngọt như con Rớt.

Chị nhìn tôi cười cười:

- Chị thấy cậu với con nhỏ xứng lắm. Sao cậu không tấn tới đi. Cậu mà nói một tiếng là má Hai ừ liền.

- Bận công tác quá chị Tám ơi!

- Công thì công cũng phải có tư chớ. Nhiều ông một chân công tác, một chân lo gia đình. Chờ cho chiến tranh chấm dứt thì biết đời nào. Coi được thì làm luôn đi, để lâu nó nguội. Dì Út con Rớt chữ nghĩa không bao nhiêu nhưng nó giỏi dang. Việc nước việc nhà đều làm rành hết.

Bỗng mấy đứa nhỏ kêu rầm lên:

- Má con Rớt về kìa? Má con Rớt...!

Lụa đi tới, nạt:

- La um không để nghe tiếng pháo đề-pa!

Lụa bước vô nhà sửng sốt nhìn tôi hồi lâu mới bật lên tiếng.

- Anh Hai! Anh dìa hồi nào vậy?

Chị Tám cười:

- Cẩu mới dìa chớ dìa hôm qua được hay sao?

- Chời ơi! em thiệt không ngờ.

- Anh cũng không ngờ.

- Hèn chi gặp chú Lạn, chú biểu em đi riết về, có người lạ tới nhà. Em tưởng là ba con Rớt chớ!

Nói xong nàng quay ra sịt mũi.

- Thôi đừng có khóc ăn thịt không ngon.

- Thịt mua ở đâu mà anh mua nhiều vậy anh Hai.

- Anh mua ở Trảng Cỏ tối hôm qua. Ở đó có chợ chồm hỗm vui lắm.

- Dưới này bây giờ hột muối cũng khó mua anh ơi, nói chi thịt. Anh chưa móc gia đình được, tiền đâu mà mua đủ thứ vậy?

- Bạn bè của anh ở khắp miền Bấc vô tới miền Nam.

Tôi đưa tay lên:

- Có đứa còn cho anh cả đồng hồ nữa đây!

Lụa nói:

- Mấy người đi với anh đã về dưới này cả tháng rồi. Má hỏi thăm anh. Họ nói anh sẽ về sau. Em nghe nói anh đi đại hội nhận huân chương. Sao không ở trển luôn. Về dưới này chi cho cực khổ. Nhà tan hoang hết rồi. Má sém chút nữa...

Lụa rơm rớm nước mắt rồi nghẹn ngang.

Chị Tám la lên:

- Đọ đọ! Anh Hai em về, không có được mít rệu nghe hôn?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx