sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 30: Chủ Tịch Tỉnh Bến Tre Mười Năm Kháng Chiến - Ông Đốc Huệ Giồng Trôm Tức Ông Nguyễn Văn Huệ, Ra Bắc Được Bác Hồ " Ưu Đãi " Như Thế Nào?

Lụa bảo tôi xuống hầm ngủ cho khỏe rồi thức dậy lên ăn cơm chiều. Con Rớt thì canh chừng đầm già ở phía sông Sàígòn, con Lượm lắng tai nghe tiếng đề-pa của pháo. Hễ nghe động thì la lên cho ai nấy chui xuống hầm, còn chị Tám và Lụa mắc làm bếp, chặt thịt nấu cơm có khi không để ý, đến chừng có việc thì không chui kịp. Tôi ngoan ngoãn vâng theo lời cô em gái xuống hầm. So với cái hầm năm ngoái thì bây giờ khác xa. Kiến trúc mới hoàn toàn. Trước nhất là sự kiên cố, vách đất bốn bên dày hai thước nóc hầm dầy một thước rưỡi. Ngoài lớp đất còn có gạch đá chất lên trên. Tôi lấy đèn pin soi thì thấy những cây cột in như cột nhà. Những cây đà ngang là kèo nhà. Tôi hỏi Lụa cây gỗ ở đâu, Lụa bảo lấy trên ngôi nhà lớn của má sau khi bị bom.

Một đời người đổ mồ hôi nước mắt mới làm nổi cái nhà phút chốc tan ra tro bụi. Đó là do sự tài khôn của lão Hồ: giải phóng miền Nam. Miền Nam nào cần giải phóng. Chính miền Bắc phải được giải phóng mới đúng ý nguyện người dân.

Tôi thấy những tấm liễng chữ vàng khắc trên sơn mài đen cháy dở lót dưới sàn hầm mà rơi nước mắt. Những gì cao quý nhất trên bàn thờ đã rơi xuống chân. Là do cái chủ trương khốn nạn giải phóng miền Nam của già Hồ tàn ác.

Hầm gồm có lòng hầm chính và nhiều ngách như bàn tay xoè, mỗi ngách có thể đủ cho một người lớn nằm thẳng chân ngủ. Ngoài ra lại còn mấy cái lỗ thông hơi như hầm bí mật, ăn ra ngoài cho gió thổi vào làm cho hầm thoáng khí. Nhưng quan trọng hơn cả lỗ thông hơi là lỗ thoát thân. Đây là một loại hang chuột trổ miệng ra vườn đề phòng khi cháy nhà thì cả nhà luồn ra. Thời buổi này Hồ Chí Minh đã tặng cho mảnh đất Củ Chi danh hiệu Đất Thép Thành Đồng để biến dân Củ Chi thành loài chuột, sống chui rúc và chết quay như chuột.

Nói chung xây cái hầm công lao không kém cất một cái nhà. Tôi nằm trên giường ở giữa lòng hầm. Nghe mùi tóc và hơi hám đàn bà mà khó ngủ chăng? Không! Tôi không thiếu cái hương vị đó. Nàng khu ủy còn để lại trên tôi bao dấu vết. Cô bé quân báo vừa tưới nước mắt lên mặt tôi... Tôi không ngủ được là vì thằng Chín Hung. Gặp lại nó bất ngờ vui quá là vui. Chưa bao giờ tôi vui đến thế. Nhưng sau cơn vui về nằm trong chiến hào của trạm giao liên, nửa tỉnh nửa say, tôi nhớ nó và nhớ bác nó là ông Mười Huệ. Phải, nếu không gặp Chín Hung thì có lẽ tôi đã quên mất rằng trong đời tôi có một ông già mà tôi coi như một cụ Hồ thứ hai trong đời niên thiếu nồng nhiệt yếu nước của tôi.

Hồ ơi! Nay mi đã chết rồi nhưng tội mi đâu đã trả xong. Tao phải vạch ra, chỉ riêng với dân Nam kỳ thôi, tội mày cũng không xe tàu nào chở hết. Dân Nam Kỳ vì mê say yêu nước mà đã bị mày lợi dụng mà trải mật phơi gan trong chín năm trời chống Pháp. Khi tập kết ra Bắc dân Nam kỳ mới trông rõ bộ mặt lưu manh của Bác Hồ. Những tên chủ tịch Bắc kỳ thì mũ cao áo rộng còn những ông chủ tịch tỉnh ở Nam Bộ ra Bắc bị mày quên một cách êm ái. Tỉnh ủy Bắc kỳ thì vô trung ương ở nhà lầu đi xe Volga đớp vợ bé. Tỉnh ủy Nam kỳ ra Bắc đi cạo muối và ngủ garage. Chức tước ban cho dân Nam kỳ quăng cho chó đói cũng không thèm gặm.

Điển hình nhất là ông Đốc Huệ và ông Đốc Thỉnh của tỉnh Bến Tre. Một học giả uyên thâm có bằng cử nhân Văn chương Pháp thời Pháp thuộc có được mấy người. Nếu ở lại với Pháp thì ông đã vinh thân phì da vào hạng nhất Nam kỳ, nhưng ông đã đem cả gia đình đi kháng chiến. Ra Bắc về Nam hai lần. Khi hiệp ước Hòa Bình 54 được ký kết ông Thỉnh bị bỏ quên. May sao một tên nào đó nhắc nhở Hồ chủ tiệm. Chủ Tiệm Hồ bèn ban cho ông một cái chức vô cùng cao cả: Giám Đốc Thư Viện ủy Ban Khoa học nhà nước. Cái thư viện này có chừng chục rưỡi quyển sách Liên Xô mà khách đọc duy nhất là ông Giám đốc. Hại thay ông giám đốc không biết tiếng Liên Xô! Tôi đã viết chuyện này ở một chương trước nhưng cũng xin nhắc lại vài dòng.

Riêng ông Mười Huệ chủ tịch tỉnh Bến Tre chín năm liền, ra bắc được phong cho chức Thư ký của Hội Việt Pháp Hữu Nghị ở đường Lý Thường Kiệt và được cho ở trong một cái garage tồi tàn dột nát đầy sách nát của Tây vứt lại trước khi chúng chuồn. Ông Mười có bệnh cánh tay phái, không được săn sóc, không có cả bếp để nấu cơm phải đi ăn vất vưởng ở hợp tác xã bữa có bữa không hoặc bằng những ổ bánh mì nguội nài nỉ mua bằng những hào bạc hiếm hoi còn sót lại của tháng lương chết đói. Ngồi viết những dòng này tôi còn trông thấy ông trên những nẻo đường kháng chiến của Ba Tri, Giồng Trôm, Tán Kế mà tôi kính yêu như một thần tượng. Ôi kháng chiến mà chi. Anh dũng mà chi. Thành Đồng Đất Thép để làm gì? Tất cả đều đút vào mồm con sói mặt đỏ Bắc kỳ tên là Hồ Chí Minh thôi. Một tên sát nhân, một thằng bịp lớn nhất lịch sử Việt Nam.

Tôi trăn trở không sao ngủ được với những kỷ niệm đau thương của các nông trường Xuân Mai, Lam Sơn với hằng vạn lính Nam kỳ nai lưng khổ sai mà gọi là xây dựng nông trường, những nông trường trong vòng tám năm không trồng được một cây lúa. Những người lính đó mang thương tật đầy mình sống lây lất trong rừng núi suýt biến thành dã thú nhưng khi cần lót đường xâm lăng thì hắn lại đem họ ra làm gạch sỏi trải trên Trường Sơn. Bây giờ về đây họ làm gì? Vẫn phơi gan trải mật cho cái gọi là trung ương đảng, để sau này khi chiến thắng xong, lại cũng Bắc kỳ ngồi chiếu nhất còn dân Nam kỳ đứng chầu rìa y như hồi 1954 (mà quả thật vậy, sự tiên đoán của tôi có sai đâu). Hiện giờ cái Mặt Trận Giải Phóng chỉ là một trò hề. Nguyễn Hữu Thọ tên luật sư gà mờ được treo hình ngang với Hồ Chí Minh ở nhà hát lớn Hà Nội thì thích lắm, tướng mình là lãnh tụ thứ thiệt, có ngờ đâu đó là trò bịp của lão Hồ. Chiến tranh xong rồi, Thọ sẽ lãnh mang chiếu rách vác đi Cần Thơ lãnh cái án xưa. Bọn tướng tá mặt đỏ Bắc kỳ đã vô nắm hết Bộ chỉ huy R. Trần Độ, Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, rồi Nguyễn Chí Thanh. Quân Hà Nội ồ ạt tiến vào mở đường cho bọn triều đình Hà Nội tiến vào. Tôi nữa, tôi cũng là một con vật bị hi sinh cho cái tham vọng vô cùng đó. Từ R về đây, tôi thấy khắp nơi, cơ quan, đơn vị nào cũng do Bắc kỳ nắm giữ. Tôi không hài lòng, nhưng không làm gì được. Như hột lúa bị đổ vào cối xay, chờ lọt xuống răng cói để bị nghiền ra đem nấu tấm heo hay nấu cơm tùy theo hạt gạo nát hay còn nguyên. Phải được thế thì còn may. Dân Nam kỳ chỉ là võ trấu. Trong lòng mỗi tên cán bộ hoặc một tên lính Nam kỳ đều mang một cái bi kịch, mà màn cuối chỉ chấm dứt khi nào tụi mặt đỏ Bắc kỳ không có trên đất Nam kỳ.

Đang lơ mơ suy nghĩ bỗng nghe trên nhà có tiếng rổn rảng và tiếng trả lời của Lụa:

-Thầy Hai đâu rồi?

- Ảnh ngủ dưới hầm.

- Bị mặt trời đè chớ ngủ gì giác này.

- Ảnh mới về tới để ảnh ngủ chút..

- Ngủ mấy chục năm rồi hổng đã hay sao?

Tôi ngồi bật dậy, dụi mắt nhìn ra cửa hầm thì thấy mấy bàn chân trắng phau trên dép cao su và một ống chân đen thui. Tôi bò ra hỏi:

- Ai đó?

- À thầy Hai hả. Tư Thêu đây. Nghe thầy về tôi đem hai mỹ nữ tới ra mắt.

-Đồ quỉ, nói bậy không hè.

Tôi chui lên thì quả tình, có hai mỹ nữ thật. Một nàng chừng hai mươi, một nàng độ mười bảy đang đứng ké né bên gốc cột. Tư Thêu nói:

- Kìa ổng đó, coi mặt đi, để lâu nay ấm ức.

Hai nàng không mắc cỡ nhìn thẳng vào tôi. Tư Thêu bảo:

- Ổng là thầy đó. Mùa thu nhưng còn ô-rin chưa có xệu xạo cu-lát như tôi. Xin giới thiệu với thày Hai đây là hai cô Nguyệt Nga cống Hồ. Cô lớn tên Nga, cô nhỏ cũng Nga. Ông thầy nhìn cho kỹ kẻo lộn.

Tôi hôi Tư Thêu:

- Ông nghe ai nói tôi về đây vậy?

Tư Thêu múa tay quơ chân.

- Ối! Ai cũng nói hết. Nam phụ lão ấu hay chim cò đều biết, hổng chừng Đồng Dù cũng rõ, nó sẽ đốt pháo ăn mừng.

- Ông ngồi chơi chút nữa ăn cơm với tôi. Tôi về đây chuyến này ở luôn Củ Chi.

- Ối trời vậy thì còn gì bằng.

- Ông còn công tác cũ không?

- Đổi rồi. Hồi trước chăn hai con bò, bây giờ bốn con. Hồi trước cỏ còn đầy đồng không phải đi cắt, bây giờ chất độc bỏ tràn lan, bò không còn cỏ ăn, tôi phải đi cắt từng bó, bữa nay đi qua lò rèn lấy cái lưỡi hái đặt hôm trước về cắt cỏ gặp má con con Rớt đi lên Hố Bò. Con Rớt nó thèo lẻo khoe cậu Hai nó về. Do đó lấy cặp lưỡi hái xong rồi quẹo xuống đây.

Tư Thêu bô bô cái miệng:

- Sao, bắt tay đại tướng có khoái không?

- Cũng thường thôi.

- Bà Phó chủ tịch hun có rủn chí tơ lòng không?

- Ở dưới này cũng biết chuyện đó nữa à?

- Biết ráo nạo ông thầy ơi! Cóc nhái ểnh ương nó kêu oang oang chỗ nào không tới. Rồi còn bảy con nhền nhện bao vây ông thầy nữa. Dũng sĩ xứ Củ Chi này bất mãn thầy lắm đó. Cây nhà lá vườn đem đi cho người khác vậy không tức sao được. Rồi cái huân chương đâu?

- Lãnh dùm người ta cho bộ của tôi sao?

- To bằng cái miệng tô không.

- Bằng cái bánh xe bò của ông vậy!

- Rồi chừng nào làm Phò mã? Nghe nói ông chịu miệng với công chúa rồi mà!

- Ai đồn ác vậy cha?

- Ra-dô sáu đèn phát tin tùm lum hết còn chối nỗi gì, phen này ông về đây là nữ dũng sĩ Củ Chi xẻo thịt, không mong gì thoát lên trên đó nữa đâu.

Tôi ngơ ngác nhìn Lụa như muốn hỏi: Tại sao có những tin đó? Lụa đáp ngay:

- Ông sáu Lực, ông Ba Tân nói chớ ai.

- Sáu Lực Ba Tân nào?

- Mấy ông đó không có đi chung với anh, nhưng ở chung với ông Tám Tiến và Thu Mai. Ông Tám Tiến là người có vợ Rạch Bà gì gần Thái Bình đó, phải không?

- À đúng rồi! Hèn chi chuyện trên R của tôi, tôi chưa về dưới này mà bà con biết hết.

- Ông Sáu Lực nói còn có cô học sinh gì đi theo anh một khúc xa nữa kìa.

Tôi sực nhớ Thanh Tuyền theo tôi tới trạm 66. Tôi đáp:

- Đó là chuyện trong cơ quan R, chớ đâu có...

- Không, nó theo anh hai ba trạm kia mà.

- À, Huỳnh Mai,... nó đi đánh máy cho Ban chỉnh huấn ở trường Trung Sơ.

- Huỳnh Mai Huỳnh Mốt gì hổng biết nhưng mà có thiệt chớ không ai đặt chuyện.

Bỗng có tiếng ngoài sân:

- Bộ mấy người là công an hay sao mà tra hạch thầy Hai dữ vậy?

Tôi ngó ra hỏi.

- Ai đó?

Tư Thêu kêu lên.

- Ông bác sĩ! Vô đây làm chứng. Bữa đó Sáu Lực kể chuyện trên R có ông nghe nữa phải không.

Cô Nga lớn lên tiếng:

- Em có nghe với chú Tư.

- Vậy sao nãy giờ không lên tiếng dùm chút cô nương?

Bác sĩ Tư Chuyền chừng bốn mươi tuổi, làm xếp C5 tức quân y của Hậu Cần Quân Khu, cũng là dân đằng mình và đệ tử là Bảy Phúc còn trẻ, vào nhà. Tư Chuyền nói:

- Tôi nghe tiếng ông thầy pháo đã lâu, nay nghe ông về tôi tới chơi và đặt cọc trước một chuyện. Đó là cái tăng, hoặc cái dù Mỹ để giăng trên nóc hầm che bụi bặm. Tôi đã xin Hậu Cần khu từ hồi cái C5 này mới thành lập, bây giờ nó sắp giải tán rồi mà cũng chưa có.

Tư Thêu hỏi:

- Bộ tinh giải tán hả ông bác sĩ?

- Mổ xẻ cưa tay chân không có thuốc mê thuốc tê, vết thương thường cũng không có thuốc, nhẹ thành nặng, có ngày thương binh nó đập tét nước, không giải tán thì để làm gì.

- Rồi thầy Hai có dù đâu mà cho ông?

- Thế nào ổng cũng chỉ huy đơn vị chiến đấu, nên tôi bỏ hàng rào thưa trước.

Tôi lấy trà thuốc bày ra mời khách. Một cái xe đạp rẽ vào sân, một ông mang kiếng đen phóng xe thẳng vào cửa:

- Làm gì mà giống đám cưới vầy nè hả?

Rồi quay sang tôi anh chàng cúi mọp.

- Hạ thần xin nhận tội muôn chết. Nghe bệ hạ giá lâm mà đến trễ không kịp tiếp nghinh.

Tư Thêu khoát tay:

- Làm trạm trưởng mà bỏ khách bơ vơ là đáng móc mắt đui luôn. Nhưng tôi chỉ phạt xuống bếp nấu nước uống trà.

Trạm trưởng Một Sơn nghênh mặt:

- Còn chăn bò mà để bò bị máy bay bắn thì tội gì.

Tư Thêu đưa tay tự cứa cổ.

-Chém ngang đầu... ngang đầu!

Bác sĩ Chuyền cãi lại:

- Máy bay bắn cả bầy mà chết có một con là phải phục tài thằng chăn bò chớ sau lại đòi chém, phải không Tư Thêu?

Chị Tám ở dưới bếp đang xào nấu nói vọng lên:

- Hơn nữa cả xóm Dược xóm Hố Bò có thịt ăn khỏi phải ăn thịt chuột là nhờ Tư Thêu.

Một tiếng nói từ ngoài sân vọng vào.

- Nói cái kiểu đó, nay mai nó kêu máy bay tới làm một con nữa đó!

Mọi người nhìn ra. Đó là chú Tư Khiên. Lụa nói ngay:

- Con Là đi hội nghị với chú, nó chưa về à chú?

- Nó còn ghé bắt mấy đứa du kích đi đào hầm đào hố gì đó. Tao mới về, tao nghe rần rần bên này, tao qua coi có chuyện gì không?

Tư Chuyền nói:

- Bữa nay coi mòi Hòa Bình chú Tư ạ, cho tụi này hát bội một bữa được không?

- Hát tuồng gì đó thì hát, nhưng liệu cái hầm của con Lụa có chứa đủ bấy nhiêu người đây không? Để rồi khi nó thụt thì chạy tán loạn như chuột mất hang.

Tư Thêu nói.

- Chật chật thì đủ mà chú Tư.

Lụa nói:

- Hầm của cháu mới đào thêm hai ngách.

Tư Chuyền bảo:

- Nếu là đàn ông thì rộng, ngặt có đàn bà con gái xen vô thì chật.

Vừa đến đó thì con Lượm ngoài góc nhà la lên:

- Má ơi má!

Chị Tám quát:

- Máy bay tới thì đi vô, la cái gì?

- Không phải đầm già mà vịt bầu.

- Tưởng đầm già thì sợ còn vịt bầu không lo.

- Vịt bầu ở đâu?

Vài ba người ló đầu ra cửa ngóng. Một đàn máy bay giăng hàng xa xa phía bên kia bờ sông Sài gòn.

Tôi hỏi chú Tư Thiên:

- Nó đi về hướng An Thành phải không chú Tư?

- Phải đó! Bên này nó làm sạch bờ sông rồi. Bây giờ nó rắc qua bên kia! Phải nó lại gần đây chú coi. Mình mẩy nó sơn rằn ri giống như tụi thủy quân lục chiến hoặc Trâu Điên Sài gòn. Nó bay rà ngọn cây phun chất độc như mưa trắng xóa. Chỉ vài tiếng đồng hồ thì đu đủ, sầu riêng, mít, dừa, cụp ngọn còn tre trúc thì hai, ba ngày mới xụ đọt.

Tư Thêu ré lên cười:

- Chú Tư nói gì vậy? Xụ đọt là nghĩa gì?

-Tầm bậy! Cái thằng chăn bò. Thứ thuốc này độc thiệt. Nó đi qua một phát là lá cây rụng sạch. Nó đi lại phát nữa là cây cối cháy đen. Cá rô rỉa qua cơn rồi mình ngóc dậy ngay, nhưng vịt bầu ỉa thì mạt đầu luôn. Vườn thì trụi còn ruộng thì hết cấy lúa được.

- Sao gọi nó là vịt bầu, chú Tư.

- Kìa nhìn coi, nó giống con vịt mập, cái đít no tròn.

- Nó bay thấp vậy sao không cho du kích khìa nó?

- Có mần thử rồi, nhưng lườn nó có bọc thép. Trúng đạn chỉ nháng lửa thôi. Chọc nó giận nó càng ỉa cục to chết mình chớ ích chi! Bây giờ mấy ông mình lòi lưng hết ráo, không có chỗ ở, cứ chạy đầu này trú ba ngày, lủi đầu kia ngụ bốn bữa, vất vả lắm. Nhiều nơi nó còn chơi ác, rải chất độc xong vài ngày, nó ném bom xăng đặc cháy rụi hết rừng. Cắc ké kỳ nhông cũng không còn sống sót...

Chú Tư nói luôn:

- Trên bờ đã vậy, dưới sông chúng cũng làm lung. Tàu Dầu Tiếng đi Bình Dương ngưng chạy rồi. Bây giờ trên sông chỉ còn Giang Thuyền. Vừa rồi mấy ổng đem DKZ ra bắn cháy một chiếc. Chỉ năm phút sau cá nhái tới cả bầy. Nó bắn nát không còn một ngọn cỏ xong rồi nó cho phản lực tới dện bom. Bom xong rải chất độc. Cái thằng Mỹ này đã đánh là đánh nhẹp không có đánh nữa chừng.

Ông bác sĩ Tư Chuyền xua tay:

- Thôi đừng nói nữa ông thầy pháo bi quan. Bây giờ mình bàn xem hát tuồng gì đêm nay. Lâu lắm mới được một buổi chiều bình yên như thế này, mình không nên bỏ qua.

Chị Tám vọt miệng đáp ngay:

- Cậu Hai có đem về mấy kí lô thịt và sườn heo đây. Mình có gì đóng góp vô. Tôi còn mấy con chuột ướp sả, để tôi biểu con Lượm về đem qua.

Bảy Phúc tiếp:

- Trong quân y tụi tôi có một lồng chuột chưa xài, Nga! Em về xách đem qua đây.

- Em ghê chuột lắm? Em không đi đâu!

- Rô ti nước dừa rồi có ghê không?

Lụa trỏ ở góc bếp:

- Tôi vừa bẻ mấy trái dừa nạo về kia kìa!

Tư Thêu phản đối:

- Chuột rô ti ăn không đủ đâu. Tôi đề nghị xào lá cách xúc bánh tráng, ông bác sĩ nghĩ sao?

Tư Chuyền ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Món nào cũng ngon cả, nhưng tôi ngại nhất là ba cái thịt chuột. Bởi vậy nên gài được cả mấy chục con mà tôi còn để đó chưa cho xử trảm.

Tư Thêu nói.

- Tụi tôi không có ngại gì hết. Bữa nào mua không được tương chao thì gặp thịt cóc cũng quơ, thịt chuột tôi cũng nuốt. Mấy lúc gần đây vườn bị hóa học, chuột chạy hết ra ruộng nên dễ gài vô cùng. Có bữa tôi chỉ gài một lồng thôi mà bắt được hai chục con.

Bảy Phúc cười:

- Anh gài có một gì?

-Một lồng chớ một gì!

Bác sĩ Chuyền nói một hơi.

- Cái lồng của ổng là lồng có giê, không phải lồng không giê đâu chú em ơi! Cái lồng không giê của ông ấy đặt ở bên Thanh An kìa, lâu lâu chuột nhà lội qua sông Sài gòn mới về một chuyến. Chú em hiểu không?

Hai cô Nga đỏ mặt nhìn nhau. Chị Tám ở dưới bếp nói vọng lên:

- Lồng gài chuột là lồng kẻm chớ lồng có dê lồng không dê là lồng gì? Dê ai nuôi trong lồng?

Bảy Phúc cà khịa.

- Có chớ chị Tám! Lồng có hai thứ, một thứ có giê còn một thứ không giê. Thứ có giê để dành gài chuột còn không giê để dành gài người ta.

- Người ta ai mà chui vô lồng?

Lụa trừng mắt:

- Họ nói trây với nhau hơi nào chị cãi!

Bác sĩ Chuyền trở lại chuyện thịt chuột:

- Tôi ngại ba con chuột ăn cỏ bị chất hóa học. Mình ăn thịt nó vô không biết có hại gì không? Trước nhất nó là chất độc. Chất độc thì làm hại bất cứ loại sinh vật nào. Tôi sợ rằng mình xài nước sông Sài gòn cũng có hại, những cái giếng ở vùng này phải làm nắp đậy. Hoặc tốt nhất là đào giếng mới. Nhưng không có nhân công!

Chú Tư Thiên nói:

- Vậy thì mình ăn cái gì bây giờ? Rau cỏ, nước nôi, gà heo có thứ gì không bị nhiễm chất độc đâu! Ngay như mình mình cũng hít chất độc vô phổi hàng ngày mà!

Một Sơn nảy giờ thủ khẩu như bình bây giờ mới lên tiếng:

- Cứ quất bà nó hết thôi. Nếu cứ nghe lời ông bác sĩ thì chỗ nào cũng có vi trùng, mình không dám ăn món gì hết ráo thì làm sao mà sống? Cắn một miếng đùi chuột, nốc một hớp đế, mẹ hóa học cũng tiêu, sợ gì. Tôi đề nghị một nửa rô ti, một nửa xào lá cách xúc bánh tráng, còn mấy con ướp sả của chị Tám thì nướng lửa than.

Tư Xẹ xuất hiện thiệt đúng lúc. Chú bước vô và nói ngay:

- Cây cách đằng tôi nhiều lá lắm. Chắc chưa bị hóa học đụng tới. Để tôi về hái và đem ơ cá tra kho qua đóng góp.

Chú Tư Thiên nói.

- Ý cha cha! Ba con cá tra ở dưới vũng ăn chất hóa học của anh còn ác hơn hóa học của Mỹ nữa đó.

Chập sau, Tự Xe bưng nồi cá kho qua. Chị Tám lấy đũa trở qua trở lại mấy khứa cá úc núc, lườn cá béo ngậy rồi nói:

- Cá này là cá câu ở sông Sài gòn không phải cá trong ao - Bỗng chị kêu lên - Còn cá này là cá gì hả chú Tư.

- Cá tra tôi mua ngoài sông chớ cá gì.

Chị Tám gắp một miếng đen sì, cong cong dẹp dẹp giơ lên. Chú Tư nghiêng qua nghiêng lại nhìn rồi đưa tay cầm lấy, kêu lên:

- Thấy bà chưa? Cái miểng cà nông.

- Cà nông gì mà thụt vô ơ cá?

Tư Xẹ đưa cái miểng đạn cho bác sĩ Chuyền rồi giải thích:

-Đêm qua tôi chạy đuôi tôm cho Hậu Cần đâu có ở nhà. Bữa chiều tôi kho ơ cá rồi gắp một khứa bỏ trong mo cơm, để ơ cá trên giàn. Đi sáng đêm về tới nhà ngủ vùi tới hồi nảy nghe tiếng rốt ráo bên này mới chạy qua đây, chưa cơm nước gì hết. Khi về bưng ơ cá tôi thấy cái hông ơ bị thủng một lỗ, tôi cũng hơi lấy làm lạ, chớ cũng không nghĩ là miểng đạn cà nông xuyên qua.

Chị Tám hỏi:

- Trái cà nông nổ chỗ nào?

- Tôi đâu có biết.

- Chắc là gần nhà chú lắm!

Một Sơn xua tay:

- Không phải đâu, con cá này nó đói nó ăn miểng đạn dưới đáy sông đấy.

Chú Tư Thiên lắc đầu:

- Không! Thằng cha lái cá nó bị đạn bắn bể xuồng, nó lượm miểng đạn nhét vô miệng cá bàu cho nặng cân để lấy vốn đó chớ!

Tư Thêu nói:

- Mấy lúc mình ớn chất tươi như thế này, tôi chỉ mong Mỹ nó chụp cho một phát là mình có đồ nhậu ngay.

Lụa vều môi:

- Anh trù mạt không hè. Ngồi yên không muốn lại muốn chạy hộc máu ra.

- Chạy rồi trở về có một đống đồ hộp Mỹ nó bỏ ở lại, nào thịt heo, nào thịt bò, sô cô la cà phê đường sữa, lượm về ăn hút không đã à?

Tư Chuyền lôi tôi vào góc nhà tâm sự:

- Anh thấy trên R tình trạng hậu cần có khá không?

- Tôi không có tiếp xúc với bộ phận đó.

- Ở dưới này bết quá ông thầy pháo ơi! Bác sĩ gì mà ở thời đại chống Mỹ lại dùng cưa đục thợ mộc như thời kỳ đầu chống Pháp. Tai hại hơn nữa là giải phẫu ở dưới hầm đất rơi vào cả vết thương.

- Giải phẫu dưới địa đạo à?

- Hầm, tức là chiến hào chớ không phải địa đạo. Làm sao đem thương binh xuống địa đạo được mà giải phẫu? Đào hầm cho thương binh nằm mà còn không đủ nhân công, nói chi địa đạo. Mà dù có địa đạo, cũng không đem thương binh xuống được.

- Tại sao?

- Ông chưa xuống địa đạo à?

- Có!

- Bao lâu?

- Chừng nửa giờ.

- Sao không ở chơi lâu lâu.

- Chịu gì thấu mà ở chơi.

- Vậy nếu đem thương binh thì ở làm sao? Nội cái mùi hôi vết thương cũng đủ chết người rồi. Ai cũng tưởng là tôi đem thương binh xuống địa đạo làm việc khỏe ru. Ông biết địa đạo là cái gì rồi, ông thử nghĩ xem thương binh xuống bằng cách nào? Miệng địa đạo có phải là cái cổng trạm 66 của Bộ Tổng ở đường Lý Nam Đế đâu mà đút thương binh xuống dễ vậy. Miệng nó có bằng cái khay trầu, mình muốn xuống phải nghiêng mình lách qua thì mới lọt. Nhỏ hẹp như vậy mà Mỹ nó còn tìm ra, nếu nó rộng để đem lọt thương binh thì xuống địa đạo chẳng khác nào nộp mạng cho nó.... Vừa rồi bộ đội đánh ở đường số 1, có mấy ca bị thương rắc rối phải mổ ruột, mổ sọ, tôi đành bó tay.

- Vậy tôi nghe đồn ông Tám Lê bên Bưng Còng giải phẫu tất cả mọi ca dưới địa đạo rất kết quả. Tôi nghe trên Cục Chính trị đề nghị Bộ Tổng thưởng huân chương kia mà.

Tư Chuyền xua tay:

- Mổ kết quả 100% trên đài giải phóng, 200% trên đài Hà Nội, tôi còn lạ gì!

- Chiến đấu mà không giải quyết được vấn đề thương binh là binh sĩ không chiến đấu hết mình.

- Đúng vậy. Nhưng mấy ông nhà mình lại không chịu thấy như vậy.

- Địa đạo không có tác dụng gì với các ông à?

- Có! là thế này: Chúng tôi dùng để cất giấu dụng cụ thuốc men. Còn người ngợm thì tuyệt đối không có xuống ở dưới đó. Nói đúng ra là không còn ai dám trốn dưới đó một khi trên mặt đất có đổ chụp.

- Vậy hồi tôi ở trên R. Khi gặp mấy ông trong đoàn Văn Công giải phóng Trung ương, mấy ổng có khoe với tôi là mấy ổng sắp xuống biểu diễn dưới này. Tôi hỏi làm sao dựng được sân khấu? Mấy ổng bảo là ở dưới này có ông nhạc sĩ Phạm Sang biểu diễn cho đồng bào coi dưới địa đạo. Có khi vài trăm khán giả tới dự. Đặc biệt rùng rợn hơn nữa là ông ta biểu diễn ngay dưới đít Đồng Dù trong khi Bốp Hốp làm trò cho lính Mỹ trên mặt đất.

- Bốp Hốp nào?

- Tài tử Mỹ.

Tư Chuyền nổi nóng ngang.

- Đ. bà thằng nào nói láo bỏ sách bỏ vở vậy cho tôi biết để tôi rạch họng nó. Con đ... mẹ nó chớ biểu diễn dưới đít Đồng Dù. Thằng Phạm Sang là thằng nào ông biết không? Nó là thằng cán bộ thông tin ấp mới biết ca lem nhem ba cái bài Bình Bán Kim Tiền theo lối xóm kiếm bánh ít bánh tét ở các đám cúng mụ nó mới quọt quẹt làm được vài bài hát, con nít cũng không thèm nghe.

- Vậy mà tôi tưởng Phạm Sang là Xuân Hồng thứ hai!

- Bữa nào rồi tôi kêu nó vô quân y hát cho ông nghe. Tôi muốn biểu nó vô hát vài bài cho thương binh nghe đỡ sầu, nhưng tôi sợ quá.

- Sợ làm rùm beng bị chụp hả?

- Không! Sợ thương binh nghe rồi ngất luôn.

- sao mà ở dưới này có nhiều chuyện thần thoại về địa đạo quá vậy mà tôi không biết. Kỳ trước tôi vừa đến đây bị ở trên chỉ định giúp cho Tư Linh tiếp thằng nhà báo Burchett. Tôi đã phải một phen mất hồn về ba cái địa đạo chiến rồi, lần này nghe ông nói tôi mới hiểu thêm tài của ông Tám Lê.

Tư Chuyền vẫn chưa hết giận:

- Củ Chi này là xứ gốc của tôi mà chỗ nào tôi không lội tới. Tôi về đây hồi năm 61 kia mà. Phải nói cho công bình là hồi đó sau khi bót An Nhơn Tây rút, đồng bào mình phấn khởi lắm. Mấy ông làng địa phương kêu đi làm gì cũng làm. Cả trăm người đào địa đạo cả tháng liền từ Bến Mương vô Gót Chàng gần nhà con Bảy Mô bây giờ đó. Gần hai cây số chớ ít ỏi gì. Nhưng đào rồi để đó chớ có ai xài. Đến khi cần dùng thì nó đã sụp đã hư hết rồi. Ba năm liền bỏ phế, còn sao được mà còn! Rồi đến năm ngoái năm nay Mỹ vô bom pháo nó bắn tróc mô lưng hết. Lại thêm ba cái B52. Không địa đạo gì chịu nổi. Tôi quạ bên C3 cũng hệ thống quân y, đóng bên An Phú tôi thấy lỗ hang trống phộc như ống cống. Người thường còn không dám chui thì làm sao chứa thương binh, làm sao hằng trăm khán giả tới xem văn nghệ? À! quên thằng Phạm Sang nghe nói bị Mỹ bắn chết rồi, không biết có đúng không?

- Tôi vừa đi qua Bời Lời, Trảng Cỏ tôi thấy cơ quan bộ đội đều ăn ở hầm.

- Bời Lời là chiến khu của mấy ông nội Tây Ninh đó, bây giờ Mỹ nó phát quang rồi, mấy ổng bò sang Trảng Cỏ, nhưng Trảng Cỏ vừa nhỏ lại vừa thưa cây không ở được đâu.

- Nó còn họp chợ chồm hổm vui lắm.

- Thì còn ngoắc ngoải đó chờ B52 hoặc bầy vịt bầu kia đi qua một phát là xong. Cái C5 của tôi vừa bị một phát nên dời về đây mới đào được chục rưởi hầm mà số thương binh có trên năm chục. Vừa ngóc dậy được là tôi cho về đơn vị, kha khá một chút tôi gởi về R an dưỡng.

Nghe ông bác sĩ tố cáo tôi ớn quá, nên bảo:

- Để tôi ra phụ với đám chuột một tay. Cha chà! Mỡ hành thơm nực.

Tư Chuyền lẽo đẽo theo tôi:

- Ông có về trên I, nói tận tai ông Ba Xu dùm tôi, rằng ở dưới này tôi không có đủ bông băng cho thương binh. Quần áo xé ra dùng hết rồi. Ông làm ơn nói câu đó dùm tôi với ông Ba Xu. Tôi lạy ông trước một lạy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx