sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 32: Cô Xã Đội Phó

Nga chưa dứt lời thì một tiếng hét chát chúa như M19 nổ sau lưng tôi:

- Anh Hai đi về!

Tôi quay lại: Là và bé Rớt đứng tần ngần. Cô xã đội phó nói như quát.

- Anh làm gì tới đây?

- Anh vô nghiên cứu công tác.

Là không nói gì quay lưng đi. Được vài bước thì quay lại:

- Trên khu cho người đi tìm anh.

- Ai vậy?

- Không biết. Anh về coi.

Là nói nhát gừng. Tôi dắt tay bé Rớt đi theo. Chợt nhớ mình chưa từ giã hai cô Nga, tôi dừng lại:

- Chào hai em nghe. Chừng nào móc gia đình anh sẽ cho biết.

Đi ngang hầm Tư Chuyền tôi nói:

- Chiều ra trạm chơi nghe ông bác sĩ.

Ra tới đường, Là dừng lại quắc mắt:

- Anh về hồi nào?

- Trưa hôm qua.

- Hồi tối anh ngủ đâu?

Bé Rớt vọt miệng:

- Cậu Hai ngủ ngách của dì.

Câu nói của con bé làm gương mặt nhăn nhó của cô nàng dãn ra. Nàng cười nhưng cố nín. Rồi bảo:

- Anh về đi Bò Cạp với em!

- Đang giờ chụp mà xuống Bò Cạp Bàu Chứa để nộp mạng hả cô xã đội?

- Đó là dưới Nhuận Đức còn Bò Cạp em nói là ở xã Phú Mỹ Hưng mình. Từ nhà má ở Hố Bò băng qua đường 15 là đụng xóm Bò Cạp đó ông thầy ngớ ngẩn.

- Xuống đó kiếm M19 của giang thuyền hay làm gì?

- Anh chết, em chết theo, gì mà lo.

- Để mai không được sao?

- Việc gấp phải đi liền, chậm trễ thằng cha đó vọt mất.

Thấy nàng dịu dịu, tôi phản công:

- Đáng lẽ anh đi hồi chiều hôm qua với Một Sơn rồi, nhưng nghe chú Tư Thiên nói em hội nghị sắp về, nên anh nán lại đây.

- Nán lại sao còn vô C5 làm gì trỏng.

- Xem ba cái hầm chứa thương binh như thế nào để...

- Nghiên cứu hai con hồ ly đó phải không? Thứ đó gặp ai cũng nhận anh nuôi em nuôi. Anh đã làm anh nuôi tụi nó chưa? Tới anh là thứ 1010 rồi đó. Nói cho biết!

- Lần này anh về đây là sống chết với Củ Chi. Nên anh phải xem cách ăn ở hầm hố...

- Vậy kỳ trước em chỉ địa đạo cho anh, quên sao?

- Địa đạo khác, hầm khác, anh phải rút kinh nghiệm cả hai.

- Thôi đi! Em nói không lại anh đâu... Nhưng nếu anh muốn coi kiểu cách làm hầm bí mật ăn thông ra địa đạo thì ở lại đây vài bữa coi chú Tư Thiên làm hầm cho ông Ba Xu thì rõ chớ rút kinh nghiệm gì ba cái hầm cóc nhái đó.

- Ba Xu nào?

- Anh không biết ổng à?

- À, biết rồi, ông Ba Dì.

Là toét miệng cười rồi xổ luôn.

- Ba Đình chớ Ba Dì gì? Ách giữa đàng mang vào cổ.

- Ách gì mà mang?

Là đã hạ nhiệt độ, chậm rãi kể:

- Em với chú Tư Thiên đi hội nghị ở xã An Phú, trời ơi, tình hình này mà ông Út Một bí thư huyện ủy thuyết trình tình hình mới cả tuần lễ. Ngồi nghe, cái đít có gai mà ổng cứ nói dai như đỉa đói.

- Ổng nói cái gì?

- Có nói cái gì đâu! Cứ nhai tới nhai lui nắm thắt lưng Mỹ mà đánh. Hết nắm thắt lưng thì xốc tới hoàn thành nhiệm vụ, khó khăn nào cũng vượt qua, chớ có gì mới đâu!

- Cái đó anh học từ năm ngoái.

- Vậy mà ổng la khẩn trương đó! Chú Hai Lầu bí thư xã An Phú quèo em với chú Tư Thiên ra hội ý riêng. Tưởng cái gì quan trọng chẳng ngờ cũng hầm hố. Nhưng mà lần này ổng lại muốn chú Tư Thiên lãnh trách nhiệm. Còn ổng và chị Út Lan xã đội phó là con gái của ổng lại bận việc khác. Cứ hễ có đào hầm thì mấy ổng vợ bịnh con đau, y hệt như ông Năm Thuận xã đội trường xã mình vậy. Đáng lẽ Năm Thuận đi họp kỳ này nhưng ổng lại đùn cho em đi với chú Tư. Bây giờ em phải lãnh thêm vụ đào hầm này.

- Đào cho mình thì tốt chớ sao!

- Đào cho ông Ba Đình với ông Tư Trường chớ cho gì em!

- Đào hầm cho hai ông kẹ là quan trọng, người ta tín nhiệm em mới giao cho em.

- Hầm thường không chịu lại đòi hầm ăn thông ra địa đạo kìa! Như vậy là phải có cả chục nhân công. Thời buổi này tìm đâu ra số người đó. Nhưng không phải người nào cũng đào được, mình phải chọn những người đáng tin cậy. Do đó em mới hỏa tốc về nhà và đi Bò Cạp để bắt ngay một số người, nếu chậm trễ thì họ đi mất hết.

- Rồi đèo anh đi làm gì?

- Đào hầm cho ông tư lịnh của anh mà anh không chịu mó tay vào hả?

- Ổng là tư lịnh của anh nhưng anh không phải là đội viên du kích của em.

Là xuống nước nhỏ:

- Thôi mà anh Hai. Anh giúp em một tay. Có anh, em ăn nói mạnh dạn hơn. Em sẽ bảo họ là anh biệt phái của ông Ba Xu gởi xuống trông coi vụ hầm hố!

- Lần đào với Tư Linh để làm cảnh cho thằng Bọ Chét, anh ớn tới mật xanh, bây giờ bắt đào nữa, chắc anh phải cáo bịnh.

- Sao anh bảo anh vô C5 học kinh nghiệm hầm hố?

- Học cách giấu thương binh chớ không phải học đào địa đạo.

- Nếu anh không giúp em, em bỏ trôi.. Hể có chụp ông Ba ông Tư chạy cà còng rồi bị thộp là anh chịu trách nhiệm. Có đi không?

- Đi thì đi nhưng chỉ một chuyến thôi. Anh bận lắm.

- Ừ! ra nhà Năm Thuận rồi về!

- Năm Thuận là ai?

- Trước kia ông Ba Cứng làm xã đội trưởng. Ổng vừa cõng vợ con ra ấp chiến lược gần Cầu Ván, chú Tư Thiên mới giao cho Năm Thuận trước kia là ấp đội trưởng ở Bò Cạp. Ảnh có vợ con nhưng còn hăng hái. Ảnh làm ruộng và làm thêm nghề câu tôm câu cá. Nhưng vừa rồi ổng lại than vợ bịnh con đau nhờ em đi hội nghị thay. Bây giờ em xuống em giao ba cái vụ đào hầm này cho ảnh chịu trách nhiệm chính còn em chỉ phụ giúp thôi.

Về tới nhà, nàng bảo như ra lịnh cho tôi:

- Anh bỏ ba cái thứ hộp và đồ phụ tùng ở nhà, xuống bếp lấy cái nón lá của chị Lụa đội lên rồi đi ngay. Ủa mà quên, choàng thêm cái khăn rằn nữa. Rủi tàu lồng cu thả trên sông Sài gòn nó thấy nó tưởng là nông dân làm ruộng. Vùng này là vùng cấm kỵ, hễ nó thấy người thấp thoáng là nó bắn.

Bé Rớt nhõng nhẽo đòi theo cậu Hai. Là quát:

- Xuống đó tàu nó bắn M79 ra-phan mày chạy khỏi không?

Lụa ra đứng ở cửa nói vói theo:

- Đi lẹ lẹ về ăn cơm!

Là quay lại xẳng giọng:

- Tôi hổng dẫn anh Hai đi mất đâu chị Hai.

Lụa nguýt rồi nói.

- Con nhỏ lãng dang. Bữa nay mày mắc chứng gì vậy?

- Chứng gì hổng biết, để má về tôi mét má cho chị coi!

Là ngoe ngoảy bước đi với vẻ mặt giận hờn. Tôi lẽo đẽo theo sau như một thứ cận vệ vừa bất đắc chí vừa tự nguyện.

Đến khúc vắng, tôi mới rủ rỉ:

- Cô nói cái gì nghe trật lất cái lỗ tai vậy cô xã đội?

- Nói cái gì mà trật.

- Anh Hai chị Hai nào?

- Chớ hổng phải hả?

- Phải cái gì mới được chớ.

Là đang đi bỗng quay lại:

- Tôi thấy là tôi biết tẩy liền rồi!

- Thấy gì mà biết tẩy?

- Em hỏi anh tại sao chỉ giặt quần áo của anh?

- Thì anh là anh mà em gái không giặt quần áo cho được hay sao?

Là nói xói xói vào mặt tôi:

- Giặt thì giặt chớ sao còn đưa lên mũi hít hít là cái nghĩa gì! Chỉ có vợ chồng mới làm như vậy thôi.

Tôi dội ngược. Con bé này ranh thật. Nhưng tôi cũng không vừa gì. Tôi nói ngay:

- Tối qua anh nhậu say ói tùm lum, cô Ba Lụa đem áo anh đi giặt, phơi khô chắc là cổ hửi coi còn mùi hôi không chớ gì!

Là lặng thinh không mè nheo nữa. Tôi tiếp:

- Em giận hờn vậy chắc anh phải cuốn gói đi nhanh.

- Em thấy thì tưởng là... thôi chớ em có giận hờn gì!

- Tưởng gì kỳ cục vậy mà tưởng chớ!

Bỗng đâu tiếng chuông xe đạp leng keng phía sau. Tôi quay lại thì ra Một Sơn.

Một Sơn đạp trờ tới trước, đưa chân rà xe lại và hỏi tôi:

- Anh tính mai rời trạm chưa anh Hai?

Là hớt ngay:

- Ảnh còn chờ má tôi về mới đi.

- Biết chừng nào má về mà chờ?

- Chừng nào thì chừng cũng phải để ảnh ở lại giải quyết tình cảm gia đình.

- Anh Hai đâu có gia đình gì ở đây?

Là nói xon xỏn.

- Má nuôi, chị nuôi, em nuôi không phải là gia đình hả? Người ta đi mười mấy, hai mươi năm về tới xứ không gặp được gia đình ruột thì có gia đình nuôi, phải để cho người ta nghỉ ngơi trong gia đình chớ. Cách mạng cả đời chớ phải một ngày một bữa gì hay sao?

Một Sơn cười với tôi:

- Con nhỏ này dữ quá anh Hai à! Anh về anh trị nó dùm tôi coi! - rồi quay sang Là - Đi lên Bò Cạp coi chừng đó cô em! Hồi sáng tàu trên Dầu Tiếng thả trôi xuống tám chiếc đó, coi chừng nước ròng nó quay trở lên! - Nói xong Một Sơn nhắc chân lên pê-đan nheo mắt với tôi - Thôi tôi để anh Hai ở lại với gia đình vài ba bốn năm bữa nghe!

Là ngó theo xì một tiếng rồi nói với tôi:

- Vợ con đùm đề mà lúc nào cũng be be theo mấy đứa dũng sĩ, nữ du kích! Còn anh, anh phải ở lại chờ má về rồi mới đi. Nếu em không nhận được thơ anh thì em đã theo má qua Thanh An rồi, anh về không có gặp con nhỏ này nữa đâu.

Nàng nghẹn ngào. Tôi không muốn nàng xúc động nên nói:

- Xã đội bỏ cơ sở đi à?

Là vênh mặt:

- Ông Cứng là xã ủy mà còn bỏ kìa, em là đoàn viên ăn thua gì? Dân đi hết, mình em ở lại giữ ma à?

- Từ rày đừng có nói kiểu đó với chị Lụa em nữa nghe.

- Em nghi anh quá hà.

- Nghi trật rồi!

- Em biết chị Lụa thương anh. Nhưng chỉ không bô lô ba la như em.

Đi ngang qua lò đường, nơi tôi ghé lại uống nước mía năm trước Là bảo:

- Đấy, anh coi có còn gì không? Chỉ trơ lại ba cục gạch. Tất cả đều cháy rụi. Bò che đều tiêu hết. Người đi tứ tán.

Tôi dừng lại ngó qua. Cỏ hang um tùm. Bên đường mòn một cái mẻ lu to đầy nước mưa thế giới riêng của những con lăng quăng. Hố Bò bây giờ không còn là mảnh đất vui tươi nơi anh Tô Ký làm đám cưới với hàng chục ngọn đèn măng sông và khách khứa nhậu rượu Tây suốt đêm nữa. Hố Bò là bãi hoang tàn sau mấy lượt B52.

Đến gần nhà má Hai, cảnh vật càng tang thương. Gạch ngói đã biến hết không còn làm vui cặp mắt của kẻ tha hương như năm nào. Cây vú sữa bị chém đứt ngang, còn đứng đó như người không đầu. Bên cạnh đó là một cái giếng cạn đầy nước lẫn rong rêu. Màu nước nâu làm tôi cảm tưởng đó là dĩa tiết canh đánh với huyết mà gan lòng của kẻ bị trảm thủ kia. Ngôi nhà ngói xưa đã biến mất chỉ còn một bãi than như một cái biển nhỏ mà ở giữa là một cù lao. Đó là cái hầm nổi giữa nhà, nơi ngày trước tôi từng nằm trên bộ ván gõ mát rượi tình gia đình khi vừa đến đất Củ Chi lần đầu.

Tôi nghe quặn ruột gan. Là trỏ ra sau vườn:

- Ba cây chuối cây dừa còn kia là nhờ em còn tới lui, nếu em đi Thanh An với má thì ba thằng du kích đến ăn hết rồi. Lũ quỉ đó phá phách ghê lắm.

Nàng dắt tôi đi ra sau vườn tiếp giáp với sở cao su già trơ trụi ngổn ngang những thân cây, gieo leo mọc chằng chịt.

Nàng trỏ hai cây cột chơ vơ đen thui, bảo:

- Đây là phòng thông tin Hố Bò. Hồi trước thông cáo Mặt Trận dán ở đây. Tối tối tụi em ra đây cầm loa đọc tin tức. Bây giờ thì như vậy đó.

Đi một quãng nữa, nàng bảo:

-Đây là đường 15.

- Sao không thấy gì hết ngoài một bãi sình mênh mông vậy.

- Đã bảo là B52 mà. Ngã Ba Bò Cạp ở trước mặt kia kìa. Chỉ cách sông Sài gòn một quãng ngắn thôi. Nhà cửa quán xá không còn cái nào, cây cối không còn lá, vài khóm chuối non sống sót vượt lên èo uột ngoắc ngoải. Vài ngọn cau ngọn dừa le the. Trái dừa lăn lóc đầy đất như những đầu lâu. Bom đạn đã ác liệt rồi. Chất độc còn ghê gớm hơn nữa. Tược non có thể nảy quanh những vết thương trên thân cây, nhưng chất độc giết tận trong lõi cây gốc rễ. Nàng bảo:

- D8 đóng dọc con đường 15, bây giờ đi mất hết rồi! - Nàng trỏ tay ra giữa đồng - Đó là xóm Bò Cạp.

Tôi nhìn theo. Chỉ có mấy mái nhà đứng co ro nép vào nhau như sợ hãi. Nàng giục:

- Chạy mau qua đồng trống kẻo máy bay!

- Đi chuyến này về anh bạc nửa mái đầu.

- Cho anh quen với sinh hoạt ở đây. Nó như vậy đó! - Nàng vừa chạy vừa nói - Bạc hết cũng được. Như vậy khỏi ai tranh giành với em.

- Ai tranh anh làm gì.

- Có chớ. Em biết mà! Em tưởng anh ở luôn trên R rồi chớ.

- Bỏ em dưới này à?

Đang chạy nàng đứng lại vừa thở hổn hển vừa nói:

- Mới nghe được một tiếng nói...

Tôi trờ tới hôn làm đứt ngang. Nàng ôm quàng lấy tôi. Chỉ một cái siết mạnh rồi lại chạy. Về tới xóm, hai đứa dừng lại. Nàng nhìn tôi:

- Anh ở trển thì em qua Thanh An luôn.

- Về nhà chồng hả?

- Nếu em lấy thì lấy lâu rồi!

Nàng trở ra bờ sông:

- Khoảng trống đó là sông.

Tôi nhìn kỹ. Thấy những giề lục bình trôi về phía Trung An.

- Rủi nó đổ bộ làm sao chạy kịp?

- Khúc này bờ sông rậm ri, ruộng lại sình lầy. Nó không đổ.

Đi vào đầu xóm, gặp một ông già bận quần tiều, ống quần quá đầu gối, nhuộm phèn vàng cháy. Là kêu:

- Bác Tám! Bác có thấy anh Năm Thuận ở nhà không?

Ông già nhìn Là sửng sốt một hồi mới đáp, tiếng nói rời rạc như cơm nguội:

- Nó đâu mà có ở nhà.

- Ảnh đi đâu bác biết không?

- Nó đi từ sáng hôm qua đâu có ló mặt về!

Là sốt ruột:

- Ảnh đi đâu bác có biết không?

- Nó nói nó đi xuống nhà thằng Sáu Mã Tử bàn công tác công tiếc gì đó. Hình như nó biểu mấy đứa em nó lên coi nhà dùm.

- Vậy là ảnh đi...

Thấy Là đứng lặng thinh Bác Tám bảo:

- Tôi đoán là nó đưa vợ nó ra Bến Thế ở với bà già vợ nó. Xóm này dọn đi hết rồi. Tình hình loạn lạc đến nơi nên ai cũng bỏ đi. Hai cháu đi vô nhà, để tàu xuống trông thấy.

Bác Tám bảo:

- Ngồi kế bên miệng hầm kia cà. Nó hay bắn thình lình lắm. Nó đi thì đi có luồng. Bảy chiếc nhỏ, một chiếc lớn có lồng cu, lính ngồi trên đó bỏ ống dòm nhìn thấy trên bờ rõ lắm. Hầm hố dưới này không chắc như trên Hố Bò, đất thấp đào xuống hai lưỡi cuốc là đụng nước rồi. Nhưng dễ sống là nhờ con Rạch Bò Cạp cho tôm cho cá, cho nước vô ruộng biền cấy lúa trúng. Đặng mặt này thất mặt kia. Bom đạn này giống gì cũng phải bỏ.

Là cứ nhấp nhõm ngó qua ngó lại láo liên. Rồi đứng dậy bảo tôi:

- Anh ngồi đây với bác Tám, em chạy đi nắm óc mấy ông nội đó chút rồi trở lại. Em đi, lỡ tàu có thấy bóng phụ nữ chắc nó không bắn!

Nói xong nàng xách nón ra đi. Tôi ngồi lại hỏi bác Tám qua loa vài câu rồi đứng dậy vạch vách dòm ra mé sông.

Chỗ này có thể phục DKZ đánh tàu. Nghĩ vậy tôi hỏi ông già:

- Nó đi cách khoảng xa hay gần bác?

- Ít lắm cũng một cây số một chiếc.

Vậy muốn đánh cả đoàn phải bố trí mặt trận tám cây số. Quân ngũ nào giàn cho đủ? Nếu đánh một hai chiếc thì mấy chiếc kia nó đổ bộ bọc hậu đan lưới hoả lực không có đường rút. Ruộng ở đây lầy. Vác mấy cái khối thép đó dễ gì chạy được? Bác Tám không có vẽ nồng nhiệt với cán bộ. Bác không vui chuyện mà cứ lầm lỳ tôi hỏi câu nào bác trả lời câu nấy bằng một giọng không vui. Tôi hỏi:

- Bác có anh chị nào đi công tác không bác?

- Có một thằng, cô xã đội kêu đi hoài.

- Ảnh làm gì bác?

- Nó ngày tối đi tìm đạn cà-nông lép đào lên đem về tháo ra làm đạp lôi. Tôi bảo nó dẹp nghề đó đi. Nhưng nó không nghe. Ở trên quận khen nó hai ba lần rồi. Trong xã gọi nó là thằng Năm Đầu Ban.

- Ảnh gài có kết quả lần nào chưa bác?

- Có chớ!

- Mỹ hay Sài gòn bác?

- Mỹ có, Sài gòn có, bồ nhà cũng có!

Ông già lấy mo thuốc banh ra:

- Chú biết hút thuốc, làm thử một điếu. Thuốc trồng ở đây cháy lắm, không thua thuốc Gò Vấp.

Tôi đang rứt thuốc thì bác bảo:

- Con đầm già lên kia kìa. Cháu đừng ló ra nó thấy nó bắn điểm phản lực tới. Nó xuống là có tàu đi theo, mười lần như một.

Tôi phì phà chưa hết điếu thuốc thì bác Tám đưa ngón tay lên miệng, thầm thì:

- Nó xuống rồi kìa. Chú em ngồi xít vô, đừng ló đầu ra bẹ cửa, nó thấy. Chú có muốn coi thì vạch lỗ vách kia kìa.

Tôi riu ríu nghe theo ông già, đến bên vách lá dán mắt vào lỗ hở. Rất tiếc là tôi bị cô xã đội tước bỏ cái ống dòm ở nhà. Ông già không ngó ra sông nhưng vẫn thuyết minh khúc phim ngắn ông thường xem:

- Đó chú em thấy chưa?

- Dạ thấy.

- Chiếc nào cũng cắm cờ trước mũi phải không?

- Dạ cháu mới thấy có một chiếc.

- Chiếc thứ hai tới bây giờ đó.

- Dạ phải. Nó tới rồi.

- Chú có thấy lính đi hoặc ngồi trên tàu không?

- Dạ có.

- Nó thả máy nhỏ mình phải lắng tai cho kỹ mới nghe.

- Nó hay bắn lên bờ không bác?

- Nó thấy việc gì khả nghi mới bắn, còn trên bờ êm rơ thì thôi!

- Cháu thấy một tên đội kê-pi hút ống vố. Thằng bên cạnh mang kiếng mát.

- Chiếc lồng cu cao nghệu ngang ngọn bần tới chưa?

- Dạ chưa.

- Nó đi khúc giữa.

- Dạ chiếc đó là chiếc chỉ huy đó bác.

Sông này bề ngang chừng hai trăm thước. Trong kháng chiến tôi đã vượt qua nhiều lần. Không khó lắm, không như bây giờ. Còn muốn đánh nó phải có cả một kế hoạch, đánh thì khó đã đành, nhưng với trực thăng cà-nông của nó rút lui quả là gian nan. Hèn chi lâu nay D8 bị nạo sát da mà vẫn không làm được cú nào. Ông già nhắc chừng.

- Lồng cu tới chưa?

- Dạ chưa! Ủa mà tới rồi bác.

Con đầm già trên bầu trời vẫn kéo ò e hai cái bản nhạc đám ma. Chừng nửa giờ thì đoàn tàu khuất dạng về phía An Nhơn. Tôi ngó ra sau nhà thì thấy cô xã đội phó đi vô gần tới nhà. Theo sau là hai chàng thanh niên, một mặc áo vải sọc, một cởi trần, cả hai đều xách rộng cá. Ông già quát:

- Đi mau vô nhà. Tàu mới xuống đó, Trương, Hiếu!

- Nó qua rồi, tụi cháu mới dám ló ra đây.

- Bây đem tôm cá đi đâu đó.

- Dạ đem xuống xóm Chùa xóm Thuốc bán cho cơ quan bộ đội.

Tôi vọt miệng:

- Đem vô tôi mua cho.

Hai người vô nhà để rộng cá xuống đất. Người mặc áo sọc hỏi Là:

- Ai vậy chị Út?

Là đáp:

- Anh Hai tôi ở trên R mới về.

Anh cởi trần nhướng mắt tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Trời đã quá vậy!

- Anh người ta mà đã cái gì, vô duyên!

- Lâu nay tôi có nghe chị có anh đi R đâu?

- Người ta đi phải báo cáo cho mấy người à?

- Chị này khó quá chưa chi đã sạt người ta rồi.

Tôi hỏi:

- Tôm cá mấy anh bán mấy?

- Mọi lần một trăm một ký. Bây giờ nửa giá thôi.

- Sao rẻ vậy?

- Bà con chê tôm cá bị hóa học, chỉ có bộ đội mua thôi.

- Tôm cá dưới nước mà sao bị hóa học.

- Dạ thấy mình cá sần sần, võ tôm ửng đỏ, bà con nghi hóa học. Cũng như chuột vậy. Hồi trước tụi tôi gài chuột, lột da muối, đem ra chợ bán đắc ghê, bây giờ người ta chê chuột ăn thây ma và bị hóa học nên không mua.

Là nói:

- Ngày mai mấy anh phải tới xã đội lãnh công tác, không có được trốn lánh nữa.

- Bộ địa đạo nữa hả chị út?

- Hổng biết, cứ vô rồi có công tác.

- Hết hầm hố đến chuốc chông, hết chuốc chông đến địa đạo, tôi thấy mặt bà nội là tôi ớn xương sống rồi.

Là nghiêm sắc mặt:

- Ớn gì! Mỹ vô đầy Đồng Dù hết rồi, ai đi công tác cho mấy người ở nhà cải hoạt cá nhân. Người ta hi sinh xương máu, mấy anh ở nhà hưởng lạc, vậy coi được không?

Bị cô xã đội sạc-cà-rây, hai anh chàng nín khe. Là hỏi:

- Hổm rày có gặp ông Năm Thuận không?

Anh mặc áo sọc cười khoe hàm răng vàng nghĩnh như răng chuột:

- Bây giờ muốn gặp ổng thì ra Bến Thế. Chời ơi chời! Nhà ổng dọn trống hoang ba mươi đời vương rồi. Lu mái chở đi trống trơn, rộng tôm rộng cá đem theo sạch nhách, chị xuống đây có môn vuốt nhớt ba cái cây cột nhà của ổng.

Anh ở trần tiếp:

- Ổng là xã đội trường, là chi ủy nữa đó, ổng chạy sọc dưa như vậy có ai làm gì ổng đâu.

Là càng xẳng giọng:

- Làm chớ sao không làm. Kỳ họp này tôi đề nghị chú Tư Thiên có thái độ cho coi.

- Còn ông Ba Cứng dắt vợ cõng con ra ấp chiến lược Cầu Ván, chú có thái độ chưa?

Là kẹt đạn làm thinh.

Tôi mua cả tôm lẫn cá dồn lại làm một rộng xỏ cây đòn ngang quai rồi từ giã bác Tám, hai đứa khiêng đi. Ra đường tôi hỏi Là:

- Ông già có thằng con...

- Anh Năm Đầu Ban! Ở dưới xóm có anh Sáu Mã Tử. Hai anh chàng này hợp nhau lắm. Họ đi đào cà-nông lép làm đạp lôi. Lại còn phổ biến kinh nghiệm cho các xã cách gỡ hột nổ cà-nông. Anh Sáu Mã Tử bị nổ một lần nám đen cả mặt. Do đó có tên Sáu Mã Tử. Xã này bây giờ chỉ còn Năm Đầu Ban và Sáu Mã Tử là hăng hái thôi. Hai ảnh muốn trở thành dũng sĩ như Năm Cội, Tư Đực ở Nhuận Đức. Hai ảnh đang nghiên cứu gài ở bãi đổ bộ của tụi giang thuyền nhưng tụi nó khôn quá, không sập bẫy mấy ảnh lần nào hết.

- Khôn thế nào?

- Mỗi lần đổ bộ nó bắn M79 lên bờ nát đất rồi bắn cối 106 ly 7, đạp lôi nổ tung hết đâu còn trái nào. Đã vậy mỗi khi lên bờ nó còn cho một thằng cầm cần câu đi trước rà, còn sót trái nào nó gỡ ném xuống sông hết. Tuy vậy mấy ảnh cũng còn đeo dính tụi nó. Mấy ảnh phát minh cách gài cải tiến.

- Gài cải tiến là thế nào?

- Là gài trên ngọn cây chuyền dây xuống đất. Hễ lính bước lên bờ đạp dây là bị nổ chụp xuống đầu.

Đi một chập gặp một ông nông dân đen đúa áo giắt lưng từ đằng kia đi lại, Là kêu:

- Chú Hai!

Tôi nhận ra Hai Tới, tôi chưa kịp chào hỏi thì Hai Tới hất hàm với Là:

- Con nhỏ này đi đâu láng cháng ở đây? Không sợ giang thuyền hả?

- Đi tìm chú nhờ đóng vài cái đồ nghề.

Hai Tới xua tay, lắc đầu:

- Thôi, thôi, tôi không có công tác cái kiểu năm ngoái nữa đâu.

Là ngạc nhiên:

- Công tác gì mà chú la?

- Đi làm cầu tiêu cầu tắm cho thằng nhà báo còn không có hả?

Tôi nói thay cho Là:

- Đó là công tác của quân khu chớ không phải của xã!

- Của ai thì của chớ tôi không có làm ba cái chuyện tồi bại đó nữa đâu.

- Nó là đồng chí của mình mà chú!

- Đồng chí thì đồng chớ. Qua đây mình sống thế nào nó sống thế đó mới phải là đồng chí chớ. Du kích, dũng sĩ đói thấy mẹ, mà mình phải mua đồ nhà hàng ngoài Sài gòn về dâng cho nó. Đi đâu cũng có xe nước ngọt nước đá theo tò tò. Đã vậy lại còn đòi con gái, chú coi vậy có phải đồng chí không? Chú biết con Hương sau đó ra sao không? Nó xấu hổ nó ra ở luôn ngoài thành.

Tôi muốn độn thổ luôn, nhưng may Hai Tới đổi giọng:

- Tôi biết đó không phải chủ trương của xã nhưng xã phải thi hành. Tôi mong rằng từ rày về sau tôi không phải gằm mặt cúi đầu đóng cầu tiêu cho một thằng đồng chí nào khác của mình như vậy.

Bị một bài học ê mặt, tôi không biết trả lời thế nào, thì Là đỡ gạt:

- Kỳ này không phải đóng cầu tiêu đâu chú Hai...

- Đóng gì thì đóng, bây giờ tôi chạy đuôi tôm cho ông Bảy Hốt. Thôi để tôi đi kẻo trễ.

Về tới nhà, Là bảo:

- Ghé đây bẻ mấy trái dừa nạo về kho cá tôm. Anh đem cái rộng neo dưới mương kia rồi leo cây dừa ở góc mương kia kìa. Có bao nhiêu khô, nạo cứng cạy tuôn xuống hết cho em. Anh biết leo không? Cần dây làm nài thì bứt tay chuối khô kia kìa.

- Anh rành hết mà!

Tôi cởi đồ, chỉ chừa quần tiều và bắt đầu làm chuột, làm sóc. Là còn dặn vói theo:

- Mau đi rồi tuột xuống để nó giã gạo giác chiều xuống không kịp đó.

Tôi leo hái lá bứa bắt ong mật ở Trường Sơn, leo hái me ở trảng Bà Điếc bây giờ leo dừa. Cây gì cũng leo được. Cũng may chưa bị người ta cho leo cây. Chỉ mấy hót là tôi ngồi gọn trên ngọn dừa. Nhớ cái thời ở nhà cởi trâu bắt dế bắt chim. Mỗi lần đi thế nào cũng bẻ cặp dừa xiêm máng trên sừng trâu. Cây dừa này rất sai. Một buồng dừa nạo có đến trên chục trái. Tôi bẻ và ném xuống đất. Bỗng từ dưới đất vọng lên:

- Coi chừng dập hết!

Tôi ngó xuống. Giữa những tấm vách cháy dở ghép lại thành cái nhà tắm tạm bợ một thân hình mỹ nữ lồ lộ không tí xiêm áo trên thân. Nàng vô tình hay cố ý? Tôi choáng váng mặt mày nhưng làm bộ:

- Em ở đâu nói lên vậy?

- Em trốn mất rồi anh không... thấy đâu. Hí hí...

Cô bé này nghịch ngợm thật. Đứng phơi trần ra đó mà còn bảo trốn mất rồi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx