sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 33: Sợi Dây Thòng Lòng Của Đảng Thưởng Cho Mày

Vừa bước vào sân thì Tư Linh đã xuất hiện trong khung cửa.

- Khiêng trái cà nông lép hả?

- Xuống hồi nào đó con quỷ?

- Đi thỉnh mày lên niết bàn đây.

Tôi và Là đem cái rộng cá tôm thẳng ra sau bếp, rồi tôi trở lên cởi súng treo trên đầu cột.

- Bộ nhà báo quốc tế tới nữa hả?

- Ừ, kỳ này quốc tế cái.

- Mụ Ri-fô hả?

Tư Linh cười hềnh hệch:

- Mầy ơi tao cũng ớn chớ đâu có ham gì cái công tác đó.

Trong nhà chật nức những người: gánh C5 gồm bác sĩ Tư Chuyền, Bảy Phúc, Bốn, Quỷnh, hai cô Nga, cánh Tư Linh có ba người: Tư Linh, Tư Trường, Sáu Ly hai ông cán phụ trách dân vận và thi đua quân khu, Chú Tư Thiên, chú Bảy Xe, chị Tám Khỏe, trong nhà có Lụa, Là và đám con nít.

Đang bàn chuyện linh tinh thì ba ông nhà pháo kéo tới.

Lửa khói mịt mù, ì xèo đớp chát, chén chú chén anh thôi thì không tả nổi. Cái tâm lý chung là làm bộ như ta không sợ gì cả, cứ nhậu tù tì nhưng sự thực thì thằng nào cũng run từng sớ thịt.

Buổi tiệc chưa tàn, nhưng Tư Linh, với lý do hội ý công tác nên khều tôi ra ngoài sân. Hai đứa đến nhà chị Tám Khỏe gần bên cạnh, ngồi trên thân cây cao su bị đạn pháo nổ bật gốc. Tư Linh móc gói Capstan chìa cho tôi và nói ngay:

- Mục đích của mầy vô đây tao đã nắm cả rồi. Trước nhất là mày sẽ bàn việc với tụi Chín Lộc Sáu Huỳnh bên quân báo rồi kế là tao. Mày đi chàng hảng hai chân cho mà khước nhé!

Tư Linh, thằng bạn nối khố từ trong kháng chiến chống Pháp, người Bến Tre là thằng gần gũi và xả láng nhất với tôi. Hắn dám nói mọi chuyện, kể cả chuyện

mất đầu như chơi.

Hắn hít một hơi thuốc và bảo:

- Chuyện ngoéo thằng em đại úy Thủy quân Lục chiến của mầy là vô cùng nguy hiểm.

Hai đứa ngồi lặng thinh và đều rít thuốc phà khói như rồng phun lửa. Tôi đã có ý nghĩ lo sợ về chuyện này từ lâu, nhưng vì Ba Thắng cục trưởng chính trị R và là người anh đỡ đầu của tôi từ thời tôi còn là Đồng tử quân ở Rừng Sát, đốc xúi và quyết định nên cực chẳng đã tôi phải nhận cái con dao hai lưỡi này của cách mạng. Nay nghe Tư Linh nói thì hãy lắng nghe xem hắn bảo sao, vì hắn là trưởng ban Địch vận quân khu.

- Ông Tám Quang có bàn với tao rất lâu. Ổng hi vọng nhờ bàn tay mày mà Mặt Trận sẽ có thêm một.vụ Phùng Văn Mười. Ổng không hiểu tình hình Sài gòn nhiều nên ổng cứ tưởng là làm được cú thứ nhất là sẽ làm được cú thứ hai. Binh pháp Tôn Võ Tử tối kỵ điều đó.

- Vụ Phùng Văn Mười có ảnh hưởng mẹ gì mà ham.

- Mày không biết ông nội Phong Vân đóng ở gần Xóm Mới à?..

- Có tao có ghé đó ăn chực một bữa trước khi sang trường Trung Sơ chỉnh huấn tình hình nhiệm vụ mới.

- Chính cái ông nội đó khuếch trương chiến quả vụ Phùng Văn Mười. Đài Giải phóng la om tỏi. Chắc ở ngoài Bắc nghe xong các bản tin và bài bình luận của đài, sẽ tưởng rằng toàn bộ lính tráng Sài gòn sắp nổi loạn, hoặc lái xe tăng vô khu hết ráo. - Tư Linh phẹc một bãi nước miếng và tiếp - Cái củ c... họ chớ loạn. Mày cứ tin đi tụi nó sẽ đánh mình trọc đầu không còn một sợi tóc. Để rồi coi. Mấy cha nội chủ quan lắm. Ở ngoài Hà Nội cứ tưởng rằng bọn mình ở trong này ăn hút, mở trường tân binh pháo binh hát xướng như trường Lục quân ở Cạnh Đền hồi

chín năm.

Tôi gạt ngang và hỏi.

- Rồi sao, nói tao nghe vụ móc ngoéo thằng em lợi hại chỗ nào? Nói lan man ho thuốc rê hết rồi ông nội.

Tư Linh lắc đầu:

- Chẳng có lợi cho mày gì hết. Chỉ có lợi cho Chín Lộc và Sáu Huỳnh thôi!

- Lợi gì?.

- Lợi là mấy thằng chả được điểm nếu móc được thằng em mày. Tao biết trước là công việc sẽ diễn biến bước đầu như thế này: Trước tiên họ sẽ bảo mày viết thư cho nó. Ghi địa chỉ, tên tuổi cha mẹ để họ liên lạc tận gốc. Họ nắm cái gốc trước đã. Để sau này nếu mày có ngãng ra họ cũng đã nắm được rồi. Kế đó, sau khi họ nắm được cái gốc, họ sẽ nhờ gia đình mày hoặc chính họ đưa thư cho em mày. Một khi em mày đã nhận thư thì họ đá mày văng ra xa. Từ đó về sau họ sẽ liên lạc trực tiếp và giao công tác cho em mày và không cần tới mày nữa.

- Tại sao?

- Đó là nguyên tắc của Quân báo. Một con mồi không thể có nhiều vòi. Hiểu không? Bao giờ cũng vậy, hể họ nắm được là họ muốn độc tôn chỉ huy, ngoài họ ra không có ai khác. Để mày dính líu vào đó, mày có thể bất đồng ý kiến với họ, mày sẽ xoay thằng em mày theo ý muốn của mày. Như vậy họ khó làm việc.

- Rồi sao nữa?

- Nếu họ thành công thì họ quên mày đi. Còn nếu họ thất bại thì họ sẽ đổ thừa mày không hết lòng. Con dao hai lưỡi của họ trao cho em mày sẽ trở lại đâm mày là ở chỗ đó.

Tôi nổi nóng.

- Củ chi họ! Tao đếch viết thư.

Tư Linh không nói gì. Tôi vùn vằn đứng dậy định bỏ đi:

- Như vậy thì tao sẽ nói cho ông Ba Thắng biết, tao không chơi cái trò móc ngoéo đó.

Tư Linh kéo tay tôi ngồi lại, hồi lâu mới thở hắt ra:

- Không được! Mày không thi hành là chống lịnh cấp trên. Họ đày mày khỏi có ngóc lên nổi.

- Quyết định của tao ở trong túi đây! Mày muốn xem không?

- Xem mẹ gì ba cái chữ đó? Lão Sở Khanh làm sao qua mặt được Chín Hô và Sáu Nam!

- Trong quyết định cỏ ghi chữ nào là móc ngoéo em tao đâu.

Tư Linh ném cái tàn thuốc tưng lên. Một vạch vòng cầu đỏ vẽ lên trên không khí. Trời đã tối đi từ lúc nào. Hắn bảo:

- Mày là con nhà pháo nên sống bằng góc vuông, tầm hướng, liều hai liều ba, cứ theo đúng công thức mà hạ lệnh, còn cái nghề địch vận của tao chẳng có công thức con mẹ gì cả. Nói vầy làm khác. Giấy tờ không quan trọng bằng mồm... Mày không nhớ vụ ông Tư Mai nghị sĩ Bà Rịa ở Quốc Hội Ba Đình à?

Tôi gục đầu nhìn xuống đất. Tư Linh tiếp:

- Trên bề mặt thì ông Mai đau tim cấp tính mà chết đột ngột. Đám ma to nhất Hà Nội. Tất cả đều đúng công thức cho cái chết của một ông nghị sĩ, nhưng bên trong là một cuộc thanh trừng nội bộ, giết một anh nghị sĩ xét lại trước mắt hàng ngàn đại biểu quốc hội để bịt miệng họ đừng có lãi nhãi xét lại trong lúc một ông đại giáo điều sắp sang thăm, mày hiểu chưa nào? (Tôi lặng thinh nhưng trong bụng rung rinh cực độ). Vụ của mày cũng vậy thôi, ngoài là công tác móc ngoéo nhưng bên trong là gì ai biết được?

- Mày không biết tao làm sao biết được?

- Đời mà mày! Chó đẻ ba con. Tao không có tin ai hết. Tao chỉ có tin con tao thôi. Chỉ có con là không giết cha mẹ thôi, chứ còn ngoài ra thì... tout est possible. Coi chừng đảng thưởng cái thòng lọng cho mày.

Tôi nghĩ về vụ An Lộc Sơn Trấn Nhậm Bình Lư. Hồi chín năm trong lúc tôi và cô Thoa con của bà Lê Đình Chi yêu nhau thì tên Trần Văn Chè phổng tay trên. Hồi đó hắn đang làm Tự lệnh Phân Liên Khu Miền Đông. Hắn cưới cô Thoa bằng một bức công điện từ miền Đông đánh xuống miền Tây. Cô Thoa không ưng, đã tự tử mấy lần mà không chết. Rốt cuộc trở thành bà Tư lịnh cho tới bây giờ. Tôi luôn luôn quan niệm ái tình là một loại trò chơi vui vẻ, và con gái là chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn. Nên tôi không hề thù hằn tên Chè và oán trách Thoa gì cả. Hơn nữa, bên cạnh cô Thoa duyên dáng, lúc đó tôi có hai ba cô bạn khác cũng ở thành mới ra, có lẽ xinh đẹp và hơn cô thoa nhiều. Vậy Thoa lấy tên Chè âu cũng là cái may cho tôi.

Vậy thì coi như đường ai nấy đi, c... ai nấy vuốt. Không lẽ nào tên Chè ngày hôm nay còn thù tôi nên tìm cách giết tôi bằng B52 ở Củ Chi. Mà thù gì mới được? Người bạn gái của tôi hắn giật, tôi không thù hắn, hắn lại thù tôi nghĩa là gì? Tư Linh phát thinh lên nói:

- Tao xét một vấn đề gì thường trở qua trở lại xét tới xét lui. Gương sờ sờ ra đó!

- Gương gì mà sờ sờ?

- Mày biết vợ bé xừ Duẫn là mèo của ông Bảy Trấn chứ?

- Con Nga da trắng môi thâm, tao dư... biết. Rồi sao?

- Ông Bảy Trấn là dân Nam kỳ, điệu đàn, tặng cô tình nhân trẻ cho ông bạn vàng chơi đỡ trong lúc xa nhà thiếu thốn tình cảm. Ông bạn vàng mê quá bèn xin. Bảy Trấn công tử Nam kỳ lúc đó đang làm Tư lệnh kiêm chánh ủy miền tây, hét ra lửa, hiến luôn cô tình nhân cho xừ Duẫn lúc đó sắp làm bí thư Trung ương cục như một nấc thang để leo lên cao hơn. Dè đâu, sau đó Bảy Trấn mất cả tình nhân lẫn chức vụ. Hừ! bên ngoài thiên hạ tưởng ông ta không được Trung ương tín nhiệm vì thành phần địa chủ, nhưng sự thực bên trong thì chính là bàn tay của ông bạn vàng.

- Ông ta thù Bảy Trấn à? Sao kỳ vậy?

- Thì vậy mới kỳ, nhưng đời mà mày! Hồi chưa cuỗm được cô nữ sinh thì Bảy Trấn là ân nhân của y, nhưng sau khi ẵm trọn cô nàng rồi thì y hận.

- Hận gì?

- Hận là kẻ đến sau, thằng ăn mót, thằng liếm của thừa.

Tôi nói:

- Tao đâu phải là bảy Trấn mà xừ Chè thù tao?

- Mày biết sao được hả? Bụng dạ con người là bụng dạ con chó. Mày ngây thơ lắm! Còn vụ mày lăng nhăng với cô con gái của ông Cục trưởng Tha-mu đó đã đồn đi khắp R và xuống tận đây. Có thể lão Sáu Nam không muốn mày làm rễ, nhưng bề ngoài lại tỏ ra thích mày. Hiểu chưa?

- Tao có gạ gẫm gì nó đâu. Tại nó đeo tao chứ.

- Ai đeo ai không thành vấn đề.

- Nó bảo nó sẽ đòi bố nó điệu tao về công tác trên R nữa mà!

- Tao chắc thằng chả không khoái một thằng anh hùng rơm do thằng chả nặn lên để gạt ông đại tướng bần cố đâu. Thằng chả muốn tìm một ông phò mã khả dĩ gắn thêm sao trong cành dương liễu của thằng chả kìa. Do đó hai tên đó tương kế tựu kế đẩy mày xuống Củ Chi. Mày nên biết là một tên giảng huấn pháo binh như mày ở miền Nam này chưa chắc có tới hai mạng, thế mà lão Sở Khanh phải đành bóp bụng cho mày rời khỏi U80 để ra chỉ huy ba cái tiểu đoàn tẹp nhẹp ở Củ Chi này là sao? Điều đó đáng cho mày suy nghĩ lắm chớ!

- Tao không nghĩ là hai lão đó âm mưu hại tao vì những chuyện nhỏ như vậy.

Tư Linh run run cái đầu tóc quăn.

- Thù vặt nặng hơn quốc thù mày ạ! Nhưng tất cả những điều tao nói chỉ là những xét đoán căn cứ trên duy tâm biện chứng chó ngáp của tao thôi, còn trúng hay trật bao nhiêu thì chờ thực tế trả lời.

- Cám ơn mày thằng bạn chí cốt của tao. Nhưng bây giờ mày bảo tao làm sao?

Tư Linh móc thuốc đốt hút và tiếp:

- Tao thấy rất khó cho mày là mày không thể từ chối. Trước nhất, tụi thằng Chín Lộc sẽ bảo mày để cho nó móc gia đình cho mày. Từ đó nó sẽ phăng ra cái gốc và nó sẽ lèo lái gia đình mày trong việc móc nối với thằng em mày. Nó bảo sao hay vậy. Nếu gia đình mày không thi hành một vài điểm nào đó thì họ sẽ nhân danh mày mà ra lệnh cho gia đình mày, mày đâu có biết ất giáp gì. Cho rằng mày có biết đi nữa thì họ bảo là vì quyền lợi cách mạng và nhân dân hai chữ cách mạng, nhân dân đối với họ là vô tận mày biết chứ? Vì cách mạng, cụ Hồ bỏ thuốc độc giết Dương Bạch Mai, vì nhân dân đảng đấu tố địa chủ, vì nhân dân me xừ Duẫn vác vòi sang Trung Quốc hú hí với mụ Nga, mỗi lần đi máy bay phản lực tốn bằng vài chục mùa lúa của trung nông. Vậy đó. Nhân dân! Cách mạng!

- Chịp!

- Còn thằng em mày chơi một trò rất nguy hiểm. Mày biết vụ Phạm Ngọc Thảo chứ? Rốt cuộc Phạm Ngọc Thảo chết mà chẳng làm nên cơm cháo gì lại kéo luôn ông anh là Phạm Ngọc Thuần đại sứ ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức sụp luôn. Gương tày đình đó ông anh ạ!

- Tao thấy vấn đề rồi!

- Trước nhất là mày cứ nhận lời một cách rất tự nguyện tự giác, cách mạng triệt để, hiểu không?

- Được rồi.

- Sau khi họ tin mày rồi thì mày sẽ bảo em mày lãng dần ra và lánh mặt luôn. Chứ lúc đầu mà mày trục trặc thì họ đánh giá ngược lại mày và họ dám cho rằng thay vì mày xỏ mũi được thằng em, thằng em đã chiêu hồi mày. Như thế thì cuộc đời mày sẽ đen như mõm chó... Mày cứ giao kèo với Chín Lộc, Sáu Huỳnh vầy nè: tôi móc cho các ông rồi các ông làm gì làm, tôi không có trách nhiệm nữa. Rõ chưa?

Tư Linh kéo tôi đứng dậy đi trở lại mâm nhậu. Vừa đi hắn vừa nói thao thao bất tuyệt:

- Sau khi về đây, tao nhận định khác Trung ương ngay. Cuộc chiến tranh này không phải là cuộc chiến tranh chống xâm lược mà là cuộc chiến tranh ý thức hệ. Tại sao Đức, Triều Tiên không nước nào chủ trương thống nhất đất nước bằng võ lực mà chỉ có một mình nước Việt Nam mình thôi? Mày về đây mày thấy dân có còn ủng hộ mình như hồi chín năm nữa không. Miền Nam so với Miền Bắc như thế nào? Mình cứ bô bô cái mồm bảo nó phồn thịnh giả tạo. Hừm! giả tạo mà cơm dư, quần áo thừa thải, muốn mua gì cũng có. Ngay ở một cái quán cóc của cái chợ bị bom pháo tơi bời mày cũng tìm được đủ thứ cần dùng cho đời sống. Còn ở xứ xã nghĩa thì muốn mua một gói đường cát kiếm đỏ con mắt không ra. Mình lỡ đi con đường này rồi, không quay lại được, hồi chánh thì nhục nhã, thôi thì nhắm mắt đi tới cùng, còn gia đình mình đã yên thân ở bên kia thì cứ để họ yên thân, chớ chơi cái kiếu bắt cá hai tay này mệt lắm. Rốt cuộc chẳng bắt được con cá nào ngoài mấy con cá mặt quỉ.

Vừa tới sân nhà, Tư Linh bỗng dừng lại. Tôi tưởng y nói câu gì quan trọng lắm. Chẳng ngờ y móc túi quần lấy bóp ra, mằn mằn một lúc rồi ấn vào tay tôi một gói mềm mềm.

- Mày còn chứng minh thư nhân dân hết? khặc khặc...

Tôi cầm lấy, biết ngay là loại chứng minh y cho tôi lần đầu tiên gặp ở đây. Tôi bảo:

- Tao được thằng Hùng tiếp tế rồi.

- Hùng Bến Tre hay Ngô Huy Hùng?

- Hùng Bến Tre. Nó mới cưới vợ. Đúng ra bà già nó cưới ở Bến Tre rồi dắt lên cho nó.

- Ngon he!

- Nó cho tao cái Seiko đây! Gặp ở trường Trung Sơ. Nó dắt ra chợ Long Hoa giải phóng mua đủ thứ! Có cả loại chứng minh thư này. Hiệu Hồng Kông hay Đài Loan gì đó.

- Vậy là được rồi. Mày nên nhớ đó là bửu bối số 1 để giữ cho lon gáo khỏi rơi nghe. Đàn bà con gái ở đây bạo dạn hơn thanh niên nhiều. Vì chiến tranh ác liệt chúng nó sống vội sống cuồng hơn cả tụi Sài gòn. Bộ vó của mày coi còn vía lắm. Ngoài con gái ông cục trưởng có cô nào nữa không?

- Thì cũng lai rai. Bánh sáp đi bánh qui lại.

- Đi thì cứ đi, lại thì cứ lại, nhưng ông con nên nhớ đừng có quên xài chứng minh thư nghe chưa. Em mà mang bầu tâm sự là em nắm đầu anh đội chạy không có thoát đâu. Ai chớ đụng mày thì em nó không có buông đâu. Liệu cái thần hồn thần xác đấy ông con!

Tôi nghiệm thấy Tư Linh nói đúng lắm. Đúng nhất là trên R. năm cô đeo một lúc. Mệt ứ hơi. Đối phó còn hơn cả trên trận địa. Cô nào cũng muốn làm vợ anh cả. Gần đây nhất là cô xã đội phó. Đúng lúc tôi nghĩ tới đó thì Tư Linh hỏi:

- Mày có ý định làm rễ má Hai không?

- Má Hai nào?

Và vừa đúng lúc đó thì cô xã đội phó lại ló mặt ra, nói rổn rảng:

- Anh Hai với anh Tư đang chiến đấu sao bỏ chạy vậy, bộ sọc dưa hả?

Tư.Linh đáp:

- Sọc dưa hay không rồi sẽ biết! Ba ván niền không bỏ ván lào đấy!

Tư Linh nói giọng Bắc chúng tôi hiểu nghĩa, nhưng Là không biết nên kêu lên:

- Anít còn nửa cây, đế còn một bình tong ở đó mà

oán,oán.

Hai đứa bước vào. Tư Linh còn nói ráng với tôi:

- Coi được đến chớ hả Thầ.... ầy Ha.... ai!? Nè, mầy cần Laissez-passer không, tao cấp cho một hộp đặc biệt. Hai cô Nga ở trong Bệnh xá thì không cần, chứ cô xã đội thì cần đó.

Huỳnh Nga nói tung ra:

- Ớ! tưởng cái gì chớ ba cái thứ bửu bối đó em không có xài đâu. Tụi em biết ngày nào nguy, ngày nào không nguy, như vậy bảo đảm hơn ba cái chứng minh thư của mấy anh.

Hồng Nga xì một tiếng, bĩu môi:

- Tưởng cái gì chứ ba cái bao cao su đó mà cũng nói lóng: chứng minh thư, Laissez-passer. Tụi em rành quá mà anh Tư! Đó là pha học không có gì phải giấu.

Tư Linh nhìn tôi:

- Mày thấy chưa? Tao bảo là phụ nữ nhảy phóng mình không có thua nình bà con gái Xài-gồng mà.

Huỳnh Nga nghênh mặt:

- Tụi em cũng có trong lưng luôn chớ bộ chỉ các anh là đại lý độc quyền à? Tụi em biết nhãn hiệu Tiệp Khắc, Hung cari dỡ ẹc nữa.

- Sao dỡ ẹc?

- Hay rách chớ sao. Nhãn hiệu Đài Loan có người đàn ông và người đàn bà đứng đâu mặt vào nhau mới tốt. Tốt hơn nữa là nhãn hiệu u-êt-a.

- Ở đâu mà có thứ đó?

- Ra chợ Bắc Hà mua lại của lính Đồng Dù rẽ rề.

Tôi thấy sự hồn nhiên cửa mấy cô mà ê càng quá trời. Ông bác sĩ nhảy rào Tư Chuyền nói đỡ cho hai cô nhân viên của mình:

- Khổ lắm thầy Hai ơi. (Ông ta không phải là học trò của tôi, nhưng thấy mấy người khác kêu tôi bằng thầy thì cũng kêu theo.) Bệnh xá chữa cho thương binh đã mệt ngất rồi, lại còn phải phá nạo cho các bà cố nội nữa. Kẻ ăn bánh người liếm lá.

Tư Linh đang đút điếu thuốc vào mồm bỗng rút ra, cười ha hả và nói:

- Mỗi tháng anh liếm được mấy cái... lá?

Hai cô Nga trừng mắt nhìn Tư Linh. Huỳnh Nga bảo:

- Anh nói tiếng gì ác vậy anh Tư.

Tư Linh cười run run mớ tóc quăn trước trán:

- Ai nói gì đâu. Tại ông bác sĩ nói đó chớ đâu phải tôi.

Tư Chuyền đứng dậy kiếu từ:

- Thôi anh em mình nhổ sào để cho thầy Hai nghỉ ngơi.

Cô xã đội phó không thích sự có mặt của hai nàng Nga có vẻ văn minh và sáng sủa hơn mình, nghe ông bác sĩ nói, bèn đưa thêm:

- Ừ, nhổ sớm sớm đi, để chút nữa tới giờ, pháo Đồng Dù nó giã gạo cho mà bò không kịp.

Tư Chuyền và mấy ông trợ lý của ổng ra về, nhưng hai cô Nga còn nán ở lại với lý do tiếp hai chị em Lụa và Là dọn dẹp rồi về sau. Đó là điều trải với ý muốn của Là, nhưng trước thiện chí của hai nàng, Là không thể đuổi khéo được, nên nàng cứ đi ra đi vào như bận rộn việc lớn, ngồi đứng không yên. Bỗng có tiếng Bụp! Bụp! Bụp rồi lụp bụp liên tràng không còn đếm được nữa. Mọi người nhảy lung tung định chui hầm, nhưng Là vẫn tỉnh khô:

- Làm cái gì như khỉ mắc phong vậy?

Lụa ôm ngực nói:

-Chị tưởng là nó giã mình!

- Xí! chị ở đây cả đời rồi mà cũng chưa quen tiếng pháo.

- Chị hễ nghe lụp bụp là nhảy chớ ở đó mà quen, lạ gì.

Là ngó tôi, cười:

- Còn anh nữa! Thầy pháo gì nhát vậy?

Lụa nói đỡ:

- Ở đây có cả chục làn pháo, đâu phải chỉ Đồng Dù. Ảnh chưa có quen. Cô làm mặt giỏi có bữa lủi không kịp.

Tôi cười bảo:

- Lạ thì cũng có lạ thật nhưng tính tôi nhát lắm. Hễ nghe là nhảy chớ không có lỳ như bà... xã đâu! Nay mai tôi sẽ đeo dính bà xã... đó bà xã ơi!

- Xí anh ngạo em phải không? Nói chút vậy cũng tự ái! Ai là bà xã của anh mà kêu bà xã bà xã.

- Bà xã đội không phải à?

Là làm thinh, hơi đỏ mặt. Huỳnh Nga nói:

- Nói trúng ý rồi phải không bà xã?

Tư Linh cũng sửa soạn rút lui, mang ba lô súng ống lên vai.

- Bà xã cũng được chớ đâu có hại gì, cô em. Tui mà là con gái thì tui ưng thầy Hai liền!

Tôi đưa Tư Linh đi một quảng đường, Tư Linh nói:

- Mày về đây thì ở đâu tao cũng tìm được. Vấn đề tao nói hồi nảy mày nên cẩn thận. Còn chuyện vợ con của mày thì phải nhanh nhưng cũng phải coi tới coi lui. Như hai cô y tướng trùng tên này thì không được. Tụi nó ở trong bệnh xá nó nhàm ba cái vụ đó rồi. Nó nói xàm không ngán miệng mày thấy không? Đó cũng là nữ sinh thành, nhưng ra đây sống trong cảnh chết chóc hãi hùng, tụi nó trở thành rất hiện sinh. À quên, con xẩm lai ở chợ An Nhơn có nhắc mày.

- Con xẩm lai nào?

- Con nhỏ bán nước đá ở chợ An Nhơn. Mày gặp con Bảy Mô ở đó đó.

- À, nhớ rồi. Cô Bảy nó còn không...

- Còn nguyên chớ đâu có thằng nào rớ được. Dân đụ chĩa học sinh thành, tụi bần cố hỉ và mùa Thu mùa Đông đâu có vô ngàm nổi. Chỗ đó thì tốt quá.

- Còn con chị nó mày dzô... chưa?

- Chậc! Mày khỏi có lo. Thôi đi nhe! - Tư Linh quay đi còn trở lại - Con xã đội coi bộ nó ghen với hai con Nga ra mặt. Mày coi chừng nó đổ ghè tương lùm xùm ra đó. Tao bắt nhãn thấy tụi nó chíp mày rồi. Thủ trưởng nó về mà nó tụt hậu không thấy sao?

Tư Linh vừa bắt tay từ giãtôi thì có hai bóng người đi tới.

Đó là hai cậu du kích của cô xã đội: thằng Bổn và thằng Quỷnh. Mỗi đứa bưng một cái rỗ. Cả hai cùng đi vô nhà. Là hỏi như gắt.

- Gì đó?

- Khoai mì.

- Đem đi đâu đây? Nhổ trộm nhà ông Năm Sảnh đó hả?

Thằng Quỷnh nghênh cái mặt đen ngời, nói đả đớt:

- Chời ơi! chời! cái chị này nói nghe dô diên thấy mẹ đi ta! Khoai mì người ta mà hỏi bưng đi đâu. Ông Tư Chuyền về chỏng gặp tụi tui, ổng biểu tui đem cho ảnh ăn chơi. Anh ở lâu chên gờ, chắc ảnh thèm dữ lắm.

- Tao tưởng tụi bây nhổ trộm nhà ông Năm. Lần trước ai nhổ rồi không dập đất lại.

- Mấy ông nội đào hầm chớ ai.

- Nhổ lấy củ rồi không cắm hom trở lại cho người ta. Bộ tính ăn một lần rồi thôi.

Thằng Bổn chìa rỗ khoai ra trước mặt Là:

- Xin lỗi đi bà cô! Coi võ khoai này dính đất sét hay dính phân đen. Đây là khoai ở An Nhơn Tây nên dính đất sét. Của ông Sáu Mã Tử cho tụi tôi một đám của chị Ba ổng. Tụi tui nhổ cho chú Tư, chú biểu chia bớt cho anh Hai đang ở ngoài này. Xí, chị có cái nói ẩu vậy nên mất uy tín với tụi tui hoài.

Tôi đỡ cho Là:

- Cô xã đội đề phòng mấy em làm vậy mất quan điểm nhân dân. Sao không để cho thương binh ăn, đem ra đây chi?

- Chú Tư nói thương binh thì phải uống sữa, không có sữa thì thôi. Ai cho thương binh ăn khoai mì. Làm vậy họ tủi thân. Vết thương lành, họ về nhà luôn không trở về đơn vị nữa.

Thằng Quỷnh còn ức cô xã đội, nó giằn rổ khoai xuống đất một cách giận dỗi:

- Chời ơi chời! Tụi em gành quan điểm nhân dân quá ể mà anh Hai. Nhà chưa quét chưa đi, nước chưa gánh chưa đi, củi chưa bửa chưa đi, phải không anh Hai?

Tôi cười:

- Mấy em khá quá. Ai dạy vậy?

- Chú Tư Chuyền chớ ai!

- Mấy em biết mấy câu đó của ai không?

- Dạ không.

- Của Mao chủ tịch đó.

- Mao chủ tịt nào?

- Em không biết đâu. Ổng ở tận bên Trung Quốc.

- Trung Quốc là ở đâu?

- Là ở bên Tàu đó.

- Tàu thì kêu Tàu sao kêu Trung Quốc ai mà biết.

- Cách mạng bây giờ kêu khác hồi trước.

- Vậy là mấy thằng chệt phệ ở chợ An Nhơn Tây hồi trước là dân Trung Quốc đó hả?

- Phải đó, cách mạng gọi là con cháu Bác Mao.

- Con xẩm lai ở chợ bây giờ có phải là cháu ổng không?

- Phải, phe mình cả đó.

- Phe mình gì đập đổ phe mình dữ vậy?

- Đập cái gì đâu?

- Nó bán nước đá nhận trong cái ly nó ém xốp xộp, chế ít giọt xi-gô, vậy là chém mười đồng.

Lụa thấy hai thằng nhỏ quạu quọ bèn bảo:

- Cho khoai mà mặt mày sần sượng vậy khoai cũng sượng luôn anh Hai ăn không ngọt.

- Ai biểu chị xã đội nói vậy chi. Hề hề... nhưng mà anh Hai à, quan điểm nhân dân của Mao chủ... gì đó, tụi em bây giờ không phải giữ nữa.

- Tại sao vậy?

- Nhà chưa quét chưa đi! Bây giờ tụi em và thương binh ở ngoài gừng chớ có mấy khi ở trong nhà ai đâu mà quét. Nội xóm này đố anh kiếm được một cái nhà còn ở được! Nước chưa xách chưa đi! Lu mái tỉn hũ đâu mà gánh nước? Cà-nông nó bắn bể hết. Nếu không trúng tệnh thì đất gun cũng nứt hết. Còn củi chưa bửa chưa đi. Củi bây giờ không cần phải bửa. Cứ rút vách, lôi lá trên nóc nhà, ra vườn bẽ nhánh cây bị bom cháy dở chụm thiên niên cũng không hết.

Tôi cười gượng:

- Cái thằng diễu giỏi quá mậy.

Cô xã đội được dịp, phản công ngay:

- Còn hai cái "chưa" nữa, tụi bây quên. Biết chưa gì không?

- Chị đặt chuyện chớ ai mà quên.

Là nói tỉnh khô:

- Ăn chủ nhà chưa mạt chưa đi!

- Chị nói lảng nhách!

- Chớ không phải hả? Cơ quan mà đóng nhà nào thì ăn sạch nhà nấy mới chịu đi. Còn một cái "chưa" nữa. Đó là chưa mò con gái hoặc vợ chủ nhà thì cũng chưa đi. Đúng ra là chưa bị đuổi đi.

- Chị nói vậy tui báo cáo chị bị kiểm thảo mất chức cho coi!

- Tao thèm cái chức này dữ à? Tụi bây đi kêu thằng cha Năm Thuận về đây tao trả chức xã đội này cho thằng chả.

Hai thanh niên đang ở thế công, bây giờ lại bị đẩy sang thế thủ, nên chới với không biết đỡ gạt cách nào. Thằng Bổn tìm cách né:

- Ổng là xã đội trưởng, chị là xã đội phó. Thằng chả bỏ trách nhiệm đi câu tôm tự túc thì chị đến mà biểu thằng chả trở về chớ mắc mớ gì tôi.

Lụa thấy tình hình coi mòi găng bèn tìm cách hòa giải:

- Thôi mấy em đem khoai ra giếng gửa đi (Lụa nháy tiếng nói đớt của thằng Quỷnh) rồi nấu cho anh Hai ăn thử. Vậy là huề. Đừng có nói ba cái vụ quan điểm nhân dân nghe mắc cỡ cái lỗ mũi con cóc lắm. Chốc nữa hai đứa về nhớ đem cái rộng chuột về làm cho thương binh ăn. Chuột của chú Tư Thiên tặng cho bệnh xá đó. Xã ủy dông hết vô ấp chiến lược, còn có mình chú thủ trại mà chú cũng ráng đội cà-nông đi gài chuột cho thương binh ăn. Đó, mới gọi là quan điểm nhân dân và tình cá nước.

Huỳnh Nga phục kích bây giờ mới nổ súng:

- Chuột ăn bị phong dữ lắm còn thương binh ăn khó lành vết thương.

Thằng Quỷnh quay lại tấn công bồ nhà:

- Phong gì mà phong. Để tụi tôi ăn cho.

- Chú Tư nói chuột bị hóa học ăn nguy hiểm lắm. Ăn nó bị lên phong như phong cùi.

- Cái gì mà cùi. Hóa học rải ở đâu, sao không đem rải trên đầu tui nề. Ai không ăn để tui nuốt hết cho. Hồi nào tới giờ mấy chị không ăn thịt chuột sao cũng nổi mụt thâm đen như vỏ chuối chín cùng mình, không phải phong thì là gì?

Hồng Nga nguýt:

- Cái thằng lãng dang quá hè ta. Ai nổi phong hồi nào?

- Xí! Thiệt hôn tui khai hết cho coi. Bà nào bà nấy cũng mang vành đai Đồng Dù trong mình còn giấu.

- Giỏi khai đi.

- Hổng nổi phong mà tối bữa nào cũng lén che ni lông dưới hầm để xức thuốc.

Huỳnh Nga trợn mắt:

- Cái đó là ghẻ xốn ông con ơi! Không phải phong gì hết. Toàn thể nam phụ lão ấu đều bị loại ghẻ này chớ phải riêng ai sao?

- Sao tui không có?

- Mấy đứa tụi bây chưa có chui hầm. Để ít lâu rồi biết. Cái vành đai Đồng Dù. Chừng đó đừng có khóc rồi hỏi tao: chị xức thuốc gì cho em xin xức với, nghe chưa?

Là vọt miệng:

- Ghẻ xốn là ghẻ trời cho, ai mà không ghẻ không phải là dân Củ Chi.

Thằng Quỷnh nghếch mặt:

- Thuốc của mấy bà xức, ghê thấy mẹ, ai mà thèm xài.

Hồng Nga hỏi.

- Thuốc gì mà ghê?

- Mấy chị tưởng tôi không biết hả? Vôi trộn với nước chanh. Phết! phất, quẹt, quẹt, sột sột, hít hà, ôi cha rát rát, mày làm ơn phết dùm chỗ này. Ừ, ừ chỗ đó đó.

Thằng Quỷnh vừa nói, vừa học bộ lăn xăn, mặt nhăn nhó diễn tả như kịch, làm mấy người kia cười lăn ra. Rồi nó hất hàm:

- Có đúng điệu xức ghẻ xốn chưa?

- Bộ mày rình người ta hả?

- Tui hổng biết. Tui chỉ hỏi mấy chị là có đúng y như vậy không?

Là tham gia ý kiến:

- Thôi đúng tẩy rồi. Đừng có cãi nữa. Nó khui tới cái tầng nhì của địa đạo thì có môn bỏ xứ Củ Chi này thôi. Mang vành đai Đồng Dù đối với mình là chuyện thường chớ có gì lạ đâu mà chối cãi.

(Tôi cũng đã từng bắt gặp mấy cô dũng sĩ xức ghẻ xốn kỳ phục kích địa đạo chiến cho thằng nhà báo Bọ Chét quay phim nên tôi đâu có lạ gì.)

Là nói tiếp:

- Hễ càng nổi danh dũng sĩ thì cái vành đai càng thâm đen thôi. Cả anh Hai nữa, ở đây ít lâu rồi cũng có.

- Vậy chị là xã đội, chắc cái vành của chị phải rộng hơn của mấy chị kia phải không?

Mọi người cười rộ vì câu hỏi của thằng Quỷnh. Là xua tay lia lịa:

- Hồi nào tới giờ tôi chưa chun xuống cái hang chuột đó.

- Vậy sao bắt người ta đào?

- Đào cho người khác không phải cho tôi.

- Cho ai?

Huỳnh Nga nhìn tôi một cách ý nhị. Tôi lắc đầu:

- Tôi đã bị bà xã cho chui một lần rồi. Mệt suýt đứt hơi. Tôi ớn lắm. Có lẽ thứ ghẻ này còn ớn hơn ghé ngứa hồi chín năm. Tụi tôi đóng ở nhà đồng bào vùng Lý Nhơn, Đồng Hòa, vì không có gạo đủ ăn, lại thiếu nước tắm rửa, đứa nào đứa nấy mình mẩy như lươn bông. Thừa lúc chủ nhà đi vắng, tụi tôi cởi quần áo vô bếp hơ lửa cho đỡ ngứa. Bây giờ nghe nói ghẻ xốn, tôi chạy tét.

Huỳnh Nga nói:

- Anh chạy đi đâu rồi cũng không không khỏi chui. Anh cứ bỏ một cục vôi ăn trầu hay một trái chanh vào xắc-cốt sẵn đi là vừa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx