sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 34: Đứa Học Trò Bỏ Lớp Vì Thầy Giáo Ra Ấp Chiến Lược

Là cầm hai cái bẹ chuối ốp lại từ trong bếp đi ra, đưa một cái cho chị Tám Khỏe, một cái cho Huỳnh Nga và nói:

- Đây là cá ướp sả muối chị Tám với chị Nga đem về chiên ăn sáng mai để sửa soạn cặp giò mà chạy. Tôi coi tình

hình này thì sáng mai có đổ chụp đó.

Mấy đứa con chị Tám còn muốn ở lại chơi với bé Rớt nhưng Là quát:

- Về đi! Ở bên này không đủ hầm chui, pháo Đồng Dù nó cắt họng đó.

Con Lượm đã bước ra sân còn quay lại:

- Mai con qua, cậu Hai chép bài cho con học nghen!

Thằng Quỷnh ra tới sân thấy buồng dừa nạo, nói dèm:

- Dừa này, đào hầm mệt thì uống nước đã lắm.

Là muốn tống thiên hạ đi cho nhanh bèn nói:

- Dừa để cho anh Hai. Tụi bây ở đây uống hoài mà còn đòi

Thằng Quỷnh còn quay lại:

- Đó là sáu chưa. Chưa xin dừa, chưa đi. Mao chủ tịch quên dạy. Hé hé hé...

Là quay trở vô, lằm bằm:

- Thứ gì đi đâu ăn tàn ăn mạt tới đó.

Tôi thấy tội nghiệp cho cách mạng, nên đỡ dùm thằng Quỷnh:

- Kệ nó em, nay mai mình rủi bị thương, vô đó nhờ chúng nó.

- Bị thương thà chết sướng hơn. Anh thấy thương binh trong đó nằm hầm như vậy. Như chôn rồi mà chưa lấp đất. Nội cái hơi đất trộn với mùi hôi thối của vết thương thở vào cũng đủ chết rồi. Khi có đổ chụp em không biết làm sao họ di chuyển thương binh đi trốn?

Khách khứa về hết, nhưng tôi thấy gương mặt của Là vẫn cau có, như chưa hài lòng về một điều gì. Con Rớt không còn bạn chơi nên quay sang vòi vĩnh cậu Hai:

- Cậu Hai phỏng vở cho con đi!

Bé Rớt cầm tập vở rách nát đưa cho tôi. Lụa cắt nghĩa:

-Tập vở mua học chưa hết mà con nhỏ phải ở nhà. Hổng chừng bữa nay chữ đã trả lại cho thầy hết rồi.

- Cháu đọc được chưa?

- Nó mới biết ráp vần thôi anh à.

- Vậy đưa vở đây.

Tôi sắp ngồi trên ghế viết thì bé Rớt bảo:

- Tới giờ tụi Đồng Dù giả gạo, cậu Hai phải xuống hầm mới được.

Lụa giục:

- Xuống hầm đi anh. Lúc rày nó bắn thường hơn trước.

Tôi nói:

- Lần trước anh về anh còn dám ngủ trên ván gõ với chiếc gối tai bèo. Bộ ván đâu rồi?

- Anh ngủ trên nhà má chớ đâu phải nhà em.

- À, anh quên.

- Mà bộ ván cũng tiêu rồi. Cả cái nhà cũng không còn nữa là ván ngựa.

- Mới có một năm mà tan tành hết trơn.

- May mà gia đình còn đủ!

Tôi xuống hầm ngồi trên chiếc ghế đẩu xệu xạo và đặt tập vở trên mặt bàn nám đen mà bồi hồi tấc dạ. Bé Rớt đứng một bên cúi đầu vào xem tôi viết và đánh vần từng chữ theo ngòi bút của tôi. Mái hầm đất thấp, đứng dậy thì đụng đầu, phải đi lom khom luôn. Nhưng tôi không thấy chật hẹp mà thấy ấm áp với tình gia đình. Bé Rớt làm cho tôi chạnh nghĩ tới một mái ấm gia đình. Ba mươi bốn tuổi rồi còn nhỏ nhê gì nữa. Biết bao nhiêu lần dự định, bao nhiêu lần sắp sửa, bao nhiêu lần sẵn sàng để dựng nó lên từ bên sông Tân Bửu quê nhà, Miền Đông rồi đến Kinh 13 bờ sông Chắc Băng, Miền Tây Nam Bộ, nhưng tất cả những mái tóc thề những trái tim thanh xuân hồn nhiên đắm đuối đều phải bỏ lại sau lái tàu tập kết. Với nỗi đau lòng lìa bỏ quê hương với biết bao nhiêu kỷ niệm chiến trường, kỷ niệm yêu đương, kỷ niệm của đồng bào, tôi phải bước chân xuống tàu để đi ra miền Bắc. Nhìn lên bờ, những mẹ già, những vợ trẻ, những bà con cô bác yêu thương hoặc không từng quen, những bạn gái của tôi đứng khóc giơ tay hứa hẹn...

Rồi ra miền Bắc, bao nhiêu cơ hội tốt biết bao đến với tôi, nhưng thuyền cặp bến sắp sửa cắm sào thì sóng gió bất thần lại đến giật phăng thuyền đi. Và bây giờ về Nam bao nhiêu đóa hoa nghiêng chào, bao nhiêu nhụy hồng tươi thắm, nhưng rồi làm sao, làm sao sống được với một người vợ dưới một mái nhà trong cái không khí nhao nháo chờ đợi B52 này?

Tôi là người giang hồ bạt tử chân lội khắp đất nước từ miền Đông xuống miền Tây, từ miền Nam ra miền Bắc leo cả sang nước Tàu, chưa hề biết mỏi chân chùn bước, khói lửa lướt qua, gian nguy đạp càn vượt lên mà sống.

Nhưng hôm nay lòng bỗng thấy bồn chồn nghĩ tới lúc cần phải có một đứa con, cho mình, cho gia đình, cho dòng họ. Cuộc sống của con người ở đây quá mong manh và may rủi. Cái chết đến như một trò đùa.

Bé Rớt mới sáu tuổi mà đã vắng cha ba năm hoặc đã mất cha mà không biết. Một năm qua, tôi trở về đây thấy con người phờ phạc hốc hác, đàn bà thì khô héo, rầu rĩ, đàn ông thì láo liên vội vàng, còn trẻ con thì trở thành ông cụ bà cụ.

Tôi chép cái bài học luân lý Việt Nam mà tôi từng học lúc tôi bằng tuổi bé Rớt.

Bé Rớt đọc tới cuối dòng đầu thì hỏi:

- Thái Sơn là gì cậu?

- Thái Sơn là một cái núi bên Tàu giả tỷ như núi Bà Đen của mình vậy.

Con bé đứng ngớ ra. Nó không biết núi là gì. Bên Tàu là ở đâu. Thế nhưng nó rành hết các loại máy bay đầm già, cá nhái, cá rô biết phân biệt tiếng đạn cà nông từ đâu bắn lại và đạn to hay bé, biết cả nhận định tình hình đổ chụp ngày mai và nhiều chuyện nữa mà kẻ chân ướt chân ráo như tôi phải hỏi Rớt. Tuổi thơ trong chiến tranh đã phải chịu quá nhiều đau khổ. Em Xe cầm cờ xung phong vô bót Pắc Sa Ma đã hi sinh anh dũng. Chính tôi và các bạn trai bạn gái của trường Đồng Tử Quân thời kháng chiến chống Pháp đã mạo hiểm tổ chức đánh xe nồi đồng và đã thắng bất ngờ, làm các anh lớn vừa vui mừng vừa hết hồn hết vía cho lũ con nít quỉ.

Tôi bảo bé Rớt:

- Con đánh vần đi, chữ nào không biết thì hỏi cậu.

Tự nhiên tôi gọi bé Rớt bằng con. Tiếng con thốt ra một cách tự nhiên, không có dự tính. Lụa ngồi gần đó cũng không ngạc nhiên. Tuổi tôi làm cha con Rớt thừa sức. Lụa nhìn tôi với đôi mắt như hỏi dò: anh có muốn làm cha nó không.

Nhưng nàng lại hỏi bé Rớt:

- Con có muốn làm con cậu Hai không?

Bé Rớt mở đôi mắt tròn xoe nhìn má nó như muốn nói:

- Con có ba mà má! Rồi nó hỏi - Sao ông Tư (Thiên) hứa ít ngày ba về mà ba không về hả má.

- Ít bữa nữa ba con về.

- Ít bữa hoài hè.

- Ở đây đâu có đứa nào có ba đâu.

- Không có ba cũng không có cậu như con. Ba tụi nó đi công trường 9, đi thanh niên xung phong ngoài Bình Long Phước Long... không về.

Con bé chợt buồn. Nó định đánh vần tiếp, nhưng bỏ ngang. Nó hỏi:

- Bình Long Phước Long là ở đâu má?

- Hỏi cậu Hai, má không biết.

- Sao ai đi ra đó cũng không về hả má?

- Má cũng không biết nữa.

Bé Rớt quay sang tôi:

- Sao vậy cậu Hai? Ba con đi đâu ở ngoài lâu quá vậy? Chiều bữa nào má cháu cũng đứng ở bệ cửa dòm ra lộ, thấy ai má cũng nói với cháu: hổng chừng ba con về kìa.

Tôi không biết cắt nghĩa sao cho xuôi một câu hỏi đơn sơ của đứa bé, tôi không muốn nói dối mà càng không thể nói thật. Bọn Hà Nội là bọn bịp. Chúng nó bịp dân Nam kỳ với những mỹ từ kêu to, bịp dân miền Bắc với mớ cỏ khô trước đầu ngựa, bịp thế giới với những chuyện thần thoại, chúng bịp cả trẻ con với những mộng ước không đời nào có.

Thấy tôi im lặng, Lụa bảo con:

- Học riết đi rồi đi ngủ. Mai cậu Hai dạy cho học đồ.

- Cây viết đâu còn má!

Tôi móc cây bút bic mua ở Xóm Giữa đưa cho Rớt.

- Cậu Hai cho con cây bút nguyên tử bốn màu nè.

Cô bé lấy làm thích thú rồi chơi với nó mà không học bài nữa. Cái hầm chiếm gần hết hai phần ba căn nhà, ở dưới đó đặt một bộ ván ngay chính giữa. Mỗi bên có một cái ngách như ngách ếch có thể nằm ngủ một người. Đối diện với cửa hầm chính là một lỗ thông hơi lớn cho không khí ra vào khoảng khoát. Bên cạnh lỗ thông hơi đào một cái ngách khác ăn thấu giao thông hào ở ngoài vườn, đề phòng nếu nhà bị cháy người trong hầm có đường thoát, không phải bị thui như chuột. Tôi và bé Rớt chiếm bộ ván giữa, Lụa và Là, mỗi cô thủ trong ngách hai bên. Cây đèn chong đỏ chạch đặt trong lỗ khoét vào vách hầm lên khói như khói tàu và như là con mắt canh chừng đạo đức của cả ba người. Lụa bảo:

- Anh Hai tắt đèn đi, để lâu nóng lắm.

Tôi vâng lệnh cô em gái thổi nhẹ ngọn đèn. Màn đêm phủ trùm. Dày đặc trong hầm. Tôi không có gì lợn cợn trong đầu. Lụa đã có chồng. Chồng đang ở tiền phương không biết còn mất. Là là cô bé nhiệt tình với cách mạng và yêu tôi. Với tư cách là em của tôi, nàng đã làm những chuyện làm tôi bật ngật, choáng váng, hết hồn. Như vụ bảo tôi leo bẻ dừa trong lúc nàng vô nhà tắm ở bên hiên và đứng trong đó chỉ cho tôi buồng dừa... nạo! Suýt chút nữa tôi buông tay.

Nếu phải lấy một trong hai em thì tôi lấy Lụa, mặc dù Lụa đã có con. Lụa điềm đạm thâm trầm và đẹp hơn cô em, với đầu tóc bới kiểu Nam kỳ lũng lẵng sau ót với chiếc áo bà ba quê hương mà tôi hằng ao ước lúc còn ở ngoài xứ Bắc. Với một mẫu người như vậy chắc sẽ có hạnh phúc hơn với cô em mười tám kia. Giống hệt như câu chuyện Hai chị em trong Con Đường Đau Khổ của A. Tolstoi. Katia và Dacha. Dacha thì rực rỡ thanh xuân còn Katia thì sầu muộn, tâm tư quằn quại khi cách mạng tháng mười xảy ra. Chỉ có điều khác là tôi không phải là nhà thơ Bessonor mà thôi.

Tôi nằm mơ màng tưởng nhớ những chuyện đâu đâu. Từ Tây tới Tàu. Từ Bessonor tới Liễu Hạ Huệ đời Châu và Quan Vân Tường đời Hán, hai vị anh hùng nơi chiến địa và cả phòng the đứng trước nhan sắc mỹ nhân, không bị cám dỗ.

Bé Rớt nằm nép mình bên cậu Hai. Một chốc tôi nghe tiếng cộp nho nhỏ. Tôi biết là con bé ngủ mê đã buông cây bút nguyên tử bốn màu xuống ván.

Tôi nghe tiếng cựa mình của Là và tiếng thở dài rất khẽ của Lụa. Trong hầm mỗi tiếng động đều được khuếch đại nên tôi nghe rõ mồn một. Tôi đoán rằng Lụa có cảm tình đặc biệt với tôi, nhưng tình cảm vượt quá ranh giới anh em một tí. Nhưng nàng tự chủ. Nàng dừng lại ở đó và nén lòng bằng những tiếng thở dài hoặc những cái liếc rất nhanh, những cái nhìn rất xoáy mà tôi bắt gặp.

Tôi thấy không thể ngủ được giữa tiếng trăn trở và những tiếng thở dài, nên tôi lên trên mắc võng ngủ ngay miệng hầm. Bằng cách đó, tôi đã ngủ một giấc nguy hiểm nhưng lại an toàn.

Tôi đã qua một đêm có thể gọi là dài nhất trong đời và thắng mình một cách âm thầm và oanh liệt. Sáng ngày, vừa thức dậy, Là đã quở tôi:

- Anh không được liều lĩnh như thế nữa.

- Lắm khi phải liều mới được em ạ.

Lụa đang lục đục nấu cơm dưới bếp nói vọng lên:

- Cô Út ngày nay ở nhà hay đi đâu?

Là cau có đáp.

- Đưa anh Hai vô Phu Hò a!

- Đi một mình không được sao mà phải dẫn ảnh đi? Rủi có gì làm sao?

Là vùng vằng:

- Chuyện gì là chuyện gì?

- Tao sợ đỗ chụp, ảnh chưa quen đường đất chớ tao có nói chuyện gì.

Là xí một tiếng rồi vẫn cau có, phang trả lại chị:

- Tụi Quyết Thắng (tức tiểu đoàn Quyết Thắng) ở đầy ngoài đó có gì mà sợ dữ vậy. Ảnh là cán bộ quân sự chớ ảnh có phải là thỏ đế đâu. Dẫn ảnh đi cho ảnh quen đường chớ để ở nhà ru rú có đổ chụp ảnh biết chạy đâu. Hay chị muốn ảnh bắt chước mấy ông mấy bà ngồi thum?

Tội nghiệp, trước sự lấn lướt của cô em, Lụa chỉ trả lời yếu ớt:

- Tôi chỉ sợ phòng hờ vậy thôi cô ạ! Để... ể ảnh ở nhà dạy con Rớt được chữ nào hay chữ ấy.

Nhưng Là vẫn xon xỏn:

- Tôi hổng để ảnh chết đâu. Ảnh có sứt miếng thịt nào thì con nhỏ này cũng dám liều thân xác để bù đắp lại... Học cái gì. Thầy giáo đã bỏ ra ấp chiến lược, học một ngày được mấy chữ.

Tôi hiểu bụng cả chị lẫn em. Cô chị muốn tôi ở nhà để dạy con Rớt.(!) còn Là muốn bắt tôi đi để giải phóng tôi ra khỏi tầm mắt của chị. Ai có lý của người nấy. Bên ngoài Lụa bị đánh tạt, nhưng dễ gì nàng chịu thua cô bé.

Đêm qua, đang lúc ngủ ngon, tôi bỗng giật mình thức giấc. Một vật gì mềm mại chạm vào mặt tôi. Tôi nằm im, trân mình không dám thở. Tôi biết đó là bàn tay và là tay ai. Bàn tay xòe ra di động trên mặt tôi rồi gan bàn tay úp trên mũi tôi. Có lẽ chờ tôi hít. Nhưng tôi quay mình. Chập sau tôi lên miệng hầm.

Lụa dọn cơm ra. Ở đây bao giờ cũng ăn cơm sớm để phòng động. Có chuyện gì thì cũng đã sẵn ba hột trong bụng để có sức mà chạy hoặc chui. Mọi người vừa ngồi lên thì chú Tư Thiên, bí thư xã ủy tới. Nhìn qua mâm cơm tươm tất: sườn ram, tôm kho tàu, cá kho lạt và soong cơm trắng nghi ngút khói, chú hỏi:

- Tụi bây ăn cơm chụp đổ mà như là ăn giỗ.

Lụa nói:

- Còn mấy con chuột để bữa chiều. Chú qua nhâm nhi nghe chú!

Tôi lấy chai rượu còn đầy trên cù lao rót một ly mời:

- Chú làm một chút cho cứng gối.

Chú xua tay:

- Buổi sáng không nên rớ ba cái thứ này, rủi nó càn mình xuống hang khát nước có mà chết.

Là hỏi:

- Chú Tư bữa nay có ra ông Hai Đời không, cho cháu ngoéo đuôi theo với. Cháu với anh Hai ra ngoài chị em con Trong để bàn chuyện lo cái hang cho chú Ba.

Chú Tư ừ một tiếng rồi nói tiếp:

- Chú phải đi gặp đồng bào mình chạy ra xã Trung Lập để lôi họ về, chứ họ đi sạch láng chỉ còn hai chú cháu mình với thằng Năm Đầu Ban thì còn làm nên cơm cháo gì.

Là bảo:

- Chú đi ruồng bắt ông Năm Thuận về đi. Xã đội trưởng gì mà thụt mất tiêu vậy?

- Nó là gà rót rồi, xài không được nữa. Nó đã cho vợ con nó dông qua Thanh An rồi. Sắp tới là phiên nó nhảy.

- Cháu nghe nói ổng đang câu tôm tự túc.

- À, kế hoạch của nó là vậy đó. Lặn dần dần.

Tôi hỏi:

- Vậy văn phòng xã ủy bây giờ chú đặt ở đâu?

Chú Tư vỗ ngực, vỗ bụng rồi vỗ đùi và cười khặc khặc:

-Đặt ở đây nè, ở đây, ở đây nữa? Hì! Có còn ai đâu mà văn phòng văn phiếc?

Là trừng mắt nhìn tôi:

- Hôm qua em đã dẫn anh đi ngang qua xóm Bò Cạp và xóm Hố Bò cũ, anh thấy có còn cái nhà nào không? Anh muốn tìm văn phòng xã ủy hả..? Ra ngoài các ấp chiến lược Cây Bài, Trung Hòa, Cầu Ván mới gặp. Nếu không thì ra chợ Bắc Hà trước cửa Đồng Dù thì chắc ăn hơn.

Chú Tư tiếp:

- Văn phòng xã ủy cháu hỏi đó là hồi hai năm trước, trước cả cháu về đây lần đầu kìa. Hồi đó con Rớt còn đi học, con Là đêm đêm cầm tờ giấy đọc tin ở phòng thông tin ở xóm Hố Bò, trên đường 15 dập dìu tài tử giai nhân lên xuống Bến Dược, Bến Súc, còn dưới sông thì đò máy chạy xìn xịt tối ngày. Tưởng đã giải phóng đến nơi rồi. Ai dè nó đá ngoéo lại cú này ác quá. Cháu về công tác ở đây rồi sẽ thấy. Nó chơi bom pháo xe tăng gì chú cũng ít ngán, còn cái mửng nó xúc dân, ép dân ra ấp chiến lược bỏ đất trống thiệt là ác. Mình như con cua gãy càng. Bộ đội muốn tìm dân để nhờ lá rau hột muối đều không có. Toàn ở ngoài rừng ngoài vườn hoang. Còn đảng bộ thì Bí thư, thư ký, liên lạc gì cũng chỉ một mình thằng này thôi. Một năm nay chú đâu có bận được cái quần dài nào đâu. Quần cụt cho nó gọn, chạy không vướng chân mà có ướt cũng mau khô.

Nghe chú Tư tố khổ tôi rầu thúi ruột, muốn đi quách về Bộ Tư Lịnh để nhận công tác cho xong, nhưng giao liên chưa đến, sẵn dịp Là chạy lo hầm cho chú Ba (Tôi biết ngay là ông Ba Định tức là Ba Xu Tư lệnh Quân khu mới xuống thay hai ông Huỳnh Tấn Phát và Trần Bạch Đằng). Tôi cũng nhân cơ hội này, trong lúc chờ đợi giao liên đến, đi rảo vài nơi với cô nàng để biết thêm chút ít địa hình địa vật hầu nay mai điều động bộ binh cho khỏi bỡ ngỡ.

Cơm nước xong, chú Tư đi về còn Là sửa soạn dẫn tôi đi xuống Phú Hòa. Chú vừa ra khỏi sân thì thụt lùi trở lại. Chú trỏ qua phía bên kia sông Sài gòn:

- Nó lại đánh bên Thanh An! - rồi bước lại rỉ tai tôi - Chắc nó biết mấy ông mình dời sang bên đó nên nó đeo dính. Ngày nào nó cũng đánh dọc đường 14. Thằng Năm Thuận cho vợ con về bên đó chưa chắc đã yên thân đâu.

Tôi nhìn về hướng bên kia sông. Khu trục bay liệng hai ba chòm. Khói lên đen kịt. Tôi nghĩ: ông Ba Xu từ bên này vọt về bên đó, hay từ bên đó dông qua bên này? Không biết ông ta ở đâu bây giờ. Bé Rớt chạy ra nắm tay tôi:

- Cậu đi chiều về nghe.

- Ừ, chiều cậu về.

- Máy bay nó bỏ bom bên chỗ ngoại đi đó cậu.

Tôi vuốt đầu bé:

- Con ở nhà má dạy học thuộc bài rồi con viết từ số 1 đến số 100 cậu về xem chấm điểm.

Tôi nói rất tự nhiên như cha dặn con, người lạ nghe ắt nghĩ tôi là ba của con Rớt. Nếu trời đất có phép lạ gì biến tôi thành chủ cái gia đình này một cách êm ái, Lụa là vợ tôi thì chắc tôi không có đau khổ gì hết.

Lụa đứng ở cửa bảo:

- Con vô để cho cậu Hai đi, con! (Tôi vụt nghĩ, sao nàng không thể bảo: Con vô cho ba đi! Chỉ khác có một tiếng thôi mà là cuộc đời hoàn toàn thay đổi. Tôi vụt có gia đình và có con. Tôi sẽ gọi con tôi tối ngày, tôi sẽ dạy nó học. Tôi sẽ ở đây. Thuyền tình sẽ đậu mãi mãi ở bến này. )

- Con vô với má đi con!

Là có vẻ không đồng ý với cách nói năng của tôi, nên nạt ngang:

- Người ta đi tới Sa Nhỏ lận, không ai cõng mày theo được đâu mà hòng đòi.

Thấy con bé quyến luyến tôi phải trở lại đủn bé vô nhà và bảo:

- Con muốn ăn gì, cậu ghé quán mua cho.

- Không con không muốn ăn gì hết, con muốn cậu về mau mau.

Tự nhiên nước mắt tôi rơi lã chã. Tôi quay ngang và trở ra giấu đi, không cho Lụa thấy. Tôi không ngờ rằng một tên lỳ lợm trong lửa đạn như tôi lại có thể khóc trong một cuộc chia tay nhỏ nhen như vậy, và trong phút chốc tôi chợt hiểu nguyên do vì sao Năm Thuận và bao nhiêu cán bộ khác nghỉ công tác mà nín ở nhà.

Tôi và Là vừa ra đến đường cái thì chú Tư cũng từ trong nhà chạy băng ra. Chú bảo chú cũng đi cùng đường với chúng tôi để gặp thằng Hai Trâu an ninh xã Trung Lập để liên hệ công tác, rồi gặp thằng Út Chạy ở Sa Nhỏ, biết chừng băng qua Đồng Lớn để gặp thằng Hai Đời bí thơ. Thế là chú đi trước dọn đường. Chú mặc cái áo bà ba mốc rách vai chưa vá, tay cầm cái rựa ngoéo, khom khom bổ tới, cặp chân khẳng khiu đen đúa như hai ống tre cháy nám lòi ra hai ống quần lỡ nhuộm phèn vàng cháy làm tôi xót xa. Không hiểu ông già này hiểu chủ nghĩa Mác bao nhiêu mà làm bí thư đảng ủy? Bên ngoài vạt áo chú nịt ngang lưng một sợi dây da, bảng to bằng bốn ngón tay rất quen thuộc với tôi từ năm ngoái, mỗi bên có một cái túi nhỏ gài nút bóp để đựng giấy quyến và thuốc rê. Đó là thần dược của chú dùng để chống xe tăng và máy bay Mỹ, ngoài ra không có gì khác..

Phái đoàn cắt ngang qua suối Hố Bò lên đám rừng chồi mà cách đây một năm khi nàng đưa tôi và má Hai ra Bến Dược móc gia đình, đã cho tôi xem cái miệng địa đạo đầu tiên của Củ Chi. Tôi buột miệng hỏi:

- Địa đạo ở đó, em có phát triển thêm ra không?

Nàng đáp.

- Bỏ luôn rồi anh ạ! Thời buổi này thiên hạ sợ địa đạo hơn sợ cọp.

- Ủa. sao kỳ vậy?

- B52 nó rắc lên đầu ai dám chui?

- Vậy chắc ba cái hầm của tụi anh đào chắc cũng tiêu hết rồi!

- Hầm nào?

- Hầm của anh và Tư Linh chỉ huy tụi con Bảy Mô đào để diễn tả địa đạo chiến cho thằng Bọ Chét.

Là phá lên cười như nắc nẻ một hồi rồi nói:

- Ổng về tới bên Tây rồi hả?

Tôi lặng thinh vì hổ thầm. Một cô nông dân như Là mà cũng biết tỏng cái địa đạo thôn liền thôn, xã liền xã còn cái thằng trí thức quốc tế lại cắm đầu vào cái hang chuột mà cứ tưởng là nó dài tới hai trăm dậm và bao vây cả căn cứ Đồng

Dù. Qua khỏi đám rừng chồi, đến bìa sở cao su Mây Sắc (Beyssac) cũng còn gọi là sở cao su Phú Hòa. Ở đây cao su còn non, cao độ bốn, năm thước, nhưng vì không có người săn sóc, nên nhiều lô bị đốn phá hoặc lấy thân cây hầm than bán. Đi một đổi nữa thì đến đường mòn cặp suối Lộc Thuận. Bên kia bờ suối nhà cửa vách ván, mái ngói bị pháo bắn sập, điêu tàn. Là cho tôi biết hiện giờ chỉ còn một nhóm du kích ở ngoài đầu suối ngang Sa Nhỏ. Hồi 62-63 vùng này vui lắm. Nào các cơ quan khu ủy I-4, nào gánh Hậu Cần của ông đại úy răng vàng Bảy Hốt. Từ ngày Mỹ vô Đồng Dù căng chiếc tăng đầu tiên, vùng này ăn bom pháo hàng ngày. Nó triệt hạ hầu hết cơ sở bên này, bây giờ nó đuổi sang Thanh An. Chúng tôi đang đi bỗng có một chiếc xe đạp bóng nhoáng chạy ngược chiều. Cô gái dừng lại, nhảy xuống chào chú Tư và chị Là. Cô ta thân hình mảnh mai, mặt tròn có nhiều mụn mà cái vành nón hướng đạo bằng nỉ xám không che lấp được. Cổ cô ta lại quàng một cái khăn tím trông rất hợp với cái dáng nhỏ thó của cô làm cho tôi nghĩ đây là một em bé quàng khăn đỏ ở bờ hồ Hà Nội. Là vồn vã nắm tay nàng ta:

- Chị Nhã Nam đi đâu vậy?

- Đi lấy tài liệu về chống càn của mấy ông du kích ở Sa Nhỏ. Bị kẹt đường nên ngủ tạm ở đó đêm qua.

- Bộ có tin gì hay hay hả?

- Ừ, mấy ổng vừa lập một hỏa điểm trong vành đai bao vây Đồng Dù. Nghe tin đó, ông Tám Quang gởi tôi xuống ngay để lấy tài liệu viết bài.

Tôi và chú Tư đứng cách vài bước. Tôi thấy cô liếc sang tôi và hỏi nhỏ nhưng tôi nghe:

- Chị xã đi với ông nào coi găng xi măng vậy?

- Ông nào? Anh Hai tôi ở R mới về đó?

Nhã Nam bèn rề xe đạp lại gần tôi, cười duyên:

- Anh về thay ông Hai Giả ở H6 phải không?

Tôi giật mình hỏi.

- Sao cô biết?

- Em là nhà báo mà. Xoi mói một cây. Có chuyện gì mà em không biết?

Nhã Nam xưng em ngọt ngào với tôi một cách tự nhiên.

- Tôi mới về nên không biết gì hết.

Nhã Nam cười nhe cái răng duyên bên góc môi trái:

- Giấu hoài anh Hai. Em nhìn cái ống dòm anh đeo trên vai là biết con nhà pháo rồi mà. Hổm rày em nghe đồn ở cơ quan. Nay gặp anh thì em đề quyết.

Thấy nhà báo này có vẻ ranh mãnh, tôi liên tưởng đến tờ báo Nhân Dân, một cây nói láo. Kể từ lội Trường Sơn đến nay, tôi không hề đọc tờ báo láo này nữa, cũng không đọc một tờ báo nào của đảng mà tôi không thấy thiếu chút nào trong đời sống tinh thần của tôi. Thật vậy, tôi đọc báo không phải với sự ham thích mà với thói quen xấu. Nay bỏ nó đi, tôi nghe nhẹ mình.

- Cô ở đâu.

- Em ở Sài gòn (chữ gòn nàng phát âm theo tiếng Bắc).

- Đừng có qua mặt cái ống dòm của tôi chớ. Con gái Sài gòn đâu có nói lai giọng Bắc như thế - Tôi vừa nói vừa bắt nhãn cô gái - Có thể cô sanh ra ở Sài gòn nhưng bố mẹ ở Bắc Giang phải không?

Nhã Nam cười banh cặp môi mỏng và hai gò má đầy mụn hơi ửng lên:

- Anh đoán tài quá!

- Không tài gì đâu! Nhã Nam là quê hương pháo của tôi ở ngoài Bắc. Tôi đã từng diễn tập kéo pháo qua phố Nhã Nam mấy lần mà!

-Thảo nào!

- Ở Nam người ta nói là hèn chi chớ không nói thảo nào!

Nhã Nam làm duyên:

- Em phục anh quá chời. Anh có thể cho em biết quý danh không? Em sẽ viết bút ký.

- Để làm quái gì. Tên tôi xấu lắm, không nên đưa nó vào văn chương.

- Kệ nó, anh cho em biết đi!

- Thiên Lôi!

Nhà báo bịt miệng cười. Chú Tư giục:

- Thôi, đi kẻo trễ!

- Vâng. Anh đi kẻo trễ mất! Gặp lại khi khác. Chào chị xã...ã! Chào chú Tư!

Nhã Nam thót lên xe đạp vun vút.

Tôi ngoảnh mặt lại ngó theo cái bóng hồng hay hay đang bay xa dần. Bỗng nghe đau điếng ở vai:

- Dòm gì mà dòm dữ vậy?

Cô xã đội vừa nhéo tôi vừa nghiến răng ken kéc.

- Anh nhớ cái thị xã Bắc Giang chút mà!

- Ngó ngoái vậy coi chừng trặc cổ đó ông thầy pháo!

- Gì dữ vậy em!

- Con nhỏ đó, anh khỏi cần tìm, tự nó dẫn xác tới thôi.

- Em không nên nói xấu bạn bè.

- Em đâu có bạn bè gì với nó. Nó là dân thành. Nghe đâu sinh viên đại học văn khoa văn khoai gì đó. Nó là nhà báo của Tuyên Huấn khu.

- Người ta vô đây với mình thì tốt chớ sao. Ở trên R cũng rất trọng đãi trí thức mà.

- Trí thức nào em hổng biết, chớ con nhỏ này viết láo dữ lắm. Nó làm mấy bài Chị Năm Cầu Xe em bất ngờ nghe đọc trên đài giải phóng, em muốn độn thổ luôn.

- Sao vậy?

- Nước lã khuấy nên hồ chớ sao. Cho nên bây giờ mấy ông Tiểu đoàn Quyết Thắng chạy mặt nó rồi.

Tôi đỡ cho cô bạn vừa mới quen:

- Không hẳn là cô ta viết láo đâu. Cố nhiên là làm báo phải nói láo không nhiều thì ít chớ không nhà báo nào lại nói y sự thật nhưng trước khi in, cấp trên còn thêm mắm dậm muối.

Tôi biết trong bụng cô xã đội: không phải cô đổ quạu vì nhà báo nói láo mà vì cô ta nó chuyện với tôi thân mật quá. Biết vậy tôi vuốt giận nàng:

- Anh không bao giờ lấy vợ Sàigon.

Quả nhiên là vui vẻ trở lại. Nàng bảo:

- Anh ráng chút nữa em kiếm nước dừa cho uống.

- Dừa ở đây bị hoá học, lẫn B52 và pháo siêu âm! Uống nước dừa dám bịnh lắm! Hèn chi tụi con Nga sợ ăn thịt chuột nổi phong cùi cũng phải.

- Anh chạy đi đâu rồi cũng không không khỏi chui. Anh cứ bỏ một cục vôi ăn trầu hay một trái chanh vào xắc-cốt sẵn đi là vừa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx