sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 36: Trên Miệng Hầm Ông Ba Xu

Trên miệng hầm ông Ba Xu

Thấy nắng rọi nghiêng tôi giục Là về trong lúc tiệc còn đang vui. Chúng tôi đi trên con đường mòn. Đi được một quãng, Là quay lại nhìn tôi và hất hàm:

- Có đi cày nổi không?

- Nổi chớ. Hồi ở nhà anh vẫn theo trâu cày ruộng nhà, bắt cá lóc trong lúc cày khoái lắm.

- Ở đây cày gặp miểng cà-nông chớ không có cá đâu.

- Nhưng sao em hỏi anh chuyện đó?

Là quay lưng đi không nói. Một chập mới lằm bằm:

- Nhìn gì dữ vậy?

- Nhìn gì đâu?

- Hai chị em ruột giống nhau như đúc, coi chừng lầm đó.

- Gì mà phải lầm.

Là cười sặc sặc và nói:

- Cô em có cái bớt trên cổ, nhớ nghe thầy Hai!

À ra thế, cô nàng lại lên cơn. Biết thế, tôi móc túi ra đưa cho nàng một gói giấy nhỏ:

- Cái gì đây? Của cô em kỷ niệm hả?

- Mở ra coi!

Là mở ra và kêu lên:

- Ớt! ớt ở đâu vậy?

- Bên góc chuồng trâu. Anh hái hồi lúc em vô nhà.

- Ớt này là ớt hiểm cay hơn ớt sừng trâu.

- Ớt nào mà lại chẳng ca... ay!

- Anh nói móc em há? Được rồi!

Tôi cười dã lã. Nàng nghiêng mặt sát tôi:

- Anh là anh... của em không ai có quyền...

Tôi ngắt ngang.

- Quyền gì?

- Không ai có quyền động tới.

- Ai động tới anh đâu nào.

- Xí mới con nhỏ Nhã Nam Bắc kỳ lai, lại đến hai bà kiện tướng.

- Anh làm gì mà em la.

- Tụi nó nhìn anh chớ làm gì.

- Nhìn mà cũng cấm nữa à?

- Tại sao anh nhìn lại?

- Có mắt để làm gì?

Là bí lối đành quay đi với vẻ giận dỗi. Đi được một khúc, Là trỏ tay vào một lùm tre:

- Dượng Chín mua rượu trong quán này! (Là gọi Chín Nữa bằng dượng cũng như tôi). Quán thằng cha Hai Trâu.

- Tên gì kỳ vậy?

- Thằng chả đánh xe trâu mà ăn tiền mắc hơn các chủ khác nên người ta đặt tên vậy đó. Em ghét thằng chả lắm.

- Anh thấy ai em cũng ghét cả.

- Ừ em chỉ thương có một người thôi. Ai làm gì em nào?

- Em thương người nào chắc người đó phải sợ mất vía.

Là bật cười rồi nói:

- Thằng chả chỉ là cán bộ an ninh xã. Ở Sa Nhỏ này có bốn, năm cái quán, nhưng ổng cứ hạch sách làm khó làm dễ hoài. Ổng bảo chủ quán có liên hệ với lính bót Trung Hòa. Ai ổng cũng nghi ngờ. Vì vậy ổng không cho buôn bán. Để một mình ổng thôi. Vợ ổng ra vô chợ thì không sao cả! Trời bất dung gian đảng, có ngày vợ ổng bị lính bắt vô đồn cho coi. Vậy cho hết nghi ngờ người khác.

Đi với cô xã đội tôi hiểu thêm dân tình và địa vật. (Về sau khi chỉ huy Tiểu đoàn Quyết Thắng tôi rất rành đường quanh nẻo tắt của các thôn ấp.) Tôi hỏi:

- Bà con ở đây làm nghề gì em?

- Cũng ruộng rẩy thôi. Nhiều nhà làm nghề đươn đát, một số khác thì đánh xe trâu. Xe trâu thì cũng như xe bò. Nhưng trâu kéo được xe trong lúc trời mưa, còn bò hễ gặp mưa là phải nằm nhà mất công mất việc.

- Sao bò lại không chịu mưa được?

- Vậy anh không biết là bò sợ mưa à? Vậy mà lúc nào cũng quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng.

Là chỉ tay ra giữa cánh đồng bên phải có mấy cây sộp đứng lơ thơ cô độc, bảo:

- Anh nhớ nhé! Suối Lộc Thuận ăn ra tới đó. Phía bên kia là Cỏ Ống thuộc xã Lộc Hưng quân Trảng Bàng. Tây Ninh, xứ của bà kiện tướng áo hồng và của bà Bảy Bề cũng kiện tướng áo hồng. Bà này cũng chuyên môn đi thành mua thuốc Tây cho mấy ông Tám Lê, Tư Chuyền, tụi thằng Quỷnh. Chà chà, anh mà gặp bà này thì anh nháy lia thôi.

- Cũng vậy nữa!

Tôi hỏi tiếp:

- Má không quen ai ở ngoài này à?

- Không, Bà con bên ngoại bên nội đều ở bên Bến Cát bên kia sông Sài gòn.

- Rồi sao sang bên này?

- Em không hiểu. Hỗm rày má đi về thăm bà con bên đó. Má đang ở nhà dì Ba... hí hí...

Đang nói bỗng Là bụm miệng cười.

- Cười gì anh vậy?

- Không, em cười ông Ba Xu.

- Ổng làm gì mà em cười.

- Em cười Dì Ba khi không mà được làm bà Tư lệnh Quân khu.

- Sao vậy?

- Thì ông Ba Xu mết dỉ chớ sao!

- Nói bậy đi. Đồn tầm bậy rồi có dư luận, ổng bị kỷ luật không làm việc được. Nghe ai nói, em phải cúp ngay.

Là vẫn lặng thinh, đi nhanh. Hai đứa vừa đi vừa nói chuyện. Ai không biết, tưởng là vợ chồng. Vùng này vườn tược còn xanh. Mít, ổi, vú sữa sai oằn. Chỉ vài dấu đạn rãi rác trên thân cây cau cây dừa. Bên đường, một ngôi nhà lá xập xệ trong đó có bàn ghế. Là bảo tôi vào nghỉ chân. Đây là trường học. Nền đất đã mọc rong và mặt bàn đã lên meo. Xung quanh khu rừng chồi phía sau có một đoạn giao thông hào sâu tới bụng. Có nơi đất sụp lấp lại gần đầy trên mặt.

Là bảo với giọng bất mãn:

- Ông thầy giáo vô ấp chiến lược rồi. Hở là họ chạy ra đó. Mà nếu ở đây cũng chẳng có học trò đâu mà dạy. Ba bốn cái trường nữa cũng y như vậy. Anh thấy con Rớt đó không? Mới bây lớn mà cho đi học rủi có đổ chụp, bố ráp thì thầy giáo làm sao mà cõng cho hết.

- Anh nghe nói Bàn Sõi, vậy nó đâu?

- Kia kìa. Cũng là địa hạt Đồng Lớn đó thôi, nhưng ở rìa Đồng Lớn về phía xóm Tầm Lanh có một cái bàn và ven bàn có nhiều đá sõi nên gọi là Bàn Sõi. Vùng này còn xanh tươi hơn miệt Hố Bò mình. Nhưng em đoán là chỉ nay mai thôi, nó cũng sẽ như Hố Bò. Ở đây chỉ cách bót Trung Hòa đường chim bay bốn cây số thôi, nếu không có vườn cây che khuất thì mình sẽ nhìn thấy cái chuồng cu của nó.

- Còn Đồng Dù?

- Đồng Dù ở phía dưới này, cách nhà mình chừng sáu cây số là cùng. Anh thấy chỗ trực thăng lên xuống là Đồng Dù đó. Cối cũng dư sức bắn tới đây mà. Cần gì đến pháo.

Tôi đứng trên vùng đất này nhìn bốn phía thấy đất khô dễ dàng di chuyển pháo. Có thể dùng xe trâu xe bò, không khổ sở như ở Trường Sơn. Bắn thì dễ rồi, nhưng bắn xong chôn giấu pháo ở đâu cho kịp? Chúng nó phản pháo chỉ trong vòng nửa phút. Và phản công bằng bộ binh trực thăng vận thì mười phút là cùng. Vườn ở đây mỏng và sạch sẽ. Chúng nó chỉ cần chấm tọa độ rồi đổ quân lục soát là tìm ra vũ khí của mình ngay. Tôi ngồi hút thuốc mà suy nghĩ miên man.

- Anh mơ cô nào vậy?

- Cô Hòa. Nhưng anh chán cô Hòa rồi.

- Nữ... a! Hòa nào?

- Anh mơ cô Đồng Dù!

Là cười khoe hai hàm răng trắng đều. Là cũng có duyên. Chỉ phải cái tánh bộp chộp và xốc nỗi như trẻ con. Là đến ngồi gần tôi:

- Anh làm sao oánh cho tiêu cái Đồng Dù thì mình mới sống được.

- Ừ để coi.

- Nếu không thì anh cũng phải quét thằng Trung Hòa. Để nó cứ đâm hông mình hoài khó làm ăn quá!

Nàng hỏi nhỏ.

- Anh cho ông ầm xuống đây em giấu cho.

- Ừ để xem đã!

Tội nghiệp cô bé mộc mạc ngây thơ này và các nường dũng sĩ. Các cô tưởng pháo bắn dễ lắm. Học sói đầu chưa biết có hiểu nỗi cái binh chủng pháo này chưa. Các cô mới đánh dăm trận làm rụng vài cái lông chân thằng Mỹ thì đã tưởng diệt được nó dễ dàng. Bởi thế bọn Hà Nội mới lợi dụng sự ngây ngô này mà đốt đít các cô các chú thừa thắng xông lên, chết bi nhiêu bi, miễn sao mấy thằng Trung ương cơm gà cá gỏi đều đều, Volga chạy tét mắt, vợ bé tì tì, miễn sao con cháu của họ đứa đi Đông Đức đứa đi Tiệp Khắc thì được rồi. Chồng cô Lụa, cô Tư Mai, và bao nhiêu thanh niên khác bỏ vợ con, ra đi biền biệt Phước Long, Bình Long không thấy về bởi họ tin rằng Trung ương yêu mến họ lắm lắm.

Tôi sắp châm điếu Capstan khác thì Là giục đi. Đi mút xóm Sa Nhỏ thì đụng một ngôi nhà đứng giữa vườn cau tơ. Đó là quán của Chín Khuân, con gái của Dì Hai tổ trưởng xe bò Sa Nhỏ chuyên môn tải gạo cho Hậu Cần R. (Tụi này hễ đi tới đâu là tổ chức người tới đó để nắm cổ họng không cho nhúc nhích). Tuổi độ ngoài bốn mươi, Dì Hai người cao lớn tốt tướng quân sự hơn bà Ba Định nhưng chỉ làm chỉ huy trưởng mấy chiếc xe bò, Chín Khuân chừng mười sáu tuổi nhưng cao lớn như gái hai mươi. Đêm đêm tổ vận tải của dì hoạt động không nghỉ. Xe của dì đi đầu kế đó là một đoàn năm, sáu chiếc nối theo. Hai bên vài anh giải phóng vác súng đi theo hộ tống. Chúng sợ ăn cướp hay sợ máy bay? Chính chúng là một lũ ăn cướp còn sợ ăn cướp nào nữa. Còn nếu máy bay đến thì ba cây súng này bảo vệ được đoàn xe, hay chờ cho bò bị đạn rồi nhào tới xẻ? Ghé vào quán Dì Hai, tôi mua đủ thứ. Như để trả thù những ngày mua phiếu ở ngoài Bắc. Cái quán cóc bị đe dọa hằng ngày mà mua gì có nấy. Chỉ thiếu máy bay tàu lặn là không có thôi.

Chín Khuân thấy Là cầm không hết bèn tìm cho một chiếc giỏ xách để đựng. Thoạt nghe radio nói oang oang, tôi lắng tai nghe. Thì ra đài giải phóng. Là cũng lắng tai một chút rồi nhăn mặt:

- Cũng ba cái US gô hôm nữa. Phát lúc này ai rảnh mà nghe..

- Mấy ông bà trong Sài gòn đang uống cà phê buổi trưa nghe chớ!

- Uống cà phê thì phải nghe cải lương Minh Vương Lệ Thủy chớ nghe cái đó, uống mắc cổ chết.

Chín Khuân khịa vào hỏi Là..

- Bộ miểng cà nông sao mắc cổ. Ông này ở đâu mới tới, coi bộ lạ hả chị Là?

- Anh Hai tôi đó.

Tôi mua hai chai nước cam uống nước cho mát bụng, hút hết một điếu thuốc mới rời quán.

Ra đến đường, Là hất hàm:

- Coi được không?

- Cái gì được không?

- Con nhỏ mới lớn, anh kêu dì Hai bằng má không xứng đâu.

- Lúc nào em cũng coi anh là hạm đội cả.

Là cười hả hả.

- Anh vô nhà này vừa bán quán vừa đánh xe bò làm nhân viên của ông Bảy Hốt ở Xóm Dược được đó

- Ổng còn ở đó không?

- Đặng anh đến mua bình toong của bà Sáu Tiệm hả? Ổng nhảy qua Thanh An rồi. Bỏ bà Sáu lại đó còn trống chân, ủa, mà không phải, có một ông mùa thu khác trám vô rồi.

Đi hết xóm Sa Nhỏ chúng tôi đi vòng sang phía sở cao su Sinna, một hồi thì đụng con lộ đá ong đỏ chạch. Mỗi cơn gió qua làm dấy lên một ít bụi hồng. Đứng xa nhìn màu hồng đẹp mà xông đó thì hôi hám dơ dáy quá chừng. Mặt mũi quần áo đều đẫm bụi. Là kéo tay tôi đứng nép vào một gốc me, trỏ tay về phía bót Trung Hòa:

- Anh nhìn kỹ thì thấy lính ngồi trên chòi gác.

Tôi núp vào bụi lấy ống dòm ra nhìn thì độ chừng khoảng cách là bốn cây số.

- Gì mà sợ vậy anh! Tụi em cứ đi nhan nhản như thường.

Tôi bảo:

- Mình thấy nó là nó thấy mình. Cũng có thể nó thấy mình rõ hơn mình thấy nó.

- Sao vậy?

- Vì nó có ống dòm, còn em không có.

- Pháo 105 của Trung Hòa bắn tới Bùng Binh, nhưng chỉ khi nào có trực thăng đổ chụp, pháo mới bắn dọn bãi. Còn súng cối nó chỉ thụt tới Ba Sòng, Gò Nổi, Tầm Lang, Bàu Sỏi hay Ràng, Trung Hưng.

Là vừa nói vừa chỉ tay các xóm trước mặt.

Nhìn thấy những người lom khom dưới ruộng thấp, kẻ cuốc người cày. Tôi hỏi:

- Đó là dân trong xóm này hả em?

- Họ gốc ở trong này, nhưng gần đây chạy ra ấp chiến lược Trung Hòa, Lào Táo, ban ngày về làm ruộng, ban đêm ngủ ở ngoải.

- Dân mình khổ quá. Ở ngoài kia thì bị cải cách ruộng đất ở trong này thì bị chiến tranh.

- Anh đem ông ầm, ký ở đây nã vào bót đó được không?

- Được chớ.

- Đó là bót lớn nhất ở vùng này. Nó có nhà việc cho hội tề các xã làm việc. Dân trong này ra, xã nào tìm hội tề xã nấy. Đến đó xin giấy tờ, xin tôn làm nhà, xin gì cũng được. Nó còn phát cho đài để bắt tin tức.

- Radio mà cho không à?

- Radio một làn sóng chỉ bắt được đài Sài gòn thôi. Nhưng bà con chê, không lấy, để đi mua Sony, Hitachi bắt được cả BBC và VOA.

Đi một quãng nữa, Là bảo:

- Đây là xóm Trại Giàn Bầu. Có lẽ ở đây trồng nhiều bầu bí, nhà nào cũng có một giàn trước hoặc sau nhà.

Đi qua những lô cao su, tôi thấy tiếc vô cùng. Nhớ thằng giáo sư Liên Xô nó rươm rướm nước mắt hôm nó từ giã Củ Chi: "Các đồng chí phá cao su như thế này uổng quá. Nước tôi không trồng được". Uổng con mẹ gì giáo sư ơi? Bác Hồ không biết cả quý trọng con người. (Ông không thấy thanh niên phơi xác trắng Trường Sơn đó sao?) Cây cỏ thì sá gì? Đốn lớp này Bác trồng lớp khác. Có điều là chẳng ai thèm trồng, vì trồng xong Bác lại chặt phá. Là bảo tôi:

- Hồi sáng tới giờ anh em mình đi thành vòng chữ O. Bây giờ đi thẳng đường này vô Bàu Đứng.

- Anh biết rồi. Huỳnh Nga có chỉ cho anh.

- Anh đi với con nhỏ đó hồi nào?

- Thì hôm bữa anh vô bệnh xá ông Tư Chuyền rồi em vô kêu anh đi luôn Bò Cạp chớ hồi nào!

- Anh đi một mình với nó à?

- Thì cũng đi như đi với em bây giờ chớ mấy mình.

- Hứ! Đi với nó là khác, đi với em là khác chớ sao như đi với em được.

- Ừ, thì khác!

- Con nhỏ đó là con quỉ. Đừng có thấy nó làm bộ con nít mà tưởng nó hổng biết gì.

- Anh có nói nó hổng biết gì đâu?

Là quay mặt nhìn tôi và dừng lại.

- Hả?... Bộ... bộ anh mê nó rồi hả?

- Anh không mê ai hết, ai có mê anh thì mê!

- Cả xóm Hố Bò đều biết nó léng phéng với thằng cha Tám Lê y sĩ. Mụ Thắm vợ thằng chả ghen bỏ ăn bỏ uống, ốm xanh ốm xao như con mắm trở. Em thấy mòi cả hai con yêu tinh đó chíp anh rồi. Một ngày vô hai lần tìm anh. Trưa vô chiều vô. Làm bộ công tác dân vận. Ai cầu mà tới dân vận tôi? Em bắt thóp tụi nó mà.

- Còn ai bắt thóp em?

Là bật cười:

- Em hổng có thóp thép gì hết.

- Để anh nói cái thóp của em cho em nghe.

- Thôi đi em không muốn nghe.

Đến ngả ba Bàu Đứng, Là bảo:

- Hồi 62 ở đây có cái trường học. Xóm này vui lắm. Bây giờ tản lạc hết.

- Từ đây có đường về Hố Bò không?

- Có chớ! Vùng này chỗ nào em cũng lội tới. Bây giờ còn ghé một chặng nữa rồi về nhà. Em phải tìm cho được thằng Tư Ếch và con Út Nào. Hai đứa đều là kiện tướng đào hầm cả. Em bắt tụi nó ngay. Nếu không, làm xong ruộng, tụi nó sẽ ra ấp chiến lược Trung Hoà, trời kêu không về!

Tôi kêu mỏi chân. Là bảo ngồi nghỉ, để một mình nàng vô nhà kiếm Tư ếch. Một lát trở ra, nàng bảo Tư Ếch không có ở nhà Vừa quay ra thì gặp Út Nào.

Út Nào đon đả hỏi:

- Đi đâu đây ta? Lại hầm với hố phải không?

- Lần này thì hầm to mày ơi.

- Ai vậy?

- Anh Hai tao ở R mới về.

Người con gái nguýt ngang cười, che miệng rồi quay sang tôi giọng dí dỏm:

- Chào anh Hai! Thôi mời anh chị vô nhà.

Là càu nhàu và đấm lưng bạn:

- Tao đã nói là anh Hai tao mà mày hổng tin thật hả con quỉ?

- Ái uôi da! Mày đấm tróc phổi tao! Tin chớ sao hổng tin. Đào hầm gì nữa đây ông nội?

- Ông Ếch lặn ở đâu?

- Ổng đi lò rèn gần bìa sở Đất Thịt lấy cái lưỡi hái về cắt cỏ cho bò ăn.

- Hỗôm rày xe có hoạt động không?

- Tổ của dì Năm sắp rã rồi.

- Sao rã vậy.

- Ông Bảy Hốt trả tiền thấp quá. Ba chủ xe đã vô ấp chiến lược Cầu Ván rồi. Còn một chủ thì bò bị chặt chân. Còn lại một mình dì Năm...Ối mà thôi,.nhiều chuyện lẹo tẹo lắm.

- Vận tải gạo thì ông Bảy ổng trả tiền, nếu thấp thì đòi thêm. Cách mạng thì phải hi sinh mỗi người một chút, tiền đâu có nhiều mà trả nhiều như thời trước.

- Thôi đi bà nội. Bà lập trường cao thì đi xe vài chuyến thử coi. Ngồi xe chai đít, lại còn bom pháo dội trên đầu, trả một đêm hai trăm, coi được không? Nhưng cũng không phải chuyện đó mà tổ xe bò rã đâu.

- Vậy chuyện gì nữa.

- Mày hỏi con Chín Khuân, nó nói cho nghe.

- Thôi thôi tao biết rồi. Xếp nào lính nấy. Bữa nào rảnh mình xốc một bữa lo xong cái hầm cho...

Là kề tai nói nhỏ.:

-Được không?

- Hổng được đâu. Vùng này nhiều người ra ấp chiến lược dữ lắm. Họ nói tùm lum ra tụi Trung Hoà biết nó gởi đạn vô đây cũng đủ tiêu rồi. Lại nữa đang lúc mùa mưa, ai lại đi đào hầm?

- Khẩn cấp mà mậy!

- Hễ công tác thì cái nào ở trên cũng khẩn cấp. Ông Trâu ở nhà bán quán cũng khẩn cấp như thường.

- Nói vậy rồi mày không tiếp tao một tay à cô kiện tướng.

- Tiếp thì tiếp nhưng phải có ông Ếch chớ hai đứa mình làm sao thấu. Mày cụp xương sống rồi, bây giờ đâu có kéo đất nổi nữa.

Là bàn bạc với bạn một lúc rồi về. Ra đường, nàng sừng sộ với tôi:

- Anh thấy không? Ở trên đổ xuống cho em. Cái gì cũng em hết. Nhưng em đâu có chỉ huy được ai?

- Nhưng tại sao ở trên bắt em phải đào hầm cho ông Tư Lịnh?

Là cười khúc khích:

- Vụ này cũng tại Dì Ba.

- Dì Ba nào?

- Dì Ba Tư lịnh quân khu.

Tôi ngớ ra một lúc rồi nhớ ra. Là nói tiếp:

- Các ông lớn đều như thế cả. Có ông nào thiếu bà nhỏ đâu. Ông Ba Xu ở với Dì Ba lâu rồi.

- Sao em biết rõ vậy.

- Mấy đứa cháu trong nhà nó bắt gặp ổng bả nằm dưới hầm ló hai cặp chân ra.

Tôi lặng người ra, không nói gì được. Là búa thêm:

- Em thấy chỉ có mình anh là đàng hoàng thôi đó. Bởi vậy nên em thương anh!

Một chập Là tiếp:

- Dì Ba nói em làm xã đội bên này. Ổng bảo: hiện giờ đồng chí cũng không dám tin. Nay đồng chí mai chiêu hồi. Nó về khui hầm bỏ mẹ. Chỉ có bà con, cha mẹ không phản mình thôi. Do đó ổng bảo em tìm hầm cho ổng.

Đó là một chân lý mới trong gian khổ chết chóc ở Củ Chi. Là tiếp:

- Ổng có nói với Dì Ba cái vụ Hai Tốt ôm cả chục triệu bạc ra Sài gòn nữa. Dì Ba phải bỏ tiền ra cho ổng nuôi cơ quan. Làm bà Tư lịnh để nay mai sạt nghiệp cho coi.

Cái chân lý của ông Ba Xu nêu ra có khi đúng. Cô xã đội phó Là có thể chiêu hồi trở về chỉ hầm của ông Tư lệnh Quân khu nhưng mà cháu Là không thể chỉ hầm bắt Dượng Ba mình. Chân lý đã rõ ràng, Cộng sản còn tìm đâu cho mệt. Sách vở nào hơn. Dượng cháu là quốc gia. Đồng chí là quốc tế. Cái quốc nào cao hơn đáng tin cậy hơn?

Đến lúc mặt trời xuống thấp ngang ngọn Rừng Chồi, Là mới rẽ vào rừng. Nàng cho tôi xem một cái hầm cũ và hỏi:

- Anh còn nhớ cái hầm này không?

- Có chớ. Nay cũ quá rồi. Làm sao ở được.

- Hổng sao đâu. Các ổng bắt đào vậy thôi chớ không bao giờ xuống.

Trời chiều mát mẻ, lá rừng lao xao. Là kêu:

- Em mỏi chân quá trời.

- Ngồi nghỉ một lát rồi về.

- Em đi hết nổi rồi.

Tôi móc tấm ni lông trong lưng ra trải xuống đất. Là để cái giỏ xách đầy những hàng hóa mua ở quán Dì Hai. Nàng lấy bánh in ra đưa cho tôi. Chúng tôi ăn và uống nước chung một bi đông. Là rủ tóc, lau mồ hôi, thấm một ít nước trong bi đông vào chiếc khăn nhỏ lau mặt. Bỗng nàng nhìn tôi:

- Em sượng quá trời.

- Ai làm gì mà sượng?

-Đứa nào gặp anh cũng tưởng anh là...

- Gì... của em phải không?

- Dượng chớ không phải là dì.

Rồi Là kề mặt nàng sát mặt tôi, nghiến răng nói.

- Em móc mắt anh mới được!

- Em không cho anh lấy cự ly bắn pháo à?

- Em cho anh bắn pháo nhưng không cho nhìn ai hết.

- Nhìn có chết ai đâu mà em làm dữ vậy.

-Trong cái nhìn còn có cái khác nữa chớ phải nhìn suông thôi sao?

- Cái khác là cái gì?

- Em ghét con Nhã Nam nói bóng nói gió... ơ gặp lại anh sau. Sau là chừng nào? không có gặp gì nữa hết.

Là nói như có Nhã Nam trước mặt.

- Con nhỏ Bắc kỳ lại nói láo tổ bà. Chín Nhan mà tưng lên làm kiện tướng hứ! Rồi hai chị em con nhỏ Năm Biên nữa. Làm gì mà nhìn anh dữ vậy, như muốn hốt hồn người ta ấy. Bộ hồi đó tới giờ không gặp Mùa Thu sao? Rồi đến cái con Út Nào nữa.

- Em nghi tất cả mọi người.

- Ừ, đúng đó. Em dè gặp nhiều đứa như vậy thì em nhốt anh ở nhà đóng cửa hầm luôn, không cho đi một bước.

Rồi nàng ngã lên ngực tôi, rủ rỉ:

- Anh biết chị Lụa cũng thương anh không?

- Tầm bậy nào!

Tôi quát khẽ và muốn quay ra nhưng nàng càng giữ riết.

- Em thấy mà.

- Thấy gì?

- Em thấy hồi sáng chỉ nhìn theo anh đi.

- Nhìn thì sao? Con Rớt cũng nhìn vậy.

- Trong cái nhìn có cái khác.

- Nói bậy, cái miệng cứ lãi nhãi không để kéo da non.

- Em còn thấy chuyện khác nữa.

- Chuyện gì?

- Em thấy chị Lụa giặt quần áo anh. Chỉ vò thiệt lâu. Xong rồi chỉ đem phơi, chỉ căng ra thật kỹ. Khi quần áo khô chỉ lấy vô chỉ xếp rồi chỉ đưa lên mũi chỉ hít hít hai ba lần.

Tôi biết Là nói đúng, nhưng tôi gạt ngang:

- Đó là tình cảm của một người em đối với người anh cả trong gia đình thôi.

Là càng dựa hẳn vào tôi ôm chằm lấy tôi là như nàng là... của tôi vậy. Tội cố tránh né, nhưng da thịt con gái quá ư hấp dẫn. Tôi chỉ có thể ngăn tôi một cách ất vả trước những chuyện Là đòi hỏi. Nàng lục túi áo và ví của tôi lôi ra những chứng minh thư nhân dân tôi mua và thằng Hùng tặng ở Xóm Giữa. Nàng vứt tung và nói trong hơi thở dồn dập:

- Em không sợ có con với anh. Em muốn có con với anh.

- Anh có vợ rồi.

Là như không nghe, nàng cứ trườn lên người tôi và làm mọi cử chỉ táo bạo rồi hỏi:

- Anh muốn con trai hay con gái đầu lòng?

- Khoan! Để chờ cưới hỏi đã, em!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx