sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 38: Vành Đai Thép - Chục Rưỡi Hang Ếch!

Qua một đêm thức trắng, tôi ngồi sau bọt-ba-ga như một bao cát cho Một Sơn đèo đi. Con đường ngoằn ngoèo vạch qua rừng Hố Bò rồi ra Trảng Bàu Bưng băng xuyên Sở Đất Thịt tới Xóm Trại Bà Huệ. Hai đứa ngồi nghỉ tại bìa Rừng Làng gần chợ An Nhơn. Một Sơn chỉ vào lùm tre dọc đường lộ 7, bảo nhỏ:

- K10 của ông Năm Lê nằm ở chỗ đó, anh Hai!

- Sao ổng ở gần đường lớn quá vậy? Ổng không sợ tụi Trung Hòa thọc huyết sao?

Một Sơn lắc:

- Tụi Trung Hòa chỉ bung tới bìa ruộng Gò Nổi, ít khi đi xa hơn. Ở Lô Sáu vững lắm. Ở vùng này chỉ sợ Mỹ đổ chụp mà thôi. Ở đó mấy ông dựa vào địa đạo của thằng Ba Xây xã đội phó xã An Nhơn.

- Nó có địa đạo khá lắm à?

- Thì cũng dăm ba hang, mỗi hang vài chục thước. Nếu gặp trường hợp cấp bách thì chui xuống đỡ chừng mười người trong vòng nhiều lắm là một ngày thì được.

- Rủi nó chốt trên miệng thì sao?

- Chưa bị lần nào nên chưa biết anh à?

Hút tàn điếu thuốc, hai anh em lại tiếp tục cuộc hành quân. Một Sơn đạp băng qua đường 7 xe hố qua đường xe dứa Gót Chàng tới nhà má Ba là phòng thường trực của Ban Cán Bộ. Chín Tiền đã vọt về trước báo cáo rằng đêm qua tôi ốm nên không thể đi được. Chín Tiền lật đật đưa tôi đi ngay:

- Nếu ổng có hỏi tại sao về trễ thì anh cứ nói như thế nghen!

- Công tác gì mà gấp dữ vậy?

- Tôi không biết nhưng thấy ổng có vẻ sốt ruột lắm.

Vừa đạp xe, Chín Tiền vừa kể chuyện:

- Phải chi anh về sớm sớm thì còn ăn sầu riêng măng cụt xứ Gót Chàng đã đời! Bây giờ anh thấy không, toàn là cây cụt đọt, một trái dừa khô cũng khó kiếm. Dân đi hết. Người nào gan góc lắm thì đứng lại nhưng dỡ nhà lấy cột làm hầm. Như vậy mới chịu nổi cà-nông. Nói thì nói vậy thôi vì chưa có hầm nào bị đạn nhểu ngay, chứ rủi nó nhểu trúng thì không biết thế nào!

Chín Tiền dắt xe đi vòng vo qua nhiều mương vũng, dưới nước còn lều phều những mảng chất cháy của bom na-pan kho như bọt nước vàng khè hoặc đen thui thì đến một túp lều.

Chín Tiền rỉ tai tôi:

- Ổng kia kìa.

- Ai?

- Ông Tám Quang.

Coi cái vẻ khúm núm của ông cán bộ mùa đông mà tôi suýt bật cười. Từ trong lều chui ra một ông nữa. Thế là hai ông. Một béo phị, một gầy như khô cá lẹp. Tôi bước tới đứng nghiêm xưng tên chức vụ nhưng không giơ tay chào theo lối chánh qui. Ai lại chánh qui nửa mùa như vầy được. Hai ông đều mặc đồ bà ba mốc cời. Không có quân đội nào ăn mặc như vậy. Tám Quang vỗ vai tôi cười hắc hắc:

- Cậu còn mang tác phong chánh qui quá hả. Tốt lắm! Tôi đang chờ cậu sốt cả ruột đây.

Tôi nhớ ông hồi 47 trẻ quá. Giảng viên trường chánh trị mê chị Dưỡng, con gái ông Ba Dương... Bây giờ đầu bạc trắng! Đứng bên cạnh ông là một ông già gầy gò lưng khom khom, miệng móm mặt mũi hom hem. Tám Quang giới thiệu với tôi:

- Đây là anh Tám Hà, phó phòng, mới về nhận trách nhiệm. Cậu ở đây một chốc Chín Lộc sẽ đến rước cậu về làm việc. Cậu có quen Chín Lộc không?

- Dạ có nghe tên.

- Ổng là chính trị viên kiêm Trưởng ban Quân Báo. Còn Sáu Huỳnh là Phó Ban.

Tám Hà cũng vỗ vai tôi:

- Bỏ ba lô trong hầm đó nghỉ chút. Có động thì hầm ngoài vườn kia. Còn nếu nó chụp thì có người dắt mình đến chỗ lặn. Vậy là yên tâm rồi chứ?

- Dạ, mấy anh sao tôi vậy. Tôi cũng quen vùng này ít nhiều từ 1946.

- Ủa, dữ vậy lận à.

- Dạ hồi đó tôi đi với anh Ba Tô Ký. Hồi năm ngoái tôi cũng có về đây một thời gian ngắn.

Tôi đứng hầu chuyện với ông Phó phòng chưa ráo mồ hôi thì một cô bưng mâm trà đi qua mặt. Tám Hà bảo:

-Đi xuống hầm uống trà.

Tám Quang đã ngồi sẵn ở bàn. Ông hỏi tôi ngay:

- Cậu coi tôi có khác trước nhiều không?

- Dạ không khác bao nhiêu. Tôi thấy anh là nhận ra thủ trưởng liền!

Tôi tiếp:

- Hồi ở Rừng Sát thủ trưởng khoảng ba mươi.

- Gọi bằng anh cho thân mật!

- Lúc đó anh Hai Huy làm chính trị viên Phân khu miền Duyên Hải còn ông Năm Hà, tức Dương văn Hà em ruột ông Ba Dương, tức là Dương văn Dương làm Tư Lịnh. Anh làm giảng viên Trường Quân Chính đóng ở Chiến khu Bà Bông Vũng Gấm. Lúc đó anh hay mặc áo ba bà, tay rộng theo kiểu các nhà chính trị thời bây giờ. Còn tôi ở trong Ban Rùm Beng của Trung Đoàn 300 Dương văn Dương đi lưu động khắp miền Duyên Hải để diễn kịch và hát cho Vệ quốc đoàn nghe. Ban này có đến hát ở Bệnh Viện ông Bảy Viễn, trường Quân Chính của anh và các Chi Đội thuộc Bình Xuyên. Hồi đó anh Ba Thắng làm tiểu đoàn trưởng trong trung đoàn 300.

Tôi dẫn chuyện đến chỗ giáp mối giữa hai ông Thắng và Quang thì ngừng lại. Tám Quang tiếp ngay:

- Ảnh đã điện cho tôi cách đây một tuần lễ, nói tóm tất về công tác của cậu. Cậu sẽ móc thằng em làm đại úy Thủy Quân Lục Chiến. Chắc cậu rõ rồi chứ gì?

- Dạ rõ.

Tám Hà đã rót trà, Tám Quang vừa dứt lời thì ông mời ngay. Ông nói ngang ngang không có vẻ tôn trọng cấp trên là Tám Quang trẻ tuổi hơn ông:

- Mời bà con làm liền cho ấm bụng!

Tám Quang cũng lễ độ mời lại. Cả ba uống trà. Tám Quang chép miệng:

- Gần hai mươi năm mới gặp lại cậu. Nếu không có thơ Ba Thắng thì tôi không nhận ra cậu. Mới là Đồng Tử Quân nhõng nhẽo mà bây giờ đã là giáo viên sĩ quan Pháo Binh.

- Thì cũng bằng tuổi anh hồi đó, anh Tám.

Tám Quang ló đầu ra hầm la:

-Mấy đứa con gái coi chừng khói lên um đó.

- Ủa, ở Trường Sơn sợ khói, ở đây cũng sợ khói nữa sao anh Tám?

- Ở đây còn sợ hơn ở Trường Sơn nhiều vì Đồng Dù và Trung Hòa gần lắm! - Rồi ông la - Cơm nước có gì dọn lên đi, trưa rồi. Nó có đổ chụp mang bụng đói.

Hai cô gái mặt tròn nhưng xanh xao bưng cơm lên. Tôi liếc sơ thấy có đậu phụ và đậu phộng kho. Hai thứ đậu họp lại chẳng ra cái thứ gì.

Tôi ngồi trước mâm cơm cầm đủa mà ngẩn ngơ. Không phải vì sự gian khổ trong thời chiến (ăn thế này có gì là khổ. Còn sướng hơn dân xã nghĩa miền Bắc bội phần là cơm trắng.) mà vì cái sự bịp đời của ông Trưởng Phòng Chính Trị Quân Khu. Ai ai cũng biết rằng bà má của ông vừa vô thăm và cho con tạm 80 ngàn đồng, vì chưa kịp thu lúa ruộng. Ngoài ra các thứ cầm tay khác, như xe đạp Pờ-rô, đồng hồ, radio, bút máy và vàng lá... Cái xắc-cốt của ông Trưởng phòng treo trong góc hầm kia không chỉ đựng kế hoạch chính trị mà còn đựng bạc Sàigòn. Vừa rồi, để thi hành công tác đón tiếp các nhà báo Liên Xô, Pháp, Úc, ông trưởng phòng đã phải đứt từng đoạn ruột đưa cho Tư Linh chiếc xe Pờ-rô mới tinh để đèo thằng Bọ Chét nặng tạ hai, và xùy ra một số bạc chiêu đãi các em dũng sĩ để Tư Linh và tôi đạo diễn cái màn địa đạo chiến cho hắn quay phim trình bày ra quốc tế.

Thế nhưng cơm nước đãi chú em đồng tử quân thì toàn là đậu kho. Nhìn mâm cơm này ắt hẳn những xấp bạc Sàigòn trong xắc-cốt ngứa ngáy lắm thì phải. Nuốt những miếng cơm nhai với đậu phụ đậu phộng như kéo chà tre qua cổ mà tôi nhớ bữa tiệc của Hội Nhậu chống Mỹ tối qua. Thịt gà, lươn um còn thừa bộn bàng. Rượu thì đủ để đổ lỗ mũi năm ông bác sĩ như Tư Chuyền.

Và tôi liên tưởng tới bác Hù vô giàn kính yêu. Bác có hai loại thuốc bỏ túi: một là Craven A, hai là thuốc lá quốc doanh sợi đen như cứt chó. Thằng nào khỏe mấy hút hết một gói cũng phải đi nhà thương ho lao. Craven A thì dùng để hút trong nhà sau, còn quốc doanh thì để dành mời cán bộ. Cũng như thằng nhà thơ bịp Tố Hữu, thằng phê bình mạ kền Hoài Thanh ca ngợi bữa cơm đạm bạc của bác chỉ có bát canh rau và hai con cá lòng tong kho! Vâng, bác ăn xong rồi thì nốc nước sâm đặc Triều Tiên và xơi "bòi" cừu dái bò Mông Cổ, Hoài Thanh và Tố Hữu làm sao ngửi được?

Tám Quang cũng thế. Cháu của bác mà! Có điều lạ (nhưng rất thông thường) là ở Các Cơ quan từ R xuống khu, các ông thủ trưởng đều dùng thiếu nữ để phục vụ cho mình. Đám nữ sinh Sàigòn ham theo Cách mạng vô khu bị nhốt trong cái chuồng đầy những cọp già và đói thịt mông thịt đùi. Xuống đến trường Trung Sơ cũng thế. Bây giờ lại cũng thế, cũng cứ muôn năm như thế.

Để tỏ vẻ biệt đãi ông cán bộ trẻ và quen biết cựu trào, Tám Quang lấy cái nhạo kiểu (chắc của chủ nhà bỏ lại) và mấy cái ly pha lê (không rõ lượm ở đâu) rót rượu mời:

- Anh Tám và chú em làm chút. Có thứ này tôi mới bớt oải gân mà làm việc và chạy mà lủi và ăn cơm thấy ngon hơn.

- Anh Tư Khanh đi đâu cần vụ cũng mang theo trong ba lô cho ảnh.

- Cậu còn trẻ uống vô coi chừng nguy hiểm.

- Dạ không sao! Rượu của anh Tư ngâm cả lộc nai bao tử nhím mật gấu tôi uống vô cũng không thấy nguy hiểm gì hết.

Tám Quang cười:

- Thứ lộc nai, trẻ như cậu uống vô coi chừng nứt da đấy.

Tám Hà cười khẩy:

- Cậu ta không có em nuôi hay chị nuôi thì lấy gì mà nguy hiểm.

Tám Quang có lẽ hơi thấm rượu nên đỏ mặt làm thinh. Đang cưa qua cứa lại thì có tiếng đờn cò của con đầm già lửng lơ trên không trên mé sông Sàigòn. Tám Hà chưa quen thủy thổ hỏi.

- Nó ở đâu tới vậy?

Tám Quang buông chén cơm đứng dậy ló đầu ra miệng hầm rồi thụt vô bảo.

- Chắc từ Đồng Dù! Hổng tốt rồi anh Tám! Nó phăng phăng đâm thẳng tới đây.

- Mấy đứa có coi chừng khói kỹ không?

Tám Hà tái mặt hỏi. Tám Quang không đáp. Ông ta quơ súng ống và xắc-cốt chui ra hầm.

- Dông anh Tám và chú Lôi!

Tám Hà cũng nhanh tay lẹ chân không kém, tóm thu đồ đạc và vọt theo. Ba người chạy ngang bếp, thấy bếp còn bốc khói, Tám Quang dậm chân:

- Dập đi..i!

Tôi lót tót theo sau, tay còn bưng chén và cơm, mắt ngó con đầm già trên trời. Một tiếng quát không biết của ai.

- Nó quần trên đầu không thấy sao?

Tôi đi tới cái hầm ở bên gốc me thì thấy hai cô đang đứng nép vào thân cây và cười khúc khích:

- Bộ chưa ăn hỏa tiễn lần nào sao ông rờ?

Tôi vẫn ăn cơm như thường, cười đáp:

- Hoả tiển thì chưa ăn còn rờ thì cũng chưa!

- Bộ ở trển không có đầm già à?

- Toàn là đầm trẻ.

Tiếng hỏa tiễn xé không khí khào...ào...khào...ào nghe hơi gần. Một cô hỏi.

- Nó bắn đâu vậy?

- Đâu phía ngoài Cây Điệp - Cô kia đáp - Xa lắc!

- Chỉ hơn hai cây số, xa gì! Mình ở đây hay lên hầm bác Tám?

- Ở đây thí thân với nó. Bom đìa thì hầm nào cũng vậy thôi.

Thấy tôi lua hết chén cơm, một cô hỏi:

- Anh ăn nữa hông, em xúc thêm cho.

Tôi gật. Cô gái đến lấy chén chạy vô bếp rồi trở ra với cơm và thức ăn đưa cho tôi. Tôi vừa ăn vừa ngó chừng. Hai chiếc thần sấm lao xuống, tiếng rít xé trời. Bom nổ rung rinh vách hầm. Bụi đất đổ rào rào. Tôi ném ba lô xuống đất ngồi lên, hỏi:

- Hai cô không sợ à?

- Kêu bằng em coi được không? Em tên Thảo, con nhỏ đó tên Thơi. Bị hoài nên cũng bớt sợ.

- Nhà này sao còn có cái nền trơ vậy?

- Chủ nhà dỡ xuống, bỏ cột kèo dưới mương, rồi ra ấp chiến lược. Cả Xóm Gót Chàng dài ra Xóm Bưng hễ thấy nhà là đầm già phóng hoả tiễn. Có người chỉ dỡ nhà trên, còn giữ lại nhà dưới để ở nhưng lại không ở được rồi cũng ra ấp chiến lược luôn.

Thảo thấy tôi tém chén, hỏi:

- Ăn nữa thôi, đưa em bới.

- Tôi ăn hết nồi không còn cho mấy em.

- Ừ ăn hết thì ăn. Tụi em nhịn cho eo eo cái mình một chút.

Tôi để chén đũa xuống đất, quệt miệng rồi lấy thuốc rê ra hút

Phì phá khói thuốc, nhìn hai cô em, tôi sực nhớ đến Ba Ánh trên R. Dân Bình Khánh, em của Nguyệt đồng tử quân. Thời gian đi nhanh quá. Cô Nguyệt đã có chồng con đùm đề. Cô em giống hệt chị. Không biết bao giờ mới gặp lại nhau và về nhà ăn tôm nướng với nàng. Tôi lại nhớ vụ khi Tà Bon ăn B52 hôm nọ mà đau lòng. Bức thư Ba Ánh tôi nhận được sau bức thư Thanh Tuyền hai ngày. Ánh cũng nói cái kiểu đi công tác xa, vô bệnh xá... Sau vụ đó, không ai được gởi thơ. Ngoài phong bì đề người gởi là Ba Thắng. Bên trong, Ánh nhắc lại công tác. Dưới cùng có mấy dòng chữ của Ánh. Bức thư tôi vẫn còn giữ trong ba lô, bao nhiêu chữ của Ánh tôi thuộc lòng... Anh ơi, em buồn lắm! Không biết anh ở đâu?...Tôi cũng không biết tại sao Ánh thoát chết và ở đâu bây giờ.

Thảo hỏi tôi:

- Anh về công tác văn phòng hay ra đơn vị chiến đấu?

- Anh chưa biết. Tôi đáp và hỏi lại - Cây Điệp có gì mà nó ném bom?

Thơi đáp:

- Nó có nhiều bom nên đụng đâu thả đó. Tại ngả ba đâu có nhà cửa gì. Chỉ có con đường đi thẳng xuống Sở Cao Su Bàu Lách rồi có lối rẽ ra đường 15 xóm Bà Thiên gần Sở Cao Su Đỗ Cao Lụa toàn là cây cao su già. Có lẽ nó thấy cây cối um tùm ở bìa Xóm Bưng gần nhà chị Bảy Mô nên nó muốn cào cho trống. Bên này bây giờ cũng y như An Thành. Ở bển lớp khu trục, lớp bị trực thăng chuồn chuồn lồng kẽm (trực thăng của Tân Tây Lan) chỉ huy pháo bắn tan nát hết. Bà con chạy xuống Bình Dương không còn nhà nào.

- Sao em biết rành vậy?

- Em ở bên đó chớ đâu phải dân Củ Chi.

- Ở bên đó mà vùng nào?

- Gần tiệm Dì Ba Láng, anh biết không?

- À! Dì Ba của tôi đó.

- Nói thiệt chơi đó ông Rờ?

- Thiệt mà? Má tôi là má Hai ở Hố Bò.

Thơi đấm lưng Thảo. Hai cô cười khúc khích. Thảo nói:

- Vậy thì anh mau lên chân lắm.

- Tại sao?

- Anh hổng biết tại sao à?

- Không - Tôi ngơ ngác.

- Vậy anh kêu ông Ba Xu bằng gì?

- Bằng Thầy Xu.

- Chớ hổng phải là Dượng Ba à?

Tôi vỡ lẽ ra rồi. Thơi cãi lại:

- Anh này không phải con má Hai ở Hố Bò đâu.

Tôi nói.

- Con nuôi chớ không phải con ruột.

Thơi "A? " lên một tiếng to rồi im bặt. Tôi ngạc nhiên nên hỏi gặn. Hồi lâu Thơi mới nói:

- Anh vừa đi với cô xã đội Là tới nhà Chín Khuân phải không?

- Phải.

- Chín Khuân bà con với tôi, ủa với anh cô cậu của tôi. Ảnh về phép gặp Chín Khuân hôm qua. Chín Khuân bảo ảnh: con xã đội nó đi cặp kè với ông nào bảnh lắm. Nói vậy ông đó là anh đây chớ gì. Hèn chi! - Rồi Thơi tiếp - Chị Nhã Nam cũng quen với anh hả? Chị ấy ở đây mà. Chỉ tới đây làm việc với bác Tám rồi đi. Ít ngày lại trở về.

Tôi nghe hơi bất ổn trong lòng. Những chuyện dọc đường dọc sá của mình đều có đường dây móc nối với nhau hết. Không khéo đây rồi dư luận lan ra. Tôi nói:

- Hôm qua tôi đi quan sát địa hình với cô xã đội phó, dọc đường có gặp nhà báo Nhã Nam, chớ đâu có chuyện gì mà hai cô hỏi gắt vậy?

- Thì tụi em đâu có nói chuyện gì..ì!

Thảo quay lại hỏi:

- Anh coi con gái An Thành có khác con gái Củ Chi không?

- Khác khác nhưng không biết khác chỗ nào.

Thơi cướp lời:

- Chỗ nào cũng khác hết. Con gái Củ Chi đẹp hơn con gái Bình Dương.

-Thiệt à?

- Để khi nào anh gặp chị Bảy Mô, Tám Phụng, Tám Mang coi anh có lé con mắt không mà?

Tôi đóng kịch:

- Tôi nghe đồn nữ dũng sĩ Bảy Mô lâu rồi mà chưa gặp.

- Chỉ biết đờn nghe anh, không phải lủi vô đít ông Táo như tụi này đâu. - Thơi tiếp - Anh mà xuống Phú Hòa thì anh phải biết. Con gái ở đó...

-... đẹp như con Thơi vầy nè.

- Ủa Thơi ở Phú Hòa à?

- Dạ. Công trường 9, d7, d2 về đóng ở đó mắc rể bộn hè! Sụp hầm chông cũng kha khá. Anh muốn đi em chỉ đường cho, em giới thiệu cho nữa.

- Thôi! Anh có vợ rồi!

- Láo đi ông nội! Anh có vợ thì má Hai nhận anh làm con nuôi để làm chi?

- Con nuôi là con nuôi chớ để chi?

- Con nuôi hóa ra con rể mấy hồi phải không?

- Nếu anh không chịu thì em giới thiệu cho chị Bảy Mô hay chị Tám Mang.

- Bậy nào, chị Tám Mang người ta có chồng rồi.

- Chỉ vừa hứa với anh Sáu Hoa, anh của chị Nga bệnh xá của ông Tư Chuyền thì bị thương cụt hai chân về R an dưỡng còn chỉ ở lại đây tìm mối khác. Vậy anh vô cũng tốt chớ có sao.

Câu chuyện hào hứng làm cho chúng tôi quên cả phản lực nhào lộn trên trời. Không biết nó đã ném hết bom chưa mà con đầm già cun cút lủi đi trong mây xám.

Một chú bé chạy đến:

- Bác Tám bảo anh ra ngoài hầm làm việc, còn chị Thảo nấu nước đem ra.

Tôi đứng dậy theo chú bé, Thơi nói vói theo:

- Nhà em ở xóm Phú Mỹ gần thất Cao Đài kế bên nhà chị Bảy Mô đội trưởng dũng sĩ nghe! Khi nào có dịp ghé đó.

Cậu bé quay lại:

- Chị ở đây mà bảo ảnh ghé nhà làm gì? Há há...

- Cái thằng lãng dang nà!

Cậu bé nói với tôi:

- Bác Tám Quang cưng hai bả dữ lắm. Bà Má của bác mới vô cho tiền, bác xuất ra mua may cho hai bả mỗi người hai bộ đồ láng mướt còn em chạy hiệu mòn chân chỉ có cái quần tiều và cái áo thung ba lỗ. Toàn phòng này có hơn hai chục bà, bác lựa hai bà số dách đem về đây. Anh chưa có chị thì đặc cọc với bác Tám trước đi. Con gái nuôi của ổng đó. Ở đây ông lớn nào cũng có con nuôi mà con gái mới nuôi, còn trai như tụi em là con ghẻ. Hí hí...

Tôi đỡ đòn dùm cho thượng cấp:

- Mấy ổng đáng chú đáng bác cả rồi, đừng nói vậy, em!

- Anh khéo che đậy. Bên K10 Tham mưu còn động trời hơn nữa.

- Chuyện gì động trời?

- Mấy bác hay vỗ mông mấy chị lắm. Mấy chị lom khom thổi lửa mấy bác đi qua là vỗ bép một cái. Mấy chị bất mãn nhưng không dám nói. Có một chị đi nói tùm lum ra, tức thì bị đưa đi phục vụ chiến tường (cậu bé nói đớt) Phước Long. Đi ga đó là kể như hết có thấy mặt tía má ông nội bà nội ông ngoại bà ngoại nữa đi! - thằng bé lãi nhãi - Có bác nói: cha con nhỏ này làm dâu tao được đó. Mai mốt tao gã con tai tao cho.

Rồi thằng bé đọc một lô danh sách các con dê cụ! Tôi nghe mà té ngửa. Trong số đó có lắm ông quen. Đứng đầu bảng là Năm Lê tức là Sơn Tiêu chồng bà Hai Mặn tôi gặp ở trạm 66 R hôm nọ. Bị Sư Tử Hà Đông quơ hụt, xuống đây với chức trưởng phòng, me xừ vẫn chứng nào tật nấy. Kế đó là ông Bê Ka Hai Phán, ông dưa hấu Bảy Thành, xếp kế là ông Năm Eo, Ba Hải (không phải Ba Hải ở U80 đi R với tôi) Cầm đèn đỏ là Sáu Nâu và Năm Cai đều là những chú bác đáng kính của các chá... au cả!

Thằng bé giao tôi cho hai bác xong thì trở ra. Tôi khom người để chui vào hầm. Cái này rộng hơn cái trong nhà lại có lỗ thông hơi. Vào bên trong không đến nổi tối lắm. Lại có ngách trổ ra, đề phòng khi hầm sụp thì có lối thoát thân.

Tám Quang trỏ cái ghế mời tôi ngồi còn hai ông thì ngồi ngang nhau trên chiếc vạt cau để sát vách hầm. Ở góc hầm dựng chiếc xe Pờ-Rô trên cao ngay đó máng cái xắc-cốt. Ông hỏi tôi:

- Cậu là dân nhà pháo, cậu xem cái hầm này có chắc không?

Tôi nói ngay:

- Không chắc đâu anh Tám.

Tám Quang nhảy nhổm lên.

- Tại sao?

- Không chịu nổi pháo 155 và 175 đâu.

- Tôi cho lót tre, trúc trên nóc rồi đổ trên một thước đất. Thấy chưa an toàn tôi cho thêm năm tấc nữa.

- Nhưng cột và đà ngang toàn là cây dừa cây cau là hai loại cây ruột rổng xốp mau mục.

- Ờ! ờ cậu nói tôi có ý gẩm. Nhưng mà ở đây tìm không ra cột nhà, nên dùng ba cái cây bị bom pháo phạt ngã. Chỉ mấy ông Tư lịnhh ở An Phú mới dám móc cột nhà của dân lên cưa ra làm cột hầm rồi trả tiền chớ tụi này đâu có tiền?

Tám Hà lúc nào cũng châm chọc hoặc chỏi Tám Quang, cười:

- Hầm là để che chở khỏi ba cái miểng thôi anh ạ. Chứ khi bom rớt ngay thì chẳng có hầm nào chịu nổi. Trái 50 ký cũng khoan xuống ít nhất hai thước, bom đìa thì bê tông cũng không ăn thua.

Tám Quang ngồi im. Thấy thế tôi gỡ gạt cho ông:

- Anh dán giấy nhật trình trên vách coi sạch sẽ giống tường quá!

- Ừ! nhưng mà lũ bò cạp núp trong đó chơi tôi mấy phát đau điếng. Mấy đứa con gái cũng bắt chước tôi nhưng thấy tôi bị nạn, tụi nó gỡ hết ráo. Chắc tôi cũng sẽ gỡ.

Tám Hà trỏ vào tấm giấy ở đầu giường, cười:

- Gỡ thì gỡ nhưng chắc ông chừa tấm đó để giải trí.

Tôi ngó kỹ thì thấy tấm hình con đầm mặc xì líp xú chiên lòi cả ngực cả đùi. Tôi phục tài châm biếm móc ngoéo của ông Tám Móm lắm lắm.

Tám Quang quay qua gọi thằng nhỏ bảo:

- Cháu xuống bếp hỏi mấy đứa nhỏ coi còn kẹo bánh gì không đem lên uống nước.

Tám Hà rót nước hớp liền, không mời tôi lẫn Tám Quang. Tám Quang vô đề ngay:

- Chốc nữa Chín Lộc sẽ bàn với cậu. Còn vấn đề tôi muốn nói với cậu bức thiết lúc này là vấn đề đạo đức của người cán bộ. Cậu nên biết là mấy ông khu ủy khu này đều là dân ở lại sau 54. Họ thành kiến với Mùa Thu ghê lắm. Ở trên R không có bị cái nạn đó vì toàn là Mùa Thu nên trong sự sắp xếp cán bộ không có ai phân bua mùa thu mùa đông. Ở đây Mùa Thu đụng nhằm Mùa Đông mệt lắm. Các ông ấy cho rằng các ổng dọn ổ, mình về đẻ.

Tôi kêu lên:

- Có vậy nữa à anh?

- Ở trên R thì có vấn đề gốc Dưa và gốc Rau, nhưng không rõ lắm vì Rau nắm cả ngọn ngành. Tôi và anh Tám là gốc Eo nhưng eo tôi chiến đấu ở Nam Bộ thành ra anh em coi tôi là gốc Dưa. Đọ! Rau và Dưa ở đây vẫn thành vấn đề. Bên cạnh đó lại còn vấn đề Thu-đông. Điều qua tiếng lại rầy tai mệt óc lắm chớ không khỏe đâu. Lệnh ở đây đưa ra cấp dưới chỉ thi hành chừng 50% có khi bỏ quên luôn. Hỏi tại sao, họ bảo là hoàn cảnh khó khăn không khắc phục được. - Anh nói lan man quên cả vấn đề nêu ra lúc đầu - Cũng may, anh Ba Xu phó bí thư khu ủy là phu cao su lại sinh sống ở đồn điền thời trước và chiến đấu ở Nam Bộ nên tiếng nói của anh coi như trung dung hai miền.

Tám Hà chêm vào.

- Trung dung không phải là ba phải nghe!

Câu nói làm cho Tám Quang nhớ rằng mình đi xa đề. Anh trở lại:

- Mùa Thu đi về làm tiếng xấu nhiều quá. Dân mất tín nhiệm. Còn bên mùa Đông thì nhân đó mà củng cố thêm thành kiến. Vụ Sơn Tiêu trên R ở đây giữ kỹ lắm, nhưng rồi cũng không bụm được. Tánh quân phiệt là đánh lính bớt đi nhiều nhưng vụ kia lại tái phát.

Tám Hà lại chọt:

- Thời khí mà tái phát là kể như đi luôn theo ông bà.

Tám Quang làm như không nghe:

- Tôi tin cậu, tuy còn trẻ nhưng không vô Ê kíp của ông Tiêu. Tình hình này căng lắm. Giặc đánh mình văng không đau, mình tự làm mình ngã mới đau. Thời kỳ chiến tranh đặc biệt đã qua rồi. Bây giờ là chiến tranh cục bộ. Đảng chủ trương giữ triệt Mỹ ở miền Nam không cho thò ra Bắc. Ở ngoải, chúng chỉ leo thang bằng không quân là cùng. Nếu chúng đưa quân ra Bắc thì ông anh Ba mình sẽ vu hồi đưa đại quân xuống vùng tam biên cắt ngang đường về của chúng. Chắc chắn chúng không dám liều lĩnh, đúng y như anh Sáu (Vi) nhận định. Tháng ba vừa rồi, Mỹ vô Đà Năng. Thằng chỉ huy của tụi nó tuyên bố sẽ kéo dài biên giới Mỹ đến vĩ tuyến 17. Riêng ở cửa ngỏ Sàigòn thì chúng đóng chốt Đồng Dù và Dĩ An đưa hai Sư đoàn Bộ binh vào Nam Bộ để giữ chặt cửa vào Sàigòn. Quân khu ta là tuyến đầu đánh Mỹ, là nơi chạm trán với lực lượng Mỹ ác liệt nhất. Chúng ta đã không chụp được thời cơ năm 63 hai anh em Ngô Đình Diệm bị giết.

Tám Hà lại đâm hông:

- Lúc đó nếu ở trên sáng suốt thì bọn tôi chạy việt dã chắc là khỏe cặp giò nhái lắm.

Tám Quang chữa ngượng:

- Dám lắm chớ anh Tám. Các cơ quan đoàn bộ đã quảy soong chão nồi ơ chạy ra đường nhựa rồi kia mà. Còn bộ đội khu thì đã phóng tới Suối ông Hùng rồi kia mà. Các Q 761 - 762 - 763 của công trường 9 (Q là Trung đoàn) đã thọc về tới Củ Chi, Bến Cát, Dầu Tiếng rồi chớ đâu có đùa. Đã tới quốc lộ 1 và đường 8 rồi, nhưng được lệnh trên R ngưng ngay và quay trở về căn cứ cũ cấp tốc. Và phải ém quân kỹ hơn trước.

Tám Hà không nói gì, chỉ cầm cái tách hắt cặn trà ngang qua mặt Tám Quang. Tám Quang tiếp.

- Các Q này nằm lại Củ Chi giúp đỡ địa phương mất một năm. Cho đến cuối 64 mới kéo ra đánh Phước Long, Đồng Xoài Bình Giả.

- Bị tiêu hao quá nặng ở các trận này cho đến bây giờ còn choáng váng. Nếu hôm nay có một vụ như thế ở Sàigòn thì có còn ai mà..chạy nước rút nữa. - Tám Hà mở nút chiếc bình thủy rót nước vào bình, rót trà ra và tiếp - Cơ hội như vậy khó bề có nữa.

- Mình phải tạo ra chớ anh Tám.

Hèn chi hồi mới về trường pháo, tôi cũng đã nghe con Tiến con Huê kể chuyện vác soong chảo chạy về Sàigòn, tôi không tin, tôi cho rằng chúng nó châm biếm cách mạng. Tôi dọa phê bình chẳng ngờ chúng nói thật.

Tám Hà đưa ra nhận định nghiêm chỉnh, lần đầu từ sáng đến giờ:

- So với tụi BMEO (Brigade Mobile Est-ouest: Lữ đoàn ứng chiến Miền Đông và Miền Tây) thì quân đội Mỹ cũng không tinh nhuệ hơn đâu, nhưng so về mặt vũ khí thì Mỹ hơn cả trăm lần. Cho nên anh Sáu chủ trương nắm thắt lưng Mỹ mà đánh là vậy. Chứ nếu vạt ra xa thì sẽ ăn bom pháo của nó mà chết ngay. Cậu về đây nếu chưa thấy thì sẽ thấy, nội cái nó dùng bom pháo thôi chúng ta cũng đã rất gian nan trong việc đóng quân, chuyển quân rồi, chưa nói đến tác chiến. Cậu rồi đây sẽ chỉ huy bộ binh. Sự khôn ngoan của người chỉ huy trên đất Củ Chi này không nằm trong sách Trì Cửu Chiến, Du Kích Chiến của Mao Trạch Đông nữa. Chiến thuật Dao mổ bò, lấy thịt đè người, chặt đứt ngón tay hơn đánh dập một bàn tay đều không thể áp dụng được với chiến thuật trực thăng của Mỹ được nữa. Đây, tôi lấy ví dụ: Chúng ta tấn công căn cứ X. Nó không cần đối phó mà nó cho đổ quân bằng trực thăng ngay sau lưng ta. - Tám Hà cười khẹc khẹc - Ngay như Hoàng Thọ có tái sinh cũng không dám liều nữa. Hồi đánh Tây, Hoàng Thọ nướng sạch quân rồi trở về ngồi ăn cơm tỉnh bơ. Mấy bà má hỏi bộ đội đâu hết rồi. Thọ bảo còn nằm ngoài trận. Sao không kêu chúng nó về. Thọ bảo: không về được. Có nghĩa là rụi tèng hen cả đơn vị. Nhưng y không nao vì y còn sống. Chứ bây giờ gặp Mỹ thì y cũng nằm luôn ngoài trận với lính chớ đừng hòng về ăn cơm.

Tám Quang định sửa mũ mấn Tám Hà, nhưng ông này nói tiếp một cách hùng hồn:

- Các nhân tố lớn nhất của chiến tranh du kích là Thiên Thời, Địa Lợi và Nhân hòa, cậu rõ quá rồi. Nhưng về đây cậu sẽ chỉ thấy một bất lợi thôi, cái bất lợi lớn nhất là Nhân Hòa. Dân vùng Giải Phóng ra ấp chiến lược hết trơn rồi! Tôi gặp ông chủ nhà này. Ổng ra ấp chiến lược rồi trở về nhà lấy đồ đạc để trở ra. Thấy tụi tôi khổ sở quá, ổng khóc, ổng nói: "Tôi thương mấy em lắm, nhưng tôi phải ra ngoài kia. Trong này bom đạn bời bời, tôi không sống nổi. Chừng nào mấy em giải phóng xong thì tôi trở về. " - Tám Hà cười chua chát - Như thế đó!

Rồi lặng im. Tôi giả đò hỏi:

- Mình còn địa... lợi là địa đạo, anh Tám.

Tám Hà phì cười:

- Địa đạo không phải là địa lợi của ta đâu cậu à.

- Tại sao vậy, thưa anh.

- Trước nhất mình không dám xài nó nữa. Mà cũng đâu có nhiều như trên đài giải phóng và đài Hà Nội! Kẹt lắm mới phải chui. Nhưng Bộ Tư Lệnh sẽ ra một quyết định cho các lực lượng võ trang không được xuống địa đạo nữa.

- Ủa, tại sao vậy anh? Mình không dùng địa đạo chiến nữa à?

Tám Hà tiếc Tám Quang. Tám Quang nói ngay:

- Địa đạo chiến thì giỏi lắm cũng như các trận Tư Linh đạo diễn cho thằng Bọ Chét quay phim lần trước. Nay mai cậu sẽ biết địa đạo là cái gì.

- Xã đội bảo họ đưa cả làng xuống dưới đó được. Trâu bò cũng lùa xuống tuốt.

- Ừ, có đấy! Xã đội đó đáng được bác Hồ tặng cho huân chương! Mà cậu nghe ai tuyên truyền vậy?

- Ông Hai Thi.

Tám Hà hỏi.

- Hai Thi nào?

Tám Quang trả lời.

- Anh không biết Hai Thi đâu, anh Tám. Hai Thi tức là Nguyễn Văn Thi thời kháng Pháp làm trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công gồm có 12 ban công tác thành lừng danh trong các vụ ám sát hồi 1946-47. Một trong những công tác viên xuất sắc là Chín Heo bị bắt và kết án tử hình. Sau vụ đó Hai Thi định nhảy ra khu bằng xe jeep nhưng trên đường đi, tên tài xế ruột của ảnh lại lái thẳng vô bót Ca-ti-na nộp cho phòng nhì Pháp. Ông ta lên đài Sàigòn nói om om ba cái vụ địa đạo thời bây giờ là như thế.

- Còn vụ địa đạo bây giờ?

- Dạ bây giờ thì tôi chi nghe trên đài Giải phóng và đài Hà Nội.

Tám Hà nhìn thẳng mặt tôi:

- Nếu cậu tin, tôi cũng không trách gì vì đó là đảng nói. Nhưng nếu cậu có sang vùng Bến Cát, Dầu Tiếng, Trảng Bàng là những vùng đất rừng cao hơn mặt Thủy Bình từ 15 đến 25 thước thì cậu sẽ thấy. - Tám Hà móc trong xắc-cốt lấy bản đồ trải ra trên bàn, bảo - Cậu xem đây, một vùng rộng lớn cao ráo như thế sao cấp ủy không động viên dân chúng đào địa đạo, mà chỉ có Củ Chi mới làm. Sự thực, mảnh đất Củ Chi là cái cửa ngỏ án ngữ Sàigòn nên tụi Hà Nội đề cao đủ mọi cách làm cho dân, quân đảng vùng này hăng hái lên, nhào vô xốc tới... đưa ngực ra hứng đạn để sau này chúng vào ăn cổ. Chứ đám anh hùng dũng sĩ rởm có được cái xơ múi gì.

Tôi nhìn xuống bàn đồ để có khái niệm về mảnh đất được gọi là I-4 tức Quân Khu 4.

Tám Hà là cán bộ của đơn vị chiến đấu nên có nhiều kinh nghiệm thực tế, còn Tám Quang là tay chánh trị thuần túy, ra Bắc được đi học Trung Quốc, về được đề bạt Chánh ủy một Trung đoàn xe tăng ở hai tỉnh Vĩnh Yên và Phú Yên nên không thực tế bằng Tám Hà. Vì thế khi Tám Hà nói, y không thêm thắt hoặc thọc ngang được.

- Chúng ta sống rất tiếp cận địch. Đây là một tình thế hiểm nghèo. Có thể di chuyển nhanh để tránh biệt kích, nhưng không mang theo những cái hầm như thế này được, cho nên không thể tự bảo vệ mình chống bom pháo. Cho nên đành ở trụ một chỗ, thà bị biệt kích còn bom pháo. Quân khu có phê bình cái H6 của ông Hai Giả rằng ông ta không triển khai được lực lượng. Nhưng khi tôi đến tận nơi thì thấy quả thật là tội nghiệp ông ấy vô cùng. DKZ 75 cối 120, trọng liên 12/8 mà đóng trong vùng này, gián điệp biết được thì chi mười lăm phút là tất cả đều bị hết về Đồng Dù. Do đó họ phải vô thùng rồi đút xuống địa đạo, loại địa đạo miệng rộng không dùng cho người. Cứ chôn miết. Nếu cần chiến đấu cấp thời thì không thể nào đáp ứng được. Mà có đánh rồi vác chạy sao cho kịp trực thăng? Đến đổi bộ binh nhẹ nhàng mà cũng phải phân tán ém quân trong rừng. Lính bị bệnh yếu sức không vận động được, bị thương không có cách cứu chữa hoặc bảo vệ được chiến thương... - Tám Hà đang nói bỗng thở dài - Thằng Tư Chuyền xin có một cái dù Mỹ để che nóc hầm khi mổ xẻ, nhưng ba tháng nay Hậu Cần chưa cung cấp được nói chi các thứ khác?

- Vậy trước đây tôi nghe danh từ Tam Giác Sắt và mật khu Hố Bò tôi tưởng là ghê lắm.

- Đó là những cái tên do tụi Sàigòn đặt chớ đâu phải do mình. Rồi từ đó mình mới la lên và hù trở lại tụi nó chớ nếu tụi nó làm già thì mình đã nhảy qua hết bên kia sông Sàigòn rồi

Tôi hỏi tiếp:

- Còn cái vành đai Đồng Dù nữa. Nó là cái gì vậy anh Tám? Dân trên R nghe phục sát đất.

- Tôi mới về, để anh Tám trả lời cho cậu.

Tám Hà quay sang Tám Quang nói.. Tám Quang hớp ngụm trà rồi cười tủm:

- Đó cũng lại là cái mồm đánh giặc, cũng như kịch Mượn Mỹ của Văn Công R vậy mà.

Tám Hà trở lại bản tính móc lò.

- Ông này là chú đánh giặc mồm, cậu chưa biết à?

Tôi nói:

- Nghe đài Giải Phóng tôi mường tượng như những chiến hào của Giải Phóng quân Trung Quốc ở Thương Cam Lĩnh.

- Ở đây, trong nội bộ tôi nói cho cậu nghe để cậu học tập cái nghề mần chính trị theo kiểu ông Bảy Phong Vân nghe. Cậu nên rút kinh nghiệm, chớ có lộ bí mật! - Tám Quang tằng hắng kỹ càng rồi cất giọng - Đó là tôi bày đặt cho bọn con Tư Gừng, Bảy Mô - ông rút bút khoanh vòng đỏ rồi tiếp - Đây là Đồng Dù. Cậu xem đây: Từ Truông Viết thuộc xã Phước Hiệp đến Bàu Tròn thuộc xã Nhuận Đức rồi qua ấp Cây Sộp thuộc xã Phú Hòa Đông là bao xa. Nếu động viên du kích thanh niên ba xã đào một vành đai giao thông hào quanh Đồng Dù thì mất mấy chục năm? Ấy là chưa kể các vụ đánh bom pháo làm ngưng trệ sự đào đấp. Tôi biết là từ cái vành đai mồm bay lên thành vành đai thép trên đài Giải Phóng. Ai nghe qua cũng nghĩ là địa đạo bao quanh Đồng Dù dài 200 dậm là vậy đó. Ai cũng tưởng là các dũng sĩ du kích Củ Chi bao vây chặt đến nổi lính Mỹ đi đái đi ỉa cũng phải núp lén. Thật ra đó chỉ là vài ba cái hang ếch thôi! Mà hễ ếch kêu một tiếng nó dộng một trăm trái cà nông.

Tám Quang cười đắc chí:

- Tôi bảo cậu là phải chú ý khai thác tâm lý địch. Chúng nó hay la hoảng để cường điệu hóa sự gian khổ của chúng, cậu hiểu không? Để tôi kể gốc ngọn cho nghe. Có nước lã mới khuấy được hồ. Số là hồi trước cái Sân Dù này là bãi tập của tụi Sàigòn từ thời Pháp cơ. Du kích thấy chúng nó nhảy dù lơ lửng trên trời thì vác súng ra khía bậy vài phát. Không ngờ đạn trúng một cây dù, một thằng Tây rơi vắt trên bụi tre. Chẳng chết chóc gì, nhưng thói đời nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột cậu hiểu không. Chỉ có mỗi một việc là móc thằng lính xuống đem nó về Sàigòn cho nó uống bia, mai trở lên nhảy tiếp, nhưng chúng nó lại đem xe nồi đồng thiết giáp càn quét và báo Sàigòn được dịp la ong ỏng lên. Thế là một phát súng vu vơ của du kích là náo động tới bên Tây. Chúng nó đem một trung đoàn càn quét khắp các xã chu vi. Nào có tìm ra cóc nhái gì.

Tám Quang thích thú kể ron rót:

- Rồi tới thời Mỹ vô chốt Đồng Dù. Mới tới, các chàng chưa có nhà trại nên căng tăng ra sống tạm, thì gặp tụi thằng Năm Cội con Tư Gừng, Bảy Mô vác CKC ra khía, khuấy rối. CKC làm sao bắn tới Đồng Dù, nhưng trúng mấy thằng Mỹ o gái đem ra bìa rừng mần ăn. Tụi con gái đi dân công, làm du kích nửa chừng bỏ về nhào vô đó làm công kiếm mỗi ngày từ 500 đến 1000. Đôi khi quơ được đồ đạc đem ra bán bừa cho chợ Bắc Hà ngay cửa Đồng Dù đó, lắm cô móc được một anh công tử bột rồi đem nhau ra ngoài rừng. Chẳng may bị bọn mình phục kích, chúng xách quần vừa chạy vừa la vi xi, vi xi. Thế là một vài phút sau pháo bắn, trực thăng quần, có khi một tên Mỹ trầy da thì nó đổ chụp. Tụi du kích mình cứ nổ súng như gởi đạn về làng là thích rồi, không cần biết trúng trật cứ đem vỏ đạn về báo công. Bắn lẻ tẻ không có tiếng vang, ba xã Nhuận Đức Phú Hòa, Phước Hiệp, có khi lôi được cả Phước Vĩnh Ninh phối hợp, cùng nổ một lúc. Phước Vĩnh Ninh bị ấp chiến lược Cây Bài áng phía ngoài Đồng Dù nên không bắn được. Thế là Mỹ la to: Việt cộng đã lập vành đai thép, mấy tiếng súng nhép vang tới bên Mỹ. Nhà báo Mỹ sang điều tra và trương luôn lên đài một cái vành đai thép. Thế là đài ta chụp lấy phóng đại ra 500%. Cái vành đai mồm phút chốc trở thành sự hãi hùng cho nhà báo Mỹ và gia đình tụi nó bên Mỹ. Nhờ vậy mà mình mới vận động phản chiến được. Rồi mới có tự thiêu, mới có con đào lộn hột sang tận Hà Nội gặp tù binh Mỹ chớ. Nếu không nhờ tụi nó mình la làm sao thấu bên kia?

Tám Hà cười khoe bộ răng mất trật tự:

- Bao giờ cũng vậy, tụi nó đánh tụi nó khỏe hơn mình đánh nó. Thời Tây có Raymondienne Henry Martin nằm lăn ra đường cản quân xa, thời này có đào hát bóng và tên Mỹ khùng tự thiêu. Con Phổng đá Phổng điếc và thằng Ê mi Ê miếc gì đó.

Tám Quang tiếp:

- Bây giờ mình mới thấy tác dụng của tuyên truyền. Sự thực bốn xã chỉ đào có chục rưỡi cái hang ếch thôi. Nhưng bây giờ không còn nữa. Xe tăng càn nhẹp cả rồi. Bây giờ chính chúng nó lập vành đai trắng bao vây mình đấy. Chúng nó phát quang tất cả rừng rú chung quanh Đồng Dù, cây cỏ thì rắc hóa học, người thì bốc hết ra ấp chiến lược. Đây mới là vàng đai nguy hiểm cho mình.

Tôi nhắc lại:

- Vậy là tôi tưởng như vành đai ở vĩ tuyến 38 ở Thượng Cam Lĩnh bên Triều Tiên bao vây quân Mỹ.

Tám Quang tiếp:

- Vụ ném bom vừa rồi ở Ngã Ba Cây Điệp là nằm trong kế hoạch lập vành đai. Đồng Dù đây - Tám Quang trỏ xuống bản đồ - Mình đây, nó đây. Mình với nó cách nhau không quá năm cây số nhưng nhờ con Suối Bà Cả Bảy mà mình dám trụ ở đây. Xe tăng có càn cũng phái vòng lên Ngã Ba Cây Trắc rồi mới xuống đây được. Như vậy mình có đủ thời giờ cuốn gói. Còn nếu nó đổ chụp thì trên núi nó cũng đổ được ở đâu cũng thế thôi. Cứ mười lăm phút là nó đến nơi.

Tám Hà nói:

- Bây giờ cậu về đây đem áp dụng pháo nhẹ thử coi. Đó là hi vọng của ở trên. Nếu khống chế khuấy phá được tụi Đồng Dù thì Củ Chi mới mong ngóc đầu nổi. Chỉ ngóc đầu thôi, còn tiêu diệt nó thì không thể.

Tôi hỏi:

- Vậy còn đạo quân đầu tóc của bà Năm Đang, anh?

- Xù lâu rồi. Cậu đã từng đạo diễn cái đạo quân hồi năm ngoái cho thẳng Bọ Chét quay phim, cậu biết nó như thế nào rồi. Sau vụ Đồng Khởi 1960 tụi nó đang choáng váng mình mới được đám quân vận yếm mang ra chận đại bác, nhưng chỉ vài tháng là tụi nó tỉnh lại, tụi nó đối phó hữu hiệu ngay. Đàn bà con gái láng cháng ra đó nó bắt nhốt bỏ đói một ngày, rồi trước khi thả, nó vẽ khẩu hiệu trên áo trên nón cho về.

- Khẩu hiệu gì anh?

Tám Quang lắc lư, Tám Hà bảo:

- Thì anh cứ nói cho cậu ấy nghe chớ có gì mà giấu?

Nhưng Tám Quang vẫn lặng thinh. Chuyện đánh trâu của các bà các cô tôi đã nghe cô Là nói đầy tai rồi. Chúng nó kẻ khẩu hiệu bằng dầu hắc Đả đảo Hồ Chí Minh. Đả đảo Mặt Trận côn đồ, nhưng tôi làm bộ ngớ ngẩn chơi thôi. Đi với cô xã đội tôi còn được nghe nhiều việc lạ hơn nữa cơ!

Tám Quang bắt sang chuyện công tác:

- Tôi đã bàn với Năm Lê tức là Sơn Tiêu, cậu nghe lâu rồi mà!

-Dạ!

- Tạm thời cậu về nhận trách nhiệm ở H6 tức là Ban Pháo binh. Hai Giã trưởng ban đang bị kỷ luật, đưa về R cũng khó coi cho ổng, nhưng để ở lại chỉ huy thì lính không phục, nên Năm Lê cho ổng đi công tác các quận một thời gian nguôi nguôi rồi sẽ tính sau. Cậu về đó tuy với trách nhiệm phó ban nhưng thực ra là Trưởng ban vì ông Sáu Phấn chỉ làm công tác đảng chứ không biết pháo binh. Tôi chắc cậu không thắc mắc gì!

- Dạ không.

- Cậu về ráng quậy cho H6 lên lên một chút, để ông Ba Xu ổng rằn ri quá sá. Còn vụ móc thằng em thì có Chín Lộc Sáu Huỳnh tiếp sức. Cậu chỉ phụ một tay thôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx