sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 39: Con Chích Choè Liếng Khỉ

Ra đường xe dứa, Chín Lộc chở tôi phăng phăng chạy về hướng Xóm Bưng. Tưởng ai đâu lạ, ai dè cũng là dân Rừng Sát. Hồi đó Tám Quang mê chị Dưỡng con gái ông Ba Dương nhưng có lẽ vì ông ta nói chuyện chính trị nhiều quá nên chị không chú ý mà lại đi yêu một anh vốn là lính Nhựt. Còn Chín Lộc thì ở trong tổ chức Liên Hiệp nghiệp đoàn của ông Mười Thìn. Chín Lộc còn có biệt hiệu là Chín Rổ hoặc Chín té thùng đinh vì anh bị đậu mùa hồi nhỏ.

Tôi ngồi sau poọc-ba-ga ôm ngang eo ếch anh. Anh vừa đạp vừa nhắc chuyện cũ với tôi. Một chập, khi chạy ngang qua một vùng đất còn mùi cháy khét, tôi hỏi:

- Hồi sáng này nó đánh ở đâu vậy anh Chín?

- Gần Gót Chàng, chỗ nhà con Bảy Mô?

- Cô ấy có sao không?

Có lẽ nghe giọng hoảng hốt của tôi, anh Chín đoán là tôi có quen, nên hỏi:

- Bộ cậu biết Bảy Mô à?

- Dạ... ạ, có quen.

- Nó đánh gần đó thôi, nhưng miểng văng vô tới chỗ tôi ở nghe rẹc rẹc.

Rồi anh nói ngay không giữ miếng thủ thế gì cả:

- Cậu là Trưởng ban Pháo binh, tôi là Trưởng ban Quân báo, ngang cấp với nhau. Coi bộ cô Thảo có cảm tình với cậu lắm.

- Dạ, tôi mới về đây đâu có quen nhiều anh Chín!

- Nó là con nuôi của ông Eo đó, đừng có mó vào mà bị thịt.

- Eo nào?

- Tám Quang là dân khu nem. Nghe nói tiếng mà không biết à?

Chín Lộc đưa tôi vào một ngôi nhà trống hốc không còn vách phên, bên trong chỉ thấy một bộ ván gõ ba, kiểu ván gõ nhà má Hai tôi nằm ngủ năm ngoái, nhưng chỉ còn hai tấm. Một tám chắc bị khênh đi làm nắp hầm. Mái ngói đã bay hết một phần trông thê thảm quá.

- Có quen với Sơn Tiêu, F300 ở Thọ Xuân không?

- Tôi biết ổng lâu hơn nữa mà!

- Lủy và Tám Eo có vẻ không ăn giơ với nhau. Một tay là quân sự, một tay là chánh trị, tôi là quân báo bị kẹp ở giữa lắm lúc không biết ai là xếp của mình.

- Về mặt tổ chức thì anh ở bên ông Năm Lê chứ!

- Phải rồi, nhưng Tám Quang thì có chân trong khu ủy, còn Năm Lê bị một cái ô đeo trên cổ nên đứng giàn ngoài, bị lép vế hơn Tám Quang.

- Vậy anh đi hàng hai bẹt giò mệt quá hả?

- Tháng nào cũng họp nghe báo cáo tình hình nội bộ mà nhức cả óc, toàn ô một không thôi. Cậu biết vụ vợ Năm Lê làm rùng beng trên R chứ?

Tôi chối bức.

- Bà ta đi về thành một mạch, tuột bỏ chức khu ủy viên, lấy sĩ quan Sàigòn ngay và cho hai thằng con trai đi học Thiếu Sinh Quân ở vũng Tàu. Có lẽ để chúng nó trả thù cho má chúng chắc.

Vừa đến đó thì xuất hiện một cô gái xinh xinh loắt choắt như con chích chòe, đạp xe tới. Chín Lộc hỏi:

- Con Ua đó hả? Có công tác đây nè. Chuẩn bị đi mau lên.

- Ai biểu chú đi lâu quá, cháu đợi hoài không được, nên cháu qua nhà chị Mô chơi.

Cô gái dựng xe nhảy xuống rứt một trái trong nải chuối máng trên ghi đông xe đạp, lột võ đút vô miệng nhai nhồm nhoàm vừa hất hàm với tôi:

- Ông thầy pháo là ông này đây hả?

- Người ta về thay ông Hai Giả đó nghe con, đừng có giỡn mặt!

- Coi như con ổng vậy!

- Ủa! Tuổi trẻ tài cao mà con!

- À phải phải. Tài không đợi tuổi. Napoléon làm xếp mấy ông già dềnh lúc mới ba mươi hai tuổi. Napoléon về đây cũng trở thành Nã-pồ-lê-dông thôi!

Cô ta phát âm rất đúng. Chín Lộc bảo tôi:

- Nó như con trai vậy, cậu đừng chấp nhứt! - Rồi quay lại cô bé, - Mày đèo ông này về nhà trước. Tao còn phải đi qua ông Năm Lê. Nè, chở cẩn thận nghe! Có chuyện gì mười cái đầu mày cũng đi đứt. Trường ban H6 đó!

- Bự quá dzậy, con không có dám đèo đâu.

- Để tôi chở cho.

- Xí bộ coi thường con nhỏ này hả?

Chín Lộc ra góc nhà cầm cái gáo múc nước trong khạp da bò ực một hơi rồi bảo:

- Nay mai mày là nhân viên của ổng đó!

Chín Lộc nói rồi quay đi. Cô bé tên Ua đưa nải chuối cho tôi bảo:

- Đói bụng ăn vài trái đi. Chị Bảy Mô cho... đó.

- Bữa nào chở... qua đó làm quen được không?

Cả cô gái lẫn tôi đều không biết xưng hô như thế nào cho đúng vai vế nên cứ nói ngang ngang.

Tôi móc trong xắc-cốt ra một gói kẹo (của Thảo cho lúc nãy chưa kịp ăn)

- Ăn kẹo đậu phọng không?

- Ừ đưa coi! Bộ người ta không có tên sao mà phang trơn trơn vậy?

- Tên gì?

- Không nghe ông Chín kêu hồi nãy à? Nhắc lại nè: Ua! Thôi Ua ăn một miếng thôi.

Bỗng nhiên Ua kêu tôi bằng cậu.

- Cậu dìa hồi nào vậy? Chắc là Mùa Thu thứ dữ.

- Có ăn thịt ai không mà dữ?

- Mấy ông Mùa Thu về trước cậu, ông nào ông nấy đầu bạc phếu hoặc sói sọi còn cậu sao mà tóc đen mun vậy? Mà Ua coi cậu hơi giống...

- Giống ai? Giống má Ua hả?

- Giống sĩ quan Sàigòn!

- Trời! giải phóng mà bảo giống sĩ quan Sàigòn!

Ua bước tới đập vai tôi:

- Ua nói vậy tức là nói cậu coi đẹp như người Sàigòn.

- Bộ Ua ở Sàigòn mới vô hả?

- Ua có đi học ở ngoải. À, mà cậu có mợ chưa?

- Mợ gì mà mợ?

- Nếu chưa Ua dắt cậu qua nhà chị Bảy Mô. Hai bên coi bộ xứng dữ.

Nghe Ua nói, tôi như thấy góc vườn sầu riêng thơm bát ngát, bờ suối róc rách hai đứa ngồi ăn sầu riêng mà đờn măng-đô. Ừ, cách đây không lâu, lúc Tư Linh tiếp thằng Bọ Chét.

- Chỉ có nhà không?

- Ở bển chớ đâu. Muốn qua không? Ua tạt qua đó rồi hãy đi không trễ.

- Thôi, để khi khác.

- Khi khác là khi nào. Tình hình này hễ nói là làm, cho cái kiểu khi khác là đi tuốt. Nói cho cậu biết người Rờ, người Khu, người Công trường bu chỉ dữ lắm!

- Bu thì bu chớ Ua bảo tôi làm gì?

- Thì cưới liền đi! Rồi dắt đi chỗ khác chứ ở đây không có thọ được đâu.

Tôi cười ha hả, rồi tôi dắt xe ra đường, và nói.

- Thôi đi. Đừng có ở đó mà nói bá láp.

- Cậu thứ mấy! Chắc là thứ Hai. Cậu Hai nhận Ua làm cháu được không?

- Thì cũng được nhưng tôi không có tiền đâu mà cho.

- Ua không cần ba cái quần áo, đồng hồ gì đâu. Ua chỉ cần cậu thương cháu như ba cháu thôi.

- Vậy thì được.

Ua đưa tay cho tôi.

- Được thì ngoéo tay đi, không có quác nghe!

Ra khỏi mối đường Ua nhảy lên xe gọn gàng, tôi ngồi lên poọc-ba-ga nhưng không dám ôm eo ếch. Biết tôi ngại, Ua bảo cứ ôm mạnh đi không sao đâu. Đạp đi một khúc, Ua bảo:

- Thôi, mình làm anh em đi cho nó thân mật.

- Muốn gì thì muốn.

- Nhưng không có cái kiểu em nuôi như mấy ông già ó đâm đâu đó nghe.

- Anh không chơi cái trò đó đâu.

- Vậy chốc nữa về nhà em biểu ngoại nấu chè cho hai anh em mình kết nghĩa với nhau. Ôm chặt đi. Gần tới khúc đường bị pháo nổ lởm chởm, em lạn nhanh lắm, không thua gì anh Lạn đâu. Ôm lỏng coi chừng lật gọng đó.

- Biết cậu Lạn nữa à?

- Ba ảnh kêu vô đi học Liên Xô, không biết sao cả năm nay cứ làm giao liên.

- Còn Ua?

- Hà hà... anh hỏi trúng tẩy, em hết chối. Em cũng được kêu vô đây đi học... Liên Xồ... ồ!

Ua cười lớn, chiếc xe chạy loằn ngoằn, tôi suýt bật ngửa.

- Em học đệ thất rồi đó.

- Sao ông Chín dời xuống Bàu Chứa gần Đồng Dù vậy?

- Ở xóm Bung thì gần Trung Hòa. Chỗ nào cũng vậy thôi! Hay dở là ở cặp giò và thính cái tai, ông Nắp Bồ Lê dông ạ! Có lẽ ở gần Đồng Dù chỉ sợ pháo thụt thôi còn B52 thì khỏi lo. Nếu ở Xóm Bưng và Gót Chàng thì sợ đủ thứ vì nó xa Trung Hòa và Đồng Dù pháo bắn cũng tới, bom bỏ cũng dễ mà B52 thì càng dễ hơn.

Chạy một quảng, Ua trỏ về phía tay phải, bảo:

- Nóc chuồng cu bót Trung Hòa kia kìa. Quái nhỉ, cái bót này đi đâu cũng trông thấy nó đi theo mình.

Đạp một lúc, Ua lại bảo:

- Xuống đây đi anh. Tới rồi!

- Tới đâu?

Tôi vừa nhảy xuống vừa hỏi, nhưng hỏi xong thì nhận đây là nhà... Ua bước lên thềm nhà, vừa đi vừa réo.

- Ghé nhà chị Bảy chơi một chút đi anh. Hồi nảy em qua chị Bảy chơi, chỉ xôi sầu riêng cho em ăn. Nhưng em sợ ông Chín Lộc về không có em ở nhà ổng la, nên xôi chưa chín mà em phải rút lui. Đi vô đi anh. Chị Bảy ơi, ra có khách.

Từ dưới bếp Bảy Mô chạy ra.

- Khách nà... o?

Vừa trông thấy tôi, nàng khựng lại. Tôi cười nói.

- Khoẻ không em?

- Anh đi đâu đây?

- Thì đi đây chớ đi đâu!

- Em nghe nói anh về R rồi mà!

- Về rồi chớ sao! Nhưng nhớ... Củ Chi quá nên phải trở lại. Thế nào, em có bắt được thêm Mỹ không?

Bảy Mô làm thinh hơi ngó xuống, đôi má ửng hồng vì lửa than trong bếp hay vì thẹn. Ua cười ré lên.

- Hai ông bà quen lâu rồi mà hồi nãy em hỏi, ảnh làm bộ không quen.

Rồi Ua cười khúc khích.

- Mời anh vô trong nhà! Mời anh Bảy vô nhà!

Tôi đi theo Mô. Bên trong, bàn ghế vẫn còn nguyên tại chỗ. Chiếc tủ thờ khảm xa cừ vẫn còn đứng đó. Một chiếc bị đạn xuyên qua bên hông. Bất thần tôi ngó lên nóc. Một vùng ngói vỡ để hở một khoảng to trên nóc.

Tôi vừa đi vừa ngó. Không khí có vẻ vắng vẻ lạ lùng. Tôi không thấy cây măng-đô treo trên vách nữa. Tôi hỏi:

- Chị Tư Mai có về không em?

- Chỉ được tin anh Tư sao đó, chỉ rầu lắm.

Tôi đoán biết là chuyện gì rồi. Cũng như chồng cô Lụa và nhiều thanh niên khác đi Bình Long Phước Long vậy thôi, nên tôi không hỏi thêm nữa. Tôi hỏi ngang ngang.

-Ba không về à?

- Dạ không.

- Cây đờn đâu?

- Em giấu trong hầm, dây sét hết rồi.

- Lúc này chắc không thể đờn như trước nữa.

Bỗng Ua la lên:

- Em quên bỏ công văn quan trọng rồi chị Bảy ơi, để em trở lại lấy. Anh Bảy ủa anh Hai ở đây chờ em chút nghe.

Nói xong Ua chạy đi, nhưng còn quay lại - Có gì, chị dắt ảnh chạy xuống hầm dùm em nghen. Em giao ảnh cho chị. Ảnh là con cưng của mấy ổng đó!

Nói xong chạy biến đi. Bảy Mô nói:

- Con nhỏ đó lanh lắm anh ơi!

- Nó cũng bỏ học ra đây hả?

Tôi vừa đi song song với Bảy Mô ra sau bếp vừa trò chuyện. Bảy Mô nói:

- Má nó bán hàng ngoài chợ Củ Chi. Bả là đầu mối của ông Chín Lộc. Con nhỏ này ra vô chợ dễ dàng. Lính quốc gia thấy nó bé nhỏ, loắt choắt nên coi thường. Nhờ vậy nó lấy được nhiều tin tức của mấy ổng.

- Tình hình dũng sĩ bây giờ ra sao em?

Tôi ngồi trên bộ ván ở nhà bếp. Đây không phải là chỗ ngồi của khách, nhưng Bảy Mô coi tôi như người thân, có thể vượt qua mức đó.

- Anh đi hội mừng công hả?

- Ừ| Mới lụi hụi đây mà đã một năm.

- Đội đặc công nào đánh sân bay anh biết không?

- Anh không biết!

- Anh đi dự mà sao không biết? Đài Giải phóng nói hằng ngày..

Tôi không muốn Bảy Mô biết rõ cái danh hiệu anh hùng rởm của tôi nên đặt chuyện nọ chuện kia nói lãng ra, nhưng Bảy Mô cứ hỏi tới. Bực mình, tôi bảo:

- Chẳng có thằng nào còn sống mà về dự cả nên ở trên bắt anh đại diện đấy, hỏi nữa thôi!

- Vậy anh là anh hùng à?

- Thì cũng xém xém như vậy!

Bảy Mô cười, cái cười mỏi mệt nản chí:

- Kỳ này anh về, có anh Tư Linh không?

- Hắn bận!

- Em sợ ảnh quá đi! Vái trời ảnh đừng có dắt thứ nhà báo tới đây nữa? Ảnh bày đặt nhiều chuyện làm cho đội của em quay mòng mòng.

- Từ khi Mỹ vô Đồng Dù đội em có lập thêm thành tích gì không?

- Đang xây dựng cái vành đai thép. Anh có gì giúp tụi em không?

- Biết giúp cái gì bây giờ. Em phải đề nghị cụ thể lên ông Tám Quang. Ổng đỡ đầu tụi em mà.

- Ổng có hứa, nhưng chưa thấy cho thêm gì hết.

- Nếu có cối 60 ly anh sẽ dạy cho các em sử dụng.

- Bắn chính xác không? Hay trái nào cũng lọt vô trường học cho dân bất mãn đó nhà pháo?

- Bộ có xảy ra rồi à?

- Chưa xảy ra, nhưng em sợ trường hợp đó lắm.

- Trước nhất em phải có một bản đồ chính xác.

- Cái gì chớ cái đó thì vô phương rồi!

- Thôi để thong thả anh lo.

Nhận thấy trong đôi mắt người con gái đượm một vẻ buồn áo não, tôi hỏi:

- Tình hình đội bây giờ ra sao em?

Bảy Mô lặng thinh hồi lâu mới đáp:

- Đang xốc tới dữ lắm, nhưng không có điều kiện!

- Vấn đề đó không đáng ngại. Em cứ giữ vững tinh thần đội, rồi tình hình mới này sẽ có trang bị mới rất hiện đại.

Tôi thấy bếp không có lửa khói gì. Xôi sầu riêng thì phải nghe mùi từ ngoài cửa chớ! Con Ua lừa mình vào đây. Cũng tốt thôi? Tôi ngó ra cửa sau. Tôi hoảng hốt kêu lên:

- Sao vườn sầu riêng như vậy Mô?

- Nó rải chất độc!

- Vậy à? Cả vườn tược đều thế này à?

- Chỗ nào xanh xanh rậm rậm là nó rải. Vậy con Ua chở anh qua mấy lô cao su, mấy khu vườn, những miếng rừng chồi anh không thấy dấu vết hóa học à?

- Có thấy chớ! Anh thấy từ trên Trường Sơn kia mà. Gần đây nhất là Trảng Cỏ.

Tôi đến đứng ở bệ cửa nhìn ra vườn. Sầu riêng đứng rủ lá như những mái tóc bạc bị cắt cạo nham nhở. Tôi trở lại ngồi ở góc ván và thở dài:

- Tiêu hết vườn rồi.

Hình như câu nói động đến tâm can người con gái, nên nàng né qua cho đỡ đau. Nàng hỏi:

- Không hiểu ông nhà báo gì đó về tới ngoải chưa?

- Về tới lâu rồi chớ.

- Rồi làm sao?

- Làm sao cái gì?

- Ổng quay phim địa đạo mà chỉ quay cái miệng địa đạo thôi, không quay được lòng địa đạo thì tuyên truyền cái gì được hả anh?

Tôi bí nên hút thuốc lấy oai. Bảy Mô tiếp:

- Cái trận địa đạo chiến ổng quay kỳ thấy mồ mà ổng khen nức nở. Em nhớ lại thấy mắc cỡ quá trời.

Tôi nhìn Bảy Mô. Nàng gầy sút đi nhiều. Mắt sâu, gò má nhô lên, tóc tai xơ xác trông như một người đàn bà trung niên. Tôi suýt nói câu gì, một câu thật vô nghĩa, nhưng Bảy Mô đã tiếp:

- Anh Tư Linh thiệt là sáng kiến đầy mình. Cái địa đạo chiến của ảnh chắc nay mai tụi Mỹ phải nghiên cứu dữ lắm.

- Em cũng biết, đó là tuyên truyền mà Mô!

- Nhưng quay phim như vậy đem ra thế giới người ta tưởng thiệt, người ta lại gởi thêm nhà báo đến phỏng vấn tụi em rồi tụi em làm sao?

- Tám Quang sẽ dạy cho mấy em cách trả lời, lo gì.

- Rồi rủi người ta muốn quay phim địa đạo chiến nữa rồi làm sao?

- Thì các em cứ đánh địch kiểu đó cho người ta quay chớ sợ gì?

- Sự thật du kích có bao giờ đánh giặc kiểu như thế đâu. Miệng địa đạo có bao giờ gần đường cái như vậy để khi rút lui chúng em có thể dỡ nắp mà chui như anh Tư Linh đã bố trí. Nếu miệng địa đạo gần đường như vậy thì tụi lính nó tìm thấy ngay. Tụi nó có chó đánh hơi mà! Nếu không bị chó thì xe tăng cũng cán nhẹp. Hơn nữa đánh giặc mà chạy chui hầm kiểu đó thì họa may chúng em có phép thần thông và thằng địch đui.

Tôi biết chuyện địa đạo chiến là kiệt tác của ông Tư Linh phỏng theo địa đạo chiến của các ông cố nội biên tập đài Giải Phóng và đài Hà Nội, cố nhiên với Tư Linh nó có mùi đất và lá khô hơn. Do đó nó làm cho tên Bọ Chét, mụ đầm già và các giáo sư Liên Xô tưởng thật. Chứ bạn đọc thử nghĩ về hai điều này: kẻ địch là mục tiêu di động còn địa đạo là một vật cố định. Làm sao có thể bắt địch đi theo ý đồ của mình được? Những người phịa ra địa đạo chiến không hề biết chiến trường Củ Chi trong giai đoạn Mỹ vào Việt Nam, đặc biệt khi có cái chốt Đồng Dù ở ngay giữa rốn Củ Chi. Trong chiến tranh chống Pháp, sở dĩ các trận Là Ngà Bầu Lá (khu 7) Giồng Dinh, Phong Phú (khu 8), Tầm Vu, Sóc Xoài (khu 9) đem lại thắng lợi vẻ vang là vì chúng chỉ có một con đường Huê Dung Đạo mà ta đã nắm được trước. Do đó các trận Vận động chiến kể trên hoàn toàn thắng lợi.

Các ông chiến thuật gia nằm trong dinh thự Hà Nội không biết Mỹ là cái gì, cứ cong lưng xúi giục dân Nam kỳ thừa thắng xông lên để làm vui lòng Bác. Sự thực, nếu bác biết được bác càng buồn. Nổ súng đánh Mỹ đã khó rồi. Khi nổ súng xong còn khó và nguy gấp trăm. Nó xúc quân chỗ này đổ qua chỗ khác, gọi là nhảy cóc, mình không đối phó được. Trực thăng có thể đổ ngay sau lưng mình, hoặc chúng bỏ hẳn chiến trường, rồi về nhà uống la de cho bom pháo dập mình tan tành. Nên nhớ rằng Củ Chi có thể bị khống chế bằng nhiều giàn Pháo từ các phía Đồng Dù, Trung Hòa, Củ Chi, Bến Cát, Lai Khê... Đánh xong, rút lui càng khó. Trực thăng nó đuổi theo. Thường thường số tử vong trên đường rút lui lại cao hơn số tử thương tại trận địa. Làm thế nào một trung đội du kích đánh xong chạy chui hầm được? Nếu chui xuống hầm mà không ngụy trang kỹ, chúng sẽ tìm ra miệng hầm ngay. Hoặc không cần khui hầm, chúng cho pháo bắn, hoặc máy bay bỏ bom. Cuối cùng, xin nói cho ông Đại tướng cù lần Sáu Vi rõ là đếch có ông bà du kích nào dám dùng chiến thuật địa đạo chiếnhoặc nắm thắt lưng Mỹ mà đánh cả! Hoặc quát thẳng vào những lỗ tai trâu: Ở Củ Chi không cái gì gọi là địa đạo chiến.Đánh Mỹ khó hơn đánh Pháp một ngàn lần.

Cho nên nghe Bảy Mô phàn nàn ông Tư Lịnh nhà tôi, tôi tìm cách chống chế. Nhưng Bảy Mô là người con gái có học chứ không phải con cái bần cô nông, nàng không chịu im.

Nàng nói:

- Kỳ sau có ông nhà báo ngoại quốc nào tới thì em xin vắng mặt.

- Chắc không có ông bà nào đến nữa đâu. Họ ớn cái Củ Chi này thấy tía rồi. Đó là tình hình năm ngoái, hồi Đồng Dù mới thành hình, năm nay nó xây dựng xong xuôi rồi. Dù có ông bà nào uống mật gấu mà xin đến coi... cái đầu tóc của bà Năm Đang ủa, xem cái đội quân đầu tóc của bà Năm Đang anh cũng không dám nhận. Lỡ nó nhảy dò, nó bắt được một ông mũi lỏ hoặc một bà tóc vàng trong khu ta thì bỏ mẹ!

Bảy Mô lẫm nhầm một chốc rồi lại hỏi:

- Cái ông Bọ Chét đó là đảng viên Cộng Sản hả anh?

Tôi đáp với vẻ tự hào.

- Đúng! ông ta là đảng viên Cộng sản Quốc tế đó.

- Vậy nên ông mới dám lũi vô đây chớ tụi đế quốc nhát hít. Quốc tế Cộng sản được mấy ông đảng viên như vậy, anh?

- Chắc nhiều lắm!

Bảy Mô cười:

- May mà chỉ có một ông đến Củ Chi!

- Sao vậy?

- Chị Hai Khương bỏ việc làm ở xưởng may của Quân Nhu rồi.

Tôi nhìn Bảy Mô, cô bé này ác thật! Hai Khương là người đàn bà có chồng đi Giải Phóng quân biệt tích ở Bình Long. Năm ngoái, khi Bọ Chét đến đây lấy đề tài địa đạo chiến thì Hai Khương được dùng về phương diện phục vụ nhằm giúp đồng chí ta nếm biết mùi Việt Nam nguyên chất. Sau đó cả làng, cả quận đều hay. Hai Khương phải bỏ xứ, cô ta đi đâu không ai biết. Viết đến đây tôi muốn thét lên: "Địt mẹ mày thằng Hồ tặc. Mày đã làm cho cả dân tộc này điếm nhục không ngóc đầu dậy được".

- Cô ta đi đâu?

- Không biết anh à!

- Tại sao lại bỏ việc làm mỗi ngày kiếm được 200?

- Em không biết.

Nàng biết chớ sao không. Nhưng nàng chỉ muốn nhắc lại cho tôi nghe đến đó thôi. Để trách móc chăng? (vì lúc đó tôi được ông Tám Quang chỉ đinh hụ hợ với Tư Linh) Nếu nàng trách móc thì cũng phải. Vì việc đó làm xấu mặt phụ nữ giải phóng và nhục cả triều đình nhà Hồ. Ai có thể ngờ rằng thằng nhà báo chó chết đó sang đây lại đòi biết mùi Việt Nam. Bọn quân báo sợ nó đổ bệnh cho Hai Khương, hoặc bỏ con trong bụng nàng rồi quất ngựa chuối dông mất, nên đã khuyên khéo hắn nên dùng áo mưa, hắn trân tráo bảo: Tôi muốn biết mùi Việt Nam nguyên chất!Nhục ngập đầu Hồ chủ tịch vô vàn kính yêu ơi! Bây giờ đây hắn đã gặp Bác ở suối vàng. Hắn có thể cho bác ngửi tí mùi Việt Nam mà hắn mang theo khi rời Củ Chi. Khi tôi viết đến đây thì Đỗ Mười (cái tên mà tôi cho là có bộ mặt tướng cướp và ăn nói hồ đồ nhất trong cuộc đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội), Tổng bí đao Việt Cộng đang quì dưới háng Đặng Thánh Chúa để dâng hàng sớ. Rồi tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của tên Tố Bịp:

Nay tôi xin họa lại:

Nhục từ tổ tiên nhục tận đến con tận cháu. Bây giờ đây cái nhục được phân phát bằng từng ô phiếu cho mỗi người Việt Nam. Tôi không biết nói gì nữa. Cũng may vừa lúc đó lại có tiếng máy bay.

- Sâu Rọm tới Đồng Dù anh ạ!

Tôi vừa bước ra cửa vừa hỏi.

- Sao em biết?

- Nghe hoài mà sao hổng biết. Nó chở cà-nông tới Đồng Dù đó.

- Sao em biết nó chở cà-nông?

Bảy Mô đứng dậy ra ngoài rồi bảo:

- Anh ra đây coi. Cái cục đen dưới bụng nó dài dài thì đó là cà-nông. Vài bữa nữa sẽ có bố ráp vùng này.

- Sao em biết?

- Em linh cảm và lần nào cũng đúng cả!

- Chứ không phải có tin gì à?

- Lắm khi cũng có bà con đi làm ngoài đó về trong này nói lại.

- Bà con mình đi làm cho nó đông lắm sao?

- Đông lắm vì lương cao. Như chị Hai Khương làm cho quân nhu chỉ có 200 một ngày, còn ngoài đó bét cũng 500.

- Làm gì?

- Đủ thứ từ thợ thầy, thư ký, giặt quần áo, quét nhà và làm gái điếm.

Tối kêu lên. Bảy Mô nói.

- Vợ ông X... đại đội phó cũng đi làm cho nó mà.

-Kỳ vậy!

- Như vậy mới có tiền nuôi con và tiền cho chồng xài trong khu chớ anh.

Thôi vậy là hết. Lại một thứ nhục khác.

Tôi quay vào nhà. Thấy lạnh lẽo quá, không ngồi được nữa, tôi trở ra đi về phía vườn. Bảy Mô bảo.

- Anh vào đi, em đóng cửa! Đóng cửa im ỉm ngộp quá nên em mở ra một chút cho thoáng hơi, nhưng không khí ở ngoài vườn tràn vào, em thở nãy giờ nghe tức tức ngực, anh có nghe thấy không?

Tôi sực nhớ lúc vượt các trạm giáp ranh khu IV băng qua các vùng bị khai hoang bằng hóa học tôi cũng thấy ngực hơi tức. Nhưng ở đây chưa bị nặng nề nên chưa thấy tức lắm.

Bảy Mô đóng cửa lại, hai đứa ngồi ở phía trước. Trong nhà không có ai ngoài chúng tôi. Tôi chờ đợi ở Bảy Mô một câu gì. Và có lẽ nàng cũng chờ đợi tôi thốt ra một câu gì. Nhưng không ai nói gì cả. Mặc dù thế, ai cũng biết câu chưa nói ra đó là câu gì, một câu ngoài công tác.

- Rồi cây đờn đâu?

- Em bỏ luôn rồi.

- Ban đêm em ở nhà một mình vầy à?

- Có vài ba cô nữa đến ngủ với em vì nhà em có hầm chắc. Ba em về làm hầm rồi bỏ đi ra ấp chiến lược, vì ba bảo hầm không chịu nổi cà-nông.

Tôi nói láo với Mô.

- Chú Tám Quang nói cái vành đai thép của mình bao quanh Đồng Dù bảnh lắm hả em?

- Ừ! bảnh lắm. Anh muốn coi không?

- Để hôm nào rồi đã!

- Muốn đi xem anh phải chuẩn bị cặp giò để chạy.

- Tại sao vậy?

- Có khi tụi Mỹ nó ra nằm ở mấy hang ếch của mình trước. Mình vừa lú ra nó ria cho chạy tét quần rồi nó kêu pháo dập.

Bé Ua đã trở lại. Chiếc xe đạp hiện ra trước ngỏ với mái tóc cắt ngắn như học trò.

- Sao, hai ông bà đã cơm nước xong chưa?

- Nước thì đang uống còn cơm đã ăn rồi, bụng dạ đâu mà chứa nữa?

- Vậy sao chị Bảy hứa cho em ăn xôi sầu riêng?

- Chị tưởng là vườn sầu riêng của chị còn nguyên chớ.

- Ừ, chị chiêm bao giữa ban ngày!

- Còn em có chiêm bao không mà quên công văn?

- Công văn gì? Để khoan em ăn hết vĩ xôi sầu riêng của chị Bảy rồi mới nhớ ra công văn gì.

- Em ngạo chị hả Ua?

- Em bắt chước mơ chị đó chớ. Chị chưa vo nếp mà em tưởng mùi sầu riêng nực mũi! - Rồi Ua quay lại tôi - Thôi từ giã chị Bảy rồi đi,... anh Bảy.

- Con quỉ, mày đưa cái miệng mày đây, tao vả cho tét lá mía!

Mô trợn mắt đỏ mặt quát. Tôi rời ngôi nhà. Chỉ nói một câu:

- Anh đi nghe Mô! có dịp nào anh đi ngang ghé chơi!

Bảy Mô ra đến ngõ thì dừng lại, ngó theo. Con Ua đạp ù ù. Mớ tóc đuôi gà bay ngược lại ra sau. Mùi hương quất vào mặt tôi, tôi ngồi sau poọc-ba-ga nhìn lại Bảy Mô. Chắc đôi mắt của nàng dũng sĩ cũng như đôi mắt của Thu Hà lúc nọ. Tôi vụt cảm thấy trong Mô tất cả Thanh Tuyền, Huỳnh Mai, Ba Ánh, Là v.v... chỉ trừ Thu Hà..

Ua quay lại:

- Anh chịu chưa, hả?

- Đạp đi. Coi chừng lọt xuống hố pháo kìa!

- Em thấy chỉ mết anh rồi đó.

- Thôi, cô thầy bói! Bị người ta hăm vả miệng mà chưa sợ hay sao?

- Hắc hắc... Em làm bộ quên công văn chớ đâu có quên cái gì. Vậy mà cũng tin. Xí.!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx