sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 40: Đấu Tranh Chánh Trị: Ra Đồng Đánh Trâu

Xe chạy boong boong. Bỗng Ua trỏ tay về phía trái:

- Mình ghé bầu trâm uống nước dừa, luôn tiện mình kiếm bậy cặp dừa khô đem về tối nay ngoại em nấu chè....

- Cúng đầy tháng cho em hả?

- Cúng ông bà nhìn nhận anh là anh của em chớ.

- Ba em đâu?

- Em đâu có ba. Ba em đâu em cũng không biết.

Tôi không hỏi thêm gì về gia đình của cô bé nữa. Tôi vụt nhớ vụ ông Nguyễn Văn Thi bị tài xế chở thẳng vô bán cho bót Catinat nên đùa:

- Đừng có chở anh vô tuốt bót Trung Hòa nghe.

- Bậy hoài hè ông mãnh!

Một chút Ua lại hỏi:

- Anh có biết tại sao ông Hai Tốt ôm mười triệu bạc dông vô thành không? Tên Tốt mà không Tốt!

- Không!

- Xí vậy mà cũng lãnh đạo! Tại ông muốn khỏe cái thân chớ sao!

- Nếu ai cũng tính như ông vậy thì còn ai đánh Mỹ?

- Bây giờ không còn nhiều người chống Mỹ như hồi trước. Họ ra ấp chiến lược chống Mỹ khỏe hơn.

- Bộ cô cũng muốn chống Mỹ kiểu đó hả?

- Em là thiếu nhi mà anh! Em đi đâu cũng được, lính Sài gòn hay Giải phóng đều chịu hết.

Tôi nhìn ra đồng thấy một chòm cây, bèn hỏi:

- Bàu Lách ở đâu còn Bàu Trăn ở đâu?

- Bàu Lách gần Bến Đình kia cà còn Bàu Trăn thì mình cứ đi theo con đường đá đỏ này chút nữa thì đến Bàu Trăn, kế đó là Bàu Tròn rồi tới Bàu Chứa là gặp nhà em.

- Sao gọi là Bàu Trăn, Bàu Tròn, Bàu Chứa? Những Bàu là Bàu!

- Gọi là Bàu Trăn vì nó ngoằn ngoèo như con Trăn, ủa không phải, vì ở đó có nhiều trăn rắn. Còn gọi Bàu Tròn là vì nó hình tròn như cái bụng chữa, còn Bàu Chứa...a..a,. là vì nó giống cái bụng chửa hình tròn. Hắc hắc hắc, hỏi nữa thôi... Nhưng bây giờ không ai xài mấy tên đó nữa. Người ta gọi Bàu Trăn là Bàu Tăng, Bàu Tròn là Bàu Bom và còn Bàu Chứa là Bàu Pháo vì mấy cái bàu này chuyên môn bị xe tăng càn bom bô pháo bắn.

- Từ Bàu Pháo đến Đồng Dù bao xa?

- Không quá một tiếng đồng hồ. Để em chỉ cho. Chừng nào anh muốn đi thì đi khỏi lạc đường.

- Bộ em nói anh sắp theo Mỹ sao hả?

- Em không nghĩ như vậy đâu.

Ua tiếp:

- Nếu đi thẳng đi qua suối Là tới Xóm Cầu Mới rồi đụng đường Hai Làng là thấy mấy cái tăng của Mỹ lố nhố rồi. Bên đó là chợ Bắc Hà ngay trước cửa Đồng Dù. Cái chợ này nằm trên đường số 8 đi chừng một cây số nữa thì tới ngã tư Củ Chi. Nếu anh vọt xuống thì chỉ một tiếng rưỡi là tới Sài gòn. Bay lên thì ba tiếng tới Tây Ninh, chạy thẳng thì một tiếng rưỡi tới tỉnh lỵ Hậu Nghĩa. Anh dám ra Củ Chi chơi không? Thay quần áo, anh với em đi bây giờ nề!

Nghe con bé nói mà chua chát trong lòng. Từ Tà Bon về tới đây ít nhất tôi phải lội một tuần lễ, đạp xe đạp đường nhựa thì ba tiếng đồng hồ, còn trực thăng chắc mười lăm phút. Đó là tốc độ hành quân của địch và ta. Từ đây mà về nhà tôi thì có lẽ mất bốn tiếng đồng hồ xe đạp. Ý nghĩ đó làm tôi nôn nao tấc dạ:

- Đưa anh đạp cho một hồi!

- Em còn đủ sức đạp tới Sài gòn mà, lo dữ hôn!

Chúng tôi qua một khu rừng cao su, chạy trên con đường mòn bọc quanh một cánh đồng đến một xóm còn nhiều tre trúc ba quanh những ngôi nhà ngói xưa như nhà của Má Hai ở Phú Mỹ Hưng. Nhiều nhà vách lá, vách ván cũng còn nguyên. Những cây rơm vàng cao nghệu nhắc cho tôi những kỷ niệm thắm thiết ở quê nhà. Trâu buộc ngoài bờ tre hai bên lỗ tai lúc nào cũng hoạt động xua muỗi mòng. Ước gì tôi bỏ hết ba cái thứ lỉnh kỉnh trên lưng tôi để nhảy lên lưng trâu phóng ra đồng hò hát nghêu ngao như một ông tiên con có trăm phép lạ trên cành roi tre cầm trong tay. Ôi những tiếng dế gáy ran trong mô rạ của tuổi thơ, những ổ chim trên buồng cau sau vườn, những lụi cá nướng trui ăn vội bên bờ đìa.. Tất cả đều lùi lại phía sau. Bây giờ tôi chỉ còn một con đường: đi hoài, đi đã hai mươi mấy năm chưa thấy tới. Ua bảo tôi:

- Bên đó là Xóm Mới ăn thông với lộ 6 chạy ra đụng đường số 7 - Ua chỉ tay - Đó là lồng cu bót Trung Hòa. Cối nó thụt không tới đây, ở đây cây cao su còn nhiều nhưng dân phu đã bỏ đi hết từ lâu rồi. Vì mình vô đó lập căn cứ, đào hầm hố lung tung beng.

- Anh không ngờ ở đây có nhiều cao su như ở Hố Bò! Mà ở đây có địa không em?

- Địa gì ở đây mà địa. Đất thấp ngang mặt ruộng. Nếu có đào thì mùa mưa hóa thành ống cống. Du kích và mấy ông cơ quan chỉ đào hầm bí mật thôi, nhưng mùa mưa cũng ngập nước linh lĩnh. Tụi lính Trung Hòa đã bung ra tới đây, nó khui được vài ba cái hầm, nhưng không bắt được ai, vì hầm ngập hết, ai mà ở dưới đó! Mấy năm trước em còn ở ngoài chợ, em thấy nói một trung đoàn Sài gòn càn vô đây phá nhiều cơ sở trong rừng và ngoài xóm, bắt sống được cả ban chỉ huy tiểu đoàn thuộc công trường 9. Em có chạy ra coi thấy tội nghiệp quá hà. Người nào người nấy ốm tong. - Ua ngưng kể đưa một tay lên che miệng cười khúc khích. - Sau đó vài hôm vô tình em gói đồ cho khách, em thấy một tờ báo vẽ cái hình và chú thích: Ba tên Việt Cộng đeo không rụng một tàu lá đu đủ.

Ua vừa dứt lời thì chiếc xe rẽ vào mối đường, hai bên là lũy tre. Mấy chú trâu nằm im dưới tàng lá xanh rì. Một chú cò trắng đang nhảy trên lưng trâu chĩa những con mòng. Ua chạy vượt qua suýt cán một bãi cứt trâu, rồi lướt nhanh vào một sân gạch rộng. Sát thềm nhà có mấy gốc kiểng nhánh cây quăn queo. Chúng làm tôi nhớ những chậu kiểng ở nhà ngoại tôi, mỗi cội đều trồng trong một chậu sành lớn. Thềm nhà bằng đất, tấn bằng những tảng đá ong nâu sậm mang những vệt rong xanh. Hai bên hiên nhà là những bụi chuối già với những quày trái sai oằn gần đụng đất. Vài vết đạn lốm đốm trên vách bổ kho. Vậy là coi như hạnh phúc hơn những nhà bị pháo bắn trúng lệnh. Ua réo to.

- Nhà chị Tư Bé nè anh. Chị Tư ơi, chị Tư!

- Chị của em chớ chị của anh đâu mà!

- Chị của em, nhưng là em của anh thôi. Anh muốn uống dừa xiêm, để em xin. Làm gì mà nhìn người ta trân trân vậy?

- Để coi cái miệng dân vận uống nước dừa xiêm của em tài giỏi đến mức nào.

Một ông già khỏe mạnh với tấm lưng dài và chiếc quần lỡ quá gối buộc ngang eo ếch bằng một sợi dây lạt, bước ra, đưa tay che mắt:

- Đứa nào đó?

- Dạ, con Ua!

- Con Bé nó đang xắt chuối cho heo ăn ngoài sau. Bộ có chuyện gì sao cháu?

- Dạ có anh Hai trên khu muốn bàn công tác với chị!

Tôi nhìn cái miệng ba xạo của cô bé. Ông già vừa quay lưng vô, thì Ua cũng dựng xe vào thềm còn tôi ngồi xuống, xem qua một lượt hai chiếc lốp xe đạp và cặp vành coi có chỗ nào bị thương không? Xong rồi ngắm kiểng. Những cái cây cổ thụ con này chắc phải đứng đây tới chết chứ ai mà dời cho nổi. Còn đang tần ngần không biết cái vẻ đẹp của những nhánh nhóc cong queo ở chỗ nào. (Lâu quá toàn ở rừng, đâu có thấy gì hơn ma sốt, mặt khỉ và cứt voi. Ý niệm về thẫm mỹ không còn nữa) thì một bàn tay vỗ nhẹ lên vai tôi:

- Anh Hai, chị Tư nè!

Tôi giật mình quay lại. Một người con gái đứng kế bên, cao hơn Ua một cái đầu. Nàng có cặp mắt đen láy và gương mặt trắng trẻo của một cô gái miệt vườn ít ra nắng. Ua nói:

- Anh ở rừng lâu nên thèm dừa. Nhà chị có dừa xiêm thiệt.

- Ừ, có hàng dừa đàng sau nhà!

- Có bị bom pháo gì chưa?

- Mới sơ sơ!... Bị đạn thôi, chưa trúng bom pháo.

- Chung quanh đây không thấy dấu bom.

- Trực thăng nó ria chơi vài loạt cho đã ngứa.

Ua quay sang tôi:

- Kìa anh Hai, anh muốn uống nước dừa thì hỏi mua sao đứng chết trân vậy? Bộ chỉ ngộ lắm hả?

- Con quỉ này! Vậy mà lúc nãy nó bảo em là có cán bộ khu xuống giúp đỡ địa phương xây dựng vành đai thép bao Đồng Dù... Anh Hai chịu khó ra sau em móc cho anh vài trái uống chơi chớ bán chát gì. Vườn dừa này hổng lẽ đốn hết ngay, nhưng để nguyên thì nay mai cũng ăn hóa học hoặc bom thôi. Nó bắt đầu rải các vùng chung quanh đây rồi.

Tôi theo Tư Bé đi ra sau nhà. Hàng dừa xiêm, thân cây nhỏ nhắn, không to như dừa ta, mọc thẳng một hàng bên mé mương, nhiều buồng nạo nằm phơi trên bẹ mũm mĩm dễ thương trông thấy phát thèm! Bé đưa câu liêm cho tôi và bảo:

- Anh muốn mấy trái thì cứ móc. Để em vô nhà lấy dao.

Đứng bên hàng dừa tôi vụt nhớ vụ trèo dừa ở nhà xã đội phó hôm trước. Cô ta rắn mắc thật. Mà cũng tại vì cô ấy thương mình chứ con gái dù rắn mắc cũng không đến nổi đó. Cô ta bảo mình trèo bẻ dừa ở dưới này, cô vô nhà tắm thoát y ra rồi kêu mình hỏi: Dừa đã nạo chưa? Suýt chút nữa mình buông tay xuống đất.

Ông già (ba của Tư Bé) cũng ra trông chừng. Ông dùng chiếc gàu mo có cán bằng tre múc nước dưới mương dừa tưới rau, hành, bạc hà trên mấy liếp vườn sau nhà bao bọc bằng lá dừa nước. Rồi tưới gốc bầu xanh tươi mà mỗi lá to bằng chiếc mâm, còn dây của nó thì leo lên giữa nóc nhà với ngọn tua tủa bốn phía. Đất cát ở đây có vẻ màu mỡ hơn đất vùng nhà má Hai. Tưới xong, ông đến nói với tôi:

- Chú em ở trên khu mà sao ít xuống đây quá vậy?

- Ảnh trên R mới về đó bác. - Ua đáp hớt.

- Hèn chi tôi chưa gặp, chớ mấy chú Sáu Nâu, Năm Cai, Năm Ngó... đâu có lạ gì cái nhà này. Mấy chú đó xuống đâyhuấn luyện dân quân làm hầm chông, gài lựu đạn. Còn mấy chú Ba Luân, Hai Mỏ tới đây càng thường hơn.

- Anh Hai này xuống thay ông Hai Giả là ông lấy bà Chín Kiểu nấu rượu ở Bến Mương đó bác Tám?

Tôi trợn Ua. Ua cũng trừng lại tôi. Đã không rút lui mà còn thừa thắng xông lên:

- Chứ không phải à? Cán bộ gì có vợ ở Hốc Môn hàng tháng đều vô thăm mà ở trong này lại đi ở với đàn bà giá cho đến nổi cái bụng bà ta chang bang.

- Con nhỏ thèo lẻo chuyện người lớn! - Tư Bé quát.

- Em nghe chú Chín Lộc và chú Sáu Huỳnh nói hành nói tỏi dữ lắm. Còn ông Năm Cai, ông Sáu Nâu ra sao em cũng biết. Tên Nâu bể rồi bây giờ đổi ra Sáu Tiến.

Tôi thấy hơi nhột cho bạn mình nhưng không bụm miệng nó được. Từ lúc gặp nó tới giờ tôi có nhận xét là con bé này khôn hơn người lớn. Tư Bé bảo:

- Mày bớt bớt cái miệng này lại nghe, Ua!

- Ừ! để mai mốt, còn bây giờ em phải nói để bác Tám biết là không phải cán bộ nào của khu cũng thứ thiệt đâu!

- Nói vậy anh Hai này cũng không thiệt hả?

Ua lúng túng nhưng đỡ gạt ngay:

- Mấy ông đó khác còn anh Hai tôi khác!

- Anh Hai của mày đây à?

- Ừ. Anh Hai của tôi đó, rồi sao? Sẵn dịp chị cho xin vài trái dừa khô đem về tối nay ngoại nấu chè...

- Cúng mụ cho mày hả?

- Nấu chè để cúng ông bà cho ảnh làm anh Hai tôi!

Bác Tám thấy đám trẻ vui chuyện bèn vác câu liêm móc liền mấy trái dừa, có một trái lăn xuống mương. Tư Bé đưa dao cho tôi bảo vạt mặt dừa. Tôi nói:

- Tôi là dân xứ dừa. Nhưng từ hồi thoát ly tới bây giờ hình như không có uống nước dừa trong trái lần nào. Đây là lần thứ nhất. Cô Tư muốn tôi chặt dừa kiểu nào?

- Dừa thì chặt có một kiểu thôi chớ mấy, anh?

- Có hai kiểu, một là kiểu của mấy bà bán dừa theo các bến xe đó. Tức là cầm trái dừa trên tay mà vạt từng lát, và lát cuối cùng làm cho miếng sọ dừa văng ra.

Ua bĩu môi:

- Xí, có vậy mà cũng gọi là kiểu.

- Khó lắm nghe cô em. Vạt văng cái miếng sọ nhưng miếng cơm dừa bên trong còn nguyên. Nước dừa chưa có đổ ra giọt nào. Để như vậy đưa cho khách, khách cầm tự khui lấy cái màn cơm đó mà uống.

- Còn kiểu thứ hai?

- Kiểu thứ hai gọi là ăn dừa ba dao. Đó là chỉ chém có ba phát là uống, chứ không được chém nhát thứ tư.

Tôi vạt cái môn dừa để trái dừa úp xuống và chém ba nhát rồi gỡ cái đít dừa ra. Nước dừa sóng sánh bên trong không đổ chút nào. Tôi nâng lên mời bác Tám. Bác lắc đầu:

- Tôi ở nhà uống hoài, chú uống đi cho đỡ nhớ quê!

Đợi tôi uống xong, ông già vui vẻ nói.

- Tôi có kiểu khác đặc biệt hơn nhiều. Hồi còn con nít, tôi đi chăn trâu, lâu lâu bẻ trộm được của nhà giàu một trái, đâu có dao mác gì. Tôi dùng răng cạp như chuột, cạp hết vỏ xanh thì cắn cái môn non rồi bẻ cọng rạ chọc vào cái mắt mềm rồi hút. Thiệt ngon trần đời.

- Mắt mềm là mắt gì hả bác? - Ua hỏi.

- Mày hỏi để nay mai đi ăn cắp dừa hả? - Tư Bé gắt.

- Em không biết mắt mềm là mắt gì thiệt mà!

- Trái dừa có ba mắt trên đầu. Hai mắt cứng hơi trũng, còn mắt mềm thì lồi. Phải xoi cho đúng mắt mềm thì mới thủng còn nhè mắt cứng mà đâm thì dao cũng không thủng.

Uống nước dừa xong, tôi thẻo hai trái dừa khô buộc chùm lại để choàng qua poọc-ba-ga cám ơn bác Tám rồi đi với Ua ra ngỏ. Tư Bé đứng ở thềm nhà nhìn theo chớ không đưa như Bảy Mô.

Tôi bảo Ua để tôi đèo, nhưng Ua vẫn kiêu hãnh:

- Em thừa sức.

- Em ăn nói như vậy không sợ ông Chín Lộc la hay sao?

- Mười lăm tuổi rưỡi em đâu còn bé nữa. Nhiều đứa lớn xác nhưng đầu bằng đầu tép. Còn em bé xác nhưng lại....

-... đầu dồ, hì hì!

- Anh mắng em hả? Em hổng thèm ăn chè cho anh coi!

Ua chạy theo con đường nhỏ băng qua cánh đồng đến xóm Bàu Tròn. Tại ngã tư có cái chòi Thông tin ngã xiêu ngã tó giống như Hố Bò. Trên một tấm ván con lung lơ như cái răng rụng, một tấm giấy bay giật rèn rẹc theo gió. Tôi hỏi:

- Giấy gì vậy em?

- Thông cáo mời đi đấu tranh ngoài Củ Chi.

- Mời ai?

- Mấy bà cụ ăn trầu. Con gái đàn bà tởn hết rồi.

- Đấu tranh thắng lợi to lớn mà sao lại tởn?

- Bà ngoại em là chì lắm mà cũng lắc đầu rồi.

- Sao vậy?

- Mỗi lần đi mất một cái áo một chiếc nón.

- Nón mất đã đành, còn áo sao lại mất?

- Nó vẽ khẩu hiệu bằng sơn dầu trên lưng chớ sao! Nó còn bảo chừng nào ông Một Sơn bí thư quận ủy ra chợ đấu tranh thì nó chịu thua. Nó nhân đạo không tuột quần mấy bả là may phước! Nhưng nó bảo: cấm tuyệt có đánh trâu thì ra đồng mà đánh, còn léo ra nữa mà nói lải nhải thì đi tù rục xương. Mấy bà già gân đòi đền áo và nón, nó bảo đi về bắt thằng Bí bo đền cho cả quần.

- Em có đi không?

- Có chứ. Em chở bà ngoại ra đó. Em xách giỏ trầu cho ngoại để đề phòng khi bị lính bắt giữ thì ngoại có trầu nhai đỡ buồn miệng. Còn em thì dựng xe đạp ở cổng quận xong em chạy theo đoàn. Đoàn bị lính lùa vô cổng rồi đóng cửa lại. Nó thấy em, nó nhìn một hồi rồi bảo: "Con đ... hà nàm này năm ngoái còn học ở đây mà. Vô khu hồi nào mà đạp cứt Giải phóng vậy?" Nó lôi em ra. Em cự lại: "Để tôi đi tranh đấu." "Đấu má mày, đồ con nít đẽn?" Em không chịu ra, nó bảo: "Tao cho mày biết mặt." Rồi nó xắp một mớ tóc: "Đó mày về mà đấu tranh với thằng già hãm con nít của mày." "Thằng già nào? Trong khu đâu có thằng già nào làm chuyện tồi bại đó? " Em nói tỉnh bơ. Chỉ có mấy ông lớn tuổi xa gia đình lâu năm nên nuôi con nuôi thôi. Ua hỏi tôi:

- Hổng lẽ nó nói bác Hồ sao anh?

- Không bác Hồ suốt đời ở giá và đạo đức vô cùng.

Ua tiếp:

- Bởi vậy tóc của em một bên ngắn ngủn như cánh gà tre bị vặt hết lông.

- Rồi cuộc đấu tranh ra sao?

- Nó phơi nắng từ sáng tới chiều rồi phát bánh mì, nước ngọt cho ăn uống rồi bảo: "Con lạy mấy bà nội, hổng có gạo nấu thì ra đây tụi tui kiếm cho, đừng có nghe lời bọn khỉ đột ra đây khuấy rối mệt tụi tui lắm. Kỳ sau còn ra, hổng có tha nghe! "

- Vậy tịt luôn à?

- Còn đi nữa chớ. Nhưng nó không nhốt. Nó bắt lên xe chở đi xa mười lăm cây số rồi đổ xuống bảo: "Cho mấy bà ở đó mà đánh trâu đánh chó gì thì đánh." Mấy bà lội bộ về muốn rụng giò. Ngoại em về gần tới nhà ngất xỉu. Hai ba ngày sau mới lợi sức. Từ đó tới sau bà Năm Đang kêu đi đấu tranh ít có người theo.

- Bả có đi không?

- Có vài lần, nhưng kể từ khi em bị cắt tóc, bả chỉ ở trong này chỉ đạo ra. Em hổng biết sao tụi nó biết. Nó nói nhắn:,’Kêu con đ. già đó ra đây nói chuyện, đừng có ở trỏng mà xúi giục người ta."

- Rồi bả thụt luôn à?

- Thụt chớ ló ra đặng bị bắt. Nó bắt được bả thì có mà đi Côn Đảo chớ không phơi nắng đâu.

Hồi lâu Ua lại nói:

- Mấy ông xã ủy bày chuyện quá trời hè! Mỗi lần đi mất một ngày cấy của người ta.

- Không có ai bị lính hãm hiếp à?

- Ối ổi! Tụi nó đâu thèm dân ruộng của mình. Vợ tụi nó toàn đi dép guốc sơn móng tay, đi ngang qua thơm phức.

Câu nói của con nhỏ làm tôi chợt nhớ tới thằng em. Nó đại úy tôi cũng đại úy. Nhưng nó Quốc gia, tôi Cộng sản. Gia đình nó hẳn là sung sướng vợ con đùm đề. Còn tôi lang bang từ Nam ra Bắc, từ Bắc qua Tàu, từ Tàu về Nam chưa đứng được một nơi nào để nghỉ chân suốt hai mươi năm. Con Ua bỗng hỏi bất ngờ:

- Gia đình của anh ở ngoài đó mà ở đâu?

- Nhà Bè!

- Anh có anh em gì không?

- Có! - Tôi xốn xang buông một tiếng đơn độc.

- Có ai đi lính quốc gia không?

- Khô...ông!

- Vậy là khỏe đó anh.

- Sao khỏe?

- Nếu anh mà có anh em đi lính quốc gia thì hết mong lên cấp. Kế đó là ở trên biểu anh vận động làm binh biến như Phùng Văn Mười.

(Tôi giật mình. Sao con nhỏ này biết đến cả chuyện đó. Tôi vụt nhớ tới thằng Chung Tấn Quyền, sĩ quan cùng binh chung với tôi. Nó bị tù vì cái họ "Chung Tân" của nó có ăn chịu với Chung Tấn Cang Thủy Quân Đề Đốc của Sàigòn. Mãi không "được" về Nam. Sau này về nhưng lại không được thăng cấp. Tôi tự hỏi: nếu nó có liên hệ với Chung Tấn Cang sao không bảo nó về móc?)

- Em biết vụ đó nữa à?

- Hồi đó em còn đi học ngoài Củ Chi. Vụ đó ở bên Bình Dương chớ đâu.

Ua nói chuyện không ngớt. Nó biết những chuyện người lớn khá nhiều. Có lẽ nó biết cả chuyện thằng cha già... trên kia nhưng nó không muốn nói ra thôi. Vì đó là cái nhục cho cả lũ, trong đó có nó. Nó hay nói tía lia nhưng nó biết chuyện nào nên nói chuyện nào phải giữ kín. Chỉ tội nghiệp là chuyện nó giữ kín thì cả nước biết từ lâu nữa là anh Hai nó. Nó đạp chậm lại rồi bảo:

- Đây là chuyện bí mật, em nói cho anh nghe, anh đừng học lại cho ai nghen!

- Ừ!

- Ông Tư Minh bắc kỳ xâm lược...

-.... nói bậy rồi! Sao nói thế? - Tôi cúp ngang.

- Đó là mấy ổng nói chớ em đâu có. Ông nào người Bắc cũng bị gọi như vậy cả. Nhất là trong lúc uống trà.

- Rồi mấy ông Bắc kỳ nói sao?

- Mấy ông cười hề hề chớ đâu có nói sao! Ông Tư Minh Bắc kỳ xâm lược di cư hiện làm quản lý của ông Chín Lộc, có vợ làm tiệm may ngoài Sàigòn.

- Rồi ăn thua gì mà em hài ra?

- Có ăn thua chớ. Hàng tháng bà vợ đi vô trong này đem tin tức cho ông Chín Lộc.

- Sao em biết bả vô đây để đem tin?

- Sao hổng bi... iết!

- Bộ em có đi Sài gòn cho ông Chín Lộc nữa à?

- Đâu đâu có!

- Vậy là má em ở Củ Chi cũng có liên lạc với vợ Tư Minh chớ gì?

Tôi chận đầu. Con bé chối phăng, nhưng trong cách chối của một đứa bé ngây thơ dù khá lém lĩnh cũng để lộ sự thú nhận. Công tác quân báo của Việt Cộng luôn luôn đặt cơ sở gia đình chứ không có kỷ thuật chuyên môn. Nhất là quân báo ở thành. Chúng luồn vào cả gia đình sĩ quan cao cấp Sàigòn. Ua tía lia:

- Má em bán vải chớ đâu biết gì mấy chuyện đó. Má em chỉ đường cho vợ Tư Minh vô đây hoặc đôi khi tối cho bả ngủ nhờ. Rồi má em nhắn em ra rước bả vô gặp Tư Minh.

- Ngoại làm sao có gạo nấu cơm cho em hàng ngày?

- Của chú Tư Minh cho. Chú nói ngoại với em ăn như mèo hửi, để chú lo. Ngoại cứ nấu cơm dùm chú và thỉnh thoảng chú cần thì em ra Củ Chi gặp má hoặc đi xuống Sài gòn dùm chú, cầm một cái thơ hay cái áo cái khăn gì đó đưa cho một người nào.

- Thôi được rồi, anh biết hết rồi.

Ua đang đạp bỗng quay lại làm xe đạp sắp lật ngang:

- Anh biết gì?

- Nói đùa, chớ anh không biết gì đâu!

Cả nhà Ua đã làm nhân viên quân báo của Chín Lộc rồi mà không hay. Đó là cách hoạt động tình báo của Cộng Sản. Tuy không ghê gớm lắm, nhưng lại nguy hại cho người cộng tác vô cùng. Lỡ ăn xôi chùa thì phải ngậm miệng. Họ trả lương bằng nhiều cách, nhân viên lãnh mà không biết. Lãnh rồi thì khó từ chối. Đi vào vòng rồi thì khó nhảy ra.

- Em có biết vợ của chú Sáu Huỳnh không?

- Sao không?

- Mặt mày thím Sáu ra sao?

- Còn trẻ giống như là...à con gái của chú vậy.

- Con người trắng trẻo cao lớn như cô Tư Bé phải không?

- Anh cũng biết bả nữa à?

- Hồi hai mươi năm trước!

Ua kêu lên rồi tiếp:

- Em dắt bả với anh Thức, là con trai của chú, từ nhà má em vô trong này.

- Chị ấy học chung lớp với anh nhưng lớn tuổi hơn anh! Chỉ nhỏ tuổi nhưng lớn con. Lấy chú Sáu Huỳnh hồi mới mười sáu. Lúc đó chú Sáu làm ở cơ quan quận Nhà Bè.

- Em ớn anh luôn.

- Đừng có nói lép bép. Công tác quân báo mà nói nhiều là dễ lộ, rõ chưa.

- Với anh thôi, còn mấy ông nội Năm Cai, Sáu Nâu, Hai Giả, Năm Tiều, Hai Nhứt, Bảy Nô... em đời nào lộ ra..

- Sao khai hết với anh?

- Anh là thứ dữ mà! Nay mai anh có cần gì bảo em nghe! Đồ hộp, bánh mì, xanh tuya rông, bi đông USA, chó có lát, bút chì nguyên tử, cà phê, thuốc lá... Bản đồ, địa bàn, súng Colt, đạn Colt hoặc P38..

- Đạn cà nông có không....

- Thứ này thì em không biết. Nhưng các thứ kia thì nếu anh muốn buổi sáng, buổi chiều hoặc ngày mai em đem về cho anh....

- Ở đâu mà tài vậy?

- Ở chợ Bắc Hà trước của Đồng Dù.

- Mỹ nó bán súng Colt và P.38 à?

- Nó không trực tiếp bán nhưng có mối chạy cho n.

Trên đường đến cơ quan quân báo của Chín Lộc, qua miệng một cô bé tập tểnh làm tình báo, tôi biết được bao nhiêu là chuyện về Củ Chi, về Đồng Dù và về nước nhà. Tôi phải dấn thân vào hai trận địa một lúc: khói lửa và tâm lý. Vừa đánh giặc vừa móc em trai từ phía giặc.

Ua rẽ vào một đường mòn giữa hai đám khoai mì cao khỏi đầu đạp tới một ngôi nhà lá nhỏ chung quanh um tùm những bụi chuối và những cây mít sai trái. Vùng này mít rất nhiều và ngon nổi tiếng: mít nghệ Bàu Chứa. Ua bóp chuông leng leng, kêu:

- Ông Sáu, khách của ông về tới! - rồi quay lại tôi - Anh vô đi. Ổng ở trong nhà. Em đi quán mua đường về nấu chè.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx