sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 44: Phụ Tử Trùng Phùng

Hôm sau tôi đang ngồi ăn cơm tối với Sáu Huỳnh, Tư Minh và Chín Lộc thì Chia xuất hiện. Nàng nói lắp bắp:

- Anh Hai! Bác... tới!

Sáu Huỳnh trêu.

- Bác nào? Bác Hồ hả?

- Bác tía anh Hai!

Tôi đang ăn bỗng no ngang, buông đũa đứng dậy:

- Để tôi đi gặp ba tôi, anh Sáu!

Tôi xuống hầm quơ ba lô nịt súng và chạy đi. Ua quát:

- Anh lấy xe kìa đi cho mau!

Tôi xách chiếc xe vừa chạy vừa nhảy lên yên, đạp trật hai ba phát mới phóng được. Nhưng Chia chạy theo kêu quang quác:

- Anh Hai, anh Hai bỏ em sao?

Tôi phải dừng lại. Chia nhảy phóc lên ngồi trên pọc-ba-ga ôm ngang eo ếch tôi chặt cứng..

- Anh với ba như cắt mặt để qua. Em thấy là biết liền!

- Em thấy ba anh già nhiều hôn?

Chia đấm lưng tôi thụi thụi.

- Ba chớ không phải ba anh nghe chưa? Riết đi... để con Ua nó giành.

- Ừ, em thấy ba già nhiều hôn?

Chia nũng nịu.

- Em đâu có gặp ba lần nào mà biết già nhiều hay ít. Đám cưới liền anh nghe. Sau đám cưới em theo ba về nhà luôn.

Nàng nói như công việc đã được quyết định.

-Về à?

- Em ghét ở trong này quá hà!

- Vậy hồi nào tới giờ sao ở được?

- Hồi nào tới giờ không có anh, sao cũng được.

- Em về rồi bỏ anh trong này một mình hay sao?

- Đừng bỏ anh một mình, đừng bỏ em một mình.

Tôi hỏi:

- Em lảm nhảm cái gì vậy?

- Hình như có ai nói với em như vậy rồi. Ý mà không! Bài hát!

- Bài gì?

- Bài Đừng bỏ em một mình.

- Ở đâu?

- Hồi em đi học, em nghe bài đó.

- Em về ngoải thì anh ở trong này một mình mà em ở ngoải cũng một mình.

- Ờ thôi em không về một mình.

- Thì ở lại trong này chớ sao!

- Không! Em không muốn ở trong này nữa. Cái gì cũng kỳ cục hết, em không chịu nổi.

- Vậy thì làm sao?

- Anh với em về ngoải luôn!

- Ý! Bậy nào. Anh đâu có đi như vậy được?

- Tại sao không? Có ông thượng tá còn đi đấy! Đài Sài gòn nói mà.

Cô bé này không bộp chộp như Ua nhưng lãng mạn hơn.

Cô nói nhiều câu như dùi sắt chọc vào tim tôi. Ở giữa cái vùng bom đạn lại được tiếp xúc với vùng thành thị bình yên có nếp sống khác hẳn, ắt cô nàng phải suy nghĩ. Như vậy cũng hợp với luật liên quan của duy vật biện chứng pháp lắm.

Tôi hỏi:

- Em có ý nghĩ như vậy hồi nào?

Chia ôm chặt tôi lúc chiếc xe xốc mạnh.

- Hôm anh yêu em!

- Tại sao?

- Vì em nghĩ, nếu ở trong này em sẽ mất anh.

- Sao lại mất?

- Anh biết mà, cần gì phải hỏi.

Tôi biết nàng nghĩ xa nhưng không rõ là mất với ý nghĩa nào? Bom đạn hay sự cấu xé giữa các cô mà nàng đã chứng kiến, rồi tôi bỏ nàng. Ai yêu tôi cũng bằng tấm tình chân thật cả. Dù tình dài hay ngắn, suông sẻ hay gút mắc, khi yêu tôi cũng yêu chân thành, nhưng tôi không thể đáp lại tấm tình của họ như họ mong ước. Tôi biết cuộc chiến này đã để lại góa phụ khắp nơi từ miền Bắc tới miền Nam, trên R cũng như ở Củ Chi. Tôi sẽ là một chiến tướng da ngựa bọc thây. Tôi cũng yêu mọi người như yêu tôi, còn lấy ai làm vợ trong lúc này quả là điều tôi do dự hoặc không dám quyết định.

Chia có vẻ quả quyết tiến tới trong kỳ này với sự có mặt của ba tôi. Biết vậy nhưng tôi không ngăn cản hoặc chiều theo ý định của nàng. Tôi cứ làm như một đám lục bình trôi trên sông. Ngừng lại đâu hay trôi đến đâu cũng thế. Một trở ngại trước mắt là Thu Hà, người con gái độc nhất mà tôi đã hứa từ trước đến nay. Nếu ba tôi ưng cưới Chia cho tôi thì...

Tôi hỏi khi chiếc xe đến khúc quanh sắp rẽ vào nhà.

- Em thấy tóc ba đã bạc hết chưa?

- Gần hết!

- Ba mặc quần áo gì?

- Áo trắng quần trắng.

- Có đội nón không?

- Có đội nón nỉ. Tướng mạo của ba không giống người nào ở đây hết.

Tôi quẹo vô sân nhà. Chia bảo:

- Ba đứng trước hàng ba! Để coi ba có biết anh không.- Chia cười rúc rích và buông eo ếch tôi ra.

- Sao không biết?

Tôi buông xe nhảy xuống chạy ào tới.

- Con đó hả con?

Ba tôi bình thản hỏi. Một sự bình thản cố làm ra, không phải tự nhiên. Tôi nhào tới ôm lấy ba tôi. Không nói gì hết. Nức nở nghẹn ngào. Hai mươi năm nay tôi mới được nghe tiếng nói của ông già.

Tôi đã đi đâu, làm gì, sống chết ra sao. Cha mẹ ở nhà đau yếu đói no ra sao tôi bất biết. Lắm lúc ham vui tôi cũng không nhớ rằng tôi còn có cha mẹ trên đời nữa. Đi làm cách mạng! Cách mạng là cái gì? Việc nước không xong, việc nhà bỏ phế! Đó là cách mạng. Đánh giết cho nhiều, phá phách cho hung. Đó là cách mạng. Thay tên đổi họ, lén lút mò mẫm đêm, chui trốn trong rừng. Đó là cách mạng. Còn gì nữa, cách mạng? Tất cả những gì đẫm máu, đểu cáng, bịp bợm, dâm dục thối tha nhất có thể gọi là cách mạng. Nhưng tới hôm nay, đứng trước mặt ba tôi, tôi mới nhận ra chân lý đó. Nhận rồi để làm gì? Tôi muốn phủi bỏ hết tất cả các thứ hào quang rởm lâu nay thiên hạ gán cho tôi để trở về với gia đình, làm một người thường sống với những hạnh phúc bình thường của nó: săn sóc cha mẹ, cưới vợ sinh con, cơm nước hàng ngày.

Đảng lẽ ra tôi đã có trong tay tất cả hạnh phúc đó từ lâu nhưng vì say mê lý tưởng mà bây giờ đầu chẳng đội trời chân chẳng đạp đất, muốn lùi không được, còn đi tới thì tới đâu? Ba tôi rơi nước mắt, nghẹn ngào:

- Má mày nhớ mày dữ lắm! Còn con Duyên nó chờ mày không được...

Chia dọn cơm tươm tất mời ba tôi và tôi, còn dì Tư chỉ đóng vai hụ hợ, tiếp tế mời mọc lăng xăng. Ăn xong Chia

mời ba tôi xuống hầm nghỉ. Tôi cũng đi theo. Tôi bảo ba tôi nằm cho khỏe, ba tôi nói ba không mệt. Ba tôi nhìn tôi:

- Mày nay ba mươi bốn rồi, con!

Hai cha con im lặng một chập rồi ba tôi trở lại chuyện hồi nãy:

- Con Duyên chờ mày không được...

- Cổ còn chờ con sao ba?

Trời đất, nếu Duyên còn chờ tôi thì tôi sẽ cưới nàng, chỉ nàng thôi, không ai khác. Tôi đã mang hình ảnh của Duyên trong tim tôi từ hồi còn đi học trường quận. Chúng tôi từng hứa hẹn với nhau sẽ nên vợ nên chồng. Những mơ ước thời thơ ấu có thể thành sự thật nếu không có cách mạng tháng tám xảy ra. Nhưng ngược lại, một điều không ai mơ ước lại xảy ra: Đó là cách mạng tháng tám. Mới đầu ai cũng tưởng đó là một sự ly kỳ... ngờ đâu lại kỳ cục.

Ba tôi tiếp:

- Nó ở trên Sài gòn với cô Ba nó, phụ tiếp bán vàng bạc và hột xoàn. Nó thường chạy lên chạy xuống nhà mình hỏi thăm tin mày. Mười năm liền. Cho đến khi tao cho biết mày đã đi tập kết, nó cũng còn chờ. Lúc đám tang bà ngoại, không biết ai cho nó hay mà nó đến. Thiệt bất ngờ. Đó là lần cuối cùng. Nó xin phép tao với má mà để tang cho ngoại. Sau đám tang, nó xin má mày cho nó bộ đồ tây và đôi giày của mày để mang về cất làm kỷ niệm. Má mày khóc với nó một đêm ròng. Từ đó về sau không thấy nó tới nữa. Mấy đứa bạn nó bảo nó luôn luôn mặc đồ đen. Hỏi tại sao? Nó nói nó để tang cho mối tình đầu của nó!

Ba tôi thở dài. Trán ông răn lên sâu như những đường rảnh trong lòng súng cối. Ông tiếp:

- Tao nghe nói nó lấy chồng hay đi tu... một trong hai lẽ đó.

Tôi kêu lên như chim bị trúng thương.

- Đi tu hả ba?

- Tao không rõ.lắm. Mày đã ở chân trời góc bể thì sự trùng phùng đâu có thể có được. Do đó tao không tìm hiểu cho rõ làm chi. Cứ để mập mờ như vậy mà còn ít buồn.

Tôi ngậm ngùi nhớ lại quãng đời tươi đẹp nên thơ và đầy hy vọng của tuổi trẻ. Cách mạng tới tất cả thay đổi và trở thành mây khói. Bây giờ đây tôi vẫn còn là sinh vật sống trong mây khói le lói tí hào quang... giả tạo. Tôi không nói lời tạ tội với ba tôi, nhưng trong thâm tâm, tôi tự nhận là đứa con bất hiếu.

Độ quá mười giờ thì Sáu Cúc và Sáu Huỳnh đến. Tôi biết hai trự này đến bàn việc móc thằng em tôi. Ba tôi không hay biết gì về chuyện đó, nên lại hướng về tình cảm quê hương.

Ông nói với hai người:

- Xứ mình lâu nay cũng bình yên. Mấy ông quận trưởng, xã trưởng biết những gia đình có con em tập kết và giải phóng hết, nhưng không khó dễ. Ở xã cũng có mấy cái ấp chiến lược nhưng viên chức đều là bà con nên có việc gì họ cũng bỏ qua.

Sáu Huỳnh hỏi:

- Họ không làm gì gia đình anh, là vì anh có thằng nhỏ đi sĩ quan, còn gia đình tôi?

- Gia đình nào cũng vậy thôn Thím Sáu vô trong này thăm chú vừa rồi, họ cũng biết, nhưng đâu có làm gì. Tôi đi ra ngoài này thình tinh, chớ nếu tôi biết trước, thì tôi bảo sấp nhỏ chạy qua cho thím Sáu hay, chắc thế nào thím cũng gởi cho chú nhấm mớ xài.

Sáu Huỳnh là người địa phương với tôi nên anh không muốn dính và chuyện móc ngoéo, để cho Sáu Cúc mở đề. Nghề quân báo là nghề nhổ râu ông này cặm cầm bà kia, nghề đá cá lăn dưa, ngồi cầu tàu thổi ống kêu. Sáu Cúc khai mào bằng một màn dạ hành tỏ rất giựt gân. Y nói với tôi nhưng cốt ý để cho ba tôi nghe:

- Tao mới nghe đài BBC nói mình đã tấn công Phước Long đồng thời tập kích chi khu Đồng Xoài. BBC nói Đồng Xoài cố tử thủ chờ viện binh. Còn ở Quảng Ngãi thì nghe đài Hà Nội nói mình vừa diệt gọn hai tiểu đoàn bộ binh...

Sáu Huỳnh phụ họa:

- Hèn chi hổm rày các loại máy bay hít về phía đó, dưới này đỡ đỡ.

- Đài BBC còn cho biết tụi Mỹ đang ồ ạt đổ quân lên Khe Sanh, thung lũng Đa Drăng và Pleiku.

Sáu Cúc nói xong, quay sang ba tôi:

- Hổng biết thằng em nó có đi ra miệt đó không anh Chín?

Ba tôi lắc đầu:

- Nó đi liên miên nay chỗ này mai chỗ khác, tôi đâu có biết được.

Sáu Cúc nói.

- Tôi cho rước anh vô đây trước là gặp em Lôi, sau là bàn với anh một chuyện.

Tôi dư biết các trận Phước Long Đồng Xoài đã xảy ra từ lâu và kết quả như thế nào rồi. Nhưng Sáu Cúc moi móc lại để hù ba tôi. Ở ngoài thành tin tức nhanh chóng và xác thực hơn cái đài giải phóng của mặt trận ông Thọ nhiều, có lý gì ba tôi không nghe để mắc mưu tên ma cô này. Thấy ba tôi đáp không vô vòng của hắn, Sáu Cúc bèn vỡ giọng tâm tình:

- Cây cùng một gốc, mà một nhánh rẽ sang bên trái, một nhánh bên phải như vậy... không tốt. Súng đạn là thứ vô tình. Rủi ra trận mạc đụng nhau rồi làm sao? Theo tôi đứa nhỏ phải theo đứa lớn thì coi mới phải. Vậy anh Chín nghĩ lẽ nào?

- Sanh con há dễ sanh lòng mấy chú à. Tuy là hai anh em nhưng mỗi đứa lớn lên trong một hoàn cảnh, trí óc khác nhau cho nên chí hướng khác nhau.

- Nhưng anh là người cựu kháng chiến, con cái phải theo con đường của anh mới phải.

- Mấy chú nói sao tôi hay vậy. Còn như chuyện mấy chú muốn em theo anh, thì mấy chú cứ nói thẳng với nó hoặc nếu mấy chú tin tôi thì tôi chuyển lời đùm, còn kết quả hay không tôi không hứa.

Sáu Huỳnh thấy vậy là đã đạt yêu cầu, nên nói loanh quanh vài câu chuyện mưa nắng rồi rút lui, còn Sáu Cúc ở lại tiếp tục địch vận ông già. Y mở xắc-cốt lấy ra một xấp hình cỡ 6×9 đưa cho tôi xem. Tôi cầm hình trong khi y giải thích một cách hứng thú:

- Đây là cơ sở của mình. Anh này là đại tá không quân đấy. Anh ta vô đây tiếp xúc với chúng tôi vài bữa trước khi cậu về. Cậu là người đặc biệt lắm tôi mới cho xem.

Tôi biết đây là những tấm hình láo toét. Chẳng có đại tá nào hết. Y đem ra đây để khoe và nhử ba tôi thôi. Tôi không làm nghề quân báo nhưng tôi thừa biết là những cơ sở đại tá như thế này, dù tôi có đặc biệt như thế mấy cũng không được xem. Vì nguyên tắc của quân báo là bí mật.

Y lấy ngón tay trỏ vào từng điểm trên mấy tấm hình và tiếp:

- Cái hình này là do máy bay L19 chụp được anh Sáu Huỳnh nói với cậu hôm trước đó. Lính mình đang đào công sự trong rừng cao su ở Bình Giả. Nếu anh ta báo cáo thật thì mình ăn bom chết hết rồi. Nhưng anh ta lại tráo tấm ảnh khác, đưa tấm này cho mình. Cậu biết một tấm như vầy mấy triệu không? Thằng Sài gòn bỏ mạng là ở chỗ đó. Nó ỷ nó có khí tài máy móc, nhưng lại dòi trong xương dòi ra, nó đâu có biết. Chỗ có nói không, chỗ không nói có. Cho nên súng nhiều bom lớn mà không thắng là vì vậy.

Thấy ba tôi có vẻ lắng nghe, y hùng hồn nói tiếp:

-Tôi hứa chắc với anh Chín nếu mà thằng nhỏ chịu cộng tác với chúng tôi, nó muốn gì được nấy. Nó đang ở bộ binh, nếu sợ nguy hiểm muốn về văn phòng, tôi chạy cho nó về văn phòng, muốn ở chính trị tôi cho chính trị, muốn làm tham mưu tôi cho vô tham mưu. Trong vòng hai năm tôi cho nó mang lon tướng cho anh Chín coi. Tôi nói thiệt. Nếu không có vậy tôi sẽ chịu cho đàn bà Củ Chi này đái trên đầu tôi sôi bọt.

Ba tôi cười hưởng ứng:

- Mấy chú quả quyền hạn mênh mông vô tận.

- Thiệt mà anh Chín. Tôi còn có thể đưa nó vô làm ở phủ Tổng Thống nữa cơ. Lên Tướng mả khó khăn gì. Hễ nó móc với tụi tôi, trong vòng sáu tháng nó sẽ đóng lon Thiếu tá. Sáu tháng nữa lên Đại tá. Một năm sau lên Tướng ít lắm là Tiểu khu trưởng. Rồi muốn làm chúa tỉnh nào tôi cho về tỉnh nấy. Chừng đó tha hồ bán gạo, bán súng cho chúng tôi. Bạc chất đâu cho hết!

Y leo qua cả lý luận Mác:

- Tụi tư bản hễ nghe tới hơi tiền là tít mắt. Bàn thờ ông vải cũng bán mà!

Y ngồi hút hết nửa gói Capstan, không khí trong hầm khét nghẹt khói thuốc. Y bắt tay ba tôi dặn dò, tâm sự to nhỏ, chúc tụng đủ điều rồi mới ra về. Tôi đưa y lên ra tận cửa, đóng cửa lại, cài then kỷ rồi mới vào nhà ngó loanh quanh không thấy ai cả, yên trí rằng dì Tư và Chia đã ngủ nên chui xuống hầm. Ba tôi vẫn còn ngồi đó. Lúc chiều khi vừa gặp ông tôi đã nói tóm tắt mấy điều, cho nên dù Sáu Cúc có tụng bao nhiêu thì ba tôi vẫn không thấm bài.

Tôi từng biết vụ tên Phạm Ngọc Thảo làm đội trưởng đội tình báo lấy tên là đoàn công tác đặc biệt của cộng sản trong thời kháng chiến. Đội này thành lập ở tỉnh Bến Tre. Lúc đó tôi từ miền Đông xuống miền Tây với bác sĩ Du. Khi đoàn tới Đồng Tháp Mười thì bác sĩ Du bị Tây ruồng bắt, tôi đi theo phái đoàn đến Tường Đa (Bến Tre) thì gặp đội tình báo này. Phan Triêm dân Quảng Nam mặt chuột môi thâm đang làm tỉnh ủy Bến Tre được cắt sang làm chính trị viên.

Sau đó tôi xuống miền Tây học trường Lục Quân thì Thảo về cất nhà ở với vợ là Phạm thị Nhiệm (em gái của Phạm Thiều giám đốc sở tuyên truyền Nam Bộ) bên bờ kinh xáng Chắc Băng. Rồi khi tôi ra công tác ở các đơn vị chiến đấu thì Thảo làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 410 trong trung đoàn Tây Đô của Huỳnh Thủ cũng người Quảng Nam. Thảo nhỏ con, mặt thỏn, hai mắt bất đồng nên anh gọi là Thảo Lé.

1954 Hòa Bình thành lập lại, Thảo Lé tọt về Sài gòn, ít lâu đầu quân dưới trướng ông Diệm và được ông Diệm tin dùng ngay. Khi ra Bắc tôi còn nghe tiếng đồn rằng Thảo làm cố vấn chống du kích toàn Đông Nam Á. Ít lâu sau Thảo được ông Diệm bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa. Đây là thời kỳ Thảo Lé công tác rất đắc lực với Cộng Sản. Hắn thả tù binh chính trị môtcách bừa bãi. Tệ hại hơn nữa, bãi biển Cồn Chim trở thành bến đổ vũ khí cho tàu Bắc Việt, mạnh hơn cả Vũng Rô.

Sau đó Thảo Lé đảo chánh hụt bị bắn trọng thương và bị rượt nà. Thảo chui vô nhà thương giả bệnh nhân, nhưng công an tóm được, giết một cách bí mật ngay trên giường bệnh..

Tôi nhớ lại câu chuyện của một tên tình báo Cộng Sản mà rùng mình. Quá nhiều phiêu lưu và nguy hiểm. Tôi không muốn cho em tôi làm chuyện đó.

Ba tôi chờ đợi ở tôi một câu. Nhưng tôi không nói gì. Một tiếng nói phát ra lúc này có thể bị dính vô máy móc của đám Sáu Cúc cài sẵn trong vách hầm trước khi cho ba tôi và tôi vào đây, nếu không, có thể một kẻ đang rình bên ngoài. Chia biết đâu chẳng là tay trong của tụi nó và là mỹ nhân kế. Tôi đã khôn rồi. Tôi không tin ai cả. Tôi chỉ nói những chuyện không dính tới em tôi rồi ra dấu bảo ba tôi ngủ để sáng mai tôi đưa về. Vượt qua bao nhiêu đồn bót và những cặp mắt cú vọ, ba tôi đến, tôi được nhìn thấy mặt là đủ rồi. Ở nán lại nếu có việc gì tôi sẽ ân hận suốt đời.

Tôi lấy gối để lên đầu giường cho ba tôi nằm rồi đi lên nấu được pha trà. Định bụng sẽ trở xuống viết một bức thư về thăm má tôi rồi nằm bên ba tôi ngủ như một đứa bé thơ thuở nào.

Nhưng khi tôi vừa lên khỏi miệng hầm thì một cánh tay nắm vai tôi. Không suy nghĩ cũng biết đó là Chia.

- Sao anh không nói gì với ba hết vậy?

Thì ra cô nàng đã rình nghe hết cả buổi nói chuyện.

- Nói gì?

- Chuyện anh và em.

- À bận quá. Hơn nữa có mặt mấy chú.

- Mấy chú đã về lâu rồi! Chừng nào anh mới nói?

- Chừng ba sửa soạn đi về.

- Chừng nào ba về?

- Sáng mai!

- Sao gấp vậy? Mấy chục năm trời anh mới gặp ba, sao anh không giữ ba ở lại chơi?

- Có công chuyện khẩn cấp.

Chia coi như việc đã rồi. Chỉ còn thưa qua ông già nữa là tiến hành đám cưới. Nàng có ngờ đâu bụng tôi ngổn ngang trăm mối tơ vò. Nàng vùng vằng:

- Để ba ở lại chơi vài bữa. Có chuyện gì em chịu trách nhiệm cho.

- Không có chuyện gì cả, nhưng công tác khẩn nên phải về.

Tôi và Chia ngồi co ro sau bếp, nói chuyện thì thào như vịt xiêm. Nàng hôn tôi, tôi hôn nàng không ngừng, không buông nhau ra phút nào. Mấy ông táo trên bếp mà ngó thấy chắc cũng phát ghen. Chia bảo:

- Anh yêu em đi.

- Để mai mốt đã. Anh ở đây chớ đi đâu mà sợ!

- Em sợ con Ua nó giật mất anh.

- Anh đâu phải cái chén cái tô mà nó giật dễ vậy.

- Nó dọa em: "Đừng có mó vào chồng nó mà không toàn mạng." Con nhỏ dữ lắm. Em không muốn ở đây, em chỉ muốn ba gật đầu một cái là em về luôn với ba thôi.

. Tôi trở lại hầm. Ba tôi vẫn nằm, tay gác trên trán có vẻ suy nghĩ chớ nào đã ngủ. Tôi khe khẽ nằm xuống bên cạnh thì ba tôi hỏi. Ba tôi kể một dọc.

- Mấy anh Bảy Trấn, Trần văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị, Tô Ký, Trần Thắng Minh, Sáu Của, Huỳnh văn Nghệ, Dương Bạch Mai... ra ngoải làm tới chức gì con?

Đây là câu hỏi tôi không thể trả lời nếu trả lời thì phải nói láo. Tôi suy nghĩ mãi không biết trả lời thế nào cho phải, thì ba tôi hỏi thêm:

- Mấy ông đó còn sống hết hôn, hay là có ông nào mãn phần.

- Dạ có ông chết ông sống ba à! Nhưng nói chung thì coi như đã chết hết. Nếu ba đi tập kết thì chắc nằm ở ngoài đó luôn chớ về gì nổi mà về.

Ba tôi không để ý câu nói chua chát của tôi.

- Dạ, con đi trên Trường Sơn. Gặp nhiều ông trên năm mươi thảm lắm ba à! Vừa đi vừa bò vừa lết. Giao liên thấy tội nghiệp mang dùm ba-lô, nhưng cũng không đi nổi.

- Rồi làm sao con?

- Lớp trở ra, lớp nằm lại dọc đường. Có người ráng vô tới Bà Rịa thì chết.

- Chết à?

- Dạ trẻ cũng chết chớ không phải chỉ có già! Trên đường Trường Sơn có đến một trăm kiểu chết ba ơi.

Ba tôi ngưng một lúc lâu rồi mới tiếp.

- Nhờ ông bà thánh thần phụ hộ nên con mới về tới xứ. Ba má tưởng con hi sinh lâu rồi!

Tôi nghe trong tiếng của ba tôi có pha nước mắt. Tôi chưa bao giờ thấy ba tôi khóc. Ông thuộc loại người ít nói, trầm ngâm và cương nghị. Khi kháng chiến nổ ra, ông theo hết lòng. Bỏ nhà cửa, mặc cho má tôi nuôi dưỡng đàn con. Nhưng sau đó, hình như ông thấy việc gì, nên bỏ về nhà. Lúc đình chiến, tập kết, ủy ban tỉnh mời ông, ông từ chối không đi. Sự thực trong lòng ông như thế nào tôi không rõ. Đêm nay chỉ có hai cha con trong gian hầm vắng lặng, tôi định hỏi mấy lần nhưng lại ngập ngừng để so sánh những ý nghĩ của ông hồi đó với tôi bây giờ. Rồi thôi, bỏ hẳn ý định. Tôi tự nhủ:

- Cứ xem cái kiểu thiên hạ bỏ kháng chiến đều đều từ miền Đông xuống miền Tây thì rõ chứ gì.

Ông cứ thở dài. Tôi biết ông gặp lại tôi ông mừng lắm. Nhưng sau đó niềm vui lại nhường chỗ cho những lo âu và sầu muộn. Hai đứa con trai, mỗi đứa một đường. Có lẽ từ sau lúc tiếp xúc với hai ông cán gộc, ông càng buồn hơn chăng?

Tính lẽ nào cho phải? Cuộc xum họp hóa thành éo le. Ông bất ngờ nhắc lại vụ Duyên. Có lẽ đây là một nỗi buồn day dứt của gia đình tôi.

- Con nhỏ nó gầy tọp đi. Mỗi lần nó đến, tao thấy mà xót xa. Nó đem tiền tới cho má. mày. Má mày không chịu lấy. Nó bảo: má coi như của ảnh gửi về. Tao đứt ruột đứt gan, nhưng làm sao bây giờ? Nếu như mày ở trong miền Nam thì đâu có như vậy. Cái giới tuyến ác thiệt.

Ngưng một chốc, ông lại tiếp:

- Lần cuối cùng nó đến nó mặc đồ đen. Nó xin phép má mày nó đi lấy chồng.

- Hồi nào ba?

- Sau đình chiến. Sau khi hai bên Bắc Nam không chịu Tổng Tuyển Cử.

- Vậy sao ba nói cô ấy đi tu?

- Sau đó nghe đồn như vậy, không biết lẽ nào. Nó nói một câu tới chết tao không quên được.

- Câu gì ba?

Ba tôi không đáp. Tôi nghe ông nuốt ực mấy lần. Ông cố nén nhưng tôi vẫn nghe. Tôi hỏi gặng lần nữa, ông mới nói:

- Nó nói nếu nó dè phân cách duyên nợ như vầy, thà hồi đó nó liều thân với mày cho xong, nhụy đào thà bẻ cho người tình chung, để bây giờ nó không thể lấy chồng nữa. Nó chờ mày tới già.

Tôi chỉ còn biết kêu trời!

- Con đừng buồn! Đó chẳng qua là duyên kiếp con à!

Ông ít gọi tôi bằng con, trừ những trường hợp nghiêm trọng, tiếng con thắm thía vô cùng. Tôi đón nhận tất cả yêu thương của một người cha.

Sáng dậy tôi tưởng đã qua một giấc ngủ mười năm. Vâng, giấc ngủ hai mươi năm! Giấc ngủ của nhà văn Trần Lực tôi từng đọc từ đầu kháng chiến. Giấc ngủ này được mô tả trong tiểu thuyết theo trí tưởng tượng của tác giả, thì người thức dậy thấy một cảnh thiên đường mặt đất lúc thóc đầy bồ, dân chúng hạnh phúc, hoa thơm cỏ lạ khắp nơi. Thế nhưng, cái giấc ngủ ấy, tôi đã ngủ đến hai lần. Lần thứ nhất mở mắt ra thấy cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Lần thứ hai mở mắt ra thấy nằm giữa Củ Chi bom đạn bời bời và sắp chia ly với gia đỉnh.

Con Ua phóng xe đạp tới, ghếch chân lên thềm nhà, Sáu Huỳnh cho nó sang chở ba tôi sang bển để thết đãi. Nó nhìn tôi với cặp mắt xoi mói điều tra: đêm qua anh ngủ ở đâu, nói gì với ai...v..v... Nhưng tôi gạt ngang:

- Em về sửa soạn đi rồi đưa ba anh về.

Tôi không dùng tiếng ba đơn độc như với Chia. Ua chưng hửng, không hiểu. Tôi quát.

- Mau đi! Tình hình động tới nơi rồi.

- Nếu động em đưa ba ra Củ Chi tạm trú, yên lại trở vô.

- Không được. Có công tác gấp.

Nghe nói công tác Ua không cãi nữa, nhưng bộ mặt ỉu xìu. Ua bước xuống xe, định vô nhà, nhưng tôi gạt ra. Cực chẳng đã, Ua phải dắt xe đi. Nàng hỏi:

- Anh đã nói gì với ba chưa?

- Thưa chớ không phải nói với ba.

- Ừ thôi thưa. Anh đã thưa với ba chưa?

- Chưa.

Ua trợn mắt:

- Sao còn neo hoài vậy?

- Chờ má anh vô mới được.

- Má chớ không phải má anh nghe chưa ông mãnh!

- Thưa chớ không phải nói với ông già nghe chưa? Ba nghe được là hỏng hết.

Ua rụt cổ lè lưỡi, nói nhỏ rí:

- Chết! Ba có nghe không anh? Em ăn nói ngang tàng với mấy ổng quen cái miệng rồi. Ba nghe chắc ba chê em quá!

- Không, có anh! Hễ anh khen thì ba không chê. Em về nói với chú Sáu Huỳnh rồi trở qua đưa ba ra Củ Chi ngay.

- Ừ đưa ba, chớ nói ba anh thì em bịt miệng bây giờ. Anh nên nhớ ba của anh cũng là ba của em. Em không để ai kêu như em đâu.

Tôi đi với ba tôi ra đường. Nét mặt ba tôi buồn dàu dàu.

Ba tôi móc chiếc bóp da lớn trong túi áo trên ra lấy tiền cho tôi:

- Tiền của má mày. Ba ngàn, còn hai ngàn là của mấy em mày góp lại.

- Con không cần ba ạ! Từ lâu con đã không làm gì cho gia đình nhờ, bây giờ lại rút rỉa, con thẹn lắm.

- Lấy xài chớ, để cặp tàu anh em hoài sao!

Tôi suýt bật cười. Tiếng cặp tàu này xưa lắm. Đâu hồi trước 45 kia. Ba tôi có tật đọc báo. Bữa nào cũng mua tờ báo sang quán uống cà phê ngồi đọc và bàn bạc với mấy người bên quán. Người quen đến cặp tàu ba tôi luôn, thành ra uống một tách phải trả ba bốn tách.

- Con không cặp tàu ai đâu ba à!

- Không cặp người ta, thì để cho anh em cặp tàu con. Khi mình, khi người. Anh em thì phải chia cơm xẻ áo cho nhau. Như vậy có tình thân mới ở chung với nhau được.

Đi một quãng, ba tôi hỏi:

- Còn vụ vợ con, mày tính sao?

- Con chưa tính gì được hết ba à!

- Má mày muốn có cháu bồng..

- Mấy em con có thiếu gì đó ba!

- Má mày muốn con của mày chớ nói gì của tụi nó!

Đi một quãng nữa, ba tôi hỏi:

- Con tính cụ Hồ có thắng được Mỹ không?

- Dạ thì phải thắng chớ ba!

- Cụ làm vầy chết dân. Lính Quốc gia chết, anh giải phóng chết. Ngoài ra thì ai đi miền Bắc không thấy về, lớp nhỏ tấn lên không lấp được lỗ trống! Làng xóm ngó eo sèo xác xơ còn hơn thời kháng chiến.

Tôi dặn ba tôi mấy việc về thằng em. Vừa xong thì Ua phóng xe tới. Tôi bảo:

- Em đi đến ngã ba chờ. Để anh nói chuyện với ba chút nữa.

Thật ra tôi chẳng nói thêm câu nào. Hai cha con lẳng lặng đi song song với nhau. Mặt trời lên cao. Nắng sáng ấm áp. Tôi bước đi thong dong. Tôi sực nhớ rằng từ ngày về Nam tới giờ tôi chưa bao giờ đi đứng khoan thai như hôm nay. Lúc nào cũng hối hả, chụp giựt, chạy tuôn, lủi trốn, la hét v.v... Những sự bất thường đều trở nên bình thường. Con người thay đổi về tâm lý lẩn tánh tình hồi nào cũng không hay nữa.

- Con Duyên có đến thăm mộ ngoại con nữa chớ! Chút nữa ba quên nói với con.

- Mộ ngoại ở đâu ba?

- Ở trong đất nhà, bên mộ cậu Tám con.

- Cô Duyên không có tới nữa hả ba?

- Sau lần đó, nó biệt luôn.

- Nếu biết được....

- Trên mười năm rồi! Má mày khuyên nó đừng có đi tu. Nó nói nó không còn ham muốn gì nữa hết.

- Con không ngờ cổ thương con đến như vậy.

Ba tôi lặng thinh. Bước chân ông chậm chạp, dường như ông sợ đến ngã ba. Ở chỗ đó cha con lại phải xa nhau như cái bến tàu Chắc Băng hai mươi năm trước. Trong cách mạng cái gì đã xa rồi không trở lại được. Từ xa tới xa....

Đột nhiên ông hỏi:

- Con chấm cô nào?

Tôi biết ý ông hỏi tôi về Ua và Chia. Tôi đáp:

- Con chưa có ý gì hết ba à. Ba thấy cô nào được ba?

- Tùy ý con.

Đã đến ngã ba. Ua vừa giục vừa rề xe lại:

- Anh Hai, mau lên. Chỗ ngã ba pháo hay bắn lắm. Mời bác ngồi lên.

Tôi đứng khựng lại. Phút chia tay đột ngột. Tôi không cầm được nước mắt. Chiếc xe chở ông già đi sẽ mang cả ruột gan tôi theo. Ba tôi ngồi lên chiếc poọc-ba-ga. Tôi bước lại cầm tay ba tôi, bàn tay gầy xương xẩu từng bồng bế, nựng nịu và từng đánh đòn tôi. Ua quay đầu lại, liếng thoắng:

- Anh về đi. Ba sẽ đi chuyến mười hai giờ trưa. Sáu giờ chiều ba ăn cơm nhà.

Tôi nghẹn ngào.

- Ba về nghe ba!

- Ba gởi lời thăm hết thảy anh em. Gấp quá ba không gặp mặt chú Trầm (tên thật của Sáu Huỳnh) để từ giã.

Ua nhấc chân lên pê-đan, đạp. Tôi đứng trân trân, mắt ngó theo. Bộ đồ lụa trắng của ba tôi xa dần. Tôi đứng nhìn theo cho đến khuất mới trở bước về. Cứ đi một quãng tôi quay lại nhìn. Nhưng tôi không còn thấy gì nữa ngoài cái mặt đường lởm chởm nằm phơi dưới nắng buồn tênh.

Tôi muốn kêu lên một tiếng ba thật lớn rồi vứt tất cả súng ống ba lô, cả hai mươi năm thành tích để chạy về nhà. Tôi không thấy cách mạng còn hấp dẫn đối với tôi nữa. Cái gì mông lung nhất, đó là cách mạng. Cái bịp bợm nhất cũng lại là cách mạng. Nhưng sở dĩ nó cứ lôi cuốn con người Việt Nam hoài hoài là vì nó khéo khoác áo ngụy trang dân tộc. Bao giờ nó cũng bô bô cái miệng là vì dân. Sự thực tôi đã thấy rõ mười năm Miền Bắc rồi. Vì dân nhưng dân ăn rau muống, củ chuối và cám lợn. Còn lãnh tụ nhân dân thì ăn cơm tấm giò chả, ăn không hết đem đổ. Vì dân nhưng dân ở nhà tranh vách đất như ổ lợn còn lãnh tụ thì quơ mỗi ông một cái villa thượng hạng, chưa đủ quơ thêm vài cái để dành cho con đi học Liên Xô chưa về, thậm chí cho cháu chưa đẻ.

Vì dân kiểu đó thằng này xin vì dân suốt đời.

Trong lúc tâm sự với tôi, ba tôi mỗi khi nhắc đến thời chín năm là ông than phiền hoặc chê bai. Ông đã nhìn thấy rõ bọn Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Tô Ký, Nguyễn Văn Trấn, Hà Huy Giáp. Ông bảo mấy người đó không có tư cách mà lãnh đạo gì."Gia đình nào không dính với cách mạng là gia đình đó khỏe nhất." Đó là ý nghĩ của ba tôi mà tôi tổng kết được qua câu chuyện với tôi.

Ông kể cho tôi nghe những gia đình nào đi theo kháng chiến mà bỏ về sớm bây giờ có sự nghiệp hết cả. Như mấy đứa em cô cậu của tôi hiện giờ là chủ bốn năm chiếc xe đò đưa khách đường Nhà Bè - Sài gòn, hoặc chủ tiệm tạp hóa.

Còn gia đình tôi đi kháng chiến mút mùa, đến khi trở về tài sản bỏ bê mất mát, nhà cửa tiêu tan hết. Ba tôi bỏ cả đàn em tôi cho má tôi nuôi, nhờ tiền bên ngoại giúp đỡ và cô Duyên cũng tiếp tế mất mấy năm nên không đến đổi nghèo hèn quá, nhưng so với thiên hạ thì chẳng bằng ai.

Ba tôi còn khui ba cái vụ công khố phiếu hồi kháng chiến ra làm cho tôi không còn cách nào bao che cho cách mạng được. Tôi biết gia đình tôi hiến rất nhiều mâm thau, lư đồng và vàng bạc cho tuần lễ vàng. Ngoài ra mỗi lần có đấu giá ảnh cụ Hồ thì ba tôi móc tiền túi ra đua tranh để lấy cho được bức ảnh đem về treo ở cơ quan. Cái loại ảnh gắn bằng kén tằm nhuộm đỏ và vàng coi đẹp lắm nhưng chỉ vài tháng con nít bảo mặt cụ Hồ có lác nên phải gỡ xuống đút vô kho. Ba tôi còn mua công phố phiếu. Ba tôi còn tuyên truyền cho bà con mua: "Có thực mới vực được đạo, có tiền bộ đội mới có gạo, có gạo ăn mới đánh được Tây." Vì yêu nước những nhà điền chủ ùn ùn đi mua. Kẻ nghèo cắt củm được một ít cũng hiến cho công khố. Không mua công khố phiếu là Việt Gian. Ai chịu mang tiếng ác nghiệt đó? Sau hòa bình ba tôi bỏ nó vô tỉn nước mắm khằn lại và giấu chui giấu nhủi cả chục năm nay. Bây giờ nghe nói có Mặt Trận, có khu Giải Phóng nên đem vô đổi lấy lại tiền, để cho tôi xài, nhưng vô đây mới vỡ lẽ ra là Mặt Trận đang đào khoai mì lén của dân bỏ nhà đi ra ấp chiến lược mà ăn. May mà ba tôi có bỏ phòng hờ theo, nên đã cho tôi năm ngàn đồng. (Sánh sao nổi với bà già địa chủ của ông Trưởng phòng Chính trị Quân khu và bà vợ thầu cà-phê của ông Trưởng phòng Huấn học Cục Chính trị R). Số tiền đó là sự ki cỏm của má tôi chớ đâu phải của tôi. Tôi thực tình xấu hổ. Tôi không muốn lấy. Cha mẹ già đã không nuôi dưỡng lại đi lấy tiền là nghĩa gì?

Tôi biết ba tôi là người khí khái. Khi đã say mê thì say mê hết lòng, dốc hết sức để đạt được mục đích, nhưng khi đã hết mê thì bỏ ngay. Và đã bỏ thì không có quay lại. Sở dĩ ba tôi ra khu giải phóng là vì tôi chứ không phải muốn xem khu giải phóng. Ba tôi dư biết nó là cái gì rồi. Ba tôi nói nhỏ:

- Ở trong thành ba cũng biết rõ ngoài này ra sao rồi con ạ. Cũng y như thời 12 đội công tác thành của Nguyễn Bình vậy thôi, nghĩa là thu thuế lén, thuế tiệm chệt, thuế xe bộ hành, thuế những sòng bạc, thuế tiệm hút v.v...

Mấy người trí thức ở thành ra khu, ba tôi đều nghe nói. Ba tôi chỉ phán một câu:

- Đó là những người bất tài và có tâm địa ăn không được khuấy cho hôi.

Ba tôi còn biết vụ kỹ sư Cao Văn Bổn chết vì bịnh sốt rét, Phạm Ngọc Thạch (trong kháng chiến là người quen thân với ba tôi) chết vì đau ruột, Trần Hữu Trang chết vì B52 v.v... Ông còn biết Mặt trận giải phóng bắt cóc Trình Đình Thảo khiêng ra khu giải phóng, và giải cứu Nguyễn Hữu Thọ từ nhà lao Ban Mê Thuột. Ông có lạ gì tướng tá và quân đội miền Bắc vô trong Nam. Trần Văn Trà ông biết quá rõ mà! Năm 54, ông lấy cớ gánh nặng gia đình nên không đi tập kết, chứ kỳ thực ông đã chán ngán vì trông rõ cái sự thực mà hai mươi năm nay, nghĩa là hôm nay, tôi vẫn chưa trông thấy.

- Con nhớ không, thời chống Pháp, bộ đội đi tới đâu gà vịt heo bò ngã liệt địa tới đó, dân nhường nhà cho bộ đội, cán bộ và dân quân...

Ba tôi không nói hết câu, nhưng vế sau tôi vẫn hiểu. Ông bảo tôi:

- Cụ Hồ có đem vô đây một hột muối hột gạo nào, rốt cuộc vẫn củi đậu nấu đậu.

Biết mình nói những câu đó, thằng con trai đi theo Việt Cộng sẽ không vui, ba tôi cười gượng:

- Trời không cho mình giàu con ạ. Đó là phần số Thiên định, mình không cãi được, nhưng qua chín năm kháng chiến mà gia đình mình còn nguyên vẹn thì phước lớn lắm rồi. Đó cũng là do trời. Con nghĩ coi. Lần đó máy bay bỏ bom, má con với mấy em chui xuống hầm, một trái bom rơi giữa hầm, không trúng ai mà cũng không nổ. Phần số mình lớn cỡ nào?

Lúc sắp chia tay, ba tôi cố tìm những câu chuyện vui nói với tôi ông muốn để lại cho tôi một dư âm tốt đẹp về cuộc viếng thăm ngắn ngủi. Nhưng bây giờ ông đã xa tôi rồi. Nỗi buồn đổ ập lên tôi. Trên đường về, tôi cơ hồ cất chân lên không nổi nữa. Tôi không dám quay lại nhìn ba tôi nữa, nhưng vẫn thấy chiếc xe đạp như con vật tha ông già đi xa dần. Đã xa hai mươi năm bây giờ lại xa.

Phá nát đất nước: Đó là cách mạng.

Đang xum họp bỗng chia ly: Đó cũng là cách mạng.

Đang vui hóa buồn: Không gì khác hơn là cách mạng.

Đang giàu trở thành nghèo: Đó là bước tiến của cách mạng.

Ôi cách cái mạng!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx