sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 45: Tây Lưong Nữ Quốc

Tôi lịm đi trong mệt mỏi và đau buồn. Tôi thức dậy khi nghe có hơi người bên cạnh: Chia. Chia vừa xốc tôi dậy vừa nói.

- Anh lên ăn cơm đi!

Tôi vuốt tóc nàng và hỏi.

- Anh ngủ lâu chưa?

- Chừng hơn một tiếng. Chắc bây giờ ba ra tới Củ Chi đang chờ xe đi Sài gòn. Từ Củ Chi đi Sài gòn có hơn hai mươi cây số, xe chạy một tiếng là cùng. Từ Sài gòn về nhà mấy tiếng anh?

- Chừng hơn một tiếng nữa.

Chia nói một cách quả quyết y như sự thực xảy ra trước mặt:

- Chiều nay ngồi ăn cơm với má, ba sẽ nói chuyện về anh với em cho má nghe, xong rồi má hỏi chừng nào làm đám cưới để má vô. Má hỏi là muốn để em ở trong này với anh một thời gian hay về ngoài nhà ngay. Má nói để em ở với anh chừng nào em có bầu rồi hãy đưa em về ngoại, má sợ có bầu ở trong này ruồng, cà nông, thụt bom bỏ rung rinh đất hư thai!...

Tôi để xem cô bé mơ tới đâu. Chia cứ nheo nhẽo cặp môi nói liên miên:

- Em phải có con sớm với anh mới được để lỡ anh có mệnh hệ gì rồi ba má làm sao? Mặc dù ba má có nhiều cháu rồi nhưng anh là con trai lớn, ba má muốn cháu đích tôn. Em không đòi phải trai gái gì hết, miễn có con thì thôi. Em sẽ nói với má em mua cho con mình những bộ đồ thật đẹp. Chừng đó em sẽ ra Củ Chi ở chớ không về Sài gòn nữa để em có thể biết tin anh hằng ngày. à à... mà Mỹ nó vô nó đóng bít hết các xã trong này rồi anh đi đâu? Em không muốn anh qua Bến Cát. Cách một con sông, em làm sao bồng con đi thăm anh cho được. Anh phải ra Củ Chi..i?

Chia dừng lại vì biết đã lố cồn. Ra Củ Chi tức là chiêu hồi cô em ạ! Cán mùa thu chiêu hồi cũng bộn rồi, thiếu tá cũng có cơ đấy, nhưng ở trên ém kỹ lắm. Cứ để cho biệt kích Mỹ bắt cóc. Tôi không muốn làm đóa hoa mơ đang nở xòe của Chia, nên nằm im. Chia nhìn tôi tha thiết:

- Sao anh buồn vậy? Bộ ba về anh buồn hả? Đừng buồn! Có em đây, mai mốt má vô em sẽ giữ má ở lại chơi lâu hơn.

Tôi không nguôi được những lời dỗ dành của cô bé con. Tôi nghĩ xa hơn kia t Tôi nghĩ đến sự rắc rối mà tôi mang về cho gia đình: móc ngoéo thằng em đại úy. Tôi sẽ làm cho gia đình xáo trộn ít nhất là một thời gian ngắn. Nhưng biết đâu sự móc nối này đổ bể rồi liên lụy đến gia đình nó lẫn gia đình ba tôi: Tan vỡ! Mình đi hai mươi năm, chính nó là trụ cột của gia đình. Bây giờ mình làm cho trụ cột đó đổ và sụp cái nhà. Là sĩ quan mà lem nhem với Việt Cộng thì không dễ sống đâu. Chia nom sát mặt tôi và hỏi:

- Trên đường đi ba có hỏi gì anh không?

- Hỏi gì?

- Hỏi anh định ngày nào làm đám cưới.

- Ba nói tùy anh định.

Tôi nói dối. Sự thực tôi không thưa gì với ba tôi về Thu Hà hoặc cô nào khác. Ba tôi cũng không nôn nóng cho tôi. Điều làm ông mừng nhất là tôi còn sống đến hôm nay. Ông tưởng tôi hi sinh trong kháng chiến rồi, nên năm 54 không thấy nhắn tin về nhà.

Chia lôi tay tôi đi ăn cơm, nhưng tôi không thiết cơm nước. Tôi bảo:

- Anh cũng như em, muốn có con bây giờ.

Nói xong tôi làm một cử chỉ yêu thương táo bạo. Chia đã nếm mùi dương thế vài lần bây giờ nàng không ngượng ngùng nữa mà có vẽ hường ứng với tất cả sự hứng thú. Nàng muốn tỏ ra nàng dâng hiến tất cả cho tôi. Nàng vả mặt tôi:

- Anh hung dữ quá hà.

- Em định làm vợ anh thật à?

- Tới bây giờ còn hỏi câu đó! Xì.

- Anh không sống lâu đâu. Anh phải yêu vội, sống cuồng. Để chết ai yêu em dùm anh?

- Một ngày cũng được. Yêu em một lần cũng đủ.

- Rủi có con làm sao?

- Sao lại rủi? Em đang muốn mà rủi gì?

Tôi lặng thinh. Ánh sáng lờ mờ trong hầm làm cho thân hình của nàng như khoác một lớp áo the thưa, càng trở nên mờ ảo và hiện thực. Nàng như đóa hoa búp bị chú bướm quái ác phanh phui hoa nhụy trước ngày nở hé. Cả hai đều không có tội gì. Bướm tìm hoa và hoa cũng đang cần bướm. Tôi hôn nàng như trăn trối như nghe một khúc ca không lời, chỉ có tiếng ngắt ở giữa những câu nhạc, chỉ có những nhịp ngoại và tiếng nhạc độc nhất thoát ra từ những hàm răng nghiến.

Chia òa lên khóc. Tôi lau nước mắt cho nàng bằng lưỡi và môi tôi.

- Sao em khóc?

- Em sợ anh đi!

- Anh không đi đâu hết. Anh ở đây với em.

Chia ôm quặt lấy tôi bằng tay chân vừa hôn tôi như đất lỡ trời long vừa thầm thì:

- Anh nói thiệt nghe?

- Thiệt!

- Anh không nói dối chớ?

- Không?

- Tại sao?

- Anh chán tất cả rồi. Anh không ham gì nữa hết ngoài em.

- Em cũng vậy, em không thích gì cả, ngoài anh!

Hai thân hình bằng xương thịt trần tục và hai tâm hồn cuộn xiết lấy nhau trên một bãi đất đầy những hố pháo, bom.

- Em muốn một viên đạn xuyên qua em và anh trong lúc này để chúng ta chết hoàn toàn hạnh phúc và nguyên vẹn trái tim đối với nhau. Tình yêu tưởng chưa đến nào ngờ đã đến rồi. Nó đi bằng bước chân nhung không tiếng động.

Tôi khẽ vả miệng Chia rồi chụp môi tôi lên đó.

Bỗng ngoài có tiếng gõ cửa rầm rầm. Tôi giật mình hỏi.

- Ai đóng cửa hồi nào?

- Em đóng và khóa lại sau khi má đi.

- Má cũng ra Củ Chi à?

- Không biết, thấy chú Sáu Huỳnh bảo. Chậc! buôn bán cái gì, ba con lũng sĩ!

- Phải mất đến mười phút nàng mới lên khỏi hầm, nhưng cứ lằm bằm không ngớt. Tôi nằm dưới hầm mà nghe tiếng rí rố thì biết cả bầy con gái tràn vào. Tôi nghe tiếng quen quen:

- Ba anh Hai còn ở đây không?

Chia trả lời cộc lốc.

- Bí mật!

- Cha chả, bí mật để độc quyền chiếm hữu ông thầy pháo hả?

- Ai chiếm hữu gì đâu. Ở đằng chú Chín Lộc không có hầm, nên chú gởi bác ở nhà tôi chớ tôi có quyền gì?

- Hì hì... nói chơi chút vậy mà con nhỏ quạu đeo, bộ mày sợ mất màu cây K54 hả?

Thấy tình hình có mòi găng tôi phải lên giàn xếp nhưng thực ra tôi cũng đang cần sự giúp đỡ của mấy cô. Tôi còn ở lại đây vài ngày nữa chờ móc em tôi vô. Trong mấy ngày nay tôi sẽ đi với các đội dũng sĩ để nắm tình hình và địa dư cụ thể hầu dễ bề xoay chuyển khi chỉ huy đơn vị H6.

Sự xuất hiện bất ngờ của tôi làm đám nữ dũng sĩ reo mừng và Chia bất mãn. Nàng nói nhát gừng:

-Đó, ăn thịt ăn cá gì ăn đi! Rồi ngoe ngoảy bỏ đi vô.

- Ê, cô chủ, cho tôi mua ít đồ coi!

Chia không quay lại, tôi bảo:

- Chủ quán đây, muốn mua gì, bán cho.

Cô Ba Cấm, tôi quen lần trước trong dịp bố trí địa đạo chiến cho gã Bọ Chét quay phim, nay gặp tôi thì mừng ra mặt, không ngượng ngập gì hết:

- Em nghe đồn ba anh đến ở đây, nên công tác xong, em kéo cả bọn lại cho bác chọn, bác chấm đứa nào làm dâu thì em gả cho anh.

Tôi cười đẩy cây thoa mỡ bò luôn:

- Ba anh nói hễ anh ưng cô nào thì ba anh chấm cô nấy. Ba anh còn thưởng cho mấy em tiền để nấu chè nữa đây!

- Vậy anh chấm cô nào?

Ba bốn nàng chĩa mặt tới tôi và hỏi một lúc. Tôi bảo:

- Để thong thả đã chớ. Muốn chấm một cô phải có chỗ có nơi chớ đâu mà mau vậy được!

Ba Cấm háy:

- Em biết anh chấm ai mà!

- Ai?

- Cô Bảy Sầu Riêng chớ ai! Hí hí! Anh khôn tổ bà! Vô đó làm địa chủ ngay. Một trăm mẫu ruộng, một vườn sầu riêng, một ngôi nhà ngói năm căn. Trời đất! Chừng đó tụi em bén mảng tới, ông địa chủ sẽ bảo: đi chơi chỗ khác, tui không có quen với mấy người.

- Mấy chị mua gì tôi bán cho rồi tôi đóng cửa tiệm?

Chia từ sau nhà nước ra nói như gắt. Cô bé Phượng có gương mặt tròn trịa và nước da trắng trẻo nhất bọn cười châm chọc:

- Trời chưa tối mà đóng cửa quán làm gì..ì hả cô chủ?

- Làm gì làm kệ người ta.

Ba Cấm giục:

- Thôi minh mua đồ rồi cút cho mau để cho người ta khóa cửa tụi bây ơi..

- Xí nói cái giọng xốc ốc đó nghe hết dô rồi nghe!

- Vậy hả?

Ba Cấm đầu têu, có lẽ cũng hơi tức mình vì lý do gì đó chưa rõ, bèn chọc thêm:

- Thôi mà cô chủ ơi giận chi cho mất sức khỏe. Nhiệm vụ của anh Hai từ Bắc về trong này là dạy bắn pháo cho tụi này chớ không phải đứng bán quán cho cô đâu. Trước khi tụi tui rút tui, tôi xin giới thiệu với anh Hai các học sinh của anh do quân đội tuyển chọn gởi tới đây:.Đây là Phượng em bé nhất của đội, đây là Phương, đây là Út Nhỡ, đây là Bảy Nê, còn cô Bảy Sầu Riêng hôm nay mắc đi hộ tống bà Năm Đang lên Hố Bò tạm vắng mặt. Vậy chừng nào thì ông thầy pháo lên lớp được, ông thầy phá..áo?

Tôi không ngờ có việc bất thường như vậy nên hỏi Ba Cấm:

- Có trường trại gì chưa em?

- Xong cả rồi. Chờ hoài không thấy anh đến sợ anh trở về R nên tụi em đi vào bắt anh đây! Nói đùa anh đừng giận em út tội nghiệp nghe anh Hai. Chúng em đã dọn cái trường học bỏ hoang gần ngã ba kia rồi. Chờ anh đến là khai mạc.

- Ừ thôi mấy em về đi để anh đi lấy dụng cụ rồi tới.

- Rút lên! Pháo Đồng Dù mau hơn phản lực đừng để tụi em chờ hoài nghe.

Ba Cấm nói xong, cả đội rút lui. Tôi quay vào trong, định vuốt giận Chia, nhưng chưa kịp nói gì thì bên ngoài đã có khách kêu mua hàng. Chia nạt tướp:

- Ra bán hàng!

Tôi hoảng hốt chạy ra thì đụng mấy ông tướng đến mua rượu mà đòi rượu đế uống cháy họng chớ không chịu mấy thứ uống như thứ đồ rượu cúng đạo lộ và mặt ông nào nấy cũng hầm hầm sẵn sàng gây sự. Chia đứng nép qua một bên rồi thụt lùi vào trong bỏ đó cho tôi. Thấy tôi cũng có vẻ nhà binh, ông hói đầu tự giới thiệu:

- Tôi là quản lý của dê hai (D2 tức là tiểu đoàn 2) lùng bắt vài chai về nhậu tiếp. Đang lên kháp mà hụt nước cay tức dếquá, tụi nó không chịu ngưng tiệc.

Họ thấy nhiều mặt hàng bèn mua thêm đủ thứ: muối đường, xà bông, dầu lửa, thuốc rê, thuốc ngay... Tôi hỏi:

- Sao các đồng chí.không vô ấp chiến lược mà mua cho rẻ?

- Ở trỏng thì rẻ thiệt đó ông ơi, nhưng có khi phải đổ máu chớ không dễ đâu. Hồi trước nó còn mở cửa hí hí, chớ bây giờ nó khóa chặt rồi, mình muốn vô phải chui lỗ chó.

- Sao tôi nghe các cô thanh nữ đi vô Đồng Dù như đi chợ vậy?

- Thì mấy cô đó đi vô làm mướn, từ quét nhà, lau giường đến giặc xì líp cho Mỹ, có gì mà khó. Khó là khó cho cái đámba ngạnh tụi tui thôi.

Các ông khách ra về, Chia lú ra quắc mắt nhìn theo:

-Mấy thằng cha dê xồm!

Tôi gắt:

- Không nên nói vậy em! Người ta là cán bộ cả đó.

- Anh không ra, mấy ông nuốt sống em chớ cán bộ gì! Vì vậy em mới la bài hãi cho anh ra chớ đâu phải em không biết bán hàng.

Tôi trở lại việc đi dạy pháo cho đội du kích. Chia đang trớn quạo, quạt luôn:

- Pháo gì mà dạy có mấy ngày tụi nó học thuộc. Viết chín chữ trật luôn mười, anh liệu dạy kết quả bao nhiêu. Sắp sửa đi công tác rồi hổng ở nhà nghĩ, dạy gì tụi đó?

- Kế hoạch của ở trên là dạy cho đội nữ sử dụng súng cối để pháo vô Đồng Dù.

- Đồ ba con lười nhác trốn việc nhà vác súng đi nhong nhong đêm nào cũng tụ tập giỡn hớt chớ bắn được phát nào vô Đồng Dù? Ít bữa rồi chang bang cái bụng lén lén lội sông Sài gòn qua bưng Còng nhờ ông Tám Lê phá thai chớ pháo kích ai?

Tôi thấy đụng chạm tự ái, nên gạt nhẹ:

- Em đừng nói vậy, thoát ly như mấy cổ là hi sinh hạnh phúc cá nhân rồi, nhờ vậy em mới yên ổn ở đây!

- Em đã chán ở đây rồi. Nay mai má em sang tiệm này lại cho người ta để ra Củ Chi bán vải với má con Ua. Ở đây dễ chết lại thấy nhiều chuyện chướng mắt quá hà. Để rồi anh coi nay mai bị Mỹ rượt cho vài trận thì bỏ về nhà hết trơn!

Chia hầm hầm, càu nhàu, nhưng tôi dã lã bằng những cái hôn và hứa sẽ trở lại trong vài tiếng đồng hồ.

- Anh đến coi quận họ bố trí lớp học ra sao. Đây là công tác không phải chuyện chơi!

Chia vẫn cau có:

- Công tác, công tác gì, mấy ông đày anh riết còn da bọc xương cho coi!

Tôi đi. Chia đứng ở bẹ cửa, không vẫy tay mà mắt tràn lệ Tôi muốn quay trở lại phức cho rồi. Công tác mẹ gì. Để hôm khác! Tôi thầm nhủ. Nhưng tụi con gái đang đứng chờ ở đầu đường. Út Nhỡ ngoắc lia. Tôi đi tới. Bọn chúng dắt tôi vào một trường học cách đó không xa. Thoạt nhìn tôi đã thấy não lòng. Cỏ lan vào đến giữa nhà. Bên trong chỉ là những cái cọc chơ vơ. Vòng ngoài mấy đoạn giao thông hào. Dễ thường thầy trò nhào xuống đây khi có pháo hoặc bom. Chết hụt rồi trò còn trí đâu học, thầy còn thần đâu mà dạy. Cảnh khổ này là do ý nghĩ ngông cuồng giải phóng Miền Nam mà ra. Tôi hỏi:

- Bộ trường bị ăn pháo hả mấy em?

- Chưa! Mới sém sém thôi. Nhưng cô giáo dông ra ấp chiến lược Cây Bài rồi.

Ba Cấm tiếp theo Út Nhỡ:

- Bây giờ tới anh dạy tụi em!

- Quận xã đồ đâu hết?

- Quận xã nào?

-Thì lúc nãy em nói trường xong cả rồi chỉ chờ anh tới....

Cả bọn ré cười mỗi cô một kiểu. Cười đã đời rồi Bảy Nê mới nói:

- Cũng như cái hồi quay phim địa đạo chiến của tụi em ở Hố Bò vậy thôi!

Tôi ngơ ngác không hiểu cô muốn nói gì? Út Nhỡ hỏi:

- Cái ông nhà báo gì đó về tới bển chưa anh?

- Về lâu rồi. ông ta quan trọng lắm đó. Ổng nói một tiếng còn hơn anh bắn cả trăm trái pháo.

- Mèn ơi! Cái địa đạo của tụi em chắc là ông khuếch trương ghê lắm.

Tôi hỏi về lớp học. Tụi con gái cười rộ lần nữa. Bé Phượng lắc đầu:

- Mấy chỉ gạt anh đó, có lớp gì đâu.

Tôi ngẩn người ra. Ba Cấm tới ôm cổ nói vào mặt tôi:

- Bộ anh bị con nhỏ chủ quán đó bỏ thuốc mê hả?

Tôi hất tay nàng ra một cách mạnh dạn nhưng nó dính như chân thằn lằn, hay tôi không cương quyết, cho nên Ba Cấm càng áp sáp mặt tôi, nàng nghiến răng làm như giận dữ:

- Cán bộ khôngcó cưới vợ thương buôn nghe chưa!

- Thương buôn không phải là nhân dân à?

- Mất lập trường nặng! Mất lập trường nặng!

- Kiểm thảo ba ngày ba đêm liền!

Bọn con gái xúm quanh tôi đứa níu vai, đứa vò đầu, đứa móc túi. Ba Cấm tuyên bố:

- Đứa nào muốn hun ảnh thì hun đi tụi bây, để hôm rày ao ước.

Cả bọn ôm cứng lấy tôi. Tôi nghe chùn chụt chùn chụt như đạn mút rơi xuống nước liên hồi. Một chập chúng bỏ ra, tôi quay mồng mọng. Bảy Nê, con gái to con, không xấu không đẹp, có thân hình rất hài hòa, khoẻ mạnh xốc vác nhất đám trong lần đào hầm cho thằng Bọ Chét quay phim, nói:

- Nội tụi em anh không coi được đứa nào nên phải lấy con chuột hà nam đó à?

- Anh có... gì đâu....

- Thôi đi! Không có gì mà quán ban ngày lại đóng cửa!

- Thì... thì...

- Lúc anh ra em thấy cái mặt anh đỏ rần còn chối nữa!

- Bây giờ kêu tôi ra đây hạch tội à?

- Tụi em nói thiệt, tụi em không để anh lấy con thương buôn đâu. Anh phải coi chừng nó là đòn xốc hai đầu đó.

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là sa..ao? Xí, anh là mùa thu, lập trường anh để đâu? - Út Nhỡ vênh mặt - Má nó ra thành như cơm bữa còn nó thì ở nhà rù quến đàn ông con trai, anh thấy cái kiểu ăn mặc của nó không? Tụi em toàn là vải thô, còn nó bọc thây bằng nhiễu lãnh, tê-tô-rông màu này màu kia.

- Má nó công tác cho chú Sáu Huỳnh, chú Chín Lộc mà!

Bảy Nê xí rồi nói:

- Tác, tác gì? Tác hoác thì có. Ừ, có ngày bỏ bom ngay đầu cho coi. Anh thấy mấy trái pháo thụt ngay chân bữa nọ không? Pháo đui mà thấy đường nhen ngay dữ vậy à?

Tôi hơi giật mình. Mấy lần nhậu đều ăn pháo hụt cả. Vậy cũng nên cảnh giác. Ba Cấm nói:

- Bây giờ anh đi đào hầm với tụi em. Có bề gì tụi em bảo vệ cho anh. Luôn tiện tụi em cho anh biết đường đi nước bước của tụi em để sau này anh cần mà không có tụi em thì anh cũng biết, chớ anh làm ông chủ quán hoài rủi tình hình động anh làm sao chui?

Thấy ý kiến các nàng đúng ý định của tôi, tôi bèn đi theo đội du kích đào hầm. Vừa đi, Ba Cấm tiếp:

- Mấy ông mùa thu về đây đều mất uy tín hết. Chỉ còn mình anh đó. Liệu cái thần hồn. Anh có cần cưới vợ thì chị Bảy Sầu Riêng đó, đẹp, có chữ lại có điền sản. Cán khu, cán R đều bị chỉ cho quác ra hết đó!

Bảy Nê đang đi trước quay lại cắt ngang:

- Còn nếu anh ngại chị Bảy thành phần không cơ bản thì có chị Ba em đây cũng đẹp vậy.

Ba Cấm vói tay đập vai Bảy Nề:

- Mày quỉ! Tao vã miệng bây giờ.

Bảy Nê vẫn chưa dứt:

- Còn nếu anh muốn học sinh cỡ tuổi hai con chuột hà nam Ua-Chia thì có cặp gà dò Phượng-Phương đây. Anh chấm đứa nào tụi em gả đứa đó cho anh, tụi em sẽ đứng ra tổ chức lễ tuyên hôn có cơ quan đoàn thể xã quận dự, và có cha mẹ hai bên đến dự đàng hoàng. Chớ nhất định tụi em không để cho anh xáp vô cái quán đó.

Tôi tin là Sáu Huỳnh và Chín Lộc không đến đỗi khờ khạo để mắc bẫy. Nhất là Chín Lộc đã từng đi học Liên Xô về cái nghiệp dư tình báo. Nhưng nghe Ba Cấm nói tôi cũng hơi ngại. Dám lắm. Cớ gì mà cả Ua lẩn Chia đều đeo tôi nhanh và chắc như vậy. Và cả hai đều có vẻ căm ghét đội dũng sĩ này. Chia thì đã không ngại dâng cái ngàn vàng cho tôi còn Ua thì chỉ nhử cho con mồi vồ. Vồ xong, còn màn gì sắp tới? Tất cả đều xảy ra trong lúc tôi đang làm cây móc để đem em tôi nối cho đám tình báo của Chín Lộc ngoài Sài gòn.Chuyện này không đơn giản đâu. Tôi thầm nghĩ.

Tôi nhận thấy Ba Cấm là cô gái khôn ngoan lại đẹp không kém Bảy Mô và Thu Hà. Bảy Mô thì tôi chỉ có tình cảm khá đậm chứ chưa ăn chịu gì. Còn Thu Hà bặt tin hơn một năm rồi. Vậy thì cái đường khương tuyến của nòng pháo Thiên Lôi này sẽ xoáy vào ai? Chim đậu không bắt để bắt chim bay ư? Cái đời tôi cứ như thế. Từ bé nó đã thế rồi. Lúc đầu kháng chiến gia đình tôi tản cư tránh Tây đến ở đậu trong một nhà: giàu. Cô dâu của nhà này không yêu thằng chồng mặt gà mái vì ham của mà cha mẹ cô gả cô cho anh ta. Đêm tân hôn, cô mới vỡ lẽ ra hắn không phải là đàn ông. Cô nàng yêu tôi đắm đuối. Lúc đó tôi mới mười bốn tuổi, nhưng cô coi tôi như một nhân tình bé nhỏ. Cô dắt tôi đi Sài gòn chơi và mướn cả phòng ngủ hai đứa hú hí với nhau. Cô nói cho tôi nghe những chuyện mà tuổi tôi chưa từng biết. Cô ôm ấp tôi rủ rỉ bên tai: Chị mong cho bom bỏ cả nhà nó chết đi để chị sống với em... Sau đó chiến tranh tràn lan gia đình tôi lại chạy, tôi phải chia tay với nàng. Nàng bắt tôi phải thề: Không được yêu ai mà chỉ yêu nàng mà thôi! Tôi đã thề. Lần đó nàng bảo tôi yêu nàng.

Và tôi đã vâng lời nàng. Đó là lần đầu tiên tôi biết sự rung động của trái tim và vị ngọt của nước mắt con gái. Rồi bây giờ tôi lại cũng là thằng chạy vòng che chung quanh cái trận địa ái tình. Đánh thì có đánh, trúng thì cũng trúng lắm, nhưng rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Tôi lại hóa thành cái mục tiêu cho những trái tim bắn.

Đột nhiên Bảy Nê hỏi tôi:

- Anh chịu chị Bảy Sầu Riêng không? Nói phức đi rồi tiến tới, để lâu nó nguội.

- Rủi anh chịu, người ta không chịu thì sao?

- Em biết chỉ chịu anh.

- Sao chắc vậy?

Út Nhỡ thêm vào:

- Anh nên kiếm vợ trên hai mươi, đừng có hốt đám con nít, coi không được.

- Chồng già vợ trẻ thì xinh. Vợ già chồng trẻ như hình chị em! - Ba Cấm nói - Nếu ảnh mà quơ bà Năm Đang hay bà Hai Xót mới khó coi, chớ còn anh cưới cỡ con Phương hay con Phượng thì đâu có gì là chèo ách.

Phượng và Phương kêu lên oai oái:

- Chị quỉ nà!

Nhưng Ba Cấm nói rướn tới:

- Con gái đẻ vài đứa thì già ngắt, thấy hết muốn dòm rồi!

Phương trả hỏa:

- Chị ghẹo em hoài, em khui chuyện của chị ra cho coi!

- Khui thì khui chớ chị đâu có sợ.

- Thiệt không? Hà hà... ông nhạc sĩ đờn cò đã kéo chị tới đâu rồi

Ba Cám xì một tiếng và cười hô hố. Út Nhỡ quay mặt lại:

- Lớ quớ bị mắc ngạnh con cá chốt đó đa!

Ba Cấm cười:

- Vợ y bỏ y ra Sài gòn lấy lính là vì ba cây đờn cò đờn gáo đó.

Bảy Nê chọc vào:

- Cái gáo bể, còn có cái cần, đờn không kêu.

Bé Phương dẫu mỏ:

- Ý! ông khảy bài Kim Tiền Bình Bán hay lắm chớ chị!

- Ừ hay lắm! Hay đến nổi má Tám run tay ngoáy trầu hết nổi.

Phương moi cái gì trong ba lô tôi, giơ lên quơ lia và la:

- Ảnh lậm bang rồi mấy chị ơi! ảnh lậm bang rồi.

Bảy Nê chụp lấy và cười.

- Hình con quỉ đó hả? Ừ, con nhỏ học sinh bận áo dài trắng, nón lá bài thơ đi xe đạp coi đã tỉ quá hả. Hèn chi mà ảnh không mê.

Phượng lại đưa thêm tấm nữa:

- Cái này mới tình!

Ba Cấm giật lấy xem rồi lật ra bề sau lẩm nhẩm đọc: Thân mến tặng anh yêu quí của đời em. Phượng cũng bắt chước lật phía sau tấm hình kia ra đọc: Tặng anh tình yêu bất diệt.

- Ở đâu mày lấy được vậy?

- Em móc túi ảnh hồi nãy.

Tôi mới hay bị điếm xâm nhập. Nhưng trong bóp còn nhiều thứ bí mật, nên tôi la hoảng và chụp lại. Nhưng bé Phượng lẩn tránh, rồi cho Bảy Nê mấy bức thư, bảo:

- Chị đọc đi. Thư của ai gởi mà mùi hết cỡ? Em đọc tự nãy giờ muốn té xỉu mấy lần.

Tôi bảo:

- Không còn gì trong hết, đưa cái bóp lại cho anh!

Phượng lại moi ra mấy cái chứng minh thư và reo lên:

- Anh Hai mà cũng sợ... mấy chị ạ!

- Sợ gì?

Phương giơ lên. Cả bọn cười ré. Ba Cấm nói:

- Ai có con với anh là người đó mừng hùm, anh sợ gì mà phải dùng thứ đó chớ!

Tôi đẩy đưa cầm chừng.

- Mấy em rắn mắc quá trời! Moi hết bí mật của anh.

- Hình hai con quỉ đó cho anh hỏi nào vậy?

- Tra tấn tôi hoài khổ quá!

- Mới đây mà đã anh yêu quí của đời em! mà đã tình yêu bất diệt. Chạy nhong nhong ra Củ Chi có ngày Mỹ nó cho ăn đạn 155 ở đó mà bất diệt.

Tôi đi theo bọn con gái tới nhà bác Tám, ông già của cô Tư Bé ở Bàu Trăn, kỳ rồi Ua ghé xin dừa. Bác Tám đãi cả bọn một bữa khoai mì luộc với mắm sặc ăn no cành hông. Tôi ra mé hiên nhà uống nước mưa. Thấy hàng mái vú tôi nhớ nhà tôi quá chừng. Nhà tôi cũng hứng nước mưa để dành uống quanh năm. Cả xóm, ai có thèm nước mưa đều đến nhà tôi uống. Trên nắp mái có cái tô ông Rồng. Người yếu yếu chỉ uống 1/3 tô là chạy tét. Ừ nhỉ, hằng ngày mình đều kê cái tô đó vào miệng mình. Chạy chơi đã đời về ực một tô... không biết cái tô ông Rồng miệng bịt đồng đó còn hay đã bể rồi? Chắc tiêu rồi. Tụi Tây đốt nhà tôi hồi kháng chiến rồi mà tôi quên đi. Bảy Nề trêu sau lưng tôi.

- Làm gì mà đứng ngớ ra vậy anh Hai?

Ba Cấm và Út Nhỡ đi tới. Út Nhỡ uể oải:

- Ăn cơm chúa phải múa tối ngày. Đi! Đào hầm với tụi em, anh Hai!

Tôi đi đằng sau, nhìn những bộ đùi trắng nõn như lõi chuối. Đàn ông chỉ lụy có bấy nhiêu thôi.

-Tụi em đi tấn công Thổ địa nên làm có vẻ hòm tướng vậy đó. Còn anh, anh chỉ nên mặc quần tiều. Cả áo thun cũng bỏ ra nữa!

Tôi hỏi Út Nhỡ.

- Mấy em đào hầm bí mật hay địa đạo?

- Ở đây đâu đào địa đạo được anh. Đất quá thấp so với Phú Mỹ Hưng. Chỉ bên Bàu Lách hoặc Gót Chàng mới đào được. Ở Bầu Tròn gần đường đá đỏ cũng có, nhưng địa đồ đào hồi 62, bây giờ đất sụp hết không có ai sửa sang nên bỏ luôn rồi. Đến như hầm bí mật mà bỏ lâu không xài cũng hỏng. Trời mưa rể cây ăn luồng đất sụp là cả một vấn đề. Lại còn cái thứ ghẻ xốn nữa. Thứ này mới ác.

Ba Cấm nói:

- Nếu anh có về R mà dự đại hội như kỳ rồi, thì nói với trên đó muốn lựa kiện tướng địa đạo thì chỉ nên căn cứ một tiêu chuẩn thực tế chớ không nên đọc báo công. Đó là thẹo ghẻ xốn. Cứ cởi áo quần ra thấy ai có nhiều vành đai đen nhất thì đó là kiện tướng. Hổng tin anh biểu bà chính trị viên của em làm vậy rồi anh sẽ thấy. Vì lũi dưới đất nên ghẻ mọc khắp người.

Út Nhỡ quay lại trừng mắt:

- Con nhỏ nói vô duyên quá.

- Chớ không phải à? Nội đây hổng có mạng nào mang vành đai đen bằng chị hết!

Út Nhỡ xấu hổ đánh trống lãng:

- Hồi 62, xã động viên toàn thể đi đào địa đạo ở Gót Chàng và Bàu Lách vui lắm anh Hai ạ. Người ta vác cuốc đi rần rần như đi chợ vậy. Đợt đầu tiên em nhớ là xã tổng kết đến hai ngàn nhân công đào một tuần lễ, được non một cây số. Đó là đợt lớn nhất được quận tuyên dương toàn quận. Nhưng đào rồi bỏ chớ đâu có ai chun.

- Trâu bò cũng không ham à?

- Trâu bò gì?

- Vậy mà anh nghe nói là địa đạo thôn liền thôn trâu bò xuống luôn. Còn người ta họp chợ dưới đó.

- Chèn đét. Ai lá...áo dữ vậy. Xuống vài chục người là đã ngộp thở rồi. Chỗ đâu mà họp chợ?

- Mấy cô giấu tôi mà!

- Em có giấu một chút nào cho pháo Đồng Dù ăn em đi. Em nói không có là không có mà.

Tôi vừa đi vừa ngắm mấy cặp đùi thì đám tiên nữ dừng lại bên bờ trúc tiếp giáp với một khu rừng chồi. Út Nhỡ trỏ tay chỉ địa hình cho tôi như một vị chỉ huy:

- Nếu anh có bị xe tăng đuổi thì từ đây anh có thể vọt vô khu rừng này, qua hết rừng tới ruộng là đụng Bàu Lách. Ở đó cóđịa dài chừng hơn trăm thước. Vài chục người thì xuống đỡ được một vài tiếng đồng hồ còn ở cả ngày thì moi lên chắc ngất ngư hết cả.

Bảy Nê gạt ngang:

- Chưa chi đã trù mạt.

Cả bọn cởi bao đạn lột súng dựng dụm đầu trên một mô đất. Út Nhỡ trỏ ra phía bờ trúc và nói:

- Thân chính của địa nằm dọc dưới hàng trúc đó.

Tôi trỏ bụi tre xa xa và hỏi:

- Sao em không đào dưới hàng tre kia. Tre cứng hơn trúc xe tăng không càn nhẹp nổi, mà lại dùng trúc để làm chướng ngại?

Bảy Nê đáp ngay:

- Anh nói đúng, nhưng bây giờ nó khôn lắm. Hễ gặp bụi tre là chúng đánh tan rồi bắt đầu ủi tìm miệng hầm. Cho nên bây giờ chúng em không dùng bụi tre để ngụy trang nữa! Máy ủi của nó ác lắm. Cây cỡ một ôm nó đi qua là ngã hết. Rồi máy xúc tới. Nó xúc một phát lòi miệng hầm liền. Rồi tung trái khói kêu Vi xi, vi xi, nếu không lên nó liệng lựu đạn. Không lên nó đánh mìn. Ở dưới Phú Hòa Đông nó chơi kiểu đó mấy ông bả tróc hết, chạy bỏ hầm.

- Không lên luôn, nó làm gì?

- Bom! tới bom mình không lên cũng văng lên. Bởi vậy chị Năm Đang cho con Mô đem nửa đội về Gót Chàng tìm địa thế tốt, còn một nửa ở đây. Nhưng chỉ đào hầm....

- Không xài địa nữa à?

- Địa hết tác dụng rồi anh ạ. Sau khi thấy bãi bùn do B52 gây ra từ Rừng Làng đến Chợ Mới bề ngang trên hai cây số bề dài mười cây lsố à thầy chú trồi lên như chuột bỏ hoang, dông tuốt qua Bến Cát bộn.

- Pháo không tác dụng gì à?

- Sao không? Pháo cũng khoan trên dưới một thước rưỡi gáy hầm chỉ chín tấc, chịu sao nổi.

Trong lúc Bảy Nê và Út Nhỡ nói chuyện với tôi thì cả đội đã sắp hàng dọc chuẩn bị tư thế chuyền đất đổ xuống một cái mương lạn để phi tang. Út Nhỡ là linh hồn của công tác. Nàng trỏ tay vào hàng trúc, giải thích cho ông thầy pháo:

- Hầm này sẽ nằm dưới rễ trúc. Năm đứa có thể chui sống được một ngày khỏe re.

- Lâu nữa không được à? Rủi nó chốt trên đầu rồi làm sao?

- Ở đây chắc tụi nó đến rồi đi chớ không chốt.

- Tại sao em chắc như vậy?

- Vì đây là khu rừng lẻ. Nó không nghi có địa. ở trên số Bò và Rừng Làng mới bị nó nghi.

- Sao em biết nó nghi?

- Vì nó tìm được nhiều miệng địa. Cho nên mỗi lần vô, nó trụ lại ba, bốn ngày. Trời! Nó chơi đủ kiểu mà anh? kiểu mới nhất là chó. Eo ơi! kiểu này thì chúng em hết đỡ được. Chó nó đánh hơi tài lắm.

- Hồi chín năm anh nghe mấy ông ở hầm dùng tiêu sọ đâm nhuyễn rắc quanh lỗ thông hơi. Chó Tây hít vô một phát là chạy tuốt.

- Em có nghe mấy chú nói tác dụng của tiêu sọ nhưng bây giờ không dám xài nữa. Vì Mỹ khôn lắm, chó đang khịt hoặc hửi hăng mà bất thần bỏ đi là chuyên gia nó đến ngay! Nó hửi cái lỗ mũi con chó anh ạ. Tụi Mỹ là ghê gớm lắm! Nó chỉ dại gái thôi ngoài ra không dại chuyện khác. Bởi vậy em lợi dụng cái đám rau mơ kia.

-Để làm gì?

Mùi rau mơ hăng hắc nhưng không gắt bằng tiêu sọ. Chó có thể bỏ đi, nhưng không bỏ ngay, như đối với tiêu sọ. Nếu chuyên gia nó có đến thì nó nghe mùi la rau mơ nó không nghi.

Tôi cười:

- Các em cao kiến thật!

Tôi khen cho các em vui vậy thôi chớ trong bụng buồn tênh. Ta đánh với một thằng địch khoa học kinh hoàng trong khi ta chỉ có ba cái thứ thủ công nghiệp buồn cười như chông, lựu đạn, súng ngựa trời... và địa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, thấy đội hình thưa đi, tôi hỏi như giật mình:

- Ba Cấm đâu?

- Hì hì... nó xuống âm phủ rồi. Anh muốn xuống với nó không?

Út Nhỡ dắt tôi lại xem cái miệng thí. Bé Phương đứng ở bên miệng thí thọc một cái thanh tre có móc xuống rồi kéo lên một ki đất đẩy. Các cô chuyền tay nhau đổ xuống mương rồi ném trả lại chiếc ki cứ như thế sợi dây chuyền liên tục làm việc.

- Mới đây mà đã sâu cỡ đó rồi à?

- Đào xuống thì dễ, trổ ngang mới khó anh ạ.

Tôi bảo Phương đưa tôi đứng miệng thí thử một lúc. Mỗi ki đất nặng chừng ba chục kí lô, kéo từ dưới độ sâu hai thước lên mặt đất rồi chuyền tay đi đổ. Đó là công tác trên mặt đất. Dùng cuốc xắn vào đất để làm nên khoảng trống ở giữa lòngâm phủ. Đó là công tác dưới kia. Đứng ở miệng thí một lát, tôi bảo Út Nhỡ cho tôi xuống một phen cho biết mùi âm phủ. Đám nữ binh reo lên vừa ngạc nhiên vừa vui mừng:

-Để cho thầy pháo đọ sức với đất thép.

Tôi vừa thay quần áo ngắn vừa bảo:

- Anh đào công sự phát ở đất núi ngoài Bắc kìa các em ạ Đất này ăn thua chi! Mà phải đào với đúng qui cách trong khuôn khổ thời gian nhất định chớ không phải tới đâu hay tới đó đâu!

- Đồng chí nào dám đi cặp với anh Hai nào? - Út Nhỡ hỏi - Ba Cấm dám chầu đôi không?

- Ai mà chịu cho nổi.

Ba Cấm muốn đi với tôi nhưng lại xấu hổ bèn đùn cho bé Phượng. Phượng ngây ngô không suy nghĩ gì nghe Bảy Nê bảo thì sẵn sàng. Nàng lôi tay tôi. Tôi nhìn cô bé mặt mũi trong veo mà tội nghiệp.

Ba Cấm và Bảy Nê leo lên mặt mày như ôn dịch, mình mẩy như ma trơi. Thấy mà đau lòng. Con cái nhà ai cho đi như vậy Quả thật cách mạng là dã man, từ đày đọa cho đến giết chóc, chuyện gì cũng dám làm cả. Khổ thay chỉ có con cái bần cố nông gánh chịu, còn con cái lãnh tụ thì không hề rớ tay vào những việc mà họ gọi là vinh quang, như đi vào Trường Sơn phơi xương vậy. Thấy bé Phượng còn non như trái quít vừa ra da lươn, tôi hỏi:

- Nhà em ở đâu?

- Dạ ở Bến Nẫy, dưới Phú Hòa Đông

- Cha mẹ còn đủ không?

- Dạ còn. Bác em là ông Mười Thơ khu ủy viên. Ông bảo em về văn phòng ông để học đánh máy nhưng em không thích sống gần mấy ông già đạo đức giả.

- Úy! Sao em nói kỳ vậy tội chết?

Phượng phang luôn:

- Tội lội sông chổng mông hết tội chứ gì anh. Các ông tóc bạc ông nào cũng có một cô thơ ký, cần vụ đáng tuổi cháu nội cháu ngoại. Đêm thì ngủ chung hầm, võng hai từng, ông ở tầng dưới cháu ở tầng trên.

Tôi không thể bụm miệng cô bé được nên đành nói lãng ra:

- Hồi anh ở Bắc Giang nhiều chỗ đất cứng cuốc không nổi phải gánh nước tưới đó em.

- Ở đây có vùng đất pha đá đào nhoáng lửa, anh ạ.

Ba Cấm và Bảy Nê đã trổ ngách được chừng năm tấc. Tôi và Phượng tiếp tục sự nghiệp. Tôi cầm cán cuốc còn ấm hơi tay Ba Cấm. Tôi bổ phát đầu, không ăn thua gì cả. Chỉ làm rung rung cây đèn cầy trên vách. Phượng thấy vậy bảo:

- Anh lùi ra cào đất vô ki thay cho em, để em vào làm thử cho anh xem.

Tôi nghe lời Phượng ép mình sát vách hầm để Phượng bò vô ngách. Nàng cạ cái mảng hông mềm mại vào ngực tôi như lửa cháy. Tiếng của Út Nhỡ từ trên vọng xuống:

- Còn đèn cầy không? Nè, lấy đốt thêm lên để tối hù thầy trò không thấy gì hết rồi quơ trúng nhau đó.

Tôi nghe chiếc đèn cầy rơi trên lưng tôi. Tôi nhặt lấy và đưa cho Phượng. Quả tình cây đèn cháy sắp hết. Mỗi một phiên là một cây đèn. Phượng ngồi xếp bằng hai tay cầm cây cuốc cán ngắn giơ lên quá vai nhưng không đụng nóc hầm, rồi bổ tới, lưỡi cuốc ăn phập vào đất đến một nửa, rồi giật xuống. Đất rơi lộp độp xuống chiếc nón tai bèo. Nhờ nó trùm kín đầu, nếu không cái đầu đội nguyên cả mảng đất.

Phượng bổ liên tu, vừa đào vừa nói chuyện:

- Anh xúc mau mau đi kẻo ở trên đó không thấy chiếc ki đưa lên, người ta nghi anh em mình ở dưới này làm cái gì.

- Làm cái gì là cái gì?

- Ai biết đâu. Chị Út muốn cho em đi với anh đó.

- Đi đâu?

- Đi âm phủ...ủ. Anh có sợ ma không thì ới với e...

Cô nàng phun phèo phèo.

- Tại em nói chuyện với anh nên đất rớt vào miệng thấy chưa. Đâu, quay ra anh coi!

Phượng quay ra. Dưới ánh đèn xanh yếu hàm răng của cô bé chói lấp lánh như những hạt châu. Nàng kề mặt sát mặt tôi:

- Anh lau đất dùm em đi.

- Đâu có gì để lau!

-Anh lau bằng gì cũng được.

Tôi đưa tay vít cổ nàng lại và hai cái mặt dính vào nhau, những hơi thở hít vào thở ra từ buồng ngực thanh xuân của cô bé chuyền sang lồng ngực của gã giang hồ và ngược lại, pha lẫn mùi đất nồng nặc và mùi da thịt rực cháy như hai chiếc bình thông nhau. Hồi lâu, Phượng đẩy tôi ra.

Hai đứa nhìn nhau. Phượng xấu hổ đưa tay lên quệt ngang miệng rồi che mặt. Tôi lết tới ôm nàng hôn. Phượng thầm thì.

- Thôi, buông em ra đi. Ở trên la bây giờ đó!

- Biết gì mà la?

- Anh không đưa ki đất ra, mà họ đã thò móc xuống kia kìa.

Quả tình, ở trên có tiếng vọng xuống:

- Hai thầy trò làm tuồng gì ở dưới mà êm rơ vậy?

Tôi buông Phượng và ló đầu ra miệng thí la lên:

- Đất rớt vô mắt em bé tôi! Nó khóc om đây nè!

- Bé nhõng nhẽo nhất đội đấy, anh ráng mà dỗ nó.

Phượng háy tôi và thầm thì:

- Mấy bả muốn xuống đào với anh đấy.

- Thôi, em đào nhanh lên đi rồi đùa đất mau ra cho anh hốt.

Tôi vừa nói vừa ôm ngang eo ếch Phượng trong lúc nàng đang giơ cuốc lên. Cái eo ếch thon thon mềm mại phô ra một mảng ngà bên vạt áo ba bà lem luốc. Phượng giật tay xuống cười khúc khích và kẹp tay lại đề phòng năm đạo quân đổ bộ ngược lên miền Bắc... cực. Ở trên lại có tiếng vọng xuống:

- Mắt Phượng hết chưa? Nếu chưa, thì lên cho người khác xuống thay.

Tôi ngước lên bảo.

Hết rồi! Không sao đâu. Em nào móc túi áo anh lấy tiền đi mua trà và đường rồi nấu nước, anh Hai lên uống.

Phượng quay lại tôi:

- Anh biết tư thế ngồi đào chưa?

- Biết rồi. Để anh thay cho.

Phượng buông cuốc. Tôi bảo:

- Phồng tay chưa? Đưa coi.

Phượng cười. Cả răng lẫn cổ nàng hài hòa dưới ánh đèn xanh mát và nổi bật giữa nền đất nâu. Tôi lại ngồi nép vào vách hầm chừa lối cho nàng bò ra. Cái ngách bây giờ hơi sâu nên dễ thở và dễ xoay trở hơn. Nàng xê địch chậm chập ngang tôi thì dừng lại không nhúc nhích nữa. Mặt áp vào mặt, ngực ép vào ngực. Bốn cánh tay nhễ nhại mồ hôi bê bết đất cát, mũi thở như ống bể, tim như ngừng đập. Một trăm cái hôn dồn dập hối hả bạt mạng dưới huyệt mộ trong lúc một bầy quỉ cái đang đứng trên ngó xuyên lòng đất xoi mói, thèm thuồng, ganh tị. Tôi là cái quái gì nhỉ. Sao bọn con gái cứ tấn công? Tội nghiệp. Bao nhiêu trai tráng đi dân công bộ đội đều không trở về. Bọn cán bộ thì già nua, thô lỗ hoặc vô luân, còn du kích thì quá ư thô kệch. Tôi không gì thì cũng dễ coi và có tư cách... chút đỉnh? Ha ha... Phượng thì thào:

- Em với anh đi ra Củ Chi được không? Chịu không?

Một luồng nước đá lạnh buốt chạy suốt xương sống tôi. Cô bé này táo bạo thế. Thấy tôi không nói gì Phượng liền tiếp theo:

- Em thích công tác như con Ua.

Tôi biết Phượng nói trớ. Đằng sau câu nói đó có thể là cả một ý định làm tôi kinh ngạc.

Tôi bắt đầu cầm cuốc bổ từng nhát vào trong lòng đất. Chỉ trong vài chục nhát mồ hôi đã tuôn như tắm, mũi thở nghe ồ ồ và nóng như ống bể lò rèn. Ngọn đèn rung rinh theo từng nhát cuốc như con mắt nhìn hóm hỉnh của vị thổ địa: "Chúng bây làm chuyện bá láp, uổng công vô ích. Tự cổ chí kim chẳng ai ngu mà đi moi gan móc ruột ta như chúng mày. " Mồ hôi bò xuống lưng đầm đìa và thấm ướt cả chiếc quần đùi rồi làm cho đất ướt dần chém nhẹp chỗ tôi ngồi và mỗi lần tôi nhóm lên để phóng nhát cuốc khai phá thì lại nghe một tiếng đáy quần nhấc lên khỏi lớp bùn mỏng do mồ hôi gây ra.

Tôi từng đào mương mướn ở miền Tây lấy tiền ủng hộ dân quân chánh đảng ở miền Đông năm 1952 bị bão lụt. Ra Bắc cuốc đất tăng gia tự túc cho đơn vị, đi đắp đê chống bão lụt ở Mai Lâm, Thanh Hóa, đào cả chục hầm pháo. Tuy có mệt, có vất vả nhưng không khó khăn và trắc trở như đào địa đạo bây giờ. Giống như con gà nòi bị tréo cánh, trói giò mà bắt phải đá. Cái ác nghiệt nhất là lưỡi cuốc và vách đất chỉ cách nhau có một tấc thành thử không lấy trớn được, giơ cao thì đụng nóc hầm,giơ qua hai bên thì đụng vách hầm. Nó bực bội, nó chật chội, nó bức rức khó chịu như ngặt mình sắp chết vậy. Chỉ qua một lần tham quan địa đạo do cô xã đội Là hướng dẫn năm ngoái, tôi đã đánh dấu hỏi, rồi một lần quay phim địa đạo chiến với thằng Bọ Chét tôi đã nghi ngờ về tác dụng và tầm vóc của địa đạo trong kháng chiến chống Pháp lẫn chống Mỹ và ở đây qua một phiên đào dài bằng đời sống của một cây đèn cầy, tôi có thể quả quyết cái địa đạo Củ Chi thôn liền thôn, xã hèn xã này chỉ có trên đài Hà Nội và đài Giải Phóng mà thôi, chứ không thể nào có ở dưới đất: hai trăm miles.

Phượng vừa cào đất sau lưng tôi ra miệng thí vừa nói:

- Ông thầy pháo bây giờ trở thành ông thầy khoét rồi đó.

- Thầy bỏ ngón nữa!

- Tại em thích anh chớ đừng tưởng ai cũng rớ được em đâu!

- Sao không về thành lấy chồng làm ăn, đi theo chi cho cực thân hả nhỏ?

- Ba em là xã đội trưởng, bác em là khu ủy viên, em đâu có thể đi ra thành được.

- Vậy sao lúc nãy rủ anh?

- Em nói là muốn đi công tác như con Ua khỏe hơn!

- Nói vậy anh không báo cáo đâu mà chối.

- Em đâu có chối.

- Bà con ngoài thành cũng là đồng bào của mình chớ là thù sao!

- Trời! Phải nói như anh vậy thì hay biết bao nhiêu. Mấy ông du kích nghi ai thì cứ bắt đem ra sông Sài gòn thủ tiêu. Bởi vậy dân ra ấp chiến lược, mình nhắn mời đâu có ai về. Ra đi là như diều đứt dây luôn.

Ngồi dưới hầm chỉ có hai đứa, vừa đào vừa xúc vừa nói chuyện, thỉnh thoảng lại điểm xuyết công tác bằng những cái hôn. Thiệt là thú vị. Bỗng nhiên Phượng buột miệng nói:

- Anh với em như chôn một huyệt ấy nhỉ.

- Em có thích không?

- Ai mà thích chết. Em chỉ muốn sống thôi. Mà sống với anh kìa mới thích. Nhưng em biết anh không ngó ngàng gì tới em đâu. Anh coi em còn nhỏ quá mà, phải không? Anh để ý chị Bảy Mô, chị Ba Cấm thôi thì cũng phải đi. Vì hai chị đó chị nào cũng xứng với anh hết. Nhưng con Chia con Ua thì đâu có bì với anh được. Hai con nhỏ đó chỉ được cái xí xọn thôi chớ không hay ho gì đâu. Anh muốn đi theo cách mạng thì đừng đeo nó.

- Để đeo em hả?

Phượng đấm lưng tôi.

- Bậy nào? Còn đeo nó thì hết cách mạng rồi!

- Ừ thôi đeo em.

Tôi buông cuốc ngã ngửa ra trên đống đất đùn sau lưng tôi, trợn mắt nhìn lên nóc hầm và thở hắc ra. Phượng trườn mình vào cúi xuống sát mặt tôi:

- Anh làm sao vậy. Có lẽ thiếu dưỡng khí, để em lôi anh ra kẻo chết ngộp.

Tôi cười hắc hắc:

- Anh sắp chết rồi. Hôn anh đi?

Phượng tát khẽ vai tôi. Tay tôi đưa lên vít đầu nàng xuống ghịt vào mặt tôi.

- Thôi, hết chết rồi! Xúc đất đưa ra đi để mấy bà trời đó nghi.

- Mấy chỉ biết hết chớ nghi gì nữa. Nhất là chị Cấm. Bà Bắc kỳ lai đó không phải tay gà mờ đâu.

- Anh em mình làm nhanh cho họ kéo ki lên không kịp chơi.

- Ừ chiều nay anh em mình sẽ được bầu là kiện tướng.

- Anh không thích làm kiện tướng đâu. Anh chỉ thích ở đây đào hoài.

Bây giờ tôi đã quen với động tác chật chội, không xoay trở nhiều mà vẫn bổ những nhác khỏe. Lưỡi cuốc cắm phập vào đất chính xác và nhanh. Phượng nhắc:

- Anh đừng đào rộng nóc hầm. Giữ nó theo hình chóp nón như chị Bảy Nê và chị Ba Cấm khai mở lúc đầu.

Thầy trò tôi làm theo công thức nhanh nhiều tốt (không rẻ). Chiếc ki lên xuống liền liền. Nhờ vậy không khí cũng đổi thay không bức bối. Cứ mỗi lần tôi quay lại đùa đất ra cho nàng thì tôi cũng tặng cho nàng một mảnh hạnh phúc và được nàng đáp lại gấp bội. âm dương hòa hợp quả là một hiện tượng diệu kỳ. Tôi không thấy mệt như lúc mới xuống nữa. Càng đào cái lòng hầm dài ra thì không khí càng nhiều, tôi thấy dễ chịu hơn, nhưng việc đùn đất ra miệng thì chậm hơn, nên tôi phải dừng lại giúp cho Phượng. Do đó tôi có điều kiện gần nàng và chúng tôi ban hạnh phúc cho nhau đều đều hay có thể nói chúng tôi chỉ dành một nửa năng lực cho công tác còn một nửa để yêu nhau: Yêu trong lao động, vừa lao động vừa yêu, nghỉ chẳng có ở đâu ngoài địa đạo. Đường đã đài như một chiếc giường hẹp có thể nằm thẳng người nhưng người trên người dưới chớ không nằm song song được. Tôi như phát điên lên. Tôi lừa thế, đè lên mình nàng và đòi hỏi cái ân huệ cuối cùng. Nàng chận tay tôi cứng ngắt, thì thào:

- Không nên!

- Sợ họ thấy hả? Vậy tắt đèn?

- Không sợ, nhưng ngại đẻ con hôi đất.

Tôi cười ngất với ý nghĩ vui vui lạ lùng của nàng.

- Mình tắm xà bông thơm.

- Nó có ghẻ xốn thì báo đời!

Cây đèn sắp hết. Tôi bảo:

- Tới phiên người khác.

Phượng móc trong túi áo ra một cây to gấp đôi mồi vào, bảo:

-: Em xuống hầm là luôn luôn có sẵn món này.

- Nhưng hết phiên mình lên cho cặp khác xuống.

Nàng ôm chầm lấy tôi:

- Em muốn phiên mình dài gấp đôi phiên khác... Anh mệt thì đưa cuốc đây em thay cho.

Tôi bảo:

- Chừng nào em chạy thì anh mới thôi.

- Xí! Em là kiện tướng đào, kiện đứng miệng thí...

- Và kiện tướng chui nữa phải không?

Phượng vừa quệt mồ hôi ngang trán vừa đáp.

- Không! Đào thì em hăng hái nhất nhì trong đội nhưng chui thì không bao giờ. Em sợ chui lắm. Ai chui thì chui, em không dám chui hầm gì cả.

- Tại sao đào hầm lại không chui?

- Em không chui cả hầm bí mật nữa cơ mà. Em có cảm giác là em bị chôn sống. Ngoài ra em sợ có người chỉ miệng hầm!

- Sao lại có người chỉ miệng hầm.

- Là vì có nhiều người chiêu hồi. Chớ anh không biết hai ông đại cán Bảy Huyền và Hai Tốt hiện giờ đang đứng ở trạm gác Cầu Bông để nhìn mặt cán bộ mình xâm nhập thành à?

- Có việc đó nữa sao?

- Có chớ. Em nghe con Ua nói mà.

- Nó đi đâu ra đó mà biết?

- Nó nghe mấy chú trong cơ quan dặn.

Tôi gạt ngang:

- Tin đồn không nên nghe!

Tôi chấm dứt câu chuyện bằng một nhác búa bổ cật lực..

Lưỡi cuốc thay vì ăn sâu vào đất, nó lại dội ra sau một tiếng cụp khô khốc Tôi quay lại:

- Đụng đá rồii Phượng ạ.

- Vậy để em lấy cây cuốc lục lộ anh moi mới được.

Phượng bò ra miệng thí, kêu lên. Khi chiếc ki thòng xuống thì trong đó có cây cuốc lục lộ. Phượng cầm lấy và bò vào đưa cho tôi. Tôi cầm lấy đoản đao quơ múa một lúc thì lôi được hòn đá ra. Tôi kêu lên.

-Trời đất! Không khéo mình được đá quí.

- Đá quí gì kỳ cục vậy anh?

Dưới ánh đèn cầy, tôi nhìn ra đó là một khúc xương, xương đùi.

Phượng rú lên rồi ôm chặt lấy tôi. Không biết mình đã đào trúng huyệt của ai đây?

Tôi hoang mang suy nghĩ. Tôi cầm cây đèn soi vào lổ cuốc. Trong đó còn lủ khủ. Tôi bảo Phượng lùi ra. Tôi cuốc moi một lát nữa thì thấy những lóng xương nằm sấp lớp ngổn ngang lẫn trong đất. Thịt đã biến thành đất cho nên hàng trúc xanh tươi. Chỉ còn lại những lóng xương là không tan. Tôi bò ra và bảo Phượng:

- Mình hết phiên rồi Phượng ạ! Đi lên!

Phượng bỏ hai chiếc cuốc, chiếc vá và khúc xương vào ki. Cái móc từ trên thò xuống rồi kêu lên. Phượng leo theo nấc thang khoét trong đất một cách dễ dàng. Tôi cũng lên ngay. Phượng tìm một gốc cây ngồi khuỵu xuống đất và ngả lưng vào, mắt nhắm tít. Các cô xúm lại kêu rối rít vì tưởng Phượng bị ngộp thở. Tôi nhặt khúc xương đưa cho Út Nhỡ:

- Mình phải bỏ ngay chỗ này.

Út Nhỡ quay mặt đi, không cầm ù té chạy úp mặt vào gốc cây nơi Phượng ngồi và nôn ọe. Bảy Nêề vào nhà xin một tỉn nước vừa ra tới không biết chuyện gì, bèn cười rẻ lên:

- Ái da, chị Út bị ai rắm cái hột bầu rồi nên nôn ọe đó tụi bây ơi!

- Ừ, chỉ đang thèm me... dốt hoặc khế chua!

Tôi xua tay và giải thích cho Bảy Nê và các cô nghe. Út Nhỡ tái lét mặt mày, giọng run run:

- Anh trả cái khúc đó xuống hầm đi. Em sẽ cho lấp đất lại.

Tôi cầm lấy khúc xương đi đến miệng hố khom xuống ném nhẹ xuống lòng hầm rồi quay đi. Út Nhỡ hỏi:

- Anh không van vái gì hết sao?

- Van vái gì?

- Mình cuốc mồ cuốc mả của người ta tội chết! Để em vô nhà xin ít cây nhang đem ra đốt.

Ba Cấm xua tay:

- Đừng làm vậy, lộ bí mật hết.

Bảy Nề tán thành ý kiến Út Nhỡ:

- Mình làm vậy vong hồn họ oán sẽ cho tụi lính nằm chiêm bao và chúng sẽ tới đây khui hầm mình.

Ba Cấm đưa mắt nhìn tôi, ý hỏi tính thế nào? Tôi bảo:

-Ý kiến cô Bảy đúng đấy. Nhưng hiện giờ mình chỉ nên lấp lại rồi rút êm thôi. Bác Tám không hỏi về công việc của mình đâu, nếu bác có hỏi, mình nói là đào xong rồi nghe chưa? Rồi sau đó mình lén lén đem nhang đèn tới cúng sau. Như vậy sẽ không lộ bí mật.

Út Nhỡ lắc đầu nguẩy nguậy:

- Toi công cả ngày! Xui quá!

- Cũng may là mình mới khởi đầu, nếu đào sắp xong mà đụng thì mới xui.

Ba Cấm hỏi:

- Hổng rõ xương cốt của ai vậy?

- Ai mà biết được!

Tôi hỏi:

- Hồi nào tới giờ có gặp trường hợp này chưa?

Bảy Nê nói:

- Có trường hợp cà nông bắn trúng mả văng xương và ván hòm lên, chớ không gặp trường hợp này.

Tôi nghe ớn ớn lạnh bèn lấy quần dài và sơ mi mặc và bụng nghĩ dại:

- Phải hồi nảy con bé nó đồng ý thì hai đứa mắc phong cùi bỏ mạng.

Út Nhỡ cho cào đất lấp miệng hầm. Bảy Nê rùng mình giả bộ:

- Tối nay nằm ngủ thấy ma cho coi! Eo ôi!

Phượng đứng dậy vươn vai và nói với tôi:

- Em nghe ơn ớn, anh có dầu cù là đó không bôi cho em một chút.

Ba Cấm trừng mắt:

- Con nhỏ nhõng nhẽo!

Út Nhỡ bảo:

- Thôi đi vô, tắm rửa thật kỷ. Không ai nói gì với bác Tám về việc này, rõ chưa?

Mặt trời đã lặn nhưng còn lưu lại một vệt ráng đỏ bầm ở miệt Hố Bò. Rừng chồi lặng ngắt, không một cơn gió nhẹ. Cảnh vật như chết. Một sự im lặng chứa đựng bùng nổ. Ở đây là thế. Không bao giờ có được một phút nào yên tĩnh. Không có pháo bắn thì máy bay bỏ bom, không bom không pháo thì có trực thăng đầm già. Lưng trời mặt đất luôn luôn bị chọc phá khuấy động. Tôi tìm cách đi sau cùng với Ba Cấm. Nàng nói ngay khi tôi hỏi kinh nghiệm chui địa đạo:

- Sở dĩ chúng em bảo anh có quận xuống khai mạc lớp dạy pháo là tụi em muốn cho anh biết cách đào hầm hố và địa đạo này. Sớm muộn gì ở đây rồi anh cũng nếm mùi ghẻ xốn thôi. Nhưng ghẻ xốn còn đỡ hơn bị khui hầm. Mỹ, Úc không đáng gờm bằng tụi Đại Hàn đâu! Tụi này tàn nhẫn nhất. Nó mà gặp miệng hầm là nó theo tới cùng chớ không có bỏ dỡ. Tụi Mỹ coi hùng hổ vậy chớ có tật đau lưng. Làm một hồi không xong hoặc có đổ tí máu vịt là co vòi chạy như vịt vậy. Em muốn anh đến đâu công tác thì tự làm hầm bí mật cho anh ở, đừng có ở của tụi đu kích. Nó thí cho anh những cái đã có một trăm người tứ xứ đến ở rồi. Tới anh nữa là thứ một trăm lẽ một. Anh mà chui xuống đó là kể như đi âm phủ 99%. Thằng giặc đui cũng nhìn thấy nắp nữa là? - Nàng ngưng một chút rồi nhìn tôi bằng cái nhìn sâu thẳm- Đó là tình cảm của em dành cho anh. Yêu anh thì phải biết bảo vệ anh chứ còn nói cái miệng nào là tình yêu bất diệt, tình yêu trọn đời ai mà không nói được.

Tôi nắm vai cô nàng xoay mặt lại hôn trên môi một cái khẽ:

- Cám ơn cô Bắc kỳ lai!: Biết cô nàng hơi hờn, tôi nói tiếp- Sao em không ở dưới với anh mà lại bỏ đi lên làm anh phải đào với Phượng.

- Em quen anh từ hồi năm ngoái cơ mà! Anh quên sao?

- Sao mà quên được e...em..!

- Không quên mà....

Nàng nói chưa dứt câu thì tôi bước tới chặn ngang và ghi thêm một quả phạt đền.

Bữa cơm chiều mừng chiến thắng gồm có mắm kho và mít luộc. Tôi được đối đãi như thượng khách, ngồi mâm trên bàn với ông Tám bà Tám, còn các nàng thì ngồi dưới gạch. Tôi nhắc lại với bác Tám lần trước Ua dắt tôi ghé đây xin dừa về nấu chè. Kỳ này không thấy Bé ở nhà tôi muốn hỏi thăm, nhưng chưa mở miệng thì bà Tám đã nói:

- Hổng biết làm cái gì ở đâu mà con Năm Đang với con Mô ghé đây một ngày một đêm rồi nó lôi con Bé lên trển. Ở nhà, chú Bảy Hốt ở bên Hậu Cần kêu đi chở gạo, mà không có nó, đâu có ai đi!

Tôi không rõ bà Năm Đang bắt con người ta đi làm gì (chắc chắn là không còn cái vụ đấu tranh chánh trị nữa rồi) nhưng cũng nói mò:

- Chắc là công tác quan trọng lắm đó bác.

- Việc nhà bỏ bê hết ráo như vầy, lấy gạo đâu mà nấu hả chú em?

Các cô lua nhanh rồi tản ra sân, cô thì chải tóc, cô thì sửa sang súng ống. Tôi và ông Tám ngồi nói chuyện. Thừa lúc vắng người, bà Tám đem bình trà tới nói nhỏ với tôi:

- Nè, cháu có gia đình chưa?

- Dạ chưa.

- Có định mối nào chưa?

-Dạ cũng chưa.

- Để ông nhà tôi chỉ cho một chỗ được không chú?

- Dạ cám ơn bác có lòng thương cháu.

Tôi tưởng rằng bà muốn gả cô Bé cho tôi. Trong câu chuyện giữa các nàng với nhau, tôi được biết là ông bà Tám chỉ có một đứa con gái nên muốn gả bắt rể. Rể nào chớ rể này thì có biết làm ăn gì? Lê dương chuyên nghiệp từ nhỏ đến giờ, có tài chạy rong thôi. Còn thua rễ cây nữa.

Ông Tám nhấm nháp trà nghe bà Tám nói thì nhấp nhõm, có lẽ ông sợ bà Tám bật mí. Bà Tám nói:

- Con nhỏ được lắm. Việc nhà giỏi dắn, công tác rất tích cực Vùng này chỉ có một mình nó.

Bảy Nê chạy vô nhà lấy ba-lô, chợt nghe, bèn vọt miệng:

- Chị Bé được đó bác Tám!

Ông tám hỏi như giật mình.

- Được cái gì?

Bảy Nê cười hí hí:

- Chỉ sẽ không làm cản trở công tác của anh Hai, còn đám con buôn thì không chắc.

Bà Tám nguých ngang:

- Tao nói là nó mày đấy. Nội vùng này tao chấm mày nhứt hết thảy. Mặt nào cũng được. Lấy vợ thì chọn người có ngang nở hậu như mày mà lấy để sanh con dễ dàng mà món ăn cũng giỏi. Ngoài công tác lại còn phải lo việc nhà nữa chớ? Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng. Thanh niên nào mà thấy mày cũng ham.

Bảy Nê đứng lặng người, tay cào gốc cột. Ông Tám hỏi.

- Có chịu không? Nếu chịu thì lấy nhà tao làm đám tiên bố.

Bà Tám xúi thêm:

- Được mà Nê! Để chú em vuột ra khỏi Bàu Trăn này thì uổng lắm! - Được trớn bà Tám nói luôn - Thời buổi này nên gã cưới mau mau đi. Dễ chết quá hà! Cán bộ chiến sĩ hi sinh đã đành, thường dân ở hầm mà cũng không tránh khỏi. Ở ngoài Bến Đình, một trái pháo rơi ngay giữa nhà chết cả gia đình năm sáu mạng. Bởi vậy ở ngoài đó từ Bà Thiên trở xuống người ta dọn nhà đi hết rồi, lớp ra ấp chiến lược, lớp chạy xuống Phú Hòa Đông.

Ông Tám phụ họa:

- Phú Hòa Đông ăn pháo càng gần.

- Nhưng đỡ được B52! - Bà Tám ngồi lên, tay bó gối rầu rĩ - Nghe nói xe ủi nó dọn láng tới Cây Sộp.

Tôi tiếp.

- Dạ, nghe nói nó ủi tới ngã ba Cây Sộp giáp tới ngã ba Trùm Tri...

Tuy vậy tôi vẫn nói cứng với bà già:

- Không sao đâu bác. Dân theo nó là vì sợ bom đạn chớ không phải thích nó.

- Không thích nó nhưng nhận tôle của nó để lợp nhà và gạo của nó để nấu cơm.

Bà Tám cắt ngang nhưng ông Tám đỡ cho tôi:

- Ở trên nói mình xài súng Mỹ đánh Mỹ, ăn gạo Mỹ đánh Mỹ, họ làm như vậy là đúng chớ sao bà?

Bỗng nghe tiếng e e xa xa. Bà Tám bước xuống đất chạy ra cửa la to:

- Mấy đứa coi chừng đầm già. Quần áo gom hết vô!

- Không sao đâu bác, lúc này tụi nó bị đánh ngoài Phước Long nên đổ ra ngoải tiếp viện không có lực lượng ở trong mình.

Tụi con gái từ từ vào nhà. Út Nhỡ bảo:

- Núp cho kỹ. Nó mà thấy một bóng thấp thoáng là cão đùng đó.

Tôi hỏi.

- Cão đùng là cái gì?

Ông Tám đáp trước:

- Là đầm già nó bắn rốc-kết đó mà. Hễ nghe cão tức là nó bắn rồi đó. Chừng vài ba cái tíc tắc thì nghe đùng tức là đạn nổ ở dưới mặt đất. Bộ chú em chưa bị nó cão đùng à?

- Dạ chưa.

- Cão đùng là nhẹ nhút. Nếu nó không thấy gì quan trọng thì nó chỉ cão đùng vài phát rồi đi. Vậy là may lắm. Nhưng nếu nó thấy gì lạ thì nó kêu phản lực tới.

Bà Tám xìa môi:

- Ông ở đó mà cắt nghĩa...

Vừa tới đó thì nghe tiếng văng vẳng trên không trung. Bà Tám xì một tiếng rồi ngồi lên chỗ cũ:

- Tưởng gì ai dè là máy bay quyên tiền!

- Máy bay quyên tiền trong ấp chiến lược hả bác?

- Máy bay gì mà quyên tiền trong ấp chiến lược. Đó là máy bay điêu thuyền.

- Bộ nó ca hát trên đó cho bà con mình nghe hả bác?

- Không phải đâu anh Hai! - Út Nhỡ xen vô - Đó là máy bay tiên triền.

Ba người nói trớt hệ hết ráo quay lại cãi vui vẽ.

- Thì tao nói máy bay quyên tiền không đúng hay sao?

- Đó nghe coi có phải không.

- Đúng rồi bác, nó tiên triền.

- Ôi! quyên tiền, tiên triền hay điêu thuyền cũng nó đó chớ ai!

Ba Cấm cười:

- Điêu thuyền cũng được, nhưng đừng có giang thuyền thì thôi. Giang thuyền mà đổ bộ ở mé sông thì ở đây mình phải dông lẹ.

Tiếng loa vang vang từ trời vọng xuống:

- Đồng bào hãy tống cổ bọn Bắc kỳ xâm lược ra khỏi nhà, khỏi vùng đất của mình ở. Quân đội Cộng Hòa và đồng minh sẵn sàng đón tiếp đồng bào ra ấp chiến lược hoặc đi định cư nơi khác. Quân đội và đồng minh sẽ không chịu trách nhiệm về sinh mạng và tài sản của đồng bào nếu trong nhà và trong vùng của đồng bào ở còn có hầm hố cơ quan của Việt Cộng.

Mọi người trong nhà lắng tai nghe rõ từng tiếng một. Loa cứ lặp đi lặp lại có bấy nhiêu trong lúc máy bay lượn khắp vùng trời Nhuận Đức. Nó bay đi một lúc rồi quay lại, loa tiếp lần này với giọng khác:

- Các bạn thân mến. Tôi là Bảy Huyền, cấp bậc thượng úy đã ra hợp tác cùng chánh phủ Cộng Hòa. Nay tôi có mấy lời nhắn nhủ cùng các bạn. Bọn Cộng sản Hà Nội là những kê lừa bịp dân Nam kỳ ta. Chúng lợi dụng lòng yêu nước của dân ta để lót đường cho chúng lên ngôi cai trị xứ này chớ chẳng phải vì thống nhất đất nước hay vì hạnh phúc của nhân dân. Tôi đã hi sinh chiến đấu hai mươi năm rốt cuộc gia đình tan nát và bản thân thì chẳng được một thứ quyền lợi gì. Tôi thành thật khuyên các bạn hãy sớm tỉnh ngộ quay về với Quốc gia.

Tiếng loa quyên tiền lồng lộng vang vang cả một vùng trời vùng đất. Cả nhà vễnh tai nghe rồi nhìn mặt nhau. Tôi không dám nhìn thẳng ai. Chính tôi cũng có nghe xầm xì vụ Bảy Huyền nhưng ở trên giải thích rằng anh ta bị biệt kích bắt cóc chứ không phải hồi chánh. Trường hợp Hai Tốt trưởng ban kinh tài của Quân khu nơ mười triệu bạc nhảy ra thành cũng được giải thích như vậy.

Tôi phá tan bầu không khí nặng nề:

- Có em nào biết ông này không?

Út Nhỡ đáp.

- Có! Hồi nẵm ổng cặp với bà gì kháp rượu ở chợ An Nhơn Nghe nói ổng bị kỷ luật, ổng ở nhà luôn và sau đó rồi hai ông bà biến mất. Ít lâu sau nghe đồn ông ra thành.

- Bậy quá! - Tôi ném mấy tiếng phong long.

Hồi ở Trường Sơn tôi cũng bị vụ này một lần. Không biết ông trung đoàn phó nào đó bị biệt kích bắt hay tự thú mà cũng lên mây xanh quyên tiền xuống mặt đất cái kiểu này. Giữa ban ngày mà nghe loa vọng xuống muốn rởn tóc gáy. Bây giờ lại tái diễn. Con đầm già điêu thuyền trên một tiếng đồng hồ rồi trước khi đi lại còn hát: Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào! Út Nhỡ bảo:

- Tụi nó chiêu hồi mình đó, bịt tai lại, đừng nghe!

Út Nhỡ đưa tay bịt, nhưng bỗng một miếng giấy rơi ngay trước sân. Bà Tám chạy ra lượm. Út Nhỡ bảo:

- Triền đơn đấy, đừng coi. Chỉ anh Hai được xem thôi.

Bà Tám đưa tờ truyền đơn cho tôi. Tôi liếc sơ qua thì thấy giống in như truyền đơn tôi gặp trên Trường Sơn: Mặt trước in bảy lá cờ đồng minh và lời kêu gọi Cộng Sản về với Quốc gia. Mặt sau hình một viên chức quốc gia bắt tay một cán bộ Cộng Sản và giơ tay trỏ đường đi. Tôi nói:

- Để anh đem về cho chú Sáu Huỳnh.

Bảy Nề cười:

- Nó rãi khắp đồng chớ phải một tờ sao anh? Những đâu có ai theo nó.

Ba Cấm tiếp:

- Mình phải ở lại chiến đấu, để chừng giải phóng xong chú Tám Quang cho đi đại học nữ sĩ quan chớ!

Đang bàn tính việc học đại học thì một cái xe đạp rườn tới ngoài sân. Tôi giật mình, con chích chòe này mình đi đâu nó cũng tìm tới. Tướng con bé Ua, ai dè không phải. Con bé học đại, nữ phóng viên Nhã Nam!

Nhã Nam bước vào giơ nón chào và hỏi:

- Có anh Dương đình Lôi tân trường ban H6 đây không các chị?

Phượng hất mặt trả lời.

- Không có Lôi liếc tân cựu, H6 H7 gì hết á!

Tôi hỏi:

- Có việc gì vậy?

- A kìa, anh Lôi? Ông Chín Lộc nói anh ở đằng quán. Em lại đó không có anh, cô bé chỉ hướng này. Ối giời! may cho em quá. Nếu không gặp anh, em sẽ bị khiển trách.

- Việc gì mà dữ vậy?

Nhã Nam lột chiếc nón tai bèo quạt quạt và vừa thở hỗn hễn vừa tiếp:

- Chú Tám Quang bảo em đến phỏng vấn anh.

- Phỏng cái gì?

- Phỏng vấn đề đại hội trên đó.

- Dưới này đâu có báo chí, phỏng để làm gì?

- Em đâu có biết. Chú bảo thì làm.

Mấy nàng dũng sĩ lườm lườm cô phóng viên. Họ có thành kiến với đài Giải phóng và đài Hà Nội từ lâu vì hai cơ quan này đã phóng đại thành tích của họ quá cỡ. Nước lã khuấy nên hồ như tường thuật những cuộc đấu tranh chánh trị, nữ anh hùng chị Tư Cầu Xe, nữ dũng sĩ Năm Cội, Tư Gừng, Bảy Mô.... cho nên khi nghe nói tới báo chí thì họ không thích. Họ cứ luôn luôn nhắc lại cái vụ quay phim địa đạo chiến của Bọ Chét để chế diễu, tôi phải đàn áp họ mới ngưng. Tôi đành tránh né bằng cách giới thiệu đội dũng sĩ của Út Nhỡ. Nhã Nam nói:

- Nếu vậy để em làm một cuộc phỏng vấn tập thể!

Nhã Nam móc trong ba lô ra một cái máy ảnh dọa chụp hình nhưng bà Tám và các cô dũng sĩ vừa trông thấy thì lẩn tránh, tôi gọi thế nào cũng không trở lại. Tôi bèn hỏi Út Nhỡ, Bảy Nê và Ba Cấm thì cả ba nàng đều nói một kiểu rằng họ không muốn chụp hình vì sợ rủi bị bắt ra ngoài đó tụi nó nhìn được mặt thì chết. Nay mai rủi nó làm ấp chiến lược hoặc đóng đồn các xã trong này thì họ không thể sống được.

À ra thế, họ chiến đấu nhưng vẫn còn tự dành cho mình một con đường sống!

Cuối cùng họ lẫn tránh luôn cả cuộc phỏng vấn mồm, nại cớ rằng gần đây họ không có thành tích gì. Thế là cô phóng viên chỉ còn có một mình tôi. Thấy trời tối, đoán rằng cô phóng viên chưa ăn cơm nên bà Tám tốt bụng bèn dọn cơm cho cô một mâm cơm gồm mắm kho cá lóc và mít luộc. Cô phóng viên gốc Bắc kỳ có lẽ đã quen ăn mắm cáy, gặp mắm đồng thì húp ngon miệng nên vo vét đến đít nồi cơm. Ăn xong, cô lấy giấy tờ ra khảo tra ông anh hùng rơm hoặc rỡm cũng thế. Sực nhớ đến cái tình yêu bất diệt, nên tôi bày kế:

- Tôi phải đem cái truyền đơn nộp cho chú Sáu, vậy mời cô về nhà bà ngoại làm việc, nếu có gì thắc mắc tôi thỉnh thị chú luôn.

Thế là tôi có lý do chánh đáng để rời cái triều đình Tây Lương Nữ Quốc này. Các cô tỏ vẻ căm thù con nhỏ nhà báo đờinhưng không thể nào giữ tôi ở lại được.

Nhã Nam chở tôi về, nhưng tới quán thì tôi bảo quẹo vô để tôi mua ít bánh kẹo, để về nhà vừa ăn vừa làm việc. Nhã Nam đồng ý và đứng ngoài đường chờ tôi. Tôi vừa bước vào thì Chia đã nhào ra ôm lấy tôi khóc òa, đẫy nẩy, hờn dỗi:

- Anh đi luôn đi t Anh đi luôn đi!

- Anh đi công tác chớ đi đâu!

- Tác tác... gì... hức... hức... hức

- Má về chưa?

- Chư..a hức hức.

- Con Ua về chưa?

- Em hổng biết.

Tôi như Từ Hải chết đứng: Rõ ràng là một cảnh vợ chồng xum họp. Ai nhìn thấy mà chẳng hiểu như thế. Chia vừa lột xắc-cốt và súng của tôi vừa trách yêu:

- Anh đi bỏ em đi luôn với mấy con lũng sĩ đó hả? Lần này em nhất định không cho anh đi một bước.

Rồi Chia đẩy tôi vô buồng, quát khẽ.

- Đi tắm đi, mình mẩy đất cát không hè.

Tôi bước qua cửa buồng thì nghe có người đến. Chia hỏi:

- Chị mua gì?

- Ở đây có bán thuốc cảm không ạ!

- Có bán thuốc trị cảm chớ không có thuốc cảm.

Tôi quay ra thì vừa kịp trông thấy cái lưng của Nhã Nam.

Tôi muốn gọi cô phóng viên trở lại để cô phỏng vấn, nhưng Chia đã lấn tôi vào và càu nhàu:

- Con mẹ đó ai mà không biết.

- Người ta là nhà báo đó cô ơi!

-Xí!

Tôi chợt nhớ tới lời của xã đội phó nói với tôi kỳ trước Bò Cạp: "Anh khỏi cần tìm nó, nó cũng vác cái... mặt của nó tới kiếm anh?" Té ra đây chỉ là một cuộc phỏng vấn do cô ta sáng tác. Tôi bèn khất vôi Nhã Nam một ngày khác. Biết chắc Chia không cho tôi thoát ra đôi tay mềm mại của nàng nữa (lạt mềm buộc chặt) nên tôi đành ngoan ngoãn nghe theo. Tôi cố nêu ra lý do đem truyền đơn cho Sáu Huỳnh xem, nhưng nàng gạt phắc: "Tối rồi, pháo bắn thình lình làm sao?" Thế là tôi tịt luôn một cách hạnh phúc.

Tấm rửa với xà bông Cô Ba xong, tôi được uống cà phê sữa và nằm nghỉ ngơi trên thương ở giữa hầm và trong ánh mắt âu yếm của nàng. Mệt mỏi rã rời, tôi lịm đi không biết bao lâu. Tôi bừng mắt dậy khi nghe tiếng léo nhéo bên trên. Bà Chằn Lửa về tới.

- Mày ở nhà khỏe quá ha! tao chạy qua ngã ba Cây Điệp mệt đứt hơi.

- Sao không về luôn đẳng báo cáo cho chú Sáu?

- Có anh Hai ở đây không?

Tôi nghe bước chân hậm hực bước xuống mấy nấc thang hầm, và:

- Anh Hai! - Ua kêu lên như sảng sốt, rồi chạy ùa tới đập lia lịa vào lưng vào đùi tôi mà nghiến răng - Cứ trụ hình ở đây không thôi! Dậy đi về đằng ngoại.

Chia biện hộ dùm tôi:

- Ảnh mới đi đào hầm với mấy con quỉ về đó. Tối ngày nay ảnh không có ở nhà đâu mà ganh!

- Ganh gì! Tao nói vậy chớ mình đã giao ước rồi, tao làm lớn máy làm bé mà!

Chia hơi nhịn nhục, vả lại cũng đã được nhiều ân sủng hơn Ua rồi. Nàng nói:

- Tắm rửa, ăn cơm rồi ở lại đây ngủ. Đằng đó bữa nay chật lắm.

- Dì Tư đi thẳng Sài gòn với ba rồi. Hễ kết quả thì nội trong hai ngày có ông em tới gặp ông anh.

Chia vui vẻ trở lại. Hai đứa dắt nhau ra sau bếp với lý do để anh Hai ngủ. Nhưng tôi nào có ngủ được. Bao nhiêu thứ xoáy cuộn trong đầu. Chấn chỉnh H6. Thằng em. Gia đình. Thu Hà. Ai? Ai sẽ là v.v... Tôi muốn quyết định nhưng không quyết định được. Đang hoang mang thì Ua xuất hiện.

- Con Chia nó ngủ hầm kia.

- Hầm nào?

- Có một cái hầm khách.

Ua vừa tắm xong. Tóc nàng còn ướt mép, nước chảy ròng ròng xuống vai. Nàng ngồi ở chân giương với vẻ mặt nghiêm trang tôi chưa từng thấy ở nàng. Tôi dự định là vừa rồi có một cuộc cãi vã ghê gớm giữa hai con sư tử bé này. Tôi chờ đợi những lời lẽ nảy lửa. Nhưng không, nàng báo cáo công tác với một giọng lo âu:

- Nó ủi hết mặt trước Đồng Dù rồi anh ạ! Mai mốt có lẽ nó sẽ kéo cả bầy lên Hố Bò chớ không phải loe hoe vài chiếc như ở sở cao su Bà Hộ đâu.

Tôi gắt:

- Bị Suối Bà Cả Bảy cản ngang làm sao nó chạy được?

- Xí! nó ủi sập cầu Bến Mương rồi thả ống cống lót vỉ sắt lên, ủi đất hai bên lấp qua. Chỉ vài tiếng đồng hồ là xe tăng chạy được. Bây giờ, theo em thấy thì xe tăng không xuất trận bằng ngõ trước Đồng Dù mà nó ra cửa hậu để theo đường này càn lên Nhuận Đức.

Nghe Ua kể tôi đâm ra nghi ngờ về tác dụng chống tăng của các con suối Cây Điệp, Hố Bò, Lộc Thuận v.v...

Tôi cũng hơi rung rinh trong bụng, nhưng làm ra tỉnh táo:

- Nó bung ra được hay không là do mình. Nếu mình cứ co lại mãi thì nó mới làm lung.

- Ngày hôm nay từ Cây Sộp nó ủi gần tới Truông Viết vài hôm nữa nó đẩy trớt lên tới Xóm Mới rồi tới Bàu Chứa của mình. Còn ở mặt Nam thì nó bào láng từ ngã ba Trùm Tri ra đến xóm Bắc Hà qua luôn tới ấp Nhà việc rồi.

- Em đi đâu đó mà biết?

- Em đến chợ Bắc Hà mua đồ rồi sẵn đó đạp xe đi coi cho biết. Tụi Mỹ nó tường em là con nít nên không xét hỏi. Anh biết lô cao su trước cổng chính nằm giữa đường I làng và đường tỉnh lộ 8A không? Nó cũng ủi láng hết rồi. Khoảng trống trước cổng chính rộng ít nhất là hai cây số. Đứng ở chợ Bắc Hà có thể nhìn thấy người đi ở cổng chính. Xe tăng xe ủi như bù hung vậy. Bụi bay mịt trời. Máy nổ điếc óc. Lớp dưới đất. Lớp trên trời. Nội ngày nay em đếm được ít nhất là năm khẩu pháo được trực thăng câu tới. Nó còn đem nhà ráp sẵn vô nữa. Chỉ ken vách lại nháy mắt là thành cái nhà.

- Em có lẻn vô trong được không?

- Không được, nhưng nhìn qua cổng em thấy nhà cửa đường đi bên trong giống như là thành phố. Có tới bốn cái lầu nước. Cái nào cái nấy cao nghệu ở trong này mới ló ra là đã trông thấy rồi. Có lẽ tụi nó định ăn đời ở kiếp đây sao anh?

- Ở sao được mà ở! Mình phải đánh tụi nó văng ra chớ.

Ua thở dài não ruột:

- Chắc em chết quá anh ạ!

- Gì mà em bi quan vậy.

Ua lặng thinh hồi lâu rồi nhìn tôi bằng cặp mắt của một con vật đang bị một vết tử thương van lơn cầu cứu:

- Chú Sáu bảo em vào do thám Đồng Dù.

Tôi ngồi bật dậy.

- Hả? Do thám Đồng Dù?

Ua khẽ gật.

- Không có ai khác sao?

- Có, nhưng những người đó tà hết rồi.

- Nghĩa là sao?

- Là bị Mỹ nó mua hết hoặc bị Phượng Hoàng phát hiện cũng vô hiệu hóa luôn. Do đó chú Sáu muốn cấy em vào!

Tôi thấy bị đụng chạm đến cá nhân tôi, nhưng vì không tiện nói nên đành lặng thinh. Ua tiếp:

- Vô nhởn nhơ ở trỏng thì làm sao khỏi bị tụi Mỹ. Anh cứ tin đi, không có đàn bà con gái nào vô làm ở trỏng mà an toàn. Không này cũng nọ. Ở trong đó nghe nói có bà phước nuôi con mồ côi nữa mà.

Tôi thấy xót xa thực sự. Tụi to đầu luôn luôn hô hào giải phóng vinh quang, nhưng trên đường Trường Sơn chẳng bao giờ có bóng dáng lũ con cháu của Trung ương đảng và chánh phủ. Chúng được đi Liên Xô Tiệp Khắc để sau này vác bằng kỷ sư, tiến sĩ về nối tiếp sự nghiệp của ông cha chúng. Rốt cuộc thằng dân đen cũng bị hi sinh để chẳng được xơ múi gì.

- Em yêu cầu anh một việc nhé.

- Sao bữa nay em làm ra người lớn vậy.

- Không gì làm người ta lớn bằng một niềm đau khổ lớn.

Tôi nghe lùng bùng lỗ tai. Câu thơ đó của Hugo, sao Ua biết và lại nói ra trong lúc này. Ua bình tĩnh tiếp:

- Hôm nọ anh đòi, em từ chối nhớ không?

Tôi lắc. Ua tiếp với giọng nghẹn ngào.

- Em bảo chỉ khi nào em là vợ anh thì anh mới được! Nhưng bây giờ em yêu cầu anh! Em tặng anh tất cả...em em...

Ua đứng phắt dậy từ từ bấm từng chiếc cúc áo rồi tự biến thành một bức tượng thần Vệ Nữ lung linh trước mặt tôi. Nàng đưa quả đào tiên ép vào mặt tôi và nói với giọng bình tĩnh lạ thường:

- Yêu em đi anh, đừng để muộn.

Tôi ôm quàng lấy nàng như cuộn cả vào lòng đau khổ và hạnh phúc của cả thế gian. Cô gái bé bỏng lọt thỏm vào lòng tôi như một con chim non, nằm im, chỉ rên rỉ, chờ đợi, ước mong bị vặt lông bóp họng, như tên tử tội chờ đợi lưỡi dao hạnh phúc rơi xuống cổ mình. Trước đây khi nàng cưỡng lại thì tôi hậm hực đòi hỏi, nhưng bây giờ nàng không chống cự mà lại xuôi tay thì tôi lại đâm ra lựng khựng ngỡ ngàng. Tôi chỉ ôm riết thân hình non mềm của nàng. Còn nàng thì hầm hập đòi hưởng những phút giây trần đời.

- Yêu em đi kẻo muộn!

Và làm những cử chỉ yêu dùm tôi đối với nàng. Nhưng tôi vẫn cảm thấy thế nào ấy. Xót xa đau đớn cho đời một cô học sinh sắp bị ném vào hang sói. Nàng gắt:

- Anh khinh em hả?

- Không phải đâu em.

- Nhưng tại sao anh lạnh nhạt với em thế. Em tự vận cho anh coi!

Nàng vùng tuột ra chạy vút đi lên. Tôi còn đang ngày ngật thì nàng trở lại với cái giỏ xách trên tay. Nàng đặt trên giường. Tôi vội ôm nàng và quật xuống sợ cái hạnh phúc cụ thể kia biến đi lần nữa. Nhưng lần này thì nàng lại xô tôi ra một cách quả quyết. Thôi rồi, cái thời cơ ngàn năm một thủa đã biến mất. Tôi đang có chút ân hận thì nàng rất bình tỉnh thò tay vào cái xách lôi ra từng món một như kẻ buôn bán trưng ra những món hàng ở vỉa hè, chỉ khác là nàng không có tí vải dính da. Tôi giật mình khi thấy nàng móc ra một khẩu súng nhỏ xíu không có bao.

- Em làm gì vậy Ua?

- Để yên em triển lãm hết cho anh coi!

Rồi nàng lấy thêm một chai rượu nhỏ bằng chai xá xị. Sau đó là một chiếc máy ảnh.

- Đây là những món em mua ỡ chợ Bắc Hà. Em thuê một ông dân vệ đem lọt qua trạm gác hờ. Rượu này là rượu tân hôn, máy ảnh để chụp hình lúc anh yêu em còn khẩu súng là để công tác hoặc để tự sát.

Nàng nhìn tôi trăn trối, và với giọng thều thào đứt quãng:

- Vợ chồng chỉ một lần thôi rồi xa nhau mãi mãi. Em đi vào cuộc phiêu lưu không có chút may mắn nào. Còn anh chắc cũng không sống được bao lâu nữa.

Nàng lấy con dao sáu lưỡi mở cái khoan rút nút chai rượu ra, kề vào miệng tôi.

- Uống đi anh rồi yêu em, rồi chúng mình cùng chết. Ôi mồ êm của ta là giường cưới.

Nàng ngửa cổ ra ực ực.Tôi ngã nàng xuống định làm chàng kỵ sĩ đường dài. Bỗng nàng ngồi bật dậy, chạy vút đi. Một chập nàng trở lại với Chia. Không nói gì hết, nàng thoát y toàn bộ cô em họ của nàng. Chia không lấy làm lạ, không một cử chỉ nhỏ phản đối. Ua chụp máy ảnh lên phim và đưa cho Chia:

- Chụp mười pô. Chừa mười pô. Biết chụp không. Kê lên mặt bấm bấm như vầy!

Tôi cứ ngồi trân trân trước sự diễn biến trong mấy phút. Ua nằm trải người ra trên giường như một mảng tuyết trên đó nhô lên những ngọn đồi trúc lưa thưa run rẩy trước một cơn gió nhẹ. Ua bảo:

- Hôm nay mình sống một cuộc sống đã đời, để rồi mai có chết không ân hận. Chụp tao với ảnh đi.

Nàng quàng tay lên cổ tôi kéo xuống. Tôi không còn lý do gì để chống trả. Nàng bảo:

- Anh yêu con Chia rồi. Em biết. Bây giờ em muốn được anh yêu. Em muốn có những tấm ảnh để khi em nằm trong tay kẻ khác em sẽ lấy ra giơ trước mặt em.

Chia bấm máy và tôi làm mọi việc theo lời nàng bảo cho đến khi nàng không còn bảo gì được nữa mà chỉ siết lấy tôi. Xong nhiệm vụ tôi lại được lệnh tiếp tục chiến đấu. Nàng bảo:

- Chia, bây giờ tao chụp mày!

Nàng ngồi bật dậy giật máy ảnh và xô Chia lên giường. Chia chống trả sơ sơ rồi nằm xuống bên tôi. Ua bảo:

- Đừng có làm bộ. Tao biết mày đã làm gì ở nhà rồi!

Ua bấm máy. Nàng kê sát những vùng hiểm địa của chúng tôi mà bấm. Tôi thấy còn đầy đủ hùng lực nên vừa xuống dốc lại leo lên ngay.

Cuộc sống ở đây vô cùng tân nhẫn. Cái sống và cái chết xoắn lấy nhau. Vừa mới chui từ âm phủ lên thì lại gặp thiên đàng. Rồi cũng có thể là đang vũ khúc Nghê Thường với tiên nữ, một trái pháo rơi ngay. Tôi tưởng như thế là tận cùng của sự ngông cuồng của một Xuyên Đảo Phương tử tí hon Việt Nam, nào ngờ nàng cất máy rồi nằm bên cạnh tôi bắt tôi phải chèo một lúc hai chiếc thuyền.

- Hai đứa em đều là vợ anh cả, chẳng đứa nào ghen. Và sau đây em giao anh hoàn toàn cho nó. Em không biết còn có dịp gặp anh nữa không. Em vào Đồng Dù làm việc cho chú Sáu thì phải hi sinh. Em có thể thành công hoặc thất bại, nhưng chắc chắn là em mất hết cuộc đời. Em có thể giết chúng rồi tự sát hoặc bại lộ cơ mưu rồi chúng nó giết em. Tất cả em đều dự tính trước hết.

Nàng và Chia ôm cứng tôi. Ua cứ nảy ra những ý kiến lạ lùng. Nàng bảo:

- Anh gọi em và Chia là vợ đi.

- Ừ, vợ!

-Anh phải bảo Ua là vợ lớn. Chia vợ bé. Chịu hôn Chia?

- Chịu. Gì em cũng chịu hết miễn anh Hai ở với chúng mình thì thôi.

- Mày phải giữ ảnh để mấy con lũng sĩ bắt hồn bắt xác mất.

Tôi bảo:

- Không có ai bắt anh được hết. Nhưng anh phải đi công tác với người ta. Mấy em đừng nói vậy.

- Không nói vậy thì nói sao? Tụi con Phượng, con Phương, con Lan đầu quăn, con Ba Cấm, rồi chị Bảy Mô nữa, ai ai cũng hầm hầm muốn giựt anh hết, anh tưởng em không biết sao?

- Thì bây giờ muốn phanh thây xé xác gì thì làm đi!

Chia lặng im từ lâu, bây giờ mới mở miệng:

- Em sẽ nhốt...

Bỗng cộp cộp. Tiếng gõ cửa vang ở phía trước. Rồi tiếng đập càng gấp. Chia nghiêng tai nghe. Tôi giơ tay lên xem đồng hồ. Thời giờ đi quá nhanh. Có tiếng người ơi ới. Ua nháy Chia có ý bảo cứ làm thinh.

Chia vừa mặc y phục vừa chỉ chỏ vào cửa hầm. Mặc quần áo xong, Chia lấy lược chải tóc rồi thổi tắt đèn trước khi bước lên. Chia đi ra cửa quát:

- Ai?

- Mở cửa cho mua đồ.

- Khuya rồi mua gì?

- Nửa đêm cũng phải mở.

Tôi nghe tiếng làu bàu của Chia rồi tiếng cửa nghiến chầm chậm. (Chỉ tới đó thôi. Còn từ đó về sau tôi ghi lại nhờ Chia kể.)

Một người đàn ông bước vô. Theo sau là Út Nhỡ. Út Nhỡ hỏi Chia:

- Có anh Hai ở đây không?

- Anh Hai nào tôi không biết.

- Đây là công tác, không có giỡn nghe cô quán!

- Tui có giỡn gì đâu. Lúc nảy có chị Nhã Nam dắt một người tới đây mua đồ rồi hai người dẫn đi.

- Mày làm bộ không biết chồng của mày hả? Cơ quan không có cho cán bộ cao cấp cưới thương buôn đâu nghe. Đừng có lấp lững. Chị Nhã Nam mới đến nhà bác Tám gặp tụi tao bảo là mày bắt ảnh giấu trong nhà. Giấu ở đâu?

- Đó ai có nghi thì cứ xét.

Út Nhỡ trỏ người đàn ông, và lườm mắt nhìn Chia:

- Đây là ông tham mưu trưởng quận đội ở trên cử ổng xuống dự lễ khai mạc lớp học. Chỉ còn thiếu ông thầy pháo..

- Tôi hổng biết.

Út Nhỡ đi thẳng ra sau bếp mở cửa. Một đám nữ du-kích tràn vào. Út Nhỡ bảo:

- Các cậu cứ tìm. Nếu có anh Hai ở đây thì chủ quán phải kiểm thảo.

Bảy Nê, Phương, Phượng, Lan đầu quăn đi rảo rảo chung quanh và liếc vào lòng hầm nhưng không dám chun xuống.

Chia lấy đèn pin đưa cho Út Nhỡ và bảo:

- Các bà cứ tự tiện xuống hầm coi.

Hai ba cô mạnh dạn xông vào, một chốc rồi ra. Bảy Nê lắc đầu:

- Chỉ có con Ua nằm ngủ.

- Chị ấy mới đi công tác về. Đằng nhà chỉ có khách đông nên chỉ lại đây ngủ nhờ.

Út Nhỡ nhìn ông tham mưu trường quận đội. (Sau này khi tôi về H6 gặp lại, chằng ngờ đó là bồ nhà ở ngoài Bắc, hai đứa cười với nhau đã đời.) Ông này bảo:

- Bây giờ cũng khuya rồi khai mạc không kịp, vậy để ngày mai.

Út Nhỡ và các nàng tỏ ra tức tối nhưng không làm gì được bèn kéo nhau đi. Chia cài cửa, xuống hầm bảo Ua:

- Tôi sợ chị giấu ảnh không kịp. Thôi, giải phóng cho ảnh đi!

Ua xua tay.

- Khoan đã! Coi chừng tụi nó còn rình ngoài hè.

- Thì mình đừng có nói chuyện nữa.

Tôi đang ngồi co ro dưới hầm thì nắp hầm bật lên. Cái hầm này ăn thông ra sau vườn. Trong lúc các nàng ở trên thì tôi đã bò thử theo lòng hầm một quãng khá xa. Chia rọi đèn xuống. Tôi trồi lên, thở phào:

- Xe tăng rút hết rồi hả?

Ua đưa tay bịt miệng tôi, trỏ ra phía ngoài, ý bảo có người rình. Tôi đã lên khỏi hầm chìm, nhưng hãy còn ở giữa hầm nổi, nên vẫn thấy bực bội. Mới ở dưới đó chưa được một tiếng đồng hồ mà cảm thấy như đã cách khỏi thế gian hằng năm. Vậy mà người ta bảo bộ đội nghỉ dưỡng sức dưới đó là dưỡng cách nào? Chỉ dưỡng khí thôi cũng không đủ nữa là. Nhưng nhờ cái hầm và cái ngách địa đạo con này mà tôi chém vè khỏe ru. Mặc cho nhà báo đi tìm phỏng vấn, mặc cho đội dũng sĩ và ông tham mưu trường thỉnh cầu. Đó là sinh lộ của Sáu Huỳnh. Ông ta đã từng sống cảnh Thiên Thai này với dì Tư nên đề phòng mọi bất trắc. Nếu bom bỏ cháy nhà hoặc Mỹ đóng chốt thì có lối thoát. Chẳng ngờ bây giờ tôi lại đi trùng dấu của ông anh. Thấy tôi sốt ruột muốn xuất hiện, Ua bảo:

- Anh không lo hết Mỹ đâu. Chúng nó vô đen cả Đồng Dù rồi. Xe tăng như bọ hung đấy. Em quên cho anh hay là ngày nay xe tăng càn một lúc ba điểm: Rừng Tre, Bùng Binh và Đồng Chà Dơ.

- Có đánh bật được hầm hố gì không?

- Khi nào lại không?

- Ông Sáu Huỳnh định làm gì mà cấy em vô đó?

- Ổng bảo vô được đã rồi sẽ giao công tác sau. Anh cứ yên tâm ở với chúng em. Sợ rồi đây anh không còn có dịp nào như bữa nay nữa đâu. Em biết trước rằng anh không có cưới con Chia hoặc con Ua này. Em biết anh cũng yêu hai con nhỏ ngu đần này nhưng không bằng chúng nó yêu anh. Nhưng mặc kệ, thấy yêu là yêu không nên đòi hỏi người ta phải yêu mình bằng mình yêu người ta.

Tôi sống trong động Thiên Thai đó không biết một ngày hay một năm nữa. Lúc nào hai nàng tiên cũng quấn quít bên tôi. Hễ Ua đi công tác thì có Chia. Hai chị em không tỏ ra ghen hờn gì hết mà trái lại rất vui sướng. Hai nàng đã cho tôi tất cả và đòi ở tôi tất cả, cả những điều lạ lùng làm tôi phải ngạc nhiên. Nếu nói địa đạo Củ Chi là thần thánh thì đó là cái địa đạo trong quán này. Có thể sánh bằng một trăm năm của Lưu Nguyễn chăng?

Than ôi! Thúy Kiều, Thúy Vân? Kim Trọng và những nhụy đào...?

Xưa chia ly rồi tái hợp: Đi với đảng, đừng hòng!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx