sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 47: Nước Mắt Người Con Gái Củ Chi

Sáu Huỳnh đi với tôi một đoạn đường. Anh không còn đùa dỡn như mấy hôm tôi ở chung với anh chờ móc em tôi vô nữa. Lần này móc cũng quác. Em tôi không vô, hay không vô được. Sáu Huỳnh nhắc lại:

- Cứ thế cứ thế... - Anh sang tình hình Củ Chi - Cái điệu này cơ quan sẽ không ở đây được lâu. Nó lấn đất dần dần. Mày ra H6 nhận công tác sớm sớm để liệu mà di chuyển đơn vị.

Tôi không biết nói gì. Hai người đồng hương đi bên nhau. Tiếng máy bay và tiếng xe tăng rù rì bốn phía. Thời gian đi sao nhanh thế. Mới là con nít đã già. Những hình ảnh quê hương lùi xa tít tắp. Ở đâu tôi cũng có bước chân qua từ Nam ra Bắc, từ Bắc chí Nam. Nhưng không đâu là nhà. Bao nhiêu cuộc tình trôi qua nhưng không người con gái nào là vợ. Tôi đâu có muốn lê trái tim qua những mớ tóc rối hoặc nhận chìm nó trong những biển nước mắt biệt ly. Nhưng làm sao? Những cuộc biệt ly nối tiếp những cuộc ly biệt. Nước mắt những người con gái yêu tôi đã chảy đầm đìa ở vườn hoa Thống Nhất, ở rừng Trường Sơn, ở ven sông Bà Hảo, ở ngoài hiên "Hoàng Cung", ở trên nắp hầm bí mật v.v... và giờ đây... tên lính lê dương cách mạng lại tiếp tục viễn chinh.

Sáu Huỳnh hỏi:

- Mày định gì chưa?

- Định gì mà định anh?

- Mày không thưa gì với ông già à?

- Thưa gì bây giờ anh?

- Tao coi bộ ổng buồn lắm, buồn vì nổi mày, nổi nước non, rồi nổi mày và thằng em mày.

- Tôi biết anh Sáu ạ, nhưng tôi không có cách gì.

- Ổng là người thức thời. Ổng bỏ kháng chiến không phải vì gian khổ hay vì sợ xa gia đình mà vì lý do khác: ổng thối chí nản lòng! Mấy cha Trần văn Giàu, Nguyễn văn Trấn, Hà huy Giáp nhử ổng vô đảng dữ lắm. Tao biết. Nhưng ổng bảo: "Tôi không có khả năng biến đổi thế giới như mấy ông. " Ổng nói chuyện với tao, ổng trách khéo cụ Hồ... Tao làm thinh. Trả lời sao được. Ổng không phải là người dễ nghe tuyên truyền. Ổng có vẻ mến mấy ông Phan văn Hùm và Tạ thu Thâu.

-Tôi về đây chẳng mang điều gì vui cho gia đình, ngược lại, chỉ là khổ ải.

- Phải hồi đó mày đừng đi miền Tây, ở trên này với tao. Có lẽ ổng bắt mày về cưới vợ rồi. Tao thấy tội nghiệp ổng quá chừng. Ổng không mong gì hơn là mày cho ổng đứa cháu đích tôn.

Tôi thở dài ngao ngán:

- Chắc tôi phạm tội, một trong bốn tội lớn nhất: không con nối dòng.

- Con Chia nói gì với mày tao biết hết. Nó học với má nó. Má nó rủ rỉ với tao. Bả cũng muốn bắt rể. Bả nói kỳ tới bả sẽ dắt con nhỏ lên nhà mày đó mày ạ. Con Chia nó nói mày đã nhận nó là vợ của mày rồi kia.

- Thì tôi cũng cần có vợ thiệt đó chớ anh Sáu.

- Rồi sao?

- Tôi không thể đứng ra cưới, nhưng nếu nó tới nhà tôi ở và có con thì tôi sẽ coi như đó là việc đã rồi.

- Còn con nhà cao bồi này?

-....!

- Bộ mày cũng hứa gì với nó rồi hả?

-....!

- Tao coi nó lậm bang còn nặng hơn con kia. Nó yêu mày theo cái kiểu Loan và Dũng trong Đoạn Tuyệt hoặc là chàng ra đi lưng khoác chiến bào em ngồi mong bên song cửa. Mày mà cưới con kia nó nổi khùng lên dám ra Củ Chi kêu pháo bắn tan xóm này lắm. Tao biết tánh nó. Nó không sợ ai hết! Nó dám xông vào chỗ nguy hiểm. Nó lỳ lợm. Pháo bắn ban đêm ai cũng lăn xuống hầm, nó cứ ỳ ra ngủ như thường.

- Bây giờ tôi làm sao? Trái tim đâu thể chia năm xẻ bảy được anh Sáu.

- Tao biết nếu nó ở nhà nó sẽ làm bận mày dữ lắm, nên sáng nay tao sai nó đi Củ Chi lấy tin. Nói là lấy tin chớ chủ yếu là đưa nó đi để mày lên đường. Tao bảo mấy đứa dũng sĩ đưa mày lên ông Thần Núi.

Sáu Huỳnh rẽ vào nhà ông Hai Ất giao tôi cho đội nữ của Út Nhỡ rồi về. Út Nhỡ phân công cho Phượng và Út Lan đưa tôi đi (không phải Tư Lan người Năm Cội mê ). Có lẽ Út Nhỡ cho rằng tôi và Phượng tuổi tác quá chênh lệch không thể có chuyện pháo tầm xa được mà chỉ bắn chim sẻ tí ti thôi nếu có hoàn cảnh. Bên cạnh đó còn có Út Lan khống chế. Út Lan nhỏ tuổi nhất có lẽ chưa có ý thức về tình yêu. (Nhưng Út Nhỡ nhầm. Út Lan vẫn để ý tôi và đã nhét vào xắc-cốt tôi một lá thư)

Thế là Phượng và Lan chuẩn bị đưa tôi đi. Nỗi buồn vương mỗi bước chân. Lưng nặng tâm tư, đầu gục vì sầu não, trái tim rướm máu với bao vết thương. Vết thương gây ra bởi những chiếc móng tay búp măng còn sâu hơn bom đạn. Nó đã rạch vỡ rồi thì kim chỉ nào cũng không thể vá may.

Tôi không đến gặp Chia trước khi đi. Chỉ nói chuyện với nàng đêm qua. Nàng coi như đã là vợ tôi rồi. Tôi hình như không có một sự từ khước nào cả. Thôi thì cứ vậy đi. Tiến tới như một chiếc xuồng trên dòng nước trôi; ắt phải đến, huống chi có bàn tay chèo?

Bảy Nê nói:

- Chậm chậm một chút cho tan phèn đã anh! Bây giờ còn sớm lắm! Đi nửa đường rồi nó đổ chụp không có chỗ chui.

Người buồn nhất có lẽ là cô Bắc kỳ lai Ba Cấm. Nàng cứ nhấp nhứ định nói câu gì nhưng lại không nói. Nàng đi theo tôi ra cổng, trao cho Phượng cây tiểu liên của nàng và dặn:

- Em Phượng đi trước bám bìa rừng cao su. Anh Hai và Lan đi sau cách một trăm thước, khi tình hình êm thì vẫy tay anh Hai và Lan mới đi lên, nhưng Lan phải đi trước anh Hai năm chục thước cảnh giới cẩn thận. Khi đến đường số 7 phải đi nhanh băng qua suối Xóm Mới.

Tôi quàng cổ cô trung đội phó hôn lên má:

- Chu đáo quá nhà quân sự! Cám ơn! Thôi được rồi, đi vô đi.

Ba Cấm rơm rớm nước mắt.

- Bữa nay em sẽ nằm suốt ngày không làm gì nổi!

- Sao vậy?

- Em ốm mất?

- Anh đi nhe. Kỳ sau sẽ dạy pháo và địa đạo.

- Viết thư cho em!

Một Thu Hà khác đứng ngó theo tôi. Tôi không quay lại nhưng vẫn trông thấy cô Bắc kỳ lai đứng đó chẳng biết lúc nào trở thành tượng đá Củ Chi. Lan quay lại:

- Anh Hai chuẩn bị băng qua ruộng. Anh lột dép ra đưa em xách cho.

Phượng lên đạn tiểu liên và vọt trước. Tôi cũng rút khẩu K54 ra lên đạn xuống cò nước nhỏ rồi tra vào vỏ. Lan nói:

- Mình phải sẵn sàng vậy thôi! Tụi Trung Hòa chưa dám thọc vô tới đây. Nó chỉ vô rìa Gò Nổi là cùng, chớ không dám bước vô xóm. Du kích An Nhơn của ông Ba Tâm gài lựu đạn nhiều lắm. Ở ngoải cũng có đội du kích túc trực canh gác như đội của anh Năm Cội. Nếu tụi Trung Hòa vô tới Gò Nổi là du kích bắn báo động để tụi mình ở Lô 6 hoặc Ba Sòng biết.

Tổ ba người chúng tôi rẽ xuống ruộng đi theo lối mòn. Hai cô dũng sĩ sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Đi một quảng đụng con suối, không có cầu, chỉ có hai khúc dừa lều bều trong lòng suối. Chúng tôi lội bừa. Buổi sáng chưa có dấu chân qua lại, nước suối trong veo, những cụm lá hẹ trôi theo nước uốn lượn mềm mại như những mớ tóc suông xanh rì.

- Suối gì đây hai em?

- Người kêu là suối Xóm Mới, kẻ gọi Suối Bào Trăn hay Bào ôn. Nó bắt nguồn từ Bào Đúng tận trên Hố Bò. Mùa mưa nước tràn không lội qua được.

Chúng tôi lên tới xóm bên bờ suối rợp tre trúc. Đường dốc cao dần như đi lên đồi. Đến một quãng đường rậm có một cây cao su ngã ngang. Không ai bảo ai, cả ba đều ngồi xuống nghỉ. Tôi vừa ngồi xuống vừa hỏi:

- Có con ve không hai em?

- Ở đây không có thứ đó. Phải lên rừng Lộc Thuận thì mới được nếm mùi.

- Rừng ở đây hiền khô, còn ở Trường Sơn, nhiều đoạn khách dừng lại là vắt ăn thịt. Đứng nghỉ cũng phải dậm chân, nếu không, nó đeo dính cả hai bàn chân rồi bò tới lỗ tai mà cắn. Mấy cô mấy bà lấy dây quấn từ mắc cá lên quá đầu gối mà nó vẩn vượt vĩ tuyến như thường.

- Rồi làm sao đi?

- Thì cũng nhắm mắt lội càn chớ làm sao? Nhiều cô học sinh Hà Nội khóc rùm. Có cô nhõng nhẽo đòi giao liên mang dùm ba lô...

Lan nhìn tôi:

- Nếu em đi ngoài đó chắc em đòi anh cõng quá!

Tôi vò đầu Lan:

- Anh còn lê không nổi cái xác anh nữa là cõng em!

Lan gợi lại chuyện hôm trước.

- Anh Hai đào hầm giỏi quá hé!

Phượng nguých.

- Mày không có đào với ảnh sao mày biết?

- Em đứng miệng thí, em lôi ki nào ki nấy muốn cụp xương sống cóng xương sườn mà không biết à?

- Trông các đội ai đứng miệng thí cừ nhất em biết không?

- Chị Là xã đội phó xã Phú Mỹ Hưng!

- Sao em biết?

- Lần đó chỉ thách tất cả nam nữ nếu ai đứng lâu hơn chỉ thì chỉ sẽ đãi một nồi chè.

- Có ai thắng không?

- Không?

- Em cũng thua à?

- Hồi đó em chưa vô du kích. Gia đình em ra ấp chiến lược Suối Cụt hết cả rồi. Em và anh em trốn ở lại nhập du kích đó chớ. Anh em công tác ở xã Phước Thành.

- Phước Thành ở đâu?

- Ở phía trên đường số 7 giáp với quốc lộ I, phía dưới là xã Phước Hiệp. Đầu trên có suối Sâu giáp ranh với Trảng Bàng. Hồi 62 du kích xã em mạnh nhất. Ban ngày mà dám ra chận đường bắt xe đò lấy hàng hóa chở về cả mấy xe bò, nào vải, nào thuốc lá, đường, đậu vô số. Mấy ông du kích liên hoan ngày đêm. Lại còn vô tiệm hàng xén bắt chủ đóng thuế.

Nghỉ chân một lát, lại đi tiếp đúng một tiếng đồng hồ đến đường số 7. Phượng bảo tôi và Lan đứng lại nép vào bụi, cô nàng ghìm tiểu liên đi tới, một chốc quay trở lại ngoắc. Tôi và Lan đi lên. May mà không có chuyện gì. Nếu có thì sao? Chết lãng nhách.

- Chỗ này đầm già thường bắn điểm lắm. Nó hay phục kích trên mây xanh rồi bất thần nhào xuống bắn xe đạp chạy trên đường. Đi nhanh lên anh Hai!

Từ sáng tới giờ tôi đi giữa những những lỗ bom, pháo, đạn, tro than. Không có mấy nơi là không có dấu vết chiến tranh. Nhà không cái nào còn nguyên, không cháy thì giở bỏ cột kèo bừa bãi, nền nhà trơ trụi, một con chó mực nằm rầu chủ, mấy con mèo chạy vụt ngang đường. Cả một vùng đất hoang tàn tang tóc. Đi qua một khóm trúc, Lan bảo:

- Đây là nhà chị Tám, em gái nuôi của ông Hai Thái.

- Ông Hai.Thái ở đây à?

- Không, ổng đi đi về về thôi. Ổng là chánh trị viên tiểu đoàn Quyết Thắng, cũng là mùa thu như anh.

Phượng quay lại gắt:

- Mùa thu thì mùa thu chớ không phải như anh Hai.

- Em nói ổng cũng là mùa thu chớ em không nói ổng giống như anh Hai. Anh Hai đâu có em nuôi 18 tuổi như ổng.

Lan tiếp:

- Vừa rồi má ổng vô cho tiền và xe Bờ Rô. Ổng không dám nhận xe còn tiền thì lấy rồi đem ra làm tiệc đãi....

- Đãi tiểu đoàn à?

- Không, đãi các em nuôi! Em có tham gia một tiệc ở Ràng. Cốt ý của ổng là mua chuộc đám em kêu ổng bằng anh đừng kêu bằng chú, nhưng ăn xong, đám em vẫn kêu bằng chú, ổng cự nự quá sá. Ổng bảo: "Tao vầy mà chú à? Tao cho tụi bây biết Tổng bí thư đảng có vợ bé ít hơn ba chục tuổi đó, có ai kêu ổng bằng chú không?" Em nói: "Không kêu chú, nhưng kêu bác."

Đi đường mới qua toàn cảnh lạ tôi không nhận ra chỗ nào, bèn hỏi:

- Gần chợ An Nhơn chưa?

- Anh định vô đó lượm than và hốt tro hả?

- Quán cô xám bán nước đá còn không?

- Nhà cháy, tiệm sập, một hố bom đìa giữa sân chợ. Cô xẩm của anh chạy tuốt xuống Bàu Trai dưới Hậu Nghĩa rồi.

- Sao em biết cô ta?

- Thì lần anh tập trung mấy bà mấy cô và thiếu nhi tại chợ, cho ông nhà báo quay phim em ở trong đám con nít được uống nước đá khỏi trả tiền đó chớ đâu. Anh lên đó dàn cảnh phải không?

- Nhà của ai còn ngói đỏ au vậy em?

- Nhà chị Tám Phụng, phụ nữ xã mới được đề bạt lên quận. Cũng loại gác máy bay. Nhưng không có lép xẹp như khô cá hố kiểu bà Năm Đang, Hai Xót đâu? Anh muốn làm ông quận thì đâm đơn vô. Cỡ anh thì chỉ đạo một vòng là bắn trúng mục tiêu thôi.

Một lát Phượng lại trỏ một ngôi nhà khác. Tôi nhìn vào.

Hai bên hiên có những cây bưởi. Bưởi non và vỏ bưởi vung vãi đầy gốc. Trước nhà có mấy gốc vú sữa. Một gốc bị xén mất một nửa tàng lá. Cành quặc xuống lòi cây trắng như xương. Tôi chợt nhớ cây vú sữa nhà má Hai. Rồi nhớ bé Rớt, nhớ Lụa, Là. Gia đình thứ hai của tôi đó. Không biết cô xã đội rắn mắc còn giận mình hết?

Phượng bảo:

- Đó là nhà của ông Út Vọng, cũng tập kết.

Tôi hỏi như giật mình.

- Út Vọng nào?

- Út Vọng chớ Út Vọng nào. Vợ ổng có chồng rồi. Ở ngoài Củ Chi á? Bả lấy lính mới chết chớ!

- Chắc không?

- Cả Củ Chi biết sao không chắc! Anh ra ngoải có gặp ông không?

- Không!

Tôi đáp vậy nhưng tôi biết ổng rành. Ổng là Trung đoàn phó Trung đoàn 2 đóng ở Thọ Xuân Thanh Hóa! Khổ chưa! Không biết ổng có hay tin này? Có bao nhiêu người chồng Nam kỳ như ông Út Vọng? Tôi không muốn nghĩ xa thêm. Chính tôi cũng đã hụt vợ vì đi theo kháng chiến! Còn đi kháng chiến là còn hụt dài dài.

Tôi đang lan man nghĩ ngợi thì nghe tiếng chuông xe đạp leng leng phía sau lưng. Linh tính cho tôi biết đó là thằng Lạn. Vùng này bị bánh xe phong trần của nó rạch ngang rạch dọc như mặt thớt. Nhưng không! Đây là chắn con. Ua rẹc xe đạp tới trước mặt chúng tôi rồi thắng két, dừng lại bên vệ đường, chõi chân xuống đất, ngoáy cổ lại, trề môi:

- Đi đâu từ sáng tới giờ mới tới đây.

Phượng hất hàm.

- Đi đâu vậy ông tướng?

- Đi đưa anh Hai lên K10.

- Chú Sáu giao ảnh cho tụi tao rồi. Sao mày còn xía vô!

- Tụi bây đi cà rịt cà tang chừng nào mới tới? -rồi quay lại tôi nói như ra lệnh - Anh Hai lên đây!

Tôi bị kẹp giữa hai gọng kềm êm ái. Nhưng tôi quyết định chớp nhoáng.

- Phượng và Lan trở lại được rồi em. Ở nhà còn nhiều công tác.

Phượng phật ý, vùn vằn:

- Như vậy tụi em không hoàn thành công tác.

- Anh sẽ báo cáo tốt cho hai em.

- Chú Sáu bảo em đi riết theo chở anh mau mau lên K10 có công tác khẩn.

Lan và Phượng nghe nói thế đành chịu thua. Phượng rưng rưng:

-Anh Hai đi mạnh giỏi nghe!

Lan móc túi đạn ra một mẫu giấy đưa cho tôi:

- Đây là thơ của anh em gởi cho anh Tám bạn của ảnh công tác ở K10, anh tới đó, đưa đùm.

Ua chụp lấy ngay bỏ túi và quắc mắt:

- Để tao đưa dùm cho.

Ua lại giục. Tôi vừa ngồi lên ngọc ba ga vừa vươn cổ ra lải nhải với Phượng và Lan:

- Công tác khẩn cấp nên chú Sáu mới bảo Ua đi thế này hai em ạ? Hai e....

Ua vọt tới, cắt ngang câu nói của tôi, còn quát:

- Anh ôm em cho chặt, em đạp mau té bây giờ!

Tôi chưa hết bàng hoàng thì Ua đã chạy vun vút như con ngựa chứng. Tôi vẫy tay lại Phượng và Lan. Hai nàng dũng sĩ đứng chết trân. Chỉ có Lan vẫy đáp, còn Phượng thì im lìm. Có lẽ nàng cảm thấy những cái hôn hôm nọ trở thành vết thương trong lòng nàng chăng? Ua lên giọng gay gắt:

- Mấy con nhỏ như rùa.

Tôi chẫm rãi:

- Sao chú Sáu bảo em đi Củ Chi?

- Xí quan trọng gì ba cái chuyện đó. Em đi một quãng rồi quành ra đây chận đường anh.

-Đi đường nào mà tài vậy?

- Anh biết đâu mà hỏi.

- Đi vầy rồi về một mình sao?

- Em trở lại đường số 7 ra Gò Nổi rồi ra Củ Chi, khó gì!

Tôi thầm nghĩ: con bé này ghê gớm thật. Ua nói:

- Em đi kỳ này có thể là lần cuối cùng với anh. Không còn gặp lại hoặc gặp lại mà không như trước đây.

- Em nói gì vậy?

- Một là chú Sáu cắm em luôn ngoài Củ Chi để tìm cách đột nhập vào Đồng Dù. Như vậy là không còn gì nữa. Em đã bảo anh hôm đó mà anh không nhớ sao? Thì bây giờ em phải bắt anh.

- Vậy sao bữa hôm em nói em nhường đứt anh cho Chia?

- Nói vậy thôi, chớ anh cưới con Chia thì em sống sao được?

- Ai nói với em anh sẽ cưới...?

- Nó sang nói với ngoại, má nó cũng nói với ngoại. Thôi, em nhường anh cho nó. Em sẽ lao vào công tác để quên anh. Em sẽ không bao giờ lấy chồng.

Tôi cảm thấy mình có tội. Tôi đã nghiêng hẳn về Chia. Ua cũng biết. Ngoài ra còn sự bàn bạc giữa má Chia và ngoại. Tôi chống đỡ lấy có:

- Sao em bảo ở chung?

- Nói vậy cho anh yên tâm chớ trái tim ai mà cắt ra hai mảnh như vậy được.

Tôi rụng rời hết cả tay chân, chẳng còn biết nói năng sao cho xuôi. Ua vừa đạp hùng hục vừa nói liên miên, tôi tưởng như nàng là đứa con gái đã trên hai mươi.

- Anh yêu con Chia là phải đấy. Nó đằm thắm, nó học giỏi, nó khôn khéo hơn em. Cái gì nó cũng hơn em cả. Nó chỉ thua em một điều.

- Điều gì?

- Nó không yêu anh bằng em.

Tôi bất ngờ nghe như bị một mủi tên cắm phập vào tim.

- Và đó là điều quan trọng nhất để sống với nhau. Học giỏi không cần trong tình yêu. Còn sự khôn ngoan trong tình yêu lại là một điều tai hại. Em yêu anh, em không có suy tính đám cưới, không tính chuyện đến nhà anh gì cả. Vừa trông thấy anh không biết anh là ai, em đã yêu ngay. Em tự nhủ lòng mình đây rồi, người mình mơ ước. Chưa bao giờ em để ý đến mấy ông thanh niên chung quanh đây, em thấy họ thấp thấp thế nào ấy. Thanh niên gì lại gởi em ra chợ Bắc Hà mua sợi xanh-tuya-rông hoặc một cái bi-đông US để chi anh biết không?

-Để chi?

Để tặng lại em. Sao họ có thể khúm núm như vậy? Em có thể mang bộc phá vào đánh lại Mỹ Đồng Dù và chết luôn trong đó chứ không thể nào nhận những món quà như vậy. Anh chọn con Chia làm vợ là đúng, chọn em là lầm. Còn anh chọn em làm người yêu là đúng nhưng cưới em làm vợ là lầm. Trước đây em cũng tự lầm lẫn nên mới đòi anh thưa với bác chuyện nọ chuyện kia, thậm chí cưới em. Em đã lầm chính em. Em chỉ yêu anh thôi còn làm vợ anh thì không chắc hoặc chắc là không. Anh hiện đang cần vợ hơn cần người yêu

- Vậy anh là người không biết yêu?

- Có thể! Xưa nay những người yêu nhau đều không lấy được nhau cả? Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Lan và Điệp, Dũng và Loan v.v... Không lấy nhau thì còn yêu nhau. Lấy nhau rồi tình yêu là đĩ vãng.

Tôi có cảm tường như Ua giảng cho tôi một bài học đường đời vô cùng thấm thía. Tôi thấy tôi trẻ lại và đồng thời già lên. Tôi hỏi:

- Vậy em bảo anh phải làm gì bây giờ?

- Anh hãy tự hỏi anh!

Ua đèo tôi đến một khóm vườn tre mạnh tông và trúc lẫn lộn, nhà cửa xệu xạo đường đi ngập cỏ hoang.

- Đây là căn cứ của ông Năm Lê ở trong nhà ông Ba Xây xã đội phó An Nhơn Tây. Anh đến đây phải cẩn thận. Ổng gài lựu đạn bốn bên. Mỗi một bụi gai mắc cỡ có một cái chông ba lá ẩn dưới đó. Mỗi một bước đi có thể là một hầm chông. Nhà ổng bị nguyên một trái rốc kết cháy tiêu vừa dựng lại sơ sơ. Vợ con ra ấp chiến lược ngoài Trung Hòa. Ổng với mấy tổ du kích còn bám lại. Ổng có hầm ngách thông ra địa đạo nên chủ quan lắm.

Ua bảo tôi xuống, nàng dắt xe đi theo một lối mòn bên ven bờ tre rồi vòng ra sau ruộng. Rồi men theo một bờ ranh mà trở lại vườn tre bằng ngỏ sau. Nhìn vào trong thấy có làn khói mỏng, tôi hỏi:

- Ở đây cũng làm bếp Hoàng Cầm nữa à em?

- Đó là bếp của ông Năm Lê, còn du kích của ông Ba Xây thì làm biếng cứ nấu bừa bãi chớ đâu có làm bếp Hoàng Cầm.

Chợt thấy một cô gái thấp thoáng bên trong, Ua gọi:

- Chị Hiền!

- Ai đó.

- Em đây. Có khách của chị tới!

- Ông thầy pháo phải không?

- Sao chị đoán tài vậy?

- Chú Tám bảo ra đón mà!

- Làm sao vô?

- Qua ngã bên hông kia kìa. Lối sau đã rào bít rồi. Cứ đi đi không có lựu đạn đâu.

Ua dắt xe quay trở ra ruộng bọc theo phía cô gái vừa chỉ.

- Đến nơi rồi? Thôi anh vào nhé. Em đi về.

Ua nói với giọng lạnh lùng, nhưng tôi biết đó là một sự đè nén ghê gớm. Tôi bảo:

- Em đừng giận anh, Ua nhé!

- Giận gì mà giận. Dù sao em cũng đã yêu anh và được anh yêu... hức hức... nhiều.

- Mãi mãi.

- Không! Bây giờ thì anh đang cân nhắc lợi hại. Khi cân nhắc, tình yêu không còn nữa. Cũng như đánh giặc. Nếu ra trận mà suy nghĩ lần này ta có còn sống để trở về không, bị thương mấy vết, nặng hay nhẹ, thì không thể đánh giặc được nữa.

Ua đẩy tôi ra, nhìn tôi bằng ánh mắt hờn dỗi:

- Môi anh hết điện.

Tôi giật mình. Nàng cảm thấy điều này thực tình hay chỉ phỏng đoán. Tôi thấy sợ nàng. Nàng phẫn chí dám liều lắm. Tính tình của nàng lạ lùng. Nếu xảy ra chuyện gì thì tôi phải chịu trách nhiệm.

-Thôi chào anh!

Ua quay lại rồi dắt xe vọt ra con đường mòn khác không thấy nàng quay lại. Tôi đứng chết trân, cảm thấy như gân cốt trong người đều bị cắt đứt. Một tiếng nói bên tai làm tôi tỉnh lại. À Hiền. Hiền nhoẻn miệng cười xinh xắn:

- Anh đi vô đi anh.

Tôi vẫn đứng, tâm thần chưa định. Bỗng thấy chiếc xe đạp lấm lem bùn đất dựng ở gốc bưởi, tôi hỏi:

- Xe của ai vậy em?

- Xe tiếp phẩm mới về.

Tôi vừa nói vừa bước lại dắt chiếc xe:

- Cho anh mượn chút.

Rồi phóng vút đi. Tôi đuổi theo Ua, theo ái tình, theo cái hạnh phúc vừa vuột tay. Tôi vừa chạy vừa kêu. Nàng đang ở trước mặt tôi rõ ràng mà như một ảo ảnh. Chiếc xe vẫn nảy lên như con ngựa chứng. Tôi vọt qua mặt và chặn đứng nàng lại

- Ua!

Nàng thắng gắt, ngã xe qua và quắc mắt:

- Anh theo em làm gì nữa.

- Em không yêu anh nữa à?

- Anh không còn yêu em.

- Sao em nói vậy?

- Anh không hôn em.

Tôi sực nhớ ra tôi đã không hôn hoặc quên hôn nàng lúc sắp chia tay. Chính tôi cũng không hiểu tại sao. Tôi ôm chặt lấy đầu nàng:

- Hôn nè, hôn nè. Chút chút... Còn giận hết?

Nàng buồn rầu nói.

- Môi anh nguội ngắt!

Tôi cũng không hiểu tôi nữa. Điện nguội từ bao giờ. Tôi dìu nàng dắt xe đi song song. Đường nắng chang chang nhưng tôi nghe lạnh buốt. Đến mối đường cỏ mọc lan, tôi nhìn vào trong thấy một ngôi nhà ngói cũ hoang tàn. Tôi nắm tay nàng quẹo vô Nàng ngoan ngoãn vâng lời, Nhà cửa ngổn ngang. Chúng tôi chỉ đứng ngoài hiên để khuất mắt người đi đường. Ua phụng phịu:

- Anh biết em đến làm chi không?

-????

- Bữa nay là ngày chắc đậu thai hơn bữa hổm.

Tôi ôm và ép nàng vào tấm vách ván cơ hồ rung rinh cả ngôi nhà. Nàng tiếp:

- Đời em kể như tiêu rồi. Chỉ có anh mới cứu được em thôi.

- Lại ghen với Chia.

- Ghen cũng có nhưng hết rồi. Em còn đâu nữa để mà ghen. Em sẽ ra Củ Chi công tác, như em đã nói. Vậy thì chỉ có chết thôi. Em đến đây hôm nay là nhằm ngày trứng rụng để em có con với anh. Nếu trong ba tháng liền mà em tắt kinh thì em nghỉ công tác luôn. - Ua nói rất bình tĩnh như chuyện thường - Em sẽ ở nhà nuôi con. Ai hỏi em con ai, em sẽ đưa tấm hình ra, không cần giấu giếm.

- Hình rửa rồi à? Thợ nào vậy?

- Rửa rồi. Em rửa lấy chớ thợ nào. Chú Sáu Huỳnh có bộ phận nhiếp ảnh. Thằng cha Bắc kỳ tên gì không rõ ở ngoài Củ Chi lâu lâu đem phim vô rửa trong này. Nó bảo em vô phòng tối giúp cho nó một tay. Em ham coi hình nên em vô. Nó vừa làm vừa dụ dỗ em, bảo nếu thích ra Củ Chi ở với nó mở tiệm chụp hình. Nó sẽ chụp hình em thiệt to treo ở trong tiệm... Rồi nó mò em, nó hun em. Chàng ngờ em học được nghề nó và hôm nay lại có ích!

Nàng móc túi lấy ra một xấp ảnh đen trắng:

- Chối nữa thôi.

Tôi nhìn tấm đầu tiên mà lóa cả mắt, chóng mặt giây lâu. Mình nhìn rõ lại mình.

- Em cũng mắc cỡ quá trời, nhưng nhìn vài ba lần thì quen. Rồi em nhớ anh, em không chịu được. Con Chia chụp hụt mấy pô

Trời đất! Con nhỏ này ngông nghênh.lãng mạn đến kỳ cùng. Pô thứ nhất ghi dấu thằng Đồng Khởi của tôi trong tư thế... Pô thứ hai..... Pô thứ ba.... nghĩa là một trăm phần trăm em ơi!

- Em đưa của con Chia cho nó. Còn cái nào có dính cả hai đứa thì em cất.

- Coi chừng lọt ra ngoài thì chết.

- Em hổng sợ mà anh sợ hả?

Tôi không hiểu nàng tiêm nhiễm ở đâu các kiểu lãng mạn kỳ tình đó. Văn hóa Đồng Dù và cái không khí chết chóc của Củ Chi? Con người biết mình sắp chết nên tìm những thú vị chăng? Chắc là vậy. Nàng rất tha thiết lặp đi lặp lại:

- Em muốn có con với anh. Còn việc anh cưới em, em không đòi hỏi như trước nữa. Em biết là việc đó bất thành. Nhưng em muốn giữ lại cho tình yêu duy nhất của em một kỷ niệm thật chớ không mơ hồ hoặc trong những bức thư.

- Em không bỏ công tác được à?

- Em đã thề với ông Chín Lộc là không bỏ cũng không làm hại công tác. Cũng như anh, anh có bỏ đảng, bỏ cách mạng được không?

Tôi lặng thinh. Nàng cứ nói miên man, hễ tôi ngưng lâu nàng tiếp. Những câu nói như những vết búa đập chan chát vào tình cảm của tôi. Tôi có cảm tưởng là nàng đã lặp lại những câu nói trong một cuốn tiểu thuyết nào hay chính nàng đang, hoặc đã trở thành nhân vật tiểu thuyết. Nàng mếu máo rồi khóc nức nở:

- Em không còn ghen với con Chia nữa. Vì nó rồi cũng như em thôi. Anh sẽ không cưới nó, còn nó rồi sẽ không còn ở đây. Cái hầm của chúng ta từng sống với nhau sẽ bỏ hoang. Không có nó, không có em và cũng không có anh đến nữa. Má nó sẽ dời ra thị trấn ở với má em. Chúng ta sẽ không còn gặp nhau... Yêu em đi. Đây là lần cuối cùng. May mắn trời cho thì em có được đứa con.

Đây là lần cuối cùng chăng? Tôi yêu nàng, đứng, giữa ban ngày, giữa hoang tàn và giữa tiếng bom, pháo gần, xa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx