sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 51: Mối Tình Già Éo Le Của Một Đại Úy Pháo Binh

Thằng Đỏ chở tôi đến nhà Hai Giả. Đáng lẽ y phải tới bàn giao công việc cho tôi mới phải, nhưng thôi, bạn bè hơn nhau một chút cũng chẳng mập béo gì. Ở giữa cơ quan có nhân viên lại càng bất tiện cho y. Chiếc xe đạp lọc cọc lăn trên đường gồ ghề màu đất nâu sậm như báo hiệu rằng Củ Chi Đất Thép sẽ nhuộm máu. Đạp một lúc thằng Đỏ bảo:

- Đi bộ thôi anh. Đi xe đường xấu giằn đau đít lắm! Anh đứng nép vô để đầm già nó liếc. Tôi trở về cất chiếc xe đạp.

Tôi đứng bên đường chờ nó trở lại. Tôi đưa mắt ngó chung quanh. Hầu hết những ngôi nhà lớn lợp ngói không còn nguyên, nhà cỡ trung bình cũng đều giở xuống. Người ta đã biết trước những gì sẽ xảy ra khi thấy cái Đồng Dù càng ngày càng xúc tiến mạnh. Ngày nào trực thăng cũng đeo những cục tròn tròn dài dài dưới bụng nó đem nhả xuống Đồng Dù. Còn bên trong thì nhà cửa bằng gỗ thông được dựng lên, cột điện trồng tua tủa, đường thì trải nhựa, bắt ống nước, xây lầu nước. Những người đi làm công cho Mỹ về đồn rinh tai: "Nó làm in như một thành phố! Nó ăn thua đủ với mình! Nó mọc rễ ở luôn..."

Ngôi nhà bên vệ đường ngay trước mặt tôi chỉ còn trơ lại có cái nền. Một đống cột đầu vuông chất ngổn ngang bên cạnh với mấy cái tàu dừa che lên trên lấy lệ. Trong kháng chiến chống Pháp nhà tôi bị đốt, má tôi ngồi khóc. Nhưng tôi không thấy buồn gì cả, trái lại càng kiêu hãnh, làm thơ:

Bây giờ thì khác. Cứ mỗi lần thấy một ngôi nhà bị cháy vì rốc-kết (Mỹ không đốt nhà như Tây) hoặc chủ nhà bỏ đi, tôi buồn ghê gớm. Ở cái tuổi này sau khi ở đậu trong hàng ngàn ngôi nhà của dân từ Nam ra Bắc và đã từng sống không nhà ba tháng dọc Trường Sơn, hai năm lẩn lút trong những ngôi nhà không ra nhà ở trên rừng, tôi cảm thấy tất cả sự ấm áp của một ngôi nhà trong đó có bàn thờ, có buồng ngủ, có ván gõ ván dầu, có bếp, có khói nấu cơm và hơn nữa có tiếng đàn bà, con nít vui chơi hoặc khóc ré.

Mỗi một hòn đất đắp vào nền nhà, mỗi một thanh gỗ bào đẻo trơn tru, mỗi một nuộc lạt buộc vách là một giọt mồ hôi, một tình cảm yêu thương đằm thắm. Thế mà chủ nhà phải bỏ đi, hơn thế nữa phải mất nó trong nháy mắt. Đêm qua thằng Đỏ có kể cho tôi chuyện hai vợ chồng bị một trái cà-nông ngay đêm tân hôn. Tôi luôn luôn có ý nghĩ: "thằng Mỹ ác quá!". Nhưng Bác Đảng cũng ác chẳng kém gì. Mười năm dân Miền Nam đã tự hàn gắn laị được vết thương chống Pháp, bây giờ chính Đảng laị chọc vào đó, xé toạc nó ra. Đảng đã thọc cây vào ổ kiến lửa trách gì nó không cắn cho bầm mình. Nó đánh cả Hà Nội rồi. Cả hai miền đều ăn dưa hấu tấn.

Thằng Đỏ trở lại:

- Đi bộ 15 phút mà khoẻ. Hơn là đi xe, đầm già nó cão đùng mình nhảy không kịp.

Đỏ vừa đi vừa chỉ từng nhà cắt nghĩa cho tôi nghe:

- Đây là nhà của má Mười. Con cái chết đâu hết cả, chỉ còn một ông con trai ở nhà tên là Tám Lù. Ông ta lờ khờ, nên trong xóm gọi là Tám Lù Đù. Bà má này cỡ anh thì vô làm con ngọt, còn lính lác thì đừng hòng.

- Sao vậy?

- Hổng biết tại sao. Hễ mang K54 tới thì kể như có ưu điểm liền. Để bữa nào tôi dắt anh tới giới thiệu anh là trưởng ban H6, rồi anh sẽ thấy gà vịt đơm tới nườm nượp.

Qua ngang chiếc quán cóc ở đầu đường, Đỏ bảo:

- Quán này có bán đường, đậu, mắm, thuốc hút, xà bông thơm, nhưng không có giấy tập. Tôi thèm một mớ để chép bài hát của chị Bảy Mô cho mà chưa dám ra chợ An Nhơn.

- Sao vậy?

- Bom bỏ thường lắm. Ra đó chậm chân thì hết có về.

- Vườn tược ở đây vẫn còn y nguyên hả Đỏ?

- Lâu lâu bị pháo vài trái. Nhưng thiệt ác. Một trái pháo mồ côi trúng hai vợ chồng mới cưới tôi kể cho anh đêm qua đó. Ở ngoài lộ ngó vô thì tưởng vườn tượt còn nguyên, vô trong rồi thì toàn hố bom hố pháo.

Tôi để ý thấy có nhà còn để cây rơm, có nhà còn gà gáy,có nhiều vườn xanh tươi, măng cụt, lôm chôm, có những bụi trúc quằn ngọn đốn làm cần câu thì tốt lắm, nhưng có lẽ không ai có kiên nhẫn ngồi câu nên trúc vẫn còn đứng chôn chân đó như những cô gái đẹp chờ người tới rước về nhà chồng. Có ngỏ nhà vui hơn với ba chú trâu nằm chơi vô tư không để ý khách đi qua. Khi sắp ra đường 15 thì có một em bé gái chạy tới kêu to:

-Anh Đỏ!

Đỏ nói với tôi:

- Đó là con gái của bà Chín Kiểu, vợ ông Hai Giả.

Cô bé đi tới nói tía lia:

- Cậu tôi biểu tôi ra quán mua trà thuốc về đất khách.

- Khách nào?

- Hổng biết khách nào. Cẩu còn biểu má tôi chiên bánh xèo nữa.

Đỏ trỏ vào tôi:

- Khách đây nè! - rồi nhìn tôi, cười hí hí - Bữa nay mình có lộc ăn nữa rồi anh Hai.

Con bé có lẽ nhận ra vai trò của ông khách đối với bố dượng của nó, nên nhìn tôi bằng cặp mắt là lạ. Tôi hỏi:

- Em tên gì?

- Cậu kêu con bằng con nghe cậu Hai.

- Cậu Hai chưa có vợ sao có con được chị Gái!

Cô bé lườm Đỏ. Tôi nói ngay:

- Đã là con gái sao còn lấy tên là Gái? Tên Thơm, Thảo, Bông, Hoa, Đẹp... thiếu gì!

- Tại con không có cha nên má con không biết đặt tên gì. Thôi, cậu cho con một cái đi.

Đỏ xen vào:

- Muốn đặt tên thì phải nấu chè. Anh đặt cho nó là con Thơm đi anh Hai.

-Dạ được!

Con bé mừng nhảy chân sáo biến đi nhanh rồi trở lại với trà thuốc trên tay. Tôi nghĩ thầm: con bé như thế này chắc mẹ nó phải đẹp lắm. Hèn chi Hai Giả quên cả trời đất chớ gì. Vào đến sân nhà, Thơm kêu to:

- Má ơi, má có cậu Hai tới!

Một chiếc xe đạp mới toanh dựng ở bẹ cửa vách ván. Một người đàn ông bước ra thềm bắt tay tôi. Tôi quen Hai Giả từ ngoài Bắc, nên câu chuyện khởi đầu rất thân mật. Hai Giả giới thiệu với vợ y:

- Ông này là thầy dạy pháo của tôi ở ngoài Bắc đó Chín!

Người đàn bà có nước da trắng trẻo, tóc đen nhánh bao quanh gương mặt xương xương có vẻ không phải là nông dân, trái ngược với gương mặt hơi thô của Hai Giả. À, ra đây là bà Chín Kiểu mà lâu nay tôi nghe đồn là người bắt được hồn thư của ngài đại úy pháo binh bằng cái sắc đẹp đã vào thu của bà. Tôi ngó quanh thấy cảnh nhà rất ấm cúng. Bàn thờ chạm trổ

mun đen, trên đó có cặp chân 5hờ cổ kính. Một ngọn đèn Hoa Kỳ nhỏ bằng hạt đậu xanh để dựa vách bàn thờ. Tôi mở đầu:

- Ông Tư Khanh cho tôi về đây, tôi mừng húm, xách quyết định bay đi liền. Ông nhớ không, hồi ở Sơn Tây, chiều thứ bảy nào tôi với ông cũng làm cua-rơ đua qua cầu Ái Mỗ.

Hai Giả nói giọng buồn tênh:

- Thầy.còn làm cua-rơ chớ tôi thì hết rồi. Đeo hai cái wagons còn đua sao được nữa mà đua với thầy.

Tôi nhìn Hai Giả, chờ đợi một câu mà tôi chắc là ai oán. Quả nhiên, Hai Giả thở dài:

- Ông thầy ơi! ông cứu tôi đi! Tôi nghe bạn bè quen nói ông giải quyết êm xuôi vụ Ái Mỗ của ông Đào. Tôi phục thầy lắm. Thầy làm dùm tình sư đệ. Thì bây giờ đến vụ này của tôi. Tôi vẫn còn là đệ tử của thầy ở E400. Thầy được cấp trên nể phục, cấp dưới sùng bái, chẳng lẽ thầy lại cầm gậy đánh gãy xương sống của đệ tử thầy hay sao?

Tôi ngồi lặng thinh, nghe da thịt ran rát như bị ngàn mũi kim châm. Tôi biết làm sao bây giờ. Hồi ở trường pháo binh trên R tôi cũng đã cứu thằng Sâm một keo. Kỳ này mọi việc đã rồi. Tôi chỉ còn có thể an ủi y thôi. Tôi cố giấu vẻ xúc động. Thiệt tình tôi thấy tội nghiệp y vô cùng. Hai Giả than thở:

- Cũng là trời khiến thầy ạ. Nếu tôi không về đây thì cần câu đâu có mắc gốc thế này. Thầy còn nhớ hồi trước không?

- Nhớ gì?

- Nhớ trận đánh xà-lan của Tây ở tại Bến Dòng Sỏi trên sông Sài gòn này! Lúc đó tôi mới mười tám tuổi nhưng đã chỉ huy một trung đội cơ động trong chiến dịch Bến Cát, có trách nhiệm quốc lộ 13 và sông Sài gòn. Hồi đó nghĩ mình dữ thiệt! Có một trung đội mà chịu hai mặt bộ binh lẫn hải quân của Tây. Không biết sợ là gì. Gặp xe tăng cũng bắn, gặp tàu cũng chơi. Trận đó ba con Gái mới là trung đội phó, nhưng nó gan lắm. Vì gan nên mới hi sinh... - Hai Giả ngưng một chút rồi tiếp - Hi sinh để lại một bà vợ chửa mới hai mươi tuổi Là bà này đây. Còn đứa bé trong bụng là con nhỏ đó.

Hai Giả chỉ hai mẹ con đang đứng khép nép ở cửa buồng. Hai Giả cố nén giọng cảm động để kể nốt câu chuyện:

- Trời xui đất khiến gì đấy ông ạ. Hay hồn thằng bạn cũ nó hướng dẫn tôi tới cái nhà này. Một hôm tôi đi lên K10 về. Hồi đó ông Năm Lê chưa về đây. Ông Hai Phụng Phó tư lệnh còn kiêm Trường phòng tham mưu. Trời tối, tôi lại bị xẹp bánh xe. Tôi vô đại cái nhà bên đường xin tá túc. Hồi đó vùng này còn sầm uất lắm. Y như thời chín năm vậy. Tôi ngồi ở cái bàn trước kia kìa. Bỗng tôi ngó lên bàn thờ thấy cái ảnh quen quen. Tôi hỏi ra mới biết là thằng bạn đã hi sinh trong trận Dòng Sỏi. Đêm đó tôi ở lại đây, nhắc chuyện cũ cho bả nghe. Rồi hai bên thông cảm, rồi sau đó tới lui thăm viếng bàn thờ thằng bạn. Rồi... vậy đó. Con nhỏ nay đã mười bảy tuổi rồi. Hai mẹ con hủ hỉ với nhau. Ông coi, đó có phải là trời đất xui khiến không?

Tôi nghĩ: Quả là trời xui đất khiến thật. Giống y như tiểu thuyết lạ lùng. Người đàn bà có con gái lớn ngần ấy vẫn chưa lấy chồng. Nay gặp bạn cũ của chồng nên không muốn thủ tiết nữa. Chiến tranh, dù là thứ chiến tranh gì, cái hậu quả thảm khốc của nó vẫn đổ cho người mẹ, người vợ gánh chịu. Tôi đã gặp cái màn kịch vợ góa con côi khá nhiều ở cái Đất Thép này.

Tôi muốn gạt phăng mọi thứ kiểm thảo giả dối nhằm bao che một thứ đạo đức rỡm đã bị bọn lãnh tụ sơn phết từ thời kháng chiến tới giờ, như Ba Lắm chửi: "Đù mẹ tụi nó! Tụi nó lấy vợ bé địa chủ thì không sao, còn mình thì tụi nó bảo là sai lập trường!" Tôi nhắm hớp trà thấm giọng rồi nói:

- Sự thực ở trên cũng không có định làm gì to chuyện đâu. Riêng tôi, tôi cũng thấy không có gì to tát. Tôi nhìn vào khả năng và thành tích của ông chớ! Từ 1945 tới nay đầu chúng mình đã trọc mấy thứ tóc rồi mà! Anh cứ yên tâm, và nhớ rằng đây không phải là ý muốn.của tôi, anh cứ đi công tác xa một thời gian, thế là xong. Khi về tôi sẽ tuyên bố xóa bỏ tất cả khuyết điểm của anh. Anh sẽ không mất gì cả. (Tôi đâm ra kính trọng con người Hai Giả) Anh Hai nhé! Chị Chín nhé!

Người đàn bà bước ra ngồi gần chồng đối diện với tôi, mắt đỏ hoe, giọng xúc động:

- Hồi nào tới bây giờ tôi mới nghe một người nói có tình có lý như cậu vậy! Xin lỗi tôi chắc cậu còn trẻ hơn tôi. Ba sắp nhỏ hi sinh nay đã mười bảy cái lễ giỗ rồi. Tôi ghi từng lễ giỗ bằng gạch vôi trên vách đó! - Chị Chín trỏ lên vách - Tôi đếm từng cái Tết mỗi khi tôi may áo mới cho con. Tôi đã quyết định không lấy ai nữa. Con gái đã có chồng thì chỉ một lần. Chồng chết thì ở với con. May mà ảnh còn để lại cho tôi giọt máu này. Nhưng hình như trời xui đất khiến cho nên anh Hai mới ghé vào tá túc lần đó...

Hai Giả tiếp:

- Mấy thằng quận ủy đến ve vãn bả không được nên ganh ghét viết báo cáo khuếch đại gởi cho Bộ tư lệnh, làm cho mấy chả đòi khai trừ và giáng cấp tôi. Tôi thầm bảo: khai trừ như nói láo, cảnh cáo như nói chơi. Cứ làm! Tao ra dân, chẳng sao cả. Nhưng còn tụi bây thằng nào cũng ê chề một đống, ai cảnh cáo, ai khai trừ tụi mày? Ông ở đây một thời gian rồi sẽ thấy mấy thằng địa phương này khó chịu lắm!Khi cần thì nó đội mình lên, khi mình ngã thì nó đạp luôn. Hồi 60, Đồng Khởi xong chỉ có loe hoe ba cây súng ngựa trời, nếu không có bọn tập kết mình về, tụi Sài gòn nó nhai đầu cái một làm gì có Quân khu IV này, làm sao có chiến tranh chính trị nọ kia? Bây giờ có quyền, có thế, nhờ ai? Vậy mà chúng nó ghét dân tập kết ghê lắm!

Tôi biết Hai Giả có những nỗi u uất bị đè nén từ lâu, bây giờ có dịp tuôn ra. Anh tiếp:

- Còn ở trên biểu pháo kích Đồng Dù, biểu móc súng lên để trên mặt đất rồi sinh hoạt như hồi chín năm! Xì, cái đó dễ ợt. Tôi sẽ pháo kích cho mấy ổng coi. Tôi sẽ dựng pháo trong nhà đồng bào và sinh hoạt ỳ xèo cho mấy ổng khoái mắt. Nhưng chỉ trong một tuần lễ là mất cả súng lẫn người. Các ông chui vô hầm Đờ-cát-tri chỉ thị ra ngoài, nói rùm lên trên đài nào là vành đai thép, nào dũng sĩ diệt Mỹ. Có thật không? Tụi thằng Cội, con Nê bắn một phát súng bá đỏ nó pháo trả một trăm quả. Đồng bào chửi cho không dám ló mặt lên. Tôi mà bắn nó một quả là nó đem B52 và xe tăng tới. Chừng đó đồng bào sẽ đuổi mình đi như đuổi tà. Để rồi xem!

Hai Giả càng nói càng hăng:

- Thầy còn lạ gì cối 120 nòng nặng một tạ, đế hơn năm chục kí, sức người làm sao vận động nổi với trực thăng và cơ giới chớ! Mình vừa lên tiếng rống là nó đổ chụp ngay trên đầu. Tôi đã bị mấy cú ở Phú Hòa Đông rồi. Tôi đặt ở hậu cứ Cây Trôm để chi viện cho bộ binh đánh giao thông. Trận đó tôi đã nếm mùi tân khổ. May mà chưa mất khẩu nào. Chỉ bị hỏng hai khẩu 120 ly ở Láng Cát thôi. Thằng Việt đại đội trưởng hi sinh, mất xác.

- Sao vậy?

- Đang rút thì B52 đến. Tưởng nó đã vùi tất cả đơn vị rồi chớ. Chạy bò về tới Bàu Lách đứa nào đứa nấy hộc máu ra đằng đít. Mấy chả có biết đâu. Thằng Tám Quang, Liên khu nem cứ oang oang cái mõm chó sủa um: Vành đai thép, dũng sĩ diệt Mỹ. Có cái con mẹ gì. Tụi nó chỉ nhảy cóc nhảy nhái thôi, chớ tình hình căng chút nữa là trốn mất hết cho coi! Còn tụi quận ủy hả? Hết cái màn đấu tranh chính trị rồi, bây giờ tới lớp ngồi thum. Một bước cũng không dám rời khỏi miệng hầm. Chúng rút xuống âm đạo mắc cặp như ếch dưới đó. Có gì thì bịt kín, phá thai, nhưng ai cũng biết. Cái vành đai thép đài giải phóng la um, tôi nghe mắc cỡ quá chừng. Đó chẳng qua mấy sợi lông le the chọc cho Đồng Dù nó ngứa mắt, nó giã cho nhừ xương cấp kỳ. Bây giờ bọn thằng Cội, con Nê đã tróc hết rồi. Chúng nó bị xe tăng ủi chạy dồn xuống đây chớ bám gì được mà bám. Tôi nằm ở đây nhưng nghe nó thầy làm anh hùng pháo kích sân bay Biên Hòa, vẫn nghe thấy thằng Đồng mất hết mấy khẩu DKZ và cối 120 ở lòng sông Bé, Tư Quảnh, Ba Tô Đê rửa chân lên bàn thờ. Còn thằng Đông không biết có trở về được không?

....Vậy là xong vụ Hai Giả. Chị Chín mời tôi ở lại ăn cơm nhưng tôi từ chối vì việc nhà quá đa đoan. Thực ra tôi không muốn nghe Hai Giả tố cáo cấp trên thêm. Tố thì cũng được nhưng tôi sợ tôi đồng bịnh tương lân. Nghe y tố tôi cũng tôi theo thi bọn Bắc.kỳ xâm lược sẽ có lý do mà chơi tôi.

Lòng buồn bạc mạng, tôi cùng thằng nhỏ lủi thủi ra về. Tôi mang theo thêm một trời tâm sự của một thằng bạn đường đang gặp chuyện không may. Cứu nó ư? Bằng cách nào. Bất cứ cách nào nếu tôi có quyền có phép. Tôi sẽ bịt các cái mồm bép xép trong cơ quan và sẽ gặp thằng Một Sơn bí thư quận ủy cho nó một trận giằn mặt. Chính nó mới là kẻ đáng thi hành kỹ luật trong khi đó nó lại đi cầm kỷ luật để nện người khác. Cái cung cách muôn thuở trong đảng là như thế. Những tên vô kỷ luật, phá nát kỷ luật nhất là những tên cao cấp. Chính chúng là những tên ký những bản án kỹ luật cho đồng chí mình. Tiêu biểu nhất là tên Lê Đức Thọ. Trên đời này thằng đàn ông nào có vợ mà không quyến rủ bởi nhan sắc hoặc lời êm tiếng đẹp khác?

Cô bé Thơm (tên bé Gái tôi vừa đặt) chạy theo dặn Đỏ:

- Chừng nào rảnh anh ra đây tôi cho cá lòng tong về kho quéo.

Tôi hỏi:

- Lòng tong ở đâu mà có?

- Dạ ở dưới rạch Sơn vô đây cả bầy. Hễ nước lớn cháu chỉ cần rải cám rồi móc hột cơm vô lưỡi câu, quất trên màn nước, một lát có đủ kho cả tộ.

Dường như chưa vơi tâm sự Hai Giả đuổi theo tôi ra tận ngỏ. Y nói:

- Ở đây lúc trước có tàu đi Dầu Tiếng xuống Bình Dương. Bây giờ thì hết chỉ có giang thuyền thôi, nhưng nếu du kích không chọc nó, nó chỉ thả xuôi êm ru không xổ lên bờ viên nào!

Hai Giả nhắc lại chuyện cũ:

- Con nhỏ đó như vậy thì thằng tía nó hẳn không xấu trai phải không thầy? Tội nghiệp, lúc đó bả có hai mươi còn nó mới hăm lăm. Chết bỏ vợ bỏ con. Đau quá! Tôi biết tôi ở với bà ta là lỗi đạo với vợ con tôi, nhưng thầy rành mà, trước một người đàn bà như vậy ai cũng mềm lòng. Thằng Út Việt ở trên xóm trên kia cà, bị một trái bom bỏ vợ mang bầu. Hầm bê tông cốt sắt cũng không chịu nổi...

Hai Giả nói câu này không ăn với câu kia, chứng tỏ tâm thần không bình thường.

Theo lời mời của Sáu Phấn, sau cuộc họp bàn tròn tay đôi, tôi và Hai Giả đến nhà y ăn bánh xèo, nhưng Hai Giả không đi lấy cớ ở nhà thu xếp công việc để đi công tác, nhưng tôi bắt ép nên phải đi. Tôi muốn an ủi và trấn tỉnh y luôn. Thực tình tôi tội nghiệp y quá:

- Đến tiệc bánh xèo thì cũng lại gặp tôm.

Hai Giả vui vẻ:

- Lại cũng tôm thằng chổng?

Sáu Phấn đem ra một lít rượu trong như mắt mèo:

- Tôm đó thì phải có rượu này mới trị nổi!

Sáu Phấn vừa nói vừa chiếc nhạo bông xanh rồi rót ra ba cái chun có in hình ông Phật và nói.

- Bữa nay coi mòi êm. Chỉ còn ngại ba thằng giang thuyền nữa thôi. Từ Bến Chùa đến Xóm Dược du kích hay chọc nên nó mới bắn ra-phan M79 hoặc đổ bộ lên bờ rượt du kích.

- Có vụ rượt du kích nữa sao anh?

- Có chớ, nó đâu có ngán thứ trường bá đỏ! Nhưng miệt An Nhơn trở xuống Bến Mương thì không ai làm gì nên nó cũng không làm gì ai.

Tôi hỏi:

- Mình chơi nó vài phát DKZ không được sao?

Hai Giả trả lời dứt khoát.

- Chơi thì được, nhưng đồng lầy, chơi rồi chạy mắc lầy chết luôn!

Sáu Phấn cũng phụ họa:

-Tụi nó kỹ lắm. Nó đi lêu bêu như cá chết trôi như vậy nhưng hễ mình đụng tới nó là nó sừng gai ngạnh của nó lên ngay.

Đang trao đổi ý kiến về dự kiến một trận đánh giang thuyền thì một người con gái bưng bánh xèo trên cái sàng lót lá chuối xanh ra bồi thêm. Tôi nhát trông thấy đã mất hồn ngay. Nàng ta đẹp hơn tất cả những người con gái và đàn bà tôi biết từ trước đến nay. Nàng vừa khuất lưng vào bếp, Hai Giả điệu đàng nói ngay:

- Em vợ Sáu Phấn đó ông bạn trẻ à! Có lẽ anh ta không chịu nghèo ba năm đâu?

Tôi cười:

- Chịu không anh Sáu?

- Chịu nghèo ba năm thì ăn thua gì, ngặt một điều.

- Điều gì?

Sáu Phấn khom qua bàn xầm xì với tôi. Tôi hoang mang lúc lâu nhưng dùng rượu để trấn áp sự hoang mang đó ngay. Hai Giả xua tay:

- Không sao đâu! Gái một con trông mòn con mắt. Ông Phấn nói toẹt ra cho rồi!

Sáu Phấn tớp chung rượu và gật gù:

- - Chồng nó đi công trường 9 đánh trận Đồng Xoài. Con nó đã năm tuổi rồi. Lính nhà mình cũng bủa lưới phóng lao dữ lắm nhưng phóng cây nào trớt cây nấy.

Sáu Phấn quay mặt gọi vào trong:

- Dì Mười a, còn bánh hết, đem thêm ít cái cho khách dùng!

Cô Mười duyên dáng bước ra. Má đỏ hồng hồng có lẽ vì đứng gần lửa. Nàng có đôi môi đỏ tự nhiên, làn da mặt và cổ trắng như bông bưởi, đôi vai tròn mà từ lúc gặp tôi luôn mơ tưởng được đụng vào. Mười vừa quay vô, Sáu Phấn lại bảo:

- Hết lá đọt mọt rồi dì chịu khó đi ra vượn hái thêm. Coi chừng kiến vàng đái vô mắt rồi khóc ở ngoài không có ai dỗ.

Tự nãy giờ có một ông già ngồi ăn chung mâm tứ trụ với chúng tôi mà Sáu Phấn giới thiệu là cậu Tám. Cậu Tám chỉ nói chuyện đưa đẩy chớ không nhiệt tình. Lúc chai rượu lưng quá nửa câu Tám mới khai pháo:

- Oa hồi trước cũng đi Vệ Quốc Đoàn mất sáu năm, bị thương về nhà làm xã đội luôn tới đình chiến. Sợ ở lại bị trả thù nên bán nhà cửa đồ đạc ghe xuồng dắt vợ con xuống bến Hàm Tân tập kết. Ai dè xuống đó người ta bảo thương binh cỡ tui không có tiêu chửn, cho nên đành dắt vợ con trở về. Nhà cửa bán hết rồi, phải qua bên vợ ở nhờ. Rồi lần hồi tạo lập cái khác! Bụng làm dạ chịu, chớ kêu ca với ai. Cũng may chánh quyền Sài gòn họ bắt tố cộng sơ sơ rồi thả, không đánh đập gì. Nhờ cố công mào sắt chầy ngày nên kim. Từ 1954 đến 1960 tôi kiếm lại được gấp đôi gấp ba cái tôi đã bán. Hai vợ chồng mới yên vui được một năm thì đến Đồng Khởi. Ừ, đồng thì đồng, dân kháng chiến chống Pháp lẽ nào làm lơ, nên tôi nhảy vào hò hét đốt lửa thổi kèn đu đủ, làm tùm lum. Hồi đó thằng Một Sơn bí thư huyện ủy bây giờ mới có làm tới chức ấp đội thôi. Nó chỉ biết thiến heo chớ biết đảng là cái gì Nó đâu có biết cầm súng trở họng ra hay trở họng vô. Làm việc gì nó cũng hỏi tôi ráo nạo.

Cậu Tám vuốt bộ râu ngạnh trê chép chép cái miệng móm không còn răng và tiếp:

- Sau Đồng Khởi, mình lập được bộ đội và có cả cánh tập kết luồn về. Do đó có hậu cần. Bảy Hốt bây giờ còn đó chứng kiến cho tui. Tui phụ một tay với chả. Gạo từ Bến Chùa cho qua Đường Long Thanh An đều có tên Tám Cần này chèo chống hết. Trực thăng bắn mấy lần tưởng đã lọi giò. May nhờ nhảy xuống sông lặn. Đạn đi sém ba sườn, vết thẹo còn đây. bên Thanh An có một anh bạn già từng tham gia kháng chiến chín năm cũng làm phụ với Bảy Hốt, nhưng chẳng may bị trực thăng bắn chết trên sông Sài gòn gần Bến Chùa. Vợ thằng chả bán quán, có hai đứa con gái như là tiểu thư. Còn bà ta thì uốn tóc quăn, chân giày chân dép, quần lụa áo bông như hoàng hậu. Tôi thấy bà ta trống chân bèn dạ hành tỏ vài phát thử xem thời vận ra sao, chẳng dè cụp ngay. Tôi cũng biết cái thân phận nam nhi thê tử lùm đùm của tôi làm như vậy là sái nhưng mà con mèo thấy mỡ đời nào lại tha cho được? Đàn ông chẳng thằng nào thấy đàn bà góa mà không ve bao giờ.

Hai Giả bật cười:

- Chú Tám nói điệu lắm. Rồi sao nữa chú?

- Nhưng cá vừa cắn câu thì kỳ đả cản mủi!

Sáu Phấn hỏi.

- Kỳ đà cụt đuôi hay kỳ đà dài đuôi vậy cậu Tám?

- Không biết cụt hay dài nhưng đúng là kỳ đà. Thôi, nói gần nói xa không qua nói thiệt. Đó là mấy ông quân khu. Mấy chả tới có cảnh vệ rình rang đóng tại nhà yến tiệc tưng bừng. Tưởng nhậu nhẹt xong là rút lui. Không dè mấy chả ra sau vườn đào hầm rồi trụ luôn. Cảnh vệ gác trước canh sau. Thằng lính hậu cần này đâu có chen lọt được. Mấy lần gặp tui ngoài đường, bà ta ngoảnh ngoảnh cái đầu quăn không nhìn chi thằng lái đuôi tôm ban đêm như ăn trộm. Trên 40 mà gác máy bay thứ nặng, B26 trở lên chớ không có coi đầm già cồng cộc ra gì đâu. Thôi thì nói quách ra cho rồi. Tư lịnh đó mấy chú, không thèm phó tư lịnh đâu.

Tôi chợt nhớ đến chuyện cô xã đội phó cho biết má Hai sang bên đó ở nhà dì Ba và có lần tụi trẻ nó bắt gặp hai cặp chân ló ra vách mùng. Tôi bèn hỏi:.

- Bả thứ mấy vậy chú Tám?

- Thứ ba - Cậu Tám nói luôn - bả có bà chị làm mẹ chiến sĩ ở Phú Mỹ Hưng mình nè. B52 cày đường 15 bả sợ quá bả dông qua ở đó luôn. Nghe nói mấy đứa con gái nhắn bả về để coi mặt thằng rể mà bả còn chùng chình không dám về.

Tôi nghĩ thầm: Thôi, vậy là đích thị ông Ba Xu rồi. Tôi nói:

- Vậy ra chú mới ở bên đó về đây?

- Thì mới tháng rồi chớ lâu lắc gì. Nghe đâu thằng rể cũng là dân mùa thu như chú em vậy.

Tôi nhấp nhỏm như ngồi trên bàn chông. Cậu Tám nhấm nháp vài hớp liên tiếp rồi nói:

- Sở dĩ tôi kể chuyện vòng vo Tam Quốc vậy là vì tôi nghe nói vụ chú Hai này lâu nay. Bữa nay nghe chú về thay thế chú Hai tôi có hơi động lòng ẩn trắc. Thật cũng có đáng trách tí chút nhưng mà phải thương chú ấy nhiều. Ví như xưa kia Thúc Sinh đi học xa bỏ vợ lớn ở nhà lấy nàng Kiều làm thiếp trong khi du học để nhờ lấy sự săn sóc của bàn tay đàn bà mà lo việc đèn sách. ông bố quá nghiêm nên rầy la, nhưng chàng ta đâu có bỏ nàng Kiều. Nếu chàng yêu nàng Kiều mà bạc đãi Hoạn Thư như vua Trụ hành hạ chánh cung thì mới đáng phạt. Còn đằng này mỗi bà đều có phần riêng. Bà lớn ở xa không săn sóc được chồng, bà nhỏ ở gần bên chồng thay mặt cho bà trong việc nâng khăn sửa trấp cho chồng mình, nếu tôi là đàn bà thì tôi càng cảm ơn bà nhỏ. Tôi hỏi mấy chú ông Ba Đình có vợ chưa, ông Năm Lê có vợ chưa mà mấy ông làm như vậy? Tôi dây, tôi cũng có vợ con, có cháu ngoại cháu nội rồi, nhưng mà thấy cái quần Mỹ A nháng qua nháng lại trước mắt, làm sao chịu nổi? Sách có câu: "Vũ vô kềm tỏa năng lưu khách, sắc bắt ba đào dị nịch nhân" mà! Nếu như mấy ông muốn thi hành kỹ luật chú Hai thì mấy ổng phải tự thi hành mình trước, như vậy mới nghiêm minh!

Cả bàn tiệc ngồi im. Thấy không ai hưởng ứng cậu Tám có vẻ ức nên càng nổ máy lớn:

- Ở cơ quan của tôi, ông Bảy Hốt đã nổi tiếng là Hốt, là vì tàu hàng vừa cặp Bến Dược là ổng hốt hết dầu lửa, nước mắm, muối đường gom vô kho hậu cần, dân không còn để mua. Do đó có tên Bảy Hốt, nhưng hốt hàng hóa không đáng nói, còn cái mục hốt kia nữa chớ! Một mình ổng hốt hai ba ổ. Tiền cơ quan ông chi đều đều nên ổ nào ổng muốn là hốt được. Như cái quán mụ Sáu Tỉnh cũng lọt vô tay ổng luôn... Ở đây ông nào cũng con vòng con cỡi hết ráo. Sáu Huỳnh thì chiếm cái quán con Tư The, Chín Lộc thì xực bánh bò, còn Năm Lê thì có vợ trong kháng chiến, có vợ ngoài Bắc rồi về đây vẫn... đâu phải riêng thằng Hai Giả mà bắt tội nó. Tui không phải bà con gì của nó hết, nhưng thấy việc bất công thì lên tiếng vậy thôi.

Sáu Phấn rót nước cho cậu Tám rồi xá xá:

- Cháu lạy cậu, cậu Tám ơi! Không phải chuyện gì cũng nói ra được đâu. Cái thằng làm lớn ngồi trên ván gõ người ta ăn giỗ, miệng chửi thề bốp trời thì được cho là bình dân, còn thằng lính lãi mà làm như vậy thì bị coi là lỗ mãng. Thằng lớn có vợ bé thì không sao cả, thằng nhỏ liếm láp chút đỉnh thi bị xét xử như kẻ mất lập trường. Đã là người lớn thì có người lớn bao che, ai làm gì được? Tôi thấy anh Hai chẳng phải tội tình gì cho lắm, nhưng vì ở trên hành hạ ảnh nên ảnh thối chí rồi từ lãng công đi đến bất chấp tổ chức. Nhưng tôi làm sao có ý kiến với người ta? Cậu cũng vậy chớ gì cậu Tám.

Cậu Tám đang nhâm nhi bỗng đưa hai tay lôi toạc hai vạt áo nút áo văng vào cả bàn tiệc, trợn mắt:

- Ê! mày Sáu Phấn, mày nên biết tên già Cần này cũng kháng chiến hai mùa như ai nghe! Chỉ thua thiên hạ là thua cái tài chỉ huy thôi, cho nên bây giờ còn làm lính chạy đuôi tôm chở gạo, coi vậy chớ hổng có sợ ai nghe mậy. Người ta đâu dám cho tao mò tôm sông Sài gòn. Có miệng là để nói chớ! Đâu mấy chú em khi nào có gặp Ba Tô Ký hỏi ảnh xem tao vô đảng hồi nào? Đảng có nói lấy phê bình và tự phê bình làm phương châm tiến bộ mà. Ai dám mở miệng phê bình mấy ông kẹ thì bị nhai đầu ngay. Tao không có chán công tác mà tao chán người lãnh đạo. Vậy nên tao về luôn bên này không qua Thanh An nữa. Bảy Hốt năn nỉ tao năm lần bảy lượt, tao nói vết thương cũ hành, không có thuốc nên tao xin tạm nghỉ một thời gian.

Mâm nhậu bỗng nhiên mất hứng. Nhưng cũng may con bé Hoàn khệ nệ bưng rổ đọt mọt ra. Sáu Phấn trỏ tôi và bảo:

-Đưa cho ông đó.

Bé Hoàn nhích lại gần tôi. Con bé mặt như hoa, giống in mẹ nó. Sáu Phấn hỏi:

- Cháu biết ai đó không?

- Dạ biết.

- Ai?

- Dạ cậu Hai!

- Cậu Hai nào?

- Dạ con hổng biết.

Tôi đỡ lấy rổ đọt mọt non mỡn, mướt như thoa mỡ để lên bàn. Sáu Phấn lại bảo:

- Cháu vô hỏi má cháu xem đó là ai?

Tôi ẵm bé để ngồi trên bắp vế tôi và hỏi:

- Cháu ăn bánh chưa?

- Dạ cháu ăn rồi.

- Cháu đi học chưa?

- Dạ chưa. Má cháu bảo chừng nào ra ấp chiến lược mới học được.

- Sao vậy?

- Ở trong này trường nghỉ hết rồi.

- Để cậu dạy cho cháu học.

Sáu Phấn bảo:

- Cháu hỏi cậu Hai có gặp ba cháu ở đâu không?

Bé Hoàn làm thinh một chốc rồi nói:

- Má cháu nói ba cháu đi công tác ở ngoài Phước Long.

Tôi hỏi Sáu Phấn.

- Thiệt hả, anh Sáu?

Sáu Phấn nháy tôi rồi bảo bé Hoàn:

- Cháu vô bảo mẹ cháu chiên bánh mau mau đem ra.

Con bé nhảy xuống đất nhanh nhẹn biến vào bếp. Tôi nhìn theo mái tóc đen huyền với nỗi chua xót trong lòng.

Hai Giả nãy giờ ngồi im, chỉ lâu lâu đưa ly rượu lên miệng nhắm khẽ lấy lệ. Cậu Tám quay sang tôi:

- Chú em không nhớ tôi thiệt sao?

- Dạ, xin lỗi chú Tám cháu chưa nhớ ra!

- Nhớ cái vụ chú mày xách giấy của ông Ba Tô Ký lại kho lấy đường sữa và xà bông thơm chiến lợi phẩm của trận Chơn Thành không? Nhớ kỷ xem ai phát cho chú!

- A! cháu nhớ ra rồi!

Cậu Tám không để cho tôi nói, hỏi tiếp.

- Ba Tô Ký ở đâu bây giờ? Còn ông Tám Nghệ nữa?

- Dạ anh Ba Tô Ký thì về trong này rồi, nhưng trở ra Bắc vì đau.bao tử: Còn anh Tám Nghệ thì làm kinh tài ở trên Cao Miên. Ảnh già rồi, đau yếu xề xệ đâu còn như xưa, chú Tám!

Cậu Tám thở dài rồi quay sang thấy Hai Giả trầm tư thì bảo:

-Đừng có buồn mày Hai. Con người không phải giá trị chỉ có bấy nhiêu. Hồi xưa đánh Tây, tao nổi tiếng là bán trời không mời thiên lôi. Chơi bời sái nát công tác chạy đều thì thôi. Trông đội tao, tao chỉ phục mỗi một mình Hoàng Thọ và anh Bảy Phong Vân thôi. Hai ông này.phá phách phụ nữ kinh khủng nhưng đánh giặc thì kinh hồn. Còn tao chỉ tiếc một điều là trong trận La Ngà có một con đầm sợ mình giết chết, nó tuột váy trước mặt chiến sĩ. Áy cha cha! ăn mắm kho hoài xót ruột gặp bít-tết lại ngó lơ, uổng biết chừng nào. Nó về bên Tây, chắc nó cho rằng lính mình bị thiến hết ráo.

Hai Giả bật cười và tươi hửng lên:

- Tôi được nghe ông tân trưởng ban nói những lời chân tình hồi sáng, bây giờ lại nghe chú Tám rót thêm, thật tôi hả dạ vô cùng!

Hai Giả cầm nhạo rượu rót đầy hai chung.

- Kính chú Tám một ly - rồi quay qua tôi - Đồng chí nhỏ hơn tôi một con giáp nhưng cũng kính mời một ly tri ngộ.

Nhìn gã đại úy già rưng rưng nước mắt tôi thấy thương và thông cảm anh ta hơn bao giờ hết. Cậu Tám rót rượu tạ lại Hai Giả rồi cả bàn cùng vui vẻ cạn ly.

Tan tiệc tôi ra về. Hơi ngà ngà say, lòng buồn não nề. Không có ai bên cạnh để tâm sự. Thằng Đỏ thì nhỏ quá biết gì cuộc chiến tranh lớp trước. Những cán bộ lứa Hai Giả, Sáu Phấn, Ba Tố... đều kháng chiến hai mùa cả. Đi kháng chiến càng lâu, tâm sự càng nặng nề u uất. Thằng Đỏ mắc võng và bảo tôi:

- Anh ngủ sớm đi, mai còn họp Ban.

Tôi leo lên võng nằm lắc lư ngó sao trên trời nhấp nháy. Bỗng bật lên trong tâm trí tôi một bài hát xưa nhất trong những bài tôi thuộc, bài Nhớ Mẹ của Đức Quỳnh.

Tôi vừa dứt tiếng thì thằng Đỏ nói:

- Anh hát bài gì buồn dữ vậy anh? Tôi muốn khóc nè!

- Tao cũng buồn lắm.

- Phải bây giờ còn sớm tôi với anh ra nhà chị Bảy Mô biểu chỉ đờn nghe cho đỡ buồn.

- Đờn nghe còn buồn hơn nữa mày ơi! Mà đờn đứt giây hết rồi.

Thằng Đỏ làm thinh. Một lát tôi hỏi:

- Mày có muốn về nhà không, tao cho phép mày về ít ngày.

- Không anh ạ. Lúc này cơ quan đang chấn chỉnh mà về coi sao được.

- Về phép chớ phải bỏ ngũ sao.

- Sợ ông ngoại em bắt ở nhà luôn... với sợ đi ngang Láng Cát.

- Láng Cát là cái gì đó mà sợ?

- B52 cày trận D8 đánh ở quốc lộ 1. Ngó thấy rùng rợn lắm anh à. Nó bào láng tè hết không còn một cái cây. Chỗ đó không đi xe đạp được.

Một loạt M79 xa xa. Thằng Đỏ ngồi dậy:

- Nó bắn ở Bến Dược. Chắc mấy ông du kích lại chọc. Ờ kìa, trực thăng soi!

Tôi nghĩ thầm: Tụi này nó chơi mình đủ 35 kiểu rồi còn một kiểu nữa là đủ trăng-xít ma-nhe. Còn mình thì trong tình trạng cố ngồi dậy để đánh trả, nhưng không biết đánh bằng cách nào. Chiều nay có lẽ là buổi chiều rảnh rang nhất trong đời thằng Lê Dương cách mạng của tôi. Không có việc gì làm. Không có ai để nói chuyện. Tôi bèn gạ chuyện thằng Đỏ:

- Mày ở nhà làm gì Đỏ?

- Dạ chăn trâu cho ông ngoại em!

- A! vậy chắc ổng muốn bắt mày về là để chăn trâu cho ổng chớ gì?

- Không phải đâu anh!

- Chứ tại sao?

- Tại vì ngoại em sợ sẩy em mất. Em là cháu nội và cháu ngoại độc nhất của hai bên.

Thằng Đỏ dùng tiếng sẩy một cách bất ngờ. Không hiểu tại sao? Đó là tiếng để dùng cho trẻ hài nhi. sẩy thai, sẩy tay trong tháng. Có lẽ vì cái chết ở đây dễ đàng và nhanh chóng quá chăng. Tôi chạnh nghĩ tới gia đình. Mẹ tôi nuôi tôi đến lớn, tôi đi hoang đàng cách mạng, tới nay chưa sẩy. Nhưng trên đất Củ Chi này lỡm chớm gai chông, tua tủa bom đạn, ngày nào đêm nào cũng có máu chảy. Không một ngày nào vắng tiếng súng... Tôi cố nén tiếng thở dài.

Tôi sực nhớ hồi tôi ở miền Tây sắp đi tập kết thì bà ngoại thằng Phước vô bắt nó về. Thằng Phước là bạn cùng ở trại Đồng Tử quân với tôi. Ba nó là Chi Đội phó chi đội Bình Xuyên thời đầu kháng chiến cùng với Sáu Hoạch lập chiến khu ở Rừng Sát. Trong lúc hỗn canh hỗn cư, ở ngoài Bắc đưa một người vào làm chính trị viên tên là Lê Hiền. Bố nó và Sáu Hoạnh không phục bị bắt giam một lúc rồi thả. Sau này khi Nguyễn Bình bị gọi về Trung ương và bị phục kích chết thì cho đội Bình Xuyên tan rã lớp bị sát nhập vào đơn vị khác, lớp bỏ về nhà, Lê Hiền lấy lại thế bắt hai kẻ cựu thù giết ngay.

Bà ngoại thằng Phước vô bảo: "Người ta ở ngoài Bắc vô trong này giết ba mày, mày còn ra ngoài Bắc làm gì?" Thế là thằng Phước ngoan ngoãn theo bà ngoại nó về nhà khỏi đi tập kết: Tôi hiểu rõ: nếu hồi đó ba má tôi vào bắt tôi về, có phải tôi khỏi cái nạn tập kết không? Cách mạng âu cũng chỉ là một chuyện may rủi chớ không phải là lập trường.

Có lẽ thằng Đỏ cũng nhớ gia đình nên nó hỏi:

- Gia đình anh đông con hôn?

- Đông.

- Anh về có móc gia đình chưa?

- Có móc rồi! - Tôi nói luôn không đợi nó hỏi tiếp - Ba tao vô có một mình. Má tao và các em tao không vô được.

- Em của anh chắc lớn hết rồi chớ đâu cỡ tôi.

- Ừ lớn hết! - Tôi nói lướt qua chuyện khác vì sợ nó biết vụ thằng em trai Thủy Quân Lục Chiến của tôi - Đỏ à, hôm nào rảnh rỗi, mày dắt tao về nhà mày chơi. Đại khái là nhằm ngày đám giỗ... ăn no cành rồi tao ngủ trên ván gõ. Tao thèm ngủ trên ván gõ buổi trưa quá hà. Hồi năm ngoái tao công tác trên Phú Mỹ Hưng, tao ở nhà bà má Hai, tao ngủ ván gõ đã cái lưng hết sức, nhưng năm nay tao trở lại, cái nhà cháy tiêu rồi.

- Ừ để chừng nào có đám giỗ tôi với anh về... À mà gần tới rồi, giỗ hội anh ạ!

- Giỗ hội là giỗ gì?

- Lần đó tiểu đoàn 8 đánh ngoài quốc lộ I có 28 chiến sĩ hi sinh đem về Phú Hòa Đông chôn. Sau đó, B52 rắc bom xuống Láng Cát chết ba mươi mấy người du kích và thường dân. Do đó nhằm ngày này người ta đi ăn khắp làng chỗ nào cũng có giỗ, dân giỗ dân lẫn bộ đội. Vui lắm.

- Cái thằng! Đám giỗ mà vui gì mậy?

- Dạ vui chớ anh! Nhà nào cũng nhậu mà không vui sao.

- Hồi chín năm cũng có giỗ hội như vậy. Tây ruồng bắt dân gom lại ở ven Rừng Sát rồi dùng FM ria chết hết. Có đến trăm người, gồm cả đàn bà con nít. Bắn xong nó rút rồi cho máy bay tới bỏ bom tan xác hết. Sau đó người ta gom xương thịt còn lại, đâu có biết của ai là của ai, cứ đào một cái hầm rồi bỏ xuống lấp đất lại gọi là Mã Chung. Hàng năm đến ngày thảm sát, người ta đem lễ vật và nhang đèn ra cúng vái. Nhưng chưa hết. Tụi Tây còn gom cả trăm con trâu lại rồi bắn hết. Dân xẻ lấy thịt lấy da, còn lại thì đào một cái hầm lớn vứt xuống, lấp đất lại, kên kên quà quạ. bay đến vần vũ đen cả một góc trời. Đó gọi là Mã Trâu.

- Ở Trảng Lớn có một hầm cơ quan gồm mười mấy người bị tụi Đại Hàn khui hầm. Tụi này ác hơn Mỹ anh ạ. Nó tìm được miệng hầm là tông lựu xuống chớ không có kêu Vi Xi như Mỹ để cho cán bộ giơ tay đầu hàng đâu! Tụi nó khui là kể như banh xác.

Tôi không muốn nghe chuyện buồn thảm nữa nên bảo thằng Đỏ kêu mấy cô cậu đến nhà bếp đánh tu-lơ-khơ chơi.

Đây là trò chơi của lính Ba Tàu. Cán bộ ta đi chỉnh huấn bên đó học được đem về bên này, rồi vào Nam đem theo luôn. Đơn vị, cơ quan nào cũng chơi. Có nơi gầy sòng đánh mê quá biệt kích tới không hay bị bắn chết hết.

Tôi sang chơi ít ván nhưng thấy nhiều cô cậu ngồi ngoài chực chờ nhảy vào, nên nhường cho họ mà về hầm nằm. Tôi tính đến chuyện rút lui cho đơn vị. Bây giờ khu giải phóng không rộng mênh mông như thời kháng chiến chống Pháp. Thời đó đi bộ tối ngày không đụng đồn bót. Riêng ở miền Tây thì có cả ba tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu giáp ranh với nhau tạo thành một căn cứ địa có lẽ còn rộng hơn Diên An ở bên Tàu. Bây giờ thì ngủ thức dậy thấy vùng giải phóng teo nhỏ lại như miếng da lừa. Củ Chi có mười lăm xã nhưng nó như một cơ thể mà mỗi khớp xương là một cái chốt đồn, tất cả gồm ba chục cái, ở trên ngực là tảng đá Đồng Dù và giữa rốn đóng lút cây cọc sắt Trung Hòa. Bộ đội nhân dân lao nhao lúc nhúc ở những vùng giải phóng hầu như bán khai, đi tới chuyện lui đụng đầu nhau lụp cụp. Đường vừa rộng thênh thang vừa ngột ngạt là địa đạo. Dù không ham chui, cuối cùng rồi cũng phải chui. Do đó tôi đã đi tìm ông xã đội Ba Xây để tìm cách làm cho địa mình thôn liền xã, xã liền thôn. Ba Xây là chủ nhà cho ông Năm Lê đóng cái hầm Đờ-cát-tri mà hôm nay tôi đến thường xuyên. Một hôm tôi gặp ông xã đội đi câu ở Rạch Sơn về. Tôi bèn gọi lại mua tôm cá của ông ta rồi tự giới thiệu luôn. Xong mới đề nghị phối hợp công tác độn thổ nghĩa là thông một trong mấy cái hầm cá trê của H6 ra địa đạo xã, cũng như rạch nhỏ chảy ra sông lớn, để tìm đường sinh lộ. Đến giờ này tôi cũng vẫn còn hơi tin rằng Địa đạo có bề dài... dài lắm và xuống dưới đó nằm vỗ bụng chơi, Mỹ có biết cũng không làm gì được. Có thể cho bộ đội dưỡng sức dưới tầng thứ ba vài tuần lễ...

Ông xã đội nói:

- Tôi còn được một khúc để tôi nói đồng chí nghe. Thấy đồng chí làm việc với ông Năm thường xuyên thì tôi biết đồng chí là người có trách nhiệm cao. Tôi không giấu giếm gì. Cái khúc còn lại đó tôi đã cho ông Năm thông nòng rồi, hễ bị kẹt thì từ hầm ông có thể bò ra đường chính. Nhưng nó ngắn lắm. Nằm đó chờ tình hình êm rồi bò ra chớ không đi xa, cũng không nằm lâu được.

Tôi gạn hỏi:

- Vậy không sang Phước Thành Phước Hiệp được à?

- Đồng chí nói gì?

- Tôi muốn nói là địa đạo xã nhà không ăn thông sang các xã bên cạnh được à?

- Ăn đâu mà ăn. Quân ngũ nào mà đào cho nổi bốn, năm cây số địa đạo. Hồi sau Đồng Khởi thì có đào, nhưng cũng đâu có được cây số nào? Hai xã An Nhơn và Nhuận Đức này đất cao và cứng nhất, muốn có nước uống phải đào mười một thước trở lên, nhưng đất pha đá ong, cuốc bổ nháng lửa chớ đâu có phải như đất mặt ruộng hay sao? Ai có đào một cái hầm bí mật thì mới biết địa đạo đào khó khăn dường nào. Đào một tấc hộc một búng máu chớ đâu có như ăn giỗ mà người ta bảo là địa đạo thôn liền thôn.:.. ờ ờ thôn liền thiệt đấy. Lâu lâu tôi cũng có nghe đài Giải phóng nói dữ quá tôi thấy hơi kỳ kỳ. Nhằm bữa hội nghị, tôi mở to ra cho ai nấy nghe chơi thì nhảy đè trúng y cái buổi phát thanh về dũng sĩ và địa đạo. Lại rủi hơn nữa có mặt tụi con Bảy Mô, Bảy Nê, Út Nhỡ, Ba Cấm ở đó. Có luôn Tư Gừng, Năm Cội anh hùng đánh xe tăng nữa. Tụi nó vừa nghe vừa bụm mặt, con Mô nó chạy ra ngoài. Nói thì nói vừa phải thôi, nói lố quá nghe hơi chổi lỗ tai. Mà không phải chỉ tụi dũng sĩ nghe thôi đâu. Còn đồng bào nữa chớ. Ở chỗ khác nghe tưởng thiệt, còn ở đây người ta cười chết! Như vụ con Bảy Mô được kêu là dũng sĩ toàn miền Nam. Thiệt ra tui biết nó có bắn sẻ đâu chừng vài chục phát CKC chớ đâu có chết thằng Mỹ nào. Giỏi lắm là bị thương một thằng Mỹ thôi. Nhưng nghe đài người ta tưởng đánh Mỹ dễ như ăn gỏi.

-Đó là lối tuyên truyền cách mạng đồng chí à! Cũng như ngoài Bắc đâu có bắn rớt hơn hai ngàn máy bay Mỹ, nhưng đài phải la lên trong các buổi phát thanh. Như vậy địch nó nghe nó mới sợ, mình nghe mình khoái.

- Địch nghe nó không sợ mà nó lại moi móc càng hung. Còn mình nghe minh không khoái mà lại mắc cỡ thấy bà. Tiên triền như vậy tụi con Bảy Mô nó hết dám nghe đài Giải phóng nữa. Còn bà con nghe rồi thì gặp tụi nó, bà con bảo: "Tụi bây giết Mỹ kiểu đó hổng có mấy tháng mà hết sạch tụi Đồng Dù." Bác Tám Càn gặp tui, bác ghẹo: "Nghe tụi nó diệt Mỹ mà ham, tao cũng muốn môn dũng sĩ cái quá ngặt răng cỏ không còn."

Tôi nói:

- Vừa rồi tôi có đào hầm với đội Út Nhỡ, tôi thấy phấn khởi lắm!

- Tụi nó đào ở đâu, tui biết mà. Tụi nó bị xe tăng càn tróc cho nên chạy lủi về bám ở vườn trúc ông Tư Ất chớ đâu, nhưng đào gặp xương Cao Đài rồi bỏ dỡ, hiện giờ chúng nó tính ra Đồng Mã. Nhưng ở Đồng Mã còn nhiều xương hơn nữa. Đã gọi Đồng Mã mà không hiểu đó là chỗ gì hay sao lại đi đào hầm đào hố. Mấy đứa con nít không biết gì hết. Tụi đó ham vui làm lếu vậy chớ có đào được khúc địa nào. Tụi nó còn xin chui của tôi nữa là khác. Để rồi coi, tụi nó lêu bêu, nếu có xe tăng càn, không có hang mà chui nữa là địa. Tụi nó nhảy cóc nhảy nhái vậy thôi. Tình hình mới hơi găng một chút xíu là đã có đứa lặn mất rồi. Găng chút nữa thì ông nội ai bới không ra một đứa cho mà coi.

- Bây giờ không xài địa nữa à đồng chí?

- Xài thì cũng ráng xài trong trường hợp kẹt lắm chớ còn bình thường thì thiệt ngán. Sau vụ B52 càn đường 15 và Láng Cát thì tụi tui dựng tóc gáy hết trọi trơn. Bom dùi cạn nhất cũng sáu thước, còn sâu thì mười thước, hỏi đồng chí hầm, địa nào chịu nổi? Trúng tệnh thì đã đành rồi, còn không trúng thì cũng bật nắp hoặc đội mồ lên mà chạy chớ ở đó kênh mình à? - Ba Xây lắc đầu - Tụi B52 này hổng biết ở đâu tới vậy đồng chí?

- Ở bên đảo Gưam, Thái Lan.

- Bộ nó có mắt sao rắc ngay trân vậy? Nó rắc ngay kẽ giữa Đồng Dù và Trung Hòa, Trung Hòa và Cầu Xe, chỉ cách đồn một cây số.

- Nó có máy tính đồng chí à!

Ba Xây ngồi ngớ ra. Tôi thấy tội nghiệp người nông dân này hết sức. Anh đâu có biết Guam, Thái Lan là đâu, B52 là loại máy bay gì bay cao và nhanh cỡ nào. Cứ nghe ở trên bảo chống Mỹ là chống Mỹ. Đem cả súng ngựa trời hầm chông, chông ba lá ra chống xe tăng. Đem tóc đàn bà con gái ra giăng lưới cản nòng đại bác. Trong lúc đó bọn đĩ đực Hà Nội có cái tên rất huê mỹ Bộ Chính Trị thì chạy lăng xăng quanh mâm hút và tiệc đầu lâu. Vì dân Nam kỳ quá tin tưởng nơi bác Hồ nên bác xúi gì họ cắm đầu làm nấy, nói gì nghe nấy. Bảo đi tập kết hai năm thống nhất trở về. Đi! Bảo lên rừng núi xây dựng nông trường xã nghĩa. Đi! Bảo quăng cuốc lội hai ngàn cây số Trường Sơn với hộp muối trong lưng. Đi! Bảo đội bạt bom dành chiến thắng. Đội! Bảo liều mạng đánh thành phố vào Tết Mậu Thân. Làm! Bảo cúi đầu làm nô lệ cho dân Bắc kỳ! Ờ cúi thì cúi nhưng cúi hai, ba chục năm mỏi cổ quá, bây giờ ngẩng dậy đập thấy mẹ tụi mày.

Nhà Ba Xây đã cháy, cái nền cho Năm Lê làm hầm, vợ con đi ra ấp chiến lược còn mình thì bám trụ ở lại đi câu tôm câu cá kiếm ăn và làm xã đội chỉ huy ba đứa du kích phá phách hơn quỉ. Tôi hỏi vớt vát một câu cho mát ruột bồ nhà:

- Vậy tôi nghe nói hồi kháng chiến chống Pháp, địa đạo rộng có thể đưa dân làng và cả trâu bò xuống được, sao mình không sửa lại xài hoặc đào theo lối đó?

Ba Xây trợn mắt:

- Hồi đó ông già tôi là chủ tịch xã chớ ai. Ỏng kêu hàng xóm ráp đào dược mấy khúc. Tôi còn con nít nhưng cũng có xuống chơi một lần. Xuống dưới đó tôi ngộp, tôi khóc ré lên, ổng đẩy tôi lên liền.

-Còn người lớn không khóc à?

- Tôi hổng thấy người lớn nào xuống hết. Còn trâu bò thì làm sao mà xuống địa đạo? Nếu muốn đưa trâu bò xuống thì miệng địa đạo phải bằng nửa chiếc đệm hay sao? Cái phép làm miệng địa đạo là phải mở cho khéo và càng nhỏ càng tốt để ít bị phát hiện, làm to như vậy thằng đui cũng mò ra, vậy thì chui xuống là bị nó nắm đầu kéo lên hèn. Đây kìa, mấy đứa du kích đó, nam thì xuống tuốt nhưng nữ thì vú mớm vung nhẩy như vậy xuống bị kẹt ngang nhưng ráng chịu chớ đâu có ai làm nắp rộng đặc biệt cho tụi nó?

- Theo đồng chí trong quận mình xã nào dễ đào hầm và địa đạo nhất?

- Chỉ có vài xã như Phú Mỹ Hưng, An Phú, Phú Hòa, An Nhơn và Nhuận Đức thôi. Còn mấy xã kia đất thấp chỉ đào hầm chớ không chơi địa được. Nhưng ở đây, dầu có đào xong rồi cũng phải coi chừng coi đổi thường xuyên, nếu cứ bỏ hoang, đụng chuyện bất thình lính mà lao xuống có khi lại bị rắn cắn hoặc địa lở, sụp, bít hết, mình chui xuống là ngộp ngay.

Tôi hỏi:

- Rắn ở đâu mà có?

- Nó chui theo lỗ hơi đồng chí ơi. Có người bị rắn cắn chết luôn ở dưới, không tìm được. Mãi mấy tháng sau, người ta lại gần hầm, nghe thum thủm bèn giở nắp ra, mới biết. Giặc chưa đánh đã chết!

- Rồi làm sao?

- Thì cứ để vậy đắp nấm mả bên trên chớ quân ngũ nào mà đào móc lên cho nổi!

Tôi bèn ngồi xít lại, bẻ que cây vẽ sơ đồ dự kiến địa của H6 cho Ba Xây coi và hỏi:

- Cho tôi trổ ngách ra địa chính của đồng chí được không?

- Hồi trước thì tôi có mấy trăm thước địa công cộng ở rải rác khắp xã. Bây giờ đã sụp hết, chỉ còn mấy chục thước cá nhân thôi, tôi hiến cho ông Năm Lê rồi, có bề gì thì tôi chạy cà còng như thỏ rừng vậy.

Sau lần thương lượng với Ba Xây, tôi không tha thiết tới vụ địa nữa. Tôi biết y nói thiệt về tình trạng địa chung, còn địa cá nhân thì mở ngách ra làm gì. Đó chẳng khác nào vào nồi gọ chuột, gom lại đó để cho người ta dễ tóm. Ba Xây nói xong tôi mua tôm cá. Anh ra về.

Tôi ra đứng ngoài sân hóng gió cho mát một chút để sửa soạn xuống hầm mơ tiên. Giờ này là giờ cao điểm mà nghêu ngao trên mặt đất thì không có lợi. Không Đồng Dù thì Trung Hòa, không thì Bến Cát Lai Khê cũng giã gạo. Có khi nó giã chày đôi chày ba nhảy xuống hầm không kịp. Ba lần nhậu ở nhà Lụa Là, ở nhà bà ngoại và nhà Sáu Phấn đều bị giã hết cả.

Tôi vừa định độn thổ thì... Pháo sáng nổ lóe trên nền trời Bến Cát. Tôi quay lại, màn đen ở phía rừng Lộc Hưng lại vỡ ra, đó là bót Cầu Ván trên đường số 6 gần bót Cầu Xe, rồi pháo bông lại nổ dây chuyền liên tiếp ở Trung Hòa, Suối Cụt, Củ Chi và một dãy dài trên quốc lộ I, hình như có báo động. Cuối cùng là pháo Đồng Dù lên tiếng gầm về phía Hố Bò. Tôi thoáng nghĩ: không biết đám con chị Tám Khỏe và con Rớt có xuống hầm kịp không thì có bóng người chạy vụt tới nhủi vào mình tôi.

- Anh Hai!

- Ai vậy? Mười hả? Em đi đâu mà bồng con nhỏ thế này.

- Xuống hầm mau để nó nện tới.

Người đàn bà vừa thở hổn hển vừa nói:

- Con Hoàn... nó đòi ra anh!

- Giờ cao điểm nguy hiểm lắm, sao đi vậy? Ơ kìa pháo sáng chỗ nào vậy Mười?

Mười đưa con cho tôi bế rồi nói:.

- Đó là Đức Hòa của Sư Đoàn 25 Sài gòn. Tụi đó hay thọc vô nhà em lắm.

Tôi bế bé đi xuống. Mười theo sau. Tôi bảo Mười ngồi trên thùng gỗ thông, để bé lên võng và ngồi xuống tấm ni-lông trải trên đống rơm thằng Đỏ mới quơ về. Căn hầm sơ sài còn nồng mùi đất mới, vách hầm lam nham, nhưng không khí bỗng nhiên ấm cúng lạ lùng: như một cặp vợ chồng với một đứa con bên ngọn đèn mờ.

Đôi mắt bé Hoàn đen lay láy hướng về tôi. Tôi chỉ làm quen với bé trong lúc ăn cơm ở nhà Sáu Phấn. Mười bảo nó tôi là ba nó, đi Phước Long mới về.

Lão Hồ tặc ác thật. Lão là tội phạm lớn nhất lịch sử. Lão giết không biết bao nhiêu người Việt Nam trong Cải cách ruộng đất, ở Trường Sơn, ở Mậu Thân, lão gây ra không biết bao nhiêu cành sanh ly tử biệt. Dân Việt Nam ngày nay tan nát nhếch nhác do chính cái tên thằng cha già hại dân tộc này. Mười là em vợ Sáu Phấn. Chồng Mười là trung đội trưởng, về Nam năm 60. Cưới Mười ngay khi về quê ở Tân Phú Trung gần quốc lộ I và Cầu Bông. Nhà chồng có máy xay lúa. Nhưng gia đình đông con nên Mười không làm dâu mà về ở bên quê mình.

Bé Hoàn còn nằm trong bụng mẹ thì cha đã trở ra chiến trường miền Trung. Bé lớn lên hỏi ba đâu. Mười bảo ba đi bộ đội. Bé hỏi bộ đội là cái gì? Mười không trả lời được.

Hồi chiều khi tôi tới nhà Sáu Phấn ăn bánh xèo, chỉ thấy Mười thấp thoáng mà đã mơ. Bé Hoàn hỏi ai vậy. Mười buột miệng bảo: "Ba con đó!" Một sự nói dối tàn nhẫn nhưng không đáng trách. Thế là bé Hoàn đeo tôi, gọi tôi bằng ba ngọt. Tôi cũng gọi nó là con với tất cả tình cảm của một thằng đàn ông ngoài ba mươi chưa có vợ. Hoàn đòi học. Tôi vẽ mấy chữ cho Hoàn đánh vần. Chữ gì thì chữ, không phải chữ Staline. Tôi lấy giấy bút và tập và có hình bìa ba cô gái Nam Trung Bắc của họa sĩ Lê Trung, dở trang đầu sỗ vài sỗ đứng rồi đưa cho Hoàn bảo làm theo. Mười vuốt đầu con:

- Viết đi con rồi ba khen giỏi.

Tội nghiệp cho cả ba người. Người mẹ nói gạt con. Thằng lính Lê Dương bất ngờ được nhận làm cha. Đứa bé gọi người lạ bằng cha. Cả ba đều tự nguyện. Thật là oái oăm.

Tôi càng thấm thía bài hát của nhạc sĩ Đức Quỳnh:

Đúng vậy. Khi còn trẻ thích đi cho xa nhà. Ngủ nhà người ta, ngủ ngoài bờ ngoài bụi cho có vẻ tráng sĩ. Nay mệt mỏi chán chường mới ân hận: Sao mình đi làm gì vào cái ngữ này.

Tôi thương con nít không chỉ là tính trời phú mà còn vì thèm kêu một tiếng con đúng nghĩa. Bé Rớt, bé Hà, bé Nga, đứa nào tôi cũng dạy được ít chữ rồi đi. Tôi đi đứa nào cũng ôm chân tôi mà khóc: "Cậu Hai chừng nào trở lại?" Tôi hứa sẽ trở lại nhưng chắc không bao giờ. Nếu tôi ở nhà thì Duyên đâu có đau khổ. Và chúng tôi đã có ít nhất hai, ba mặt con. Đứa lớn nhất đã mười tuổi. Nhưng vì đi lêu bêu theo ba cái cách mạng rỡm, chẳng đến đâu mà bây giờ không ngờ như cây trụi lá không hoa quả. Càng nghĩ càng thương má tôi vô cùng. Già rồi mà chưa có cháu nội đích tôn. Trẻ con khóc trẻ con cười, trẻ con học trẻ con chơi, bé gái bé trai, tất cả đối với tôi đều kỳ diệu. Tôi hỏi Mười:

- Sao đặt tên Hoàn?

- Ba nó đi hồi em có bầu ba tháng dặn đặt là Hoàn có nghĩa là ảnh hoàn hương, ảnh sẽ trở về.

-Rồi đứa tới là gì?

Mười ngồi làm thinh, mắt chớp chớp. Tôi thầm nghĩ: thằng này chọn vợ khéo thiệt. Đẹp như bức tranh. Ra đường ai nghĩ là đàn bà có con! Bỗng nhiên nước mắt nàng chảy ròng ròng. Nàng đưa bàn tay lên quệt ngang, rồi cười ngượng:

- Đứa tới thì anh đặt.

- Bậy nào! - Tôi suýt nhảy dựng lên - Không thấy ông Hai Giả bị kẹt đó sao?

- Ổng có vợ, còn anh, em nghe anh Sáu nói...

- Nhưng chồng con em như vậy. Anh không muốn động tới hạnh phúc của đồng chí anh?

Mười không nói gì, đưa mấy ngón tay nhỏ xíu run run moi móc trong túi hồi lâu mà không lấy được vật gì ra. Bên ngoài pháo bông lẫn pháo tre Đồng Dù bắn như mừng đám cưới.

Mười đã móc được mẫu giấy cầm nơi tay. Môi nàng cắn lại nước mắt tuôn tràn. Lần này nàng không quệt nữa. Mười đưa cho tôi mẫu giấy.

- Anh xem bằng khen của em nè!

- Khen gì? Bộ em đã từng đi bộ đội. Dũng sĩ hả?

Mười cười như mếu, hít hít. Cặp môi xinh đẹp húp nước mắt.

- Anh đọc rồi biết.

Tôi dần dần mở tờ giấy ra. Nó chỉ bằng bàn tay. Chữ đánh máy, những chấm chấm đen dài dằng dặc, mấy chữ bằng mực nguyên tử. Tôi biết ngay. Không cần đọc. Đó là những chữ mang đến nỗi bất hạnh nhất cho một người đàn bà, cho một gia đình. Nó được sản xuất hàng loạt dưới thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng gia đình những tên Lê Dương trên Trường Sơn không nhận được cả tờ giấy tệ hại này: Giấy báo tử. Tôi bàng hoàng cả người. Một người đàn bà xinh đẹp trẻ măng như thế lại mất chồng. Một đứa bé mất cha từ khi còn trong bụng mẹ. Tôi không còn biết nói gì. Nói gì?

Hình như Mười đã qua cơn khủng hoảng tinh thần. Nàng bình tỉnh trở lại:

- Em không cho ai biết, nhưng người ta vẫn biết. Em không lập bàn thờ, không đốt nhang, sợ con hỏi. Ảnh ra đi có ba tháng thì chết. Đâu ở Phước Long. Mấy ông xã ủy cũng tới lui nói dèm. Em không dám phản đối. Chỉ mặc đồ rách rưới, để mặt mày tèm lem, tóc tai bù xù. Khổ lắm anh ạ.

Tôi thấy một thứ tai nạn lại sắp xảy đến cho tôi. Làm sao tránh. Mà có nên tránh không?

- Em buồn lắm, nhưng không muốn về bên chồng vì sợ ba má ảnh bắt con Hoàn. Mất nó rồi, em sống với ai? - Mười nói liên miên như trong cơn mê - ảnh cũng đẹp người như anh vậy, nhưng chắc không có tài bằng anh. Anh!

Mười đứng dậy đến gần bên tôi, ngồi ngã đầu vào vai tôi. Bé Hoàn đã mệt mỏi gục đầu trên trang giấy viết dở. Tôi đỡ nó lên võng, rồi loay hoay không biết ngồi đứng ở đâu cho tiện.

Mười với tay lôi tôi ngồi lại chỗ cũ, thầm thì:

- Anh! Anh đừng khinh em tội nghiệp nghe! Em không phải như tụi dũng sĩ cười cợt giởn hớt và lang bang rồi đi phá thai đâu. Nếu em muốn, em chỉ cần ngoắc một cái, thiếu gì người chạy tới. Nhưng em không thương ai hết. Không hiểu tại sao em thương anh ngay. Có lẽ tại anh giống ba con Hoàn.

Nàng ôm và hôn tôi như mưa và thầm thì:

- Anh! Anh cho em xin một đứa con để con Hoàn có bề gì thì em khỏi trơ trọi..

Ôi chiến tranh! Ôi Tây Lương Nữ Quốc! Biết chừng nào tôi mới thoát ra khỏi cái Củ Chi Quốc đầy góa phụ và con gái sợ chết, chỉ mong có con trước khi chết này?

Tôi đã cho nàng tất cả những gì nàng mong muốn. Với nàng tôi được biết cả tình yêu xác thịt lẫn tâm hồn: Tình vợ chồng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx