sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 52: Cái Chết Lãng Xẹt Của Một Đại Úy Pháo Binh

Tôi đi xe đạp lên ông Năm Lê để trình bày kế hoạch tác chiến. Lòng luôn luôn bị vương vấn bởi những cuộc tình bất ngờ. Vừa dứt đường tơ với Ua-Chia thì gặp Mô. Vừa tạm rời Mô thì lại rơi vào tay Mười. Mười có cái đẹp hồn nhiên, khỏe mạnh. Nàng không cần làm duyên mà cũng đã duyên dáng. Đứng trước nàng tôi luôn luôn lúng túng, còn khi vắng nàng thì tôi cứ bâng khuâng. Yêu thì đã yêu rồi, nhưng sẽ tiến tới hay chỉ làm con bướm mà thôi?

Lấy cớ là bé Hoàn đòi ra với ba, nàng đến cơ quan hầu như hằng ngày. Và tội nghiệp thay, con bé tin rằng tôi là ba của nó. Ác thật. Nhân viên cán bộ trong cơ quan cũng rất thương hai mẹ con nên để cho nàng ra vào tự do. Riêng Sáu Phấn thì cứ nói lơ lửng nhưng kỳ thật là y đốc vô để đứa chèo lái đứa chèo mũi cho vui.

Con đường dẫn đến hầm Đờ-Cát-Tri phải đi ngang cái xe nước mía. Cô xẩm bán nước đá bào năm ngoái đã cho Tư Linh mượn cuốn Buồn Nôn đã đi Trảng Bàng. Chợ An Nhơn không còn phố xá. Xe nước mía phải lui vào núp ở mé vườn. Chiếc xe còn đó nhưng người khác quay. Vẫn còn nước đá mua ngoài Trung Hòa đem về được. Hãy tưởng tượng giữa cảnh hoang tàn mà có một ly nước mía, có bỏ đá, và nguyên chất hơn ở Hà Nội! Tôi gặp Bảy Mô lần đầu tiên ở chợ An Nhơn và lần vừa rồi ở đây. Hôm nay tôi lại qua đây nhưng lại không thấy bóng hồng thấp thoáng. Lòng man mác buồn. Ngã bịaCây Điệp càng nóng bức với những lỗ bom mới. Đó là mục tiêu của pháo và bom. Có lẽ bữa nay thời tiết được dự đoán không tốt lắm cho nên xe nước mía không xuất hiện. Do đó đường xá cũng vắng teo. Tôi thấy khát nên ngó quanh ai nhà vào xin nước. Ở trong vườn cây sầm uất thấy hiện ra một

mái ngói. Chắc còn người ở nên tạt vào thì thấy một ông bà đang ngồi trên ván giữa, chấm mút sầu riêng. Nhà không còn vách, bốn bên trống lổng trống lơ. Người đàn ông nghe tiếng chuông xe đạp tôi vừa bóp quay lại.

- Ê mày thằng quỉ!

- Anh Chín làm gì đây?

Tôi và Chín Lộc kêu lên cùng một lúc như tao ngộ chiến.

- Tình. cá nước hì hì, đập cẳng nhào lên làm vài miếng.

Tôi dựng xe đạp ở thềm đá ong rêu xanh lốm đốm, giống như ở nhà Bảy Mô, rồi đi vào ngồi lên ván. Bộ ván gõ thủng mấy lỗ đạn.. Tôi ngó lên nóc nhà: một vạt ngói bay trơ mấy thanh rui gãy.

- Vô ông Thần hả! - Chín Lộc vừa nuốt vừa hỏi rồi giới thiệu luôn - Đây là bà chủ nhà tên là chị Hai Xót. Mày cần mấy cô dũng sĩ, cứ níu áo bà khu ủy có hết. Còn đây là trưởng ban H6 trai lơ cắt chỉ trăm phần trăm - Chín Lộc xổ luôn ra-phan - Mẹ, thằng Đồng Dù lấn đất ra quá! Nổ ủi hết Cây Sộp, dám lấn qua bên này suối bà Cả Bảy lắm.

- Rồi mình làm sao?

Chín Lộc nhướng mắt sang bà khu ủy.

- Hỏi bà này! Đạo quân tóc dài của bả may ra chận được xe tăng chớ tụi mình là đạo quân quần ngắn làm chi được. Bà mần lẹ lẹ đi để nó bắt hết phụ nữ rải phóng ra đó làm công cho nó rồi nó đem về Mỹ luôn đó. Bà có kiểm điểm xem đã mất bao nhiêu rồi chưa? Coi chừng tới phiên bà!

Bà khu ủy trừng mắt:

- Cái ông này vô duyên quá!

- Chớ không à! Củ Chi này cung cấp nhân vật lực cho Mỹ xây dựng cái Đồng Dù chớ ai? Tội của bà lớn lắm! Còn bà Năm Đang nữa. Tối ngày vừa ngồi thum vừa gác máy bay.

- Máy bay đâu mà gác? ở đây toàn xe bò với đuôi tôm, ai gác làm gì ba cái ngữ đó!

Chín Lộc cười rồi đưa cái hột sầu riêng lên vừa cạp vừa liếm:

- Buổi sáng mà bả đãi sầu riêng ăn xót ruột quá! Còn gà giò gà mái gì không chị Hai?

- Còn, nhưng sang năm mới có!

- Sang năm thì Đồng Dù nó càn nhẹp hết cái Củ Chi này rồi, tụi tôi nhảy qua bên kia sông chị ở đây mà đấu tranh chánh trị với tụi nó.

Chín Lộc nghiêng đầu sang tôi, chớp chớp cặp mắt bù lạch ăn.

- Bả chê tao là xe bò, đuôi tôm của Bảy Hốt Hậu Cần mày biết hôn? Bả gác cả B52 Ba Đình, B26 Hai Phụng, B24 Năm Lê còn đuôi tôm Chín Lộc thì bả không thèm ngó. Nè, chị Hai, còn thằng thanh niên này chị cho nó là đuôi tôm hay xe bò? Nó chưa...

Chị Hai Xót giơ cái vỏ sầu riêng lên vá vá:

- Mấy ông tối ngày cứ đi quanh hè bà Tư The với bà Tư Bánh Bò đâu có thấy ai.

Chín Lộc cười ré lên:

- Thấy chớ sao không chị Hai. Thấy cả chị lẫn chị Năm Đang. Thấy ưu điểm lẫn khuyết điểm của hai chị hết trơn hết trọi!

- Nói xầy hoài nên già khú không ai ưng! Xuống lỗ thành con ma chết thèm.

- Vậy chị còn gà vịt gì không, lâm đãi anh em tôi một bữa coi nào! Vậy là chết không có thèm nữa.

Nói chuyện cù nhầy một lúc, Chín Lộc sang qua công tác:

- Ông Thần kêu mày vô phải không?

-Dạ.

- Không biết có chuyện gì mà ông sầm sầm cái mặt! Vừa gặp tao ông la hét om sòm. Hí hí? Bộ mấy đứa con nuôi không chịu đấm lưng cho ổng chắc. Mày phải chuẩn bị kế hoạch cho tỉ mỉ, ông hỏi đâu phải nói đó cho xuôi ron rót, nếu ngắc ngứ là ông nện cho chạy không kịp.

- Tôi mới về có một tháng mà anh Chín.

- Ừ, ổng có khen mày giỏi, nhưng ổng muốn nhanh nhiều hơn nữa.

- Vậy tôi phải mọc thêm hai cái đầu bốn cánh tay nữa mới được.

- Thôi mày ơi, mọc thêm đầu thì kiểm thảo thêm tốn giấy chớ làm gì.

Hai Xót lại cự nự.

- Ông thì lúc nào cũng nói bá xàm!

Chín Lộc lôi tôi ra ngoài:

- Vụ thằng em mày ăn chắc rồi. Tao cho bắt mối xuya lắm. Hễ ngoéo vô được là mình làm một cú binh biến kiểu Bình Dương. Mày sẽ trở thành anh hùng lần thứ hai. Còn tao thì cứ tiếp tục bị chị Hai bày chẻ chê là xe bò lụp cụp. Kệ nó, miễn có thầu giêng gặm thì thôi!

Hai Xót đứng trên thềm nghe được dẫu mồm ra:

- Bộ lén vạch khuyết điểm của tôi đó hả ông?

- Tụi tôi bàn việc ủng hộ công tác đấu tranh chánh trị của bà chớ đâu có vạch cá i gì... khuyết của bà.

Chị Hai Xót có chồng cán bộ thời chín năm. Sau Hòa Bình bị chính quyền bắt Tố Cộng. ông ta bị ghép vào luật 10/59, đưa ra Côn Đảo tới nay mười năm không có tin tức. Chị ở nhà tham gia giải phóng và được đưa lên tới chức Khu ủy viên, cùng một ca-líp với Út Tức. Đứng về mặt Đảng thì trên cả Chín Lộc lẫn Năm Lê.

Hội ý xong, tôi và Chín Lộc trở vào nhà. Chị Hai hỏi tôi:

- Anh đi ấp Bến Mương trong hay đi Bến Mương ngoài?

- Dạ, em đi hướng đó.

- Trả dạ, trả em cho anh đó. Xưng hô vậy tội chết!

Chín Lộc cười khé khé:

- 1 Chị Hai mới có bốn mươi mấy thôi mày nhỏ, nhưng chỉ chê tao ngoài năm mươi, chỉ muốn làm em bé thôi. Hé hé! cũng được, mày cứ kêu chỉ bằng em như em Bảy Mô, em Ba Cấm, em Bảy Nê vậy!

Rồi trở lại chuyện Bến Mương.

- Nó không thích Bến Mương trong hay Bến Mương ngoài, mà nó chỉ thích Gò Nổi.

- Gò Nổi gần Trung Hòa, ra đó có mà ăn biệt kích hả.

- Bà nội đó là Gò Nổi trên. Còn đây là nó đi Gò Nổi dưới. Hô hô... hô!

Chín Lộc vừa bụm miệng cười như cà nông nghẹt họng.

- Gò Nổi dưới thì ở xa Gò Nổi chên nhưng hai cái gò này có niên quan với nhâu ghê gớm. Hễ biệt kích rà vô Gò Nổi trên thì rừng Gò Nổi dưới phải chuyển động mà hễ đụng Gò Nổi dưới thì Gò Nổi trên cũng rung rinh vì giữa hai gò này có địa đạo.

Bà Khu ủy viên vốn tối dạ như những đồng chí của bà, đứng ngớ ra không hiểu cái ông mắt toét này nói theo kiểu ẩn ý. Một lát mới chạy tới đập Chín Lộc lia lịa:

- Cái ông già không nên nết.

Rồi chị quay qua tôi:

- Anh Hai đi Bến Mương cho em quá giang chút được không?

- Được niền hả anh đội? Ngồi lên anh đội nai cho đi. Anh đội còn khỏe lắm. Ba ván niền không bỏ ván nào.

- Ván gì? Ván gõ hay ván dầu?

- Ván tu lơ khơ ấy mà!

Tôi biết đây là đồng chí cốt cán của Chín Lộc nên ngần ngại không muốn liên hệ, nhưng Chín Lộc xuề xòa:

- Ở đời muôn sự của chung mày Thiên Lôi ơi! Mày đèo bả đi một bước đàng mày sẽ học được một sàng khôn cho mày coi.

Thế là tôi đèo bà Khu ủy viên đi như bay. Để bà chị khỏi ngại ngùng tôi bảo cứ ôm eo ếch tôi cho khỏi ngã. Được đàn bà mó tới da thịt, đàn ông nào lại không run. Chị Hai Khu ủy mặc áo ni-lông màu hường, tê-tô-rông móng khé, thấy cả quai và hai cái núm xú-chen. Quần Mỹ A láng mướt, tay xách giỏ (chắc có K54 ở dưới đáy, nhưng không có trầu như bà trên kia), tay xỏ quai nón lá buông trắng như nón bài thơ, chị phải dồn hai vật này qua một tay để một tay móc ruột móc gan ông thầy pháo. Chị Hai hỏi ngay:

-Anh Hai vào trong này chắc bỏ chị hĩm ngoài Bắc hả?

Chị dùng ngôn ngữ miền Bắc do mấy ông mùa thu mang về.

- Tôi đâu có chị hĩm chị cò gì!

- Ở ngoải cả chục năm mà không bị rau muống quấn chưn sao?

- Ở lại một năm nữa chắc không tránh khỏi, chị Hai à..

- Anh Hai đừng kêu vậy tội chết! Kêu bằng em đi! Chịu hôn?

- Dạ..

- Nữa! Dạ thưa hoài. Mất thân mật hết.

Chị càng siết chặt bụng tôi và hỏi tiếp..

- Về trong này móc gia đình chưa?

- Chưa chị, ủa, chưa em à!

Tôi nghe cặp môi tôi như bị đóng băng cứng ngắt hoặc vừa áp vào một vành cốc quá nóng, không biết lẽ nào.

- Sao trễ vậy?

- Tôi cái gì cũng trễ hết.

- Chưa trễ đâu. Có nhắm nơi nào chưa, để em giúp đỡ?

Nghe tiếng em thốt ra từ miệng bà gái già, tôi cóng chưn, đạp sượng ngắt.

-Công tác mê mê bù đầu bù óc, tình hình càng lúc càng căng thẳng, còn thì giờ đâu mà tính chuyện?

- Vậy người ta đó, anh không thấy sao? Đã có rồi còn kiếm thêm. Anh sao hiền vậy?

Bà nội Khu ủy ơi! thằng Thiên Lôi này mà hiền thì ai mới dữ? Nghĩ vậy, tôi cười thầm và không nói gì hết. Chị Hai càng xốc tới

- Cần thì em làm mối cho.

- Ở đâu?

- Có người nghe tiếng anh lâu rồi, người đó thương anh nữa.

- Ai vậy?

- Em không nói đâu.

- Thương thằng Thiên Lôi này thì chỉ có khổ thôi.

- Khổ gì mà khổ?

- Vậy không thấy con Mười, con Tám Mang, bà The, má con Ua góa chồng vì chiến tranh đó sao?

Hai Xót thở dài, hơi thở dường như chạm tới lá phổi của tôi. Chiếc xe chở quá độ nghiến ken két, khua cọc cạch, nhưng tôi cố đạp như đèo thêm một khối tâm tư của người đàn bà đau khổ theo với mình. Tôi không nỡ động tới nên nói lảng sang chuyện khác:

- Lâu nay vấn đề đấu tranh chính trị ra sao chị ủa, em?

- Vấn đề ba mũi giáp công, coi như tà hết cái mũi của em thôi!

Tôi suýt bật cười. Nếu lão mắt toét có ở đây, lão sẽ chộp lấy và nói ngay: cái mũi của bà thì phải tà chớ nhọn với ai được mà nhọn? Tôi hỏi:

- Quân đầu tóc còn lại bao nhiêu?

Chị Hai rút tay ra đập trên lưng tôi một cách thân ái.

- Còn một quân một tướng đây thôi!

- Tôi nghe nói bà ngoại con Chia rất anh dũng mà!

- Anh cũng biết chuyện đó nữa?

-Tôi ở nhà đó với ông Chín Lộc trước khi lên đây.

- Ai nói với anh vụ bà ngoại đó đấu tranh chính trị vậy?

- Con Ua.

- Ừ, nó nói thì đúng. Nó hay tía lia nhưng nó không nói láo. Bà già bể rồi. Bắt đầu từ cái lần bả bị vẽ khẩu hiệu trên lưng và bỏ lên xe chở đó mười cây số cho lội bộ về, tôi không động viên bả nổi nữa.

- Còn chị Năm Cầu Xe.

- Bà đó đâu còn nữa. Khổ quá. Bây giờ đài giải phóng vẫn cứ nói oang oang, làm như bả còn sống vậy.

- Rồi bây giờ ở trên tính sao?

- Em đâu có bắt ai được. Quân tướng cũng một mình em đây thôi.

Đến chỗ lộ đứt ngang vì hố bom đìa tôi xuống xe. Ai ném một thân cây tre đòn tay nhà bắc cầu. Tôi vác chiếc xe qua đứng chờ. Bà khu ủy cứ lựng khựng không chịu đi. Đây là kế trá hàng của bà Út Tân Biên truyền lại chắc. Tội nghiệp những người đàn bà được Đảng đưa lên mây xanh, nhưng dưới chân lại không có đất. Tôi buông xe và trở qua đưa tay cho chị Hai. Chị nắm lấy chắc cứng khi qua gần tới bên kia thì chị lủi đại vào mình tôi mà la oai oái làm như tiểu thơ nhỏ lớn chưa đi cầu tre.

Đến ngã ba gần xóm trại bà Huệ tôi thả chị xuống và đạp thẳng. Chị còn nói với theo, tôi nghe văng vẳng, nên vung tay lại sau vẫy vẫy hai ba cái. Nói cho ngay, tôi không có hiền như chị Hai tưởng, nhưng tôi không muốn đụng chạm tới ông Bắc Kỳ xâm lược đang nắm dây cương của bà.

Tôi đến hầm Đờ-Cát dễ dàng vì lúc nào cũng có sẵn kẹo thuốc để lo lót các em bảo vệ. Tám Nghi trông càng thiểu não: mặt dài ra như mặt lừa, tay nghều ngào ốm nhom như tay vượn, tóc tai như tổ quạ. Nghi bảo:

- Tao suýt đứt thở.

- Sao vậy?

- Không biết tại sao thở không ra hơi. Tụi nó phải làm hô hấp nhân tạo.

- Ổng đâu?

- Vừa mới la mấy thằng Quân lực.

- Sao la?

- Có mấy thằng nhải rau muống dông ra Sài gòn qua ngã Cầu Bông mà tụi nó không hay.

-Bao lâu rồi?

- Cả tháng nay. Đơn vị không báo cáo thì Quân Lực làm sao nắm được? Nó ra, nó lên Ti vi lên đài Sài gòn nói oang oang, đồng bào ở ấp chiến lược nhận diện được. Chả là lúc trước chúng nó ra đó mua gạo do cơ sở mình tổ chức.

- Bỏ mẹ chưa?!

- Ổng muốn dời đi nhưng không còn chỗ nào yên ổn! Ba Xây đang chạy tìm cứ mới. Thôi, vô đi.

- Con Hiền đâu không thấy ra đòi kẹo?

Tám Nghi rỉ tai tôi. Tôi kêu lên khe khẽ:

- Thì vậy thôi. Chơi trò đó thì chạy trời không khỏi nắng

Trái hẳn với dự định của tôi, Thần Núi không la ó với tôi. Ông ta đang ngồi trước dĩa chuối chín và lột cắn từng miếng. Thấy tôi vào, ông ta trỏ tay:

- Ngồi đó mày. Ăn vài trái rồi sẽ làm việc.

Tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế hôm nọ vừa nói:

- Hôm nay tôi trình bày và thỉnh thị ý kiến anh về đồ án tác chiến đối với điểm A và điểm B (tức là Đồng Dù và Trung Hòa).Và đề án phối hợp với quận đội Củ Chi để huấn luyện cối cho du kích..

-Tổ chức vậy là ổn chưa?

- Dạ tương đối, nhưng cần thêm nhân sự chiến đấu lại thiếu. Mấy khẩu đội DKZ xộc xệch quá.

- Không đánh được à?

- Dạ phải dồn hai thành một. Thiếu nhất là bộ phận quan trắc Không có cả máy ngắm, máy đo thì không cách nào bắn được. Còn bộ phận trinh sát thì phải tìm ra cho được vị trí sân bay, kho đạn, trại lính hoặc những bộ phận quan trọng để làm mục tiêu. Diện tích của nó rộng lắm anh à. Bắn một vài quả không nhằm gì.

Thầu Núi gật đầu lia:

- Phải! Hễ bắn là phải trúng chỗ độc. Cõng một viên đạn vô tới đây không để? Cậu định làm gì đâu nói miệng tôi nghe, khoan trình giấy tờ.

Tôi nói ngay:

- Trước nhất tôi đã cho một trung đội trinh sát đó chuẩn bị tọa độ cối ở hai xã Phú Hòa Đông và Nhuận Đức để tập kích bọn Đồng Dù, một trung đội đi An Nhơn và Trung Lập Thượng để chuẩn bị pháo kích tụi Trung Hòa. Chuẩn bị phần tử đo đạc xong các trận địa cối tôi sẽ cho trinh sát lập hệ thống tọa độ trên toàn quận Củ Chi và Trảng Bàng, hễ nó đỗ quân cụm lại ban đêm thì mình nện tiếp!

Năm Lê lắng nghe, gật gù tán thưởng, bất thần cắt ngay:

- Chừng nào thì đánh được? Hai Giả cũng đã từng hứa với tôi, nhưng chẳng bao giờ xong cả. Cậu đã có những gì trong tay?

- Dạ pháo phiếc phải móc lên lau chùi, đạn không biết có biến chất không? Anh biết ở ngoài đó, đạn pháo phải bảo quản như thế nào, còn vô đây cứ chôn trong rừng, mưa nắng...

- Tôi biết, tôi biết... - Năm Lê cắt ngang - Nhưng ở trên không đếm xĩa những chuyện đó cho chúng ta. Họ cứ tưởng bắn pháo như trẻ con chơi ống thụt bố vậy, cứ nện đại,. nổ cũng được lép cũng chẳng sao. Họ có biết đâu một viên DKZ tịt, nổ trong lòng chết cả khẩu đội. Ông Ba Đình biết chút đỉnh về pháo còn ông Chánh ủy Tư Trường thì chỉ biết làm nghị quyết số 1 số 2 thôi. ông ta tưởng cứ vác pháo ra bắn là ăn gọn.

Tôi biết khả năng của Năm Lê từ trước. Ông có tài tham mưu. Trận hạ tàu rà mìn Loubert trên sông Lòng Tảo năm 1949 là do sáng kiến của Năm Lê neo thủy lôi giữa sông mà tàu không rà được, ngoài ra ông còn có sáng kiến vẽ mẫu cho Binh Công Xưởng làm FTI, FT2 tức bộc phá úp vào tường đánh tháp canh trên các trục lộ. Do đó mà ông Trà rút Năm Lê về làm tham mưu trưởng Trung Đoàn chủ lực Đồng Nai. Ra Bắc ông làm Tổng Tham Mưu phó muốn Năm Lê làm bí thư riêng nhưng Năm Lê không thích nghề xách cạc-táp lót tót chạy theo đít ông tướng, nên được cho đi Trung Quốc học pháo binh rồi về làm Trung Đoàn trướng pháo binh sư đoàn 330 của Đồng văn Cống. Tư lệnh pháo binh của sư đoàn này là Lương văn Nho, khi về Nam làm Tư lệnh Pháo Binh R lấy tên Hai Nhã, kẻ đã từng đấm lưng bộ binh nhà kha khá các trận Đồng Xoài Bình Giã mà tôi đã kể ở quyển trước trong đoạn gặp các viên chỉ huy về học chỉnh huấn ở trường Trung Sơ. Năm Lê dưới quyền Hai Nhã, nhưng lại không phục tài Hai Nhã, nay về đây làm tham mưu trưởng quân khu,thoát khỏi sự dốt nát của Hai Nhã, ông tha hồ tung hoành. Ông chỉ nể Ba Đình còn Hai Phụng, tư lệnh thì ông cho là dốt quân sự.

Tôi thiếu tất cả khí tài, nhưng phác đại một chương trình có tính cách rất pháo binh để tránh sự la ó của ông ta, kỳ thực còn lâu mới làm được. Bất thần ông ta nói:

- Thật ra trách Hai Giã cũng tội nghiệp. Tình hình này bố thằng nào cũng không làm gì được. Tôi biết khả năng pháo của cậu hơn Hai Giã nhưng muốn làm nổi đình nổi đám cũng khó lắm.

Năm Lê nhíu cặp chân mày sâu róm:

- Tôi không hiểu người ta định làm cái gì mà đem cối 120 ly kéo bằng xe xích về chiến trường này? Định đem thứ đó về hù ba thằng Mỹ à?...

Sợ ông đổ quạu với tôi, tôi trình bày tiếp.

- Hiện giờ tôi có 18 khẩu cối 82 để thay thế cho cối 81 và 120 mà R đã cấp cho từ thời ông Hai Phụng nhưng đạn thì yếu quá.

Tôi không nói đủ nghĩa: ít và xấu.

- Yếu nghĩa là sao?

- Dạ, còn ít quá.

- Yếu cũng có nghĩa là liều lượng trải qua mưa nắng bảo quản kém không còn đủ sức tống nữa cậu biết không?

- Dạ biết, nhưng làm sao với hoàn cảnh của mình bây giờ anh Năm?

- Cậu thấy pháo nó bắn không? Nổ sát vách đồn một trăm thước.

- Dạ ở trên chợ Long Hoa B kìa mới ớn anh Năm! Bên Chợ Cũ nó bắn tan tành. Cách đó một trăm thước là Chợ Mới không một lá cây rụng.

- Không phải mình tồi mà vì không có phương tiện.

- Tôi có dự kiến huấn luyện du kích sử dụng pháo...

- Úi cha chà... cậu tính làm cái món pháo binh nhân dân chớ gì? Được lắm! Nhưng cũng ngại lắm. Du kích không có khái niệm rõ về vũ khí hiện đại. Giao cho họ có thể họ làm ăn được nhưng cũng có thể họ táy máy gây tai nạn trước khi đánh địch. Nhưng không có chó phải bắt mèo... chớ sao.

Năm Lê vùng đứng dậy đi vào ngách nhỏ rồi trở ra ném lên bàn một quyển sách. Tôi liếc thấy Les Tunnels de Cu Chi. Năm Lê hất hàm:

- Tác phẩm của cậu và thằng Tư Linh đó! Giở ra xem.

Tôi cầm quyển sách lên lật ra mấy tờ đã muốn té ngửa. Hình và tựa bài nói về các nữ dũng sĩ diệt Mỹ, địa đạo chiến và các cuộc đấu tranh chính trị mà nhà báo quốc tế đã chộp được hồi năm ngoái do sự dàn cảnh của tôi và ông phó ban Địch vận Tư Unh. Tôi nghe rung rinh tận tâm linh. Bỏ mẹ rồi. Sự nói láo của mình đã bay ra thế giới. Tôi vẫn biết trước sự thể này sẽ xảy ra, nếu ở một nơi mà tôi không biết thì chẳng ăn thua gì, ví như một kẻ ném một mồi lửa rồi vụt chạy không muốn thấy đám cháy do mình gây nên, thì dù đám cháy đó có to thế mấy cũng chẳng hề gì. Nhưng bây giờ tôi thấy cái đám cháy đó ở ngay trước mặt tôi, trên bàn: quyển sách bằng Pháp văn, in ở bên Pháp.

- Nói láo thế này có bỏ mẹ không kia chớ. Tụi bây ẩu thiệt! Đây rồi quốc tế nó tin bằng thật, nó ùn ùn kéo tới đây xin quay phim lòng địa đạo, nào chỗ nghỉ quân, nào chợ búa, nào bệnh viện, nào tầng thứ ba thì mình mới làm sao?

- Ở đâu anh chôm được cuốn sách này vậy?

- Chín Lộc mua ngoài Sài gòn.

Tôi nói:

- Tụi nó dí mình vào cái thế phải làm thế anh ạ!

- Thì cũng tại mình khua dao khua thớt mạnh quá đi cho nên chúng nó tưởng có đám to. Đọc cuốn này tao rùng mình rởn ốc! Địa đạo tầng thứ ba! Trời đất quỷ thần! Thằng nhà báo này cho cái địa đạo Củ Chi là bố của Thượng Cam Lĩnh và Maginot - Năm Lê trợn mắt - thật đấy mà. Thượng Cam Lĩnh chỉ là chiến hào thủ công nghiệp thôi. Còn chiến lũy Maginot mới đúng là phòng tuyến đào dưới đất.

Năm Lê chấm ngón tay vô cốc trà rồi vẽ lên mặt bàn:

- Để tao nói về cái Maginot cho mày nghe. Hồi đó tụi Tây nó dạy cho lính mà. Đó là một sự tự hào lớn của người Pháp. Nó nằm dọc theo sông Rhin giữa Đức và Pháp. Mày có học lịch sử nước Pháp mày biết mà. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, mày nhớ Maréchal Foch, Maréchal Joffres chớ? Hồi nhỏ tao khoái hai ông này dữ. Chiến lũy Maginot lập nên là để đề phòng quân Đức tràn qua sông Rhin chiếm nước Pháp. Ghê lắm! Trên mặt đất có pháo đài bê-tông cốt sắt, hầm hố, dây chì gai, cọc trụ xây dựng bằng máy móc chớ đâu phải bằng sức người. Còn ở dưới đất thì một hệ thống đường hầm cho xe vận tải, hầm chứa xe tăng, và cả hầm chứa máy bay nữa!

- Ghê vậy sao anh?

- Nó đào đất bằng máy chớ phải bằng cuốc chim như mày đào với tụi con Bảy Nê sao mậy! Đây, tao kể cho mày nghe rõ từng chi tiết một: nó có cả hệ thống giao thông, rạp chiếu bóng, nơi giải trí, nhà thương, kho lương thực, ga-ra, và nơi đồn trú quân lính. Một cửa ngõ thông ra phía sau. Từ đó có thể người và xe cộ ra vào thông thương với hậu phương. Có hệ thống điện thoại, truyền tin và hệ thống máy điều hòa không khí nữa. Mày biết nó có mấy tầng không?

- Mấy tầng anh?

- Bảy, tám tầng gì đó tao quên rồi.

- Sao nó làm được vậy?

- Trước nhất nó là đất núi. Kế đó nó làm bằng máy móc. Bên trong nó có trụ bằng bê-tông để chống đỡ cho khỏi sụp. Tóm lại xuống phần dưới của chiến lũy Maginot mày sẽ không biết mày ở dưới đất mà mày tưởng mày đang đi vào một thành phố. Đó là phía bên Pháp. Còn phía Đức nó cũng xây một hệ thống địa đạo đối diện như thế để chống Pháp. Pháp chẳng ngờ rằng đó chỉ là một sự dọa mà không đánh để thu hút sự chú ý của đối phương. Đùng một cái vào tháng 6 năm 1940, quân Đức tiến qua nước Bỉ và đánh vào nước Pháp trên đầu phía Bắc chiến lũy Maginot và trong 3 tuần lễ bọc hậu nó. Quân Pháp không ngờ nên trở tay không kịp. Hơn nữa, quân Đức đã vào cả nước Pháp bằng cửa ngõ Belgique.. Đó là một nghệ thuật chiến tranh.

Nhà quân sự ngồi im. ông rót trà uống hai ba chung liền,chép miệng to và nói:

- Bất ngờ là một nghệ thuật tấn côngl Trở lại địa đạo Củ Chi của thằng nhà báo này, mày thấy nó có thua gì chiến lũy Maginot. Sợ còn hơn. Vì chiến lũy Maginot không dài đến 250 cây số, như địa đạo của nó. Còn tuyệt sắc hơn nữa là địa đạo Củ Chi ăn xuyên dưới đít Đồng Dù để ông Phạm Sang biểu diễn đờn cò cho giải phóng quân nghe trong khi Bob Hope làm trò cho lính Mỹ xem trên Đồng Dù. Đụ bà thằng chó đẻ này hại mình. Mày biết ngoài cái hại nói láo khắp thế giới, nó còn làm cho Mỹ hăng tiết rắc B52!- Năm Lê trợn mắt - Mày phải biết là Mỹ nó chở bữa ăn cho một sĩ quan của nó bằng một chuyến trực thăng. Một thằng lính Mỹ chết nó đưa về tận Mỹ chôn cất với lễ nghi quân cách đầy đủ chớ không phải chết như lính mình trên Trường Sơn. Cho nên nó mà đọc quyển sách của tên nhà báo bất lương này, nó tưởng thật, nếu trước đây nó đánh mình một bây giờ nó đánh mười. Vì địa đạo Củ Chi ghê gớm hơn cả Maginot thì nó phải diệt sớm, nếu không nó sẽ bị mình diệt. Trong nghệ thuật chiến tranh kim cổ, mày còn lạ gì cái lối tấn công để phòng ngự, phòng ngự đơn thuần là bị tấn công.

Năm Lê tự cắt ngang câu chuyện đang hào hứng:

- Thôi được rồi, mày cứ làm. Tao sẽ giúp cho. Còn cái món pháo binh nhân dân theo kiểu công xã nhân dân mà tao thấy bên Trung Quốc cũng hay lắm nhưng cũng dở lắm. Rất khó xơi

Tôi đứng dậy nai nịt súng.và các thứ lỉnh kỉnh vào lưng định chào từ giã anh thì anh giơ chân trỏ vào góc hầm bảo:

- Cầm cái xắc-cốt đó về!

- Của ai vậy anh?

- Quận đội Thủ Đức báo về nó và thằng Ba Thanh trợ lý tham mưa bị tụi Phượng Hoàng mách tinh Đại Hàn khui hầm, tong lựu đạn. Đù mẹ, mấy thằng tổ chức giết con người ta!

Tôi lặng lẽ bước lại góc hầm nhặt cái sắt cốt của thằng đồng chí, thu quai ngắn lại xách tay chứ không quàng vào vai rồi đi ra. Tôi biết nó là của ai. Đại Hàn khui hầm tong lựu đạn - Mấy tiếng đó văng vẳng bên tai tôi.- Đù mẹ. mấy thằng tổ chức! Chuyện chẳng đáng gì mà làm dằng vặt đến chết tươi một đại úy pháo binh. Lãng xẹt.

Tôi ló ra khỏi miệng hầm. Không biết hoàng hôn hay bình minh nữa. Nắng héo hắt khô khan rơi từng mảng trên mặt đất lùi xùi. Trong đầu tôi hiện lên hai người đàn bà và một lũ trẻ con đầu chít khăn tang. Và đứa bé còn trong bụng mẹ. Nó sẽ ra đời mà không biết mặt cha.

- Đù mẹ.... mấy thằng tổ chức!

Tôi nhớ hồi thời chín năm một chiến sĩ hi sinh, cả làng thương tiếc làm lễ truy điệu hết sức cung kính. Bây giờ chiến sĩ cán bộ chết như chó. Cơ quan không làm gì được, còn nhân dân thì ớn quá trời. Ngày nào cũng chết. Trường hợp này, nếu đem ra truy điệu thì sẽ có một ngàn luồng dư luận khác nhau và nó sẽ làm cho cán bộ chiến sĩ mất tinh thần. Tôi đang đạp xe, sực nhớ cái xắc-côt rất quen thuộc vùng này, bà con tinh ý lắm, thấy nó máng tòng teng ở ghi đông, sẽ hỏi ngay. Tôi bèn ngừng xe, lấy tấm ni lông bọc nó lại và buộc vào poọc-ba-ga. Về đến nhà thì gặp Sáu Phấn. Tôi ngoắc y ra ngoài. Y nói ngay:

- Con bé Hoàn nó mến ông quá đó ông thầy. Hì hì... thương con mà bỏ mẹ hay sao?

Tôi gạt ngang:

- Thôi đi cha nội! Mình đang gặp rắc rối đây.

- Rắc rối gì? Ông chưa vợ, còn chồng nó chết rồi.

- Không! Cái H6 mình đây nè.

- Bộ ông Thần Núi sạc cà-rây cái gì hả?

Hai Giả leo bàn thờ rồi.

- Hả?

Sáu Phấn há hốc mồm, tay chụp gốc cây. Hồi lâu mới hỏi:

- Tin ở đâu vậy?

- Thì trong ổng chớ đâu. Dưới Thủ Đức báo về. Tụi Đại Hàn khui hầm và ném lựu đạn.

Sáu Phấn ngồi nhếch xuống gốc cây, lảm nhảm chửi thề một dây rồi nói:

-Tụi Đại Hàn ác hơn Mỹ. Khui được miệng hầm là nó tong lựu đạn, còn Mỹ thì kêu lên đầu hàng, chừng nào mình không lên nó mới làm tới! Bây giờ biết xác đâu mà tìm. Khổ quá! Đưa con người ta vào chỗ chết vô lý như vậy. Ảnh chỉ thua thầy thôi chớ quân khu này có ai hiểu biết pháo hơn ảnh đâu. Đù mẹ ba thằng quận đội chó má. Chúng nó có hầm riêng. Ở trên này mình xuống, chúng nhét vô mấy cái hầm bể miệng như lỗ đĩ, thằng đui nào không thấy? Tôi đã dặn ảnh rồi, nhưng ảnh không có kinh nghiệm sống ở vùng xôi đậu.

- Lúc quýnh thì người ta bảo chui đâu chui đó, chớ biết ở giữa Thủ Đức Dĩ An, biệt kích, Phượng Hoàng, gián điệp chìm nổi như rươi. Tụi nó đãi bia mình uống xong rồi nó đi mách cho cảnh sát, chánh quyền. Mình đi xuống đó mang súng ngắn lú ra khói áo là không khỏi mắt tụi nó đâu.

- Bây giờ làm sao?

- Ai biết làm sao bây giờ. Phải giấu nhẹm đừng cho hai bả biết. Bà ở Hóc Môn thì nhẹm được, còn bà trên này làm sao? Thế nào rồi tin này cũng xì ra.

- Tới đâu hay tới đó! Hay là ông đi cho bả hay! Được không? Chớ giấu giếm coi kỳ quá ông ạ!

- Ông đi đi! Tôi không sợ gì. Bom đạn còn không sợ chín năm. Trường Sơn không ngán. B52 cũng coi thường, nhưng sợ là sợ giọt nước mắt của người đàn bà mất chồng. Và lần này là lần thứ... ông chưa có vợ, chắc ông không hiểu nổi giọt nước mắt đó đâu.

Đây là lần thứ nhất tôi nghe thằng bạn lớn hơn tôi một con giáp, gốc nông dân, nói văn hoa. Tôi đáp:

- Tuy tôi chưa có vợ, nhưng tôi vẫn hiểu ông à. Việc con bé Hoàn tưởng tôi là ba nó và đeo tôi làm cho tôi vui nhưng cũng đau buốt tâm can ông ơi. Về Củ Chi này tôi gặp vô số đàn bà góa trẻ măng. Chồng chết ở Bình Giả, Đồng Xoài, Phước Long, Mã Đà. Má con Hoàn mới có hai mươi hai tuổi. Có chồng không được ở bên chồng hơn một tháng, rồi con ra đời không biết mặt cha. Bây giờ tới vợ ông Giả.

- Vợ tôi cũng đang có bầu ông ạ! Ráng chút nữa ẵm con rồi hãy lên bàn thờ. Bốn mươi ngoài rồi còn mong gì hơn. Ông lo cái thân ông gấp gấp đó. Tôi nói thiệt đấy mà!

Sáu Phấn rưng rưng nước mắt rồi bỗng òa lên. Y gục mặt xuống hai đầu gối. Rồi ngóc lên ngay, sợ tôi thấy sự yếu đuối của thằng đàn ông chăng? Tôi nói:

- Tùy ông! ông có muốn nhẹm thì nhẹm, còn muốn truy điệu thì truy điệu tôi đều tán thành hết cả.

- Truy gì nữa mà truy. ông lên K hỏi rõ chỗ cái hầm và ngày tháng để sau này vợ con ổng biết nơi mà tìm kiếm về giỗ quảy thôi. Chớ còn truy điệu có ý nghĩa gì. Chính mình giết đồng chí mình rồi truy điệu à? Nó đếch có thèm về hưởng hương khói của mình đâu.

Tôi mở poọc-ba-ga, tháo tấm ni lông đưa cái xắc-cốt cho Sáu Phấn. Sáu Phấn ôm chầm lấy áp vào ngực khóc nức nở.

- Anh Hai ơi! Sống khôn thác thiêng...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx