sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 59: Đối Thoại Của Những Ngón Tay

Sau buổi tiệc tưng bừng tở mở mọi người tìm nơi trú ẩn. Kẻ có cặp thì bày bàn cờ người, người lẻ loi thì chơi trò hú tim. Ai nấy đều có việc làm. Riêng tôi thì nối gót hai nàng tiên Nga vô C5 vô thăm dượng Chín Nữa.

Là háy nguých tôi cái nào cái nấy như dao cạo:

- Mới đi bẻ dừa, bây giờ đi C5.

- Dù cho dượng Chín không cho mình cái radio Sony mà dượng bị thương mình cũng phải đi thăm. Sao em không đi với anh mà quạu?

- Có hai con đó giữ ma cho anh rồi, có em đi là thừa.

Tôi đi với hai nàng. Không biết hai nàng có thoả thuận với nhau điểm gì chưa mà lại có vẻ hiền hoà với nhau. Hồng Nga nhường cho Huỳnh Nga đi cặp kè với tôi. Nếu không, ắt thân này phải xẻ làm đôi. Huỳnh Nga không xốc tới như Quắn, Là, nhưng cũng không dịu dàng như Mười, Lụa. Nàng có cảm tình với tôi kỳ rồi và bị Là ghen trắng trợn, đến nay mới có cơ hội gặp lại. Nàng phiền trách:

- Anh để ý mấy đứa con nít chớ có bao giờ ngó đến con nhỏ già này!

- Em đừng nói vậy, hăm hai tuổi mà già sao?

- Chắc anh nghe cô xã đội phó thêu dệt nên cho em ra rìa chớ gì?

- Thêu dệt gì?

- Đố khỏi cô ta nói với anh là em ngủ chung hầm với ông Tư Chuyền.

- ….!?

- Ông ta không có rớ tới em được. Nếu anh yêu em sau này anh sẽ biết.

Tôi hơi ân hận vì sự thực tôi trót tin lời Là. Nam nữ ngủ chung hầm ở đất Củ Chi này là thường sự, và do đó sự mang bầu phá thai cũng chẳng làm ai ngạc nhiên nữa. Nga tiếp:

- Ổng hứa cho em đi học y tá. Mà hai ba năm rồi ổng không cho đi. Thì anh biết em đối với ổng thế nào!

- Sao vậy?

- Ổng bần tiện lắm. Em cực chẳng đã phải ở đây thôi. Ổng nói công khai: “Đứa nào cho tao ngủ, tao cho đi”. Cơ quan kiểm thảo ổng, ổng cười hề hề: “Cho tao ngủ chung hầm để khi có pháo bắn tao về hầm tao không kịp, có nghĩa là tôn cán ái binh, thì đã sao nào?”

Đi gần đến trại, nàng dừng lại, bảo:

- Lần đó, em cho biết hầm của em và con Nga nhỏ, hai đứa ngủ chung, để anh hết nghe lời cô em yêu qúi của nh mà anh cũng không hiểu ý em sao?

Tôi lặng thinh. Nàng cầm tay tôi đứng lại bên ven rừng và chìa má:

- Anh hôn em đi. Một cái thôi. Ừ, như thế đủ cho em nhớ anh cả đời rồi. Em mong cho anh bị thương nhưng nhẹ thôi, kiểu như ông Hai Khởi, để anh vô đây nằm em săn sóc anh!

- Cám ơn em. Anh chưa bao giờ bị thương nhưng hễ bị thương chắc là tàn phế hoặc chết.

- Nghe anh nói, em tội nghiệp anh Năm Hoa, anh ruột của con Nga nhỏ quá trời. Ảnh bị thương cụt hết hai chân cho nên chị Tám Mang bỏ luôn. Em không làm như vậy đâu.

Tôi ôm nàng hôn say đắm. Nàng có văn hoá, nghe đâu thi tú tài rớt gì đó, không hiểu ai quyến rủ vô đây để làm hộ lý cho một ông thủ trưởng bầy hầy như thế.

Tôi vào thăm dượng Chín tôi, đưa cho dượng một ngàn của ba tôi cho. Dượng không lấy, Dượng dặn dò:

- Tao sắp lành rồi. Dì Chín mày sẽ vô, tao có thiếu gì. Ra miệt Ràng phải cẩn thận đừng có cặp kè với đám nữ du kích. Chúng nó chỉ xạo xạo cho vui thôi! Nay mai sẽ chui như cá chạch. Tao ra viện chắc sẽ làm ở cơ quan chớ không về đơn vị chiến đấu nổi nữa. Mẹ nó, xui quá trời! Lúc tối không dám ngủ. Hừng đông đang ngủ ngon, nó dệnh cho một trái ngay giữa trung đội, chết và bị thương tám đứa. Tao nhờ ông bà phù hộ nên bị nhẹ nhất.

Dượng hỏi tham ba tôi, hỏi thăm chòm xóm và cuối cùng đề cập tới vụ thằng em tôi mà tôi vừa thuật cho dượng tôi nghe khi mới đến đây. Tôi nói:

- Mọi việc tôi đã gật hết cho Chín Lộc rồi. Các ổng làm gì thì làm!

- Đâu có khoán trắng cho họ được. Ít nhất mày phải gặp nó nói cho rõ cái ý định của mầy. Coi chừng mấy ông nội đó chọc cứt không nên lỗ mà hại cả gia đình mầy đó.

Rời khỏi chiếc hầm thương binh của dượng, tôi thấy cả tương lai mù mịt của tôi. Tôi rồi cũng sẽ đến đây, nếu may mắn. Tình hình bom đạn này khó thoát.

Trời đã nhá nhem, tôi vội vã ra về vì đây là giờ Đồng Dù, Trung Hoà lẫn Bến Cát giã gạo chày ba. Tôi vừa đi ra con đường lớn thì đụng đầu nhà báo Nhã Nam. Nàng xuống xe và nắm tay tôi bảo:

- Anh không thấy gì hết sao?

- Tôi om, ai thấy gì?

- Trong tối anh thấy mới tài, chớ ở giữa thanh thiên bạch nhựt ai chẳng thấy?

Cô bé Sàigon này muốn xài văn chương với ông võ biền chăng. Tôi đâu có chịu thua.

- Anh hùng đoán giữa trần ai mới tài phải không?

- Từ ấy trong em bừng nắng hạ…

- Mặt trời chân lý chói qua tim!

Tôi cười thầm. Cô em trúng tủ thơ Tố Hữu của tôi rồi. Tôi thuộc tất cả thơ Tố Hữu, không sót một bài nào, từ 1946 tới nay chưa có dịp đem ra xài. Tôi tuôn ra một dây làm cho cô em ngầy ngật.

- Em chưa thấy ai thuộc thơ nhiều như vậy.

- Chép không, anh đọc cho!

- Một bài thôi, bài hay nhất!

- Tặng nàng trinh nữ. Tôi đọc luôn:

- Nghĩa yêu đương là nghĩa gì anh?

- Anh thấy hoàng hôn trong mắt em.

Nàng áp người sát và ngã đầu vào vai tôi, thầm thì:

- Anh là người văn võ song toàn. Anh dạy em viết báo với.

- Anh chưa viết báo bao giờ.

- Thì bây giờ anh viết một bài cho em.

Tôi không còn thì giờ để đi đúng ba giai đoạn: Phòng ngự, Cầm cự, Tổng phản công như đồng chí Trường Chinh dạy nữa, tôi phản công ngay. Nàng kêu the thé và chống trả một cách nhẹ nhàng có nghĩa là đồng tình hơn chống đối ….

Nhưng bỗng có bóng người thấp thoáng. Tôi giật mình bước lùi ra. Tôi sợ cô xã đội phó. Không hiểu tại sao tôi lại sợ cô nhỉ. Có lẽ tôi sợ cô ta bù lu bù loa rồi tôi mang tiếng…

Và nhà báo nữa, cô cũng lùi ra một bước,và nhanh trí nói:

- Bài báo em viết về anh dự đại hội mừng công trên R vừa xong, em tìm anh mãi để anh duyệt qua.

- Thôi, tôi van cô! Tôi không muốn lên đài!

- Anh khiêm tốn hoài!

- Tôi không phải anh hùng, thật mà!

- Không phải anh hùng thật thì giả à?

- Anh hùng là anh hùng rơm. Xin cô cho mũi lửa hết anh hùng!

Tôi vừa nói vừa quay lưng đi. Nàng kéo tay tôi lại:

- Anh chưa hôn em!

Tôi hôn nàng một cái rất khẽ như không.

Không thấy bóng người kia tới gần, nhưng tôi không dám xáp chiến. Không sợ pháo Đồng Dù lẫn cối Trung Hoà, chỉ sợ cây chông ba lá của cô xã đội phó.

Tôi chào tái ngộ cô phóng viên rồi đi thẳng về nhà, trong bụng phập phồng lo sợ. Chắc mây đen vần vũ gió giật cấp 13 sắp có bão. Nhưng tôi đã dự đoán sai thời tiết. Là đứng ở cửa chào tôi bằng một nụ cười tươi như hoa dâm bụt nởi dưới ánh đèn dầu.

- Em tưởng anh lạc đường về rồi chớ!

Lụa ngồi ở miệng hầm hai tay bó gối, mặt rầu rĩ làm cho tôi bất nhẫn. Là trêu ngay:

- Chỉ nhớ anh đó. Anh mà ở lâu chút nữa là chỉ đi tìm.

- Con nhỏ ăn nói lãng dang!

Là rổn rảng:

- Chớ không phải hả? Chớ phải chị xứng với anh Hai thì em nhường ảnh cho chị.

Tôi nạt:

- Em đừng nên nói vậy Là ạ!

- Chỉ thương anh! Em biết từ lần trước mà.

- Lụa chỉ coi anh như anh Điều thôi.

- Chỉ coi anh như ai thì chỉ coi, còn em không coi anh như anh Điều bao giờ.

Sợ mây khói đèn kéo tới làm nên cơn bão tôi không đối đáp mà bỏ đi tắm rồi lẳng lặng xuống hầm dạy con Rớt học.

Lụa đang nằm gác tay lên trán, nghe tôi xuống thì lôi con Rớt qua nhường chỗ cho tôi.

Lụa đã từng thẳng thắn tâm sự với tôi: "Anh không có cưới em đâu, em biết, em không giành giật với con Là! Nhưng rồi anh cũng không lấy nó làm vợ. đâu. Tánh tình của nó không hợp với anh. Nó không phải trẻ con, cũng không phải người lớn." Thật là một tình cảm chân thành, một nhận xét chí lý. Tôi vừa mở tập ra thì Là cũng xuống theo. Nàng cười ngỏn ngoẻn:

- Em biết mà. Ba vô anh đã thưa với ba về vụ của anh với em rồi phải không? Rồi ba cũng đã đồng ý phải không?

Bị tấn công bất ngờ, tôi chới với, không biết đối đáp ra sao. Ai bảo nàng vậy? Nàng ngồi trên mép giường và móc túi lấy một cái hộp nhỏ để trên lòng bàn tay. Tôi giật mình thon thót. Ở đâu mà nàng có cái hộp nữ trang của Lam? Thì ra khi chiều, vô C5 thăm ông dượng, lúc đi tôi đã tiếp tay giúp hai cô Nga bưng phụ thức ăn nên không mang chiếc xắc-cốt đầy đồ bí mật quân sự lẫn bí mật cá nhân theo cho đỡ cồng kềnh. Hơn nữa giờ đó cũng không sợ chụp dù. Cho nên ở nhà, nàng lục được. Nàng mở hộp cầm hai chiếc nhẫn. nói:

- Cả hai đều có khắc chữ "L" tên anh và tên em phải không? Em biết ba đồng ý ngay.

Tôi càng không biết nói sao. Làm thinh thì không ổn mà đính chánh thì càng không ổn. Tôi bèn chối ngang:

- Của gia đình một cậu chiến sĩ trong H6 gởi cho anh cất dùm nó chớ không phải của ba đâu.

- Sao có hai chiếc, mà chiếc nào cũng có chữ "L"?

Tôi nói hàng hai:

- Không tin thì thôi!

Lụa ngồi dậy liếc qua và nằm vật xuống. Là trừng mắt:

- Ngón tay của chị xỏ không vừa đâu!

Tôi xem con Rớt viết bài rồi nằm im như luật trời đã định, chỉ cách Lụa có con bé. Là cũng không ngại gì trong việc chiếm phần. Nàng nằm ngay sát tôi. Thành thử chiếc giường chật nức như cá mòi đứng trong hộp (ở đây cá mòi nằm).

Với hai chiếc nhẫn mà nàng đề là của ba cho, coi như ba đã đồng ý nên nàng càng mạnh dạn xem tôi như của nàng.

Nàng quyết lôi con Rớt đút vô ngách để được rộng rãi hơn.Chiến trường cài răng lược khít như nêm nên không dichuyển được quân sĩ, các đối phương chỉ ghìm nhau, không phe nào gây hấn trước. Tôi cũng mong sống một đêm hòa bình cho khỏe thân. Vì mệt mỏi, vì rượu trà, nên tôi thiếp đibên hơi thở nhẹ nhàng của hai địch thủ. Không biết tôi ngủ được bao lâu thì tôi nghe có bàn tay đập trên ngực. Tôi lắng nghe. Thì ra hai bàn tay từ hai phía. Chúng chạm nhau và lấy mảng ngực tôi làm chiến trường. Một bên có vẻ chịu lép vế nên không tranh giành đất đai trên miền Bắc mà di chuyến xuống miền Nam. Bên kia đuổi theo chộp được và cầm lấy ném ra xa với sự giận dữ, ý bảo: nơi này không phải của mi.

Nhưng khi đối phương vừa buông ra thì nó lại phóng lên ngực tôi lần nữa và lần này thì bám riết. Bàn tay kia lập tức nhổ nó lên và xô mạnh như một hòn đất. Lần này nó không chịu thua. Và hai bên choảng nhau như một cặp gà nòi, cắn đánhau chan chát trong đêm tối.

Tôi bật cười, không can gián mà cũng không hòa giải. Quyền lợi bị xâm phạm nặng nề, ai dễ nhường ai? Tôi nhưnghe từ những va chạm của hai bàn tay yếu mềm này, bật ra những lời gay gắt, những lời mà chỉ có tôi mới hiểu thôi.

- Ba ảnh đã mua nhẫn cưới cho em rồi, chị không thấy sao mà còn hòng?

- Ảnh thương tao chớ không có thương mày đâu.

- Ảnh chưa có vợ, không đời nào lại đi lấy đàn bà có con.

- Ảnh thương con Rớt như con ảnh.

- Anh Thơm mới chết mà chị lấy chồng không sợ ảnh bắt chị sao?

- Ảnh chết đã hai năm, người ta giấu.

Sự xô đẩy tiếp tục trên vùng ngực tôi rồi lên đến mặt. Tôi hôn mỗi bàn tay một cái như thầm bảo: "Thôi, đừng nhau. Anh sẽ giành cho mỗi em một phần bằng nhau:" Bất ngờ tôi nghe một cái đồn Bạch Hạc rơi lên người tôi, rồi một cái nữa rơi chồng lên cái kia làm cho tôi nghe như bị hai mãng núi mềm mại đè.

Rồi một cuộc chòi đạp tranh giành không nhân nhượng lại xảy ra trên người tôi. Để xoa dịu sự phẫn nộ, tôi bèn giăng tay ra, ở mỗi bên, chiếm một mục tiêu. Như những ngọn đồi nóng bỏng bị nước tưới lên, hoặc những ngọn đồi lạnh được chuyền điện vào, bây giờ cả hai nằm im chờ đợi. Sự im lặng bị khuấy lên bằng những hơi thở ngắn và gấp.

Trong hầm mỗi tiếng động được khuếch đại gấp trăm lần, cho nên tôi nghe từng tiếng thở phì phì. Tôi không thể ém đám quân háo hức chiến đấu của tôi trên những ngọn đồi trọc lâu hơn. Tôi thả cho chúng luồn qua vành đai thép, lỏng lẻo hoặc bỏ ngõ tự bao giờ để thọc xuống vùng đồng bằng xanh tươi hoa cỏ.

Lụa khôn ngoan. Nàng đã có kinh nghiệm. Trong trường hợp này, làm kẻ đi sau có lợi hơn, vì thời gian vô tận cho sự chiếm hữu và chiến đấu viên sẽ đánh trường kỳ chứ không tốc chiến tốc thắng như ở trận đầu. Cho nên nàng làm lớn thì làm láo, nhường cho cô em tiến trước.

.... Khi tôi nằm dưỡng quân thì nghe một làn hơi thở ấm thổi vào mang tai tôi. Tôi biết đó là ai. Tôi không ngần ngại chuộc tội đối với nàng.

Chúng tôi hoàn toàn là của nhau trong lúc đối phương hưởng xong giọt nước cam lồ của gã kỵ sĩ phiêu lưu đang nằm ngáy khò khò. Nhưng tôi vừa kiến trúc xong trận địa.pháo suýt khai hỏa thì tôi nghe bịch, bịch trên lưng tôi liên hồi như B52 dội bom, rồi tiếng vùn vằn:

- Tôi mét má cho chị coi.

- Tao cũng mét má cho mày coi.

- Mét mét tui hổng sợ.

- Mét mé...

Tôi cúi xuống bịt miệng nàng bằng một cái hôn đồng thời cho tên biệt kích khui miệng địa đạo mà ít ra hắn đã biết dấu đôi lần.

Mấy hôm sau tôi dắt Tôn Sứt, Ba Tố trở về H6. Trên đường tôi sẽ ghé ông Năm Lê với ý định trình bày kế hoạch pháo kích và sẽ gặp Tám Dò xin một người khác thay cho Hai Khởi, nhưng sự thực là để tạt qua thăm hai em Ua Chia.

Dọc đường tôi hỏi Ba Tố:

- Vô đợt được không?

- Được chớ thầy! Tôi chỉ sợ ông bác sĩ hay, tụi mình bị thương vô nằm, ổng cưa chân cưa tay bỏ mẹ!

- Không có vậy đâu! Ở đời muôn sự của chung mà! Hơn nữa em út của ổng thiếu chi.

Ba Tố cười khắc khắc:

- Hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, còn bữa nay qua hổng nói qua qua mà qua qua ha ha ha...

- Qua qua mà qua có hái hoa được không kia chớ, còn qua qua rồi qua xách xe không qua dìa thì qua qua mần chi?

Ba Tố bảo:

- Ông thầy lo là lo cho thằng em kia kìa, chớ còn tôi đã quậy cái đất thép này thành bùn lâu rồi, chỗ hóc bà tó nào mà tôi không lạo qua? Ngặt vì hốt ổ thì tôi không chịu nên đành chờ cơ hội may mắn mà nắm cái mọng dừa như Hai Khởi thôi. Sắc diện hắn đâu có gì hơn tôi, còn về gia thế thì hắn lại lận lưng một củ su hào, nhưng hắn quơ được con bé quân trang là chó dắt thôi.

- Tôi sẽ đưa hai ông đến một nhà toàn là con gái từ 16 đến 19 và rất mơ cán gáo mùa thu.

- Trời trời! con nít vậy về nhà nó nhỏng nhẽo chịu sao nổi?

- Thằng Chín Hung cưới một cô văn công tỉnh có 16 nghe cha nội. Nhà vợ lại ở trong ấp chiến lược nữa mà đâu có bị kỹ luật gì.

Tôi dẫn hai cậu về căn cứ của Chín Lộc ở Bào Chứa. Mục đích của tôi là cho hai cậu làm quen với các cô Suối và Trong, con của bà Tư Bánh Bò. Hai cô Xanh Biếc và Nhành, em gái của Năm Cội thì còn trong tuổi thiếu nhi không thể gạ gẫm. Mà có gạ gẫm chắc cũng không thành công, vì chúng đã tỏ ra rất cảm ông thầy pháo, còn Ba Tố thì nhan sắc hơi kém Tôn Sứt than phiền về công tác:

- Mình thiếu phương tiện dữ quá anh ạ. Anh còn nhớ trên trường pháo, mình đi thực nghiệm dùng kính ngắm pháo Pháp gắn qua pháo Nhật để bắn trực xạ không?

- Không chó bắt mèo ăn cứt chớ làm sao bây giờ chú em!

- Mấy công trường đều than phiền pháo mình đấm lưng bộ binh hơi nặng.

- Nhưng làm gì được bây giờ. Nội cái việc đạn pháo phơi nắng phơi mưa, lòng pháo chôn dưới hầm thì cũng đủ chết người rồi. Pháo thủ có tài đến đâu cũng không thể bắn chính xác được Ngoài ra còn vấn đề quan trắc. Cậu xem ngoài Bắc mình bắn ban đêm và bắn mục tiêu di động mười phát trúng cả mười.

- Còn ở đây, anh độ bao nhiêu phần trăm?

- Không biết được. Chuyện nghiên cứu này chưa đủ 50% yêu cầu.

- Anh định bắn bao nhiêu quả?

-Ít nhất 500 cho Trung Hòa, 500 cho Đồng Dù.

- Dữ vậy?

- Đó là tối thiểu. Đồng Dù rộng độ bốn cây số vuông có hầm bê tông cốt sắt, có bao cát tấn rất dày. 81 mình chỉ làm nó trầy da thôi. Một trăm quả như muối bỏ biển ăn nhằm gì. Nhưng mình có đủ thời giờ để bắn hay không? Vì nó trả hỏa chậm lắm là trong vòng năm phút. Mỗi phút mình chỉ bắn được mười quả là cùng. Cậu biết đó, nếu bắn nhanh quá, lòng pháo sẽ không nguội kịp đạn đi không chính xác. Như vậy nếu mình đặt năm khẩu bắn chụm vào Đồng Dù trong vòng năm phút thì mỗi khẩu bắn được tối đa là 50 quả. Năm khẩu dự chi 250 quả mà thôi. Vậy mình phải rót tập trung vào một điểm. Thí dụ: kho đạn, sân bay, trại lính. Cái nào thì một cái thôi. Thà chặt lìa một ngón tay còn hơn đập dập cả bàn tay như chiến thuật Mao Trạch Đông dạy.

Ba Tố xen vào.

- Các sách của ông ấy khó áp dụng ở đây lắm ông thầy ơi! Tôi lấy ví dụ: Chiến thuật vẫy chài và gom chài nhanh của ông ấy là hoàn toàn không xài được ở đây. Vì sự cơ của ta quá chậm còn của Mỹ thì quá nhanh, nhanh gấp một trăm lần mình.

- Kinh nghiệm đánh vận động ở Phong Phú của 307 hồi 1948, đánh đồn Pắc Sa Ma của 308 hồi 1950 không thể áp dụng cho tình hình này một mảy may nào. Mình phải sáng tác chiến thuật lấy thôi. Võ đại tướng vô đây mà chạy chụp tlù vài trận thì ổng sẽ biết cái Đồng Dù này không phải là lòng chảo Điện Biên, nơi quân ta ưu thế hơn quân giặc nhiều. Ta bao vây giặc khống chế bằng pháo binh, giặc biết mà lkhông làm gì được. Đường tiếp tế lương thực và đạn dược của địch bị pháo binh ta cắt tối đa! Còn ở đây chúng ta hoàn toàn bị ở trong nhược thế về mọi mặt: Khó tập trung đơn vị, không có pháo binh hiệu nghiệm, không có đường tiếp tế bảo đảm, đạn dược rất hiếm hoi. Chúng ta hoàn toàn bị động với pháo binh của giặc. Đó là chưa kể các trận đổ chụp phối hợp với xe tăng chớp nhoáng. Bên cạnh đó những cuộc đào xới tìm địa đạo thường xuyên.

Ba Tố xen vào:

- Thầy bi quan quá, chớ hồi hôm này cả Đồng Dù lẫn Trung Hoà đều bị pháo ta nện tơi bời.

- Giỡn hoài ông dê tám (D8).

- Thiệt chớ. Quân ta có độc một khẩu pháo cụt nòng mà xơi tái cả hai trận địa làm nó rêm mình quá là quá tay.

- Ông ở đây, ai chỉ huy pháo kích?

Tôn Sứt cười:

- Ổng nói anh đấy!

Tôi chợt hiểu ra. Ba Tố tiếp:

- Thầy làm sao pháo cho nổi hai cái đồn Bạch Hạc một lượt thầy Hai?

- Ổng có bùa, nên đi đâu cũng cá cặp không thôi. Trên R còn đi cặp ba cặp bốn nữa kìa chớ.

Tôi cười:

- Nhưng rốt cuộc chẳng được gì!

- Tôi không hiểu tại sao thầy mới ra Ràng có một ngày mà đã có cô bắt ghịt thầy như vậy?

- Tôi có gây hất gì đâu. Tự nhiên người ta đến bắt cóc tôi.

- Còn vụ cô Lam móc gia đình vô và tặng nhẫn vừa rồi là ông sắp đặt trước à?

- Tôi có biết ất giáp gì đâu!

- Vậy ông phải tính sao cho khỏi phụ lòng cô ta?

- Chưa biết! Nhưng trước nhất là phải hoãn binh chớ từ chối ngay thì tội nghiệp cô ta.

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện chiến đấu xen lẫn chuyện ái tình, chuyện lọt hầm chông của ông này ông kia. Gần một ngày trời, xuyên qua Đồng Chà Dơ, Bào Đứng, Bào Trăn, Bào Tròn mới tới Bào Chứa, nơi đặt căn cứ quân báo, của Chín Lộc, nơi có cây xoài mút trạm gác của Năm Cội, nơi tôi vừa đào dưới bụi trúc của nhà ông Tư ất... nơi ghi nhiều kỷ niệm trong một thời gian ngắn của quảng đời Củ Chi của tôi. Bào Chứa vẫn còn y nguyên nhưng một sự im vắng đông đặc trùm lên vùng quen thuộc này. Nơi đây tôi đã từng đón ba tôi vô,. Đã từng nhậu với Sáu Huỳnh, Chín Lộc, Tư Minh tại nhà ngoại, tại nhà bà Tư Bánh Bò. Tối nay thế nào cũng có một bữa tiệc liên hoan tại quán em Chia. Lòng tôi nôn nao như sắp về đến quê nhà. Bao nhiêu năm rồi, tôi lấy quê người làm quê nhà và lấy người lạ làm bà con của mình một cách hồn nhiên, tự nguyện..

Đường mòn vào quán hơi thu hẹp lại. Cỏ hai bên bò ra gần giao đầu nhau. Là đã từng đến đây và đã gây sự với Ua, Chia suýt nổ to nếu không có Sáu Huỳnh dọa bắt bỏ tù.

Tôi vừa đi vào sân vừa nhìn ngôi quán thu hình bên bụi chuối và dưới những tàu dừa tơ rậm rạp. Tôi bước lên thềm, không một dấu vết của khách khứa tới lui. Hai cánh cửa đóng khít im ỉm như cửa chùa, trên thanh gỗ có dấu dao cạy.

Tôi thất vọng nhưng còn gượng gạo đập cửa gọi.

Không ai đáp. Chia đã cảnh cáo tôi mấy lần trước khi hai đứa tạm biệt: "Dì Ba thúc giục má đem ngoại ra ở với dì lo buôn bán ở Củ Chi" và "Anh về kỳ tới có thể sẽ không gặp ai. " Vậy là chuyện nàng tiên đoán đã xảy ra. Gia đình đã dời đi. Tôi bảo Tôn và Ba Tố.

- Mình đi thẳng lại nhà ngoại xem sao.

Nhà Năm Cội ở trịt phía bên dưới, cây xoài mút vẫn còn đứng đó. Tôi đã từng leo lên ngọn bỏ ống dòm nhìn trộm bót Trung Hòa. Ở đây tầm xa gấp ba lần so với Ràng.

Giá Năm Cội xuất hiện lúc này thì bọn tôi đỡ cô đơn hơn. Phần sợ pháo, phần sợ lựu đạn gài của du kích. Không biết chuyện gì xảy ra ở đây mà đường sá thì không có bóng người, biết hỏi ai bây giờ? Tôi như nghe tiếng nói của ba tôi còn vang trong ngôi quán, nơi tôi gặp lại ba và chỉ một đêm. Tôi đưa mắt nhìn ra phía Đồng Mã, con đường mòn cát nâu mà Ua đèo ba tôi hôm đó ra Củ Chi để về nhà. Tôi ân hận sao mình không kéo dài được giây phút trùng phùng? Tôi hình dung buổi chiều hôm đó ba tôi về đến nhà kể lại chuyện gặp tôi cho má tôi nghe, má tôi sẽ khóc hết bao nhiêu nước mắt..

Con đường Sáu Huỳnh dắt tôi từ nhà ngoại sang quán của Chia bây giờ cây mì cũng xơ xác. Du kích của Năm Cội đào ăn rồi vứt cây bừa bãi không cặm lại. Đây là con đường tình của tôi và Ua-Chia. Nó khởi đầu tốt đẹp và kết thúc bi đát cũng như Romeo Juliette, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài.

Tôi đi vào con đường nhà ngoại. Ngoại đã nhận tôi là cháu rể. Bà cũng đã nhận xét thẳng thắn trước mặt tôi về hai đứa cháu: con Chia đằm thắm dễ dạy hơn còn con Ua lốc chốc và khó bảo!" Ngoại là chủ nhà nhưng với sự trú đóng cơ quan cuối những tên Bắc kỳ xâm lược, thì bà trở thành đứa ở. Họ cho ngoại làm quân báo, con gái lập mạng lưới lấy tin ngoài Củ Chi mà ngoại không biết. Ngoại đâu có ngờ đó là một việc làm nguy hiểm đến tánh mạng.

Lần đầu tôi đến, Sáu Huỳnh đã nài con gà mái ấp, con vật thân yêu độc nhất còn lại trong nhà, để đãi thằng đồng hương tái ngộ.

Cửa nhà trước trống hốc. Tôi gọi to. Không ai đáp. Tôi đi thẳng vào. Không thấy ai. Tôi đi vọt ra sau bếp rồi ra luôn sân sau nơi có cái giếng tôi đã từng đứng nói chuyện với Ua.

Tôi giật nẩy người và sụt lại. Hai cái xác nằm dài dưới đất Tôi nhận ra ngoại ngay, còn người kia, đàn ông không rõ là ai.

- Coi chừng biệt kích thằng Rắc ngoài Củ Chi hay thằng Lệnh ngoài Trung Hòa vô. Lúc này coi bộ chúng nó làm lộng. Có thể nó còn ẩn náu đâu đây. Mình phải đề phòng.

Ba đứa móc súng lên đạn và xuống cò nhỏ cầm tay. Tôi bảo Ba Tố và Tôn cảnh giới bốn phía để tôi quan sát vết thương nạn nhân. Tôi nhận ra người đàn ông là Tư Minh - người có vợ làm thợ may ở Sài gòn, cơ sở chứa cà súng đạn liên sau này bị cảnh sát khám phá. Cả Tư Minh lẫn ngoại đều bị thương ở đầu và ngực.

Có lẽ chỉ điểm cho biết nhà này là nơi đóng cơ quan, Tư Minh bị chúng bắn đã đành nhưng tại sao ngoại cũng bị. Có lẽ ngoại bị lạc đạn chăng? Hoặc lúc tối, hoặc hừng đông, chúng không phân biệt già trẻ, cứ thấy bóng đen bóng người là xã súng. Bên cạnh ngoại một chong dầu lửa ngã đổ và cái tim đèn cháy lan đến hết dầu thành tro. Soong gạo lật ngang tung tóe quanh ngoại. Chắc là hừng sáng ngoại ra vo gạo nấu cơm nấu cháo. Còn Sáu Huỳnh, Chín Lộc, Sáu Cúc đi đâu, chỉ có Tư Minh và ngoại ở nhà? Còn Ua đi đâu? Tại sao cả xóm_không đến đây? Chúng nó bắn bằng súng gì? Có lẽ súng: hãm thanh, loại súng biệt kích thường dùng.

Chúng tôi đến nhà bà Tư Bánh Bò và Năm Cội để tri hô lên. Chẳng ai hay biết gì cả. Ai nấy đều bảo Sáu Huỳnh, Chín Lộc đều đi công tác chỉ có Tư Minh và ngoại thủ trại. Còn con Ua thì đi đâu lâu lắm không thấy về.

Chúng tôi gọi hàng xóm đến chôn cất qua loa rồi rút lui với lòng thương cảm vô cùng. Mình mới thọc ra Ràng mấy loạt trầy da chúng. Chúng đã dùi vào giữa rốn mình đâm một nhát sâu hoắm. Không biết chúng có vào nhà lục lạo lấy được những tài liệu quan trọng nào không? Đây là một tổn thất nặng nề, nhưng chẳng biết nặng đến mức nào. Có thể nó gây nên một sự tan vỡ cơ sở quân báo ở thành và các căn cứ trong này sẽ bị phát hiện.

Nhiều cán bộ bị chúng giết hoặc bắt sống biệt tăm một thời gian dài mới tìm thấy xác hoặc tông tích. Vùng đất Ràng, Bầu Sỏi, ngã Ba Tầm Lanh, Gò Nổi Trên, Gò Nổi Dưới đều sợ tụi thằng Rắc. Lại thêm thằng Lệnh. Thằng này cũng không kém thằng Rắc về cái ngón phiêu lưu bất ngờ, không thể đề phòng được. So với Commando của Pháp thì tụi này là bậc thầy.

Hồi trẻ mới ra trường Lục quân, tôi xuống công tác các đơn vị địa phương quân ở Ô Môn (Cần Thơ) tôi cũng từng bịcommando đột kích, nhưng chỉ một lần là chúng tôi lẩn tránh được và đã phục kích đánh trả lại, nhưng tụi Rắc-Lệnh này thì vô phương lẫn tránh hoặc đánh trả. Vì chúng thay đổi sắc phục, súng ống, chiến thuật, địa bàn như mưa nắng không theo một qui luật nào. Kiểu như Một On ở An Hóa Bến Tre hồi chín năm vậy. Sau mỗi lần chết hụt, chúng càng có những hành động mạo hiểm hơn trước. Trên trời có trực thăng, phản lực, B52, dưới sông có tàu lồng cu và giang thuyền, các con đường giao thông có đồn bót, pháo, xe tăng, và biệt kích. Thế cài răng lược với giặc không giống như thời đánh Tây, thế ta yếu, bị địch tràn lấn hoàn toàn.

Cho nên sau những trận đánh có tiếng vang của hai công trường 5 và 9 của Năm Truyện và Sáu Khâm ở quốc lộ I, ở Bàu Lách Bàu Đưng, phong trào chìm lỉm. Quận Sài gòn đã phản công lấy lại những gì chúng mất trong Đồng Khởi và còn lấn thêm. Nay lại có Mỹ và đồng minh của chúng kết hợp, thế của Giải Phóng bị núng hoàn toàn về mọi mặt.

Năm 1966 là năm mà lực lượng Giải Phóng bắt đầu sa sút cố gắng tăng cường tiềm năng để vươn lên nhưng không thể nắm thế chủ động. Cứ đi xuống dốc. Bao nhiêu hi sinh cũng không lấp được lỗ trống do Mỹ gây nên. Và mùa xuân Mậu Thân là cái cột mốc đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đoàn quân xâm lược phương Bắc lẫn bọn chư hầu phương Nam là Mặt Trận Giải Phóng. Nếu không nhờ Hiệp định Ba Lê thì toàn bộ lũ cướp này sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng thói đời là thế: Pháp cứu Việt Minh ở Điện Biên bằng Hiệp Định Genève, Mỹ cứu Cộng Sản bằng Hiệp Định Paris. Việt Nam tiêu tùng, chẳng những vì Cộng Sản mà còn vì các ông đồng minh vàng.

Tôi không còn biết làm gì nữa. Tôi có cảm giác đây chính là quê hương tôi, nhà tôi và thân quyến của tôi bị tàn phá giết chóc. Hình bóng của ba tôi ngồi sau poọc-ba-ga của Ua như còn thấp thoáng trên con đường lởm chởm ven Đồng Mả..

Khi trước vui vẻ rộn rịp bao nhiêu, bây giờ lạnh lùng bấy nhiêu. Tôi ra gốc cây xoài múc của Năm Cội. Đáng lẽ hắn đeo tôi về luôn đây, nhưng vết thương hành, nên đành trú lại dọc đường.

Cây xoài vẫn đứng nhưng không còn nguyên. Một bên tàng lá cháy sạm. Những cành chúng tôi ngồi bắt ống dòm xem bót Trung Hòa đều gãy đổ xuống đất. Nó như một thương binh cụt tay, cháy tóc.

Phía Bàu Lách từng cụm khói bốc lên tận trời. Có lẽ Mỹ còn cụm bên đó cho nên trực thăng cứ bay trên đầu rặng cây thỉnh thoảng lại chúi xuống phóng rốc kết.

Tôi thấy đau xót khi nhớ đến chuyện Năm Cội ném những xác người cháy đen xuống hố bom. Đó có thể là một bộ phận của Q16 của đám con nít quảy chó hôm qua. Con cái của ai mà Sanh Bắc Tử Nam vậy? Không biết cậu thương binh kia còn sống thêm được mấy ngày nữa? Tôi đã chỉ đường cho các cậu ấy đi lên C5 của Tư Chuyền, nhưng chắc cậu ta không cần đến sự săn sóc của những bàn tay Hằng Nga nữa, bởi lẽ rất đơn giản là cậu đã chết trước khi đến đây.

Tôi đã từng chứng kiến những chuyện quái gở nhất thế gian ở trên lưng Trường Sơn. Bây giờ tôi lại được mục kích thêm những chuyện quái gở hơn chuyện Trường Sơn trong việc đối xử với người sống và người chết. Trong ngôi nhà sụp đổ của ngoại, tôi tìm được một cái cuốc cùn. Có lẽ là dụng cụ dã từng được xử dụng đào hai trăm miles địa đạo chăng?

Hôm nay, tôi dùng nó để cuốc đất vung lên nấm mộ của ngoại và của Tư Minh cho cao hơn chút rồi lẳng lặng rút đi giữa buổi chiều ảm đạm.

Đến đây chắc độc giả đã sống ít nhiều cái không khí bình thường của Củ Chi. chưa có gì ghê gớm..Thỉnh thoảng lãnh vài trăm trái pháo, đăm ba trận bom, biệt kích đột nhập, và đào vài thước địa đạo rồi bỏ, sửa soạn vài cái hầm bí mật để phòng chụp. Đi chài lưới kiếm ăn, nhậu nhẹt, trai gái, mở lớp uẩn luyện pháo, pháo kích Đồng Dù, Trung Hòa v..v... Đó làđất sét chưa thành bùn.

Bây giờ đến giai đoạn mới: Đất sét thành bùn.

Để mở màn, xin mời bạn đọc liếc sơ qua cái bảng phong thần của Bác Đảng tặng cho Củ Chi, những tên tuổi mà tôi còn nhớ được sau một phần tư thế kỷ.

Đứng đầu bảng phong thần là ngài Tư lịnh Quân khu tên Trần Đình Xu, bí danh Ba Đình, người tình của dì ba cô Là xã đội phó, em nuôi của tôi... Ông Tư lệnh vốn là phu cao su làm tới chức thầy, nên dân cạo mủ gọi là thầy Xu, thứ ba nên cũng còn gọi là Ba Xu chớ không phải đồng xu ta xài hoặc tiểu thuyết hai xu một cuốn. Trong kháng chiến chống Pháp, Ba Xu làm tới Trung đoàn trưởng, tập kết ra Bắc được gắn lon Thượng tá. Về Nam, đánh trận Bình Giả. Với thành tích rực rỡ nướng quân cao nhất, chỉ thua Tướng Giáp ở Điện Biên, Ba Xu được giao cho làm Tư lệnh Quân khu IV với quân hàm Đại tá.

Tháng ba năm 1969, với thành tích nướng còn nóng hổi ởTổng công kích Mậu Thân, Ba Xu được Trung ương xách chóp cho làm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng của cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời của Huỳnh Tấn Phát. Thiên bất dung gian, trên đường về R nhậm chức, Ba Xu đạp nhằm bãi mìn của Mỹ Ngụy (?) tan xác, không nhặt được lóng xương miếng thịt nào. Trinh sát Quân khu và Công trường 9 mò mấy tháng liền vẫn không tìm ra một manh áo, một chùm tóc của ông Đại tá. Chắc Tư lịnh Ba Xu xuất phát không có xem quẻ thầy bói nên chẳng những Tư lịnh bị cụm mà còn lôi theo cả ban bầu cua: Chính ủy, Phó Tư lịnh và đám lâu la điếu đóm hơn một trung đội.

Chính ủy Nguyễn Xuân Trường, tục gọi là Tư Trường, dân gốc Rau vào Nam cũng cạo mủ với Ba Xu, sau năm 1945 làn ở Liên Hiệp Công Đoàn Nam bộ. Không có tập kết, được đưa về làm Bí thư Khu ủy thay Trần Bạch Đằng, kiêm Chuẩn úy Quân khu. Một tên chưa biết bắn súng mút-cơ-tông nhưng Đảng đặt đâu ngồi đó, nhưng Đảng không bảo đạp mìn mà lại đạp. Cái xác vĩ đại của hắn tan thành bụi bón cây rừng.

Bên cạnh Tư Trưởng là Tám Lê Thanh, tên cúng cơm là Tám Dọn vì lúc ở trên R làm Trung Đoàn trường bảo vệ căn cứ R, đi kiểm tra, bất cứ thấy cái gì hắn cũng bảo "Dọn vô cho rén khéo kẻo B52 nó trông thấy." Vì thế lính tặng cho hắn cái tên bần cố nông đó. Khi tên Tướng mặt sắt Nguyễn Chí Thanh vô trấn nhậm Nam kỳ thì giải tán luôn ba cái râu ria hiếu hỉ của triều đình đỏ R: nào đội bảo vệ, nào tổ thợ săn thịt, nào ban đào hầm, ban công binh chuyên cất nhà cho mấy tên kẹ v..v... Do đó Tám Lê Thanh cũng bị dọn luôn về đây làm Phó Tư lịnh, cũng oai ra phết và cùng theo chầu ông vãi trong chuyến đi này. Cũng nên biết là ông Phó Tư Lịnh gốc phu đánh xe ngựa ở Hốc Môn, không biết đi theo cách mạng hồi nào mà thăng quan tiến chức ghê vậy. Thường thường dân Nam cờ không mấy khi là đến chức này.

Đó là bộ ba ông Táo thượng đẳng của Quân khu IV. Ngoài ra trong bộ ban điếu đóm có tên Huyện đội trướng Trảng Bàng Mười Trường chịu trách nhiệm đưa đường, còn đám cò ke lục chốt thì không biết hết tên.

Sau khi Ba Đình chết thì không có ai làm Tư lệnh. Chỉ có vài tên Việt gốc Rau làm phó Tư lịnh thôi. Như tên Nguyễn Văn Kiên tự là Ba Kiên,. Trung đoàn trưởng Trung đoàn Q16 từ ngoài Bắc vào nên dấu tên thật, nhưng tôi biết đó là Trung đoàn thiện chiến nhất của Sư đoàn 325 trong chiến dịch Điện Biên. Đơn vị này vào đến miền Nam năm 1964, chỉ còn phân nửa quân số gồm toàn lính ốm đói như đã mô tả ở chương trước. Đơn vị này được một vinh dự lớn lao là bà Phó Tư "Nệnh" R đứng ra đỡ đầu và nhận Ba Kiên làm em nuôi (nhịp nhàng với phong trào em nuôi, con nuôi từ R xuống khu).Trước khi chiến dịch Mậu Thân bùng nổ, tên Bê Ka này đã giả dạng thường dân, áo dài khăn đóng đi quanh hàng rào Tân Sơn Nhất, tay cầm bó nhang, giả bộ đi tìm mộ con. Sau khi nướng gần hết số lính còn lại trong lò lửa cách mạng Mậu Thân, hắn được phong quân hàm Thượng tá, giữ chức phó Tư Lịnh, nhưng chẳng được bao lâu, ông phó Tư nịnh lại đi theo vết chân của ông Tư lịnh, nghĩa là lớ huớ lại bị mìn ở Lộc Thuận, còn tên gác-đờ-co thì bị đứt ngang lưng như con cá lóc khứa đôi. Tội nghiệp, làm anh hùng Điện Biên rồi lại làm quỉ Củ Chi bỏ vợ con không biết có đồng chí đảng ủy nào giúp đỡ không?

Kế Ba Kiên là Nguyễn Xuân Dũng, tự Năm Dũng, cũng còn có tên là Năm Nheo, vì mắt bị bù lạch ăn trụi hết lông nheo, cứ hấp háy như chói mặt trời, là chánh ủy của Q16. Năm Nheo là dân trọ trẹ nói toàn dấu nặng, là một cặp bài trùng với Ba Kiên. Sau khi đồng chí Thủ trưởng nướng gần hết Trung đoàn, Năm Nheo định thua me gỡ bài cào, nên đi nghiên cứu lò mới để nướng nốt những tên còn sống sót. Vừa ở trong rừng cao su Bàu Nỗ (Bến Súc) ló ra thì bị cá rô trông thấy Nó rỉa một phát cả hai thầy trò đều tiêu dênh. Ngoài ra còn một cán bộ tác huấn là Thượng úy Hai Hiến cũng ngủm theo. Mỹ đáp trực thăng lấy hai súng K54 và một AK gọn ơ.

Còn một ông tên là Bảy Dũng đâu ở bên dân sự đưa qua cầm cán Phó Chánh ủy, nhưng không sống nổi ở Củ Chi, phải rút về Long Nguyên chuyên môn ngồi thum một thời gian rồi đau tim (có lẽ vì sợ chiến trường) và đi vào nhị tỳ.

Sau ông Năm Dũng, Bảy Dũng, tới lượt Bảy Phán, cũng dân Việt gốc Rau, cấp Thiếu tá không đánh đấm gì nhưng lại được cấp trên cho làm Tham mưu phó. Đi công tác ở Trảng Bàng bị Mỹ đổ chụp bắt sống tại Cầu Xe (quê chị Năm Cầu Xe được nhắc tới ở các chương trước. ) Người ta nghi ông móc với lính Sài gòn trong vụ dàn cảnh đổ chụp này. Nghĩ cũng có lý, vìThượng tá Tám Hà (tức Trần Văn Đắc) Chánh ủy mặt trận tiền phương còn hồi chánh nữa là Thiếu tá.

Từ nãy giờ bạn đọc thấy đủ loại mặt hàng: tham mưu chính trị, quân sự. Bây giờ nói tới mặt hàng mới: Quân Báo.

Sáu Cúc không có trình độ, cũng không phải là tay mưu lược nhưng nhờ thành phần bần cố nông được phong làm phó phòng tham mưu khu, phụ trách quân báo, cũng bày trò móc nối tinh Sài gòn để làm binh biến. Biến đâu chưa thấy mà một hôm Mỹ đổ chụp bất ngờ (kết quả của công tác quân báo) hốt luôn cả cơ quan gồm có một điện đài dùng để báo cáo thường xuyên về Cục tham mưu R. Việc này chứng tỏ cái đầu óc cù lần của một anh bần cố nông. Loại công tác này ít nhất phải thông thạo một ngoại ngữ, còn Sáu Cúc viết chữ quốc ngữ còn đánh vần.

Xong vụ Sáu Cúc, đến vụ Huỳnh Thành Đồng. tên gì kỳ vậy? Có lẽ hắn quơ trọn cái danh dự rơm của Bác tặng cho dân Nam kỳ chăng? Đồng chỉ huy trận pháo kích sân bay Biên Hòa... rồi chạy thụt mạng, vứt súng xuống sông Sài gòn, không về R được, nên tôi phải đóng vai anh hùng giả gạt các ông bà trí ngủ ở Sài gòn ra tại triều đình R. Đồng được khen thưởng và cho về khu IV làm Tham mưu phó. Ở trên nghĩ rằng với kinh nghiệm chỉ huy tiểu đoàn pháo Z35 của U80, nay về đây sẽ làm trụi cái Đồng Dù, nhưng chẳng được mấy ngày thì bị lính Giang thuyền đổ bộ lên ấp Phú Yên xã Trung An bắn bỏ xác trong đám mía năm 1960.

Nhưng dù sao Huỳnh Thành Đồng cũng làm pháo nổ được vài quả ở Biên Hòa, còn Ba Châm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Quyết Thắng chủ lực khu đầu tiên thăng chức Tham mưu phó khu người gốc Rau ở Bắc mới vào, đầu đã bạc một nửa, nhưng chưa có ai nâng bi sửa dế, một hôm trời trưa nắng xuống tắm dưới suối Cát (còn gọi là suối Xay-nô gần Bến Súc) rồi về hầm treo võng nằm mơ tiên nữ bị biệt kích đến lúc nào không hay ria cho một loạt vào ngực. Các đồng chí ta đến thấy tận mắt, nghĩ rằng hầm này có cô hồn, chẳng ai dám chui vô nữa, nên lấp đất chôn luôn.

Ở gần cuối bảng Phong Thần cấp Quân khu có lẽ là Năm Sĩ được mệnh danh là con hùm xám Điện Biên, Trung đoàn trưởng một Trung đoàn thuộc Sư đoàn 308. Trung đoàn này xuất phát từ Phùng (Sơn Tây) làm mũi nhọn thọc vào Sài gòn trong Tết Mậu Thân. Được ghép vào Công trường 5 của Sáu Khâm. Xuống đến ấp Sa Nhỏ thuộc xã Trung Lập Thượng, đụng Mỹ đổ chụp tan nát rồi bị pháo Đồng Dù bồi tiếp tơi bời không còn manh giáp, lại bị pháo cụm Chà Rầy, Trảng Bàng đánh cú vét. Trung đoàn phó và Chánh ủy chết trong loạn binh. Chỉ còn ông Trung đoàn trưởng sống sót trở về một thân một mình. Nghĩ rằng được Phật che chở nên ngài Trung đoàn trưởng Mác-xít cạo đầu trọc lóc để thầm tạ ơn Phật. Ngày ngày đi tới đi lui và giải sầu bằng ba xi đế, hoàn toàn không uống nước. Và cũng như ngài Tư lịnh phó Hai Phón đã phónchiến trường Củ Chi nên bị ông Tư lệnh Ba Xu trả về R như một cái xác chết.

Tạm bấy nhiêu để bạn đọc thấy sự ác hệt của chiến trường. Những ai từng đi kháng chiến chống Pháp thử nhớ lại xem, suốt chín năm có Bộ Tư lệnh nào sứt mẻ như vậy không? Chỉ ở Miền Tây, ông Huỳnh Phan Hộ vì quá anh hùng nên ra trận và tử trận, và khu bộ phó là Nguyễn Hùng Phước vì quá phiêu lưu mạo hiểm mà hi sinh, ngoài ra các Bộ Tư lệnh khu 7 Huỳnh văn Nghệ, Nguyễn văn Trí, Huỳnh Kim Trương; khu 8 Trần văn Trà, Nguyễn văn Vịnh, Nguyễn văn Quan, Khu 9 Nguyễn văn Trấn, Trương văn Giàu, Phan Trọng Tuệ đều còn nguyên. Chỉ có cán bộ chiến trường mới chết thôi. Nhưng cũng không nhiều như thời kỳ chống Mỹ.

Nhất là ở Khu IV, Nguyễn văn Bảo Chánh ủy Sư đoàn 330 ở miền Bắc được bổ nhiệm làm Chánh ủy Quân khu IV vừa đút đầu về tới sông Sài gòn đã bị Biệt kích Mỹ cho chầu Hà Bá. Lê Quốc Sản, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Hải Ngoại về nước thời chống Pháp được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu II (khu 8 cũ) vừa về đến nơi bị xe tăng Mỹ càn chết ở Tháp Mười. Nguyễn Hoài Pho, Huyện đội trưởng Ô Môi sau lên làm Tỉnh đội phó Cần Thơ, tập kết ra Bắc khai láo là bần cố nông được cho đi học Trung quốc, về nước được phân cấp vượt bực: Trung tá!! Về làm Tư lệnh Quân khu III (khu 9 cũ) tới nơi chưa làm gì đã bị trực thăng bắn chết. Không Bộ Tư lệnh nào còn nguyên như thời kháng Pháp. Bọn Hà Nội ngủ say trên chiến thắng Điện Biên nên nghĩ rằng Mỹ cũng xêm xêm như Pháp cho nên Tướng Giáp tự phụ gởi hai Trung đoàn trứ danh của Sư đoàn 325 và 308 vô giải phóng miền Nam, để rồi "một ra đi là không.trở về. "

Bây giờ xin nêu tiếp Bảng Phong Thần.

Phòng Tham mưu của Thần núi Năm Lê đã góp phần lớn nhất, có trên năm chục cán bộ lãnh đạo. Đứng đầu là Thiếu tá Ba Kính, Phó ban Tác huấn bị Giang thuyền bắn chết trên sông Vàm Cỏ Đông. Năm Tiều, Trung đoàn trường Trung đoàn Quyết Thắng, người có vợ trẻ nhưng muốn thiếm xực cô Sáu Tỉnh ở Bến Dược, đạp mìn banh xác ở sở cao su Phú Hòa năm 1970. Cùng chung số phận với Năm Tiều có Đại đội trưởng Mười Việt, xung phong lãnh nàng Sáu Nga nhỏ ở C5 đi R đào tạo Y sĩ. Nàng mang chiếc bầu, ông anh cụt chân bảo phải phá, vì cái bầu đó là bầu rau muống. Thương thay cho nàng lấy Mười Việt mà chưa có bầu mới chàng đã phủi cẳng lên bàn thờ!

Chín Nữa bị thương lũng ruột vì một trái pháo nổ vào lúc hừng đông đơn vị đang nằm ngủ ngon. Sau khi chữa lành, tưởng là sẽ có cơ sống sót về với vợ con, nào dè bị xe tăng càn sập hầm (xin hiểu khi tôi nói hầm, thì đó là hầm bí mật hoặc chớ không phải địa đạo) chết ở Bàu Lách năm 1968 với chức vụ Đại đội trướng Trinh sát. Cùng xuống địa ngục với ông có cả tổ vệ binh của Phòng Tham mưu Khu. Cơ quan đã thi hành chánh sách nhân đạo của Đảng: Tử đâu táng đó.

Sau vụ Chín Nữa sập hầm tới vụ Sáu Lễ, Phó ban Quân báo Khu. Lễ bị pháo bắn ngay hầm ở căn cứ Bàu Khai năm1968. Cách đó không lâu, Tư Thuật, đại úy Trưởng ban Quân lực đội B52 chết ở Đồng Cà Tông, Dầu Tiếng năm 1966. Cùng đội chung quả bóng này có Thượng úy Ba Giỏi. Còn ông Thượng úy Tám Đương, Phó ban Quân lực dũng cảm hơn nên ôm một mình một quả. Rồi Hai Giả, đại úy Trưởng ban Pháo binh (tức H6, tôi vừa về thay thế) bị lính Đại Hàn khui hầm tung lựu đạn ở Dự An năm 1965. Nhưng chưa hết vận đen của H6. Sáu Phán, đại úy Chính trị viên bị Biệt kích Mỹ thọc vào bất ngờ đánh úp trong khi họp liên cơ quan với Tham mưu Quận. Trên một chục cán bộ quân sự chết dưới hầm Gót Chàng gần nhà Bảy Mô cuối năm 1967, trong đó có Đào Hải, Tham mưu trưởng Quận đội. Lúc đó tôi đã ra chỉ huy bộ binh. Nếu không thì cũng đã lúa rồi. Nếu vậy thì Ban chỉ huy H6 đều tiêu tùng.

Cái tin tử và táng tập thể này đang làm rúng động cả Củ Chi thì Đại úy Cao Hoàng Phủ, tức Năm Phủ, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo 89 bị pháo bắn trúng miệng hầm tại căn cứ H6 ở Bến Mương năm 1967. Đóng góp vào cái chết của Phủ, có một số nhân viên từng làm việc dưới trào Dương Đình Lôi như Ba Thu, quản lý; Ba Tâm, Đại đội trướng Cối; Mười Lùn, Đại đội trướng DKZ; Cô Thu, chị nuôi, người đã cứu Lôi chết ngộp dưới địa đạo năm 1965; thằng bé Dở, liên lạc bị gảy gió; Tư Kỹ, đại đội trưởng Trinh sát pháo. Thật mỉa mai, pháo Giải phóng được Đồng Dù tặng chỉ một quả dưa hấu đầu nhọn mà banh chành. Chưa hết, kế đó đến Tám Thanh, Thượng úy chính trị viên Tiểu đoàn 89 của Năm Thủ bị pháo bắn ngay miệng hầm ngủ tại căn cứ Bưng Còng năm 1967. Cùng hợp xướng bài ca Pháo này có một chị nuôi tên Huệ và một số pháo thủ. Rồi họa vô đơn chí, Năm Dị, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn này bị trực thăng phát hiện bắn chết cũng ở Bưng Còng cuối năm đó.

Trong số cán bộ trung đoàn 268 bị Ngọc Hoàng giủ sổ có thêm anh chàng Hai Đồng (Huỳnh văn Đang). Hắn mất tinh thần từ sau trận đánh phối hợp với Tiểu đoàn I Quyết Thắng tập kích quân Mỹ cụm ở Bàu Trâu xã Phước Thành 6/67. Hai Đồng lúc đó là Tiểu đoàn trường Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn Q16, lại bỏ ngũ đi lêu bêu cặp với cô nương Tám Mang ở quân y quận Củ Chi. Tám Mang có bầu bỏ về hồi chánh ở chợ Củ Chi sanh một bé trai. Hai Đồng lang thang ở Bến Chùa nhớ người tình, nhưng tình hình khan hiếm cán bộ, quân khu lại điền hắn làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 268 vừa kiện toàn rút Tiểu đoàn 7 Củ Chi về Trung đoàn này để làm nồng cốt. Hai Đồng chưa làm nên trò trống gì lại nối gót theo Tư Quân, Hai Khởi, nhưng hắn bị xe tank Mỹ khui hầm tại Trảng Cỏ bắt sống cùng đám cán bộ, nhân viên tham mưu cả ban bệ hơn chục mạng.

Sau đây là các mặt hàng trong các chuyến tàu chu du Thủy Cung: Ba Thụng, đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4, thuộc Trung đoàn Quyết Thắng, bị moi hầm bắt sống tại ấp Gò Nổi (trên) xã An Nhơn đầu năm 69. Kế đó là Thượng úy Tư Lịnh, bạn của Lôi từ trường Lục quân Trấn Quốc Tuấn ở Miền Tây Nam Bộ năm 1950, Trưởng ban địch vận (người đã gạt tên nhà báo Bọ Chét), bị khui hầm bắt cùng ngày cùng tháng cùng năm với Ba Thụng.

Bây giờ Bảng Phong Thần xin ghi tiếp các ngài ở Phòng Chính Trị của ông Tám Quang.

Đứng dầu nhóm này là Thượng tá Tám Hà, Phó phòng Chính Trị Quân Khu. Ông không bị pháo bắn, tăng càn, cá rô rỉa, biệt kích ném lựu đạn nhưng ông không ở trong hàng ngũ lũ cưóp mặt đỏ: Ông hồi chánh vào tháng 5-1969 sau khi thấy bọn Hà Nội lợi dụng, phung phí xuơng máu của bộ đội, của đồng bào và của cán bộ Mùa Thu cho mục đích dơ bẩn. Về Sàigòn, Tám Hà đã tích cực hợp tác với Quân đội Mỹ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong mục đích giúp họ tiêu diệt Cộng Sản.

Tin Thượng tá Phó Phòng Chính Trị Quân khu kiêm Chính Ủy Mặt trận Tiền phương đã hồi chánh trong chiến dịch Mậu Thân đã làm cho Quân khu hoang mang xáo trộn và mất tinh thần. Đây là cán bộ cao cấp nhất đã hồi chánh trong chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Tùu một vị trí phục vụ Cộng Sản, ông quay lại kịch liệt chống Cộng Sản. Quân Lực VNCH và Quân đội Mỹ đã dành cho ông những cảm tình đặc biệt và một công tác hợp với khả năng của ông.

Chín Mành, Đại úy, Trưởng ban Tuyên huấn Khu, dưới quyền Tám Hà, bị máy bay cá rô rỉa cùng với tên gác-đờ-co tại Đường Long là nơi tên Tướng Mặt Sắt chết trước Mậu Thân.

Năm Liên, Bắc kỳ xâm lược Phó ban Tổ chức Khu được đưa xuống làm Chính ủy Trung đoàn Quyết Thắng, chuyên môn ngồi thum, bị xe tăng càn bắt sống cùng với tên cận vệ.

Đi theo sát gót Năm Liên là Tư Trường, trung úy, phụ trách dân vận bị trực thăng bắn chết ở làng 14 thuộc sở cao su Dầu Tiếng sau Mậu Thân.

Để cho đoàn du hành xuống cõi dưới có chất lượng hơn, Diêm Vương bèn giũ sổ một loạt cán bộ trung cấp khác: Sáu Thưa, Sáu Sánh, Hai Khởi (Hai Khởi trợ lý chính trị) cùng một đoàn bảo vệ chị nuôi ra Bến Chùa lãnh gạo, bị lính Mỹ phục kích đánh mìn, xác phơi đầy đường đá đỏ, bảy ngày nhặt chưa hết.

Tết Mậu Thân chẳng những không mở đường cho Bác (!) vào thăm Miền Nam mà trở thành cảnh tượng bi thảm nhất trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp Mỹ. Út Tòng, Đại đội phó bị moi hầm bắt sống và Út Thành, cùng cấp, trợ lý ban Quân lực Khu hồi chánh.

Sau đây mới là một hoạt cảnh khiến cho cấp chỉ huy khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt.

Ba Tố, Trưởng ban Tài vụ Khu (kẻ nắm yết hầu toàn thể Quân Khu) ôm một bao bạc đi... ra Sài gòn và lên đài Truyền hình nói những chuyện thối tha của vua quan triều đình đỏ. Cả Quân Khu ngất ngư chưa biết hồi sinh bằng cách nào thì Tư Minh, Thiếu tá, trưởng ban hậu cần dân Việt gốc Rau, một mình đội một quả dưa gang 500 kí. Phó Phòng Ba Ân chạy đến chia gánh nặng với đồng chí, bị vỏ dưa phang đứt tiện cổ và Hai Nhơn cùng cấp với Ba Ân bị gảy giò, đem qua Bưng Còng cho Tám Lê y sĩ dùng cưa sắt cưa và trút hơi thở cuối cùng.

Nhưng tổ tam tam ở trên rửa chân lên bàn thờ không bi thảm bằng bác Năm Râu từng là Chỉ huy phó trường Huấn luyện tân binh R (với Lê Xuân Chuyên, em nuôi Trần Độ) bị trực thăng chụp chết cả thầy lẫn trò. Trò là một cô gái mườisáu tuổi, em út của Út Bột cán bộ R. Sau cái chết của đứa con gái, cả gia đình hồi chánh tập thể ở Dầu Tiếng.

Một ông già ăn trầu có tên là Năm Trầu, bị cá rô rỉa tại Bến Chùa, cái ổ êm ấm của bọn đầu sỏ khu ủy. Sau vụ này lũ quỉ chạy tuốt qua Bình Dương rồi chuồn sang Cao Miên ăn hút, thỉnh thoảng chỉ đạo về bằng mồm.

Bây giờ xin nói đến các cuộc phong thần tập thể.

Đứng đầu sổ là Trung đoàn Quyết Thắng. Trung đoàn này bị chôn vùi mất hẳn tên ở vùng Quới Xuân (Thành Lộc) trong những hố bom, gồm có: Trung đoàn trưởng: Lê Minh Nhất tự Tám Luồng; Chính ủy: Hoàng Phái; Phó chánh ủy: Tám Lệ; Trung đoàn phó Năm Xướng (sống sót và hồi chánh); trưởng ban Hậu cần: Hai Tiến; Tiểu đoàn trường Ba Đức; Chính trị viên Tiểu đoàn: Út Sương. Toàn bộ các ban chỉ huy Tiểu đoàn, đặc công, cối DKZ 12ly8, trinh sát... Một trăm lính sống sót ra hồi chánh trong đó có Đoàn Chính, Bùi Thiện, Cao Huynh v..v... sau này đã hành nghề ca hát tại Sài gòn.

Nối gót theo đàn anh là Trung đoàn 268. Trung đoàn này thành lập vào tháng 2 năm 68 nghĩa là một sự tập hợp đám tàn binh mất hồn sau Tết Mậu Thân, gồm Tiểu đoàn 14 của Tây Ninh và một Tiểu đoàn Bắc kỳ xâm lược. Nhưng chưa ra quân đã bị Sư đoàn 25 Mỹ đánh phủ đầu. Các tên chỉ huy đều vĩnh viễn ra đi mỗi tên một cách.

Trung đoàn trưởng Út Lịa cùng một đám tùy tùng bị Biệt kích Mỹ bắn chết toàn bộ tại rừng Lộc Thuận năm 1969. Sáu Nam, chánh ủy, bị pháo bắn chết tại Sa Nhỏ. Hai Khởi (ông bạn bị thương khi đi nghiên cứu trận địa pháo ở Ràng với tôi) Tiểu đoàn trưởng bị Mỹ moi hầm bắt sống ở Trảng Cò. Còn lại hai trăm tàn binh, cấp trên xách ra đánh bót Tân Thông và Cầu Ván nướng luôn. Tiểu đoàn trưởng Hai Hằng gốc Rau, mất tinh thần bỏ đơn vị ra làm dân, cấp trên phải cho cảnh vệ bắt về nhét vào Phòng Tham Mưu cà nhỏng chống Mỹ.

Ở trên R đưa một ông Thiếu tá Bến Tre (Hoàng Chí Thanh) xuống chỉnh đốn lại đơn vị, nhưng vừa nhậm chức đã mất tinh thần, xin trả chức vụ để trở về R, không dám hó hé xuống Củ Chi nữa.

Tư Quân, Trung đoàn phó (mới) bị phục kích chết ở Bàu Tre cùng với một Tiểu đội trinh sát. Quản lý trung đoàn: Út Đầu Đỏ (tên lạ thật!) chuyên ngồi thum, nhưng cuối cùng cũng bị bắt tại bìa rừng áp Sa Nhỏ, giáp Bàu Đúng.

Đoạn này xin mở ngoặc Ngọc Hoàng giủ sổ hụt. Chính Năm E, Quận đội phó Nam Chi người đã phụ trách đội ghe xuồng máy đuôi tôm đưa lực lượng Trung đoàn mũi nhọn Quyết Thắng xuống vùng Bình Mỹ từ Bến Đá Phú Hòa Đông chạy dọc theo sông Sài gòn qua Vàm Sông Thị Tính để đổ quân lên ấp Nhà Việc. Từ đó vượt qua đường số 8 theo lộ 9A để tiếp cận xuống Gò Vấp. Năm E mặt rỗ vui vẻ kể chuyện khi gặp tôi tại Đồng Lớn, hắn đi rước số quân Bắc Việt bổ sung cho Quyết Thắng mà Hai Khởi Tham Mưu trướng của Tiểu đoàn tôi nhận về, hắn đòi lại để đưa xuống Bình Mỹ. Hắn cõng cho tôi một bồng đồ hộp Trung Cộng: có bánh tây, thịt kho hộp, bột trứng gà. Hắn vừa kể quen miệng chửi thề:

- Đ M. xuống tới Bầu Trâm ổng nghe Pháo Bình Dương nện tởn quá nên liền thối lui, biểu tôi đưa ổng trở lên Bến Ông Cộ để theo đường 14 lộn trở về.

Tôi hỏi:

- Ông nào vậy?

- Ông Tướng chớ ông nào? Dân Bê Ka sao mà nhát quá!

Tôi biết ngay bảo.

- Ổng chỉ giỏi lý luận nên mới thủ cái Cục Chánh Trị R chứ ông đâu có gan đội bom đội pháo như mình.

- Mẹ bà, vậy mà tụi Sài gòn nói là giết được Trung tướng Trần Độ, thằng lính lấy được ba lô moi ra thấy lon vàng nghệ tưởng là lon Trung tướng, không dè đó là lon Trung tá của Năm Sài gòn tức Năm Truyện, Tư lịnh công trường 9 Mũi Nhọn.

Năm E cười hô hố:

- Vậy là Ngọc Hoàng gỉủ sổ hụt, chứ ôngTrần Độ mà dám băng qua đường số 8 thì đã phủi cẳng cùng theo Tư Nhút, Năm Sài gòn, cả đám Mũi Nhọn lúc vào đợt một rồi.

Sự tan rã của Trung đoàn Bắc kỳ xâm lược có tên Q16 đã nêu trên kia cũng không thể bỏ qua. Sau Mậu Thân, chỉ còn vài chục mạng, Quân khu không có lính mới bổ sung nên trả về R không đủ cho bà chị nuôi nấu nồi xúp.

Còn đám cán bộ cá kèo, huyện đội xã đội không thể nào nhớ hết, nói chi đến du kích con. Một Sơn, anh vợ Tám Giò, và Tám Giò huyện đội trưởng đều chết. Một Sơn, bí thư quận bị đánh tung hầm năm 67. Tám Giò bị ăn pháo tại Bàu Trâu năm 68, một tay sợ pháo kinh hoàng, rốt cuộc chết vì pháo. Bảy Đạo, Tham mưu trưởng Quận đội bị đổ chụp moi hầm bắt sống tại Sa Nhỏ năm 1968. Ba Luân, bí thư quận ủy Nam Chi (Củ Chi bị Đồng Dù cắt đôi thành hai mảnh Nam Chi và Bắc Chi) bị pháo cho đi tàu lặn năm 68 tại Phú Hòa Đông. Cũng cùng năm này Hai Mỏ bị pháo cho leo thang mây tại Đồng Lớn(chỗ Hai Khởi gặp cô em Út Hương).

Kế đó Út Thành quận đội trưởng Nam Chi bị Biệt kích bắn chết cùng một trận ruồng với Hai Thành chính trị viên kiêm quận đội phó. Chỉ vài tuần sau Năm E bị Giang thuyền cho mò tôm càng xanh hiện đại trên sông Sài gòn gần An Thành năm 67. Trên xuồng đuôi tôm qui địa phủ còn có mặt huyện ủy viên Nam Chi là Ba Lá. Ba ngày sau, Đào Hải dân Bắc kỳ xâm lược, tham mưu trướng quận đội, bị Biệt kích dàn chào ngay tại miệng hầm, rồi chỉ một tuần sau Ba Cà (có tật cà lăm) huyện ủy Nam Chi chết vì đụng biệt kích trên đường công tác ở Phú Hòa Đông. Đi theo Đào Hải còn có Thiếu tá Mười Thứ, dân Bê Ka chánh gốc, ở ngoài mới vào Củ Chi chưa tới một con trăng.

Bạn đọc hẳn còn nhớ cô Tư Bé cho Lôi cặp dừa xiêm thiệt lúc cô Ua chở Lôi về cơ quan Chín Lộc? Năm 68 quận đội chết hết, Bé lên làm huyện đội phó. Nào biết chiến thuật gì, lớ quớ như nai tơ bị Mỹ đổ chụp. Cô ta chạy lấy thân, bị bắn chết ở Đồng Lớn. Tội nghiệp, tuổi xuân hơ hớ chưa biết mùi đời mặn lạt ra sao. Cô Bảy Nê, một trong những dũng sĩ diệt Mỹ lên thay, chỉ vài tuần, bị phục kích trong ấp chiến lược Cây Bài, không lấy xác về được. Đứa em trai độc nhất buồn tình ôm nguyên quả mìn Claymore lên mây tìm chị.

Chín Khánh, quận đội phó Nam Chi phụ trách quân báo, bị đánh tung hầm năm 1969. Út Đức, tham mưu phó Bắc Chi bị khui hầm bắt sống ở Tân Thành Đông cuối 67.

Bảy Phúc, quân y sĩ bệnh xá Củ Chi bị pháo chơi trò cò ỉa miệng chai banh xác. Nhưng không rùng rợn bằng cả phòng tham mưu Quận bị xe tăng càn sập địa đạo chết ở trại Bà Huệ cuối năm 67. Đó là khúc địa đạo, mồ chôn hơn mười lăm người. Tác dụng độc nhất của địa đạo là làm huyệt mộ khỏi phải đào một nhát cuốc.

Trong bộ hồi ký này tôi có nêu lên một điểm và nhắc đi nhắc lại rằng: "Cái địa đạo Củ Chi dài hơn hai trăm miles, chung ngang đít và bao quanh cả Đồng Dù là không có ở thực địa, chỉ có ở trên đài Giải Phóng rồi đài Hà Nội phóng đại tô màu một trăm ngàn phần trăm.

Nêu bảng Phong Thần một cách cụ thể như trên là tôi muốn nhắc lại vấn đề: Cái địa đạo kia chỉ có vài trăm thước ở chỗ này, vài chục thước ở chỗ khác, không xài được. Có gan chui một lần, không dám chui lần thứ hai.

Nhà báo Bọ Chét đã về bên Tây nên Tư Linh và tôi không cần dàn cảnh địa đạo chiến nữa. Trong những chương sắp tới, bạn đọc sẽ còn dịp thấy nhiều cái chết còn rùng rợn hơn cái chết tập thể của phòng tham mưu quận kể trên.

Ngoài ra tôi còn muốn thưa với độc giả rằng trong năm năm chỉ huy Pháo binh lẫn Bộ binh quần thảo với Mỹ, không có hang cùng ngõ hẻm nào trên đất Củ Chi mà tôi không lội tới kể cả Trảng Bàng Bến Súc. Sau đây là tên của những xã đội mà tôi đã trực tiếp chỉ huy trong thời gian tôi làm quận đội trưởng (1967). Hầu hết đã chết được thay nhiều lần hoặc hồi chánh.

Thị đội (tức xã Tân An Hội): Ba Cẩn, Tám Thiện.

Phú Mỹ Hưng: Tư Thiên, Út Là

Anh Phú: Hai Bội, Út Cương (hồi chánh)

Anh Nhơn Tây: >Ba Tâm, Ba Xây, Tám Lợi.

Nhuận Đức: Hai Xóc, Năm Bướng.

Phú Hòa Đông: Năm Dang, Ba Trăng, Tám Vọt.

Trung An: Tám Thùng, Tư Bương.

Tân Thành Đông: (quên).

Trung Lập: Hai Đời, Út Xiêng (nữ), Út Chạy.

Phước Thành: Hai Minh, Hai Hùng, Hai Đen,Năm Minh.

Thái Mỹ: >Hai Bình, Sáu Thinh.

Phước Hiệp: Bảy Điếc, Hai Khứ, Năm Rổ.

Phước Vinh Ninh: >Bảy Thung.

Tân Thông Hội và Tân Phú Trung: Hai Lùn.

Lúc đó tôi còn kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thép Củ Chi và là huyện ủy viên nữa. Như vậy tất cả xã đội đều phải báo cáo cho tôi các địa đạo trong xã để lúc cần tôi sử dụng cho Tiểu đoàn, hơn nữa tôi có quyền chỉ thị cho họ đào ở đâu lấp địa đạo nào, cho đường nào thông vào đường nào. Trong năm năm ở Củ Chi, trong vị trí chỉ huy tối cao của quận, có thể nói là tôi biết tất cả địa đạo và nhân sự từng tổ du kích một.

Sau Tết Mậu Thân, bộ đội tập trung bị tiêu hao phân nửa lực lượng, có đơn vị mất tên vì không đủ tân binh bố sung, tôi đã cho vét tất cả các đội du kích dồn vào lỗ hổng của Tiểu đoàn Thép. Từ năm 1965-67 trở đi, vì nạn B52 và xe tăng, du kích không dám chui địa đạo.

Suốt năm năm ròng, tôi cực chẳng đã phải sử dụng địa đạo một lần và bị chết ngộp. Như vậy tôi khẳng định rằng không có cái địa đạo hai trăm miles mị thuật đó. Cái địa đạo mà quan khách ngoại quốc tới xem như một kỳ quan hiện nay là một sản phẩm kinh hoàng của bộ óc Đảng bịp, không phải đào bằng máy... mà bằng hai hàm răng của anh du kích cụt cả hai tay hai chân Lê Thanh Vân. Láo vừa thôi bây!! Đảng Cộng Sản bọn chúng sống vì nói láo mà chết cũng vì nói láo, sống để làm bậy và chết cũng vì làm bậy...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx