sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 60: Pháo Tép Của Ta Và Pháo Bầy Của Mỹ

Khi hai cánh quân xuất phát thì tôi cũng bí mật kéo Bộ chỉ huy tiền phương của tôi đặt tại nhà của cô Chia tại Bàu Chứa. Đây là trung tâm điểm đường chim của Đồng Dù và Trung Hòa. Dời ra đây tuy có gần tuyến lửa hơn nhưng tôi nhận định rằng sau khi chúng tôi nổ súng thì Đồng Dù lẫn Trung Hòa sẽ bắn nát vùng tam giác sắt trại Bà Huệ (căn cứ của Năm Lê), Bến Mương (căn cứ của tôi) và Xóm Bưng (ổ chuột của huyện ủy). Trong cái tam giác này có cái Gót Chàng là tư dinh của nữ hoàng dũng sĩ Bảy Mô vang danh khắp Miền Nam vì thành tích diệt Mỹ mà các anh hùng hào kiệt từ trẻ tới già, từ tỉnh lên R, từ R xuống ấp đều đến để chiêm ngưỡng dung nhan, thập thò gởi vài dòng thương mến, một nơi thị tứ không kém cái chợ An Nhơn cách đó không xa.

Ngoài ra còn có cái Rạch Bến Mương mà máy bay Skyhawk Mỹ chụp hình vừa rồi. Hơn nữa còn có căn cứ của ông Huyện đội trường Tám Giò, ông Tham mưu trưởng Huyện đội Hai Khởi, thì pháo và máy bay Mỹ đâu dễ dung tha.

Cái quán hàng cô bạn Chia và nhà của Ngoại bây giờ chỉ còn là hai mô đất, tức là hai cái hầm mà bọn Chín Lộc đóng cơ quan quân báo khu, nơi tôi từ khu về gặp mối tình của hai nàng Kiều cách đây ít lâu.

Tụi thằng Năm Cội và đám lính vịt xiêm bị xe tăng và bộ binh Mỹ càn, chạy xuống Phú Hòa Đồng gặp tôi khóc hu hu và đòi trả chức anh hùng mấy hôm trước. Nhân dịp này tôi phân công cho nó đi theo cánh A để rửa thù.

Chỉ huy sở của ông Tư lịnh pháo gồm có: ông Tư lệnh, Ba Tố cán bộ tham mưu, thằng Đỏ liên lạc, thằng Bọ Ngựa liên lạc, cô nữ du kích Tư Lan được ông Tư lịnh đề bạt ngang xương làm y tá và nấu bếp. Ngoài ra còn có Hai Kim cán bộ thông tin xử dụng máy bộ đàm (tức là máy lô-phôn không có dây Việt Cộng xin của Liên Xô hay Trung Quốc gì đó được chục rưởi cái, đem vô đây còn xài được và i ba cáo, ở trên đặc ân cho Thiên Lôi xài thí nghiệm).

Tôi bảo tất cả dọn dẹp căn hầm của Chia, còn tôi và Ba Tố vác chiếc cuốc cùn đến vun thêm ngôi mộ của Ngoại và của Tư Minh. Hôm nọ tạt sang đây để gặp Chia, nhưng lại đụng nhằm hai cái xác. Vì quá gấp rút, chúng tôi chôn vội. Bây giờ trở lại đây, thấy mình có lỗi..

Trời chiều ảm đạm cỏ cây xơ xác. Xóm làng vắng ngắt vắng teo. Một người tuổi tác chết, chôn như vậy sao? Nếu là Ngoại của tôi?... Tôi bảo Ba Tố:

- Phải có vắt cơm, chong đèn, mấy cây nhang mới trọn lễ

- Nhưng ở đây đâu còn nhà ai? Quán tiệm càng không có, thầy à.

- Biểu con Lan nấu cơm vắt sáu vắt đem lại đặt ở đầu mỗi nấm mã ba vắt.

- Dạ, thầy để đó tôi lo. Còn thầy tính chuyện pháo kích đi. Máy bộ đàm có hoạt động thì mình mới liên lạc được với hai cánh Trung Hòa và Đồng Dù.

Hai thằng đào đất đắp mộ cho Ngoại và cho đồng đội mà nước mắt ròng ròng. Tôi nghĩ rồi đây thì tới phiên mình thôi. Mà có thể là ngày mai chớ không lâu la gì.

Chúng tôi trở lại hầm chỉ huy đã được dọn dẹp. Tôi đã từng sống ở đây, nhưng bây giờ tưởng một nơi nào khác. Tất cả của cải, hàng hóa, như Năm Cội thuật lại cho tôi nghe, thì hai mẹ con đã chất gọn lên một xe bò và thẳng xông ấp chiến lược Cây Bài. Chỉ còn một vật còn nguyên: đó là cây xoài ở sau nhà. Nhưng thân nó cũng mang nhiều vết tét lòi xương máu mủ chảy ròng ròng tới nay chưa đứt. Tàu lá xanh bị cháy xém một bên.

Ba Tố không vô hầm với tôi mà ra ngoài gốc xoài la hét với thằng Bọ Ngựa đang ở trên ngọn. Bọ Ngựa là con của Tám Đột công an xã An Nhơn, nhỏ con, nhỏ tuổi hơn thằng Đỏ nhưng chạy nhanh trèo giỏi hơn thằng Đỏ. Do đó anh chị em trong cơ quan tặng cho nó cái tên Bọ Ngựa, lấy từ cái tên Súng Ngựa Trời.

- Canh cho kỹ nghe. Hễ có máy bay tới thì phải báo động liền. Đừng có ngủ gục trên đó. Có thấy gì không?

- Dạ em thấy Rạch Bắp. Thấy quán bà Sáu Tỉnh ở Bến Dược nữa!

- Có thấy chuồng cu của bót Trung Hòa không?

- Khuất Ba Sòng không thấy được. Chỉ thấy Sa Nhỏ. Thấy nhà Tám Thung ở lộ 6, thấy lộ 7. Thấy sông Sài gòn nước trắng xóa hà.

- Có thấy mấy con bù nhìn ngoài phía đồng mã không?

- Dạ thấy.

- Mày phất cờ đỏ ra lệnh cho du kích giật cho nó nhúc nhích thử coi. Phất đi!

- Dạ phất rồi!

- Bù nhìn có nhúc nhích không?

- Dạ không.

- Vậy thì tiểu yêu đó ôm nhau ngủ trong rừng, không thi hành mệnh lệnh gì hết. Rủi trực thăng xuống ai điều khiển đám bù nhìn kia để nhử cho chúng bắn?

Bỗng nghe cụp cụp... cụp. Thằng Bọ Ngựa la lên:

- Pháo mình nện rồi!

Ba Tố kêu:

- Thầy Hai ơi! Ra đây nghe.

Tôi vọt ra khỏi hầm. Lại... cụp cụp. Tôi quát:

- Pháo Đồng Dù! Chui vô ngay!Đi xuống, Bọ!

Nhưng Bọ Ngựa vẫn ở trên ngọn cây:

- Khói lên quá tay cậu Hai ơi!

Tôi ở trong hầm ló cổ ra quát, rồi bảo Ba Tố quét đèn pin kêu nó xuống. Tôi biết đó không phải là pháo ta mà là của Mỹ. Nó không biết phân biệt tiếng đề-pa cho nên tếu mà la bài hải trên ngọn xoài. Mãi đến lúc một quả rơi gần thằng nhỏ mới tuột bạt mạng và còn chừng ba bốn thước thì buông tay chạy bò càn lủi vô hầm. Ba Tố bốp tai nhẹ, bảo:

- Chết tía mày chưa.

Thằng Bọ Ngựa cười và xuýt xoa sờ cái đầu gối:

- Cháu tưởng pháo của anh Chi anh Mười chớ!

- Bộ tụi nó có cánh sao bay tới ngoài mau vậy?

Toán nhân viên nhường cho tôi và Ba Tố cái giường lớn ở giữa hầm. Hai Kim thủ máy bộ đàm thì nằm ở cái ngách sát bên tôi, còn bao nhiêu thì chen chúc ở các ngách khác hoặc trải ny-lông nằm dưới đất. Toàn thể chỉ huy sở đều ở trong hầm. Tôi bảo Ba Tố:

- Mình chuẩn bị như vậy là chu đáo quá rồi. Nhưng chiến trường chuyển động có bao giờ theo kế hoạch của mình.

- Thầy có phương án nào nữa không?

-Muốn đề ra phương án phải có phương tiện cậu à! Mình không có gì hết làm sao có phương án khác. Tôi chỉ mong chuyển quân tới điểm đã định trước thôi. Được như thế thì mình cũng đã đạt được 50% kế hoạch rồi.

Tụi Cộng sản thường rí rố nào là Quan điểm nhân dân nào là dân vận, nào là ba cùng, nhưng chẳng có cái nào thi hành được ở Củ Chi này cả. Quan điểm nhân dân của chúng là dỡ nhà dân làm hầm, làm củi, bẻ dừa bẻ cau, hái quít hái cam. Đi đến đâu dân chạy tét đến đó không dám quay mặt lại. Còn ba cùng ôi chao, cái chánh sách ăn mót của Tàu đem về xài trong Cải Cách Ruộng Đất Miền Bắc đã đem lại một hậu quả vô cùng hài hước là một lũ cán con vô thừa nhận rải rác khắp nông thôn mà dân Miền Nam chúng tôi nói lén, chẳng biết họ gì, nên cho chúng cái họ Hồ.

Mỹ không tuyên truyền quan điểm quan điếc gì cả, chúng cứ phát tôn, gạo, thuốc men, quần áo cho dân trong các ấp chiến lược, không cần một tiếng cám ơn. Chúng không bảo dân làm gián điệp, lấy tin kiểu bọn Chín Lộc dùng gia đình bà Ngoại, mà tự nhiên dân trong ấp chiến lược thấy Việt Cộng lọ mọ tới là đánh mỏ chổi trời. Tôi sợ kế hoạch chuyển pháo bịmắt khóm của dân trông thấy. Hễ họ thấy là bể.

Trước ngày tôi về, Ba Châm, người gốc Rau mới vô chân ướt chân ráo muốn làm một cú để lấy danh. Nhưng tội nghiệp, y đã già lại không thuộc đường đất, không hiểu nhân tâm, thế mà dám dắt Tiểu đoàn vào ấp chiến lược Cây Trâm để võ trang tuyên truyền. Vừa múm vô rào thì đạp mìn. Nên nhớ mìn Claymore Mỹ thì không bao giờ gài một quả mà là một bãi liên hoàn. Hễ nổ một trái là nổ cả dây. Đó là trường hợp cả Bộ Tư lệnh Quân khu IV và đoàn tùy tùng gần ba chục mạng tan xác sau Mậu Thân. (xin kể ở chương tới). Ông tiểu đoàn trưởng Châm thoát (nhưng chết ở một trường hợp lãng nhách sau đó). Đội xích hầu chết gần hết. Nhân dân tự vệ bắn báo động. Trực thăng Đồng Dù cất cánh bao vây. Lính trong các tháp canh của ấp chiến lược cứ bắn vét hai bên vệ đường. Quân ta bỏ xác sáu mạng và khiêng về được chín chiếc băng ca. Từ đó ông Tiểu đoàn trưởng cứ dắt Tiểu đoàn hành quân từ Phú Hòa Đông lên Bàu Lách, rồi từ Bàu Lách xuống Phú Hòa Đông, suốt cả năm trời không đánh trận nào. Cho đến hôm nay thì hắn được giao cho án ngữ chặn lính Đồng Dù và Trung Hòa bọc hậu các khẩu đội pháo nhà.

Mãi đến chín giờ tối, cô Tư Lan mới dọn cơm chiều. Tôi cầm đủa lua sơ vài chén rồi ra ngoài hầm ngồi hút thuốc với Ba Tố.

- Thầy liệu bây giờ có cánh nào tới nơi chưa?

- Có thì cánh B tới Gò Nổi. Vì đường đi dễ dàng hơn. Còn cánh A nếu không gặp trở ngại ra tới Bàu Cạp thì ít lắm cũng mười một giờ.

Ba Tố không muốn tôi ngồi ở ngoài hầm lâu, nhưng tôi cứ lần lựa không chịu vô. Thực ra tôi sợ vào hầm, nhất là nằm trên chiếc giường mà trên đó đã từng ghi biết bao nhiêu kỷ niệm yêu đương. Tôi không muốn nhìn lại chiếc giường còn nguyên những thanh gỗ và những trụ giường thân yêu đối với tôi. Tôi nhớ lại những câu nói, tiếng cười, và những tiếng đặc biệt biểu lộ hạnh phúc của chúng tôi với nhau. Chiến tranh là kẻ thù của loài người. Không hiểu tại sao bọn Hà Nội cứ thích gây chiến tranh? Mãi về sau tôi mới tìm ra chân lý thật đơn giản nhưng vì mù quáng mà không thấy được Đó là trong những kẻ hi sinh không có đứa nào là con cháu của Bộ Chính trí, của Ban Chấp hành Trung ương đảng, của các ông bà Bộ trưởng Thứ trường cả. Kêu gọi hi sinh dễ hơn hi sinh. Con cháu của các ông các bà đều bị đưa đi giải phóng miền Nam bên Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc v.v... Ở miền Bắc, trong một buổi nhậu, một thằng bạn tôi đã phát ngôn vô kỷ luật như sau:

- Bây giờ muốn giải phóng miền Nam sớm thì cứ túm hết vợ con của tụi thằng Duẫn, thằng Đồng, thằng Chinh ném vô miền Nam là chúng hoảng vía ngay. Còn bây giờ vợ con chúng ở ngoài này, ai chết mà chúng nó lo?

Thực là cụ thể. Tập kết, chúng đâu có phải khóc giọt nước mắt nào. Ngược lại chúng được villa, volga và phiếu bơ sữa. Rồi đến Trường Sơn "vinh quang" bần cố nông đi chớ con cháu chúng đâu thèm vào. Rồi bây giờ ở chiến trường miền Nam bom đạn tơi bời đâu có đám con ông cháu cha ló mặt vô. Dân miền Nam chịu cảnh bất hạnh từ kháng chiến chống Pháp tới bây giờ chỉ nhận được những tiếng khen dỏm: Thành Đồng thành đất, Đi trước về sau...

Đám con nít thì thằng Đỏ, thằng Bọ Ngựa phải xông pha bom đạn, đám trẻ như con Rớt, con Hoàn, con Lượm mồ côi là kết quả của tình thương bác Hồ vĩ đại.

Bất thình lình Ba Tố nói.

- Tôi ớn nhất là tụi thằng Lệnh và thằng Rắc!

Câu nói như cây que chọc trúng tim tôi. Nhưng tôi làm thinh. Chuyện gì xảy ra trong này ở ngoài Trung Hòa và Đồng Dù đều biết hết. Hai tên biệt kích chúa là thằng Rắc và thằng Lệnh vốn là du kích, bây giờ là hai tên vô cùng nguy hiểm. Đến hôm nay sau khi tìm hiểu thì tôi có thể kết luận rằng chính chúng giết Ngoại và Tư Minh. Sáng nào chúng cũng đón đàn bà đi chợ trêu tức chúng tôi:

- Ê tụi thằng Một Sơn và Tám Giò còn gạo ăn hết, mấy bà bảo tụi nó ra đây tôi cho vài bao.

Hoặc:

- Mấy con lủng xỉn 1... có giỏi ra đây cho Mỹ đen nó bắn tỉa cho mà tét 1...!

Vừa rồi thằng Lệnh bị thương ở Ràng. Nó điều tra,.nó biết ai chỉ huy cú đánh đó, nên nó treo giải mười ngàn đồng cái đầu thằng trưởng ban H6. Có lẽ cái đầu... khó xực nên

còn ế tới hôm nay. Tôi đang nằm, thì Hai Kim kêu lên:

- Ở ngoài Đồng Dù gọi về anh Hai!

Rồi trao máy cho tôi. Tôi cầm lấy đưa lên tai và hỏi:

- Đại Bàng hả?... Hà Nội đây. Thế nào, đặt xong chưa? Đạn có chuyển tới đủ không? Trời sắp mưa, che kỹ! Tốt lắm. Cố gắng bắn cho trúng mục tiêu... Hả... Miễng rơi vào trong vòng rào thôi. Chuẩn bị đi. Tôi cho cánh B rồ trước để coi Đồng Dù phản ứng ra sao, rồi sau đó cậu mới cho nổ.

Tôi trả máy cho Kim và nói với Ba Tố:

- Vậy là cánh Đồng Dù đã bố trí ở Bào Cạp, còn vị trí Phú Hiệp nữa mới xong. - Rồi quay sang Kim ~ Cậu bắt liên lạc với cánh B cho tôi.

Tôi hỏi Ba Tố:

- Cậu biết mình tung bao nhiêu quân đánh Điện Biên không?

- Bao nhiêu thầy?

- Bốn chục ngàn. Trong đó có hai sư đoàn chủ lực mạnh nhất miền Bắc là F304 và F325.

- Rồi sao?

- Tớ nghe ông Năm Lê phụ nhỉ chớ đâu biết gì. Tớ nói cậu nghe, cậu giữ kín nghe? Mình xài chiến thuật biển người theo sách cụ Mao. Nhưng bây giờ thì khác. Mỹ nó không đối phó bằng bộ binh. 90% thương binh của mình là do pháo và B52.

- Thầy thấy tụi Đồng Dù thế nào?

Tôi làm thinh. Tôi không muốn nói về sự hùng mạnh của kẻ địch trong lúc này. Hai Kim đã bắt liên lạc với cánh B do Năm Chi chỉ huy. Chi còn trẻ, học sinh miền Nam, cấp bực thiếu úy pháo binh gốc Bến Tre. Định xong trận này đề bạt nó lên trung úy và làm đám cưới cho nó. Vì nó quá trẻ so với các sĩ quan trong đơn vị, nên tôi vẫn quen miệng gọi Chi bằng thằng. Tôi nói với nó trong máy bộ đàm:

- Xong rồi hả... Tốt lắm... Tôi rất tin tưởng ở cậu. Đúng giờ thì cho nổ. Không phải đợi lệnh tôi nữa. Liên lạc rất khó khăn. Cậu nổ xong, cánh A mới nổ... Xong trận này ghé lại nhà má Hai, tao ra chủ hôn cho đám tuyên bố của mày... Còn tao hả?... Chưa biết được... (chúng tôi cười vang trong máy)

Bỗng làn điện bị cắt ngang. Tôi đưa máy cho Kim. Kim điều chỉnh một chốc rồi trao cho tôi.

- Bắt được rồi! Thủ trưởng!

Tôi cầm lấy máy quát:

- Hà Nội đây! Hà Nội đây. Đại Bàng đó hả? - Cụp cụp.... - Nổ tiếp cho hết đạn...

Làn điện bị cắt ngang. Tôi ném cái ống cho Kim.

- Mẹ tổ, nổ rồi!

Hai Kim lui cui sửa rồi đưa tôi:

- Đồng Dù còn liên lạc được, thủ trưởng.

Tôi lại cầm lấy hét:

- Cửu Long hả? Hà Nội đây! Phóng cho hết 100 quả...Hả... Chưa phản công à? Cứ bắn!

Tôi nghe trong máy "oàng, oàng muốn vỡ cả màn tai. Đồng Dù đã bắn trả. Liên lạc lại bị cắt. Tôi đưa ống nghe cho Ba Tố:

- Ông nghe đi. Tôi chẳng còn phân biệt gì nữa! Ở ngoài đó tha hồ chúng nó tự động chớ mình có chỉ huy được cái gì!

Nhân viên trong hầm ngồi bật dậy vỗ tay reo. Thằng Bọ Ngựa và thằng Đỏ chui ra khỏi hầm, rồi thụt trở vô, quần áo ướt mèm. Trời mưa. Thảo nào khó bắt liên lạc. Thằng Bọ ‘ Ngựa nôn nao muốn leo lên ngọn xoài để coi, nhưng Ba Tố cú đầu nó và quát:

- Mày vô kỷ luật tao trả về cho tía mày!

Tiếng pháo nổ như bắp rang ở cả hai phía Đồng Dù và Trung Hòa rồi tứ tung, tôi chẳng còn biết đâu là đâu nữa. Hồi lâu tôi mới hỏi Ba Tố:

- Hình như Trung Hòa tịt rồi phải không?

- Dạ, để lắng nghe một chút coi, thầy.

- Nó có bốn khẩu 105 ký quay họng bốn hướng. Nếu mình bắn hỏng khẩu này cũng còn khẩu kia chớ? Có lý nào mình diệt được cả bốn khẩu hay sao? Tôi không tin ở sự chính xác đến mức đó của pháo mình.

Ba Tố nhướng mắt:

- Dám lắm chớ thầy!

- Mình nghiên cứu trắc địa sơ sài quá, chỉ mong đạn nổ bên trong vòng rào thôi!

Tiếng cụp cụp đã chấm dứt. Chỉ còn tiếng oàng oàng. Có nghĩa là lính mình đang cuốn vó chạy, trốn, chôn lấp, rồi lủi. Tất cả những động tác này đều làm trong mưa và mưa pháo của Đồng Dù. Xưa nay khi voi gầm xong thì cứ đứng đó trong vòng bảo vệ của đàn em, chớ cái thân xác to sồ nặng nề của nó làm sao chạy nhanh được. Nhưng ở đây thì voi phải chạy mới mong sống sót. Với trận mưa pháo này chẳng biết sự hi sinh sẽ tới đâu? Quả thật, chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang. Đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ.

Tôi ngồi trong hầm nghe pháo Đồng Dù nổ rồi pháo Bến Cát, Trảng Bàng, Chà Rầy đáp ứng họa điệu. Bào Cạp, Xóm Mới, Ba Xa, Bầu Điều, Gia Bẹ, và dọc theo đường Một Làng, đồn điền Balancie, Phú Hiệp v.v... Chỗ nào mình liếc thấy tốt để đóng quân, đặt pháo, nó đều biết, đều bắn. Một lần du kích bắt được một bản đồ của chúng đánh rơi đưa cho tôi. Tôi biết ngay đó là bản đồ pháo binh. Trong những ô vuông còn chi tiết hóa ra đồng ruộng, đồn điền cao su, rừng già, rừng chồi, con rạch nhỏ nhất, một khóm đất hoang như những vùng Đồng Mả, hoang tàn như Ngã Ba Cây Điệp, chợ An Nhơn cũng không sót. Pháo của chúng là pháo đặt cố định trên nền xi măng với phương tiện đo đạc, bảo trì tuyệt hảo, đạn dược được cất trong kho có máy điều chỉnh độ lạnh độ nóng. Cho nên, chúng có thể bắn trúng bất cứ điểm nào chúng muốn, không sai một ly. Về cái nghiệp pháo thì phải nói đến khoa học tối đa, không thể xài quyết tâm thừa thắng xông lên mà được Nhưng quân ta thì bất chấp khoa học, cứ việc vác cái cục quyết tâm của cấp trên ra mà xài như một bửu bối tất thắng. Tội nghiệp cho chiến sĩ của tôi, giờ này đang chạy trong rừng lửa đạn để rút lui an toàn. Kim vừa sửa được máy đưa cho tôi. Tôi chuyền cho Ba Tố và bảo:

- Ông kêu tụi nó rút lẹ đi!

Ba Tố chụp lấy ống nghe:

- Allô! Allô! Đại Bàng! Đại Bàng!

- Có không?

- Dạ ở cánh A không thấy đáp.

Tôi nghĩ thầm đã rút hay bị diệt hết? Ba Tố quát muốn vỡ nấp hầm.

- Allô! Cửu Long! Cửu Long! Hà Nội đây... Xung phong! Xung phong!

Tôi hét Ba Tố:

- Sao ông bảo nó xung phong? Bộ điên hả?

- Dạ, mật hiệu của mình xung phong là rút lui.

Tôi ngồi nhếch xuống ghế, rọi đèn lên bản đồ dò xem con đường rút lui mà tôi đã vẽ. Nhưng cũng tùy tình thế. Nếu bị bắn chận thì phải rút đường khác. Những chấm nhỏ li ti, những làn bút chì xanh đỏ lẫn những nét in chằng chịt nhau, ngày thường mắt tôi nhận rõ tất cả, nhưng bữa nay lại không thấy gì tất cả Mọi đường nét đều di động.xáo trộn như một bầy kiến vỡ tổ còn đôi mắt tôi thì như có một làn khói che.

- Bây giờ tụi nó rút tới đâu rồi cậu?

- Các khẩu ở mặt trận A thì chắc về tới Đồn điền cao su Bà Hộ, còn mặt trận B thì về tới Ngã Ba Sòng.

- Trung Hòa vẫn im à?

- Chắc nó tịt rồi thủ trưởng.

- Mẹ, sao Đồng Dù giã dai thế!

- Thì mình chọc vô ổ kiến lửa mà thủ trưởng. Nó phải bu mình chớ sao.

- Ít nhất 1000 trái - Tôi lằm bằm rồi móc thuốc hút để tự trấn tỉnh - Không có máy bay à?

- Dạ, chắc chắn tụi cá nhái sẽ tới.

Tôi quên hẳn cái thằng tư lệnh trong tôi mà cứ hỏi Ba Tố mọi chuyện.

- Sao tụi nó phản ứng chậm thế?

- Chắc bị mình chơi sứt cánh quạt phải kêu tụi Sài gòn nên hơi lâu.

- Thứ này đuổi theo đường rút lui của mình thì mệt lắm.

- Xã đội đã lo hầm hố kỹ hết.

Nghe vun vút bên ngoài mà tưởng như thấy đạn đạo đan vào nhau thành lưới chụp trên đầu các chiến sĩ tôi càng lúc càng dày.

- Có thủ trưởng ở đây không?

Bất ngờ tôi nghe tiếng quen nên vọt ra liền, nhưng Ba Tố lôi tôi lại ấn tôi xuống ghế. Trời đã sáng hồi nào. Tôi đã qua một giấc mê lẫn mơ. Ba Tố thò đầu ra cửa hầm quát:

- Cận vệ đâu không canh gác gì hết vậy? Rủi biệt kích tới làm sao?

Ba Tố quên rằng chỉ huy sở chỉ có mấy ngoe làm gì có cận vệ.

- Tôi đây mà anh Ba. Đâu có biệt kích nào dám thọc vô tới đây?

Như lửa cháy trong lòng, tôi gạt phăng Ba Tố, chui ra ngoài. Một đoàn người lôi thôi lếch thếch, kẻ mang súng, người tay không, kẻ bịt khấc khăn rằn người lại đội mũ tai bèo, dẫn đầu là một anh chàng cao lớn, áo quần đen xốc xếch, mặt rỗ hoa mè. Tôi nhận ra Ba Đức, đại đội trướng Bộ Binh có nhiệm vụ án ngữ chận đường vào của lính Trung Hòa. Y có đến dự thính lớp pháo binh nhân dân của tôi.

- Tôi đây, Ba Đức!: Sao các cậu về, lỡ tụi nó đổ chụp pháo làm sao chạy?

- Thầy Hai khỏi lo. Tôi đã bố trí đánh máy bay, bộ binh cả rồi..

- Kết quả thế nào?

- Đã lắm thầy ơi! Pháo mình bắn kỳ này coi mát mắt. Tụi Trung Hòa êm rơ không trả lời được tiếng nào!

Ba Đức vừa nói vừa nhào xuống hầm ôm tôi hôn lia lịa..

Ba Tố xen vào.

- Có chớ!

- Ừ phải! Nó có làm được mấy phát. Nhưng mình nện tiếp. Tới bây giờ nó chưa bắn tiếp. thì chắc là câm luôn rồi.

- Chưa chắc!

Tôi đưa Đức vô trong ngồi vào bàn và tiếp.

- Nó chờ coi Đồng Dù bắn ở đâu rồi mới tiếp! Mình không nên chủ quan.

Hầm chật như nêm, người ướt như chuột, mạnh ai nấy hỏi, nấy nói nghe nực cả tai. Ba Đức vừa uống trà hồng hộc vừa kể tiếp:

- Tụi em về tới Xóm Trại Giàn Bầu dừng lại coi cho đã.

- Cánh nào bắn trước?

- Dạ, đầu tiên em nghe thì cánh đầu Đồng Lớn bắn trước Rồi tụi Trung Hòa phản pháo ở phía dưới Ba Sòng. Tôi nghe rõ chỉ có 4, 5 phát rồi câm luôn. Sau đó cối mình ở Ràng và Tầm Lanh nổ liên tục. Tôi thấy rõ ràng khói phủ bít cái chuồng cu Trung Hòa. Rồi cối mình ở Ba Sòng nện tiếp. Tôi nghe tiếng nổ lụp bụp liên tiếp ở Trung Hòa. Dám trúng kho đạn lắm. Một chập, khói tan, mưa tạnh tôi không còn thấy cái chuồng cu nữa.

Ba Tố hất hàm.

- Có thiệt không?

- Thiệt mà! Mắt tôi nhìn nóc chuồng cu mấy năm nay như một cái gai xốn xang không gỡ được, nay nó bay đi, khỏe nhẹ quá chừng, lẽ nào nhìn không thiệt. Đồng bào ở Ba Sòng ra ngoài đường đứng coi vỗ tay quá sá! Tiếp theo là trận địa Bàu Tròn bắn tiếp. Rồi đến cụm Bà Hộ thụt bồi ầm ầm cả 15 phút mà không thấy nó trả hỏa gì hết. Tiếng lụp bụp kéo dài chưa dứt. Tôi đoán chắc kho đạn nổ và trại lính cháy.

Ba Đức rốc một chén trà rồi chép miệng hả hê.

- Pháo của thủ trưởng chơi kỳ này trùm cả bộ binh tụi tôi rồi. Có đế không? Trà lạt quá không ấm bụng, thủ trưởng!

Thằng Mười trinh sát từ ngoài mặt trận cũng vừa về tới góp ý kiến xác định những lời Ba Đức kể là đúng, còn thêm:

- Đồng bào không còn đứng dưới đất như hồi nảy nữa mà leo lên ngọn cây coi cho rõ.

Một tiếng kêu thất thanh từ trên ngọn xoài vọng xuống.

- Cậu Hai!...

Ba Tố quát.

- Gì vậy Bọ Ngựa? Bộ kinh phong giật mày hả?

- -Đầm già xuống!

- Phất cờ vàng cho mấy tổ du kích giật đám bù nhìn.

- Đầm già tới gần rồi.

- Phất cờ đỏ mau! Rồi tuột xuống.

Thằng Bọ Ngựa la:

- Tôi phất muốn gãy tay mà mấy con bù nhìn đâu có nhúc nhích. Mấy ông mấy bả xà nẹo với nhau nên quên giật giây để nhử đầm già rồi.

- Mày tuột xuống mau!

Thằng Bọ Ngựa la lớn.

- Ủa, con đầm già ngoặc ngang băng qua đường 13 bay về phía Chơn Thành.

Ba Tố khoát ni-lông ra ngóng một hồi rồi trở vào xác nhận lời của Bọ Ngựa. Tôi bảo:

- Có lẽ mặt trận Phước Long hay Đồng Xoài nổ hút máy bay ra ngoải nên mình mới được yên. Nếu không thì nãy giờ ít nhất cũng có vài lượt dưa tạ rơi xuống đầu. Kìa sao con mắt tôi cứ giật giật hoài!

Tôi vừa nói vừa vuốt mí mắt. Ba Tố cười:

- Thầy mà cũng tin dị đoan nữa à?

- Tôi nghe trong bụng không yên ổn. Mọi khi súng nổ tôi đâu có như thế này. Nó hồi hộp, trái tim rung rung muốn sứt cuống.

Ba Đức chào tôi với tác phong chính qui rồi dắt đám bộ binh của y đi. Ba Tố tựa đầu vào vách hầm và nói:

- Đất rung dữ lắm thầy! Mình ở xa không nghe tiếng động, nhưng sức chấn động rõ lắm.

Tôi không nói, cũng không tính toán gì hết. Trong phút này không thể làm được gì hết. Chỉ huy sở và tiền phương không liên lạc được với nhau thì biết tình hình ta và địch như thế nào mà hạ lệnh? Tôi vụt nghĩ tới ông già vợ của xã đội trướng Ba Tâm. Ổng mất trâu, có thể bất mãn vô báo bót Trung Hòa. Nó không thèm giã pháo mà đem bộ binh chặn hậu mình không còn đường rút. Làm chỉ huy mà cứ nghĩ tới chiến thắng, không tính đường rút lui hoặc đặt ra những tồi tệ nhất có thể xảy đến, thì chỉ có Hoàng Thọ thời chống Pháp thôi. Hoàng Thọ đã chiến thắng nhiều trận làm cho Pháp kinh hoàng, còn bây giờ với Mỹ, nếu không bị Lê Duẫn gạt, giết ở Cạnh Đền thì Hoàng Thọ không thể đụng Mỹ ba trận. Chỉ đến trận thứ hai là bỏ mạng rồi. Tình cá nước bây giờ khác xa thời đó. Nhân dân đang làm ăn yên ổn, bỗng đâu Giải phóng về quậy lên đục nước, cho nên cá cũng ngất ngư. Nước cũng không ưa cá. Ba Tố cười hì hì:

- Thằng lính nào ngồi trên chuồng cu nghe vọng cổ Sài gòn buổi sáng chắc không còn miếng thịt.

Cô Tư Lan, y tế kiêm liên lạc lẫn chị nuôi của cơ quan, ở sau ló đầu vô, hồ hỡi:

- Anh Hai anh Ba có ăn khô mực không, em nướng cho. Trời tạnh mưa, em ra ngoài nhúm lửa được rồi.

Ba Tố cười ngất:

- Khô mực của em hả?

- Chớ còn của ai nữa! Anh Ba hỏi lạ không?

- Khô mực của em ăn vô mất đầu thai!

- Nói bậy không hè! Đây là của con Minh, con chệt Tư ở ngoài chợ An Nhơn.

- Của em Mình hay em nào cũng vậy thôi!

Tôi gạt ngang:

- Nướng thì nướng đem lên mau mau kẻo nó đổ chụp mất ăn. Ở đó mà trả treo.

Ba Tố coi đồng hồ rồi bảo.

- Nấu cơm ăn luôn thể. Trưa rồi. Tụi nó ăn rượu bít-tết, mình làm bậy ba cái mắm kho và khô mực.

Bỗng tiếng thằng Bọ Ngựa vang lên từ ngoài miệng hầm. Nãy giờ nó ở ngoài canh gác chớ không leo lên cây, cũng không chịu vô hầm.

- Có trinh sát mình về nề cậu Hai.

Tôi bật dậy tuôn ra hầm.

- Ai đó?

- Út Đỏ, Sáu Đức (không phải Ba Đức), trung đội phó trinh sát của tôi. Đức ngoẹo cổ mếu máo:

- Thằng Chi chết rồ i. Hu hu... hít hít... Em về báo cho anh hay để anh ra thấy mặt nó.

Tôi kêu lên, nghe như ai bắn trúng tim mình.

- Trời đất ơi!

Ba Tố hớt hải thò đầu ra cửa hầm.

- Sao vậy? Chết ở đâu? ở gốc cây xoài hả?

Đức quẹt nước mắt lẩn nước mưa.

- Dạ không! Khẩu đội ở gốc cây xoài do tôi và thằng Thành giữ, còn thằng Chi với anh Đành thủ khẩu 81 ở vườn cao su con. Chiều hôm qua khi tải đạn tới, ông Năm Tiều (Phó ban tác huấn khu) có đến kiểm tra. Khi ông Năm đi, thằng Chi lại tự động thay đổi sự bố trí của anh. Nó sang khẩu đội ở cây xoài và bảo Thành sang chỉ huy khẩu ở vườn cao su con.

- Sao vậy?

- Dạ, ảnh nói ở gốc cây xoài gần Trung Hòa hơn. Ảnh muốn tự tay bắn chúng nó. Mình nổ phát đầu tụi nó trả hỏa ngay. Chi vận động đưa khẩu pháo sang vị trí khác. Chính trái pháo đó đã trúng nó.

- Nó bị thương ở đâu?

- Ngay sau ót. Nó đang chạy, bị miểng đạn phang té sấp.

- Nó có trối gì không? Có nhắn lại gì không?

- Dạ, nó bảo anh Đành ráng bắn cho hết 30 trái đạn..

- Nó không nhắn nhủ gì về gia đình à?

- Dạ không. ảnh bị đạn, ngã xuống chỉ nói được câu đó.

- Không nhắn con Chạnh nữa à?

- Chỉ nói có một câu đó thôi. Rồi không nói được nữa.

- Bây giờ nó nằm ở đâu?

- Tụi em đưa về tới Ngã ba Ba Sòng để ở nhà má Hai.

- Còn cậu nào bị thương nữa không?

- Xã đội trường Ba Tâm, anh Đành và vài cậu du kích...

- Nặng không?

- Dạ chỉ anh Đánh và Ba Tâm nặng còn mấy người kia chỉ trầy da. Còn ở cánh cao su con nghe nói có mấy người bị thương và vài người chết mà em chưa rõ là ai. Em định cho khiêng Chi thẳng về Bến Mương nhưng bà già chị Chạnh bảo để ngoài đó cho hội mẹ lo.

Ba Tố chép miệng:

- Thằng nhỏ sắp làm rễ má Hai. Sau trận này đám cưới, mà không kịp!

Thằng Bọ Ngựa hét vang từ trên ngọn cây.

- Máy bay đi Chơn Thành dìa!

Ba Tố chạy ra quát vọng lên:

- Quất cờ đỏ cho du kích giật mấy con bù nhìn nhử nó. Đừng cho nó đâm xuống đây.

Bỗng Kim đưa ống nghe cho tôi. Tôi quát:

- Cửu Long! Cửu Long. Nghe! Trả lời... Hả hả... Cá i gì. Rớt cái gì? Máy bay? Tụi bây bắn rớt máy bay. Máy bay gì?..Hả... B26?... Trời đất, nói rõ lại coi? B26. Rớt... Cá lẹp ở Đồng Dù lên hả? Nó lượn quanh xác con diều hâu sẽ phóng pháo để hủy diệt. Tụi bây im đừng bắn nữa lộ mục tiêu, nó bắn chạy không thoát.

Trong máy vang lên tiếng của Đồng Đen, đại đội trưởng phòng không, báo về cho tôi, xen lẫn tiếng súng:

- Cá lẹp lên dắt theo hai con HU. Nó bắn điểm ở cách xa tụi tôi. B26 rớt tại Đồng Chà Dơ. Cá lẹp đang ở ngoài tầm súng. Hễ nó vô tới là tôi mần. Trời mưa mù mịt khó thấy xa. Nó phóng pháo vào xác B26. Mấy toán du kích xung phong không biết có lấy được súng không.

Tôi quát.

- Xung phong! Xung phong mau! Nghe rõ chưa? Xung phong!

Nhưng trong máy vẫn oang oang:

- Tụi tôi bắn hai con cá lẹp. Chúng đảo ra xa, dông qua Bến Đồng Sõi phóng hỏa tiễn vào trận địa của Sáu Lúc. Một chiếc Cá Nốc bay tới, tụi tôi bắn, nó lồng lên không dám hạ thấp. Nó bay nhanh quá. Trời mưa to không thấy gì hết. Tụi du kích chạy ra xác B26. Tôi không cho, tụi nó cứ nhào tới..

- Xung phong! Xung phong!

Tôi quát muốn vỡ máy nhưng ngoài đó không thi hành cứ báo cáo dai nhách:

- Một chiếc gì mình trắng như nhôm bay đứng sửng trên đầu tụi tôi Không phải phản lực, không phải khu trục.

- Coi chừng nó liệng bom.

Tôi đành phó mặc chúng nó, không ra lệnh xung phong nữa. Tới đâu tới. Tha Hồ!

Trận chiến chưa dứt, nhưng tôi sốt ruột muốn biết cụ thể về cái chết của thằng Chi, cán bộ trẻ, thông minh có văn hoá nhất của tôi. Cái thằng dễ thương hết sức. Con gái chọc ghẹo cũng không dám ló mòi gì hết. Học trường miền Nam, con gái thiếu gì. Có con bé thiệt ngộ mê nó, nó cũng lãng ra. Con nhỏ lọt về Sở Điện Ảnh bị mấy chú xơi tái. Chi là bạn của thằng Liêm và thằng Đe con trai Đồng văn Cống. Đe học lái MIG ở Liên Xô, về Việt Nám lái MIG đánh với Thần Sấm bị Thần Sấm bắn hạ, thằng Chi học trường pháo binh vô đây đụng pháo Mỹ cũng đi luôn. Còn thằng Liêm đi săn mễn bị thằng Huỳnh Châm bắn lầm. Dân miền Nam chết như rạ, đi lót đường cho tụi Hà Nội vô làm cha. Bác Hồ thâm độc lắm dân Nam kỳ ơi! Mở mắt ra chút!

Tôi bảo Ba Tố ở lại chỉ huy sở, tôi co vác máy bộ đàm và dắt cán bộ đi vô C5 để thăm hai Đảnh hỏi thăm cho rõ diễn tiến mặt trận. Vô đến nơi gặp Tư Chuyền đang băng bó cho Đảnh và Ba Tân. Hắn la lớn:

- Cám ơn thầy Hai! Nhờ thầy du kích giật được cho tôi được cái dù to tướng. Đây nè! - Hắn chỉ lên nóc hầm - Phải đào hầm rộng gấp ba mới đủ giăng cây dù này. Tha hồ mổ xẻ. Đất nóc hầm không rớt vô vết thương nữa. Dữ ác! Hai năm trời mơ ước.

Tôi không để ý những lời khen ngợi của hắn. Thấy Đảnh bị băng bít cả đầu, chỉ chừa cặp mắt, tôi hỏi hắn:

- Vết thương có nặng không ông?

- Không chạm thần kinh!

- Còn ông xã đội?

- Dạ ổng bị ở chân, cũng nặng nhưng không hề gì.

Tôi hỏi Đảnh đang ngồi dựa vách hầm:

- Cậu biết tôi là ai không.

- Hục hục... Sao không biết, thầy?

- Thằng Chi thế nào?

- Tại ảnh cãi lệnh thầy. Nếu ảnh ở bên khẩu đặt ở cao su con thì đâu có sao.

. Tôi móc xắc-cốt đưa cho Tư Chuyền 5000, bảo:

- Nhờ bác sĩ chăm sóc dùm các chiến thương của tôi.

- Ông Tư lệnh pháo khỏi bảo. Đó là nhiệm vụ của tôi mà.

- Tôi phải lo bao nhiêu chuyện khác, không ở đây được lâu ông bác sĩ thông cảm cho!

Tôi chào thương binh rồi đi. Trời mưa như trút, nhưng tôi phải ra Ba Sòng. Pháo đã im. Máy bay cũng đã biến mất hết. Chỉ còn nghe tiếng trời gầm. Ra đến nơi thấy xác thằng nhỏ nằm ở trước hàng ba. Trong nhà đông nghịch những người..

Năm Tiều thấy tôi, chạy ra nói nhỏ:

- Theo phong tục của mình, người lạ không được đem vô nhà. Mình phải để nó nằm ngoài như vậy thôi. Đám mình chết được nằm ghé ở hàng ba là phước đức ông bà rồi!

Năm Tiều là phó ban Tác Huấn Quân khu, lớn hơn tôi mười tuổi Năm Tiều nói suông suông, không giới thiệu tôi với một người nào:

- Đây là ông chỉ huy của thằng Chi.

Tôi chào mọi người và bước lại giở tấm vải bạt phủ trên người Chi. Mặt nó tái xanh. Tôi vuốt mắt rồi nghiêng đầu nó qua xem vết thương. Cuộn băng trắng quấn vòng sau ót ra phía trước cổ máu đã khô. Vết thương ác quá. Cô Chanh người yêu của Chi đứng ở bẹ cửa, cặp mắt sưng vù. Tôi nói mấy lời an ủi chung chung. Năm Tiều bảo tôi:

- Má Hai đã coi ngày giờ xong xuôi hết rồi. Mười hai giờ liệm. Chín giờ sáng mai làm lễ hạ huyệt.

Trong nhà đã luộc hai con vịt để trên bàn thờ. Một cái khay trầu với hai cái ly, nhạo rượu và một lư hương đặt trên một ghế nhỏ đặt ngay đầu thằng bé. Trông thấy cái cảnh sơ sài giành cho người chiến sĩ hi sinh mà não lòng.

Mọi kế hoạch tiến hành như đã định. Trong bụng người nào cũng lo sợ pháo và trực thăng soi. Mong mọi sự bình an. Năm Tiều coi cái chết như trò đùa. Anh đã trông thấy quá nhiều cảnh như vầy từ chống Pháp tới bây giờ. Chôn một lúc vài chục cái hòm là thường. Nhiều lần không có hòm rương gì hết. Chôn mau lấp vội rồi đi. Cho nên bây giờ anh không có vẻ gì buồn, lại cứ đùa với tôi:

- Nó chết như thế này sướng quá trời. Có hội mẹ, hội phụ nữ, cán bộ đủ mặt. Tới phiên tụi mình chưa biết ra sao có khi lại chẳng được manh chiếu.

Riêng tôi cũng đã từng dự lễ truy điệu không biết bao nhiêu lần. Trận Nhật Nguyệt tiểu đoàn 307 của tôi phối hợp với đại đội địa phương Bạc Liêu do Lê Quốc Sĩ làm đại đội trưởng (em của Lê Quốc Sản tư lệnh I.2 vừa chết ở Tháp Mười) đụng với BMEO và bộ đội Ba Gà Mổ, hi sinh 150 (có ít nhất 50 dân Bến Tre). Xác đem về chôn ở Cái Nước, bít cả nghĩa trang. Lúc đó tôi còn trẻ quá, và không phải là thủ trưởng cơ quan, nên nỗi buồn chỉ thoáng qua. Còn bây giờ là chỉ huy trưởng, đứng trước cái chết của cán bộ, tôi thấy cái trách nhiệm thật to lớn. Đành rằng chơi với súng đạn thì sự nguy hiểm có thừa, nhưng cũng tại mình nên nó mới chết. Tôi nghĩ vậy nên cứ day dứt trong lòng.

- Mày biết gia đình nó ở đâu không?

- Dạ, Bến Tre.

- Làm sao mà cho hay được?

- Dạ. Chắc thằng Hùng Cối biết.

- Mà thôi! Tụi nằm trên Trường Sơn có ai biết mà nhắn nhe.

Một đêm dài như những đêm dài khác. Một cái chết như bao cái chết khác. Tôi thức sáng trắng. Chiếc hòm làm bằng những mảnh gỗ thô không biết nhặt nhạnh ở đâu, tôi cũng không buồn hỏi nữa, nhưng rõ ràng những mảnh gỗ khác nhau ghép lại. Rồi tôi và Năm Tiều đích thân đặt thằng bé vào liệm. Không có gì ngoài mấy cái áo cái quần lính lớp mới may lớp cũ nát. Có một cái lụa Hà Nội mà nó nói để giành gởi về cho ba má. Cái hòm lỏng lẻo phải chèn thêm hai khúc chuối cây để lúc khiên đi nó không lúc lắc bên trong.

Chín giờ sáng. Chúng tôi đưa thằng bé ra nơi yên nghỉ cuối cùng. Chiếc hòm nhỏ và nhẹ. Chỉ cần bốn người kê vai khiêng. Một lúc lại thay phiên. Một đoàn người đi theo sau. Nam phụ lão ấu chừng hai chục. Tôi và Năm Tiều mỗi người vác theo một cái chân ngựa để tiện hạ huyệt. Năm Tiều chủ động mọi việc vì tôi không biết phong tục tập quán trong việc chôn cất. Anh bảo:

- Nó là dân Bến Tre đặt cho nó quay đầu về xứ. Con người ta đi đâu cũng phải về xứ!

Anh thay mặt quân khu nói vài lời trước khi hạ huyệt. Xong anh lại bảo:

- Để hai đứa ở lại lấp đất thôi. Còn bao nhiêu giải tán hết đi kẻo đầm già tới. Để mai mốt mở cửa mã sẽ đắp nấm. Bây giờ thì như vầy cũng đã mỹ mãn lắm rồi!

Tôi cố cầm nước mắt:

- Thôi nằm đây nghe em Chi!

Năm Tiều gạt ngang:

- Khóc mẹ gì. Nay mai rồi tới mình ra nằm bên cạnh nó.

Trời mưa lắc rắc. Má Hai đốt mấy tờ giấy vàng không cháy, khói lên lè tè đầu ngọn cỏ. Hai Chanh gục đầu vào vai một nàng du kích khóc không ra tiếng nữa. Tôi nói mấy câu để an ủi nàng nhưng càng làm cho nàng khóc to hơn. Nhìn nắm mộ thấp, bùn đất nhoe nhoéc tôi càng nản lòng. Trong lúc mọi người trở về nhà má Hai, Năm Tiều lôi tôi đi hướng khác:

- Kiếm cái quán nào làm một xị cho ấm coi mày!

Vừa đi anh vừa nói tiếp:

- Mày về chuẩn bị phòng ngự hoặc di quân đi.

- Tôi cũng đang nghĩ đến chuyện đó.

- Trận pháo kích này là một lời tuyên chiến. Tụi Đồng Dù bắn bấy nhiêu trái đó chưa đủ đâu. Thế nào rồi tụi nó cũng mở một chiến dịch để truy lùng vũ khí của mình. Bởi vì lâu nay mình chơi bộ binh. Lần này mình xài tới pháo. Củ Chi này chỉ có mấy khu rừng rậm thôi, nó sẽ đào tới Hố Bò trước nhất. Mày ghé Năm Lê, kêu y ra lịnh cho tụi C5 của Tư Chuyền di chuyển thương binh qua sông Sài gòn, nếu không sẽ không kịp.

Tôi công nhận ý kiến của anh là sáng suốt nhưng không thể nào phòng ngự cũng không thể nào di chuyển thương binh. Tới đâu hay tới đó.

Đang đi bỗng Năm Tiều lôi tay tôi.rẽ sang một đường mòn. Tôi không hiểu gì cứ đi theo. Được một quãng xa, anh quay trở ra, trỏ tay:

- Mày thấy gì đó không?

Tôi nhìn thấy hai ba cái võng lôi thôi lếch thếch đi tới. Năm Tiều nói:

- Không biết dân ngoài Ràng hay Phú Hiệp bị thương. Họ đi tìm y xá đó. Gặp mình mình mang K54 thì sẽ họ rút đòn khiêng phệnh lên đầu mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx