sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 63: Cái Chết Của Ông Tư Lịnh Pháo Binh Quân Khu

Tôi nghe có người ôm lấy tôi dựng tôi ngồi dậy.

- Anh Hai! Anh khỏe không. Ráng chút nữa, tới rồi.

Mùi dầu nhãn đã nhạt. Chỉ còn mùi tanh của đất và bùn. Ba Tiến đưa tôi cái gói cầm tay. Miếng sườn chó y tặng cho tôi mừng chiến thắng. Thịt mèo xui mà thịt chó cũng xui. Bỗng thấy một vầng ánh sáng trước mặt. Tôi nhắm tít mắt lại trong một cảm giác sợ hãi và kêu lên như sau một trận đá ve chai.

- Cái gì vậy Thu?

- Hổng biết, để em trườn tới coi.

Thu vụt bò nhanh tới trước rồi bỗng kêu lên thất thanh.

- Chết rồi anh Hai ơi!

- Mỹ khui bật nắp hả?

Tiếng chết trong không khí này làm tôi bừng tỉnh cơn ác mộng.

- Không. Đây không phải là miệng địa mà là cà nông!

- Cà nông gì? Sao nó nổ mà mình không nghe?

- Đây là trái cà nông nổ ngay xương sống địa.

- Rồi làm sao?

- Mình vọt lẹ rồi chui qua phía bên kia.

Hèn gì nãy giờ tôi nghe tiếng trực thăng khá to. Đó là do cái quãng trống này. Cũng nhờ cái khúc đứt, không khí tràn xuống mà tôi tỉnh lại. Địa đạo như con rắn bị chém đứt ngang lưng. Thu bảo:

- Mấy người đi trước mình chắc đã chui qua đây rồi lủi qua tuốt bển.

- Thôi mình lên luôn đi. Tao không còn muốn đi đường Thống Nhất nữa!

- Không được. Em nghe mùi Mỹ khắp ở đây anh ạ. Mình phải chui thôi.

- Cái sóng địa bị lộ ra như vầy, nó biết hướng nó phăng theo hoặc đánh hóa học mình cũng chết. Thà lên mặt đất chạy mà còn hi vọng sống hơn.

Quản không nói gì, cứ đẩy tôi vào lỗ. Tôi nghe lạnh xương sống, tưởng tượng mình là rắn mối, bò qua khúc đứt, thằng Mỹ đứng sẵn đó, giương lưỡi lê ra đâm phập vô lưng. Cái hố cà nông sao mà mênh mông, tôi lóc mãi mà chưa qua được.

Ánh nắng, mùi khét, tiếng trực thăng tràn xuống địa đạo. Tôi trườn tới. Khúc địa này rộng rãi và khô ráo hơn. Nếu thằng Đỏ không chạy lạc thì giờ này mình nằm yên trong ngách của mình chớ đâu phải cuốn theo nhân dân. Càng đông nhân dân càng dễ lộ, dễ chết. Còn dân thì không thích cán bộ lẫn lộn vì nếu bị khui hầm sẽ liên lụy. Cá với nước không còn yêu nhau nữa...

Tôi bị Thu l6i và Quản đẩy băng qua lỗ cà nông và lại chuồi vào lòng địa. Nhưng Thu lại bảo:

- Tầng một bị cắt như vầy mình phải trở xuống tầng hai anh ạ.

Nghe Thu nói tôi rã rời chân tay. Phía sau tôi mấy người khác cũng băng theo. Tôi nghe mơ màng họ bàn tán với nhau và hiểu rằng họ sợ Mỹ thấy cái quãng đứt này và chúng đang đào xới. Quả thật tôi nghe có tiếng sực sực. Tôi cố sức lết theo Thu. Thu đi tiên phong được một quãng thì tìm được miệng xuống tầng hai. Cũng một tấm đá xanh như lúc nãy.

Tôi thọc hai chân tuột xuống. Thân mình tôi rơi xuống lòng hầm như một khúc gỗ. Tiếp tục cuộc hành quân bò trườn. Nơi nào không có ánh sáng vào, thầy thuốc phải tới. Ở đây không có ánh sáng nhưng thầy thuốc nào? Dầu nhãn đã hết mùi. Và có lẽ nó không làm cho tôi khỏe lại nổi. Mắt tôi đã thấy như vòng trắng đục nở ra và tan như bọt xà phòng.

Tôi đưa cái sắc-cốt cho Quản như trối:

- Hai em cất kỹ. Kế hoạch tác chiến và tiền của người ta vừa cho anh. Khi nào về làm liên hoan cho anh em. Nhớ đem giấy tờ đưa cho anh Năm Lê.

- Em biết mà.

- Anh đừng lo. Ráng tới chút nữa! Chắc đường này dài lắm.

- Chừng bao xa thì mút? Có nắp trổ lên không?

- Chừng... chút... nữa thôi. Chắc đến ba, bốn trăm thước thì có đường lên.

Tôi không còn nghe gì nữa hết. Tôi nằm vật ngửa ra, tai nghe Quản bảo Thu:

- Cô ở đây với ảnh, để tôi dò đường coi sao.

Tôi nghe Quản bò qua mình tôi, cả tiếng khua lạch bạch của quần áo đẫm bùn. Chiếc sắc-cốt kéo lê trên ngực trên mặt tôi. Tôi gắng gượng hỏi.

- Bây giờ mấy giờ rồi Thu? Em đi đi để anh nằm tại đây!

- Chắc đúng trưa.

Rồi tôi mơ hồ nghe tiếng của Thu:

- Mấy ông mấy bà cứ bò qua, ảnh bò hết nổi rồi nên nằm đó. Đừng có quì trên ngực ảnh.

Tôi nghe những cái đáy quần nặng trĩu bùn đất phớt qua mặt tôi, những cái đầu gối ấn lên chân, lên bụng, lên ngực, nghe cả một câu nói ác mồm ác miệng như lúc tôi sốt rét ở Trường Sơn, liên lạc đến võng giá mùng lên xem mặt rồi bảo:

- Thằng cha này chắc chết!

- Cứ tết qua đi má sấp nhỏ. Thằng cha này hết thở còn nằm cản đường.

- Lẹ đi, bò theo tía mày!

Tôi nghe Thu kê đầu tôi lên bắp vế nàng. Nghe mùi dầu nhãn thoang thoảng. Nghe giọt dầu lẫn bùn sệt rơi vào nhân trung lẫn môi mũi tôi. Nghe tiếng kêu, bàn tay nắm tóc tôi lắc lắc và tiếng the thé:

- Anh Hai ơi! anh Hai! Anh sao vậy? Anh đừng chết! Anh ở đây thì em cũng ở đây với anh!

Tôi nghe tiếng cả má tôi, giọng nói của ba tôi vọng lại từ lòng đất âm u!

- Má mày muốn có cháu bồng...

Trái tim tôi bị đè nặng và ngưng đập...

Hỡi nhân loại ngây thơ đui mù và ngu muội!

Ta đã bảo mi biết bao nhiêu lần rằng cái địa đạo Củ Chi Xóm liền xóm, thôn liền thôn, xã liền xã là một trò bịp tại sao mi vẫn cứ đâm đầu vào xem và để cho bọn nó móc túi? Đây, ta xin nói lại một lần nữa. Hồn ta sẽ bay đi đập cửa từng nhà, nói vào lỗ tai từng người rằng địa đạo Củ Chi chỉ là những hang chuột. Từ năm 65 trở đi, khi loạt bom B52 rắc xuống đường 15 thì nó mất tác dụng dần và đến năm 67 thì chẳng còn ai mong sự che chở của địa nữa, có chăng nó dùng làm mồ chôn tập thể cho nhân dân Củ Chi.

Đây, hồn ma của Dương Đình Lôi, Tư lệnh pháo binh Quân khu IV, Tiểu đoàn trường Tiểu đoàn Thép Củ Chi, Quận đội trường Củ Chi, Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn Quyết Thắng Quân khu IV, người đã lăn lộn với Củ Chi năm năm liền không vắng mặt một ngày nào kể từ 1965 đến 1970, vẽ lại bản đồ của địa đạo Củ Chi để trình cho nhân loại ngây thơ một lần nữa: Bắt đầu từ Rừng Cả Chúc trở xuống:

• Ở rừng Lộc Thuận có hai đoạn ngắn không thông nhau, hình chữ L cộng chung chừng 1000 thước.

• Ở Xóm Dược, gần căn cứ Hậu cần nằm lọt giữa chữ U của sông Sài gòn chưa được 1000 thước.

• Ở tả ngạn rạch Thai Thai, cách bờ sông Sài gòn 2 cây số có một đoạn chừng 1000 thước.

• Ở cách rạch Hố Bò non một cây số (nơi mệnh danh là mật khu) có một đoạn 1000 thước.

• Ở đồn điền cao su Phú Hòa gần xóm Sa Nhỏ (tôi có đào) có một đoạn 1000 thước.

• Ở hữu ngạn rạch Hố Bò, giữa căn cứ của tiểu đoàn Quyết Thắng và nhà cô Là có một đoạn hơn 1000 thước.

• Ở Xóm Thuốc (căn cứ khu ủy) nơi tôi vừa họp với khu ủy có một đoạn chừng 2000 thước.

• Ở quá Xóm Chùa có một đoạn ngang đường 15 có một đoạn chừng 1500 thước.

• Ở rừng làng An Nhơn (tôi đã tham gia đào với đội du kích Bảy Mô) có một đoạn 1000 thước.

• Ở xóm Trại Bà Huệ (tôi cũng có tham gia đào với đội du kích Bảy Mô) có một đoạn 1000 thước.

• Ở gần căn cứ Tiểu đoàn 8 vùng Sa Nhỏ có một đoạn ngắn đào rồi bỏ dở 700 thước.

• Ở rạch Bến Mương gần căn cứ H6 (nơi tôi đang thọ nạn) có một đoạn chừng 500 thước.

• Ở gần nhà Bảy Mô (tôi có cho lính và tôi đích thân đào) có một đoạn chừng 1000 thước.

• Ở gần Ngã Ba Cây Điệp (tôi cũng cho lính tôi đào tiếp) có một đoạn chừng 1000 thước.

• Ở Bàu Lách (nơi Năm Cội chết hụt, tôi có đào với đám du kích Phương, Nề, Lan) 1000 thước.

Vài ba chỗ khác đào rồi bỏ vì bất lợi hoặc đụng mồ mả. Cộng với những địa đạo thời chống Pháp đem được cả trâu bò xuống v.v... Tất cả tới 200 miles tức là một đường dài bằng năm lần Vũng Tàu - Sài gòn?

Hỡi nhân loại văn minh cực điểm, hãy dùng máy điện toán làm dùm bài toán cộng của học trò mẫu giáo!

Những hang chuột gần đồn Trung Hòa nhất (cách bốn cây số) là địa đạo Gò Nổi. Địa đạo gần Đồng Dù nhất (ba cây số) là Bào Cạp, nhưng cả hai đều bị xe tăng ủi láng rừng năm. 1966 và mở rộng phạm vi kiểm soát gài mìn nên du kích không dám bén mảng tới nữa.

Ở ven đường 2 Làng có một đoạn chừng một ngàn thước, một đoạn khác nằm kẹp giữa hai bót Hương Chính chỉ đào không kịp dùng rồi bỏ luôn vì sợ xe tăng ủi.

Đi quá về hướng Bến Đình gần Một Nước Nhỉ có một đoạn cắt ngang đường 15 nhưng cũng không ai dám dùng, nên không rõ là dài hay ngắn.

Đó là tất cả hệ thống địa đạo Củ Chi thôn liền thôn xã liền xã của đài Giải phóng được đài Hà Nội tô thêm thành ra một cái chiến lũy Maginot của Việt Cộng ăn xuyên cả căn cứ Đồng Dù. Một điểm cần nhớ là không có đoạn nào dài được hai cây số và không có đoạn nào thông thương với đoạn nào. Tôi đã từng đi kiểm tra, được du kích xã đội đưa đến tận nơi để xem xét.

Tôi đã nói ở trước rằng ông Tư lịnh Ba Đình (tức là Ba Xu) đã nghiêm cấm lực lượng võ trang (tức là bộ đội và du kích) không được chui xuống địa đạo từ sau trận B52. Do đó người ta ngoảnh mặt dần với địa đạo: không đào cái mới đã đành cũng không chăm sóc cái cũ cho nên mới có tình trạng toàn dân là trong bùn như vừa thấy. Ngoài ra lại còn những đường hầm tốt, nhưng lại có ông bà du kích theo gia đình ra ấp chiến lược, nên không ai dám dùng. Đã có trường hợp quân ta ra đầu quân nó rồi dắt quân nó trở về khui hầm quân ta rồi. Ê chề, phức tạp và hãi hùng lắm bà con ơi. Chỉ có ba thằng nhà báo bất lương mới mô tả địa đạo như những phòng có máy điều hòa không khí thôi!

Tôi từ từ mở mắt ra sau một chuyến công du âm phủ. Ánh sáng lờ mờ. Mùi đất tanh rình. Tôi nghe da mặt nóng hổi, nghe tiếng người lao xao: Và nghe toàn thân rêm rẫm như một trái chín bầm rập, tứ chi không còn dính vào người. Nếu ai lôi mạnh chắc chúng sẽ rã ra từng mảnh. Mũi tôi nghe mùi gì hăng hắc là lạ. Một giọng con gái vang bên tai tôi.

- Anh Hai!

Tôi mở mắt ra to hơn. Tôi nhận ra Thu chập chờn như một ảo ảnh. Môi tôi mấp máy nhưng không ra tiếng. Tuy vậy cũng ráng sức:

- Thằng Đỏ chạy đi đâu chưa về?

- Còn... thằng Bọ...

- Cũng đâu mất biệt!

- Mỹ rút, nhưng còn cụm quân đâu đó chớ chưa về Đồng Dù.

- Khỏe chưa anh Hai?

Tôi lại nhận ra tiếng Thu. Tôi nhướng mắt thay cho cái gật đầu. Tôi thấy Tám Đột ngậm điếu thuốc trên môi, tôi le lưỡi ra dấu. Tám Đột rút điếu thuốc cắm vài môi tôi. Tôi mấp máy rồi phun ra. Tám Đột cười ngất:

- Đòi cáp tăng hả thầy?

Tôi lại nhướng mắt. Quản sực nhớ, nói ngay:

- Để tôi ra tiệm con xẩm lai lấy.

Nói xong móc chùm chìa khóa run run trước mặt tôi rồi lùi ra. Thu đỡ tôi ngồi dậy. Một ly sữa trắng được đem tới. Thu cầm đưa vào miệng tôi. Tôi khẽ hớp, nuốt tới đâu nghe ấm tới đó. Tôi khỏe dần. Nhưng tôi vừa ngồi dậy thì lại ngã xuống.

- Khoan đã ông thầy. Thầy biết đây là đâu không?

Tôi lắc. Tám Dột bảo:

- Còn ở dưới hầm. Mỹ rút hết rồi. Tôi cho gỡ nắp hầm để bà con bò lên và thầy có không khí thở. Nếu nó chốt trên đầu chắc tụi mình chết hết. Thôi, đi lên, thầy!

Tôi cố bò theo Tám Dột ra cửa hầm. Tám Dột đã lên trước chờ tôi đưa tay. Y nắm tay rồi lôi tuột tôi lên như bắt một con nhái từ trong hang ra. Tôi nằm dài. Không biết đây là đâu.. Mặc kệ, miễn ở trên mặt đất. Tôi thấy cây cối quay như vụ.. Tôi nhắm mắt lại để bớt chóng mặt. Tôi thấy như tôi ôm lấy gốc cây. Gốc cây cũng xoay vần như sắp đổ. Tôi ngã vật theo.. Không! tôi đang nằm trên mặt đất cũng xoay tròn.

Tôi nghe nắng rát da mặt. Không biết bao lâu thì ngồi dậy rồi đi được. Những người quanh tôi: Thu, Quản, Tám Dột...kẻ mang đồ người dắt tay tôi, rí rố luôn mồm. Như một người bịnh dậy tôi cố lê chân, đầu nặng chịt. Tôi đi giữa những bụi tre trúc khét lẹt, nám đen. Căn cứ của quân đội hình như bị ăn bom hay cà nông, tan tành. Không biết đường sinh lộ Tám Dò có ăn thông ra địa đạo hay không? Bảy Phán, cô nấu bếp chạy ngã nào? Biết bao tan vỡ sau một trận ruồng.

Một chiếc trực thăng loại chỉ huy bất thần xuất hiện từ phía Bến Mương đâm tới, đây không phải là lần thứ nhất. Thu ấn tôi vào một bụi chuối cháy xém! Bất thần tôi hôn nàng và thầm thì:

- Không có em chắc anh chết.

- Em sợ anh chết quá trời. Em tưởng anh chết rồi.

- Anh chết bao lâu hả Thu?

- Hồi rồi ở tầng hai anh nói như trối.

- Anh trối thật chớ như gì!

- Anh chết thì em cũng chết theo.

Tôi lại hôn nàng thay lời đền ơn cứu mạng.

Quần áo muối bùn. Bùn từ đầu đến chân, mặt mũi, như bắt cá dưới đìa mới lên. Đường sá vắng hoe. Nếu gặp người quen chắc ông Tư lịnh Pháo binh mắc cỡ chết. Chiếc trực thăng liếc sơ một vòng rồi biến mất về phía đường 15. Thu lại nắm tay tôi như mẹ dắt con đi chợ. Qua một giấc mơ kinh khủng, tôi bước chập chờn như đi trên sóng đại dương. Tôi hãy còn say sóng y như khi bước lên bãi cát Sầm Sơn lúc tàu Liên Xô đưa tôi ra miền Bắc mười năm trước. Tôi gượng đi theo nàng lòng dạ nôn nao, cổ họng lợm tanh, bụng cồn cào, tôi phải nuốt gặn để tránh một cơn nôn. Đây lại cũng là một loại La nausée quyển sách của cô xẩm lai bán nước đá cho tôi mượn hồi năm ngoái ở chợ An Nhơn?

Qua ngang nhà vợ chồng Út tôi hỏi Thu:

- Lúc mình chui hầm em có thấy vợ chồng nó chạy đâu không?

- Em đâu có gặp. Chắc chỉ tránh né đâu đó còn ảnh đi qua Thanh An gặt lúa. Anh hỏi chi vậy?

Tôi biết bụng cô nàng, nên gạt ngang:

- Nó có chồng con, em đừng nghi oan cho nó.

- Nghi oan gì!

Tôi bị chọc trúng tim đen nên im luôn. Quả tình nàng Út cũng có ý xin tôi một tí con. Nàng than thở với tôi: "Chồng em khờ quá hà! Em không muốn có một người chồng như vậy! "Củi tre dễ nấu... em ơi!" Tôi dọa mách cho chồng nàng, nàng có hơi sợ nên né ngang "Em nói với má em rồi! Má vô đây để kêu con Mót về gả cho anh." Tôi đâu có để ý gì và cũng không biết cô Mót ra sao nữa. Thu bảo:

- Má Hai đang ở trong nhà đó. Bả từ ngoài ấp chiến lược về thăm con, không biết đã trở ra chưa? Vùng này người ta ra ra vô vô. Em chắc cơ quan mình bị lộ.

Về đến nhà, tôi mừng quá. Tưởng đã ngủ Giấc Ngủ Mười Năm của Trần Lực. Nhà cửa hầm hố còn y nguyên không bị đánh phá chút nào. Mỹ chỉ moi hầm, khi nào chúng tìm được miệng hầm thì mới đặt mìn hoặc bơm chất hóa học đến kỳ cùng, chớ không chơi trò đốt nhà và bắn ẩu như tụi Pháp hồi trước. Trong thời kỳ kháng chiến, mỗi lần Pháp ruồng, bà con xóm ấp chạy trốn, đến khi về, nhà cửa ra tro. Có xóm chúng đốt rụi không còn nhà nào hết. Chúng thi hành chánh sách tiêu thổ dùm cho cụ Hồ. Bất thần thằng Đỏ ló đầu ra cửa hầm, kêu lên chát chúa rồi vọt lên ôm lấy tôi rồi khóc òa.

- Anh Hai! Em lo cho anh Hai quá trời!

Đám nhân viên của tôi mặt mày còn thất sát hồn kinh cũng ùa tới mừng thủ trường chết đi sống lại. Thằng Đỏ nhìn bộ đồ và mặt mũi bắt hôi đìa của tôi chắc nó cũng hiểu. Có lẽ nó ân hận vì đã bỏ thủ trưởng chạy lạc. Nó quệt nước mắt:

- Anh về ăn đồ hộp, em lượm nhiều quá tay.

Tôi bước từng bậc đất xuống hầm, nằm vật ra chiếu ai trải sẵn. Cái mùi đất tanh nồng ở địa đạo trở lại mũi làm cho tôi nôn thốc nôn tháo cả ly sữa. Đám thằng Mười thằng Lộc trinh sát và Năm Di (vừa về thay cho Chi) rí rố điếc tai. Chúng khoe sự khôn ngoan tránh né hoặc về kinh nghiệm chui địa đạo của mình..Thằng Mười nói:

- Sao anh để quần áo y nguyên vậy mà xuống địa đạo?

Tôi gắng gượng đáp:

-Vậy ở truồng à?

- Xuống địa đạo thì phải như tụi em như vầy nề chớ mặc quần áo chịu sao nổi? Đàn bà ở trần được họ cũng cởi. Ở dưới không có đủ hơi cho mình thở anh mặc như vầy không khác nào bịt mũi của anh. Anh hổng chết là may lắm!

Đó là một kinh nghiệm bất ngờ về việc xuống địa đạo mà bây giờ tôi mới hiểu ra bằng khoa học: ở dưới hầm không đủ dưỡng khí nên bật hộp quẹt không cháy và ở trần thì da mới thở được! Do đó lúc đầu mồ hôi tôi vã ra rồi sau đó thân thể khô ran như bị sấy. Quản sừng sộ:

- Tụi bây bỏ anh Hai mà chạy, vậy là phải kiểm thảo ghi lý lịch nghe chưa. Đừng có nói láp đáp để chạy tội.

Thằng Đỏ nghênh mặt:

- Em đã biết tội rồi... Nhưng tại Mỹ nó đổ chặng giữa. Em đang chạy lấy tin rồi trở về không được. Nhưng em đã chỉ đường đi nước bước hết rồi. Chỉ cũng biết cái miệng ngách của mình, chớ bộ mình em sao?

Tôi gạt phắc:

- Thôi, rút kinh nghiệm kỳ sau! Bây giờ Mỹ cụm ở đâu?

Thằng Đỏ hớt:

- Tụi nó đang cụm ở Sa Nhỏ, Bào Lách, Hố Bò!

Thằng Đỏ lôi một cái bao ni lông loại Mỹ dùng đựng cát đắp công sự, nắm đít bao dốc ngược. Nào hộp, nào lon đổ túa ra đất. Nó huênh tay:

- Mỹ đãi tiệc mình đó anh Hai, cái này là thịt bò, cái này là thịt heo, cái này là thịt nhồi, ăn đã lắm. Chỉ thiếu bánh mì. Nhưng ăn với cơm nguội cũng ngon. Ăn rồi thì uống cà phê nè, hút thuốc nè. Ủa mà quên trước khi hút, mình còn ăn la-sét trái cây hộp cái đã chớ!

Thằng Đỏ tỏ ra là chuyên viên đồ hộp. Nó giơ một hộp tròn to cho Thu rồi lấy một hộp vuông nhỏ bảo.

- Còn cái này là mỡ heo cho chị Thu. Cái này là bơ dùng chiên cá hoặc rang đậu phộng cũng được.

Rồi nó khui đưa cho tôi một hộp, nói:

- Cái này là thịt heo nạc, anh ăn hết một hộp no cả ngày. Ủa, mà còn bánh Tây nữa. Chắc là ăn chung với thịt heo. Quên nữa còn cái hộp này là lạp xưởng hay cái gì em không hiểu nhưng cũng là thịt!

Nó đưa vành hộp lên nhe răng cắn và khui ra:

- Thấy chưa, nó có lọn có lọn như đạn cà nông 37 ly vậy. Quất một viên là no tới họng. Nè anh coi, mỗi thứ em đều thử qua, cái bụng phát ách. Chậc! ăn hút xong, còn nước cam, xá xị nữa chớ.

Thằng Đỏ nhặt một hộp, khui cái pách bọt sôi trào, đưa cho tôi:

- Anh Hai làm vài hớp cho hết mắc ói.

Tám Lù chạy đến, vẻ mặt phấn khởi:

- Tụi Mỹ ra Bàu Đưng hết rồi. Không có ai chết hết. Mình thắng trăm phần trăm. Ủa, có một người chết không biết là ai.

Thu để tay lên ngực:

- Vậy mà làm người ta hốt hền. Ủa, hết hồn.

Tám Lù buông cây AK rồi hai tay trút cái bao ni lông.

- Mình nằm tréo cẳng ăn hút khỏe ru! Mỹ nó tiếp tế cho mình đây!

Tám Lù làm ấp đội trưởng trước kia ve vãn con Út, định tống chồng nó đi Phước Long để ở nhà kiếm chát nhưng từ khi tôi nhận thằng Út vào cơ quan làm trưởng tổ tự túc và phát cho AK thì Lù đâm ra đàng hoàng và tích cực công tác. Tám Lù khoe:

- Ở ngoài Ngã Ba Cây Điệp đồ hộp còn vô số kể. Giống như mình rãi lúa cho gà ăn! Tụi dũng sĩ của thằng Cội và con Bảy Mô đang giành lộn ở ngoải.

Tám Lù lại tiếp:

- Tôi leo lên ngọn cây quan sát thấy rõ hết... Nhưng có một cái xác chết anh ạ.

- Ở đâu?

- Ở sân nhà ông Ba Giáo.

- Ai vậy?

- Không biết. Tôi chạy ngang thấy chớ không có vô coi mặt. Dám lính D7 lắm.

Tôi quát:

- Không D7 thì H6 mình chớ không ai vô. Chạy ra coi mau!

Mấy cậu nhỏ chạy vụt đi. Một chốc trở về. Một cậu nói:

- Tụi Mỹ chơi ác thật anh Hai à. Nó xúc đồng bào đem đổ ra ấp chiến lược ráo trơn. Bây giờ không còn ai ở nhà hết. Và phá lúa, đổ dầu xăng vô gạo.

"Nó đôn mình tận gốc" tôi thầm nghĩ nhưng không dám nói ra. Ba Tâm, Năm Dị trở lại báo cáo:

- Thằng Đức trinh sát của mình anh Hai à.

Tôi nhảy dựng lên, Ba Tâm nói:

- Tay chân đã cứng đờ.

Năm Dị nói:

- Có lẽ nó chui xuống địa đạo rồi bị hóa học.

- Sao tôi không bị?

- Vì anh xuống tầng hai. Nếu ở tầng một thì bị rồi. Hóa học có thể xuyên qua đất cát hoặc đất cát pha chớ không xuyên qua đất thịt được.

Thu bảo:

- Anh lấy rượu cồn xoa bóp tay chân ảnh cho ngay ra.

- Đem nó vô nhà. Thằng này... chạc... Thằng Chi mới chết, nấm mả chưa khô!

Tôi đứng phắt dậy, lảo đảo lại ngồi xuống:

- Để tôi lại nhìn mặt nó chút rồi hãy chôn.

Năm Dị cản:

- Anh còn yếu lắm để tụi tôi lo.

Rồi cả đám chạy đi. Tôi dựa vào vách hầm, mắt hoa lên, đầu như con vụ, thì Quản chạy vào:

- Anh Hai ơi, có bà nào muốn gặp anh.

Tôi hét:

- Không có đàn bà nào hết, Đàn bà, lúc nào cũng đàn bà. Để tao nghỉ.

Quản lùi ra rồi chạy vào, lắp bắp:

- Người ta dắt con đòi gặp anh.

Tôi nghĩ chắc là Mười dắt con bé Hoàn tới. Đàn bà nào chớ đàn bà này đuổi sao nổi. Nàng đã cho tôi cả trái tim, cả cuộc đời chưa biết chừng một đứa con. Nàng tự xem nàng là của tôi và tôi cũng coi tôi là của nàng, không biết chuyện gì làm cho tôi ngại ngùng tiến tới một bước nhỏ để hợp thức hóa vợ chồng. Tôi bảo:

- Ừ cho vô đi!

Quản trở ra dắt người đàn bà vào. Đi theo sau là ba đứa con nít. Bà ta lại mang cái bụng chửa gần ngày. Đâu phải nàng nào của tôi. Người đàn bà van lơn khi vừa trông thấy mặt tôi.

- Ông chỉ huy ơi, ông làm ơn làm phước cho tôi xin ít lít gạo nuôi con.

Trước cái cảnh thảm thương, tôi chưa kịp nói thì bà ta tiếp:

- Em là Sáu Bầu xin lạy ông tha cho. Xin ông chỉ huy đừng bắt tội.

Bà ta lặp lại tiếng tội làm tôi bực mình.

- Tội gì hả?

Người đàn bà nói:

- Tội đã vô phép.

- Tôi gặp bà ở đâu mà bà vô phép?

- Dạ ở dưới địa đạo. Tôi đã bò qua mình ông chỉ huy.

Tôi nhớ ra lúc tôi ngất xỉu dưới đó. Có người đàn bà chửi ở trước mặt tôi chớ có bà nào ở phía sau tôi đâu mà bò qua mình tôi. Bà ta nói tiếp liên miên:

- Dạ tôi ở trước mặt ông, trám bít đường hầm, người ta la ó, tôi phải bò tới và lôi mấy đứa nhỏ đi theo. Tụi nó khóc la thiệt là khổ. Hồi nào tới giờ tôi có biết địa đạo là gì nên không chịu xuống. Người ta bảo ở trên này Mỹ hãm lọt con, tôi sợ nên mới xuống. Chẳng dè xuống ngộp quá mà lủi trở ra để lên mà không được người ta cứ đẩy tới. May sao tôi đụng một cái ngách ba mẹ con nép vào cho người ta bò qua. Một lát thấy ngộp quá tôi bèn lôi mấy đứa nhỏ đi tiếp. Do đó mới bò qua mặt ông.

- Sao chị biết là tôi?

- Tôi nghe cô Thu kêu thủ trưởng thủ trưởng.

- Chị quen với cô Thu hồi nào?

Chị Sáu bắt đầu xưng em.

- Dạ cổ qua quán Chệt Tư mua đồ hoài hà. Em ở mướn cho Chệ Tư. Hồi sáng trước khi Chệt Tư dắt con gái chạy ra Trung Hòa, Chệt Tư có bảo em mua xin gì vô ông chỉ huy. Chệt Tư đã bán cái quán và giao chìa khóa cho ông chỉ huy rồi. ông chỉ huy làm ơn cho em xin ít lít gạo.

- Được rồi, chị theo tôi.

Tôi đứng dậy liền không ai can được nữa. Tôi đến chỗ thằng Đức chết. Nó là dân Hà Nội, mới 19 tuổi vừa hết lớp 10. Thấy thằng nhỏ lanh lẹ và có văn hóa tôi cho nó ở bộ phận trinh sát đôi khi dắt nó đi làm quan trắc pháo vì nó tính toán nhanh. Trời ơi, con ai vậy?

Năm Dị và Ba Tâm đang phun rượu phèo phèo vô mình nó, vừa phun vừa bịt mũi nhăn mặt kêu:

- Thúi rồi, thúi rồi!

Ba Tâm đang sửa tay nó ngay ra cặp hai bên hông. Thấy tôi vào Năm Dị hỏi:

- Làm sao chôn hả thủ trưởng? Thằng Chi chết vậy mà sướng!

- Sao nó chết vậy?

Bỏ cho Ba Tâm làm việc với cái xác, Năm Dị dắt tôi vào nhà, giải thích:

- Chắc thằng nhỏ thấy Mỹ, chạy vô đây chui hầm nhưng không kịp, bị nó bắn. Cái nắp hầm mở tác hoặc. Chắc nó bắn rồi lôi xác để ngoài sân để bơm hóa học xuống hầm. Không biết dưới ngách này có ai chết không?

Tôi quay trở ra, bụng không biết tính cách nào chôn thằng bé cho tươm tất. Nếu biết cái thảm cảnh này, cha mẹ nó dù có nhận được một thúng Huân Chương Sao Vàng cũng vứt đi. Rồi đây còn ai nhớ mồ mả của nó. (Thật vậy, đám chôn nó hôm nay, rồi cũng không còn người nào.)

Tôi bảo Ba Tâm theo tôi ra tiệm Chệt Tư lấy chiếu và ni-lông vải về quấn thằng bé rồi chôn sau vườn nhà, cái nhà bỏ hoang lâu rồi, một tổ trinh sát của tôi đóng ở đó. Đào hầm moi ngách ở đó. Và thằng bé cũng chết vì cái ngách đó.

Chị Sáu Bầu lại xuất hiện. Tôi bảo:

- Chị lấy gạo đi.

Chị ta kêu tôi bằng anh.

- Anh Hai cho bao nhiêu?

- Chị muốn xúc bao nhiêu xúc!

- Tôi xin chục lít thôi anh Hai à. Của người ta mà lấy như vầy khó coi quá!

Tôi nhìn chị, bụng nghĩ thầm: "Sao có con người không tham lam thế này?"

- Chị cứ lấy về nuôi sấp nhỏ. Chẹt Tư đã bán cho tôi rồi. Tôi cho chị chớ không phải chị lén lấy mà sợ.

Chị chần chờ không chịu xúc gạo, có vẻ e ngại thật chớ không phải làm bộ. Chị cười cười:

- Chắc anh Hai chê em lắm hả?

- Thôi xúc gạo đi bà ơi, để tôi khóa cửa. Tôi còn nhiều việc lắm.

- Chồng em hồi trước cũng đi vệ quốc đàn như anh vậy.

- Rồi ổng đâu?

-Hy sánh hồi có bầu con nhỏ lớn của em mới mấy tháng. Bây giờ nó 17 tuổi rồi! Nó đó!

Nghe nhoi nhói trong tim, tôi bèn nán lại hỏi tiếp:

- Vệ quốc đoàn mà bộ đội nào?

- Anh Hai có nghe nói ông Sáu Khâm không? Ổng về đây đóng quân hồi năm kia. Trong kháng chiến ông làm tiểu đoàn trường còn ba sấp nhỏ là tiểu đội trưởng.

- Vậy thì ảnh ở Tiểu đoàn 302, có đánh trận Bến Súc! Ảnh bị thương hay tử trận?

- Ủa, sao anh Hai biết rành vậy?

- Tôi còn biết mấy chiếc xà lan của Tây chở gạo tiếp tế cho Dầu Tiếng bị đánh chìm ở Bến Đồng Sõi trên sông Sài gòn. Nước sông thúi rùm, bà con không dám xài cả tuần

- Hồi đó anh Hai chừng mười mấy tuổi chớ gì!

- Tôi làm liên lạc cho ông Ba Tô Ký, ông Ba Xu và ông Sáu Khâm nữa.

- Hồi đó em ở bên Đường Long, mới vô Thanh mở cứu quốc đi khiêng thương binh ở Bến Súc về cho bác sĩ Hoa. Ba sấp nhỏ bị thương ở trận đó nhờ vậy mà hai người mới thương nhau. Em mới con thai thì nghe tin ảnh hy sanh trên Bàu Cá.

- Vậy chị chỉ có con bé...

Người đàn bà mau miệng:

- Dạ tính gộp con bé lớn và cái bầu trong bụng hiện giờ là sáu đứa cả thảy.

- Ông già của mấy đứa sau là ai?

Chị Sáu hơi cúi mặt.

-Dạ... dạ...

- Bộ giải phóng hi sinh nữa chớ gì, phải không chị?

- Dạ giải phóng nhưng không có hi sinh. Nói ra thì xấu hổ nhưng anh Hai cũng là người trong bộ máy, nên em không giấu làm chi. Anh Hai có biết anh Năm Ngó (tên này sau chứa Võ Văn Kiệt) nhà ở Xóm Chùa bây giờ nghe đâu làm trợ lý dân quân ở chung với ông Sáu Nâu, Năm Cai không?

- Vậy cũng tốt, như chị Chín Kiểu ở với ông Năm Giả chớ gì?

- Phải được như vậy thì báu.

- Chớ sao?

Tôi vốn nghe mấy ông nội Mùa Thu về sụp hầm chông lễnh nghễnh nên hỏi phăng tới. Chị Sáu kể lể:

- Ổng đóng quân nhà em, rồi đêm đêm ổng vô mò em. Em hăm em la, ổng bảo vợ ông ra ấp chiến lược rồi để ổng xin phép đảng cưới em. Nghe vậy em hơi xiêu lòng. Thôi cũng được, để cho ổng vô, mình dựa ổng mới chống lại du kích nổi.

Tôi giựt mình hỏi.

- Sao chống du kích?

- Trời ơi, anh không biết hay sao? Em không có sợ lính Sài gòn và Mỹ bằng du kích đó anh Hai à.

- Sao vậy?

- Mỹ càn qua cơn rồi xong, như lúa bị nước tràn, mẹp rồi đứng dậy, còn du kích như con rầy đậu hoài trên lá, rồi như con sâu đục vô trong ruột. Họ xin hủ mắm, mình cho, mai họ tới xin con gà. Mình cũng cho luôn, bữa kia họ mượn gạo mình không có, họ chửi. Đờn bà góa khổ lắm anh Hai ơi!

- Chị đụng Năm Ngó cũng tốt, có sao!

- Ổng ở với em có hai đứa rồi đi đâu mất không ló về nữa. Em không có gì nuôi con, bèn dời về chợ An Nhơn ở mướn cho Chệ Tư. Thằng này cũng không có vợ. Nó bắt em làm vợ nó. Em lọt ra một đứa nữa. ông Tám Đột thấy vậy bèn kêu em đến điều tra, hỏi sao không có chồng mà đẻ hoài? Ổng dọa họp dân lập biên bản. Em sợ ra đó người ta mắng mang nhục. Tưởng sao, ông cũng như Chệ Tư, Năm Ngó. Em đẻ một đứa với ông và cái bầu trong bụng này cũng của ông...

Tôi hỏi:

- Bây giờ Chệt Tư đi rồi chị ở đây làm sao sống?

- Ông Tám Đột biểu ở trong này ổng lo.

- Rồi ổng có lo gì không?

- Cái thân ổng còn vác không nổi còn lo cho ai? Nhưng nếu em ra Trung Hòa thì làm sao sống? Nghèo quá nên em mới tắp bậy tắp bạ tìm chỗ nhờ cậy ai dè người nào cũng xài xễ em chớ không có giúp đỡ chút nào. Em nghe bà con nói anh là người nhơn đức nên em liền tới xin.

- Chính quyền có biết chị là vợ tử sĩ không?

- Biết chớ sao không? Ông Tám Đột biết cả chồng em nữa! Em thấy tủi vong linh cho chồng em lắm, nhưng ngộ biến phải tùng quyền. Ổng bảo cãi ổng, ông cho mò tôm.

- Bây giờ chị muốn ra Trung Hòa không?

- Em muốn lâu rồi mà để bụng.

Tôi móc sắc cốt lấy xấp bạc của cô xẩm lai cho hôm qua, xỉa đưa cho chị ba ngàn:

- Chị cầm lấy ra Trung Hòa làm ăn nuôi sấp nhỏ đừng có về đây nữa.

Chị nhìn tôi, không tin đây là sự thật.

- Dạ, thiệt sao anh Hai?

- Chị về nhà tối nay sắp sửa, mai tôi cho người đưa ra Ràng rồi từ đó chị theo người đi chợ ra Trung Hòa. Nhưng chị đừng cho ai biết. Nếu ai hỏi, chị nói chị ra Ràng thăm bà con rồi về.

Chết! Chết! Đàn bà góa! Trẻ mồ côi! Đó là cách mạng kiểu bác Hồ. Tôi giải quyết xong khó khăn cho người vợ tử sĩ, thấy bớt nhục, định quay đi thì chị Sáu bảo con:

- Lạy cậu Hai đi con. Cậu Hai cứu mẹ con mình đó.

Cô bé nghe lời mẹ quì xuống, tôi xua tay. Chị Sáu nói:

- Hay anh Hai muốn đem nó đi theo, em cho đó.

- Cơ quan còn bề bộn lắm chị à.

- Nó theo em ra ngoài em ráng cho nó đi học để lớn khỏi dốt.

Chệt Tư để lại cho tôi cái quán, nhờ đó mà tôi giải quyết được bao nhiêu chuyện cấp bách. Tôi trở lại chỗ đám thằng Đức thì Ba Tâm và Năm Dị đã chôn xong. Ba Tâm nói:

- Tôi lấy tảng đá xanh để trên đầu mộ làm bia. Sau này sẽ tính.

Tiện đường ghé thăm Sáu Phấn, nhưng trong bụng thì có ý xem mẹ con nàng Mười ra sao. Vừa vô tới sân đã nghe tiếng nói râm ran trong nhà như có đám tiệc. Tiệc gì lúc này? Hay là có người chết nữa? Tôi nghe ơn ớn xương sống. Nhưng khi vô nhà thì rõ ra là Sáu Phấn mần heo. Y có con heo bồ sợ Mỹ bắt.nên làm hàng chia cho các cơ quan trong vùng.

Thấy tôi vào, Sáu Phấn vui vẻ:

- Thầy Hai ngồi đó nghe. Chiu xíu có tiết canh đem về lai rai.

Tôi gắt.

- Thằng Đức chết rồi ông không hay à?

- Chết hồi nào? Chết ở đâu? Tôi không hay gì hết?

Tôi lặng thinh, ngồi phịch xuống ghế:

- Chôn xong rồi?

- Trời đất!

Chú Tám Cần xuất hiện với bộ tóc bù xù và râu tua tủa. Chú sìa môi lắc đầu, chậm rãi nói:

- Tao hết chê nổi thằng Mỹ rồi mày Hai.

- Sao vậy chú Tám?

- Thằng Tây chẳng bằng cái lai quần của nó!

- Bây giờ chú mới biết à?

Chú ngồi đối diện với tôi. Chính nơi đây tôi đã ăn bánh xèo khi mới bước chân về H6 và làm quen với dì Mười nó!

Chú Tám chưa kịp nói gì thì Mười bước ra gục đầu ỵâo vai tôi khóc nức nở, nghẹn ngào, làm như tôi là chồng nàng:

- Con bị Mỹ xúc rồi... hu hu...

Tôi nghe như sét đánh bên tai. Nhưng chú Tám cười:

- Mỹ xúc là chuyện mừng, sao lại khóc?

Tôi chưng hửng với cái điệu giải thích của chú, nhưng chú vẫn tự nhiên:

- Tao muốn Mỹ xúc tao mà nó chê... tao không còn...răng! Há há... Nói vậy chớ nó sợ không đủ đế cho tao tẩm gân cho nên nó không xúc đó chớ!

Chú Tám nói rồi kẻo tay tôi ra sân, chỉ chỏ:

- Thằng Hai mày là nhà binh biết cái gì đó không?

Tô để ý.thấy dấu giày đinh lâm nhâm trên mặt đất. Chú Tám nói:

- Nó đáp xuống ba chiếc, cái quạt của nó quơ một phát chắc sập nhà. Tao núp ở sau vườn tao thấy rõ hết trơn. Nó lùa dân trong xóm tới đây rồi cho lên trực thăng. Trời! Nó bay trên trời mình tưởng nó bằng chiếc xuồng, không dè nó đáp xuống sân, to bằng cái nhà. Nó mở cửa ra, cả dọc người đi vô mà còn lỏng lẻo. Dân cả xóm này chỉ đủ một chuyến. Không sót một gia đình nào. Ai muốn đem cái gì theo Mỹ nó mang vác dùm lên máy bay, nào rương hòm, thúng rổ, mùng mền không bỏ thứ gì. Nhiều người đem theo giỏ gà, người lại dắt cả chó, kẻ ôm bàn máy may... Mỹ đen Mỹ trắng dềnh dàng như thổ thần, nó ẵm người mình như ẵm con nít. Tao thấy nó bồng con xẩm lai con Chệt Tư nữa. Trời đất! Cỡ con nhỏ mà bị nó đè nén chắc nhẹp ruột.

- Sao tụi nó ẵm con nhỏ vậy chú?

- Con nhỏ trẹo giò đi cà nhắt. Bộ nó chạy trợt té ở đâu chắc. Hai chuyến đầy nhóc cất cánh. Đến chuyến thứ ba, nó xúc vợ chồng Sáu Phấn. Con nhỏ không chịu đi. Nó đem thông ngôn tới trâm tiếng Mỹ, rồi thông ngôn giải thích. Con nhỏ chỉ bầy heo con và con heo nái. Thằng Mỹ đen cười nhăn răng trắng hạn rồi ra dấu bảo mấy thằng khác bắc ván lùa bầy heo con lên máy bay.

- Làm sao nó lùa được cả bầy heo con?

- Một thằng Mỹ ra dấu bảo con vợ thằng Phấn lên máy bay trước kêu ột ột nhử heo nái lên. Bầy heo con thấy mẹ nó đi, bèn lốc thốc chạy theo. Thằng thông ngôn bảo: "Về bên Phú Lợi, Mỹ nó cho heo của bà uống sữa. Nếu bà muốn bán tôi chỉ chỗ cho bà bán." Thuở nay tao mới thấy heo nái đi máy bay là một.

Nghe chú Tám mô tả cái cung cách của đế quốc Mỹ tôi nhức lỗ tai quá, nên tôi xách xe đạp của Sáu Phấn chạy đảo một vòng trận địa, cố nhiên không quên tạt qua nhà Bảy Mô để thăm các em dũng sĩ. Vườn sầu riêng hằng chục gốc với hương sầu riêng tản mác khắp nơi, ngôi nhà đã giở đi, nếu không trái pháo nổ ngay nền hôm nay cũng làm bay cả nóc. Bảy Mô và bầy tiên nữ ùa ra khi vừa thấy mặt anh Thiên Lôi. Bảy Mô hỏi.

- Anh Hai đi địa nào?

-Địa ông Đột!

- Xì! Sao không ra địa tụi em?

Bảy Nề gắt yêu, còn út Ngỡ thì dìa môi:

- Địa của ông Tám Đột là đường cùn không có miệng trổ.

- Ổng bỏ cả năm không kiểm tra. Ai dám xuống?

- Vậy mà ổng lùa con người ta xuống đặc nghẹt. Anh chết dưới hầm.

Bảy Mô có vẻ chuyên gia địa, hỏi:

- Anh xuống tầng hai thì bảo đảm an toàn hóa học nhưng lại không đủ hơi thở. Để rồi anh xem, có vài người chết dưới đó móc lên khó lắm.

- Sao em chắc vậy?

- Em không chắc nhưng nếu để miệng hầm mở ra thì ngày mai sẽ biết. Nếu không có mùi thúi thì mới chắc là không có người chết dưới đó. Sau trận ruồng phải kiểm tra dân số ngay. Nếu ai vắng mặt thì mình phải đánh dấu hỏi.

- Nếu có mùi thút thì làm sao móc xác lên?

- Phải đi tìm ngay. Nếu gặp xác thì buộc dây lôi ra. Chứ nếu chờ cho có mùi thút thì có môn lấp luôn hầm. Cái vụ này trước đây có bị hoài mà.

Nghe nói tôi ớn xương sống bèn hỏi sang chuyện khác.

- Còn mấy em trốn đâu mà coi bộ tươi rói vậy?

-Tụi em có một khúc đặc biệt để phòng thân. Anh muốn biết không?

- Anh thề... tới chết cũng xin bái luôn ông địa.

Út Nhỡ đứng núp sau lưng Bảy Mô và Bảy Nề đưa tay che miệng và nói:

- Địa tụi em đặc biệt lắm. Nhưng chỉ có năm đứa tụi em. và chịu nổi một ngày thôi.

- Sao ít vậy? Thương binh của ông Tám Lê nằm luôn cả tháng mới lên kia mà. Còn bà Nhã Nam viết báo, anh có đọc nói rằng ông Năm Thuận xã đội trướng Phú Mỹ Hưng ở luôn dưới hầm năm tháng liền không lên mặt đất ngày nào.

Út Nhỡ cười mũi:

- Dóc tổ mẹ. Thằng cha đó trốn nhiệm vụ đi câu tôm bán cho cơ quan lấy tiền gởi cho vợ ở ngoài ấp chiến lược, ổng bị con Là chửi cho thục mạng, ở đó mà năm tháng!

- Nếu Mỹ chốt trên đầu rồi làm sao? Không phát huy địa đạo chiến như hồi thằng Bọ Chét chụp hình mấy em à?

- Anh với anh Tư Linh rắn mắc tổ bà! Tội nghiệp thằng cha già bị gạt mà không biết.

Tôi chú ý môi trên của Út Nhỡ sưng vù và mắt trái hơi bầm. Có lẽ Bảy Mô thấy cái nhìn của tôi hơi xoi mói nên nàng nói:

- Kỳ này chị Út Nhỡ đạt danh hiệu dũng sĩ lần thứ hai.

-....với thành tích lủi nhanh hả?

- Giỡn hoài anh Hai. Chỉ hạ được một tên Mỹ...

-....bằng địa đạo chiến hả?

Bảy Mô lùi lại và bảo Út Nhỡ:

- Chị Út thuật lại cho ảnh nghe đi.

- Thôi mà, có tí tẹo đó nói ra bà Nhã Nam nghe được, bả tới phỏng vấn và bả viết tùm lum phát thanh nghe mắc cỡ chết đi ông ơi!

Bảy Nê chen vô:

- Vậy để em thuật dùm.

- Ừ thuật đi rồi tôi bổ túc.

Tôi cười:

- Hạ được thằng Mỹ rồi cho ai mượn?

Út Nhỡ buông tay xuống, không che miệng nữa, nói:

- Ba cái vụ mượn Mỹ đó là do mấy nhà báo R đặt ra chớ tụi em đâu có ai mượn mà cũng đâu có ai giết được tên nào để cho ai mượn.

- Vậy em là người thứ nhất của đất Củ Chi giết được Mỹ.

Út Nhỡ xua tay lia lịa:

- Em đâu có giết được thằng nào.

Tôi nhìn Bảy Mô. Nàng nói:

- Thì coi như giết đi. Thằng bị chị quào về thế nào cũng nằm nhà thương và mất tinh thần xin về Mỹ luôn. Còn tụi Mỹ thì phải ớn cái đất Củ Chi này.

Út Nhỡ tiếp:

- Rủi cho em là em đi chợ An Nhơn mua tương chao về ăn bị nó đổ ở Ngã Ba Cây Điệp không về được. Em chạy trốn lại đụng đầu, bị bắt chung với mấy ông nông dân. Có cả ông xã đội Ba Xây nữa. Khu rừng gần Ngã Ba Cây Điệp bị tụi nó quần xới nát hết. Nó tìm được một cái miệng hầm. Đó là của ông Ba Xây. May quá ông chưa chun. Và nó tưởng ổng là nông dân xóm. Nó dắt mọi người tới miệng hầm, trỏ mấy trái mìn và mấy thùng vuông màu cứt ngựa, chắc là đồ hóa học, xù xì em không hiểu gì hết. Nó bèn gọi thông ngôn. Thằng này bảo em chui xuống để thằng Mỹ chui theo. Cái miệng hầm nhỏ, còn nó to hơn thằng Bọ Chét nên mắc ngang. Nó cạy tung nắp rồi đùn em xuống. Em nghe lời làm theo. Nó tuột xuống, tay cầm dao găm, tay rọi đèn pin. Em ngồi nép qua một bện, thừa lúc nó bò lom khom em giật chiếc đèn đập vào mặt nó, rồi bò tuốt. May nó cầm dao nếu súng nó bắn em rồi.

- Sao em biết được mà bò?

- Hầm của ông Ba Xây, tụi em có đào chung, đặc biệt để giành cho tụi em và xã đội thôi. cho nên em thuộc đường. Em bò một lúc đụng cửa hầm hai. Em chui tọt xuống. Bò một lúc thì gặp Mô và Nê.

-Tụi nó không theo à?

- Có chớ, tụi nó đánh ầm ầm. Bơm hóa học kịch liệt chớ đời nào tha. Như em nói lúc nãy, địa của tụi em là địa đặc biệt.

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là năm đứa có thể ở cả ngày không sợ ngộp. Có sẵn cơm khô và nước.

- Có chỗ đi đồng không?

Út Nhỡ đấm vai tôi.

- Anh quỉ nè! Ngoài ra còn có ngách trổ không phải một mà ba ngách. Trường hợp bị bể thì phải xét đoán tình hình rồi mới trồi lên cái miệng nào an toàn nhất. Nhờ đó tụi em mới thoát.

- Vậy là bỏ luôn cái địa?

- Nếu không có vách trở thì chúng em bị nó moi tới nơi hoặc chết vì hóa học. Tụi nó đánh mìn nát hết. Nay mai tụi nó dám bỏ bom lắm!

Tôi bắt tay út Nhỡ và nói:

- Thay mặt lực lượng võ trang Củ Chi, anh xin tỏ lòng khâm phục em. (Út Nhỡ, Mô, Nề đều ngạc nhiên) Vì nếu không có cú đánh của em thì trong trận ruồng này không có thằng Mỹ nào rụng một cái lông chân đừng nói đổ một giọt máu. Quân r ta không nổ một phát súng chống càn!

Tôi đạp xe về gần tới nhà thì gặp Chín Lộc. Hắn chớp chớp cặp mắt bù lạch ăn:

- Mẹ kiếp! Quân báo báo trật chạy muốn sút quần! Tin nó đánh Hố Bò. Mà nó lại chơi cả Hố Bò lẫn Bến Mương. Con Ua hỏa tốc tới bữa đó. Tao cho mấy ổng hay. Mấy ổng giải tán hội nghị rồi phò Nhị Tẩu sang bên Bến Chùa rồi. Còn tao về đây, chẳng ngờ lại dính.

- Bả đâu?

- Nhị Tẩu tẩu luôn với các ổng rồi.

- Tụi nó đánh Hố Bò có gặp được gì không?

- Nhà in, kho gạo của ông Bảy Hốt. Q16 bị pháo nặng. C5 của Tư Chuyền ăn bom. Không biết y có giấu, chuyển thương binh đi được không?

- Tụi nó chỉ cụm quân chớ chưa rút. Cuộc hành quân này kéo dài ít nhất một tuần lễ, nó đặt tên là Operation Crimp.

Chín Lộc phát âm rất đúng tiếng Mỹ. Tôi cười:

- Tiếng Mỹ khó nhớ, tôi tạm gọi nó là Xông Vô Nhị Tỳ và Tôm Rim nghe!

- Khè khè chú mà y liệu đi. Pháo phiếc phải chôn cho sâu Nó vừa đem tới Đồng Dù cả chục con chó. Riêng trực thăng thì tăng cường mười chiếc.

- Ông có tin gì về kết quả trận pháo kích của tôi không?

Chín Lộc nhìn tôi với cặp mắt lo âu

- Hỏi con Nhã Nam rành hơn tao. Tao cho mày biết tín này nhưng mày đừng phổ biến ngay cả cấp chỉ huy nghe.

Tôi cười phá ngang:

- Bộ bà Hai Xót sắp mang trống, hay tin gì mà ông làm ra vẻ quan trọng vậy?

- Đừng có giỡn thằng cu con! Tụi Mỹ càng dô mạnh. Riêng Củ Chi Bến Súc nó đã khoanh trên năm chục vùng oanh kích tự do.

- Giỡn hoài cha!

- Bố tiên sư thằng nào nói láo. Vùng cực bắc Củ Chi gồm có: Đồn điền Sim ma, Hồng, Bến Dược..., vùng cực nam gồm có: Bưng Tre, Cầu Bến Nảy, Bến Đình v.v... hai điểm cách Đồng Dù có ba, bốn cây số là Phú Hiệp, Bào Cạp. Cái điểm cách Trung Hòa ba, bốn cây số như Xóm Mới, Xóm Bưng, Lào Táo, Ngã Ba Sòng cũng nằm trong diện oanh kích tự do. Còn cặp hữu sông Sài gòn như Bến Mương của mày, thì Gót Chàng của em Mô của mày, chợ An Nhơn bên sông Sài gòn đối diện với Xóm Thuốc là Rạch Bắp, một là bị hủy diệt, hai là bị hốt.

- Vậy ông chạy đâu?

-???!

- Bỏ cái rờ-moọc cho ai kéo?

- Bả sắp vô Trung ương rồi! ở Hà Nội cần thêm ủy viên gốc dưa mày..

- Tôi nghe đồn Trần Bạch Đằng vô lâu rồi mà!

- Ba mụ đó, khu ủy sẽ chọn một để Trung ương chỉ định. Kỳ rồi các ông có thảo luận nhưng chưa ngả ngũ. Ông thì bảo bà Út Tuất gan lý, ông lại cho bà Hai Xót và Năm Đang biết tổ chức quần chúng đấu tranh chánh trị.. Bà nào cũng lập trường cứng rắn cả! Hí hí...

- Theo ông thì ông bắt bà nào?

- Bà nào dễ bảo thì mấy ổng cho dô. Càng dễ bảo càng lên mau. Tao biết mẹ gì!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx