sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 64: Địa Đạo - Mồ Chôn Tập Thể

Bỗng nhiên một câu hỏi dựng đứng lên giữa bữa cơm chiều quanh ngọn đèn lờ mờ:

- Vợ chồng thằng Út đâu?

Mọi bữa hai vợ chồng nó ăn chung với anh chị em trong cơ quan rồi mới bồng con về nhà. Từ bữa trưa tới giờ đa đoan việc người chết, việc người sống, bây giờ mới nhớ ra từ sáng tới giờ không thấy mặt chúng nó. Thằng Đỏ nói trước tiên:

- Có má Hai ở Trung Hòa về thăm chắc ảnh chỉ ở nhà.

Quản bác bỏ cái lý lẽ đó:

- Ở nhà thì ở. Khi dứt cuộc ruồng hai người cũng phải đến cơ quan chớ?

Thu lơ mơ:

- Em nghe nói anh Út đi bên An Thành gặt lúa đó mà.

Thằng Đỏ rướn cổ lên:

- Ảnh nói đi nhưng có má Hai vô nên đình lại.

Út là trưởng tổ tự túc nên cứ thong dong với chiếc xuồng câu lưới có khi vài ngày mới xuất hiện một lần, chẳng ai để ý đến sự vắng mặt của anh ta.

- Ăn cơm xong thằng Đỏ chạy lại đẳng coi, luôn tiện đem cho má Hai một ít thịt hộp.

- Má Hai đem vô cả giỏ xách cho ảnh chỉ kia cà.

Thằng Đỏ nói vậy rồi lua riết chén cơm, buông đũa chạy đi như để lấy công chuộc cái tội bỏ thủ trưởng.

Bữa cơm chưa xong thì nó chạy về, mặt mày ngơ ngác:

- Không có ai ở nhà hết á!

Quản gặn:

- Mày đi gì mau vậy Đỏ? Mày có vô nhà hay chỉ đứng ngoài sân ngó vô?

- Em không có... vô nhà!

- Thấy chưa, mày bắt được con cá lóc dáo tổ nái rồi đó!

Thằng Đỏ ngập ngừng, chớp chớp mắt:

- Em không dám vô. Trong nhà có mùi gì lạ lạ.

Tôi linh cảm thấy vấn đề. Tôi bảo:

- Cậu nào chạy lại coi.

Quản và Mười chạy đi. Tôi hỏi thằng Đỏ:

- Em biết trong nhà nó có hầm hố gì không?

- Ảnh đi chài với em, ảnh thường khoe, ảnh không sợ Mỹ chụp. Hễ nghe nó đổ quân là ảnh biến mất tiêu. Ảnh chỉ lo cho chỉ và đứa nhỏ thôi. Từ ngày ảnh được tuyển vô cơ quan ảnh mở rộng cái ngách ra có thể chứa ba, bốn người.

- Mà em có nghe mùi thiệt không?

- Thiệt mà! Mùi lạ lắm. Em sợ quá em chạy về liền.

- Thằng Út không có đi An Thành thật chớ?

- Dạ ảnh nói chờ má Hai về Trung Hoà ảnh mới đi!

Thôi vậy thì nguy to rồi. Tôi tất tả chạy đi. Một dọc người theo. Ra đến đường thì đụng đầu Tám Dột. Tôi chưa kịp nói gì thì Tám Dột đã nói:

- Các anh phải dời điểm ngay. Ông xã đội Ba Xây bị Mỹ bắt rồi.

Tôi giật mình thon thót, Ba Xây bị bắt thì cả Phòng tham mưu của ông Năm Lê cũng phải dời.

- Ổng trốn ở đâu mà bị bắt?

- Trong hang của ông.

Tôi bàng hoàng nhưng cố trấn tỉnh, hỏi sang chuyện khác:

- Anh cho bà con lên hết chưa?

- Tôi còn để ngửa nắp hầm. Chắc bà con lên hết rồi.

- Anh có nghe mùi gì không?

- Tôi chưa trở lại đó. Mà nếu có ai chết thì sáng mai mới có mùi nặng.

- Vậy anh trốn ở đâu?

- Tôi chui hang riêng, thầy ơi!

- Té ra anh không chơi với địa à?

- Cố nhiên rồi. Khè... khè... thằng nào cũng vậy chớ không phải mình tôi. Chỉ huy đào nhưng không bao giờ xuống.

- Sao lùa dân xuống?

- Để họ ở trên Mỹ xúc ra ấp chiến lược hết, mình lấy gì bám trụ.

- Anh có thấy lính tôi xuống không?

- Tôi chỉ giở nắp hầm rồi dông chớ đâu có đứng ở đó.

- Vậy ai đậy nắp hầm?

- Người nào xuống sau cùng thì đậy. Chớ nếu tôi đứng đó chờ cho người ta xuống hết rồi mới chạy thì làm sao kịp?

- Sao anh không bám với nhân dân?

Tám Đột ngần ngừ một giây rồi đánh trống lãng:

- Hồi sáng nếu tôi gặp thầy, tôi đâu có cho thầy chun. Bởi vậy nghe Ba Dị nói chắc thầy chun là tôi đi tìm đến.

- Anh có biết một trái cà nông nổ cắt sóng địa đạo không?

- Tôi có nghe nói nhưng chưa tới! Đây là nhiệm vụ của ông Ba Xây mà ổng lúc nào cũng đi câu tôm chớ có ngó ngàng gì tới. Hễ tôi phàn nàn thì ổng bảo: "Tao hi sinh cái nhà tao cho cấp trên (Năm Lê) ở, để tao kiếm tiền nuôi vợ con tao với chớ?". Mà Thầy có cáp-tăng đó không?

Tôi móc điếu thuốc chìa ra. Tám Đột rút hai ba điếu và giải thích:

- Lại đằng đó tôi mới hút. Phải thuốc thơm mới được.

- Sao vậy?

- Tôi học kinh nghiệm ở trên Hố Bò hồi nẵm. Hễ dưới hầm có người chết thì khói thuốc thơm phát hiện ra ngay. Đốt một điếu đứng trên miệng hầm hút. Hễ có mùi hôi thì khói khét nghe liền. Muốn chắc hơn đốt một điếu quăng xuống dưới địa. Một chốc cũng nghe khói khét.

- Quăng xuống là tắt liền.

- Tắt là chỉ khi nào mình đậy nắp hầm kín lại kìa, chớ mở nắp ra thì thầy nấu cơm dưới đó cũng được mà’!

Tôi nhớ lúc ở dưới địa quẹt hộp quẹt không cháy, nên thấy kinh nghiệm của Tám Đột có thể đúng. Tám Đột lại tiếp:

- Tôi đã từng tìm được xác du kích bằng một điếu Ru-by rồi kia mà.

Lúc nãy nghe chuyện chị Sáu Bầu tôi rất bực mình Tám Đột, định gặp sẽ trách móc y, nhưng bây giờ thấy y ăn ở có nghĩa với mình, vã lại thằng chi uy xã, thằng huyện ủy, tỉnh ủy, khu ủy và trung ương nào cũng như Tám Đột thôi, nên tôi không mở miệng phê bình y được. Tám Đột lại tiếp:

- Kỳ tới, có gì thầy bám tôi nè. Một mình thầy thôi. Tôi bảo đảm ăn hút khỏe re. Đó, thầy coi, tụi Mỹ nó xúc mấy chuyến Râu Rọm thưa hết dân. Nó mà làm vài trận nữa cái Bến Mương này trụi lơ, lấy đâu mình xây đựng cơ sở?

Sẵn dịp tôi hỏi luôn.

- Bộ anh có địa riêng sao?

- Tất nhiên rồi. Thằng nào cũng vậy không phải riêng tôi. Thầy nghĩ coi cả bầy nam phụ lão ấu như vậy xuống hầm. May mà Mỹ không tới chớ nếu tới thì nó có lọt tròng cũng thấy miệng hầm mà. Cái miệng hầm phải sạch sẽ gọn ghẽ như miệng con gái chớ tùm lum như miệng già trầu móm thì bí mật con mẹ gì được?

Tám Đột bỗng quay ngoặc lại nói sang vấn đề khác:

- Cái vụ thầy sống lại là ơn nghĩa lắm đó nghe.

Tôi nghĩ chắc y định kể công với mình nên nói ngay:

- Nhờ anh tôi mới thoát chết.

Tám Đột xua tay:

- Không phải nhờ tôi đâu. Chính nhờ cô Thu đấy.

- Cổ cho tôi hửi dầu nhãn nhưng có ăn thua gì.

- Dầu nhãn thì không ăn thua gì nhưng mùi kia thì kết quả ngay. Không ai nói cho thầy biết à?

Tám Đột đúng sát lại rỉ tai tôi rồi cười hắc hắc:

- Đó là thuốc thần hiệu nhất. Tôi đã dùng rồi. Hễ có người chết dưới hầm thì cứu cấp kiểu đó kết quả trăm phần trăm, nhưng phải nhớ là của các cô chưa chồng thì mới tốt. Tôi đã phổ biến tại hội nghị quận rồi mà! Ngày thường là đồ bỏ, nhưng gặp việc là linh dược đó nghe thầy!

Tám Đột vừa nói vừa cun cúc lủi đi. Tôi chạy trở về. Vừa đến mối đường vào nhà má Hai thì nghe tiếng nói xôn xao. Tôi bèn quăng xe đạp quát:

- Có tìm thấy gì không?

Năm Dị nói tiếng nặng chịt nghe càng đứng tim.

- Chệt hệt anh Hai ơi! Vợ chồng con cái thằng út chệt hệt.

Tôi chạy càn vào, vấp ngạch cửa chúi lúi sắp ngã. Tôi móc đèn pin rội lên. Trong vệt ánh sáng xanh lè hiện ra hai ba đứa mặt mày cũng xanh lét như mặt quỉ.

- Nó ở sau vườn.

Tôi chạy vọt ra. Năm Dị giật chiếc đèn pin trên tay tôi chạy ra phía ngọn đèn leo lét ở góc vườn. Nắp hầm mở toang hoác. Tôi nhìn xuống. Bất giác tôi lùi lại và quay ra. Một bàn tay trắng bợt như giấy đưa lên hồi nào dán dính vào vách hầm như quờ quạng tìm lối thoát, chỏm tóc con nít áp trên ngực mẹ. Chẳng ai khác hơn là hai mẹ con con Út. Tôi hỏi.

- Còn thằng Út đâu?

Năm Dị trỏ xuống.

- Nó ở dưới kia. Phải nhìn xéo xéo kìa mới thấy.

Tôi nghe mùi bốc lên nồng nặc. Hít nó vào người phải bệnh. Tôi bảo Năm Dị và mấy cậu trinh sát:

- Thôi lấp lại đi. Ở phía đó lần trước người ta cũng làm vậy chớ không cách gì khác.

- Anh Hai bảo vậy thì chúng tôi thi hành.

Chập sau mặt đất bằng phẳng với những lát đất mới. Tôi lạnh lùng khoác tay:

- Thôi đi về!

Chớ còn làm gì được, một cấp chỉ huy không có phương tiện gì hết như tôi trong hoàn cảnh này? Thật là tàn nhẫn. Như để giảm nhẹ tội lỗi của mình tôi tiếp:

- Mai trở lại đắp nấm, mốt mở cửa mả cho tụi nó.

Bỗng nhiên vợ chồng con cái chết hết và chung một hầm. Ngôi nhà đang ấm cúng, vợ chồng con cái hàng ngày vui thú hạnh phúc đơn sơ tuy mong manh trong vòng bom đạn. Họ không mong gì hơn được sống lây lất qua ngày, chồng đi chài cá cho cơ quan, vợ tới lui phụ giúp nhà bếp. Mùa này lúa trúng, hai vợ chồng vô bồ được hơn một trăm giạ. Vợ nghĩ tới việc mua áo mới cho chồng con, chồng tính sắm thêm miệng chài mới. Giấc mộng chỉ có vậy mà cũng không thực hiện được.

Tôi nhảy lên xe đạp, một tay rọi đèn một tay cầm ghi-đông chạy một mạch đến cái dốc thả xuống rạch thì quẹo vào Chiếc xe lao nhanh băng qua những lỗ hổng và những hố cà nông nhiều lần lao đao suýt ném tôi xuống mé lề. Cây dừa tơ bên đường nơi Út từng nhét cục xà bông thơm cho tôi tắm, nơi nàng bế con đứng trên bến chờ chồng đi chài hoặc cắt lúa bên Thanh An về. Hai vợ chồng líu lo rồi vợ giao con cho chồng ẵm.

Cũng nơi bến này dân trong xóm đến giặt giũ, tắm rửa và gánh nước về nhà. Một bụi dừa rậm ri đứng ở ven sông, tàng lá râm ri che bít cả bầu trời, bít mắt phi cơ cho cả nhân gian yên tâm tắm rửa bơi lội. Những chùm rễ dài thòng xuống tận mặt nước như một ngàn bộ râu của người khổng lồ. Dưới bóng mát của nó bắc tạm bợ một chiếc cầu làm bằng cánh cửa ván lỗ chỗ vết đạn.

Đây là vùng trời nước mơ mộng của tôi. Vùi đầu trong những kế hoạch phương châm dự án, những gì gì khác nữa, tôi không còn được những giờ phút nghỉ ngơi của một người thường phải có. Đôi khi đang ăn phải buông đũa chạy, lắm lúc giữa giấc ngủ say có công văn khẩn cấp tới, cả trong lúc yêu cũng có lệnh thiên tử gọi tới chầu.

Lâu lâu, lén trốn cái cuộc đời hùng hục của tôi ở cơ quan, tôi ra đây ngồi xem cá đớp trái dừa chín rụng lõm bõm xuống nước, nhìn những con chuồn chuồn vô tư bay là sà như một bầy tiên nhởn nhơ bất cần mưa nắng, cũng có những buổi tối nhìn trăng dưới đáy sông mà tưởng mình sẵn sàng nhảy xuống lội mò cùng Thái Bạch. Cái dốc thân mến êm đềm xiết bao đối với tên Thiên Lôi này.

Nhưng than ôi! hôm nay nó trở thành vùng trời tang thương đau đớn. Tôi không dám để chiếc đèn pin cháy trên bờ sợ trực thăng bay qua hoặc Mohawk chụp hình thì mang đại họa. Tôi bấm tắt, nhảy xuống nước tắm thầm qua loa rồi vọt lên mặc quần áo, tất cả mọi việc không quá ba phút, xong lên xe đạp ngược dốc. Ngang gốc dừa tơ tôi ngảnh mặt như sợ thấy lại bàn tay của người đàn bà nhét cục xà bông trong bẹ dừa hôm nào, nay chắc vẫn còn đó. Về đến hầm, tôi nằm vật ra trên chiếc võng mấy đứa nhỏ mắc sẵn, nghe rã rời thể chất lẫn tinh thần. Chết! chết và chết! Chiến sĩ ra trận chết đã đành, thường dân ở nhà cũng không sống nổi. Chui hầm để tránh bom đạn nhưng lại chết dưới hầm. Bàn tay trắng bợt một cách kinh dị của người đàn bà cứ chập chờn trong trí tôi. Tại sao chúng nó lâm nạn? Không có dấu bắn, không có vết máu ở miệng hầm. Tôi hỏi Năm Dị vừa về tới:

- Cậu thấy nắp hầm đóng hay mở?

- Dạ đóng! Nhờ mùi thum thủm và nhặng đánh vù vù nên tôi tìm mới ra rồi nạy bật lên chớ hầm đâu có bị khui!

- Theo cậu có phải nó bị hóa học không?

- Dạ không đâu. Miệng và vách hầm không có dấu vết gì hết. Em chắc chắn là hai đứa bị ngộp. Hình như thằng chồng bò vô rồi chịu không nổi nên trở ra, còn con vợ muốn trồi lên một tay ôm con, một tay mở nắp hầm, nhưng vì kiệt sức mà nắp hầm lại nặng nên không bật lên nổi. Thằng chồng lúc đó cũng hết hơi muốn trồi lên lại bị con vợ trám bít lối nên gục luôn dưới chân vợ. Em đoán vậy không biết đúng hay sai.

Tôi lặng thinh.

Làm chỉ huy đôi lúc phải hạ những lệnh mà chính lòng mình không muốn nhưng phải làm vì nhu cầu của chiến trường hoặc vì phải thi hành lịnh của cấp trên. Như trận pháo kích Đồng Dù và Trung Hoà vừa rồi. Sau gần ba chục năm bây giờ tôi ngồi nhớ lại, tôi mới thấy rằng nếu tôi là một tư lệnh chịu mệnh lệnh của thượng cấp thì chẳng bao giờ tôi ra lệnh cho pháo kích như vậy. Tôi chắc chắn rằng tôi bắn không có quả nào rơi ngoài ấp. Dầu hèn cũng thể chớ đâu có đến đổi, căn cứ rộng như Đồng Dù, Trung Hoà mà bắn không trúng thì còn dạy ai? Nhưng tôi biết trước hậu quả thảm khốc, nhất là cho nhân dân. Chiến sĩ và du kích hi sinh, bị thương như thế quả là pháo Mỹ còn chê thịt giải phóng dữ lắm! Tôi đã bí mật bảo Tư Chuyền chuẩn bị cho năm chục cái hầm cho thương binh nằm. Đổi lại sự tích cực đó, tôi sẽ cố lấy cho y một cây dù! Nhưng sự thực không có đào cái nào cả. Nhân công đâu? Củ Chi chỉ có một anh du kích Lê Thanh Vân dùng răng cạp đất thôi!

Chỉ sau vài ngày pháo kích, Mỹ đã phóng ra cái Operation Crimp để đáp lời sông núi. Bộ đội rút ra ngoài vòng hoặc chui hang còn dân thì bị thương chết hoặc bị xúc ra ấp chiến lược. Số chui địa còn sống thì cũng lẳng lặng bỏ nhà đi.

Vợ chồng thằng Út chết một cách vô lý. Nếu chúng ở trên mặt đất thì bị xúc ra ấp chiến lược rồi trở về như bắt cóc bỏ dĩa. Nhưng cũng tại ba cái thằng lãnh đạo tuyên truyền làm cho dân mê tín địa. Vợ chồng nó đào sẵn hầm để đó, chờ Mỹ vô thì chui... khoẻ ru. Chúng chưa bao giờ ướm thử nên khi chui, không có kinh nghiệm gì hết!

Tôi đâm ra ân hận vì đã thu nhận thằng chồng. Cho nên bây giờ cả nhà chết hết. Nếu để nó đi Bình Long, Phước Long có chết chỉ mình nó. Vợ nó là goá phụ như bà Tám Khoẻ, Mai Khanh, Lục, Mười, Hai Xót, Chín Kiểu.... và hàng trăm cô gái ở ven Quốc Lộ lấy lính công trường 9. Chớ có đâu cả nhà chết thảm khốc như thế này.

- Lấp lại!

Cái lệnh của tôi lúc nãy như vang lại trong đầu tôi. Cái lệnh quá dã man chăng? Sao tôi không để chậm chậm đã!

Cái lệnh đó không phải là của tôi xuất bản đầu tiên mà tôi chỉ tái bản của những người khác. Đứng trước một ban tham mưu quận đội bị bom vùi, ông bí thư bảo lấp. Đứng trước một phòng cơ yếu bị pháo dập, ông trưởng ban bảo lấp... Lấp, lấp và lấp. Lấp là phuơng pháp nhanh tốt và rẻ nhất vvà là cách làm cho người chết ít đau đớn nhất.

Người chết được nằm trong hòm ngựa kéo ra nghĩa trang mà nhà thơ còn bảo ngựa đi nhịp đằm để người khỏi đau. Còn ở đây những cái xác nát, thối hoặc thiếu đầu, sứt tay phải moi lên ráp lại thì đau đến mức nào? Thôi thà để vậy mà lấp luôn. Rồi đây bạn đọc sẽ được thưởng thước cái lệnh lấp lại đó lặp lại không biết bao nhiêu lần trên đất Củ Chi này. Và rồi bạn cũng sẽ quen đi, không cho tôi là tên chỉ huy tàn nhẫn nữa. Và nếu chẳng có cô Thu và cậu Quản thì hôm nay Tám Đột cũng đã tái bản cái lệnh đó với tôi rồi. Tôi nằm luôn trong lòng... đất. Không biết có bà con nào nằm lại dưới đó không?

Đang nhớ lan man những chuyện vừa qua thì lại nghe tiếng ồm ồm ngoài miệng hầm.

- Thằng Thiên Lôi của mày có ở nhà không?

Tôi biết đó là Năm Tiều nên ngồi bật dậy. Gặp tri âm trong lúc buồn. Tôi bước ra vội vã mời thì lại đụng đầu cả Bảy Nô. Hai ông thần này thường đi có cặp. Lính sợ hai ông đã đành, cấp trên cũng ngán luôn.

Năm Tiều mở đồ nai nịt ra bỏ ở bàn làm việc của tôi. Thấy Bảy Nô còn xựng xựng tôi hỏi:

- Bộ anh Bảy còn tính đi đâu sao?

- Đi thăm má nó chút.

- Chị Bảy ở đâu?

- Tao mới cho dời nhà lên con Mô hồi hôm. Tụi Mỹ làm cỏ xong Bến Mương của mày thì sẽ cày Phú Hoà Đông của tao, nên phải né trước.

Năm Tiều bảo:

- Ở nhậu ba sợi rồi đi không được sao?

- Để tôi ra coi bả tới chưa rồi trở vô.

- Bộ sợ người ta đổ lọp hả anh Bảy?

Năm Tiều thêm:

- Ếch bắt cặp thì trời mưa chớ không có bắt cặp trời nắng nghe cha nội!

Bảy Nô để nguyên súng ống ngồi vào bàn. Tôi kêu trẻ nhỏ pha trà. Định hỏi về tình hình đánh đá của các đơn vị vừa qua thì ông phó ban tác huấn lên tiếng trước.

- Nghe nói mày suýt bị địa đè hà?

- Ai nói với anh vậy anh Năm?

- Mày sống lại nhờ ai, tao còn biết nữa kia!

- Thôi ông nội ơi, ông đừng có móc chuyện đó ra tôi ngóc đầu lên không nổi.

Năm Tiều cười ngất nói oang oang như chỗ không người:

- Tao còn muốn kêu con nhà báo Nhã Nôm đến đây nó phóng... sự mày đó. Chuyện ngửi nước đái con gái có gì xấu? Hồi nhỏ ở nhà tao còn thấy người ta uống nữa kia. Đâu, con nhỏ nào tặng mày món thuốc đó, cho tao biết coi.

- Chi vậy anh Nam?

- Để nay mai hoặc lính tao chết ngộp dưới địa thì xin cho nó một tô chớ chi.

Vừa lúc đó Thu bưng nước tới. Năm Tiều cứ hỏi tự nhiên:

- Mày cho tao biết, tao sẽ xin nó một chai lận lưng để dành.

Bảy Nô cười hắc hắc:

- Đựng vô chai không linh ông ạ. Phải xài ô-rin kìa.

Tôi cắt ngang vì sợ Thu biết:

- Mấy đơn vị mình có lập thành tích gì không anh Năm?

Năm Tiều nói:

- Tít gì mà tít. Chạy như gà mắc đẻ. Mỹ ở trong này mà đi lẫn ra Đồng Lớn bắn lạch chạch, tụi Trung Hoà kêu pháo giã, Đồng Dù tiếp theo. Ban đêm tụi Mỹ cụm ở Bào Đưng, thằng Ba Đức xách C2 từ Rừng Làng định ra tập kích ai dè bị pháo sáng lòi lưng, tụi Mỹ quạt, khiêng về mười ba đứa.

- Nghe nói trên Hố Bò, Bùng Binh làm ăn khá lắm anh Năm!

- Ai nói? trên đó Mỹ có xe tăng bảo vệ bộ binh, Dakôka bay vòng vòng thả pháo sáng, đám em nuôi bà Định, mới vừa mon men tới bị pháo Chà Rầy và Trảng Bàng giã chày đôi 12 khẩu 102, chịu sao xiết.

Bảy Nô tiếp:

- Mỹ biết đánh giặc lắm chớ không phải như đài giải phóng của mình tuyên truyền gạt con nít đâu. Nó đóng quân ở giữa, xe tăng ký bốn tên, chiếc nào cũng âm xuống đất, chỉ ló cái tháp súng lên thôi. Bên ngoài nó còn thả bùng nhùng dây chì gai. Đụng tới cái thét lưng của nó mệt khước, chú em ơi. Mà có đụng rồi cũng không dễ gì ném được. Hổng biết mấy cô dũng sĩ của ông Tém Quang có đụ...ụng được chưa?

Năm Tiều cười khục khục trong cái cần cổ như gà lôi kêu:

- Để mai mốt bà Năm Đang và Hai Xót họp khu ủy về, tao với mày chận đường hỏi bả dùng mũi chánh trị giáp công để đụ...ụng được cái....

- Hai bà đó thì chỉ nắm thắt lưng của mấy lão già thôi.

- Mấy lão nắm dây lưng rút của mấy bả thì có!

Bảy Nô trở lại vấn đề:

- Nói cho ngay tao định xách d... của tao ra định chơi một trận, nhưng ngó đi ngó lại đại đội này rã hàng, đại đội kia tản khai, đại đội nó phân tán mỏng trong dân, có một số lẩn theo đân chui xuống địa, móc không lên.

- Ông Ba (Xu) có lệnh nghiêm cấm chui rồi mà anh Bảy!

- Ổng bị kẹt thử coi ổng có chui không?

Bảy Nô nhấp trà rồi tiếp:

- Mất cả một ngày mới tập trung được hai đại đội, quân số lỏng lẻo, đem ra mới bắn vài loạt, trực thăng tới bu đen, cùng dắt nhau chạy về, bỏ lại hai đứa.

Năm Tiều cười:

- Ông coi vậy mà thua tụi D8. Nó kết hợp với du kích An Phú, Hố Bò pháo kích cụm Bến Dược. Nghe nói có trực thăng đáp xuống hai ba chuyến. Chắc lấy thương binh.

- Cái đách! Nó chỉ chở đĩ xuống cho lính Mỹ đó cha nội. Ở ngoài mình pháo, ở trong nó cũng pháo.

Năm Tiều nói xụi lơ:

- Tụi Mỹ hành quân kiểu này chưa chắc thằng già Sáu Khâm dám xách công trường 9 xuống đây chơi nữa là ba cái đám lính vịt xiêm Q16 và D1 của thằng cọc cạch Ba Châm.

Vừa đến đó thằng Bọ Ngựa đi lấy công văn trên phòng chính trị về. Tôi mở ra đọc còn Năm Tiều xem báo Quân Khu. Anh đập lưng tôi:

- Nghe nè! nghe nè ông thầy pháo với ông dê trưởng! Tin chiến thắng lớn!

Rồi anh đọc luôn:

Tôi xua tay:

- Tôi đọc rồi anh Năm ơi!

- Báo mới ra lò, mầy đọc hồi nào giỏi vậy?

- Tôi đọc hồi chưa in.

- Sao kỳ vậy?

- Cô ấy viết xong đem lại cho tôi chuốc dùm một hai điểm.

- Sao chuốc có hai còn điểm kia để cho ai?

Bảy Nô hất hàm với tôi trong lúc Năm Tiều vẫn nhướng lên nhướng xuống đọc cho hết mẫu tin. Anh để tờ báo lá cải trên bàn, đập đập tay:

- Vậy cũng nên thưởng con nhỏ này chớ. Điểm thứ nhứt: mình cõng thương binh thấy mẹ mà nó nói Mỹ thua. Điểm thứ hai. - Bảy Nô xoè bàn tay to tướng như cái quạt nan - Điểm này còn đáng thưởng hơn: Mỹ mới càn có hai ngày mà nó nói cuộc càn liên tiếp bảy ngày của Mỹ đã kết thúc. Điểm thứ ba: thằng mắt toét Chín Lộc còn không biết có bao nhiêu Mỹ mà nó dám nói là tám ngàn lại còn liệt kê rành rẽ các binh chủng. Đây, các ông nghe cho kỹ:

-... phải cúi đầu nhận tội.

Cả ba cùng cười. Năm Tiều tiếp:

- Chưa hết. Các cụ nghe thêm đoạn nữa thì dầu có rửa chưn leo lên bàn thờ cũng mát cái ruột già. ".

Bảy Nô xua tay:

- Ê, đừng phát âm nguy hiểm vậy nghe!

Năm Tiều quay lại tôi nháy nháy:

- Tôi là dân Nam cờ mà ta! Mày chuốc, mày bào kiểu nào mà nó hứng dữ vậy Lôi?

- Tôi chuốc cái điểm pháo kích của tôi chớ có rớ tới cái điểm khác.

- Mày chuốc hai điểm trên đâu có đủ, nó đem lên cho mấy chú mấy bác chuốc tiếp.

Bảy Nô cười chành bành cái miệng rộng:

- Chú Ba chuốc, chú Mười bào rồi anh bác sĩ Tám Lê nạo. Đó là ba giai đoạn liền tù tì.

Ba thằng uống trà đổ xác như núi, hút thuốc phun khói như đống ung trâu và cười rung hầm. Như vậy cũng xoá được cái nỗi buồn chiến binh biên ải.

Tôi nhắc Bảy Nô đi thăm bà. Năm Tiều nói:

- Lọp của nó còn mới nên nó sợ người ta đổ rồi xách mất. Còn tao nè, tao có sợ không?

- Anh bị đổ cái này còn cái khác, anh đâu có sợ.

Năm Tiều bị xoi trúng tim đen làm thinh.

Vừa đến đó thì Năm Dị chạy về kêu là bài hãi:

- Thầy ơi thầy! có chuyện nữa!

- Chuyện gì vậy?

- Má Hai chết rồi!

- Tầm bậy! Bả vô thăm vợ chồng thằng Út rồi về Trung Hoà bữa hổm...

- Tôi thấy tận mắt nên về báo cáo với thầy mà.

Tôi chạy vọt ra hầm:

- Cậu nói thiệt hả Năm Dị?

- Sau khi đắp hai cái nấm lớn và một cái nấm con tượng trưng cho gia đình thằng Út, tôi vô nhà tìm gỗ để cắm trên đầu mả. Tôi nghe mùi hơi nặng hơn ở bên ngoài. Tôi đi lần vô kẹt bồ lúa thì thấy một đống mền chiếu. Mùi thúi bốc ra từ đó. Tôi bèn giở từng lớp một. Càng giở càng thúi. Đến lớp cuối cùng thì đúng là bà má. Bà gục đầu xuống và hai tay ôm chân như sợ bom nổ điếc tai! Ở chỗ này thì không lấp được. Phải đem má ra chôn ở ngoài.

Tôi nhớ con Út có lần nói với tôi rằng lúc ba Hai còn sanh tiền ba đã xây sẵn kim tỉnh cho hai ông bà, nên bây giờ sẵn chỗ cho má nằm. Chỉ còn liệm và chôn. Không phải đào. May quá! Tôi nói cho Năm Dị nghe. Năm Dị bảo:

- Vậy thầy cho người ra tiệm Chệt Tư lấy một cây ni lông đem về đây mình đậy chụp lên, gói lại, xong đem ra ngoài bó rồi chôn. Chớ bây giờ làm sao đóng hòm được. Mỹ xúc dân đi hết rồi, tìm đâu ra thợ mộc?

Tôi tán thành ngay. Tôi nói với Năm Tiều:

- Anh nằm võng nghỉ đi anh Năm để tôi đích thân đến lo công việc mới được. Lúc còn sanh tiền má cho lúa gạo gà vịt chúng tôi ăn hoài. Vợ chồng thằng Út coi tôi như anh ruột.

Năm Tiều thở ra:

- Nghỉ mẹ gì được mà nghỉ. Mày đi tao cũng đi lại đó tiếp với tụi bây một tay. Chịp! Mới chôn vợ chồng thằng Út xong lại tới má.

Tôi cho người ra tiệm Chệt Tư lấy ni lông và vải mang về. Mang ơn Chệt Tư biết bao. Tôi, Năm Dị, Năm Tiều đích thân đem xác má ra, tẩm liệm và bó lại trên một cánh cửa khiêng ra huyệt. Cái huyệt bằng xi-măng đã đổ cát đầy một nửa. Anh em xúc lên xong thì trời tối. Chúng tôi đặt xác má xuống dưới ánh sáng mấy cây đuốc lá dừa. Nhìn bên trái, ba nấm đất còn mới nguyên. Bây giờ thêm một mô nữa. Thế là gia đình này tuyệt tự rồi bác Hồ ơi! Tôi gắng gượng nói mấy câu vĩnh biệt má mà không ra tiếng. Năm Tiều cứng cõi hơn, nhưng anh cũng phải nuốt gặn mấy lần:

- Thôi, má nằm đây với ba cũng ấm! Dưới đó cả nhà sum họp đại đoàn kết!

Rồi anh quay ngang. Chắc anh cũng khóc, mặc dù nói miệng cà rởn:

Năm Tiều không về hầm tôi nữa. Anh kéo tôi ra xa, bảo:

- Mày chuẩn bị dời đơn vị đi. Tao đến đây để cho mày hay đó!

- Sao vậy?

Anh vỗ vai tôi:

- Ở trên sắp đưa mày ra chỉ huy tiểu đoàn 1 thay cho thằng Ba Châm. Anh em mình còn gặp nhau nhiều. Mày đừng buồn. Mày cứ nghĩ như thế này là mày cứ vui hoài. Coi như mình chết hồi chín năm rồi. Thiệt chớ mày! Đánh tàu, đánh xe, bắn máy bay cả trăm trận mà không chết. Ra Bắc rồi về. Tưởng bỏ xác ở Trường Son vì muỗi mòng đói khát mà cũng không sao. Về R đội bao nhiêu bom pháo mà cũng còn sống nhăn, không sứt miếng thịt nào, xuống Củ Chi hai năm bao nhiêu thằng lên bàn thờ, mình vẫn còn đây. Vậy mình tư coi mình như con buôn. Cái sống này bây giờ là lời, còn vốn thì đã lấy lại gấp ba bốn lần rồi. Lắm lúc tao hay nói càn, thấy ai đang buồn tao lại đâm hơi cho bao nhiêu người khó chịu coi tao là thằng ba trợn. Sự thực tao muốn che lấp nỗi buồn bên trong. Thôi về đi... nay mai, há há... họp đại hội ve chai ở nhà thằng Bảy Nô hoặc ở đâu đó hoặc dưới âm ty hổng chừng.

Tôi về hầm chúi mặt vào võng, nằm chờ chết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx