sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 66: Hồng Nhan Bạc Mạng Trên Dòng Nước Xanh

Tôi ngồi bật dậy. Thằng Đỏ nhào vào. Tôi còn đang ngơ ngác thì nó kêu lên:

- Ma! Ma anh ơi!

- Ma cỏ gì ở đâu, nói bậy mầy!

Tôi vừa nói vừa ngã lưng xuống võng. Nhưng nó dựng tôi dậy và la lên:

- Ma thiệt! Anh ra bến nước coi!

Năm Dị và mấy cậu nữa cũng chạy đến. Thằng Đỏ tiếp:

- Ma từ nhà má Hai đi ra bến nước. Nó bỏ tóc xoã, có ẵm con nữa. Nó đứng ở đầu cầu kêu má ơi và than khóc nghe nổi ốc cùng mình. Mau đi ra coi. Ủa ra vớt chớ! Em sợ nó nhảy xuống rạch quá hà.

- Mày nói láo tao phạt mày nghe!

- Dạ, anh Hai cứ phạt.

Thằng Đỏ lôi tay Năm Dị, rồi cả đoàn chạy theo nó. Tôi hơi nghi ngờ tụi gián điệp làm trò. Hồi chín năm, vụ Cọp ba móng ở chiến khu Đ làm cán bộ không dám đi công tác vùng Long Điền. Tôi vừa lếch thếch bọ hậu vừa hỏi thằng Đỏ:

- Mày đi đâu ra bến vào giờ này mà gặp ma?

Thằng Đỏ chạy chậm lại gần tôi và kể lể:

- Em với anh Lộc lén anh đi lại nhà anh Út để lấy miệng chài đi bắt ít con tôm về ăn. Em có tánh sợ ma nhưng cũng gồng mình đi. Vừa vô tới sân thì nghe tiếng khóc ri rĩ. Em lắng tai một chút thì nghe giống y tiếng chị Út. Lại có tiếng con nít khóc oe oe nữa. Em bèn kẻo anh Lộc đứng nép qua cây vông nem ở cửa ngỏ. Tiếng than khóc dứt một chút thì có bóng người trong nhà lọt ra băng qua sân. Tóc xõa sau lưng em thấy giống y chị Út.

Thằng Đỏ vấp ổ gà suýt té, dứt ngang câu chuyện. Tôi hỏi:

- Mày thấy nó bồng con thiệt không?

- Cái đó em không chắc, nhưng tóc xõa và giống chị Út lắm.

- Mày nghe nó than khóc như thế nào?

- Em lạnh xương sống, răng đánh bò cạp mà nghe gì được Chỉ nghe hu hu thôi.

- Hổng lẽ con Út còn sống?

- Không phải chị Út đâu. Bữa khui hầm em thấy rõ đầu tóc và bàn tay của chị mà. Nếu chỉ có thành ma thì cũng phải lâu lâu chớ, lẽ gì sớm vậy?

Năm Dị tới trước, cầm gói ni lông to bằng ba lô, nhưng không phải ba lô, quay lại đưa cho tôi, giải thích:

- Tôi lượm được ở đầu cầu.

Tôi rọi đèn pin khắp nơi để tìm nhưng không thấy dấu vết chung quanh chỉ thấy nước ướt cầu.

- Có thể nó nhảy xuống sông?

- Không chắc đâu thầy ạ!

Tôi rọi đèn vào bụi dừa um tùm, bụng nghĩ có thể người ta thắt cổ. Nhưng chỉ thấy cây lá và những đìm rễ lòng thòng sà xuống mặt nước. Tôi hỏi gắt thằng Đỏ:

- Sao mày không kêu nó lại?

- Trời ơi trời! Em sợ muốn gụng gún còn biểu kêu!

Tôi bàn với Năm Dị một lúc rồi quyết định bằng một thứ linh tính lạ kỳ:

- Thằng Đỏ và thằng Lộc bơi chiếc xuồng dọc theo mé rạch còn bao nhiêu lội xuống mò tìm. Có thể người nào tự vận chớ không phải con Út đâu! Đỏ, bơi xuống ra chân ở vàm rạch. Ủa mà khoan tất cả xuống xuồng ra vàm giăng hàng ngang mò ngược vô. Nước ròng chảy mạnh ngọn có thể bị trôi ra sông Sài gòn.

Theo kế hoạch của tôi, tất cả thi hành. Ra đến vàm Rạch mọi người nhảy xuống nước ùm ùm. Ai cũng thích thú được bơi trong nước một cách tự do không có phi pháo trên đầu.

Tên chánh thức của dòng sông này là Rạch Sơn nhưng vì nó chảy qua ấp Bến Mương nên dân địa phương cũng gọi là rạch Bến Mương. Hai bên bờ dân cư đông đúc, lòng rạch chứa rất nhiều tôm cá. Từ ngày Út về làm trưởng tổ sản xuất thì cơ quan H6 ăn uống không đến đổi sáng tương chiều chao như những cơ quan khác. Ngoài ra dòng nước Bến Mương làm cho con gái H6 trắng da dài tóc đẹp hơn các xã khác chăng?

Tôi vốn là con cá ráy từ thuở còn đi học trường làng. Không buổi trưa nào là vắng thằng Thiên Lôi cùng lũ bạn đánh giặc dưới sông. Môn chơi hấp dẫn nhất là bịt mũi hụp xuống coi đứa nào chịu được lâu. Thiên Lôi thắng cũng có mà ăn gian cũng có.

Tôi lặn hai ba hơi không đụng gì hết. Chắc chắn không phải ma. Còn đàn bà con gái thì ở ấp này tôi quen hết. Không ai đau buồn gì đến nổi tự vận?

Bỗng Năm Dị kêu lên:

- Đụng rồi anh Hai.

- Đụng cái gì?

Năm Dị vừa vuốt mặt vữa nói qua làn nước:

- Tôi chắc là tóc.

- Coi chừng rong đá hoặc rễ lục bình.

- Để tôi hụp một phát nữa coi. Rạch sâu quá, bịt mũi nín 1 thở muốn nổ lỗ tai.

Tôi và mấy cậu kia đeo be xuồng chờ Năm Dị. Chốc sau hắn vọt lên la oai oải:

- Đúng thiệt rồi. Đúng... thiệt.

- Cái gì?

- Tôi sờ đụng tay chân mặt mũi.

Tôi bảo:

- Tất cả lặn theo Năm Dị. Hễ gặp là đưa lên.

Tôi đi một hơi. Quả thật thấy ma tóc dài..Bốn đứa quơ đụng tay nhau và cùng nâng lên. Một tay tôi nắm chân, một tay tôi quờ chụp be xuồng. Tôi quát:

- Đỏ nắm lấy cái chân.

Thằng Đỏ nhanh nhẹn chụp liền trong lúc mấy cậu kia cũng vừa trồi lên, nâng cả thân người đưa lên ngang mặt nước. Thằng Lộc nắm lấy tay tiếp với thằng Đỏ để giữ cho cái thây khỏi rơi xuống. Tôi bảo:

- Coi chừng chìm xuồng. Đỏ và Lộc lôi lên từ từ? Còn cả bọn mình thì nâng lên cho vô xuồng. Hè! Một.. hai... ba...

Cái thây tóc dài được đem lên xuồng.

- Thầy leo lên luôn đi..

- Cậu nào sợ vọp bẽ thì leo lên đi còn tôi và các cậu khác đeo be hoặc bơi theo xuồng.

- Thầy lên rọi đèn coi ai vậy?

Tôi chuyền theo be xuồng lần ra sau lái rồi cân mình leo lên. Thằng Đỏ đưa chiếc đèn pin. Tôi bấm. Tôi giật mình đánh thót: mặt mũi giống y con Út, vóc dáng cũng bằng nhau chỉ khác mớ tóc dài. Con gái Bến Mương đâu có đứa nào đẹp như vậy. Tôi xem kỹ thì không phải là Bảy Mô. Bảy thì tôi mới gặp, có việc gì u ẩn mà phải mượn giòng nước xanh làm mồ? Cũng không phải Tám Mang! Nàng Mang lại cho vị hôn phu thương binh hận tủi chớ nàng có tủi hận điều gì? Vậy thì đây là ai? Nếu người ở xa tới thì làm gì vô nhà má Hai khóc lóc? Năm Dị ở dưới nước thò đầu lên hỏi.

- Thầy không biết là ai à?

- Không! Nhưng chắc chắn là một cô gái chớ không phải đàn bà.

Thằng Đỏ bơi rào rào cũng ráng nói:

- Hồi nãy em tướng là ma, té ta là người thiệt!

Xuồng về đến bến. Tôi bảo hai cậu chạy lấy tấm ván khiêng về cấp cứu. Năm Dị can:

- Không được đem vô nhà, thầy ạ! Đem vô nhà là chết ngay...

- Sao vậy??

- Tôi không hiểu, nhưng hồi ở nhà, đi cứu lụt ở Quảng Bình tôi học được kinh nghiệm đó ở các cụ. Thầy cứ để ngoài bờ chạy chữa may ra.

Chúng tôi đem cô gái đặt trên một mặt đất phẳng bên cạnh gốc dừa tơ độc nhất trên đường xuống bến. Thằng Đỏ thằng Lộc chạy về cơ quan một chốc trở ra với cả ôm màn quần áo trong khi Năm Dị quơ lá dừa nhóm lửa lên. Tôi rờ ngực nàng:

- Trái tim còn máy nhẹ.

Năm Dị nói:

- Mình cứ hơ lửa giúp cho cơ thể ấm, máu chạy đều là cô ấy sống lại.

- Xốc nước cái kiểu cấp cứu thôn quê được không?

- Tôi biết, nhưng làm như vậy nước trào ra mũi cô ta không thở được. Kiểu đó không chắc ăn.

Thu bảo đám đực rựa dang ra để cô thay quần áo cho nạn nhân rồi tất cả ráp lại kẻ quơ cũi đốt lửa to lên, người hơ quần áo áp vào người nạn nhân theo lối dây chuyền.

Thấy bụng cô nàng to chướng, tôi lấy tay nhấn nhè nhẹ thì nghe nước kêu óc ách. Nhấn mạnh thêm thì nước trào ra mũi. Tôi bèn kê miệng vào hút một cái thật mạnh. Nước tuôn ra có vòi tràn xuống cổ và ngực.

Sau độ nửa giờ hơ hóng và xoa bóp bỗng nghe một tiếng "ư" và nạn nhân từ từ mở mắt. Tôi quát Thu:

- Em tiêm cho cổ một mủi thuốc khỏe và một mủi trợ tim..

Thu lắc:

- Dầu nhãn ở dưới địa đạo chỉ còn có một mủi giành cho anh đó thôi. Ngoài ra không còn thuốc gì hết.

Nước từ trong miệng nàng chảy ra như suối. Bụng xẹp dần. Tiếng của Năm Dị cũng nặng chịch mà tôi nghe như chim líu lo:

- Được rồi đọ... Nhưng phải tiếp tục xoa bóp. Chết như vậy có thể thần kinh bị tê liệt một bộ phận hoặc toàn bộ. Nếu không xoa bóp nhanh thì người sống lại có thể bị liệt tay hoặc chân hoặc mắt, miệng và chịu tật suốt đời. Cho nên phải tích cực xoa bóp cho đến khi các giác quan cô ấy trở lại thì mới ngưng.

Năm Dị nói như một y tá kinh nghiệm đầy mình. Tôi hỏi:

- Bây giờ mình làm gì tiếp?

- Yên tĩnh! yên tĩnh tuyệt đối và tiếp tục nắn bóp tay chân. Không được ai hỏi cô ta một câu gì. Vì hiện giờ ta chưa biết hệ thống thân kinh của cổ có phục hồi chưa. Nó rất mong manh, như cái fi-la-măng trong bóng điện, ta vặn công tắc bất ngờ có thể bị đứt và không thể nối lại được. Để cho cổ tự động hỏi, nói hoặc cử động thôi. Có nghĩa là khi cổ làm được cái gì hay cái nấy, rồi từ đó ta mới giúp cổ khá dần lên.

Năm Dị đã trở thành chuyên gia cứu cấp. Chúng tôi khiêng nạn nhân về để nằm tại hầm làm việc của tôi, là hầm rộng và chắc nhất, cho Lan và Thu thay nhau canh chừng và tiếp tục nắn bóp.

Trời đất này còn hay đã tan vỡ hết? Một ngày hay thiên thu? Bao nhiêu chuyện chết chóc ghê gớm, đắng cay, nước mắt hòa máu xây tới dồn dập cho cái sân khấu bé nhỏ Bến Mương này mà tôi luôn luôn đóng vai kép chánh...

Đêm đã hầu tàn. Tôi lên võng nằm mà nghe cả trời đất rung chuyển lắc lư. Tôi chỉ sợ một vài quả pháo nện gần làm cho tàn cuộc cứu cấp của chúng tôi trở thành vô nghĩa. Cũng may không có tiếng súng pháo kích nào của các ông bà dũng sĩ nên đế quốc Mỹ cũng biết điều.

Nạn nhân đã sống dậy nhưng không ai biết cô ta là ai. Tôi xuống bếp làm việc nhường hầm cho cô ta nằm. Tối hôm sau họp xong về nhà định lấy đồ đi ngủ ké với trung đội trinh sát, khi về đến cửa, bỗng tôi nghe tiếng người ri rĩ trong g hầm như mạch nước chảy qua vùng đất lỡ. Tôi lắng tai nghe. Tiếng khóc than hầu như bình thường. Nàng ca hát, điệu này bắt quàng sang điệu kia nhưng ý tứ lại rất mạch lạc như một đoạn hồi ký viết bằng thơ có nhiều chỗ không ăn vần.

Tôi đã nhận ra nàng là ai rồi. Giống như một màn kịch đang đi tới lúc mở gút cuối cùng mà bàn tay đạo diễn không ai khác hơn Hóa Công. Tôi rón rén bước vào, vai nàng văn công run run. Bên mép ván, Thu gục đầu chiếc khăn bàn lông rơi.

- Sao má cũng chết, anh cũng chết, chị cũng chết, cháu cũng chết. Phải còn sống một người cũng được. Bây giờ em không còn người thân trên cõi đời. Má ơi!

Nàng nói rất sõi, không có vẻ gì mê sảng cả. Nhưng tôi nhớ lời ông bác sĩ Năm Dị dặn nên không dám hỏi gì mà lẳng lặng trở ra.

Vậy ra nàng là ca sĩ Thiên Lý của đoàn Văn Công Giải Phóng R. Nàng là đứa em gái mà Út hứa gã cho tôi. Có phải má Hai từ Trung hòa vào đây và sự trở về của nàng là một sự hẹn ước để Út thực hiện lời hứa của mình?

Đời vừa gỡ xong cuộn tơ vò lại phải cảnh rối ren. Tôi tìm chỗ mắc võng. Tôi lại ngủ thiếp đi trong một giấc ngủ chập chờn mây khói lẫn lộn trần gian. Khi tôi mở mắt thì nắng đã nhuộm vàng mặt đất. Nghe một sự yên tĩnh lạ lùng chung quanh. Tôi bật dậy trở về hầm rón rén bước vào.

Nàng đang ngồi xếp chăn, tóc rối dài xõa kín cả lưng. Tôi định trở lui, sợ làm tiếng động nhưng bỗng nàng quay lại. Bốn mắt nhìn nhau bỡ ngỡ. Tôi thấy trong cặp mắt nàng có lửa, một thứ thần lực mà tôi chưa từng trông thấy bao giờ.

Nàng nhìn tôi sửng sốt, cái nhìnđứng ngọ của mặt trời.

- Anh... anh...

- Em là....

- Ở ở đây là đâu?

- Bến Mương.

- Anh Dương Đình...

- Má Hai Út... Út...

- Anh Dương Đình Lôi.

- Em em...

Phải chăng đường dây đứt đã nối lại. Mạch máu đã chảy thông suốt tâm trí của nàng. Nàng ré lên:

- Anh!

Rồi gục đầu xuống ngựa khóc nức nở.

Thu bừng tĩnh nhìn tôi rồi nhìn người con gái lạ như hỏi Hai người quen nhau hồi nào? Rồi chạy đi báo khắp cơ quan. Mọi người mừng rỡ líu lo. Những cặp mắt kinh ngạc trước một người chết đi sống tại và một người con gái cũng vừa chết đi sống tại. Họ trở thành tương tri trong cái chết lạ lùng.

Bây giờ nàng đã trở lại tình trạng bình thường. Nàng ngồi kể lại mọi chuyện cho anh chị em trong cơ quan nghe:

- Em cùng với đoàn đi diễn ở ấp Chánh xã Lộc Hưng bên Trảng Bàng. Định đi xuống Củ Chi một lèo nhưng nghe Mỹ ruồng nên đình lại, ém quân tại đó. Mỹ vừa rút đi thì đoàn biểu diễn cho đồng bào coi luôn hai đêm. Diễn xong em xin phép đoàn về thăm nhà, luôn tiện em liên lạc với địa phương chuẩn bị cho đoàn xuống diễn. Nghe nói Mỹ xúc quân ra ấp chiến lược nên nóng lòng muốn về xem gia đình ra sao?

Tôi hỏi.

- Từ ngoài ấp Chánh xã Lộc Hưng vô đây xa lắm. Bom đạn cày nát, người ta dùng đường ngang ngõ tắt em biết lối nào mà đi?

Nàng đáp:

- Hồi ở Văn Công huyện với chú Phạm Sang, em đi khắp từ Quốc lộ 1 xuống Phú Hòa Đông, lên Trảng Bàng, qua chợ Thanh An, Dầu Tiếng... chỗ nào cũng có dấu chân em. Chiều hôm qua về tới Sa Nhỏ em ghé quán bà Chín Khuân mua mấy cái bánh ú vừa đi vừa ăn. Thời may gặp anh Lạn.

- Lạn?...liên lạc phải không?

- Dạ, ảnh đèo em tới Ngã Ba Cây Điệp mới thả xuống. Hồi đi học ảnh ngồi trên em ba lớp. Ảnh than với em: "Tưởng vô đây công tác vài tháng rồi đi Liên Xô, ai dè đạp banh mấy chục cặp vỏ xe vẫn còn đạp". Từ Ngã Ba Cây Điệp em đi một mình về đây. Đường sá vắng teo, em sợ quá, nhưng vì sốt ruột muốn biết tin nhà nên em lội càn. Đến Lò Chén em mới gặp người quen trong xóm đi ra.

- Ai vậy?

- Ông Ba Lễ.

- Ờ! ông Ba Lễ anh ông Tư Giáo! Địa đạo qua trước nhà ổng.

- Ổng bảo em về riết coi gia đình có chuyện gì đó. Em hỏi chuyện gì ổng không chịu nói bảo về đó thì biết. Em hồ nghi chắc gia đình bị nạn rồi. Hồi ở trên R em cứ nằm chiêm bao thấy má em hoài. Em lại thấy rụng một cái răng nữa. Hồi nhỏ em nghe má em nói hễ chiêm bao thấy răng rụng là có người chết trong gia đình. Em càng nôn nóng. Quả thật, đến nơi thì...

Nàng nghẹn ngào và dứt ngang. Thằng Đỏ xen vô:

- Em thấy chị ôm gói ni-lông tưởng chị Út ẵm cháu bé.

Mọi người im lặng. Tôi không muốn làm cho nàng xúc động nên gạt ngang:

-: Chiến tranh thì phải vậy. Người chết đã yên mồ yên mả rồi. Bây giờ phải lo cho người sống. Đơn vị của anh vừa hi sinh hai cán bộ. Một cậu sắp cưới cô Hai Chinh ở ngoài Sòng em biết không? Người con gái chưa lấy chồng đã thành góa phụ..

Tôi đem những đau buồn của người khác để cân bằng những đau buồn của nàng ngỏ hầu nàng bớt bi lụy nhưng nàng cứ than vắn thở dài:

- Bây giờ nhà cửa còn đó mà cha mẹ anh chị chết hết rồi. Em không thiết sống nữa. Đêm em về thấy mả ba em bốn cái mả mới em ngã xuống chết giấc không biết bao lâu mới tỉnh lại. Ông Trời độc địa quá, bắt gia đình em chết cả. Em còn sống làm gì nữa.

Tôi liếc Năm Dị. Năm Dị tiếp lời an ủi đại khái:

- Cô không nên bi quan như vậy. Đây là do đế quốc xâm lược gây nên chớ không phải do Trời. Là chiến sĩ cách mạng, còn sống một ngày nào là ta còn phấn đấu.

Tôi thấy không nên xoáy sâu vào vết thương còn tươi máu, bèn nháy cho anh chị em giải tán, rồi bảo nàng:

- Bây giờ em nghỉ ngơi dưỡng sức, chừng nào thấy khoẻ thì tiếp tục trở lại đoàn.

Nàng nhìn quanh thấy không có ai bên cạnh tôi, nên nói:

- Em mở cửa mả xong cho má em, cho anh chị em và cháu em rồi em đi ra...

- Em đi đâu? ở Đồng Lớn bây giờ Mỹ đang cụm quân.

Tôi dọa để bắt nàng ở lại dưỡng sức ít hôm, chứ thực ra ngoài đó không có Mỹ.

- Em không đi ra đó được thì đi ra Trảng Bàng.

- Em nói đoàn vừa biểu diễn ở Trảng Bàng, trở lại đó làm gì nữa?

Nàng lặng thinh, nhìn quanh quất lần nữa như tìm kiếm ai, rồi hỏi:

- Cái túi ni lông của em đâu rồi?

- Em để trên ván kìa!

Nàng bước lại mở cái túi ra có vẻ hấp tấp, miệng liên tiếp kêu "ủa, ủa, đâu rồi" và cuối cùng tìm được miếng giấy, nàng xếp lại bỏ túi rồi cười, hỏi tôi:

- Anh có tình cảm với chị Kim Chi lắm hả?

- Sao em biết?

- Em thấy anh lột đồng hồ tặng chỉ.

Tôi giật mình kêu lên như bị điểm trúng hiểm huyệt.

- Em ở đâu?..

- Anh không nhớ buổi văn công biểu diễn mừng thành tích Biên Hòa à? Lúc diễn xong, anh vô buồng tìm người quen.

- Sao anh không nhớ em?

- Lúc đó chưa quen. Với lại... anh đang chú ý mấy người khác Em đứng sau lưng chú Bảy Thiểu. Anh cho chị Kim Chi cái đồng hồ rồi tặng luôn cây P38 cho chú Bảy. Anh thiệt là ngon!

- Người quen mấy chục năm mới gặp không có gì kỷ niệm thì lột súng cho chớ ngon gì.

- Chú Bảy lâu gặp thì phải, chớ còn chị Kim Chi mà mấy chục năm gì hả?

Thấy cô bé vặn bẻ gắt gao, tôi bèn trớ qua:

- Bữa đó em biểu diễn tiết mục nào anh quên mất!

Nàng bật cười, rồi đưa tay che miệng.

- Cô gái Lục Bình!

- Àà! nhớ rồi, Cô Gái Nhị Bình chống Mỹ!

- Rồi em đóng vai dũng sĩ trong vở kịch Mượn Mỹ của Nguyễn Vũ nữa, anh không nhận ra em à?

Tôi lúng túng không biết tránh né cách nào thì nàng tiếp:

- Bị mắc mấy cô Thanh Tuyền, Huỳnh Mai... bao và chặt quá nên đâu có nghe hát xem kịch gì. Em đứng trên ngó xuống thấy rõ hết trơn. Các cổ suýt chút nữa ngồi trên bắp vế anh.

Cặp mắt nàng lườm tôi với ngọn lửa dữ dội. Tôi đấu dịu:

- Tại có một tấm ni lông mà cả chục người ngồi chung nên phải chen như vậy.

- Em còn biết chị Thanh Tuyền chạy theo anh nữa nhưng bị cảnh vệ bắt lại. Có không?

- Ừ, thì có!

- Nhưng nếu bây giờ anh trở lại thì chẳng còn ai.

- Sao vậy?

- Anh quên trận B52 rồi sao? Chú Bảy Thiểu với hai đứa con trai chết hết.

- Ừ! Lúc đó anh đang dự lớp chỉnh huấn ở trường Trung Sơ với chú Bảy Đậu, có cô Huỳnh Mai đi theo đánh máy. Khi không lại phát thinh dắt nhau về đút đầu vô hứng B52.

- Chết hết rồi anh ạ. Tội nghiệp ghê! Nếu đoàn em nán lại vài ngày cũng bị luôn cú đó. Đoàn em ở cách một ngày đường mà đất rung nghe ghê người.

- Nhưng rồi cũng tới phiên em.phải không?

- Phải! Nhưng nó rãi trúng tiểu ban văn nghệ của ông Sáu Lăng, còn đoàn của em thì nằm ngoài mí thảm. Trận đó ông Tư Trang, ông Bảy Thinh, ông Ngọc Cung chết.

- Sao em biết hết vậy?

- Thì đó là cơ quan của em, sao em không biết. Sau khi bị bom dời qua Cao Miên. Và ở trên xuống dạy cho tiểu ban phòng chống B52.

- Nghĩa là khi có B52 thì đội bằng cách nào hả?

- Mấy ổng bảo không được nói ra ngoài tin ông Tư Trang chết. Vợ mấy người kia có vô tận nơi nhưng ông Sáu Lăng nói là họ đi công tác. Trời! ông Ngọc Cung ở Hà Nội mới về, gia đình lên cho cả bọc vàng chưa kịp xài mà văng mất hết. May phước cho mấy ông nhà văn kia.

- Ông nào?

- Vừa ăn.B52 xong thì ba bốn ông ở Hà Nội lót tót vô. Hai ba ông gốc Nam Kỳ, một ông rau muống luộc. Phải vô sớm vài ngày thì ăn chia đã đời.

Bỗng nàng đổi giọng:

- Em sẽ cho anh xem một bức thư.

- Thư của ai?

- Thư trên R. Ý mà thôi. Em không muốn ai coi thư này hết.

- Thư gì mà quan trọng và bí mật dữ vậy?

- Em chỉ cho anh xem cái phong bì thôi nhé. Nhưng anh phải hứa là không được đòi xem lá thư.

- Ừ, đưa đây.

Nàng móc túi lấy lá thư rút ruột cất và đưa phong bì cho tôi Xong nàng quay mặt lại thở dài. Tôi cầm lấy cái phong bì nhàu ná t, chữ viết bằng bút Bic xanh dương nét gò nắn nót. Miệng phong bì nổi cộm lên mấy hột cơm trét không kỹ. Chữ đề:

Góc bì thư có chữ Đã kiểm duyệt viết bằng tay ngày tháng và con dấu của công an xã. Tôi nhìn nàng sâu tận đáy mắt:

- Anh biết rồi!

- Biết gì?

- Xem vỏ biết ruột chớ biết gì...

Đôi gò má của cô nàng bỗng ửng lên.

- Vậy còn đòi xem làm gì nữa?

- Má vô đây, anh có đến thăm! Má có nói với anh chuyện mình.

Nàng làm thinh. Tôi đến ngồi gần bên và vuốt tóc nàng:

- Má bảo chị Út viết thơ kêu em về phải không?

- Biết rồi còn hỏi..

Nàng lườm tôi rồi gục đầu vào vai tôi nức nở. Tôi cũng không biết nói gì. Chẳng ngờ anh hùng pháo binh lãnh huy chương lên bục đọc diễn văn vậy mà vương vấn biết bao mối tơ (và mối nào cũng đứt hết). Còn mối này chắc rồi cũng...

Tôi hỏi:

- Bây giờ em tính sao?

- Anh tính sao thì tính.

Tường vậy là:

Nhưng không! không có gì cả. Ai đi đường nấy. Đã bảo đời thằng lính Lê Dương cứ trôi nổi bềnh bồng như thuyền không bến không cắm sào được ở ven sông nào cả mà!

Tôi đang dỗ dành nàng thì nghe ồn ào ngoài miệng hầm:

- Có ông trưởng ban ở nhà không Đỏ? (Tôi biết ngay là ông Tám Đột.)

Để lấy cảm tình ông công an kiêm tân Xã Đội trưởng, ông tư lệnh pháo không đợi liên lạc dắt khách vào, mà lên tiếng và bước ra đón ngay:

- Mời anh Tám vào nhà uống nước.

- Tình hình găng quá thầy Hai. Chúng nó đổ thêm quân xuống Hố Bò. Có thể nó quay trở lại đây.

Chợt thấy cô gái, hắn kêu lên:

- Ủa Mót, tao nghe đồn bây ở R mới về rồi... rồi... uất ức Mỹ giết cả gia đình mình thì mình phải căm thù chúng, phải nắm thắt lưng mà đánh chớ sao lại làm cái chuyện mất lập trường như vậy?

Tôi biết hắn tìm cách ăn ké cái bồ lúa và cái nhà của má Hai nên đỡ ngay:

- Cổ đâu có làm gì mà mất lập trường anh Tám?

- Nhảy xuống sông tự vận còn gì nữa?

Tôi cười còn ăn khách hơn cả đào kép trong vở kịch Mượn Mỹ của Nguyễn Vũ xạo:

- Cô ấy tự vận hồi nào?... Đó là cổ đi tắm. Ban đêm không đèn đuốc nên lọt xuống sông. Cổ chẳng biết lội nên bị nước trôi suýt ra sông Sài gòn. Chớ tự vận hồi nào? Nếu không nhờ thằng Đỏ đi chài về trông thấy thì cổ chết trôi anh phải chịu trách nhiệm đó. Cổ là dân của anh mà!

Tám Đột vỗ đùi, kêu:

- Vậy mà tôi nghe đồn nó tự vận?

- Không trúng đâu!

- Tôi định đến bàn vấn đề bảo quản tài sản (?!) cho gia đình cô: Cô đi công tác thoát ly. Còn bà má và anh chị đều vắn số, chánh quyền phải a...a... bảo quản. (Mô Phật! Công an Việt Cộng mà chăm sóc tài sản nhân dân thì phước đức ông bà để lại.)

Tôi bảo:

- Cô ấy vừa lấy lại sức, mai tôi đã cho trinh sát đưa cô ra Đồng Lớn để liên lạc với địa phương lo việc tiền trạm đón đoàn văn công R xuống.

Tám Đột hăm hở xin giúp một tay nhưng tôi bảo tôi đã lo xong. Sáng hôm sau, y như lời, tôi cho tổ trinh sát đi dò đường, tôi với nàng đi sau. Nàng thở dài. Tôi buông lời áo não:

- Em với anh như...

- Thôi anh đừng nói thêm gì nữa! - giọng nàng đầy nước mắt - Khi em đọc thư của chị Út em sung sướng vô cùng. Gương mặt của anh trong buổi mừng công hiện lên trong đầu em. Em thầm nghĩ anh đi khắp thiên hạ mà không thuộc về cô nào hết,-nay lại đến Củ Chi của em và gặp em. Quả là duyên trời định.

Thiên Lý hôm nay là một Thiên Lý khác. Cách đây ba hôm một Thiên Lý u sầu và vui buồn bất chợt, đang kể chuyện vui lại chợt buồn như trời đang nắng sụp mưa, một trạng thái.bất bình thường của một người con gái đứng trước những biến thiên ghê gớm.

Trời âm u hứa hẹn một trận mưa phủ phăng như ngày tôi chôn thằng Chi ở nghĩa trang Ba Sòng. Thì hôm nay tôi và nàng đang đi vào nghĩa trang, nghĩa trang của tình yêu tuyệt tích. Thiên Lý âu sầu:

- Em nói hết ý nghĩ của em cho anh nghe để rồi không bao giờ còn có dịp được nữa. Mong anh đừng cười và chê em nhe.

- Em nói đi. Em là...

Thiên Lý xua tay:

- Cám ơn anh, nhưng anh đừng nói nữa. Em định về gặp má. Má sẽ... sẽ...

Thiên Lý ngưng lại giây lâu, sụt sịt rồi tiếp:

- Thành hôn xong em sẽ ở nhà luôn nấu cơm cho anh ăn.

- Cô gái Nhị Bình anh dũng chống Mỹ mà thế à?

Tôi pha trò nhưng nàng cười buồn. Nàng lắc đầu nguầy nguậy:

- Em không ở được với cách mạng một ngày nào nữa! Ý nghĩ này em có từ lâu.

- Tại sao?

- Rờ là gì anh?

- Rừng, rét, run rẩy...

Nàng cắt gọn.:

- Rờ và Rợ.

Tôi giật mình như bị cứa vào tim nhưng cố trấn tĩnh:

- Cách mạng thì phải gian nan vậy chớ sao em!

- Em không nói về sự thiếu thốn vật chất. Em hiểu cách mạng là phải hi sinh nhưng không thể là mọi rợ.

Tôi kêu lên như chim bị tên:

- Sao? Cách mạng là mọi rợ?

Thiên Lý quắc mắt nhìn tôi.

- Đúng!

Tôi vô cùng kinh ngạc. Chưa bao giờ tôi nghe ai phê phán cách mạng bằng những tiếng kinh hoàng này. Mà lại là của một cô gái chưa đầy hai mươi tuổi. Cô ta chỉ sống với cách mạng trong một thời gian ngắn.

Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, nàng tiếp:

- Em thấy hết tất cả sự thực. Giấc mơ của em tan vỡ hoàn toàn. Em biết anh không như em. Do đó nếu chúng ta có là người yêu của nhau hay là vợ chồng thì cũng chỉ đồng sàng dị mộng. Cho nên em quyết định bỏ tất cả, cả anh, để đi nơi khác.

- Nghĩa là sao?

- Em xin lỗi anh nhé. Anh cho phép em nhe!

- Em cứ nói đi anh nghe.

- Em mới vừa quyết định về thành hôm qua.

- Còn trước đó?

- Em vẫn còn có ý định kết hôn với anh. Với anh, em sẽ tìm được hạnh phúc trong một gia đình mới.

- Tại sao em thay đổi nhanh vậy?

- Là vì em thấy anh say mê cách mạng ghê gớm quá. Xông tên đục pháo như bỡn. Trong lúc anh đi họp với ông Năm Lê ở nhà, xuống bếp nấu cơm, em nghe các anh các chị thuật lại công tác của anh. Anh quả là một anh hùng giải phóng. Hai lần mang đanh hiệu anh hùng pháo binh phải không anh?

- Rỡm thôi! Anh có nhận đâu mà!

Nàng xua tay:

- Nhận hay không thì anh vẫn là anh hùng. Có thể nào một anh hùng như anh lại có một người vợ chán ghét cách mạng? Em biết chắc chắn anh không thế nào bỏ cách mạng (nàng lầm, vài năm sau tôi cũng đi) để đi theo em. Còn em thì không muốn làm phiền lòng anh vì sự có mặt của em trong cuộc đời cách mạng từ tấm bé của anh. Em sẽ trở thành gánh nặng của anh.

Ghê gớm thật, cô bé này. Không biết cô ta nhìn thấy những gì ở trên đó mà cô lên tiếng ngọt ngào chỉ trích cách mạng như thế. Tôi không thấy được như cô hay sao? Đúng ra tôi cũng có thấy, thấy nhiều chứ. Nhưng mỗi một lần thấy một vết nhơ sau chiếc áo đẹp đẻ của cách mạng thì tôi lại tự xóa đi bằng cách ngụy biện bao che cho cách mạng. Riết rồi thành thói quen. Những chuyện mọi rợ trở thành bình thường không làm cho tôi phản ứng tự nhiên nữa...

Như vụ vợ Nguyễn Chí Thanh vô R bằng máy bay và bọn Lê Đức Anh, Trần Độ, Trần văn Trà cho lính đem võng kiệu chị Sáu, băng rừng về gặp anh Sáu. Như vụ tổ săn thịt phục vụ cho bọn triều đình, việc chúng hay tin B52 sắp bỏ bom lẳng lặng chạy sang Cao Miên để phần lớn cán bộ nhân viên ở lại mà tôi nghe Thiên Lý kể hôm nào. Và biết bao nhiêu chuyện khác nữa. Tôi tự nhủ: Cách mạng phải thế. Như thế mới là cách mạng. Đến đổi như tên Hồ bỏ thuốc độc cho Dương Bạch Mai uống chết ngay tại Quốc hội mà tôi cũng coi là một sự bình thường. Vâng, cách mạng phải dã man mọi rợ như thế. Mọi rợ dã man chính là cách mạng. Nếu không, không phải là cách mạng. Thiên Lý bất ngờ làm tấm gương cho tôi soi. Tôi nói với Thiên Lý:

- Anh đã đi theo cách mạng từ thuở bé em ạ.

Nhưng tôi ngập ngừng không nói tiếp. Thiên Lý bảo:

- Thì anh cứ đi. Còn em thì một bước cũng không. Dù mai đây cách mạng thành công em cũng không.

- Em không tìm được một sự dung hòa nào giữa bản thân em với cách mạng sao?

- Đó là sự thành hôn với anh.

- Em sẽ vì anh mà biến đổi. Nói tóm lại, em hi sinh cho anh.

- Em yêu anh nhưng không thể làm vợ của anh.

- Tại sao lạ vậy?

- Yêu đương là điều mơ mộng. Yêu trên giấy, trong hồn, trong gió, trong mây. Còn vợ chồng là một thực tế va chạm hàng ngày. Trước một cảnh tàn phá quê hương anh căm thù đế quốc Mỹ, em lại đổ lỗi cho bác Hồ. Một chiến sĩ hi sinh, anh cho rằng Tổ Quốc sẽ ghi công, còn em bảo là ngu dại. Hai con người mang những ý nghĩ đối ngược với nhau như thế có thể nào sống chung ăn chung ngủ chung không anh?

Tôi đành im lặng. Đây là một chị Sáu Bàu không biết là thứ mấy của Bến Mương. Chị Sáu bắt buộc phải ở với giải phóng. Khi có điều kiện, chị tung hê không luyến tiếc. Đó là kết quả của sự chịu đựng. Nóng quá phải quạt. Lửa cháy đến nơi phải chạy. Ngộp quá phải tung ra. Chị Sáu Bàu không có nhận xét Rờ là Rợ về cách mạng như Thiên Lý. Nhưng cả hai cùng nhìn cách mạng bằng một cặp mắt. Cái này là cái kia. Cái kia chính là cái này.

Chúng tôi đi song song nhau dưới một bầu trời ảm đạm điểm vài nụ cà nông vui vẻ ở xa xa và vài cánh hoa trực thăng gần gần, nhưng cơ hồ những hiện tượng đó không làm đứt quảng câu chuyện.

- Em ra ngoài có bà con gì không?

- Em sẽ tìm người cậu em ở Châu Đốc. May ra thì gặp. Còn không thì cũng may.

- Em không thể nấn ná để anh tìm cách phục vụ cách mạng hay sao?

- Không? Anh đừng bận tâm. Còn em thì không muốn ân hận về sau. Tức là có cơ hội bỏ mà không bỏ để đeo đẳng suốt đời Thôi anh về, đi xa thêm nữa chỉ đau lòng. Xin anh nhận em là người yêu vĩnh viễn của anh.

Thiên Lý hôn tôi rất khẽ cơ hồ như gió thoảng. Rồi quay đi đuổi theo tổ trinh sát. Tôi đứng nhìn theo mà tưởng đất sụp trời nghiêng. Tôi thét lên một tiếng:

- Thiên Lý!

Rồi vụt chạy theo. Nàng đứng lại. Chúng tôi lại hôn nhau. Không nỡ rời. Nhưng phải chia tay. Trong cái hôn môi đẫm nước mắt cuối cùng, nàng thầm thì:

- Giá anh đừng cứu sống em!

Năm 1970 tôi theo gót chân nàng về Sài gòn. Tôi đi lên Châu Đốc để tìm nàng, nhưng giữa cảnh xa lạ, nào ai biết tôi là ai và tôi đi tìm ai? Không phải tôi đi tìm nàng để nối lại đường tơ, mà để biết rằng nàng đã có chồng có con và đang sống một cuộc đời bình thường ở một nơi mà nàng thích. Tôi xuống bến chợ ngồi nhìn ghe qua lại, nhìn tàu cặp bến, kẻ xuống người lên như nước chảy. Không có ai là Thiên Lý. Trên mặt đất này không biết có còn tiếng Việt Nam nào có nghĩa làThiên Lý nữa không? Có người con gái nào mang tên Thiên Lý nữa không? Chỉ có trong lòng tôi một đóa hoa phong nhụy, một thực thể, một dư âm, một đường tơ tưởng đứt mà không bao giờ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx