sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 68: Giang Tả Cầu Hôn Hay Liêu Trai Tân Thời

Bà Chánh ủy của ông Tư lệnh

Thằng Lạn đạp như bay. Tôi hỏi:

- Ổng ở đâu em?

Lạn vung tay.

- Tuốt ở trển.

- Lâu gặp em quá, có gì lạ không?

- Em đi Liên Xô mới về, hì hì... hà.

Chiếc xe sụp lỗ suýt lật ngang.

- Lần nào gặp em cũng đi Liên Xô về. Có gặp con Thanh không?

- Em bỏ đường đó lâu rồi. Tụi nó mất hang dời đi đâu không rõ.

- Còn thằng Chín Hung, Hai Nhị đi Tây Ninh?

- Đám dê đó sát nhập vô đâu mất tiêu không thấy nữa. Lần chót em gặp con Thanh nó khóc quá tay. Tôi hỏi sao khóc Nó nói chú nó (là tên quân báo Nguyễn Duy Nam) bắt nó ra Đồng Dù lấy tin. Nó phải mặc quần áo kiểu thành thị, uốn tóc và học nhảy đầm nữa.

Tôi chợt nghĩ tới con Ua, tay chân của Chín Lộc. Lạn tiếp:

- Nó có nhắn anh, gởi lời thăm anh. Nó than với em đời nó kể như tiêu tùng rồi.

Tôi gượng gạo:

- Hoạt động cách mạng mà tiêu tùng cái gì?

- Trời ơi! Anh không biết thằng chú nó muốn cắm nó vô Đồng Dù hoặc các nơi có nhiều Mỹ tới lui để lấy tin sao? Kỳ trước gặp anh, nó có than về vụ đó mà. Láng cháng với Mỹ thì tàn đời thôi.

- Anh biết rồi, thằng tía nó là Phạm Xuân Hoàng nòi quân báo mà. Chú nó đi theo tía nó rồi hi sinh nó chớ sao?

Đến bến đò Đồng Sõi thấy có chiếc thuyền bằng nhôm giống như ca nô sơn đen bóng loáng. Tôi hỏi:

- Xuồng ở đâu mà đẹp vậy?

- Cái bọng B26 anh hạ kỳ rồi đó.

- Tụi D8 hạ chớ phải tao đâu.

- Ừ! thì nhờ vụ pháo kích của anh, mấy ổng mới ăn có nếu không, bơ mỏ chớ làm nên gì. Nhưng mấy ổng dở cái là không bắt được phi công.

- Trời ơi? Phi công mà bắt sao được? Máy bay rớt là tụi nó tới liền. Ở miền Bắc kia, tụi nó còn cứu được phi công huống gì ở trong này phi cơ rơi ngay bên rào bót.

Vọt qua sông Sài gòn dễ dàng vì nhằm ngày hưu chiến không có giang thuyền, nếu ngày thường thì lên ruột. Cậu liên lạc đẩy thuyền dấu trong bụi rồi chỉ đường cho chúng tôi đi. Lạn vác xe đạp, tôi theo sau, băng một hơi lên đường 14, lại đèo tiếp.

- Anh định chừng nào tuyên bố?

- Tuyên bố ma họ!

- Anh giấu em hoài, em biết hết trơn.

Tôi lấy làm ngạc nhiên. Mấy cô phao tin chắc. Nhưng cô nào? Cô Bảy dũng sĩ hăm rước má vô coi mặt. Cô Lam thì dắt ra Ràng gặp gia đình rồi, cô Là cầu nhàu vì má qua không gặp. Ua, Chia còn lững lơ đó, nhưng bà Ngoại đã hứa gả... cả hai. Tôi nào biết gì đâu... Tôi bèn hỏi Lạn.

- Còn em có chỗ nào chưa?

- Em thì trong veo như cua sáng trăng, có lẽ chừng nào em lạn mòn một trăm cặp vỏ xe mới có người yêu như anh.

Tôi cười:

- Mòn tới cặp thứ mấy rồi?

- Mới tới hai chục thôi. Còn tám chục cặp nữa. Hì hì. Anh đã thiệt, con gái xã, huyện, tỉnh, khu bu anh vậy mà anh phủi hết, kỳ này lên tới R... Q hục hục...

- Thôi mày ơi! R râu râu rụng R rún rún rung rinh, R Q mà sướng ích gì.

- Người ta kể cho em nghe hết trơn rồi.

- Kể chuyện gì?

- Cô gái Nhị Bình với ông thầy pháo đẹp đôi phải biết?

Tôi giật mình.. Sao thằng này biết chuyện đó? Tôi chưa kịp hỏi thì Lạn tiếp:

- Con Thiên Lý học cùng trường với em ở quận mà.

- Rồi sao?

- Vừa rồi đoàn của nó diễn ở Trảng Bàng...

Tôi sốt ruột gạt qua:

- Tao biết rồi....

- Thì nó khai hết với em chớ. Ban đầu em hỏi nó ở trên R có mối nào chưa? Nó chê một nhánh so đũa có cả chục con dê chồm tới, dê cụ cũng lăm le. Nó có hỏi thăm anh.

- Mày đặt chuyện chớ làm gì nó biết tao.

- Em biết gốc ngọn đâu mà đặt được. Em hỏi sao nó quen với anh thì nó bảo diễn tuồng ở đêm mừng công anh lên đọc diễn văn có đúng không?

- Có! Rồi sao nữa?

- Nó nói nó đứng gần anh lúc anh cởi đồng hồ cho cô Kim Chi nào đó và lột cây P38 cho ông già kéo màn. Có không? Nó bảo khi nó ca bài Cô gái Lục Bình (Tôi cười: Cô gái Nhị Bình) nó dòm xuống nó thấy mấy cô ở văn phòng ngồi vây chung quanh anh làm nó ca suýt trật nhịp.

Tôi chối ngang. Tôi không muốn nghe lại chuyện đau lòng. Nhưng thằng Lạn vô tình cứ lãi nhãi rồi kết luận:

- Thiệt bất ngờ hả anh?

- Bất ngờ cái gì?

- Bất ngờ là người trong mộng của cô gái Nhị Bình lại đóng quân ngay bên cạnh nhà mình. Nếu không có trận ruồng này thì bây giờ anh không có sang sông đâu. Chừng nào làm anh cho em hay em về dự tiệc trà với!

Thằng Lạn chân đạp miệng nói tía lia.

- Chừng nào có thì tao cho hay.

- Mà chừng nào?

Tôi thấy cay cay mắt nên hỏi.

- Không biết! Mày có nghe gì là lạ trong không khí không Lạn?

- Lạ gì mà lạ. Em quen ba cái mùi hóa học này rồi. Anh nhớ hồi năm ngoái em đèo anh qua Trảng Cỏ không? Nó vừa rắc thuốc khai hoang ở vùng này. Ngoài ra nó còn rải thảm ở An Thành. Không khí khó thở, cỏ cây khô cháy, đường sá lởm chởm!

Lạn đạp tới đâu thuyết minh tới đó không ngớt miệng như coi phim.

- Công sự này là chỗ bà Huyện đội phó Sáu Hòa và ông Năm Đùng đặt pháo phòng không lúc D8 bắn hạ B26 bên Đồng Chà Dơ. Nếu hụt bên đó, qua tới Bến Súc thì cũng sẽ hạ mã... Đây là ngã ba Rạch Bắp. Tụi Mỹ định chốt ở đâu để chọn đường liên lạc qua sông của mình, nhưng không hiểu sao tới nay chưa đóng. Từ đây lên tám cây số thì đụng... còn đạp thẳng thì tới sở cao su... Đây là Bưng Còng trong đó có quân y của ông Tám Lê và quân y quận. Từ Bưng Còng đi lên năm cây số thì có cái nhà thờ còn nguyên. Bộ đội mình thường đóng quân trong đó vì Mỹ không oanh tạc. Người ta gọi là nhà thờ Rạch Kiến. Lên một cây số nữa là Suối Cát, qua cầu Xung Nô cách ngã ba Đường Long vài trăm thước. Từ đó lên Long Nguyên, ấp Lâm Vồ... Từ Bến Súc đi ba cây số là Sở cao su Bào Nổ và ấp Bến Chùa. Phòng Hậu Cần K30 của Năm Minh và Hai Nhơn đóng trong đó. Lên tuốt nữa là ấp Đòn Gánh, ấp Suối Tre... (tên đại tướng mặt đỏ chết ở vùng này sẽ kể sau. )

- Ở đâu mày cũng đi tới hết!

- Em là con ngựa bà mà anh. Ai cỡi bảo đi đâu là đi đó.

Đến xế chiều thì chúng tôi đến ấp Bến Chùa. Nhà cửa san sát còn nguyên, quán xá tua tủa, rợp hai bên mép đường. Quân ta dập dìu như ở thị xã Sơn Tây Thanh Hóa ngày chủ nhật. Có những ông bạn tôi gặp ngoài Bắc bây giờ lại đụng đầu ở đây đứa quen đứa chỉ biết mặt, lướt qua không chào hỏi. Thằng Lạn pha trò:

- Anh coi chừng đạp bể bánh tráng của người ta không có tiền đền nghe!

Lạn dắt tôi đến một đường mòn trỏ vào nóc nhà lẩn khuất trong vườn và bảo nhỏ:

- Ổng ở trong đó, anh vô đi!

Tôi móc năm trăm đồng đưa cho Lạn và dặn:

- Ở ngoài này chờ anh.

Rồi đi theo hướng nó chỉ.

- Em ăn Tết với ông Trần Hưng Đạo đủ rồi!

Tôi thấy cảnh trí sinh hoạt mà rùng mình. Tụi Mỹ nó nuôi cho mập rồi thịt chớ đâu phải nó đui. Tôi vừa quẹo vô đường mòn là có người chặn lại. Tôi nhận ra quen quen mà không biết là ai. Thì người kia chào hỏi và nói:

- Anh Lôi phải không?

- Phải.

- Chú Ba dặn hễ anh tới là cho vô liền.

À, anh lính gác ở bên Rạch Lỡ, Xóm Thuốc hôm trước. Tôi đi vào mảnh vườn cây ăn trái còn nguyên chưa có dấu vết đạn bom. Bụng nghĩ mà thương cho cái vườn sầu riêng của Bảy Mô. Cách một con sông mà hai cảnh đời.

Tới cổng nhà tôi dừng lại. Hai cột cửa ngỏ bông giấy leo đan chằn chịt rợp mắt, trên đầu bông tím lẫn trong lá xanh. Không biết bao lâu rồi mắt tôi không được nhìn bông hoa mà toàn ngó máy bay, hố bom và hầm, địa? Cảnh nhà im vắng tĩnh mịch. Tôi bước qua sân gạch tàu đỏ au bốn phía có gân xi măng bao bọc. Dăm ba bụi cỏ xanh tươi mọc ở kẻ gạch bị nứt. Một giàn bầu râm mát che mặt tiền ngôi nhà ngói xưa. Trước cửa có một chiếc bàn tròn với bốn chiếc ghế đẩu như chực hờ đón khách tới ngồi nghỉ chân. Bên hiên nhà một hàng mái vú chạy dài tới tận phía sau. Ắt hẳn là những mái nước mưa. Nhà tôi cũng có một hàng mái bên hiên nhà như vậy. Mùa nắng cả xóm đều tới xin nước uống. Tôi nhớ nhà đứt ruột đứt gan.

Tôi kéo ghế ngồi và móc thuốc rê hút (không dám hút cáp-tăng sợ mất đạo đức, còn quân khu ủy uống rượu Tây thì cái chùm nho đạo đức không rụng trái nào). Tôi vừa bật lửa thì có người đẩy cửa bước ra. Đó là một người lính (gác tầng hai). Anh ta mà tôi vào ngồi ở bên chái nhà.

Tôi nhìn quanh chưa khắp nhà thì mùi nước hoa từ bên trong bay ra báo hiệu một sự xuất hiện bất ngờ. Quả thật một nàng mặt hoa da phấn bước ra, miệng tủm tỉm cười:

- Mời anh Hai uống nước!

Tôi như tỉnh mộng nhìn thấy trên bàn để sẵn chai bia lẫn nước ngọt và mấy cái ly pha lê trong trắng lạ thường. Tôi ngỡ rằng đây là một trời nào khác không phải trong vùng đất chiến tranh. Tôi bàng hoàng tưởng lạc Thiên Thai, giây lâu mới định hồn.

- Em tên là Khánh. Anh gọi em là Khánh nghen! Anh Hai uống la-de hay nước ngọt?

Giọng nói này hình như tôi đã quen ở đâu. Tôi chưa xác định được thì từ bên trong một bà mệnh phụ bước ra, tươi cười, hai cánh tay mũm mĩm như hai thỏi ngà. Bà vui vẻ:

- Cháu Hai về đó hả?- rồi bà bước lại bên tôi nâng mặt tôi lên và nói một hơi - Đâu để dì xem thử coi mặt mới ra sao mà mười bốn tuổi đã đánh xe tăng tây. Trời đất, con trai đất này dễ được mấy đứa. Mưu trí và gan dạ cỡ nào mới chiến đấu như vậy được.

Tôi ngồi chết trân không hiểu. Bà bảo cô gái:

- Con đi vô coi mấy món đã chín chưa?

Khánh vâng lời mẹ biến nhanh. Bà đăm đăm nhìn tôi, giọng càng thân mật:

- Ngồi uống nước tự nhiên đi cháu Hai rồi chốc nữa dượng Ba dậy sẽ làm việc với cháu.

Tôi càng ngạc nhiên. Giấy ông Tư lệnh gọi sao hai mẹ con bà nào ra tiếp mình. Kẻ gọi bằng anh, người kêu bằng cháu ngọt như mía lùi. Không khéo mình lại rơi vào ổ Phượng Hoàng chết như Hai Giả, Phượng Hoàng này móng nhung. Tôi vừa đối đáp cầm chừng với bà ta mà bụng thì thầm trách mình hấp tấp không tham khảo ý kiến Năm Tiều mà nhảy lên xe đi liền. Có thể thằng Lạn bị lừa. Tôi móc túi lấy mẫu giấy ra xem. Chữ ký tắt "B.X" có gì bảo đảm đó là của ông Tư lệnh Ba Xu đâu. Nhưng tôi cố giữ nét mặt bình tỉnh trước mặt người đàn bà. Còn bà thì cứ nói không ngớt miệng:

- Cháu về đây thì coi như nhà của cháu. Đừng có ngại gì. Quần áo gì mà mốc cây mốc cời vầy nề? Trời đất dép xe hơi nặng như sắt mang sao cho nổi. Còn cái nón nữa, người ta ra trận phải đội nón sắt chớ dùng nón vải làm sao đỡ đạn.

Bà nhìn quanh lưng tôi rồi kêu to.

- Người ta chỉ huy đeo colt hoặc K54 hoặc tệ lắm cũng P38 còn cháu sao mang AK?

Bà xét nét từng điểm một rồi hỏi tới:

- Cận vệ của cháu đâu?

- Dạ cháu cho ở nhà coi cơ quan hoặc về thăm gia đình.

- Để dì thay hết mấy thứ này cho!

Bà gọi vào trong.

- Đứa nào đó đem thức ăn ra cho anh Hai bây dùng. Cỗ bàn gì mà lâu lắc vậy?

Khánh bước ra với dĩa bàn hột vịt lộn và dĩa nhỏ muối tiêu. Đi sau Khánh là một cô bé khác bưng dĩa rau và dĩa chanh. Khánh giới thiệu ngay là em của nàng, tên Ngọc.

Bà chủ nhà bảo:

- Cháu Hai dùng đi kẻo đói bụng!

Tự tay bà khui bia trong lúc Khánh trở vào rồi ra ngay với chiếc xô nhôm đầy nước đá với cái gắp đúng kiểu thành thị. Nàng gắp từng cục nước đá nhẹ nhàng bỏ vào ly cho tôi.

Bà chủ tiếp:

- Dì có tất cả ba đứa. Con chị nó còn đang bận nấu: nướng. Cháu ngồi đây ăn tự nhiên nghe... Hai đứa bây ngồi tiếp chuyện với anh!

Bà đứng dậy đi vào. Cô bé Ngọc cũng đi theo mẹ bỏ cô chị ở lại với tôi.

- Em học lớp mấy, Khánh?

- Dạ, em vừa đậu tú tài.

- Rồi đi ban gì?

- Dạ, ban ông táo!

Khánh pha trò và cười ngặt nghẽo tự nhiên làm rung rinh mớ tóc quăn, nàng đưa những ngón tay mủi viết che hàm răng trắng đều và tiếp:

- Má (không nói má em) bắt ở nhà không cho đi nữa.

Tôi chưa đụng đến món ăn thì nàng nhanh nhẹn và lịch thiệp cầm lấy một quả trứng đập khẽ vào mép dĩa, khảy mấy mảnh vỏ bể rồi bằng hai tay chúm quả trứng sóng sánh nước đưa mời tôi. Tôi đưa tay nhận lấy và chợt nhận thấy sự tương phản của hai bàn tay Thiên Lôi xù xì với hai bàn tay ngọc.

- Anh phải ăn cho hết dĩa hột vịt, không má rầy.

- Rầy ai?

- Rầy em.

Tôi vừa húp nước trong quả trứng mà nơm nớp lo sợ, cảnh giác. Đây là viên đạn bọc đường của tư sản chăng? Hồi chỉnh huấn cải cách ruộng đất đơn vị tôi có nghe một bài học phụ (tức là truyện, thơ, nhạc, bài báo bổ túc, củng cố cho bài học chính trị) nói về một chủ tiệm tạp hóa ở Hàng Đào. Ông ta để cán bộ vào kiểm kê tài sản. Cán bộ vào kho thì đụng nhằm nàng tiên lõa thể ngồi trên võng tơ lụa, và anh cán thay vì kiểm tra tư sản, về cơ quan lại làm bản kiểm thảo và sút cán luôn.

Khánh là cô gái Hàng Đào? Tôi không đến nổi yếu đuối như anh cán kia và cô Khánh cũng đâu có giở trò gì. Hơn nữa bên ngoài bộ đội cán bộ đang đi nghễu nghến đầy đường, Phượng Hoàng đâu có dại gì lót ổ ở đây. Tuy tự biện luận như vậy nhưng vẫn không yên tâm. Tôi vừa ăn xong một hột thì Khánh lại mời. Tôi mời lại nàng. Nàng vui vẻ nhận lời nhưng nói:

- Em cũng ăn nhưng chỉ thích cái tròng đỏ béo béo và cái mề đòn đòn, còn nước thì anh phải húp và con thì anh phải ăn dùm nhé! Em sợ lắm!

- Được!

- Vậy thì chia hai.

Đến đó thì bà mẹ lại xuất hiện. Sau lưng bà thấp thoáng một bóng hồng. Đi gần tới cửa bà tránh qua và khẽ đẩy cô gái tới:

- Con ra chào anh đi:.Mắc cỡ gì! Con gái lớn rồi... Đây là con Mai, chị hai đứa kia.

- Chào cô Mai. Mời cô ngồi ăn hột vịt với chúng tôi.

- Chỉ không sợ gì hết, anh khỏi phải ăn dùm. Anh chỉ ăn dùm em thôi.

Khánh vừa dứt lời thì bà mẹ bổ túc:

- Nó nấu nướng nên mặt đỏ lơ đỏ tưởng chớ không phải thoa son đâu. Ở đây chớ phải Sài gòn sao mà dám xài son phấn!

Rồi bà hỏi tôi:

- Bữa hổm cháu pháo kích ở bển phải không?

- Dạ anh em khác, không phải cháu.

- Cháu có lên R lãnh huy chương phải không?

- Dạ phải.

- May cháu về chớ ở trên luôn thì... chíp chíp... Mỹ nhiều bom quá hà. Nó bỏ ở An Điền người ta đếm đúng một ngàn hố, hố to một trăm thước bề kính, sâu chín thước. Con đừng có chun xuống địa đạo nghe con. Dì nghe nói vừa rồi con chết ngộp dưới đó dì khóc cả đêm.

Bà bảo Khánh:

- Con đi vô lấy thêm húng cây, lựa mấy ngọn không có sâu Rồi hấp lại ba cái hột vịt cho nóng.

-Dạ!

Khánh vừa nhổm dậy thì... Một giọng ồm ồm rồi một người đàn ông mặc pyjama màu hột gà bước ra.

- Thôi, không phải lấy thêm gì nữa!

Thảo nào!’Tôi kêu lên:

-Anh Ba!

Rồi đứng dậy chào kính. Anh xua tay và đưa cho tôi bắt. Thì ra ông Tư lệnh.

- Cậu mới đến hả? Hai dì cháu tâm tình đã đời chưa.

- Ngọc, Khánh, đứa nào lấy rượu cho Dượng chút, con!

Ngọc bước đến bên chiếc tủ búp-phê lấy chai rượu như bầu linh dược có nút bằng pha lê và một cái ly nhỏ xíu miệng niềng vàng đem lại để trước mặt anh Ba.

Anh vừa mở nút vừa nói:

- Tao nhờ ba cái này, nếu không sụm luôn chớ lội sao nổi!

Coi bộ ông Tư lệnh hơi bèo nhèo, sụt sịt, không được hoạt bát lanh lẹ như ở buổi tiệc thịt chó hôm nào. Anh vừa rót rượu vừa nói:

- Ở trên Cục Hàng Quí mới gởi cho tao một hộp sâm. Nhưng không có hổ cốt. Ở trển nhờ có Tư Khanh cho bao tử nhím và gạc nai ngâm thập cẩm với sâm. Xuống đây chỉ có sâm. Lớp tao ngâm rượu, lớp tao xắt lát ngậm thường xuyên. Sao? Sau trận pháo kích lính tráng lẫn dân chúng phấn khởi chớ?

- Dạ, phấn khởi dữ!

- Mẹ, tụi chín Lộc không nắm được tin, suýt chút nữa bị hốt cả đám! Mỹ dọn sạch Củ Chi để đưa Tia Chớp Nhiệt Đới vào Tình hình sắp tới căng hơn nữa. Uống bia đi Lôi, rồi tao nói chuyện cho nghe!

Ông Tư lệnh dùng ngôn ngữ thân mật của người anh đối với thằng em suốt buổi nói chuyện. Tiếng đồn quả không sai. Hồi kháng chiến Lê Đức Thọ cắm mốc ở nhà địa chủ Bạc Liêu và lấy luôn con gái, Lê Duẫn quơ bà Nga học sinh thành, Phạm Hùng cưới con gái hội đồng, Trần văn Chè suýt tóm cả cả mẹ lẫn con luật sư Lê Đình Chi, Nguyễn Hương Vũ cướp vợ chưa cưới của thằng Lượng Thanh Niên Cứu Quốc Cần Thơ, Võ Quang Anh đớp con Thu Hồng bồ của thằng Sơn Lâm. Bao giờ các ông kẹ cũng giữ đúng lập trường giai cấp địa chủ. Bây giờ sang thời kỳ chống Mỹ, ông Tư lệnh đi không lệch chút nào. Ông liếc bà, ý muốn bà đi vô để ông nói chuyện công tác nhưng bà cứ ngồi tự nhiên bắt buộc ông Tư lệnh phải bảo:

- Bà vô coi mấy món xào kẻo khét.

- Xí có con Ngọc ở trong khét sao được mà khét?

Tuy nói vậy bà vẫn vâng lời.

Anh Ba vô đề ngay. (anh nói tiếng Pháp)

- Mày có nghe nói Vl, V2 không Lôi?

- Dạ, hồi kháng chiến tôi có nghe nói mình dùng Bazooka chớ chưa nghe nói Vl V2. Có phải là loại vũ khí mà Hitler bắn qua biển Manche để đánh quân ăng-lê không anh Ba?

- Ừ, phải! Vậy là mày có biết. Còn hỏa tiễn Kachín Sa của Liên Xô?

- Dạ, đó là pháo từ hành, nói theo tiếng bình dân là hỏa tiễn giàn mướp, đặt một bệ hai tầng mười hai trái, do xe mười bánh kéo như pháo 122 ly. Nhưng nó không phóng xa được như pháo 122 ly, nó chỉ xài cho mục tiêu gần từ mười cây số trở lại thôi.

- À, mày biết cũng khá.

- Dạ, hồi ở ngoải tôi có dùng. Kỹ sư mình nghiên cứu tháo ra đặt trên bệ DKZ75 dùng kính ngắn 75 để câu điện bắn đìa-réc vào mục tiêu cố định như DKZ. Tụi pháo viên tôi ở khu Xuân Mai đã bắn thử cho đồng chí Lê Duẫn xem tại Ba Thá, với sự tham quan của pháo binh các quân khu. Cự ly từ tám trăm thước đến một cây số thì bắn rất kết quả, kỹ sư đặt cho nó cái tên H12.

Anh Ba gật đầu:

- Nếu vậy thì tốt lắm. Trên R đã hứa cho xuống đây một tiểu đoàn. Nay mai sẽ xuống tới. Tao đặt cho nó là Tiểu đoàn 9, trực thuộc H6 của mày.

- Dạ, thứ đó bắn gián xạ như 105-122 ly thì độ tản mác rất lớn (tức là sai mục tiêu xa). Tôi sợ mình bắn chết hết dân ấp chiến lược chung quanh Trung Hoà và Đồng Dù quá anh Ba!

Bất thần bà ở trong bẹ cửa lên tiếng oang oang:

- Bộ ông muốn đưa thằng Lôi về đánh Sàigòn hả?

Ông quắc mắt:

- Cái bà này!

- Tôi nghe nói ba cái V1, Và (bà cũng nói tiếng Pháp) thì tôi biết rồi. Đó là loại vũ khí lợi hại chớ không phải như mút co tông, mi trai dơ đâu (Bà phát âm tiếng Pháp rất đúng).Còn ba cái chim-sa, chim-siếc gì tôi không biết nhưng chắc cũng là đồ ác hiểm. Ông tính đem về để giết hết dân sao? Tôi nghe bà con ở ngoài Sàigòn thán oán dữ lắm.

- Than oán gì? Người ta bắn trúng sân bay Biên Hoà, Đồng Dù, Trung Hoà chớ trật hay sao?

- Trúng một trái, trật mười trái. Trầy da một thằng Mỹ, chết một trăm dân. Sao không giỏi đánh lại tụi đỗ dù đó?

Bà vung tay và sấn tới gần. Anh gạt tay bà ra:

- Đừng có nghe miệng đàn bà, Lôi! Đừng có thèm nhìn giọt nước mắt của họ. Làm tướng cầm quân ra trận,chỉ biết có chiến thắng. Nếu cứ nghĩ tới số thương vong không thể đánh được giặc. Khi cần hi sinh, ta dám hi sinh hằng trăm mạng, lúc không cần, một giọt máu cũng không cho rơi.

- Xí! Một giọt máu không cho rơi! Cả trăm mạng con người ta rắc chung quanh đồn Bến Súc hồi năm 1946 là đáng hi sinh hay không đáng? Đánh giặc gì ngu vậy mà cũng cầm quân! Xí, xí, xí!

Ông Tư Lệnh xám mặt, môi ông giật giật. Ông đưa tay cầm bầu rượu rót. Tôi thấy tay ông run run. Chắc ông tức lắm. Vì trận đó chính ông chỉ huy cùng với Tô Ký. Bà chưa thôi:

- Cháu Lôi nghĩ coi! Đồn Bến Súc có mấy chục lính Tây, mình hi sinh cả trăm mà không lấy được. Tưởng đào địa đạo vô giữa đồn rồi tung lên, ai dè khi tung lên thì miệng hầm còn cách rào bót cả trăm thước. Báo hại thằng Điền con chị Hai chết. Chỉ còn có hai đứa con gái, không ai nối dòng, ông thấy chưa?

Tôi suýt kêu lên khi nghe nhắc lại tích xưa. Và chẳng ngờ bà là dì Ba của cô xã đội phó, em của má Hai ở bên Hố Bò.

Ông Tư Lệnh bị bà Tư Lệnh kiêm Chánh Ủy rẹc cho mấy loạt ngồi im, điềm tĩnh nhâm nhi rượu nhân sâm. Nhưng bà Chánh ủy chưa chịu tha. Bà nói hăng hơn:

- Ai cần mấy ông giải phóng mà tài khôn? Mấy ông lấy được một khúc xương thì ôm đó mà cạp. Còn tụi Nam Kỳ người ta an phận rồi, mấy ông lại chui về khuấy phá. Có phải tại các ông mà bom đạn bời bời không? Hễ Mỹ bỏ bom chỗ nào thì các ông tránh xa chỗ đó, các ông chạy sang nơi yên ổn có dân để núp ló. Nay mai rồi cái vùng này cũng sẽ nát bấy như bên Củ Chi. Giảo phóng rồi mấy ông ở với ma.

- Bịt tai lại mầy, Lôi! Đừng có nghe đàn bà nói, mệt lắm! - Rồi ông chỉa hai ngón trỏ vào hai bên tai - Trình độ của bả ấu trỉ lắm. Bả là cán bộ Phụ nữ hồi chín năm, rồi về thành bị Mỹ Ngụy hủ hoá.

Bà Chánh ủy như ngồi phải cọc, nhảy dựng lên:

- Ông thiệt nói tôi hủ hoá không? Còn ông, ông đạo đức hả? Mấy ông của ông đạo đức dữ hả? Thiệt hôn, tui khai hết cả đám đạo đức của ông ra cho coi. Đừng tưởng tôi không biết!

Tôi đâm sợ hãi. Bỗng dưng Tư lệnh và bà Chánh ủy choảng nhau. Nếu không can sợ mấy cái lập trường cứng rắn của hai bên sẽ thất nghiệp, nên tôi lôi tay bà Chánh ủy:

- Dì Ba vô coi món gì ở trỏng kẻo em Ngọc làm khét.

Bà Chánh ủy đứng dậy nguých ông Tư lệnh một cái như trời sập rồi đi rèn rẹc khua guốc côm cốp trên nền gạch làm tôi suýt đau tim. Ông quay qua tôi:

- Hứ! Đàn bà! - rồi tiếp - Cậu đừng có bị nhiễm quan điểm tư sản. Đánh giặc là đánh giặc. Bảo vệ nhân dân là bảo vệ nhân dân. Nếu khi đánh giặc mà ta có làm hại sanh mạng nhân dân thì đó là chuyện bất đắc dĩ, không nên coi đó là tội của chúng ta. Đàì BBC la ầm ĩ về cái vụ pháo kích sân bay Biên Hoà do đó tụi trí thức mới lũ lượt vào quì dưới chân ông Sáu Vi, kể cả tên sư hổ mang, mà xin chức tước đó chớ! Nếu không ai bẫy lũ đó ra đông như vậy? Đồng Dù và Trung Hoà vừa rồi đã khuếch trưong chiến quả của ta.

- Tôi nghe nói có mấy ông mình phải đem võng tới khiêng, có không anh Ba?

- Có! Nhưng chỉ vài tên thôi. Chứ cả bầy như bầy... quân ngũ nào khiêng nổi và cám sú đâu cho đủ ăn cho ăn?

Ông Tư Lệnh nói một hơi, có vẻ lấy lại oai phong, nên tiếp:

- Do đó tôi đã nhận tiểu đoàn mới này về giao cho cậu. Cậu có đọc quyển Đại Tướng Va-Tu-Linh của Liên Xô chưa? Làm tướng phải thế.

- Dạ ông ta hi sinh một lúc cả sư đoàn, ủa, cả một cánh quân!

- Để cuối cùng lấy được Bá Linh! Làm tướng phải vậy!

Ông đề cập tới trận ruồng Operation Crimp:

- Cậu coi đó, nó đóng quân trong ruột mình bảy ngày, trong lúc đó có ba tiểu đoàn của ta và trung đoàn Q16 mà chớ gở được một cái vãy của nó. Để cho nó tung hoành đào xới tung địa đạo hốt hết gạo, quân trang và thuốc men. Vì sao? Vì cán bộ già nên chậm lụt, còn tụi Mỹ thì cơ động nhanh chóng. Cán bộ trẻ ở trong này chỉ có gan dạ và quyết tâm nhưng không có kiến thức quân sự. Đánh Mỹ không thể xung phong như Hoàng Thọ ngày trước mà thắng được. Phải có khoa học. Nhưng khu ủy cứ xét lập trường. Cho nên... đây là tao nói riêng với mày thôi. Tao đề nghị đặc cách mày lên chỗ Sơn Tiêu, đưa Sơn Tiêu lên làm Tư Lệnh phó giúp tao, nhưng mấy ổng chê Sơn Tiêu kém đạo đức, còn mày có em đại úy ngụy. Những thằng đạo đức như gà thiến không làm gì được hết lại giữ chức vụ tối cao quyết định tất cả. (Ý ông nói Chánh ủy Tư Trường và mấy ông mặc áo bà ba mang guốc vông).

Ông Tư Lệnh thở dài, rót rượu mời tôi bằng cái ly của ông vừa uống, rồi tiếp:

- Chiến trường này cần cán bộ, tao nhất định đưa mày thay Sơn Tiêu. So với Hai Thán, Sáu Cúc, Hùynh Thành Đồng, Năm Sĩ, Ba Châm mày có kém thằng nào? Mày còn hơn xa một số Tham mưu phó đó nữa chớ!... Tao vừa được chấp nhận cho thêm nhiều mìn, B40, AK để trang bị lại cho các tiểu đoàn. Vũ khí của mình xài từ đời Minh Mạng tới bây giờ, tội cho lính quá. Mày có dự trên Đồng Xoài rồi mới thấy thương thằng nông dân cầm súng CKC đánh với súng máy của Mỹ!

Bà Chánh Ủy bước ra hai tay bưng hai dĩa xào thơm bát ngát, nét mặt hầm hầm:

- Ông muốn dụ dỗ con tôi hả?

- Cái bà này! - rồi ông dòm thẳng mặt bà - Tôi hỏi, bà có bức tranh quý, bà đặt nó ở phòng khách hay đút nó vô buồng?

Bà Chánh Ủy không trả lời mà ngồi xuống bên tôi, kêu vọng vô trong:

- Con Khánh hay con Ngọc có đó không, lấy miếng chanh đem ra đây. Ăn đi con! Về đây coi tụi nó như... em của cơn vậy. Còn chuyện dượng Ba nói, đừng có nghe. Ổng lúc nào cũng đánh đá thoi thụi, đêm nằm chiêm bao la lối om sòm bắn bắn! Ở đó mà treo bức tranh. Tôi hổng biết, treo ở đâu thì treo, miễn nó còn đó cho tôi thì thôi.

- Bà này! Đâu phải ai đánh giặc cũng chết hết! Nó đánh Tây từ hồi mười bốn tuổi tới bây giờ ba mươi mấy... rồi Lôi?

- Dạ, hôm nay thêm một tuổi là ba mươi bốn.

- Ừ hai mươi hai năm còn sống nhăn! Đàn bà có tánh...

- Tánh gì? Mấy ông có đẻ được đâu mà biết thương con người ta!

Bà quay sang ôm tôi rồi khóc hu hu:

- Con ơi là con! Đi cách mạng gì quên cả gia đình. Ba mươi bốn tuổi chưa vợ con. Cách mạng giỏi sao không lo vợ cho con, chỉ nói miệng tài.

Ông Tư lệnh đập hột vịt lộn côm cốp vô cạnh bàn, lột húp nghe rồn rột tỏ vẻ giận dữ, xơi hai hột liền không dám chọc bà Chánh ủy nữa, đứng dậy bắt tay tôi:

- Thế nhé Lôi! - rồi quay lưng vô. Đi được vài bước, ông còn trở lui - Bà vô bắt gió dùm chút coi. Ba cái hóa học này làm tôi rêm mình quá trời.

Bà Chánh ủy lau nước mắt, và gắp thức ăn bỏ vô chén tôi rồi thình lình hỏi:

- Má nghe con định việc hôn nhơn với con xã đội phó hả?

Tôi đang nuốt miếng thịt xào bỗng nghẹn ngang: Thì ra cô ta đã nói thiệt với gia đình nên dì Ba mới hay, nhưng đã hay, sao dì còn xưng má với mình?

Tôi hoang mang chưa biết trả lời cách nào thì dì tiếp:

- Dì là bạn của mấy bà Hai Mặn, Ba Cầm (vợ Ba Xu, Lê Đức Anh hồi chín năm). Ba của sắp nhỏ cũng là cán bộ, hi sinh hồi 47 nên dì phải về nhà nuôi con. Dì biết vợ ổng là đầm lai đẹp lắm. Hai ông bà chỉ có một đứa con gái thôi hiện ở trên quân y R K71-B chớ đâu. Dì biết rành mà. Phải ổng có con trai thì hai bên làm suốt với nhau rồi. (Tôi cười thầm ông suôi trai ngủ với bà suôi gái cũng tốt thôi.) Dì đâu có muốn mang tiếng giựt chồng người ta...

Dì ngưng lại cố nén xúc động hồi lâu.

- Mấy ổng đi theo cách mạng hư hỏng hết, không có ông nào đàng hoàng... Ăn đi cháu. Bữa nay hưu chiến, ăn cho no, mai mốt rồi sẽ không còn cái Xóm Chùa này nữa để cho cháu tới thăm dì.

Tôi ăn mà không thấy ngon, trong bụng nôn nao nhớ tới Thiên Lý. Duyên tình hoàn cảnh gì trớ trêu oái oăm kỳ cục vậy? Vừa từ giã người yêu lại sang sông Sài gòn thăm (hai) bà già vợ chắc má Hai tương kế tựu kế nhờ ông (em rể) Tư Lệnh gọi tôi sang đây để má coi mặt chớ gì. Tôi lại cười thầm trong bụng: Lưu Bị giang tả cầu hôn, còn tôi vượt sông Sài gòn để cho người ta coi mặt. Dì Ba gọi vọng vào trong:

- Con Mai có đó không đem thêm nước đá ra đây con!

Dì Ba gấp nước đá bỏ vào ly tôi rồi trở lại câu chuyện:

- Ở cái vùng này đàn bà góa có ba đứa con gái lớn như dì khó sống lắm con à. Nếu không dựa vào một người quyền thế làm sao chịu nổi với ba ông xã ủy quận ủy tỉnh ủy kia. Nay xã ủy tới lạc quyên, mai quận ủy tới yêu cầu ủng hộ cách mạng, mốt ông tỉnh ủy tới xin lúa nuôi quân. Không có ngày nào ngớt. Con Khánh học hết Tú Tài mà phải đi dạy bốn lớp từ lớp vỡ lòng tới lớp ba. Con Ngọc thì tỉnh đội muốn bắt đi làm thơ ký, còn con Mai giỏi Anh ngữ nên thằng Tư Linh muốn đem về cơ quan làm địch vận. Dì không cho đứa nào đi đâu hết. Đi theo cách mạng là hư thân mất nết cầm chắc trong tay. Dì nghe nói ngoài Bắc con cái tố cáo cha mẹ nữa mà.

Tôi ngồi lặng thinh, nhai nuốt muốn không vô. Mong dì sớm dứt chuyện để tháo lui, nhưng hình như dì ấm ức lâu nay nên gặp tôi dì tố khổ. Dì trở lại chuyện cô xã đội phó:

- Dì nghe chị Hai dì nói về vụ của cháu với con Là lâu rồi. Nó đang làm xã đội trưởng thay cho thằng Năm Thuận sọc dưa chớ gì? Vừa.rồi, máy bay rớt bên Đồng Chà Dơ nó xung phong lấy được cây súng colt hiệu Ngựa bay, người ta đòi tịch thu, nhưng dượng Ba thưởng cho nó luôn, nó đeo nhỏng nhảnh làm oai với mấy ông cán không có colt. Ở đây là vậy đó con. ông nào có colt thì dân mới dòm, đi mình trơn không ai ngó tới. Còn mang AK thì họ coi là tèng xí chuột, ngó có nửa con mắt thôi.

Dì Ba lại tiếp luôn:

- Dì nghe chị Hai dì nói, dì cũng mong gặp con. Dì có nghe dượng Ba nói về con nhiều lắm. (Dì đã chính thức coi ông Tư lệnh là dượng Ba của tôi rồi) Dượng Ba khen con trí thức và biết đánh giặc. Chị Hai của dì bữa nay đi Bình Dương công tác (quân báo của Chín Lộc) - Dì bật cười khan - Sẵn dịp bả dám mua đồ sửa soạn đám cưới lắm à! Con đã xin phép nghỉ chuẩn bị đám cưới chưa?

-Dạ cháu có biết gì đâu thưa dì!

Dì Ba gật gù và nói thẳng:

- Vậy tốt lắm. Theo dì chỗ đó không xứng với con đâu. Nó là cháu kêu dì bằng dì ruột, đáng lẽ dì phải nói vô, nhưng dì thấy không được thì dì nói không được. Nó lóc chóc lắm. Con gái mà không lo công dung ngôn hạnh lại mang súng rểu rểu đi phá làng phá xóm. Được cái tích sự gì ba cái ngử ấy?

Tôi thấy bị chạm tự ái, nên cười:

- Xin lỗi dì, nếu nói như dì thì ai giải phóng đất nước thưa dì?

Dì Ba cười nhạt:

- Con muốn dì trả lời hay dì im lặng?

- Xin dì cứ nói, con xin nghe.

- Câu nói này dì đã từng nghe hàng ngàn lần từ cửa miệng của những cán bộ tới đây họp với dượng Ba và ngay cả từ cửa miệng dượng Ba nữa. Dì dượng đã từng cãi lộn với nhau về cái câu này. Ai có lý lẽ nấy, không ai chịu thua ai. Dì biết hai dượng cháu chỉ học một sách của lão Hồ thôi nên dì xin hỏi dượng: "Dân Nam kỳ có cần đám Bắc kỳ giải phóng để ăn độn khoai một năm tám tháng không?"

Bà Chánh ủy này độc địa thật, tôi thầm nghĩ, hèn chi bả khẩu chiến với ông Tư lệnh không kém một tiếng nào. Tôi đành chịu thua. Bà quay sang tôi:

- Má nói thiệt với con. Má thấy con má thương. (Bây giờ bà lại xưng má với tôi) Dượng Ba con cũng đồng ý từ lâu nhưng chưa có dịp. Bữa nay má nói thiệt. Má có ba đứa con gái. Con Mai thì thùy mị giỏi việc tề gia nội trợ, con Khánh thì giỏi ngoại giao và giáo dục, con Ngọc còn nhỏ nhưng gả cũng được rồi. Vậy con thấy vừa ý đứa nào má gả không cho con, má không đòi hỏi một xu. Sẵn có dượng Ba ở đây, con chỉ hứa là được. Con xem sắp nhỏ như vậy mà gả cho ai? Con cũng biết ở đây đâu có mặt nào xứng với chúng nó.

Tôi không biết đáp lại bằng cách nào. Đành phải hoãn binh một cách cổ điển:

- Dạ, cháu xin cám ơn dì Ba. Vấn đề hôn nhân là trọng hệ, xin phép dì Ba cho cháu suy nghĩ một thời gian.

- Thời gian là bao lâu? Một ngày, một tuần hay một tháng?

- Dạ cháu bận công tác quá dì à!

- Bận thì dượng Ba sắp xếp cho cháu nghỉ. Dượng có thể rút con về văn phòng với dượng luôn cũng được mà. Con ở bên cạnh dượng Ba giúp cho ổng việc tham mưu còn hơn lăn xã vào chiến trường. Con không nhớ câu của Khổng Minh nói với Lưu Bị hay sao? "Làm tướng không nhất thiết phải ra trận. Ngồi trong trướng gấm mà quyết thắng ngoài ngàn dậm. Đó mới là tướng tài."

Bà Chánh ủy không phải là tay vừa. Đúng dì là Chánh ủy của Quân khu chớ không phải lão Từ Trường cù lần không biết bắn súng cũng không nói được câu gì nghe lọt lỗ tai như dì. Dì kêu vô trong:

- Con Ngọc mời dượng ra đây chút!

Tôi mọc ốc đầy mình, không biết xoay trở ra sao. Ba mặt một lời. Nếu ông Tư lệnh đồng ý mọi đề nghị của bà Chánh ủy thì ông trưởng ban H6 này chẳng khác trong vòng đổ chụp.

Nhưng may quá, Ngọc trở ra nói:

- Dượng Ba nói buồn ngủ, biểu má vô cạo gió. Việc đó để tính sau!

- Xí nhỏ em dữ không? Bơ lớn còn nhỏng nhẻo! Đứa nào ra đây tiếp chuyện với anh bây nè!

Nói vậy rồi bà đứng dậy

- Con ở lại đây chơi vài ba bữa cũng được mà. Giặc giả còn hoài chớ đã hết đâu mà vội.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx