sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 69: Chắc Rằng Ta Sẽ Tết Sau... Mút Mùa

Ngồi trong nhà bà Chánh Ủy mấy tiếng đồng hồ tôi cảm thấy mệt như đánh một trận giặc và khoẻ như được hửi dầu nhản ở dưới địa đạo hôm nào. Mệt vì bị bà Chánh Ủy bao vây tấn công tơi bời, còn khoẻ vì được đối diện với ba nàng công chúa trong cái ốc đảo Hoà Bình của Quân khu IV này. Khoẻ hơn nữa vì có một nàng đã tỏ tình hêu với tôi, hôn tôi. Tôi không từ chối nhưng cũng không dám nhận hoàn toàn. Đó là tình yêu bất chợt của chàng lãng tử với ba cô nương trênChuyến Xe Đêm nửa dân gian nửa thần thoại của Paoutowski. Cô nào cũng tỏ tình với chàng nhưng chàng lại lạnh lùng quay lưng, để rồi sau đó hối tiếc!

Về chiều, khu vực này càng rộn rịp hẳn lên. Lớp dân đi lại đón xuân, lớp quan lớp lính đi công tác ghé các quán tìm hương hoà bình. Tôi gặp đủ mặt hết. Ba Châm, Ba Hùng, Bảy Gấm, Sáu Thiệt, Năm Dũng, Bảy Ưng, Hai Phán... Toàn dân đạo chích Trường Sơn chui về đây bôi mặt thay tên đổi họ. Ông nào cũng K54 kè kè bên hông như muốn các cô nàng trông thấy cho rõ ta là ai. Tuy rằng câu chuyện Suối Máu vừa mới xảy ra còn nóng hổi. Trước một ngày hưu chiến, quân ta bị một cú nặng nề. Giang thuyền Bình Dương đổ lên Suối Gâu bắn rầm rầm một lúc rồi rút. Một đoàn cán bộ từ trên R, có lẽ được phân công về đây công tác, nghe tình hình êm bèn kéo nhau qua suối. Có ngờ đâu chúng chơi theo lối nhả bừa, rút một số lớn, chừa lại vài ngoe... toàn súng máy. Bên ta chết nằm chật suối. Bây giờ Suối Gâu trở thành Suối Máu.

Tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ: Hôm nay mình thêm một tuổi, xa nhà thêm một năm, đeo thêm một nỗi buồn và một niềm vui. Khổ thì thực mà vui thì mơ hồ.

...Sắp ra đường 14, Lạn đón tôi, vui vẻ:

- Nhờ Đức Thánh Trần em ăn Tết đã đời.

Tôi lên xe ôm eo ếch cậu thanh niên nghe dây xích nghiến mới biết mình phí sức nhiều và thấm mệt. Bỗng thấy bên ven đường mấy chiếc võng giăng giữa những khoảng cây cau, cây xoài ở mé đường, người nằm võng đầu băng trắng lốp.

- Thương binh ở đâu hả Lạn?

- Em không rõ. Mấy bữa nay mình có đánh trận nào đâu!

- Vậy sao thương binh nhiều vậy?

- Em chắc là tồn kho hồi trận ruồng trước.

Tôi nhớ cái vụ lính Q16 ăn kỷ niệm Quốc Khánh bằng thịt chó hôm nọ và vụ cái võng khiêng anh thương binh lòi ruột đi tìm quân y nên tôi đoán đây lại là mấy ông lính vịt xiêm ngơ ngơ ngáo ngáo không biết đường đang tìm quân y của Tám Lê bên Bưng Còng.

Ở đây có đến hai Bưng Còng. Cũng như bên Củ Chi có đến ba cái Gò Nổi chung quanh Trung Hòa: Hai Gò Nổi trên, một Gò Nổi dưới và Gò Nổi giữa. Lính ta thường đem danh từ này ra mà pha trò: "Gò Nổi nào cũng hấp dẫn cả. Miễn ta khiêng pháo tới đặt được ở đó thì bắn trúng hồng tim thôi."

Bên này thì Bưng Còng trên là quân y của Tám Lê, Bưng Còng dưới là Rừng Bưng Còng. Chắc đám này không biết đường. Nghĩ vậy tôi bèn bảo Lạn ghé lại. Tôi bước vô thấy một tiểu đội lính ngủ ngáy như sấm, đứa dựa lưng vào gốc cau, đứa nằm dài trên cỗ. Súng ống thì gối đầu hoặc treo lên nhánh cây. Cái kiểu này rủi gặp biệt kích thằng Rắc thằng Lệnh thì hốt xương.

Tôi đập cậu nằm bìa. Cậu ta bật dậy hốt hoảng. Tôi hỏi.

- Tìm quân y hả?

Anh lính giụi mắt giây lâu mới tỉnh hồn nói như máy:

- Đây là những trường hợp nặng, bên C5 không giải quyết được. Ông Tư Chuyền bắt tụi em vô khiêng đi. Ông ta dời chỗ khác, nếu bỏ nằm đó, ông không chịu trách nhiệm.

Tôi định hỏi cậu ta ở đơn vị nào thì cậu reo lên:

- Em nhớ thủ trưởng rồi. Thủ trưởng cho em cái đùi bò và hai cặp dừa. Chúng em là em nuôi của chị Sáu Tĩnh đây.

Rồi cậu đập một cậu khác - Diệu, Diệu đến nơi rồi.

- Các cậu ở Q16, D2 của Tám Bá hả?

- Dạ đó là thủ trưởng của em. Ông nằm trên võng kìa!

- Có nặng không?

- Dạ không nặng mà cũng không nhẹ! Tụi Mỹ khó đánh ác ghê thủ trưởng ạ! Chúng em mãi nghe đài Giải phóng và đài Hà Nội mà nầm.

- Nằm gì ở đâu?

- Dạ nầm, tức nà nầm nẫn, nẫn nộn đấy ạ!

- Vậy lầm gì?

Thấy câu chuyện kéo dài tôi móc thuốc hút và mời cậu lính rồi bảo Lạn dựng xe nghỉ chân. Cậu lính vừa rít thuốc vừa xuýt xoa:

- Đồng chí tiểu đoàn trướng của em dắt chúng em đi tập kích đám Mỹ cụm ở gần Bến Dược. Sau trận mới biết chúng cụm quân khiếp lắm. Bên ngoài là hai bãi đổ trực thăng có thả chó kỹ thuật, kế đó là dây kẽm gai rồi tới xe tăng. Xong ở trong cùng mới tới bộ binh ạ. Chúng nó niên hoan với điếm ở bên trong có nhạc và rượu nữa ạ! Sau khi nó rút chúng em lượm được bao nhiêu là tàn dư!

- Rồi trận tập kích ra sao?

- Dạ chúng em ở xa xa bắn vào. Tức thì chúng trả hỏa. Ối giào, kinh khủng. Toàn súng máy. Rồi máy bay tới tung hỏa châu, rồi pháo bắn chận đường, trực thăng tới rà trên đầu bay cả mũ. Thế mà đài bảo là lính Mỹ gà tồ ra trận chưa thuộc động tác cơ bản. Ở trên R em nghe dũng sĩ Củ Chi như thần thánh, xuống đây em có gặp bà nào ông nào đâu.

- Thong thả rồi cậu sẽ gặp Võ thị Mô, Tư Gừng, Út Nhỡ. Cậu không biết chớ vừa qua nữ dũng sĩ Út Nhỡ đã diệt được một tên Mỹ dưới địa đạo kia đấy!(Từ quào tôi nâng cấp diệt.)

- Em thấy khó lắm thắt lưng Mỹ nắm thủ trưởng ạ! Mình còn ở xa mãi đâu nó đã quạt rồi, nàm sao nại gần mà lắm.

Tôi cắt đứt câu chuyện cù nhầy nhức tai, bảo:

- Cậu khiêng thương binh lên thẳng đường nầy nhé. Chịu khó vừa đi vừa hỏi ai cũng biết điểm của Tám Lê.

- Các đồng chí này cần giải phẫu sớm. Có hai cậu bị chạm vỏ não cứ nói nhảm, nói gì không nói lại cứ la: Bác Hồ bú bôi tao. Đảng muôn năm... cắn... cu tao? Thất chính trị bỏ mẹ nhưng tụi em đâu có bịt miệng kịp.

Tôi lên xe kêu Lạn phóng như chạy trốn. Lạn nói:

- Lính cứt ngựa hiền chớ gặp lính nhà mình nó rượt Tư Chuyền nó bắn cho tét đít.

- Tám Lê còn bị nữa là Tư Chuyền. Cái kiểu khiêng thương binh tới mà cứ xét tiêu chuẩn mới nhận hoặc không nhận thì sẵn súng nó rẹc thôi.

- Cái vụ tiêu chuẩn hồi trước không nghe nói, chỉ thấy từ hơn năm nay.

- Đó là do đạp cứt Ba Tàu. Bệnh nhân trước khi vô nhà thương phải được khám lý lịch. Bần cố nông mới được vào, cậu biết không?

- Ở bên Tàu hả anh?

- Ở Hà Nội, hồi cải cách ruộng đất đã xài cái công thức ấy đấy chú ạ.

- Vậy xuống địa đạo phải công thức gì?

Sông Sài gòn buổi sáng phẳng lặng như tờ, nhưng đừng tưởng đó là thơ. Giang thuyền sẵn sàng chờ đón bạn nếu bạn lơ tơ mơ không chịu vọt nhanh.

Trở lại Quê Hương yêu dấu Củ Chi tôi mới thấy Hòa Bình là quí giá biết bao. Trong mấy chục tiếng đồng hồ bình thường người dân dắt nhau đi chơi, nhậu nhẹc, đi tảo mộ. Dù không làm gì hết cũng vui đời. Thế mà tụi thằng Hồ thằng Duẫn không chịu thấy điều đó. Chúng cứ gào Anh dũng tiến lên trong khi chúng ngồi mát ăn bát vàng nhìn dân miền Nam anh dũng tiến lên trong mưa bom bão đạn. Cái mã mẹ chúng nó! Nếu giải phóng quân Miền Nam gồm vợ lớn vợ bé, dòng họ nội ngoại chúng nó chẳng có gào thét hi sinh đâu. Kêu gọi hi sinh thì dễ, nhưng hi sinh thì khó.

Lạn vác xe đạp băng ruộng, lên đường 15 thì mới chạy. Tôi đã từng đến đây nghiên cứu địa hình đánh Giang thuyền với cô xã đội phó nên nhận ra nhà của Sáu Mã Tử ở giữa đồng. Hắn có học lớp pháo binh Nhân Dân của tôi, nhưng từ khi Năm Cội bị thương ở Bào Lách thì Mã Tử lẫn Năm Đầu Ban đều thụt mất. Sau trận này, lòng đất Củ Chi chứa cả trăm bom pháo lép nhưng có ai dám đào?

Đang đi xảy gặp Tư Lan, cô bé du kích có lần tôi xung công phục vụ ở chỉ huy sở của tôi. Lạn nói với cô nàng:

- Ngồi buồn lại gặp chiếu manh. Tôi giao ông Tư Lệnh pháo cô dắt về B.M. dùm, tôi phải đi công tác hỏa tốc.

- Ảnh đi đâu cũng trở về B.M. Xí. Bộ hết chỗ rồi sao?

- Thì cơ quan của ảnh mà bà nội. Giữ B.M. nên kêu tắt là B.M chớ sao!

- B.M. là Bảy Mô chớ Bến Mương à!

- Chưa chi đã bể ghè rồi!

Nói vậy rồi Lạn phóng thẳng. Tôi hỏi Lan.

- Xã em bị thiệt hại nặng hay nhẹ vậy em?

- Nó lùa xúc hết trơn dân An Phú rồi anh ạ. Ba em cũng bị, chỉ lọt mình em thôi.

- Bộ em xuống địa hả?

- Địa gì? Xuống đó để rắn hổ mổ à? Em xuống hầm.

- Hầm không thông ra địa à?

- Có cái thông, có cái không. Nhưng từ ngày B52 cày đường 15 ai còn dám nữa. Anh có gặp ông Chín Tống cho em hỏi thăm.

- Thân mến dữ hả?

- Thân gì! Kỳ rồi em dắt đại đội của ổng đi pháo kích cụm Mỹ ở gần Nhà Mũ. Ổng cho đi có hai khẩu cối thôi, chớ phải đem nhiều thì quăng mất hết. Mới chuẩn bị lấp chân cối không hiểu sao tụi nó hay nó xổ cho điên đầu. Đạn ghim vô thân cây nghe pực pực ớn quá trời. Em với con Là chạy chưa ra khói vòng vây thì pháo Trảng Bàng câu tới. Con Là bị miểng sơ sơ. Còn em mất... khăn rằn đầu tóc.

- Bọn Tư Chuyền có né khỏi không?

- Ổng cho thương binh đi trước. Còn nhân viên thì chui hầm. Cũng may nó tìm được kho ông Bảy Hốt ở Bến Dược nên nó chăm chú vào đó, chứ nếu nó xuống xóm nhà chú Tư Thiên thì nó khui không sót một cái nào.

- Ở đó là ổ địa sao không xài?

- Ông Tư Chuyền bây giờ mới ló lên, Tết không có đồng bào, tụi con Nga thằng Quỷnh ăn bánh tráng cầm hơi trong đó. Mấy ông già nào lạ hoắc mới tới gần bên nhà con Là cất trại gọi là cơ sở sản xuất khu cũng bị xúc hết. Hồi hôm em mò lên đó. Xóm nhà vắng hoe nghe lạnh mình. Bà Tám Khỏe, chú Tư Thiên, chú Hai Bơi, bác Bảy Xe chui hầm nên không bị xúc.

Tư Lan có vẻ lo âu. Nàng nói tiếp:

- Ba em bị xúc, bỏ lúa chín không ai gặt. Em không có đồng xu dính túi. Em định kêu người ta đến bán lúa đứng nhưng đâu ai mua, nhiều người bị xúc ra ấp chiến lược trồi về tom góp đồ để trở ra chớ không ở nhà nữa. Họ nói ở ngoài Mỹ nó cho gạo, quần áo, và tôn lợp nhà. Họ rút cột nhà ra ngoài đó dựng chòi ở đó, nếu làm ăn được thì ở luôn.

- Du kích có bị xúc không?

- Hai đứa con chú Năm em mới vô bộ đội, quọt quẹt ba cái không biết cơ sở nhiều. Sợ nhất là ba em, nếu có người chỉ chọc ông là bí thư chi đội thì đi Côn Đảo chết luôn. À quên nữa, ông Sáu Mã Tử lấy được đồng hồ phi công...

- Máy bay rớt tụi nó tới vớt phi công tức thì, đồng hồ đâu mà lấy?

Lan kỳ kèo cho tôi ghé bằng được nhà nàng, ngôi nhà còn nguyên nhưng bên trong hoang tàn. Nàng bắt tôi phải ở lại ăn cơm với thịt gà, như bữa cúng ông bà mồng hai Tết. Không có cây nhang, không một ly rượu, không cả trà.’

Mà chắc ông bà cũng đi qua bên kia sông Sài gòn lánh nạn chớ có ở nhà đâu mà hưởng. Ăn xong tôi khoác AK sửa soạn đi. Tư Lan lột ra, nguých:

- Anh Hai không để ý để tứ gì hết á!

-...?

Tôi nhìn nàng như muốn bảo. "Thì bây giờ để ý cũng chưa muộn. Được không?"

- Hôm bữa ở trong chỉ huy sở em nằm kế bên mà anh cũng không gì...

- Anh muốn điên đầu vì trận địa sắp nổ súng, đâu còn tình cảm nào khác..

- Xí lúc nào cũng vậy... Hứ! Thôi, nghỉ anh đi...

Tôi lên đến văn phòng D8 của Ba Tố thì gần đúng trưa. Hai chân kéo lê hết muốn nổi.

- Còn ngưng bắn không già Tố?

- Kệ mẹ nó thầy, ngưng không ngưng cũng vậy thôi. Thầy vô đây ăn Tết với tụi tôi cái đã.

Năm Dùng nói tía lia.

- Tụi tôi nghe tin thầy tử vì đạo, định cử phái đoàn tới thăm, nhưng chưa kịp đi vì bận họp đội đại hội ve chai, thì thầy tới vậy xin mời thầy chủ tọa luôn.

Sáu Đồng Đen (có nước da lãnh đạo) tiếp:

- Nghe nói thầy được tiên cô cho hai bầu linh dược mà tái sanh hả? Mùi đó hấp dẫn không cho tụi này biết với?

Cả bọn cười rần rần. (Đám cán bộ đại đội gồm Ba Tố. Năm Dùng, Sáu Uya, Chín Tông, Sáu Lức, Út Thành, Sáu Đồng Đen sau này chết hoặc bị bắt hết.) Ba Tố là người ít ăn ít nói và kề cận trong công tác với tôi nhất, đỡ cho tôi:.

- Các cha muốn biết linh dược mùi gì thì xuống địa, giả bộ chết, tôi sẽ kiếm cho hửi.

Sáu Uya nói:

- Nó đòi các cô tiên sản xuất linh dược kia chớ đâu cần linh dược...

Sáu Đồng Đen cười cạch cạch như súng thụt lòng:

- Tôi không cần cô tiên cũng không cần linh dược chỉ cần cái bầu đựng linh dược thôi.

- Cái bầu của chị hĩm ở Thanh Hóa bể rồi cha nội ơi!

Thấy Sáu Lức vẻ mặt buồn xo, tôi hỏi tại sao. Lức nói:

- Tết nhớ nhà quá thầy Hai ơi!

Bàn tiệc bỗng nhiên tắt tiếng cười, mặt thằng nào thằng nấy méo xẹo, Năm Dùng đập tay xuống bàn:

- Lê Dương coi bốn biển là nhà lấy rượu làm cơm, thằng nào buồn bị phạt.

- Cách mạng sắp thành công rồi, buồn gì? Nè, tôi chứng minh cho coi.

Út Thành cầm cái hộp khui ra, trút cục thịt vô dĩa rồi nói.

- Kỳ thầy Hai mới xuống Củ Chi, mình thành lập hội ve chai ở nhà con Là, mình nhậu thịt chuột nhiễm hóa học với bác sĩ Tư Chuyền, kỳ này mình nhậu thịt Mỹ, còn đòi gì nữa?

Chín Tống lắc đầu:

- Thôi cha non ơi! Chút xíu nữa tôi rửa chân leo lên bàn thờ ông bà rồi.

Sáu Uya cười ha hả:

- Ông biết tại sao không? Tại ông nhờ hai tiên cô Là và Lan dắt đường mà không được tiên cô cho hửi trước lấy hên.

Cả bàn tiệc cười rần phát nữa, hứng thú trở lại. Sáu Lứccũng cười theo. Năm Đùng vỗ vai tôi:

- Thầy Hai qua sông trở về sao coi bộ bèo nhèo vậy?

Sáu Lức đáp thay:

- Chắc thầy cần thêm... Ráng về BM tôi xin linh dược dũng sĩ cho thầy.

- Em Bảy Mô chui giỏi nên chưa bị xúc. Bầu linh dược chắc còn đầy.

- Không!Linh dược của dũng sĩ Út Nhỡ mới cực mạnh!

- Ý đừng ngạo nó nghe, nó quào trầy mặt Mỹ chớ tụi mình có làm được gì!

Một bầy lãng tử lưu linh ăn uống nói năng văng mạng coi trời bằng vung. Nhờ vậy gạt phăng đi được nỗi buồn vạn kiếp xa nhà. Nhậu xong tôi vác AK một mình ngất nghễu đi về Bến Mương thân yêu. Xa cái mảnh đất nhất thần thổ này có một đêm mà sao nhớ. ước gì gặp một em cặp kè vừa đi vừa hú hí đỡ buồn. Tôi nghe nôn nao trong lòng. Không biết việc gì đang chờ đợi ở nhà.

Mỗi một đoạn đường của đất Củ Chi đều ghi một kỷ niệm của tôi: chiến đấu, tình yêu, bạn bè, sống chết, vui buồn lẫn lộn. Ở đây tôi gặp ông Ba Râu kháng chiến hai mùa đi liên lạc hồi chín năm, bây giờ là quản kho. Ở kia, cặp Chín Lộc, Hai Xót ăn sầu riêng với nhau. ở gần chợ An Nhơn được Tám Phụng, Bảy Mô đãi nước mía khi tôi mới về nhậm chức H6, đoạn đường này nàng Lia đèo tôi đi, ở khúc quanh đó là rẽ vào cái hầm cá trê của ông Tám Giò. Nhà má Mười, vườn bà Tám, lò chén, cây dừa cây cau bụi chuối ở Bến Mươngđền quen mặt tôi như tôi sánh đẻ ở đây vậy. Riết rồi trẻ con cũng gọi tôi là Thầy Hai, cái tên thân mến cho cả vùng.

Về đến chợ An Nhơn thì chân bước ngập ngừng. Ở đây tôi thuộc từng mái phố lá. Tôi đến đây cô sẫm lai còn ung dung bán xi-rô và cho tôi mượn quyển Buồn Nôn. Tên Bọ Chét quay phim cảnh Đấu Tranh Chính Trị với Ngụy Quyền với chục rưởi con nít tham gia, cũng ở tại đây tôi nhậu với Tư Linh tại chiếc quán cóc xơ xác mà đã vô cùng. Bây giờ không còn gì, không có ai lui tới.

Cái quán Chệt Tư bán cho tôi với giá không xu nào, lại gả cho tôi cả đứa con gái xinh đẹp tên Mính (mà tôi không dám nhận) bây giờ đã tan tành. Sau khi tái sanh tôi đã làm Bao Công mở cửa tiệm chẩn bần cho dân để tạ ơn trời đất. Lớp cho vợ Bảy Nô đem về Phú Hòa Đông, lớp cho Tám Nghi cung phụng Năm Lê, lớp tặng người nghèo như bà Sáu Bầu. Tám Đột cũng ăn có một phần. Nhờ cái quán này tôi có vải liệm thằng Đức và má Hai, may quần áo cho nhân viên H6, chu cấp tiền cho Tư Lan, Lụa, Là, Tư Chuyền v.v...

Một sự giàu có bất ngờ, tôi hiểu ngay đó là của trời cho nên tôi trả lại cho thế gian. Gã Lê dương nằm xuống cũng chỉ được như thằng Chi là quí rồi. Dăm bảy người đưa ra nghĩa trang, vài dòng nước mắt. Một cái hòm đóng bằng gỗ tạp, quần áo lỏng lẻo phải độn thêm hai khúc chuối cây. Thế đó. Vinh quang ra phết.

Đi một mình, tôi lại nghĩ dại. Nếu bất ngờ một trái pháo mồ côi rơi xuống đây, mình chết, cha mẹ ở nhà đâu biết mà cúng cơm? Bất giác nước mắt tuôn trào rồi chảy xuống môi. Tôi quệt ngang, như sợ có ai trông thấy. Bỗng có tiếng kêu:

- Anh Hai đó hả?

Tôi quay lại và nhận ra tên thiếu úy chăn bò Tư Thêu.

- Mày đi đâu vậy Thêu?

- Đi kiếm chỗ làm kho, cái ở dưới Phú Mỹ Hưng tiêu tùng rồi.

- Cái bên Bưng Còng cũng tiêu. Gạo đâu lính ăn?

- Tại tụi Mỹ chớ phải tại tụi em đâu. Giấu ở ngách nào nó cũng bới ra đốt hết. Hầm hố nó cũng đào dập hết. Anh biết trên Bến Mương này có chỗ nào làm kho được không?

- Lên đó tìm chớ tao không rành.

Đột nhiên Thêu ngoẹo cổ mếu máo:

- Làm thế nào chớ kiểu này chắc chết quá anh!

Tôi làm thinh. Trong bụng lại vang lên lời ông Tư Lệnh chỉ thị:

1- Bám theo dân, đưa chiến tranh vào ấp chiến lược.

2.- Đưa ác liệt vào đô thị.

3.- Địch ngụy vận làm tan rã ngụy quân ngụy quyền.

4.- Diệt từng đơn vị quân đội địch.

Bốn điểm đó, làm sao thi hành nổi với tình hình này?

Tôi hỏi một câu vô nghĩa:

- Mày thấy tình hình ra sao Thêu?

- Anh thấy chớ em có thấy gì khác ngoài mấy cặp bò xe và mấy cái kho.

- Hầm và địa không ở được nữa à?

- Thứ đó bây giờ lạc hậu hết rồi anh à!

Tôi lặng thinh, bước đi nặng chình chích. Thêu than thở:

- Hầm Hố đâu còn anh Han Hố Bò bây giờ thành Hố chuột rồi anh không biết sao? Sau Xê-đa-phôn, em không còn gặp ai hết. Con Là lãnh được cây côn của thằng phi công Mỹ rồi biến đâu mất với chú Xã đội trưởng chỉ huy hai ông Mã Tử và Đầu Ban.

- Còn chú Tư Thiên đâu?

- Ổng cũng thăng thiên độn thổ đâu biệt tăm rồi.

Tư Thêu nhìn tôi cười hí hí. Tôi gạt ngang:

- Thôi mày!

- Anh đâu có túng thiếu gì mà phải...

Thấy tôi vẫn làm thinh, Tư Thêu chồm qua mặt bàn liếc chừng mấy người khách ngồi bàn bên cạnh rồi đưa tay che miệng nói nhỏ rí:

- Bà Tư Lệnh có tới ba tiểu thư hả anh? Anh qua bên sông chuyến này sa hủ nếp rồi.

Tôi gạt ngang nhưng bụng nghĩ thầm: sao nó nói trúng bon? Tư Thêu tiếp luôn:

- Cô nào cũng đẹp. Nhưng con út thì mới quá dò. Xé phai cũng được nhưng tội gì ăn thịt gà dò trong lúc có gà tơ. Theo em thì con giữa đẹp sắc sảo nhất, lanh lợi và biết tâm lý khách, nhưng anh muốn cưới làm vợ thì phải chọn con chị. Con chị đoan trang nhu mì, ít hay cười với khách.

- Sao mày biết rõ vậy?

- Thì em cũng có tới quán đó uống la-de để rửa sơ cặp mắt. Ngó hoài mấy bà cố nội dũng sĩ nịt xanh-tuy-rông của Mỹ, vác AK ăn nói rổn rảng cũng chán chớ anh. Nên em tới đó để thưởng thức mớ tóc bồng, cái áo ni-lông mỏng thấy dây xú-cheng... hớ hớ. Anh thấy chung quanh ổ của ông Tư Lệnh có nhiều quán cóc ghê chưa? Nhưng cái quán của bà Tư Lệnh là đắc khách nhất. Có thể nói là không có ông lớn ông bé nào không đến trình diện.

-Thì ổng ở đó.

- Không...! Trình diện các nàng Kiều kia. Nhưng tôi chắc không ông nào vô nổi cái cửa tò vò đó đâu. Các nàng có học thức, không có chịu cỡ thiếu úy chăn bò như em. Còn thượng úy thì... già cóp bình thiếc, các cô toàn oánh phủ đầu bằng hai tiếng chú, bác. Nghe các nàng hô như vậy quân ta đâu có tinh thần mà xung phong bịt lỗ... châu mai nữa.

Bụng nghĩ tới Lụa, người góa phụ trẻ một con yêu tôi và hiến dâng cho tôi cả thể xác lẫn tâm hồn. Tôi luôn luôn nghĩ tới sự bất hạnh của những người đàn bà chết trận. Lụa, Mười, Tư Mai, chị Chín Kiểu... Có người đã chịu cảnh phòng không gối chiếc hai mươi năm. Và dì Ba, mẹ của Khánh Ngọc nữa. Đến bây giờ con gái đã đổ tú tài mới đi bước nữa với ông Tư Lệnh mà cũng oánh du kích chớ đâu dám ra mặt vì ông còn có bà lớn. Trí óc tôi vướng vít vào chuyện ông Tư Lệnh. Ông ở đây quá lộ liễu. Cái vùng này rồi sẽ tan hoang. Mỹ nó nuôi béo để mổ thịt chớ nào phải nó đui mù gi!

Tư Thêu giục:

- Về Hố Bò đi anh Hai! Coi con Là có đó không?

Tôi ngẫm nghĩ một chút rồi lắc đầu.

- Để tao về Bến Mương coi công việc ra sao.

- Thì mai về! Bến Mương cũng còn đó chớ có dời đi đâu mà anh sợ.

- Không được.

Nói xong tôi quay đi. Tư Thêu kêu tôi hai ba tiếng nhưng tôi làm như không nghe, cứ lũi đi. Vì nếu quay lại nó sẽ cám dỗ tôi. Chỉ một câu thôi tôi cũng xiêu lòng.

Trời chiều vàng ối buồn tênh. Nhà cửa ruộng đồng không một bóng thấp thoáng. Con đường bị B52 cày năm nào vẫn còn lởm chởm, có nơi đứt như thân rắn bị chặt ngang, nhiều hố bom dưới ruộng đã thành đìa, ai thả chà, cá úc lưa thưa trên mặt nước. Một chú chim thằng chài từ đâu bay sà xuống đậu trên cành cây khô để rình xớt cá... nhưng chợt thấy tôi vọt bay đi. Đất ruộng khô nẻ. Vài nơi đã gặt. Còn cả đồng lúa chín rạp sao chủ bỏ đi đâu không thấy ngó ngàng tới? Tết nhất mà cũng không về nữa sao? Ly hương ngay trên quê hương! Cảnh trời chiều làm cho tôi não ruột và nhớ nhà. Tôi sực nhớ ra là tôi có ý định rước má tôi vào từ lâu mà chưa thực hiện được. Định lợi dụng mấy ngày hưu chiến (hình như có 24 tiếng đồng hồ thì phải) nhưng lại có lệnh khẩn... Bây giờ đã sắp hết hạn rồi. Tôi đi bươn về cơ quan. Cái Tết này thật là y như lời của Bác.

(Đám lính đọc xong ứng khẩu họa lại)

Cô Thu nấu bếp, người con gái quê mùa, đã cứu tôi dưới địa đạo và chồng là cậu quản lý đi móc gia đình để xin tiền làm đám cưới, đã về. Thằng Đỏ thủ trại luôn ba ngày Tết.

Gặp lại tôi như gặp lại gia đình. Cả ba chạy ra mình tôi ríu rít. Tôi mệt nhừ, chui xuống hầm ném cây AK nằm vật ra.

Thu đứng ở miệng hầm hỏi thăm lăn xăn, còn thằng Đỏ thì càu nhàu:

- Cán bộ tiểu đoàn người ta đi có cận vệ còn anh đi đâu cũng vác AK đi một mình. Xe đạp cũng không chịu dùng!

Bỗng cậu Quản chạy vô báo cáo:

- Có mấy ông D8 đến tìm anh. Tôi nói anh vừa về mệt lắm, để anh nghỉ.

Tôi ngồi dậy bảo.

- Cho vô.

Tôi nghe có tiếng trọ trẹ của Sáu Uya.

- Thầy Hai lên lon lên gáo rồi? Phải đãi anh em chớ!

Tôi chui ra hầm. Cả một đám võ tướng súng ống khua lộp cộp: Sáu Uya, Năm Thủ, Tư Tây, Chín Tống, Tôn Sứt, Năm Thủ và ông chánh trị viên Sáu Phấn của tôi. Sáu Uya nói tiếng nặng chình chích:

- Kỳ này thầy Hai ra chỉ huy Bộ Binh thì D8 mình mới ngóc đầu lên nổi.

Tôn Sứt cười, với cái môi chưa vá:

- Chuyện đó tính sau. Bây giờ anh Sáu có gì ngon làm một bữa tiễn chân thầy Hai.

Cô Thu bắt hết ba con gà tự túc luộc xé phai. Sáu Phấn về nhà lấy rượu đem lại. Thằng Đỏ và vợ chồng cậu Quản sửng sốt nhìn nhau. Thằng Đỏ hỏi:

- Anh Hai được thuyên chuyển hồi nào?

Tôi được Tám Hà, Phó Phòng Chính Trị Quân Khu, đề bạt quyết định của Bộ Tư Lệnh bằng miệng. Anh giải thích cho tôi nhiệm vụ sắp tới của Quân Khu và bảo rằng chỉ có tôi mới đưa Tiểu đoàn I lên được. Để mấy ông già lụm khụm Ba Châm, Út Lịa, Hai Phái chỉ huy thì chỉ có chết lính v.v... Nói xong ông Phó Phòng đãi cho tôi một ly nước lá ổi và hai cục kẹo mè rồi tiễn tôi ra khỏi miệng hầm không quá ba thước tây. Tôi là con ngựa chiến. Tướng nào cũng cỡi được. Trận nào cũng xông lướt, cuối cùng là ngã quỵ, nhưng chiến công được ghi và sử sách thì bảo đó là của tướng nọ, tướng kia chớ đâu có ghi tên con ngựa. Nhưng công bình mà nói tướng không có ngựa không đánh giặc được. Bộ binh hay pháo binh cũng đều là những con ngựa chiến mà thôi. Nhưng tôi ra chỉ huy bộ binh thì có khác: Chết dễ hơn ở pháo binh. Thế thôi! Tôi biết trước việc thuyên chuyển này sẽ làm cả H6 buồn và quyến luyến nên tôi cố giữ nhẹm đến phút chót là hôm nay.

- Sắp thành lập Trung Đoàn rồi đó các cha!

- Cái tai hại là ở trên giao cho ông cụ Ba Châm làm E trưởng!

- Thôi chuyện đó còn lâu. Bây giờ hãy nói chuyện Mỹ vô đông quá làm cho nắp hầm bí mật lên giá đây nè! Thằng Mã Tử ăn 500 một cái.

- Các cơ quan lo, chớ mình ăn thua gì?

- Giỡn hoài cha, có khi mình cũng xuống hang trầm chớ!

- Chỉ thị của Bộ Tư Lệnh là lính tuyệt đối không có xài hang

- Phải tùy cơ ứng biến chớ cha nội! Nguyên tắc cứng ngắc sao được.

Cả bọn đấu khẩu bạt mạng bỗng bật cười. Sáu Uya trọ trẹ toàn dấu nặng:

- Nguyện tặc thị cọ khi cựng ngặc, nhựng cọ khị phại mệm dẹo mợi được chợ.

Đang thiếu đề tài lại nghe ông Triều Đình bỏ một hơi cả chục cái dấu nặng cả bọn Nam kỳ xoay vào chọc ghẹo. Tôn Sứt bảo:

- Bữa nay tiễn chân thầy Hai, nhưng tôi xin hỏi đồng chí Uya, anh em mình nhậu như vầy đã đủ chưa?

Sáu Uya nhấp miếng rượu rồi gật.

-Đụ rồi! Đụ rồi!

(Mọi người bụm miệng) Chín Tống hỏi gằn:

- Tôi thì chưa đủ, còn anh đã đủ rồi à?

- Thời kỳ chiến tranh, Mỹ vô Đồng Dù mà mình còn ngồi đây nhậu như vầy là đụ lắm rồi.

- Anh thấy đã thiệt hả?

- Đụ rồi! Đụ rồi! Đạ lặm đặ lặm!

Mọi người không nhịn được nữa bèn buông tay ra, kẻ ngửa cổ, người đập bàn, cười rần lên một hồi. Sáu Uya không hiểu tại sao, cứ gật gù nhâm nhi:

- Đụ rồi? Các cha còn đòi gì nữa?

- Ai có đòi gì đâu?

Tư Tây là tay tắn mắt nhất trong hàng cán bộ đại đội vẫn chưa chịu thôi. Tư Tây bảo cô Thu cho xin một chén nước mắm và một muỗng mỡ heo. Tư Tây cầm dĩa nước mắm hỏi Sáu Uya:

- Nước gì đây?

- Nược mặm chợ nược gị!

Tư Tây lại đưa muỗng mỡ và hỏi.

- Còn cái này?

- Đọ là mợ lợn.

Tư Tây bảo:

- Chút nữa nhậu xong mình phải ăn vài chén cơm để giằn bụng. Bữa nay quản lý không chạy đồ ăn kịp vậy tránh ăn đỡ món này nghe anh Sáu!

- Mọn gị!

Tư Tây đổ muỗng mỡ ra dĩa rồi khuấy lia, bảo:

- Món này nè.

Sáu Uya kêu lên:

- Nược mặm độ lộn mợ ăn thì tuyệt rồi!

- Anh nói cho đúng dấu đích-tê nghe coi anh Sáu? Nói vầy nề: Nước mắm đổ lộn mỡ.

-Nược mặm độ... - Sáu Uya ngưng lại và cười -Các cha phá tôi hoài!

Nhưng Năm Thủ còn chưa tha. Năm Thủ móc túi ra một tờ giấy bạc và hỏi:

- Cái này gọi là gì?

- Giấy nặm động.

- Một phần mười của năm đồng là bao nhiêu?

- Nặm cặc!

Cả bọn lại cười rộ lên. Tư Tây bảo:

- Anh đã đem nước mắm đổ 1... mợ rồi lại còn nắm c...người ta nữa. Như vậy thì mất quân phong quân kỹ. Phạt một ly bầu!

Sáu Uya nín mũi uống.

- Các cha chơi ác quá. Thôi, đụ rồi đó nghe.

- Lại đụ! Tại sao anh cứ ham bỏ dấu nặng vậy? Đâu anh nói đủ coi.

Sáu Uya vẫn phát âm y như trước.

-Đụ!

- Lại cũng đụ. Mới đây mà làm hai ba phát không bỏ dỡ phát lào.

Sáu Uya chùi mép bằng tay áo và bảo:

- Thì tại trời bảo vậy mà: Anh yêu em vì bởi chữ u, Bỏ thêm dấu nặng chữ đ đứng đầm

Từ đó Sáu Uya có biệt hiệu là Sáu Đổ Lộn Mỡ.

Ngày hôm sau cậu trinh sát Tiểu đoàn đến dẫn tôi về đơn vị. Cậu bé tên Thung. Nói là bé nhưng cũng đã hai mươi tuổi. Thung sanh đẻ ở Sa-nhỏ nên thuộc đường các vùng ven Quốc Lộ I và Tỉnh lộ số 7. Trước khi về nhậm chức, tôi được một tuần lễ nghỉ phép. Tôi bèn bảo Thung dẫn tôi ra Ràng để tìm cây móc móc gia đình. Ai muốn móc cũng phải ra đây. Nhưng cái số tôi là số không thoát khỏi những bộ móng mềm của cọp cái. Tôi vừa ra tới Bàu Đang gần mã thằng Chi chết trong trận pháo kích Trung Hòa thì gặp cô Nga nhỏ đi lơn tơn một mình, coi có vẻ bạt mạng lắm.

- Em đi đâu vậy Nga?

- Em đi móc má em bên Bình Dương, còn anh?

- Anh đi móc má anh dưới Thầy Gòn!

Nga cười khoe hai hàm răng rực rỡ:

- Hồi hôm em hổng có nằm chiêm bao mà sao sáng nay lại gặp, kỳ chưa?

- Em hổng nằm chiêm bao thì anh nằm.

- Không hẹn...

-...mà gặp mới hay chớ! Bao lâu rồi em không gặp má?

- - Gần hai năm. Còn anh?

- Hai chục năm!

- Trời đất!

Thiệt chớ đùa sao?

- Em đâu có nói anh đùa, nhưng lâu quá hà?

Tôi nhắc chuyện băng bó cái móng chân của em hồi năm lúc tôi mới về Củ Chi và bảo:

- Ước gì em vấp chảy máu cho anh băng như hồi tối hôm đó!

- Chị Là thiếu chút nữa ăn thịt em! Nhớ không? Anh vô C5 có một lát mà chỉ đi vô bắt anh về.

Thằng Thung điệu đàn. (Nó cũng biết Nga ở quân y của Tư Chuyền. Cả Củ Chi biết nàng Hằng Nga này mà!) nên khi thấy anh hùng ngộ thuyền quyên mết nhau nó bỏ đi xa phía trước và không ngó lại. Thỉnh thoảng tôi nắm tay nàng rồi buông ra chớ không dám nắm luôn, sợ thằng bé có mắt ở sau lưng. Nga nói với giọng châm chọc lẫn hờn mát:

- Anh ra ngoài đó chắc gặp chị Chín Hòa. Chỉ cũng thường đi móc gia đình dùm các anh.

- Sao em biết?

- Em có lính tính như vậy?

- Linh linh thường khi trật lất!

- Chị nào nghe nói về anh cũng nôn nao muốn gặp. Còn người đã gặp anh nhiều lần rồi anh cũng bỏ xó!

- Ai vậy?

Nga lặng thinh quay mặt ngó bên lề đường. Một chốc nói:

- Nhưng em không có gặp chị đó mà em nhờ người khác móc.

- Nếu tiện anh nhờ chung cây móc với em cho đỡ tốn tiền.

- Anh biết chị Tám Lệ không?

- Anh không có quen với ai vùng đó hết.

- Còn không quen?

- Thiệt. Anh có ra vùng Ràng nghiên cứu kỳ đó rồi về.

- Vậy mà để khổ cho người ta.

- Anh làm gì mà để khổ?

- Anh biết ai tên là.... Nhưng ở xóm đó kêu là Quắn!

Tôi giật nẩy người. Chết rồi. Nga khui trúng tủ. Nga tiếp:

- Quắn là cứu thương ấp. Nó vô quân y học và xin thuốc... gặp em hoài mà.

- À, à...có Cô ấy băng cho ông Quận Hai Khởi kỳ đó.

Nga điềm nhiên tiếp:

- Cổ bảo là quen thân với anh lắm phải không?

Tôi chưa biết nên chối hay nhận, nếu chối thì chối cách nào. Nhưng cũng may, Nga trỏ về phía Trung Hòa và bảo:

- Uổng công cho anh pháo kích!

- Tại sao?

- Anh bắn bay cái chuồng cu, nay nó cất cái mới cao hơn. Đi nhanh qua khoảng trống, núp vào bụi cây để nó trông thấy

Thằng Thưng đứng nép bên bụi cây chờ tôi tới, bảo:

- Mình ghé quán Ba Cô xã chút đi anh!

- Quán nào nghe lạ vậy? ở vùng trại Giàn Bầu này chỉ có quán cô Chín thôi mà.

Thung tuôn luôn một tràng làm như nó đã sắp trước mọi chuyện và tôi không biết gì hết.

- Ba Cô ở trên An Phú mới tản cư ra coi nới lắm. Anh vô thì chắc như bắp. Còn nếu không khoái thì tạt qua quán con Khuân. Con nhỏ này là cháu của tôi. Tôi kêu má nó bằng chị... Con nhỏ này hơi đô nhưng mặt mày coi khá lắm. Dô nó thì anh khỏi lo tài chánh, hút cáp-tăng trớt mỏ. Má nó làm tổ trưởng tổ xe bò của ông Bảy Hốt mỗi đêm tải gạo được bảy ngàn đồng lận. Gia đình nó không liên hệ gì ngoài thành hết. Anh khỏi lo bị qui mất lập trường. Mất gì thì kiếm lại dễ chớ mất lập trường thì muôn năm kể như đi luôn. Đó, như con Bảy Mô dũng sĩ số 1 trên R gởi nhà báo nhà quay phim tới gặp nó, Liên Xô cũng đòi gặp nó, nhưng nó chỉ làm tới đội phó thôi, chớ không lãnh đạo được.

Thằng Thưng đi ngang tôi và nói liên miên. Tôi làm như không rành, nên hỏi:

- Tại sao vậy cậu?

- Tại vì nó là địa chủ. Ba mẫu sầu riêng. Cả trăm mẫu ruộng.

Tôi cười thầm:

- Cái thằng này lém ghê!

Nó trỏ vô xóm:

- Tiểu đoàn mình đóng vùng này. Văn phòng tiểu đoàn và C4 đóng ở đầu trên kia. Cl và C2 đã kéo xuống Phú Hòa Đông do ông Ba Châm, TuưNhựt và Út Lịa chỉ huy có ông Tư Công tổ trưởng trinh sát đi theo.

Ngang mấy nhà có lính, vài cậu trêu chọc phóng ra:

- Ê! mày dắt em tao đi đâu đó mậy? Đừng có làm bậy bạ nghe!

- Mày dắt đùm bà xã tao đi qua nhà bà già vợ tao nhé!

Thưng quạt trả:

- Người ta là mèo của thủ trưởng đó. Tụi mày vác sào quơ còn chưa tới.

Tôi bảo:

- Nè, Thưng, nếu có ai hỏi anh, em nói anh tên là Hai Hà nghe!

- Tên gì nghe con gái vậy?

- Trước là Hai Lôi. Giờ đổi ra Hai Hà. Hết làm Thiên Lôi lại hóa thành Hà Bá!

- Tụi Mỹ vô Đồng Dù đông nghẹt. Dân đi chợ Bắc Hà về nói đó là Tía chớp nhiệt nhót hay Anh Cả Kiết gì đó. Tui nói thiệt với anh Hai, là nếu nó đừng chơi B52 với pháo bầy, chỉ xài Bộ Binh thôi là tui chấp nó bắn một chục la phan, tui chỉ bắn một viên.

- Em không ngán cá lẹp, bù nốc à?

Thằng Thưng ngẫm nghĩ giây lâu rồi gật đầu:

- À quên! còn hai món này nữa. Cá lẹp bắn dai như trâu đái còn bù nốc xoáy bay nóc nhà quăng lựu đạn xuống miệng hầm... ờ ờ cũng ngán chớ.

- Em không ngán xe tăng à?

- Dạ ngán chớ thủ trưởng. Nó vừa bắc cầu Bến Mương để rượt mình đó. Nó càn dẹp hết miệng địa, miệng hang.

- Em không ngán chó đánh hơi hầm à?

- Áy dà dà... Nghe mấy bà đi chợ Bắc Hà về nói trong Đồng Dù có nhiều chó lắm. Con nào con nấy bằng con bò, em ớn quá! Thứ đó đánh hơi thì trúng phóc, làm sao mình phục kích được anh? Nhưng em ngán nhất là...

- Là gì?

Thằng Thưng cười:

- Nói vậy em không ngán cái gì hết. Chỉ ngán mấy cô y tá cưa dò! Rồi Mỹ chụp không chạy được!

Nga bật cười.

- Cái anh này!

Thưng cười hắc hắc:

- Mấy ngón tay của mấy cô mềm nhưng ác lắm, rờ tới đâu rụng tới đó! Thôi ghé vô C3 kiếm ba hột bỏ bụng rồi đi tiếp anh chị! Đường còn xa!

Thưng dắt tôi vào xóm đóng quân. Người tôi gặp đầu tiên là Hai Phái chính trị viên D (lính gọi là CTV dê). Thực ra Hai Phái không dê ai có kết quả cả mà chỉ mang tiếng thôi. Hắn là người gốc rau, uống rượu thì nhăn mặt như khỉ già ăn bần, hút thuốc thì chỉ phà khói ra, đến gần nghe mùi quần áo đến phát ói. Hành quân thì để lính lội bộ còn hắn đi xe đạp. Thằng Thung và thằng Khánh, liên lạc viên của y, bảo:

- Em chẳng thấy ông tắm nguyên con bao giờ mà chỉ cởi áo nhúng nước lau khúc trên rồi mặc áo vô. Vậy là xong. Lâu lắm mới thấy ông giặt đồ. Em bảo: Thủ trưởng đưa em giặt cho, ông xua tay: Thôi... thôi... chưa cần. Theo ông Chín Câu, phó chính trị viên Tiểu đoàn, nói thì ổng không có sổ sách gì hết. Toàn nhớ tuồng bụng. Tiền phụ cấp mỗi tháng 500, không xài một xu với lính, chi để đãi các cô dũng sĩ. Có cây K54 nhưng không bao giờ chùi, người sao của vậy, nhưng được cái là em nào mượn ổng cũng cho.

Hai Phái dắt tôi đến nhà của Ban chỉ huy đại đội 3, gặp lúc các ông đang uống trà úp, nghĩa là dùng cái chén úp lên cái tô châm nước rót uống chớ không có bình. Hai Phái nạt:

- Thấy Tiểu đoàn tới sao không chào hỏi?

- Dạ, tụi này không được báo trước.

- Dạ, đang mặc quần tiều mà đứng dậy bất tiện quá thủ trưởng à!

Hai Phái xua tay.

- Ờ phải! Thôi miễn.

Rồi giới thiệu:

- Ông răng hô này là Út Sương, chánh trị viên C; ông gà mờ này là C Trưởng, ông chăn bò này là C Phó.

Rồi quay lại tôi:

- Cho các đồng chí biết đây là Tham mưu Trưởng Tiểu đoàn.

Ban chỉ huy C đều biết tôi cả nên thân mật mời uống trà.

Bỗng một người ở đằng sau nhà bước vô. Hai Phái giới thiệu luôn:

- Ông này ở trên mới đưa về tên là Ba Nhẫn CTV phó đại đội

Kể từ đây về sau, xin viết theo ký hiệu bộ đội Việt Cộng dùng trong thời chiến theo kiểu Trung Cộng:

F: Sư đoàn

E: Trung đoàn

Et: Trung đoàn trưởng

Ef: Trung đoàn phó

Ev: Chánh Ủy Trung đoàn

D: Tiểu đoàn

Di: Tiểu đoàn trưởng

Df: Tiểu đoàn phó

Dv: Chính tri viên Tiểu đoàn

Dvf: Phó chính trị viên Tiểu đoàn

C: Đại đội

Ct: Đại đội trưởng

Cf: Đại đội phó

Cv: Chính trị viên Đai đội

Cvp: Phó.chính trị viên Đại đội

B: Trung đội

B t: Trung độ i trưởng _

Bf: Trung đội phó

A: Tiểu đội trưởng

Af: Tiểu đội phó.

Ba Nhẫn nói:

- Mới thấy thầy Hai ở bên kia sông Sài gòn bây giờ về đây lại gặp.

Tôi ngạc nhiên nhìn Ba Nhẫn.

- Ủa, đồng chí thấy tôi ở đâu?

- Trong quán ba con Thỏ Bạch chứ đâu!

- Quán Ba Cô hồi nảy hả?

- Không... Quán bên Bến Cát kìa. Người ta uống nước đá bằng ly. Còn anh uống nước đá trong lòng bàn tay em bụm. Tôi ngồi trong góc nhà chớ đâu. Anh mút mấy ngón tay của người ngọc mà! Đã thiệt!

Hai Phải lỏ con mắt:

- Thỏ Bạch ở đâu vậy?

- Má mấy cô đó cáp với ông chánh trị viên D thì vừa.

- Hề hề! Vậy để bữa nào ông Tham mưu trưởng dẫn tôi qua coi mắt chút nghe!

- Ngặt một điều là chắc mấy cô ấy phải kêu ông bằng bác!

- Sao vậy?

- Tôi nói là má của mấy cổ kia mà! Nhưng má của mấy cổ cũng bị người ta đỡ đầu đỡ luôn cả đuôi rồi! Mà tôi khuyên cho mấy cụ nhà mình, có qua bên đó thì chỉ uống nước đá rồi bịt mắt ra đi chớ có liếc qua liếc lại nghe chưa. Có ông kẹ nằm_trong buồng.

Định ghé nghỉ chân rồi đi móc, chẳng dè lại dính vô công tác. Hai Phải cho tôi biết kế hoạch tác chiến. Sau vụ pháo kích Đồng Dù và Trung Hòa quân Mỹ truy lùng gấp mười lần trước đây. Củ Chi, Bến Xúc, Bến Cát v.v... đều trở thành những vùng oanh tạc tự do (Destroyed zones). Không một cơ sở nào đứng được. Cả đến du kích cũng chạy lang thang. Đám dũng sĩ của Bảy Mô, lớp nhảy vô cơ quan, lớp vào bộ đội hụ hợ kiếm cơm, còn phần lớn bỏ ngũ về nhà. Khu ủy đã lẻn qua sông sau tiệc thịt chó ở Bến Chùa. Quân y của Tư Chuyền cũng rục rịch sang sông.

Trước tình thế nguy ngập đó Quân Khu chủ trương thọc mạnh thọc sâu ra vùng địch tấn công để phòng ngự. Tấn công vùng địch thì có bộ binh. Chứ pháo binh thì khó ăn. Do đó đưa tôi ra bộ binh, nhưng cũng đồng thời đưa Huỳnh Thành Đồng xuống Trung An để gây một cuộc sóng gió khác như trận pháo kích sân bay Biên Hòa.

Tôi về nhận chức Tham mưu trưởng DI chưa ngồi nóng đít (qua buổi uống trà úp) là phải bắt tay vào chiến đấu. Hai Phải đưa cho tôi thêm một cậu trinh sát tên là Thuận và một b phó trinh sát tên là Xướng. Xướng chừng hai mươi tuổi. Còn Thuận mới mười sáu. Thuận đầu quân lên R nhưng bị chê là vịt đẹt không vác đạn nổi, lại thêm tật nói đớt. Tuy xấu trai nhưng được Hai Phái khen nức nở:

- Nó theo anh vài năm, nó sẽ chỉ huy nổi một đại đội.

Tôi nhận lãnh công tác một cách tự nguyện. Và đành bóp bụng để cho Nga đi một mình. Tôi đưa tiền cho Nga móc cả hai bên gia đình và hẹn sẽ gặp nhau ở nhà Tám Lệ với sự có mặt của hai bà già.

Như vậy là tôi có tới sáu con mắt trinh sát trong chuyến này. Vừa kết hợp cả công lẫn tư. Thằng Thuận quả là một trinh sát viên chẳng những rành đường mà lại thuộc từng nhà. Nó dắt tôi cắt xéo ra Đồng Lớn Phía đầu Cỏ ống mà không đi thẳng đường xe dứa ra Bàu Trâm qua ngang bờ tre nhà Chín Thành tới nhà ông Hai. Nó nói liền tù tì không nghỉ:

- Ông già này không biết tên gì, nhưng người ta gọi là ông Hai Bắc, di cư năm 54, có con trai tên là Hai Thân làm ấp đội trường. Bà Hai đi buôn gà. Bà vác giỏ đi mua gà ở vùng quanh vài nhà thì nhảy xe lam đi Sài gòn một chuyến. Bây giờ có nhà gạch ba căn, trâu cả bầy. Ông Chín Nửa thường nhờ bà Hai móc gia đình ở Phú Xuân. Vợ ổng làm cô giáo tóc quăn còn ổng C phó mà lem luốc như thằng chài tép.... Đó là nhà Út Siêng. Chồng bả đi Côn Đảo, có con gái gả được rồi mà bả còn ngựa lắm. Mấy ông Hai Phải, Ba Châm, Ba Râu đều có ghé nghỉ lưng tại đó. Nghe nói ông Năm Trầu cũng vừa lò mò tới xin nước uống. Cán côn, cán gáo đụng đầu lộp cộp.

Thấy rặng cây như hòn đảo giữa ruộng, tôi hỏi:

- Đó là đâu?

- Dạ, là suối Tầm Đình. Cái xóm bên kia suối thuộc Trảng Bàng. Bên đó có cụm pháo Chà Rẫy rót qua Củ Chi mình ác lắm. Suối đó chảy ra Bàu Ràng thành suối Trung Hưng rồi chảy luôn ra cầu Công Sở Lộ số 7.

Qua khỏi Bàu Đồng Lớn, thấy có một xóm nhỏ đông đúc. Thuận nói:

- Đây là xóm Bàu Sỏi, con nít 14-15 đông lắm. Mấy ông Năm Tân, Tư Trường thường đóng quân ở đây để rủ tụi nó đi theo. Tư Trường, chánh trị viên Cl, có vợ ở ấp chiến lược Cây Bài có em vợ lấy Mỹ ở Đồng Dù, đẻ sanh đôi có hai đứa con gái thiệt ngộ. Tôi có tới nhà ngó thấy rõ ràng. Ối trời tụi nó uống toàn là sữa bò không ngộ sao được. Đẹt ngắt như em vầy là tại hồi nhỏ ăn toàn cua đồng ốc bưu.

Tôi chặn ngang hỏi thêm vụ này, Thuận vung tay:

- Mỹ vô đông, người mình càng đi làm cho Đồng Dù mạnh. Lương ngày 500-1000. Dại gì không đi. Ở nhà đánh xe bò có bữa pháo ăn mà cả đêm chỉ được 800 ông Bảy Hốt cho tới 1000. Vợ Chín Tiền, cán bộ K20, anh em cột chèo với ông Út Sương cũng đi làm trong đó. Lâu lâu vô thăm chồng mang theo một thùng đồ hộp.

Đi tới một đoạn nữa, Thuận lại tiếp:

- Đây là nhà má Chín, má của chị Chín Hòa. Cô giáo dạy Bình Dân vừa thay cho cô Tám Lệ. Bà nội này phòng không cỡ 75 ly. Cán bộ không đeo colt bả không có ngó, lính tải tụi tôi bả đâu thèm dòm. Nói cho ngay tại vì bả trẻ đẹp lại học giỏi. So với cô gì đi với anh hồi nãy (Nga) thì một chín một mười.

- Ai chín, ai mười?

- Cô Hòa mười.

Đi một quãng nữa qua một khu vườn cây ăn trái không nhiều vết đạn bom, Thuận lại tiếp:

- Đây là nhà chị Tư Rẻ. Bà này có chồng làm tới Tiểu đoàn trưởng Công Binh trên R. Có đứa con trai 4-5 tuổi mà ổng không thấy về. Ông Năm Tiền thường ghé đây dữ lắm. Hai đứa em gái là Sáu Niêm và Bảy Lợi cũng có chồng lính Công trường 9 của ông Năm Truyện hay Binh Vận gì đó cũng không thấy về. - Thuận vừa chỉ chỏ vừa thuyết minh - Qua khỏi Trảng Đồng Găng là đụng đầu Đồng Lớn, ở đó có cô bồ.tèo Út Hương của ông Quận Khởi. Nàng đã làm ông bị rớt sao mất đảng tịch vì cái bầu bất hợp pháp. Ở đây còn có cơ quan quân báo, kêu là cụm Quân báo Quốc lộ I, đóng tại nhà cô giáo Tám Lệ. Cô cũng có con nhưng chồng bà Sáu Huỳnh hình như phục vụ cơ quan đóng trong nhà.

- Sao em rành hết vậy?

- Em bị R chê, về nhà xấu hổ, nên tắp đại vô DI, đi làm trinh sát dẫn đường Phú Hòa. Em hứa với anh từ Bàu Lách xuống Bàu Tròn, từ Phú Hòa ra Trung Hưng, ra Bàu Trâu, Dân Hàn, Lào Táo tới Mít Nài anh hỏi nhà ai trâu bò ruộng mạ ra sao em biết hết.

- Ở xóm Ràng người ta làm nghề gì?

- Họ đươn rổ thúng. Có nhà đặt tên con là Rổ, Rá, Bàn, Nia. Chị út Quắn ở xóm đó. Chị có người anh tên là Ba Quyết ở C3 vừa rồi suýt coi đồng hồ ở trận Bàu Lách.

- Coi đồng hồ là sao?

- Là bị bom napan cháy tay cong lên như coi đồng hồ. Ảnh quánh giặc gan lắm! Một mình dám đánh một xe jeep ở cầu Công Sở. Trận đó có em tham gia một chân.

Đến một ngôi nhà lớn, ở trước ngỏ có để khạp nước dưới tàng cây vú sữa làm phước cho người đi đường. Thuận nói.

- Đây là nhà của má Mười. Bả vô đạo Cao Đài, thường đi đọc kinh cái Thất ở ngoài lộ số 1 nên bả bố thí nước! Mình lại đằng kia uống nước trà rồi đi tiếp.

Đi vài công đất, nó dừng lại bảo:

- Đây là nhà của chị nuôi em.

Chủ nhà là một người đàn ông nấu nước trà Huế đãi khách. Người chủ nhà hỏi:

- Bữa nay sao mày không đi với Út Sương?

Thuận cười hề hề:

- Tôi lên Tiểu đoàn rồi!

- Giỡn hoài tụi!

- Thiệt mà! Hồi trước tôi là trinh sát đại đội ông Út Sương, bây giờ lên làm trinh sát tiểu đoàn, không lên tiểu đoàn là gì? Đây là... - Thuận thấy tôi nháy mắt nên ngưng lại và nói trớ qua - đây là ông bạn của tôi.

Nốc cạn tô trà Huế, tôi giục Thuận đi. Thuận hỏi chủ nhà:

- Lâu nay thằng Lộc có thọc vô đây nữa không anh?

- Nó đi ai mà biết được! Nếu rủi nó đang ở ngoài hè cũng không ai hay.

Trên đường đi tôi nhớ cái khạp nước của nhà má Mười mà buồn lòng. Trong kháng chiến chống Pháp vào khoảng 1947 Trung đoàn 300 của tôi hành quân từ Ba Thu về khu rừng Sát Nhà Bè. Khi đi ngang qua xóm Phong Được, ngoại ô Sài gòn, trời mưa tầm tả, trời tối như mực, đường sá sình lầy ngập tới gối, hành quân rất khổ nhọc (không có được tâm ni lông mà choàng như bây giờ) nhưng tình đồng bào làm cho chúng tôi tiến bước không sờn chí. Ông già bà cả, chị em phụ nữ cầm đèn chai soi đường cho chúng tôi đi. Các bà mẹ trao tận tay chúng tôi những chiếc bánh ú bánh tét, Chúc anh vệ quốc đoàn kỳ khai đắc thắng, mã đạo thành công. Riêng đám con nít lóc cóc chúng tôi thì được các anh thanh niên cõng chuyển đi từng chặng. Cả Trung đoàn trên một ngàn người đi qua mà đồng bào vẫn đứng chờ thâu đêm tới mút đuôi mới thôi. Bởi vậy bọn chúng tôi hát bài Đoàn Quân Đi và Chiến Sĩ Vô Danh một cách say mê.

hoặc

Lòng yêu nước trước kia là tự nguyện còn bây giờ là yêu nước bắt buộc. Bây giờ cũng kháng chiến mà dân bỏ nhà bỏ cửa, mình đi tới đâu dân trốn hết ráo, gạo phải đi tìm mua từng hột. Nhưng tôi không muốn kể cho đám trẻ nghe. Nếu chúng nó nghe, tôi khó bề mà giải thích cho thông. Bất ngờ, thằng Thuận hỏi:

- Anh liệu B52 nó chơi ra tới đây không?

Tôi không biết trả lời thế nào thì Xướng hớt:

- Vùng này meo quá, chắc nó không dám chơi cầu âu vậy đâu

Tôi bảo:

- Nó dám rắc bom cách vách bót năm trăm thước đó nghe em! Đừng có tưởng nó không làm được!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx