sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 73: Trở Lại Năm Lê, Con Cọp Trong Hang. Người Xưa Cảnh Cũ Còn Đâu Nữa

Có lẽ tôi phải dùng một quyển sách riêng để ghi lại những trận đánh của Dương Đình Lôi từ mười bốn tuổi tới bây giờ thì mới phải. Không nhiều lắm, chỉ chừng non trăm trận thôi. Và bảy, tám lần bom đạn đã chiếu cố đến thân thể gã Thiên Lôi này, đã ban cho gã những nụ hôn có máu. ở trong bộ hồi ký này tôi chỉ xin ghi lại vài ba trận có liên hệ tình cảm, tình đất, tình người và tình yêu thôi.

Cho nên trận Suối Cụt do tôi chỉ huy xin gác lại, hẹn với độc giả ở một lần khác. Tiện đây tôi cũng muốn những ai là kẻ thù của tôi trước kia và là bạn bây giờ xin hãy quên đi những trận đọ súng so gươm cốt nhục tương tàn. Những trận chiến khốc liệt giữa những người cùng nòi giống.

Sau trận Suối Cụt tôi lại được lệnh khẩn cấp về gặp Năm Lê, Tham mưu trưởng Quân Khu. Đời chiến binh của Thiên Lôi luôn luôn nhận được những lệnh khẩn cấp. Lúc nào tôi cũng chạy, chạy và chạy chớ không có đi đứng bình thường trên cái đất Củ Chi này, càng về sau càng chạy, cho đến ngày chạy tuốt ra Sài gòn mới dừng lại xã hơi và biết mình còn sống.

Xế ngày hôm tiễn biệt gia đình, tôi và mấy cậu tùy tùng giục ngựa băng ngàn. Chúng tôi đến nhà Năm Minh Xã đội trưởng xã Phước Thành, nhờ du kích đưa qua lộ 7 để xuống Phước Hiệp. Tới nơi thấy mấy chú du kích đang gầy sòng tu lơ khơ (một loại bài cào nhập cảng từ Trung Cộng mà suốt đời tôi không chơi). Tô chén uống trà lăn cù trên ván. Cô út Mít Nài (tôi gọi vậy vì cô ở ấp Mít Nài) nhìn tôi tình tứ. Cô là nữ sinh tập tễnh theo du kích và có ý định gia nhập đội nữ của Bảy Mô để làm dũng sĩ, nhưng không được chấp nhận, bèn xoay qua đi học trường pháo binh nhân dân của ông Thiên Lôi, nhưng Xã đội trưởng Năm Minh lại bảo: "Con gái gì đi thụt pháo!" Út Mít Nài tò vè xin súng của thằng Thuận lấy được trong trận Suối Cụt vừa rồi. Nhưng Thuận bảo: "Tụi bây đánh mà lấy, súng gì mà súng cho?"

Xã này chỉ còn mấy cái nhà hoang du kích lấy làm trụ sở với ba người Năm Minh, Tư Lan Xã đội phó và Út Nài.

Út Lan dắt bọn tôi vào nhà anh Bảy Điếc bí thư. Vợ chồng không con, anh bị cà nông làm vỡ màn nhĩ không nghe gì hết chỉ ra dấu. Chi bộ còn năm người mà cũng rục rịch bỏ xứ vì không chịu nổi cà nông nữa. Tư Lan chỉ tôi một nóc nhà, bảo:

- Đó là nhà anh Lắm B phó B6.

Lắm chết ở trận Mỹ đổ quân ở Gò Nổi trên, sau khi chúng tôi pháo kích Trung Hòa và Đồng Dù. Thiệt vô cùng đau đớn. Khi vào nhà thì tôi được biết bà già đang làm tuần ba tháng cho con trai. Bà mời lũ tôi ở lại ăn cơm. Tôi đốt nhang cắm lên bàn thờ thằng cán bộ của tôi mà cảm thấy mình có phần trách nhiệm về cái chết này, nhưng tôi lại nghĩ: "Rồi đến phiên mình phủi chân leo lên bàn thờ như nó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?"

Đêm đó, bọn tôi ở lại nhà anh Bảy, được chị Bảy đãi cháo gà. Sau Tết Mậu Thân, Bảy Điếc bí thư xã Phước Hiệp, Tám Thiện bí thư xã Tân An đều bị moi hầm bắn chết. Hai Khứ lên thay Bảy Điếc lãnh đạo cái chi bộ không còn đảng viên, nhưng chỉ hai tháng sau lại cũng bị khui hầm.

Rời nhà Bảy Điếc, Tư Lan dắt bọn tôi đến nhà cô Hai Cảnh ở ấp Bàu Điều, cô Hai có đứa con gái sáu tuổi cũng không biết mặt cha như bé Hoàn, bé Rớt, bé Tiền mà tôi đã gặp trên đường chinh chiến. Khổ nỗi là cô không biết chồng chết trận nào, ngày nào để làm giỗ, mà cũng không biết chắc chàng đã ngã gục hay chưa để lập bàn thờ. Cứ lơ lững như thế mấy năm nay. Đêm đó tôi không ngủ được, trước mặt chập chờn bóng dáng má tôi và các em trên nẻo đường chia tay. Mãi gần sáng tôi mới chợp mắt.

Sáng sớm Tư Lan lại dắt chúng tôi đi tiếp. Nàng không cho hút thuốc vì sợ biệt kích bắt mùi. Nàng bảo một lần mấy ông mảnh đi phục kích nằm hút thuốc bị biệt kích phát hiện suýt bị chúng bắt sống ở Truông Viết.

- Truông Viết ở đâu?

Tư Lan bảo:

- Cứ thẳng đường xuống xóm Ba Xa rồi qua một cánh đồng là tới Truông Viết. Từ Truông Viết anh về Bàu Tre gần lắm. Chỉ băng cánh đồng chừng hai cây số. Nhưng rất may rủi. Vì hễ gặp bà nốc thì nó xớt liền, không thể nào trốn được!

Tôi và nàng đi tụt hậu nên nàng than thở.

- Dân ở Bàu Điều ra ấp chiến lược hết rồi anh ạ. Từ đó xuống Ba Xa nhà cửa không còn. Không biết rồi du kích chúng em ở với ai? Trước kia có dân thì chúng em được báo tin truyền, bây giờ toàn cây cỏ lấy ai mà nhờ cậy?

Đi ngang một ngôi nhà ngó i, nàng bảo:

- Đó là nhà của ông nội anh Lắm. Ông giở vách phía đồng trống vì trước kia bà nốc cứ rà sát. Thằng Mỹ ló đầu ra kêuVixi! Vixi? Từ ngày ông đưa ruột gan ra cho nó xem, nó không quần nữa.

- Ở đây mấy em thường dùng hầm bí mật không?

Tư Lan xua tay:

- Hổng được đâu anh Hai ơi.Ông Bảy Điếc nghe nói các xã khác đào địa đạo trốn đã lắm, ổng cũng muốn chơi với địa nhưng đất này chỉ đào hầm bí mật cũng không được rồi, nói chi địa đạo. Mực nước lên đụng nắp hầm ló lỗ mũi lên, xuống đó có mà chết ngộp.

Đột nhiên tôi hỏi:

- Lâu nay em gặp Năm Cội không?

Lan thẹn thùng đập vai tôi:

- Anh Hai hỏi em làm gì chuyện đó. Tụi em chưa có gì đâu. Từ ngày phối hợp nhau ở Cây Trắc đến nay tụi em đâu có gặp nhau nữa.

- Thằng Cội nó khen em lắm! Nó bảo tụi dũng dĩ Bảy Mô không có đứa nào bằng em. Chúng nó chỉ được cái tiếng thôi còn thực chất không có gì.

- Anh Cội cũng như tụi em, sáng bữa nào cũng dắt một tổ xuống Bò Cạp leo lên cây xoài mút canh chừng xem tụi Mỹ ở Đổng Dù có vô không? Tuy cũng khổ nhưng mấy ảnh còn có khoai, mì đào lên để luộc ăn thay cơm, còn tụi em thì đi đâu cũng gói cơm theo. Có khi ăn khín của mấy đứa nhỏ chăn trâu từ ngoài Cây Trôm thỉnh thoảng ló vô trong này! - Nàng vừa nói vừa liếc tôi, rồi đột nhiên hỏi - Sao anh không tìm chị Hai đi?

- Bận rộn thế này, có thì giờ đâu mà tìm, em?

- Anh lựa chọn kỹ quá, hay anh có hứa với ai?

- Hứa...thì cũng có hứa, nhưng phải chờ ngày dứt chiến tranh mới thực hiện được.

- Xin lỗi người ta nhé. Anh hôn em một cái kỷ niệm đi.

Tôi chỉ nắm tay nàng nâng lên và khẽ đặt một cái hôn:

- Anh hôn bàn tay em để em bóp cò súng chính xác cho Năm Cội nhờ!

Nhìn ra phía Quốc Lộ I tôi hãy còn thấy mấy chiếc xe đò lù mù trong sương sớm. Tôi hình dung má tôi đang trên đường vềé Tôi nghe hai giọt nước mắt rơi. Tôi vội gạt nhanh và quay mặt đi, không cho Lan thấy. Lan nói:

- Anh nên nhớ mấy nơi em chỉ, để sau này giàn quân thì biết đường tiến thối. Kia là xóm Gia Bẹ, còn đó là Truông Viết rồi kế là Sở Ba Lăng sát với Bàu Tre. Đường Hai Làng chạy ra Gia Bẹ thẳng xuống Cây Sộp trước cổng Đồng Dù, đụng Ngã Tư Trùm Tri tức là lộ 8.

Tôi đã từng xuống Phú Hoà Đông một lần (gặp Bảy Nô) nên biết đường Một Làng, đường Hai Làng còn phía trên là Bò Cạp, Bàu Chứa, Bàu Tròn. Các xóm này đều ngăn cách Đông Dù bởi con suối Bà Cả Bảy. Con suối này chảy từ ngả Ba Sòng đổ xuống Gò Nổi, Trung Hoà ra rồi mới cắt ngang cánh đồng Bàu Chứa với hương lộ số 2. Nó bao vòng phía Bắc Đồng Dù rồi giáo ranh Tổng Thế trước khi đổ ra sông Sàigòn. Tôi hỏi Tư Lan:

- Em có tham gia xây dựng vành đai thép không?

- Đai thép là cái gì hở anh?

- Hồi mới đến đây công tác anh được cấp trên phổ biến rằng Đồng Dù bị siết trong vòng đai thép. Lính Mỹ không dám ló đầu ra vì sợ súng du kích tỉa!

- Hổng biết có ở đâu không! Chớ em cầm súng đã bốn năm mà em chưa nghe ông du kích nào nói đến cái đó cả.

Các xóm Phú Hiệp, Cây Sộp, rừng cao su, Sở Bà Hộ đài lên Bò Cạp, Bàu Chứa, Bàu Tròn cả Bàu Trăn của xã Phú Hoà Đông và Nhuận Đức đều bị xe tăng càn ủi trống trơn. Còn phía trên Quốc Lộ 1 thì các xóm Gia Bẹ, Xóm Mới, Truông Viết, Trảng Lắm cũng bỏ ra Trung Hoà và ấp chíến lược Cây Trôm. Du kích Phước Hiệp còn phải ly hương chạy tuốt lên Bàu Điều thì vành đai nằm ở đâu? nếu không ở trên đài Giải Phóng và đài Hà Nội hoặc trong sự tưởng tượng của ông Tám Quang? Đột nhiên Tư Lan hỏi:

- Anh có muốn mạ vàng không?

- Trời! cái thây anh như vầy, lấy vàng ở đâu ra mà mạ.

- Anh khỏi lo. Anh chỉ cần đào một cái hầm bí mật rồi chun xuống đó chỉ một ngày, leo lên, cả người anh sẽ vàng như nghệ.

- Tại sao vậy?

- Đất ở đây ngập nước và phèn đọng dữ lắm!

Chúng tôi ghé nhà má Hai, má của chị Cảnh xin cơm ăn. Lan cho biết ở cái xóm Bàu Điều nhỏ bé này cũng có vài ba ông mùa thu về đóng chốt. Ở nhà kế bên là nhà bà Bảy, má của Tư Nở. Sau mấy trận đụng Mỹ ở Sa Nhỏ, Lộ 6... cán bộ của đại đội 3 tiểu đoàn Quyết Thắng chết nhiều quá. Tư Nở ở trên R về làm đại đội phó C3 cũng bị thương. Sau khi lành, được về nhà ở Bàu Điều hơn mười ngày thì làm đám tuyên bố và chỉ một tháng sau bị thương ở Suối Cụt phải cưa giò, được cho về R an dưỡng nhưng ổng từ chối. Ổng về ở nhà vợ, chống nạng gỗ đi khắp xóm.

Ngoài bom, pháo, Nở không sợ gì nữa. Bên Việt Cộng không xài, còn bên Quốc Gia thì cũng không đánh làm gì một phế binh. Người trong xóm bảo:"Cụt giò như Tư Nở thế mà sướng. Khỏi chui hầm bí mật mà cả hai bên đều chê, không dám đụng tới! Thiệt là khoẻ vô cùng!"

Cũng ở đây, người em ruột của Năm Tiền (Trung đòan trưởng của bộ tác chiến Quân Khu) tập kết mới về mấy ngày cũng chết, bỏ lại một vợ hai con là thằng Cào 14 tuổi, con Thanh 18 tuổi. Năm Tiền đem đi theo hụ hợ.

Goá bụa cho đàn bà, chết chóc cho đàn ông. Không ở đâu như ở Củ Chi. Lại cũng ở xóm này thằng Rắc biệt kích chết hụt vì mình Trung Quốc. Nó vừa đi qua thì một tên lính bước tới đạp trúng, nổ tan xác. Nó về đồn lập một cái miếu nhỏ để thờ Thổ Địa đã không vùi hắn dưới đất.

Tôi ghé vào quán bên đường mua một chai đế, một chục rê thuốc giồng, mấy cuộn giấy quyến trao cho Tư Lan như một món quà đền ơn nàng đưa đường.

- Em về nói anh tặng cho ông già.

- Sao anh biết ba em ghiền rượu?

Tôi chỉ cười, phút chia tay không một hứa hẹn. Từ đó tôi không gặp lại nàng nữa.

Từ đây trở vô rún Củ Chi thì đi với hai cậu trinh sát của tôi khá an toàn. Tới quán Chín Khuân tôi tấp vào kiếm cái gì bỏ bụng rồi lội tiếp. Gặp nàng, tôi chưa kịp nói gì thì đã bị nàng a-lát-xô. Nàng hôn tôi túi bụi, vừa hôn vừa làm bàn:

- Quỉ mắc dịch đâu á. Hổng hun em thì em hun đại.

Nàng hôn như mưa rồi buông tôi ra. Thằng Thuận và thằng Thưng vỗ tay cười ha hả. Chín Khuân kêu thằng Thưng bằng chú lớn.

- Mày làm gì vậy con nhỏ?

- Hun anh Hai chớ làm gì?

- Bộ mày thương ổng rồi sao?

Chín Khuân vênh mặt:

- Ừ đó! Rồi sao?

- Thương thì thương chớ đâu có sao?

Đang ngồi ăn bánh ú thì liên lạc chạy tới, thở hồng hộc:

- Anh ở đây mà tôi tưởng anh còn ở ngoài Mít Nài với chị Út.

Rồi hắn đưa cho tôi một lúc hai cái thơ hoả tốc. Lại hoả chạy bay tóc. Một cái của D phó Chín Câu, một cái của E trưởng Ba Châm. Tôi mở ra.

Thơ của Ba Châm chỉ có mấy chữ, nguyên văn như sau:

Được thư tôi, đồng chí đìu động xuống Phú Hào (Hoà!) lặp tức. Mọi kế hoạc đã xẵn xàn. Chờ đồng chí.

Ba Châm.

Tôi giục mấy cậu trinh sát đi thẳng lên đầu trên xóm Sa Nhỏ gặp Chín Câu ăn tiết canh xong sẽ bàn kế hoạch hành quân. Chắc Ba Châm cũng xáp vô đó. Chín Câu là dượng rể của dũng sĩ Bảy Mô. Anh tập kết về được vài năm. Vợ con cả bầy đứa nhỏ nhất đã 10 tuổi. Nghe tôi nói, Khuân bảo:

-Ông Chín Câu chết rồi!

Thưng hét:

- Con nhỏ nói bậy đi! Thư hoả tốc mời anh Hai về nhà ổng ăn tiết canh nè. Coi hôn?

- Ừ! thì về đó đi đám ma luôn! Ổng bị một trái pháo mồ côi Trung Hoà hồi hôm qua. Ổng ghé đây mua một chai đề và vài món lặt vặt. Tôi hỏi ổng đãi ai. Ổng nói đãi bạn. Té ra là anh Hai. Ổng còn nói đi về nhà bắt hai con vịt.

Tôi đứng sững sờ không còn biết nóigì. Chín Khuân tiếp:

- Tới tối thì y tá C3 đến mua đồ nói ổng chết rồi. Bị trúng có cái miểng nhỏ xíu sau ót mà chết.

Chín Khuân còn nói thêm:

- Anh Hai kỳ này đi đánh Tân Qui phải cẩn thận đó.

Thưng quát:

- Bậy nào! Ai bảo mà mày biết!

- Ở đây đồng bào hay hết rồi! Nghĩa trang đã đào sẵn huyệt kia kìa!

Thưng càu nhàu.

- Con nhỏ này nói chuyện nghe ghê bỏ mẹ!

Bảy Chính C phó có lần đùa với cô Hai Lơn ở ngoài Đồng Lớn. Mẫu chuyện đã thành giai thoại.

- Ở đời này em muốn cái gì anh cũng cho em dc!

- Em chỉ muốn tiền.

- Anh cho em cả người anh, không trừ cái giống gì hết, em có nhận không?

- Cho tiền thì em nhận, cho người thì không. Vì mắc công lập bàn thờ.

- Em ơi! Cho anh ngủ với em một đêm để sau này em có Bảng Vàng Danh Dự mà treo trong nhà hãnh diện với người ta.

- Thôi đi anh ơi. Thời buổi này lấy chồng đánh xe bò, làm ruộng chắc ăn hơn.

- Đánh xe bò cũng không chắc nghe mậy! Ông Hai trong tổ đánh xe bò của má mày cán mìn của du kích banh xác cả người lẫn bò thì sao? Ông Mười cũng vận tải gạo bằng xe bò bị pháo cũng chết. Có cái gì chắc đâu mậy!

Mà thật, sau đó ít lâu Bảy Chính chết trong trận đánh xe tank càn vào Bàu Đưng. Không một cán bộ đại đội nào còn sống sót sau khi chiến tranh kết thúc. Cái đáng nói là chết vì bom đạn rất nhiều mà chết vì mìn lựu của quân ta cũng không ít. Ở trong vườn thì quân Mỹ không đi tới, nó chỉ cho xe tăng ủi và bắn pháo, do đó du kích đem mình và lựu đạn ra gài ở ngoài đồng, chiến sĩ, cán bộ ta hay đi tắt còn nông dân thì đi làm ngoài đồng đạp phải. Có anh du kích gài xong luýnh quýnh đạp trái mìn của mình gào. Có anh lại đạp lựu đạn gài của đồng đội. Tội nghiệp thay có anh đi đồng cũng đạp mìn. Đau đớn hơn nữa có anh không rành cách xử dụng làm mìn nổ trước khi gài. Nhất là mình Trung Quốc, loại mình này (do Tám Nhiên trên R xuống chỉ dẫn cách xử dụng) đã giết quân ta bộn.

Đau buồn nhất và cũng trớ trêu nhất là Năm Tiều là người thông thạo các thứ vũ khí và là cán bộ trung đoàn lại chết vì một trái mìn Trung Quốc do bộ đội gài, cũng trên cánh đồng trứ danh Sa Nhỏ.

Tôi phải đến vĩnh biệt Chín Câu. Cảnh tượng thấy hết dám nhìn. Bà vợ và bầy con đứng bên quan tài, đầu bịt khăn trắng lớp. Chín Câu nằm im trong hòm gỗ. Tôi không kịp vuốt mặt anh nữa. Củ Chi mênh mông với bàn chân vạn dặm lội bộ của tôi nhưng vô cùng bé nhỏ trước họng pháo và dưới cánh B52. Chúng tôi chôn Chín Câu ngay trong khu vườn của anh. Như vậy cũng toại nguyện cho vong hồn anh vì lúc ở Bắc, chúng tôi thường nói với nhau, có chết thì ráng lết về Nam mà chết.

Trên đường về lúc đi ngang Ba Sòng, tôi ghé lại nghĩa trang để đốt nhang trên mộ thằng Chi và khấn vái vong hồn nó phù hộ chúng tôi. Lúc nó nằm xuống thi mảnh đất này mộ còn thưa thớt, bây giờ thì đồng đội ta chen chút với nhau. Gai mắc cở cùng cỏ hoang tràn lan hầu như phủ che kín mít. Tôi phải tìm hồi lâu mới nhận được mộ thằng Chi.

Chúng tôi đi vào Bàu Đưng rồi cặp theo rừng Làng Chắt qua sở Đất Thịt tới xóm Trại Bà Huệ. Dấu xích xe tăng còn hằn sâu hoắm trên mặt đất. Tre trúc trong vườn cháy đen còn bốc mùi khét khắp cánh đồng. Không còn một nóc nhà nào ló nóc trong vưòon như cách đây mấy tháng. Sư đoàn 25 của Mỹ vào dẫm nát Củ Chi.

Chúng tôi đến hầm Maginot của Năm Lê để nhận lệnh mới. Sự rào rắp hòng ngự càng rườm ra và trắc trở thêm lên. Chu vi an toàn càng mở rộng thêm ra. Không biết ông xã đội trưởng Ba Xây bị bắt trong trận tổng ruồng Junction City nay ở đâu. Đã đi đày hay được trở về câu tôm tiếp tế cho gia đình ngoài ấp chiến lược? Tôi không dám đi đến gần hầm Năm Lê chỉ đứng xa xa réo to lên. Có tiếng quát trả:

- Ông nội nào la um vậy?

Nhận ra tiếng quen, thằng Thưng chỉ cười gằn:

- Ông cố nội tụi bây chớ không phải ông nội đâu!

Một chốc có người xuất hiện bên hàng khoai mì còn xanh. Hai gã bảo vệ trông thấy tôi reo lên:

- Anh Hai mà tụi này tưởng ai!

- Tụi bây rào chà tre như lưới cá, tao không biết ngã nào mà vô.

- Biệt kích xe tăng dám tới đây lắm anh ơi.

- Tụi bây làm vầy chẳng khác nào bảo chúng nó: Lạy ông con ở bụi này!

- Ông lớn bảo, không làm được sao?

Tôi nhìn ra Tám Nghi, thượng úy, tay xạ thủ trứ danh từng chiếm huân chương ở Đông Âu trong cuộc thi bắn tám nước XHCN, vẫn còn ở đây. Mái tóc bơ phờ như đám tre bị bom, còn cái mặt thì dài ra, trông không giống thuở nào nữa. Hai đứa ôm mừng nhau trào nước mắt. Tôi hỏi Nghi về ông Ba Xây. Hắn bảo:

- Ngày nào cũng nơm nớp lo sợ ổng dắt Mỹ và biệt kích về. Du kích thì chạy ra Bến Mương không còn đứa nào ở đây để nhờ cậy nữa.

Tám Nghi dắt tôi lách qua những ngách hang vẫn như trước để bệ kiến ông Thần Núi rồi hắn lui ra ngay. Lần này Năm Lê có thêm nhiều nếp nhăn trên trán và ở hai bên khoé miệng. Dưới ánh đèn cầy lờ mờ hiện rõ lên nước da vàng ngoách của anh. Năm Lê bắt tay tôi và hỏi ngay:

- Bà già mạnh hả?

- Dạ cám ơn anh, tôi gặp má tôi mà tôi tưởng là bà ngoại tôi hồi ở Tân Bửu.

Câu nói hồn nhiên của tôi làm cho anh sững sờ một thoáng. Anh nói:

- Đã hai mươi năm rồi chớ phải hôm qua sao mậy?

Làm việc với tôi, anh luôn coi tôi như là em út hơn là cán bộ cấp dưới của anh. Và tôi cũng cảm thấy anh là một người anh đầy kinh nghiệm và mưu lược ở chiến truờng hơn là cấp trên của tôi. Bằng một giọng xúc động anh nói:

- Bà già tao ở dưới Bạc Liêu còn sống hay chết, tao cũng không biết.

Lần này không ngồi lâu trong hầm, mà anh dắt tôi ra ngoài, ngồi ở gần bờ tre. Tôi có cảm giác anh là cái cây sống trong chậu úp, là con cọp chỉ ở trong hang. Chỉ ở trong hang thì cọp đâu còn là cọp? Anh vô đề ngay.

- Mày rành địa hình ở Tân Qui không?

- Dại chỉ biết trên bản đồ.

Anh bẻ nhánh chà tre vẽ dưới đất và giải thích:

- Đây là đường số 8. Đây là đường 15. Gần ngã ba là chi khu Phú Hoà. Tụi Sàigon đang đóng dã ngoại trong vườn cao su ở phía Tây chi khu. Còn đây là Đồng Dù. Phía bên kia là thị xã Bình Dương. Trinh sát báo cáo tụi nó đang căn lều trong vườn, không có công sự gì cả. Nhưng tao không tin lời báo cáo ẩu đó. Mày nhớ hồi 46 đánh đồn Bến Súc không?

- Dạ nhớ chớ anh Năm.

- Cũng do sự tiên liệu ẩu của ban chỉ huy, mình đào hầm chưa tới đồn mà tưởng là ở giữa đồn rồi nhô đầu lên là bị nó tiêu diệt gần hết đơn vị. Người chỉ huy hiện giờ trong tình trạng bán du kích bán chính quy chỉ có một cách tiết kiệm xương máu anh em là phải rõ địa hình trước khi giàn trận. Sở dĩ mày đánh Suối Cụt chớp nhoáng gọn gàng là nhờ nắm chắc địa hình. Đừng bao giờ tin ở trinh sát 100%, thậm chí 50% nghe tụi nó báo cáo, phải kiểm tra mới chắc- Rồi anh tiếp- Đánh trận này chậm nhất là nửa giờ phải rút ngay, nhanh là mười phút. Pháo Bình Dương sẽ câu qua chớp nhoáng. Trên đường rút lui sẽ bị sát thương nhiều hơn ở trận địa.

Anh từng là Tư Lệnh pháo Sư đoàn nên nói rõ thêm chức năng của pháo:

- Pháo là linh hồn trận địa. Liên Xô bị Đức tấn công bất ngờ là một yếu tố, nhưng còn một yếu tố nữa. Đó là nó bắn đến mật độ một quả cho một thước vuông. Xong cho xe tăng càn nhẹp hết rồi mới tới bộ binh. Tụi Sàigòn bây giờ cũng chơi kiểu đó! Nó giã cho nhừ đất rồi mới đổ quân.

Anh ngừng một chốc rồi tiếp:

- Mình biết cái chiến thuật của nó nhưng không có cách phá. Chỉ có một cách là ráng gồng mình đội bom pháo chờ tụi nó đổ quân tiếp cận mà đánh bằng súng bộ binh thôi.- Anh thở dài - Xương máu đầy đồng. Hi sinh nhiều quá!

Anh có vẻ suy tư. Trán anh nhăn cộm lên như giồng khoai:

- Tao không hiểu nếu bỏ Napoléon vô Củ Chi này thì nhà quân sự thiên tài đó sẽ xoay sở ra sao? Chắc chắn đây là một Waterloo thứ hai của ổng.

Rồi anh vỗ vai tôi:

- Cố gắng nhé. Tôi đã chỉ thị cho Ba Châm rồi, nhưng y già, chậm lụt và quen kiểu đánh Pháp, sợ không thích hợp với Mỹ đâu. Tôi cũng đã bảo Năm Tiều xuống góp ý với Ba Châm! Bây giờ còn sớm, cậu ở ăn cơm chiều với tôi.

- Dạ cám ơn anh Năm, để khi khác! Bây giò tôi phải dông ngay cho kịp đơn vị.

Anh kèo nào:

- Tao có lít rượu nếp than đây mà chưa uống, mày ở lại làm vài ly!

Biết tôi không muốn ở lại, anh bảo một cậu bảo vệ đem chai rượu ta. Màu rượu tím than ngon lành. Thứ này uống ngọt và say đằm chớ không hỗn như đế. Anh rót cho tôi một ly bầu, và bảo:

- Uống hết đi, cho nóng máy.

Tôi rốc cạn một hơi rồi đứng dậy. Anh bước theo tôi:

- Còn vụ vợ con mày ra sao rồi?

- Dạ, tôi chưa tính gì hết anh Năm.

Anh ngần ngừ một giây rồi nói:

- Băm mấy rồi?

- Dạ 34 ta, 33 Tây.

- Đây rồi cha già con muộn. Khổ lắm em ơi!

Anh vỗ vai tôi lần nữa, rồi ôm chầm lấy tôi. Chúng tôi chia tay lặng lẽ trong ánh chiều vàng vọt yếu ớt rơi trên những đọt khoai mì lắc lư trong gió nhẹ.

Tám Nghi đích thân dắt tôi ra khỏi vành đai bố phòng. Năm Lê đã sấp lưng vô hầm còn quay lại bảo Tám Nghi:

- Cậu dắt tụi nó, kẻo lớ quớ đạp mìn lãng nhách.

Tám Nghi nói:

- Lần này mày đi Tân Qui là đụng Trung đoàn 7 của Sư đoàn 5. Tuị nó xơi gần rụm Tiểu đoàn Phú Lợi mầy biết chớ?

Chúng tôi bắt tay nhau. Tám Nghi nói nhỏ rí:

- Chúc mày thành công.

Tôi và mấy cậu trinh sát nhắm Bến Mương trực chỉ. Xa H6 đã khá lâu, tôi nhớ như nhớ nhà. Đó là quê hương thứ hai của tôi. Nó mang nhiều thành quả trong một năm trời tôi chỉ huy H6. Nay trở lại xem nó ra sao. Đường đất bây giò hoang tàn. Trước kia mỗi lần vào làm việc với Năm Lê tôi đều đi xe đạp. Bây giờ thì không được nữa. Đường bị bom cắt đứt như thân rắn bị chặt ra nhiều khúc. Lòng tôi xao xuyến như thưở bé đi học về gần tới nhà gặp má.

Tới nhà Năm Giáo và Sáu Lễ, nơi cái địa đạo băng xuyên qua vườn, nơi tôi chết ngộp và được cứu sống bằng mảnh vải tẩm nước tiểu của cô Thu nuôi quân.

Cây cối ngã liệt địa, vườn tược trống trơn. Tôi sững sờ nhình thấy bên kia vườn má Hai: Bốn ngôi mộ song song. Cả gia đình má nằm đó: Má, vợ chồng thằng Út và đứa con năm tuôi vì xuống hầm mà chết ngộp. Ngôi nhà ngói của má đã dời đi đâu rồi. Chỉ còn lại cái nền với một miệng hố ở giữa toang hoác như cái mồm gớm ghiếc của Sáu Vi khi hắn ra lệnh tấn công (nướng quân) "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh ".

Ngôi nhà của má Mười chỉ còn một chái gần cây vú sữa phiá mặt trời lặn. Vắng hoe không một tiếng người. Gốc cau thân dừa đều mang vết thương. Còn tôi thì mang vết thương trong tim. Một cảnh điều tàn bày ra trước mặt tên lê dương khiến hắn chạnh lòng trong giây phút. Tôi bước đến dãy mồ bỏ ba-lô xuống, lấy bó nhang ra bật lửa đốt và cắm lên các đầu mộ. Bọn thằng Thưng, Thuận và Xướng ngó tôi với cặp mặt lạ lùng. Chúng nó không ngờ tôi làm như vậy. Tôi khấn vái:

- Xin vong hồn má Hai, vợ chồng em Út và cháu bé phù hộ cho chúng con...

Tôi nghẹn ngào không nói được nữa. Tôi quệt ngang nước mắt rồi xốc ba-lô lên vai. Xướng nói:

- Anh Hai còn nhang cho em ít cây để cắm mộ má.

Tôi đi ven theo bờ, bước lên những mô đất còn nguyên đi xuống bến sông nơi đã ghi biết bao kỷ niệm êm đẹp của tôi ở H6 này. Gốc dừa to còn đứng đó, chưa bị thưong nhưng chừng nó gầy đi đôi phần. Cái bẹ dừa nơi vợ thằng Út nhét cục xà-bông thơm để anh Hai tắm, đã rụng từ lâu. Cục xà-bông còn bằng ba ngón tay tôi cất vào đó để tắm lần sau, chắc đã bị mưa tan lâu rồi, nhưng mùi hương vẫn còn phảng phất đâu đây. Cây dừa um tùm nghiêng ra mặt nước, trước kia chim chóc đều ăn trái chín vẫn còn đó, nhưng không còn một tiếng chim. Nơi cái bến hạnh phúc này tôi đã hôn Lan, đã tập cho nữ phóng viên Nhã Nam bơi... Nhưng nó lại trở thành cái bến oan nghiệt của một đoá hồng nhan: cô văn công R Thiên Lý. Nàng trở về thăm nhà và đã nhảy xuống sông tự vận khi thấy cả gia đình đều năm dưới mộ. Chính chúng tôi đã cứu sống nàng và tôi đã đưa nàng ra Quốc Lộ để nàng đi ra sống với bà dì ngoài thành, vĩnh biệt ánh sáng sân khấu R. Cho tới này tôi vẫn nhớ như in nét mặt của nàng. Má Hai đã từ ngoài ấp chiến lược về để xem mặt tôi và chị ruột nàng âm thầm nuôi ý định xe duyên cho tôi với nàng.

Tất cả những cuộc tình duyên đậm đà của tôi đều tan vỡ. Dòng nước chảy mạnh từ Cây Điệp ra và Rạch Sơn như cuốn băng đi những mảnh tim tôi tung ra sông lớn chảy ra khỏi thành bọt biển tan tác bốn phương.

Bỗng có tiếng gọi:

- Anh Hai! Anh Hai!

Tôi quay lại thì thấy thằng Đỏ. Nó là liên lạc, là cận về và là bạn tâm tình của tôi. Hai anh em đã nằm khoanh bên nhau dưới cái hầm không nóc, nhưng có lớp rơm mà ngủ những giấc tuyệt vời, ngày tôi về nhậm chức ở H6.

Đột nhiện tôi buông tiếng hỏi:

- Tám Lù còn ở đây không?

Tám Lù là ấp đội trưởng ở bên cạnh cơ quan, có ý định đưa chồng Út đi dân công để ở nhà ve vãn vớ Út, nhưng tôi thu nhận cả hai vợ chồng Út vào tổ sản xuất cho H6. Rồi Tám Lù đã trở thành công tác viên và đồng hành dưới địa đạo của tôi trong trận tôi chết hút. Thằng Đỏ đáp:

- Không rõ ảnh đi đâu mất tiêu.

Trên chiếc băng gỗ tôi thấy chiếc quần cũ. Chắc là thằng Đỏ đang vá quần.

- Mày có về thăm ngoại không Đỏ?

- Dạ không?

Tôi vừa đến văn phòng cũ của tôi thì thấy vợ chồng Thu-Quản. Chắc họ đã móc được gia đình. Tôi thấy Thu đeo ba-lô ngược. Nàng đã có bầu. Trời ơi! Có bầu ở đây rồi đẻ ở đâu hỡi Trời. Có lẽ họ cũng nghĩ đến chuyện đó. Kệ nó! Đó cũng là đường lối của đảng. Tôi không còn biết hỏi thăm ai nữa. Vì hầu hết đều văng mặt, thay đổi từ ngày Năm Thủ về thay tôi. Năm Thủ với vẻ mặt không hào hứng lắm dắt tôi đến nhà Sáu Phấn, người chánh trị viên thời Hai Giả, thời Thiên Lôi và bây giờ vẫn còn là chánh trị viên H6. Mặt Sáu Phấn tóp lại, hàm răng trên nhô ra, nhìn tôi với cặp mắt mừng rỡ.

- Thầy Hai!

Rồi y oà lên khóc. Một thằng đàn ông trên bốn mươi tuổi đầu mà khóc như vậy làm tôi bỡ ngỡ không biết nói sao. Cái mặt của y méo xệch trông thật thảm thương. Tôi hỏi:

- Chị Sáu đâu anh?

- Ra Phú Hoà Đông hết ráo rồi. Dì Mười và con bé Hoàn không có trở về. Chỉ nhắn thăm.

Tôi nhìn qua nhà Mười, tổ ấm của chúng tôi mới hôm nào này xiêu vẹo hoang tàn. Tim nghe đau nhói. Còn biết nói gì khi chẳng có người nghe những lời âu yếm của tôi.

Sáu Phấn đánh tan sự im lặng:

- Thầy ghé đây rồi ra Tân Qui hả?

Tôi không đáp, bụng nghĩ thầm: Sao ai cũng hay tin hết vậy? Từ quán Chín Khuân vô tới đây. Thì ra ngoài đó chắc cũng rõ. Đánh làm sao?

Tôi và Năm Thủ ở lại nhậu với Sáu Phấn. Y than:

- Từ sau trận Mỹ xúc cả heo nái lên trực thăng tới nay, đồng bào xuống tinh thần quá thầy Hai.

- Để dần dần rồi họ lên thôi anh à!

Tôi trở lại căn phòng thì thấy thằng Đỏ đang ngồi chăm chỉ vá cái quần cũ. Hình tượng đó chẳng khác nào quân khu đang cố gắng vá cái quần rách Củ Chi này vậy. Nó đã mục, vá thì cũng tạm lành nhưng rồi sẽ rã nguyên con. Đỏ hỏi:

- Anh Hai không đem em theo được sao, anh Hai?

Tôi lắc đầu.

- Ở H6 bây giờ buồn quá anh ạ. Anh Quản và chị Thu tối ngày ở trong hầm. Cả đơn vị không biết làm gì. Chiếc xuồng đã bể không còn đi chài bắt tôm được nữa.

Bất ngờ, Tám Đột xã đội trưởng đến, tay xách con gà.

- Thầy phải ở lại nhậu rồi có đi đâu thì đi. Thầy rời khỏi H6 rồi cả Bến Mương này buồn hiu. Ông Ba Châm đánh Cây Trôm, khiêng về năm cái băng ca. Trong đó có cái của ông Ba Hà đại đội trưởng nữa. Ông Ba Châm giao cho chúng tôi chôn. Tôi bảo không có ván đóng hòm. Ông bảo: "Không có thì khắc phục làm sao đó thì làm! Du kích du kiếc gì ra trận khiêng chiến thương thì bỏ chạy về hậu phương không chôn được tử sĩ thì còn làm được việc gì?" Tôi. Tôi đành nhận rồi đào lỗ dập chớ biết làm sao? Không có một người dâh. Tôi chạy đi tìm chị Hai Xót thì chỉ cũng đi biệt tích lâu rồi.

Ngẫm nghĩ một hồi rồi y tiếp:

- Anh Hai! Anh tính sao thì tính chớ tụi Mỹ thế nào nó cũng chốt ở An Nhơn. Từ đó vô đây chỉ tàn điếu thuốc. Tụi tôi phải vọt qua sông thôi. Hỗm rày ngày nào xe tăng cũng cà rịch bên Bà Thiên, ngồi ở đây mà nhức xương. Còng cọc nó dội nát dốc cầu Bến Mương. Cường độ chiến tranh tăng lên quá mức.

- Sao nó đánh dốc cầu?

- Nó sẽ san bằng rồi bắc cầu mới đề xe tăng chạy chớ không phải nó bỏ chỗ này đâu.

Chờ khách đi hết Thu mang cái bụng bầu lạch bạch xuống hầm rồi đem lên cho tôi một cái gói bằng chiếc gối đệm.

- Của ai vậy?

- Đố anh biết của ai?

Tôi không đoán nổi.

- Anh mở ra thì biết.

Tôi bóc nhanh lớp ni-lông bên ngoài rồi lớp giấy dầu bên trong. Một bộ đồ và một chiếc khăn trắng có đốm như những chiếc hoa hồng khô. Bên trong chiếc khăn là cái đồng hồ và một bức thư. Tôi đọc nhanh. Dưới cùng ký tên:Mính!

Mính đã yêu tôi và cho tôi hết tất cả trong một đêm Mỹ sắp đổ quân và gia đình chuẩn bị bỏ cái tiệm ở chợ An Nhơn mà về Bình Dương an cư lạc nghiệp.

- Cô Mính có trở lại đây sao?

- Không anh à! Cổ gởi cho người ta.

Như máy, tôi tự bảo thầm: Lại một chữ M dứt đường tờ. Mai Khanh, Mai, Mô, Mính.... Tôi bảo Thu:

- Em đưa anh xem bàn tay nào đã cho anh hửi mùi huile camphée étherée hôm ở dưới hầm.

Thu ngần ngại. Tôi quát:

- Đưa anh xem!

Rồi bước tới cầm tay Thu tròng chiếc đồng hồ vào. Thu la lên:

- Anh Hai! Của người ta tặng anh.

- Anh tặng lại em.

Quản cũng chạy tới:

- Cái đồng hồ đó giá mười ngàn đó anh Hai.

- Còn cái mạng anh bao nhiêu? Không có em anh nằm dưới địa đạo rồi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx