sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 75: Đánh Tân Qui - Thoi Vào Không Khí, Bảy Mô Băng Vết Thương Lòng Tôi

Ba Quyết đầu chít khăn rằn hai mối quật ra sau. Đi qua mặt tôi hắn bảo:

- Tối nay anh Hai coi con gà của em nó gáy nghe!

Gần tới Tân Qui thấy lính phòng không D8 đang đào hầm công sự dưới sự đốc thúc của Ba Châm. Tôi đi trờ tới, hỏi:

- C1 vô chưa anh Ba?

- Vô rồi. C2 đã triển khai.

Ba Châm ra lệnh cho Tư Công, B trưởng trinh sát.

- Chú đưa ông Tham mưu trưởng vô C3 rồi trở ra báo cáo. Khi giàn trận xong thì bảo bộ đàm gõ máy cho tôi biết. Mấy chú nhanh lên, không thì C1 nó nổ trước làm lộ hết.

Tân Qui ở trước mặt. Đó là một cứ điểm lớn do địa phương quân đóng giữ, đôi khi có sự yểm trợ của Trung đoàn 7 Sư đoàn 5. Từng dự nhiều trận đánh đủ loại, nhưng chưa lần nào tôi hồi hộp như kỳ này. Trời mờ tối. Tôi theo một tổ trinh sát, vượt qua một bờ đê, đi vòng theo bờ tre rồi đến một con đường mòn sâu hóm vết xe bò. Những địa hình này đều không có trên bản đồ. Chúng tôi cà hục cà hửi và té lên té xuống lạch ạch như lội Trường Sơn. Tôi bảo Xướng:

- Cậu đi tới phía trước coi có vật gì che khuất, chớ nằm đây lòi lưng sao?

Xướng và Thuận chạy đi một chốc rồi trở lại dắt tôi đến một cái chòi hoang ở bìa rừng cao su. Xướng nắm tay tôi giật giật.

- Máy bộ đàm bên cạnh anh đây. Trung đội của Ba Quyết đang bố trí trước mặt mình.

Nghe có Ba Quyết tôi vững bụng lắm. Tôi ngó bốn phía thì thấy toàn đồng trống. Khu Tân Qui im phăng phắc không một ánh đèn. Tôi nghĩ thầm:

- Năm Tiều nói đúng. Pháo Bình Dương sẽ nhểu sau lưng mình. Đù mẹ, Ba Châm chơi xỏ. Ông ta đưa mình vô giữa hai gọng kềm lửa.

Tôi bảo Thuận tìm Út Sương hỏi xem toàn C đã giàn xong chưa để tôi báo cáo lên E. Thông ở đâu vọt đến thì thào:

- Tụi nó không canh gác gì hết anh ạ.

- Sao mày biết?

- Không nghe một tiếng mỏ, không có một ngọn đèn. Tụi nó đang ngủ. Mình cho nó ngủ luôn. Nè, anh Hai.

Thưng lại đập lưng tôi.

- Anh coi con Chín Khuân có vừa miếng lũm không?

- Mới mười sáu mà làm cái gì? Thôi, đừng đùa. Chú ý kìa.

Tiếng Út Sương.

- Anh Hai đâu? Xong rồi anh, báo cáo lên E đi.

Hắn là CV mà xông xáo hơn cả CT. Tôi kêu bộ đàm mở máy. Máy kêu xè xè. Chừng ba giây, hắn gõ vào máy năm cái. Tôi nghe tiếng gõ đằng kia đáp lại Cộc, cộc, cộc... Hắn báo cáo:

- Ê, nhận được rồi anh Hai!

Vừa đứt tiếng thì tạch... tạc... tạch... M16 ở cánh mặt nổ. Tôi nghĩ lộ rồi. Rồi AK nổ loạn xạ. Cl rồi C3 cũng nổ tiếp. Tôi bảo Út Sương. Tôi quát.

- Cho B thằng Bảy thọc nhanh để Năm Tân quất ngang sườn tụi nó! Ba Đức đâu, xốc tới ép tụi nó vào!

Ba Đức vọt lên.

- Yên chí đi anh Hai!

Tôi lại quát:

- Xướng, lên chiếm cái nhà trước mặt. Từ đó đánh thẳng vô trung tâm.

Đạn xẹt đan lưới tứ tung. Tiếng nổ ròn như pháo... Chịch, chịch... đạn ghim vào đất. Út Sương hét:

- Ngọc, Lạng chạy lên kêu Ba Quyết dồn lên.

Cối 60 của thằng Huyền thằng Đô thụt bung bung. Khẩu trung liên của trung đội 2 rạch màn đêm bằng một thỏi sắt đỏ lòm. Xướng xông lên rẹt một loạt AK vào nhà và quát:

- Thưng vô chiếm nhà.

Con nít khóc thất thanh. Xướng nhào vô quất đèn pin.

- Chủ nhà đâu?

- Dưới hầm hè ông ơi!

- Thuận, tung lựu đạn xuống!

Tôi la.

- Đừng tung để người ta lên.

- Lên mau để tôi lấy hầm làm chỉ huy sở.

Chưa đầy năm phút...

Cùm, cùm, cùm...

Pháo Bình Dương đề-pa...

Xòe xòe.... ùng ùng ùng... ngay sau lưng trận địa.

Tôi quát đám còn lụt thụt đàng sau:

- Chạy sát vào nhà!

Tôi giật đèn pin rọi xuống hầm. Toàn ông già đàn bà con nít. Tôi quát lính:

- Chạy lên. Không được ở đây, pháo ăn.

Ùng ùng... Pháo Bình Dương tiếp tục giã. Tôi quát:

- Tất cả chạy theo Xướng, đánh vào Sở.

Đạn tua tủa như pháo bông. Có tiếng rên la.

- Ai đó?

- Thằng Lạng, trinh sát C3.

- Hừ hừ hừ, hu hu hu. Em gãy chân rồi anh Hai. Nhà đó có lính.

- Thuận Xướng chạy lên tung lựu đạn vào!

Tróc... tróc... ầm!...

M79 bắn ra. Một vệt lửa nhoáng ngay trước mặt tôi. Tôi nghe nóng bỏng bên đùi phải và cả mặt mày như lửa táp. Bộ đàm, trinh sát và tôi té sấp. Xướng ria tiếp. Hai bóng đen vụt qua. Thuận tiếp nửa băng. Một thằng chết.

- Anh Hai chạy vô nhà.

Xướng ném một trái lựu đạn vô nhà. Lửa lóe lên.

- Nhà có ai, ra mau!

- Anh Hai có sao không?

- Không!

Tôi lê cái chân, biết vết thương không nặng lắm. Xướng giật đèn pin trong tay tôi quơ qua khắp nhà.

- Có hầm! Tống lựu đạn xuống.

Tôi quát.

- Mày là Đại Hàn hả. Gặp hầm là tông lựu đạn! Tao cấm!

Từ dưới hầm phọt ra tiếng nói lẫn tiếng khóc của đàn bà. Vết thương ngấm tôi không đứng được nữa, ngã khuỵu xuống mấy bao cát ở miệng hầm.

- Đừng liệng để tôi lên.

Một cái đầu quăn nhô ra, tay cầm cây đèn dầu. Xướng thét lên.

- Chị Chín, sao chị ở đây?

Tôi hỏi.

- Chín nào?

- Vợ Chín Tiền ở K20. Anh Hai, vợ anh Chín đây nè!

Người đàn bà thất thanh:

- Ai vậy Thuận? Ảnh bị thương chảy máu đầy mặt kìa!

Người đàn bà bước lại soi đèn vào tôi. Tôi quẹt tay đưa lên xem. Máu! Nãy giờ mặn mặn tôi tưởng mồ hôi.

- Em của chỉ là vợ anh Út Sương mình.

- Dưới hầm có lính không?

- Không. Họ thường ngủ ngoài trước nhưng hồi tối này không đến.

- Anh Út đâu kêu lại tao bảo.

Bộ đàm nói:

- Anh Lịa bảo kêu anh báo cáo!

Tôi vừa chụp máy vừa quơ tay:

- Xướng, Thuận mau chạy ra mang thương binh vào đây.

- Hừ hừ hừ...

- Thằng nào rên lớn vậy?

- Thằng Lạng bị gãy giò nằm ở ngoài!

Người đàn bà kêu:

- Má ơi, lên phụ con! Út, lên đi. Đằng mình!

Tôi nghe tiếng già Châm run run trong máy.

- Hai Lôi tới đâu rồi? Tụi mày không vô được hả?

- Cánh tôi đã vô tới giữa Sở, không đụng ai hết. Chỉ còn nổ ở cánh phải.

Tiếng già Châm quát.

- Cho rút nhanh!

- Sao vậy? Tụi tôi đang chuẩn bị xung phong.

Không có tiếng trả lời nữa. Tôi đưa ống cho cậu bộ đàm. Đù mẹ, mình còn ở đây, mấy ông nội đã rút. Tôi chưởi thầm. Còn một lô thương binh bị ăn pháo nằm rên kia. Vợ Chín Tiền cầm cái khăn lông màu cứt ngựa của lính Mỹ, đến bên tôi trải xuống đất.

- Anh Hai nằm lên đây để em coi vết thương. Em có học cứu thương ở Hố Bò.

Tôi nghe lời nằm xuống.

- Anh đừng mắc cỡ. Em có chồng rồi, em không mắc cỡ.

Người đàn bà mặt mũi đen đúa nhưng có duyên. Giọng run run:

- Anh Hai thông cảm em. Em đi làm Đồng Dù mới có tiền nuôi anh Chín và má ảnh, có tiền đi thăm ảnh. Chớ em cũng biết...

- Tôi hổng nói gì đâu!

Bà già lóp ngóp bò ra, theo sau là một đứa gái chừng mười lăm tuổi.

- Ai vậy Chín?

- Má anh Chín. Kia là em út của tôi.

Bà già rên rỉ.

- Trời ơi! Đánh thế này chết dân hết!

Chị Chín múc một chậu nước lạnh lau rửa vết thương đầy bùn của tôi. Nàng vừa băng vừa nói liền miệng:

- Em làm ở Đồng Dù ăn cắp bông băng gởi vô cho quân y ông Tư Chuyền hoài.

Có tiếng la lối ngoài trước:

- Khóc cái gì như con nít vậy Lạng?

- Hừ hù... Bỏ tôi xuống. Cái chân tôi muốn rụng rồi. Ông có bị thương đâu mà biết đau.

Chị Chín băng xong cho tôi quay sang Lạng. Chị lắc đầu:

- Chắc không được quá! Gãy xương. Phải đưa về quân y!..

Ùng!...

Một tiếng nổ chát chúa bên hè nhà. Lỗ tai lùng bùng, nghe o o trong con ráy. Mùi thuốc.khét nghẹt. Cô gái la hoảng:

- Má ơi xuống hầm.

Cả nhà nhốn nháo. Tôi quát:

- Ở đâu ở đó đừng chạy lộn xộn chết.

Tôi khoát tay nhưng lạ chưa ‘ Tôi nghe đau buốt. Cánh tay tôi bỗng xụi lơ, không giơ lên được. Út Sương chạy tới:

- Anh Hai có sao?

- Không. Tình thế...

- Tôi cho lượm hết thương binh rồi. Mẹ, chừng một trung đội.

- Cho rút.

- Còn anh? Ông già Châm chơi ác quá!

- Tôi đi được. Bộ đàm bỏ máy gọi trung đoàn.

Hắn lắc đầu:

- Không có trả lời. Ổng rút lâu rồi.

Người đàn bà khuyên.

- Khoan đã anh. Chờ tụi nó quay họng pháo qua phía khác.

Một tiếng hỏi.

- Vợ Út Sương đâu?

- Dì ấy ra nhà bà già dượng Út để đẻ... ngoài ấp... Cây Bài.

Út Sương đứng tần ngần nãy giờ, có lẽ bàng hoàng trước cảnh này. Hắn buông một câu:

- Đẻ đâu không được mà phải ra ấp chiến lược Cây Bài.

Người đàn bà móc túi nhét mớ bạc vào tay Út Sương:

- Vợ dượng nhờ chuyển cho dượng mà lâu nay tôi chưa đi được.

- Sao hổng để lo đẻ mà đưa tôi chi vậy?

Mọi câu đối thoại ngắn dài đều mờ lấp trong tiếng pháo. Tôi ôm vai thằng Xướng đi ra lộ phía trước nhà. Mặt đất bằng phẳng nên bước dễ hơn. Pháo vẫn bắn, nhưng ai cũng chạy, không nằm lại nữa. Nằm lại thì đội thêm. Tôi mơ màng hỏi.

- Bộ có trăng hả Xướng?

- Dakota thả pháo sáng chọn đường mình.

Ra được một khúc tôi thấy máy bay quần trên trời.

Uồng uộc!.... Uồng uộc!..

Nó ria những loạt dài nín thở mà chưa dứt. Một tiếng non choẹt reo mừng:

Nó rọi đèn cho mình đi đã...

Uỵch... Tiếng nói bị cắt ngang. Thây người đổ. Không rõ pháo hay đạn máy bay trúng anh ta. Những bóng đen lố xố nhôn nháo lếch thếch bên đường. Một vai hai, ba súng. Lom khom khiêng vác. Hai người kè một. Ùng oàng! Pháo vẫn rớt trên lộ. Mẹ, nó bắn ngay chóc. Đèn rọi sáng rực kiến bò ngó thấy..

Ùng!...

Trước mặt tôi một cái băng ca bỗng biến mất. Tôi chạy lê qua hố đạn nóng hầm hập, khói nghi ngút. Bỗng thấy một cậu vác một người dịu oặc trên vai chạy qua mặt tôi.

- Ai vậy?

- Thằng Quyết.

Ờ! Quyết. Ba Quyết, anh con Quắn ở Dân Hàn.. Lóe lên trong đầu tôi như tia chớp. Vợ nó hai mươi hai tuổi, con nó lên ba, tên Tiến.

- Có sao không?

- Bị thương...

- Sao?

- Vỡ sọ...

Trời! Tôi nghe như lãnh thêm một vết thương. Thằng nhờ cậy nhất C3. Tôi định trận này xong cho nó lên C phó. Dù tính nóng nảy, đánh lính, vẫn là cán bộ tốt. Một cậu đi ngang giải thích:

- Nó bị ngay từ phút đầu.

- Anh em bị thương bao nhiêu?

- Gần hết đại đội.

- Út Sương hả?

- Tư Đông! Anh cũng bị? Trung đoàn đâu?

Út Sương nạt.

- Mình lo mình đi. Tiểu Trung cái gì nữa. Thưng chạy trở lại phụ cõng thằng Lạng. Đừng bỏ nó. Mau lên!

Những quả 155 xòe xòe qua đầu. Ùng ùng... trước mặt.

Sau lưng đuổi riết. Tới một nhà có cây rơm đằng trước, tôi bảo tạt vào đó. Tôi không còn lê chân nổi nữa, nghe ướt cả ống quần và áo.

- Thằng Bụng hả?

- Anh Hai bị ở đâu?

- Có gặp Tư Công không? Thằng Tân (C trưởng C1) đâu không thấy?

Tôi thấy Tư Nhựt cũng bị, tay quấn băng trắng đeo trên cổ. Tư Nhựt mếu máo:

- Tôi tin ông Ba Châm nên mới như vầy. Rụm mẹ nó hết tiểu đoàn rồi. Tụi đóng dã ngoại trong rừng cao su rút hồi nào không rõ. Mình tới, nó bên ngoài nhào vô. Bây giờ làm sao anh Hai?

Tôi gắt.

- Anh đi trước đi, để tôi lo.

- Đi gì được, còn mấy xác của C3 bỏ sát hàng rào dinh quận. Tôi đang chờ Tư Công cho trinh sát trở lại lấy.

Rồi hắn động viên tôi.

- Anh về trước đi. Đến Phú Hòa Đông có thêm dân công khiêng. Có chị Năm Đang ở đó.

Tôi bảo Xướng kè tôi đi tiếp. Đánh giặc chỉ nhờ cặp chân, lại bị thương chân mà là chân phải, như xe không có bánh. Tiến càu nhàu:

- Đánh chác con mẹ gì thế này!

Tôi quát:

- Cậu nào nói thế hả?

Im. Lại càu nhàu:

Lịnh lọt không thấy? Tiếp viện cũng không!

- Im!

- Anh Hai bây giờ mới rút. Ông Ba Châm, Út Lịa đã vọt từ khi Dakota mới tới.

Tôi nhìn lại thì đó là lính Phòng không của D8.

- Ổng còn ra lịnh tôi ở lại chờ phản lực tới đặng bắn.

Rầm rầm rầm...

Bắn... Đại liên từ máy bay. Đại liên từ dưới đất. Pháo bông đan chéo. Một người nhảy lên công sự: Đồng đen! C trưởng C2.

- Anh có sao không anh Hai?

- Sơ sơ ở giò và vai.

- Phải tôi biết vầy, tôi cho Tư Lan theo cõng anh.

- Đến nước này còn đùa.

- Lính gì bị. thương khóc như con nít.

Tôi quát.

- Không con nít là gì? Mới mười sáu tuổi. Các cậu rút đi. Lệnh của tôi.

Pháo Bình Dương vẫn chưa dứt. Đạn nổ tối tăm mặt mũi. Khói mịt mù, khét lẹt, ho. Không còn thấy rõ mặt nhau. Nhiều cặp cán thương tung lên. Cả thương binh. Bị thương lại bị nặng thêm. Hừ hừ... Tiếng đù mẹ om trời.

- Tối quá anh Hai.! Làm thế nào?

- Chờ đây chút. Tao bảo tụi D8 tới khiêng.

- Ờ! anh nói thì may ra. Chớ ông Tư Nhựt bảo họ trấm trơ.

Tôi ráng lê qua khỏi rừng tràm Láng The, sình lầy ngang đầu gối dài chừng hai cây số. (Bây giờ nhớ lại mà rởn ốc.) Không hiểu sao tôi sống được, đi được với hai vết thương đùi, vai và khắp người lốm đốm vết lớn vết nhỏ. Về tới bìa ruộng đường Hai Làng. Một đám đông đang đứng dưới lùm cây chờ khiêng thương binh. Một tiếng eo éo:

- Còn anh nào nữa không?

Xướng bảo.

- Còn nhiều lắm. Có ai khỏe tiếp khiêng ông này. Tôi đuối quá rồi.

- Ông nào vậy chồng Hai Nên?

Tôi hỏi.

- Ai đó, con Lan con Quắn hả?

- Có chị Bảy khỏe nhất. Ông nào chỉ cũng cõng nổi hết.

Tiếng cười khúc khích. Tiếng đấm lưng nhau làm tan không khí chết chóc. Một giọng quen quen:

- Ông nào vậy anh Xướng?

- A! Bảy Mô hả. Anh Bảy nè. Ra đây chị Bảy!

Mắt tôi đã mờ nhưng bỗng sáng lên ngay. Đúng là Bảy Mô. Nàng nhảy xuống ruộng:

- Trời ơi! Có nặng không anh?

Tôi lắc:

- Em có sao không?

- Anh Hai ơi, dượng Chín (chín Câu) em hi sinh rồi!

- Anh biết. Đừng khóc.

Nàng nhào tới ôm tôi, nức nở. Tôi nói:

- Cũng may không trúng xương và mắt.

Mô kêu:

- Phượng ơi! Trải võng ra, đem đòn xuống đây.

Tôi lắc:

- Đằng sau còn nhiều. Anh đi được. Các em ở đây chờ.

Mô kề vai vào dìu tôi thay cho Xướng. Xướng ngã uỵch xuống không ngồi lên nổi, không rõ bị thương hay kiệt sức.

Tiếng pháo vọng lại từ đường số 8. Nó chận mình từ xa. Mô dìu tôi và đưa tay lên bờ:

- Phượng, Lan kéo tao lên!

- Chị ẵm ảnh lên không nổi sao?

- Ở đó mà giởn, con quỉ!

- Thiệt chớ giởn. Ẵm ảnh lên đi. Hun ảnh vài cái là ảnh hết đau.

Phượng, Lan hai cô dũng sĩ đã có lần đào địa đạo với tôi sau nhà cô Tư Bé ở Bàu Trăn đụng cái nắp hòm.

- Thôi các em ở đây chờ lo cho tụi nặng. Anh còn đi được.

- Anh bị ở đâu vậy?

Tôi cố nhếch môi cười.

- Ở tim!

- Quỉ anh còn đùa.

Mô không cười. Mặt nàng xanh lướt. Mắt hõm sâu nhìn tôi. Máu, bùn, băng trộn quết lẫn nhau. Không biết là cô nào đó nói:

- Ông Hai Hổ cho đào có mười cái hố trong vườn cao su. Bây giờ không đủ số ông hắt đào thêm. Ai ở đó mà đào cho nổi. Lấp xong hết rồi. Còn năm thây để đó.

- Có thằng Quyết không?

- Hả? Ai?

- Ba Quyết ổ Dân Hàn!

Một tiếng gào lạc giọng.

- Anh Ba em!

- Nó hi sinh từ lúc mới vô.

- Ảnh đâu rồi?

- Không biết đứa nào vác đã tới chưa?

- Hu hu...

Tôi biết giọng con Quắn, em Ba Quyết. Quắn chạy hoảng xuống ruộng tới mấy nhóm đang khiêng vác.

- Anh Ba ơi! anh Ba!... chị Ba ơi, anh Ba chết rồi!

Não nề quá. Cảnh chiến tranh tôi coi thường nhưng kỳ này nghe em gái kêu anh mà đứt ruột.

- Út Nhở đâu? Bảy Nê đâu?

- Dạ hai chỉ ở nhà đi nghiên cứu trận địa đánh xe tăng trả thù cho thằng Lợi.

Phượng, Lan thấy Mô kè tôi nên lãng ra, cười trêu chọc:

- Thôi chị Bảy đưa anh Bảy về nhà đi!

Mô dìu tôi một mạch từ Phú Mỹ về đến xóm Ba Gia rồi từ đó theo đường 15 tới Rừng Làng. Tựa vào nàng tôi hầu như quên hết nỗi đau đớn. Tôi nhắc:

- Từ bữa ăn xôi sầu riêng của chị Ba nấu ở nhà em, tới bây giờ mình mới gặp nhau.

- Em không nhớ. Nhưng riêng em lúc nào cũng ở bên cạnh anh. Ngay cả trong giấc ngủ.

- Thiệt hả Mô?

- Ở đây chỉ có anh và em thôi. Em thấy không nên giấu anh nữa.

Tới khu Bến Đá, sông Sài gòn hiện lên. Mặt nước lấp lánh, bàng bạc. Nước dâng lên ngập nửa thân cây bần. Lòng nàng chắc cũng tràn đầy thương cảm đối với tôi. Lâu nay tôi vẫn biết nhưng cố quên đi. Tôi đối với nàng không như những em khác. Nàng: Một cái bóng. Một trái tim. Một tâm hồn. Có yêu thì nên trong mơ tưởng.

- Ai được cô nào dìu khỏe quá ta!

- Mấy anh kia... bị pháo đuổi các cô quăng chạy hết trơn. Bỏ nằm dưới ruộng khóc lóc.

- Người ta sắp tuyên bố đó!

- Chị Bảy thong thả đi sau nghen. Tụi này phải về tới Sa Nhỏ lận.

Tôi nói với Mô:

- Anh rất mến dượng Chín em!

- Chị Năm em cũng biết rồi.

Nghe nàng nhắc tới Năm Mai, tâm trí tôi hơi rờn rợn. Mới hôm nào... Mai dặn tôi đừng cho dì Bảy con Liên biết. Mai khỏi dặn tôi cũng không dám cho ai biết. Mô hỏi:

- Chị Năm bảo bé Liên kêu anh bằng Ba phải không?

- Ờ! ờ!.

- Thôi cũng được. Chỉ có con nhưng đẹp hơn em!

- Em đừng nói thế!

- Chị Năm với anh ra sao, Má đều biết hết! (Nàng dùng tiếng "má" suông)

-????

- Chính chị Năm nói mà.

Té ra thế. Nước mắt nàng ướt vai tôi.

Hức..hức!...

Tôi không hiểu hay tôi không chịu hiểu nguồn cơn của những giọt nước mắt này. Khi tôi ẵm bé Liên tiễn chân nàng ra quốc lộ. Nàng bảo tôi:

- Dừng lại đi anh. Đừng đi xa hơn nữa.

Câu khuyên đó bây giờ lại vang bên tai tôi. Bảy Mô nói:

- Em yêu anh nên phải tạm xa anh!

- Sao vậy?

- Người ta đang tranh đua nhau để chiếm anh.

- Trời! Em theo dõi anh ghê quá.

- Em phải trông chừng anh chớ. Nhưng không bao giờ em cho ai biết.

- Tại sao?

- Em thành phần địa chủ mà. Yêu anh sẽ làm khổ anh hơn và anh sẽ không tiến bộ.

- Trời!

Cải cách ruộng đất! Nó lại xâm nhập vô tới đây để phá phách con người, tình cảm con người. Nàng tiếp:

- Cách đây vài tháng dượng Chín có thưa với má em và bảo em dượng sẽ làm mai cho em một người xứng đáng.

- Ai vậy?

- Ai thì anh biết đấy! Dượng không biết ai đó đã yêu anh và chắc cũng được anh yêu lại. Khi gặp anh ở xe nước mía gần An Nhơn thì người ta đã để ý anh rồi. Có nhiều ông ở R về theo đuổi em... ủa, theo đuổi người ta nhưng gia đình không ủng hộ.

- Người ta là ai vậy?

Hai đứa rù rì với nhau về tới Rạch Sơn thì trời sáng bạch. Tám Đột đã cho du kích bắc lại cầu. Mô dìu tôi đi qua không vất vả lắm. Có lẽ tang gia bối rối ở Tân Qui nên địch không quậy phía này. Bến Mương và An Nhơn yên ổn.

- Hồi gặp anh với chú Tư Linh ở quán cô xẩm, vui quá hả anh?

Tôi giật mình. Lúc đó tôi chưa quen cô xẩm nhưng sau này chính là Mính.

- Nay thì đìu hiu ghê rợn.

Tôi ngậm ngùi khi nghe mấy tiếng ấy từ môi một người con gái. Tôi tạt ngang:

- Bao lâu rồi, chị Mai không về nhà nữa?

- Nhà đâu còn mà về, anh!

- Em ở đâu?

- Ở hang với tụi nó. Phải anh ghé ngang nhà coi. Một cây sầu riêng cũng không còn nguyên. Không còn một tiếng chim chìa vôi hót. Hoa lá tan tành.

- Nhưng còn trái tim anh... và em!

Mô hất tóc ra sau vai rồi nhìn tôi đăm đăm:

- Hôm nay trời cho em gặp anh ở đây, quả là bàn tay người phàm không bố trí được.

Tôi nói với sự xúc cảm sâu xa như chưa hề nói với ai.

- Em! Anh yêu em!

- Và chắc có lẽ mình lại xa nhau rồi!

- Anh vẫn còn ở Củ Chi, thì anh đâu có xa em nữa.

- Hôm nay em cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

- Em muốn gì nói anh nghe.

- Điều em muốn, em đã đạt rồi.

- Gì?

- Đó là mấy tiếng em yêu anh vừa thốt ra.

- Mô!

- Mặc dù em biết anh đang theo đuổi...

- Không... anh chỉ gần gũi chớ không theo đuổi ai hết! Đó là sự thực.

Mô nhìn tôi. Nàng là một người con gái khác thường: có học, kín đáo, thâm trầm chớ không như những người khác mà tôi biết. Nàng muốn chiếm tôi, nhưng không bằng vũ khí thường mà bằng sự im lặng, chịu đựng và đau khổ.

- Hôm nay em được anh quàng vai em và nói với em những lời hiếm có, em thấy đủ rồi. Em không muốn gì hơn nữa.

Hai đứa nhìn nhau, im lặng. Tôi thấy nàng như một nữ thần đứng ở trên cao xa tắp. Qua ngã ba An Nhơn, nhìn thẳng lên Láng Cát, Mô bảo:

- Mình đi thẳng vô cổng Bông giấy đi anh. Rồi về Hố Bò đến C5 ông Tư Chuyền. Còn đi đường An Phú, đường trống sợ gặp đầm già. ‘

- Đi ngả nào chỉ có mình em và anh. Anh muốn đi với em ra ngoài trái đất mọi rợ này. Em cứ bơi lái trên sông Ngân Hà...

Mô nhìn tôi, cười. Nàng ngập ngừng:

- Sợ rằng:....

Tôi nói tiếng Pháp.

- Sợ gì em? Muốn là được

- Sợ chúng ta chỉ đi bằng thuyền hồn thôi.

- Nghĩa là...

- Anh với em không có cơ hội yêu nhau trên cái đất này đâu. Mặc dầu... Bởi vì...

- Mặc dầu gì. Bởi vì gì?

- Bởi vì còn bé Liên...

- Anh là dượng Bảy của nó, nhưng mong sao anh không như Chín Câu dượng của anh!

- Em mong như vậy nhưng em sợ.lắm. Thôi bỏ chuyện đó đi. Em thấy anh mệt. Máu ra nhiều quá. Ghé vào cái bức tường đổ kia nghỉ chút.

Đây là nơi tôi cũng đã từng dạy cho du kích An Phú bắn cối và AK. Nàng dìu tôi tới gốc cao su, tàng lá xanh um phủ trên đầu. Vắng lặng ghê rợn chung quanh. Xác chiếc máy bay rớt đâu hồi nào, những mảnh nhôm vụn còn vương vãi chung quanh.

- Thành tích của anh đó!

- Anh thiết gì ba cái danh tiếng rởm kia. Thật ra anh chỉ muốn làm anh hùng trong tim em.

- Anh nói! Người ta mong được đi R lãnh huân chương như anh mà không được.

- Đó là thành tích của Huỳnh Thành Đồng, không phải của anh. Anh nhận nó mà xấu hổ thôi.

(chương tới tôi sẽ kể cái chết lãng xẹt của Huỳnh Thành Đồng. )

Đột nhiên trong một cử chỉ bất ngờ và mạnh dạn, nàng ôm đầu tôi áp vào lồng ngực no nê của em. Tôi nghe tất cả địa ngục hóa thành thiên đàng. Nàng rủ rỉ:

- Anh có nghe tiếng trái tim em không?

- Có! Anh hiểu em, Mô! Nhưng mà... chúng mình rồi...sẽ như em vừa nói. Thế thôi!

Tôi hôn Mô.

Đó là cái hôn độc nhất của tôi đối với nàng. Cái hôn phi phàm, trong ngần như hoa như mây không gợn gì khác. Một tâm hồn. Hai tâm hồn xa mãi nhưng gần mãi, cho tới giờ đây Một tiếng: Mô! Một cái hôn yêu cũng là cái hôn vĩnh biệt.

Còn trận Tân Qui? Đó là một trận đánh vô tổ chức, không có chỉ huy, lộ bí mật, binh sĩ không quyết thắng trước khi nổ súng, và mất tinh thần sau trận đánh.

Bảy Mô đưa tôi vào nhà Tư Chuyền. Nàng thủ thỉ:

- Anh nằm dưỡng bịnh. Em sẽ vào thăm anh.

Mặt nàng buồn nghiến. Tôi biết nàng yêu tôi, một thứ tình yêu rất tiểu thuyết.

Vết thương chiến tranh dễ trị. Vết thương lòng mới khó.

Chỉ sau mười ngày, tôi lại được giấy hỏa tốc. Lúc nào cũng hỏa tốc. Mà lại do chính tay Tư Nhựt cầm vào. Lệnh của Năm Lê. Tôi mở ra đọc xong, Tư Nhựt nói:

- Chuyến này mình thọc sâu xuống Trung An thầy ạ!

Tư Nhựt là D trưởng, tôi là Tham mưu trưởng D nhưng y lại xưng hô như vậy. Tôi cản nhưng y thành thật nói:

- Tôi so với thầy sao được, nhưng ở trên giao cho tôi nắm D là vì tôi thuộc đường đất. Còn thầy đã qua chiến tranh chín năm lại học trường quân sự...

- Mình học lẫn nhau thôi!

Tư Nhựt là một nông dân, gan dạ và có nhiều đức tính. Sau này ở trên chỉ định làm anh hùng giải phóng quân. Y nhường cho tôi. Tôi không nhận (tôi đã biết cái hư vị đó một lần rồi).

Khi gần Tết Mậu Thân, Tư Nhựt được đưa lên làm Trung đoàn trường mũi nhọn đánh vô Sài gòn đợt 1. Trước khi xuất phát y giao vợ con lại cho tôi. Y biết sẽ chết. Thiệt là lâm ly bi đát. Tôi sẽ kể sau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx