sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 76: Cái Chết Của Đặc Công Huỳnh Thành Đồng Và Sợi Dây Lưng Quần Của Cô Nữ Dân Công

Vừa đi Tư Nhựt vừa than thở.

- Thiệt hại nặng quá thầy Hai. Thiệt lãng quá! Đánh như vậy lính đâu còn mà đánh nữa.

- Trên 40?

- Thằng Hai Hổ xã đội vô trách nhiệm. Y cứ dập, không có cả bó chiếu, nói chi hòm!

Hai đứa kéo vô quán làm sơ vài con khô mực. Cô bé bẽn lẽn nhìn tôi như nhắc lại những cái hôn táo bạo của cô hôm trước. Chính nơi đây tôi được nghe cô nói: "Sắp đánh Tân Qui." Đó là nguyên nhân của sự thất bại nặng nề.

Tôi và Tư Nhựt đi ngất nghễu trên đường vắng lặng. Lúa hai ven đường xơ xác. Không một bóng người. Đồng bà thưa thớt Những bà mẹ, những bác nông dân tự cho mình cái quyền chạy ra ấp chiến lược bám thắt lưng Mỹ mà không ai được nói gì. Ai nói gì kia chớ? Trực thăng nó xúc cả heo nái heo con lẫn người ra ngoài đó, heo được uống cả sữa bột. Ai đút miệng vô đâu mà nói.

- Tôi quá tin ông Ba Châm thầy Hai à! Tôi nghe ở trên sắp phân tán E2 thành D độc lập. C3 mất sức chiến đấu.

- Nó chịu nặng nhất.

Bỗng từ đàng sau có tiếng người. Tôi quay ngó lại. Hai người khiêng toòng teng một cái võng. Tôi nghĩ thầm: Chắc bị pháo lẻ đêm qua. Không có ngày nào Củ Chi không đổ máu, không có ngày nào thế giới không bị lừa gạt về cái Củ Chiđất thép này (đến nay 1994). Chúng nó gạt thiên hạ đã đành, chúng nó còn gạt cả đồng chí chúng và tự lừa mình.

- Ai đó phải anh Hai không?

Hai đứa tôi đứng lại. Chiếc võng trờ tới. Trên chiếc võng một bọc ni lông dài màu xanh. Tưởng ai, ai dè con Quắn.

- Ai vậy Quắn?

- Anh Ba em!

Thằng Quyết. Đêm trước thấy lính nhà vác xác nó qua mặt tôi đã rụng rời tay chân. Tôi còn đau đớn. Quắn đi song song với tôi và Tư Nhựt giải thích:

- Ba em bảo em đi tìm cho được xác ảnh đem về chôn ở đất nhà. Em ra Phú Hòa tìm ông Hai Hổ một ngày. Ổng mới dắt tới vườn cao su. Mấy chục nấm đất mới, không biết cái nào? Em nói tên Ba Quyết. ông bảo: "Tôi nhớ rồi. Mới lúc chiều chú Ba có mượn tôi kiếm cho cây đòn để khiêng thương binh. Chẳng ngờ tối lại khiêng chú." Ổng chỉ: "Cái mã kia kìa. Nhưng phải coi kỹ, bể sọ đầu mới đúng, bị chỗ khác thì không phải Ba Quyết."

Tôi rợn xương sống. Nếu tôi bị dập ở đó ba má tôi làm sao biết được? Cái cuộc chiến tranh ái quốc ái quần này giết không biết bao nhiêu sinh mạng để làm gì ngoài những trò khỉ cho thế giới khinh miệt và cười chê.

Nước chảy ròng ròng xuống đất, tanh hôi lạ lùng, nhưng tôi và Tư Nhựt cố giữ vẻ thản nhiên. Những con ruồi bay theo đáp trên ni lông, trên chiếc đòn. Tôi và Tư Nhựt đứng nép qua, cúi đầu. Tư Nhựt giơ tay, giọng nói rưng rưng.

- Chào mày nhe Quyết!

Còn tôi không muốn nhìn cái võng lẫn cô em gái đi sau chiếc võng. Quắn nói:

- Đây là bộ đồ ảnh bỏ lại nhà, em đem tới mặc cho ảnh nhưng không mặc được.

- Cho anh gởi lời chia buồn tới gia đình.

Tôi và Tư Nhựt đứng lại chờ cho chiếc võng vượt xa mới đi tiếp Tư Nhựt nói:

- Chuyến này mình đi Trung An thầy ạ!

- Đừng kêu tôi vậy, lính cười cả anh lẫn tôi.

- Anh, thầy cả đại tá, tôi ăn thua gì.

- Về Bộ binh tôi phải học anh.

- Giỡn hoài! Tôi nghe Tư Linh nói anh đánh Tây hồi mười bốn tuổi. Tôi chỉ là... không chó bắt mèo ăn cứt: Học thì không, kinh nghiệm thì ít. Chỉ quen đường đất vùng này.

- Kỳ này hai đứa mình phải gở lại cái Tân Qui.

- Hai ông Ba Châm, Út Lịa làm bể lính hết. Phải vùa một tụ cho tụi nó lấy lại tinh thần anh ạ. Kỳ này luồn xuống một đại đội thôi. Trước khi đi mình phải kiểm thảo trận đánh. Ông Ba Châm bị gọi về gặp ông Năm Lê. Cho ổng xanh mặt phen này. Ờ, chân anh đã lành hẳn chưa?

- Lành, nhưng đi còn sượng.

- Nghe đàn bà đi chợ về nói tụi Trung đoàn 7 Sư đoàn 5 mở tiệc ăn mừng ngoài đó. Tụi nó ngạo mình đấm vào lỗ không! Tức ói máu!

Tôi hỏi Tư Nhựt:

- Cái tay anh hết rồi hả?

- Miễng sớt qua ngoài da thôi. Mấy bữa này xe tăng Mỹ cà rịch từ Lồng Cu 3 tới Bàu lách, lên tuốt Bến Đình. Nó vừa moi được một hầm 6 ông 2 bà ở An Phú.Chúng nó đang thăm dò để bung tới đường số 7 vào sâu Lô 6. Rồi luôn Ba Sòng nữa. Cha cha! Nó cắm nọc giữa rún mình rồi anh!

- Có ai ở trên xuống kiểm thảo mình không?

- Chưa biết. Nhưng ở trên bảo là mình có khả năng đánh cấp tiểu đoàn. Mặc dù vậy, trận Tân Qui cũng cho một số kinh nghiệm.

Tôi làm thinh. Hồi chín năm tôi ở D307 của Nguyễn Văn Tiên, có trận nào đánh cấp tiểu đoàn mà xộc xệch về mọi mặt thế này đâu. Hồi đó chiến thuật vững hơn, cán bộ tài ba hơn bây giờ nhiều. Những người lứa tuổi đó bây giờ như Ba Châm, Năm Tiều... đã lụt, chỉ còn làm được Tham mưu thôi. Nhưng đánh Mỹ bây giờ họ cũng đã lạc hậu. Các chiến thuật Lấy thịt đè người, Dao mổ bò giết ruồi, Công đồn đả viện đã phải rách nát trước các chiến thuật Trực thăng vận, Bủa lưới phóng lao, Phượng hoàng vồ mồi. Nhưng mình bắt buộc phải đánh. Chấp nhận.mọi hi sinh.

Thế là tôi và Tư Nhựt đi Gò -Môn (Gò Vấp và Hốc Môn nhập lại) để thi hành nghị quyết cấp trên. Bên cạnh cái chiến thuật"Nắm thắt lưng của Mỹ mà đánh" do "nhà văn" Nguyễn Chí Thanh (tác giả tùy bút "Cây đa bến cũ con đò khác đoan đăng trên 12 kỳ báo Nhân Dân để ca ngợi hợp tác xã) sáng tác bây giờ lại được bổ túc bằng một cái sự đời mới nữa "Đưa ác liệt vào lòng địch" mà chúng tôi là mũi nhọn tiền phong.

Theo kế hoạch thì chúng tôi gặp ông vua con Châu Thái Hùng, huyện đội trưởng huyện Gò-Môn. Hùng cho mấy chiếc tam bản rước một đại đội chúng tôi đến Trung An, một xã nằm sát sông Sài gòn, ở hai xã Tân Trạch Đông và Phú An Đông. Nếu cho tỉnh lộ 8A là cây đòn gánh một đầu gánh ấp chiến lược Cây Bài, một đầu ghim vào thị xã Bình Dương bên kia sông Sài gòn thì Ngã Tư Tân Qui và bót Cây Keo (cũng còn gọi là bót Thầy Mười vì ở gần đó có nhà thầy giáo Mười)là những điểm giữa của chiếc đòn gánh này. Tân Qui nằm ở phía ấp chiến lược Cây Bài, bót Cây Keo nằm về phía thị xã Bình Dương.

Hai cứ điểm này nằm trên trục lộ 8A cách nhau chừng bốn cây số đường chim bay. Quốc lộ I dẫn về Sài gòn gặp nhau với tỉnh lộ 8A ngay ấp chiến lược Cây Bài. Nói tóm lại muốn luồn Cl vào vùng Gò-môn chẳng khác nào bắt một con cá chui qua những mắc lưới đồn bót trên bộ và đặc biệt Giang Thuyền Bình Dương lúc nào cũng có thể đổ bộ trên hữu ngạn sông Sài gòn tấn công vào các vùng đất hẹp té được Mặt Trận Giải Phóng hóa phép thành khu Giải Phóng chiếm 3/4 đất đai Miền Nam nói chung và vùng giải phóng Quân Khu IV chạy dài tới cửa ngỏ Sài gòn! Trong khi trên thực tế, thì Củ Chi chạy tới Sài gòn là một nan lưới đồn bót cố định và được xây cất thêm càng ngày càng đông đúc vào thời điểm này. Có đến hàng trăm cái bót lớn nhỏ. Tân Qui chỉ là một cứ điểm trung bình có chừng 2C địa phương quân trấn giữ.

Riêng tôi và Tư Nhựt được một chiếc xuồng con rước vào căn cứ của Hùng, còn Cl và các tổ trinh sát thì phải hành quân qua rạch Nàng Âm vào lúc chiều tối để đóng ở ấp Phú Yên sát bờ sông Sài gòn chờ lệnh chúng tôi. Tôi hỏi Tư Nhựt:

- Anh có quen với Ba Hùng? (tức Châu Thái Hùng)

Tư Nhựt lắc.

- Nhưng nghe nói ông cũng là dân tập kết. Rất khó tính.

Chiếc xuồng con do hai người bơi theo con rạch quanh co, đổ ra sông Sài gòn một hồi rồi lại chui vào một con rạch khác. Hai bên bờ toàn là cây bần, cây mắm và lá dừa nước. Chừng một tiếng đồng hồ mới đến một khu vườn dừa cao và cây ăn trái. Tôi ngó lên thấy có một sợi dây phơi quần áo đen tím giăng giữa hai cây cau. Heo gà rải rác bên mương vườn. Tư Nhựt lên giọng lạc quan:

- Thế nào bữa nay mình cũng có bữa cháo gà.

Không ngờ gặp Hùng, chúng tôi thối chí: hắn có bộ mặt gà mái ấp, lạnh như tiền. Bàn bạc với hắn cả buổi, không có một miếng nước lã thấm giọng. Chúng tôi chủ quan nên không mang bình ton theo, đành chịu khát bàn chuyện cứu nước. Hắn làm như chúng tôi là Bộ Tư lệnh Quân Khu phải giải quyết tất cả mọi khó khăn cho hắn, nên bàn kế hoạch tác chiến nào hắn cũng than không khắc phục được và mong các đồng chí thông cảm. Tư Nhựt hơi quạu:

- Phần tác chiến chúng tôi đảm trách, xin đồng chí cấp gạo cho chiến sĩ.

- Ở đây không có chế độ cấp gạo. Cơ quan nào cũng lãnh lúa tự xay lấy mà ăn.

- Tụi tôi là D cơ động làm sao xay lúa?

Hùng nhăn răng cười:

- Tại nó vậy tôi biết làm sao? (Nó là ai, có trời hiểu.)

Nếu gặp Năm Tiều chắc thằng cha quận đội này ăn đạp hoặc được thường vài ba chục đù mẹ. Mặt hắn có vẻ sáng sủa hơn Tám Giò quận đội Củ Chi. Nhưng Tám Giò còn đãi tôi và Hai Khởi một ly cà phê, trà và thuốc hút. Cuối cùng là nhậu mắm chua cá con, nhưng thằng này thì luôn luôn quác ra, làm như chúng tôi tới đây phá rối cuộc ăn hút của hắn.

Tư Nhựt hỏi tới vấn đề tải thương. Hùng lắc đầu:

- Ở đây chỉ có vài que du kích. Nhưng lâu rồi họ lặn mất hết. Nếu các đồng chí cần (cần thật chớ nếu con mẹ gì!) tôi sẽ liên lạc với xã đội Tân Thành Đông may ra kiếm được vài mạng. Nhưng xay lúa giả gạo thì may ra họ còn giúp, chớ tải thương thì e khó động viên. Có bắt họ đi ra trận, họ cũng trốn trước khi nổ súng.

Khác hẳn với những gì (rất lạc quan) mà ông Tám Quang Trưởng phòng chính trị Quân Khu thay mặt Bộ Tư lệnh phổ biến trước khi chúng tôi xuất quân. Cấp chỉ huy nào của Việt Cộng cũng có một cách lãnh đạo nhằm mục đích xua lính vào cái chết. Trước lúc vượt Trường Sơn, Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm ủy ban Thống Nhứt thay mặt Trung ương Đảng báo cáo"Trường Sơn có quân y viện, có bếp nuôi quân, có cả mậu dịch bán với ba thứ tiền Việt Miên Lào!" Lũ binh sĩ và cán bộ nghe xong tưởng như đi dạo Bờ Hồ. Vô đó rồi hộc máu ra từng cục, lính chửi bác Hồ đểu. Nhưng đã vô lò sát sinh rồi. Cửa đóng then gài, chuồn trở ra không được. Tám Quang cũng lãnh đạo cái kiểu đó. Hùng nhìn tôi một giây rồi hỏi:

- Thấy anh hơi quen, hình như có ở 338 của ông Tô Ký.

Tôi gật, bụng không khoái lắm.

Cuối cùng tôi và Tư Nhựt cáo lui, chỉ nhờ hắn cung cấp xuồng ghe cho chúng tôi chở súng nặng đi trong rạch. Ở đây ruộng lầy, không thể vác đi được. Hắn đồng ý nhưng với điều kiện là phải báo trước một ngày thì mới có.

Hắn ngồi trong nhà nhìn chúng tôi đi chớ không thèm đưa ra bến. Tư Nhựt là kẻ rất đàng hoàng, nhưng bây giờ cũng không giằn được. Y đù mẹ và văng tục chửi thằng quận đội là đồ chó đẻ, đồng chí con gì vậy v.v....

Chúng tôi nhìn mấy người trong xóm có vẻ là du kích nhưng không dám ra mặt hơn, để hỏi thăm tình hình. Họ bảo xã Trung An này trống trơn, dân đi tứ tán hết, nhà cửa thưa thớt, chỉ có một con đường từ ấp Phú Yên ra ấp Nhà Việc gần đường số 8. Còn ngoài ra thì lội. Nếu đóng quân thì phải coi chừng trực thăng ở Đồng Dù đáp xuống hốt. D2 đã bị chụp mấy lần rồi! Chúng tôi chỉ được biết có thế. Ngoài ra thì mò mẩm tìm hiểu lấy.

Sau khi lên bờ tôi gặp Tư Công C trưởng Cl vừa lên thay cho Năm Tân bị thương nặng ở Tân Qui, Tư Công cho một tổ trinh sát đón chúng tôi đến bờ rạch xóm Bưng Tre (tức là con rạch Láng The). Con rạch này bắt nguồn từ đâu không biết, nhưng nó chảy qua cầu Phú Hiệp ở đường Một Làng, cách Đồng Dù chừng sáu, bảy cây số và đổ ra sông Sài gòn. Nói là rạch nhưng nó rộng lớn hai bờ rậm ri, nếu không có xuồng thì không tài nào lội qua được. Cuộc hành quân "đưa chiến tranh vào lòng địch" này quả là một cuộc đ đứng thiên nan vạn nan còn hơn cả Trường Sơn vinh quang.

Ở Trường Sơn có sốt rét, đói và leo núi, nhưng không có địch, còn ở đây thì nước ngập, bốn bề là địch và pháo. Nguy hiểm nhất là nước ngập cả vườn, nhà dân chỉ có cái nền là khô ráo. Không làm sao nấu cơm được ngoài vườn. Khổ nữa là củi ướt nhiều khói, bót bên kia sông Sài gòn hễ thấy khói là bắn qua. Lính lội sình móng chân nhét bùn, móng bị thối làm sưng hết cả bàn chân không đi được, chúng tôi kêu thằng quận đội mua cho vài chục cái cắt móng tay để lính dùng, và vài cái rề-sô để nấu cơm. Hắn bảo: "Các đồng chí tự túc lấy. "

Trên đường đi, tôi hỏi cậu liên lạc quận đội:

- Đồng chí Hùng ở đây hoạt động chắc mạnh lắm hả em?

Cậu bé bảo:

- Ổng đâu có ra khỏi nhà đó. Mấy ông được mời vô nhà là ưu đãi lắm rồi.

Tư Nhựt lại văng tục om sòm:

- Không có miếng nước uống, ưu đãi c... gì?

- Vậy mà hễ mấy ông về là ổng chơi toàn cà phê, Nestlé thôi Mấy con nhỏ áo hồng, áo xanh đỏ đi chợ mua đủ thứ về là đeo sát với ổng.

Tư Nhựt lại qua sông nghiên cứu trận địa vì y rành vùng này. Y bảo:

- Đơn vị mình cắm xuống đây là thất thế lắm thầy Hai, nhưng đó là ý muốn cấp trên. Nhưng thế này cũng chưa sao đâu khi lọt qua đường số 8 xuống vùng Bình Mỹ rồi thầy sẽ biết. Mình sẽ phải nấu cơm trên mặt nước. Một đứa treo soong trên tay, một đứa cầm lửa dưới đít soạng.

Đồn Thầy Mười xa xa kia. Nó chốt một trung đội để chận đường liên lạc băng qua đường số 8. Du kích bị nó đánh tan còn liên lạc thì phơi thây cũng nhiều. Do đó ở trên muốn chúng tôi bứng nó đi. Tư Nhựt qua sông xong, tôi ở lại lo chỗ trú quân và kiểm tra vũ khí chuẩn bị chiến đấu, không để xảy ra một trận Tân Qui của ông Ba Châm nữa.

Tôi và thằng Phước trợ lý cấp dưỡng Tiểu đoàn đi lãnh lúa. Lãnh cho được lúa cái đã rồi sau đó hãy tính đến việc xay. Có bộ đội chủ lực nào sinh hoạt như vậy chưa? Nếu có thì đó là bộ đội Việt Cộng. Lạ thay, trong trang thời đại nguyên tử này, nó phải đánh với một quân đội võ trang tối tân như quân đội Sài gòn và Mỹ. Và nên nhớ rằng "phải nắm thắt lưng mà đánh. " Cái chiến thuật này đã đẻ ra vô số nghĩa địa và cái to nhất tên là Mậu Thân với nửa triệu nấm mồ vô chủ, trong đó có một cái mã to sù mang tên Lăng Bác!

Ông chủ nhà chúng tôi đóng quân mặt xanh như lá tràm. Ông không dám từ chối, chỉ muốn chúng tôi đi nhanh, nên mách cho chúng tôi chỗ lãnh lúa. Đó là anh Tư ở ấp Phú Yên. Chị Tư bán quán ở sát sông Sài gòn. Ra đây có nghĩa là vuốt râu cọp vì Giang thuyền Bình Dương thả trôi lều bều, không biết nó sẽ đổ bộ lúc nào, khoảng nào. Nhưng bụng đói thì đầu gối phải bò.

Chúng tôi vào quán thấy ba bốn ông nông dân sồn sồn mặc quần tiều, người áo vắt vai, kẻ ở trần đang ngồi uống trà. Tôi hỏi thăm thì họ chỉ ngay ông Tư trong đám. Anh là cán bộ kinh tài xã. Thằng Phước nói nhỏ.

- Ớn quá anh Hai. Rủi giang thuyền đổ bộ mình chạy đâu?

Tôi nói mà bụng cũng run.

- Có anh Tư đây lo gì!

Một người đàn bà cỡ bốn mươi tuổi, đầu tóc bới bánh lái, bước ra ngó hai đứa tôi với cặp mắt lạ lùng, lạ vì cách ăn mặc: đồ vải thô trên rừng không giống ở đây toàn xài vải ni lông. Chị bảo:

- Ông coi phát lúa cho mấy chú đi.

Tôi biết đó là chị Tư. Anh Tư nói ngay:

- Anh Ba Hùng có báo cho tôi hôm qua.

Thằng Phước ra miệng ngay:

- Anh Tư làm ơn cấp gạo cho tôi, chớ chúng tôi làm sao xay lúa? Chúng tôi là đơn vị lưu động đâu có vác cối trên vai được Vai chỉ để vác súng... cối thôi.

Tưởng đâu câu nói thống thiết đó làm anh động lòng, nhưng ngược lại, anh cười lạt lẽo:

- Mấy ông ở Hố Bò không quen vác cối xay, nhưng xuống đây phải tập rồi quen. Một vai vác cối xay, một vai vác súng cối. Có cối xay, súng cối mới nổ được.

Tôi muốn đá vô bảng mặt thằng đồng chí kinh tài, nhưng rừng nào cọp nấy, nên giằn lòng:

- Thôi được, anh Tư cho tôi lãnh lúa.

Chị Tư xía vô:

- Cái ông này, mấy chú kia (tức là D2 của Tám Lê) ở đây lâu quen rồi, còn mấy chú này mới xuống, ông phải giúp người ta chớ! - rồi quay sang tôi với cặp mắt cảm tình - Mấy chú đem lúa đổi. Một giạ lúa lấy 18 lít gạo. Dân xay lúa lời được trấu và cám cho heo gà ăn.

Tôi mừng thầm. Cái miệng nhân đạo của chị đã biến lúa ra gạo giúp chúng tôi.

- Cám ơn chị!

Tôi và Phước đi lãnh mấy chục giạ lúa. Giấy đều có chữ ký của anh Tư. Tôi hỏi anh:

- Ở đây không có kho sao anh Tư?

Anh lắc:

- Kho nước ngập, với lại mình làm kho Sư đoàn 5 nó nhảy xuống đốt hết. Chúng tôi bị cháy mấy cái ở Cầu Lớn rồi!

Sau khi lãnh lúa xong, tôi quay trở lại quán mua thuốc hút. Anh Tư mời tôi:

- Mấy chú mới xuống phải bám chắc Ba Hùng. Thôi, làm vài ly đón gió. Lạ phong thổ dễ bị chói nước lắm.

Tôi ngồi nhâm nhi khang mà mắt láo liên vì lạ nước lạ cái không biết bị tấn công, bao vây, đổ chụp lúc nào. Bỗng một nhóm ba người đầu bờm xồm, mặc áo ni lông đen cầu vai, quần tiều vào quán. Tôi đâm đứng dậy thủ thế, thì có tiếng kêu:

- Ê, Lôi!

Tôi ngó trân trân vào người vừa kêu.

- Tao là Vĩnh, Lục quân Trần Quốc Tuấn ở ty tiểu đội của mày nè.

Rồi hắn chạy tới ôm tôi hôn chùn chụt, buông ra rồi lại hôn như mưa. Chị Tư lẩm bẩm:

- Làm coi như vợ chồng!

- Tụi tôi còn hơn vợ chồng nữa đó chị Tư! - Rồi nói với tôi- Đây là chị nuôi của tao, còn đây là bạn của tôi từ mười năm trước đó chị Tư. Tưởng không gặp nữa.

- Mười năm mà còn nhớ, giỏi thiệt!

- Chết cũng không quên nữa là mười năm!

Anh Tư rót rượu, chị Tư nướng khô mực ra. Vĩnh cụng ly với tôi.

- Tao có gặp mày ở Quảng Oai Sơn một lần rồi từ đó biệt luôn. Thằng Phạm Hai không đi tập kết, nó ở lại kinh 6 Biển Bạch với con Út. Phải nó đi thì giờ này cũng như mình. (Tôi không hiểu Vĩnh nói như mình là sao. Anh dũng như mình, cực như mình hay ở trên coi mạng mình như kiến?) Nay gặp lại mày ở đây coi như tụi mình đã về Biển Bạch. Phải nhậu một bữa.

- Tao bận ghê lắm.

- Tao biết! tao biết! Nhưng bận gì cũng phải say một trận. Mày phải bám ông thần này (Vĩnh vỗ ngực) chớ không nhờ cậy thằng Châu mèo đái đó được đâu.

- Châu... nào?

Vĩnh rỉ tai tôi:

- Thằng Châu Thái Hùng! Ở đây bọn tao và Tám Lệ, Năm Dây kêu nó vậy, vì nó giúp gì cho mình cũng ri rỉ còn với các em thì nó rộng rãi như công tử Bạc Liêu. Mày tới cơ quan nó chưa? (Tôi gật) Có thấy mấy con gà mái tơ láng mướt trong nhà không? Đó là cái ổ... cách mạng to nhất của Gò-Môn... đóng tại làng Trung An. Mày cứ ở đây, bảo gì, cần gì tao làm cho. Thằng đó kể như mình nghỉ chơi đi! Tao biết nó là Cf ở 338 nhưng đéo thèm nhắc. Mày không thấy cái mặt lưỡi cày, bộ răng chuột của nó à. Tướng đó khó chơi lắm. Nhờ nó cái gì nó cũng bảo tự túc, hoặc hứa mà không có! Tao lo hết! Tao lo hết cho mày! - Vĩnh đấm ngực - Tao sẽ cho lính tao tới phụ với mày.

- Đừng có hứa cuội nghe Vĩnh!

- Ê, giỡn hoài mày, ai chớ thằng này hổng chơi kiểu đó!

Tôi cười, giơ ly rượu lên:

- Vậy mày không hứa ra Bắc hai năm về là gì, Vĩnh?

Vĩnh cụn ly với tôi, nốc cạn rồi hai thằng tri kỷ ngã đầu vào vai nhau cười sặc sụa. Nó lè nhè:

- Không biết cô nàng Biển Bạch của tao nay đã thành hủ mắm chưa?

- Tao cũng có một hủ....

Chị Tư vọt miệng:

- Mấy chú đừng lo, mắm để lâu càng ngon!

Chúng tôi lại uống, lại nhắc tích cũ. Nhưng không dám uống say dù cần phải say. Tôi bảo:

- Ngồi ở đây tao rét quá Vĩnh à!

- Mình ở Bạc Liêu Cần Thơ quen chém vè rồi. Ở đây cũng vậy. Tao chết, mày mới chết! Tao đã sống ở đây hai năm rồi!

-Trời đất, lão làng cỡ đó sao!

Vĩnh hứng tình, chu mõ hút gió queo queo vang cả quán. Anh Tư chị Tư đều khen tài của hắn. Tôi châm thêm:

- Nó ca vọng cổ mùi còn hơn mít nghệ chín cây nữa đó chị Tư. Nhờ vậy mà con Út đội giường thờ theo nó. Rồi con Sáu cũng mê nó luôn. Để khi rỗi, anh biểu nó vừa hút gió vừa diễn bài Khổng Minh tọa lầu cho anh coi cười lộn ruột.

Vĩnh nốc một phát quẹt miệng rồi gật gù:

- Tao sẽ về gặp lại em tao.

Hắn móc bóp lôi ra tấm hình nhỏ đã loang lở đưa cho tôi.

- Mày nhớ cái bờ kinh này không.

- Chẳng biết bờ nào?

- Bờ kinh 6 Biển Bạch chỗ tướng mình đóng.

- Ờ! ờ!

Tôi hình dung lại những hình ảnh xa mờ sau những lớp bụi chiến chinh, vẫn còn chưa biến dạng trong đầu. Vĩnh tiếp:

- Tao với mày đừng có đứa nào sẽ như anh Bảy Đồng của mình nghe mậy!

- Bảy Đồng nào?

- Huỳnh Thành Đồng tham mưu phó Quân Khu mày quên à?

- À! à! Hắn ở Công binh F338 ông TÔ Ký đóng ở Xuân Mai. Ảnh ở đâu?

- Ảnh đang... ở sau bờ mía kia kìa.

Tôi mừng như tái sanh.

-Thiệt hả?

Huỳnh Thành Đồng Tiểu đoàn trưởng Z35, người đã chỉ huy pháo kích sân bay Biên Hòa. Tưởng đã chết ở Sông Bé. Súng ống quăng cả ở sông Sài gòn chạy lấy thân. Cái huân chương của ảnh tôi thay mặt lãnh ở đại hội mừng công R có mặt ông Sáu Vi, Nguyễn Hữu Thọ v.v... Nay lại gặp ở đây. Ảnh sẽ giúp mình cả tinh thần lẫn vật chất trong lúc gian nan này. Tôi hỏi:

- Có thể cho tao gặp ảnh được không?

- Ảnh nằm đó chớ đâu mà không được? Cái thằng!

- Tao muốn gặp càng sớm càng tốt!

- Khoan đã, để cưa thêm xị nữa rồi gặp không muộn gì. Ảnh đóng ở đó chớ không dời đi đâu hết. Đã ba, bốn tháng nay rồi.

Tôi yên trí nên nốc nhanh nốc mạnh. Xị rượu lưng rồi đầy lượt nữa. Vịnh vẫn cà kê. Tôi sốt ruột:

- Thôi đủ rồi Vĩnh. Làm quá mức không chạy được.

- Ừ đi thì đi. Nhưng đừng có gặp mà khóc như tao gặp mày lúc nãy nghe!

Vĩnh dắt tôi ra bờ. Qua một dãy mía sau quán. Đến một khoảng đất trống bằng chiếc đệm bốn bên là cây nua, cây bù xít um tùm. Đứng xa xa Vĩnh trỏ tay:

- Đó chả nằm đó.

Tôi nghĩ thầm:

- Chỗ này đào hầm được à?

Nhưng Vĩnh nói, giọng tỉnh queo:

- Mày không thấy chỗ đất mô mô đó à?

- Nắp hầm mà làm vậy lộ chết!

- Nắp hòm chớ nắp hầm gì?

Tôi điếng người. Lặng câm hồi lâu. Tai ù mắt hoa.

- Mày nói gì Vĩnh?

- Thì ảnh nằm đó chớ nói gì?

Tôi hiểu rồi. À! thì ra thế.

- Thôi, đi vô mày. Tụi Giang thuyền đổ bộ êm lắm.

Bàn rượu vẫn còn nguyên, chưa dọn.

Huỳnh Thành Đồng? Con người to lớn. Đại đội trưởng Công Binh F338. Về Nam lúc nào không biết: Đánh sân bay Biên Hòa. Rồi được phong làm Tham mưu phó khu IV. Vợ ở Mõ Cày, Bến Tre. Rước vợ vô 1963 ở Tà Băng. Gặp vợ ở đò máy anh ta ẵm lên tay. Vợ dãy dựa suýt rớt xuống sông... Bây giờ nằm ở đây, im lìm như đất, dưới đất. Bốn bên không một đóa hoa. Không một cọng nhang.

Huỳnh Thành Đồng! Tham mưu phó Quân Khu IV!

Vĩnh không còn cái giọng châm biếm pha bi lụy nữa. Nó ngồi đờ ra.

- Thôi uống đi mày rồi lo công việc! Tao không muốn cho mày biết nhưng có thể sau này tao với mày gặp nhau dưới đó rồi mày trách tao.

Đột nhiên một tia sáng lóe trong đầu tôi:

- Khoan đi đã Vĩnht Mày hỏi chị Tư có gà vịt gì không cho tao một con.

Rồi chị bắt gà làm thịt, luộc để trên dĩa đem ra cho tôi.

- Đi Vĩnh! Theo tao.

Vĩnh biết ý tôi, lấy bó nhang. Hai đứa ra mộ. Nấm đất lè tè vàng úa như một gò mối loạn trong rừng Tây Ninh. Tôi đốt nhang, cúng vái. Khói tỏa mênh mang. Lòng tôi tan nát bi thảm. Huỳnh Thành Đồng học cùng khóa pháo binh ở Sơn Tây với tôi về Nam lội khắp nơi. Biên Hòa, Bình Giã, Phước Long đều in dấu chân anh. Bây giờ nằm ở đây bẹp dí!

Chúng tôi quay trở lại. Tôi hỏi Vĩnh:

- Sao vậy?

- Ổng xuống đây thằng mèo đái không cho ở chung. Lạ cảnh lạ người!

- Sao không bám mấy ông xã đội?

- Xã mẹ gì. Chị Tư biết rõ. Ở đây làm gì có xã xiếc Ảnh tự đào hầm ở sau quán đâu đó. Giang thuyền đổ bộ lội vô quán ngồi im. Có lẽ ảnh bị ngộp nên tung lên chạy. Chẳng ngờ có hai tên ở sau bờ ngồi ăn mía. Nó rẹt một băng M16 rồi rút xuống tàu. Không biết đó là ai!

- Trời!

- Nó tưởng là thường dân.

- Có báo cáo về khu không?

- Thằng mèo đái nhẹm luôn vì đó là trách nhiệm của nó.

Đại úy Hai Giả bị cài xuống Thủ Đức cũng chết oan ức như vậy. Đó là kết quả chiến thuật nắm thắt lưng của Sáu Vi!

Tôi vẫn tưởng anh còn ở đâu trên R. Dè đâu lại chết ở ấp Phú Yên xã Trung An bên bờ sông Sài gòn. Hạng Võ không biệt Ngu Cơ ở Ô Giang mà ở bờ sông Sàigòn. Ngu Cơ hỡi, nàng ở Mõ Cày nào có hay!

Tôi gặp anh sau khi anh ở Bình Giả về. Mặt mày trầy xước, tóc tai bù xù, chúng tôi nhậu ở Suối Dây với thịt nai của Bùi Khanh săn được. Mấy đứa làm cạn năm lít đế mua ở Xóm Mới. Tám Tiến, Năm Minh, Tư Tây, Tôn Sứt, Bùi Khanh, Đồng và Lôi. Mọi người hãy còn, mất một mình Đồng. Hồn thiêng hãy về báo mộng cho chị ở Mõ Cày!

Cũng may nhờ gặp Vĩnh bạn chí tình. Nó cho lính bắc thêm, sửa chữa mấy cây cầu Rạch Cây Da, Rạch Kè để chúng tôi vận chuyển DKZ và súng cối! Nếu đi cầu khỉ thì quăng cả người lẫn súng xuống sông.

Tư Nhựt móc được người em cột chèo là Sáu Sanh, trợ lý tham mưu quận Gò-môn. Sáu Sanh tìm được vài ông du kích xã Tân Thành Đông. Tôi vẽ sơ đồ và đặt kế hoạch. Muôn năm vẫn một chiến thuật: Đánh nhanh rút nhanh để tránh pháo Bình Dương. Chúng đã gây tổn thất cho chúng tôi ở Tân Qui hơn cả trận chính diện. Bây giờ chúng tôi rất ngại, nhưng với pháo, không cách gì chống được trong lúc rút lui.

Đêm xua đánh đồn thầy Mười. Tưởng hạ nhanh, không dè lằng nhằng tới ba giờ sáng. Lính bị thương nặng nhẹ trên mười. Chết năm cậu. Đồn chính vẫn còn đề kháng ác liệt. Dakota thả hỏa châu, tàu lá chuối cũng không che được thân kiến. Gà cồ Bình Dương lại gáy ầm ầm sau lưng và hai bên sườn chúng tôi. Ba lô cốt đã bị chiếm để làm bàn đạp diệt cứ điểm trung tâm. Tư Nhựt hét như muốn đập máy:

- Công! Ôm thủ pháo nhào đại vô cho thằng Bụng lên.

Ở Tân Qui cối của Ba Trác vẫn canh không cho tiếp viện. Lát sau nghe thằng Trung báo:

- Anh Công quỵ rồi.

Công là em nuôi Tư Nhựt mới lên C trưởng được mấy ngày. Tư Nhựt hỏi tôi.

- Bây giờ làm sao anh Hai? Pháo Bình Dương nó dập sau lưng mình rát quá!

Tôi giựt máy:

- Bụng! Bụng ở đâu?

- Tôi với thằng Bính ở trong lô cốt bên tay phải.

- Sao không bò lên bịt lỗ châu mai trung tâm?

- Trống trơn. Bò lên đứa nào ngã đứa nấy. Ba bốn đứa nằm trước mặt tôi đây chưa lôi ra được.

Tư Nhựt lại hỏi tôi:

- Cho đám trinh sát nhào vô đại được không thầy?

- Không được!

Quả tôi thấy khó. Đánh kiểu này y như chiến thuật a thần phù của Trần Bá Xoài ở Cần Thơ và Hoàng Thọ ở khu 7 hồichín năm. Nghĩa là cứ đánh rồi tùy tình hình mà liệu. Chắc sẽ bị pháo dập nát ngoài hàng rào trước khi hạ được cứ điểm trung tâm.

Bỗng nghe tiếng rí rố sau lưng. Tôi bảo Xướng ra coi cái gì vậy. Xướng báo cáo:

- Ba Trác pháo kích Tân Qui về tới.

- Kêu nó vô đây.

Ba Trác Cf cối, người Hải Phòng, mập mạp trắng trẻo.

- Báo cáo Tham mưu trường, tôi Ba Trác...

Tôi đưa tay ra hiệu bảo ở đó chờ rồi đập thằng Thuận:

- Mày chạy lên coi thằng Bụng thế nào?

Thằng nhỏ vọt lên như con chuột, lủi nhanh dưới lửa. Tôi tiếc thầm: Phải đem một bộ phận công binh của thằng Vĩnh theo thì đỡ quá. Thận chạy về thở hồng hộc, tiếng khao khao:

- Nó chỉ còn một khẩu đại liên ở trung tâm. Mình ló con nào nó quét con nấy. Ba Bụng đang ở trong lô cốt bên phải nhưng không vô trung tâm được.

Tôi lẩm bẩm.

- Làm sao bịt họng đại liên?

- Cối mình đâu? Anh nói anh từng bắn thẳng...

Thằng con nít bất ngờ gỡ rối cho tôi, kẻ đã tập cho đơn vị Tôn Sứt bắn trực xạ ở nền đồn Bổ Túc nơi chồng của Mai Khanh chôn thây bên gò mối loạn. Lúc rối trí tôi quên chính tôi đã sáng tác ra cái lối cối bắn thẳng. Thằng Thuận nói:

- Ở phía sau có mấy bà du kích do anh huấn luyện pháo...

Đang nói bỗng thằng Thuận quát.

- Anh Hai hụp xuống.

Khào... Làn đạn bay qua trên đầu tôi!

- Mời Tư Nhựt lại đây Thuận.

Tư Nhựt chạy tới, giọng run run:

- Pháo nó nã rát quá anh Hai.

- Để tôi! Ba Trác! Pháo còn mấy quả?

- Dạ mỗi khẩu còn một cặp!

- Đem lại đây một khẩu chuẩn bị bắn thẳng.

Hắn ngần ngừ, vì chưa từng bắn kiểu đó. Thằng Ty liên lạc nói:

- Anh Hai để em bắn cho!

- Mày học ở đâu.

- Em có học của anh hồi trước. Nhưng hiện giờ không có que và dây giật.

-Tại sao?

- Dạ bắn ở Tân Qui xong bỏ hết, anh Trác định về nghỉ, nhưng nghe đây còn nổ nên anh tạt vô coi.

- Chạy ra sau chặt ít khúc sậy hay dây gì cũng được!

Một chốc Ty về:

- Sậy dòn không buộc cò được.

- Anh nào có dây lưng quần cởi ra.

- Đâu có ai bận quần lưng rút, toàn là quần tây gài nút, còn quần cụt thì dây thun không xài được.

Ba Trác đã đem khẩu cối tới. Nhưng không có dây. (sau khi pháo kích y đã vứt hết mọi thử râu rìa, cho mang đê cối và nòng về thôi ) Thằng Ty la lên:

- May ra mấy bà du kích có anh Hai.

Tôi tuột quần dài ném cho Ty:

- Mày ra đổi mấy cổ lấy sợi dây lưng rút và chặt hai ba khúc sậy đem vô cho tao.

Tiếng pháo Bình Dương vẫn nhịp trường canh sau lưng chúng tôi tới cả trời rung rinh suýt sụp cả đất.

- Anh Hai tụt xuống.

Chéo! Chéo! Chéo! Thuận lôi tay tôi. Đạn qua trước rồi tôi mới hụp sau. Thằng Ty trở lại đưa hai sợi dây lưng và bốn, năm khúc sậy, mỗi khúc dài khoảng một thước tây.

- Ở đâu có đến hai sợi lận.

- Một ông già có sợi dàm trâu buộc ngang lưng đề phòng lội nước tụt quần tiều.

Thế là tôi có hai sợi cho hai que sậy. Tôi bảo Tư Nhựt:

- Anh kêu thằng Trung, thằng Bụng thu hút đại liên về phía nó để ở đây tôi bố trí bắn thẳng.

Rồi thằng Thuận dẫn đầu, thằng Ty vác đạn, Ba Trác vác lòng, tôi xách đế cối khòm khòm đi lên phía trước. Trung và Bụng đã làm đúng lệnh của tôi. Thu hút cả hỏa lực về phía chúng nó. Xướng báo cáo.

- Anh Hai xong rồi.

- Xong cái gì?

- Có chỗ đặt pháo rồi.

Ba Trác thì bảo Ty:

- Chạy tìm cho tao hòn đá để kê nòng súng.

- Trời, đá đâu ở đây? Đá bèo thì có.

Tôi quát:

- Tìm mau, ở đó mà giởn.

Ty chạy đi rồi trở lại:

- Có gạch thôi không có đá.

Ba Trác giật lấy hòn gạch. Tôi chụp lấy khẩu cối đặt lên nhưng nòng cối để nằm gối lên hòn gạch cứ lăn qua lăn lại. Tôi bèn giật chiếc khăn choàng tắm trên cổ thằng Ty chêm dưới nòng súng. Tôi đo từ mặt đất đến nòng cối đúng một gang tay. Theo thường lệ thì chẳng có ai bắn pháo cối như tôi. Trường dạy đặt nòng cối trên đế và bắn vòng cầu. Cho nên khi lấy hướng và độ xong thì pháo thủ ôm đạn cối thả vào nòng. Viên đạn chạy tọt xuống, hột nổ ở đuôi pháo sẽ chạm kim hỏa và vọt ra khỏi nòng bay đến mục tiêu.

Còn tôi thì khác. Tôi sáng tác ra cách bắn thẳng. Thay vì đứng trên đế, nòng pháo được đặt nằm theo chiều dài, họng cối chỉ cách mặt đất một gang tay nghĩa là chừng 20 độ. Như vậy thả trái pháo vào nó không chạy xuống. Do đó phải dùng que sậy đẩy nó xuống chừng 113 nòng pháo. Ở một đầu que sậy buộc sợi dây còn đầu kia thì chọc vào đầu trái pháo đã nằm sẵn trong nòng. Khi có lệnh thì người cầm sợi dây sẽ giật, que sậy đẩy trái pháo rơi xuống đáy nòng cối.

Tôi chỉnh hướng, tầm độ xong thì trong lỗ châu mai của cứ điểm trung tâm phụt ra những dây lửa quét qua quét lại phía thằng Bụng. Tôi nằm dài theo lòng cối và quát:

- Xong chưa?

- Xong!

-Bắn!

Thằng Ty giật mạnh. Cụp! Trái đạn vọt ra. Tôi ngó theo. Một vầng sáng lóa xanh lè. Đạn đã chạm tường và xuyên thủng vào nổ bên trong. Tôi không thấy đạn súng máy phụt ra nữa thì biết trúng mục tiêu nên quát.

- Bắn tiếp!

Thằng Ty nối dây, Ba Trác nạp đạn. Ầm! Không còn tiếng súng bắn trả. Tôi hô: "Xung phong!" Một chiến sĩ đưa máy bộ đàm cho tôi. Tôi hét:

- Tư Nhựt! Cho trinh sát vô khiên chiến thương. Toàn đơn vị thu dọn chiến trường.

Xác lính hai bên lẫn lộn nằm chồng, nằm bên nhau. Phải rọi đèn pin để nhận mặt. Xác Tư Cường Ct nằm bên góc lô cốt trái với bốn xác chiến sĩ.

- Cho rút nhanh, Tư Nhựt.

Chỉ năm phút sau Dakota đã tới thả pháo sáng và ria vòng ngoài. Tư Nhựt chống nạnh, quát:

-Thằng Châu mèo đái đâu, vô đây mà hôi! Đù mẹ thằng quận đội chó đẻ!

Đồng hồ tay tôi chỉ bốn giờ. Trời đã hừng đông. Nhờ sợi dây lưng của cô nữ dân công và sợi dàm trâu của bác nông dân mà cối bắn được hai quả. Nếu không, sẽ phơi xác cả trung đội chớ chẳng ít. Hạ một đồn chỉ có một trung đội nghĩa quân đóng giữ mà chết một Ct., một bt và mười một chiến sĩ. Nhưng hãy còn khá hơn trận Tân Qui. Nhờ sợi dây lưng quần chớ không phải nhờ tài trí của Tư Nhựt và Thiên Lôi. Nếu không có cái sợi dây phép đó thì chắc...

... Đường về nhà má vợ Tư Nhựt nước ngập lội lõm bõm. Vườn nhà măng cụt, sầu riêng nước lên tới gốc. Tư Nhựt cứ đi một quãng lại chửi rùm:

- Đù bà thằng mèo đái. Bây giờ tới phiên nó đi hôi!

Cái nhà ngói ba căn. Hai bộ ván gỏ hai bên. Chính giữa là cái bàn thờ. Bồ lúa đứng ở sát vách. Tôi quơ manh chiếu ném vô kẹt (bảo đảm miểng pháo văng) ngã ạch xuống, tay chân rã rời, hồn bay khỏi xác. Không biết qui phủ được bao lâu thì có người lắc chân lôi dậy:

- Anh Hai, dậy ăn cơm.

Dòm mặt trời đúng ngọ. Tôi bước lại bàn. Đồ ăn vung chùng. Thấy có hai chị em giống mặt nhau, tôi đoán là vợ và em vợ Tư Nhựt. Tôi đùa:

- Ông không sợ nghèo ba năm sao?

- Ông muốn chèo thì vô, sợ gì?

Thấy tôi bận quần tiều, bà già bảo:

- Mất quần như chú vậy cũng nên mất.

Tư Nhựt tiếp:

- Không biết cô dân công đó ở đâu má ạ! Để con thưởng cô ta hoặc bắt làm dâu cho tiểu đoàn.

Vợ Tư Nhựt đem hai trái sầu riêng để trên bàn khui ra thơm bát ngát.

Tối hôm đó đánh luôn lô cốt Rạch Tra do Nhân Dân Tự Vệ thủ. Không có phát súng kháng cự nào.

Lính tôi hăm hở xông vô định lấy súng. Tôi quát:

- Nó gài mìn trong đó. Vô chết banh xác.

Tư Nhựt thừa thế quát to:

- Trở ra, rút mau. Nó tới bây giờ. Rút nhanh!

Nhưng pháo đã động tới. Ngay lô cốt. Đất đá bay như mưa. Tôn Võ Tư có dạy: "Địch lui ta không nên đuổi. Địch bỏ thành chớ nên vào." Thấy chưa?

Về tới nhà thằng nào thằng nấy mặt mày không còn hột máu, thè lưỡi dài cả gang.

Tôi, Tư Nhựt và một số trinh sát Ct, Cf tiếp tục nghiên cứu. Chúng tôi cho 1A trinh sát qua sông Rạch Tra, luồn xuống chợ Nhị Bình trong đêm đó, qua luôn sông Bà Hồng, vùng đất không một bóng người, nhà không vườn trống. Hoang vắng lạnh người. Chúng tôi mắc võng ngoài vườn cau. Rồi tìm ổi ăn đỡ dạ, mà lại uống nước lã. Ruột sôi như sấm, không ngủ được. Thuốc hút ướt mềm. Rượu không có, không có cái gì ngoài trên răng dưới dế và những câu chuyện khào. Tôi mơ màng, nghe Ba Đức hỏi Tư Nhựt:

- Về nhà tấp nập vậy, ông có bắn được quả nào không?

- Súng K54 bắn ruồi chớ bắn gì.

- Thì bắn ruồi chớ bắn gì? Hí hí... Con ruồi nhà ấy mà?

Tư Nhựt hiểu ý, gãi đầu đáp:

- Khách khứa đầy nhà, lại lu bu công việc. Tôi lôi bả ra sau vườn thừa thắng xông lên làm cú đứng. Mẹ! Nước ngập tới mắt cá. Đỡ ghiền vậy chớ mất hứng quá cha!

Tôi cười, chõ mồm sang:

-Đứng cũng tốt chớ tía nó! Hắc... hắc!...

Tư Nhựt trả đũa.

- Bộ thầy cũng có kinh nghiệm hả?

- Trực xạ có khi hay hơn bắn vòng cầu. Tuy có hơi vất vả nhưng mục tiêu kề.

-Đúng ông gầy... thầy... pháo!

- Nhưng không cơ động bằng ông đặt dưới nước bắn thẳng bon!

- Hề hề... Tôi nghe mấy bữa trước, quân y rung rinh... hầm mấy em tơi bời khói lửa hết ráo.

Tôi tưởng thật, nên ngạc nhiên hỏi.

- Pháo nào? Sao tôi ở đó mà không biết?

Tư Nhựt cười đắc chí:

- Còn pháo nào nữa ông thầy? Một quả, rơi hai con chim Thiên Nga!

Tư Nhựt cười đắc chí. Ba Đức tiếp:

- Nhưng cái cú trực xạ của anh không thể sánh nổi với cái miếng xay lúa của ông thầy pháo đâu nghe anh Tư!

Ba tên lê dương đầu đỏ cười sục sục giữa sự im lặng phập phồng của những tiếng súng vừa im.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx