sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Quyển V - Chương 78: Vài Trận "Bảy Món Ăn Chơi" Với "Anh Cả Đỏ" Và "Tia Chớp Nhiệt Đới"

Nói chuyện đánh Mỹ trên đất Củ Chi thì không cùng. Vả lại chúng tôi cũng không thể nào nhớ hết trong 2000 ngày đêm trấn thủ vùng đát từ "thép" đến "bùn" này. Bởi vì đêm bảy ngày ba, trưa cũng không nghỉ. Có khi đang ngủ vụt ngồi dậy thấy xe tăng đã lúc nhúc như bọ hung, lính Mỹ vàng đồng, trực thăng đen trời, chỉ quơ lấy súng vừa núp vừa bắn. Có khi đang ăn cơm pháo nó giã, buông đủa vô hầm. Có khi đi ven đồng bị "cá rô" rượt, chỉa AK bắn mà chạy thoát thân, lại có trường hợp hai thằng cùng đi bị Mỹ đuổi bất ngờ, cắm đầu chạy, chừng dừng lại thấy thằng bạn mình đâu mất, nó đã bị bắn gục phía sau lưng.

Vì thế trong chương này tôi chỉ xin kể dăm ba trận mà tôi còn nhớ rõ để cống hiến độc giả. Nếu độc giả nào có tham gia kháng chiến chống Pháp và có cầm súng trong bộ đội sẽ thấy sự khác nhau giữa hai anh chàng Pháp và Mỹ như thế nào. Chính vì không hiểu được sự khác biệt này mà bọn Hà Nội đã nướng quân một cách vô tội vạ, nướng luôn cả hai trung đoàn đã từng là anh hùng trong trận lịch sử Điện Biên Phủ. Chỉ nội pháo binh của Mỹ thôi, tôi tin chắc Võ Nguyên Giáp cũng không hiểu tí gì, đứng nói chi các loại cơ giới khác như xe tăng, trực thăng, tàu chiến...

Các bạn có khi nào bị pháo bắn mà đạn pháo nổ rồi mới nghe tiếng đạn pháo đi không? Các bạn có khi nào bị pháo bắn mà đạn pháo nổ hàng loạt dòn như tiểu liên không? (Tiếng nổ to gấp ngàn lần, nhưng nổ loạt). Đó là pháo siêu âm của Mỹ, thường gọi là pháo nòng dài tức là 175 ly và cà nông 40 ly mà Việt Cộng quen gọi là cà nông quarante. Đánh với Pháp chúng chỉ xài 105 và bắn từng quả. Một trái nổ xong, ta có thể ăn trầu hút thuốc đã đời hoặc ngủ một giấc rồi mới đến trái khác.

Pháo Mỹ khi đụng trận rồi không nổ như thế bạn ạ. Nó nổ, mình không quen, túm giò không chạy được. Trong một trận đánh mà tôi sẽ kể sau đây, ông Hai Phái, chính trị viên của tôi đã bò lăn xuống đất, tôi tưởng y bị thương, bèn tới xốc y dậy, y bảo y không bị thương, chỉ mất tinh thần không chạy được thôi.

Muốn cho các ông lớn Hà Nội hiểu rõ vũ khí của Mỹ, không gì giản dị bằng ném họ vào Củ Chi này chơi với Mỹ một trận nho nhỏ, cho họ đội pháo Đồng Dù thôi, không cần chi tới B52, thì họ sẽ hiểu bom đạn của Mỹ như thế nào.

Trong mấy chương trước, tôi có thuật lại trận đánh đồn Paris Tân Quy, 95% binh sĩ thương vong là do pháo. Trận pháo kích Trung Hòa và Đồng Dù cũng thế. Đơn vị chúng tôi không ngán chạm mặt trực tiếp với lính Mỹ mà chỉ sợ lúc rút lui. Số thương vong tại trận có khi chỉ một phần mười so với số thương vong lúc ra khỏi trận địa. Nhiều khi nổ súng xong là chúng đem trực thăng tới xúc quân về và gọi pháo giã nát đất. Phần lớn cán Bộ Chỉ Huy ở miền Nam, cao lắm là chỉ học được chiến thuật Mao Trạch Đông và xài đại bác "cà lăm", "không giật" Liên Xô, Trung Quốc. Thậm chí nhặt nhạnh ba cây pháo tép của Pháp từ thời Pétain làm trùm vứt lại, đem ra đối đầu với pháo siêu âm của Mỹ. Đứng trước các chiến thuật trực thăng vận "bủa lưới phóng dao", "phượng hoàng vồ mồi" của Mỹ thì than ôi, cụ Mao quả là danh hề quân sự. Cụ Mao dạy, và chúng tôi cũng đã gạo rất kỹ, rằng phải "đánh gọn rút nhanh", "dao mổ bò giết ruồi"... Rút nhanh. Nhanh sao bằng pháo bắn, nhanh sao bằng trực thăng bay? Dao mổ bò có nghĩa là tập trung một lực lượng lớn để tràn ngập một đồn nhỏ. Ví dụ đồn nhỏ như đồn Thầy Mười do một trung đội Nghĩa Quân đóng, thế mà muốn hạ được nó chúng tôi đã phải hy sinh đứt một tiểu đội, một C phó, và một B trưởng. Nhưng nên nhớ rằng trong cái Củ Chi nhỏ bằng bàn tay nằm dưới cánh các loại máy bay thám thính của Mỹ, không dễ gì tập trung được một lực lượng lớn. Hơn nữa có lực lượng lớn đâu mà tập trung. Chưa bao giờ tập trung được một trung đoàn. Có lần Q16 Bắc Việt sắp sửa dàn trận, Mỹ cho pháo giã tan tành. Chưa đánh đã thua. Đó là trận tập kích bộ binh và xe tăng Mỹ cụm ở trảng Dầu Bà gần đường số 6 tại ấp Bùng Binh xã Đôn Thuận đầu năm 67. Cả ba tiểu đoàn 7, 8, 9 của Q16 Bắc Việt định ăn chắc, hốt gọn một tiểu đoàn của Mỹ. Nhưng mới vừa tới, khai triển đội hình chưa xong thì đụng một trung đội Mỹ án ngữ đường 15. Chúng kêu pháo dã chiến Chà Rầy và pháo tầm.xa 155 Đồng Dù. Cả hai dàn pháo câu vô ngay chóc. Tiểu đoàn của ông Bá Lùn bị bắn tan tành không sót một ngoe nào. Lần đó tính ra chúng bắn chừng năm ngàn trái pháo trong vòng hai tiếng đồng hồ để diệt một tiểu đoàn Bắc Việt. Ba Kiên, anh hùng trận Điện Biên, E trưởng, sống sót về gặp tôi ở Củ Chi hôm sau, ôm tôi khóc nức nở và lắc đầu: "Mỹ chơi ác quá đồng chí Hai Lôi ơi! Tụ i Tây mà đóng kiểu này, chúng tôi ăn gỏi ngay!" Tôi tìm lời an ủi ông anh hùng và hứa sẽ kết hợp với nhau để trả thù. Nói cho đồng chí ta mát bụng vậy thôi, chớ đánh Mỹ thì chỉ thủ huề chớ không dễ gì diệt gọn. Ba Kiên lúc này như con gà chết, bi quan với câu "Sanh Bắc Tử Nam" của lính Bắc Việt mới vô Trường Sơn coi trời chẳng bàng vung. Nhưng khi vô đụng Mỹ thì teo lại, mất tinh thần.

Đó là vào khoảng năm 1967 là lúc có đủ mặt hai sư đoàn "Anh Cả Đỏ" và "Tia Chớp Nhiệt Đới" ở đất Củ Chi. Và lúc này tôi cũng đã tổ chức lại tiểu đoàn hoàn chỉnh hơn gồm có bốn đại đội tác chiến và một đại đội văn phòng gồm trinh sát. liên lạc, văn thư, chính trị, tham mưu, hậu cần v.v... Gà hai bên đã biết tiếng gáy nhau và cũng đã từng nạp nhau vài ba đòn sơ vấn cho nên đã biết mặt nhau rồi. Bây giờ chỉ còn buông đuôi ăn trót tại trường đá Củ Chi.

Nói là "chỉnh đốn hoàn bị" thực ra bởi vì quân số hao hụt mà không có nguồn bổ sung nên đó chỉ là giật gấu vá vai, nhổ râu ông nọ cắm cằm bà kia thôi. Nhất là các ban chỉ huy đại đội chết quá nhiều, không có cán bộ, tôi đành bắt cán bộ trung đội lên làm đại đội phó, đại đội trưởng. Chỉ huy một B còn không xong, lại chỉ huy một C? nhưng "gặp thế thì thế thời phải thế" chớ biết làm sao! Lính thì toàn lính mới toanh, động tác cơ bản chưa rành, còn lính cũ thời Đồng Khởi thì đã chết hoặc lên cán bộ B, C.

Riêng vũ khí bộ binh thì lấy súng trường bá đỏ bắn phát "một cắc một chùm" làm chính, trung liên cũng xài đồ cũ thời kháng chiến chống Pháp.

Trung liên mới RPD của Liên Xô, một băng năm mươi viên gọn nhẹ, nhưng ở trên để dành cho hai công trường 5 và 9 chớ ít lọt xuống tới chúng tôi. Ngoài ra mỗi tiểu đội chỉ một khẩu B40. Ở mỗi đại đội có một trung đội hỏa lực gồm ba súng cối 62 ly, một đại liên. Ở mỗi D thì có một BDKZ 57 ly gồm ba khẩu và một B cối 82 ly gồm bốn khẩu và một B phòng không gồm hai khẩu 12 ly 8. So với hỏa lực của Mỹ thì chẳng khác nào ta đem con gà tre chọi với gà nòi.

Nhưng theo chỉ thị của ông Sáu Di thì phải "nắm thắt lưng Mỹ mà đánh!" ông đã chết rồi nhưng huấn thị của ông được các ông lớn nhắc đi nhắc lại luôn miệng. Đánh với Mỹ bom pháo ngút trời, nếu chậm chạp hoặc lộ bí mật địa điểm là chỉ trong vòng 15 phút thì đã có phi cơ, trực thăng hoặc pháo tới.

Chúng tôi phải thiết lập nhiều căn cứ đóng quân ở Phú Hòa, ở Rừng Làng, Ràng, Sa Nhỏ, Đồng Lớn, Gót Chàng... và ở khắp Củ Chi. Hễ chuyển quân tới là công sự đã sẵn sàng, giặc đổ quân là đánh ngay chứ không phải xài "địa đạo chiến"theo kiểu găn gỏi ba thằng Mỹ như chúng tôi đã từng giàn cảnh cho tên nhà báo gà tồ Burchett hồi mấy năm trước. Người lính chúng tôi phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng đánh giặc trong lúc hành quân hay đóng quân.

Trận đánh đầu tiên như gà mới vào nước nạp là trận chúng tôi đụng một tiểu đoàn biệt kích Mỹ đổ xuống Đồng Lớn và tiến về phía Ba Sòng. Trời đã về chiều, đáng lẽ theo lệ thường thì chúng cho trực thăng xúc về Đồng Dù, nhưng lần này chúng lại cụm ở Gò Nổi Trên (nơi chúng tôi đặt súng cối pháo kích đồn Trung Hòa lần trước). Lúc đó tôi và ban chỉ huy C3 đang nghiên cứu trận địa Dân Hàn, định đánh tụi lính tại cầu Công Sở trên đường chúng đi từ Suối Cụt vào Trung Hòa.

Tư Nhựt (tiểu đoàn trưởng) cho cấp tốc gọi tôi về để tổ chức tập kích Mỹ. Đó là lệnh của Quân Khu chớ không phải của tiểu đoàn trưởng.

Mưa tầm tã, trời tối đen như mực, người đi sau không thấy người đi trước, phải quơ tay để giữ liên lạc. Ra tới trường học thuộc lộ số 6 (cao su) thì gặp Tư Nhựt cùng hai ông đốc chiến Ba Châm và Năm Tiều, cán bộ tác huấn Quân Khu. Cả hai đều mang cấp bậc trung đoàn. Ba người đang dụm đầu vào ngọn đèn dầu lờ mờ đặt trên tấm bản đồ trải dưới đất ướt chỗ lồi chỗ trũng. Gió thổi ù ù, mưa tạt như xối nước.

- Lôi, mày về đó hả! Vô đây mau!

Năm Tiều thấy tôi vào nên lên tiếng trước. Tôi ngồi xuống giữa Năm Tiều và Tư Nhựt, móc gói thuốc Capstan ném ra. Chỉ phút chốc khói tỏa ấm áp và làn khói phủ mờ bản đồ.

Trong xó nhà, một cậu liên lạc bị thương không biết từ lúc nào, đang rên khóc hù hụ. Ba Châm bực mình quát:

- Đem bắn mẹ nó đi! Lính gì bị thương khóc như con nít.

Ở vòng ngoài tôi thấy có Năm Tân C trưởng Cl, Năm Dầy C trưởng C4 hỏa lực của tiểu đoàn. Thấy tôi về, Tư Nhựt nhìn sang hai ba lần có ý ngầm hỏi: "Đánh thế nào đây thầy Hai?"

Tư Nhựt, con người kiêu hãnh nhưng chân thật. Lúc tôi mới về, anh thấy tôi mảnh khảnh có vẻ thư sinh, nhưng nghe tôi là "thầy pháo" chắc y cho rằng tôi chỉ biết dạy học trò trên sách vở thôi, còn thực nghiệm chiến trường thì không có bao nhiêu. Nhưng qua nhiều đợt điều nghiên mặt trận, bố trí hỏa lực, và sau các trận đánh Suối Cụt, hạ đồn Thầy Mười và tập kích đồn Paris Tân Quy thì anh tỏ vẻ phục tôi, nên anh cũng bắt chước các cán bộ C gọi tôi bằng "thầy" và mỗi lần quyết định một việc quan trọng anh đều chờ ý kiến tôi. Nhưng tôi không bao giờ lấn lướt quyền hạn tiểu đoàn trưởng của anh, mà ngược lại tôi tìm mọi cách nâng uy tín của anh lên đối với các cán bộ C và B để anh dễ dàng làm việc.

Tôi đã biết địa thế Gò Nổi Trên, nhưng không rõ tụi Mỹ đội hình ra sao nên chưa phát biểu ý kiến, mà để chờ mấy ông kẹ lên tiếng trước. Ba Châm rít một hơi thuốc lào rồi bảo:

- Thằng Lôi mày đi chính diện còn mấy đứa kia thì chỉ đánh xuyên hông.

Tôi nhìn điểm Gò Nổi và hỏi:

- Anh Ba có nắm được đội hình tụi nó chưa?

- Bị đánh một phát nó ré lên thì mình biết chớ gì. Để sáng nó rút mất không đánh được, ở trên khiển trách.

- Anh Ba đừng nóng! Để đợi trinh sát đủ các mặt về đã!

Tư Nhựt biết khi tôi nói như vậy là chưa khai hoả được nên vuốt nhẹ Ba Châm.

Năm Tiều đồng cấp với Ba Châm, nói mạnh miệng hơn:

- Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng nghe cha! Biết địch gồm có các điểm: quân số, hỏa lực và bố phòng của địch. Quân số của nó thì ta đã biết, một tiểu đoàn. Súng ống thì chắc các loại mình đã chơi rồi. Còn cách bố phòng thì ta chưa biết. Bắn phát đầu phải diệt được hỏa lực chính của nó, ví dụ như đại liên, trung liên của nó thì mới xung phong được. Chứ nếu chỉ diệt được một vài cây ARI5 mà xung phong lên thì sẽ bị nó quét sạch.

Ba Châm ngồi im, bộ râu mép quặp xuống, nhúc nhích lia:

- Các cha làm sao đó thì làm. Chớ để tụi này rút về Đồng Dù mà không sứt mảy lông thì cả bọn mình "không còn chỗ đội nón".

Năm Tiều gật:

- Tôi đưa đầu cho các chả chém! Đánh Mỹ chớ phải đánh u sao mà dễ vậy?

Còn đang cãi cọ, bỗng trinh sát về báo cáo:

- Tụi nó bố trí hình tam giác. Ba đại đội tựa lưng vào nhau để phòng ngự. Một đại đội hướng về Ba Sòng, ta đã phát hiện nó khoảng nhà tía vợ xã đội Ba Tâm, một đại đội hướng về lô cao su lộ 6, một đại đội hướng về đường số 7.

- Như vậy được rồi, Tư Nhựt quyết định đi. -Tôi bảo.

Tư Nhựt bị trận Tân Quy cũng dưới quyền ông E trưởng Ba Châm mà C3 bị nhai hết một B nên lần này hơi ngán cái lối"đánh võ rừng" của già Châm. Anh định gạn hỏi thêm trinh sát vài điều, nhưng tôi biết già Châm sẽ gầm lên.

Bọn tôi chỉ huy tiểu đoàn rất hợp lý hơn có hai ông già đốc xúi này, nhất là ông già Châm thì ông ta đi trận nào kể như lính mất tin tường trận nấy. Tôi nháy Tư Nhựt bảo:

- Vừa đi mình thảo luận thêm.

Tôi nhìn đồng hồ. Đã 2 giờ sáng. Hết giờ rồi. Phải kết thúc nhanh, để trời sáng càng thuận lợi cho máy bay, tai hại cho mình.

Tôi bảo:

- Tín hiệu: khăn trắng buộc ở tay. Cứ ra lệnh và gọi tên nhau bằng tiếng Việt Nam, không cần ám hiệu vì Mỹ không nghe ra.

Tư Nhựt ra lệnh hành quân chớp nhoáng. Xướng, B trưởng đội trinh sát dắt "tai mắt" đi đầu. Tôi dắt C3 và C4 đi kế. Ba Trách, C phó điều khiển một đại liên và một DKZ đi cặp hông tôi dọc theo bờ ruộng bên phái, hai C đi phía bên trái. Sau cùng là C phó Năm Dầy điều khiển hai cối 82 ly của D và hai cối 62 ly của C3.

Tôi dặn Năm Dầy khi biết hướng địch thì cứ để cự ly 200, 300 mà bắn vào giữa đội hình chúng.

Trời vừa dứt mưa, không khí còn ẩm ướt, nếu để xa có thể đạn đi không chính xác sẽ vỡ mặt quân của Ba Đức chốc nữa sẽ tấn công từ phía đường số 7 lên.

Trời tối om, đường lầy lội, tôi bảo mọi người nhón chân để không khua nước. Xướng dừng lại. Tôi biết gần tới khu địch đóng quân. Không rõ chúng nằm ngồi thế nào mà êm ru. Không có tiếng động, cũng không có một đốm lửa thuốc lá. Tôi khẽ bảo Năm Dầy cho anh em dàn hàng ngang và sẵn sàng xung phong. Bỗng nghe một tiếng ầm. Tôi biết là Ba Trác đã nổ DKZ. Tôi nghe tiếng Tư Nhựt lẫn Út Sương thét lên xung phong. Tôi quát Năm Dầy:

- Nổ mạnh vào!

Tum! Tum! Tum! Ành, ành, ành!

Cối giã dòn tan. Bộ binh xông lên.

Xáp lá cà với quân Mỹ. Chúng kêu, la rống, không biết nghĩa gì. Cứ bắn, đâm, la hét áp đảo tinh thần. Chúng chạy đùn cục xuống ruộng nước. Tôi không cho đuổi chúng để Năm Dầy phóng pháo. Trong vòng mười phút, tiếng Ba Trác vang lên:

- Xơ ren đơ! Xơ ren đơ! Đụ mẹ mày ba thằng Mỹ chó đẻ!

Xơ-ren-đơ là tiếng của Tư Linh ban địch vận dạy để khi ra trận kêu gọi lính Mỹ đầu hàng (surrender). Nhưng không thấy thằng nào giơ tay giơ súng lên cả. Tôi biết cái lối đánh của Mỹ nên ra lệnh rút ngay, không chậm một phút.

Đơn vị vừa ra khỏi trận địa là pháo Trung Hòa rót vào rung đất. Kế đó pháo Đồng Dù giã vào xóm Ba Sòng để chận đường rút lui của chúng tôi.

Tôi la:

- Rút mau. Tụi nó hủy diệt trận địa rồi.

Tôi ù cả tai không còn nghe gì nữa. Chỉ nghe loáng thoáng tiếng Ba Đức chửi thề và tiếng chiến sĩ bị thương kêu cứu.

Pháo bắn điên đầu. Tiếng nổ lụp bụp như đại liên chớ không rời ra từng phát đâu bà con ơi. Pháo của Tây là trò chơi con nít. Bắn một phát, uống ly cà phê rồi bắn phát nữa. Pháo Mỹ bắn cò điện tự động, không đếm được. Khói pháo đen bít cả đường đất địa hình, không biết lối nào mà chạy. Rất tiếc Võ đại tướng không vô đây cỡi ngựa xemhoa.

đội cắt ngang lộ 6 rồi cặp theo lộ 7 về xóm trại Bà Huệ. Về đến nơi thì biết Nam Tân, C trưởng Cl bị thương sọ não; Chín Xe Đò, B trưởng chết; Chín Nữa, C phó bị thương, C3 mất đứt một A vì trúng mìn clay-mo. Nhưvậy ngót mười chiến sĩ lẫn cán bộ thương vong.. Khôngbiết Mỹ chết bao nhiêu. Chúng tôi thu được sáu khẩu M79, ba máy PRC25, mười bốn khẩu ARI5, một súng bắn hỏa tiễn (như B40) và hai ống kính hồng ngoại tuyến.

Sau này ban tác huấn Quân Khu mới đoán là một tiểu đội bị diệt gọn trong bãi mìn vì Mỹ có kính hồng ngoại tuyến nhìn thấy người trong ban đêm. Không biết trúng hay sai, nhưng mười hai chiến sĩ đã tan xác không hốt lại được một miếng thịt. Do đó chúng chết mà không mồ mả chi hết.

Chúng tôi kéo về Thuận Đức gần cầu Rạch Sơn nằm liệt địa, định nghỉ vài tiếng đồng hồ rồi di quân vì đây là điểm pháo của Đồng Dù. Nhưng nằm chưa thẳng lưng thì trực thăng lại đổ quân và xe tăng tới ủi rừng. Không biết chúng được điệp báo mà đuổi theo chúng tôi hay là tao ngộ chiến. Nhưng dù thế nào chúng tôi cũng phải nghênh chiến vì không thể tránh né được. Một tốp trực thăng đổ quân xuống đầu Rừng Làng. Chúng đụng ngay đội quân y và trinh sát. Một trận đánh cận chiến giữa hai bên xảy ra ở ngay bìa rừng.

Thương binh ở trận Gò Nổi vừa được băng bó xong đã phải cầm súng đánh tiếp, bắn được phát nào hay phát nất hơn là nằm chờ bị bắt.

Bảy Phúc, quân y sĩ, trước kia là phụ tá của Tư Chuyền ở C5 vừa mới được chuyển về phụ trách quân y cho tiểu đoàn đã bị bắn chết ngay từ phút đầu dưới hầm. Mỹ phát hiện được cứ điểm của chúng tôi nên thả xe tăng càn tiếp. Ủi xong, chúng rút ra để nhường chỗ cho pháo dập. Bạn có thể tưởng tượng là pháo từ Đồng Dù, Trung Hòa và các cụm pháo dã chiến từ Trảng Bàng, Bình Dương câu liên tiếp hai tiếng đồng hồ! Một con dế cũng không thể sống sót thì công sự bằng bê tông cũng không thể đứng nổi. Nhưng chúng tôi vừa cầm cự vừa rút chạy về Sa Nhỏ cho nên tránh khỏi bị tiêu diệt toàn bộ ở Rừng Làng.

Chiến thuật của Mỹ là "tìm và diệt" cho nên chúng tôi đi đâu thì có "cá rái cá nhái, cá lẹp, đầm già, cồng cộc, thần sấm"theo đến đó và cuối cùng là dưa hấu bầy rơi lả tả như mưa.

Chúng tôi đóng thành thế phòng ngự tam giác. C1 ở Đồng Lớn, C3 ở Cỏ Ống, C2, C4 và C5 ở Sa Nhỏ. Chắc chúng đã nắm được sự bố phòng của chúng tôi nên mới 10 giờ sáng (hôm sau) chúng đã cho trực thăng phóng pháo sơ sơ rồi đổ quân thành hai cụm, một ở giữa đồng Sa Nhỏ, một ở đầu ấp Cỏ Ống cách C3 không đầy một cây số.

Tôi đang ngủ trong nhà ông Mười ở cuối ấp Sa Nhỏ, thì ông đập vai tôi: "Con ơi! Mỹ đổ quân rồi. Hai! Mau lên!" Tôi bật dậy, ló đầu ra cửa sổ thì cánh quạt trực thăng quạt xước cả nóc nhà làm da mặt và tóc tôi muốn bị lột ra. Tôi rút đầu vô và ngó theo thấy thằng Mỹ ghìm đại liên bên hông máy bay.

Văn phòng D đóng ở trong nhà cô Tư Thêm má con Tiền, chỉ cách có mấy bờ dừa mà tôi không vọt về được để dùng điện thoại chỉ huy các đơn vị. Tôi bèn quơ súng và chạy ra tiền duyên của C2 nhào xuống ổ đại liên của Năm Hỏi, B trưởng. Y mừng rỡ:

- Phen này mình trả thù cho Bảy Phúc! Kìa, anh coi, tụi Mỹ đi ngay vô họng đại liên kia cà. Có thằng bỏ ống dòm khoát tay chỉ huy.

Tôi ngóc lên nhìn thấy lố nhố áo vàng tiến gần họng đại liên, còn một tốp đi cặp đường xe lửa từ Đồng Lớn vào Sa Nhỏ. Tôi hỏi:

- Ba Đức ở đâu?

- Dạ, ảnh bên tay mặt tôi. Còn anh Bảy ở phía trái. Tôi ở giữa.

Tôi yên trí vì ở hai đầu có hai cán bộ đại đội mà tôi tin cậy đang chỉ huy. Mỹ đã tới rất gần nhưng tôi bình tĩnh vỗ vai Năm Hỏi:

- Đợi cho nó tới gần chút nữa!

Năm Hỏi là B phó tôi mới đề bạt lên B trưởng. Hắn cũng gan như Ba Quyết (hy sinh ở Tân Quy), nhưng trầm tĩnh hơn Quyết và không chửi bới nạt nộ lính khi gặp mấy chú nằm lỳ không dám xung phong.

Từng đánh nhau với Mỹ bộn rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn rõ hình thù chúng nó. Mẹ, to con thật. Đèo đẹt như lính mình thì phải bốn chú mới khiêng nổi một thằng! Những bộ đồ vàng ghìm súng lom khom đi thẳng vào đại liên. RPD là loại súng mới Liên Xô nổ ác như đại liên. Xạ thủ run run tay nối dây đạn. Một tên Mỹ mang kính dâm ngóng cổ quay nhìn lại và bắt đầu ra hiệu cho bọn sau đi tới.

Năm Hỏi cất giọng run run:

- Bắn chưa anh Hai?

- Chưa. Chờ thằng mang kiếng đi qua khỏi bụi cây.

- Gần quá rồi anh!

- Gần vậy mình xông lên lấy súng rồi trở về chiến hào mới kịp.

Tuy miệng nói tỉnh, nhưng bụng tôi cũng run. Hai chiếc trực thăng võ trang bay sà trên ngọn cây, quạt lá cây lật ngược cả lên như bão tới. Tôi nom rõ mặt thằng phi công đỏ lòm. Năm Hỏi ôm khẩu AK, còn anh xạ thủ RPD thì đã xỏ ngón tay vào lòng cò, má miết sát vào thước ngắm. Năm Hỏi không nói nữa. Y nhìn tôi rồi hất hàm về phía trước, ý bảo: "Nó tới gần rồi, bắn nghe anh?"

Tôi xua tay: Chưa!

Bỗng thằng Mỹ mang kiếng la lên. Không rõ nó nói gì. Tôi quát:

- Bắn!

Khẩu RPD nổ dòn. Ở hai đầu chiến hào súng cũng nổ vang.

- Xung phong!

Tiếng thét dậy lên. Trước mặt không còn bóng tên Mỹ nào, chỉ thấy khói và rần rật lính mình. Tiếng nổ liên tục, rinh tai.

Tôi quát:

- Đừng bắn bậy. Lấy súng mau trở lại chiến hào!

Năm Hỏi tay cặp AK, tay lột súng Mỹ. Tôi tháo được một Colt 12 và lột được hai khẩu M16. Năm Hỏi quơ được hai M79. Nghe tiếng trực thăng trở lại, tôi quát:

- Trở lại hầm! Bắn nó!

Tôi không xuống hầm kịp. Chỉ cách có hơn chục thước nhưng máy bay đã ria trên đầu. Tôi phải nằm bẹp bên xác một thằng Mỹ thật to bị bắn bể đầu. Ba Đức nhào tới, hét:

- Thầy Hai xuống mau. Nó còn xạ vòng ngoài.

Tôi vọt một phát xuống hầm và ngó lên trời. Mẹ, thằng phi công ở ngay trên đầu, sức với tay đụng. Tôi quát:

- Đại liên đâu không lia?

Tành tành... tành. Chiếc máy bay đảo nghiêng rồi vọt thẳng, khói bốc mịt mù như cái đuôi xoăn tít.

- Bắn vét đuôi nó! -Ba Dục quát tiếp.

Chiếc trực thăng này sau đó rớt ở rìa ấp Sa Nhỏ gần Bờ Sa. Còn một chiếc (bao giờ chúng cũng đi cặp) nhưng không chịu chạy thẳng, nó quay lại rà sát mặt đồng, ý chừng muốn cứu phi công.

Nhưng bị đại liên nổ rát quá mới bay thẳng. Chập sau, máy bay "trái chuối" (chinook) có hai cánh quạt tới ném lựu đạn cay xuống hầm chúng tôi. Chúng tôi phải rời hầm và di động vào vườn. Nhưng trong vườn cũng bắt đầu ăn bom và pháo.

Một đám Mỹ sống sót chạy dạt ra giữa Đồng Lớn mong trực thăng xúc lên an toàn, nhưng Năm Bụng, C phó cho súng bắn đuổi và cho một tốp xung phong bắt sống.

Chúng nằm xuống, dùng bờ ranh làm công sự đánh trả.

Thế trận lộn ẩu không có ranh giới giữa hai bên nên pháo và máy bay ngưng dập. Lợi dụng khoảng khắc đó, tôi cho đơn vị rút. Tới chiều tối xác lính Mỹ vẫn nằm phơi ngoài đồng, chúng không dám xuống lấy vì sợ chúng tôi trong vườn bắn ra. Chẳng ngờ chúng tôi đã về tới Phú Hòa lau súng nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau xe tăng ở Đồng Dù mới lọ mọ ra lấy xác. Trận này cũng không biết Mỹ chết bao nhiêu. Nhưng đây là trận tiểu đoàn chúng tôi thiệt hại nhẹ nhất. Nghĩa trang Ngã Ba Sòng chỉ đào thêm có mười hai huyệt và hai mươi mốt lính lẫn cán bộ A, B, C vô nằm chật quân y Tư Chuyền.

Riêng du kích thì lên tinh thần vì họ lấy được nhiều súng, cởi được nhiều đồng hồ, lột được nhiều quần áo, nói chung, trúng "mùa hôi" nhất từ trước tới nay. Các anh chàng du kích lâu nay đói khát nay quơ được vô số đồ hộp, tha hồ làm tiệc rí rớ ăn mừng chiến thắng. Nào thịt heo, thịt bò, bơ sữa, cà phê, nước ngọt khui ra ăn uống và tán tỉnh nhau cả mấy ngày trời vẫn chưa hết tếu.

Chính trong trận đó chúng tôi mới nhìn thấy những đồng đô-la xanh móc được trong túi áo lính Mỹ. Ngoài ra còn có năm, sáu cái bóp và giấy tờ nhà binh Mỹ, chúng tôi đem nộp cả cho ông Tám Quang.

Riêng nữ du kích Ba Xưa thì chôm được một cây Colt 12. Cô ta giấu biệt cả tháng trời mới xì ra. Có lẽ cô không biết sử dụng và sợ hãi không dám giữ làm của. Nếu gặp ai khác như Tư Bé, Bảy Mô, Út Nhỏ, Út Là thì ém luôn rồi.

Út Chạy, bí thư xã Trung Lập, chơi ngon, xúc mười giạ lúa đem tới nhà cô Ba Xưa năn nỉ đổi lấy. Đi đâu anh ta cũng mang kè kè.

Chúng tôi cứ để anh ta mang cho oai, không thu làm gì mất cảm tình, sau này còn nhiều dịp nhờ bàn tay anh ta bắt dân công phục vụ chiến trường cho tiểu đoàn tôi.

Thu lượm xác chết đồng bọn tụi Đồng Dù mới cho bom pháo san bằng vườn tược ở Cỏ Ống và Sa Nhỏ. Chúng bắn không nhiều, cả một ngàn đạn 105 và 155 ly thôi. Sau ba trận liên tiếp ở Gò Nổi, Cỏ Ống và Sa Nhỏ, "Anh Cả Đỏ" và "Tia Chớp Nhiệt Đới" bắt đầu theo riết chúng tôi. Chỉ vài hôm sau, trong lúc chúng tôi đang dưỡng quân ở ấp Ràng thì xe tăng được trực thăng dẫn đường bọc sau lưng ấp Ràng vây kín một khu rừng nhỏ (nơi cô Quắn đã đưa tôi tới "họp xã ủy" tay đôi với cô trong một cái chòi hoang giữa đêm khuya).

Anh chàng xạ thủ B40 Tô Văn Đực đã hạ liên tiếp ba chiếc xe tăng tại bờ rào trường học của cô giáo Chín Hòa, em gái Bảy Lập ở VC quận. Một chiếc trực thăng rụi nằm mẹp tại chỗ, hai chiếc được trực thăng móc đem về.

Tôi cho đơn vị rút nhanh.

Tôi vỗ vai thằng Đực bảo:

- Kỳ này tôi cho cậu đi R dự đại hội anh hùng.

Tội nghiệp thằng bé, mới 21 tuổi, tôi cũng không hỏi lai lịch nó quê quán ở đâu, cha mẹ là ai, có hứa hôn với cô nào chưa? Tánh nó lầm lì ít nói, ăn khỏe và ngủ mê man, có đập mới dậy, không đập là ngủ lu bù. Lính là vậy: đi xóm ghẹo gái và ngủ là hai công tác chính.

Thấy nó không nhanh nhẹn, tôi định cho nó sang tổ đại liên làm nhiệm vụ tiếp đạn (chớ không làm xạ thủ), chẳng ngờ anh chàng rất gan dạ. Thế mới biết thời thế tạo anh hùng. Nếu không đụng xe tăng thì Tô Văn Đực sẽ nằm trong danh sách những chiến sĩ vô danh.

Tôi vác bớt đạn cho nó, hai thầy trò cùng chạy. Trực thăng tới bắn như mưa bấc. Chỉ chạy liều mạng thôi chớ không chắc thoát, nhưng nếu nằm lại thì thế nào cũng ôm một trái cà nông. Tụi Mỹ khi đã bắn thì không có cái mục "tiếc" và tiết kiệm đạn. Hơn nữa, đây là vùng "oanh kích tự do" đã ghi trong bản đồ hành quân của Anh Cả Đỏ và Tia Chớp Nhiệt Đới.

Nghĩ cũng lạ, cặp chân của mình, bình thường thì nó lặc lìa, sau mỗi trận đánh nó như không còn tuân lệnh chỉ huy nữa, nhưng khi chạy đua với trực thăng thì nó tự động, trực thăng ria hung bao nhiêu thì nó bật nhanh bấy nhiêu.

Hai thầy trò chạy một chập thì lạc đơn vị, không biết đường nào mà mò nữa. May gặp Sáu Khoắn, xã đội trưởng. Anh ta nghe bộ đội đụng trận thì núp xa xa để chờ cơ hội nhào ra "hôi" súng và quần áo Mỹ. Lần này không được cây nào mà chạy suýt chết. Thầy trò tôi bèn đeo dính y. Y chạy cũng có hạng nên cố theo kịp y là thắng trực thăng. Nhưng lần này đành chịu thua. Y vừa thở dứt vừa bảo:

- Không được, anh... Hai... ơi! Phải kiếm hầm chui.

May quá, bên đường có một cái hầm cũ từ đời cố lỷ cố lai nào. Thế mà ba cây thịt cứ phóng đại xuống cho đỡ khổ. Đạn ghim xuống đất cắm vào thân cây nghe lạnh mình.

Sáu Khoắn nhanh chân lủi xuống trước, tôi đẩy thằng Đực vào rồi không còn chỗ chui. Tôi cứ đứng chong ngóc bên miệng hầm. Chỉ huy, làm lớn phải làm láo, chớ lủi trước lính coi ra gì? Nếu đứng trơ trơ như thế này, pháo dập e bất tiện, nhưng cũng may, Sáu Khoắn trồi lên kêu om:

- Không được! Kiến bù nhọt cắn chịu không nổi.

Tôi quát:

- Hầm đâu mà chạy?

Sáu Khoắn tông thằng Đực ra và trồi lên, mặt như quỷ sứ:

- Kệ mẹ cứ chạy. Ôg giỏi thì xuống đây.

Bất chấp sự hoang mang của tôi, Sáu đâm đầu chạy, vừa chạy vừa phủi đầu, cổ. Cả ba lại chạy, phen này không gặp hầm nên nhảy xuống mương cau. Cứ quay ngó theo trực thăng, liệu bề mà né. Đạn bay ren rét ghim chịt chịt chung quanh.

Cũng nhờ Trời Phật phò hộ nên trận đó không bị thương. Hôm sau tôi đang ngất ngưởng vừa nhậu đế vừa tán dóc với Tư Nhựt trong quán thì Sáu Khoắn lù lù xuất hiện:

- Anh Hai ơi!! Anh Hai!

- Cái gì vậy?

- Tôi vừa đi trở lại mặt trận tìm coi tụi du kích có bỏ sót "cun" (colt) không.

- Có sót không?

Sáu Khoắn lôi tay tôi tới chỗ hầm hôm qua. Tôi rùng mình. Cái hầm bay mất. Một lỗ sâu và to bằng nửa chiếc đệm. Một trái 155 rơi vào đó. Sáu Khoắn đưa tôi bó nhang, rồi đốt lên, bảo:

- Anh Hai vái thánh thần đã đỡ trái cà nông cho mình đi!

Tôi cười:

- Thần kiến lửa hay kiến bù nhọt?

Sáu Khoắn ngoẹo đầu:

- Không có ổ kiến thì ba thầy trò mình bay không còn miếng thịt.

- Từ rày trước khi nhậu, mình phải cúng ông thần Kiến một ly rồi mới uống nghe anh Hai.

Sau trận Ràng, xe tăng Mỹ hết dám nghênh ngang. Trước kia chúng muốn cắt vào chỗ vườn nào tùy ý, như vào chỗ không người. Mỗi lần chúng đi qua là cây vườn ngã liệt địa, chủ vườn thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng bây giờ không thế nữa. Chúng ở ngoài đồng trống, muốn vào vườn phải dọn đường rất lâu. Như vậy có đủ thì giờ cho bộ đội, cơ quan di chuyển, du kích bố trí địa lôi hay chạy trốn. Cho nên mỗi khi vào vườn chúng đều thiệt hại.

Dần dần chúng cũng "rút kinh nghiệm" khá chính xác. Chúng thả biệt kích sục sạo trước hoặc cho một vài chiếc tăng đi trước để nhử du kích, nhưng ít khi an toàn. Sau cùng chúng thay đổi chiến thuật. Chúng chạy ngoài ruộng để tránh B40. Loại này chỉ bắn xa 100 mét, sau đó chúng tôi được trang bị B41 bắn xa 500 mét. B40 bắn đạn ra đụng gì cũng nổ, còn B41 bắn xuyên cả bùng nhùng lưới chì gai vẫn không nổ, đến khi húc vào vách tường hoặc xe tăng mới nổ.

Đến phiên chúng tôi đổi chiến thuật. Mỹ ít vô vườn thì chúng tôi đào công sự giữa ruộng, phủ rơm lên. Đợi chúng đến gần mới bắn. Bắn xong vọt lên chạy. Nhưng chạy sao thoát được lưới lửa của xe tăng? Chúng tôi phải bố trí trung liên, đại liên phục sẵn trong vườn để bịt miệng súng của xe tăng cho bồ nhà vác B40 tháo chạy. Nếu không, mỗi lần hạ xe tăng là mỗi lần bỏ mạng thì ai còn ham làm "anh hùng diệt tăng" để lãnh huân chương? (mà bụng đói meo như anh hùng Năm Cội).

Ngoài B40 ra, chúng tôi có một thứ bửu bối khác. Đó là mìn địa lôi, cũng còn gọi là mìn 8 kí lô hoặc 10 kí lô của Trung Quốc. Mìn kết hợp với B40 thì đánh tăng mới thắng to. Nhưng mìn rất tai hại. Nhiều khi chính quân ta lại giết quân mình bằng mìn còn gọn hơn bom pháo Mỹ. Số là chiến sĩ ta mang vác hành quân nặng nề nên đem chôn tạm đâu đó, tự hứa sẽ có ngày móc lên xài, nhưng rồi quên luôn.

Các bạn thử nghĩ con nít 15, 16 tuổi ở nhà bị pháo bắn, ruộng nương không làm được, lêu têu chết cũng uổng mạng nên gia nhập du kích hoặc bộ đội. Đâu có đứa nào lớn con, chỉ độ 35, 40 kí lô là nặng nhất, lại ăn khoai mì, cơm gạo thiếu thốn, đã lê cái thân còn không nổi lại còn vác trên 10 kí lô nên chôn nhẹ gánh là điều không đáng trách.

Cái việc này tôi đã từng chứng kiến ở trên Trường Sơn. Lính cụ Hồ ốm tong như nhái bén, chân như cái cọc màn mà lại vác đạn pháo, đế cối, nòng pháo nặng cả 50, 60 kí lô. Cho nên họ ném bỏ dọc đường cỏ mọc phủ lên, không ai ngó ngàng tới. Việc bồi dưỡng quân lính, Trung ương không hề nghĩ tới. Họ chỉ tìm cách khai thác đến giọt máu cuối cùng của lính mà thôi.

Tôi cũng chết hụt một lần vì trái mìn của fu kích "bỏ quên". Hồi ấy đầu năm 70, khi đánh Mậu Thân xong, tàn quân năm cha ba mẹ khắp Quân Khu tập họp lại thành một trung đoàn gọi là trung đoàn Quyết Thắng do ông Năm đốc chiến, tức là Năm Tiều, làm E trưởng. Tôi làm E phó kiêm tham mưu trưởng và Mười Việt làm D trưởng D1. Chúng tôi đi về Quân Khu xin thêm vũ khí và lính bổ sung. Đi lên tới khu vực Bời Lời thì gặp một chiếc xe bò chở gạo. Người đánh xe bò thuộc lính cũ của Năm Tiều, gặp lại thủ trưởng mừng quá, hai bên ôm nhau hít hà rồi trao đổi văn hóa thuốc rê với nhau, vừa đi bên xe bò vừa tâm sự.

Tôi bất ngờ đạp miếng bom đứt chân nên ngồi xuống tự rịt lấy. Hai người đi một khúc chưa đầy 50 mét thì nghe một tiếng "ầm" rung đất. Tôi nhìn lên thấy đất đá bùng lên như núi lửa phun. Thôi bỏ mẹ rồi. Tôi dư biết đó là "ông địa". Quả y như rằng, người và con bò cùng với chiếc xe đầy gạo mất hết. Sức tung của nó có thể làm lật gọng một chiếc xe tăng Mỹ thì bấy nhiêu đó thấm thía gì! Tội nghiệp bác Năm bầy trẻ bỏ lại hai bà vợ, còn Mười Việt vĩnh biệt cô vợ mới cưới chưa đầy ba tháng.

Nếu tôi có điều kiện thì tôi cũng lập miếu thờ "ông địa" như thằng Rắc thờ "ông địa" (trái địa lôi của du kích đã gầm hụt) ở trước cửa bót nó vậy.

Đánh Mỹ như trò chơi nguy hiểm, thấy cái chết như đồng xu lật sấp lật ngửa, chỗ nào cũng là mặt trận, giờ nào cũng đánh được, không kén nơi không chọn giờ gì ráo.

Đang hành quân bị trực thăng đuổi thế là chong đại liên bắn. Chúng đổ quân bao vây. Thế là thành trận đánh. Cán bộ tiểu đoàn gặp nhau hút thuốc uống rượu một hồi nóng máu rủ nhau đi tìm Mỹ đánh. Một lần tôi phát hiện được chỗ Mỹ đóng quân ở Bàu Đứng, tôi rủ Bảy Nô xách cối tới pháo kích. Chẳng ngờ tụi Mỹ có kiếng hồng ngoại hồng nội gì đó (hồng ngoại tuyến) phát hiện được, chúng cho xe tăng xả cà nông 40 ly, cả hai ban chỉ huy tiểu đoàn chạy tuột quần. về đến căn cứ, Bảy Nô văng tục om sòm và "thề" không chơi với Hai Lôi nữa. Nói vậy chớ đêm sau lại rủ nhau đi, bắn được sáu trái cối rồi rút về an toàn, sáng dậy nhìn mặt nhau cười. Tôi hỏi Bảy Nô:

- Trông kìa, Mỹ đã cho trực thăng lấy xác mấy chuyến rồi?

- Củ cặc, tụi bay còn trẻ giỏi giò chạy mau, tao chạy không kịp, rủi có bề gì bỏ chị Bảy lại cho ai?

Căn cứ của chúng tôi ở Rừng Làng, Lộc Thuận, Rừng Tre v.v... mới cũ gì Mỹ cũng đều phát hiện được, chúng cho bộ binh có xe tăng và máy bay yểm trợ tấn công vào. Ở Lộc Thuận, Cl tử chiến với chúng. Ở Rừng Tre đụng C3, chúng bắt sống được vài cậu lính trẻ. Ở gần trại Bà Huệ, chúng bắt được cả thượng úy Tám Nghi, bạn tôi (tay xạ thủ hữu hạng trong cuộc thi xạ kích ở Đông Âu), chánh văn phòng của Năm Lê. Ở Sở Đất Thịt gần Bàu Đứng chúng đụng tiểu đoàn 7 của Bảy Nô, ở Cầu Xe đụng D9 của Q16 Bắc Việt do Hai Đồng chỉ huy. Trận này năm ăn năm thua, sau đó Hai Đồng lên Sóc Lào lại đụng Anh Cả Đỏ. Hai Khởi bị thương, Hai Đồng bị bắt sống trong trận này, bỏ vợ là cô Tám Mang mới có bầu. Cô dông ra Củ Chi lập nhà bảo sanh, rồi sau đó không rõ tông tích. Một trận khác ở Bàu Trâu, tôi dắt đơn vỉ tập kích một cụm quân "Tia Chớp Nhiệt Đới". Tôi cho pháo dập rồi xung phong. Chúng không chống cự, kêu trực thăng tới bốc rồi cho pháo trả đũa. Hai Phái mất tinh thần không chạy được, tôi phải kéo xểnh như thây ma. Về đến nhà y bịnh luôn, xin về cơ quan làm chính trị, không ra trận nữa. Ở trên đưa một ông gốc khu 5 tên là Sáu Đoàn Tâm, cán bộ cũ của sư đoàn 305 Bắc Việt xuống thay. Chỉ một thời gian ông này cũng chết.

Tình hình chiến trường càng ngày càng trở nên ác liệt. Hầu như ba bữa một trận nhỏ, bảy bữa một trận lớn. "Người không rời súng, ngựa chẳng rời quân", chúng tôi phải di động tránh né luôn ở khắp Củ Chi, sang cả bên Trảng Bàng ăn nhờ ở đậu. Ở đây tôi gặp Ba Tới, quen hồi chín năm. Ông ta mới về làm tỉnh đội trưởng Tây Ninh thay cho ông vua con Nguyễn Việt Hồng bị Sáu Di cách chức. Tôi rủ Ba Tới cho kết nghĩa tiểu đoàn 14 Tây Ninh và tiểu đoàn Quyết Thắng của tôi.

Ban chỉ huy D14 là Năm Sơn, Ba Nhị và Chín Hung (cháu ông Mười Huệ ở Bến Tre) rất chịu chơi. Chúng tôi bèn rủ nhau phục kích đánh một đoàn xe tăng Mỹ kẻo từ Suối Sâu lên Trảng Dầu. Sáng chúng kéo lên, chiều rút về Đồng Dù. Hai bên phối hợp nghiên cứu chiến trường, đồng ý bố trí hỏa lực xong, vào giờ chót D14 nghỉ chơi, rút lui.

Tôi và Tư Nhựt vẫn đánh, bắn cháy hai chiếc xe tăng tại Suối Sâu. Phản lực, Dakota, trực thăng tới làm mưa làm gió.

Chúng tôi rút về Cầu Xe. Phản lực tới ném bom ngay giữa đội hình của C2 làm chết một tiểu đội, sáu chiến sĩ bị thương vì bom Mỹ và đạn B40 nổ trong hầm. Tưởng thắng hóa ra không thắng.

Chúng tôi chôn cất thương vong liền tay, riết rồi cũng không còn sức, mà cũng không có thì giờ tẩm liệm, gói ghém và đào huyệt. Cứ dồn xuống công sự, tay lấp đất, miệng lẩm bẩm: "Thôi nằm đỡ đó chịu lạnh nghe tụi bay, tàn cuộc chiến tụi tao sẽ trở lại xây mồ mả và lập miếu thờ!" Rồi dông ngay trong lằn đạn của phi pháo. Nếu quyến luyến ở lại đó thì sẽ chết chùm. Chiến tranh lôi cuốn mãi, con đường đã đi qua có bao giờ trở lại, còn nói chi mồ mả, miếu đền?

Nay ngồi viết những dòng này, hiện lên trong trí tôi những xóm làng, vườn tược ở khắp Củ Chi, nơi đó chúng tôi đã để lại những mô đất lè tè, những chiến hào toang hoác, nơi yên nghỉ nghìn thu những bạn bè thân thiết của chúng tôi xưa đã từng đi suốt ba miền trong cuộc kháng chiến chống Pháp, và cùng nhau vượt Trường Sơn, về đây nằm nghỉ tại quê nhà... một cách vô lối.

Là người cầm súng, bất cứ ở trên trận tuyến nào và chiến đấu vì mục đích gì, cũng phải là người dũng cảm. Chắc bạn đọc tưởng chúng tôi là những gan lì tướng quân nên mới đánh với Mỹ như vậy nổi. Sự thực cũng có tí gan lỳý đó, nhưng có lúc người ta lại bắt buộc phải gan lỳ để tìm cái sống. Hồi chín năm Hoàng Thọ là tay nổi tiếng nướng quân. Y bố trí trận địa chỉ chừa một cửa sống. Thí dụ sau lưng là sông, trước mặt là cơ giới địch đang di chuyển trên đường. Muốn sống phải diệt địch vượt qua lộ về khu giải phóng chớ không thể lùi lại phía sau.

Chúng tôi ngày nay cũng bị Hà Nội lãnh đạo chỉ huy theo lối đó. Họ ném chúng tôi vào Trường Sơn với một lon muối và vài kí lô gạo để hành quân trên con đường không có dấu chân người dài hàng ngàn cây số. Phải tìm cách để sống nếu không muốn chết. Dù có trăm phương ngàn cách lính Trường Sơn cũng chết như rạ.

Về đến miền Nam, họ quăng chúng tôi vào những chiến trường cũng với phương châm đó: tự tạo điều kiện đánh giặc để sống còn. Nếu lười nhát sẽ bị giặc tiêu hủy. Giặc đây là Mỹ, một quân đội trang bị tối tân nhất thế giới, còn chúng tôi trang bị lạc hậu cũng nhất thế giới: súng ngựa trời và các loại súng mút thời Nga Hoàng mà cũng không có đủ nói chi súng máy.

Đứng trước một tình thế sống chết như trở bàng bàn tay, chúng tôi phải tìm cách sinh tồn. Đánh cũng chết mà chạy cũng chết. Người cầm súng có bao giờ chọn lấy con đường nhục nhã là chạy trốn địch? Cho nên sự gan lỳ của chúng tôi là một sự gan lỳ bắt buộc như anh lính Hồng Quân Liên Xô trong phim Bài ca người lính chiếu ở Hà Nội mà tôi đã xem. Đơn vị anh ta bị lính Hitler tiêu diệt sạch, chỉ còn một mình anh ta chạy trốn. Xe tăng đuổi theo. Anh ta quay lại thấy họng súng của nó to lớn vô cùng và đã sát sau lưng, nếu tiếp tục chạy thì họng súng kia sẽ nhả đạn. Anh ta bèn quay lại rút thủ pháo ném. Quả pháo rơi vào lòng xe tăng diệt cả bon địch... Và anh ta đã trở thành anh hùng một cách bất ngờ. Trong lúc ném quả thủ pháo anh ta không nghĩ gì cả, như một cái máy bật một cách tự nhiên.

Chúng tôi đánh Mỹ ở Củ Chi cũng gần như trong trạng thái tinh thần đó chứ không nghĩ rằng Củ Chi đất thép đất bùn gì cả. Đánh để tìm đường sống hơn là lủi trốn để rồi chết. Cho nên ai khen chúng tôi gan dạ, anh dũng là lầm.

Hồi khoảng 1949-50 gì đó, Đồng Tháp Mười bị một trận tổng ruồng kinh hồn. Trận này do trung tướng Pháp Bondis chỉ huy. Lúc đó tôi còn là một cậu bé mười bảy tuổi. Một biển cả mênh mông mà chỉ có vài chục chiếc xe lội nước (tank amphibie) và chưa đến chục máy bay, còn dưới sông thì có độ chục tàu há mồm (chaland de débarquement). Riêng bộ binh thì có chừng vài trung đoàn. Như vậy chẳng khác nào muối bỏ biển. Thế mà Bộ Tư Lệnh chiến khu VIII của Trần Văn Trà chạy tướt bơ, không dám quay mặt lại. Đại đội phòng không chỉ bắn rơi có một chiếc máy bay Skyraider ở Dốc Binh Kiều mà đã được nhạc sĩ Hoàng Việt cho vào bài ca bất hủ.

Có lẽ đó là trận ruồng lớn nhất của quân Pháp ở Nam Bộ. Vài trận đụng độ lẻ tẻ với Vệ Quốc Đoàn đã xảy ra. Số thương vong của hai bên chưa tới con số 10. Riêng ở miền Tây, Pháp dùng hai cây cà nông 105 và 90 ly trên đường Tầm Vu và Sóc Xoài đã bị Vệ Quốc Đoàn đánh lấy, kéo về chiến khu bằng hai con trâu mà Pháp không đuổi theo kịp.

Tôi nhắc lại vài ba sự kiện trước kia của các bậc đàn anh, không phải để đánh giá họ mà là để thấy thằng Tây so với thằng Mỹ ngày nay không bằng một phần mười.

Nếu Pháp dùng một trái bom thì Mỹ dùng đến một ngàn trái.

Nếu Pháp bắn một viên đạn thì Mỹ bắn đến một trăm ngàn viên.

Nếu Pháp dùng một phi cơ thì Mỹ dùng đến một, hai trăm phi cơ chưa kể B52.

Nếu Pháp dùng một xe tăng thì Mỹ dùng năm trăm xe tăng

Nếu một chục cây số vuông thời chín năm bị một phần mười quả bom 50 kí lô thì mỗi cây số vuông ở Củ Chi lãnh mười quả bom 100 kí lô và một quả bom đìa.

Nếu mỗi trận đánh cấp đại đội thời chống Pháp có một đến năm chiến sĩ hy sinh thì ở Củ Chi một trận đánh thường bổ đồng có mười chiến sĩ thương vong.

Trong kháng chiến chín năm, ba Bộ Tư Lệnh chiến khu VII VIII IX đều còn nguyên vẹn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ba Bộ Tư Lệnh đều bị tiêu diệt hoàn toàn. Nguyễn Văn Bảo, chánh ủy sư đoàn 330, anh ruột của Nguyễn Hộ, được đưa về làm chánh ủy Quân Khu IV chết năm 1965 ở Củ Chi trong trận bom B52 đầu tiên dội xuống An Nhơn.

Nguyên soái đầu đỏ Nguyễn Chí Thanh chết ở Long Nguyên cuối năm 67, còn Nguyễn Bình chết năm 49 là bị đồng đội phản thùng. Lê Quốc Sản, tư lệnh Quân Khu II, Nguyễn Hoài Pho, tư lệnh Quân Khu III đều chết vì bom đạn Mỹ.

Chúng tôi không phải là những nhà thống kê chuyên môn, chỉ xin nêu tên vài con số ước đoán với tư cách của những kẻ đã sống và cầm súng trong suốt hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Và sở dĩ chúng tôi cho những trận đánh kể trên là "bảy món ăn chơi" là vì trận tổng nướng quân Mậu Thân mới là món ăn thiệt mà chúng tôi sẽ kể ở những chương sau đây.

Xin trở lại tặng độc giả một "món ăn chơi" ở Cây Trắc.Trận đó D Quyết Thắng của tôi đụng với cụm quân Mỹ ở đường Một Làng xã Phú Hòa Đông. Ở đây có một cây trắc thiệt to nên có địa danh là Cây Trắc. Mỹ mở cuộc càn với 30 ngàn quân có B52 dọn bãi, gồm sư đoàn "Tia Chớp Nhiệt Đới" ở Đồng Dù và trung đoàn 11 kỵ binh thiết giáp. Mục đích chính là đánh vào khu vực Tam Giác Sắt Bến Cát và các xã ven sông Sài Gòn từ Nhuận Đức đến Hố Bò

Chúng tôi được lệnh Quân Khu phải cấp tốc hành quân bôn tập cụm quân Mỹ tại Cây Trắc. Năm Dầy C trưởng C4 của tôi cũng vừa bị tử thương vì pháo bắn sập hầm cùng với năm cán bộ và chiến sĩ. ớ trên bổ sung cho một C trưởng là Chín Tống, người Bến Tre tập kết. Chín Tống chuyên sử dụng súng cối, trình độ khá hơn Năm Dầy. Nhưng về kinh nghiệm chiến đấu, y chỉ là một tân binh. Trời mưa nên y dắt đại đội đi lạc đường suýt làm trễ giờ tấn công, nhưng nhờ có y bắn hai trăm quả cối trúng đích mà ba đại đội xông vào trận địa Mỹ dùng B40, thủ pháo, AK mà đánh với xe tăng và bộ binh Mỹ. Cánh Cl bị phát hiện và bị mìn clay-mo nổ bay gọn một trung đội. C2 và C3 đánh thủng một tuyến xe tăng nhưng không xung phong vào sâu được nữa, phải nằm cầm cự và bắt được bốn thông dịch viên.

Chỉ huy sở của D đặt trong một cái quán có hầm vững chắc do Ba Trắng, xã đội phó Phú Hòa Đông dẫn tới. Xong ông ta chuồn mất làm chúng tôi rất khó khăn trong việc định hướng. Xung phong không được mà chưa biết rút lui cách nào.

Trong hầm có ba người, Tư Nhựt, Đoàn Tâm và tôi. Đoàn Tâm vừa xuống thay cho Hai Phái mất tinh thần về làm chính trị ở quận đội. Đoàn Tâm hằng ngày hay giựt le về lập trường, đây là lần đầu hắn đụng trận với Mỹ trên đất Củ Chi, lại rơi vào tình thế nguy ngập nên cứ thở dài hỏi:

- Như vậy thì mần răng?

Tư Nhựt phát cáu, quát:

- Chết đến nơi, ở đó mà răng cỏ gì!

Trong lúc đó Cl, C2 báo cáo chiến sĩ bị thương nằm la liệt. Tôi cũng chưa tính ra cách giải quyết. Ba Thắng đã chuồn, dân công cũng lén trốn hết mà thương binh thì đông. Tôi biết nếu ở đây càng lâu sẽ có nguy cơ bị xe tăng càn hoặc pháo giã thì không đường rút lui, nên bảo Tư Nhựt:

- Để tôi lên C2 xem tình thế rồi cho mở đường máu.

Tư Nhựt đồng ý. Tôi vọt ra hầm. Nãy giờ ngồi trong hầm tối om, mới ra khỏi hầm mắt chói lòa như mặt trời mọc, tôi tưởng sáng rồi. Nhưng không phải. Đó là hỏa châu của Dakota, chúng quần khắp trận địa bắn pháo sáng như đèn điện giăng trên trời.

Mấy cậu trinh sát ngồi tựa lưng vào vách hầm chờ lệnh. Thằng Thuận hỏi:

- Anh Hai chạy đi đâu. Thương binh nằm đặc trước sân kia cà!

Tôi mọp trong lằn đạn, cố ra sân. Kẻ rên, người la. Tôi choáng váng.

- Dân công đâu hết rồi?

- Họ ở bên cái nhà đó, nhưng không còn người nào.

Đúng ra còn được năm, sáu người. Tôi cho tải thương binh nặng đi trước, rồi bảo thằng Thuận dắt tôi chạy lên chỉ huy sở của C trưởng Ba Đức. Ba Đức kêu lên:

- Nguy quá anh Hai. Tôi cho một trung đội đánh thốc vô trung tâm. Không thấy trở ra đứa nào hết.

Tôi bảo gọi Út Sương. Út Sương thở phào trong máy:

- Nguy quá anh Hai!

Tôi quát:

- Mở đường mà ra!

Đang tiến thối lưỡng nan thì trinh sát báo cáo:

- Anh Hai, em nghe có tiếng xe tăng từ phía Bà Hộ. Coi chừng tụi Đồng Dù ra tiếp viện.

Một trái pháo nổ rầm gần đó. Miểng phang nghe lạnh mình. Tôi quát:

- Tất cả tự lực chạy hoặc nằm tại đây...

Bỗng một giọng quen chọc ngang:

- Một giò cũng rán chạy đua với xe tăng tụi bay ơi!

Đang cơn nguy biến mà ai lại cà rỡn? Đó là ông Chín Nữa, C phó C3, dượng của tôi chớ không ai lạ. Ông ta là người rất "hút" đạn. Trận lớn nhỏ gì cũng bị thương. Không nặng, vai, đùi, sém tai v.v... Thế nào cũng lãnh một ít về nằm quân y rồi ra đơn vị. Đánh trận, lại bị thương trở vào viện.

Tôi nghe dượng nói như gợi ý, bèn bảo:

- Cậu nào bị gãy giò thì được cáng, còn bị thương tay, mình, phải rán đi chầm chậm chớ không còn dân công. Nằm đây chờ sẽ không có ai khiêng. Xe tăng nó tới rồi kìa.

Mà thật, động cơ nghe rõ dần, đất rung khe khẽ. Biết mình ra lệnh như vậy là quá ư dã man đối với chiến sĩ, nhưng còn cách nào khác? Chần chờ chỉ có chết thôi. Đoàn quân sứt tay gãy gọng vừa rên vừa lê chân cất bước trong tiếng pháo, tiếng động cơ xe tăng và dưới lằn đạn.

Nhiều chiến sĩ bị thương nặng quá nằm lại và chúng tôi cũng đành bỏ họ ở lại chết ờ đó, sau này xã đội sẽ chôn giùm. Chiến trận càng ngày càng tồi tệ về phía chúng tôi. Đầu năm 62-63, chiến sĩ chết còn được truy điệu, có hòm bằng gỗ tạp chôn, có nấm mả, có mộ bia. Năm 64-65 không còn truy điệu nhưng còn nấm mả. Năm 66 chỉ còn cái lỗ tun hút, cuộn ny-lông rồi dập, may có nấm, rủi khỏa bằng.

Bây giờ thì, chết không được chôn, cứ nằm đó cho rã thây để cho đất Củ Chi trở thành đất "thép". Cái mả mẹ mày thằng Hồ tặc. Thành đồng tổ quốc làm cái đéo gì! Dân Nam Kỳ chết đau chết đớn vì tham vọng bá chủ của chúng mày.

Tôi và Ba Đức chờ cho người thương binh sau cùng băng qua đường mới gọi Tư Nhựt:

- Allô!... Tôi đã giải quyết xong công tác hậu cần.

- Đồng chí lo cho họ đi, để mặt trận cho tôi tính.

Ầm ầm ầm! Một loạt pháo nổ gần. Khi dứt, tôi gọi Tư Nhựt. Không có tiếng đáp. Tôi biết là dây điện đã bị cắt đứt.

Ầm ầm ầm! Loạt nổ kéo dài hơn một hơi thở. Lần này không phải pháo mà là B52. Tôi la lên trong hốt hoảng:

- Ở đâu nằm đó. Đừng chạy bậy!

Trong khói mù mịt, tôi ngóc đầu lên. Pháo sáng còn hơn đèn điện thành phố Hà Nội.

Cây vườn ướt sương lấp lánh đẹp như tranh. Nhưng kìa xe tăng đã tới. Bom B52 nổ cách chúng nó chừng vài trăm thước. Tôi nhổm dậy, tay quờ đụng một vật âm ấm. Ai vậy?

- Anh Hai!

Tôi nhận ra Bảy Mô. Trời đất, tường gặp nhau ở dưới âm ty.

- Sao em ở đây?

- Em nghe tiếng anh quát thương binh thì chạy tới tìm anh. Em bị thương ở đùi. Tụi em tải đạn cối cho Chín Tống, rồi chia nhau đi với Cl và C3 tải thương. Ông Năm Tần C trưởng bị thương sọ não, Năm Bụng C phó bị thương ở hông, trung đội của Năm Trung chết gần hết vì mìn Clay-mo ở trước hàng rào, ông Tư Linh (không phải Tư Linh binh vận bạn tôi) bảo tụi em nhào lên lôi thây. Em lôi được hai cái, đến cái thứ ba thì bị thương.

- Không ai võng à?

- Có còn ai mà võng!

- Vịn anh đi.

- Đánh gì kỳ vậy anh?

- Trận này D anh bị nặng nhất.

Chúng tôi dìu nhau ra khỏi trận địa. Bom pháo thưa dần. Chúng tôi đi chậm lại.

Tôi la to:

- Hết B52 rồi các cậu! Rán về tới Cây Diệp thì mới khỏe.

Bảy Mô kêu:

- Chân anh sao vậy?

Tôi ngó xuống, ống quần bên trái ướt dầm. Tôi tưởng là bùn đất, không ngờ là máu. Mô xé khăn quấn cổ buộc cho tôi rồi hai đứa cùng đi.

- Sao anh đi đâu cũng gặp em hết vậy?

- Sao em đi đâu cũng gặp anh hết vậy?

Hai đứa cùng cười. Về đến Sở Đất Thịt là trạm quân y dã chiến Quân Khu của Tám Lê. Ông bác sĩ này móm xọm. Nhìn mặt ông ta không thấy cái miệng, chỉ thấy cái cằm nhô ra như bánh lái ghe. Lần này nó càng nhô ra vượt mức.

Ông ta lắc đầu:

- Nhiều quá làm sao cho xuể hả ông Lôi? Ông coi kìa, thương binh nằm trắng lớp trong rừng cao su mà chỉ có một mình tôi. Nếu tôi biết trước tình thế này tôi bắt Tư Chuyền và Năm Hồng theo tiếp tay. Trước nhất ông phải cho khiêng họ đi ra khỏi rừng này. Tôi nghi B52 sẽ rắc bom xuống đây nội sáng nay. Vì nó dư biết đường rút của mình.

- Tôi không còn tên lính nào trong tay. Cả dân công cũng không có. Ông cứ để họ nằm đó đi. Sáng mai tôi sẽ cho đơn vị tới giúp...

Bỗng có tiếng người vang lên:

- Rán bò lên tụi bay. Nhất là mấy thằng mới có mèo. Đừng nằm đây hứng B52 uổng thân lắm. Còn thằng nào muốn sang Mỹ nếm mùi đầm Mỹ thì chờ xe tăng, trực thăng tới xúc.

Tôi nhìn lại thì ra dượng Chín của tôi. Ổng bị thương, tay treo cần cổ. Tôi và Bảy Mô kết bè với dượng đi về tới Sa Nhỏ, tạt vô quán Ba Trắng nghỉ chân. Chỉ có bà vợ bán hàng, còn đức lang quân xã đội phó thì vắng mặt. Bà vợ đóng kịch:

- Ủa, còn ba sắp nhỏ đâu, không thấy về?

Chín Nữa thừa biết sự anh dũng của ông Ba, nên vọt miệng đáp:

- Kỳ này ông xã đội của chị sẽ lãnh huân chương anh hùng.

- Sao vậy anh Chín?

- Ổng ôm thủ pháo xông vô xe tăng Mỹ diệt luôn ba chiếc chớ sao!

- Úy trời đất, rồi ảnh có sao không?

- Xe tăng nó tung mà ảnh không trầy miếng da!

Chị chủ quán biết mình bị tháu cáy nên lẩn ra sau. Chắc Ba Trắng nằm trong buồng nghe rõ lời Chín Nữa nói.

Mỹ vẩn còn càn tới càn lui ở Hố Bò, An Phú nhưng ở đây, những chàng lính đi trận về đã bắt đầu mua rượu và tép mỡ làm tiệc. Yêu cuồng sống vội còn hơn thanh niên Sài Gòn. Họ nhấc chuyện chết hụt đêm qua và cười.

Một cậu nhắc lại câu nói bất hủ của Ba Tố hay Năm Dầy gì đó:

- Em ơi! Cho anh ngủ một đêm rồi sẽ có "bảng vàng danh dự"‘ treo trong nhà, (hoặc) muốn có bảng vàng danh dự treo trong nhà thì cho anh ngủ một đêm thôi.(Câu này đã trở thành câu đầu môi của chiến sĩ mỗi khi đùa).

Cơ quan của ông đốc chiến Năm Tiều cũng rề tới rề lui vùng này. Nghe tôi về, anh đến thăm. Anh lôi tôi ra ngoài

- Mẹ, còn tệ hơn Tân Quy nữa hả tụi mày?

Tôi lặng thinh, anh tiếp:

- Tao ở nhà nghe tiếng súng thì biết. Mỹ đông quá mà lại súng nhiều. Mình có một D, như thằn lần ôm cột đình, làm sao chuyển nổi.

Tôi lắc đầu:

- Cái khổ là không có dân công tải thương anh à.

- Thằng Châm nó nghe tụi bay thua trận này, nó sẽ khoái chí lắm. Nó bảo: "Sao không giỏi chạy xe Honda nghiên cứu như kỳ Suối Cụt nữa đi!"

Thấy Bảy Mô trong quán, anh tiếp:

- Mày đi đâu cũng đeo cái của nợ đó theo. Trận Tân Quy xui là tại vì con Kim Anh, trận này là con "dì Bảy" nó.

- Cô ấy là dũng sĩ chớ có phải đầu quăn sao anh?

Năm Tiều dắt tôi và Chín Nữa về căn cứ của anh. Từ sau cuộc kiểm thảo, anh không còn trách nhiệm chỉ huy nữa, anh được cho làm tham mưu phó Quân Khu(dưới trướng Năm Lê). Anh lập một cơ quan riêng gồm ba nhân viên toàn là cháu anh: thằng Nừng khỏe mạnh chuyên vác ba lô và đào hầm cho anh, thằng Cào có bộ giò cuốc thì làm liên lạc. Con Thanh gọi anh bằng bác ruột thì nấu cơm, pha cà phê. Đi đâu cũng kéo một dọc bốn trụ. Bà con gọi là "gánh hát Tiều".

Hôm sau Năm Tiều rỉ tai cho tôi biết, ở trên đưa về nhiều cán bộ miền Bắc, nhiều vũ khí tối tân của Liên Xô, Trung Quốc: Chuẩn bị giải phóng miền Nam trong vòng hai tuần lễ. Dễ như trở bàn tay.

Năm Tiều khoái chí làm tôi cũng mê man, nhưng nhớ lại trận Cây Trắc vừa rồi, sơ sơ thấy gần nửa đại đội thương vong. Còn phải mệt lắm mới tìm đủ số tân binh lấp lỗ trống.

Q16 lính dép râu (dân gọi là lính vịt xiêm) anh hùng Điện Biên của Năm Dũng và Ba Kiên thì cũng tiêu hao bộn rồi mà chưa đánh trận nào coi cho được, để lấy uy tín với đám em út miền Nam.

Dù sao thì cấp chỉ huy của chúng tôi cũng gồm những ông Hoàng Thọ đánh giặc liều mạng không cần khoa học. Lính phải tìm lấy sinh lộ. Nhưng Hoàng Thọ khác với những vị chỉ huy của chúng tôi bây giờ.

Ở chỗ Hoàng Thọ ra trận, xung phong trước lính chớ không ở sau lưng, trong hầm đốc xúi nướng quân.

Đang uống trà ngon miệng, bỗng Năm Tiều bảo:

- Thằng Nữa ở lại đây chơi, còn thằng Lôi thì về bên quán đi. Con dũng sĩ nó đang đợi mày, nhưng nhớ đừng có gầy trận nghe. Vết thương làm độc, vô quân y, mẩy em nhỏ ở trong nó đang ghen, nó cưa chân mày đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx