sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 80: Cấm Xuống Hầm, Nhưng Chính Ông Tư Lệnh Lại Chui Hầm Và Chết Dưới Hầm

Tôi sang sông đang cong lưng đạp xe thì có tiếng kêu từ ven rừng:

- Anh Hai!

Tôi chạy chậm lại và ngoảnh nhìn sang. Một bầy tiên cô vừa vẫy tay vừa chạy, trong số tôi nhận thấy Thảo, cô bé nấu cơm cho K20, tức phòng chính trị của Tám Quang và Tám Hà. Thấy Thảo quen với tôi, mấy cô kia dừng lại và tản ra hai bên chớ không tới gần tôi nữa. Sau vài câu thăm hỏi, tôi dắt xe tạt vào ven rừng. Thảo nói ngay:

- Tụi em vừa qua bên này bị một trận B52 suýt chết.

Thảo là con gái Bình Dương, đất nổi tiếng có nhiều gái đẹp. Thảo cũng mê giải phóng, tưởng vào khu sẽ mang túi dết đi tuyên truyền, đứng nói trước mi-cờ-rô cho đồng bào nghe nên bỏ trường theo ông Thọ. Chẳng ngờ vô đây bị giao cho tuyên truyền các cụ táo quân. Buồn tình ca, Thảo muốn về, nhưng các chú dọa "tử hình". Rồi chú Tám nhận làm con nuôi. Lần tên Thiên Lôi gặp mấy ông lớn ở đó, Thảo tỏ tình và muốn Thiên Lôi tháo cũi xổ lồng nhưng làm sao nổi. Thảo đang ở trong hang cọp.

Tôi kéo nàng ngồi xuống mép giao thông hào cạn nhách, thủ thỉ:

- Anh qua An Thành là nhớ em.

- Còn ở bên Củ Chi không nhớ há?

- Ở đâu cũng nhớ hết.

- Nhiều đêm em khóc... Anh còn giữ chiếc khăn kỷ niệm của em không?

Nhiều khăn kỷ niệm quá, tôi đâu có nhớ khăn của ai, còn hay mất, nhưng cũng ừ đại:

- Anh xếp cất trong ba lô.

- Đâu đưa em coi.

- Cái ba lô kia cà, cái này anh chỉ đựng ít đồ để vượt sông cho nhẹ.

- Lâu lâu anh có lấy ra xem không? Đừng có giặt nghe!

- Giặt mất mùi sao?

Đâu có thời giờ mà nói chuyện nọ chuyện kia. Thảo bỗng nổi giận:

- Anh tệ lắm.

- Sao?

- - Bảo móc em ra mà cứ hứa cù lần.

- Ở đâu cũng công tác cách mạng chớ khác gì, em.

Thảo sụt sùi khóc. Tôi biết cái ngón con nuôi của các bố chú rồi. Ông nào cũng bỏ cái ngón "tồn liu", "liu tồn" đó thôi.

- Con Thanh bị bắt với ông Tám Nghi rồi, anh có hay không?

- Trời đất!

- Xe tăng càn rồi lính moi bắt ở trại Bà Huệ.

- Còn ông Năm Lê?

- Ổng đi hội nghị trên khu nên thoát. Ông Sáu Gấm bị B52 chết ở Dầu Tiếng, ông Hai Phần (Trần Hải Phụng) đau tim về R... Anh cứu em đi. Không thôi mai mốt chú Tám Quang về Rừng Sát, chú bắt em theo là hết gặp đó.

- Cách mạng thành công, mình gặp nhau trong vinh quang.

- Vinh quang gì, mấy chú kỳ thấy bà.

- Chú nào, có chú, chớ chú nào cũng kỳ hết sao?

- Chú nào cũng như chú nào!

- Sao anh không hứa với em đi? -Thảo gắt.

- Em không sợ "chú Tám" bỏ tù anh sao?

- Hứ! Em muốn có con với anh ngay bây giờ nè.

Mép bờ giao thông hào phút chốc hóa thành thiên thai. Khi vác xe đạp ra tới đường, tôi tưởng đã xa trần gian một thế kỷ. Thảo cứ nắm chặt lấy tay tôi:

- Em không cho anh đi! Em không cho anh đi. Em sẽ theo anh luôn!

Nắng chiều vàng nhạt lấp loáng trên mặt sông. Đường trần gian lồi lõm gập ghềnh. Trần Thị Thanh Thảo của ba mươi năm xưa giờ còn sống hay chết? Gót Chàng, Phú Trung, Bến Chùa, Bến Súc và... là những mảnh đất từng in bóng hình em bên anh.

Ra khỏi thiên thai lại vào thiên thai khác. Cái sân gạch của dì Ba ấm nắng, tôi đã bước qua vài lần. Lần này không ngại chân. Khánh đã đứng ở cửa tươi cười:

- Em đợi anh từ hôm qua tới nay. Dượng bảo ra đón anh.

Bàn ghế, mọi trang trí trong nhà vẫn còn y nguyên. Chỉ có Khánh là thay đổi. Nàng chưng diện hơn lần trước tôi đến.

Khánh nắm tay tôi lôi vô và ríu rít nói:

- Anh không nhớ em gì hết... Anh ở lại đây chơi vài ba ngày coi có được không... Nhà em cũng là nhà anh... Má em thương anh lấm, bộ anh không biết hay giả đò không biết?

Tôi đáp:

- Chỗ tổng hành dinh tư lệnh mà em nói như đùa.

- Xí tổng hành... Chòi chớ dinh gì! Đây là nhà của em! Ổng ở đậu chớ nhà gì của ổng.

- Nói ngang như em thì mười cái đầu anh cũng bay.

- Anh sợ ổng chớ em hổng ngán ổng đâu. Ổng có vợ có con, vợ ổng là bạn của má em, vậy mà ổng còn lem nhem với má em. Tại tui em thương má nên mới để ổng ở đây chớ nếu không thương má thì tụi em tống ổng ra rồi.

Tôi đưa tay bịt miệng nàng. Nàng cắn tay tôi. Tôi để yên cho nàng cắn. Mấy khi da thịt trần tục được răng ngọc nàng tiên ngoạm, êm dịu phải biết.

Nàng kéo ghế cho tôi ngồi, rồi kề sát mặt thủ thỉ:

- Mỗi khi đi ngang qua giường liếc thấy hai cặp chân ló ra vách mùng, em tự hỏi: sao anh với em không được làm như vậy. Em ao ước được nằm kề bên anh. Cuộc đời ngắn ngủi, nhất là trong chiến tranh. Anh có nhìn thấy chung quanh đây không, tất cả đều bị sát phạt - nàng pha tiếng Pháp- Chỉ còn cái lõm này thôi. Nay mai rồi tới phiên nó. Lần tới anh về sẽ không biết mộ em ở đâu mà tới khóc.

Khánh rời ghế, nàng bước lại ngồi trên đùi tôi, áp mặt sát mặt tôi:

- Anh hứa đi, anh yêu quý của em!

- Ừ... ờ...

Bỗng có tiếng guốc từ trong buồng đi ra, rồi tiếng nói:

- Sao dám chặn khách của tôi vậy cô?

Khánh quay lại:

- Ai gặp trước làm việc trước chớ ông Tư Lệnh.

Tôi nâng Khánh dậy và đứng lên chào kính:

- Anh Ba khỏe?

- Sao coi cậu hốc hác vậy?

- Da, sáng tới giờ chỉ có nấm mối với lá lốt dồn bụng.

- Hậu cần đâu?

- Họ bị B52 tán hoán hết rồi!

- Thằng Đồng chết lãng nhách! -ông Tư Lệnh vừa nói vừa ngồi đối diện tôi- Con vô nấu món gì cho anh con ăn - rồi quay lại tôi- Tháng Châu Thái Hùng này lộng quá lắm. Nó bắt chủ lực quân xay lúa giã gạo ăn như du kích à? Thôi việc đó để tao tính sau. Bây giờ tính việc trước mắt.

Ông Tư Lệnh vừa dứt lời thì bà "chánh ủy" xuất hiện. Áo lụa trắng, da thịt nõn nà, tóc tai không mấy vén khéo. Bà bước lại ôm chầm lấy tôi rên rỉ, khóc lóc:

- Sao con ốm tong ốm teo vậy con. Tụi nó ăn hết gạo để con húp cháo phải không con? Quần áo con sao rách rưới vầy há con? Hu hu...

Bà khóc thiệt, không phải bôi cù là vào mắt như Hồ Chủ Tiệm khóc Dương Bạch Mai.

- Đánh giặc mà chịu đói chịu khát, còn ông ngồi nhà ngày nào cũng cơm bưng nước rót mà không biết lính sống cực khổ ra sao. Mà hở cái là hò hét "xung phong lên"! Lại còn xúi con người ta vác mút cơ tông đánh đồn xây bằng gạch đá. Súng gì không bắn được phải tháo dây lưng quần con gái giật cò.

Bà "chánh ủy" bù lu bù loa, tố khổ giùm cho lính. Tôi nghe thiệt mát bụng. Nếu trong cuộc kiểm thảo với Tám Quang thì chúng tôi không đời nào dám hé môi nói về những đòn tàn nhẫn đó. Ông Tư Lệnh ngồi nghe, cặp môi giựt giựt. Có lẽ ông biết bất cứ chống đỡ cách nào ông cũng bị bà "chánh ủy" cả vú lấp miệng... ông ngay, nên quay sang:

- Con Khánh, con Ngọc, đứa nào vô buồng lấy cái sắc cốt ra cho dượng chút. Hồi còn trẻ, tôi cũng đánh giặc phong trần như nó vậy thôi.

- Nhưng hồi đó bom đạn ít.

- Bà đi vô nấu món gì đặc biệt cho nó ăn.

Bà "chánh ủy" coi hung dữ nhưng cũng biết phục thiện, nhưng trước khi đi vào bà còn ra lệnh cho ông Tư Lệnh:

- Ông để nó ở đây cho tôi, đừng có xua nó đi sớm nghe!

- Chuyện người ta khẩn cấp chớ chuyện nấu cơm sao!

-Xí! Chuyện gì các ông cũng khẩn cấp hết á! Tụi nó chết chớ mấy ông tư lệnh tư lọt có trầy miếng da nào.

Tôi định thừa lúc rỗi sẽ hỏi anh Ba về vụ ông Sáu Di thọ nạn ở Long Nguyên cho ra ngô ra khoai như thế nào, nhưng cuối cùng tôi nghĩ lại, không nên hỏi làm gì.

Một chốc yến tiệc dọn ra. Thôi thì đủ thứ đồ ăn do ba em Mai, Khánh, Ngọc chế biến dưới sự điều khiển của dì Ba, ngoài ra còn đồ hộp Sài Gòn. Dì Ba thương tôi thiệt tình chớ không phải lợi dụng. Thật ra tôi có gì để dì lợi dụng? Dì muốn tôi ăn "rắp ben" cả những ngày thiếu thốn vừa qua, nhưng có hai nàng ngồi bên cạnh nên tôi cũng chỉ "hử như mèo" tỏ ra đây cũng là kẻ hào hoa phong nhã chẳng kém dân Sè Goòng.

Cơm nước xong, chỉ còn tôi và Tư Lệnh. Anh móc bản đồ trong sắc cốt trải ra. Chỉ rất nhanh bằng mũi viết chì. Mắt tôi thu nhận chưa kịp thì anh đã xếp lại và bảo:

- Về nhà kiện toàn ngay đơn vị. Đường hành quân rất dài. nhưng kỳ này vũ khí thật tối tân sẽ tới tay các cậu. Đây là trận chiến cuối cùng.

Tôi tưởng sẽ có một cuộc pháo kích Đồng Dù quy mô hơn, chàng ngờ đó là trận tổng công kích vô cùng đẫm máu chỉ còn vài tháng nữa, mà cái chết của tên đại tướng bần cố nông là điềm gở báo trước cho lão Hồ. Trời nhá nhem tối, tôi đứng dậy cáo từ.

Dì Ba níu kéo, Mai Khanh khẩn khoản. Ngọc đứng ở cửa buồng lặng thinh. Ông Tư Lệnh bảo:

- Thôi để cho người ta đi, khóc lóc cái gì?

- Ông cô con đi lính đâu mà ông thương?

Khánh thực tế hơn, để cho ông bà đấu khẩu, nàng lôi tay tôi ra trước sân, đứng bên bụi bông trang trong bóng tối vừa phủ xuống.

- Anh hứa đi rồi em cho anh đi.

- Hứa thì dễ lắm em à! Nhưng giữ lời hứa là chuyện khó.

- Sao lại khó? Chỉ khi nào anh không yêu em thì lời hứa mới khó khăn thôi.

Tôi nói nước đôi

- Anh yêu em hay không yêu em, em biết rồi. Còn việc... đó thì phải từ từ.chứ không thể nhanh chóng được.

- Em chỉ muốn em là hôn thê của anh thôi.

Có lẽ Mai đứng bên trong nghe tới câu đó nên sợ "cuộc chiến kết thúc bất lợi cho phe ta" nên lên tiếng... ho. Và đó là cơ hội giúp tôi trì hoãn.

- Có người tới.

- Tới tới! Chị Mai cũng yêu anh nhưng má định gả em cho anh.

Mai lớn tuổi hơn Khánh. Mai đằm thắm hơn. Còn Khánh thì "à la Saigonaise" nên cử chỉ rất là hiện sinh.

- Thôi đành hẹn kiếp sau vậy -Tôi nói thầm trong bụng- Anh là một tên lính lê dương không biết đâu là nhà, sanh vô gia cư, tử vô địa táng, em yêu làm gì cho khổ.

Chiến trường ngày càng trở nên ác hệt. Đất Củ Chi, cửa ngõ của Sài Gòn không còn chỗ nào yên ổn để dưỡng quân. Chúng tôi phải dạt qua Trảng Bàng ở đậu Chín Hung (cháu ông Mười Huệ, Bến Tre), lắm lúc phải lên tận Rừng Tre, Cầu Xe, Trảng Cỏ để dung thân. Anh Cả Đỏ và Tia Chớp Nhiệt Đới liên tục "bủa lưới phóng lao" chúng tôi. Không ngày nào là không có tiếng bom pháo nổ bên tai.

Một hôm tôi và Tư Nhựt ngồi ngoài rừng uống trà bàn về chuyện hai cặp oan ương Đoàn Tâm, Út Siêng và Vũ Ba, Năm Đang.

- Tội nghiệp hai ông Tâm và Ba, bốn mươi tuổi đầu mới lên xe hoa.

- Giỡn cha! -Tư Nhựt nói- ông Vũ Ba góa vợ, còn Đoàn Tâm mới trai lơ. Trai lơ mà gặp cái "mang cá mè nhóp nhép" của bà út Siêng thì mê tít!

- Cá mè gì! Chồng bả đi Côn Đảo cả chục năm rồi. Để cái mang cá mè nó nhóp nhép hoài tội nghiệp.

Tư Nhựt nói:

- Thôi thì xáp được cặp nào mừng cặp nấy cho đời đỡ lạnh. Để như tôi đây "cám treo để heo nhịn đói"! Một năm trời về hạ được cái đồn Thầy Mười rồi làm "cú đứng" ngoài vườn.

- Ê tôi không có kinh nghiệm nên thua ông.

- Bộ phò mã mà cũng gian nan vậy à?

- Phò mã chưa có áo mão nên còn đứng dựa bụi bông trang! Ê, cú đứng có hay không ta?

Tư Nhựt trút chung trà vào miệng nuốt ực, rồi vừa sặc ho liên miên vừa nói rướn:

- Làm bậy đõ ghiền chớ đã điếc gì!

Bỗng thằng Thưng chạy vô hớt hãi:

- Tụi tôi bắt được một con "canh tơ" (indicateur: tên chỉ điểm).

Tư Nhựt đứng dậy gầm lên:

- Lôi đầu đem bắn nó đi. Mình bị B52 là vì tụi này.

- Đâu đem vô đây coi! -Tôi bảo.

Nó ngất xỉu ngoài ven rừng.

Tôi chạy theo Thưng. Được lệnh Tư Nhựt, Thưng vừa đi vừa lên đạn AK rong róc. Ra tới nơi, thấy một nàng nằm dựa gốc cây, mắt trợn ngược. Tôi kêu lên:

- Là! Em đi đâu đây?

Không thấy tiếng đáp, tôi bảo Thưng:

- Đi kiếm chút nước. Không phải "canh tơ" đâu em! Xã đội phó xã Mỹ Hưng đó.

Sẵn bi đông bên lưng, Thưng vạch miệng Là rót nước, còn bao nhiêu rưới lên mặt. Giây lâu Là hồi tỉnh. Mắt nàng nhìn tôi trân trân:

- Anh đi cứu dượng Ba mau.

- Dượng Ba nào?

- Dượng Ba tư lệnh chớ dượng Ba nào?

- Ở đâu?

- Ở chỗ cái hầm... hầm... - Là quơ tay và tắt tiếng.

Tôi hiểu ngay đó là cái hầm ở gốc cây... kỷ niệm khi tôi về Củ Chi lần đầu tiên, nàng dẫn tôi đi "nghiên cứu" trận địa.

Tôi trở lại gặp Tư Nhựt. Chỉ trong vòng 15 phút, đích thân tôi dắt một đại đội đi cứu chúa. Tư Ếch và Năm Đầu Ban cùng đi với Là nhưng bị cảnh vệ giữ lại ở ngoài rìa rừng. Bây giờ kéo ngọn dắt chúng tôi chạy.

Một cuộc chạy đua mù mịt, liền sáu tiếng đồng hồ. Tôi không cần biết có bao nhiêu lính rụng lại phía sau. Chúng tôi theo con đường cũ của Là vừa vạch ra. Sau này Là cho tôi biết nàng đã ra Sa Nhỏ, qua Cỏ ống thì đồng bào bảo đơn vị đã đi về hướng Cầu Xe. Nàng tới Cầu Xe thì người ta lại cho biết chúng tôi đã biến về phía Trảng Cỏ. Nàng phóng tới Cây Da thì gặp C3 đang đào công sự ở đó. Họ cho biết ban chỉ huy D ở trên Trảng Sa.

Băng qua lộ 6 xuống Rừng Tre, chúng tôi đến nơi, ghé quân y Tư Chuyền bắt thêm một y sĩ mang theo bình dưỡng khí.

- Ổng ở dưới đó mấy ngày rồi? -Tôi hỏi Là.

- Hơn hai ngày.

- Ai đưa ổng tới đó vậy?

- Còn hỏi nữa!

- Cách đây mấy hôm anh gặp ổng ở bên kia sông.

- Ổng mới chạy B52 qua đây. Đến nhà mình lúc nửa đêm, đập cửa hỏi hầm. Em dắt ông đi ngay ra đó, chớ đâu có hầm nào nữa.

- Ai xuống với ổng?

- Một cần vụ thôi. Ổng vừa xuống thì sáng hôm sau tụi nó chụp ngay trân. Đóng chốt luôn không rút. Anh phải quạt tụi nó thì mới móc ổng lên được.

Tôi kêu thằng Xướng chặt tre làm cáng. Lúc đi hối hả không nhớ gì hết. Chỉ có "con buồi" là không quên bỏ lại thôi.

Trời lại mưa mới khổ chớ!

Trực thăng quần trên đầu. Chúng còn chốt ở đó. Tư Ếch và Năm Đầu Ban thổ địa dắt đường. Tôi bàn kế hoạch qua loa rồi cho pháo. Cứ bắn già vào đội hình của chúng chớ không cho bộ binh xung phong. Tụi Mỹ chỉ phản công yếu ớt không có pháo Đồng Dù trả hỏa. Tôi có linh tính là ông Tư Lệnh đã thối ra ma rồi. Ba ngày ở dưới đó chịu sao thấu. Cũng may chiều tối hôm đó chúng rút toàn bộ. Trực thăng Chinook tới câu luôn cả bùng nhùng và công sự xi măng. Đại bác được câu lên sau cùng. Như vậy chúng đã bỏ chốt, chứ nếu chúng thay quân, chốt tiếp, thì ông Bốn, Năm, Mười Xu cũng lìa đừng nói Ba Xu.

Cho trinh sát tới trước dò xét an ninh rồi tôi ra lệnh công binh tới tìm miệng hầm. Trời mưa lầy lội lại thêm xe tăng càn nhẹp cây cối, dấu tích cũ không còn nguyên nên mãi một tiếng đồng hồ sau cả tiểu đội bới móc mà cũng không tìm ra. May nhờ Là nhớ cái cây có chừng hai bên miệng hầm kỷ niệm nên tìm thấy khung gỗ ló cạnh. Cũng may là xe tăng càn ngang mà không sụp. Cái nấp hầm thật chắc.

Thằng Xướng tay móc được cái khoen dây chì rồi ra sức lôi bật lên. Một tiếng "ồ" vang lên. Đó là không khí tràn xuống hầm.

Tôi rọi đèn pin. Thằng Xướng vọt nhanh xuống hầm, rồi trồi lên, nhắm mắt hả họng "ngộp quá!". Nó lại một hơi dài rồi giật cái đèn pin trên tay tôi chui xuống. Chừng vài chục giây nó lại trồi ra, báo cáo:

- Hai người nằm dưới bùn. Chỉ mặc quần tiều.

- Em coi còn cái ngách nào dưới đó không?

- Có nhưng ổng chỉ xuống có hai người thôi.

Xướng lại nói:

- Ngộp quá, hôi thối chịu không nổi.

- Vô coi ông còn thở không?

Xướng lại chui rồi ló lên. Tôi quát:

- Còn thở không?

- Còn.

- Lôi ra miệng hầm ngay. Lôi anh Ba trước.

- Chân ổng quay ra ngoài.

- Cứ nấm lôi đại. Mau lên kẻo trực thăng trở lại thấy đèn, nó bắn bỏ mạng.

- Anh kêu đại liên chuẩn bị, hễ nó tới thì chơi.

Xướng ném trả tôi cái đèn pin rồi thụt vô hang. Ỳ ạch lui ra, chui vô hai ba lần, nó lắc:

- Nặng quá, bùn trơn nắm trợt lớt không lôi được. Anh tìm cho em sợi dây.

Nhờ sợi dây nịt da (như sợi dây lưng quần cô dân công) thằng Xướng lôi được chân ông Tư Lệnh ra miệng hầm. Tôi rọi đèn thấy hai bàn chân xanh lét. Thằn Xướng leo lên rồi hai ba đứa nắm sợi dây nịt rút lên, làm như con nít đẻ ngược, hai chân ra trước, cái đầu ra sau.

Thân người ông lên tới đâu chúng tôi nâng đỡ tới đó và xếp hai tay ông vào bên hông để khỏi vướng miệng hầm vốn rất hẹp, chỉ vừa thân người lách nghiêng’ mới lọt.

Lên được trên mặt đất rồi thì mọi chuyện đều dễ dàng. Ông Tư Lệnh đã tái sanh.

Nằm trên mặt đất, ông Tư Lệnh... thật thảm thương!

Ông đã sống sót bên cạnh ông Sáu Di, nay lại chết hụt lần nữa. Nhưng lần sau Mậu Thân ông chết thật. Không như cô Thiên Lý chết dưới sông được chúng tôi cứu sống và về thành.

Y sĩ làm việc một chốc, dượng Ba tỉnh dậy. Tôi cho khiêng đi ngay về Trảng Cỗ để quân y tiếp tục săn sóc.

Húp xong muỗng sữa đầu tiên, ông hỏi:

- Ai đưa tôi xuống hầm vậy?

Tôi đứng cạnh đó không biết trả lời sao cho tiện. Vì có lẽ ông chưa lãng trí để có thể quên ai là người đã ký lệnh... với hai lằn gạch đậm đen mới hôm nào.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx