sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 84: Tâm Sự Những Con Thịt Sắp Bi Đút Vào Lò Quay Mậu Thân. Dkb Là Loại Vũ Khí Gì, Do Tàu Hay Nga Cung Cấp

Tôi được ông Ba Xu tư lệnh cho về làm quận đội 1 trưởng Củ Chi là vì tôi thuộc địa hình vùng này. Mục đích của ông là giao cho tôi chôn giấu "vũ khí mới". Bây giờ ngồi viết lại những dòng này tôi mới thấy khiếp đảm cái tâm địa giết người của nhà Hồ. Chúng giết người không ngán tay bằng bất cứ phương cách nào, kể cả thuốc độc, giết bất cứ ai, kể cả đồng chí của chúng. Nhưng sở dĩ người ta lầm bọn Bộ Chính Trị và Trung Ương đảng Cộng Sản là vì mồm chúng luôn luôn rêu rao: Phục vụ dân tộc, giải phóng nhân loại, "Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi" (Hồ tặc)... Lầm, lầm to nếu ai tin chúng. Sau năm mươi năm nói láo bịp dân Nam Kỳ, ngày nay bộ mặt thật nham hiểm của chúng đã rơi xuống. Và một trong những nguy cơ sụp đổ mà chúng phải đối phó rất là khó khăn, là vấn đề Nam Bắc, ngay cả trong đảng cướp mặt đỏ. Dân Nam Kỳ đã sáng mắt ra với câu nói trên kia của "Bác" rồi. Họ sẽ lật đổ Cộng Sản Hà Nội chớ không phải đế quốc nào cả.

DKB là chữ viết tất "đạn khoan bê tông" cũng như SKZ là "súng không giật" hoặc DKZ là "đạn không giật" vậy. Chính ở ngoài Bắc chế tạo đạn này chớ không phải

Nga Tàu gì ráo.

Được lệnh ông Ba Xu, tôi tiễn Mười Thứ xong, thì hộc tốc đi xuống Phú Hòa Đông để tìm địa điểm chôn giấu. Theo tôi nghĩ thì đạn này đưa bằng tàu từ ngoài Bắc đổ lên bãi Cồn Chim, ở quận Thạnh Phú tỉnh Bến Tre. Không phải chỉ trong thời điểm Mậu Thân mà suốt mấy năm tên Phạm Ngọc Thảo là tỉnh trưởng Kiến Hòa.

Xin phép dừng lại ở đây một đoạn khá dài để nói về tên gián điệp nguy hiểm này, đã được ông Diệm cho làm tỉnh trưởng Kiến Hòa.

Thảo là ai? Tôi xin nói ra một ít những gì tôi biết về tên này. Hắn còn có tên là Thảo Lé vì hai mắt hắn bất đồng. Hắn hơi gầy, khuôn mặt giống y Phạm Ngọc Thuần, anh ruột của hắn. Thuần làm phó chủ tịch ủy Ban Kháng Chiến / Hành Chánh Nam Bộ kiêm Miền Nam Việt Nam nghĩa là có quyền hành cả miền Nam Việt Nam chớ không riêng ở Nam Bộ trong thời chống Pháp, cùng với Phạm Văn Bạch là chủ tịch.

Tôi biết Thảo Lé ở Bến Tre, lần đầu tiên gặp tại quận Sóc Sài, tại nhà chị Sáu Thôi là đoàn trường Phụ Nữ Cứu Quốc, trong một bữa tiệc rất lớn, tiễn chân Thảo lên Nam Bộ nhậm chức trưởng ban đặc vụ trực thuộc ủy Ban Kháng Chiến / Hành Chánh Nam Bộ. Tại sao có bữa tiệc này? Vì mụ Sáu Thôi có chồng tên là Phan Thêm, bí thư tỉnh ủy Bến Tre. Tên này được đưa về làm chính trị viên của "ban đặc...vụ" này. Lúc bấy giờ tôi là ủy viên Thiếu Nhi Cứu Quốc trong ban chấp hành Thiếu Nhi Cứu Quốc tỉnh (hình như là năm 1947, 48 gì đó), đang đi tổ chức Thiếu Nhi ở các quận, cùng với cô Thu Ba. Một người bạn của tôi tên là Hồ Hoàn Kiếm đang là tình nhân của cô bé này. Kiếm đang làm bí thư riêng cho Phan Thêm. Kiếm có rủ tôi đi theo ban này. Hồi đó dễ dàng lấm, muốn vô cơ quan nào chỉ cần một người giới thiệu, không khảo tra lý lịch ba đời cụ kỵ gì cả, thế là thành cán bộ rồi. Tôi cười với Kiếm:"Cái ban gì lại ‘đặc... vụ ‘ thì tao không chơi" nên không đi theo. (Thực chất của nó là chỉ huy gián điệp toàn miền Nam của Cộng Sản).

Sau buổi tiệc đó, ban đặc vụ đi công tác "đặc vụ", còn tôi thì đi tổ chức thiếu nhi. Mãi đến năm 49 thì phải, quân UMDC (Unités militaires démocratiques Chrétiennes?) của Le Roy chiếm đóng tỉnh Bến Tre, tôi chạy xuống miền Tây và vô làm phóng viên cho tờ báo Tiếng Súng Kháng Địch. Năm 1950, tôi đi theo chiến dịch Long Châu Hà với Sơn Nam (tức là Phạm Anh Tài) lên Ba Thê, Bảy Núi và các vùng Định Mỹ, Ba Dầu. Bất ngờ tôi gặp Thảo Lé là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 410 thuộc trung đoàn Tây Đô do Huỳnh Thủ làm trung đoàn trưởng. Nguyễn Văn Sa (anh thằng Điếc, bạn tôi) làm chính trị viên. (Hồi đó chưa có chức chính ủy, sau này Lê Đức Thọ vô mới bày đặt chức này).

Thảo Lé lầm lì, ít nói, đánh giặc rất gan. được lính kính phục. Vợ y là bà Phạm Thị Nhiệm, em của giáo sư Phạm Thiều (giám đốc đài phát thanh Nam Bộ phân sở A; Huỳnh Văn Tiếng, chồng ca sĩ Xuân Mai (sau ly dị) phụ trách phân sở B).

.... Tôi đọc thấy tài liệu nói là Thảo Lé đã cứu Đức Cha Thục ly kỳ như phim kiếm hiệp, được Đức Cha nhận làm con đỡ đầu và tiến dẫn với ông Diệm. Ông Diệm dùng Thảo liền lập tức. Có người phản đối, thì ông Diệm hỏi:

- Các người hiểu Thảo bằng Đức Cha không?

Thế là ai đó hết ý kiến.

Sở dĩ tôi đá động đến Thảo Lé một chút là vì tôi nghĩ là những chuyện đổ vũ khí miền Bắc lên bãi Cồn Chim có dính với cặp mắt bất đồng của hắn không nhiều thì ít, chớ không phải tôi muốn đặt vấn đề "Thảo Lé là cái gì". Vì hai lẽ:

1. Ván bài đã lật ngửa rồi, khách thua, thua phộc túi; khách ăn, ăn no phè, sòng bài đã tỏ tịa, còn nhắc làm gì nữa.

2. Biết đâu sẽ chẳng có người hỏi vặn tôi: "ông biết Thảo Lé bằng Đức Cha không?" thì tôi... Nhưng cũng xin nói rằng trong lịch sử gián điệp tôi chưa biết hoặc đọc thấy trong sách ghi tên gián điệp nào thành công dễ như Thảo. Vậy xin để cho những ai "biết Theo Lé bằng Đức Cha" nói, còn tôi xin trở lại vũ khí DKB.

Tôi dắt ba cô cậu "dũng sĩ" đi xuống Phú Hòa Đông (bây giờ chia hai vì tình hình quá căng thằng, thành Phú Hòa Đông và Tây). Ở trên bảo đặt DKB trong ấp chiến lược Cây Bài bắn vô Đồng Dù, thì lại cũng ở trên không cho phép. Một người là tư lệnh Ba Xu kiêm phó bí thư khu ủy, một đàng là mụ Hai Xót, ủy viên khu ủy. Mụ ta vểnh mỏ chửi Ba Xu mà tôi phải dẩu tai nghe:

- Tư lệnh gì ngu vậy. Đặt trong ấp chiến lược bể hết cơ sở của tôi sao? Dẹp đi! Thứ đồ ba cái hỏa tiễn.

Tôi suýt cười:

- Dạ, cái "ấp... chiến lược" của chị có bể cũng có cách hàn lại mà chị Hai!

- Tôi nói không được là không được. Cãi tôi là bị kỷ luật.

Gà mái đá gà cồ. Tôi đang lưỡng lự không biết phải làm sao, thì may quá, tôi nảy ra ý kiến chôn mớ vũ khí đó bằng những cái hầm của các lò chén lò nồi ở đây.

Số là dân xã này đào đất sét để nặn chén, nên có những cái hầm sẵn thất nghiệp, nghĩa là không có chứa đựng gì hết. Đào một cái hầm để cất giấu mười trái DKB thì phải dùng cả chục nhân công chớ không ít. Bây giờ có sẵn, thiệt là trời cho.

Mụ Hai Xót hầm hầm dọa tôi:

- Cậu muốn làm gì phải cho tôi biết.

Tôi nghĩ thầm: Con mẹ này ghê thật. Tôi sẽ cho bà chạy một bữa sút trứng non cho coi...

Chiều hôm đó, tôi được giấy của ban tham mưu quận đội Đào Hải, trưởng ban cho tôi biết có việc gấp. Tôi phải về ngay.

Thì ra DKB đã tới. Hai anh chàng Bắc Kỳ từ trên R mới xuống. Chúng nó phụ trách sử dụng DKB. Một thằng tên Lũng, một thằng tên Lanh (tên cúng cơm, không phải bí danh Trường Sơn). Tưởng xa lạ gì, chẳng dè đó là học trò pháo binh của tôi ở Sơn Tây, cả hai đều cấp bậc B trưởng.

Gặp tôi, hai đứa mừng suýt chết. Tôi kêu chị nuôi nấu nướng đãi hai chàng một bữa no nê, xong uống trà, hút thuốc thơm.

Lanh trình bày với tôi:

- Đây là vũ khí mới thầy ạ. Lúc thầy bắn thực nghiệm ở Xuân Mai thì chưa có loại này.

Năm 1963, tôi đã bắn thực nghiệm loại hỏa tiễn từ hành (H12) Kachiusa của Liên Sô bắn xa 8kum. Nhưng quân giới Việt Cộng thùng bệ và nòng DKZ 75 ly (không có chó bắt mèo...) để thí nghiệm. Thay vì bắn vòng cầu, với sự "sáng tạo" phi thường của các ông quân giới, thì bắn thẳng chỉ xa được 1km. Nó có sức nóng rất cao (2000 độ?), có thể xuyên sắt thép, cho nên dùng bắn xe tăng tàu chiến rất hiệu quả.

Nhưng vì nó nặng nề, cồng kềnh nên không thể dùng cho du kích chiến được, nên Liên Xô chế tạo B40 và B41 gọi là hỏa tiễn tay như Pháp gọi là Tromblon VB nhưng tầm bắn xa của B40 chỉ trong vòng một trăm tới 200 thước. Còn B41 thì đi được năm trăm thước và phá bùng nhùng lưới chì gai hoặc xuyên thép, bê tông. Sau này Việt Cộng có đủ B40 để trang bị cho mỗi tiểu đội để đánh xe tăng Mỹ.

Tôi đã từng học và dạy trường pháo binh, nên tôi sử dụng hầu hết các loại pháo mặt đất của Liên Xô, Tàu, Nhựt, Đức, Pháp, Mỹ, nhưng chưa hề nghe tên DKB.

Lanh cho tôi biết Quân Khu này sẽ có đến 80 quả DKB. Tôi bảo hắn cho xem thử hình thù ra sao.

Vừa đi hắn vừa nhắc lại chuyện cũ:

-Hồi đó em chưa biết gì về pháo phiếc hết. Thấy thầy bắn ngay tệnh chiếc lô-cốt, em phục quá.

Thằng Lũng tiếp thêm:

- Tội nghiệp con chó mực của ai bị làm vật hy sinh, bỏ trong lô-cốt bị cháy thui.

- Đồng chí Lê Duẩn còn phải vỗ vai khen thầy, và các cố vấn Liên Xô đều đến bắt ta mời thầy hút thuốc lia lịa. Sau đó lại còn cái màn bắn mục tiêu di động, thầy bắn chiếc rờ moọc giả lôi sau đít xe môlôtôva cũng tan luôn.

Tôi nói:

- Ở ngoài đó có đủ thứ phương tiện nên bắn dễ lắm. Còn vô đây không có gì hết. Ngay cả ống bót pháo để đo mặt đất thăng bằng cũn gkg có. Tai hại hơn, bắn pháo mà không có bản đồ dùng cho pháo binh thì khác nào thằng mù tuị bây ơi!

Hai đứa dắt tôi đến chỗ DKB nằm. Tôi thấy mấy cái thùng gỗ, mỗi cái dài một mét, ngang bốn tấc. Bên ngoài thùng đạn của Trung Cộng, Liên Xô đều có in chữ đen rất đậm tuy tôi không đọc được, nhưng bụng vững tin hơn, còn các thùng này thì trơn lu không có chữ nghĩa gì hết. Thằng Lanh lấy vít và búa xeo ván ra.

Bên trong hai trái đạn trám bít lòng thùng gỗ. Chúng đen thui như thổ táo, trên thân cũng không có chữ nghĩa, số siếc gì hết ráo, chỉ có mấy chữ DBK bằng sơn trắng nhưng có vẻ người in cũng run tay (vì làm điều bất chính) nên các chữ cũng không ngay thẳng. Trên hai đầu đạn có hai ống nhôm. Tôi biết đó là để tô (ngòi nổ) nên không hỏi làm gì. Hai cái đuôi dài có khía như đuôi đạn cối đặt bên cạnh đầu đạn, trong đó có chứa thuốc phóng.

Tôi hỏi thông Lanh.

- Đây là vũ khí mới hả?

- Dạ.

- Bắn cách nào? Ai sản xuất vậy? Trung Quốc hay Liên Xô?

- Dạ của mình. Mát-anh Việt Nam đó thầy.

Tôi ngẩn người ra, nhưng không để lộ vẻ ngạc nhiên, sợ tụi trẻ mất tin tưởng ở vũ khí mới. Chính tôi đã mất tin tưởng trước chúng nó.

Thằng Lanh giải thích tiếp:

- Đây là do ông kỹ sư méo mồm sáng chế đấy thầy.

- Kỹ sư méo mồm à ai?

- Dạ, em cũng không biết, nhưng tụi pháo binh cùng đi với em rỉ tai em như vậy thì em cũng biết vậy chứ không gặp ông kỹ sư đó bao giờ. Hình như ông ta là cục phó Cục Quân Giới, làm trưởng khoa sáng chế, điều khiển một nhóm kỹ sư ở đại học Bách Khoa, trong đó có thằng thiếu úy Trần Quang, con trai trưởng của ông Trần Độ (tức Chín Vinh. Cha: Vinh, con: Quang).

Lanh tiếp thêm:

- Đám kỹ sư này hiện ở trên đất Miên, lập Binh Công Xưởng chuyên môn sản xuất cho mình xài.

Thăng Lanh lại tiếp:

- Súng này dễ bắn lắm thầy ạ!

- Súng đâu?

- Dạ, ủa... quên, ở đây chỉ có đạn thôi, em chưa lãnh súng. Nhưng em thấy súng rồi. Nó như cái máng cho lợn ăn vậy. Muốn bắn, ta chỉ cần đặt trái đạn lên máng. Chiếc máng kê trên hai chân gác tréo như gàu sòng tát nước. Phía sau đuôi có hai sợi dây điện hai cực, mỗi mối gắn vào bình điện đặt xa đuôi chừng năm đến bảy thước, khi được lệnh bắn ta kéo công tắc. Hột nổ bốc cháy thuốc tống phóng đầu đạn đi.

- Rồi sao nữa?

- Dạ, thì đạn đi vòng cầu hoặc đi thẳng.

- Rồi sao nữa?

- Dạ nếu cái hạt nổ gắn ở đằng đầu rơi cắm xuống đất hoặc có vật gì cứng cản ngang thì nó mới nổ, còn nếu đạn rơi đánh phịch xuống đất thì nó câm luôn.

Tôi bảo:

- Tao hiểu rồi. Đậy nắp "hòm" lại, đem "chôn" đi!

Thằng Lanh và thằng Lũng ngó tôi hồi lâu rồi chậm rãi thi hành lệnh. Có lẽ chúng lấy làm lạ vì những tiếng tôi dùng, không phải vô tình. Đạn dược như vậy thì bắn làm sao?

- Các cậu biết "độ tản mác" của nó là bao nhiêu không? -Tôi biết nhưng vẫn hỏi.

- Dạ từ 800m đến 1 000m ạ!

Tôi không hỏi cũng không nói gì thêm. Vũ khí mà đơn sơ như ống thụt bố trẻ con chơi thì bắn chính xác làm sao được (độ tản mác tức là cái sự không chính xác của viên đạn. Việt Cộng thường dùng danh từ né đi để che lấp sự ẩu tả của mình).

Thằng Lũng lại nói:

- Ở đây em thấy có nhiều tre trúc, vậy tiện cho việc sử dụng súng lắm.

- Nghĩa là sao?

- Dạ chiếc lòng máng bằng sắt rất nặng, muốn di chuyển phải hai người khiêng. Để đỡ tốn sức người, ở trên đơn giản hóa bốn cái chân bằng sắt nặng trên hai mươi ký.

Nghĩa 1à....

- Dạ khi cần bắn thì chặt gỗ rừng làm chân chống chiếc máng lên ạ.

- Rủi gỗ mềm bắn nó gẫy cây làm sao?

Nghe tôi hỏi, cả hai lặng thinh. Súng ống giết người mà làm như trò chơi. "Cứ bắn! Nghe tiếng nổ là được rồi. Bên Mỹ tụi phản chiến sẽ ào ào đứng lên chống đối. Một phát súng, dù bắn trật mục tiêu, rủi chết dân chúng, nhưng vẫn có tác dụng chính trị rất lớn!". Đó là lối lãnh đạo chiến tranh của Việt Cộng, do chính miệng ông tư lệnh.Ba Xu truyền đạt cho tôi.

Trong vài chương sắp tới, bạn đọc sẽ chứng kiến "tiếng gầm" của DKB. Nó như thằng câm bay lộn trên trời rồi nhào xuống đất, cũng câm luôn.

Năm 1965, đại tá Nguyễn Văn Bảo (anh ruột của Nguyễn Hộ vô Cộng Sản hồi 17 tuổi, ông này đáng lẽ vô Trung Ương khóa 1, nhưng vì là dân Nam Kỳ nên chỉ được lãnh chức hàm, mãi tới nay mới biết mình ăn bánh vẽ và lên tiếng phản đối). Bảo về Nam bằng tàu ngầm, đổ bộ lên bãi Cồn Chim cùng một số ăn trộm trâu đeo hàm trung tá, thiếu tá. Từ đó bò về khu VI rồi lên R tản đi ăn trộm khắp nơi. Bảo về tới Củ Chi thì ăn loạt B52 đầu tiên vùi xác, chưa kịp đào hầm khoét vách nhà nào. Lúc đó Nguyễn Hộ đang "lãnh đạo" công nhân ở Sài Gòn chuẩn bị nổi dậy.

Bảo đem theo chuyến tàu ăn trộm kể trên được bốn khẩu pháo Liên Xô 120 ly. Súng này bắn xa được 6km, nhưng mỗi khẩu nặng 500 ký lô. Ở ngoài Bắc phải dùng xe môlôtôva để di chuyển, về Củ Chi làm sao khuân vác. Tuy vậy chúng cũng lọ mọ cõng về tới đây để rồi vùi xác luôn với chủ, chưa bắn được phát nào. Những chuyện đó tôi biết rõ vì tôi là người sử dụng chớ ngoài ra không ai khác. Cùng "đi" với anh Cả Bảo và bốn khẩu pháo Liên Xô còn có một số "tá" trẻ chưa vợ, trong đó có thiếu tá Út Việt.

Mãi ba năm sau, không có pháo nào ở miền Bắc vô bằng ngõ Cồn Chim nữa hết. Có lẽ vì tên Thảo Lé đã văng dên nên không ai mở cửa biển cho vào. Khi tôi trở về Bến Tre năm 1965-66 gì đó, tôi có đến Cồn Chim thì thấy xác một chiếc tàu vùi chôn giữa bãi cát. Nó bị Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đánh chìm và bốc hết vũ khí.

Xem thấy mặt vũ khí mới rồi về văn phòng, tôi nằm ngay chừ như chết. Đám nhân viên văn phòng tưởng tôi ốm, chạy lăng xăng lo thuốc men và tẩm bổ. Tôi đau thật, nhưng bệnh của tôi chúng làm sao chữa được, vì là bệnh nội tâm, "bệnh DKB". Thấy vũ khí ở trên cho luồn về để chuẩn bị "ăn to", tôi mất tinh thần thật chứ không phải chơi. Thà cứ để như trước kia đánh chập chùm năm ăn năm thua với Anh Cả Đỏ và Tia Chớp Nhiệt Đới mà có khí thế hơn, chớ vác ba trái DKB này tận ven đô mà pháo vô Sài Gòn thì thiệt là trò hề, chẳng khác nào súng cà lăm của triều đình Huế hồi xưa vậy. Nhưng ở trên bảo thì cứ làm. Làm tới đâu hay đó. Bác bảo đi là đi, nhưng bác không bảo lủi cũng cứ lủi.

Bỗng thằng Ngọc, liên lạc hỏa tốc, chạy về báo cho tôi biết có "ba ông kẹ" muốn gặp tôi. Tôi ngồi bật dậy, khoác súng và sắc cốt vọt ngay. Bụng nghĩ chắc là ông Ba Xu hay ông Năm Lê xuống kiểm tra công việc chăng?

Đi dọc đường gặp Đào Hải, trường ban tham mưu của tôi. Hải nói hụt hơi:

- Có ông Tư Chi tới.

Tôi nghĩ bụng "Tư Chi là Trần Văn Trà, ông Trà xuống tận đây là chuyện không nhỏ". Rồi cả đoàn chạy bạt mạng tới nơi hẹn, băng qua đường số 7 cắt ngang nhà cô Tám Chá cũ, đi cặp Lộ 7 men theo rừng cây mua đến một lối mòn nhỏ. Cậu liên lạc dắt tôi đi vào đường mòn một quãng khá xa thì thấy mấy cái đầu lố nhố, rồi lộ ra mấy cái lưng áo cứt ngựa của quân chính quy Bắc Việt.

Thằng Ngọc bảo:

- Đó là toán bảo vệ mấy ông lớn, còn mấy ổng ở trong sâu.

- Ông lớn nào? -Tôi gắt.

- Tôi nghe nói Năm Sài Gòn, Tư Chi và ông gì nữa.

Năm Sài Gòn là Năm Truyện, sư trưởng công trường 9, Sáu Khâm sư trưởng công trường 5. họ tới đây là có chuyện to rồi!

Đến chỗ đám người lúm khúm, chúng tôi ngồi bệt xuống đất để nghỉ lấy lại sức, và thở cho khỏi đứt hơi.

Thằng Ngọc dẫm nhằm một cặp chân từ trong bụi ló ra. Nó kêu oai oái:

- Chân thây ma nào đây?

- Đây là căn cứ của tao, thây ma nào? -Đào Hải bảo- Đây là thằng Mười Long ở văn phòng ông Năm Lê mới cưới vợ không có chỗ giao duyên nên tới đây mượn hầm của tao làm đỡ đỡ. Kệ nó, để cho hai vợ chồng nó yên thân. Mai thằng Long phải luồn vô ven đô bỏ vợ lại đây. Mẹ, cưới chưa kịp... gì hết đã đi công tác. Các chả chơi ác quá.

Vợ Long là cô Nguyệt nấu bếp của Năm Lê. Thay vì gởi cô ta sang Bưng Còng cho Tám Lê (quân y sĩ) nạo, thì ông lại gán cho Mười Long. Thằng Long nào biết gì, tưởng là ân huệ của cấp trên nên đớp ngay cô bé, dắt đi trăng mật. Năm Lê phong cho chức B phó, vào ven đô đợt một, nằm lại luôn, không về với vợ nữa.

Nghỉ khỏe một chút, cả bọn chúng tôi do Đào Hải kéo ngọn, chạy việt dã bạt mạng. Đến lúc lỗ tai hơi lùng bùng, Hải dừng lại trỏ tay, bảo tôi:

- Các chả ở trong đó, anh Hai vô đi, tụi em ở ngoài này canh gác chờ anh.

Tôi vừa đi trên lối mòn vừa dớn dác ngó. Bỗng một giọng nói vang ra:

- Thằng Lôi đấy à? Vô đây!

Giọng ai không phải của Tư Chi (Chi là Lê Đình Chi, luật sư, đi kháng chiến bị phi cơ Pháp bắn chả ở Tháp Mười. Trà định nơm bà vợ lão ta. Bà vợ muôn thủ tiết với chồng nên đưa con gái là Thoa ra đỡ gạt. Thoa lúc đó đang mùi với gã Thiên Lôi... Bây giờ ông ta lấy tên Tư Chi để làm kỷ niệm với bố vợ chăng?)

- Mày số dách đó nghe Lôi! Nhớ "moa" là D trưởng 303 Hoàng Thọ không?

Nghe đến đó tôi biết là Năm Sài Gòn. Hồi đó Hoàng Thọ bị Lê Duẩn mạo thư Nguyễn Bình gạt xuống miền Tây, bất giết ở Cạnh Đền, Năm Truyện lên thay. Tôi chỉ là mật mã viên trong văn phòng Lê Đức Anh.

Tôi đáp:

- Giỡn hoài anh Năm, em có gì mà anh gọi là số dách?

- Mày vừa là thầy pháo, vừa là D trưởng, vừa là quận trưởng. Hỏi ai được như mày! Tao kể ra còn thua mày đó. Mày có đổi chức tao, tao đổi liền!

- Chọc quê em út hoài anh Năm!

Tôi ngó chung quanh không thấy ai là Trần Văn Chè cả. Thì bỗng một người lên tiếng:

- Tao cũng là Tư Chi, nhưng Chi này phải lấn rách áo mới xúc được chén cơm chớ không phải Tư Chi kia, ăn cơm xong có người rửa chén.

Năm Truyện tiếp:

- Đó là tham mưu trưởng của tao. Ông kia, mày lạ à?

Tôi nhìn lại. Thì ra Tư Nhựt.

Hai đứa nhào lại ôm nhau. Tư Nhựt hôn tôi như mưa, vừa hôn vừa kêu:

- Nhớ thầy quá thầy Hai ơi! Về tới đây mà không gặp thầy buồn còn hơn không gặp vợ. Thầy mạnh giỏi chớ?

- Mạnh. Còn ông?

- Sốt rét li bì.

Năm Truyện nói:

- Tư Nhựt được danh hiệu anh hùng miền Nam và thăng cấp E phó, quyền E trưởng.

Tư Nhựt lắc đầu:

- Đó là nhờ thầy Hai. Không có thầy tôi không làm nên giống gì hết. Kỷ niệm nhiều quá hả thầy Hai?

Bỗng có tiếng súng đoàng đoàng. Thằng Ngọc chạy ào vào kêu:

- Xe tăng càn, xe tăng càn, anh Hai.

Tôi bình tĩnh bảo:

- Em coi rõ hướng địch rồi vô báo cáo.

Chập sau nó vô. Tôi bảo:

- Mình chuyển sang căn cứ dự bị. Em ghé quán gùi một két bia và khô mực. Mà này, có đứa nào bảo nó đi theo, mua gà rồi đem vô sau.

Thằng Ngọc dạ một tiếng rồi chạy vù. Tôi còn dặn:

- Nhớ lấy nước đá!

- Mày vậy là cha Tây rồi! -Năm Truyện vỗ vai tôi.

Tôi dắt cả phái đoàn về căn cứ dự bị. Cũng phải chạy chớ không dạo mát được. Tới nơi cũng đã xế chiều. Càn vô rừng tìm chỗ bẽ nhánh cây mà ngồi, nằm chớ đâu có giường ghế gì, có hầm là quý rồi. Tôi bảo Đào Hải cảnh giới bảo vệ bốn bề. Đào Hải là người Bắc, rất quý tôi. Tôi cũng rất thương hắn. Tôi định kiếm vợ cho hắn. vừa kiếm xong, chưa kịp cưới thì hắn chết thui dưới hầm (sẽ kể tới).

Năm Sài Gòn và Tư Chi oải gân (lớn tuổi hơn Tư Nhựt) nên ngả xuống lá cây ngủ liền, giao phó thân xác cho thằng Thiên Lôi. Còn tôi và Tư Nhựt tri âm, xa nhau hơn một năm, nay gặp lại, Nhựt hỏi ngay:

- Sao chưa vô đề cho rồi, ông nội?

Tôi lặng thinh. Trong lòng ngổn ngang trăm mối trăm bề. Biết vô đề nào bây giờ?

Tư Nhựt tiếp:

- Con nhỏ lên trên R được hoan nghênh nhiệt liệt và được danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ toàn miền Nam. Cô bé bị sốt rét nặng, nhờ bà Định đem về nhà riêng nuôi một thời gian mới mạnh. Cô bé đâu rồi?

- Đang đi với bà Năm Đang chuẩn bị cơ sở xuống đường.

- Còn lấn cấn vấn đề gì?

- Cô ta là địa chủ, ông không biết à?

- Địa thì địa chớ, dũng sĩ hai lần không bù lại được sao?

- Bà Năm Đang đã kết nạp cô ta vô đảng, bị Hai Mõ phản đối. Ổng cho là sớm và sai nguyên tắc đảng. Tôi đề nghị cô ta làm quận đội phó, ổng cũng gạt. Trong lúc đó lại phong cho Tư Bé... Thôi bỏ đi, nói chuyện khác vui hơn.

Tôi hỏi Tư Nhựt:

- Ở gần mặt trời có đánh hơi được gì sắp tới không?

- Thì chắc dưới này thầy cũng hay rồi.

- Mù tịt, hay cái gì?

- Đánh toàn miền Nam. Nếu thuận tiện, lật luôn Sài Gòn. Nếu bất lợi cũng sẽ gây được thanh thế với dân Sài Gòn. Vì lẽ đó, ông Năm xuống đây.

- Còn ông Tư (Nhựt)?

- Tớ sẽ đi mũi nhọn vô ven đô trước nhất.

Tôi nhìn nét mặt Tư Nhựt không vui. Hắn là người hồn nhiên, chân thật, không bao giờ giấu dốt với tôi. Đặc biệt gan dạ, lính rất kính nể.

Tư Nhựt nói:

- Anh Năm muốn ghé đây bắt thầy đi theo làm sĩ quan tham mưu cho ổng trong trận tới này. Theo tôi thầy phải là tham mưu trưởng E mới đúng. Thầy nghĩ thế nào?Nếu thầy đồng ý, tôi đề nghị anh Năm xin với anh Ba cho thầy đi theo cho vui. Một mình tôi, thiếu thầy, tôi thấy lạnh lạnh thế nào!

Tôi lặng thinh:

- Ở trên đã coi chưn coi cẳng cả rồi. Đặt đâu thì mình ngồi đó chớ đâu dám cãi. Hễ lãnh nhiệm vụ thì làm hết khả năng thôi. Cứ ở đây cà lơ với Anh Cả Đỏ hay Tia Chớp Nhiệt Đới cũng được rồi.

Năm Truyện đang ngáy pho pho bên cạnh, bỗng lên tiếng:

- Giỡn hoài mày nhỏ. Thằng Tia Chớp Nhiệt Đới là thằng chuyên môn đánh du kích ở Phi Luật Tân, Thái Lan, Nhựt Bổn cho nên Westmoreland mới trấn nó vô Củ Chi đó đừng có giỡn! Qua mấy trận Gò Nổi, Cây Trắc, Bàu Trâu chưa ớn nó sao? Để tao nhắn Tám Hà tới sau sẽ bắt mày theo.

Năm Truyện tỉnh ngủ luôn, ngồi đậy nói chuyện râm ran. Tôi hỏi bật mí:

- Anh đi sâu xuống "đó" à?

- Chớ không đi thì làm sao về Sài Gòn thăm nhà được mày? Quê mày ở Nhà Bè phải không? Thằng Năm No nói với tao như vậy. Nó đang tu dưỡng tại trường Trung Sơ.

Tôi biết "tu dưỡng" nghĩa là gì nên không hỏi. Năm Truyện nhìn cái ba lô tôi. Tôi biết ý:

- Anh đi xuống dưới đó, mà mang cái bao tử trâu của anh coi bộ bất tiện quá!

- Mày kiếm đâu được cái ba lô Mỹ bảnh vậy?

- Thì oánh Mỹ lấy của Mỹ chớ đâu anh Năm? Để tôi đổi cho anh.

Nói xong tôi trút đồ ở trong ba lô của tôi ra. Năm Truyện cũng làm như vậy đối với cái ba lô của anh. Tôi thấy ngoài mấy cái áo cũ mèm và chiếc võng ny lông không còn món gì có giá trị hết. Trà thuốc cũng không có. Chỉ có một cái hộp nhôm méo mó. Tôi nhặt lấy định vứt đi. Anh chận tay lại:

- Của quý trong đó, đừng dục của tao.

Tôi mở ra, đó là quân hàm trung tá hai sao. Vô đợt, anh chết ngay ở ven đô vào ngày đầu trận. Lính Sài Gòn bắt được ba lô, tướng là trung tướng Trà hoặc Hoàng Văn Thái.

Anh buồn rầu nói:

- Hai chục năm có bấy nhiêu đó mày ơi! Mai mốt còn sống đem về cho má bầy trẻ coi chơi chớ ăn uống gì được.

- Phải thêm hai sao nữa cho anh thì mới đúng chớ.

- Sao ở đâu mà thêm? Trọc đầu còn chưa được. Rụng bớt thì có!

Tôi chợt nhớ đầu mùa kháng chiến ở miền Đông, tôi bỏ nhà ra đi vào trại Đồng Tử Quân, rồi vào Rừng Sát, xong xuống Tháp Mười và dạt xuống miền Tây học Lục Quân, tập kết đi khắp miền Bắc, trở về đây trụ lại bốn năm! Già lúc nào không hay! Đọc trong mắt Năm Sài Gòn, tôi thấy nỗi buồn man mác. Tuổi này phải ở nhà bế cháu nội cháu ngoại, trồng rau nuôi gà, hưởng thú thanh nhàn, chớ có đâu mà ăn bờ ở bụi khổ sở như vầy. Tôi muốn đánh tan đi nỗi buồn đang tụ hội trong lòng người lính già đang bật lên trong đáy mắt:

- Đồng Xoài, Bình Giả có gì vui, kể cho em út rút kinh nghiệm với, anh Cả!

- Vui mẹ gì! B52 cào đứt mẹ nó nửa trung đoàn chủ lực của tao, côn hai trung đoàn què quặt cả ba tháng chưa lợi nghĩnh. Một thằng trung tá của tao bị đứt thần kinh tới nay còn điên điên khùng khùng chưa bình thường trở lại.

Năm Truyện móc thuốc vấn hút và lại tiếp:

- Lứa tao còn Hai Búa, Ba Ngọt, Ba Thành, Tô Ký. Còn cán bộ của tao thì rụi tèng heng hết ráo rồi.

- Còn anh Năm Lễ nữa chớ anh!

- Anh chàng đó "chơi bời" kỹ lắm nên chưa trầy da.

- Kỹ gì kỹ anh Năm ơi! Con người có số. Tới số rồi thì "cò ỉa miệng chai" tránh đâu cũng không khỏi. Anh Tám Châu quận đội trường quận này, chuyên môn ở hang, mà rồi vừa ló ra, bị một trái pháo mồ côi. Còn tôi đi lạch xạch chỗ nào cũng lội cũng càn, đường nào cũng đi, không biết ngán, liên lạc trinh sát đi bên cạnh tôi ngã tất cả tám đứa, mà tôi chỉ bị thương lễu sơ sơ hai lần. Anh thấy có phải là cái số không. Lần đó tôi với xã đội trưởng Ba Bụng ở Ràng, chui hầm đụng ổ kiến bù nhọt thối trở ra chui hầm khác, một chút đi ngang thấy cả ổ kiến lửa bị pháo tan tành. Không phải số thì là gì? Còn ông Bảo, ông Sáu Di đi đâu có hộ vệ như vua mà chỉ một phát B52 rơi ngay chóc. Ai đội thay được?

Thằng Ngọc về tới, mang theo một bòng đủ thứ thập vật. Lấy đất làm thảm, lấy lá cây, nhánh cây làm chén đũa. Khai vị bằng bia và khô mực. Tôi muốn đánh tan nỗi buồn của Năm Sài Gòn, nhưng không biết khơi chuyện gì. Nói xà quần một lát lại rơi vào vụ mấy chục cô dâu của công trường 9 nay chích bóng lẻ bạn vào tuổi hai mươi.

Năm Truyện càng buồn. hơn. Anh nói:

- Biết làm sao bây giờ. Chúng nó muốn nhau thì cưới hỏi. Có thằng cưới xong ra đánh trận đầu đã nhảy lên bàn thờ ngồi.

- Có thằng vợ chửa thì bỏ đi. Có thằng con khóc oe oe không biết mặt cha. Vì vậy tôi không dám tiến tới anh Năm à! Lỡ để khổ cho người ta. Mắt tôi thấy đã nhiều nên sợ quá.

Tư Nhựt càng động lòng trắc ẩn. Chị Tư có bầu gần ngày sanh nở. Đi R thì còn ngày về chớ xuống Sài Gòn, sợ e khó gặp mặt vợ con. Tôi nghĩ thầm trong bụng. Trung đoàn mũi nhọn tức là thọc sâu đánh mạnh. Bom đạn của Mỹ Ngụy như hốt nắm lúa vảy vô bụi tre, có thể nào sót được. Ở Củ Chi mà còn khó sống, xuống Sài Gòn sống sót làm sao?

Tôi cũng buồn cho Tư Nhựt. Tuy là được mang danh hiệu anh hùng và đề bạt lên cao, nhưng tất cả những cái đó đâu có thay được tiếng khóc tiếng cười của cháu Thơ. Phải chi Tư Nhựt có được một đứa con trai cũng còn đỡ khổ chút ít.

Tôi tuy chưa vợ con, nhưng cũng mơ ước cuộc sống gia đình bình thường. Mỗi khi về nhà gặp con bé Tiền, bé Rớt, bé Liên, bé Hoàn tôi đều thấy hạnh phúc dù không phải là vợ con mình. Do đó tôi cũng đoán được nỗi sầu của Tư Nhựt, nhưng không tiện nói ra. Tư Nhựt nốc bia liên tục trong cái đít bình toong Mỹ, lầm lỳ không nói.

Năm Truyện bảo:

- Bữa tiệc này thiệt là đặc biệt.

- Tôi mừng các anh đi, mang chiến thắng trở về.

- Chuẩn bị mà hốt dưa hấu, dưa leo chớ chiến thắng thì hơi khó! -Tư Nhựt ăn nói tự nhiên- Nhưng không sao, dù có thế nào thì mình cũng được chết nơi quê nhà, vẫn hơn là nằm nơi chốn mưa phùn gió bấc.

- Anh nói gì vậy anh Tự -Tôi gạt nhẹ.

Năm Truyện và Tư Nhựt ngồi lặng lẽ. Tư Nhựt rót rượu thêm ra dĩa nhôm châm ngọn lửa. Ngọn lửa xanh lè nóng nảy dưới những thân khô mực queo quắt trên tay của Tư Nhựt. Mấy cái râu cong quắn vô như những chiếc nhẫn to.

Đột nhiên Tư Nhựt xé đôi con khô đưa cho tôi, tay kia nâng ca bia lên trước mặt tôi và nói giọng run run:

- Thầy Hai uống miếng cho ngọt rồi tôi sẽ nói chuyện này với thầy.

Năm Truyện cười:

- Nhựt! Chú làm cái gì như tráng sĩ Kinh Kha sắp sang Tần vậy?

- Không phải đâu anh Cả à! Tôi với Hai Lôi là bạn tâm giao. Tuy mới biết nhau, nhưng tôi thương thẩy còn hơn ruột thịt và phục thẩy là người thầy. Tôi nói không khách sáo tự đáy lòng của tôi. Tôi là tên lơ xe đò, học hàng chẳng có chi, quân sự chính trị càng dốt. Nếu không có thầy Hai tận tình thì tôi làm sao chỉ huy nổi một tiểu đoàn gần một ngàn con người ta với đủ loại vũ khí, binh chủng để đánh một đạo quân Mỹ trên đất Củ Chi này. Tôi chưa từng thấy ai cao thượng như thầy Hai. Cái danh dự anh hùng này chính là của thầy, nhưng thầy nhường cho tôi đấy chứ. Nay tôi xin tặng lại thầy!

Tư Nhựt móc trong túi ra một chiếc huy hiệu. Nhưng tôi chặn tay Nhựt lại:

- Anh đừng làm vậy anh Tư. Anh xứng đáng đeo huy hiệu đó.

Bằng một giọng cực kỳ xúc động, Tư Nhựt nói tiếp:

- Trước khi tôi đi vào chiến trường, tôi xin gởi vợ con tôi lại cho thầy. Tôi biết thầy là người tốt. Nếu tôi có mệnh hệ nào xin thầy dìu dắt giúp đỡ mẹ con nó. Tôi rất tiếc thầy không về sớm sớm để tôi gả dì Ba nó cho thầy, bây giờ tôi đỡ lo. Nhưng chuyện đời ai mà biết trước được. Cũng như nơi chiến trận, ai biết mình sẽ sống để trở về. Một sợi dây lưng quần đã chuyển bại thành thắng. Tư Nhựt, Hai Lôi kẻ chân trời người góc bể ngờ đâu lại là tri âm?

- Đừng nói thêm gì nữa Tư Nhựt. Chúng ta đã hiểu nhau - Tôi nói không suông lời và nghe khoé mắt nóng ran.

Tư Nhựt quệt nước mắt:

- Tôi đã nhắn vợ tôi ra Bến Chùa để tôi gặp lại con tôi. Tôi sẽ xin phép ở lại đây đêm nay.

- Được rồi Tư Nhựt, cậu không phải lo! - Năm Truyện nói - Nhưng cố gắng đừng cho thê nhi biết sự mềm yếu của lòng mình. Anh hùng cỡ Từ Hải mà còn ngã vì một lời than của Thúy Kiều, thì chúng mình cũng có khi mềm lòng, mình có phải là sắt đá đâu.

Tư Nhựt lại tiếp:

- Anh đừng có uống rượu nhiều như trước đây nữa, Hai Lôi à! Lúc nãy chạy qua đồng tôi thấy sức khoẻ anh đã sút nhiều. Đánh với Mỹ chân phải nhanh, tay phải khoẻ, đầu phải cứng.

- Anh cứ yên tâm mà đi làm nhiệm vụ. Tôi xin hứa trước anh Cả của chúng ta tôi sẽ làm theo lời anh dặn.

Trời chiều, lại chuyển mưa. Tiếng gầm như súng nổ, mây đen hốt hoảng chạy tán loạn trên đầu. Tôi bắt tay Tư Nhựt, Năm Sàigòn, Tư Chi. Tư Nhựt ôm tôi hôn rất lâu. Rồi chia tay.

Kể từ chiều hôm đó tôi không còn gặp Tư Nhựt nữa. Cả ba danh tướng chiều nay tôi đãi tiệc ở đây đã đi vào tử địa của Hà Nội dành cho họ.

Năm Sàigòn chết ngay ở trận đầu ngày đầu đợt đầu. Còn trung đoàn mũi nhọn của Tư Nhựt rụi tèng heng hết cả ban chỉ huy, trong đó có Tám Lệ, quyền E phó, bạn của tôi, một thanh niên tuấn tú khôi ngô như tài tử xi-nê của vùng Bình Dương. Chết vừa cưới vợ chưa kịp có con nối dòng.

Ác không, Hồ tặc!

Những người vợ trẻ con côi của họ nay ở đâu, có được bình yên không? Cháu Thơ của Tư Nhựt nay đã trên ba mươi tuổi, có biết chăng lòng chú Lôi khi viết những dòng này. Nó tơi bời đau đớn vô cùng khi nhớ tới ba cháu. Chị Tư ơi! Khi nghe tin anh Tư chết, chị phát điên, chị ẵm cháu bé đi lang thang khắp cùng Trung An, gặp ai cũng hỏi có thấy anh Tư ở đâu không? Nào ai biết được mà trả lời. Chỉ có một kẻ trả lời được cho chị, nhưng hắn đã á khẩu khi nghe thảm bại Mậu Thân. Rồi hắn cũng chết. Đó là cái hình phạt Trời dành cho hắn vì cái tội hắn dùng bom đạn giết dân miền Nam vô cùng thảm khốc.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx