sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 85: Âm Mưu Thiêu Sống Toàn Bộ Cán Bộ Người Nam Để Đưa Bê Ka Vào Nắm Quyền. Hại Thay Nằm Dưới Mồ Dân Nam Kỳ Mới Rõ Ra Thì Đã Muộn

Tôi đến gặp Năm Tiều. Bây giờ anh là tham mưu phó Quân Khu dưới quyền Năm Lê. Năm Lê vừa lên chức tư lệnh phó. Phó là cái ghế của dân Nam, bất cứ ở ngành nào. Riêng Ba Xu thì được chức tư lệnh, nhưng cái chết của anh lại không rõ ràng. Cho đến nay tôi vẫn chưa hiểu nổi. Nói chuyện này nhớ chuyện kia, đôi khi lạc đề phải dùng phản lực quay lại.

Năm Tiều nói nhỏ với tôi:

- Ở trên giao cho mày nhổ hết tất cả đồn trên quốc lộ I và đường số 8. Kể cả đồn Trung Hòa và Thái Mỹ.

Tôi ngơ ngác:

- Giỡn hoài anh Năm!

- Lệnh đó nghe mày nhỏ, không thi hành thì đứt đầu chớ giỡn!

Tôi nghe mồ hôi ướt lưng. Hai tháng qua về làm quận đội cặp giò tôi suýt bong gân mà chưa xong công việc nào khả quan. Tiểu đoàn Quyết Thắng, sau khi Tư Nhựt đi R và tôi trở lại H6, rồi từ H6 sang quận đội Củ Chi, thì xệ luôn, bóc không lên phải dẹp danh hiệu Quyết Thắng. Bây giờ trước tình hình nhiệm vụ mới (lúc nào cũng mới), ở trên bắt tôi phải tẩm quất cho nó xừng trở lại. Quân số tiểu đoàn chỉ còn hơn một đại đội, súng ống xộc xệch, gặp Mỹ thì lủi trốn để "bảo toàn lực lượng". Tôi phải gom du kích các xã lại lấp lỗ hổng. Ông Mười Thứ đã làm nhưng như bắt cóc bỏ đĩa nên ổng gọi dân Nam Kỳ là vô kỷ luật, và trên cho ông đi chơi chỗ khác.

Bây giờ Quyết Thắng trở thành D7 Củ Chi, gồm hơn phân nửa là du kích, dũng sĩ, lính vịt xiêm, hầm bà lằng. "Binh quý hồ tinh, bắt quý hồ da", nhưng với tôi, "hồ" gì cũng tốt trừ Hồ chủ tịt. Xã đội trưởng làm đại đội trưởng, chính trị viên xã đội làm chính trị viên đại đội. Hai anh du kích của An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng là Năm Đầu Ban và Sáu Mã Tử biết chỉ huy cái giống gì mà tôi cũng đưa lên làm đại đội phó, phát "colt" cho đeo đàng hoàng.

Công kiêng chiến là một chiến thuật quan trọng của bộ binh, cần có sự yểm trợ của công binh và pháo binh, còn du kích bắn "cắc bùm" chơi, mệt nghỉ khỏe bắn, biết gì mà bắt hạ đồn?

Thái Mỹ là một đồn của nghĩa quân Sài Gòn có từ đời Pháp tới nay chưa bao giờ bị tấn công. Với một tiểu đoàn như D7 của tôi, lính tráng năm cha ba mẹ mà làm sao hạ? Và hàng chục đồn khác trên quốc lộ phải được quét sạch để dọn đường cho đại quân tấn công Sài Gòn, một ông tư lệnh khùng cũng không hạ một quân lệnh như thế.

Thấy tôi ngồi thừ ra, Năm Tiều vỗ về:

- Chuyện đó để tính sau, bây giờ lo vụ Tết nhất cái đã.

- Ủa, Tết rồi sao anh Năm?

- Cái thằng! Mày mớ ngủ hả? Bữa nay là đưa ông Táo về trời, mày không hay à?

Tôi thở dài:

- Trời, lại thêm một tuổi!

- Mày tuổi con gì?

- Con chó!

- Tao con... -Năm Tiều cười méo xệch cái miệng- phải được con trâu, con heo còn khỏe. Đằng này là con... cặc!

Tôi đang rầu mà cũng bật cười:

- Tết năm nay là Tết con gì, anh?

- Con khỉ! Khỉ già dòm giếng! Khỉ già ăn bần, khỉ già ăn ớt, khỉ già bạc đầu.

- Hôm qua tôi gặp anh Năm Sài Gòn, Tư Nhựt và Tư Chi luồn xuống dưới.

- Dưới nào?

- Dưới Sài Gòn chớ dưới nào anh! Coi bộ Tư Nhựt phấn khởi lấm.

- Sao vậy?

- Ảnh mới được huy chương anh hùng giải phóng và lên chức E phó.

- Đầu cặc! Nó mà mừng mày cạo đầu tao bằng búa!

- Không mừng thì rầu à?

- Trời kêu ai nấy dạ mày, Lôi ơi.’ Chỗ anh em tao nói cho mày biết tại sao họ "chê" mày, mày biết không?

- Tại sao?

- Không phải chê mà cũng như chê. Cái này không phải tao nói mà Năm Lê nói với tao. Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Năm Sài Gòn có xin mày cho đợt một cho công trường 9 chủ công, nhưng ông Ba Xu bảo mày là "con heo nái".

Tôi giật mình. Năm Tiều cười khà khà:

- Heo nái chớ không phải heo... gì đâu! Là vì mày đào tạo cán bộ nọ kia. Như heo nái đẻ heo con, hiểu chưa. Đem tế thần mày còn ai dạy học trò pháo, cối v.v... Mà thời gian tới chiến tranh kéo dài, binh chủng pháo rất cần, rõ chưa?

- Chưa rõ!

- Cái thằng tối dạ quá mậy! Còn một lý do nữa, trận mở màn này chỉ là một cú đấm thăm dò xem lực lượng địch phản ứng ra sao. Nếu nó yếu thì mình bứt dây oánh tuốt, nhược bằng nó mạnh thì mình "a lê dông": Tiền tuyến có thể nhẹ bom đỡ hơn trung tuyến là cái cửa ngõ Củ Chi này. Mấy con trâu già để sống dai nuôi mệt, nên người ta lùa vô lò mổ cho sớm. -Năm Tiều ngó dáo dác- ê, đừng có học lại ai nghe, tao chối đó. Riêng con trâu già Năm Tiều thì lội hết nổi rồi nên còn ở lại chuồng chớ không phải người ta thương xót gì. Mày thấy Năm Sài Gòn không? Tóc bạc rồi. Xí quách còn bao nhiêu mà chạy đua với trực thăng nổi.

- Tư Nhựt đâu phải trâu già, anh Năm.

- Trâu cổ cũng cho vô lò mổ luôn với lý do khác. Tao nói mày cứ ngẫm ra thì rõ. Bây giờ trên R, trên khu rau muống mọc đầy. Con chuột cống và mụ đàn bà đái không cao hơn ngọn cỏ là phó tư lệnh R, nghe oai ghê, nhưng họ cho nằm ở ghế số 6 và số 7. Thôi, mày thông minh nói vậy mày hiểu rồi. Lo nhang đèn cúng đưa ông Táo đi.

Tư Thêm, má con Tiền, đã về hồi nào. Nàng núp trong buồng nghe hết câu chuyện bèn bước ra:

- Sao có chuyện kỳ vậy chú Năm?

- Chuyện gì, con nhỏ biết gì mà xía vô.

- Lâu nay cháu tưởng Nam Bắc một nhà chớ?

- Một mà hai, hai mà một.

Tư Thêm có chồng công trường 9 hy sinh ở Bình Long, nàng là người có văn hóa cao nhất so với các "nàng thân mến" của Thiên Lôi. Cán bộ nói chuyện có khi bị nàng chọc vô bản họng trợn trắng. Thấy nàng muốn cãi lý với ông Đốc Chiến, tôi bảo:

- Đó là suy luận thôi em à!

- Nếu suy luận đó đúng thì sao?

- Không đúng đâu, em đừng lo. Bác Hồ nói "Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi". Thôi đừng cãi! Vô lo đưa ông Táo về trời.

Tết buồn hiu. Hơn hai mươi năm xa nhà. Năm nay vẫn xa nhà. Nhà ló nóc, thấy đó mà không về được.

Bỗng thằng Ngọc hớt hãi chạy vào:

- Anh Hai ơi, có hai ông già nào tới. Cả hai đều hỏi anh.

- Ai vậy cà? -Tôi vừa nói vừa bước ra sân.

Thì ra ông Mười Niên và Tám Dọn. Mười Niên là khu ủy viên, còn Tám Dọn (bí danh Tám Đánh Xe Ngựa ở Hóc Môn hoặc Tám Lê Thanh) là phó tư lệnh Quân Khu. Tôi mời hai ông đi vào. Cả hai biết Năm Tiều đã lâu nên tôi không phải giới thiệu. Nói chuyện qua loa một chốc rồi họ kéo đi đâu không biết. Tôi đoán là đi tìm hai mụ Năm Đang và Hai Xót chuẩn bị phóng tay phát động quần chúng xuống đường yểm trợ quân đội.

Năm Tiều cười mỉa:

- Đó cũng là hai con trâu già Nam kỳ được đưa đi thịt, nhưng hai tên này có biết mẹ gì về quân sự. Chỉ nói mép thôi.

Tư Thêm dọn bánh tét, nước trà ra đãi tôi và Năm Tiều. Nàng lại thắc mắc:

- Theo như chú Năm nói lúc nãy thì... Mấy chú bác người Nam bị lót đường cho người Bắc hay sao?

Tôi bảo:

- Anh đã nói đó chỉ là suy luận thôi mà!

Nàng không chất vấn Năm Tiều nữa, nhưng tỏ ra không thông.

Đây là thắc mắc của một người đàn bà nông dân, có lẽ nào những ông già kháng chiến hai mùa không biết thắc mắc.

Bỗng một đám linh lạ ăn mặc ny lông đen, ba lô đen, chân đi dép cao su đúc trắng (loại của lính Miên xài), nai nịt AK hẳn hoi, bao đạn còn đỏ chói, lố nhố trước sân. Một chú lùn lùn, đầu trọc bước vô hỏi:

- Dạ, ở đây có phải văn phòng của anh Hai Lôi không?

Tôi nhận ra ngay thằng Hòn, cần vụ của anh Tám Hà. Tôi hỏi ngay:

- Anh Tám ở đâu mà mày đi đây, Hòn?

- Dạ. Bác đứng ngoài bờ tre.

Tôi chạy ra lôi tay anh Tám vô và bảo đám lính canh chừng máy bay. Tôi biết phái đoàn này đi đâu và sẽ dừng chân ở trạm nào sắp tới, nên nói ngay với anh Tám:

- Bây giờ không đi ra Bàu Dưng được đâu anh Tám. Vô đây nghỉ chút đã.

Tám Hà luôn luôn tỏ ra thân ái với tôi. Đặc biệt anh có lối nói chua chát, móc ngoéo cấp trên. Đáng lẽ anh phải là phó chánh ủy Quân Khu mà lại chỉ là phó phòng chính trị, dưới Tám Quang vốn là cấp dưới của anh trước kia.

Anh vô nhà giở nón tai bèo quạt lia và nói:

- Gần Tết rồi mà khí trời nực quá. Đôi dép thằng Miên bó mấy đầu ngón chân chặt cứng, băng qua vùng Cỏ Ống mệt muốn đứt hơi. Cho tôi cởi dép để mấy ngón chân thở một chút!

Năm Tiều rót nước mời. Anh nói:

- Trời đã bức lại uống nước nóng chịu sao thấu.

Tám Hà tuột luôn áo ngoài và nói:

- Xin lỗi nghe... Mẹ, ở trên đó cả bầy cán bộ mà toàn là thứ ho lao ho tổn nên người ta mới đùn tôi xuống dưới... Phải còn thằng Năm Dốn Bà dom đem (tức là Năm Dũng, chánh ủy Q16 Bắc Việt) thì nó sẽ đi thay tôi. Rủi nó bị "cá rô rỉa" ở Bàu Nổi rồi nên tôi phải đi. Tư Trường bí thư khu ấy mà không chịu đi hưởng vinh quang lại chỉ định tôi.

Nghe nói tôi đoán có cái gì không ổn trong lòng anh, và thấy thắc mắc của Tư Thêm rất bén nhạy. Tám Hà cũng là dân Nam. Anh hỏi tôi:

- Tụi Năm Sài Gòn, Tư Nhựt đã tới đâu rồi?

- Dạ, chắc họ xuống khỏi Rạch Tra.

- Rạch Tra chỗ cậu đánh đồn Thầy Mười đó hả? Có ai bắc cầu cho lính qua sông chưa?

- Dạ... không biết.

Tám Hà cười cái miệng móm mém và vỗ ngực:

- Tôi bây giờ không còn là phó phòng nữa nghe chú em. Chánh ủy tiền phương mặt trận A, đợt một đây! Oai ghê chưa! Chánh... quỷ!

Từ ngày biết anh, tôi chưa bao giờ nghe anh đùa kiểu đó Anh rất khiêm tốn và không bao giờ cho ai biết chức vụ của mình. Không hiểu tại sao hôm nay anh có lối pha trò kỳ lạ vậy. Nhưng anh thuộc loại cây cao bóng cả nên tôi không dám nói gì.

Tôi đáp:

- Tôi đã cho sửa cầu Rạch Kè và sẵn ca nô đón bộ đội tại ngã ba sông Thị Tính. Đơn vị sẽ đi từ Thanh An theo đường 14 xuống cầu Ống Cộ.

Nghỉ ngơi giây lát rồi anh Tám ra đi. Tôi đứng nhìn theo ruột gan quặn thắt. Ổng làm sao chạy nổi? Đánh với Mỹ là tất yếu phải chấp nhận chạy đua với trực thăng.

Chiều hôm đó, một tiểu đoàn cán bộ lại tiếp tục xuống luôn. Họ xuống lo căn cứ để ém quân vùng ven đô. Theo cấp trên hứa hẹn thì bộ đội sẽ ăn Tết ở Sài Gòn. Họ đi rồi, tôi cảm thấy lòng trống hoang. Mặc dầu Năm Tiều đã khai thông về việc tại sao ở trên không dùng tới tôi, nhưng tôi vẫn không tin hoàn toàn. Hay là mình có thằng em đại úy Thủy Quân Lục Chiến? Cũng được. Vậy càng khỏe thân!

Tôi ngồi hút gần nửa gói thuốc mà không muốn đi ngủ. Đến lúc thắng Tiền lôi tay tôi bắt lên võng mắc sẵn tôi mới biết là khuya lơ.

Tôi chợp mắt mà không sao ngủ được. Đêm Củ Chi vắng lặng, ghê rợn lạ thường. Nếu có pháo nổ, hỏa châu, trực thăng soi, máy bay mâu hốc chụp hình thì đó cũng là chuyện bình thường, coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đêm nay im vắng lạ thường, cái ỉm vắng ngột ngạt nặng nề, cái im vắng của vùng không khí nén trước giờ bùng nổ. Người tôi cảm thấy bứt rứt khó chịu như sắp bệnh.

Trước mắt tôi chập chờn bao nhiêu hình ảnh ghê rợn. Một bộ mặt máu me đỏ lòm, một cánh tay lung lơ ngoắc vẫy. Bỗng tôi thấy Bảy Nô hiện lên, mình mẩy ướt mem:

- Hề hề! Khoẻ hả mày nhỏ?

- Anh Bảy, anh đi đâu về vậy?

- Tao ở sông Lòng Tào mới tới đây. Mày cho vợ tao hay giùm.

- Hay cái gì anh Bảy?

- Biểu nó cúng cơm cho tao. Bảo vợ Sáu Phấn nữa!

- Trời ơi! - Tôi kêu ré lên và vùng ngồi dậy.

Mấy đứa trong văn phòng hỏi:

- Anh Hai nói chuyện với ai vậy?

- Bảy Nô!

- Anh Bảy được phân công đi Phân Khu 4 Rừng Sát với chú Tám Quang lâu rồi mà.

- Tao mới gặp! Thôi ngủ đi, không có việc gì hết. Tụi bay ngủ đi.

Sáng hôm sau, tôi đang dò đường trên bản đồ ven đô để ước đoán xem căn cứ nào sẽ bị quân ta tấn công trước, thì liên lạc tới. Đây là sự thường, nhưng không hiểu sao tay tôi nhận xấp công văn mà run lẩy bẩy. Tôi đùa một số bao thừ ra, không khui, và cuối cùng nhặt lấy một chiếc, xé phăng ra. Thôi rồi, đúng y trong mộng. Công văn của Ba Kỳ Nam ở Rừng Sát gởi quận đội Củ Chi:"Đồng chí Bảy Nô cấp bậc trung đoàn trưởng đã anh dũng hy sinh trong lúc chiến đấu trên sông Lòng Tào... Nhờ cho vợ con đồng chí hay dùm".

Trời! Qua sông bị tàu bắn chớ anh dũng cái gì. Tôi đút thư vô túi không biết làm gì nữa. Tôi bảo thằng Tiền và thằng Gàu theo tôi đi Phú Hoà Đông cho chị Bảy hay, đồng thời tìm thêm địa điểm giấu DKB trên R nói gởi xuống thêm.

Người xưa cảnh củ còn đâu. Nhớ lúc anh đóng quân ở đây xóm làng vui nức, lính tráng ngập đường. Nhà cửa phong quang. Nay tiêu điều xơ xác. Bom đạn lẫn vết xe tăng cày nát đất đai. Kim Anh, nàng bây giờ ở đâu? Có nhớ chăng đêm thần thoại Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai, có nhớ chăng gốc cao su hẹn thề còn ghi lời hứa của chinh phu? Đời không có niềm vui nào trở lại hai lần.

Tôi đến nhà bà má của chị Bảy. Ngôi quán đã dẹp đi vắng hoe. Giữa nhà một chiếc bàn thờ tang còn mới. Một người đàn bà mặc áo hồng, tóc quăn hiện ra nhìn tôi trân trân rồi kêu lên:

- Anh Hai hả?

- À tôi chị Bảy.

- Anh Bảy đã hy sinh rồi. -Chị kêu lên.

Tôi khựng lại hồi lâu.

- Sao chị biết?

- Ảnh hiện hồn về mà!

- Mộng mị không đúng đâu chị?

Bà má trong nhà bước ra. Trông bà già tóp đi như đến trăm tuổi. Bà run run nói:

- Thằng Nô chết rồi con ạ!

Chị Bảy tiếp:

- Ảnh hiện về nói rõ với em, đầu ảnh bị thương, ảnh bị tâu bắn trên sông. Ảnh biểu em cúng cơm và khuyên em lấy chồng.

Tôi lặng thinh. Mắt người đàn bà đỏ hoe nhưng trong ánh mắt có tia hy vọng rọi thấu tim tôi. Tôi biết Út Lan (chị Bảy Nô) không yêu chồng. Có lần chị than thở với tôi, nhưng tôi gạt ngang. Chị cố bước tới, bao nhiêu lần tôi né tránh. Cho đến hôm nay, cơ hội đến hoàn toàn thuận lợi cho chị. Út Lan mới 22, 23, rất đẹp và đa tình. Nhưng không thể nào tôi chấp nhận một mối tình như vậy được. Lúc sinh tiền anh Bảy và anh Năm Tiều coi tôi như em út, hai anh kêu tôi bằng thàng chớ không kêu bằng chức vụ. Tôi không móc bao thư trong túi mà nghe ngực cộm lên nhột nhạt. Chuyện đã rõ rồi, mình còn đứng đây làm chi nữa.

- Chào má, chào chị Bảy! Con đi có việc gấp.

- Ở chơi ăn cơm mà, anh Hai.

- Để khi khác.

- Anh thiệt vô tình.

Ít lâu sau, út Lan lên tận văn phòng quận đội. Tôi chạy trốn lấy cớ đi công tác gấp. Tôi biết nếu tôi ở lại thì không thể nào qua khỏi đoạn cầu tình ái này. Lương tri đã giúp cho tôi chiến thắng trong một trận đánh gay go khốc liệt hơn cả đánh Mỹ. Làm đĩ chín phương cũng chừa một phương lấy chồng, chính là tôi đối với Út Lan vậy.

Hôm sau từ Phú Hòa về văn phòng, đụng nhằm Hai Văn, chánh vãn phòng. Trông thấy tôi, Hai Văn kêu lên:

- Chết hết rồi anh Hai ơi!

Tôi như chim bị đạn, sững sờ:

- Ai chết, ở đâu?

- Ban tham mưu của mình, Đào Hải, Sáu Phấn, con Mặn, con Lan, hai cán bộ DKB trên R cùng chui một hầm bị súng phun lửa của Mỹ cháy hết.

- Còn ai nữa không?

- Tất cả mười hai người.

- Có Sáu Phấn thiệt hả?

- Xác nhận rồi, có anh Sáu.

- Ổng lơn tơn đi đâu cho bị vậy?

- Ảnh đi tìm chỗ chôn DKB.

- DKB đồ ăn hại, chưa làm gì đã phá.

Tôi ngã người xuống hầm không còn biết gì nữa. Mười hai người ban tham mưu quận đội của tôi. Đào Hải là trưởng ban, thằng Bắc Kỳ dễ thương và lanh lẹ vô cùng, tướng cậy của tôi. Trời nỡ đoàn mạng chúng nó khác nào chặt tay chân tôi. Tôi bật dậy bảo mấy đứa nhỏ đi kêu ban chỉ huy đến.

Mộ tập thể này là thứ mấy chục rồi? Mộ tập thể cho ban chỉ huy D8 chưa xanh cỏ: Sáu Uya, Năm Thủ, Ba Tố, Sáu Đực và nửa tiểu đội cận vệ. Củ Chi nổi tiếng địa đạo rởm, nhưng nổi tiếng hơn vì những nấm mồ tập thể thật.

Hai ông xã đội và bí thư An Nhơn, Tư Quân và Ba Thắng đến. Sáu Bương và Tám Đột cũng thất thểu tới. Tám Đột nói:

- Kỳ này khủng khiếp hơn kỳ tụi mình chui địa mà thầy chết ngộp đó thầy Hai. Buổi sáng tôi nghe xe tăng rù rù bên suối Bà Cả Bảy rồi im luôn. Tôi tưởng là không quan trọng gì. Trưa trưa tôi nghe súng nổ. Tôi ngóng chừng thì đoán ra căn cứ của Đào Hải tham mưu, cho nên chiều lại tôi vội mò sang. Trời ơi! Thấy trận càn mà hồn vía lên máy. Xe tăng nó ủi sập nhà cửa, cây cối tre trúc mẹp như cỏ Chung quanh miệng hầm chừng một công đất soong nhôm chai lọ bị cán nhẹp bể nát, quần áo văng dính đầy gốc cây. Miệng hầm hả ra toác hoác.

- Hầm gì?

- Hầm cá trê kiểu hầm ông Tám Dò ở dưới gốc bụi tre hồi năm ấy mà.

Hai Khởi chen vô:

- Cái hầm của ông Tám Dò chứa được ít nhất hai chục người. Tôi có xuống dưới nhậu mắm chua với thầy Hai.

Bảy Phán tiếp:

- Hồi đó em nấu bếp cho ổng chớ ai.

Tám Đột nói:

- Tôi cũng có xuống hầm đó một lần, do ổng kêu tới phân công tác chớ không phải tự động mà tới được đâu. So với cái hầm của Đào Hải thì kín và chắc hơn nhiều. Đào Hải cũng dựa địa hình xây hầm nhưng không kín bằng ông Tám. Do đó mà tụi xe tăng quần kiếm thấy ngay.

- Không có địa à?

- Địa bây giờ đâu còn nữa thầy Hai. Ai còn dám xài địa như hồi nẵm. Có tôi da đồng xương sắt mới dám chui lần đó với thầy. Và thề tới chết không chơi với địa nữa.

Tôi bảo:

- Mấy cha nội đó chui hầm cá trê vậy thì phải thủ trước. Hễ.thấy bị lộ là nhào lên chơi liền. Có chết cũng nổi danh, để nó thui như vậy mất danh quá.

Tám Đột lắc đầu:

- Tụi nó gặp miệng hầm là phun lửa ngay đó thầy Hai. Ở dưới hầm trở tay không kịp đâu. Đây đâu phải là lần đầu tiên tụi nó chơi đồ độc.

Tôi biết tôi giận mà la bậy vậy thôi, chớ một khi đã chui xuống hầm thì đã xuống tinh thần đến 80%, có khi tên mình là gì cũng không nhớ. Lần đó sống sót nhờ linh dược cô Thu tôi cũng thề không chơi với địa nữa.

Những tên nhà báo bất lương chưa biết địa đạo và quân Mỹ hung ác ra sao, chuyên nói bậy để thần thánh hóa Củ Chi. Sự thật đó chỉ là những cái hang chuột. Một số lính và quan Mỹ chủ bại sống sót về xứ quay lại ca ngợi đường hầm Củ Chi ghê gớm hơn cả chiến lũy Maginot là để nói rằng: "Việt Cộng chúng nó tài ba ghê vậy nên chúng tôi thua là phải!"

Nếu thực sự có địa đạo thôn liền thôn xã liền xã và có cả bệnh viện, nhà kho, nơi giải trí dưới đó thì mười hai mạng của ban tham mưu quận đã không chui xuống hầm cá trê để bị súng phun lửa thiêu rụi.

Hỡi những tên bất lương nói láo nên dẹp bút và câm mồm lại để thiên hạ khỏi bị lừa một cách đê tiện vì sách vở của chúng bay.

Tôi đưa tiền tác chiến phí cho Tư Quân và Ba Thắng.:

- Tôi ủy nhiệm các đồng chí lo mồ yên mả đẹp cho anh em. Nhớ mua nhang đèn cúng vái vong hồn họ về phò hộ chúng mình trong những ngày sắp tới.

Hai Khởi an ủi tôi:

- Đây là chuyện thường xảy ra chớ đâu có đặc biệt gì thầy Hai. Miệng hầm không nghi trang kỹ thì xe tăng nó càn lòi ra ngay chớ đâu phải lỗi của thầy. Mấy ông đó cũng đã từng ở hầm chớ đâu phải tay mơ.

Tôi tội nghiệp Sáu Phấn vô cùng. Khi tôi rời H6 ra chỉ huy D Quyết Thắng, ảnh khóc lóc than thở: "Thầy đi chắc tôi chết chớ không chỉ huy nổi đâu!" Ngày tôi gặp anh bên Bến Cát tới nay, cách nhau chưa đầy một năm mà trông anh già cả chục tuổi. Một bước cũng không ra khỏi hầm. Lúc nào cũng sợ biệt kích ăn thịt. Tội nghiệp, nghe tôi về cùng chỉ huy H6 với anh, anh mừng khôn xiết. Đem rượu và tôm khô để dành cho thầy Hai đầy! Hai đứa uống cạn chai. Một bước cũng không dám ra khỏi hầm mà rồi cũng chết. Tử sanh hữu mạng. Ở xứ Củ Chi này sống chết nháy mắt.

Hồi Hai Giả xuống Thủ Đức bị lính Đại Hàn ném lựu đạn, ba lô gởi về, tôi nhẹm một thời gian, bây giờ làm sao giấu được. Tin ban tham mưu quận đội bị cháy chết chắc đã đồn đi khắp nơi rồi!

Tôi kêu Ba chỉ huy C công binh tới:

- C có mấy cây B40?

- Dạ, mười cây. -Hai Khởi đáp.

- Ông về lựa cho tôi một trung đội trang bị toàn B40, RPD và AK.

- Không được đâu thầy Hai.

- Tôi thề diệt đám xe tăng này, không để chúng nó tung tăng nữa.

- Thầy chưa nghiên cứu làm sao đánh được?

- Hồi đánh Pháp, Hoàng Thọ chèo xuồng cho vợ đi trên sông Vàm Cỏ bị Tây bắn chết, ổng nổi đóa, hôm sau đem cờ ra treo ở mé sông nhử máy bay tới bắn. Ổng hạ được một chiếc đầm già để trả thù cho vợ. Bây giờ anh em mình chết thảm như vậy, chẳng lẽ mình ngồi im, không bằng Hoàng Thọ? Đừng có ai có ý kiến gì thêm. -Tôi la to.

Ba giờ chiều hôm sau, tôi dắt trung đội ra Ràng rồi qua Bàu Điền băng qua Lộ 7. Đi suốt đêm tới gần sáng mới tới nơi. Tôi bố trí đội hình từ đầu chợ Bắc Hà tới ngã tư Đồng Dù. Tôi ngồi trong bụi ăn miếng bánh mì với mẩu đường thẻ của một em gái cho giắt theo lưng. Tôi vừa nuốt vừa chạy một lượt khắp mặt trận, nhắc nhở anh em quyết trả thù cho đồng đội. Sáu Hoàng, C phó và thằng Bọ Ngựa liên lạc của tôi nay cho làm A trưởng. Sáu Hoàng tì bá B40 vào ngấm thử và nói:

- Ở đây khúc quanh, hễ nó tới là tôi bửa ngay tam tinh.

- Ờ anh ngắm đầu, đừng ngắm đuôi huốt mất. Nếu có xe Jeep đi đầu, cho nó qua, đừng bắn.

Năm Đầu Ban mới vô bộ đội, cũng rất hăng:

- Anh cứ tin đi! Tôi nhất định hạ ít nhất một chiếc.

Anh chàng Mã Tử ở đâu bò tới, thầm thì:

- Đèn pha nó rọi kìa anh Hai!

Bảy Nê cũng sẵn sàng. Thằng Bòn nằm bên Nê nhắc chừng:

- Chị đừng có run. Ý... ai kìa cỡi xe Honda giống bà Ua.

Quả thật Ua tới. Nàng bạo gan, táo tợn. Dừng xe bên tôi, chõi chân xuống đất, bảo:

- Anh sẵn sàng nhé. Nó tới rồi!

Tôi nhắc Nê và Bòn:

- Bắn xong chạy băng qua đường về địa điểm, coi chừng lạc xuống ấp Bào Hóc bị bót Tân Thông nắm đầu!

Xe tới lù lù năm sáu chiếc. Tôi hét "Nổ!"

- Xung phong!

Bảy Sơn, Sáu Hoàng, Nê, Bòn và toàn đội hình vừa bắn vừa hô xung phong. Khói lửa mù mịt. Những khối thép đen thù lù như quái vật bị trúng đạn dừng lại quay ngang, lủi vô lề, không còn vẻ hung hãn như trước đó mấy phút.

Tôi hét:

- Băng qua đường!

Bảy Sơn đẩy tôi chúi lủi:

- Anh Hai đi sát vào phố, lô cốt nó bắn xỉa chọn đường.

Nhanh như chớp, cả đơn vị rút về phía Cây Sộp lên Trảng Lấm. Phía Đồng Dù bắt đầu giã cấp tập.

- - Bắn cháy một M41.

Tôi lột được cây colt cửa thằng Mỹ đen. Tôi đá cho nó một cái, nó rên ò ò.

Tôi quát:

- Rút nhanh vô sở Ba Lăng, mau lên.

Hai chiếc bù bốc HUIA rà sát mặt đường số 8 rọi đèn quay vòng tìm kiếm và bắn liên tục về phía rừng Bào Hóc.

Tư Quân lén cho vợ theo (mà tôi không hay), cô vợ trẻ làm y tá của tiểu đoàn. Còn Tư Quân làm D phó. Sau Mậu Thân, Quân lên E phôó cũng ăn quen về thăm nhà ở đây, khinh địch bị biệt kích thăng Rắc gài giết chết lãng nhách.

Bảy Sơn khen tôi:

- Anh đánh cú này còn thần tốc hơn cả Suối Cụt.

- Đó là nhờ con Ua vẽ bản đồ cho tôi.

- Vậy anh thưởng cho cô nàng cái "cán búa" Thiên Lôi đi!

Về tới cơ quan, Năm Tiều ra đón:

- Thăng quỷ, mày vẫn ẩu tả như hồi mày 14 tuổi đánh xe tăng Pháp. Đánh ngay cửa Đồng Dù chớp nhoáng ba mươi phút. Ông Ba Xu sẽ cảnh cáo cho coi.

Bữa sau Ba Xuyên cho nàng Ua vô, cho tôi biết tin sơ khởi: bốn xe M41, bốn xe tăng bị cháy tiêu. Hai M41 hư nặng. Chừng bốn mươi lính Mỹ chết và bị thương.

Hôm sau tôi bảo Tư Quân:

- Cậu dắt một đại đội lên mộ tập thể của anh em mà cúng vái lần nữa như mở cửa mả vậy.

Tư Quân chưa kịp quay đi thì một ông già áo quần lếch thếch, khấc khăn đầu rìu bước vô, khúm núm:

- Dạ thưa đây có phải là dinh sở của quận trưởng Hai Lôi không?

- Chi vậy ông già? -Thằng Tiền trinh sát hỏi xẵng.

- Dạ, có việc tôi mới đến, chớ ở không đâu mà đi chú em!

- Ổng kia kìa. -Thằng Tiền chỉ vào tôi.

Ông già run run nói:

- Dạ thưa quận trưởng, tôi là ông nội của con Mận. Tía nó đi công trường 9 tử trận, tôi cho nó đi cơ quan, chẳng may vừa rồi nó bị Mỹ đốt cháy. Tôi nghe được tin, vô đến nơi thì đã chôn tập thể rồi.

Ông già nghẹn ngào, ngưng hồi lâu. Ông cố nuốt ực và tiếp:

- Hôm qua tôi đi chợ, thấy mấy ông phục kích trước cổng Đồng Dù, tôi bèn trịt ngang không đi chợ nữa, nín trong bụi cây chờ mấy ông hạ xe tôi mới ra giết tụi Mỹ trả thù cho con và cháu tôi.

Nói xong ông buông chiếc gói ny lông đánh phịch xuống đất và đá luôn một đá. Cái gói tròn tròn lăn lăn rồi dừng lại. Ông già cúi xuống nắm mép ny lông giở lên. Một vật đen ngòm đỏ sậm be bét văng ra dưới đất.

Thằng Tiền la lên:

- Cái gì vậy ông già?

-Ghê quá!

- Thúi òm!

Tôi nhìn lại, mới nhận ra là một cái thủ cấp Mỹ.

Ông già nói:

- Mấy ông có đi tới mộ tập thể cho tôi đi theo với, để tôi tế anh em và đứa cháu tôi. Còn mẩy thăng râu chổi chà trong Củ Chi nữa, tôi phải giết chúng nó thì tôi chết mới nhắm mắt.

Anh em trong văn phòng kẻ bịt mũi quay đi, người che mắt liếc dòm, còn tôi thì ngơ ngẩn không biết nói gì. Tôi như bị một búa Thiên Lôi giáng xuống đầu.

Tụi Mỹ mang văn minh tới đây đồng thời nung nấu chí căm thù của dân Việt đối với chúng. Thời chống Pháp cũng vậy có những nông dân theo bộ đội tối đi phục kích, hoặc sau trận phục kích bộ đội đã rút, họ mổ lấy tim gan lính Pháp về xào ăn, uống rượu để trả thù chúng đốt nhà hãm hiếp vợ con họ. Dã man chống đối văn minh, ai cản được, ai hiểu được?

Trước Tết, ông già kể trên lại theo D7 chúng tôi đánh quận lỵ Củ Chi để tự tay giết Mỹ, nhưng bom đạn tàn bạo giết ông trước khi giấc mộng trả thù cho cháu được hoàn thành. Người ta gọi ông là ông già Củ Chi cũng như ở Bến Tre có ông già Ba Tri thời xưa và ông già B52 ở Bến Tre thời nay vậy (tức là ông già bị hai trận B52 mà còn sống).

Sau trận đánh hạ tám xe tăng ở ngã tư ngay trước cửa Đồng Dù, bà con kéo đông nghẹt trên các đường đi. Tưởng họ đến tặng quà và hoan hô chúng tôi, nào ngờ kéo nhau ra vùng "ngụy" để lánh nạn. Hỏi tại sao? Họ đáp thẳng: "Đi trốn B52! Chừng nào êm rồi về!"

Họ đã thấy sự tàn phá của loại máy bay bỏ bom tấn này ở đường 15 từ Hố Bò đến Láng Cát, nay hãy còn dấu vết nên họ kéo đi, không có cái mồm chính trị nào ngăn được.

Mụ Hai Xót, Năm Đang méo mặt ngồi im. Hai Mõ, bí thư quận ủy hỏi:

- Làm sao bây giờ chị Hai, chị Năm?

Mụ Hai Xót đổ quạu:

- Sao chú không tự hỏi chú mà chú hỏi tôi?

Thế là huề cả làng. Cứ để họ đi.

Nhớ hồi nẵm, khi tên nhà báo bất lương Bọ Chét tới đây đòi quay phim "Địa đạo chiến" mà nực cười. Bọn nhà báo ngoại quốc, không rõ vì ngây thơ hay vì bị mua chuộc đã hàng chục năm ròng (nay vẫn chưa hết) đi tuyên truyền không công cho phe Cộng. Thời kháng chiến có tên chủ tịch công đoàn Pháp tên là Léo Figuère sang chiến khu Bắc Việt gặp cáo Hồ rồi về Paris viết báo ca ngợi Việt Minh, chống quân đội Pháp. Sau đó mới có mấy cái vụ Henri Martin và Raymondienne cởi truồng năm ngăn xe lửa chở vũ khí xuống Marseilles để đưa sang Việt Nam.

Thời nào cũng có những thằng ngu, bán lương tâm cho quỷ đỏ như vậy, hay chính chúng nó là quỷ sa tăng cũng nên.

Tên Bọ Chét thấy sự thực Củ Chi không có địa đạo "thôn liền..." gì hết chắc xấu hổ vì điểm Bọ Chét bị điếm Hồ lừa. Nhưng chưa chịu bỏ tật nói láo bèn xoay qua đòi quay phim đấu tranh chính trị của đội quân đầu tóc. Chính hai mụ già trầu này chạy sút quần mà chỉ quy tụ được chục rưỡi bà má hom hem, bắt được thêm dăm bảy chị nông dân đang cấy dưới đồng, lưa thưa như vậy mà đấu tranh chính trị cái gì? Bọ Chét bèn bỏ tiền ra mua cà lem nước đá ở chợ An Nhơn (hồi đó còn nhóm) để rủ rê con nít tới đấu tranh chính trị với "ngụy", rồi bắt ép mấy chủ xe lam vùng "ngụy" vào chở khách đi "đánh trâu’. Xe cắm cờ đỏ, cờ xanh lèo tèo chạy quanh để Bọ Chét quay phim đem về trình quốc tế "cuộc đấu tranh anh hùng" của dân miền Nam chống Mỹ.

Quốc tế ngu. Quốc tế mù. Quốc tế uống máu què, cong lưng tin sự thực là như vậy nên hơn năm mươi phái đoàn từ Nam Mỹ đến Anh Quốc, từ mụ A.L. Sướng đến lão già dềnh Russel vác mặt đến Hà Nội hoặc gởi băng thu tiếng nói của mình đến ủng hộ mặt trận côn đồ bịp của tên luật sư có tiền án lem nhem.

Bây giờ năm 1967, trước Tết con khỉ già, hai mụ khu ủy viên này ngồi ngó đạo quân đầu tóc, đầu trụi vác mùng vác chiếu ra trú ngụ vùng ngụy mà không dám hó hé nửa câu.

Đó là kết quả của những cuộc đánh trâu, đánh bò lên đường xuống đường do đảng lãnh đạo.

Vài hôm sau, dường như để cho đảng ta khỏi bể mặt, có một phái đoàn "dân quân chánh đảng" từ Hố... Bò ra thăm tôi. Gồm có chú Tư Thiên, bí thư xã ủy, cô Là, xã đội phó mới lên xã đội trưởng, chị Tám Khỏe, phụ nữ giải phóng hụ họ, chú Tám Xe, chuyên gia đánh xe bò của tổ hậu cần khu của ông Bảy Hốt, bồ tèo của mụ quán Sáu Tỉnh, chị nuôi của hàng tá lính vịt xiêm.

Phái đoàn này do cô bé xã đội phó, em nuôi của tôi dẫn đầu. Cô nghe tôi được phong chức quận trưởng quận đội thì ra "yết... kiến". Cô thuộc hệ thống chỉ huy của tôi. Cô hăng say chống Mỹ vừa hăng say săn đuổi ông anh nuôi. Cô đã từng "lựu đạn chiến" với cô Ua tại quán cô Chia năm trước. Tôi tưởng họ từ "địa đạo âm phủ" mới chui lên.Mặt mày hốc hác, áo quần te tua như bầy cô hồn. Chỉ vài ngày sau Tết, bốn người bị xe tăng càn nhẹp dưới hầm cá trê làm cho Củ Chi nổi tiếng thêm vì một nấm mồ tập thể.

Hai ông già Tư Thiên và Tám Xe gợi cho tôi một cảm giác thương tâm. Sao người ta không để họ an hưởng tuổi già với con trâu cày lạc hậu mà bắt họ xây dựng thế giới đại đồng văn minh cho nhân loại?

Nàng xã đội thấy trong văn phòng của ông quận có nhiều áo tím áo hồng phất phới, nào dũng sĩ Bảy Nê, nào quận đội phó Tư Bé, nào các em các cháu, đứa kêu bằng "anh", đứa gọi bằng "ba" thì có vẻ sôi máu căm thù.

Tôi thừa biết nàng ra đây để làm gì. Kiểm soát con ngựa bất kham này sao nổi. Bốn phía quân vương tiền hô hậu ủng, cung phi mỹ nữ muốn nhiêu có nhiêu mà.

Tôi đưa nàng sang nhà bên cạnh để giao "công tác" cho xã đội. Vừa ngồi, nàng hỏi ngay với giọng cộc lốc:

- Anh sang bên dì Ba có gặp má hông?

- Có chớ. Anh đến thăm má chớ gặp gì!

- Má có nói gì với anh không?

- Má thấy anh bận quá nên má chưa kịp nói.

- Em biết ba con hồ ly tinh đó hốt hồn anh rồi. Áo trắng, đầu quăn, ăn nói theo Sài Gòn ngọt xớt nên anh quên hết.

- Anh đâu biết hồ ly tinh nào mà em nói vậy.

- Người ta đồn là dì Ba gả một trong ba con Mai, Khánh, Ngọc cho anh. Anh chịu đứa nào gả đứa nấy. Có không, khai thiệt đi!

- Tầm bậy! Anh sang đó để nhận chỉ thị của dượng Ba. Ổng là tư lệnh, ổng kêu thì phải tới chớ! Làm việc xong là anh dông liền.

- Ờ, dông liền qua quán bà Lụa phải không?

- Không qua đó làm sao gặp má mà thăm, em nói kỳ!

- Anh đừng có né. Bà Lụa cũng bắt hồn anh rồi. Em biết, không phải mới đây đâu! -nàng nói một hơi- Em thương anh trước. Em cho anh hết lúc em dẫn anh đi coi hầm... Cái hầm sau này được dượng Ba chui suýt chết, em đi kêu anh về giải vây đó, nhớ không? Kỷ niệm vậy mà quên hả? Em nói thiệt kỳ này ra đây em xin làm ở văn phòng quận. Xã đội trả lại cho chú Tư, chú giao cho ai thì giao.

- Năm Đầu Ban và Sáu Mã Tử vô D7 rồi, còn ai mà giao.

- Kệ chú. Để anh đi lung tung lâu nay không ai săn sóc, anh ốm nhom ốm nhách thấy không? Côn em cũng ăn ngủ không được, hễ thức giấc là kêu tên anh. Chị Tám nói em điên. Lần này em ở lại đây chừng có bầu mới về, mà không về nhà, qua bên sông ở với má, nuôi con.

- Sắp đánh lớn rồi, em nói vậy mất đảng tính hết.

- Đảng tính, tính sau, bây giờ em phải lo cho em trước đã.

Nàng òa lên khóc mùi mẫn làm tôi rối loạn tinh thần. Nàng quệt nước mắt vào vai tôi rồi tiếp:

- Chồng chị Tám chết rồi anh không hay sao?

- Chị Tám... ơ...ơ...

- Không phải chồng dân công chết ở Bình Long đâu. Chồng mới cưới cơ!

- A... ai?

- D phó bạn anh mà anh không biết à? Kỳ anh về lần thứ hai uống rượu với thịt chuột bị hóa học, mấy anh thành lập hội ve chai chống Mỹ đó quên sao?

- Hội ve chai chống Mỹ chết hết rồi, chỉ còn mình anh, biết đứa nào?

- Chỉ than với em: "Phần số chị rủi ro quá em ạ. Trong ba năm chết hai người chồng. Con lớn rồi không thấy cha về. Có cha ghẻ cũng chết luôn". Anh ấy linh tính thế nào mà một lần ăn nằm với chị, ảnh bảo: "Mình làm đám cưới đi em à". Chị nói chị đi bước nữa, còn anh trai tân mà cưới hỏi rình rang người ta cười anh chết. Ảnh nói làm vậy mới chánh thức để sau này con mình (con chỉ chớ không phải con ảnh) có quyền lợi của chánh phủ cho. Thấy ảnh nói vậy chị cũng đồng ý. Ảnh chị thương nhau ở buổi nhậu thịt chuột đó. Ảnh nói với chú Tư Thiên đại điện chi ủy, còn bên ảnh thì mấy anh em xách rượu đem trà tới đám cưới. Chỉ có vậy thôi với sự chứng kiến của chú Tư. Chị không còn cha mẹ, chú Tư cũng như cha: Đêm đó ảnh với mấy người bạn uống rượu tới khuya. Rồi anh với chị thành vợ chồng.

- Ai cưới chị Tám? Nói ra nghe, cứ lòng vòng hoài.

- Anh Ba Tố chớ ai.

- Nó chết rồi!

- Chớ còn gì nữa. Cả ban chỉ huy D8 lãnh một trái bom đìa ở An Phú, anh không biết à? Chị Tám ra đó tìm lượm từng miếng xương... Mà không biết xương ai.

- Anh biết vụ bom nhưng không biết Ba Tố cưới chị Tám. Sao nó không cho anh hay?

- Anh đang ở bên sông với ông Sáu Phấn.

Tôi ngồi lặng thinh. Bạn bè quanh tôi lần lượt leo lên bàn thờ hết ráo rồi. Bây giờ ngồi nhớ lại mới thấy cô đơn. Mà thật, lâu nay tôi uống rượu khan bậy bạ một mình, không có tri âm tri kỷ, không còn những buổi nổ trời rung đất nữa.

Sáu Phấn đã chết. Tư Nhựt trối lại hôm nào nhờ giúp đỡ vợ con. Hai Phái, thằng keo kiệt khó thương, cũng trăn trối "coi sóc giùm các em nuôi" cho tao. Bảy Nô ứng mộng.

Toàn là dân Nam Kỳ. Tới phiên tôi trối gì, trối với ai ngoài cô Là?

- Em muốn có đứa con với anh, anh không nên từ chối nữa. Anh thấy anh Ba Tố và chị Tám không. Chỉ nói hai người ăn ở với nhau mới có một lần rồi ảnh vậy đó Anh! Anh đừng làm khổ em nữa.

Nhưng tôi làm sao cưới? Mậu Thận đợt một sắp nổ ra. DKB, quận Củ Chi, nhổ đồn hạ bót trên quốc lộ, chặn xe tăng... cả chục thứ chiếm hết đầu óc tôi còn tâm trí đâu mà cưới? Tôi bèn làm vừa lòng nàng, còn việc cưới.thì khất lại sau Mậu Thân. Đó là chánh sách muôn thuở của đảng. Cứ hứa rồi quên.

- Mày có tin rằng sau khi nổ súng, mình trụ lại nổi ở ven đô không? -Câu hỏi của Năm Tiều vang lên trong đầu tôi.

- Mày là con heo nái... -lại một câu nói khác của Năm Tiều.

Tôi bảo:

- Đừng giận anh nghe Là?

Giao "công tác" của quận đội xong cho nàng xã đội. Công tác hơi nhiều nên tới nửa đêm tôi trở lại văn phòng.

Vừa ngả lưng thì có tiếng bắn ầm ầm trên trời. Không phải trực thăng soi, cũng không phải pháo. Đó là tiếng máy bay mâu hốc bắn để chụp hình. Nó tới đâu là B52 theo ngay sau đó. Đồng bào từng đội B52 quen rồi nên ngửi thấy những tràng dưa hấu lúc chúng chưa bay tới. Nó như một con ác điểu xòe cánh đen bao trùm từ mé sông Sài Gòn vô tận Phước Vĩnh Ninh. Nó sẽ trả thù cho tám chiếc xe tăng và bốn mươi lính Mỹ vừa ăn B40. Ăn một trả ngàn. Đó là Mỹ

Chiếc mâu hốc vừa biến đi thì có tiếng ò e trên nền trời càng lúc càng to. Mấy đứa cần vụ chạy ào xuống hầm trốn pháo. Đó cũng là thường lệ thôi. Bài bản Mỹ chơi có khi đổi nhạc cụ nhưng vẫn những bản cổ điển đó. Trực thăng soi, pháo, bom B52... Nhưng bữa nay không có gì hết ngoài tiếng "đờn cò" rồi bật ra:

Mụ Hai Xót từ trong hầm chui ra, quệt ghèn hỏi tôi:

- Thằng nào vậy đồng chí Lôi?

Bảy Hốt. Nó là cán bộ C phó của Quyết Thắng khi tôi là tham mưu trưởng. Tài ba trung bình, thành phần: con của chủ nhà máy xay lúa ở Phú Hòa Đông, nhưng hắn ăn rất khỏe, tám chén một bữa ăn. Do đó hỗn danh Tám Bụng và mấy mụ già trầu lầm tưởng, một tên ăn no vác nặng như hắn chắc phải là bần cố nông nên trước khi vào ven đô, cấp trên phong cho y chức tiểu đoàn phó.

Tám Bụng vừa dứt tiếng thì tới một giọng khác:

Mụ Hai Xót cự tôi:

- Để nó nói hoài vậy nghe được sao đồng chí? Vác bá đỏ ra mà khen nó chớ!

Tôi cười:

- Mình vừa đánh nó phải để cho nó trả lại, nếu không nó chẳng chịu êm đâu. Chị bắn có một phát là Đồng Dù trả quả một trăm trái pháo chạy không kịp.

Mụ đành im.

Sau này tôi tìm hiểu thì mới biết rằng lúc đó anh Tám bầy trẻ dẫn đơn vị xuống đường, đi tới Rạch Tra thì quèo một cô y tá tên Thu Hà rồi trịt ngang vì thấy đơn vị quá chệch choạc, lính gồm trẻ con miền Bắc và du kích xã, còn cán bộ thì gồm Tư Nhựt, E trưởng, Hai Phán chính trị viên E, Năm Tân, Ba Đức, Sương và hắn. Những anh chàng dốt như vậy mà cầm sinh mạng lính thì hắn làm sao tin tưởng được. Chuồn là thượng sách. Quả thật, cả đám này chết rụi ở đợt một. Riêng Hai Phán thì dông trước ba, bốn tháng. Hắn cho vợ ra Sài Gòn móc trước, nên trực thăng đổ quân ngay miệng hầm xớt hắn đi, khỏi mang tiếng chiêu hồi.

Hai Phán dứt lời "chào các bạn" thì tới Tám Bụng, hai ông cán bộ D thay nhau nhắn nhe "cán binh Việt Cộng" gần tới sáng mới thôi.

Để chấm dứt bản tình ca Củ Chi pháo Đòng Dù và Trung Hòa xướng sơ sơ vài chục quả gọi là lót lòng cho chúng tôi mạnh chân mạnh công chạy đua giựt cúp Mậu Thân anh hùng

Tôi nghĩ: Ta chưa ra quân mà địch đã biết trước. Đó là một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc tổng tấn công tàn bạo.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx