sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 86: Lệnh Hỏa Tốc Đưa Thịt Vào Lò Bbq Sài Gòn

Một buổi sáng tôi chưa thức dậy thì đã có tiếng đập cửa. Tôi biết ngay giọng của con bé Thanh, vừa là cháu kêu bằng bác, vừa là "chị nuôi" của Năm Tiều. Con bé mới 15 tuổi nhưng đã trổ mã và lâu nay cũng háy nguýt tôi bàng cặp mắt ướt ướt. Năm Tiều cũng biết điều đó, nên đã chận trước theo kiểu bỏ hàng rào thưa:

- Mày kêu tao bằng bác có hơi khó coi, nhưng đời mà, biết đâu may... rủi! Vậy chớ thằng Bảy Nô D trưởng lấy con Lan, còn thằng Tám Thiệt chính trị viên D quơ bà má con Lan thì sao?

Tôi chỉ cười. Những lần tôi tới làm việc với ông Năm đốc chiến thì nàng Thanh sốt sắng pha cà phê sữa, còn tôi cũng không bỏ cơ hội để đánh du kích, tấn gọn rút nhanh.

Năm Tiều cũng biết nhưng nghi binh làm như không thấy gì. Kỳ này quả là cơ hội ngàn năm có một cho anh Hai.

Cô bé vào nhà, đám nhỏ đi công tác hết ráo chưa có đứa nào về.

- Có thư hỏa tốc nề anh Hai. -Tiếng cô bé ở miệng hầm vọng xuống.

- "Tóc" của ai?

- Của bác Năm.

- Đem xuống đây coi -Tôi nói giọng lè nhè- Đêm qua anh thức khuya họp ở ngoài đồng cảm lạnh dậy không nổi.

Tôi có sáng kiến diễn lại cái vai trò của bà ngoại cô bé một cách bất ngờ trong truyện cổ tích "Cô gái khăn quàng đỏ" của Perrault.

Tôi kéo tấm vải dù phủ mặt và rên khe khẽ.

Cô bé xuống hầm và giở tấm vải:

- Anh đau làm sao đi công tác nổi. Để em bắt gió cho.

- Ừ lấy dầu cù là trong sắc cốt treo ở đầu võng kia.

Thế là cô bé vạch lưng anh Hai cạo gió. Cạo lưng xong đến cạo ngực.

Đó là chuyện cổ tích, còn ở đây bé Thanh biết "con sói" đang nằm đây mà vẫn cạo gió cho nó, không biết sợ là gì.

Cạo gió, cạo mưa xong, cố nhiên phải tới cạo mây, cạo mưa. Nàng đưa cho tôi bức thư hỏa tốc của ông tư lệnh Ba Xu

Tôi bàng hoàng hết cả người. Tôoi bật đèn pin viết thư cho Ba Xuyên bảo con Ua vẽ sơ đồ đồn Trung Hòa và đồn Thái Mỹ, rồi hộc tốc kêu Hai Khởi đi với tôi qua sông. Hắn sẽ đi lãnh tân binh vì làng 13 là quê hắn. Vợ hắn là thợ may ở hậu cần đang ở nhà bà già ruột chờ sản xuất nhi đồng, cho hắn đi công tác này công tư lưỡng lợi, còn tôi sẽ đến yết kiến ông Ba Xu để hỏi xem hà cớ mà ông ra một lệnh ác ôn như vậy. Nếu ông không cho một cái "phản lệnh" (tức là thôi không đánh đồn nữa) thì tôi sẽ xin thêm súng đạn, chớ hiện số súng đạn tôi đang chôn cất để dành tổng tấn công, không có lệnh trên không được xài.

Hai Khởi và tôi, hai đứa nuốt cơm nguội rồi cuốc thẳng xuống bến sông bất chấp giang thuyền, đứng chờ để lính Bảy Hốt đem ghe máy đuôi tôm tới đưa qua sông. Trời chiều bảng lảng, tâm sự đầy ứ, lo âu rối ren tràn ngập trong lòng. Tôi dựa gốc cây bần nhìn mé sông rậm rạp thân cây đầy vết đạn.

Câu thơ của ai chợt dội lên trong lòng càng não nùng. Tết con khỉ Mậu Thân này cán bộ chúng tôi bạc đầu trăm tuổi hoặc xuống mồ. Tư Nhựt lẫn Năm Truyện đều trăn trối mà không dám nói ra.

Bỗng chiếc đuôi tôm đâm mũi vào bờ. Khách nhanh nhẹn vọt lên đất ruộng như thoát chết. Năm Nấp, người lái đuôi tôm, la lên:

- Anh Hai qua sông hả, xuống mau!

Nhưng tôi không màng sự giục giã đó. Tôi đang bận nhìn anh thương binh cụt giò đang đeo trên lưng một người. Tôi kêu lên:

- Đỏ! Mày hả Đỏ? Ủa, Lạn nữa.

Đúng là một thảm kịch đang diễn ra trước mặt tôi. Thằng Lan đang cõng thằng Đỏ. Bạn đọc hẳn còn nhớ thằng bé liên lạc H6 của tôi? Nó bị trái pháo mồ côi cụt hai chân, còn vợ chồng cậu quản lý (cô Thu đã cứu tôi dưới địa đạo năm nao) thì chết hết trong lúc cô Thu đang có bầu.

- Mày đi an dưỡng về đó hả Đỏ?

Đỏ cũng nhận ra tôi không khó khăn gì, hắn kêu lên:

- Anh Hai! Em đi an dưỡng ở R về.

- Mày chở nó từ đâu vậy Lạn?

- Từ mé bên này sông Bà Hảo.

- Trời đất, chân cẳng mày như vậy làm sao mày đi hả Đỏ?

- Dạ một bên cụt, một bên còn nửa cái bàn chân, em rán chõi nạng cà nhắc, liên lạc họ cũng chiếu cố.

- Bây giờ mày định đi đâu?

- Dạ về nhà ông ngoại em ở Phú Hòa Đông. Em về chăn trâu cho ông kiếm cơm cũng được.

- Cụt giò mà chăn trâu cái gì? -Tôi quay sang Lạn- Lâu nay mày đi đâu tao không gặp, hả Lạn?

- Dạ, em đi học Liên Xô mới về đây, anh Hai.

Cái điệp khúc mỉa mai chua chát nó cứ nhắc đi nhắc lại mỗi lần nó chở tôi đi, nay vẫn lập lại "em đi Liên Xô!"

Tôi móc sắc cốt cho mỗi đứa một ngàn rồi xuống ghe. Không nói gì thêm. Ghe quay mũi ra sông, tôi ngó ngoái lại Thằng Đỏ đang vịn gốc cây, còn thằng Lạn vác chiếc xe đạp lên bờ đắp rồi trở lại cõng thằng Đỏ. Nó sẽ đèo thằng bé đi về Bến Mương.

Ghe rẽ nước ào ào. Lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Bảy Nô, Sáu Phấn, Sáu Uya, Ba Tố, Tư Nhựt... bao nhiêu bạn bè đã nằm xuống và sẽ nằm xuống. Và bao giờ sẽ tới phiên tôi?

Tôi đến gặp Năm Lê trước nhất. Anh giống như con vượn già ở trong hang núi, mặt cóp lại, răng lồi ra, hai tay dài ngoằng. Anh ở trong cái hầm đào dưới đất vuông dài như cái hòm mà nắp hòm dày chừng một thước. Đường xuống hầm tối om, phả i qua cái bếp. Bên cạnh bếp là buồng tắm và cầu tiêu, và ống hơi thông lên mặt đất. Đại khái là một hệ thống ăn ở phục vụ cho anh mà muốn hoàn thành phải tốn 200 ngày công hoặc hơn.

Về tới đây mà không gặp các em Thảo và Tám Nghi lòng tôi bùi ngùi. Hai người đã bị xe tăng moi hầm bắt hồi năm ngoái ở xóm Bà Huệ. Nếu chúng moi tiếp sẽ bắt được ông tham mưu trưởng quân khu Năm Lê.

Năm Lê khai thông mặt trận sắp mở cho tôi nghe:

- Đây là cơ hội ngàn năm có một.

- Nghĩa là sao anh Năm? -Tôi bị kẹt với những cái lệnh khó xơi, nên túng quá phải hỏi.

Anh cau mặt:

- Thì ở trên bảo vậy, mình phải nghe vậy, không nên hỏi.

- Nhưng anh còn không hiểu, bọn tôi hiểu làm sao?

- Tao cũng như mày.

Tôi bèn hỏi sang DKB:

- Loại vũ khí mới này có chắc ăn không anh Năm?

- Cái thằng, mày là thầy pháo mà sao lại hỏi tao?

- Anh là trung đoàn trưởng pháo binh mà anh Năm. Anh phải khai thông cho em út chớ.

- Trung đoàn trưởng là khi trong tay có đủ phương tiện thì mới chỉ huy được, chớ mày nghĩ đạn pháo mà chôn trong đất như vậy, thuốc phóng bị ẩm ướt, rồi đế pháo đặt không thăng bằng, bố tao cũng không dám bắn.

- Tôi đã thấy mặt nó rồi anh à.

- Ra sao tao đâu có biết.

- Đạn thì như đạn moọc chê, còn súng thì như máng heo và nạng tre chống.

- Rồi bắn cách nào?

- Đuôi đạn có hai dây điện. Muốn bắn câu nó vào bình điện và kéo công tắc...

Tôi nói tỉ mỉ cho ông tham mưu khu nghe. Nghe xong anh lắc đầu và hỏi:

- Mày định sử dụng làm sao?

- Dạ, đem bắn thử vô Trung Hòa hai quả.

- Tốt không?

Tôi lặng thinh không nói gì hết. Nhưng anh thừa biết kết quả nên nói:

- Thứ giết người mà làm đơn sơ như vậy thì sẽ giết đồng bào chớ không giết được địch.

- Dạ, anh Ba bảo miễn có tiếng nổ trong lòng địch là tốt rồi.

- Mà nó có nổ không chớ?

Tôi đành phải bẩm sự thực để sau này nếu có gì không như ý mấy ổng sẽ không khiển trách mình được.

Bữa hôm đó tôi cho hai trung đội đem hai trái ra gần Trung Hòa để thằng Lũng và thằng Lanh, chuyên viên DKB, bắn thử. Một trái xòe lửa xanh lè. Lính sợ bỏ chạy tứ tán, khè đã đời rồi nằm im, không nhúc nhích. Đó là trái tịt ngòi.

Trái thứ hai, vừa châm lửa thì điện phừng lên, trái đạn vọt đi khỏi lòng máng, cái đuôi khói đen xoay tít. Đám lính bị lửa phọt vô mặt nhào lăn, hai đứa bị cháy nám nhưng không lột da.

Anh lính quan trắc (ở phía trước đầu súng) chạy dội lại, la hớt hãi:

- Lại lép!

- Ở đâu? Tôi quát.

- Chắc nó lọt vô vòng rào bót.

- Rút nhanh? -Tôi quơ tay lia lịa- Rú... út.

Chưa bao giờ trong đời sử dụng pháo của tôi thấy mình phiêu lưu một cách nguy hiểm như vầy. Hồi ở trường pháo binh Cục R, tôi đã từng mạo hiểm lấy kính ngắm sơn pháo 75 ly của Pháp gắn qua súng DKZ 75 là loại súng bắn trực xạ để bắn gián xạ, tức là bắn vào các mục tiêu che khuất, ở trận địa không thấy mục tiêu. Như vậy là đã mạo hiểm tối đa rồi, nhưng lần đó chỉ là bắn thử ở giữa rừng, trúng trật cũng không ai chết.

Còn ở đất Củ Chi này, hiện giờ không còn một mảnh đất xéo để lính tập bắn AK, hễ nổ một phát bất cứ ở hóc hẻm nào là Đồng Dù hoặc Trung Hòa đều hay và đáp lời sông núi ngay. Cho nên cách thử DKB tốt nhất là bắn vào đồn. Cứ bắn. Trúng chợ búa, nhà dân hay trường học cũng chẳng có làm sao. Vì dân miền Nam đang ở trong tim bác Hồ chớ đâu có ở ngoài mà sợ!

Mọi người ngơ ngác không hiểu tại sao tôi ra lệnh như vậy, nhưng họ cũng cứ cắm đầu chạy, còn hai ông chuyên gia Lũng và Lanh thì tiếc rẻ cái máng heo ăn. Hai đứa nhìn tôi tỏ vẻ không hài lòng. Tôi biết, nên vừa chạy vừa nói:

- Các cậu giỏi thì ở lại mà tháo đạn lấy súng về.

Chúng nó không rõ cái tật bắn pháo của Đồng Dù và Trung Hòa. Sau này cả hai đều chết vì pháo... Một đứa vì DKB, một đứa vì pháo Đồng Dù.

Còn tôi choảng với Mỹ nhiều trận quá rồi, nên rành sáu câu. Chúng nó nghe lụp cụp ngoài này thì sẽ phản pháo tức thì. Quả thật, cả đơn vị tôi vừa vô tới Gót Chàng thì u u u vút vút vút đạn pháo của Đồng Dù lẫn Trung Hòa hợp tấu cả tiếng đồng hồ. May mà không chết đứa nào, nếu có thì thật là lãng toành!

Hai cậu chuyên "da" bây giờ mới nổi da gà. Nhớ hai trái "đạn khoan bê tông" DKB tôi cũng hơi tiếc tiếc cái thuốc nổ TNT bên trong. Phí quá, nhưng ai dám đụng tới nó nữa. Thứ đạn câm này hay gầm thình lình. Chỉ có Năm Cội mới dám đi đào móc bom lép đem về cưa ra nấu như kho cá để lấy thuốc nổ làm đạp lôi, nay cậu ấy chết cũng vì đạp lôi, quá là sanh nghề tử nghiệp, bây giờ đâu có ai dám nối nghiệp. Hú hồn hú vía DKB!

Hôm sau, hai cậu chuyên gia đang ngồi bàn tán với tôi về "tính năng tác dụng" của DKB (tính tác con khỉ), thì một người đàn ông đội nón mây to vành chạy đến, hớt hãi hỏi đây có phải là văn phòng ông Lôi không. Tôi nhận ra là ông Chệt, tía của cô Mầu ngoài Ràng, quán mà tôi đã từng đến uống bia và nhờ cô ta mua đèn pin cùng các thứ "quốc cấm" khác.

Nhìn thấy tôi, ông Chệt lột nón xá lia:

- Chào ông quận! Chào ông quận!

- Có chuyện gì vậy ông chủ?

Ông Chệt đứng dậy ngoẹo đầu qua vai, nói một hơi không kịp thở:

- Không biết có chuyện gì mà ở trong đồn lính chạy tán loạn rần rần. Bây giờ ở trong đồn chỉ có lính chứ không còn đàn bà con nít nữa.

- Họ chạy đi đâu?

- Chạy đi đâu không biết. Có người tới quán tôi nói là ông bắn hỏa tiễn vô trong đồn nhưng không trúng đồn mà trúng ngay nhà vợ lính. Một trái đen thùi lùi nằm ở trỏng nên họ sợ nổ, bỏ chạy hết.

- Còn đồng bào ở Ràng có sao không?

- Nhiều người bị thương, nhà cửa nát hết.

- Đạn lép mà bị thương cái gì?

- Người ta bị thương là tại pháo Đồng Dù, chứ không phải hỏa tiễn của mấy ông.

.... Năm Lê ngồi nghe tôi kể chuyện cố làm nghiêm. Tôi dứt lời, đốt thuốc hút được vài hơi y mới nói:

- Tao không hiểu mấy chả muốn cái gì. Đạn dược như thế mà đem ra bắn có chết dân không. Lần này lên gặp ông Ba Xu mày phải báo cáo cho rõ để ông ấy định liệu. Nhớ nói là tao đã biết tình trạng DKB rồi nghe không.

- Dạ, ổng đã chỉ thị cho tôi, miễn có tiếng nổ trong lỏng địch là tốt rồi.

Năm Lê ngồi im, không nói gì hết.

Tôi nằm vất vưởng trong quán nàng Lụa chớ không xin vô gặp ông Tư Lệnh nữa, vì ổng không rành pháo bằng ông Năm Lê. Có điều tôi ân hận về sau là tôi đã không cương quyết đề đạt ý kiến là không nên dùng DKB cho trận tổng công kích vào Sài Gòn. Vì Sài Gòn đông dân và vì DKB giết quân ta trước nhất. Quả thật về sau DKB chỉ làm được hai nhiệm vụ giết dân và giết lính. Mười trái bắn nổ hai trái, thuốc phà đui mắt một pháo thủ, trật bốn trái, tịt bốn trái. Hỡi ông kỹ sư méo mồm, ông là ai không cần biết, cứ coi đó là tác phẩm của thằng Hồ. Đám dân đen, nhất là dân Nam Kỳ chết bao nhiêu thây kệ, miễn chiếm được Sài Gòn để "rước bác Hồ" thì thôi.

Tàn dân tàn quân anh dũng thừa thắng rởm bò lên đưa ngực đỡ đạn lót đường cho Bắc Kỳ vào làm cha!

Ba hôm sau Hai Khởi dắt hai trăm tân binh về tới. Ở nhà tôi đã cho đi lãnh súng AK của Bảy Sử, trưởng ban quân khí. Về tới là tôi cho ráp vô ngay. Hai trăm tay súng gà mờ. Tôi cho chia làm ba đại đội (không đủ quân số), cho tập ngắm, bắn sơ sịa, rồi coi cậu nào lanh lợi, khỏe mạnh phong chức B trưởng, B phó, A trưởng, A phó để đưa qua sông về nhập cục với D7 thành lập tiểu đoàn Quyết Thắng (lần thứ hai) của Củ Chi do tôi chỉ huy.

Tình hình nôn tới, không côn thì giờ để học tập, chỉnh đốn đội ngũ hoặc trau dồi kỹ thuật gì nữa. Lò đã mở nắp, củi gộc, củi bởi, củi khô, củi ướt bất kể, cứ đút vào. Con ai cháu ai chớ đâu có con cháu của Bộ Chính Trị mà Bộ Chính Trị thương xót. Nhìn những gương mặt bấm ra sữa ôm AK, nịt bao đạn, tôi biết mình sẽ đưa họ đi đâu nhưng lệnh vua nào ai dám cãi.

Tôi tập họp đơn vị đọc thư chúc Tết Hồ chủ tịt, đọc nhật lệnh Võ đại tướng, thư Quân Khu ủy, thư Bộ Chỉ Huy R... Ngoài ra còn cho chặt một cây tre làm cán cờ xỏ cờ Mặt Trận nửa xanh nửa đỏ vô, cho một tổ vác đi trước, oai phong lấm lét vô cùng. Dăm bảy chục đồng bào đứng bên lề đường vẫy tay, con nít bà già vỗ tay lẹt đẹt không ra cái lễ gì. Nhưng tôi cũng rán gân cổ bảo:

- Tết này ta đón Xuân ở Sài Gòn!

Tôi thách tướng Võ Nguyên Giáp đến Văn Tiến Dũng vô đây chơi với Mỹ Ngụy một vài ván cho biết mặt. Thách cả bọn Tàu Ô, thầy của chúng, những tên đã từng giúp cho Giáp bưng mâm Điện Biên Phủ nữa. Vác ba cái binh thư "Luận trì cửu chiến" của già Mao vô đây mà phá những chiến thuật trực thăng vận, Phượng hoàng vồ mồi, Bủa lưới phóng lao, Tìm và diệt của Mỹ. Vô đây! Xin mời vô đất Củ Chi này chơi vài ngày.

Đụ mẹ các ngài chỉ là những thằng lạc hậu nhưng đầy cuồng vọng. Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân, Trần Văn Trà, Trần Độ tiếng là Bộ Chỉ Huy R nhưng chỉ huy chỉ rùa trận nào thôi, tối ngày chỉ lo cạo râu để nhởn nhơ với các cháu gái và con nuôi chớ biết chiến tranh làm gì. Tên đại tướng bần cố nông Nguyễn Chí Thanh mới mon men xuống tới Long Nguyên cách Củ Chi 20km đã toi mạng ngay rồi kia.

Bay định xua lũ nông dân ngờ nghệch này vào miệng hùm hang rắn. Chúng bay định giết họ bằng tay Mỹ Ngụy để khỏi mang tiếng ác. Dã tâm của chúng mày nay đã bị lột trần.

Dắt đám trẻ con miền Bắc về Củ Chi, tôi chỉ mong có một điều là tìm được một nơi không có bom pháo trong vài ngày để ổn định tinh thần chúng kha khá và để luyện tập thêm một số động tác cơ bản sử dụng súng, lựu đạn và những động tác chiến đấu cần thiết ở chiến trường, chạy, lăn, bò, toài v.v...

Nhìn nét mặt non choẹt của chúng tôi thấy thương tâm. Rồi đây sẽ không còn được chục đứa trở về gia đình. Con cái của ai bị lùa vào đây vậy. Chắc chắn toàn là "cháu yêu" của bác Hồ, nhưng chắc chắn không có con cái của đám đầu nậu trong Bộ Chính Trị và chánh phủ. Bọn này "bận" đi giải phóng miền Nam ở bên Ba Lan, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Đông Đức, Liên Xô để về nước tiếp tục vô Bộ Chính Trị, để bọn con cháu bần cố nông gánh vác nhiệm vụ vinh quang.

Tôi giao Hai Khởi huấn luyện đám tân binh này và đi lo chỗ cất giấu.DKB ở trên đưa xuống. Mặc dù tôi không tin tưởng nó sẽ "khoan bê tông" nhưng lệnh trên phải thi hành.

Một hôm về tới nhà thì thắng Tiền bảo có người muốn gặp tôi. Tôi đã chán những ông bà đòi gặp này lắm rồi. Họ từ Quân Khu hoặc R xuống để dự chiến dịch Mậu Thân, coi Củ Chi như trạm nghỉ chân, nhưng muốn cho cặp chân nghỉ được vài giờ thì không gì bảo đảm bằng hầm. Nhiều ông bà đòi địa đạo vì họ tưởng Củ Chi "thôn liền..." oai lắấm. Nhiều ông biết điều chỉ xin hầm cá trê trốn đỡ. Nhưng hầm đâu mà cung cấp cho đủ. Không thấy cả ban tham mưu quận đội chết cháy dưới hầm, mùi khét còn nồng nặc Củ Chi đó sao?

- Ông nào vậy, Tiền? -Tôi gạn hỏi thằng Tiền.

- Ông Tám Lệ.

- Sao mày biết?

- Ổng đòi vô. Em không cho. Ổng bảo "Nghe tên Tám Lệ là thủ trưởng mày rước tao liền".

Quả thật Tám Lệ, anh chàng bảnh trai có bộ vó giống kép xi nê quê ở Bình Dương. Tám Lệ vào gặp tôi. Tôi cười:

- Coi cậu Tám Bình Dương mướt dữ he!

- Còn mày sao bèo nhèo vậy?

- Đang chạy vắt giò lên cổ đây mày ơi. Mày đi đâu qua đây?

Tám Lệ hỏi:

- Có gì nhâm nhi không, rồi tao kể chuyện cho nghe.

Tiệc nhậu chỉ có hai thằng. Lâu lắm tôi không có bạn nhậu. Nói đúng ra là uống rượu đã thành thói quen, uống trước khi ra trận để "dạn gà", uống rượu sau trận để dập tắt nỗi buồn vì đồng đội rửa chân lên bàn thờ quá đông, uống rượu nửa đêm, uống rượu nắng chang chang, uống rượu trong bình toong, uống rượu trong chai lít, uống rượu với me, với chuối sống, không có lý do gì cũng uống. Rượu là bạn đường chống Mỹ, rượu mạnh hơn cả lập trường, cao hơn cả đảng tính. Bữa trước uống với Tư Nhựt là tri âm, mỗi ngụm là một trời tâm sự. Hôm nay với Tám Lệ mỗi chén là một nỗi niềm.

- Tao nghe mày thăng chức E phó hả?

- Ừ, phó cho Tư Nhựt. Y E phó làm nhiệm vụ E trưởng. Còn tao D trường làm nhiệm vụ E phó.

- Trung đoàn mũi nhọn?

- Ờ, trung đoàn mũi nhọn.

- Tao bị chê nên ở lại Củ Chi với các em gái hậu phương.

Tám Lệ cười nhếch mép:

- Tao mong bị chê mà không được! -Tám Lệ thở đài.

Tôi biết tâm sự của Lệ. Cũng như Tư Nhựt thôi, khác gì. Kinh Kha mà anh Tám Hà nhắc tới hôm nọ, ngày xưa chỉ là một, nay xã hội chủ nghĩa có cả trăm. Biết bao nhiêu thằng lạnh lùng vung gươm ra sa trường mà mang bầu tâm sự của Tư Nhựt và Tám Lệ.

Nhưng Tư Nhựt sắp có được một mụn con, còn Lệ mới cưới vợ chưa có con. Niềm đau khổ của Lệ là ở chỗ đó. Mà Lệ lo là phải.

- Tao đã bảo vợ tao ở lại đi lấy chồng.

- Cái thằng nói nhảm quá mậy.

- Tao nói thiệt mà. Vợ tao khóc quá tay.

- Ai lại nói với đàn bà một câu như vậy.

- Không nói vậy thì nói gì.

- Mày có biết bài thơ này của Simonov không?

Rồi tôi đọc một hơi bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.

Nhờ bài thơ này mà Hồng Quân chiến thắng ở Stanlingrad. Anh Hồng Quân nào cũng chép bỏ trong ba lô Mày không muốn chiến thắng à?

Tám Lệ nốc cạn một chén và quẹt ngang môi:

- Đó là thi phú, còn đây là sắt máu.

- Nhưng mày phái tự tin chớ?

Tiệc xong, Tám Lệ bắt tay tôi, ôm tôi hôn thật lâu. Xong hắn rơm rớm nước mắt:

- Tao không còn gặp mày nữa đâu Lôi! Nè, hình vợ tao đây. Sau này nếu mày có gặp cô nàng mày bảo hãy nhớ và làm theo lời tao dặn.

Tôi biết còn một câu trọng đại trong ánh mắt của hắn mà hắn không thể nói ra nhưng tôi đọc được.

Tám Lệ đi rồi Hai Tiến đến lôi lưng tôi:

- Tụi văn nghệ đòi xuống địa đạo nghỉ ngơi.

- Cái gì?

- Mày cứ cho tụi nó xuống dưới đó đi. Có một thằng nhà văn muốn mô tả địa đạo mà chưa có dịp xuống dưới đó còn thằng quay phim thì càng háo hức.

Tôi hỏi:

- Có thắng nào tên là Nguyễn Vũ không?

- Nó đi cánh khác.

- Nếu có nó đi ở đây, này đừng có giới thiệu tên nó ra với ai hết nghe!

- Sao vậy, bộ dưới này không ưa văn nghệ à?

- Ưa chớ sao không, nhưng ba cái kịch "Mượn Mỹ" của thằng chả làm mấy con lủng sĩ la oai oái.

- Bộ tụi nó khoái lắm hả?

- Khoái mẹ gì. Nghe radio phát thanh tụi nó đứa bụm mặt chạy, đứa tắt liền!

-????

- Tại vì ổng phịa bỏ sách bỏ vở. Thực tế, có con nào bắn trầy da thằng Mỹ đâu. Chỉ có con Út Nhỡ là quào rách mặt được một thằng vì thằng này lủi xuống địa đuổi theo nó. Ấy vậy mà con Nhã Nam trương lên đài một cái tin là một nữ dũng sĩ hạ được bốn tên Mỹ, toàn đội hạ được hai mươi mốt tên trong trận càn Ma-hắt-tăng.

- Ủa, nói vậy không có vụ "Mượn Mỹ" à?

- Có đầu cặc. Mày ngây thơ bỏ mẹ đi, ông bí thư à!

- Vậy sao tụi kịch của bà Thanh Loan dám đem diễn ở đại hội mừng công cho ông Sáu Di coi. Ổng cười khoái chí quá trời!

- Ổng tưởng thật nên ông khoái chớ sao. Ổng hơi tao cả chục câu hỏi. Tao cũng đẩy cây thoa mỡ bò với ổng, ổng cũng khoái luôn. Mà thật, lúc đó chưa xuống Củ Chi tao cũng tưởng Củ Chi "thôn liền..." và chuyện "Mượn Mỹ" là có thật. Khi về đến nơi, tao mới vỡ lẽ "thôn" chẳng có cái nào "liền" cái nào, còn Mỹ thì tới mốt mới quờ được sợi lông chưn của nó! -Tôi nói thầm- ổng đẻ ra cái chiến thuật "đội bạt bom Mỹ, nắm thắt lưng nó mà đánh", ổng mới lọ mọ xuống tới Long Nguyên thì đã đội một trái rồi!

Tôi hỏi Hai Tiến:

- Sao bữa đó mày không đi với ổng?

- Người ta có cái số mày ạ! -Tiến trầm ngâm- Bữa đó tao đang "ở cữ" (rét) không ăn cơm ăn cháo gì được hết. Tao kêu thằng y sĩ tới đo nhiệt độ đàng hoàng trình ổng, để ổng không nghi mình là dân sọc dưa. Trong đám tướng tá của mày ở Hà Nội cũng lắm thằng sọc dưa hà hà... Do đó mà ổng chọn người khác đi với ổng, tao mới được ở nhà. Nếu tao không sốt chắc cũng "đi theo" ổng rồi! -Hai Tiến tiếp- Tao tưởng ở trên R ăn B52 mệt quá, xuống Củ Chi mới thọ, nào ngờ xuống đây mới hay là chẳng có địa....

-..."Địa lu" thì có, chớ địa đạo thì không. -Tôi nháy Hai Tiến và tiếp- Để tao phân công tác các em hướng dẫn tụi văn nghệ xuống "địa..." nghe! Một sức một. Nhưng tao cho mày biết gái Củ... Chi anh rũng tuyệt vời nghe. Mỹ tụi nó còn không ngán đó. Thiếu gì Mỹ đen con, Mỹ trắng con oe oe ở đây.

Rồi tôi họp các em đội nữ lại cáp chạng và.phân công cho mỗi cô một cán bộ văn nghệ. Để các em khỏi ngại ngùng, tôi đả thông:

- Đây là văn nghệ sĩ đi theo bộ đội lấy đề tài để quay phim, viết truyện, vẽ tranh và màn kịch. Vậy các em phải hết sức giúp đỡ các anh về mọi mục đích yêu cầu để phục vụ chiến dịch. Các anh ấy chưa quen đường đất ở đây, các em muốn các ảnh khỏi đi lạc thì phải níu thắt lưng các ảnh mà đá... ánh. Rõ chưa?

- Rõ... õ!

Phân công xong, tôi quay lại Hai Tiến:

- Rủi ổng nghi mày "liên việt" với cô bé thì sao?

- Ổng bị bà quấn rế làm một mẻ ê càng rồi nên không dám bỏ ngón "bác cháu" nữa.

- Theo mày thì hai bác cháu "bang giao" chưa?

- Lâu rồi. Nhưng sợ ông đại sứ của bác Sáu kém tinh thần diệt địch mà bác cố gắng xung phong nên sáng nào bác cũng ho hen, sổ mũi.

- Mày có xem xi nê ma được chầu nào không? Khai thiệt đi rồi tao cho mày xuống địa nghỉ mát. Có không?

- Lâm ly "gùng gợn". -Hai Tiến tiếp- ống cũng ma mãnh lắm. Ổng sợ đi Củ Chi bỏ con bé ở nhà mấy chú Chín chú Ba đến giúp đỡ cháu, nên trước khi đi, bác đem cái cục cưng của bác gởi bên Phụ Nữ Giải Phóng. Ở bên đó yên ổn hơn.

Tôi hỏi nhỏ:

- Tao nghe nói con bé đó có đi quân y bí mật hết mấy ngày. Có không?

- Thôi mày ơi! Kín miệng lả yêu nước, đừng có hỏi nữa. Tao ngứa ngáy tao nói tét bét ra rồi mất hết.

- Bí mật mẹ gì, ở dưới này hễ thấy có mòi tanh cơm tanh cá thì mấy chú mấy bác gởi cháu đi yết kiến thầy nạo Tư Chuyền hay Tám Lê là thắng lợi chăm phần chăm.

Hai Tiến hỏi:

- Mày từng thấy mấy bà quấn rế tả nị xẩy chưa? Tao mục kích bà Hoạn Thư này làm thịt bác trai rồi. Kể ra bác ta cũng biết điều. Tại bữa tiệc bà chị nói mát vài câu. Tướng tá lẳng lặng rút lui có trật tự. Đến khi về tới dinh ông Sáu, bà mới cà niềng cà lỗi. Bác trai sợ nhất cái gì mày biết không?

Tôi đáp:

- Sợ bả về méc bác Hồ!

- Ăn thua gì ông già đó. Méc ổng thì ổng xử chìm xuồng như các vụ anh Ba Lê Duẩn và anh Sáu Lê Đức Thọ thôi. Bác bảo: "Các chú ấy lấy vợ hai trước khi luật hôn nhân gia đình ra đời". Mày coi bác có đanh đá, ủa đanh thép không? Phán một câu mà bao nhiêu đồng chí Trung ương có V2 đều vỗ bụng cười rần khỏe ru như cu bà bóng.

Tôi hỏi:

- Vậy bác Sáu sợ cái gì nhất ở bác gái?

- Mày là nhà văn hay mô tả tâm lý, đoán thử coi!

- Sợ bác gái nhào từ trực thăng, xuống đất thằng Thổ làm thằng vua nó "hốt hền"!

- Bác gái làm vậy, bác trai còn khoái nữa chớ sợ gì?..

- Thôi, chịu thua! Nói nghe coi.

- Bác nói bác về ngoải đề nghị với Trung Ương đem con bé ra Hà Nội rồi cho đi Liên Xô.

- Đi Liên Xô thì học tập càng tiến bộ chớ sợ gì.

- Cái thằng, mày không hiểu tâm lý gì hết. Đi Liên Xô thì bác trai dứt đường tơ còn gì?

Hai Tiến cười khẹc khẹc:

- Đó là tao đoán vậy thôi, chớ bụng bác nào thì cũng cứt không thôi mày ơi. Ở gần mấy ông lớn rồi mày mới thấy chẳng có cái mẹ gì thiêng liêng hết cả.

Tôi cũng cười đáp lễ:

- Có một cái thiêng liêng nhất, mày muốn không, tao cho một cái. Loại USA bảo đảm chăm phần chăm.

- Thôi mầy ơi! Mày chưa có vợ con mày tự do mần cách mạng trong bóng tối lẫn ngoài ánh sáng, còn tao có vợ con rồi. Tao không muốn noi gương anh Ba, anh Tư.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx