sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 87: Bữa Tiệc Máu Mậu Thân

Tôi lại được lệnh hoả tốc viết trên mẩu giấy bằng hai ngón tay tréo. Đang úm em đã quá chời mà phải "biệt ly sầu", để băng qua sông Sài Gòn nhận lệnh.

Khu vực Bến Chùa không hiểu vì sao lại phồn vinh trở lại với cán binh xa mã rập rình. Tôi lại vào nhà dì Ba (tổng hành dinh của ông Tư Lệnh ở trong Đường Long mới dời ra đây). Ba em Mai, Khánh, Ngọc mới hôm nào, nay vắng bóng Khánh. Cô nàng đi thoát ly theo cách mệnh.

Trong nhà đầy nghẹt những người là người. Toàn những ông mặt rằn râu quấn nha trảo của Ba Xu được lệnh về họp khu ủy. Còn tôi là báo cáo viên về chiến thắng cuộc đột kích Củ Chi vừa rồi vào đêm 30 Tết.

Dì Ba là người ra đón tôi trước nhất. Bà ôm tôi rên rỉ:

- Dì sợ quá con ơi! Hễ nghe nói đánh ở đâu là dì sợ cho con dì không ngủ được.

Tôi ló đầu xuống bếp thấy mấy em Mai và Ngọc nói chuyện gì lầm thầm, bèn bước xuống "hừ’ một tiếng. Hai em biết là anh Hai khuấy chơi chớ hổng ai dám vô trồng khoai đất này, nhưng các cô vẫn làm bộ hốt hoảng đập vai đấm ngực anh liên hồi. Anh Hai thừa cơ hội ngàn năm có một bỏ lẹ vài ba ngón "xàng xừ líu", rồi hỏi:

- Dượng Ba đâu?

- Ổng ở dưới hầm.

- Sao tối om vậy?

- Có bình ắc cu dưới đó. -Mai đáp.

Nhưng Ngọc lại bảo:

- Ổng mới đi ra vườn với mấy ông đầu bạc.

Tôi vuốt má hai em rồi đi thẳng ra vườn. Lúc nào hễ các ông họp thì có tiệc lớn. Thiệt là một nơi lý tưởng để ăn nhậu. Vườn cây rậm rạp, trời chiều mát rượi, bàn ghế thênh thang, chén tách ngổn ngang.

Tôi liếc sơ thấy có mấy mặt quen, Bảy Tùng, Năm Đăng, Tám Lê Thanh, Tám Nghĩa, Ba Ân. Trong số này chỉ có Tám Lê Thanh là phó tư lệnh Quân Khu là lớn nhất nên tôi đến trước mặt y, dập chân chào theo điều lệnh nội vụ:

- Tôi, Dương Đình Lôi, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 xin trình diện.

Tám Lê Thanh, tức Tám Dọn, gốc là anh đánh xe ngựa ở Gò Vấp, không biết đi mần cách mạng vô sản hồi nào, được phong chức trung đoàn chịu trách nhiệm bảo vệ R, vừa bị Nguyễn Chí Thanh dẹp dọn cho lính ra đơn vị cầm súng, còn y thì xuống Quân Khu 4 lãnh chức phó cho Ba Xu. Tám Dọn bèn sửa đổi tên đánh xe ngựa ra "Lê Thanh" cho có văn hoa.

Biết tôi rành y sáu câu nên y cười xòa, tay gãi đầu tóc bờm xờm:

- Thôi mà cha! Trình diện con mẹ gì. Tôi biết cha lâu rồi ở đây có ai chánh quy chánh rùa gì mà làm cho ra vẻ!

Thấy tôi chưa chịu "tan hàng", ông Bảy Tùng ốm yếu hom hem (khu ủy viên) khoát tay bảo:

- Thằng cha Tám nói vậy thì chú mày kiếm ghế ngồi cho khỏe cặp giò rồi nói chuyện oánh chác bên Củ Chi nghe chơi.

Ông Năm Đăng, mặt tua tủa râu chổi xể, gò má nhô cao, tức Lâm Quốc Đăng (không rõ tên thật là gì) là người mở đường Trường Sơn đầu tiên thấu tới Nam Bộ (từng làm tư lệnh vùng Mã Đà, Phước Long). Sau này vô Mậu Thân chết ở Gò Vấp, người ta tưởng lầm là Trần Văn Trà, nhưng mấy tên to đầu toàn ở sau đít dí điện cho đám em út thừa thắng xông lên chớ đâu có xung phong mà chết như vậy!

Năm Đăng kẻo ghế cho tôi ngồi và.ngó tôi:

- Kháng chiến hai mùa hả. Băm mấy đây?

- Dạ băm lăm.

- Ờ cũng cứng cạy rồi! -ông rót trà mời- Thôi nói chuyện nghe. Đừng có xưng hô kiểu đó nữa. Lớn bé gì cũng một viên là xong. Thằng cha coi như gà chết đó là Bảy Tùng, phó chánh "quỷ", thằng cha mặt khỉ đột là Tám Dọn, phó tư "lọt,, hồi trước đánh xe ngựa mướn... Hì hì... bị con ngựa cái đá văng nên đi theo cách mạng. Còn cha miệng móm xóm đó là Tám Nghĩa, dân ăn cướp Bình Xuyên vượt ngục Tây, bây giờ làm giao bưu, chuyên môn bắt nhân viên chạy bộ đua với trực thăng bù nốc... Có gì hay bên lề Củ Chi nói nghe chơi chớ chuyện báo cáo tôi biết rồi. Các cha đánh ít nhưng con đĩ lũng Nhã Nam đía thêm lên rồi đài Giải Phóng nhơn gấp ba, ra tới Hà Nội con số địch chết lên gấp mười.

Thằng Thành, cần vụ của tôi, nghe vậy bèn vô nhà lôi cả đống lục cục lòn hòn lớp vàng lớp xanh để một đống dưới đất. Tám Dọn nhăn mặt xua tay:

- Ê, ê! Coi chừng mày nhỏ. Làm nhẹ nhẹ tay để nổ chết bọn già này hết.

Tôi trấn tỉnh mấy ổng. Bảy Tùng nói:

- Súng gì kỳ cục vậy Lôi?

- Dạ, đây là M79 súng phóng lựu của Mỹ bắn từ 50 đến 200 thước. Cũng như trom lông của Pháp hồi trước.

Tám Dọn có biết vũ khí chút ít nên bảo:

- Lôi, mày nhắm bầy gà kia dộng một phát cho thằng chả coi.

- Gà của bà Tư Lọt, tôi không dám. Làm ẩu nghe cha.

- Bắn gà ăn thịt chớ bộ làm ẩu với bả sao mà sợ ổng la?

Tám Dọn khịt khịt mũi rồi vỗ vai tôi:

-Mày đánh thủng vô Củ Chi là giỏi lắm. Hồi trước tới giờ thằng cha Ba Châm không rờ được cái lông chân của nó.

Tám Nghĩa tiếp:

- Ê, vô trỏng có biết được phòng cố vấn Mỹ không?

- Dạ vô được, nhưng không phá được, tụi Mỹ bốn năm thằng bị thủ pháo ta chết sạch.

- Mày có gặp mấy con đầu quăn không? Gặp tao, tao bắt vài con về coi chơi.

Tôi chưa kịp đáp thì Bảy Tùng nói tướp:

- Hỏi gì cái chuyện đó cha. Mỗi thằng cố vấn ít nhứt có ba con đấm bóp. Tụi nó chuyên môn ngủ ở truồng. Chắc là các bốt nó ném tùm lum trong phòng hả mậy Lôi?

- Dạ, rưọu thì nhiều lắm, lấy không hết.

Tôi bảo thằng Thành vô nhà lấy mấy chai rượu còn nguyên, cái radio, ống nhòm, đồ hộp, xố-xích v.v.. ra để trên bàn. Mỗi ông cầm lấy săm soi trầm trồ.

Tám Dọn quơ cặp ống dòm đưa lên mắt rồi la lên:

- Ủa, sao tối thui, không thấy gì hết trọi vậy nè?

Tôi mở hai nắp da đậy mặt kính rồi vặn núm điều chỉnh, hỏi:

- Thấy chưa anh Tám?

- Ờ, ờ thấy rồi! - Tám Dọn đưa tay chụp chụp trước mặt.

Bảy Tùng hòi:

- Anh làm gì vậy anh Tám?

- Tôi bắt mấy con gà chớ làm gì!

- Gà đâu đây mà bắt?

- Trời. Gần xệu hà! Vói tay bắt được mà. Anh hổng tin thì coi nè - Tám Dọn đưa ống dòm qua Bảy Tùng. Đó thấy chưa? Ủa, gà đâu rồi... Sao bây giờ nó ở tuốt đằng kia?

Bảy Tùng nói:

- Tại anh coi ống dòm nên gần vậy chớ sao.

- À, vậy hả? Trời, có ống dòm, bữa nào tàu giang thuyền của nó chạy dưới sông, mình coi chắc đã lắm.

Thấy mấy khúc xố-xích đen đen đỏ đỏ, Tám Nghĩa hỏi:

- Ê, mấy cái gì giống như cặc bò vậy Lôi?

- Dạ, xố-xích Mỹ đó anh Tám.

- Chà, nốc rượu Tây với xố-xích rồi lật mấy con đầu quăn ra dượt. Ba thằng Mỹ này đánh giặc mà sướng như vua. Còn mình nứng cặc kiếm gò mối mà xeo chới biết làm gì. Mấy con mẹ sồn sồn thì kiếm mấy thằng trẻ như thằng Lôi nè, chứ mấy bả chê mình rậm rề. Phó tư lệnh, phó chánh uỷ nghe cho oai chớ xìu trân "oánh chác/ gì được!

Tôi mở xắc-cốt lấy hộp xì-gà mới nguyên khui ra mời, các cha thò tay rút lia lịa. Năm Đăng hỏi:

- Còn gì nữa không em Lôi?

Tám Nghĩa đốt thuốc rồi lắc đầu:

- Nhứt gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu.

- Ê, đừng nói bậy mất đạo đức nghe cha!

- Già chừng nào càng mất nết chừng nấy.

- Thuốc gì khét ngứ, còn thua thuốc Gò Vấp của tụi!

- Đem mà un muỗi quách!

Khói thuốc mù mịt, mỗi ông một câu tha hồ lếu láo.

- Thằng cha Ba Xu đâu không thấy ra họp bàn kế hoạch tấn công đợt hai?

- Ổng mắc tấn công bà Ba Trắng ở dưới hầm Đờ Cát.

- Nhảy mũi cái nào cái nấy muốn bể trời mà hễ thấy thì ham.

- Cái thứ đó trời gầm không bỏ mà. Thì cũng như ông Tám Xe Ngựa này thôi. Ở trên R, rờ bà em nuôi Út Tuất (chị nuôi của Lôi, bà khu ủy viên này đã từng rủ Lôi về nhà làm ăn) nên bị đá văng xuống đây làm "phó... lọt".

- Ê đây không phái buổi kiểm thảo nghe cha!

- Tôi còn biết ông oánh xe ngựa tới nhà bà Út Siêng bên Đồng Lớn vào giác nửa đêm nghe cha! Ai dám kiểm thảo ông?

- Tụi lớn đầu mình nhảy dù công khai không ai dám kiểm thảo, còn lính lỡ mò đàn bà giá cũng đem ra chi bộ cảnh cáo khai trừ.

- Kỷ luật là để dành cho tụi nhỏ chớ phải cho bọn đầu vồ mình sao. Thằng cha Ba Xu đéo đàn bà giá ban ngày trong hầm kìa, thằng nào vô coi rồi kiểm... thảo!

- Các cha nói xấu gì tôi đó?

Có tiếng nhảy mũi to và tiếng hỏi ồm ồm tiếp theo.

Mọi người nhìn lại thì thấy ông Tư Lệnh kỳ này khác những kỳ tôi gặp trước. Ông coi có vẻ bảnh tẻng, râu cạo nhẵn nhụi, áo sơ mi lụa mỡ gà, quần tây đen ủi thẳng có "pli".

Tôi đứng dậy, cung kính:

- Anh Ba khỏe?

- Ừ, Lôi hả? Mới khỏe sau khi nghe mày báo cáo đánh Củ Chi thôi. Có đem chiến lợi phẩm về không? À, kia rồi... lủ khủ có cả M79 nữa hả?

Tám Dọn vọt miệng nói ngay:

- Anh cho thằng Lôi thử M78, 79 gì đó coi! Có bầy gà đang ăn ở gốc đầu kìa. Cho nó làm một phát lượm mấy con gà làm cà ri nhậu.

Tôi bảo thằng Thành xách M79 rình pháo kích bầy gà. Đất tung tóe. Gà gãy giò, sứt cánh, văng đầu nằm lây lất bên gốc cây.

- Mấy ông làm gì ác vậy... Gà của người ta nuôi... -Có tiếng tru tréo đi tới gần.

Ông Tư Lệnh dỗ ngọt:

- Tôi bảo thằng rể quý của bà thử súng chút mà! Chết mấy con tôi kêu thông Hai Nhơn hậu cần đền cho bà gấp ba!

- Xí, tôi không ham gấp mấy hết á! Gà của tôi nuôi, tôi để dành.

- Để dành đám cưới mấy đứa con gái của bà chớ gì! Nhưng nếu không thử súng, ra trận thằng rể của bà sơ suất rồi nó chết, con bà cưới ai?

Tiếng tru tréo im bặt. Ông Tư Lệnh đã bấm trúng yếu huyệt của bà nên bà đổi giận làm vui, tới bên tôi, giọng thân mật chưa từng có từ trước tới giờ:

- Con ra trận rán kỹ lưỡng nghe con, má lo lắm. Lần nào con về gặp dượng Ba con rồi con đi, má cũng van vái và khóc hết nước mắt. Lỡ có bề gì...

Bà quẹt nước mắt đổ liên hồi. Bà khóc thật. Bà thương tôi thật chớ không phải màu mè. Lần này bà gọi tôi bằng "con" xưng "má " trước mặt mấy ông lớn. Bà kéo tôi ra góc vườn bảo nhỏ:

- Lôi nè, con đánh Củ Chi như vậy là được rồi. Dượng Ba con có đưa con xuống Sài Gòn đừng có đi nghe không. Bộ ổng muốn con xuống tiếp với cánh thằng Tư Nhựt hả?

- Dạ con không biết dì à. Nhưng luật nhà binh, trên chỉ đâu phải đi đó, chớ đâu dám cãi.

- Ừ không dám cãi, nhưng đi nửa đường tắt ngang cho lính chém vè. Như vậy tụi lính còn mang ơn con nữa đó. Má nghe nói tụi Tư Nhựt gặp nguy hết rồi. Út Thời kéo xuống một trung đoàn tiếp cứu nhưng kéo tới Tân Thành Đông mắc lầy không đi được, phải trở lại, chắc còn dồn cục trên chợ Thanh An.

- Sao dì biết rõ vậy?

- Chời! Mấy bà giao liên hợp pháp nằm cả đống bên nhà con Sáu Bến Chùa kìa. Họ qua đây xin cơm, nói với má. Đâu có qua lọt Hóc Môn mà xuống Sài Gòn. Tụi Sáu Huỳnh cũng nằm ỳ kia. Tụi Sài Gòn nó bịt kín đường số 9, Thủy Quân Lục Chiến dầy đặc. Bom pháo nó phóng xuống các xã từ Quốc Xuân, Thanh Lộc tới An Phú Đông. Các nơi về báo cáo với dượng Ba con, má rình nghe hết ráo. Ổng đâu có ngồi yên, cơm nước không ăn được. Má chỉ nấu cháo cho ông húp thôi, nhưng chỉ vài muỗng là ông buông xụi không ăn nữa. Ổng nằm vật ra than: "Như vậy là đợi một rục tùng hết rồi". Nhưng ổng kín miệng không than với ai. Bề ngoài ổng làm tỉnh vậy đó, chớ trong bụng ổng như lửa đốt!

Dì Ba ngưng một chút, quệt nước mắt rồi hỏi tôi:

- Con có biết thằng cha Bắc Kỳ lùn lùn mắt toét kêu là Ba Kiên, Ba Kiếc gì đó không?

- Có. Dạ thằng chả là trung đoàn Q16 ở ngoài Bắc vào! Trung đoàn đó thắng ở Điện Biên nên được biệt danh là Hùm Xám Điện Biên, vô đây để tấn công Sài Gòn đó dì!

- Hùm xám hùm đen gì cũng sút móng hết rồi. Thằng chả về báo cáo với dượng Ba, đánh Tân Thông, Trảng Bàng không xong, chạy bỏ thây lềnh đường, không có dân công khiêng thương binh, thằng chả bảo khu làm sao thì làm. Thằng chả trọ trẹ om sòm: "Giặc như thế, ta như thế, đánh cái đéo gì được mà đánh! Trung ương có giỏi vô đây mà đánh!" Dượng Ba tánh nóng nhưng lúc đó lại im rơ trước sự lỗ mãng của cấp dưới. Dượng chỉ vuốt ve: "Đồng chí để tôi lo"., Dì thấy người Bắc cơm ghe bè bạn vô tới đây mà chết như vậy, thiệt tội nghiệp. Thấy thằng chả khóc mếu máo thảm thiết, dì bảo mấy đứa nhỏ khui xá xị mời thằng chả. Cũng là người mình không hè.

Tôi đứng lặng thinh, không còn biết chống đỡ ra sao. Dì Ba nghe chuyện tận gốc chớ dì đâu có đặt ra được. Dì Ba tiếp:

- Hồi sáng có một thằng cha khác cũng Bắc Kỳ, tới bàn với dượng Ba, bảo dượng Ba tính kế khác, chứ nếu nghe Trung Ương thì chết hết lính. Dì nghe nói tụi đặc công đặc kiếc gì đó đi vô Sài Gòn bốn chục năm chục trở về còn chục rưỡi thôi. Còn lính bộ binh thì từ bên Phú Hòa Đông lội sông qua đây như bão tố (dì chỉ Năm Đăng), thằng cha râu rìa như Trương Phi kia kìa thấy vậy bèn kêu thằng Chín Nữa (bảo vệ Bộ Tư Lệnh) bắt hết đem giam ở suối Gò Gấu (Suối Máu) không cho đi lang bang ngoài đường. Hồi nãy con có nghe đài không?

- Đài nào dì Ba?

- Đài Sài Gòn nói tình hình dưới đó bình thường. Còn đài Giải Phóng thì nói đài phát thanh Sài Gòn, Tòa Đại Sứ Mỹ, Bộ Tham Mưu Sài Gòn bị đánh tiêu hết. Trời đất ơi! Mấy tháng cha ngoài Bắc vô đây bày chiện hại người ta quá đi thôi. Tổng tấn công cái gì, có chục rưỡi lính mà tấn dzô Sài Gòn!... Dì nhớ lại hồi chín năm, mấy ông Tô Ký, Hoàng Thọ với dượng Ba con (Ba Xu) hì hục đánh có cái đồn Bến Súc mà không xong làm tiêu cả tiểu đoàn, anh con Là chết trong trận đó (thằng Điều) làm má Hai con cụt dòng. Bây giờ người chết như lá rụng đầy đường, lính cho xe tăng ủi qua hai bên lề rồi lấp đất lại. Chời ơi! Con cháu của ai vậy hổng biết

Dì Ba thút thít khóc. Tôi vỗ về:

- Dì đừng có lo. Con chịu trách nhiệm mặt trận Củ Chi chớ không có đi xuống Sài Gòn đâu!

Bỗng có tiếng nói ồn ồn:

- Hai má con nói gì mà lâu vậy?

Tôi bèn lôi tay dì Ba vào. Ông Tư Lệnh bảo:

- Bà vô coi trẻ nhỏ lo giùm các món. Bữa nay tôi đãi các cha dân chánh để mấy chả đãi mình hoài coi cũng kỳ.

Tôi nhìn thấy đã có thêm mấy bộ mặt mới. Toàn là thứ dữ đầu sỏ của Quân Khu. Chợt có một thằng cha già hom hem đeo mắt kiếng bước tới. Đám kia dớn dác nhìn quanh. Ba Xu đứng dậy nhường ghế:

- Mời anh Sáu ngồi.

Tôi không biết anh Sáu nào, nhưng chắc là ông kẹ lớn (sau này mới biết đó là Sáu Dân tức Võ Văn Kiệt).

Nhưng ông Tám Nghĩa Bình Xuyên đâm hơi làm không khí thân mật:

- Bữa nay có "điền chủ" Rạch Giá tới thâu lúa ruộng tụi mình.

- Phá tôi hoài cha! -Sáu Dân cười giơ bộ răng bàn nạo.

Kỳ này ông định bẻ cổ bao nhiêu đám vịt tàu của nông dân đây?

- Bậy hoài! Vụ đó do thằng Nhơn (chủ tịch Rạch Giá thời kháng chiến) chủ trương chớ phải tôi sao?

- Ông cũng trong tỉnh ủy thì cũng có trách nhiệm chớ.

- Chuyện xưa nhắc lại làm gì ông bạn ơi!

Ngoài Sáu Dân tôi còn thấy thêm một lão cái lưng dài xọc, mặt ngựa, một lão to con vai gấu ngồi bên một mụ đàn bà rất thân mật.

Đối diện với mụ ta là một mụ khác, gò má cao, môi thâm. Sau này tôi hỏi dì Ba mới biết lão lưng dài là Tư Trường, bí thư khu ủy, lão vai gấu là Nguyễn Hộ, còn mụ kia là Sáu Thiệt, vợ của Nguyễn Hộ. Riêng mụ môi thâm là Ba Tú, người Huế, không biết làm cái giống gì trong quốc hội Sài Gòn mà lại lọt ra được đây.

Hộ phụ trách công vận tức vận động công nhân. Sáu Thiệt phụ trách phụ vận tức vận động phụ nữ. Còn mụ Tú Bà thì phụ trách trí vận. Còn một tên mặt thỏ mỏ dơi là Sáu Vinh.

Sau này Vinh về R gặp Xuân Vũ cãi nhau kịch liệt. Trần Bạch Đằng phải cho người xuống dàn xếp, sau đó Xuân Vũ bỏ về Sài Gòn. Sáu Vinh phụ trách báo chí vận. Tên hắnn là Viễn Phương, cán bộ sở thông tin Nam Bộ thời Huỳnh Văn Tiếng làm giám đốc, sau lủi vào thành sửa lại là Phương Viễn, có vợ tên Lưu.

Sáu Vinh thấy tôi thì kêu to:

- Ê Lôi! Con Nhã Nam nhắc ông luôn. Nó có làm cái phóng sự ông cởi quần lấy dây lưng nữ du kích đánh đồn Thầy Mười trên đài Giải Phóng.

Ba Xu gạt ngang:

- Nói cho rõ là nó mượn dây lưng du kích để giật cò súng cối cha nội ơi! Nói như cha người nghe tưởng nó cởi quần nữ du kích ở giữa trận hay sao?

Có mấy tên phụ trách Công Giáo vận, Hoa kiều vận nhưng dì Ba không biết tên gì.

Mặt trời vừa lặn thì thức ăn dọn ra tràn trề trên các bàn nối đuôi nhau như một cái đám cưới nho nhỏ, cà ri, gà chiên bơ, lòng gà xào củ hành... bánh mì, rượu Tây ê hề.

- Khui rượu đi Lôi! -Ba Xu bảo.

Nhưng Năm Tiều xung phong làm việc này.

Ba Xu còn dặn lại:

- Lôi bảo tụi nó canh gác mặt sông và hai đầu cho kỹ nghe.

Ba Xu ngồi gằm mặt ăn chớ không dám huênh hoang nói láo vì các nhân chứng ở ngoài thành đều có mặt ở đây. Lúc đó Tư Trường là bí thư khu ủy, còn Sáu Kiệt chỉ là thường vụ khu ủy nên mọi người đều chờ ý kiến Tư Trường.

Bỗng nhiên bà Sáu Thiệt bật lên tiếng khóc hu hu rồi nghẹn ngào:

- Tôi xin từ chức, hức hức...

Mọi người sửng sốt không biết chuyện gì cụ thể nhưng cũng đoán được sự thất bại trong Sài Gòn: Năm Hộ.

- Đừng bị xúc động mạnh, em! Cách mạng không phải lúc nào cũng thắng. Người cách mạng khác người thường ở chỗ là người cách mạng không thối chí, thua keo này bày keo khác.

Sáu Thiệt vẫn tức tưởi kể lể:

- Cơ sở của anh Chín Lộc là tiệm may của vợ Tư Mạnh (Bắc Kỳ di cư, Mạnh bị biệt kích thằng Lệnh bắn chết ở nhà ngoài của cô Chia và Ua) bị khui lấy hết súng, có cả DKZ nữa. Cả nhà bị bắt. Một dây chuyền bị phá vỡ khắp đô thành làm sao nối lại được!

Sáu Thiệt móc tờ báo trong giỏ xách ra trải trên bàn. Mấy cái đầu bạc dụm lại xem. Bà Thiệt vừa trỏ tấm hình vừa nói tiếp:

- Không có đơn vị nào hoàn thành được nhiệm vụ. Mấy anh thấy lính mình chết trước đài phát thanh và tòa đại sứ Mỹ không?

- Ối ba vụ đó nhàm gì. Giỏi lắm chừng vài chục mạng. Làm cách mạng là phải hy sinh. Sợ hy sinh làm sao cách mạng thành công? -Tư Trường mặt xám ngoẹt nhưng cố nói lướt- Đợt đầu mình mới thăm dò thôi. Đợt hai mình mới tấn công thực sự.

Tư Trường nói tiếp:

- Chúng ta dự định là khi nghe tiếng súng thì quần chúng cơ sở dưới sự hướng dẫn của cán bộ ta sẽ nổi dậy cướp chính quyền, nhưng sự thực đã không xảy ra như vậy, mà ngược lại. Tuy thế chúng ta không nên bi quan, chúng ta phải tin tưởng ở quần chúng. Các đồng chí phụ trách vận động các ngành cứ trở lại bám cơ sở tiếp tục vận động, chỉnh đốn hàng ngũ. Nên nhớ các phong trào Huỳnh Tấn Mẫm, Phật Giáo xuống đường, vụ đặt bom giết tên Mắc-ra-ma, đặt chất nổ ở kho bom Thủ Đức, vào Nha Cảnh Sát Quốc Gia, đều do chúng ta khởi động và lãnh đạo cả. Nói chung các tầng lớp nhân dân Sài Gòn đều chờ mong ta đến giải phóng họ. Đó là yếu tố quyết định thắng lợi của ta...

Tư Trường cứ nói, mụ Thiệt cứ khóc, Năm Hộ dỗ dành. Cả bữa tiệc gồm hơn năm mươi tên to đầu ngồi ngẩn ngơ không ai cầm đũa nổi. Thức ăn nguội dần. Mấy chiếc đèn măng sông tỏa ánh sáng vàng nhạt nhẽo xuống những tô cà ri và những ổ bánh mì làm cho các bộ mặt càng trơ trẽn.

May nhờ bà Tư Lệnh xuất hiện. Bà ta không có chân trong khu quỷ khu ma gì, cũng không có học công tác chính trị chính triếc gì, càng không được ông đại tướng Sáu Di "huấn luyện" như vợ "anh hùng Trỗi", nhưng thấy buổi tiệc khựng lại lạnh tanh thì bước ra quơ tay:

- Mời các ông các bà xung phong đi chớ. Công tôi làm tôi nấu cả ngày nay, bây giờ các ông các bà ngồi ngơ ngáo không ai gắp miếng nào, rượu khui ra không ai chạm ly, vậy chẳng hóa ra uổng công tôi hay sao?

Ông Tư Lệnh như tỉnh giấc mơ hoa vẫy tay bà tới, ông vuốt lưng bà làm sợi dây quai tréo của xú chiêng càng cộm lên sau lớp áo lụa trắng, dịu ngọt bảo:

- Không phải chê tài nấu nướng của em đâu, mà chuyện quốc sự có phần gay cấn.

Bà Tư Lệnh xua tay:

- Chuyện gay cấn thì để đó lo sau. Nhưng ở đây tôi hỏi các ông các bà có con trai con gái rể dâu gì đi xuống đường dưới Sài Gòn không? Chắc là không có rồi. Vậy có gì làm buồn. Con ai chết chớ con các ông các bà còn nguyên.

- Chị nói vậy sao phải, chị Ba! -Tư Trường lắc lia cái đầu vuông như chiếc gối đệm- Chiến sĩ hy sinh, mình là chỉ huy mình đau xót lắm chớ.

- Đau xót thì thôi đừng đánh nữa. Đánh biết thua mà vẫn đánh là sao? Thua rồi đau xót là huề vốn sao?

Bà Ba quen lấn lướt ông Tư Lệnh nhà, nên coi các ông kẹ ở đây cũng là cá mè một lứa nên cứ nói xơi xơi chẳng ai bụm miệng được.

- Chời ơi chời! Tôi mà có con trai là tôi muôn năm không cho nó đi giải phóng của mấy ông. Chị Hai tôi có thằng con trai cho đi Vệ Quân Đoàn hồi 45 chết cụt dòng rồi. Làm sao chỉ đẻ được nữa. Các ông...

- Thôi bà! -ông Tư Lệnh nạt.

Bà Tư Lệnh cười trừ:

- Tôi có nói sai xin các ông thứ lỗi. Tôi ở nhà tối ngày ôm đít ông táo chớ có học hành gì mà hoạt bát như chị Sáu với chị Ba.

Tuy bà Tư Lệnh phạm thượng chút đó, nhưng lời nói của bà cũng phá tan được không khí bi thảm do tờ báothành và những giọt nước mất của mụ Sáu Thiệt gây nên.

Bà Tư Lệnh vui vẻ mời:

- Xin các ông các bà cầm đũa nâng ly. Cà ri bữa nay hơi ca... ay!

Mọi người như tỉnh hồn. Đúng như bà Tư Lệnh nói. Con ai chết thì dù có đau xót mình cũng chỉ sơ sơ thôi. Chỉ trong vài phút buổi tiệc lại rân ran tiếng nói cười, tiếng lè nhè nặc mùi rượu. Và tờ báo in hình chiến sĩ giải phóng hy sinh đã chất đầy xương gà cà ri lùi xùi vàng ngậy như núi.

Tư Trường vừa tiêu diệt xong miếng lườn béo thì ông Tư Lệnh kính cẩn gắp cái đùi gà chiên bơ bỏ vô chén Tư Trường:

- Anh Tư làm cái đùi gà tơ nốc một ngụm uých ky khô cho ngon đi anh Tư.

- Tôi mải tính phục thù vụ đánh Bộ Tổng Tham Mưu.

- Anh để đó tôi lo.

Phía bên kia bàn, Năm Hộ vẫn vuốt ve mụ vợ:

- Em đừng quá bi quan. Cách mạng còn dài...

Tám Nghĩa cười trêu ghẹo:

- Hai vợ chồng già mùi hả? Tối nay pháo Đồng Dù giã sập nhà người ta đó.

Năm Đăng mới làm một ly mà râu đã xừng ra như chổi chà, giọng y khàn khàn như dĩa hát cũ chạy kim tà đầu:

- Đéo bà coi dễ ăn, ai dè khó nuốt.

Bỗng Tư Trường kêu "ơ" một tiếng kém lạc quan cách mạng.

- Gì vậy anh Từ -Sáu Dân ngơ ngác hỏi trong lúc Tư Trường tay cầm đùi gà, tay ôm cái cằm bạnh, mặt nhăn như khỉ ăn ớt.

- Gì vậy anh Tư -ông Tư Lệnh hỏi ông Chánh ủy với vẻ lo âu

- Không biết tôi đang nhai bỗng chạm miếng gì cứng như sắt, hình như mẻ răng!

Tám Nghĩa cười hô hố:

- Vậy chắc là miếng M79 rồi?

- Đừng nuốt! Đừng nuốt! Nhả ra anh Tư.

Tư Trường gục đầu xuống bàn phun đánh phèo một cái. Sáu Dân gật gù:

- Tại anh táp miếng to quá. Cạp nhỏ nhỏ vậy. Tuy đùi gà tơ vẫn có gân có miểng trong đó nữa.

Năm Đăng chen vào:

- Chẳng khác lúc Tào Thào sắp xuống Giang Nam cạp cái giò gà già!

- Bậy nào, nói vậy đồng chí ví Sài Gòn mình như Giang Nam khó nuốt sao?

- Tôi là thằng chăn trâu đâu dám nghĩ xa vậy anh Sáu.

Sáu Dân biết Năm Đăng học khá nên móc "thành phần lãnh đạo" của mình, bèn quay qua ông Tư Lệnh:

- Tại ông hết đó. Ai đời lại cho M79 bắn gà! Rồi không bảo trẻ con nó móc hết miểng đạn.

- Tại ông ham đùi gà tơ chớ tại ai? -Bà Tư Lệnh nói ngang chấm dứt mọi ý kiến.

Tôi ngồi gần mấy ông lớn không thoải mái nên tìm cách thối lui để nhậu "hậu thường" với đám bạn bè khoái hơn.

Tôi nhìn vào sau nhà thấy Năm Tiều đứng ở cửa sau vẫy vẫy. Đúng là có tiệc riêng trong nhà. Tôi đứng dậy nói với anh Ba:

- Để em chạy lo việc canh gác cho chu đáo rồi trở lại.

- Ừ mày đi đâu thì đi. Tao còn giao công tác mới cho mày.

Tôi vào nhà, thấy đầy nhà những ông kẹ con. Trời đất, lính ở đâu mà đặc nhà vậy? Ngọc cản tôi lại, bảo:

- Anh đừng vô, anh vô đó họ mần thịt anh à!

Rồi đưa cho tôi miếng giấy bìa vở học trò. Sẵn đèn măng sông chói vào, tôi nghiêng ra cố đọc:

Ở dưới cùng mẩu giấy cả dọc chữ ký, nào C phó, B phó, A phó, A trưởng. Nhưng không thấy C trưởng và chính trị viên C. Những anh đại đội trưởng và chính trị viên đã bỏ xác ở mặt trận.

Tôi đứng chết điếng không biết làm gì. Bên trong nhà tiếng ồn ào bát nháo vọng ra cùng với những làn thuốc thơm nồng nặc.

- Anh đi ra ngoài đó đi! Để họ rút hết rồi anh hãy vô. Họ có súng ống đủ hết. Anh phải né đám người điên này!

- Họ là lính của Quân Khu, họ phải có kỷ luật chớ!

- Nhưng lúc này anh không nên gặp họ. Họ đang chửi bới cấp trên.

Năm Tiều mưu lược hơn tôi ở những khúc quanh ngoắt ngoéo này. Anh bảo:

- Mày không nên vô đó làm gì. Đó là đám chó điên. Gặp mày là nó ngoạp ngay.

Nhưng tôi không nghe ai hết. Tôi vẹt Ngọc lẫn ông Đốc Chiến và đi thẳng vào nhà. Thiệt là một cảnh tượng hết chê. Giò cẳng bùn đất quai dép đứt lòng thòng còn dính trong chân, gác lên những vỏ chai lăn lóc trên mặt bàn, một thân hình nằm vắt qua hai chiếc ghế đẩu giang tay giang chân, mồm há hốc trong khi một chai rượu trút vào:

- Nào thừa thắng xông lên!

- Ưc ực. Ngàn năm có một, hắc hắc...

Một bàn tay khác bốc một nấm bùn nhét vào mồm lẫn mũi anh chàng và bị phun ra tua tủa văng đầy đất. Trong lúc đó ngồi dựa vách nhà năm sáu trự, đứa ngủ đứa thức ca vọng cổ trêu chọc giọng Ngọc Hoa, Thanh Hùng phát ra từ đài Giải Phóng đang ca bài Cô Gái Nhị Bình.

- Mẹ kiếp, mùi riệu!

- Nghi... êm! -Tôi bất thần quát.

Cả bọn giật nẩy người, nhiều đứa đang ngủ gật bật choàng dậy thau láu mắt nhìn tôi.

- Gì thế nhỉ? ông thì lia cho bỏ mẹ.

- Tôi nhân danh Bộ Tư Lệnh cảnh cáo các anh. Tất cả nghe lệnh tôi. Đứng dậy ra sân tập họp thành trung đội ba hàng ngang. Cậu nào cao cấp nhất đến nhận lệnh của tôi ngay bây giờ.

Một cậu mang K54 từ góc tường đứng dậy lóp ngóp bước ra:

- Tôi trung đoàn phó trung đoàn tiếp trợ trung đoàn mũi nhọn, xin trình diện Bộ Tư Lệnh.

- Đồng chí là trung đoàn phó à?

- Vâng ạ? Em là trung đoàn phó.

- Sao để lính tráng bừa bãi thế này? -Tôi vừa hỏi vừa nhìn dáng dấp và nét mặt anh cán bộ nói tiếng Bắc. Tôi mang máng nhớ đã gặp anh chàng này ở đâu.

Bỗng anh ta kêu lên:

- Anh Hai phải không, anh Hai ở Phú Mỹ Hưng, nhà cô xã đội Nà!

- Cậu là ai? -Đúng ra thì hắn trên tôi một bậc, nhưng vì tôi "đại diện Bộ Tư Lệnh" nên cứ vững bụng đối đáp. Hơn nữa, trông anh ta mới hơn hai mươi.

Anh chàng nhắc lia lịa vụ xin dừa "ủy lạo" nấu thịt chó năm trước.

Hồi đó cậu bé mới là A phó hay A trưởng gì đó, mà bây giờ là E phó. Chưa có quân đội nào thăng chức nhanh đến thế. Tám cấp trong hai năm!

Tôi vừa chợt nhớ ra thì Diệu ôm chằm lấy tôi khóc hu hu:

- Chúng em chết hết ráo... về được có bấy nhiêu đó anh Hai ơi! Hu hu...

Tôi cầm lòng không đậu, bệu bạo cũng muốn khóc theo, nhưng làm tướng đâu để rơi lệ trước ba quân. Tôi kéo ghế bảo:

- Cậu ngồi đó đi rồi tôi tính cho.

- Em là thằng Diệu nè. Anh cho tụi em cái đùi bò đấy, nhớ không?

- Quân số còn được bao nhiêu?

- Hơn hai mươi thắng.

- Có hoàn thành được công tác không?

Diệu gục đầu xuống bàn rú lên thảm thiết. Đôi vai gầy nhom run run hồi lâu, rồi cậu ngóc dậy:

- Ban chỉ huy trung đoàn chết hết anh ạ. Đơn vị còn sổng sót cử em thay thế chớ đâu phải cấp trên phong cho.

- Mục tiêu của trung đoàn cậu là gì?

- Em đâu có biết. Ban chỉ huy cũng đâu có.biết. Các ông ấy bảo cấp trên ban lệnh cho hành quân về phía Sài Gòn rồi sẽ cho quân báo dắt tới mục tiêu. Tụi em cứ đi, khi gần tới một nơi kêu là Quốc Xuân hay Thanh Xuân gì đó thì bị tụi Sài Gòn chận lại không đi được nữa, rồi kế bị pháo dập chạy tán loạn. Đường sá không biết, lại không có ai hướng đạo, chạy loanh quanh, ban chỉ huy hy sinh. Ban chỉ huy tiểu đoàn lên thay lại chết. Em mới là đại đội phó, nhưng là cao cấp nhất còn sống sót nên anh em đôn lên trung đoàn phó.

- Thôi được rồi, để tôi thay mặt Bộ Tư Lệnh giải quyết mọi khó khăn cho cậu. Bây giờ cậu ra hướng dẫn cho anh em tìm nhà trong xóm đóng quân tử tế, chỉnh đốn hàng ngũ, giữ lại quân phong quân kỷ. Cần gạo thóc thì cứ mua, bảo Hai Lôi sẽ thanh toán đầy đủ, chớ đừng vô quán ăn rồi viết giấy như thế này người ta chê lính cách mạng vô kỷ luật nghe không.?

- Vâng ạ! Nhưng chúng em là người Bắc, đồng bào ở đây không ưa nên gọi là lính "vịt xiêm" không có tiền, mua họ không bán.

Tôi lấy giấy bút ra viết mấy câu cho Diệu cầm làm tin mỗi khi mua hàng. Diệu mừng cám ơn rối rít:

- Anh cứu chúng em lần thứ hai! -Rồi thất thểu bước ra.

Năm Tiều đến ngồi gần bên tôi thầm thì:

- Tao phục mày luôn. Vừa đánh vừa vuốt. Nếu mày làm hung tụi nó đám chơi mày lắm. Tao và thằng Thành cũng hờm sẵn đây, hễ có chuyện là xông ra.

- Tội nghiệp đám trẻ con này quá chú Năm. Chúng nó không biết Sài Gòn ở hướng nào, lại xông vào sình lầy sông rạch bơi lội sao nổi? Vậy là...

Năm Tiều nói:

- Như vậy cũng êm rồi. Dặn con Ngọc đừng có lộ ra cho ông Ba Xu biết.

Năm Tiều ở lại trong nhà và nhậu với đám cần vụ của ông. Chỉ mình tôi trở lại bàn tiệc. Tư Trường còn ê răng không gặm đùi non nữa mà ăn miếng lườn nạc trắng phau.

Năm Hộ vừa ăn vừa rù rì với bà vợ, thỉnh thoảng lấy tay chùi nước mắt cho mụ. Riêng mụ Tú Bà thì được Sáu Dân, Tám Nghĩa o bế coi bộ gần gũi trong tình đồng chí nước mặn đồng chua. Thịt cá ê hề, nhiều chai rượu khui ra nếm thử rồi bị chê hôi riềng hôi bù xít nên không ai uống.

Xì gà cháy khét ngứ, khói mù mịt. Rõ đám bần cố hỉ học làm sang, thấy món gì của Mỹ cũng đớp thử "xem nó ra sao". Tám Nghĩa không ngại gì hết. Y mó món này sờ món khác. Nhờ Năm Tiều chỉ cách, y làm oai với Sáu Dân. Y lấy cây tăm xỉa răng xoi đít một điếu xì gà và bảo:

- Phải xoi vầy hút nó mới ra khói, anh Sáu. Anh nhớ xoi ngay đít, đừng xoi đàng đầu. Đít nó tròn um và láng lức thấy không?

Y đưa thuốc cho Sáu Dân rồi nói tiếp oang oang:

- Chà, cái hộp của nó đựng thuốc mà coi cũng khéo. Còn mình, cây viết Hồng Hà giắt túi mực chảy dính áo tùm lum!

- Đứa nào bơm đèn cho sáng lên coi bay, kẻo anh Tư mắc cổ miếng M79!

- Ảnh nhai rau muống già từ trẻ tới già, miểng B52 anh nhai cũng nát nữa là miểng M79! Ê, còn thằng cha Mười Thơ (Mai Chí Thọ) kia sao gắp hoài không nói gì hết vậy? Bộ có kế hoạch riêng phụ nhĩ với bà Tú hả?

- Đến đây để ăn chớ bộ để nói sao?

Cụp keng, cốc chát, hi hí, hục hục... khói tỏa mù trời. Rượu đổ ngập bàn. Thịt cứ rội thêm. Dưới sàn ba con chó giành xương.

Ba Xương cắt xố-xích Mỹ đưa cho Tư Trường:

- Làm khúc dồi đi anh Tư. Bảo đảm là không có miểng M79 trong đó.

Ba Xu ngoắc tôi lại, hỏi nhỏ:

- Mày vô trong đó có chuyện gì vậy Lôi? Canh gác có kỹ không? Nhớ coi chừng phía đường đất đỏ, giang thuyền nó hay đổ quân lên đó.

- Dạ không có chuyện đó đâu, anh Ba cứ yên chí.

- Thằng Chín Nữa nó vừa mê gái vừa ham nhậu, tao sợ nó quên nhiệm vụ canh gác. Mỹ nó hay nó hốt hết bữa tiệc này là Quân Khu kể như rắn mất đầu. Ăn xong còn phải họp bàn kế hoạch đợt hai.

Ông Tư Lệnh vừa nói dứt tiếng thì có tiếng chân người từ ngoài đường đâm ngang qua mấy liếp chuối xông vô điểm tiệc. Mọi người ngơ ngác nhìn ra. Bỗng trong bóng tối vọt ra một tốp người mà vừa nhìn thấy tôi thất sá hồn kinh.

Rồi một tiếng la khoái trá:

- Đám cưới tụi bay ơi! Đám cưới! Đám cưới tụi bay ơi!

Thế là ào ào một đám người xông vào như xung kích. Không nói không rằng họ ồ ạt chen vào bốc hốt quơ quào, gầm gừ la ó như một bầy thú đói không biết gì khác ngoài ăn. Cái "đám cưới" này dành cho họ! Còn những ông lớn bà lớn thì ngồi như đóng đinh xuống ghế, dớn dác nhìn nhau, không hiểu bọn hung thần này từ đâu tới.

Cũng may có tiếng Năm Tiều vang lên:

- Chủ nhà chúng tôi không biết các chiến sĩ chiến thắng ở Sài Gòn mới về nên không dọn sẵn tiệc để tiếp đón, vậy tạm đây xin mời các chiến sĩ dùng cùng chúng tôi ly rượu miếng thịt của đám cưới.

Các ông bà cũng khôn vong. Mấy hôm rày ông tư lệnh phó Lâm Quốc Đăng tức Năm Đăng đã truyền lệnh bắt cả chục tốp lính từ Sài Gòn trồi về cái kiểu này, nhưng đêm nay ông lại im lặng không dám thi hành chính sách bắt trói đem giam ở suối Gò Gấu nữa. Giữa lúc quá ư đói, họ hung hăng và bất mãn, họ có thể làm bất cứ việc gì. Câu nói bất ngờ của Năm Tiều đã nối được nhịp cầu tri âm giữa quan và lính!

Năm Đăng biết học tập Hồ chủ tiệm, lùi một bước để tiến hai bước.

Sáng hôm sau, ông kêu cả đại đội cảnh vệ của Chín Nữa đi lục hết các cơ quan đóng trong khu vực Bến Chùa gom lại và ra lệnh cho họ đi bắt các đám lính từ Sài Gòn trồi về, như để rửa cái hận đêm qua.

Tôi không dám can mà cũng không hướng ứng, lấy cớ rằng có lệnh về gấp Củ Chi để triển khai kế hoạch.

Tôi và Năm Tiều ngồi trong quán nàng Lụa uống la de, thằng Thành đứng ngoài đường cái dò xét tình hình.

Tôi nói với Năm Tiều:

- Tôi phục lăn "ông đốc chiến". Nếu không có ba tấc lưỡi của anh chắc đêm qua xảy ra một cuộc đại chiến bất phân thắng bại.

- Ừ, nếu ông tư lệnh phó sửng cồ kêu bắt trói thì đám cọp đói dám làm loạn lắm đó. Tao thấy trong quán tao đã ớn rồi. Đụng tới nó, nó lảy cò. Bà thủy có khi nào bắt thường gà. Nó ra vành móng ngựa lãnh án thì mình cũng tiêu dên rồi.

- Hì hì, bỏ ba bà lại cho ai, phải không "chú Năm"? Tôi hỏi thiệt chú nghe.

- Mày lại định đổ mực Tàu lên lý lịch của tao đó hả?

- Kỳ này nghiên cứu chiến trường mình tạt qua An Phú chút nghe chú Năm.

- Bậy nào. Mày có đi thì đi một mình, còn tao xin kiếu cái đất đó.

- Sao vậy chú?

- Bả là vợ lính Hoàng Thọ cũ mày biết không? Tao thấy bả trống chưn nên mới nhảy vào. Bả cho tao nhảy nhưng hăm tao mẻ răng: "ông mà lẹo tẹo với ai thì tôi thiến!" Mà thiệt, bả đã từng lội qua Phước Hiệp hỏi tội bà Sáu Nguyện tại sao dám nẫng cục cưng của bả đó mày ơi!

- Còn bà lớn có huấn thị anh câu gì không?

- Mấy thằng ông nội về trước đồn tao có vợ ngoài Bắc nên bả trả thù tao, bả quơ thằng nào lọt ra đứa nhỏ.

- Còn thằng con trai?

- Thằng con trai lớn của tao với bả tên là thằng Tiên. Hồi đó tao cũng oai như mày bây giờ vậy. Tao chêm bả cựa đầu hồi bả mới mười sáu tuổi. Bả kêu như tiên nên đẻ ra bả đặt là thằng Tiên đó chớ.

- Rồi bây giờ đứt đường tơ?

- Đứt không đứt mà dính không dính lắm. Lâu lâu tao về thăm thằng nhỏ. Nó đã mười ba tuổi rồi, học ngoài Trảng Bàng. Con trai lớn xộn vậy mà tao không săn sóc nuôi nấng gì hết, bây giờ lại mắc coi chừng con Thanh.

Năm Tiều nốc ngụm bia rồi tiếp:

- Nè, sẵn đây tao nói luôn. Con Thanh nó thấy mày đá bóng với mấy con nhỏ kia tao biết nó cũng rạo rực lắm. Ở Củ Chi này nó cũng không thua đứa nào. Tao không nói gì hết. Hai đứa bây muốn làm gì thì làm, nhưng hễ nó sình ruột thì mày phải kêu tao băng chú chớ không có chạy chối được đâu!

- Hì hì... Nó mới mười sáu mà chú... ú!

- Mười thấy thì mười, ai mà ngăn cho được? -Bỗng Năm Tiều vỗ đùi- Mày dại quá Lôi!

- Gì vậy chú Năm?

- Chiến lợi phẩm thì đem nạp cho mấy chả bấy nhiêu đủ rồi. Còn ba cái tiền Mỹ đưa cho mấy chả làm chi. Bỏ túi rồi nhờ Chệt Hứa đem đổi mình xài phải đỡ không? Trời! Gặp tao là tao ỉm.luôn đem về cho má sấp nhỏ.

Tôi sực nhớ bèn mở sắc cốt lấy ra một cọc đô la xanh, ngó quanh không thấy ai, bên để trên bàn:

- Anh tưởng tôi ngu lắm hả? Tôi chỉ nạp một ít cho có vị.

- Còn đây bao nhiêu?

- Chừng một ngàn rưởi.

Năm Tiều nhảy cỡn lên:

- Thiệt hả mậy? Đổi ra mình sống cả đời. Đưa tao một ít tao cho mẹ đĩ làm vốn buôn bán và mua cho thằng cu một cái "xây cô" ba cửa sổ.

- Mẹ đĩ nào?

- Cả ba chia đều.

- Nói đều nhưng chắc thiên vị bà Nguyện hơn vì bả mới hai mươi ngoài, còn hai bà kia vô hội mẹ rồi.

- Cái thằng! Mày cũng vậy chớ phải riêng tao sao. Mà mấy lão già dềnh cũng khác gì. Mày thấy con mẹ bún bò Huế không? Mấy chả búng tay cái là được, nhưng có cha nào thèm. Quơ mấy em học sinh đã hơn.

Nhậu hết cả két bia, Năm Tiều ngồi sát bên tôi, lấy giọng quan trọng:

- Năm Lê đã phổ biến cho tao kế hoạch tác chiến của Quân Khu, vùng Củ Chi do mày phụ trách. Thằng chả là phó tư lệnh nhưng kiêm tham mưu trưởng. Mấy thằng cha Tám Xe Ngựa với Năm Bù Đốp (Năm Đăng) biết mẹ gì quân sự mà lãnh phó một, phó hai trên chả. Chả không thích nên trong buổi tiệc chả ngồi im rơ mày không thấy à?

- Tại ông rơi hầm chông nên lãnh phó ba chớ so với Tám Xe Ngựa ông là sư mòng.

- Tao biết rồi! Ổng bỏ vợ lớn là tội lớn. Làm gì thì làm không được bỏ vợ tào khang mày biết chưa? Bây giờ tao vô đề nè. Thằng chả bảo tao nói lại với mày đừng buồn.

- Buồn gì mà buồn cha?

- Có chớ! Mày qua anh Năm mày sao được. Tụi thằng Tư Nhựt, Hai Phái đã lên E trưởng, E phó cả rồi mà mày còn D trưởng mà so khả năng chúng nó thua mày xa. Quận trưởng Củ Chi là đồ bỏ, chỉ huy mấy con lũng sĩ đối với mày như ăn cháo. Mấy phen về H6, ra D Quyết Thắng, ở trên đã rõ khả năng của mày, nhưng sở dĩ kỳ vô Sài Gòn mà mày không được đi là... là vì...

- Tôi biết! Tôi biết anh Năm ơi!

- Không phải vì lý do mày có thằng em đại úy Thủy Quân Lục Chiến đâu, mà là vì mấy chả muốn giữ mày lại "để nái". Mày biết ông Ba Xu và ông Năm Lê cưng mày lắm. Cán bộ đánh đấm thì dễ tìm, nhưng cán bộ huấn luyện đào đâu ra.

- Vậy hả? -Tôi làm bộ thông suốt tư tưởng- Tôi không để ý gì hết anh Năm à. Mấy ổng kêu đâu mình làm đó. Thiên Lôi mà!

Thực ra tôi không có rạo rực đi Sài Gòn. Tư Nhựt được phong làm anh hùng đề bạt E phó quyền E trưởng nhưng hắn đâu có phấn khởi. Hai Phái lãnh chức chính trị viên E mà trối,dài với tôi: "Mày ở lại lo giùm mấy đứa em nuôi của tao!"

Bây giờ đã rõ. Cả E một ra đi là không trở về.

Bỗng thằng Thành chạy vô thở hào hển:

- Anh Hai ơi anh Hai! Chú Chín kêu anh ra phụ giúp.

- Giúp trói tụi lính đào ngũ hả?

- Dạ không phải.

- Gạt tao hoài. Tao là chỉ huy, tao nỡ nào trói tụi nó đem đi giam mậy! Tao không có nhẫn tâm làm như vậy được.

- Không phải đâu anh Hai à! Chú Chín bảo tôi vô mời anh ra giùm. Có trường hợp đặc biệt.

Năm Tiều đốc chiến:

- Mày ra coi việc gì chút. Nó biết tao ở đây mà nó chỉ kêu mày, vậy là nó cần mày.

Tôi cực chẳng đã phái nịt súng quảy xắc-cốt đi theo thằng Thành.

- Gì vậy Thành?

- Anh Chín Tống...

- Tao biết, rồi sao? Kêu tao làm gì?

- Anh Chín Tống...

- Đại đội trưởng súng cối cũ của tao.

- Ảnh bị chú Chín Nữa bắt, hai người giằng co sắp bắn lộn nhau.

- Vậy à? Mày chạy dông ra trước bảo đừng làm vậy, có tao tới.

Thằng Thành chạy vút đi, tôi vừa đi vừa ngóng ra phía trước sợ nghe tiếng súng nổ. Chín Tống bây giờ chỉ là đại đội trưởng thật là tội nghiệp. Anh ta hiền và gan dạ, không khi nào kèo nèo cấp bậc. Đám cựu trào từ Bắc về đã chết hết, Tôn Sứt, Ba Tố... chỉ còn sót Chín Tống. Tại sao y trốn mặt trận về đây?

Tôi ra đến đường lớn thì thấy một đám lính áo cứt ngựa lẫn áo đen có cầu vai bị trói ngồi lóc nhóc bên lề đường, Chỉ có hai người đứng múa tay hất mặt với nhau. Tôi quát ngay:

- Hai Lôi đây Chín Tống! Đút súng vô bao!

Chín Tống quay lại. Chợt thấy tôi, quăng súng chạy tới ôm choàng.

- Hụ hụ... -Y khóc mùi mẫn như con nít bị đòn.

Tôi cũng đứng chết trân. Chín Nữa từ từ đút súng vô bao, nói nhỏ rí:

- Thằng Tống chớ phải thằng nào, tao bắn bể đầu.

- Thôi dượng Chín cho cháu xin!

- Ở chiến trường lệnh là lệnh. Ông Năm Đăng kêu tao bắt trói lính đào ngũ là tao bắt trói hết, bất kể lớn nhỏ... Tao bảo nó đưa tay cho tao trói, nó không đưa. Nó còn cự nự bảo không phải lính đào ngũ. Tao bảo đưa tay tao trói tượng trưng thôi, nó cũng không chịu. Nó bảo làm vậy nhục nó. Tao dọa bắn. Nó cũng rút súng: "Đụng tới tao, tao bắn nát óc". Mày nghĩ coi, tao nhịn... tao nhịn...

Tôi biết hai ông trời con này dễ gì ai nhịn ai. Cả hai đều có thành tích cả. Quả thật một thằng đại đội trưởng bị bắt trói còn mặt mũi nào chỉ huy lính. Tôi đành hạ giọng năn nỉ dượng Chín của tôi:

- Dượng Chín à! Tống đã từng là đại đội trưởng của tôi trong nhiều trận đánh bộ binh lẫn xe tăng Mỹ. Nó không hèn nhát đâu. (Chín Tông lớn hơn tôi nhưng tôi quen kêu như vậy vì Tống cũng gọi tôi bằng thầy như những người khác lớn hơn tôi về cấp chức lẫn tuổi tác) Thôi dượng cho tôi lãnh riêng nó về với tôi. Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Có lẽ Chín Nữa cũng không ham bắt trói lính tráng và sĩ quan trước mặt dân chúng làm nhục họ, nhưng lệnh trên phải thi hành, nên nghe tôi nói thì gật:

- Trường hợp đặc biệt duy nhất đó. Tao không tha cho ai nữa, nhưng mày phải ký tên nhận lãnh, tao trình ông Năm Đăng,

Tôi đã ký giấy ăn chịu đêm qua, bây giờ... rột. Tôi đưa miếng giấy cho Chín Nữa. Đám lính áo đen giải phóng lẫn đám áo cứt ngựa nhao nhao lên đòi tôi lãnh. Tôi bảo:

- Các em chờ đó, chút anh trở lại giải quyết. Thôi đi, Chín Tống.

Tôi dắt chàng dũng sĩ Sài Gòn vô quán. Năm Tiều đang ngoẹo đầu trên lưng ghế ngáy như trời gầm.

- Anh Năm, dậy nhậu tiếp!

‘Tôi thuật lại mọi việc cho Năm Tiều nghe. Năm Tiều vốn tính bộc trực, nói ngay:

- Thằng cha Năm Đăng giải quyết vấn đề như vậy dở ẹc Tụi nó là gà rót rồi. Muốn cho nó đá lại, phải om, chớ bỏ cho đạp mái là bỏ luôn gà con. Tụi nó bỏ chiến trường là vì không thuộc địa hình, không nhận diện được đối phương, không cập nhật được đồn bót, điểm tấn công. Muốn tụi nó cầm súng quay lại mình phải giáo dục và hướng dẫn kỹ càng hơn chớ. Trói giam tù, làm nhục lính là biện pháp hạng bét. Tôi hổng phục ông phó tư lệnh đó chút nào.

- Anh đừng nói om, tai vách mạch rừng nghe anh Năm.

- Tôi nói thiệt chớ, tôi không ngán ai. Thằng này đánh giặc cũng vài trăm trận rồi. Đối xử với lính vậy coi sao được? Cần nghỉ tôi cũng về nhà cày ruộng chớ sợ gì mất chức tham mưu phó Quân Khu? (lúc đó anh đã được đề bạt tham mưu phó).

Chín Tống nghe nói bèn sụp quỳ xuống ôm chân Năm Tiều khóc tiếp. Tôi kéo y ngồi lên ghế, rót bia:

- Uống đi em, rồi mình tính tới.

- Tao sẽ bổ sung mày về đơn vị thằng Lôi.

Chín Tống vẫn còn ấm ức, kể lể:

- Em đánh giặc cũng đã mấy chục năm rồi anh Năm và thầy Hai! Nhưng chưa bao giờ em lại chỉ huy ở tình huống lạ lùng như vầy. Anh nghĩ coi, đơn vị xuống gần Quới Sơn thì không còn biết gì nữa. Em là đơn vị yểm trợ bộ binh nhung bộ binh đâu không thấy. Pháo kích đồn nào em cũng không biết. Liên lạc với ai để xin chỉ thị cũng không biết. Loay hoay rồi bị máy bay phát hiện. Em phải vứt súng xuống sông, không biết sông nào, lặn qua sông không còn một tên lính. Đúng là đem con bỏ chợ. Em không dám nhìn mặt mấy đứa lính sống sót của em. Vậy mà lội về tới đây lại bị bắt trói là sao? Em nói thiệt, lúc nãy thằng nào đụng tới em là bể đầu ngay. Chú Năm ơi! Thầy Hai ơi! Lính của em chạy ra đồng bị cá rỉa chết sạch. Chính em trông thấy trước mắt em. Em ra lệnh, tụi bay cứ việc chạy. Đứa nào biết lội lặn xuống sông may còn sống sót. Tội nghiệp mấy cậu Bắc không biết lội cứ loanh quanh trong vườn rồi bị pháo ăn. Hu hu. Em nhục quá. Chỉ huy gì ra lệnh chạy và bỏ lính. Bây giờ em còn dám nói gì với tụi nó nữa.

Chín Tống vừa khóc vừa nói, hết khóc lại nói, hết nói lại khóc như một thằng điên.

Bỗng từ cửa buồng ló ra một bộ mặt: Lụa!

- Anh Chín đói bụng em làm cho tô bún thịt nướng.

Tôi bảo:

- Đem ra ngay.

Lại một bộ mặt khác ló thêm: con Sáu Bến Chùa. Nhà Sáu gói bánh dừa bán tiếp tế cho bộ đội đi tổng tấn công, có đến cả ngàn cái. Sáu nói giọng đầy nước mắt:

- Ông Xiềng, ông Điểm, ông Năm Thôi, cả văn phòng ông Tư Nhựt bị đầm già phát hiện kêu pháo Bình Dương, pháo Tân Sơn Nhứt dập chết hết. Tội nghiệp ông Hai quản lý cà thọt chân chạy không nổi, anh Hồng Văn Thư, anh Cảnh, anh Minh quân khí, ông Chín Phước đẹp trai cấp dưỡng, cả thằng Thắng em vợ chú Năm nữa cũng rụm luôn rồi chú Năm ơi, chú cho chị Sáu Nguyện biết đi! Hu hu...

Cô bé kể có dây có nhợ, đến chỗ thằng Thắng chết, Năm Tiều trợn trắng mắt ra, rồi quát:

- Con nhỏ nào đó, về đi! Kể lể khóc lóc cái gì!

- Chồng chưa cưới của nó là thằng Xỉềng ở K9.

- Chưa cưới chớ phải cưới rồi sao khóc. Chết thằng này lấy thằng khác, khóc lóc cái gì!

Năm Tiều đứng dậy lơn tơn đi tới cửa buồng. Tôi sợ ảnh đổ quạu dám bạt tai con nhỏ, nên bảo:

- Tao biết rồi bay ơi, đừng có nói nữa.

Lụa tiếp:

- Đêm qua lính về ghé quán em chật hết nên kéo qua quán con Ngọc. Họ ăn xong ghi giấy ký tên để lại đây, bảo đưa lên Quân Khu trả. Họ nói tung hê đủ thứ chuyện. Họ nói chú Hai Phái không phải bị tử thương mà do ai đó bắn ngang. Lúc chú kêu: "Đảng viên Cộng Sản tiên lên" thì viên đạn xuyên qua màng tang chớ không phải từ trước bắn lại phía mình.

Năm Tiều dằn mạnh ly bia và gầm lên:

- Mày cũng biết Hai Phái Hai Phiếc nữa!

- Dạ cháu biết chớ. Chú Hai về họp với dượng Ba ghé đây ăn bún hoài mà.

Tôi vẫy tay bảo Lụa:

- Thôi đi vô làm bún cho anh Chín đi em! Tin tức sơ khởi không chính xác đâu. Vài ngày tụi nó lục tục kéo về đủ mặt cho coi!

Nhìn gương mặt sa sầm của ông đốc chiến, tôi không còn biết nói gì. Trong buồng, tiếng khóc ri rỉ của cô Sáu Bến Chùa nghe nhức xương.

Năm Tiều đột nhiên nói bâng quơ:

- Kiểu này ông bà đâu có dám về mà Tết với nhứt.

Bỗng thấy dáng Chín Nữa ngoài đường, tôi ngoắc. Chín Nữa tạt vào.

Thấy Chín Tống đang lua bún, y nói giọng xìu trân:

- Đó là lệnh của mấy ổng, không phải lệnh của tao ra. Mày đừng giận tao tội nghiệp nghe Tống. Có giận cũng giận vài ngày thôi, đừng giận lâu.

Chín Tống cứ lua bún làm như không nghe. Chín Nữa thở dài:

- Ở trên bảo mỗi lính ta phải đeo sẵn hai mươi thước dây để trói lính Sài Gòn. Bây giờ.:. hết trơn dây rồi chú Năm!

Năm Tiều nạt:

- Thôi mày ơi, đến nước này còn cà rởn!

Tôi biết Năm Tiều sợ bà vợ bé thứ ba là Hai Nguyện nhất. Chính ông làm tài khôn dắt thắng em trai của bà ta vô bộ đội, rồi bây giờ cúng cơm không nhang đèn ở Sài Gòn nên ông ta hốt hoảng. Tôi nói ngay tim đen ông ta:

- Thì ông cứ nói dóc là xong chớ gì.

- Nói thể nào?

- Bảo là ông cho nó về R để sửa soạn đi Liên Xô, như thằng Lần đi ba năm nay vậy.

- Đi ba năm mà chưa tới Liên Xô! Nói láo vài lần thôi chớ nói hoài được sao? -Năm Tiều ngồi thở dốc- Tụi nó nói om lên mày không nghe sao? Đụ mẹ, ba cái tổng tấn công này tao coi bộ hố rồi đó nghe mày.

Bỗng ngoài đường có bóng hồng tươi tắn xuất hiện tiến về hướng quán. Năm Tiều trỏ ra:

- Kìa thần L... Tới kêu mày nữa đó.

- Ai?

- Ai thì mày biết chớ!

Cô bé xăm xăm vào quán. Tôi nhìn ra Ngọc.

- Chị Lụa, có ông Hai Lôi ở đây không?

- Không có Hai Lôi ba kéo gì hết á!

- Ơ kia kìa! Anh Hai, dượng Ba kêu anh trở lại dượng bảo.

- Bảo sao người ta ở đó không bảo, để người ta sắp qua sông lại kêu! -Tôi làm mặt giận với con bé nhưng cũng đứng dậy nịt súng và quơ xắc-cốt mang lên vai.

Ngọc quay lưng ra liền. Lụa ngó theo, làu bàu:

- Nó đặt chuyện chớ dượng Ba dượng Tư nào!

- Chuyện quân sự của người ta! -Năm Tiều gạt ngang.

- Quân sự sao không kêu trinh sát cảnh vệ đi, lại bảo con ranh đó.

Tôi vỗ vai Chín Nữa, bắt tay Chín Tống rồi nói với Năm Tiều:

- Chú Năm ngồi đợi chút. Làm vài chai nữa đi chú.

. Tôi chạy theo, con bé đã ngoe ngoảy đi ra tới đường. Tôi hỏi:

- Chuyện gì vậy Ngọc?

- Ai biết đâu nà!

Về tới nhà, thấy trong ngoài lặng trang, tôi hỏi:

- Má... á đâu?

- Bả đi Sài Gòn công tác cho ổng.

- Khánh không có về à?

- Đi vô địch vận của Tư Linh lâu rồi, không biết à? Còn chị Mai đi nấu bánh tét cho bộ đội.

Tôi hơi nghi trong bụng. Như vậy là cô bé báo cáo "tình hình địch" quá rõ ràng. Thời cơ ngàn năm có một. Nhưng Ngọc mặt quạu đeo chớ không hồ hởi như những lần trước tôi về đây. Có điều là tôi thấy nàng lớn hơn trước nhiều. Ngọc dẫn tôi đi ra sau vườn. Qua bãi chiến trường đêm qua còn thấy chai cốc ngã lăn, bàn ghế xiên xẹo, xương xẩu đầy đất... mà ớn lòng. Ngọc dắt tôi ra luôn hậu bối tận mí vườn sát mé rừng.

- Dượng Ba chờ anh ở ngoải.

Ra đến cái chòi nhưng bên trong rất tươm tất. Giường ghế tủ kiếng... y như một ngôi nhà con. Đây là nơi nghỉ mát và ngoạn cảnh của ông bà tư lệnh đây!

- Dượng ở trỏng, vô đi.

Tôi bước vào, lạnh tanh không có bóng ai hết. Vừa quay cổ lại thì đụng nhằm gương mặt Ngọc đưa tới. Tôi chưa kịp phản ứng thì nàng đã trách:

- Anh là chồng chị Khánh hay chị Mai?

Tôi ú ớ trước một câu hỏi bất ngờ như trời sét.

- Chị Mai khoe anh là chồng của chỉ, chị Khánh cũng khoe anh là chồng chỉ. Chồng ai, nói đi?

- Không có chồng ai hết. Bạn thôi.

- Không có bạn bè gì hết. Em biết rành. Anh đừng có chối. Chị Khánh đưa cho em coi cái khăn bàng lông mới...đỏ thén. Trước khi đi, chỉ còn dặn: "ở nhà anh Lôi có đến em đừng rớ tới nghe, chồng của chị đó. Em phải kêu bằng anh đàng hoàng!" Xí, đàng hoàng sao được mà đàng hoàng. Trong nhà có ba chị em thì hai chị phải nhường cho em út chớ, phải không anh?

- Em mới có mười sáu mà Ngọc. Anh tới ba mươi lăm, vợ chồng coi sao được.

- Được chớ sao không. Bộ anh chê em hả?

- Không phải chê.

Ngọc ngồi lên giường, đầu rũ xuống khóc nức nở. Em biết anh sắp ra trận, biết anh có về nữa không. Trận này em thấy ai đi đều không về. Em muốn cho anh món quà làm kỷ niệm.

- Quà gì vậy?

Ngọc thò tay vào vạt áo mằn mằn. Tôi chưa lấy lạí hồn vía. Phảng phát đâu đây hình dáng của Mai, những lần tôi húp nước đá trong tay Mai, ôm Khánh hôn vội ở kẹt tủ trước khi ra về. Bây giờ tới Ngọc, một trái đào chưa chín. Ngọc vụt đứng dậy. Chiếc quần lãnh đen tụt xuống đất để lộ đôi chân ngọc ngà.

Tôi trở lại quán, chân còn loạng choạng, tim còn đập. Những giọt ngọc lệ còn ướt vai tôi, nhưng tôi cố làm tỉnh, nói với Năm Tiều:

- Kế hoạch có thay đổi chút ít chú Năm à!

Chín Nữa đang nâng ly, cố nốc cho cạn rồi đặt xuống bàn đánh cộp, quẹt miệng:

- Đầu cặc! Kế hoạch mới gì!

- Thiệt mà dượng, chốc nữa về bển tôi sẽ phụ nhỉ với chú Năm.

- Mày tưởng tao là con nít nên gạt. Mấy chả nhậu xong là giải tán đi liền không có mạng nào còn ở lại đó hết. Kế hoạch mới gì? Khai thiệt đi, mấy ván?

Tôi ngồi im, chịu thua ông dượng. Năm Tiều đáp thay:

- Ba ván ni... ền, không bỏ ván là... o!

Chín Nữa còn tiếp:

- Ông Ba Xu ổng đem con Thanh xuống đây, mày biết chi không?

- Kỳ rồi nó về ở chung với ổng trong Đường Long.

- Thôi mày lo kế hoạch mới cho xong đi, kỳ này làm phò mã.

Tôi trở lại vụ Chín Tống:

- Tôi cần pháo yểm trợ. Có mặt ông tham mưu phó đây, tôi xin ký lệnh điều động ảnh về đơn vị tôi được không?

Năm Tiều khoát tay:

- Lệnh lạc con mẹ gì, cần thì đưa nó về bển. Mày muốn sai khiến cách nào tùy ý mày.

Tôi đứng dậy hỏi Chín Nữa:

- Chừng nào dượng móc dì Chín vô?

- Định mấy ngày ngưng bắn. Nhưng tình hình này móc quác rồi. Đợi năm sau! Đụ bà, con cặc để xài mà chỉ xài có một khả năng, còn khả năng chính lại không có đất "dụng võ".

- Mày là tổ sư mà than không đất. Hai chị em con Biền và con Trong đẻ một lượt mặt giống y mày cho hết chối.

Tôi bàn với Năm Tiều sẵn dịp qua đây nên ghé thăm ông "thầy nạo" (tức bác sĩ Võ Hoàng Lê, xếp quân y Quân Khu, sau này máy thằng nhà báo bất lương nói dóc là ổng đã giải phẫu óc dưới địa đạo. Có lẽ nhờ vậy ông ta được phong đại tá và tặng danh hiệu anh hùng quân đội) để xin một mớ thuốc men, bông băng, chớ bên C5 Tư Chuyền ớn lắm.

Năm Tiều vốn hết chất nhờn trong đầu gối nên la cà bên vùng "đất hòa hình" này ăn hút được càng lâu càng tốt, về bên xứ Củ ăn pháo liền xì mệt ứ hơi, nghe tôi nói chưa hết ý là đã gật đầu.

Quân y Bưng Còng ở cách "tổng hành dinh" của ông Ba Xu độ nửa ngày đường. Ở đây là "trại cưa" và là "phòng nạo". Trại cưa giò cưa tay chiến sĩ vì không có thuốc trị, còn nạo là "nhạc phẩm" thứ nhì do các chú nuôi, anh nuôi gởi tới đã sẵn dấu nhạc biến hạ nằm trong sâu, ông bác sĩ chỉ cần móc ra thành lời. Do đó ông bác sĩ còn có tên là "thầy Nạo".

Gặp mặt, Năm Tiều hỏi ngay:

- Mùa này nạo có khá không?

Thầy Nạo cũng nhẵn mặt với danh từ này nên không quạu đáp ngay:

- Tuần nào cũng có, ngày nào cũng có.

- Kiếm cho tao một "cái" ngâm rượu được không? Năm Tiều đấm đấm lưng- Lúc này tao hay đau lưng vặt.

- Thì tại anh có tới V3!

- Có tiếng mà không có miếng mày ơi! Chỉ có thằng "dê bảy" này là hẩu xực thôi.

Năm Tiều biết tôi vô Bưng Còng có ngầm ý khác chớ không chỉ xin băng băng mà thôi, nên quay lại bảo tôi:

- Hồi hôm mày họp khuya với anh Ba mệt, bây giờ kiếm chỗ ngả lưng, xế xế mình qua sông.

Ông thầy Nạo lắc đầu:

- Chiến thương đông quá anh Năm ơi! Anh về tâu lại với mấy ông cho giao liên hợp pháp mua giùm pini, strép...cho nhiều. Thiếu mấy thứ đó, ăn uống lại thất thường, vết thương đã không chịu lành còn khoét to ra... Đó anh coi đầy hết cả, mà không có dân công đào hầm, cứ để họ nằm tô hô ra như vậy. Mấy ông chỉ lo tiền phương, còn hậu cần thì không có gì hết ráo. Chỉ có ba cái nước sôi nấu trong soong như nước cạo heo thôi.

Tôi không muốn nghe làm gì lời ta thán của ông thầy nạo. Quân y từ thuở nào tới bây giờ cũng vậy, bởi vì mấy ông lớn và con cháu các ông có đi đánh giặc đâu mà mấy ông lo. Tôi vừa quay ra là đụng một cô bé xinh như nữ thiên thần.

- Nhìn gì? Nhớ không?

Tôi vẫn cứ ngớ ngẩn. À... nhớ ra rồi, con bé ở Bến Mương lúc tôi ở H6, nó vẫn tới chơi và thích vọc bàn đánh máy.

Hồi đó tôi vẫn quen để nó ngồi trên đùi và chỉ cho nó mổ cò chiếc bàn máy cũ mèm A, Z, E, R, T..: Máy Remington không biết ai lượm ở đâu cho tôi. Nó rất mến tôi và thường gọi tôi bằng "ba". Chính tôi dắt nó vô gởi cho Tư Chuyền ở C5. Chứng ngờ bây giờ nó ở đây và lớn thế.

- Sao cháu ở đây?

- Cháu à? Con chớ sao cháu? Con được chú Tư gởi qua đây học y tá cấp tốc để phục vụ chiến trường Sài Gòn.

- Vậy hả?

- Ba tới hầm con nghỉ. Ba đi đâu coi bộ mệt vậy? Ba già quá trời.

Con bé nói tía lia làm tôi xúc động. Giá mà tôi có được một đứa con lớn bằng ấy. Lâu nay, tôi yêu ai người ta cũng "xin con", nhưng tôi lại không quên xài "chứng minh thư" nên không ai được như ý. Bây giờ được một cô gái lớn kêu bằng "ba", tôi thực sự xúc động. Tôi chán chê cái nghiệp đánh đấm này rồi, lắm lúc muốn giải nghệ về vườn sống cảnh đơn sơ mộc mạc mà không được. Cái lá đã rơi trên dòng nước thì không có cách gì xoay ngang.

Vừa rồi lại nghe Năm Tiều nhắn lời của Năm Lê đối với tôi, tôi càng ê ẩm. Thì ra cấp trên cũng không tin mình. Họ nghi tôi vì tôi không tích cực trong vụ móc thằng em Thủy Quân Lục Chiến. Ung Văn Khiêm, địa chủ Long Xuyên, bỏ sự giàu sang theo đảng từ năm 1930 mà vẫn bị đá văng như cái giẻ rách. Nguyễn Thanh Sơn cũng là địa chủ theo đảng trước cả Phạm Văn Đồng mà nào được sơ múi gì. Còn mình là thứ tép riu, họ muốn bóp lúc nào mà không được.

Kể từ khi nghe Năm Tiều nói, tôi không tích cực như trước nữa. Bố trí trận địa xong, tôi giao cho cán bộ đại đội hoặc tiểu đoàn, còn tôi lùi ra sau chỉ huy bằng điện đài. Ba mươi lăm tuổi rồi, chưa vợ con thì chừng nào mới có? Cô bé Bến Mương đã mang lại cho tôi một tình cảm bất ngờ. Lâu nay tôi vẫn ghét đám bố nuôi, chú nuôi, anh nuôi vì bọn "chứ" cũng như "chó", cha với con cũng là giả nốt. Nên tôi không bao giờ nhận là cha chú của cô bé nào hết.

- Ba không thương con chút nào hết.

- Ừ, ba không thương ai hết.

- Trừ con!

- Ừ, có thể trừ con.

Cô bé đưa tôi xuống hầm, lấy thermos rót nước châm trà rồi pha sữa lăng xăng, rồi ngồi trước mặt tôi.

- Sao bữa nay ba buồn vậy?

- Lính chết và đào ngũ nhiều quá con! -Tôi hồn nhiên đáp.

- Chết thì con biết rồi. Mấy đêm nay con đâu có ngủ vì lo giải quyết chiến thương. Còn đào ngũ thì...

- Con không thấy được. Nhưng đó là sự thực.

- Nói chớ con cũng biết. Vì nhân viên quân y cũng bị sung công đi bắt lính đào ngũ đem đi giam, để họ nói tùm lum làm mất tinh thần chiến sĩ. Mà cần gì lính đào ngũ mới nói, mấy anh chiến sĩ nằm ở đây họ cũng nói. Họ mê man vẫn nói, vẫn chửi, vẫn gào thét như điên. Họ chửi tiếng Bắc khó nghe nhưng con vẫn hiểu... Bác Hồ là cái gì hả ba?

- Hả? -Tôi giật mình như bị lửa chích.

- Bác Hồ thì con biết rồi, nhưng con muốn biết bác là người gì mà bác đem con bỏ chợ.

- Ai nói với con vậy?

- Thì mấy ông lính "vịt xiêm" nói chớ ai.

- Tầm bậy nào. Thôi đừng có nói nữa.

Tôi không muốn nghe những chuyện "thất chính trị" như vậy nên gạt ngang. Cô bé vẫn không bị phật ý. Cô cười cười và thay đổi cách xưng hô:

- Ông nhớ lần ông bị thương trận Paris Tân Quy không?

- Nhớ chớ sao không?

- Ai rửa vết thương và tắm cho ông?

- Cô Nga nhỏ.

- Ai nữa.

- Ba không nhớ,

- Vậy mà la nhớ! -Cô bé ngồi xích lại gần tôi và tát má tôi

Cô nói tiếp.

- Ông đánh ở đâu tôi cũng biết vì chiến thương họ về đây họ kể lại. Họ nói trận nào có ông trực tiếp chỉ huy thì họ tin chắc thắng. Do đó tôi cũng mến ông. Tôi tiếc hồi đó tôi còn nhỏ quá. Bây giờ tôi hết tiếc rồi. Tôi đã mười sáu tuổi Chẳng may bây giờ lại gặp ông.

- Sao lại chẳng may?

- Là vì sắp vô đợt hai. Người ta chụm hết củi này, sẽ lôi tới củi khác. Củi đó là ông chớ ai khác được.

- Cô đừng nói nhảm.

- Tôi yêu ông thật đấy. Hồi ở Bến Mương lận chớ không phải tới bây giờ.. Từ đó tới giờ tôi vẫn lắng nghe tin đánh trận của ông. Ông đánh thắng trận Thầy Mười nhờ sợi dây lưng của cô du kích chớ gì. Ở đây cũng có người quen với ông, ở cùng làng với ông.

Tôi nhảy tưng lên:

- Ai vậy?

- Bộ yêu ngươi ta hả?

- Biết ai mà yêu.

- Tên đẹp lắm!

- Tên gì?

- Ánh.

Trời ơi! Tôi kêu thầm. Ba Ánh, em của Nguyệt. Cái tên đẹp, cái con người đẹp cùng quê lâu nay như biến mất trong tôi, nay lại bùng lên như ngọn lửa thiêng. Đêm đó xem văn công R xong tôi về nhà Ba Thành (tức Ba Thắng, cục phó cục chínlii trị) gặp nàng. Nàng than thở muốn rời cơ quan về nhà. Rồi tôi chia tay với nàng. Cô bé nói:

- Nhưng bây giờ chị ấy không muốn gặp ai hết.

- Tại sao?

- Không biết!

- Nói tên tôi thì cô ta cho gặp liền.

- Nghe tên anh (nàng lại đổi cách xưng hô) em chắc chị ấy càng trốn mất.

Cô bé Bến Mương ăn nói rất dạn dĩ không sụt sè gì cả. Có lẽ cô đã từng rờ mó, nghe thấy mọi sự thực chán chường ở quân y nên không ngại miệng như những cô gái khác. Thực tình tôi chưa từng gặp một người phái nữ nào bạo dạn như thế.

- Uống hết ly sữa đi rồi em nói tiếp chuyện này cho nghe.

Tôi thấy kỳ kỳ nhưng vẫn không muốn rời khỏi nơi đây. Tôi vâng lệnh nàng một cách hồn nhiên. Tôi vừa để ly sữa xuống, ngó lại thì nàng đã tồng ngồng, lồ lộ trước mặt tôi, trên người từ đầu đến chân không một mảng da nào được che kín. Nàng xốc tôi đứng dậy, vừa đưa tay hoạt động lăng xăng khắp người tôi, vừa bảo:

- Chỉ một lần thôi, anh nghe rõ chưa? Em yêu anh rồi tới chết không yêu ai nữa. Và cũng không lấy chồng.

Tôi cứ như kẻ mất hồn để cho nàng điều động thân thể lẫn giác quan của tôi....

Cuối cùng nàng hôn môi tôi và bảo:

- Trước khi anh chết ở chiến trường, anh gọi tên "em" chớ đừng có hô ai muôn năm nghe. Còn em rủi có bị đạn em cũng hô "anh" muôn năm, chớ không có hô ai đâu. Má em nói thằng cha đó ra lệnh chặt đầu ông ngoại em hồi 45.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx