sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 88: Người Vợ Điên Và Bức Thư Tuyệt Mệnh Của Thằng Đồng Chí

Chúng tôi về tới Củ Chi thì Năm Tiều về văn phòng của y, tôi về văn phòng của tôi. Cô Tư Bé dũng sĩ từ ngày được bổ nhiệm làm quận đội phó thì bám riết theo, không về nhà nữa. Đánh với Mỹ mà bắt đàn bà con gái đưa ngực ra đỡ đạn thì thiệt là dã man. Ngực họ đâu phải là vật đem ra xài phí như vậy.

- Bé ơi, anh Hai về nè em!

Nàng nhảy ra hầm hôn tôi rối rít:

- Sao anh đi lâu quá vậy?

- Mới có ba ngày lâu gì. Ở nhà có việc gì xảy ra không?

- Ối, thiếu gì!

- Cái gì nói mau.

- Lính từ Sài Gòn trồi về quá sá. Xe tăng ủi sạch xóm Đất Thịt rồi Cơ quan tham mưu chạy tản lạc hết... À quên, có bà già điên.<

- Bà già nào?

- Em mới nghe trinh sát báo cáo. Thôi anh ngủ đi. Xuống hầm em kìa. Bốn giờ sáng rồi. Anh nhắm mắt một chút cho khỏe. Rủi sáng có chụp thì còn sức chạy.

Tư Bé đẩy tôi xuống hầm. Tôi nghe tiếng nàng làu bàu:

- Anh công tác kiểu này không mấy lúc mà sụp cho coi.

Tôi lên võng cô quận đội phó nằm ngay chân thật đã, mùi con gái còn đầy ắp trên võng làm tôi mơ màng. Mắt cay xè, cố nhắm lại yên giấc nghìn thu mà không sao ngủ được. Bao nhiêu hình ảnh xáo trộn trong đầu: kế hoạch, quân số, vũ khí, mục tiêu, rượu trà bánh trái ngổn ngang.

- Rất tiếc cô không có con gái, nếu có cô gả cho con, không đòi gì hết, để cô làm mai con gái Ba Xu cho con.

Lời bà Sáu Thiệt còn văng vẳng trong tâm tôi. (Tội nghiệp trong đợt hai, bả từ Sài Gòn ra bị cảnh sát bắt được, trong giỏ xách có cây K54 ở chợ Gia Huynh, Trảng Bàng).

Chập chờn trong đầu tôi những khuôn mặt đỏ rượu, những cái mồm đầy ứ thịt, những cái mép dày, một bên ngậm điếu xì gà, một bên ngậm cây tăm xỉa răng. Những cặp mắt trợn lên kinh ngạc và hốt hoảng nhìn những con ma đói ào vô cướp thức ăn. Những cái xương lổm nhổm trên những thân xác trên tờ báo.

Bỗng Tư Nhựt hiện ra mình đầy máu me, mặt bể nát, tay y nắm chân tôi lạnh ngắt: "Ê Lôi! Ngủ hả? Sáng mai đổ chụp nghe, coi chừng. Đừng chui hầm. Tao bảo vợ tao đi tìm mày. Năm Sài Gòn, Tư Chi mới gặp tao. Trí O chưa xuống tới!"Nói bấy nhiêu rồi Tư Nhựt bỏ đi. Vừa lên khỏi hầm còn quay lại: "Hai Phái bị bà con nhà cho viên kẹo?"

Tôi ngồi dậy tính hỏi, còn Tám Hà đâu? Nhưng Tư Nhựt đã biến mất. Không khí trong hầm lạnh ngắt như âm ty.

Tôi la lên, tay quơ tìm cái đèn pin mà không gặp lại đụng cái gì lạnh ngắt đang thở phì phì dưới đít võng. Thì ra thằng Thành. Thằng bé thức dậy lè nhè:

- Gì vậy anh Hai?

- Tư Nhựt mới đi.

- Anh mớ rồi. Ngủ đi anh!

- Y vừa lôi chân tao.

- Ảnh chết rồi còn đâu mà lôi.

Tuy biết vậy nhưng tôi cứ nghe bàn chân tôi lạnh ngắt, rờn rợn tôi không ngủ được nữa. Cứ lăn qua trở lại hoài. Vừa mờ sáng tôi kêu trinh sát chạy cho các đại đội hay bảo chuẩn bị công sự đánh chụp dù.

Quả thật quân Mỹ có đổ xuống Sa Nhỏ nhưng rồi rút ngay, không hiểu chúng định làm trò gì, tôi sợ ăn pháo nên không cho nổ súng.

Tôi vốn tin dị đoan nên lập tức tìm ông đốc chiến để đoán bài giải mộng.

- Anh có thấy chuyện gì không?

Năm Tiều không trả lời mà cười hề hề và hỏi lại:

- Hỏi thiệt mày nghe, hôm qua tổng cộng pháo bắn mấy quả?

- Đâu có quả nào chú Năm ơi!

- Hồi bù nốc tới, tao thấy mày chạy hơi chậm. Nè mấy con Nga bên Tư Chuyền lâu nay đi đâu mất hết mậy?

Tôi đem chuyện chiêm bao bàn với anh. Anh bảo:

- Hồi hôm tao cũng gặp nó, nhưng đó là chuyện thường, có gì đâu mà lo vớ vẩn.

- Tôi chưa cho các đơn vị rời công sự.

- Cẩn thận vậy tốt, chú em. Cái điệu này là nếu có đổ dù nó sẽ đổ ở Củ Chi, nghĩa là nhảy sau lưng các đơn vị mũi nhọn của mình để chọn đường về.

- Chú có nghe đài BBC hay VOA gì không?

- Có nghe nhưng tao quên hết rồi. Đại khái nói là mình đánh vô 27 thị xã, Huế, Cần Thơ, Mỹ Tho v.v...

- Vậy là đồng loạt tấn công đó chớ anh!

- Không hạ được Sài Gòn thì dầu có chiếm được mấy cái đó cũng không ăn thua gì.

- Tại sao?

- Muốn tắt đèn vĩnh viễn thì phải phá cái nhà máy đèn!

Tôi từ giã Năm Tiều, đến D7 kêu cả ban chỉ huy D họp. Tôi bảo chuẩn bị diễn tập đánh đồn, trong vòng hai tuần lễ sẽ vô đợt hai.

+ Tập đánh bộc phá sào (là loại cổ lỗ sĩ dùng hồi đánh Tây. Trái bộc phá gắn trên đầu cây tre dài bốn, năm mét, có dây điện lòng thòng phía sau, hễ lính dựng được vào tường thì đằng sau châm điện. Đánh kiểu này không mấy khi hạ được đồn, vì anh lính vác sào không mấy khi tới được chân đồn).

+ Làm bốn cây thang tre để bắc qua chiến hào hoặc trên bùng nhùng cho chiến sĩ chạy lên đó xung phong.

Công kiên chiến là lối đánh hao xương tổn máu nhất, nhưng Bộ Tư Lệnh giao cho tiểu đoàn 7 phải "quét" sạch các đồn bót trên quốc lộ I.

Năm Tiều đã phản ứng lúc được lệnh, nhưng y chỉ nói với tôi:

- D7 toàn là lính mới và con gái... Đánh cái máu què họ chớ đánh đồn. Ba trung đoàn rã bành tô bây giờ kiếm gỡ!

Nhưng than ôi, lệnh là lệnh. Ở ngoài Bấc ông Hồ và ông Giáp có biết lực lượng của Mỹ Ngụy ra sao mà hô tổng tấn công (nếu biết sẽ chẳng có lệnh này), trong Nam vẫn phải thi hành. Ngàn năm vẫn "muối xát lòng ai nấy xót xa". Con cháu các lão có đứa nào đi giải phóng miền Nam đâu mà các lão ấy lo!

Mấy năm trước con ngựa chiến Dương Đình Lôi này pháo một đêm hai, ba đồn, hết đạn cũng bắn, sáng ngày có chụp dù cũng chạy đua với trực thăng như chơi. Nhưng năm nay nó thấy hơi mỏi vó. Từ ba lăm sang ba sáu, gần tuổi bốn mươi rồi. Chất nhờn xài liên tục có còn nhiều đâu ở đầu gối mà vọt nhanh nữa. Năm Tiều nhận xét đúng: "Mày chạy hơi chậm!"Tôi nghe bộ xương bắt đầu rêm và tinh thần cũng bớt thừa thắng xông lên.

Tôi từ Sa Nhỏ lội về Đồng Lớn, lòng buồn rã rượi. Giấc chiêm bao đêm qua và hai sự việc với Ngọc và cô bé quân y phải chăng là điềm báo trước cho Thiên Lôi sắp về chầu trời. Ngọc và cô bé đều coi sự việc ấy là những món quà tặng cho tôi là kẻ ra đi không trở về. Có lẽ mình phải tìm đường khác mà đi thôi.

Tất cả bạn bè cùng lứa hoặc cùng chiến đấu từ 1965 (khi tôi về Củ Chi lần đầu) tới nay đều đã chết. Chỉ mình tôi là bị đạn chê.

Thằng Thành thấy tôi buồn buồn cũng tìm cách an ủi:

- Không có lẽ chú Tư Nhựt, chú Hai Phái và chú Tám Lệ đều chết một lúc sao anh?

- Ai biết đâu!

- Chết thì hai người trong ban chỉ huy E thôi chứ, rụm như vậy sao được.

- Súng đạn mà mậy!

- Trời tối rồi, ghé quán má thằng Ức kiếm bậy bánh trái gì ăn, anh Hai!

Hai thầy trò cứ thẳng đường xe bò giữa xóm mà đi, bỗng nó bảo.

- Đi tắt ngã này mau hơn anh!

Tội nghiệp thằng bé này. Đây là thằng cận vệ thứ sáu của tôi kể từ thằng Đỏ bị thương cụt chân tới nay. Cứ vài tháng rơi một cậu.

Đạn như mưa mà tôi bảo chạy truyền lệnh xuống đại đội cũng phải chạy. Có đứa ngã ngay khi mới vọt lên khỏi hầm. Tôi buột miệng hỏi:

- Bây giờ tao cho mày "ước" một điều, mày ước gì, Thành?

- Về nhà làm ruộng.

Tôi thở dài. Ai cũng muốn bình yên sinh sống, không gì đáng sợ bằng cái chết. Đứng ở ngoài xúi người ta đi vào cái chết thì ai chẳng làm được. Nhưng dám đi vào đó thì mấy ai? Tội nghiệp Tư Nhựt, bỏ vợ bỏ con. Đứa con đã đặt tên nhưng chưa biết mặt.

Khi đi ngang bờ trúc nhà Hai Tân, quản lý C3 của Út Sương D Quyết Thẳng của tôi lúc trước, thấy trong nhà đèn đuốc sáng trưng khác thường. Giờ này mà còn ai thức, lại có tiếng ồn ào, hay là có ai hy sinh chăng?

Thanh niên xóm này ít đi bộ đội. Có mấy cậu xin gia nhập D7 của tôi nhưng Bảy Ga không nhận.

Tôi thình lình bước vô nên cả đám bảy, tám mạng đang ngồi quanh bàn không đứa nào chạy thoát. Điểm mặt sơ qua, tôi thấy có Hai Tân, thằng em thứ bảy của hắn ở nhà đánh xe bò cho Bảy Hốt đã có vợ, bốn tự lính thuộc C4, thằng ấy, thằng Quý, Út Nhị (quản lý C4), thằng Tây thông tin, thằng Thơ.

Thằng Tây hốt hoảng kêu lên:

- Ổng tới cà, bây!

Trên bàn còn đầy tô, dĩa thịt gà xé phay, cháo, và lố nhố những chai la de uống dở, lớp chưa khui.

- Mấy cậu làm gì ở đây?

Hai Tân vui vẻ:

- Khuya xót ruột, nấu cháo ăn. Anh Hai làm một chén với tụi em!

- Đơn vị ở đâu mà mấy cậu về đây?

- Dạ, dạ...

- Tụi bay đào ngũ phải không?

- Dạ, dạ...

Cậu nào cậu nấy mặt xanh như chàm. Tôi bảo:

- Chiến trận còn đang tiếp diễn mà chúng mày trốn về đây là sao?

- Dạ tình hình găng quá anh Hai, chớ không phải tụi em nhát -Hai Tân thâm niên cao nhất trong bọn lên tiếng khẩn cầu như Tào Thạo kể công- Anh Hai thông cảm cho tụi em. Hồi anh Hai, tụi em xung phong rào rào. Ngặt kỳ này anh Hai không đi, mấy ông Út Sương, Ba Đức chỉ huy không xuể, phầ thì đơn vị bị pháo dập cả giờ đồng hồ tan nát hết, mất hướng chiến đấu, tụi em như vịt chạy lạc bầy, mạnh con nào này lủi, đâu có biết đường về chuồng...

- Thôi! Còn ở đâu nữa hay chỉ có tụi bay đây thôi?

Thằng Tây đáp nhanh:

- Dạ còn một tốp nữa do thằng Thượng còn dẫn ra Xóm Ràng đang đóng ở nhà con Ba Cưng, hơn mười đứa.

Tôi thấy thằng nào thằng ấy đầu bù tóc rối, mặt mày tay chân trầy trụa, quần áo tả tơi nhưng tay thằng nào cũng đeo đồng hồ sáng rực. Có đứa đeo một bên hai chiếc hoặc hai tay hai chiếc đồng hồ mặt mới toanh dây i-nốc, có đứa đeo dây chuyền vàng, ngón tay có cả nhẫn nữa.

Tôi quay lại bảo thằng Thành:

- Cậu về kêu trinh sát lại đây trói hết dẫn qua sông giao cho Năm Đăng đưa lên suối Gò Gấu giam hết cho tao!

Hai ba đứa tụt xuống sụp lạy tôi, van xin. Hai Tân kể lể:

- Tội nghiệp tụi em, anh Hai. Anh Hai nghĩ tới tình cũ nghĩa xưa chút. Nếu có anh Hai đi thì D Quyết Thắng tụi em dầu hèn cũng thể chớ đâu có ra đám tàn quân vầy nè. Anh Hai cho tụi em "đói" công chuộc tội, chớ anh Hai giải tụi em cho ông Năm Đăng chắc tụi em bị xử bắn hết trơn... Anh Hai nghĩ coi đánh giặc gì mà chỉ huy không biết mục tiêu ở đâu làm sao lính tấn công?

Hai Tân dừng lại nuốt nước bọt, Mười Thơ B phó thông tin của tôi trước đây, tiếp ngay:

- Anh từng biết tụi em ở với anh trước kia mà anh Hai. Tụi em cũng biết chạy như vậy là tệ lắm, nhưng đơn vị đâu có còn đứa nào. Út Sương chết ngay từ đầu, xác còn bỏ tại đó, đâu có bè qua sông được. Khổ lắm anh Hai ơi! Đời thằng lính không có gì khổ bằng không có chỉ huy.

- Tụi bay làm hư danh trung đoàn mũi nhọn của khu, tội thật không tha được.

Thấy tôi nghiêm khắc, mỗi đứa góp một câu năn nỉ. Đứa thì nhắc trận đánh Mỹ ở Gò Nổi, đứa gợi lại trận Cây Trắc, đứa lại "hồi ký" trận Suối Cụt... làm cho tôi dịu dần.

Thằng Tây còn tiếp lời:

- Sở dĩ tụi em bỏ chạy vì không còn ai chỉ huy hết anh Hai à! Phút đầu tiên ông Hai Phái đã bỏ chỉ huy sở E chạy xuống Dl để tránh né. B thông tin của tụi Dl tụi em trở thành thông tin của E, vì thông tin E bị đầm già phát hiện kêu pháo bắn, rồi nó trút bom đìa đâu có hầm hố nào chịu nổi. Cả đám quân y, liên lạc, trinh sát, thông tin của anh Tư Nhựt đều rụm hết.

- Tư Nhựt chết lúc nào?

- Vô trận là ổng chết ngay, kế đó là Tám Lệ E phó, sau cùng là Hai Phái.

- Hai Phái chết thế nào? -Tôi hỏi tiếp.

- Em không rõ nhưng vết thương kỳ lắm.

Hai Tân lấy lại hơi thở tiếp ngay:

- Em thay cho Hai Tiến làm quản lý Dl, Năm Triệu làm D trưởng, Út Sương chính trị viên D, Năm Tân D phó, Ba Đức tham mưu trưởng.

Tôi kêu lên:

- Thằng Nín mà làm D phó. (Nín là Năm Tân, hồi trước là B trưởng của tôi).

- Dạ, mà y cũng đã bị thương rồi. Nói chung cả ban chỉ huy Dl và E mũi nhọn đều chết hết. Chín Tống cùng đi với D8 pháo ở phía sau cũng bỏ DKZ, trọng liên xuống sông mà chạy. Năm Sài Gòn cũng chết ngay từ đợt đầu. Nghe nói Bộ Tư Lệnh Tiền Phương chỉ còn ông Tám Hà, nhưng em không gặp. Tình hình nó như vậy đó chớ phải tụi em hèn nhát đâu.

Tôi rụng rời tay chân, nhưng còn quát gượng:

- Thôi được tội đào ngũ cửa tụi bay tạm gác lại đó, bây giờ xét tới tội ăn cướp của đồng bào, dân chúng.

Cả bọn lại sụp lạy, đầu bổ lia như chày giã tỏi, xin tha tội.

Thấy đau lòng quá, tôi bảo:

- Tao tha cho cái tội này, nhưng phải kiểm thảo.

Thằng Ty cùng quê Nhà Bè với tôi, tôi thường tâm sự với nó về một ngày nào đó mình sẽ về lội qua sông... nên nó rất mến tôi. Nó bảo mấy đứa kia:

- Thôi anh Hai chơi điệu vậy mình phải đưa ra hết tụi bay. Thằng nào đập kiếng tiệm đồng hồ, tiệm thợ bạc lấy vàng vòng và đồng hồ trút ra mau, nếu không tao khui ra hết.

Thăng Thơ vừa móc một chùm bỏ lên bàn vừa nói:

- Thắng nào đập kiếng lấy trước rồi tao mới chạy ngang hôi được có bốn cái xây cô và mấy sợi dây chuyền thôi.

- Em mở tủ lấy được một xấp tiền.

- Còn thằng nào giật bông tai, cà rá của mấy bà đi chợ? Đưa ra!

- Em chỉ lượm được có bốn cái đồng hồ nữ.

Lần lượt mỗi đứa đem một hộp chiến lợi phẩm cho tôi. Bỗng Hai Tân kêu lên:

- Dạ, em còn giữ hai ngàn tiền ăn của D1, nhưng ông Út Sương chết rồi, em giữ giùm chớ không định lấy. Anh với em cưa đôi được không?

Tôi quát:

- Mày đem về nộp cho quản lý D7 để đóng tiền ăn cho tụi bay. Thằng Tây ra Ràng kêu mấy đứa kia về đây tổ chức lại thành hai tiểu đội, tao sẽ cho người ra dắt về gia nhập D7 chiến đấu tiếp, nghe không?

- Dạ! -một tiếng đáp đồng loạt vang lên- Anh Hai chơi điệu quá trời.

Bỗng một giọng nhi nhí:

- Dạ, còn em chưa phản tỉnh.

Tôi nhìn lại, một anh già sồn sồn tôi không nhớ mặt:

- Dạ, báo cáo thủ trưởng, em có tội.

- Tội gì?

- Dạ em đã bốn hai mà chưa có vợ (trường hợp ông Hai già quản lý Quyết Thắng tôi cáp cho bà Hai Xót) nên em túng sinh lý.

- Ông hãm hiếp người ta hả?

- Dạ không có, em chỉ đi vòng ngoại vi rồi pháo bắn gấp quá em không vô trung tâm được.

Tôi suýt bật cười vì những danh từ nhà binh của y dùng, nhưng cố làm nghiêm:

- Tôi sẽ mở cuộc kiểm thảo "do dân, vì dân, của dân" sau, bây giờ gác lại hết.

Tôi bảo thằng Thành gom ba cái chiến lợi phẩm kia về nộp cho quan đốc chiến rồi rút lui. Trước khi đi tôi còn dặn:

- Các anh là lính đào ngũ, sẽ bị đưa ra tòa án binh khu. Một là ngồi tù, hai là tử hình. Nhưng tôi tạm gác lại đó vì chiến cuộc còn tiếp diễn, nhưng tôi cho các anh biết trước là mặc dù tôi thâu nhận, nhưng không giữ được cấp chức cũ. Rõ chưa?

Hai Tân luôn luôn nhanh nhẩu:

- Dạ, chúng em không dám đòi chức gì hết ạ!

Tôi sắp quay lưng đi, bỗng thấy tâm thần bứt rứt khó chịu khác thường. Thấy trên bàn thờ của chủ nhà có đủ trang bị, tôi bèn hỏi mượn và bảo:

- Có còn chai rượu nguyên nào đó không? Đem cho tôi một chai.

- Dạ, còn cả két la de và rượu.

- Lấy ba cái ly sạch đem ra đây! Thành, em đốt nhang trên bàn thờ cho anh.

Rồi tôi mở xắc-cốt ra, lần mò tìm một tấm hình Tư Nhựt anh hùng giải phóng quân ngực đeo bông hồng to tổ bố chụp trên R trước khi lãnh chức E trưởng mũi nhọn đi vào Sài Gòn. Tôi nghiêng vào ánh đèn xem. Nụ cười buồn. Môi nhếch có một bên, có vẻ chua chát.

Tôi đặt lên bàn thờ và rót rượu. Đám lính thấy chuyện lạ cũng tự động đứng giàn ra hai bên. Tư Nhựt làm thủ trưởng của họ từ lâu hoặc trong trận này.

Tôi cố gắng cất giọng van vái. Tôi từng làm như vậy nhiều lần chớ không phải mới lần này. Năm Tiều cũng tán thành cử chỉ này của tôi.

- Tư Nhựt, trung đoàn trưởng trung đoàn mũi nhọn, tức Lê Văn Luông, sống khôn thác thiêng, xin hồn về chứng giám và phò hộ cho Dương Đình Lôi, người bạn tri âm.

Cả đám lính đào ngũ đứng im phăng phắc. Có đứa sụt sịt khóc.

Tôi quay lại bảo:

- Đứa nào đại diện rót rượu cúng vái cho ổng về phò hộ tụi bay cho qua khỏi làn tên mũi đạn!

Tôi cảm thấy Tư Nhựt, Hai Phái, Tám Lệ chết thay cho tôi. Nếu tôi được ở trên y theo lời yêu cầu của Năm Sài Gòn thì chắc chắn tôi sẽ lãnh chức E phó kiêm tham mưu trưởng E này, và tôi đã "ở lại" chơi Sài Gòn trong đợt đầu tổng nướng quân.

Tôi cúng vái xong thấy lòng nhẹ nhàng: lưng vừa quay ra lại đụng một người lù lù đi vào, mà là một người đàn bà. Dưới ánh sáng mờ mờ hắt hiu, tôi thấy bà ta bồng một đứa bé túm kỹ trong khăn, mà miệng thì lầm bầm: "Nó sai chồng tao lên đường xuống đường, chồng tao chết nó ăn luôn xác...". Người đàn bà từ từ tiến vô giữa nhà rồi đi thẳng lại bàn thờ, nhìn vào tấm ảnh nới giọng bình thường:

- Anh Tư! Anh bảo em tới đây tìm anh Lôi. Em tới nè mà sao không thấy ảnh. Hắc hắc! Ảnh đem cây súng đánh bót Thầy Mười bắn cho nó lòi phèo...

- Tôi nè chị Tư! -Tôi bước tới trước mặt người đàn bà- Chị không còn nhớ tôi sao?

- Anh Hai! -Vợ Tư Nhựt kêu lên rồi gục đầu vào vai tôi.

Tôi nghe hơi thở của đứa bé sơ sinh chạm vào ngực tôi. Chị nói:

- Con anh nè!

Tôi ngẩn ngơ, không hiểu mình chiêm bao hay sống thực. Chị vẫn nói thao thao bất tuyệt:

- Anh Tư về báo mộng cho em! ảnh bị thương mình mẩy máu me dầm dề. ảnh nói "Anh chết rồi, anh về thăm em và con. Em đi tìm Hai Lôi nhờ ảnh nuôi con mình. Em nên coi ảnh như cha của con mình". Hu hu hu...

Tôi đứng chết trân như trời trồng. Nhìn lên bàn thờ thấy cặp mắt của Tư Nhựt như rướm lệ. Hắn chết đau đớn quá.

Vợ sắp sanh lúc hắn về ngang trong chuyến đi cuối cùng vô Sài Gòn, tạt về thăm trong lúc vợ đau bụng đẻ. Khuya hôm đó chuyến xuồng liên lạc chở anh ta và Tám Hà qua Rạch Tra, cũng là chiếc xuồng chở vợ hắn đi nhà bảo sanh. Trên chiếc xuồng ly biệt đó, y đặt tên cho đứa bé là Thơ mặc dù trai hay gái.

Tới bây giờ đứa bé ra đời lúc cha đứa bé nằm ở đâu?

Tôi nói lầm thầm:

- Tôi sẽ làm những gì ông mong ước cho ông thỏa nguyện dưới suối vàng.

Tôi nhẹ tay đỡ đứa bé và thì thầm:

- Từ nay con là con của ba.

Tư Nhựt như mỉm cười thỏa nguyện. Tám Phụng, chị Hai Xót bất ngờ đi vào. Bà nói với tôi:

- Nó điên, không ai nói gì nó nghe. Nó đi khắp nơi tìm cậu. Pháo bắn không chịu chui hầm. Tội nghiệp quá trời, tụi tôi phải canh giữ nó mấy ngày nay. Bây giờ gặp cậu nó mới tỉnh tỉnh lại đó.

Rồi chị quay lại chị Tư:

- Thôi đừng khóc nữa em! Tư Nhựt nó chết nhưng còn được đứa con nối dòng, cỏn nhiều người trụi lủi thì sao? Mới cưới mà chết thì sao? Mà con của nó được cậu Lôi nhận làm con nuôi là phước đức lắm rồi.

Mấy hôm sau, trong sự hồi phục bình thường, chị Tư đã cho tôi biết là người em cột chèo của Tư Nhựt là Sáu Thưa, chồng của Ba Mạnh, em gái của chị (chị tên Hai Lành) cũng chết ở Sài Gòn đợt một. Vậy là hai chị em trở thành góa phụ trong mùa xuân tổng phản công.

Chị Tư đưa bức thư ngắn ngủi của chồng viết lại cho tôi. Đã nói miệng với tôi ở rừng chiều hôm trước mà còn chưa chắc, y còn viết thư đưa cho vợ trao lại cho tôi. Trời ơi! Một mẩu giấy con, mấy dòng chữ nguệch ngoạc, một trời tâm sự đắng cay. Tới bây giờ bé Thơ gần ba mươi tuổi mà tôi vẫn còn nhớ như in từng chữ lẫn tuồng chữ của Lê Văn Luông.

Thư không đề ngày cũng không đề nơi viết:

Tôi hiểu ý Luông, hiểu rất rõ mặc dù anh không nói trắng ra, nhưng tôi chỉ nhận với anh một trong hai việc mà thôi. Còn việc kia, xin bạn dưới suối vàng hiểu cho tôi, tôi không thể....


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx