sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 89: Nàng Kiều Và Đám Đặc Công F-100 N10 Trước Cổng Cư Xá Mỹ, Tổng Tham Mưu Và Đài Phát Thanh Sài Gòn

Tin Năm Sài Gòn, Tư Nhựt dẫn các E mũi nhọn, Q16 và các đơn vị đi vào Sài Gòn bị tiêu diệt sạch sành sanh lan ra nhanh khắp Củ Chi, nhất là trong hàng cán bộ, nhưng không ai dám hé môi. Người nào cũng gằm gằm cái mặt và không ham bắt đài Giải Phóng, đài Hà Nội tếu ồm ồm như trước nữa vì họ biết các đài này phóng đại tô màu 500% nên họ chỉ lén bắt đài BBC và VOA mặc dù bị cấm rất ngặt.

Tôi đem mấy chục cái đồng hồ phát cho mỗi tiểu đội trưởng hoặc các B phụ thuộc D để coi giờ canh gác hành quân, đưa cho Năm Tiều một bụm dây chuyền cà rá để ông tặng cho mẹ đĩ. Tôi giữ lại vài chiếc để phòng khi hết tiền thì đem ra đổi thuốc, rượu. Còn số tiền của Hai Tân thì tôi cho quản lý mua thức ăn gấp đôi để tẩm bổ chiến sĩ vì sắp tới ngày vô đợt. Nuôi lợn béo để giết thịt.

Cuộc tập đợt công đồn đã xong, tôi cho D hành quân qua Trảng Bàng để tiếp cận mục tiêu: Thái Mỹ. Dọc đường, tôi ghé quán, thấy mía ngon tôi mua hai lóng cho thằng Thành và tôi, vừa đi vừa xước. Mía Tây vàng tươi, ngọt gắt cổ. Tôi nghĩ chắc lính khát nước. Cả ngàn con người mà nước đâu cho đủ uống. Tôi sực nhớ đoạn truyện Tàu trong đó Tào Tháo thấy quân sĩ khát nước bèn nói gạt: "ở phía trước có vườn quýt". Thế là quân sĩ thèm chảy nước miếng, hết khát. Hai Lôi này không làm công tác chính trị bịp kiểu đó, nên bảo thằng Thành:

- Mày chạy tới truyền lệnh dừng lại.

- C nào anh Hai?

- Toàn D, kêu các ban chỉ huy C lại tao hội ý.

Chập sau, tất cả bốn ban chỉ huy tới. Tưởng có chuyện gì khẩn cấp, các cậu ngơ ngác chờ lệnh tôi. Tôi cười bảo Sáu Hoàng:

- Cậu có thấy đám mía tây đó không?

- Dạ thấy.

- Cậu vô hỏi chủ nhà mua xác cả đám cho tôi.

- Chi vậy anh Hai? Bộ anh định làm lò đường ở đây hả?

- Cậu đi mua rồi ra đây cho tôi biết giá cả. Tôi sẽ trả tiền.

Sáu Hoàng dắt hai cậu liên lạc đi rồi trở lại báo cáo đã mua xong với giá đặc biệt. Tôi bảo các ban chỉ huy cho đốn hạ xuống chia cho lính giải khát. Trời còn sớm, ăn xong đi tiếp. Cấm không được làm tiếng động và hút thuốc.

Bỗng có tiếng gọi. Tôi quay lại thì thấy gương mặt một cô gái trong vành nón lá. Cô vừa đi tới vừa nói cười vui vẻ:

- Em đoán là anh chớ không ai.

Cô bé là Lan, nữ du kích xã Phước Hiệp do ông Bảy Điếc làm bí thư, có ông già ghiền rượu.

- Sao em ở đây?

- Cuộc đời trôi nổi vậy chớ sao anh! -Lan sụt sịt khóc. Mới cười lại khóc- Từ ngày gặp anh, em đi luôn. ở nhà không phương sanh sống nên qua đây đi làm mướn lấy tiền. Hôm trước em nghe nói anh đã trở về H6 bên Bến Cát mà!

- Ờ anh có trở về rồi lại trở qua Củ Chi.

- Anh có duyên nợ với Củ Chi.

- Không biết có hay không mà đi không dứt! -Tôi nói một hơi- Tội nghiệp thằng Cội quá trời. Phải nó còn sống thì hai đứa bay đã thành... rồi, xứng đôi biết bao!

- Cái gì cũng không qua số phần anh à... Mỗi khi em nhớ trận phối hợp với ảnh đánh xe tăng ở Bàu Chứa em ứa nước mắt.

- Nó khen em gan dạ. Đứng núp gốc cau mà dám bấn tám phát CKC. Con Nhánh, em nó, ở trong đội Nữ của Bảy Mô trong tiểu đoàn anh kia cà... Em có muốn trở lại đội không?

Lan đáp không lưỡng lự:

- Thôi anh ạ, lâu nay em cày cuốc quen rồi, cầm súng không lanh nữa! Anh à, mấy ngày Tết lính mình chết nhiều quá. Em đi chợ Hóc Môn thấy toàn mặc đồ cứt ngựa, chân đi dép cao su trắng. Nắng sình mặt vàng, ruồi bu, em không dám ngó!

Rồi nàng móc túi đưa tôi một xấp bạc. Tôi liếc thấy 1500 đồng. Tôi gạt ngang bảo:

- Để gởi về mua rượu cho ông già. Anh cho thêm em nè!

Tôi móc xắc-cốt lấy một cái đồng hồ (chiến lợi phẩm) và 1000 đồng ấn vào tay nàng.

Tội nghiệp đã một thời con gái mang danh dũng sĩ! Cuộc gặp gỡ bất ngờ và ngắn ngủi như một kỷ niệm cứ in hoài trong trí nhớ của tôi. Và một cái tên: Cội. Thằng thanh niên nông dân cục mịch từng mang danh dũng sĩ diệt xe tăng và chết vì mìn đánh xe tăng. Thằng Lôi này loay hoay rồi cũng theo chân nó thôi. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi! Sánh nghề tử nghiệp mà me xừ Lôi! Không nhớ sao?

Trảng Bàng là một quận giàu có của tỉnh Tây Ninh. Tôi đem tiểu đoàn tới đóng ở một xóm nhà ông đại điền chủ Tám Râu do địa phương quân giới thiệu.

- Chào chú Tám.

- Ý đừng kêu vậy tội chết. Tại tôi để râu cho già chớ sự thiệt thì tôi chưa đầy bốn mươi. Còn "toa" là Hai Lôi phải không? -Tám Râu gọi ngay tôi như thế và xưng "moa".

- Dạ.

- Đừng dạ thưa, đừng dạ thưa với "moa". Coi nhau ngang hàng là tốt. Moa hân hạnh gặp toa.

Tám Râu giàu có ai cũng biết, nhưng còn chơi đởm. Năm nào cũng lạc quyên cho Giải Phóng năm trăm giạ lúa. Ngoài ra gà vịt, heo cúi, những thứ giúp đỡ râu ria bất thường thì không kể.

Ngôi nhà của Tám Râu còn nguyên chưa thấy dấu vết bom đạn. Có thể nói đây là một thái ấp như khuôn viên của Hoàng Cao Khải ở Ngã Tư Sở Hà Nội. Vào trong nhà càng thấy sự so sánh đó không ngoa. Nền nhà lót gạch bông, tủ ghế cẩn sa cừ, liễn, hoành phi mạ vàng lộng lẫy.

Trên bàn đã dọn sẵn rượu và mấy cái ly chân cao. Mình lội bùn, ăn uống rừng rú, quần áo như chăn bò, thấy sự sang trọng của người ta mà mất tự nhiên.

Tám Râu rất lịch thiệp:

- Mời "toa" ngồi uống vài ly nhỏ rồi ăn cơm với "moa". Vợ "moa" đi Sài Gòn chưa về nên trẻ con ở nhà nấu nướng không rành, xin miễn chấp.

Tôi đáp từ ngay một cách thành thật:

- Tụi tôi ăn rừng ở rú mà anh Tám. Được ngồi ghế ăn cơm uống rượu Tây như vầy là sang trọng quá rồi, đâu dám chấp nhất gì.

Tám Râu mời ly nào, tôi cạn ly nấy.

Y có vẻ như phùng tri kỷ nên nói chuyện râm ran và rót rượu mời tôi liên tục.

Khi xong tiết mục khai vị thì Tám Râu tự tay đến tủ lấy một chai Hennessy cổ lùn đem ra đưa trước mặt tôi:

- "Toa" làm thứ này được chớ?

- Dạ được anh Tám.

- Sec hay mix?

- Dạ anh Tám sao tôi vậy.

- Chà, coi bộ "toa" cũng chịu chơi hả?

- Dạ thì buồn buồn cũng lai rai riết rồi quen. Hành quân có trẻ quảy bi đông theo tẩm gân đều đều mới lội theo chiến sĩ nổi chớ anh Tám!

- "Toa" chắc cũng ba lăm ba bảy?

- Dạ Tết này ba sáu.

- Gia cảnh vợ con, song đường ra sao?

- Dạ còn độc thân, cha mẹ còn đủ.

Tám Râu đặt xong chiếc ly mới miệng bịt vàng trước mặt tôi, rồi gọi xuống bếp:

- Kiều a! Bưng lên đi cháu.

- Dạ! -Một tiếng dạ xa xa vẳng thoát ra từ một cổ họng chắc có lẽ của một giai nhân.

Gã Thiên Lôi đoán phỏng như vậy cũng như lúc lâm trận nghe tiếng súng trường nổ thì biết là mút cơ tông Anh, Mỹ, Nhật hay Pháp, Manufactures d’Armes St- Etienne, thường gọi là MAS, còn nghe trung liên thì biết FM của Anh hoặc Bỉ vậy mà.

Quả nhiên, nháy mắt đã thấy một cô gái tóc quăn lơi, áo đen da ngà, hai tay bưng hai dĩa từ dưới bếp đi lên. Hình như Tám Râu có ý cho tôi ngồi vào chiếc ghế để thực khách có thể nhìn thẳng xuống bếp. Cho nên dù không cố ý, gã Thiên Lôi vẫn thấy nàng Kiều trong suốt lộ trình từ bếp lên tới phòng ăn, từ dáng đi cho đến khuôn mặt.

- Cháu đem lên cậu Hai dĩa muối và tiêu riêng ra. Sợ khách của cậu không ăn cay.

- Dạ được anh Tám. Tiêu, ớt, hành, tỏi tôi đều dùng được cả. (Đói thứ gì cũng nuốt ông điền chủ ơi).

- Vậy cháu gắp thêm một dĩa dưa tỏi. Nhớ rưới dấm lên dĩa xà lách nghe cháu.

Tôi nhìn hai con bồ câu quay vàng nghĩnh nằm há mỏ trên dĩa. Tám Râu đẩy một dĩa đến trước mặt tôi rồi lấy khăn giấy trong hộp trao cho tôi:

- Đây là văn minh Mỹ. Họ xài khăn giấy. Chớ Tây thì xài khăn bằng vải. Thời kỳ chiến tranh này mình chấp nhận cả. Còn văn minh của nước mình thì tùy theo văn minh nước người. Độc lập cũng vậy!

Tám Râu nói đến đó thì ngưng ngang.

Tôi ăn bồ câu quay mà nhớ tới Hàng Buồm Hà Nội. Ở cái phố nhỏ này chỉ còn một tiệm ăn ngon và đặc biệt còn có bồ câu quay.

Bóng nàng Kiều thấp thoáng tới lui lên xuống tùy theo lệnh của ông cậu Tám Râu. Anh chàng ăn uống rất sành, mời mọc rất bặt thiệp, chẳng kém một nhà ngoại giao sành sõi chút nào. Khi được nửa tuần rượu, nàng Kiều lại bưng lên một dĩa xào. Tôi thoáng thấy trên nét mặt của cô gái có nét bất hạnh.

- Đây là nấm rơm tươi của nhà. -Tám Râu nói- Người ta thích bán nấm tươi để mua đồ hộp ăn cho sang. Còn tôi lại khác. Thịt tươi ngon hơn thịt hộp. Sở dĩ Mỹ hành quân quăng bỏ cả đống đồ hộp là vì họ đã có đồ tươi ê hề kia rồi. Có phải không "toa"?

- Dạ đúng.

Trước khi bước qua phần tráng miệng, Tám Râu đột nhiên nói:

- Con nhỏ này kêu tôi bằng cậu nhưng nó không phải là cháu ruột của tôi. Ba năm trước ông Ba Bê, bí thư huyện ủy và Năm Nhân quận đội trường Trảng Bàng đem nó gởi cho tôi dài hạn, cho nó ăn ở và bảo bọc nó luôn, hễ có ai hỏi thì đáp là cháu học ở Sài Gòn về chơi!

Tám Râu ngưng một chút mời tôi dùng trái cây và tiếp:

- Được ít lâu thì nó dẫn về vài cô cậu nữa và hỏi tôi xin ở ngoài lẫm lúa. Tôi để cho các cô cậu tự do. Lâu lâu tôi cho tiền và gạo, còn việc làm của họ tôi không để ý. Và cũng không có ai đến đây để hỏi tôi xem họ là ai. Một bữa vợ tôi nói nhỏ với tôi rằng họ đào hầm bí mật ngoài vườn.

Tôi gạt ngang, bảo đừng có ngó vào đó. Và không được nói với ai. Kể từ hôm đó, vợ tôi không ra vườn nữa.

Tá m Râu lại tiếp:

- Bỗng một hôm, vào lúc nửa đêm có tiếng gõ cửa nhà tôi. Tôi sợ quá. Bụng nghĩ chắc lính ở trên Tây Ninh được ai mách nên xuống xét nhà tôi chớ gì. Tôi đã tính sẵn câu trả lời từ lâu, nên tôi bình tĩnh ra mở cửa. Ai dè không phải lính Quốc Gia mà là ông Năm Nhân. ông đập vai tôi tỏ vẻ mừng rỡ và nói to: "Nhờ anh mà cư xá Mỹ sập tiêu rồi!"

Tôi buột miệng nói:

- Vậy là cách đây đã bốn năm hả anh Tám?

- Sao "toa" biết rành vậy?

- Dạ đặc công thành đánh cư xá Mỹ là vào đêm Giáng Sinh 1964. Mỹ chết bốn, năm tên.

- À, té ra "toa" cũng có tham gia trận đó nên mới biết rành vậy.

- Dạ, tôi chỉ nghe tin và đọc báo thôi.

Tám Râu lại tiếp:

- Mấy ngày Tết tôi thấy nhóm người của con bé đi đâu mất hết, rồi mới hôm qua họ lại về, nhiều người băng bó nằm ngoài lẫm. Có nhiều vết thương thấy có mòi nặng đó "toa". Nhưng sao không ai săn sóc hết. Chỉ con nhỏ thay băng sơ sài. Tôi không dám hỏi, chỉ sai người nhà đi mua bông băng cho họ.

Tôi ngồi nghe mà tâm trí để đâu đâu. Tôi biết đó là đám đặc công N10 hoặc F100 của Ba Hoàng, trưởng phòng quân báo R. Tôi đoán Chín Lộc, tên Bắc Kỳ mắt toét trước đây đóng ở nhà bà ngoại con Ua đổi về R là để tăng cường phòng này.

Tám Râu dặn tôi:

- Nếu nó nói chuyện với "toa" thì "toa" kín miệng đừng học lại những gì tôi nói với "toa" nhé.

- Anh Tám đừng lo. Tôi còn biết nhiều hơn nữa, chớ đâu phải chỉ có bấy nhiêu.

Tám Râu nhắp rượu rồi chép môi:

- Con gái mà mưu trí như vậy thật là đáng phục... Nhưng nếu tôi có con sẽ không cho đi công tác này. Tội nghiệp con nhỏ có nhan sắc... -Tám Râu ngưng ngang như lúc nãy.

Hai người im lặng nhìn nhau. Tôi thấy thương hại cô bé. Một sắc đẹp như vậy mà người ta nỡ đút nó vào miệng sói hang hùm. Thời chống Pháp cũng có biết bao nhiêu vụ "địch vận" bằng đàn bà con gái. Rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Nhiều nữ cán bộ rất đẹp đi địch vận, đành mang quả bầu đầy tràn ân hận trở về cơ quan rồi tàn cuộc đời.

Bỗng Tám Râu hỏi tôi:

- Bây giờ tình hình Sài Gòn ra sao rồi "toa"?

- Dạ có lộn xộn rồi yên ổn trở lại rồi.

Tám Râu (làm bộ) giật mình (Y đóng kịch rất khéo nhưng tôi vẫn nhận ra):

- Ủa, sao tôi nghe nói mình... làm chủ toàn thành phố?

- Dạ... Cũng có làm chủ, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ thôi anh Tám ạ. Tụi nó phản công và chiếm trở lại hết.

- Còn các nơi? Tôi nghe mình chiếm đi mười mấy tỉnh.

- Dạ chỗ nào mình đánh cũng chiếm được hết nhưng rồi mình rút lui để bảo toàn lực lượng anh Tám à!

- À à phải rồi, đúng là như vậy, chớ đâu phải tụi nó mạnh phải không "toa"?

Nàng Kiều lại bưng dĩa bánh ngọt đặt trên bàn. Nàng vừa quay lưng đi thì Tám Râu gọi giật lại và nói:

- Bữa nay bất ngờ, cậu tìm được tri âm, còn cháu gặp đồng chí. Hà hà... Cậu bữa nay vui hung nên quá chén. Vậy cậu xin phép ông bạn quý rút lui sớm, cháu thay mặt cậu tiếp bạn của cậu giùm nghe!

- Dạ.

- Cháu ngồi đây này! -Nói xong Tám Râu đứng dậy đẩy ghế bước lại vỗ vai tôi, giọng thân mật, nói bằng tiếng Pháp- Chúc "toa" đại thắng nghe!

Tôi không biết Tám Râu đùng chữ đại thắng nghĩa là gì?

Nàng Kiều thứ mười nên gọi là Mười Kiều. Có lẽ không phải tên thật. Mười đây là 10 trong "N10" chăng? Còn Kiều thì quả thật nàng cũng là một người con gái ba chìm bảy nổi như Thúy Kiều. Nhưng Thúy Kiều bán mình chuộc cha, lớp giữa gặp Từ Hải đóng vai mệnh phụ, lớp chót tái hồi Kim Trọng. Còn Mười Kiều này... vâng lệnh đảng bán mình cho Mỹ, không tái hồi được với ai hết, sống một cuộc đời cười đau khóc hận tới chết!

Nàng thỏ thẻ:

- Lúc nọ em gặp con Thanh, con gái Phạm Xuân Hoàng, cháu của Phạm Duy Nam. Nó nói với em đã gặp ở một trạm giao liên anh trên đường từ R về Củ Chi, anh có dắt nó đi chợ, mua thịt heo ở chợ chồm hổm. Nó cũng thuật lại việc chú nó đóng cặp vợ chồng với nó đi công tác ở Sài Gòn. Và bắt nó học nhảy đầm, học tiếng Mỹ và cắt tóc ngắn uốn quăn đi chơi bời với Mỹ để làm địch vận.

- Ờ có, anh có gặp cô ấy ở Trảng Sa. Anh biết hết mấy chuyện đó.

- Nhưng có chuyện anh không biết.

- Chuyện gì?

- Nó yêu anh.

- Anh hơn nó hai mươi tuổi. Anh bằng tuổi chú nó mà.

- Vậy mà nó vẫn yêu anh. Nó thú thật với em như vậy! Kiều tiếp- Đôi khi ở chung với nhau, nó tâm sự với em nhiều lắm.

- Kỳ Tết này cô ấy công tác ở đâu em biết không?

- Trước kia thì nó mạo hiểm lắm. Sau một chuyến công tác nào đó, em nghe nói nó tự tử nhưng cấp cứu kịp.

- Tại sao vậy?

- Đi láng cháng với Mỹ, anh nghĩ coi làm sao thoát được. Em đoán chắc nó buồn đời vì cái công tác oái oăm.

- Công tác cách mạng mà có công tác oái oăm em?

- Có chớ anh, chính em đây cũng có lần em muốn tự tử.

Tôi nhìn cô gái có nét bạc mệnh, không hỏi nữa, nhưng hiểu tại sao. Nàng lặng thinh có lẽ vì đoán được rằng tôi hiểu được những nỗi u uẩn đau đớn của một tấm hồng nhan làm công tác địch vận mà địch ở đây là Mỹ, một loại người dâm bạo.

Nàng khẽ quẹt đôi mắt đỏ hoe:

- Năm 1964, vào đêm Giáng Sinh em đã lái xe tắc xi vô đánh cư xá Mỹ.

- Làm sao vô được?

- Tụi Mỹ mà anh! Thấy gái là anh bảo nó chết nó cũng dám chết cho gái. Trên xe có sẵn trái mìn. Qua xong cổng gác là em vọt ra khỏi xe cho xe phóng vô.

- Một loại tắc xi không người lái như máy bay không người lái!

- Bây giờ nghĩ lại em còn rùng mình. Không hiểu tại sao em dám làm chuyện đó.

- Vì cách mạng chớ sao!

- Có lẽ em căm thù chúng nó hơn là vì cách mạng. Chính nó đã phá nát đời em. Em phải vào đó ngủ với chúng nó, đi chơi với chúng nó. Anh nghĩ coi, ba bốn thằng cùng dày vò em một lúc. Em quyết đánh tan xác chúng nó.

- Rốt cuộc giết được bao nhiêu?

- Ba, bốn đứa!

- Chỉ có vậy thôi?

Nàng Kiều ngồi lặng thinh.

Chỉ có vậy mà tan nát một đời hoa. Nàng đau đớn lắm, nhưng đó là công tác! Cấp trên bảo thì phái vâng. Trước khi nhận công tác, công tác viên phải thề "tuyệt đối hy sinh cho cách mạng, cấp trên giao việc gì. dù khó khăn đến đâu cũng không được từ chối". Đó là một trong mấy điều tâm niệm của công tác viên. Đôi khi gặp những trò chơi ghê tởm của tụi Mỹ đen, Kiều kể, nàng đã muốn trốn thoát nhưng nhớ lại lời thề cao quý (?) của nàng trước cấp trên, nàng lại cố gắng chịu đựng, coi sự chịu đựng đó là một sự hy sinh cho cách mạng nên gồng mình chịu.

Bây giờ... nàng đã bị biết mặt nên không dám trở lại Sài Gòn nữa. Nàng hối hận tràn lòng. Đang học trung học, đẹp lại thông minh, bỗng dưng lại bị người ta "móc" đi làm cách mạng giải phóng. Cách mạng cần sắc đẹp con gái để đánh giặc. Thiệt lạ kỳ. Thế mà nàng cũng nghe theo một cách hết sức dễ dàng.

Bây giờ... nàng biết mình không có con được nữa. Qua những cuộc chơi bời quên cả thân xác và danh dự do bọn Mỹ đẩy vào, bộ phận sinh dục của người nữ công tác viên đã vỡ tan không còn bình thường nữa. Nhưng đó là hy sinh cho cách mạng giải phóng. Lạ thiệt, cách mạng đoạt thắng lợi bằng bộ phận sinh dục của đàn bà.

Bây giờ... cô bé đang chích hằng ngày ba hũ pini do cách mạng cung cấp không bảo đảm rằng bệnh của nàng có trị được hay không, và cách mạng cũng không hề lo cho tương lai của người nữ công tác viên đã từng hy sinh thân mình để giết bốn, năm tên Mỹ cho cách mạng vui lòng.

Nàng Kiều khóc mê man. Tôi cũng muốn khóc. Cái thân phận của nàng thì cũng như số phận của tôi. Ngẫm ra cho cùng thì cả hai đều là nạn nhân của sự yêu nước mù quáng. Chính nàng Kiều cũng kể cho tôi biết rằng "ông anh hùng Nguyễn Văn Trỗi" bị đồng chí của ông ta lừa ôm bom đi đặt ở cầu Công Lý để có dịp cuỗm cô vợ xinh đẹp của ông ta mà ông ta nào có hay. (Tôi đã viết chuyện này trong quyển "Cách mạng tháng Tám, cha đẻ còng số 8").

Xương má u tuổi trẻ đã hy sinh tiếc uổng dưới thời Hồ không biết bao nhiêu mà kể. Nay mở choàng mắt ra, ôi thôi đã muộn. Chết ở Trường Sơn, chết ở Miên, ở Lào, ai biết hết tên tuổi những thanh niên ưu tú của đất nước để làm gì? Đó là câu hỏi quan trọng mà kẻ sát nhân cần phải trả lời.

Sáng hôm sau, do lời yêu cầu của nàng, tôi mới ra sau lẫm lúa để xem qua các cộng tác viên N10 và F100 bị thương sau khi "đại thắng ở Sài Gòn mang đầu máu về. Bọn họ độ bảy, tám mạng, kẻ nằm võng, người ngồi trên giường, tay, thân, đầu cổ băng trắng lớp. Có một anh đang nằm trên tấm ván nhỏ, tay treo trên một thanh cây rên hừ hừ. Bỗng một cậu bé ốm tong teo, mặt choắt lại, nhảy cò cò đến trước mặt tôi:

- Anh Hai, em nè!

Tôi nhìn hắn nhưng không nhận ra ai. Hắn tía ha một hơi:

- Em là thằng Tẻo nề, nhỏ như con nhái, mặt thỏ mỏ dơi, đi trinh sát thì chuyên môn báo cáo láo, cho nằm với tổ B40 thì đụng xe tăng mang đầu chạy, còn về bộ binh thì nằm mép không dám xung phong, bị Chín Nữa bạt tai mấy lần...

-Ờ, tao nhớ mày rồi. Nhưng sao mày lại về đây, oai vậy?

- Lần đó em bị thương được đưa qua Bưng Còng ông Tám Lê trị...

- Rồi sao nói hết nghe!

Thằng Tẻo ngập ngừng. Một anh chàng băng tay treo trên cổ tiếp:

- Vết thương lành xong không dám về đơn vị, rồi nghe người ta dụ dỗ... bảo rằng đi theo F100 đánh vô Sài Gòn thì được thăng ba cấp, rồi thằng Tẻo mê nên không về đơn vị mà nhập vô F100 của Chín Lộc.

Thằng Tẻo gạt ngang:

- Thôi mày! Mày không mê thăng cấp sao cũng nằm ở đây như tao?

Nàng Kiều ra vẻ chỉ huy:

- Các đồng chí không nên nói móc nhau nữa. Ai nghe thăng cấp mà không ham.

Các ông bạn không im mà lại tươm tướp. Một giọng Bắc rướn lên to:

- Mẹ, tin cấp trên kỳ này bán lúa "rống".

Tôi lại ngồi xề bên tấm bạt xệu xạo, móc tiền bảo thằng Thành chạy đi mua vài hộp sữa, ký lô đường cát, vài bao thuốc Capstan. Chỉ chốc lát khói lửa mịt mù. Cô nàng giới thiệu tôi với anh em và nói:

- Rất may là chúng ta gặp anh Hai. Tôi yêu cầu ảnh ra gặp anh em mình để giúp đỡ. Lương thực đã cạn, thuốc men không có...

Một anh chàng chừng mười bảy tuổi nói:

- Chúng em nghe cấp trên bảo đánh được cứ điểm nào hãy cầm cự chừng một tiếng đồng hồ thì đại quân tới tiếp viện. Nhưng tụi em năm mấy tiếng đồng hồ, chịu cho tụi nó bên trong "tróc" M79 muốn nát lưng, rốt cuộc không có ma nào đến, tụi em phải rút.

Tôi gỡ gạc:

- Tại đại quân đi lạc đường nên kẹt ở Quới Xuân không vào được kịp thời.

Những cặp mắt đầy nghi ngờ đổ về phía tôi. Tôi biết họ không tin tôi nhưng họ không dám cãi lại hoặc hỏi tiếp. Xưa nay quyền nói láo tuyệt đối là quyền của cấp trên. Bọn cá kèo chỉ biết cúi đầu vâng theo.

Tôi hỏi:

- Cậu nào đánh đài phát thanh? Cậu nào đánh Tổng Tham Mưu, Tòa Đại Sứ Mỹ?

Một cậu người Bắc nhanh nhẩu:

- Chúng em chẳng biết đài phát thanh hay Tổng Tham Mưu gì cả. Mà cũng chẳng biết mục tiêu mục tiếc gì. Cả chỉ huy cũng không biết. Nghe xa xa có tiếng súng nổ, đồng chí đại đội trướng bảo bắn. Thế là cứ nhắm bóng đèn mà lia hoặc thấy nhà nào to lớn là xả súng vào.

Một anh chàng băng chéo qua mặt lấp mất một bên mắt nói giọng giận dữ:

- Đụ mẹ thằng Bắc Kỳ mắt toét (Chín Lộc) bảo tụi em rán cầm cự một tiếng đồng hồ thì có công trường 9 tới, tới mụ nội tôi chớ tới đâu.

Út Tẻo giới thiệu thêm:

- Nó tên là Bảy Tăng, chỉ huy đánh Tòa Đại Sứ Mỹ đó anh Hai. Còn em và thằng Nam Hỏi đánh đài phát thanh. Thằng Hỏi bị súng M79 bắn xẹt ngang mép rụng trụi hết hàm răng trên, băng bịt miệng nói không được nên nằm đăng kia im rơ... Cuối cùng tụi em biết thằng cha mắt toét gạt nên em bảo đánh mìn cho tụi mình chết hết, thành chiến sĩ vô danh, hoặc chui xuống cống mà ra. Tụi em lớp chết lớp bị thương. Lỡ vô rồi ra không được, em bảo bỏ xác đó tìm đường chui ra.

- Rồi làm sao bay lết về tới đây được.

- Đó là nhờ sáng kiến của bà "Thúy Kiều" này nề. Bả bỏ tụi em vô hòm đậy nắp lại, lính gác Cầu Bông mới cho qua. Bây giờ nằm đây chờ đi quân y mà không ai rước. Nhiều đứa còn miệng trong người đau nhức la om, nhất là mấy ông Ba Ke. Các ông chửi tiếng trọ trẹ em nghe không được tức cười quá tay, nhưng càng cười vết thương càng nhức. Đụ bà! Xin lỗi anh Hai nghe! Một lần thì tởn tới già. Em không chơi trò này nữa. Em xin về bộ binh với anh Hai. Chết cỏn xác.

Một giọng Bắc nhói lên:

- Địt bố chúng nó, đem con bỏ chợ!

Tôi trở vào nhà. Bữa cơm sáng đã dọn trên bàn. Tám Râu vui vẻ:

- Mời "toa" ăn cơm. Cháu Kiều cũng ngồi đây luôn với cậu.

Tôi ngồi ăn mà buồn tênh, gan ruột rối bời. Hình ảnh vợ Tư Nhựt bế con đi lang thang chưa nhòa trong đầu tôi, bây giờ lại đến đám đặc công nheo nhóc này. Đang ăn bỗng có trinh sát chạy tới gọi tôi về chỉ huy sở. Thì ra Sáu Huỳnh. Coi bộ anh Sáu bầy trẻ không được lạc quan lắm. Anh đang ngồi nghe đài với ban chỉ huy D.

Tôi vọt miệng hỏi:

- Quân ta chiếm tới thị xã thứ mấy rồi anh Sáu?

- Thôi mày! Đừng có tếu.

- Hôm qua tôi nghe đài nói mình đã chiếm thành phố Huế rồi mà!

- Ừ chiếm Sài Gòn rồi nữa!

Nói xong Sáu Huỳnh đứng dậy bước lại lôi tôi ra góc rơm, chỗ hai con bò đang nhơi:

- Bà Sáu Thiệt bị bắt rồi.

- Ở đâu? Hồi nào?

- Mới bữa nay. Trong giỏ trầu của bả có quả tang cây K54. Bả đang luồn trở lại Sài Gòn để triển khai kế hoạch đợt hai của Bộ Tư Lệnh. Như vậy phải thay đổi toàn bộ.

- Sao vậy?

- Thì đề phòng bả khai ra hết chớ sao.

- Bả là vợ ông Hộ đảng viên kỳ cựu mà!

- Kỳ gì kỳ, nó cho uống nước xà bông cũng phải "ói" ra -Sáu Huỳnh than- Cơ sở ở Sài Gòn bị lộ hết rồi! Vợ con thằng Tư Mạnh thợ may bị tóm hết, vợ con tao cũng không dám ở nhà.

Tôi đang tự hỏi: mấy chuyện đó ăn nhập gì với mình mà Sáu Huỳnh cho biết. Bỗng Sáu Huỳnh bảo tôi:

- Cái vụ thằng em Thủy Quân Lục Chiến của mày bị thằng mắt toét nêu ra ở cuộc họp với khu ủy vừa rồi, nhưng tao đánh hơi biết. Tao hỏi thằng chả, thằng chả chối ngang.

Nghe tin B52 tôi không sợ bằng mấy cái tin hành lang này. Tôi đã báo cáo với Ba Thắng ở R hồi đại hội mừng công. Rồi Chín Lộc bàn với tôi. Tôi đã móc nó vào Ràng, nhưng đường ai nấy đi.

Thế mà vụ tổng tấn công vỡ lở, chuyện đó lại trở thành vấn đề!

Một thằng thiếu nhi đi theo kháng chiến từ 1945, ở trong quân đội hai mươi năm liền, bị thương cả chục lần, đánh cả trăm trận, chết hụt không biết mấy keo lại bị tình nghi là gián điệp. Nếu hồi đó tôi làm gián điệp thì tôi chỉ cần nói một câu là rục tùng cả Mặt Trận Giải Phóng và R.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx