sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 90: Quân Đội Nhân Dân Không Lấy Cây Kim Sợi Chỉ Của Dân

Thằng Tăng thằng Tẻo đều là lính cũ của đất Củ Chi, nghe bọn công tác thành dụ khi "thăng ba cấp" thì mừng lắm nên cuốn gói đi theo, tưởng đóng lon thượng úy dễ dàng, chẳng dè bây giờ đứa gãy tay, đứa bể đầu mà không có một viên thuốc, thì mới sáng mắt ra. Bây giờ nằm ở trong cái vựa lúa địa chủ mà chửi cah lãnh tụ vô sản.

Tám Râu chơi thiệt điệu. Anh cho làm heo vật bò đã tiểu đoàn trên một ngàn miệng ăn. Rượu uống thả cửa. Bọn chỉ huy tiểu đoàn cùng ngồi bàn với hắn uống toàn rượu Tây, rượu Mỹ.

Sau tiệc rượu, anh mời tôi vô buồng, nhắc ghế cho tôi ngồi rồi nói với giọng trịnh trọng, tỉnh tuồng không có vẻ say sưa:

- Bữa nay là tiệc liên hoan chiến thắng bộ đội hạ đồn Thái Mỹ, đồng thời cũng là bữa tiệc tạm biệt với "toa". Lâu nay "moa" cảm phục tài năng và đạo đức của "toa" và bộ đội "toa". Đóng quân ở đây không có động đến tài sản của dân, không khuấy rầy dân mà lại giúp đỡ dân tận tình.

Tám Râu hé cửa sổ chỉ tay ra phía ngoài:

- Bây giờ bà con đang xách gà tới nhờ vô máu trị bịnh thiệt tài tình.

Nghe Tám Râu nói, tôi tiếp lời ngày:

- Đó chẳng qua là đáp đền ơn nghĩa của đồng bào ở vùng An Phú này thôi anh Tám ạ. Có đáng chi mà anh phải nhắc.

Tám Râu dường như không để ý câu nói của tôi, giọng anh cảm động:

- "Moa" sắp phải xa "toa" rồi, Hai Lôi à!

- Anh đi đâu?

"Moa" phải về Sài Gòn -Tám Râu không để tôi hỏi lý do, nói tiếp- Tài sản này tôi xin giao lại cho anh làm chủ. Tất cả! Từ hột lúa đến ngôi nhà, từ chai rượu đến con cá dưới ao, anh thay mặt tôi mà sử dụng cho cách mạng. Ngày nào còn gặp "toa" thì "moa" sẽ tính tới.

- Anh Tám nói gì vậy?

- Tôi nói thật mà, thật tự đáy lòng chớ không đùa.

- Hay là trong lúc đóng quân ở đây, anh em có làm điều gì phật ý anh chăng?

Tám Râu xua tay:

- Bộ đội của anh thật là có kỷ luật cao. Chỉ huy làm sao thì lính làm vậy. Tôi đi là vì tình thế bắt buộc chớ không phải do sự giận hờn, phật ý các anh. Xưa nay sở dĩ tôi ở đây là vì vùng này còn nguyên lành, chưa bị một phát đạn nào. Chớ nếu có thì tôi đã không có cái hân hạnh làm quen với một sĩ quan tài ba như "toa"? Đó là thật lòng của "moa". Xin "toa" đừng nghĩ khác!

Nói xong Tám Râu móc trong ngăn kéo lấy ra một gói vuông vắn buộc ràng cẩn thận, rưng rưng nước mắt:

- Đây là số bạc mọn. Một nửa "moa" tặng cho "toa", còn một nửa tặng cho anh em chi dụng. Khi nào "toa" uống rượu thì nhớ uống giùm "moa" một ly nhé!

Rồi Tám Râu đứng dậy ôm tôi hồi lâu. Tôi hiểu ý anh. Ngoài tình cảm riêng tư giữa hai người, anh còn muốn tôi trở thành người trong gia đình của anh. Chẳng là lâu nay, anh có ý xe duyên cho tôi với cô Trúc Mai, cháu kêu anh bằng cậu đang học ở trường Gia Long, Sài Gòn. Ngờ đâu, Trúc Mai là chị của Huỳnh Mai, người con gái đã yêu tôi lúc tôi làm đại biểu đoàn 69 đánh sân bay Biên Hòa đọc diễn văn trong đại hội mừng công năm 1964. Huỳnh Mai đã gửi thư về nhà cho Trúc Mai biết về mối tình của chúng tôi. Rồi sau đó, R ăn B52, Huỳnh Mai chết không để lại một dấu vết gì. Khi tâm sự với tôi, Trúc Mai hỏi tôi có quen với ai tên Huỳnh Mai không. Tôi lắc đầu một cách hồn nhiên. Cũng may, lúc đứng ra đọc diễn văn trước đại hội, tôi được ban tổ chức không cho mang một tên tuổi nào, cho nên Huỳnh Mai cũng gọi tôi bằng một cái tên khác do tôi bịa ra (cũng như Chín Vinh, Tư Chi vậy.) Tám Râu mong muốn trói chân chim bằng một sợi tóc Trúc Mai. Nhưng lòng gã Thiên Lôi như lượn sóng thủy triều có khi nào chịu dừng lại ở bến bờ nhất định nào, cho nên rồi lại bỏ lỡ cơ hội trong khi cánh cửa hạnh phúc đang mở trước mặt chàng.

Trở về đơn vị, tôi nằm không yên. Không phải vì mối tình Trúc Mai chớm nở mà chính vì sự rời bỏ quê kiêng của Tám Râu. Lâu nay đất An Phú là ốc đảo hòa bình. Dân giàu có, thực phẩm sung túc phủ phê. Cách mạng dựa vào đó như một bức tường hiếm có. Bây giờ chiến trận nổ bùng. Tụi N10 của cô Kiều đóng đô ở đây kéo theo vệt máu chưa khô từ Sài Gòn, kế đó đơn vị của tôi đánh đồn Thái Mỹ. Không khí yên ổn đã bị phá tan. Rồi đây bom đạn sẽ đến. Tám Râu là người hiểu biết tình hình và biết cách đối phó. Anh đóng thuế cho "nhà nước giải phóng" cả ngàn giạ lúa, tặng chơi một kỳ lạc quyên năm trăm giạ. Đây là loại người có thể xếp vào hàng bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên hồi đầu cách mạng 45. Thế nhưng sau khi bác đảng về thủ đô bà bị cách mạng Cải Cách Ruộng Đất đấu tố Bà "chị nuôi" cụ Hồ kêu lên "ông em" là chủ tịch nhà nước nhưng ông em nuôi ngoảnh mặt làm ngơ để cho bà chị bị xử bắn. Có lẽ Tám Râu sợ phải vướng vào cái cảnh của bà chị nuôi của Hồ nên dông trước cho yên thân, một là tránh bom đạn, hai là đề phòng bọn Ba Bê, Năm Nhân, huyện ủy Trảng Bàng chăng?

Nghĩ thêm về cách mạng tôi thật không hiểu. Như tôi, dày sành đạp sỏi hai mươi năm đi trên đường cách mạng, thế mà họ nghi tôi là gián điệp. Cũng bởi vì tôi không chịu móc thằng em đại úy Thủy Quân Lục Chiến của tôi làm một trận binh biến như Phùng Văn Mười ở Bình Dương năm 63? Ai ở cho vừa lòng cách mạng?

Đang nằm thiu thiu thì có tiếng quào quào đầu võng. Tôi ngóc dậy thì thấy một bóng người nhỏ thó.

- Anh Hai, anh... Hai, cho em báo cáo.

Tôi biết ngay đó là thằng Đá, liên lạc của tôi. Nó là người Bắc, học sinh lớp 8 bị bắt đi giải phóng miền Nam.

- Có chuyện gì vậy Đá?

- Em mới bắt được cái gói này.

- Gói gì?

- Thủ trường đi xuống hầm rồi em trình bày.

Vùng này chưa bị bom đạn nên lính ngủ trên mặt đất. Riêng tôi thì các cận vệ mến anh Hai nên đào cho anh Hai một cái hầm tạm tạm khá hơn mèo quào một chút. Thấy thằng bé nói có vẻ quan trọng tôi bèn xuống hầm, nó bò theo.

Tôi móc đèn pin rọi lên thì nó cũng vừa đưa cái gói ra. Tôi cầm lấy cái gói, chỉ bóp bóp không cần mở ra cũng biết là vấn đề gì rồi. Tôi hỏi ngay:

- Của thằng Thượng phải không?

- Trời, sao thủ trướng biết tài vậy?

- Cậu nó là Năm Thơi, trước là C phó của tao. Sau đánh mấy trận ở Cây Trắc, Dầu Bà, tao đề bạt lên C trưởng, rồi trước khi đi xuống Sài Gòn, tao bảo Tư Nhựt chọn nó lên phó chính trị viên D. Nó đánh giặc ít sáng kiến, nhưng không bỏ mặt trận, nhờ tánh lỳ.

Thằng Đá nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi tiếp:

- Cậu nó bảo nó trốn về tìm tao xin nhập vô D7, còn y ở lại dưới đó. Mày lấy cái bọc này ở đâu vậy?

- Dạ, lúc đi hái ngó sen ngoài đầm.

- Sao mày lấy được?

- Dạ... -thằng Đá ngập ngừng- Dạ... lâu nay em chú ý thấy nó đi đâu cũng ôm tò tò cái bọc, không dám rời ra. Em nghe trong đơn vị xầm xì mấy ông đào ngũ từ Sài Gòn về bị bắt giam bên suối Gò Gấu, một số được trả về đơn vị cũ.

- Đơn vị cũ còn đâu mà về.

- Dạ thì em nghe vậy thôi. Còn một số thì bị đi tù. Ai về cũng có thắt lưng một số vàng. Có ông được cả bụm dây chuyền hoa tai.

Tôi làm bộ hỏi:

- Vàng ở đâu mà giắt lưng?

- Dạ thì họ lấy của người ta ở dưới đó.

Tôi chìa cái bọc để cắt ngang câu chuyện:

- Công mày phát hiện, tao cho mày lấy vài món, còn bao nhiêu tao báo về trển.

Thằng Đá xanh mặt:

- Dạ, xin thủ trưởng đừng báo cáo tên em trong đó. Rủi ở trên hiểu nhầm, em mất hết danh hiệu giải phóng quân. Em có đọc mười lời thề trước khi đi.

- Tao không ghi tên mày đâu!

Tôi vừa nói vừa thọc tay vào bọc lôi ra một cái đồng hồ rồi mằn mặn rút thêm một sợi dây chuyền, bảo:

- Đồng hồ thì mày đeo. Còn dây chuyền thì đem về Bắc cho em gái hoặc chị mày.

- Dạ em không có chị em gì hết.

- Cái thằng! không có thì cất đó sau này cho người yêu! Bộ mày tính không cưới vợ à?

- Dạ em đâu có chắc còn sống mà cưới vợ.

Tôi nhét đại vô túi nó rồi bước đến ngả mình trên võng.

Đây không biết là vụ trộm thứ mấy của đoàn giải phóng thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Lúc nãy nghe Tám Râu khen tôi hãnh diện bao nhiêu, bây giờ tôi xấu hổ bấy nhiêu. Tội nghiệp bác Hồ, "người tổ chức và rèn luyện quân đội ta" hiện giờ nằm ngoài Hà Nội cũng trên chiếc võng chờ tin chiến thắng như tôi. Chắc bác tưởng tượng cảnh các cháu bác anh dũng tiến vô giải phóng Sài Gòn để gắn tên bác lên chói lọi ánh mặt trời Đông Phương Hồng và hàng ngũ răm rắp, lưỡi lê tuốt sáng giới, đầu ngẩng cao, mũ lóe rực sao vàng, nào ngờ đâu đó chỉ là những tên ăn cướp một đám cướp được tổ chức rất chu đáo có tên là giải phóng quân. Đập tủ kiếng thợ bạc, hiệu vàng, quơ hết thiệt sướng tay. Trong chiến tranh chúng đã lòi mặt thật, trong hòa bình cái mặt nạ giải phóng càng rơi nhanh.

Chiều hôm sau tôi kéo quân về Củ Chi, các tổ hỏa đầu quân, anh nào cũng mang theo một soong thịt gà kho sả. Đó là kết quả thiết thực nhất công tác vận của bác sĩ Năm Hồng, những chú gà bị hút máu xong chết ngoẻo bị đem ra vặt lông làm thực phẩm.

Như vậy là tôi có trong sắc cốt mấy chục cái đồng hồ, còn nữ trang thì không biết bao nhiêu, tôi không đếm hết. Tôi định họp ban chỉ huy D để bàn cách giải quyết, nhưng họp hành bàn cãi thế nào cũng lọt tai chiến sĩ, sẽ có dư luận không tốt, nên tôi âm thầm chuồn cho mấy cán bộ nghèo, vợ con nheo nhóc, một số thì tôi giao cho Năm Tiều để ông tặng mấy bà vợ của ông, một số tôi cho anh nuôi, trinh sát, pháo thủ để họ coi giờ thi hành nhiệm vụ.

Cả chục chiếc dây chuyền, cà rá, lắc... thì giữ lại để cho em. Ngoài ra không quên một chiếc đồng hồ cước cạnh để dành cho Chín Nữa, người đã cho tôi radio lẫn đồng hồ. Đời tôi chưa bao giờ thấy trận nào lấy được nhiều chiến lợi phẩm của "địch" như thế! Cây kim sợi chí không thèm lấy của dân mần chi. Trận Mậu Thân thật vĩ đại!

Một đêm tôi đang ngủ có người kéo chân tôi.

- Ai đó?

- Đá. dạ Đá.

- Bộ mày chỏm được cái túi khác hả?

- Dạ không, thằng Thượng muốn gặp cậu.

- Biểu nó lại đây.

Một chập sau, Thượng gặp tôi. Tôi hỏi ngay:

- Mày tính sao?

Nó sụp lạy tôi, rên rỉ:

- Cậu Hai ơi. Cậu cứu giùm cháu.

- Ơ kìa, chuyện gì vậy nhỏ?

- Chắc phen này cậu Năm cháu giết cháu mất.

Tôi biết tỏng nhưng còn làm tỉnh:

- Mày về đây chiến đấu dưới quyền của tao, còn sợ gì nữa?

- Dạ, em làm mất một trăm ngàn, mười lăm cái đồng hồ và dây chuyền cà rá.

- Ở đâu mà y có?

Thằng Thượng im lặng hồi lâu. Tôi đốt thuốc và hỏi:

- Mày đánh mất ở đâu?

- Dạ không biết đứa nào nó khuấy chơi lúc em lặn dưới đầm để nhổ ngó sen với con Ẻng.

Tôi giả bộ đánh trống lảng:

- Mày lặn xuống đó thấy cái gì của nó không?

- Đâu có mở mắt ra được mà thấy anh Hai.

- Rồi đứa nào quơ cái bọc của mày?

- Em nghi thằng Đá với tháng Tiền nhưng chúng nó chối. Tiền thì cẩu cho em hai ngàn để xài chơi, còn lại bao nhiêu gộp với đồng hồ, cà rá, cẩu dặn em đem về đưa cho mợ Năm em làm vốn món ăn nuôi con, cẩu trối lại như vậy. Cẩu không còn trở về trông thấy mặt mợ Năm em nữa đâu.

- Mợ Năm mày ở đâu?

- Dạ ở trên Trảng Cỏ.

- Mày có thương đứa con gái nào không?

- Dạ... không... có.

- Sao không lại có?

- Dạ không có thương đứa nào hết.

- Tao biết mày thương em gái chị Ba Cưng ngoài Ràng.

- Dạ hổng có.

Tôi tra hoài, nên nó khai thật:

- Dạ em thương con Múi em chị Mầu, em gặp nó hai ba lần mà không biết nói gì. Bữa nọ em gặp, em nắm tay đại, nó giựt lại, nó còn nói nó sẽ thưa ban chỉ huy C, em sợ quá nên không gặp nó nữa.

Tôi móc xắc-cốt lấy ra sợi dây chuyền vàng có tấm lắc đưa cho nó và bảo:

- Bữa nào mày gặp nó mày cho nó sợi dây này thì nó sẽ thương mày, nó không mét ban chỉ huy nữa đâu.

- Thiệt hả anh Hai?

- Còn gói đồ của mày tao cất kia. Nhưng mày phải khai thật, ở đâu mày có nhiều đồ quý vậy. Nói láo tao không che chở được.

- Hu hu...

Thằng Thượng bật khóc. Tôi quát nó nín. Nó vừa quẹt nước mắt vừa kể lể:

- Cậu Năm em không biết sống chết, còn ông Tư Nhựt, Năm Truyện, Tư Chi thì chết hết rồi. Đoàn bộ (tức văn phòng E và các cơ quan trực thuộc như thông tin, liên lạc, trinh sát, hậu cần...) đều bị pháo dập nát hết từ phút đầu. Ai còn sống sót chạy ra ruộng đều bị "cá nhái" bắn chết sạch. Ai lội được qua bên phía bên kia sông đeo núp trong đám dừa nước thì còn sống. Nhưng tụi nó đổ quân ném lựu đạn vô bụi rậm, lớp bị thương, lớp bị tức nước nổi phình như cá bể bong bóng. Sông rộng, có đứa chết chìm.

- Sông nào?

- Sông nào không biết sông nào.

- Mày đi cánh nào, có du kích dẫn đường không?

- Dạ, em theo cậu Năm em. Ổng được thăng phó chính trị viên D, chỉ huy D2 thuộc E cửa ông Tư Nhựt, đánh vô thành Cổ La Cổ Lư gì đó.

- Cổ Loa, là căn cứ pháo binh Sài Gòn.

- Dạ, còn D1 và D3 thì đánh vô Tân Sơn Nhút. D em có một ông già với một du kích dẫn đường. Gần sáng mới tới nơi. Em bò, thấy đèn sáng trưng mà hồn vía lên mây. Hồi nào tới giờ đâu có thấy đèn như vậy. Dây kẽm gai dày bịt, không có cuốc xuống để đào công sự như hồi ở Củ Chi anh chỉ huy. Cậu Năm em trỏ vô trong bảo: "Tụi nó ở trong đó! Tụi bay nằm đây chờ lệnh". Không có kềm để cắt dây kẽm thì làm sao vô được.

Tôi hỏi:

- Còn Tư Nhựt ở đâu?

- Dạ ở đâu em đâu có biết! Nằm dưới ruộng nước lạnh run. Trên đường xe lam, xe gắn máy chạy như tên bắn, em hụp đầu xuống cỏ chờ lệnh, ngó lại thì thấy cậu Năm em biến đâu mất. Bỗng nghe tiếng súng nổ thì em biết có lệnh trên. Lính không băng không chui qua lưới chì gai được nên phải ào vô cổng, bị tụi nó xả trung liên chết có đống ngay trước cổng, có đứa nào vô lọt được đâu. Bên trong tụi nó hạ nòng pháo bắn thẳng chọn đường mình vô. Mấy đứa vọt qua được cổng thì quay trở ra nhưng không ra được.

- Năm Thới lúc đó ở đâu?

- Dạ cậu Năm em đi đâu không biết. Tụi em còn mấy đứa lủi đại vô phố và nhà dân. Dân chạy tán loạn. Tụi em mới thừa cơ đập tủ kiếng lấy đồng hồ và nữ trang. Lúc này em gặp cậu Năm, ổng đưa cho em một bọc, bảo: "Tao lựa toàn thứ tự động". Lệnh trên là bám trụ tại chỗ, chờ viện trợ tới. Hồi mới phát xuất cũng nói vậy. Đơn vị nào chiếm được căn cứ thì nằm tại đó sẽ có đại quân tới tiếp cứu. Nhưng nằm cả ngày đâu thấy ai. Cậu Năm em ra lệnh rút lui. Cậu bảo em rán tìm đường về Củ Chi, còn cậu rút về An Phú Đông.

- Sao mày biết An Phú Đông?

- Dạ, em nghe vậy thì hay vậy chớ đâu biết An Phú Đông là đâu. Cậu dặn em cứ đem cái bọc về cho mợ Năm em... chớ cậu chắc hết về.

- Còn tiền bạc ở đâu mà có tới cả trăm ngàn?

- Dạ đó là tiền của tiểu đoàn!

- Đưa cho mày rồi đơn vị lấy gì ăn?

- Dạ, đơn vị đâu còn ai mà ăn!

- Chết hết sao?

- Dạ, thì như em báo cáo lúc nãy. Đâu còn ai mà ăn. Mạnh ai nấy quơ hốt kiếm ăn. Nhưng em không biết đường đi cứ đeo theo cậu Năm và một tốp còn sống sót bị thương qua rạch Bến Cát. Lại bị pháo đuổi, trực thăng rượt theo nên phải trở lại.

- Trở lại đâu?

- Dạ em nghe cậu Năm nói là An Nhơn hay Gò Vấp gì đó. Ở đây lại đụng với Nhân Dân Tự Vệ, lớp bị thương, lớp bị bắt, phải cõng nhau chạy trốn. Tụi Bắc Kỳ đầu hàng hết cả đám. Tụi em gặp nhau chừng chục rưỡi, đứa ở C cối, thông tin. Cậu Năm ra lệnh mò trở lại lôi xác bỏ xuống mương lạng trong vườn lấp đất. Tưởng vậy đã êm, nào ngờ đầm già phát hiện kêu pháo bắn, phản lực tới ném bom. Cậu Năm với em lạc nhau. Em không biết đi đâu nên cứ nhắm hướng may rủi, lủi tìm đường về. Ở dưới đó sẽ chết. Em về tới sông Rạch Tra, lên đường số 8 qua lối Trung An mới chắc mình còn sống! Hu hu -Thằng Thượng lại bật khóc- Cậu Năm em không biết sống chết, ổng hy vọng có chút tiền gởi về cho mợ Năm mà em không đem về được.

Trước thảm cảnh của gia đình Năm Thới, tôi bảo:

- Tiền đó là tiền ăn của D2, tao phải giữ lại để khi họ về đây tao đưa cho họ mua gạo. Còn một mớ vàng đây mày đem về cho bả. Nhưng đừng có nói um lên rồi tụi nó nói bộ đội giải phóng là ăn cướp nghe không. Nay mai biết đâu tới đơn vị mình xuống đó, sẽ bắt chước đập kiếng của người ta.

Thằng Thượng vui vẻ trở lại:

- Thú thiệt với anh là em không có đập cái tủ kiếng nào hết, nhưng tụi nó đập thì em cũng hôi vài cái. Cậu Năm em bảo: "Có lấy thì đừng lấy hết, phải chừa lại cho người ta vài cái".

- Rồi mày có chừa không?

- Dạ chừa gì được mà chừa? Em chừa thì tụi khác quơ sạch, chừa cũng như không, nên em không chừa. Chậc! Đánh giặc gì kỳ quá anh Hai à!

- Sao kỳ?

- Em đánh mấy trận với anh, thì anh ra lệnh rõ ràng. Hướng giặc đi, lệnh nổ súng, lệnh rút lui, thương binh tử sĩ có người cáng, hướng rút quân... nên em không sợ hãi. Còn ở đây bắn thì mạnh ai nấy bắn, không có đội ngũ gì hết, rút thì cũng mạnh ai nấy rút, không có lệnh lọt gì ráo. Mà bắn cũng không biết bắn mục tiêu nào. Địch ra sao cũng không trông thấy.

- Vậy ông Tư Nhựt đâu?

- Em không biết.

- Có dây thông tin không?

- Lúc em chạy thì có thấy dây điện quấn trên cây nhưng không biết của mình hay của địch.

- Mày có nghe ông Năm Truyện còn sống hay chết?

- Năm Truyện nào?

- Ổng là Tư Lệnh Mặt Trận A đánh vô Tổng Tham Mưu đó. Mày đi trong cánh của ông mà không biết sao?

- Em không biết gì hết. Chỉ nghe xầm xì là ông Tư Nhựt, ông Hai Phái đều chết ngay ở trận đầu. Nhưng người ta giấu lắm.

- Tại sao Hai Phái chết?

- Dạ em không biết.

- Tao ở nhà còn biết. Ổng hô đáng viên Cộng Sán tiến lên thì bị bắn vén ót, có không?

- Sao kỳ vậy mà em không biết. Có lẽ nào lính lại bắn chỉ huy? Như cậu Năm em, có ai bắn ổng đâu. Bị rượt cùng đường, ổng bảo lính: "Đứa nào giỏi thì chui tìm đường sống. Tao hết khả năng rồi. Thằng nào muốn lên thay tao, cứ lên!"

Sau đây tôi xin nêu ra tổ chức các Bộ Tư Lệnh Tiền Phương trong đợt một đánh vào Sài Gòn để bạn đọc rõ:

i>Mặt mũi trông xinh tệ. Ai đây? Tên Trần Văn Trà, bí danh ăn trộm: Tư Chi, giải phóng gọi là Tư Chè, tình địch hèn hạ của Thiên Lôi. Một tên liếm bát rất sạch cho đám Bắc Kỳ, nhưng cuối cùng, vì tranh ăn mà bị đá văng ra khỏi mâm cỗ. Năm 1949 ở Tháp Mười, luật sư Lê Đình Chi bị bom chêt, hắn tới định chôm bà goá còn măng. Bà này muốn thủ tiết với chồng nên đưa con gái ra dưng dưa để trám miệng hắn.

Trong chín năm đánh Tây, nơi này từng là căn cứ của Bộ Tư Lệnh Nam Bộ, sau khi Nguyễn Bình bị kêu về Bắc, giao lại cho Trà là tư lệnh và Lê Đức Anh làm tham mưu trưởng, xuất phát từ căn cứ Long Nguyên. Trà cho mở chiến dịch Bến Cát đánh dọc quốc lộ 3 và trên sông Sài Gòn. Lực lượng gồm có D302, 303, 304 của E Đồng Nai cũ, cùng các lực lượng địa phương của tỉnh Gia Định do Tô Ký chỉ huy. Trong chiến dịch này Trà và Anh bị quân Pháp đánh thọc vào căn cứ phải bỏ chạy khỏi Long Nguyên về Đất Cuốc quận Tân Uyên tỉnh Biên Hòa, để sau cùng phải chạy lên chiến khu Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh, rồi lên tận Sóc Xoài gần biên giới Việt Miên sau này là căn cứ R.

Bây giờ cũng chính Trà cho hồi sinh căn cứ Long Nguyên để cho Bộ Chỉ Huy R ẩn náu. Năm 67 (vào khoảng tháng Bảy) một trung đoàn Công Binh (429) do Tư Cường chỉ huy từ R xuống đây thiết lập căn cứ "vĩ đại" này, gọi là căn cứ của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương do Ba Xu đặc trách. Quyết định ở trên phải hoàn thành trước Tết Mậu Thân để kịp sử dụng trong cuộc tổng tấn công.

Tôi đã từng đến các căn cứ của Năm Lê, Ba Xu. Đây chỉ là trò chơi của trẻ con so với cái căn cứ tiền phương này.

Các bạn độc giả thử tưởng tượng hơn một ngàn nhân công (lính công binh) làm việc mỗi ngày: đào đất, cắt cây, khiêng vác... trong vòng sáu tháng. thì cái hầm Đờ Cát Tri có lẽ còn thua xa.

Hầm dưới đất hình nón, cây làm đà ngang đà dọc và trụ cột bề kính ít nhất ba tấc, bề sâu ba mét, nắp đắp đất dày ba mét, vách đất dày hai mét. Gồm có phòng ngủ cho các tên tướng đầu bò (có phòng đặc biệt cho tên Sáu Di) có phòng họp, có giếng sâu 23 thước., có bếp kiến trúc theo Hoàng Cầm, phòng chứa lương thực, quân y và vũ khí. Mỗi phòng ngủ đều có cửa lên xuống và tấm chắn dày hai mét. Các phòng ăn thông nhau bằng hầm ngầm có nắp, đặc biệt có máy phát điện nhỏ để cung cấp ánh sáng và có đường dây điện thoại giữa các phòng với nhau.

Nói tóm lại, đây là một thành phố nhỏ có thể chứa từ 100 đến 200 người do sức lao lực tay chân của bọn nô lệ da vàng gốc Nam Kỳ làm quần quật bất kể ngày đêm để cho bọn Bắc Kỳ xâm lược ăn cướp chính quê hương của mình và biến nó thành thuộc địa của đế quốc Bắc Kỳ mang danh hiệu Giải Phóng Quân.

Theo ý đồ "ở trên" thì kiến trúc khổng lồ này sẽ có thể ăn B52 mà không bị đổ nát (rõ thật ngông cuồng). Pháo 105 ly không hủy diệt được. Chúng không biết rằng chỉ vài quả pháo 175 hoặc hơn 100 ký thì nắp hầm sẽ bay tung. Còn bom đìa thì khoan sâu đến mười thước, sức phá bề kính là 100 thước, rộng bằng miệng đìa lớn, do đó nên có tên là bom đìa (mỗi quả nặng 750 pounds).

Sáu Di tức Nguyễn Chí Thanh bị một nhánh cây gãy rơi trúng đầu chết ngay không kịp ngáp ngay trước miệng hầm khi hắn vừa bước lên.

Lúc đó chưa xảy ra chiến trận. Hắn chỉ xuống đây xem qua cho biết sự tình, nào dè bị trời đoản mạng (trước khi hoàn thành hầm này).

Bộ Chỉ Huy tối cao trong trận Mậu Thân đóng trong hầm này, gồm:

1- Tổng Chỉ Huy: Trần Văn Trà; Phó: Trần Độ (Chín Vinh), Lê Trọng Tấn. Còn các tên khác như Hoàng Văn Thái (Đồng Văn Cống); Nguyễn Thị Định và Nguyễn Hồng Lâm (tức Hai Búa) không ra mặt hẳn và cũng không có ở trong này.

2- Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Phân Khu 1:Ba Xu tư lệnh; Tư Trường chánh ủy.

Bộ Tư Lệnh biệt phái (tiền phương) do Năm Sài Gòn F trưởng công trường 9 làm tư lệnh; Tám Hà chánh ủy; Tư Chi (trung tá pháo binh) tham mưu trưởng. Cánh này đánh Tân Sơn Nhứt, Tổng Tham Mưu và Bộ Tư Lệnh Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Lực lượng gồm có:

+ E mũi nhọn do Tư Nhựt làm E trưởng, Hai Phái chính trị viên E.

+ Một E của công trường 9 đi tập hậu nhưng không vô được, chỉ tới Tân Thành Đông rồi quay về.

+ Một E của Năm Sĩ thuộc F304 thời Điện Biên Phủ tức E88 chỉ lọt được một D xuống khỏi Cầu Bông thì bị lính Dù chặn đánh tiêu diệt gọn. Còn hai D kia và E bộ bị mắc lầy ở Mỹ Hạnh, bị trực thăng và bom pháo xơi, kéo về Bến Chùa thì mất phiên hiệu, số tàn quân còn lại nhập qua cho Q16 của Ba Kiên (gốc 325 Bắc Việt).

+ Q16 của Ba Kiên không có xuống Sài Gòn mà làm nhiệm vụ kềm chế vùng trung tuyến Củ Chi Trảng Bàng với E268 để đánh phản kích, bị lữ đoàn Dù 173 Mỹ, xe tăng và sư đoàn 25 Mỹ xơi tái toàn bộ.

+ E268 đánh đồn Tân Thông và đồn Cầu Ván đều mang máu chạy rót, chết trên 300 lính và cán bộ A, B, C, D.

3- Cánh hữu ngạn sông Sài Gòn (tức Phân Khu 5) do Nguyễn Văn Sinh tức Ba Ngọt làm tư lệnh, (nguyên là lữ trưởng F330 về Nam làm trưởng phòng tác chiến, Cục Tham Mưu R). Theo kế hoạch thì cánh này sẽ gặp cánh của Năm Sài Gòn ở Gò Vấp để đánh chiếm Tân Sơn Nhất và tỉnh lỵ Gia Định. Gồm có các D Phú Lợi I, II, III của tỉnh Bình Dương, một E của công trường 7. Ba Ngọt thọc sâu xuống tới Xóm Mới, xã An Nhơn Gò Vấp thì bị Nhân Dân Tự Vệ bao bắt được.

4- Cánh phía Nam (tức Phân Khu 2 và 3) từ quốc lộ 4 vô Phú Lâm, Phú Thọ Hòa, Chợ Lớn do trung tá Hai Nan chỉ huy. Ông này đánh sơ sơ ba sợi vô tới Chợ Lớn rồi hồi chánh trong đợt một.

5- Cánh Rừng Sát Nhà Bè (tức Phân Khu 4) do Mười Đài làm tư lệnh, Tám Quang (chúa nói phét, kẻ tổ chức đám con gái "dũng sĩ") làm chánh ủy. Bộ hạ gồm có Năm Kỳ Nam chánh ủy và Hai Lơn phó tư lệnh. Bọn này chỉ huy đám đặc công đánh hãng dầu ở Nhà Bè, nhưng chẳng được trò hề gì ngoài việc nã vài trái DKB (tức đạn khoan bê tông) vào hãng Shell làm cháy lam nham mấy cái bề hê Ba Tàu và cháy xà lan dầu gần cầu Phú Xuân.

Bọn đầu bò R ở trong căn cứ Long Nguyên này cho đến khoảng tháng Bảy 1968 thì cả bọn bồng bế nhau chạy lấy người qua xứ Cao Miên ở đậu. Khoảng tháng Chín 68 tôi có đến đấy để học tập về thành lập chính phủ ma do Huỳnh Tấn Phát cầm đầu và vụ đàm phán ở Paris. Vì vậy tôi mới có dịp đến đây ngó cái tác phẩm vĩ đại của Tư Cường công binh đoàn 429, nơi ghi dấu nhục nhã của chiến tranh Giải Phóng Miền Nam: cái chết của tên Sáu Di, đại tướng đầu đỏ.

Nói tóm lại, các cánh tấn công Sài Gòn đều đánh lam nham không một nhiệm vụ nào được hoàn thành 5%, 10% nhưng đài Giải Phóng và đài Hà Nội đều la ó ra rả suốt ngày đêm: đài phát thanh, cơ quan Tổng Tham Mưu, Tân Sơn Nhứt đều bị quân giải phóng chiếm lãnh hoàn toàn, các tỉnh lỵ lần lượt hết tỉnh này đến tỉnh khác được giải phóng, đồng bào ùa ra đường đón mừng quân giải phóng.

Mẹ kiếp, quân giải phóng ăn cướp đến đâu đồng bào chạy bạt mạng, không dám dừng lại dòm xuống dưới xem mặt quân giải phóng mồm ngang miệng dọc ra sao!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx